Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Bài viết đáng chú ý

Bộ CA kết luận nguyên nhân cái chết vụ 'quan tài diễu phố'

Theo kết luận pháp y, nạn nhân Tuấn Anh sau khi bị đánh đa chấn thương, trong người lại có hơi rượu nên khi bị đẩy xuống nước, không có khả năng phản kháng dẫn đến bị ngạt nước và tử vong.
Hôm qua (1/4) Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã có Kết luận pháp y số 837/C54 (P6) và Kết luận giám định số 56 ngày 1/4/2013 của Pháp y tỉnh Vĩnh Phúc về nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh (27 tuổi, trú Phố Cả, phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên) ngày 14/3.

Cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi
Cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi.
Theo kết luận pháp y của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, nguyên nhân chết của Nguyễn Tuấn Anh: ngạt nước, trên người có chấn thương vùng lưng và gối trái; Tổn thương ở vùng lưng và gối trái do vật tày gây nên; Trong máu của tử thi có etanol nồng độ 312,4mg/100ml, trong phủ tạng không tìm thấy các chất độc thường gặp.
Theo cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc, kết luận pháp y này phù hợp với các tài liệu thu thập được từ trước đến nay về vụ án. Trước đó, sáu bị can bị bắt trong vụ án khai báo, chúng đã đánh anh Tuấn Anh bị đa chấn thương, sau đó đẩy xuống mương nước.
Nghĩa là anh Tuấn Anh sau khi bị đánh đa chấn thương, trong người lại có hơi rượu nên khi bị đẩy xuống mương nước, không có khả năng phản kháng (dù chưa bị chết), từ đó dẫn đến bị ngạt nước và tử vong.
Cơ quan pháp y sẽ xem xét tổng thể các tổn thương trên cơ thể và trong phủ tạng, từ đó mới có kết luận chính xác. Như vậy, việc cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố sáu bị can về tội giết người là chính xác.
Sáu bị can liên quan đến vụ án mạng khiến nạn nhân Nguyễn Tuấn Anh tử vong ngày 14/3 hiện đang bị tạm giam để điều tra gồm: Nguyễn Văn Bính (phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), Nguyễn Văn Tình (SN 1988), Nguyễn Văn Định (SN 1983), cùng ở huyện Vĩnh Bảo - TP Hải Phòng; Phùng Đắc Tú (SN 1994), Phùng Mạnh Tuấn (SN 1992), cùng ở Hợp Thịnh, huyện Tam Dương - tỉnh Vĩnh Phúc; và Đặng Quốc Tú (SN 1980, thường trú tại xã Văn Lung, Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ).
Tuấn Nguyễn
(Tiền phong)

Công bố các tang chứng vụ Đoàn Văn Vươn

HĐXX cho đem các vật chứng của vụ án đến phiên tòa, trong đó có súng bắn đạn hoa cải và nhiều đạn, bình gas các bị cáo định bắn gây nổ.
Theo đúng lịch, sáng ngày 2/4 tại Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Hải Phòng đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án Đoàn Văn Vươn và người thân với tội danh “Giết người, chống người thi hành công vụ”.
* Tiếp tục cập nhật 
- 11h20: Phiên tòa tạm nghỉ.
Tang vật của vụ án

- Tới 10h, phiên toà bắt đầu chuyển sang phần xét hỏi các bị cáo trong vụ án.

- 9h 30, phiên tòa tiến hành các thủ tục kiểm tra căn cước. Trước khi diễn ra phiên xét xử, HĐXX cũng cho đem các vật chứng của vụ án đến, trong đó có súng bắn đạn hoa cải và nhiều đạn. Vào cuộc điều tra làm rõ vụ án, Cơ quan điều tra Công an TP Hải Phòng đã thu giữ 1 bình ắc quy; một làn nhựa; 4 vỏ đạn; 2 viên đạn có gắn nến màu đỏ; một đoạn dây điện; ống nhòm; 4 mảnh kim loại; 2 kíp nổ, 2 bình ga…

- Bắt đầu từ 9h15 sáng nay 2/4, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng đã đọc bản cáo trạng truy tố Đoàn Văn Vươn và các đồng phạm về tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”.
Bị cáo Phạm Thị Báu (vợ của Đoàn Văn Quý)
Bị cáo Nguyễn Thị Thương (vợ của Đoàn Văn Vươn)
Bị cáo Đoàn Văn Vươn
Theo cáo trạng, thực hiện việc chống đối, Sịnh, Quý, Thoại, Thái, Báu, Thương và một số người trong gia đình cùng nhau làm năm hàng rào ngăn cản trên đường vào khu đầm, trải rơm trên đường đi; chuẩn bị súng, bình ga, vật liệu nổ… nhằm mục đích chống đối lại Đoàn cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng để giữ đầm bằng mọi giá.

Đến sáng ngày 5/1/2012, khi tổ công tác số 3 của UBND huyện Tiên Lãng tiến hành rà phá vật liệu cháy, vật liệu nổ trên đường dẫn vào khu đầm do Vươn đang quản lý, khi đến sát hàng rào thứ nhất cách nhà Quý khoảng 40m, Quý đã kích nổ mìn tự tạo làm bình ga tung lên, nhưng do bình ga không phát nổ nên không làm ai bị thương.

Tổ công tác thực hiện trách nhiệm của mình tiếp tục tiến đến hàng rào thứ hai sát với chuồng chăn nuôi cách nhà Quý khoảng 18m, lúc này Quý dùng súng hoa cải bắn phát thứ nhất vào nhóm bên trái chuồng chăn nuôi, thấy có người bị thương, Quý tiếp tục cầm khẩu súng thứ hai bắn vào nhóm bên phải chuồng chăn nuôi làm một số người bị thương.

Ngay lúc đó, Thoại từ trên tầng hai chạy xuống lấy một khẩu súng và mang theo đạn lên tầng hai, còn Quý tiếp tục nạp đạn và bắn phát thứ ba, lúc này Quý cũng nghe thấy tiếng súng nổ từ trên tầng hai. Sau đó Thái và Thoại từ tầng hai cầm súng chạy xuống bảo Quý rời khỏi nhà. Quý chạy ra đổ xăng và rơm đốt nhưng do đêm hôm trước trời mưa, rơm không cháy được thì Quý, Thoại, Thái cầm theo hai khẩu súng xuống thuyền bỏ trốn.

Hậu quả hành vi của Quý, Thái, Thoại sử dụng các công cụ, phương tiện tấn công vào tổ công tác số 3 làm bị thương 7 người.
Bị cáo Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Sịnh đang được xét xử sơ thẩm.

Phiên tòa sẽ được kéo dài tới mùng 5/4.
Bản cáo trạng số 10/CT-P1A của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng do ông Bùi Đăng Dung - Phó Viện trưởng VKSNDTP Hải Phòng ký ngày 4/1/2013 đã xác định: Năm 1993, Đoàn Văn Vươn, sinh năm 1963, thường trú tại thôn Thuý Nẻo, xã Bắc Hưng (Tiên Lãng - TP Hải Phòng) được UBND huyện Tiên Lãng giao 21 ha đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia thuộc xã Vinh Quang với thời hạn sử dụng 14 năm kể từ ngày 4/10/1993.
Trong quá trình đắp bờ, ông Vươn đã lấn chiếm ra ngoài diện tích được giao 19,3 ha, UBND huyện Tiên Lãng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tiếp tục giao bổ sung phần đất lấn chiếm này cho ông Vươn để nuôi trồng thuỷ sản, thời hạn sử dụng đến ngày 4/10/2007.
Ngày 7/4/2009, UBND huyện Tiên Lãng ra Quyết định số 461/QĐ-UBND thu hồi diện tích 19,3 ha đất nói trên đã hết thời hạn sử dụng. Do không đồng ý với quyết định thu hồi đất, Đoàn Văn Vươn đã khởi kiện đến Tòa hành chính Tòa án nhân dân TP Hải Phòng.
Vụ án được Tòa án địa phương giải quyết và giữ nguyên Quyết định số 461/QĐ-UBND, ngày 24/11/2011, UBND huyện Tiên Lãng ra Quyết định số 3307/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với diện tích 19,3 ha và ban hành kế hoạch tổ chức cưỡng chế. Quyết định thu hồi đất và kế hoạch cưỡng chế được UBND huyện thông báo cho Đoàn Văn Vươn, đồng thời chỉ đạo tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương giải thích, vận động nhưng Đoàn Văn Vươn vẫn không chấp nhận.
Sau khi nhận được thông báo của UBND huyện về việc cưỡng chế thu hồi đất đầm, ông Vươn đã nhiều lần cùng anh em trong gia đình gồm Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Thoại, Phạm Thái bàn bạc quyết tâm giữ lại khu đầm bằng mọi cách.
Theo đó, Vươn và Sịnh bàn bạc và thống nhất với mọi người làm hàng rào ngăn lối đi, làm mìn tự tạo chôn trên đường vào, mua xăng để đốt và dùng súng hoa cải bắn vào lực lượng cưỡng chế. Việc bàn bạc diễn ra tại nhà Vươn, nhà Quý và có mặt Nguyễn Thị Thương (vợ Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thị Báu (vợ Đoàn Văn Quý).
Sau khi gây án các đối tượng nêu trên đã bỏ trốn, sau đó lần lượt bị Công an TP Hải Phòng bắt giữ.
Khi bắt giữ Vươn, Sịnh, Vệ - CQĐT đã thu giữ thêm 3 điện thoại di động; 1 vỏ tút đạn bằng kim loại và một số giấy tờ khác. Với hành vi của các bị can, Viện kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng cho rằng, đã có đủ cơ sở xác định các bị can đã có hành vi đồng phạm tội giết người theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đối với Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu đã tiếp nhận ý chí của Vươn, Quý, Sịnh về việc chống lại người thi hành công vụ và có hành vi trực tiếp tham gia làm hàng rào, trải rơm, mua xăng, mua mũ len để tạo điều kiện cho các bị can khác thực hiện hành vi chống đối những người thi hành công vụ, do vậy có đủ cơ sở xác định các bị can đã có hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Sau khi kết thúc phần công bố cáo trạng, sáng cùng ngày Hội đồng xét xử vụ án “ Giết người” và “ Chống người thi hành công vụ” sẽ chuyển tiếp sang phần xét hỏi các bị cáo và bị hại liên quan đến vụ án.
Lê Tú
(Infonet)

Nguyễn Quang A - Vì sao truy tố Đoàn Văn Vươn tội giết người?

20111105-c491e1bbabng-bie1babfn-ngc6b0e1bb9di-dc3a2n-thc3a0nh-chue1bb99t-be1baa1ch
TS. Nguyễn Quang A
Dự kiến từ ngày 2-4 đến 5-4-2013 sẽ xử vụ Đoàn Văn Vươn. Ông và 3 người khác bị truy tố về tội giết người theo điều 93 Bộ luật Hình sự.

 Về tội danh “giết người” này báo chí đã bàn luận sôi nổi ngay từ khi xảy ra vụ cưỡng chế thu hồi đất ngày 5-1-2012 đến nay (chính xác hơn từ khi khởi tố vụ án ngày 10-1-2012).
Theo Tuổi trẻ ngày 30-12-2012, ông Đinh Văn Quế nguyên chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao cho rằng “khó xử ông Vươn tội giết người” bởi vì anh em ông Vươn chỉ bàn bạc lên kế hoạch chống cưỡng chế thu hồi đất chứ không phải để giết ai đó, như thế nhiều nhất “họ chỉ phạm tội với hình thức lỗi cố ý gián tiếp”, và trong trường hợp đó nhiều nhất họ chỉ bị truy tố về tội “gây thương tích” chứ không phải tội “giết người”. Đấy là ý kiến của một chuyên gia hàng đầu về án hình sự.
 Toàn cảnh phiên xử. Ảnh: TTXVN.
Toàn cảnh phiên xử. Ảnh: TTXVN.
Không những thế, mìn tự chế bằng bình gas của anh em ông Vươn được đặt quanh nhà không thuộc diện tích bị cưỡng chế và lực lượng cưỡng chế đã phá rào để vào mà không thông báo, không xin phép là hành vi vi phạm chỗ ở của công dân. Như thế hành động của anh em ông Vươn có thể được coi là sự tự vệ chống lại những kẻ xâm lấn, chứ không phải chống lại những người thi hành công vụ.
Thế nhưng cơ quan Cảnh sát điều tra Hải Phòng đã khởi tố vụ án giết người và chống người thi hành công vụ.
Ngày 10-2-2012 Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất của ông Vươn là sai; huyện Tiên Lãng huy động lực lượng quân đội tham gia cưỡng chế là không đúng; “để xảy ra việc này là rất đáng tiếc”. Thế nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo Hải Phòng phải “khẩn trương đưa vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”. Cái phần “khẩn trương” này của kết luận của Thủ tướng được ít người chú ý đến. Và đấy có lẽ là lý do vì sao tội danh “giết người” vẫn được duy trì.
Bị cáo Đoàn Văn Vươn trước tòa sáng 2/4.
Bị cáo Đoàn Văn Vươn trước tòa sáng 2/4.
Việc chỉ đạo, yêu cầu của nhiều lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, của lãnh đạo các cơ quan hành pháp hoặc lập pháp đối với việc khởi tố, xét xử các vụ án là một chuyện được coi là “bình thường” ở Việt Nam. Đấy là một tập quán hết sức “không bình thường” trong một nhà nước pháp quyền mà chúng ta phấn đấu xây dựng.
Sự không độc lập của hệ thống tư pháp gây ra nhiều hậu quả tai họa. Nó phá hủy lòng tin vào hệ thống pháp luật. Nó mở đường cho sự lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Nó là một “lỗi hệ thống” trầm trọng, cản trở sự phát triển của đất nước và vì thế cần sửa gấp.
Trong thảo luận góp góp ý cho việc sửa đổi hiến pháp cần phải làm rõ tính độc lập của ngành tư pháp để tránh những việc “rất đáng tiếc” như vụ thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất ngày 5-1-2012 ở Tiên Lãng và rất rất nhiều vụ khác. Những người kiên trì chống sự độc lập của ngành tư pháp, rốt cuộc là những người gây bất ổn xã hội và cản trở sự phát triển của đất nước và như thế phải bị lên án.
Nguyễn Quang A
-----------------
* Bài viết cho một tờ báo của nhà nước mấy ngày trước, nhưng không được sử dụng và tác giả được trả lời là “lệnh của trên không cho viết về vụ Đoàn văn Vươn cho đến khi xử án xong”.(ABS)

Đoàn Văn Vươn thừa nhận chỉ đạo anh em mua súng

Trong phần xét hỏi tại tòa sáng nay, bị cáo Đoàn Văn Vươn cho biết bị cáo đã chỉ đạo anh em mua súng chuẩn bị chống lại lực lượng cưỡng chế.

Toàn cảnh phiên tòa sơ thẩm xử vụ án Đoàn Văn Vươn. Ảnh: TTXVN
Phiên tòa xét xử vụ Đoàn Văn Vươn
Lúc 8 giờ 20 phút, 6 bị cáo là anh em Đoàn Văn Vươn được lực lượng công an đưa vào hội trường. Trừ 2 bị cáo Báu và Thương được tại ngoại, 4 bị cáo Vươn, Quý, Sịnh và Vệ đều khỏe mạnh. Bước vào phòng xử án, cả 4 bị cáo đều chăm chú nhìn xuống phía dưới để được thấy người thân.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phạm Đức Tuyên. Hai kiểm sát viên thực hiện quyền công tố tại phiên tòa là Bùi Đăng Trung và Nguyễn Thanh Bình.
Có 11 luật sư (LS) bảo vệ cho các bị cáo gồm: LS Nguyễn Việt Hùng, Phùng Khắc Lợi, Hoàng Mạnh Hùng, Phạm Xuân Ngà, Đinh Xuân Nhật, Trần Đình Triển, Đinh Thị Hòa, Ngô Minh Long, Nguyền Hồng Bách và Vũ Văn Lợi.
5/7 bị hại là cán bộ, chiến sĩ thuộc công an, Ban chỉ huy quân sự H.Tiên Lãng đã có mặt tại phiên tòa (2 vắng mặt đã có đơn xác nhận của đơn vị).
Ngay sau phần công bố cáo trạng của Viện KSND thành phố, Hội đồng xét xử (HĐXX) tiến hành phần xét hỏi đối với bị cáo Đoàn Văn Vươn.
Ngay phút đầu tiên trong phần xét hỏi, bị cáo Vươn đã khẳng định: “Bị cáo không đồng ý với tội danh mà Viện KSND thành phố đã truy tố bị cáo”.
Trong suốt thời gian gần một giờ đồng hồ, bị cáo Vươn dõng dạc trả lời trả lời tất cả các câu hỏi của chủ tọa, của đại diện Viện KSND và luật sư bào chữa.
Khi chủ tọa phiên tòa Phạm Đức Tuyên hỏi, ngoài việc gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng thì bị cáo đã bàn bạc với ai, chuẩn bị những gì để chống lại lực lượng chức năng?
Bị cáo Vươn đáp: Sau khi nhận được quyết định cưỡng chế vào khoảng trung tuần tháng 12.2011, bị cáo đã bàn bạc với Quý, Sịnh. Địa điểm bàn bạc khi ở nhà Quý, khi ở nhà bị cáo. Bị cáo là người đề xuất sẽ chuyển vụ án hành chính (Đoàn Văn Vươn đã kiện ra tòa hành chính) sang hình sự. Sau đó bị cáo chỉ đạo mua súng, bình gas, kíp mìn để chuẩn bị cho việc chống lại lực lượng cưỡng chế.
Gần 12 giờ trưa, tòa tạm nghỉ. Buổi chiều tòa tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo khác.
(Thanh niên) 

Anh em Đoàn Văn Vươn bình tĩnh trong phiên tòa

Đúng 7h ngày 2/4, xe chở bị cáo Đoàn Văn Vươn cùng những bị cáo khác (liên quan đến vụ cưỡng chế, thu hồi đất tại Tiên Lãng – Hải Phòng vào tháng 1/2012) đã có mặt tại Tòa án thành phố Hải Phòng bắt đầu phiên xét xử sơ thẩm.
Từ sáng sớm, đã có rất nhiều quần chúng nhân dân quan tâm đến phiên xét xử tập trung xung quanh khu vực tòa án để tìm hiểu thông tin sự việc.
Các bị cáo Đoàn Văn Vươn (50 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi), Đoàn Văn Quý (47 tuổi), Đoàn Văn Vệ (39 tuổi), bị truy tố về hành vi “giết người”.

Bị cáo Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn, 43 tuổi), Phạm Thị Báu (vợ ông Quý, 31 tuổi) bị truy tố về hành vi “chống người thi hành công vụ”.

Lực lượng an ninh được thắt chặt, nhiều chốt công an được bố trí quanh khu vực tòa án để giải tỏa ách tắc giao thông, phục vụ cho phiên xét xử sơ thẩm diễn ra được tốt đẹp.

Trong phòng xử án, đúng 8h, lực lượng chức năng đưa Đoàn Văn Vươn cùng các bị cáo vào để khai mạc phiên tòa.
Các bị cáo có mặt tại tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng vào sáng 2/4/2013.
Các bị cáo có mặt tại tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng vào sáng 2/4/2013.
Chủ tọa phiên tòa là ông Phạm Đức Tuyên, Phó Chánh án tòa án nhân dân Hải Phòng. Có 7 luật sư tham dự bào chữa cho 6 bị cáo (4 bị cáo tạm giam và 2 bị cáo được tại ngoại). Đặc biệt, bị cáo Đoàn Văn Vươn xin được tự bào chữa cho mình.

Bên phía 5 bị hại chỉ có 1 luật sư bào chữa là ông Dương Văn Thành, thuộc Đoàn Luật sự thành phố Hải Phòng.

Theo ghi nhận của PV báo Đất Việt, phiên xét xử được tiến hành nghiêm túc, công khai. Những người có mặt tại phiên tòa giữ trật tự, không khí yên lặng ngay từ khi chưa khai mạc phiên tòa.

Bị cáo Đoàn Văn Vươn tỏ ra khá bình tĩnh trả lời những câu hỏi đầu tiên của thẩm phán.
Bị cáo Đoàn Văn Vươn tỏ ra khá bình tĩnh trước bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Hải Phòng.
Bị cáo Đoàn Văn Vươn tỏ ra khá bình tĩnh trước bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Hải Phòng.
Khi Chủ tọa phiên tòa Phạm Đức Tuyên hỏi về tình hình sức khỏe và những điều liên quan đến phiên xét xử, bị cáo Đoàn Văn Vươn trả lời: “Sức khỏe tốt, đã nắm rõ các vấn đề”.

Bị cáo Đoàn Văn Quý cũng giống như anh mình (Đoàn Văn Vươn), bình thản trả lời từng câu hỏi bước đầu của phiên xét xử.

Hai bị cáo được tại ngoại là Phạm Thị Báu, Nguyễn Thị Thương tỏ ra khá thoải mái khi có mặt trong phiên xét xử. Bị cáo Nguyễn Thị Báu (vợ Đoàn Văn Vươn) nở nụ cười trước máy quay phim của các cơ quan truyền thông.

Trong phiên xét xử này, Tòa án thành phố Hải Phòng triệu tập 8 nhân chứng nhưng chỉ có 4 nhân chứng có mặt. Tang chứng, vật chứng của sự việc là hai bình ga, súng tự chế…được mang ra trước tòa.
Bị cáo Đoàn Văn Quý.
Bị cáo Đoàn Văn Quý trả lời câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa.
Dự kiến, phiên tòa xét xử Đoàn Văn Vươn sẽ diễn ra từ ngày 2 – 5/4. Theo cáo trạng, do không đồng tình với việc thu hồi đầm trái quy định pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng, ông Đoàn Văn Vươn cùng người thân trong gia đình dùng súng (loại bắn đạn hoa cải) chống lại lực lượng cưỡng chế, làm 7 cán bộ, chiến sĩ công an và quân đội bị thương sáng 5/1/2012.
Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đề nghị xét xử các bị cáo với tội danh giết người và chống người thi hành công vụ.

Các bị hại Lê Văn Mải (thượng tá, nguyên Trưởng Công an huyện Tiên Lãng) cùng các cán bộ công an huyện Vũ Anh Tuấn, Đỗ Xuân Trường, Đào Văn Đức, Nguyễn Văn Phong phải điều trị hết gần 45 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này đã được Công an huyện Tiên Lãng chi trả nên các bị hại không yêu cầu bồi thường, chỉ yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần.
Công an huyện Tiên Lãng vẫn đề nghị các bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chi phí điều trị cho các bị hại.
Hai bị hại khác là cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tiên Lãng, gồm ông Đào Trọng Dũng và Lê Văn Ghi, bị thương phải điều trị hết gần 12,3 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này đã được Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tiên Lãng chi trả nên không yêu cầu bồi thường.
Đông Tẩu
(Đất Việt)

Phạm Chí Dũng - Bài học từ Tiên Lãng

Không quá khập khiễng, vụ xét xử hành vi ‘giết người, chống người thi hành công vụ’ của Đoàn Văn Vươn và người thân có thể khơi gợi lại vụ án Dreyfus - một vụ án cuốn hút sự chú tâm và lương tri của cả châu Âu vào cuối thế kỷ 19.

Đại úy Alfred Dreyfus, người Pháp gốc Do Thái, bị buộc tội 'phản quốc' do tình nghi làm 'gián điệp'. Từng bị kết tội và bị đày ra đảo chung thân, cuối cùng Dreyfus cũng được tòa án Pháp tuyên trắng án sau một cuộc chiến không khoan nhượng giữa lương tri với nền pháp quyền đầy tính toán.

Vụ việc Tiên Lãng đã làm lộ rõ mâu thuẫn giữa chính quyền với nhân dân
Cũng như Dreyfus, người nông dân Đoàn Văn Vươn ở vùng đất Tiên Lãng là một quân nhân, một đồng chí của chính thể đương nhiệm.

So với huyện Quỳnh Phụ của tỉnh Thái Bình 16 năm trước, ở vụ việc Tiên Lãng, người ta nhận ra những điều quen thuộc đang xảy ra ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Tĩnh cho đến Đà Nẵng, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang và An Giang.

Tiên Lãng không còn đơn thuần là một đơn vị hành chính nhỏ hẹp trên bản đồ mà đã đi vào lịch sử là sự kết tụ của bức xúc, bất mãn, phản ứng, xung đột và cuối cùng là bạo động về đất đai - kết cục tất yếu sau ít nhất 4.000 vụ khiếu kiện tập thể trong hơn 7 năm qua tại nhiều địa phương.

Điều gì phải đến đã đến, một khi lối mòn không được phát quang. Phiên tòa Đoàn Văn Vươn có thể xem là phần dẫn nhập cho tấn bi kịch hiện đại của nông dân Việt Nam.

Vào những ngày sát thời điểm phiên tòa ở Hải Phòng, rất đông nông dân Văn Giang, Dương Nội đã chuẩn bị băng rôn, biểu ngữ và định sẽ kéo đến tòa án để biểu thị sự đồng cảnh và nỗi đồng cảm với người bạn nông dân của mình.
Công an có thấu?
Vụ việc ông Vươn đã là dấy lên sự đồng cảm của những nông dân cùng cảnh ngộ
Vào năm ngoái, dân gian có câu ‘Tiên Lãng chưa qua, Xuân Quan đã đến’.

Phiên tòa xử Đoàn Văn Vươn lại đang diễn ra cùng thời điểm cách đây một năm khi những người nông dân ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bị chính quyền chèn ép với mức giá bồi thường rẻ mạt để thu hồi đất đai cho dự án Ecopark - vốn được miêu tả là dự án sinh thái tầm cỡ nhất quốc gia.

Người dân cũng có quá nhiều lý do để nghi ngờ cái gọi là ‘kinh phí cưỡng chế”. Ai gánh chịu chi phí đó? Tiền ngân sách tức có tiền thuế của nông dân hay tiền của chủ đầu tư? Cái gọi là ‘dịch vụ hỗ trợ thi công’ từng xảy ra ở Cần Thơ vẫn còn nguyên trong trí nhớ của người dân mất đất.

Nếu trong vụ việc Đoàn Văn Vươn, Công an Hải Phòng đã tự hào về sự ‘hiệp đồng binh chủng hiệu quả chưa từng có’, thì ở Văn Giang, lực lượng cưỡng chế đã lên đến hàng ngàn người nhằm bảo vệ cho một dự án tư nhân với nhiều khuất tất chưa được làm rõ.

Tại hiện trường cưỡng chế, nhiều tiếng nói đầy phẫn nộ bật lên: “Các anh bảo vệ cho ai? Bảo vệ cho những kẻ cướp đất của cha mẹ các anh à?”, khiến cho một số người đang 'thực thi pháp luật' dường như phải quay mặt đi.

Hiện thực mà những người nông dân này đang chứng kiến đã xảy ra không chỉ một lần, không phải chỉ tại một địa phương trên đất nước này. Hậu quả của ngày hôm nay bắt nguồn từ một quá khứ mà người nông dân không nhìn thấy tương lai.

Nhiều đoàn người rồng rắn, hết ngày này đến tháng nọ đội đơn đi thưa kiện ở các cơ quan công quyền như cái cách con kiến kiện củ khoai. Khi mà mọi việc không đi đến đâu, khi mà tình thế trở nên tuyệt vọng thì người dân chỉ còn một hy vọng cuối cùng: làm thế nào phải giữ cho được mảnh đất canh tác cuối cùng của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Khanh, cựu phó chủ tịch huyện Tiên Lãng, là một trong những quan chức bị truy cứu trách nhiệm
Không biết có bao nhiêu người trong đoàn cưỡng chế hùng hậu đó thấu hiểu được tình cảnh trên? Đa phần trong số họ xuất thân là con em của những gia đình nông dân, công nhân. Liệu họ có hiểu được cảnh ngộ̣ đáng thương của cha mẹ, anh chị họ, của những người đồng chí của họ?

Chưa rút kinh nghiệm?

Điều trớ trêu là qua vụ việc Tiên Lãng và Văn Giang chính quyền địa phương vẫn không rút ra được bài học xương máu nào về lòng dân, về triết lý 'nước nâng thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền'.

Vài ba ngàn nông dân Văn Giang ra mặt phản ứng chính quyền nhất định không phải là một con số đáng coi thường. Nhất là khi những nông dân nung nấu ý chí quyết giành lại công bằng và quyền lợi mưu sinh cho bản thân và gia đình.

Bài học ở Tiên Lãng đối với chính quyền địa phương vẫn là trật tự cần được áp đặt trở lại, chứ không phải là một cái van tâm lý đã đến lúc phải được xả dần để tránh bùng nổ.

Từ Tiên Lãng, Văn Giang, Dương Nội…, chúng ta có thể hình dung hậu quả xã hội và cả hậu quả chính trị nghiêm trọng trong tương lai không xa khi mà những người nông dân không còn quá sợ sệt việc xung đột với lực lượng cưỡng chế hay việc ra tòa.
Lấy dân làm gốc

Các cấp chính quyền nên lấy lời dạy “Lấy dân làm gốc” của Nguyễn Trãi như một kim chỉ nam cho việc cai trị. Cái gốc ấy cũng chính là quyền lợi về dân sinh và dân chủ của người dân.
Trung Quốc đã trừng trị đích đáng các quan chức trong vụ Ô Khảm
Quyền lợi thiết thân của người dân gắn liền với đất đai - chiếm đến 70-80% số đơn thư khiếu kiện, từ giá bồi thường, cho đến cưỡng chế thu hồi đất và nhu cầu tái định cư.

Quyền lợi đất đai cũng là nguồn cơn của các nhóm lợi ích còn lẩn khuất trong bóng tối. Hẳn người ta đã nhận ra nguy cơ của các nhóm lợi ích và hố sâu phân hóa giàu nghèo là lớn như thế nào và dễ bùng nổ đến thế nào trong xã hội Việt Nam đương đại.

“Sự tồn vong của chế độ” - sự lưu tâm đặc biệt của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - cũng khởi phát từ chính hiện trạng mà nếu không được cải cách kịp thời có thể sẽ làm biến đổi những gì tưởng chừng không thể thay đổi.

Trong sự kiện ở Quỳnh Phụ hồi năm 1997, hàng ngàn đảng viên và cán bộ đã bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau. Chỉ có như vậy mới yên được dân và làm chậm lại những gì lẽ ra có thể đã xảy ra sớm hơn.

Không có sự chỉnh đốn nào có thể giải quyết êm thấm mọi vấn đề đất đai nếu như không loại trừ các nhóm lợi ích đang tìm cách đầu cơ và có sự kết nối với một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên biến chất.

Cuộc đấu tranh về ruộng đất đã bước vào thời điểm của những hành động mạnh mẽ hơn - những hành động dẫn đến kết cục lao lý, thay cho những kiến nghị dường như chẳng có chút giá trị nào. Sẽ không còn sự thỏa mãn nửa vời nữa vốn được ấp ủ bằng sự phủ dụ đầy mị dân.

Thậm chí là một nghịch lý ngược ngạo: người ta chỉ có thể tìm thấy bình yên trong cơn dầu sôi lửa cháy.

Bài học tận cùng của mọi vấn đề oan sai chính là con người lãnh đạo. Bi kịch sẽ còn tái diễn chừng nào cái gốc của nó chưa bị nhổ.

Phiên tòa xét xử Đoàn Văn Vươn, Người áo vải, sẽ là một trong những phép thử cuối cùng cho sự tồn tại của cái gốc ấy.

Phạm Chí Dũng

Gửi cho BBC từ Sài Gòn

*Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của ông Phạm Chí Dũng, một cây viết chuyên về các vấn đề chính trị và kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh.
(Theo BBC)

Đoàn Văn Vươn có thể bị kết án 12 năm đến tử hình?

Báo điện tử của Đảng Cộng sản nói "đủ cơ sở" kết luận sáu người trong gia đình ông Vươn phạm tội giết người vốn có khung phạt từ 12 năm tới tử hình.
Các bản án trong những vụ nhạy cảm ở Việt Nam được cho là phải được Đảng Cộng sản cho ý kiến và những gì được công khai trên báo Đảng phần nào cho thấy hướng đi của phiên xử hiện nay ở Hải Phòng.

Áp phích châm biếm trên Facebook về phiên xử gia đình Đoàn Văn Vươn
Bài đăng ngày 2/4 trên trang cpv.org.vn mang tựa đề "Xét xử vụ án Đoàn Văn Vươn và đồng phạm: Khách quan, đúng tội và xem xét tình tiết giảm nhẹ".
Bài viết nói những người trong gia đình ông Vươn đã "quyết tâm phạm tội đến cùng" và "cố ý thực hiện hành vi giết người thi hành công vụ."
Báo Đảng viết: "Ngay từ khi bàn bạc, Đoàn Văn Quý đã thể hiện mong muốn giết người qua lời nói: “bắn chết mẹ chúng nó đi” và được Vươn, Sịnh tán thành, góp tiền mua thêm súng, chuẩn bị kỹ lưỡng việc sử dụng mìn tự tạo, súng để bắn vào bất kỳ người nào thi hành lệnh cưỡng chế.
"Ý chí quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng được thể hiện rõ thông qua hành vi kích mìn nổ nhưng không đạt hiệu quả thì tiếp tục sử dụng súng bắn, thấy có người trong tổ công tác bị trúng đạn vẫn tiếp tục bắn nhiều phát nữa.
Trang điện tử của Đảng Cộng sản cho rằng "Hậu quả chết người chưa xảy ra nằm ngoài ý muốn của các bị can.
"Như vậy, có đủ cơ sở xác định các bị can đã có hành vi đồng phạm tội giết người theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình."
Trang Bấm web của Đảng nói bảy người thi hành công vụ đã bị thương trong đó có người bị tới 16 vết thương và mất hơn 40% sức lao động.
Những thông tin này cũng được báo Bấm Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng, lặp lại.
Mặc dù vậy cpv.org.vn cũng dẫn lời bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án Tòa án nhân dân Hải Phòng nói sẽ "xét xử khách quan, công bằng, đúng tội và xem xét tình tiết giảm nhẹ theo đúng Thông báo ... kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Trang web của Đảng Cộng sản
Trang của Đảng Cộng sản nói đủ cơ sở kết tội "giết người"
Mạng xã hội

Những gì được đăng trên các cơ quan ngôn luận của Đảng trái ngược với nhiều ý kiến của người dân trên mạng xã hội.
Trước phiên xử người ta đã thấy xuất hiện áp phích châm biếm lan truyền trên mạng về 'Liên hoan phim Hoa Cải Đỏ' với bộ phim 'Vợ chồng A-Vươn' mà người soạn ra đặt tựa là 'do Viện kiểm sát nhân dân Hải Phòng 'đạo diễn' và 'Đảng Cộng sản phát hành'.
Hôm 1/4, blog Bấm Quê Choa đăng thơ của Thanh Thảo trong đó có đoạn:
"cứ nói mãi về cánh đồng Nọc Nạn

nhưng đây là Tiên Lãng

cứ nói mãi về oan trái bất công

nhưng đây là Đoàn Văn Vươn"
Tới sáng 2/4, mặc dù chính quyền tuyên bố phiên xử gia đình Đoàn Văn Vươn là "công khai" nhiều công dân mạng nói họ đã bị ngăn cản khi muốn tới dự.
Một người dùng Facebook nói: "Đông nghẹt an ninh và cảnh sát giao thông đang chặn xe của nông dân đi tham dự phiên toà tại trạn thu phí Quán Toan - HP...Hải Phòng đã chính thức trở thành khu tự trị, ra vào phải có giấy phép..."
    "Đoàn Văn Vươn vô tội! Đoàn Văn Vươn chống giặc nội xâm! Đoàn Văn Vươn anh hùng!"
Tiếng hô có trong một video quay hồi sáng nay ở Hải Phòng
Trên Facebook cũng có nhiều tuyên bố ủng hộ gia đình Đoàn Văn Vươn trong đó có:
"Thương gia đình anh Vươn."
"[P]hiên toà xử anh em ông Đoàn Văn Vươn [là] cơ hội để chính quyền chứng minh có công lý và hợp lòng dân hay không."
Một video quay cảnh hai nhà hoạt động từ Hà Nội bị bắt ở Hải Phòng trong ngày xét xử cũng có tiếng hô to: "Đoàn Văn Vươn vô tội! Đoàn Văn Vươn chống giặc nội xâm! Đoàn Văn Vươn anh hùng!"
Các thông tin trên Facebook cũng nói ít nhất có bốn blogger đã bị công an bắt trong ngày đầu xét xử vụ Đoàn Văn Vươn trong đó một người, bà Bùi Minh Hằng, đã được trả tự do sau đó.
(BBC)

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: "Cứu" thị trường BĐS, không "cứu" doanh nghiệp BĐS

(TTHN) - Cùng một sự việc nhưng ở hai góc nhìn khác nhau, một bên là nhà kinh doanh với một bên là người làm công tác quản lý nhà nước. Nói thế cho nó nhanh.
“Quan điểm của tôi có hơi khác một chút so với chuyên gia Alan Phan ở chỗ: Không nên lẫn lộn giữa giải cứu thị trường BĐS và giải cứu các nhà kinh doanh BĐS” – TS.Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định.
Thị trường BĐS “chết” sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế
Theo TS.Liêm, với doanh nghiệp BĐS, đã là kinh doanh, khi có rủi ro phải tự chịu trách nhiệm, lỗ hay lãi hoặc phá sản - đó là việc của riêng một cá thể.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm (phải), TS Alan Phan (trái).
Còn thị trường BĐS, khi suy thoái không giống như thất bại của một nhà kinh doanh BĐS, nếu “chết” sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, Nhà nước không nên để thị trường BĐS rơi tự do, cần có biện pháp can thiệp nhất định vì BĐS có hệ số lôi cuốn khá lớn, lôi cuốn thị trường xây dựng, vật liệu,… tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động.
Ông Liêm cũng lưu ý: Gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng của Nhà nước là để hỗ trợ thị trường bớt khó khăn, không phải là để cứu doanh nghiệp BĐS.

Tuy vậy, ông Liêm cho rằng: Dù có chi ra 30.000 tỷ đồng để cứu giúp thị trường BĐS, tác động của Nhà nước cũng chỉ làm giảm mức độ trầm trọng của sự suy thoái, chứ không thay đổi được quy luật, cũng như không giải quyết được hết những “u nhọt” đã tồn tại suốt thời gian qua của thị trường BĐS.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, sự suy thoái của thị trường BĐS thời gian qua là một thách thức lớn đồng thời cũng là cơ hội. Nhờ sự suy thoái đó, BĐS mới bộc lộ những nhược điểm mà lúc thịnh vượng bị che khuất đi như việc nhiều nhà kinh doanh BĐS không những không có vốn mà còn không có cả kiến thức. Việc một số doanh nghiệp BĐS phá sản cũng là một bài học để sau này chúng ta đừng bao giờ tái phạm như vậy nữa - Đó cũng là điều tốt theo ý kiến của chuyên gia Phạm Sỹ Liêm.

Làm thế nào để đưa giá BĐS về mức hợp lý?

TS.Phạm Sỹ Liêm cho rằng: Sở dĩ giá BĐS của Việt Nam cao ngang với các nước phát triển bởi vì giá đất đai đô thị bị thổi phồng. Vì vậy, làm thế nào để đưa giá đất vào mức hợp lý đó là điều mà các cấp chính quyền Nhà nước cần phải xem xét.

Theo đề nghị của ông Liêm: Các đô thị phải tiến hành chế độ dự trữ đất đai, tức là phải giải phóng mặt bằng đất đai ở khu quy hoạch sắp thực hiện.

“Lúc bấy giờ chưa có dự án nào cả, sau khi thu hồi được đất đai, làm hạ tầng rồi, sau đó mới chia lô, lô làm trường học, lô làm trung tâm thương mại, lô làm nhà ở giá rẻ, lô cho chung cư cao cấp… tất cả đều được tổ chức đấu thầu tìm người đưa ra mức giá hợp lý nhất. Khi đấu thầu công khai minh bạch sẽ khó xảy ra tham nhũng. Đây là một kinh nghiệm chống tham nhũng đất đai bắt đầu từ Thụy Điển vào đầu thế kỷ XX và Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm đó” – TS.Liêm đưa ra giải pháp.
(GDVN)

Bàn về luật hóa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1)

Bài 1: Phân biệt giữa quyền lực của Đảng và quyền lực của nhân dân
Người dân nói chung, trong đó có cộng đồng trí thức, đang tích cực thảo luận một cách rộng rãi về Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp 1992 và một trong các vấn đề được coi là “nhạy cảm” khi góp ý, đi cùng với các ý kiến và quan điểm khác nhau, là vị trí và vai trò của Đảng CSVN được quy định tại Điều 4 của Hiến pháp 1992 và cũng là Điều 4 (giữ nguyên) của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Quan điểm của tác giả cho rằng trước hết, không thể tránh né vấn đề này, bởi lẽ bản chất và trọng tâm của Hiến pháp là nói về quyền lực công (hay quyền lực nhà nước), trong khi Đảng CSVN lại đang nắm giữ quyền lực đó trên thực tế, vậy thì làm sao có thể bàn đến tổ chức quyền lực nhà nước mà lại bỏ qua vai trò của Đảng CSVN. Thứ hai, như một cơ thể sống được vận hành bởi các dòng khí hay năng lượng, quyền lực công trong xã hội chính là các dòng khí và năng lượng ấy; do đó, nếu không được tổ chức hợp lý để vận hành tốt, cơ thể sống cũng như đời sống xã hội sẽ bị rối loạn.
Nói về việc sở hữu hay nắm giữ quyền lực nhà nước, Điều 2 của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi ghi rõ rằng: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…” ; trong khi đó Điều 4 lại khẳng định: “Đảng CSVN … là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Đương nhiên, hai điều khẳng định có tính nguyên lý căn bản này đã và đang tồn tại trong cả Hiến pháp trước đây, không chỉ tại văn bản dự thảo sửa đổi này. Vẫn đề ở chỗ sự tồn tại song song của hai nguyên lý này có là điều mâu thuẫn, bất hợp lý và phi thực tế hay không, xét cả về lý thuyết và thực tế? Và đó chính là bài toán đang cần lời giải từ các học giả và nhà chuyên môn, trong đó có giới luật học.
Trước hết nói về quyền lực. Bàn về Hiến pháp tức là nói đến quyền lực nhà nước. Xét theo ý nghĩa chung, khác với các loại quyền lực khác, quyền lực nhà nước có tính đặc thù ở chỗ gắn với bộ máy và phương tiện cưỡng chế thi hành như cơ quan hành chính, thủ tục pháp lý, lực lượng vũ trang v.v.. Do đó, một khi Điều 2 của Dự thảo Hiến pháp tuyên bố rằng mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân thì phải hiểu rằng người dân không thể thực thi các quyền lực ấy một cách trực tiếp được mà phải thông qua bộ máy nhà nước do mình thành lập lên. Hay nói một cách khác, chủ thể nắm giữ và thực thị quyền lực nhà nước chính là bộ máy nhà nước, mà không phải người dân.
Đương nhiên, trên thực tế có các tình huống mà nhân dân thực thi quyền lực của mình một cách trực tiếp, đó là cách mạng. Khi đó, như ông cha ta đã từng nói: “Chở thuyền, đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền đi cũng là dân”, nhân dân sẽ là người phá bỏ hoặc làm thay đổi căn bản nhà nước đang tồn tại để thiết lập nên một nhà nước mới nhằm bảo đảm tốt hơn cho việc đáp ứng các nguyện vọng của mình.
Chính theo bản chất của sự việc như vậy, cho nên Hiến pháp của nhiều nước có một cách diễn đạt khác, khúc triết hơn, đó là “quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân” chứ không phải là “thuộc về” họ. Nói như vậy tức coi nhân dân là “nguồn của quyền lực” chứ không phải chủ thể nắm giữ hay thực thi quyền lực. Nếu cùng nhau xác định như thế thì lời kêu gọi của nhiều người vừa qua rằng chúng ta hãy làm để cho “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là không chính xác và phi thực tế. Nói đúng hơn phải là làm sao để Nhà nước bảo đảm cho người dân thực thi được các quyền cụ thể của mình.
Vậy còn quyền lực của Đảng. Câu hỏi là quyền lực của một Đảng được hình thành như thế nào và Đảng có nắm giữ và thực thi quyền lực nhà nước hay không?
Ở bất cứ quốc gia nào khi người dân bắt đầu tham gia các hoạt động chính trị thì Đảng hình thành. Quyền lực của Đảng, hiểu theo khả năng mà nó tác động vào tiến trình vận hành và phát triển của xã hội, được kết tinh từ ý chí và hành động của các đảng viên và những người ủng hộ Đảng. Số lượng Đảng viên và những người ủng hộ Đảng càng đông thì đương nhiên Đảng càng mạnh. Tuy nhiên, quyền lực đó của Đảng (gọi là quyền lực chính trị) không nhất thiết đồng nghĩa với quyền lực nhà nước, bởi sự phân biệt ở đây không phải là khả năng tác động mà là cách thức tác động vào các tiến trình xã hội. Chẳng hạn, Nhà nước có thể ra lệnh cho lực lượng cảnh sát thực thi hoạt động cưỡng chế thực thi pháp luật trong khi Đảng không thể làm như vậy. Với giới hạn tự nhiên và khách quan như vậy, ở đâu cũng vậy, Đảng muốn hiện thực hóa quyền lực chính trị của mình đều phải tiến hành thông qua Nhà nước, mà việc đầu tiên là phải giành lấy quyền được can thiệp vào Nhà nước ấy. Tuy nhiên, sự hình thành, cấu trúc và chức năng của Nhà nước lại là một phức hợp, bởi Nhà nước không chỉ là phương tiện dành cho Đảng sử dụng, mà quan trọng hơn nó còn là công cụ của người dân để tổ chức các hoạt động xã hội. Có nghĩa rằng, có rất nhiều hoạt động mà Nhà nước buộc phải làm theo chức năng thông thường của nó mà không có sự tác động chính trị của Đảng, chẳng hạn như bảo đảm và duy trì trật tự công cộng và cung cấp các dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội. Do đó, như một nguyên lý và thực tế phổ biến, các Đảng chính trị khi tham gia vào quyền lực nhà nước thường chỉ tham vọng chi phối hoặc tác động vào các định hướng phát triển lớn hay chính sách cơ bản của Nhà nước mà thôi.
Trở lại Điều 4 của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi với quy định rằng Đảng CSVN là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Điều khẳng định rất quan trọng này, đồng thời cũng gây tranh cãi trong thời gian qua, cần được lý giải như thế nào?
Có ba câu hỏi cần được trả lời trước hết, đó là: thứ nhất, không có Đảng thì Nhà nước có hình thành được không? Thứ hai, sau khi hình thành rồi thì Nhà nước có cần Đảng lãnh đạo hay không? V�thứ ba, Đảng có cần và có thể lãnh đạo một cách tuyệt đối và toàn diện đối với cả Nhà nước và xã hội hay không?
Có thể nói trong xã hội hiện đại, nếu không có sự tác động và hỗ trợ của các đảng phái chính trị, Nhà nước rất khó hình thành bởi xây dựng Nhà nước là một công việc rất gian nan và phức tạp, đòi hỏi không chỉ nhiều sức lực mà còn cả tinh hoa trí tuệ của dân tộc. Chỉ có những người có nhiệt huyết và hiểu biết, có lý tưởng, ý chí và bản lĩnh được tập hợp trong các tổ chức Đảng mới có thể đứng ra lãnh đạo quần chúng trong xã hội để hình thành nên Nhà nước; đồng thời trong một thế giới đa dạng và phức tạp như hiện nay thiếu một lực lượng chính trị tiên tiến làm nòng cột, Nhà nước đó rất dễ dàng mất đi phương hướng hành động đúng đắn của mình. Phân tích như vậy để thấy rằng Đảng lãnh đạo Nhà nước là cần thiết và có cơ sở.
Nhưng Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng cách nào? Đó là bài toán khó. Bởi lẽ, sự lãnh đạo của Đảng cũng tạo ra các nguy cơ cho chính bản thân Nhà nước và xã hội nếu: thứ nhất, Đảng không hấp thụ thường xuyên được các yếu tố tinh hoa từ xã hội thì sẽ suy thoái và dẫn Nhà nước suy thoái theo; thứ hai Đảng chỉ nghĩ tới quyền lợi ích kỷ của mình thì sẽ dẫn tới sự xung đột với bộ phận nhân dân còn lại; v�thứ ba, Đảng can thiệp một cách tuyệt đối và toàn diện vào đời sống Nhà nước và xã hội thì sẽ tạo ra sự đơn điệu, sơ cứng trong đời sống, làm thui chột sự sáng tạo của nhân dân. Chính vì vậy, ở phần lớn các quốc gia, Đảng chỉ lãnh đạo bằng đường lối và chủ trương chính sách lớn, thông qua sự can thiệp vào các yếu tố ở thượng tầng kiến trúc như nhân sự lãnh đạo chủ chốt và cấp cao, cũng như tinh thần và nội dung của các đạo luật cơ bản liên quan đến đời sống phát triển quốc gia và con người.
Việc này cũng đồng nghĩa với một thực tế khác là Đảng không thể lãnh đạo xã hội, bởi so với Nhà nước thì xã hội luôn luôn rộng lớn hơn, phong phú và đa dạng hơn, trong khi Đảng, bao giờ cũng vậy, chỉ là tổ chức chính trị của một bộ phận hay nhóm người cụ thể. Việc duy trì đời sống tự nhiên của xã hội bằng việc giữ cho nó không bị phiến diện hay bóp méo bởi các khuynh hướng chính trị khắt khe, nhiều khi quá hẹp hòi và thực dụng sẽ không thể tạo cho quốc gia luôn luôn có một sức sống mãnh liệt để ứng phó và thích nghi với mọi đổi thay của thế giới.Vì vậy một Đảng chính trị nếu muốn mở rộng các tác động và ảnh hưởng của mình lên đời sống xã hội cần phải được thực hiện thông qua quảng bá và thuyết phục để mọi người đi theo mà tuyệt nhiên không thể là sự áp đặt.
Tóm lại, có thể chốt lại ở đây điều gì? Nhân dân là chủ thể quan trọng nhưng không nắm giữ mà tạo ra nguồn gốc của quyền lực. Quyền lực nhà nước luôn luôn nằm trong tay chính bản thân Nhà nước. Nhà nước đồng thời cần được sự lãnh đạo và dẫn dắt của Đảng chính trị. Vấn đề, do đó, ở chỗ Nhà nước cần được tổ chức làm sao để bảo đảm rằng luôn luôn duy trì và bảo vệ được tính nguyên vẹn của nguồn gốc quyền lực, đồng thời lại được định hướng bởi lực lượng tinh hoa nhất của xã hội được kết tinh trong Đảng chính trị. Nguyên lý này, có thể được mô phỏng như một cái cây cần có bộ rễ chắc bám vào đất để đứng một cách vững vàng, đồng thời cần cái ngọn vươn cao để hấp thụ sự khí trời trong lành, nếu không như vậy, sẽ dẫn đến sự trì trệ, bất ổn thậm chí rối loạn.

Bàn về luật hóa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (2)

 
Bài 2: Các bất hợp lý trong tổ chức quyền lực nhà nước hiện nay
Hiến pháp bútĐảng CSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo công cuộc xây dựng không chỉ một chính thể mới, Nhà nước mới mà còn cả một xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa, bằng cách đốt cháy giai đoạn, tức bỏ qua sự phát triển tư bản chủ nghĩa.
 
Với mục tiêu vĩ đại ấy, đương nhiên Đảng CSVN phải bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, tuyệt đối và toàn diện đối với toàn bộ xã hội. Tuy nhiên, trở lại bản chất tự nhiên của quyền lực công, Đảng không phải và không thể là Nhà nước, do đó, để bảo đảm được tính hiệu lực thực tế của quyền lực lãnh đạo của Đảng, hay nói một cách khác là “nhà nước hóa quyền lực chính trị”, bộ máy nhà nước ta đã được tổ chức cũng theo nguyên tắc tập trung quyền lực vào một đầu mối duy nhất thuộc thượng tầng kiến trúc, được gọi là Quốc hội. Tuy nhiên, bởi Quốc hội là cơ quan nhà nước, do đó, nó vẫn buộc phải tuân theo tính quy luật của một cơ quan quyền lực công, tức là do dân bầu; và mặc dù có thể đa số Đại biểu Quốc hội là Đảng viên thì nó vẫn có một sự độc lập tương đối với Đảng. Khoảng cách này được bù đắp bởi một sáng tạo trong cách thức tổ chức của Đảng CS rất đặc thù của nhà tư tưởng cộng sản chủ nghĩa tiền bối vĩ đại là Lenin, theo đó, một hệ thống tổ chức rộng lớn và chặt chẽ các cơ sở của Đảng được thiết lập trong tất cả các bộ phận và cấu trúc của bộ máy nhà nước và thiết chế xã hội và được vận hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Điều này sẽ bảo đảm cho toàn bộ Nhà nước và xã hội sẽ đi theo đúng đường ray chính trị do Đảng CS đặt ra.
Lịch sử đã và sẽ tiếp tục vận động theo một logic khoa học như vậy nếu như không có sự chuyển đổi mang tính cách mạng tại Đại hội Đảng CSVN khóa 6 năm 1986 với quyết định phá bỏ hệ thống kinh tế kế hoạch cũ, thiết lập nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, và sau đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong suốt hơn 20 năm qua. Nhà nước và xã hội được nuôi sống bởi nền kinh tế. Hệ thống kinh tế thay đổi đương nhiên sẽ dần dần kéo theo hoặc ít nhất đặt ra nhu cầu của sự thay đổi tận gốc dễ đối với toàn bộ các thiết chế của kiến trúc thượng tầng của xã hội, trong đó đương nhiên bao gồm cả Đảng và Nhà nước. Đó không có gì khác hơn là bản chất của phép biện chứng trong vận động của sự vật. Trên thực tế, quá trình thay đổi này diễn ra như thế nào, liên quan đến các quan hệ mang tính quyền lực?
Xin nhắc lại rằng quyền lực chính trị của Đảng được hình thành từ sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng viên và những người ủng hộ Đảng, còn quyền lực nhà nước được thực thi và bảo đảm bằng các công cụ có tính cưỡng chế. Như vậy, với sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần, tính đa dạng và sự khác biệt về địa vị kinh tế, đặc tính xã hội, phương pháp tư duy, hay nói một cách tổng quát là sự khác biệt trong tôn chỉ và mục tiêu hành động của các thành viên trong xã hội đã xuất hiện trở lại. Hậu quả của quá trình này là sự hình thành tất yếu của các nhóm lợi ích, trước hết được gắn kết bởi lợi ích kinh tế, sau đó sẽ là lợi ích xã hội, văn hóa và chính trị. Quá trình này không chỉ tác động vào các nhóm xã hội ngoài Đảng mà còn cả Đảng viên một khi Đảng viên cũng được quyền hoạt động kinh tế tư nhân, hay chí ít thì người thân trong gia đình họ cũng được làm như vậy. Thực tế này về mặt tự nhiên dẫn đến tình trạng tính thống nhất trong ý chí và hành động, là nền móng của quyền lực chính trị của Đảng, bị phá vỡ; hay xuất hiện sớm hơn và biểu hiện rõ rệt nhất là sự giảm dần của tính thống nhất ấy trong các bộ phận khác nhau của xã hội bên ngoài Đảng. Xã hội bắt đầu chuyển động theo các khuynh hướng khác nhau, tuy nhiên lại không có sự dẫn dắt một cách chính thống và có tổ chức bởi các thiết chế chính trị, do đó làm phát sinh tình trạng bất ổn. Để cân bằng lại và duy trì trật tự và ổn định, một khi quyền lực chính trị của Đảng giảm sút thì quyền lực nhà nước sẽ phải tăng lên v�do đó, các biện pháp hành chính và cưỡng chế được gia tăng áp dụng. Quyền lực nhà nước, một khi được nhấn mạnh và thực thi thái quá sẽ trở thành “con dao hai lưỡi”, hay mang lại tác dụng ngược đối với chính mục tiêu và tôn chỉ của Nhà nước là bảo đảm sự ổn định và phát triển. Con người với mục đích và năng lực hành động khác nhau thông qua các nhóm lợi ích sẽ có xu hướng phản kháng lại quyền lực nhà nước, và cứ thế, nỗ lực và chi phí duy trì trật tự và ổn định của bộ máy nhà nước lại tăng lên làm tiêu hao hết dần các nguồn lực cho sự phát triển.  Các biểu hiện bề nổi của quá trình vận động trong xã hội nói trên đã được nhìn thấy rõ ràng. Đó là nạn tham nhũng tràn lan trong khu vực công, kỷ cương nhà nước và hiệu lực pháp luật suy giảm, đạo đức xã hội xuống cấp kèm theo bất ổn thậm chí rối lọan xã hội gia tăng.
Tựu trung, từ góc độ khoa học, có thể khái quát hóa lập luận trên như sau: quyền lực trong xã hội, ví như các dòng năng lượng, bao gồm hai dòng chủ là quyền lực chính trị (được sự dẫn dắt bởi các đảng phái và tổ chức chính trị) và quyền lực nhà nước (được nắm bắt và sử dụng bởi bộ máy nhà nước). Cả hai dòng quyền lực này đều đi ra từ một nguồn duy nhất là nhân dân. Trong một bối cảnh mới là nền kinh tế thị trường và xã hội mở, nguồn quyền lực là nhân dân sẽ ngày càng phong phú và đa dạng, do đó, tổ chức quyền lực hợp lý chính là tái cấu trúc hệ thống cũ để bảo đảm rằng hai dòng quyền lực chủ có thể hấp thụ một cách tối đa các nguồn quyền lực từ nhân dân, sau đó được kết hợp với nhau một cách hợp lý và hài hòa để tạo nên sức mạnh chung, vận động theo cùng một hướng cho sự phát triển của đất nước và dân tộc, mang lại công bằng, dân chủ và văn minh cho mọi người dân.
Bởi vậy, nhu cầu của sự đổi mới quan trọng nhất hiện nay là đổi mới cách thức tổ chức quyền lực nhà nước hay nói một cách cụ thể là đổi mới mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Và nay là thời điểm chín muồi để xem xét khía cạnh này, bên cạnh hàng loạt các vấn đề khác đang được bàn đến trong quá trình góp ý sửa đổi Hiến pháp.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập

Nhóm Kiến nghị 72 yêu cầu chuyển từ toàn trị sang dân chủ

Nhóm chủ xướng Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp, còn gọi là Kiến nghị 72, ra thông cáo nói 'chuyển từ toàn trị sang dân chủ là yêu cầu cấp bách' của đất nước và nhân dân.
Sở dĩ có tên Kiến nghị 72 là vì có 72 người đứng tên trong danh sách đầu tiên ký vào Kiến nghị, bao gồm nhiều nhân sỹ trí thức được nhiều người biết đến như Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Tương Lai, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, Tiến sỹ Nguyễn Quang A...
Một số người đại diện cho nhóm này hôm 4/2 đã tới trao kiến nghị cho Quốc hội Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thời gian một tháng qua, Kiến nghị 72 dường như đã trở thành mục tiêu chỉ trích của phương tiện truyền thông nhà nước.
Mới nhất, Chương trình Thời sự VTV1 tối thứ Sáu 22/3/2013 chiếu phỏng vấn với người dẫn đầu nhóm trí thức trao Kiến nghị 72 cho Quốc hội - cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, trong đó ông Lộc bác bỏ vai trò đại diện của mình.
Trước đó, một số báo cũng đăng cáo buộc nhiều chữ ký ủng hộ bản Kiến nghị 72 là "ngụy tạo".

Nhóm chủ xướng Kiến nghị 72 trong cuộc gặp trao kiến nghị cho Quốc hội
Nhóm chủ xướng Kiến nghị 72 trong cuộc gặp trao kiến nghị cho Quốc hội
'Thủ đoạn không chính đáng'

Dường như để đáp lại 'chiến dịch' tấn công trên các luồng thông tin chính thống, Thông cáo ra hôm thứ Ba 2/4 của nhóm chủ xướng Kiến nghị 72 viết rõ: "cho đến nay nội dung của Kiến nghị 72... bị một số vị lãnh đạo và một số bài viết trên báo hàm ý phê phán gay gắt, kết tội là chống đối Đảng cầm quyền và Nhà nước, phá hoại đại đoàn kết dân tộc, thậm chí đòi xử lý".
    "Đổi mới căn bản thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ, là yêu cầu cấp bách của đất nước, của nhân dân."
Thông cáo của nhóm chủ xướng Kiến nghị 72
Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong một phát biểu hôm 25/2, dường như đã ngầm ám chỉ tới bản kiến nghị này khi gọi các quan điểm về bỏ sự lãnh đạo của Đảng CSVN, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội.... là "suy thoái đạo đức".
Bản thông cáo của các trí thức mà BBC có trong tay giải thích về tinh thần của Kiến nghị 72, trong đó nói: "Chưa bao giờ lòng tin của dân đối với lãnh đạo ĐCSVN và Nhà nước thấp như ngày nay".
"Cuộc sống chỉ rõ nguyên nhân gốc rễ dẫn tới tình hình ấy chính là chế độ toàn trị của một đảng trên thực tế đang chi phối toàn bộ quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị, đứng trên Nhà nước và pháp luật, vô hiệu hóa nhiều quyền tự do, dân chủ đã được quy định trong Hiến pháp…"
Thông cáo thẳng thắn chỉ ra: "Vì vậy, đổi mới căn bản thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ, là yêu cầu cấp bách của đất nước, của nhân dân".
Kiến nghị 72 gồm 7 điểm, đặt khuyến nghị bỏ Điều 4 Hiến pháp về quyền lãnh đạo của Đảng CSVN lên hàng đầu, coi đó là điều kiện cần thiết để có thay đổi thực sự.
"Dùng bạo lực và những thủ đoạn không chính đáng để duy trì chế độ toàn trị, cưỡng lại ý chí của nhân dân sẽ gây nguy hại lớn cho đất nước, cho dân tộc và cho cả Đàng CSVN," bản thông cáo viết.
Các tác giả viết thêm: "Kiến nghị 72 không có mục đích nào khác hơn là góp phần vào bước khởi đầu đổi mới thể chế chính trị theo tinh thần đó".
Họ yêu cầu công bố Kiến nghị 72 cũng như các ý kiến khác với Dự thảo mà giới chức đưa ra, "chấm dứt cách đưa tin, bình luận một chiều, tạo điều kiện và khuyến khích thảo luận công khai, dân chủ, tranh luận thẳng thắn, nhằm đạt được sự đồng thuận tối đa theo tinh thần đoàn kết và hòa giải dân tộc".
(BBC)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét