Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

HOT - BÀi VIẾT NÊN ĐỌC

Nguyễn Hưng Quốc - Ông nào thắng nhân dân cũng bại


05.02.2013
Dựa trên biện chứng pháp của Mác, Mao Trạch Đông rất hay nói đến vấn đề mâu thuẫn. Chịu ảnh hưởng của Mao, giới lãnh đạo Việt Nam cũng hay nói đến chuyện mâu thuẫn. Có những mâu thuẫn có tính bản chất và có những mâu thuẫn chỉ có tính hiện tượng. Có những mâu thuẫn có tính đối kháng và có những mâu thuẫn có thể hòa giải được. Theo cái khung ấy, ngày trước, các bài học chính trị ở Việt Nam thường nhấn mạnh: mâu thuẫn đối kháng quan trọng nhất, trên phạm vi thế giới, là giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội; trong phạm vi quốc gia, là giữa “ta” và “địch”. “Địch”, chủ yếu là “ngụy” và “tư sản”, đặc biệt, “tư sản mại bản”.

Bây giờ, theo mô hình ấy, chúng ta thử tìm hiểu các mâu thuẫn chính yếu tại Việt Nam hiện nay là gì.

Trước hết, tạm gác qua một bên những mâu thuẫn ở tầm thế giới. Cái gọi là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội không còn là một vấn đề nữa. Thứ nhất, Việt Nam cũng không còn là nước xã hội chủ nghĩa. Bằng chủ trương “kinh tế thị trường”, chính quyền Việt Nam đã thập thò bắt tay với chủ nghĩa tư bản từ lâu rồi. Thứ hai, sức sống và sức mạnh của chính quyền Việt Nam hiện nay chủ yếu được xây dựng nhờ chủ nghĩa tư bản: tư bản mang vốn vào Việt Nam, đầu tư ở Việt Nam, hơn nữa, chính các quốc gia theo chủ nghĩa tư bản đang và sẽ đóng vai trò tích cực trong việc cứu nguy Việt Nam trong cuộc đương đầu với người anh em xã hội chủ nghĩa láng giềng “bốn tốt” của mình.

Những chuyện ấy, ai cũng biết, nên khỏi cần bàn.

Chúng ta chỉ nhìn vào tình hình trong nước.

Mâu thuẫn chính hiện nay là gì? Ngày trước, giới lãnh đạo luôn luôn nhấn mạnh: Đó là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Lâu nay, họ không lặp lại điều đó nữa. Lý do rất dễ hiểu: giới tư sản giàu và mạnh nhất ở Việt Nam hiện nay không ai khác hơn là những người đang cầm quyền. Nhưng khi cán bộ và đảng viên tự biến mình thành giai cấp tư sản mới, tách mình ra khỏi đại đa số quần chúng lao động nhem nhuốc nghèo khổ thì cái gọi là mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản ấy lại biến thành mâu thuẫn giữa đảng và dân chúng. Dĩ nhiên, ở đây vẫn có những khác biệt sâu sắc. Bình thường, tư sản chỉ có tiền. Bây giờ, giai cấp tư sản đỏ không những có tiền mà còn có quyền và quan trọng nhất, có súng và có cả một hệ thống quân đội cũng như công an hùng hậu để đàn áp thẳng tay bất cứ người nào chống đối lại họ, dù chống đối một cách chính đáng khi bị cướp nhà và cướp đất. Giới vô sản ngày trước chỉ bị bóc lột. Giới vô sản bây giờ thì vừa bị bóc lột vừa bị áp bức.

Nhưng mâu thuẫn giữa đảng và dân chúng không dừng lại ở phạm vi kinh tế. Nó còn bao gồm hầu như trong mọi lãnh vực, từ xã hội đến văn hóa và chính trị. Chỉ riêng trong lãnh vực chính trị, mâu thuẫn lớn nhất là ở thái độ đối với nguy cơ bị Trung Quốc xâm lược. Trong lúc dân chúng bừng bừng phẫn nộ, đảng vẫn dửng dưng. Không những dửng dưng, họ còn ra tay vu khống, nhục mạ và  trấn áp bất cứ người nào xuống đường hay lên tiếng chống Trung Quốc. Suốt mấy năm vừa qua, đã có bao nhiêu phiên tòa xét xử và kết tội những người yêu nước. Những phiên tòa ấy được dựng lên để một mặt, trả thù những người dám, vì lòng yêu nước, lên tiếng chống Trung Quốc; mặt khác, để răn đe dân chúng. Nhưng việc làm ấy lại có những tác động ngược: nhà cầm quyền hiện hình, thứ nhất, trước mắt thế giới, như những tên độc tài tàn bạo; và thứ hai, trước nhân dân Việt Nam, như những kẻ đã bán mình cho Trung Quốc.

Nhà cầm quyền càng mạnh tay bao nhiêu, tác động ngược thứ hai nêu trên càng lớn bấy nhiêu. Nó càng lớn bao nhiêu, mâu thuẫn giữa đảng và dân chúng càng sâu sắc và khó hóa giải bấy nhiêu. Nhà cầm quyền muốn xoa dịu các mâu thuẫn đó bằng cách gia tăng các nỗ lực tuyên truyền; ngoài các hình thức tuyên truyền truyền thống, bây giờ còn thành lập lực lượng “dư luận viên” chuyên môn nhảy vào các website độc lập để đánh phá, xuyên tạc và bênh vực cho chế độ! Tuy nhiên, đó không phải là những biện pháp có tính chiến lược và hiệu quả.

Mâu thuẫn thứ hai ở Việt Nam bây giờ là mâu thuẫn giữa đảng và chính phủ. Trước, đảng Cộng sản và chính phủ là một. Đúng hơn, chính phủ lúc nào cũng nằm trong tay đảng, chịu sự sai khiến của đảng. Từ thời Lê Duẩn đến Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, thậm chí, thời Lê Khả Phiêu, đảng luôn luôn là kẻ quyết định mọi chuyện. Thủ tướng, ngay cả những thủ tướng có tâm và có tài, như Phạm Văn Đồng và Võ Văn Kiệt, cũng có quyền lực rất hạn chế. Nhưng từ thời Nông Đức Mạnh làm tổng bí thư, do kém năng lực, quyền hành cứ san sẻ dần sang tay thủ tướng. Đến thời Nguyễn Phú Trọng, từ đầu năm 2011, cán cân quyền lực rõ ràng nghiêng hẳn về phía Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong trận đấu kịch liệt giữa Nguyễn Phú Trọng – Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng vào cuối năm ngoái, ai cũng thấy Nguyễn Tấn Dũng chiếm thế thượng phong. Nhóm Nguyễn Phú Trọng – Trương Tấn Sang, để củng cố thêm thế lực, đã cho tái lập Ban Nội chính Trung ương và giao cho Nguyễn Bá Thanh, một người từ lâu, ở Đà Nẵng, nổi tiếng dám nói dám làm. Bây giờ bên đảng sẽ có ba người, thay vì chỉ có hai như trước. Sau màn đánh phủ đầu Nguyễn Bá Thanh về vấn đề nhà đất ở Đà Nẵng trước khi ông ra Hà Nội tiếp nhận chức vụ mới của Nguyễn Tấn Dũng, mọi người đều tin những trận đấu sắp tới giữa hai phe sẽ càng ngày càng kịch liệt hơn nữa.

Điều cần chú ý là: việc người đứng đầu chính phủ mạnh hơn tổng bí thư đảng nên được xem là một dấu hiệu tích cực. Nhiều người lên tiếng chống lại Điều 4 trong Hiến pháp xem đảng là người duy nhất lãnh đạo đất nước, thường quên một điều: việc thắng thế của thủ tướng đối với tổng bí thư là một điều đáng mừng. Nó chứng tỏ, một, đảng đang yếu thế; và hai, chính phủ đang dần dần tạo được thế độc lập với cái đảng đang yếu thế ấy. Đó là một xu hướng tốt.

Điều nghịch lý là, vị thủ tướng đang ở thế mạnh hơn cả tổng bí thư, và không chừng cả Bộ Chính trị ấy, lại là người nổi tiếng, thứ nhất, về tham nhũng và lợi dụng quyền hành để cho con cái và thân nhân tham nhũng; thứ hai, bất lực trong việc điều hành kinh tế bằng những chính sách sai lầm và cả bằng việc dung dưỡng cho đàn em của mình tham nhũng. Hậu quả là hết tổng công ty này đến đại tập đoàn kia phá sản, để lại những gánh nặng khổng lồ cho dân chúng, không phải chỉ trong thế hệ này mà còn nhiều thế hệ kế tiếp. Thành ra, thế của ông càng mạnh bao nhiêu, tài sản quốc gia càng kiệt quệ bấy nhiêu.

Đối diện với nghịch lý ấy, người dân không khỏi băn khoăn: Bênh vực cho Nguyễn Phú Trọng – Trương Tấn Sang – Nguyễn Bá Thanh vì họ chống tham nhũng cũng có nghĩa là bênh vực cho những thế lực đang phục hồi lại quyền độc tôn của đảng, điều đã gây tai họa cho dân chúng từ gần 60 năm nay (tạm kể từ 1954, ở miền Bắc). Nhưng bênh vực cho Nguyễn Tấn Dũng, tuy, trên lý thuyết, sẽ giúp làm cho chính phủ mạnh hơn, có khả năng dần dần tạo nên những tiền đề tốt cho dân chủ thì lại cũng đồng nghĩa với việc ủng hộ tham nhũng.

Trong bài thơ “Đá ơi” sáng tác năm 1989 ở Campuchia, Nguyễn Duy có mấy câu thơ sau này thường được nhiều người nhắc nhở:

nghĩ cho cùng
mọi cuộc chiến tranh
phe nào thắng thì nhân dân đều bại

Mấy câu thơ ấy không phải lúc nào cũng đúng.  Có rất nhiều cuộc chiến tranh, như các cuộc chiến tranh chống độc tài, nhân dân không hề bại. Tuy nhiên, trong tình hình chính trị Việt Nam hiện nay, câu thơ ấy có lẽ là đúng: Ông Lú thắng hay ông Ếch thắng thì nhân dân cũng đều bại cả.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nguyễn Hưng Quốc - Xã hội dân sự từ bên trong

Không phải chỉ ở Việt Nam, hầu như ở tất cả các quốc gia toàn trị khác, xã hội dân sự, với tư cách một thiết chế chính thức, cũng không hề tồn tại. Thật ra, điều đó cũng khá đơn giản: thực chất của độc tài và toàn trị là thâu tóm mọi quyền hành và quyền lực vào tay mình; và để làm được như vậy, người ta phải loại trừ người khác, đại đa số người khác, những kẻ thuộc thành phần bị trị, đồng thời cũng là những kẻ, để được làm người, chỉ có một không gian duy nhất để tồn tại: xã hội dân sự.

Đối diện với những nước toàn trị như Việt Nam, các học giả về xã hội dân sự không phải chỉ thay đổi về phương pháp luận mà còn thay đổi hẳn cả bản chất của đối tượng, từ đó, định nghĩa của khái niệm mình đang sử dụng: xã hội dân sự.

Các định nghĩa kinh điển về xã hội dân sự ở Tây phương đều nhấn mạnh vào bốn điểm chính của xã hội dân sự với tư cách một thiết chế: một, chính thức; hai, tự nguyện; ba, phi lợi nhuận; và bốn, tự trị, nghĩa là độc lập với nhà nước. Ứng dụng bốn tiêu chí ấy vào xã hội dân sự Tây phương, người ta thấy đầy đủ. Không ai thắc mắc gì cả. Nhưng chỉ cần nhìn vào các quốc gia Đông Âu trước đây, nơi đóng vai trò chính trong việc làm phục sinh ý niệm xã hội dân sự, người ta lại thấy ngay tiêu chí thứ tư ở trên không còn trọn vẹn nữa. Người ta đành nhân nhượng giải thích tiêu chí tự trị như sau: Nó chỉ có ý nghĩa tương đối, nơi nhiều nơi ít, không nhất thiết phải hoàn toàn độc lập với chính quyền. Khi nhìn vào châu Á, đặc biệt Việt Nam, người ta nhận thấy, ngay cả khi đã dè dặt và giảm thiểu mức độ như vậy, cái gọi là tính chất tự trị cũng không hề tồn tại. Hơn nữa, cả tiêu chí đầu tiên về tính chính thức cũng không có. Không thể có. Khi cả tiêu chí chính thức và tự trị không có, hai tiêu chí còn lại, về tính tự nguyện và phi lợi nhuận cũng trở thành vô nghĩa.

Trước tình trạng thiếu vắng mọi tiêu chí ấy, một số nhà nghiên cứu, như Joseph Hannah (1) và Jorg Wishermann, đề nghị thay đổi cách nhìn: Thay vì nhìn xã hội dân sự như một thiết chế (institution), người ta lại nhìn nó như một tiến trình (process); thay vì khái niệm hóa xã hội dân sự từ góc độ lãnh vực (logic of domain), người ta lại dựa trên logic của hành động (logic of action). Nói cách khác, xã hội dân sự được dùng như một tính từ, chứ không phải một danh từ, để chỉ những kiểu hành động hay tương tác nào đó (2). Theo Jorg Wishermann, hành động xã hội dân sự (civil society action) khác với các loại hành động khác, ví dụ, với các hành động của quyền lực vốn dựa trên quan hệ có tính đẳng cấp (cai trị/bị trị; ra lệnh/vâng lời); với các hành động liên quan đến gia đình hay họ hàng vốn dựa trên sự gần gũi và quan hệ cá nhân. Nó cũng khác với các việc trao đổi, buôn bán hay việc sử dụng bạo lực để trấn áp hay gây chiến tranh. Phát triển từ ý kiến của D. Gosewinkel và D. Rucht, Wishermann cho hành động xã hội dân sự bao gồm bốn kích thước chính: Một, sự tôn trọng người khác và cái khác; hai, sự đồng cảm với người khác; ba, sự sẵn sàng thỏa hiệp với người khác để đạt được mục đích chung; và bốn, tuân theo các luật lệ và nguyên tắc ứng xử trong giao tiếp với người khác (3).

Nhìn xã hội dân sự như một tiến trình, người ta dễ dàng nhận thấy tính chất đa chức năng và đa sắc thái, từ đó, tính chất phức tạp của một xã hội dân sự đang trong quá trình hình thành dưới một chế độ toàn trị như ở Việt Nam. Sơ đồ của Joseph Hannah dưới đây (4), theo tôi, rất bổ ích:


​​Theo sơ đồ trên, xã hội dân sự có hai chiều: bên phải là phục tùng chính quyền; bên trái là chống đối lại chính quyền; ở giữa hai cực, dĩ nhiên có một vùng giao thoa khá rộng. Ở bên phải, với những mức độ khác nhau, xã hội dân sự có thể trùng lắp với các tổ chức thuộc nhà nước (hoặc đảng). Nhưng ở bên trái, xã hội dân sự phải ít nhiều có tính chất độc lập. Nói chung, mọi hình thức xã hội dân sự, từ chính thức đến không chính thức, với tư cách một tổ chức hoặc một hoạt động, đều nằm trên cái trục ngang ấy.

Nhìn xã hội dân sự như một kiểu hành động, người ta nhận thấy bức tranh xã hội dân sự tại Việt Nam không hoàn toàn đen tối và tuyệt vọng như trước. Bất chấp các nỗ lực cấm đoán của nhà nước cũng như sự có mặt thập thò và què quặt của một số tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, các hành động xã hội dân sự vẫn đang xuất hiện tại Việt Nam. Không nhiều. Nhưng có. Ở các cuộc vận động chống tham nhũng. Ở các phong trào biểu tình chống Trung Quốc. Ở các cuộc hội thảo, đây đó, về một số chính sách của đảng cũng như về việc định hướng phát triển về kinh tế, xã hội và giáo dục cho Việt Nam. Ở những cuộc xuống đường khiếu kiện đất đai của nông dân các nơi. Ở những bức thư kiến nghị gồm cả hàng trăm hay thậm chí, hàng ngàn chữ ký được thu thập và phân tán trên internet.

Quan sát các hành động xã hội dân sự tại Việt Nam, người ta nhận thấy hầu như nó xuất hiện ở mọi nơi, không phải chỉ trong các tổ chức phi chính phủ hiếm hoi được nhà nước cho phép và hoạt động một cách èo uột, đầy giới hạn, mà còn cả trong guồng máy nhà nước nữa. Từ những quan sát ấy, các nhà nghiên cứu đi đến một nhận xét khác: Xã hội dân sự, dưới các chế độ toàn trị như Việt Nam, không những không độc lập với nhà nước, mà còn có thể được nảy sinh từ bên trong các tổ chức nhà nước (5).

Luận điểm xã hội dân sự phát sinh và phát triển từ bên trong ấy xuất phát từ thực tế: Hầu hết những tiếng nói phản biện và phản kháng có tiếng vang đáng kể trong dư luận đều phát ra từ thành phần được A.L. Vuving gọi là “xã hội dân sự ưu tú thuộc chính mạch” (mainstream elite civil society) hay được Carlyle A. Thayer gọi là “xã hội dân sự chính trị” (political civil society) (6). Ví dụ có thể tìm thấy qua những đổi mới trên tờ báo Văn Nghệ dưới thời nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập, những nỗ lực vận động đổi mới vượt ra giới hạn của đảng trong các bài viết của Hội những người kháng chiến cũ hay của Trần Độ (1923-2002), nguyên trung tướng, ủy viên Trung ương đảng, Trưởng ban Văn hóa văn nghệ Trung ương. Ngay những người như Hoàng Minh Chính, Bùi Tín, Dương Thu Hương… cũng vốn là những đảng viên. Trong bài “Loyal Opposition: The Rise of Vietnamese Dissidents” đăng trên tờ Harvard Asia Quarterly số mùa xuân năm 2000, Zachary Abuza ghi nhận: trong số hàng trăm người được xem là đối kháng chính trị tại Việt Nam từ sau phong trào đổi mới (dĩ nhiên cho đến năm 2002, lúc ông hoàn tất bài viết này!), có 25 người được xem là nổi tiếng nhất. Trong số 25 người ấy, có 16 người là đảng viên đảng Cộng sản (trong đó có 9 người, cuối cùng, bị khai trừ và hai người tự ý rút ra khỏi đảng). Trong số 16 đảng viên ấy, có 3 người vốn là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng, hai người khác là cán bộ cao cấp thuộc Trung ương. Như vậy, theo Abuza, phần lớn những người gọi là đối kháng chính trị tại Việt Nam đều thuộc tầng lớp lãnh đạo (ông gọi là “members of the ruling elite”) (7).

Từ luận điểm và những quan sát như thế, Martin Gainsborough khẳng định một cách khá dứt khoát:

“Khi những thay đổi chính trị xảy ra ở Việt Nam, điều hầu như không thể tránh khỏi, một bài học từ phần lớn các vùng khác ở Á châu là một sự mở rộng của không gian chính trị dường như chỉ đến từ những thay đổi bên trong cơ chế nhà nước hơn là từ sự nổi dậy của một xã hội dân sự quyết liệt như những gì Tây phương đang tưởng tượng.” (8)

Đến đây, chúng ta có thể nhận ra mạch luận lý của các học giả Tây phương: Nhìn vào Việt Nam, không thấy sự tồn tại của xã hội dân sự với tư cách một thiết chế thực sự, họ đề nghị tập trung vào các hành động xã hội dân sự. Theo dõi các hành động xã hội dân sự ở Việt Nam qua các cơ quan truyền thông, người ta nhận thấy chúng gắn liền chủ yếu với những người đã có hoặc đang có vai vế trong guồng máy lãnh đạo của đảng và chính quyền nên đi đến kết luận: thay vì xuất hiện như một thiết chế độc lập và tự trị, ở Việt Nam, xã hội dân sự chủ yếu phát sinh và phát triển bên trong bộ máy nhà nước. Cuối cùng, một hệ luận được rút ra là: Chỉ có những cái bên trong ấy mới có khả năng thay đổi tình hình chính trị tại Việt Nam.

Về phương diện học thuật, cách nhìn ấy làm thay đổi khá nhiều nội dung khái niệm xã hội dân sự. Nó cho thấy khái niệm xã hội dân sự thay đổi ở ba tình huống khác nhau: Một, trong xã hội dân chủ, nó có tính chất tự trị và nhằm tạo sự quân bình về quyền lực, từ đó, tăng cường tính khả kiểm của nhà nước. Hai, trong các xã hội chuyển tiếp từ độc tài sang dân chủ (như ở Đông Âu và Trung Âu vào cuối thập niên 1980), nó tương đối tự trị, đóng vai trò đối lập với chính quyền, và nhắm đến mục tiêu thay đổi chế độ. Ba, ở các quốc gia thuộc loại tiền-chuyển tiếp (pre-transition) - một lối nói mang tính uyển ngữ để chỉ các quốc gia toàn trị nặng nề, nó chưa được định hình rõ ràng, nằm đâu đó hoặc trong một tổ chức nhà nước hoặc trên ranh giới giữa nhà nước và xã hội, chỉ được nhận diện qua các hành động có tính chất tập thể nhằm cổ vũ cho một chính nghĩa chung liên quan đến quyền lợi của nhóm hay của cả dân tộc; và nhắm đến mục tiêu dân chủ hóa (ở mức thấp là yêu sách nhà cầm quyền hiện tại gia tăng tính minh bạch; ở mức độ cao hơn, đòi đa đảng).

Tôi đồng ý với các nỗ lực khái niệm hóa (conceptualisation) ấy, nhưng tôi không nghĩ nó còn phù hợp với tình hình Việt Nam hiện nay. Trước, cách đây năm mười năm, chúng đúng. Nhưng những phát triển trong sinh hoạt chính trị Việt Nam những năm gần đây cho thấy, thứ nhất, xã hội dân sự đang hình thành tại Việt Nam, dù một cách không chính thức, nghĩa là không được chính phủ công nhận; thứ hai, ở dạng phôi thai ấy, xã hội dân sự không nhất thiết phải làm một con vật ký sinh trong các tổ chức nhà nước. Nó đang tạo lập một thế giới riêng. Chủ yếu là một thế giới ảo. Trên các mạng truyền thông toàn cầu.

***
(Đây là bài thứ bảy trong loạt bài về “Xã hội dân sự”. Các bài đã đăng:

Kỳ tới: “Xã hội dân sự và mạng lưới truyền thông”)

***
Chú thích:
  1. Trong Joseph Hannah (2007), sđd.
  2. Jorg Wishermann, “Governance and Civil Society Action in Vietnam: Changing the Rules From Within - Potentials and Limits”, Asian Politics & Policy, số 3, năm 2011, tr. 388.
  3. Như trên, tr. 389.
  4. Trong Joseph Hannah (2007). Ở đây, tôi trích từ bài “Vietnam and the Challenge of Political Civil Society” của Carlyle A. Thayer đăng trên Contemporary Southeast Asia số 31 (2009), tr. 1-27, qua bản dịch tiếng Việt của KD trên website Đàn Chim Việt hoặc trên http://www.viet-studies.info/kinhte/Thayer_CivilSociety_translation.htm
  5. Xem Jorg Wishermann, bài đã dẫn, tr. 385-9; Russell Hiang-Khng Heng, bđd., tr. 157; Ingrid Lanlau, bđd., tr. 253; và Mark Sidel, “The Emergence of a Nonprofit Sector and Philanthropy in the Socialist Republic of Vietnam”, in trong cuốn Integrative Report: Emerging Civil Society in the Asia Paicific Community do Tadashi Yamanoto biên tập (1995), Institute of Southeast Asian Studies xuất bản tại Singapore, tr. 293.
  6. Dẫn theo Jorg Wishermann, bđd., tr. 385.
  7. Bài viết này, sau đó, được trình bày tại một cuộc hội nghị về Việt Nam tháng 11 năm 2001 tại Washington D.C., Hoa Kỳ, dưới nhan đề “Loyal Opposition Within the VCP”. Có thể đọc trên www.vpa-inc.org/conference/pdf/abuza.pdf
  8. Dẫn theo Ingrid Lanlau, bài đã dẫn, tr. 253.

    * Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
 

Quyền chọn lựa và sự thịnh vượng

Kết thúc loạt bài phân tích các yếu tố cần thiết cho sự thịnh vượng, kỳ này Diễn đàn Kinh tế sẽ trình bày một yếu tố then chốt là quyền chọn lựa.


(AFP photo) Ảnh minh họa một nhà đầu tư trẻ Nam Hàn đang giao dịch qua điện thọai trên sàn chứng khoán.

Quyền chọn lựa

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, như ông đã trình bày từ đầu tháng trước về các yếu tố đóng góp cho sự thịnh vượng của một quốc gia, rằng chúng ta có thể sẽ phải nói đến Tết, Nay đã là cận Tết, nghĩa là mình đã có thể rút tỉa kết luận về loạt bài phân tích này. Tổng kết lại, ông cho rằng đâu là yếu tố quan trọng nhất có thể tạo ra sự phồn thịnh cho người dân?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là qua bốn chương trình liền, chúng ta đã nói đến nhiều yếu tố khác nhau, bây giờ nếu tổng kết thì tôi nghĩ rằng quyền tự do chọn lựa là động lực then chốt nhất. Tôi xin khởi đầu bằng thí dụ đơn giản để thính giả của chúng ta có thể mường tượng ra điều ấy.

Trước hết là vì nhu cầu giải quyết một sự khan hiếm của mình, ai ai cũng phải chọn lựa. Chẳng hạn như ta không thể vừa đánh cá, vừa cầy ruộng lại vừa xây nhà nên phải chọn một việc gì đó mình cho là ưu tiên rồi giải quyết những nhu cầu còn lại qua việc trao đổi mua bán.

Khi trao đổi mua bán thì ai cũng muốn được tối đa và mất tối thiểu, nên phải tìm nơi cung cấp điều mình thiếu rồi ngã giá với nhau. Khi có nhiều nguồn cung cấp khác nhau thì mình có quyền chọn lựa được mở rộng và chẳng ai lại có cái thế độc quyền để bắt chẹt. Tiến trình chọn lựa hay ngã giá sau khi đó là tìm ra giải pháp có thể thoả mãn cả đôi bên và rốt cuộc thì ta chấp nhận là thà mình được ít hơn một chút còn hơn là mất cơ hội giải quyết một nhu cầu khan hiếm. Khi đã thỏa mãn nhu cầu đó rồi thì mình có điều kiện giải quyết một việc khác. Cả triệu lần thỏa thuận hay thỏa hiệp như vậy sẽ tạo ra sự thịnh vượng chung cho mọi người vì ai ai cũng có lợi.

Vũ Hoàng: Nếu chúng tôi hiểu không lầm thí dụ vừa rồi thì thứ nhất là càng có nhiều người mua bán và thậm chí cạnh tranh với nhau thì ta càng có nhiều chọn lựa, chứ không bị kẹt hoặc ép giá vì tình trạng độc quyền. Thứ hai là trong việc thương thảo hay ngã giá, yếu tố quyết định chính là giá cả mà đôi bên có thể thỏa thuận. Thưa ông, có phải là như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng như thế. Hãy lấy một thí dụ kế tiếp là ông A và bà B có nhu cầu trao đổi mua bán và ngã giá với nhau rồi tìm ra sự đồng thuận là cái giá phải chăng cho cả hai, để họ còn đi làm việc khác. Nôm na là quan hệ A-B dựa trên một cái giá tối hảo nào đó cho quyền lợi của cả hai, theo lối dân ta gọi là "thuận mua vừa bán".

Bây giờ một người thứ ba lại nhảy vào giữa quan hệ đó, tôi xin gọi là đồng chí X hay nhà nước, và ấn định ra một cái giá khác vì một lý do nào đó. Đồng chí X này áp đặt một cái giá và giới hạn quyền chọn lựa của ông A và bà B nên làm kinh tế nghèo đi vì ít cơ hội chọn lựa hơn. Nói vắn tắt thì việc nhà nước can thiệp có thể cản trở sự thịnh vượng kinh tế vì thu hẹp quyền chọn lựa, hoặc tạo ra tình trạng cạnh tranh thiếu bình đẳng và thậm chí nạn độc quyền.

Vai trò của nhà nước

000_Hkg8245986-250.jpg
Một tiệm bán quần áo ở Hà Nội, ảnh minh họa. AFP

Vũ Hoàng: Nhưng mình vẫn có thể thấy ra vai trò cần thiết của nhà nước trong sinh hoạt kinh tế quốc dân chứ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa đúng thế, nhà nước có một vai trò cực kỳ quan trọng là bảo đảm cho mọi người được quyền bình đẳng trong sự chọn lựa và không ai có thể lấn át người khác. Việc tạo ra sân chơi bình đẳng với một hệ thống pháp quyền công minh, tức là công khai và minh bạch, là một yếu tố của thịnh vượng. Nhà nước là cơ chế cần thiết để bảo vệ sự bình đẳng ấy qua việc áp dụng luật lệ một cách vô tư. Khi nhà nước lại can thiệp vào quan hệ A-B đó với điều kiện khác biệt, như về giá cả chẳng hạn, thì có thể tạo ra sự thiên lệch bất lợi cho kinh tế.

Vũ Hoàng: Ta vẫn có thể nghĩ đến hoàn cảnh của các nước đang phát triển, tức là còn nghèo, nên phải áp dụng một số chính sách phát triển để tập trung nguồn lực của quốc gia vào một số khu vực ưu tiên hầu tạo ra một lực đẩy ban đầu. Những thí dụ mà ai cũng biết là trường hợp Nhật Bản hay Nam Hàn. Chính quyền các nước này cũng có đồng chí X can thiệp vào sinh hoạt kinh tế và yểm trợ các tập đoàn kinh doanh về công nghiệp hay tài chính ngân hàng, nhờ vậy mà họ đạt mức tăng trưởng rất cao trong giai đoạn công nghiệp hoá. Ngày nay, các chính quyền như Trung Quốc hay Việt Nam cũng có thể noi theo tấm gương đó mà xây dựng khu vực kinh tế nhà nước như bộ phận chủ lực cho công cuộc phát triển. Ông trả lời sao về sự phản biện này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, trong giai đoạn công nghiệp hóa, quốc gia có thể nghiên cứu và áp dụng một số chính sách phát triển, tức là đề ra những ưu tiên cần được yểm trợ và tạo ra một sân chơi có thể là thiếu bình đẳng vì một số khu vực được nâng đỡ. Nhưng kinh nghiệm Nhật Bản và Nam Hàn cho thấy, sau vài thập niên tăng trưởng ngoạn mục thì chính sách ấy dẫn đến cái nạn chúng ta đã từng nói tới là "ỷ thế làm liều" của một số doanh nghiệp được nâng đỡ, với kết quả là bị khủng hoảng kinh tế. Thứ hai, khi nhà nước can thiệp và nâng đỡ như vậy thì còn gây ra bất công và nhất là tệ nạn tham nhũng khi có sự cấu kết giữa chính trị và kinh doanh. Xin hãy nói về Nam Hàn là một xứ mà Việt Nam có thể coi là gương mẫu muốn noi theo.

Vũ Hoàng: Quả thật vậy, thính giả của chúng ta muốn biết về trường hợp Nam Hàn vì ảnh hưởng sâu rộng của xứ này về nhiều mặt trong xã hội Việt Nam, từ kinh tế, kinh doanh, tới điện ảnh hay ca nhạc.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ căn bản vào sáu chục năm trước là khi bán đảo Triều Tiên bị phân ranh sau đình chiến 1953, thì Nam Hàn chỉ là xứ nông nghiệp có rất ít tài nguyên khoáng sản và lại thiếu nhiều cơ sở công nghiệp nặng mà Nhật đã xây dựng trước đó tại Bắc Hàn.

Thế rồi từ thập niên 60, Chính quyền Nam Hàn có chính sách tuần tự công nghiệp hóa với các tập đoàn họ gọi là "chaebols", hay tài phiệt, được nhà nước nâng đỡ để thi hành chính sách này dù các cơ sở ấy là của tư nhân chứ không là quốc doanh như tại Trung Quốc và Việt Nam. Nhờ đó, từ 1960 đến 1980, xứ này đạt tốc độ tăng trưởng ngoạn mục là 12%, tức là còn cao hơn 9-10% của Trung Quốc sau này. Và nhờ đó, Nam Hàn đã công nghiệp hoá và thịnh vượng rất nhanh so với xứ Bắc Hàn lụn bại, rồi Nam Hàn trở thành một nước xuất khẩu nền văn hoá kinh doanh tiêu biểu đã tạo ra phép lạ kinh tế Đông Á. Quần chúng thì có thể say mê phim bộ hay nghệ sĩ Đại Hàn, hoặc một tay múa may mà gây chấn động thế giới về phong cách Gangnam, chứ doanh gia thì phục các tập đoàn Nam Hàn đã vượt Nhật Bản và ai để ý tới chuyện quốc tế còn thấy người dân gốc Nam Hàn đang cầm đầu Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới.

Mối liên hệ chính trị - kinh tế

000_Hkg7748046-250.jpg
Công nhân kết hoa cờ Đảng và cờ nước trước lễ Quốc Khánh 02/9/2012. AFP

Vũ Hoàng: Ông hay nhìn ra nhiều ý nghĩa bất ngờ của thời ự hàng ngày nên nêu lên một số thí dụ đáng cho ra suy ngẫm. Nghĩa là Nam Hàn có thể là tấm gương sáng nhưng không ở chiến lược kinh tế thời xưa mà còn ở nhiều địa hạt khác.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta nên nhìn lại kinh nghiệm của họ. Thứ nhất là dù bản thân nhà độc tài thời đó là Tổng thống Phác Chính Hy là người liêm khiết và đã công nghiệp hóa xứ sở, chính sách ấy vẫn gây ra tham nhũng và ưu thế của các chaebols Nam Hàn lại dẫn tới khủng hoảng vào năm 1998.

Chính là vụ khủng hoảng mới khiến Nam Hàn giảm thiểu chứ không tăng cường sự can thiệp của nhà nước và sau vụ khủng hoảng, chủ tịch sáng lập tập đoàn Dae Woo hay Đại Vũ bị án tù vì tội tham ô. Kết quả là Nam Hàn cải tổ cơ cấu kinh tế, các tập đoàn tài phiệt cũng thay đổi chiến lược kinh doanh. Trong khi ấy, môi trường quốc tế cũng đã thay đổi theo tinh thần mua bán tự do của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO chứ không cho nhà nước chọn lựa và nâng đỡ thành phần kinh tế này hay khu vực sản xuất khác.

Điều quan trọng nhất mà Việt Nam không nhìn ra là việc Nam Hàn đã cải tổ về chính trị cách nay đúng 20 năm để thành một quốc gia dân chủ hạng nhất thế giới. Nhờ thể chế dân chủ xứ này đã có thể chuyển hướng cải cách và cũng giải trừ được tham nhũng. Một cựu Tổng thống của họ đã tự tử năm 2009 khi bị đàn hặc về tội gia đình nhận tiền hối lộ của tập đoàn Daewoo.

Các trường hợp lãnh tụ bị ra toà hay vào tù như Tổng thống Trần Thủy Biển của Đài Loan hay Gloria Macapagal-Arroyo của Philippines không xảy ra cho đồng chí X của một nước độc tài. Các quốc gia đó đã phát triển mạnh hơn và giàu hơn Việt Nam không chỉ vì áp dụng chiến lược kinh tế đúng đắn dù mỗi nước lại có một chiến lược thích hợp với hoàn cảnh của mình. Họ trở thành một xứ giàu mạnh và văn minh hơn vì có dân chủ và mở rộng quyền chọn lựa cho người dân về kinh tế lẫn chính trị.

Vũ Hoàng: Chúng ta đi tới đoạn kết khi cũng sửa soạn ăn Tết! Thưa ông, lời kết ở đây là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta trở về quan hệ của ông A và bà B với sự can dự của đồng chí X. Nếu đồng chí X này lại can thiệp theo chiều hướng nâng đỡ giả dụ như bà B vì lý do chính thức là kinh tế thì sự kỳ thị và lệch lạc đã xảy ra với hậu quả là làm cả xã hội nghèo đi. Nhưng tai hại hơn vậy là ai cũng muốn thành bà B để xây dựng quan hệ tốt với đồng chí X, tức là định chế hóa nạn tham nhũng và tư bản thân tộc, rồi dù cho cơ sở của bà B có thể phá sản thì vẫn cứ tồn tại, nhờ tài nguyên của nhà nước. Hậu quả là tham nhũng và bất công làm xứ sở khó phát triển và người dân không thể làm giàu vì bị tước đoạt mất quyền chọn lựa, bản thân còn bị nhà nước làm nghèo đi. Quyền chọn lựa kinh tế vì vậy khởi đi từ quyền chọn lựa chính trị, từ thể chế dân chủ.

Hồi nãy, ta nhắc đến trường hợp Nam Hàn. Dân Việt có thể chẳng kém gì dân Đại Hàn, nhưng lãnh đạo thì quả là thua xa. Người ta cứ nói kinh tế là một khoa học u ám nhưng vào dịp Tết nhất thì mình cũng nên nói đến điều lạc quan và tích cực. Tôi thầm mong và cầu chúc là người Việt sẽ có quyền chọn lựa rộng mở để tìm ra sự thịnh vượng và trước đó, tìm ra con đường cải cách chính trị để có thể chuyển hóa trong hòa bình. Nghĩa là tìm ra một hệ thống lãnh đạo khác.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi và nhân dịp năm mới, mục Diễn đàn Kinh tế xin gửi tới quý thính giả lời chúc an khang và thịnh vượng.

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

Đơn kháng án của Blogger Điếu Cày

TS Nguyễn Quốc Quân, một người Mỹ gốc Việt bị Việt Nam trục xuất hồi tháng trước, ngoài chuyện được tự do ra khỏi nhà tù, ông còn mang theo được lá thư của một tù nhân lương tâm nổi tiếng khác tại Việt Nam là blogger Điếu Cày sang Mỹ.


(Chụp từ clip VTV1) Nhà báo Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày tại phiên sơ thẩm hôm 24/9/2012.

Đài Á Châu Tự Do hỏi chuyện Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân xung quanh lá thư của blogger Điếu Cày. Mời quý vị cùng theo dõi.

donkhangan-dieucay2-360
Đơn kháng án của Blogger Điếu Cày gửi TS Nguyễn Quốc Quân chuyển ra ngoài.

Chân Như: Lời đầu tiên xin gởi lời chào đến TS Nguyễn Quốc Quân. Xin ông có thể cho khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do biết là ông đã nhận được lá thư của blogger Điếu Cày trong trường hợp nào?

TS Nguyễn Quốc Quân : Chào Chân Như. Kính chào quý vị khán thính giả của Đài RFA. Tôi nhận được cái thư của anh Điếu Cày, thứ nhất là anh Điếu Cày nhập vào Trại B-34 từ nơi khác đến vào ngày 23 tháng 9. Ảnh vào B-34 để mà chuẩn bị ra tòa về vụ Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, và anh Điếu Cày ở đó được khoảng chừng gần 2 tuần cho nên có cái cơ hội anh em thò miệng ra ngoài cửa sổ để nói chuyện với nhau. Tôi quen giọng anh Điếu Cày cho nên nghe giọng thì cũng nhận ra ảnh là anh Điếu Cày. Và những người tù bên cạnh khi ảnh đi ngang qua thì thấy mặt và họ bảo đó chính là anh Điếu Cày.

Khi nhận được thủ bút của anh Điếu Cày thì tôi mới dám nghĩ rằng 99% người viết chính là anh Điếu Cày, nhưng mà qua tính khí khái của những lời lẽ mà ảnh nói thì quả thật tôi cho rằng tôi rất là may mắn được giao lưu, tức là trò chuyện với anh Điếu Cày xuyên qua lỗ cửa sổ.

Tôi ở Phòng 14 còn anh Điếu Cày ở Phòng 16, tức là chỉ cách nhau một phòng thôi. Đó cũng là một điểm rất là lạ mà chúng tôi, tôi và  Điếu Cày cũng có bàn với nhau là không biết tại sao họ lại để cho hai người tù chính trị ở sát với nhau như thế.

Chân Như : Như theo lời ông kể thì có nghĩa là ông bị giam chung nhà tù với blogger Điếu Cày. Ngoài việc giao lưu qua lại qua lỗ cửa sổ, vậy còn cơ hội gặp mặt với blogger Điếu Cày trong tù thì sao ạ?

TS Nguyễn Quốc Quân : Về gặp mặt thì không thể gặp mặt rồi, và ngay cả lúc tôi đi “làm việc”, theo cái nghĩa là đi ra ngoài để điều tra, hay là anh Điếu Cày đi ra ngoài để dự phiên tòa đó, thì cũng không bao giờ đi ngang phòng nhau, do đó cũng không có cơ hội để nhìn thấy mặt nhau. Nhưng mà sau khi ảnh vào rồi ảnh trò chuyện với người bên cạnh thì người bên cạnh mới bảo là có anh Nguyễn Quốc Quân. Cho nên chúng tôi đã lên tiếng với nhau để làm quen và nói chuyện với nhau.

Chúng tôi mỗi lần nói chuyện, vì chỉ cách có một phòng thôi nên gần nhau, cho nên chúng tôi có thể nói chuyện một cách trực tiếp, nghĩa là chỉ cần nói to lên thôi là phòng bên cạnh có thể nghe được.

Trong những giờ cửa mở, khi cửa mở thì chúng tôi ra cái hàng rào để mà có chỗ tắm, mặc dù không thể nhìn mặt nhau và mặc dù khoảng cách vẫn nhất định như vậy, nhưng mà mình có thể nói lớn và nói xuyên qua cái hàng rào để mà nghe được. Đó là cơ hội để mà nói chuyện. Và ở trong tù thỉnh thoảng người ta vẫn hát cho nhau nghe vào ban đêm. Người này hát, người kia hát, chẳng hạn như hôm đó, hai hôm sau anh Điếu Cày có hát bản “Tự Do”, còn tôi thì tôi đọc tặng cả dãy nhưng thực sự tặng anh Điếu Cày, tôi đọc bài thơ “Lời Mẹ Dặn” của nhà thơ Phùng Quán, mà có mấy câu thơ cuối cùng thì anh Điếu Cày rất đắc ý, mặc dù ảnh chưa từng nghe bao giờ. Các câu thơ đó là :

Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.


Những câu đó rất phù hợp với vai trò anh Điếu Cày trong thời gian này.

Chân Như : Dạ vâng.  Trở lại với nội dung chính. Xin ông có thể cho biết một vài điểm chính trong bức thư này được không ạ?

TS Nguyễn Quốc Quân : Nói là bức thư thì không hẳn đúng là như vậy. Đó là cái đơn kháng cáo của anh Điếu Cày. Như tất cả quý khán thính giả đã biết là anh Điếu Cày bị xử án, cùng với chị Tạ Phong Tần,  là 12 năm tù và 5 năm quản chế. Ảnh có nói với tôi như thế này:  Công tố viện đã đòi phải xử thật nặng, nhung khi mà vào hội đồng xét xử thì họ đã khuyến mãi thêm 2 năm tù nữa và 5 năm quản chế. Tổng cộng là 12 năm tù và 5 năm quản chế. Ảnh bảo rằng là ảnh tin rằng cái Điều 88 khắc nghiệt này là chắc chắn sẽ chết trước khi ảnh ra tù. Đó, tôi cho cái đó mới là thông điệp chính.

Nói trở lại cái tờ giấy mà tôi nhận được, đó chính là cái đơn kháng cáo sau khi nhận được bản đó rồi về ngày hôm sau ảnh có viết một cái đơn kháng án để đòi xử án lại. Thì cái đơn ảnh viết là khá đanh thép và rất hào hùng, do đó người quản giáo không chịu nhận tờ giấy đó. Họ bảo rằng là muốn kháng cáo phải viết một tờ giấy lễ phép hơn. Thế là anh Điếu Cày có tranh luận với họ, nhưng người quản giáo chỉ biết chấp hành lệnh trên thôi. Nếu mà không viết lại thì họ không gửi cái đơn kháng án. Do đó ảnh đã lấy tờ giấy khác để viết lại. Thế là cái tờ giấy mà ảnh viết trước đó (tôi xin mở ngoặc kép) nó bay qua phòng của tôi giống như một món quà, để cho tôi đọc. Và khi tôi đọc cái đơn kháng án đó thì tôi rất là xúc động. Ảnh bảo rằng là không có gì để gửi tâm tư của mình ra bên ngoài thì nhờ Quân thuộc cái đó để nói lại với công luận thế giới, nói lại với công luận Việt Nam ở nước ngoài. Tôi đã quyết tâm là làm thế nào cho tờ giấy đó được đến tay của hải ngoại.

Nếu mà quý vị biết thì trong bất cứ nhà tù nào, đặc biệt là nhà tù cộng sản không hề có những dòng chữ, không hề có bút hay giấy, và mỗi một tháng họ đều vào trong phòng họ xét rất kỹ. Và tôi biết chắc rằng nếu một khi tôi rời khỏi trại giam là họ xét tôi rất là kỹ, do đó tôi không thể giữ tờ giấy đó ở trong phòng. Tại vì tôi nhận được từ hồi tháng 9, do đó tôi đã tìm cách nhờ những người tin cậy chuyển tờ giấy đó ra khỏi trại. Người giúp đỡ đó tôi xin phép không được nói tên ở đây. Rất là may mắn, mọi thứ đã êm xuôi, và tờ giấy đã ra được đến hải ngoại sau khi tôi đã đến nơi an toàn ở bên Hoa Kỳ một ngày.

Nội dung của tờ kháng án đó gồm 2 phần chính mà phần đầu nói lên sự sai trái trong buổi xét xử và suốt trong thời gian điều tra, tức là những cái sai phạm, các vi phạm  pháp luật cho bộ luật tố tụng hình sự. Phần thứ hai là anh Điếu Cày đã nêu lên những phi pháp của Điều 88 nói riêng và một số điều luật khác nói chung ở trong bộ luật tố tụng hình sự.

Không những thế, anh Điếu Cày còn liệt kê một số điều luật trái ngược với chính Hiến Pháp Việt Nam nữa, do đó anh mới bảo rằng là Điều 88 là điều cần phải bị xóa bỏ khỏi Bộ Luật Tố Tụng cùng với một số điều luật khác. Tôi cho đó là một bản thông điệp và mong chờ hải ngoại cũng như quốc tế hãy tìm cách xóa bỏ Điều 88.

Chân Như : Vậy ông có kế hoạch nào để vận động cho blogger Điếu Cày trong thời gian tới hay không?  Và liệu với lá đơn kháng án trong tay, ông có hy vọng gì trong việc đi tìm công lý cho blogger Điếu Cày?

TS Nguyễn Quốc Quân : Cho đến nay thì cũng chưa có cái kế hoạch gì một cách cụ thể và cái đơn kháng án của anh Điếu Cày mang ra giống như lời kêu gọi đồng bào hãy chú tâm vào điều luật mà họ đã rất là tùy tiện bắt giữ người và rất là tùy tiện khi xét xử. Tôi cho rằng đơn kháng án của anh Điếu Cày coi giống như là một lời nhắn gửi thân thương của anh Điếu Cày đến đồng bào hải ngoại vì đã từ lâu rồi anh ấy vắng mặt. Rất là mong sự tiếp tay của đồng bào, cũng  như sẽ vận động để coi như là cái bằng chứng để cho chính quyền Hoa Kỳ nếu quan tâm về tình hình nhân quyền ở Việt Nam thì lúc đó có thể coi như là một lý do để làm thế nào vô hiệu hóa hai Điều 79 và 88.

Chân Như : Xin cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân đã cho Đài Á Châu Tự Do những chia sẻ vừa rồi ạ.

TS Nguyễn Quốc Quân : Dạ vâng. Xin cảm ơn Đài đã cho tôi có cơ hội để mà hoàn thành một phần nào đó cái thông điệp, cái tấm lòng của anh Điếu Cày, một người mà tôi vô cùng mến phục, kính phục, và chúng tôi đã học hỏi lẫn nhau rất là nhiều điều. Trong suốt thời gian trong tù chính anh đã chuyển thức ăn cho tôi vì tôi rất là thiếu thức ăn, và tôi cũng tặng cho anh hai cuốn sách mà sách ở trong tù thì rất là quý. Tôi đã tuyệt thực nhiều ngày để có các sách đó và tôi cảm thấy món quà đó vào tay anh Điếu Cày thì nó có giá trị hơn rất là nhiều.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
 

Ba câu hỏi dành cho nguyên Trưởng ban Biên giới Chính Phủ


 
Không thể "làm ngơ" với mặt trận truyền thông chứng lý Biển Đông (Bài 1)

“Thành lập một bảo tàng số tập hợp chứng lý về Biển Đông là nhu cầu tất yếu, vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay”- Đó là khẳng định của TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ khi đề xuất công bố ý tưởng này với Infonet. (http://infonet.vn/Thoi-su/Khong-the-lam-ngo-voi-mat-tran-truyen-thong-chung-ly-Bien-Dong-Bai-1/57860.info)

- 5 lý do cần có kho tư liệu số về chứng lý Biển Đông (bài 2)

Như Infonet đã đưa tin, chúng ta không thể làm ngơ với mặt trận truyền thông chứng lý Biển Đông, từ thực tiễn và yêu cầu của cuộc đấu tranh chủ quyền, TS Trần Công Trục tiếp tục nêu ra 5 lý do cần có Bảo tàng số về chứng lý Biển Đông. (http://infonet.vn/Thoi-su/5-ly-do-can-co-kho-tu-lieu-so-ve-chung-ly-Bien-Dong-bai-2/58095.info)
 
 

Vũng Tàu có phố... Tàu!


Lồng đèn với hình ảnh và chữ Trung Quốc được chính quyền địa phương cho trang trí sáng rực cả con đường lớn và đẹp nhất huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đường Lê Hồng Phong (thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là con đường rộng lớn và đẹp bậc nhất của huyện. Trong những ngày giáp Tết, chính quyền địa phương huyện Châu Đức đã tổ chức trang trí đèn hoa rực rỡ nhằm phục vụ cho nhân dân trong và ngoài huyện du Xuân thưởng ngoạn. Tuy nhiên, khi đến khu phố này, nhiều người dân đã rất bất ngờ bởi cách trang trí đèn lồng và hình ảnh không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Cụ thể, cả con đường này toàn treo đèn lồng Trung Quốc (có hình thiếu nhi mặc trang phục và chữ viết Trung Quốc).
Lồng đèn Trung Quốc được giăng đầy con đường lớn nhất huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Ông Hoàng Văn Công, một cựu chiến binh ngụ ở đường Lê Hồng Phong, bày tỏ: “Việc trang hoàng đường phố vào dịp Tết cổ truyền là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, trang hoàng như thế nào cho phù hợp với văn hóa của dân tộc mình để người dân cảm nhận được màu sắc, phong vị chứ trang trí theo cách của một nền văn hóa khác tại khu vực dân cư Việt sinh sống trong dịp Tết cổ truyền thì thật khó coi”.

Theo ông Công, nếu chỉ là một cụm dân cư hoặc cộng đồng dân tộc khác thì họ có thể tự trang trí theo văn hóa của mình. Tuy nhiên, chính quyền địa phương mà làm như thế là trái với phong tục Việt Nam.

Anh Nguyễn Chí Cường, một sinh viên đang học ở TPHCM vừa trở về quê ở huyện Châu Đức, bức xúc: “Cả năm mới trở về quê ăn Tết, tôi thấy chính quyền địa phương quan tâm đời sống tinh thần của người dân là điều đáng mừng. Tuy nhiên, trên một trục lộ chính của huyện lại treo nhiều đèn lồng đặc trưng văn hóa của người Trung Quốc là điều không nên. Những ngày này, bạn trẻ từ khắp nơi trở về quê mà thấy thiếu đi những hình ảnh đặc trưng của văn hóa Việt thì quả là điều đáng tiếc”.

Đề cập vấn đề này với chính quyền địa phương vào chiều 6-2, ông Trần Văn Thu, Phó Bí thư Huyện ủy Châu Đức, cho biết: Việc trang trí các tuyến đường trung tâm huyện đã được chuẩn bị cách đây gần 1 tháng. “Chúng tôi đã thuê một đơn vị ở TPHCM thiết kế tổng thể. Trên tinh thần tiết kiệm, một số hạng mục đã được kế thừa từ năm ngoái. Bản thân tôi chịu trách nhiệm chung nên những chi tiết nhỏ không nắm bắt kịp thời. Trên tinh thần phản ánh của báo chí, chúng tôi xin ghi nhận và ngay trong tối 6-2 sẽ kiểm tra để có hướng xử lý thích hợp” - ông Thu khẳng định.

Trước đây, ở một số nơi, có thời gian đèn lồng Trung Quốc cũng đua nhau xuống phố. Sau khi bị người dân phản ứng, chính quyền địa phương đã không còn sử dụng loại đèn này. Người dân Châu Đức cho rằng chính quyền địa phương nên thay thế ngay những chiếc đèn lồng Trung Quốc bằng các loại đèn khác phù hợp với văn hóa Việt Nam để người dân không cảm thấy một không khí Tết xa lạ ngay trên quê hương mình.  

Không để văn hóa bị lai tạp
Một độc giả của Báo Người Lao Động cho rằng chúng ta là người Việt Nam, sống trên đất Việt Nam có hơn 4.000 năm văn hiến. Tổ tiên chúng ta, bằng bàn tay và khối óc của mình, đã tạo lập một nền văn hóa Việt Nam với những sắc thái riêng biệt không lẫn với một dân tộc nào khác. Không có lý do gì chúng ta để văn hóa của mình bị lai tạp, bị văn hóa của những dân tộc khác lấn át ngay trên quê hương mình trong dịp Tết trang trọng này.

(Người Lao động)

Bia Sơn, một vụ án dàn dựng để chiếm đoạt tài sản công dân

Sau hơn một tuần xét xử, ngày 04/02/2013 phiên tòa sơ thẩm hình sự tỉnh Phú Yên tuyên án tù chung thân đối với ông Phan Văn Thu (tức Trần Công), 65 tuổi, người bị coi là cầm đầu tổ chức "Hội đồng công luật công án Bia Sơn" về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Hai mươi mốt (21) người còn lại bị tuyên những án tù nặng nề, theo đó:
- 2 người bị kết án 17 năm tù: các ông Lê Duy Lộc (57 tuổi) và Vương Tấn Sơn (57 tuổi);
- 6 người bị kết án 16 năm tù: các ông Võ Thành Lê (58 tuổi), Nguyễn Kỳ Lạc (62 tuổi), Võ Ngọc Cư (62 tuổi), Tạ Khu (67 tuổi), Đoàn Đình Nam (62 tuổi), Từ Thiện Lương (63 tuổi) và Võ Tiết (61 tuổi);
- 1 người bị kết án 15 năm tù: ông Lê Phúc (62 tuổi);
- 3 người bị kết án 14 năm tù: các ông Nguyễn Dinh (45 tuổi), Đoàn Văn Cư (51 tuổi), Phan Thành Ý (65 tuổi);
- 2 người bị kết án 13 năm tù: bà Đỗ Thị Hồng (56 tuổi) và ông Trần Phi Dũng (47 tuổi);
- 5 người bị kết án 12 năm tù: các ông Lê Trọng Cư (47 tuổi), Trần Quân (29 tuổi), Lương Nhật Quang (26 tuổi), Lê Đức Động (30 tuổi), Nguyễn Thái Bình (27 tuổi);
- 1 người bị kết án 10 năm tù: ông Phan Thành Tường (26 tuổi).
Tổng cộng 295 năm và tất cả phải chịu quản thúc tại địa phương 5 năm sau khi mãn hạn tù.

Số công an đông hơn thân nhân
Dư luận đã rất kinh ngạc trước những án tù quá nặng nề này. Từ vài năm trở lại đây, chính quyền cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp, bắt bớ và xét xử một cách tùy tiện những người bất đồng chính kiến về những tội danh mơ hồ như "âm mưu lật đổ chính quyền" và "tuyên truyền chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam", nhưng chưa ai bị án tù chung thân như ông Trần Văn Thu. Nhìn chung, nếu không được giảm án, hơn phân nửa số người vừa bị kết án sẽ bị chết già hoặc chết vì bệnh tật trong tù trước khi mãn hạn.
Có cái gì mờ ám trong vụ án này.
Một vụ án dàn dựng
Không hiểu vì lý do gì, báo chí trong nước không cung cấp nhiều thông tin về một vụ án chính trị lớn với 22 người mà chính quyền cộng sản gọi là phản động. Trong phiên tòa kéo dài hơn một tuần lễ, từ 28/01 đến 04/02/2013, không một tường thuật nào đã được đưa ra. Theo một người tham dự vụ án kể lại, các luật sư đã không những không tích cực bào chữa mà còn chấp nhận tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền" theo điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Qua những hình ảnh do báo công an mạng tỉnh Phú Yên phổ biến, số công an mặc đồng phục xanh lá cây hiện diện trong phòng xử đông hơn thân nhân những người bị xét xử đến tham dự. Riêng ông Phan Văn Thu, tức Trần Công, người được coi là đứng đầu Hội đồng công luật công án Bia Sơn, bị hai công an kẹp chặt hay cánh tay trước vành móng ngựa, chắc chắn là ông không thể tự biện hộ một cách tự nhiên được. Trong lời phát biểu cuối cùng, ông Phan Văn Thu nói nếu tòa thương phần nào thì thương, chứ ông không có làm việc chính trị nào hết.
Về phía những bị cáo, họ rất hiền lành và không có kháng cự gì hết, tòa nói sao họ cúi đầu nghe vậy. Một số người khẳng định trước tòa rằng họ không có làm điều gì đụng đến chính trị cả, động cơ ban đầu là vào làm thuê làm mướn, sau đó nghe ông Phan Văn Thu thuyết giảng rất hay về đạo lý làm người nên họ nghe theo vậy thôi. Tất cả đều nói họ là những người đi tu từ nhỏ, xuất gia vào chùa, sống vì Phật pháp. Tội danh duy nhất của những người tham gia Hội đồng công luật công án Bia Sơn là sử dụng số từ ngữ đụng đến chính trị mà họ luận từ Bộ Sấm Nguyễn Bỉnh Khiêm như Đại Nam Kinh Châu, Cửu Quốc Trùng Chính… Nói chung, đây là một phiên tòa xử những người mê tín dị đoan chứ không có gì là chính trị cả, những lời kinh sấm đã có từ thế kỷ 16 và không hề có ý tuyên truyền chống nhà nước hay âm mưu lật đổ chính quyền. Vì là những người tu hành, ngay sau khi bị kết tội không một người nào tuyên bố sẽ kháng án.
Nhắc lại, ngày 5/2/2012, một lực lượng công an đông đảo hơn 200 người cùng với chó nghiệp vụ đột nhập vào Khu du lịch sinh thái Hoàng Long khám xét và bắt giữ ông Phan Văn Thu cùng 9 người khác và thu giữ "hàng trăm tập tài liệu thể hiện nội dung cương lĩnh hoạt động của tổ chức phản động này cùng 19 kíp nổ, 10 bộ đàm, 1 ống nhòm, 2 máy tính xách tay, 1 máy ảnh, 1 máy quay phim, trên 12.000 USD, gần 190 triệu đồng tiền mặt và một số phương tiện hoạt động khác".
Liên quan đến vụ án này còn có một số người khác như Dương Phú Dũng, Lê Ngọc Huy, Lê Ngọc Phước Phùng, Nguyễn Việt Giáo, Nguyễn Đốc Huấn, Huỳnh Hùng, Lê Thiên Sách, Lê Hàng, Phạm Văn Cai, Huỳnh Đường, Trần Văn A, Trần Văn Bi, Võ Bụi, Nguyễn Thanh Quân, Lê Phụng Trung, Lê Thị Phượng có hành vi tham gia tổ chức nhưng đã tự thú và khai rõ sự việc nên được miễn truy tố nhưng sẽ bị xử lý bằng những biện pháp khác (bị quản lý tại địa phương).
Trong ngày xét xử, về phần tài sản, tòa án Phú Yên tuyên bố đã "tịch thu hơn 220 triệu đồng, 80.443 đô la Mỹ, 500 đô la Úc, 300 đô la Canada, 26 thẻ, nhẫn kim loại màu vàng, 2 ô tô, 19 xe máy, 33 điện thoại di động, 2 điện thoại bàn, 5 máy tính xách tay, 1 máy tính để bàn, 10 bộ đàm, 1 ống nhòm, 3 camera, 2 máy chụp ảnh, máy ghi âm, cùng nhiều phương tiện ; cơ sở vật chất của tổ chức phản động, tức Khu du lịch sinh thái Bia Sơn bị niêm phong thu giữ".
Theo bản cáo trạng ký ngày 28/09/2012 và tống đạt đến gia đình các bị cáo cho biết: "Từ năm 2003 đến tháng 2-2012, ông Phan Văn Thu cùng với 21 bị can vừa nêu đã thành lập tổ chức chính trị có tên gọi Hội đồng công luật công án Bia Sơn tại Khu du lịch sinh thái Đá Bia làm trung tâm chỉ huy hoạt động của tổ chức. Với chiến lược "tiền sinh thái, hậu tổ đình" và "bất bạo động", tổ chức lập thành 12 ban, 26 pháp hội và 4 nhóm chưa đặt tên ở các địa phương. Tổ chức đã sáng tác, biên soạn nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vu khống, nói xấu chế độ hiện tại, ca ngợi chủ thuyết công bản để tuyên truyền mê hoặc một bộ phận quần chúng nhân dân, dần dần loại bỏ tư tưởng cách mạng, ý thức hệ XHCN ra khỏi đời sống xã hội, làm phai nhạt niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, gây hoang mang, lo lắng, hoài nghi đối với chế độ hiện nay. Xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, Cương lĩnh hành động để định hướng cho hoạt động của tổ chức, các pháp hội địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức này tuyên truyền, lôi kéo quần chúng nhân dân vào tổ chức để đóng góp của cải vật chất, công sức đồng thời là lực lượng chính trị của tổ chức ở các địa phương. Dự kiến tên nước, Quốc kỳ, Quốc ca, Thủ đô, ngày Quốc khánh, bộ máy chính quyền trung ương, địa phương, sắc phong 72 tướng lĩnh. Thời gian hành động bắt đầu từ năm 2013, Phan Văn Thu lãnh đạo cùng các đồng phạm trong Hội đồng công luật công án Bia Sơn và các đệ tử, bào tộc thực hiện việc đấu tranh lật đổ chính quyền Nhà nước Việt Nam thành lập Nhà nước Đại Nam Kinh Châu".
Theo báo cáo của công an, những hành vi phạm pháp của ông Phan Văn Thu, tức Trần Công, hoàn toàn mang tính dị đoan và mê tín chứ không có gì là chính trị cả. Không biết ông Phan Văn Thu có hiểu hết ý nghĩa những lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không, nhưng với trình độ của một người có kiến thức trung bình thì những câu sấm trong Cửu Kinh Minh Triết, viết bằng chữ Hán, rất là khó hiểu. Theo nhận xét riêng, câu sấm càng khó hiểu thì càng lôi cuốn người muốn được nghe lời giải thích. Sau đây là một vài trích dẫn:
    "Tổ chức phản động “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” do đối tượng Phan Văn Thu, tức Trần Công (SN 1948, quê ở xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tổ 10, Liêm Trực, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cầm đầu. Đây là đối tượng đã lập nên tổ chức “Ân đàn đại đạo” năm 1969, núp dưới danh nghĩa tu hành để hoạt động tình báo, gián điệp.
Trần Công cùng các cộng sự của mình đã thêu dệt truyền thuyết về Cao Biền của Trung Quốc khi xưa đã từng đặt chân tới khu vực núi Đá Bia thấy đây là vùng đất địa linh, có Thánh địa mạch Rồng sẽ sinh ra nhân tài, hào kiệt nên đã yểm huyệt Mạch Kim Ngưu nhưng chưa yểm xong thì bị giết chết, chôn ở Long Thủy. Theo bộ sấm Thái Ất Thiên Cơ của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì sẽ có nhân kiệt là Kim Ngưu phá điền giáng trần có tên Trần Công với sự nghiệp phá điền, xuất bất chiến tự nhiên thành, sau cùng sẽ lập một quốc gia mới.
Trần Công cho rằng, mình là nhân vật chính trong sấm truyền vì là người ăn nhai lại, có bao tử hai ngăn tức Âm dương bào tạng tướng, là Kim Ngưu, trong tay có chữ Hán Vương, có chân mạng Thiên tử làm vua, hiện đang thuyết (sáng tạo) được Cửu kinh Minh triết (xưa nay chỉ có Phật Di Lặc mới thuyết được Cửu kinh), sáng tạo ra chủ thuyết Công bản, Cương lĩnh Công luật Đại hóa toàn cầu. Đây là chủ thuyết mới, tiên tiến nhất. Ai theo Trần Công sẽ được giải thoát, có công đức lớn và sẽ có sự nghiệp lớn sau này.
Công án (nhiệm vụ) của Trần Công được gọi là Công án Bia Sơn chính là Công án xuất bất chiến tự nhiên thành. Chủ thuyết Công bản được hiểu Công là chung, Bản là gốc, gốc của cái chung tức là sự công bằng cho cái chung. Ai đi theo y, nghe được lời, học được kinh triết cũng đều được giải thoát. Ai cùng làm sự nghiệp và đi theo Trần Công thì sẽ được chia ban bằng sự nghiệp. Ai cúng dường cho Trần Công là có được công đức rất lớn, sẽ được trả gấp trăm lần. Ai chối bỏ Trần Công là vì nghiệp quá nặng, phải rơi vào địa ngục. Ai phản thì người đó phải chết, ai cản trở việc làm thì người đó phải bị điên. Ai phụ tá đến ngày Trần Công ra công chức sẽ được rất nhiều ân sướng.
Một hình thức khác để lôi kéo, ru ngủ mọi người tham gia vào Hội đồng công luật công án Bia Sơn, Trần Công đã tổ chức thuyết giảng, tuyên truyền Cửu kinh Minh triết với nhiều nội dung mơ hồ như: Thống thức chân quang kinh, Hệ thống kinh quỹ bát đoạn, Chân tính ánh sáng bất đoạn sát na trong hệ thống Tam thiên Đại thiên thế giới, Nguyên lý pháp tính bất diệt… Hàng ngày, buổi sáng từ 4 đến 5 giờ 30, buổi chiều từ 18 đến 21giờ, Trần Công trực tiếp thuyết giảng tại Khu nhà hàng Kim Việt để lôi kéo mọi người tham gia.
Trần Công cũng tự đặt cho mình các pháp danh như: Tôn Luân, Kim Ngưu phá điền, Ngọc đảnh, Ngọc Phật, Chơn đảnh quang minh, Chơn đảnh Minh sỹ, Tâm Linh, Thành Tâm, Đức Quang Minh, Ngọc đảnh Đại hóa Ứng thân Phật… Tuy nhiên, ông Phật này có đến 5 bà vợ và rất nhiều con cháu.
Trần Công và các cộng sự đã vận động được trên 300 đối tượng tham gia. Bọn chúng chủ trương áp dụng phương thức bất chiến tự nhiên thành, cốt sao lôi kéo ngày càng đông số người tham gia vào tổ chức".
Với những dẫn chứng trên, tội danh ban đầu của những người tham gia tổ chức Hội đồng công luật công án Bia Sơn bia mang ra kiểm điểm trước tổ dân phố tháng 2/2012 là "để người nhà đi tu mà không báo cho chính quyền biết" và "tu hành không rõ nguồn gốc". Nhưng sau 8 tháng điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên đã quyết định đổi tội danh những người bị bắt thành "âm mưu lật đổ chính quyền" và "tuyên truyền chống nhà nước".Với những tội danh mới này, công an Phú Yên có thêm thời gian điều tra và lấy lời khai theo đúng những gì mà chính quyền muốn cáo buộc họ.
Đối với chính quyền tỉnh Phú Yên, quyết định thay đổi tội danh trùng hợp với chính quyền trung ương Hà Nội để một mặt tăng cường quyền lực của đảng cộng sản và mặt khác nhằm trưng thu một tài sản có trị giá kinh tế cao để cùng nhau chia chác.

Một vụ án để chiếm đoạt tài sản công dân
Khu du lịch sinh thái Hoàng Long, còn gọi là Khu du lịch núi Đá Bia (đặt tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, cạnh Quốc lộ 1A cách thị xã Tuy Hòa 23 km về phía Nam), là một chi nhánh của công ty Quỳnh Long (trước kia là công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Long). Đây là một quần thể (resort) khá lớn, rộng 48 ha, nằm trong khu danh thắng cấp quốc gia núi Đá Bia. Được hình thành từ năm 2004, công ty Quỳnh Long đã xây dựng 65 hạng mục công trình phục vụ kinh doanh du lịch hang động (troglodite caves) trên một diện tích đất rộng gần 18.000m2, thuộc khu vực rừng đặc dụng Đèo Cả. Bên trong khuôn viên là quần thể với hơn 60 công trình kiến trúc được xây dựng rải rác trên các triền núi với những tên mang tính tôn giáo như Động Bích Lạp, Động Tam Thanh, Động Đại Bi, Ngọc Động, Thạch Linh Cung, nhà nghỉ Hương Hoàng Trang… Chi phí xây dựng do sự đóng góp của các tín đồ trong đạo đóng góp. Tuy nhiên, theo những gì được quảng cáo trên mạng, hình thức tổ chức và quản trị khu du lịch này không thua gì những khu du lịch sinh thái khác, nghĩa là có nhiều nhà nghỉ (Binh Minh, Hương Hoàng Trang), quán nghỉ chân (Thạch Ngọc, Thạch Kim), nơi tham quan (Đền Hùng Vương, các quần thể Bích Lạp, Tam Thanh, Cá Voi), leo núi trekking (Núi Đá Bia 700m), hồ nước (Dãi Lụa, Mạch Rồng, Long Vân), nơi cắm trại (Thạch Lâm Viên Hưng Đạo), phòng hội nghị, nhà hàng tiệc cưới và karaoke (Kim Việt, Hoa Thủy Tuên), bida, quay phim, chụp ảnh (Thung Lũng Tịnh Hồng)… Trị giá các công trình chắc chắn không dưới một vài triệu USD.
Cho đến đầu năm 2012, Khu du lịch Đá Bia là một trong những địa chỉ thu hút rất lớn lượng khách du lịch tại Phú Yên. Như để thử khả năng tài chánh của công ty Quỳnh Long, ngày 3/12/2011, chính quyền tỉnh Phú Yên đã xử phạt công ty Quỳnh Long 300 triệu đồng vì diện tích đất chưa được cấp phép và chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sau ba năm xây dựng, đầu năm 2011 Khu du lịch sinh thái núi Đá Bia đi vào hoạt động và bắt đầu thju hoạch. Sự thành công này đã khiến các cấp chính quyền địa phương chú ý, chính các ông Đào Tấn Lộc (bí thư tỉnh ủy) và Phạm Văn Hóa (giám đốc công an tỉnh) sau khi đến tham quan cũng đã hết lời khen ngợi. Sau khi biết rõ tiềm năng thu hoạch tài chánh của khu du lịch, ngày 5/2/2012 chính quyền tỉnh Phú Yên quyết định tấn công, bộ chỉ huy tỉnh đã huy động hơn 200 công an đến bố ráp và niêm phong.
Vì thiếu thông tin từ các báo chí trong nước, người ta không khỏi nghi ngờ về động cơ bắt giữ người và niêm phong tài sản công ty Quỳnh Long của chính quyền tỉnh Phú Yên. Quyết định trưng thu Khu du lịch sinh thái núi Đá Bia có lẽ xuất phát từ tiềm năng thu hút vốn đầu tư lớn từ nước ngoài để phát triển thành phố Tuy Hòa bị giảm sút nặng. Theo tổng kết sau 15 năm (1998-2013) thực hiện Nghị quyết trung ương 5 (khóa 8) "Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", thành ủy tỉnh Tuy Hòa đã không gặt hái được thành quả nào đáng kể trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Cũng nên biết, trong suốt 15 năm qua Phú Yên là tỉnh khá nổi tiếng với những siêu dự án trị giá hàng tỉ USD, nhưng cho đến nay chưa một dự án nào được thành hình, tất cả những siêu dự án vẫn chỉ là những… siêu sản phẩm trên giấy. Một thí dụ, ngày 12/3/2011, chính quyền tỉnh Phú Yên lấy quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa do Tập đoàn Galileo Investment Group, Inc (Mỹ) đăng ký đầu tư với tổng số vốn 11,4 tỉ USD. Lý do được đưa ra là tập đoàn này không đủ năng lực tài chính để đầu tư dự án. Ngoài ra còn có những siêu dự án chưa thành hình khác như Khu lọc - hóa dầu Vũng Rô (trị giá trên 11 tỉ USD) mà chính quyền Phú Yên bị một doanh nhân Singapore bịp bằng cách mượn tiền của tỉnh để đền bù tượng trưng cho vài hộ dân rồi sau đó mang hết số tiền còn lại bỏ chạy ; Đặc khu kinh tế Phú Yên do tập đoàn Sama Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất - UAE) đăng ký đầu tư hàng trăm tỉ đô la ( ?) với diện tích đầu tư dự án chiếm… 1/3 tỉnh Phú Yên rồi cũng biến mất.
Đối với những cấp lãnh đạo địa phương, không có đầu tư là không có bỏ tiền vào túi riêng, do đó phải bằng mọi giá tìm cho ra một nguồn tiền nào đó để bù đắp, bất kể từ đâu. Trước tiềm năng phát triển du lịch Miền Trung, Khu du lịch sinh thái núi Đá Bia là một cơ hội phải nắm bắt thật nhanh, nếu không thì những cấp cao hơn đến từ trung ương sẽ đến chiếm mất. Cái không may của Khu du lịch sinh thái núi Đá Bia là ở chỗ đó, nó nằm trong ống nhắm quyền lợi của các viên chức lãnh đạo cao cấp địa phương. Ai  cũng biết tổ chức Hội đồng công luật công án tại Bia Sơn là một tổ chức tào lao, mê tín dị đoan nhưng muốn chiếm đoạt tài sản của tổ chức này thì phải tạo ra những chứng cớ pháp lý để buộc tội, nghĩa là phải có tổ chức, có đảng viên và có tang chứng.
Sau 8 tháng điều tra, bộ phận chấp pháp tỉnh Phú Yên đã phịa ra những chứng cớ mà chính những người bị kết tội cũng không hiểu là gì như tổ chức phản động (công ty trách nhiệm hữu hạn Quỳnh Long), căn cứ địa (khu du lịch sinh thái Bia Sơn), tài liệu phản động và cương lĩnh (Cửu kinh Minh triết), vũ khí (19 kíp nổ để khai thác đá), dụng cụ truyền tin (10 bộ điện đàm talkie-walkie trong một khu vực rộng 481.000 m2), hai máy vi tính để liên lạc với nước ngoài (thực ra là để quản trị một công ty rộng lớn với hơn một trăm nhân viên), v.v. Tổng số tiền tịch thu hơn 84.000 USD  cũng chỉ bằng giá của một đám cưới hạng trung bình tại các thành phố lớn trong nước (khoảng 100.000 USD).
Thêm vào đó, những nhân viên quản trị công ty và những chức sắc của đạo công án công luật bị đặt cho những chức danh chính trị mà chính họ không hề nghĩ tới như trưởng ban đối nội, trong ban giám tra, trưởng ban nghi lễ, trưởng ban hoằng pháp, trưởng ban giáo khoa, trưởng ban tài chính, trưởng ban hồng vệ pháp, v.v. Những người đến nghe giảng kinh là bị kết tội là đồng lõa, gia nhập tổ chức phản động, trong đó có cả Việt kiều (dưới nhãn quan của chính quyền cộng sản Việt Nam, Việt kiều miền Nam là những con bò sữa và là những người phản động chưa bị truy tố).
Về những tội danh khác, chính những người bị kết án cũng không biết quốc ca, quốc kỳ quốc hiệu, thủ đô của quốc gia Đại Nam Kinh Châu này là gì và 72 tướng lĩnh của họ là ai, cơ quan điều tra của công an không đưa ra bằng cớ. Càng không hiểu hơn, tại sao bản cáo trạng ngày 28/9/2012 tố cáo Hội đồng công luật công án Bia Sơn là một tổ chức phản động hoạt động theo phương pháp bất bạo động (bất chiến tự nhiên thành) lại có tới 72 tướng lĩnh (có trình độ nào, cấp bậc nào và mỗi người chỉ huy bao nhiêu lính).
    Rõ ràng những chứng cớ để buộc tội những người dân hiền lành và chất phác làm việc trong Khu du lịch sinh thái nuí Bia Sơn tại Phú Yên là giả tạo, không thuyết phục. Ác độc hơn, mục đích của những bản án nặng nề vừa qua là để những người lãnh đạo chết trong tù và các cấp lãnh đạo địa phương có thể chiếm đoạt tài sản một cách miễn phí. Đây là một tội ác. Tên tuổi những người tham gia vào việc bắt bớ, giam cầm và kết tội những thường dân mộc mạc này được ghi rõ trên các văn bản luật pháp và báo chí, đó là những chứng cớ mà sau này nếu bị truy tố, tác giả hay đồng lõa những cuộc bắt bớ thường dân vô tội này rất khó chối cãi.
Qua vụ án này, còn ai dám bỏ tiền vào Việt Nam đầu tư để phát triển đất nước? Khi muốn chiếm đoạt, tất cả những công ty tư nhân đều có thể bị chính quyền cộng sản Việt Nam tố cáo là những tổ chức phản động. Nói tóm lại, một công ty tư nhân tại Việt Nam hiện nay là một tổ chức phản động chưa bị truy tố.

Nguyễn Văn Huy

(Thông luận) 

Mừng lo về việc lập Ban chỉ đạo TƯ về PC Tham nhũng

Thưa Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư của Đảng !
Tôi xin tâm huyết hỏi đồng chí một câu: Tất cả 200 đồng chí uỷ viên trung ương Đảng khoá 11, trong đó có 25 uỷ viên dự khuyết, đến thời điểm này có hoàn toàn tin vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cá nhân Đồng chí Tổng Bí thư không ? Mức độ tin tưởng ấy đến đâu và Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành trung ương Đảng rồi đến các Bộ, các ngành quản lý điều hành Nhà nước, quản lý điều hành Chính phủ có còn để nhân dân chúng tôi tin tưởng không ?
Theo dõi những thông tin nhiều chiều, chủ yếu là trên các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến mấy ngày nay, những người dân chúng tôi vừa mừng, vừa lo về chuyện lập mới Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng và thành lập hai Ban của Trung ương Đảng là Ban Nội chính và Ban kinh tế trung ương.
Mừng vì Bộ Chính trị, Ban Bí thư trung ương Đảng đã dứt khoát quyết định thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng do đích thân Đồng chí Tổng Bí thư của Đảng làm Trưởng ban và Ban Nội chính do đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng làm Trưởng Ban và hai đồng chí Phó Trưởng Ban là đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An và đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phú Thọ làm Phó Trưởng Ban. Ban Nội chính có chức năng làm tham mưu "gần gũi" của BCH trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư trung ương Đảng, hiện có 86 cán bộ đã được chọn lọc, có thể nói là không tham nhũng hoặc ít tham nhũng.
Vì, như Tổng Bí thư đã nói "tay đã nhúng chàm thì chống làm sao được tham nhũng !" Tôi tin với cơ cấu tổ chức bước đầu như hiện nay có thể công cuộc chống tham nhũng sẽ đạt nhiều kết quả đáng mừng hơn. Và nếu chống tham nhũng thành công, cho dù thành công từng bước, cũng góp phần rất quan trong xây dựng đảng, làm cho Đảng ta trong sạch hơn, vững mạnh hơn, đặng làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân ta xây dựng đất nước ta giầu mạnh văn minh hơn.
Không thể không nhắc lại những thông tin ấy trong thời gian vừa qua đã làm nức lòng các tầng lớp nhân dân, trong đó có "bộ phận nhỏ" đảng viên, vì như nghị quyết trung ương 4 đã khẳng định "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, có nguy cơ đến sự tồn vong của chế độ. Tôi sợ nhất là có nguy cơ mất còn đất nước nữa.
Tại sao chúng ta phải "quyết liệt" (chữ hay dùng của Ông Nguyễn Tấn Dũng) chống tham nhũng ? Theo ý tôi, đã đến lúc chúng ta không nên gằn "phòng và chống" tham nhũng làm một. Thực tế, ngày nay, dưới sự chỉ đạo và chỉ huy của đảng thì chỉ có chống tham nhũng, làm trong sạch Đảng và bộ máy quản lý Nhà nước, chứ thêm cái "phòng" vào nữa là không ổn.
Sở dĩ tôi "lớn tiếng" một chút vì tôi vẫn đầy lòng tin vào dân tộc mình vào sự đúng đắn, vào đạo đức trong sáng và trí tuệ thông minh của một "bộ phận" nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả các vị lão thành cách mạng nay đã ngoài 70 tuổi !
Suy giảm, lung lay lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước chính là nguy cơ nghiêm trọng đấy ạ !
Ngọn cờ chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư giương lên và đang phất cao, song tôi rất thông cảm với đồng chí, trận chiến đấu này đang vấp phải rất nhiều khó khăn, thử thách. Trước hết, tham nhũng đã trở thành "quốc nạn" mà muốn chống lại và chiến thắng "quốc nạn" ấy thì phải tập hợp được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, trong khi chủ trương chính sách, luật pháp chưa rõ ràng chưa đủ mạnh để bảo vệ dân, bảo vệ những lực lượng chống tham nhũng. Bọn tham nhũng còn nhiều âm mưu, thủ đoạn độc ác để chống lại đồng chí. Trong tay con ông nọ bà kia, trong gia đình người này người khác có tiền tỷ, tiền trăm tỷ do tham nhũng mà có, không phải vài ba lời kêu gọi của đồng chí mà chúng nó chịu buông ra đâu.
Không phải do Ban chỉ đạo chống tham nhung thiết tha kêu gọi mà "Bầu Kiên" chịu buông tha những nhóm lợi ích kếch sù đâu. Tôi nhớ, có một ý mà Các Mác đã nói: vì lợi nhuận, bọn tư sản mại bản có thể giết người không ghê tay ! Vậy thì, đất nước ta hiện không chỉ có "bầu Kiên", không chỉ có "Vinasine" và "Vinaline" mà còn rất nhiều rất nhiều bầy sâu đang huỷ hoại đất nước. Trong khi đại đa số công nhânlao động, cán bộ viên chức nghỉ hưu và đương chức được hưởng đồng lương ít ỏi, không đủ sống thì môt "bộ phận không nhỏ" cán bộ đảng.
viên, có chức có quyền giầu lên ghê gớm lắm, ăn chơi trác táng và phè phỡn ghê gớm lắm. Điều này đang diễn ra, dù có được che đậy tinh vi đến đâu, cũng vẫn phơi bầy trước mắt nhân dân. Vậy thì, Ban chỉ đạo chống tham nhũng do Đồng chí Tổng Bí thư đứng đầu liệu có cách gì để "chống" một cách thắng lợi bản thân cán bộ lãnh đạo, bản thân những người cầm quyền ở các cấp, nhất là bản thân con, cháu, người thân của mình đã "nhúng chàm tham nhũng?"
Rồi còn nể nang, còn dây mơ rễ má, còn đồng hương đồng khói còn tình đồng đội, tình đồng chí, nghĩa là còn một trăm một nghìn thứ ràng buộc cản trở công tác chống tham nhũng. Nhất là cán bộ, đảng viên chân chính, người dân trung thành với đảng và Chính phủ tích cực chống tham nhũng, nhưng ai là người bảo vệ họ. Hiện nay, trong một số cuộc họp dân ở cơ sở, một số người dân mạnh dạn phát biểu chỉ ra những hiện tượng tham nhũng về đất đai, về tài chính đã bị những "phe cánh" của đối tượng doạ dẫm, thậm chí doạ giết rồi, thì làm sao chúng ta có thể huy động sức mạnh tổng hợp để chống "quốc nạn" tham nhũng giành thắng lợi được ?
Nguyễn Thanh Hà, ( 78 tuổi, cựu Phóng viên TTXVN )

nguyenthanhhahy@gmail. com

(Blog Phạm Viết Đào) 

Chuyện Hiến Pháp

Khi trang mạng “Cùng Viết Hiến Pháp” của GS Châu và GS Sơn ra đời, tôi cũng không ý thức được giá trị của trang web này ngay với cá nhân mình. Lúc đầu thì theo thói quen, thấy trang web có giá trị thì hì hụi đi phát tán. Sau thì tranh thủ những lúc trong máu không có cồn (đang mùa tất niên hội hè mien man) đọc các bài viết trên đấy.
Bỗng giật mình nhận ra, lần duy nhất trong đời mà tôi học một thứ gọi là văn bản luật, là cái hôm thi bằng lái xe.

Còn thì không thể nhớ ra dù chỉ một lần được học, hay giảng, hoặc thậm chí là được giới thiệu về hiến pháp trên lớp học.

Thậm chí, cũng chưa một lần tự mình tìm cái bản hiến pháp của nước mình về rồi tự đọc.

Bỗng ngộ ra rằng, cái gì mà không có thực chất, chỉ là hình thức, thì sự tồn tại của nó có cũng như không.

Bỗng vì lý do gì đó, hiến pháp của nước mình bất ngờ không còn tồn tại, thì mọi thứ vẫn hoạt động bình thường, chả có gì suy chuyển.

Thế thì tức là nếu làm ngược lại, sửa nó cho thật hay, thì cũng chẳng suy chuyển được cái gì.

Chuyện Hiến pháp tự nhiên tréo nghoe ra như vậy, đành phải ôm sách về nhà tự nghiên cứu.

Không rõ từ nguyên chữ Hiến-Pháp trong tiếng Việt là gì, nhưng rất may là sách có nói chữ Constitution, là do chữ Constitutio của chữ Latin, đi qua tiếng Pháp, rồi mà thành. Chữ này có nghĩa là quy tắc (regulations and orders).

Về lý thuyết, ở một số nước, Hiến pháp là bộ luật gốc, từ đó tạo sinh ra nhà nước, mô hình và cách thức vận hành cái nhà nước ấy. Ở những nước này Hiến pháp là tối quan trọng.

Nhưng lại có những nước mà ở đó nhà nước, nếu thích, có thể tự soạn và ban hành hiến pháp bất cứ lúc nào. Tất nhiên là ở những nước như vậy, Hiến pháp không có vai trò gì cho lắm.

Hiến pháp không tự nhiên sinh ra, mà phải có ai đó viết. Hiến Pháp cũng không phải là một văn bản tập hợp các quy tắc gốc vô hồn, mà đằng sau nó phải có tinh thần, có chủ thuyết của những người lập ra hiến pháp. Hay nói theo kiểu Steve Jobs, Hiến Pháp là một sản phẩm mà đằng sau nó có triết lý (philosophy) của người làm ra nó. Philosophy có gốc là hai chữ Hy Lạp: philein và sophian. Chữ philein nghĩa là ước vọng, sophian là cái chân-thiện. Hiến-Pháp tốt đương nhiên phải có đạo lý sâu rộng ở phía sau văn bản ngữ nghĩa.

Bản Hiến pháp được coi là mẫu mực của thế giới, cũng đồng thời là hiến pháp thành văn đầu tiên, là hiến pháp Hoa Kỳ. Bản hiến pháp này cũng ngắn nhất khi chỉ có 7 điều và 27 tu chính án (7 điều và 27 điểm sửa chữa bổ sung). Bản Hiến Pháp này ra đời năm 1787 và tồn tại đến tận bây giờ.

Chủ thuyết của Hiến pháp Hoa kỳ, như GS Wendy N Duong tóm tắt ở bài viết “Tổng quan về Hiến pháp Hoa Kì” rất đơn giản: (i) phân quyền lực (mối quan hệ giữa ba nhánh của chính phủ), (ii) chủ thuyết liên bang (mối quan hệ giữa chính phủ quốc gia trung ương và chính phủ các tiểu bang), (iii) cơ chế toà án bảo hiến ( cơ chế mà qua đó Hiến pháp được hiểu, áp dụng và tôn trọng), và (iv) Bản Tuyên ngôn Quyền (nói lên mối quan hệ giữa chính phủ và cá nhân).

Về chủ thuyết phân ba nhánh của Hiến Pháp Hoa Kỳ, nếu diễn giải nôm na thì: Lập Pháp là Quốc Hội gồm hai viện Thượng và Hạ không được phép hoạt động đơn phương. Hành pháp là Tổng thống. Tư Pháp là hệ thống tòa án liên bang. Trong đó có Tòa án tối cao liên bang, do chính Hiến Pháp tạo sinh ra để diễn giải và thực hành Hiến Pháp (vai trò như tòa án bảo vệ hiến pháp).

Nhân đây, cũng xin phép nhắc một chút về mốc thời gian: Năm 1787 là năm ở Mỹ bản Hiến pháp Mỹ ra đời, thì ở vùng đất gọi là VN bây giờ, đang là lúc Nguyễn Huệ đang đánh nam dẹp bắc loạn lạc binh đao. Năm 1787 là năm Nguyễn Huệ kéo quân về đánh Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn. Nước Việt Nam ngày nay, lúc đó chưa hình thành (tiền thân của nước Việt Nam hiện đại, đến năm 1802 mới xuất hiện).

Còn Hiến Pháp của Việt Nam đang được góp ý sửa đổi, ra đời năm 1992, chủ thuyết là Nhà nước thống nhất (không phân chia quyền lực). Điều này ghi rõ trong Điều 2 của Hiến pháp.

Mặc dù nước ta có tới mấy ngàn năm văn hiến, nhưng nhìn vào thời điểm Hiến pháp Mỹ ra đời và so với lịch sử cận đại của Việt Nam, lại có thể thấy rằng chúng ta sinh sau đẻ muộn hơn nhiều.

Cho nên việc học hỏi cách người Mỹ làm ra bản Hiến pháp của họ là một việc nên làm và chả có gì phải xấu hổ khi bắt chước họ cái cách làm ra hiến pháp.

Việc bắt chước này, tất nhiên không phải là sự bắt chước máy móc, hoặc nhắm mắt sao chép hiến pháp Hoa kỳ. Bởi chính Alexander Hamilton, một trong những người tham gia kiến tạo bản Hiến Pháp Hoa Kỳ, có nói rằng: “Tôi đồng ý với Montesquieu rằng mỗi chính quyền cần phù hợp với một quốc gia, như mỗi cái áo phù hợp với một cá nhân. Điều kỳ diệu ở Philadelphia có thể sẽ là điều tồi tệ ở Paris và trở nên lố bịch ở Saint Petersburg”.

Montesquieu là cha đẻ của tam quyền phân lập, là chủ thuyết đằng sau Hiến Pháp Mỹ. “Điều kỳ diệu ở Philadelphia” là cách các sử gia Mỹ gọi Hiến pháp Mỹ, do Hội nghị lập hiến diễn ra ở Philadenphia và kết quả của hội nghị này chính là bản Hiến pháp Mỹ.

Nước Mỹ giành độc lập vào ngày 4 tháng 7 năm 1776. Trong những năm đầu, chính quyền non trẻ của Mỹ hoạt động dựa vào sự hợp tác của các bang đầu tiên tham gia cách mạng, dưới một thỏa ước chung gọi là Articles of Confederation (Điều khoản hợp bang). Cái điều khoản hợp bang này chính là hiến pháp đầu tiên của Mỹ (được phê duyệt năm 1781).

Lúc này nước Mỹ rất yếu, nghèo nàn, chính phủ kiệt quệ, không có hành pháp, không tòa án tối cao, không quân đội liên bang mà chỉ có quân đội tiểu bang, uy tín quốc tế bằng số không. Kinh tế suy thoái lao dốc, tiền tệ lạm phát, loạn lạc bên trong, ngoại bang đe dọa bên ngoài.

Nhưng những nhà lãnh đạo nước Mỹ lúc đó không yếu ớt. Một vài trong số họ, vốn là công thần lập quốc, thấy cần phải có một Hiến pháp mới để thay đổi nhà nước Mỹ và thay đổi tương lai của nước Mỹ. Họ đã vận động tổ chức hội nghị lập hiến. Từ hội nghị lập hiến này (1787) đã cho ra đời bản Hiến pháp Mỹ. Bản Hiến pháp Mỹ này đã làm thay đổi nước Mỹ, biến nước Mỹ thành siêu cường, và cũng một phần nào đó cũng đã góp phần làm thay đổi cả thế giới.

Như vậy, việc sửa đổi hiến pháp đã một việc cực kỳ quan trọng đối với vận mệnh của nước Mỹ.

Năm 1787, tức là khá lâu sau khi Mỹ giành độc lập, mới có Hội nghị lập hiến này. Hội nghị diễn ra tập trung. Các đại biểu của các tiểu bang phải tự đi xe ngựa về Philadenphia, tự ăn tự ngủ suốt mấy tháng liền trong thời gian họp.

Có 74 đại biểu được triệu tập nhưng chỉ có 55 người có mặt. Trong số 55 người này chỉ có 39 người cuối cùng ký vào bản Hiến pháp mới.

Để bắt đầu, họ bầu ra một người rất có uy tín làm Chủ tịch hội đồng lập hiến: đó là tướng George Washington, vị tổng tư lệnh trong cuộc chiến với đế quốc Anh để dành độc lập cho Hoa Kỳ hơn 10 năm trước đấy. Bộ óc soạn thảo Hiến pháp Mỹ trong hội nghị lập hiến, và sau đó là các tu chính án (được biết với tên Tuyên ngôn nhân quyền) là của một ngôi sao trẻ 36 tuổi tên là James Madison. Ông này sau cũng làm tổng thống Mỹ (tổng thống thứ 4).

Như vậy, có thể học được một điều, là Hiến pháp cần một hội nghị lập hiến nghiêm túc, có người đứng đầu là một cá nhân có uy tín. Còn bộ óc soạn thảo, trong quá trình làm việc, sẽ tự xuất hiện.

Hội nghị Lập hiến họp kín, có các thư ký, có các chủ tọa, và thực tế là cãi nhau như mổ bò từ suốt 25 tháng 5 đến tận 24 tháng 7 mới có Đại Thỏa Hiệp (Great Compromise) chọn được một phương án chủ đạo từ các phương án (Virginia Plan, New Jersey Plan). Virginia Plan chính là một phiên bản sơ khởi quan trọng để soạn thảo Hiến pháp Mỹ. Đằng sau Virginia Plan là chủ thuyết dựa vào tư tưởng của các triết gia và chính trị gia: Montesquieu, Locked và Coke (hai tác giả đầu đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam).

Điều thứ hai có thể học hỏi ở đây, là rất cần các debate trực diện, mệt mỏi, trí tuệ và tốn thời gian. Đồng thời cũng cần các version khác nhau của Hiến pháp, với các chủ thuyết khác nhau, để các phe tranh cãi dùng để biện luận. Hiến pháo 1992 và dự thảo sửa đổi cũng có thể sẽ là một Plan tốt. Hiến pháp mà nhân dân “cùng viết hiến pháp” đề xuất, cũng là một Plan tốt nữa.

Điều thứ ba có thể học hỏi, là cuối cùng phải có một cái Đại Thỏa Hiệp, chốt lại các điểm quan trọng nhất, có giá trị vững bền nhất, được đồng thuận cao nhất. Còn nếu ai cũng chỉ thấy mình đúng, cái mình viết ra, cái mình đề xuất là xuất sắc nhất, thì chắc chắn bản Hiến pháp có ra đời thì cũng rất ít giá trị.

Đến ngày 24 tháng 7, một tiểu ban gồm 5 đại biểu được giao cho viết soạn thảo Hiến pháp chi tiết.

Đến mùng 6 tháng 8 năm 1787 thì viết xong. Từ lúc đó đến mùng 10 tháng 9 các vị lại cãi nhau như mổ bò, nhưng lúc này là trên từng điều khoản.

Như vậy việc soạn thảo hiến pháp Mỹ, do các bộ óc lớn, am hiểu sâu sắc về chính trị, triết và luật, rất là gian nan như vậy. Trong đó có James Madison, lúc này mới có 36 tuổi, và trước khi tham gia hội nghị lập hiến đã bỏ vô cùng nhiều thời gian để nghiên cứu các trước tác từ cổ chí kim tính đến lúc đó.

Sau khi có bản Hiến pháp cuối cùng và được hội nghị lập hiến ký kết, bản hiến pháp này còn phải được các tiểu bang thông qua bằng cách bỏ phiếu ở từng tiểu bang. Việc này cũng rất gian nan do bị nhiều thế lực chống đối kịch liệt.
James Madison, Alexander Hamilton và Jay viết một loạt bài báo, nay được biết với tên Federalist Papers (Luận cương Người liên bang) để bẻ hết các lập luận của phe chống-liên bang. Madison cũng hiểu là cần các tu chính án thêm vào (về nhân quyền) thì các tiểu bang mới chịu thông qua, cho nên ông vận động ác liệt cho 12 tu chính án đầu tiên. Nay 12 tu chính án này được biết đến với tên Bill of Rights (Tuyên ngôn Nhân quyền).

Đến 30 tháng 4 năm 1789 thì Hoa Kỳ có tổng thống đầu tiên, chính là George Washington.

Với Federalist Papers, quá trình soạn thảo hiến pháp Mỹ đã vô tình đẻ ra một tác phẩm được coi là chủ thuyết của chính quyền liên bang (như nhận xét của John Stuart Mill) và là cuốn sách cho mọi chính khách của bất cứ nước nào (nhận xét của Alexis Tocqueville) và ngày nay được coi là cuốn sách lớn ngang với Cộng Hòa (Plato), Chính trị luận (Aristotle) và Leviathan (Hobbles). (Ngoại trừ Leviathan, và Federalist Papers, các cuốn sách trong paragraph này đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam).

Các cuộc tranh luận cãi vã đều được thư ký hội nghị và đặc biệt là James Madison ngồi ghi chép kỹ lưỡng. Những người tham gia soạn thảo Hiến Pháp của các nước sau này đều phải tham khảo các ghi chép này, cũng như đọc Luận cương Liên Bang và bản gốc (chưa sửa đổi) của Hiến Pháp Mỹ. Các nhà soạn thảo Hiến pháp của Việt Nam có lẽ cũng không nên làm những người ngoại lệ. Tài liệu về Hội nghị lập hiến Hoa kỳ có rất nhiều. Bản tiếng Việt có thể tham khảo là cuốn “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào” của Nguyễn Cảnh Bình. Đây là điều thứ tư cần học hỏi.

Thế rồi, dù có học hỏi đến thế nào, thì câu hỏi cũng vẫn sẽ là“Điều kỳ diệu ở Philadelphia” trở thành “Điều kỳ diệu ở Hà Nội” được không, sẽ tùy thuộc vào tầm nhìn, tư tưởng và sự cởi mở đầu óc của những người tham gia lập hiến.

Ví dụ như chuyện Đảng. Hiến pháp Mỹ không đề cập gì tới đa nguyên hay đảng phái gì. Các chính đảng ở Hoa Kỳ hiện nay đều sinh sau đẻ muộn so với Hiến pháp Mỹ.

Ví dụ như, phải chăng chủ thuyết nhà nước thống nhất (điều 2) và vai trò của đảng cầm quyền (điều 4) của Hiến pháp Việt Nam vẫn có thể có Great Compromise với Hiến pháp tam quyền phân lập của Hoa Kỳ? Phải chăng vẫn có cách để một Hiến pháp do nhà nước tạo ra, mà sau này hiến pháp ấy vẫn có thể tạo sinh vận hành ngược được nhà nước?

+ Phải chăng Hiến pháp sửa đổi sẽ mở ra cách nào đưa TW Đảng thành Thượng viện, nơi các Thượng nghị sỹ là TW Ủy viên đến từ địa phương và nội các. Và Tổng bí thư làm chủ tịch thượng viện. Ở đó các Thượng nghị sỹ – TW ủy viên có nhiệm kỳ 6 năm, được bầu 2 năm một lần, một phần ba được bầu lại, hai phần ba lưu nhiệm. Còn Quốc hội hiện nay trở thành Hạ viện, hai năm thay đồng loạt một lần. Sẽ đến lúc nào đó, các thượng nghị sỹ có thể đến từ một đảng bất kỳ, hoặc không từ đảng phái nào, mà hiến pháp sẽ không cần phải sửa đổi. Hay lúc đó chủ tịch thượng viện không nhất thiết phải là tổng bí thư nữa. (Xem Hiến pháp Hoa Kỳ kèm chú thích).
+ Phải chăng Hiến pháp sửa đổi sẽ đặt Chủ tịch nước thành người đứng đầu tòa án tối cao, có 7 thẩm phán tối cao do mình hoặc các chủ tịch nước nhiệm kỳ trước bổ nhiệm, giống như tổng thống mỹ bổ nhiệm thẩm phán tối cao và các vị này không về hưu. Để tòa án tối cao này làm tòa bảo hiến, diễn giải và thực thi hiến pháp. (Xem Hiến pháp Hoa Kỳ kèm chú thích).
Tất cả những điều này không một cá nhân, một nhóm người nào có thể tự nghĩ ra được. Vẫn phải cần một hội nghị lập hiến chính thống, nghiêm túc, mà ở đó những nhà lập hiến không chỉ ngồi viết ra một bản hiến pháp lời hay ý đẹp, mà còn phải viết để làm sao ngay khi nó được thông qua, nó sẽ lập tức đi vào cuộc sống, thực sự vận hành nhà nước và xã hội, và tất nhiên là nó sẽ tồn tại cả vài trăm năm mà rất ít cần sửa đổi.

5 xu

(Blog 5xu)

Tết Mậu Thân qua Nhật ký của Trần Bạch Đằng

LỊCH SỬ dần dần hé mở và đến nay thì chúng ta đã rõ, các tác giả chính của cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa Mậu Thân 68 chính là các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng. Tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng tư lệnh, cho đến ngày cuối cùng mới được nghe báo cáo toàn bộ kế hoạch và ông đã cố bình thản để “dấu đi niềm cay đắng”.
Còn ông Trần Bạch Đằng, bấy giờ là Thường vụ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, phụ trách Bộ Tư lệnh Tiền phương Nam, trực tiếp chịu trách nhiệm tiến công ở nội thành Sài Gòn. Trước đó, theo chỉ thị của Trung ương Cục, ông được giao khởi thảo kế hoạch nội thành và đúng vào thời gian ấy, vợ ông – bà Tôn Thị Hưởng (Nguyễn Thị Chơn), bị bắt. Gần cuối năm 1967, bà đã được Mặt trận bí mật trao đổi người với Mỹ. Bà từng tham gia cuộc hòa đàm Pari trong phái đoàn Chính phủ Lâm thời với tư cách Phó Trưởng đoàn. Sài Gòn rất thất vọng do không bắt được Trần Bạch Đằng và ra lệnh, hễ phát hiện ra, nếu không bắt được thì cho quyền bắn hủy diệt xe …
Chúng ta hãy theo dòng Nhật ký. Vào đêm Ba mươi Tết, hai ông Trần Bạch Đằng và Võ Văn Kiệt nghe tiếng pháo nổ đón giao thừa trong lúc di chuyển trên sông Vàm Cỏ Đông. Khi trời sắp sáng, Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), chỉ huy trưởng Biệt động thành đến báo cáo, giữa đêm Huế đã nổ súng. Các ông hết sức ngạc nhiên nhưng không thể đoán được lý do. Té ra, giờ nổ súng quy định là giao thừa âm lịch, nhưng năm đó lịch miền Bắc lại đi trước miền Nam một ngày, cho nên nơi theo lịch cũ, nơi theo lịch mới. Đây là trục trặc đầu tiên của Mậu Thân 68 – một trục trặc “chết người”, một cái “sái” của Mậu Thân 68? Ông Trần Bạch Đằng viết, sau này, lúc tổng kết, “chúng tôi càu nhàu và có đồng chí trách đồng chí Nguyễn Xiển, nhè lúc “ăn thua” mà chỉnh lịch! Thực ra đồng chí Nguyễn Xiển bị trách oan – các nhà khoa học đâu có biết nổ ra đợt Mậu Thân”!

Quân đội Hoa Kỳ trong trận tái chiếm Cố Ðô Huế, Tết Mậu Thân 1968
Tiếp tục theo dòng Nhật ký. Ông Trần Bạch Đằng cho biết, cả một lực lượng lớn đang hành quân phơi mình giữa đồng trống trải nhưng máy bay trinh sát của Sài Gòn có vẻ không chú ý. Như vậy, yếu tố bất ngờ vẫn còn, dù đài phát thanh Sài Gòn đang liên tục phát tin chiến sự ác liệt tại Huế. Thời gian gấp đã làm cho một số kế hoạch quan trọng không thể thực hiện, chẳng hạn dự định tổ chức một cuộc tập hợp lớn vài vạn người tại vườn hoa Tao Đàn, khi biệt động nổ súng sẽ tràn qua chiếm Dinh Độc lập và Đài phát thanh; vấn đề hợp đồng của các tiểu đoàn mũi nhọn với lực lượng biệt động trong điều kiện còn cách mục tiêu cả trăm cây số…
Tốc độ hành quân chậm hẳn lại. Hai ông Đằng và Kiệt sốt ruột, vượt lên trên, gặp những con rạch, họ lội ào qua làm cho lính kháo nhau có hai “ông già” thật “hắc xì dầu”. Tới chín giờ đêm, họ đến một căn cứ tiểu đoàn, gặp Tiểu đoàn phó đang say mèm. Nhật ký của ông Trần Bạch Đằng làm ta hiểu thêm sự chuẩn bị của Mậu Thân 68:
Ông Trần Bạch Đằng:
- Tiểu đoàn trưởng và chính trị viên đâu?
- Báo cáo cấp trên, Tiểu đoàn trưởng đi cưới vợ, chính trị viên đi đám cưới…
- Các anh chưa được lịnh hành quân sao?
- Báo cáo chưa?
- Tiểu đoàn anh phụ trách cánh nào?
- Báo cáo, Tổng nha cảnh sát…
Ông Trần Bạch Đằng tiếp tục hỏi về việc qua lộ, anh ta đáp với giọng chưa tỉnh rượu:
- Qua được…mà nếu pháo bắn đổ ruột thì ráng chịu!
Ông Trần Bạch Đằng không dằn được cơn nóng, phê phán gay gắt lãnh đạo địa phương, còn ông Võ Văn Kiệt không nói gì nhưng không kìm nổi bực bội, bỏ ra ngoài. Chúng ta tự hỏi, một tiểu đoàn chủ lực liệu có thể chiến đấu với tình trạng như vậy?
Mồng hai Tết, Đài phát thanh Sài Gòn, kể cả Đài phát thanh của quân đội đều im bặt. Vậy là, có thể Đài phát thanh Sài Gòn đã bị chiếm nhưng không hiểu sao không thấy phát hiệu triệu của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Ông Kiệt nhận định, có thể biệt động đã chiếm đài nhưng không có nhân viên kỹ thuật, cũng có thể đối phương phản kích. Khoảng 10 giờ, Nguyễn Đức Hùng từ nội thành ra báo cáo trong nghẹn ngào: “Tôi có linh cảm là các đồng chí biệt động đã hy sinh…”.
Mồng ba Tết, trực thăng quần đảo trên Sở chỉ huy. Tiếp đó, pháo bắn trên diện rộng, trực thăng xả liên thanh và rốc két. Bầu trời Sài Gòn sôi sục. Suốt ngày, Sở chỉ huy nằm dưới trận mưa hỏa lực các loại của đối phương. Tình hình rất gay go. Chủ lực không thể thọc được vào thành phố. Bộ Tư lệnh điện cho rút lực lượng khỏi sây bay Tân Sơn Nhất.
Ngày mồng bốn Tết, tình hình càng gay go hơn. Sài Gòn đã dò được hướng đặt Sở chỉ huy, liên tục cho pháo kích theo lối hủy diệt từng ô theo bản đồ. Thương binh lên đến con số báo động mà không có nơi chữa chạy. Một số nhà dân chứa hàng chục thương binh trên trần nhà. Phía sau Sở chỉ huy, trong hố bần, các bác sỹ, y tá thực hiện hàng loạt ca mổ dưới làn mưa bom pháo.
Ông Trần Bạch Đằng với một tiểu đội xe đạp “hộ tống”, cấp tốc sang họp với ông Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt vừa thoát một cơn hiểm nghèo. Một trung đội Mỹ thọc sâu vào Sở chỉ huy cơ bản, để giữ bí mật, bảo vệ không nổ súng và ông Kiệt phải rút xuống hầm bí mật trong khi trung đội Mỹ đóng lại ngôi nhà có chiếc hầm bí mật cả tiếng đồng hồ. Nên duy trì tác chiến trong nội thành hay rút ra, cuộc họp chưa đi đến thống nhất. Họ nhất trí xin chỉ thị của Trung ương Cục.
Ngày mồng sáu Tết, bảo vệ bố trí cho ông Trần Bạch Đằng một căn hầm bằng bao cát, song ông không chịu ở căn hầm đó mà líp ra vườn, nơi có căn hầm cá nhân nhỏ đắp sơ sài trên thân dừa nước. Một trái pháo rơi trúng nhà, chiếc hầm có bao cát nát vụn, bốn người trong hầm đều thiệt mạng.
Gần trưa, đại đội thủy quân lục chiến Mỹ, có xe thiết giáp yểm trợ, đánh thẳng vào Sở chỉ huy. Vòng ngoài, hai tiểu đoàn bộ binh quân đội Sài Gòn làm nhiệm vụ thê đội hai. Trận đánh hết sức ác liệt, kéo dài đến chiều tối, có lúc hai bên đánh giáp lá cà. Đây là trận đánh ác liệt nhất trong đợt 1 Mậu Thân. Sở chỉ huy của ông Trần Bạch Đằng được bảo vệ an toàn nhưng bị thương và hy sinh gần một trung đội.
Ngày mồng Bảy Tết, ngày cuối được ông Trần Bạch Đằng ghi Nhật ký. Bấy giờ, Bộ tư lệnh quyết định rút toàn bộ lực lượng từ nội thành ra vùng ven. Cuộc rút lui phải mất hàng tuần lễ sau đó lực lượng mới ra khỏi thành phố. Đợt 1 Mậu Thân trong nội thành coi như kết thúc từ ngày mồng Bảy Tết. Mậu Thân 68 vẫn còn đợt 2 và đợt 3 nữa, song kết quả không diễn ra như tính toán của Hà Nội.
Ông Trần Bạch Đằng kết thúc Nhật ký ở đây. Chiến sự năm 1968 và 1969 tiếp tục diễn ra ác liệt. Ông Trần Bạch Đằng thay ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư thành ủy Sài Gòn, ông Kiệt được Trung ương Cục phân công làm Bí thư khu 9. Bốn ông Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ và Trần bạch Đằng thay nhau làm Bí thư thành ủy Sài Gòn trong gần một phần tư thế kỷ.
Nhật ký của ông Trần Bạch Đằng là một cái nhìn gần, trực tiếp của một cán bộ chỉ huy cao cấp mặt trận nội thành Sài Gòn. Do đó, mặc dù chỉ ghi từ ngày mồng Một đến mồng Bảy Tết, song nó nói lên khá nhiều điều về Mậu Thân 68.
Càng suy nghĩ về Mậu Thân 68, chúng ta càng khâm phục những nước cờ quân sự thiên tài của ông Võ Nguyên Giáp trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và đặc biệt là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” – lời Hồ Chí Minh và đó cũng là một đặc điểm nổi bật trong tư tưởng quân sự Võ Nguyên Giáp.

Lê Mai

(Blog Lê Mai) 

Cha con Trầm Bê tìm cách hạ cánh

Sự ‘hạ cánh’ của vị đại gia trẻ tuổi trên sàn chứng khoán đã tạo lên nhiều đồn đoán trái chiều.
Căn cứ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 4/2/2013, Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Nam (PNS) công bố thông tin miễn nhiệm chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Trầm Khải Hòa kể từ ngày 4/2/2013.
Trầm Khải Hòa rời khỏi hội đồng quản trị chỉ sau chưa đầy 1 tháng thôi chức Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phẩn chứng khoán Phương Nam
Ông Trầm Khải Hòa sinh năm 1988, là con thứ của ông Trầm Bê, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Sài gòn Thương Tín (Sacombank), hiện ông Hòa cũng đang là thành viên Hội đồng quản trị của Sacombank và hiện đang nắm giữ 20,82 triệu cổ phiếu STB (tỷ lệ 2,14%, giá trị 456 tỷ đồng).
Ông Trầm Khải Hòa được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị PNS kể từ ngày 28/9/2011.
Trước đó, ông Trầm Trọng Ngân – anh trai của Trầm Khải Hòa - con cả của ông Trầm Bê muốn thoái hết 48 triệu cổ phiếu STB chiếm 4,93% tổng lượng cổ phiếu lưu hành để rút chân hoàn toàn khỏi Sacombank.
Số cổ phiếu này tương ứng với 4,93% lượng cổ phiếu đang lưu hành của Sacombank. Giao dịch được thực hiện bằng phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trong thời gian từ 20/12/2012 đến 20/2/2013. Song giao dịch thực hiện không thành công do diễn biến thị trường không như kỳ vọng.
Ông Trầm Trọng Ngân là Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Phương Nam (PNS) và Phó chủ tịch HĐQT thường trực Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank).
Còn anh trai là Trầm Trọng Ngân trước đó lại tìm mọi cách thoát vốn khỏi thị trường chứng khoán
Sau sự kiện đó, nhiều cổ đông khác của ngân hàng lại thực hiện thoái vốn lớn. Đầu tháng 7, ông Lê Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank thoái 80% cổ phần nắm giữ.
Đến tháng 9, PNS và Đầu tư Sài Gòn Exim liên tục rút vốn khỏi Sacombank. PNS bất ngờ bán 2 triệu cổ phiếu STB, tuy nhiên không công bố thông tin này trước khi thực hiện giao dịch mặc dù là tổ chức có liên quan đến ông Trầm Khải Hòa - Thành viên HĐQT Sacombank.
Việc tháo vốn của Trầm Trọng Ngân và sau đó là sự rời vị trí đột ngột của Trầm Khải Hòa khiến giới chuyên môn đưa ra nhiều đồn đoán không đơn thuần là "nhằm cân đối tài chính" và còn có nhiều uẩn khúc trong đó.
(VNN)

Cuộc đấu giữa những nhóm quyền lợi

Trong một bài mới phổ biến gần đây, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A bàn về việc sử dụng từ “nhóm lợi ích,” hiện nay đảng Cộng sản đang gán cho nó một nghĩa xấu, mà theo ông thì mấy chữ đó vốn không có nghĩa xấu hay là tốt nào cả.
Nguyễn Quang A nhìn thấy hai căn bệnh lớn trong hiện tượng này. Một là bệnh theo đuôi trong giới làm báo, hai là bệnh độc quyền suy nghĩ của đảng Cộng sản. Danh từ “nhóm lợi ích” là một khái niệm mới mẻ. Ông viết: “Có sự lạ đời ở Việt Nam là, hễ có một vị lãnh đạo to nào đó, hay một người có uy tín nào đó, phát ra một thông điệp gì đó với một khái niệm ‘mới’ thì truyền thông ào ào ‘ăn theo,’ giới trí thức không chịu động não để phân tích và ủng hộ hay phản bác với lý lẽ, nên nghiễm nhiên cái khái niệm ‘mới’ ấy được phổ biến rộng rãi dẫu bản thân nó có thể hết sức méo mó thậm chí sai hoàn toàn.”
Theo Nguyễn Quang A thì chắc có một ông “lãnh đạo” lớn nào đó lên tiếng đả kích những “nhóm lợi ích,” gán cho danh từ đó một nghĩa xấu. Báo chí “ăn theo,” không ai chịu suy nghĩ tìm hiểu cho rõ nghĩa, vẫn theo thói quen mà các chế độ độc tài tập cho dân chúng chỉ biết “hô khẩu hiệu.” Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ông Nguyễn Quang A; nhưng thấy cần khai triển ý kiến của ông cho rõ hơn.
Thoạt nghe ai cũng biết ngay “nhóm lợi ích” là dịch danh từ “interest group” trong tiếng Anh, và dịch sát từng chữ, group dịch là nhóm, interest là lợi ích, đo đó “interest group” là “nhóm lợi ích.” Dịch máy móc, cũng giống như một đại tá công an viết trên báo Nhân Dân đã kích “Xã hội dân sự - một thủ đoạn của diễn biến hòa bình.” Ông ta đã theo gót lãnh đạo, thấy chữ “civil society” thì dịch là xã hội dân sự, vì civil là dân sự. Không ai chịu “động não” tìm hiểu rõ nghĩa hơn xem gốc tích các danh từ này có ý nghĩa nào.
Ðể hiểu nghĩa danh từ “nhóm lợi ích,”cần đặt nó vào nơi đang thông dụng nhất, là khung cảnh chính trị và xã hội nước Mỹ. Người Mỹ hay đả kích các chính trị gia chỉ lo bảo vệ quyền lợi của các “interest groups” mà không lo đến công ích. Trong tiếng Anh, interest group cũng được gọi bằng nhiều từ tương đương, như advocacy group (nhóm cổ động), lobbying group (vận động hành lang quốc hội), pressure group (tạo áp lực), or special interest (quyền lợi riêng). Tóm lại, đó là những nhóm công dân chia sẻ những ý kiến, thái độ, quyền lợi chung của họ, và muốn gây ảnh hưởng trên chính sách của cả quốc gia để thực hiện các điều họ mong muốn. Những điều họ chia sẻ có thể là quyền lợi kinh tế, như các công đoàn, hội các nhà trồng nho, trồng bắp, hội các người về hưu ((AARP), hội các bác sĩ (AMA), hay hội các công ty bán lẻ, vân vân. Nhiều nhóm áp lực không quy tụ và vận động vì quyền lợi kinh tế mà vì các ý tưởng. Như Ủy Ban Quyền Sống (NLRC) chống phá thai, đối nghịch với Liên Ðoàn Bảo Vệ Tự Do Sinh Sản (NARAL) đòi tự do phá thai; Hội Súng (NRA) đối lập với Chiến dịch Brady ngăn ngừa bạo lực, Hội Bảo Vệ Tự Do Dân Sự (ACLU), vân vân.
Một người sống ở nước Mỹ, hay ở một nước tự do dân chủ, tự nhiên sẽ gia nhập rất nhiều nhóm với mục tiêu khác nhau. Mỗi ngày mở thùng thư ra có thể thấy mấy lá thư mời gia nhập hoặc xin ủng hộ, của các nhóm bảo vệ môi trường, của ủy ban vận động chính trị thuộc một đảng, hay là mời ký một kiến nghị. Mỗi nhóm này gồm những người cùng theo đuổi các mục tiêu, dù là kinh tế, đạo đức, chính trị hay xã hội. Nếu dịch cho đủ nghĩa thì gọi “interest group” là “những người chung quyền lợi,” chữ quyền lợi hiểu theo nghĩa rộng, không nhất thiết là quyền lợi kinh tế. Nói giản dị là “Nhóm quyền lợi.”
Tiến Sĩ Nguyễn Quang A hiểu ý nghĩa của danh từ “nhóm lợi ích,” cho nên ông viết: “Ðảng cộng sản Việt Nam là một nhóm lợi ích lớn ở Việt Nam hiện nay. Tập thể những người dân khiếu kiện về đất đai tạo thành một nhóm lợi ích. Giới lao động dệt may, chẳng hạn, cũng tạo thành một nhóm lợi ích. Những người bảo vệ vườn quốc gia Cát Tiên là một nhóm lợi ích.” Ông thấy những luận điệu chống các “nhóm lợi ích” là vô lý. Ngược lại, ông đề nghị, “Phải tạo điều kiện để cho các nhóm lợi ích tồn tại, phát triển, tạo môi trường cho chúng thể hiện, tranh luận, phê phán và qua đó thúc đẩy các lợi ích chung phục vụ cho sự phát triển đất nước.”
Ý kiến trên diễn tả một nền tảng của thể chế dân chủ tự do.
Trong một quốc gia dân chủ, người dân có một quyền bất khả xâm phạm là quyền bất đồng ý kiến với nhau, cũng như quyền không đồng ý với nhà nước. Những khẩu hiệu như “nhất trí,” “đồng thuận” thường được các chế độ độc tài sử dụng, nấp sau lý tưởng “đoàn kết.” Nhưng mục đích che giấu đằng sau các khẩu hiệu của họ là muốn buộc mọi người phải cùng theo một ý kiến, không được cãi, thậm chí không được bàn.
Ngược lại, bản chất của chế độ dân chủ là chấp nhận ý kiến bất đồng, ai cũng có quyền theo một chủ nghĩa, cổ động cho một chính sách mình tin tưởng. Phải cho phép các nhóm người có ý kiến khác nhau được lên tiếng, ai cũng có quyền như ai. Chỉ cần một điều kiện là tất cả cùng tôn trọng luật chơi dân chủ, ai dùng bạo lực bắt ép hay dùng tiền tài mua chuộc người khác là vi phạm luật chơi.
Các nhóm quyền lợi đều muốn lái hành động của guồng máy nhà nước vào mục tiêu mà họ theo đuổi. Vì mỗi quyết định của Quốc Hội hay chính phủ đều có ảnh hưởng tái phân phối tài nguyên chung của quốc dân, hoặc ấn định lại các ưu tiên về luân lý, đạo đức và các giá trị chung của cả xã hội. Thí dụ ở Mỹ người ta đang bàn về việc cải tổ thuế vụ. Hiện nay luật thuế cho trừ tiễn lãi khi vay mua nhà vào lợi tức phải đóng thuế cá nhân. Lợi tức 100 đồng mà phải trả lãi 10 đồng vì vay mua nhà thì sẽ chỉ phải đóng thuế trên lợi tức 90 đồng thôi. Nếu bãi bỏ điều khoản này thì chính phủ Mỹ sẽ thu thêm được rất nhiều thuế, bớt khiếm hụt. Nhưng không những các chủ nhà không muốn thay đổi luật mà các công ty xây cất nhà cũng sẽ phản đối.
Ngược lại, sẽ có những người khác vạch ra là luật lệ hiện nay bất công, vì ưu đãi những người mua nhà, cho họ được hưởng một đặc quyền giảm thuế mà các người đi thuê nhà không được hưởng. Giới chủ nhà và các công ty xây cất sẽ vận động bằng lý luận rằng ưu đãi này tạo ích lợi chung cho cả xã hội. Vì khi thêm nhiều người mua nhà thì các công nhân sẽ có thêm việc làm, kinh tế cả nước sẽ lên cao, chính phủ sẽ thâu được thêm thuế. Mỗi nhóm có quyền lợi riêng sẽ vận động với Quốc Hội và chính phủ để bảo vệ quyền lợi của mình. Cuối cùng, các đại biểu Quốc Hội phải quyết định, và mỗi người sẽ cân nhắc xem các cử tri sẽ thích hay không thích khi mình bỏ phiếu thuận hay chống. Họ có thể tìm một giải pháp trung dung, ấn định một “mức trần” trên số tiền lãi được miễn thuế. Thí dụ, ai cũng được miễn thuế trên số tiền trả lãi 20,000 hay 30,000 đô la, trên số đó thì thôi. Làm như vậy, được lòng đa số các chủ nhà, vì chỉ tăng thuế những người giầu, mua nhà rất lớn mà thôi.
Trong cuộc chơi dân chủ, các nhóm quyền lợi giao đấu với nhau, họ tìm cách gây ảnh hưởng trên những người nắm quyền hành. Cuối cùng, chính lá phiếu của người dân sẽ quyết định kết quả cuộc giao đấu.
Nhưng muốn cho cuộc chơi công bằng, mọi người đều có quyền được góp ý kiến và được nghe ý kiến của người khác. Như vậy thì tất cả phải minh bạch công khai. Các nhóm quyền lợi đều ra mặt công khai trình bày ý kiến của mình. Báo chí, và người dân có quyền biết danh sách các nhóm đang vận động quốc hội và chính phủ, và giới truyền thông tự do phổ biến các ý kiến đối nghịch. Tất nhiên, những người nắm quyền phải do dân chúng tự do bầu lên. Khi đó, các cuộc tranh luận giữa những nhóm quyền lợi góp phần xây dựng ích lợi chung, không nhóm nào độc quyền thao túng guồng máy quyết định của quốc gia.
Ðảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn không chấp nhận cho dân được tham dự những cuộc chơi tự do dân chủ theo lối này. Cho nên họ lớn tiếng đả kích các “nhóm lợi ích” mà không biết rằng chính họ là một nhóm với nhiều đặc quyền đặc lợi nhất, trùm khắp đất nước, như Tiến Sĩ Nguyễn Quang A đã chỉ ra. Ðảng Cộng sản cũng đang nằm trong tay nhiều “nhóm lợi ích” đang chia nhau quyền hành và những lợi lộc do quyền hành sinh sản. Nhưng không có gì minh bạch, công khai cả. Các nhóm quyền lợi này đều giấu mặt, các hành động của họ cũng nằm trong hậu trường, người dân không ai có quyền biết. Nhà báo nào đi tìm hiểu, loan tin, đều bị tù.
Một nhóm quyền lợi ở nước ta là những công ty xây dựng, họ muốn chiếm đất của nông dân để xây khu giải trí, xây cao ốc hay biệt thự. Các quan chức được “đấm mõm” để làm ra luật, thay đổi luật cho nhóm này được hưởng. Mỗi khi nhà được xây lên, đều có những căn đem tặng các quan chức nắm quyền quyết định. Con một ông bộ trưởng hoặc một ủy viên Trung Ương Ðảng bỗng được một công ty mời làm phó tổng giám đốc, mà không phải làm gì cả, tối ngày đi chơi. Có cậu con bộ trưởng xây dựng còn được mời làm phó tổng giám đốc một công ty bên Trung Quốc nữa mới quý! Ðối nghịch với nhóm quyền lợi này là những nông dân đang bị cướp đất. Cuộc giao đấu của hai bên đã diễn ra từ hàng chục năm qua, nhiều lần đã đổ máu. Nhưng ai cũng thấy luật giao đấu không công bằng, và không có gì minh bạch, công khai cả.
Người Việt Nam biết tình trạng này phải chấm dứt thì đất nước mới tiến lên được. Nhưng đảng Cộng sản sẽ bảo vệ quyền lợi của họ đến cùng. Cuộc đấu sẽ còn tiếp diễn.

Ngô Nhân Dụng

(Người Việt) 
 

Bộ Chính trị khôn nhà dại chợ

Hồ Chí Mình - là một nhân vật cả thế giới biết đến. Tuy nhiên sự bưng bít thông tin, thần thành hóa cá nhân ông làm cho nhiều suy diễn lệch lạc khác nhau, thậm chí có ý kiến cho rằng ông là điệp viên của Trung Quốc. Sau đây là một trong các góc nhìn khác nhau về nhân vật Hồ Chí Minh.
Gần đây trên một số mạng tự do ở Việt Nam có truyền đi tin tức, các đoạn trích dịch và một số bài bình luận về một cuốn sách chữ Hán nghiên cứu về cuộc đời của Hồ Chí Minh xuất bản tại Hoa Nam, Trung Quốc, có nhan đề là “Hồ Chí Minh sinh bình khảo‘’.
Mục đích cuốn sách là chứng minh ông Nguyễn Ái Quốc, sanh vào khoảng năm 1890 ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mang tên khai sinh là Nguyễn Sinh Coong, sau đổi là Nguyễn Tất Thành, xuất dương năm 1910 sang Anh, Pháp, lấy tên Nguyễn Ái Quốc, sau đó sang Nga, Trung Hoa, hoạt động trong phong trào Cộng sản, đã chết vào năm 1932 vì bệnh lao phổi. Thi hài ông được chôn đâu đó ở Hoa Nam.
Về sau có người tự nhận là Nguyễn Ái Quốc rồi lấy tên là Hồ Chí Minh, xuất hiện từ sau năm 1934, thật ra là một người Trung Hoa chính cống, thuộc dân tộc Miêu ở Đài Loan, có tên là Hồ Tập Chương.
Theo báo chí Hoa Nam đây là một thành tích “lịch sử, kỳ diệu, có một không hai” của Cục tình báo Hoa Nam. Nhà tình báo thiên tài Hồ Tập Chương đã đóng trọn vẹn vai trò đội lốt Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh , kể từ khi về hang Pác Bó, rồi dự hội nghị Tân Trào tháng 8/1945, rồi về Hà Nội sau đó, làm Chủ tịch đảng, Chủ tịch Nước suốt 24 năm - từ 1945 đến 1969 - mà sự thật này không hề bị tiết lộ.

Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông
Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông
Cuốn sách cũng khẳng định trong lăng Hồ Chí Minh là xác của nhà tình báo Trung Hoa Hồ Tập Chương. Báo chí Trung Quốc khoe cuốn sách này là trước tác chân thực của học giả có tên tuổi Hồ Tuấn Hùng, cháu họ của nhà tình báo Hồ Tập Chương. Sách in đẹp, công phu, rất nhiều ảnh và tư liệu, được phát hành rộng rãi khắp Trung Quốc.
Điều rất lạ, lạ đến kỳ quặc là người Việt trong nước xôn xao về cuốn sách giật gân này hơn một năm nay, nhưng cả Bộ Chính trị im re, cả bộ máy tuyên huấn câm như hến, cả bộ máy 4T thông tin tuyên truyền ngậm tăm, bộ máy an ninh đồ sộ đang bận lo đàn áp người yêu nước, coi đây là chuyện vặt.
Mưu đồ bôi xấu chế độ nham hiểm là đây, tuyên truyền chống chế độ là đây chứ còn ở đâu nữa. Xin hỏi ai có thể xúc phạm đảng Cộng sản Việt Nam, chính quyền Việt Nam hơn cuốn sách nhảm nhí đến tột cùng này? Trong Bộ Chính trị có ai cảm thấy nhục không khi họ in trên giấy trắng mực đen rêu rao khắp nơi rằng người từng là lãnh tụ cao nhất của đảng Cộng sản, của chính phủ Việt Nam trong suốt 24 năm trời hóa ra chỉ là một anh Tàu vô danh tiểu tốt mang tên Hồ Tập Chương của hòn đảo nhỏ Đài Loan của họ? Và trong cái lăng đồ sộ giữa thủ đô Hà Nội là cái xác giả Hồ Chí Minh, thật ra là xác một anh Tàu, vậy mà kỳ lễ lớn nào, kỳ họp Quốc hội nào những tai to mặt lớn của Hà Nội cũng phải đến cúi rạp người, lại nuôi cả một đội quân để bảo vệ và ra oai.
Đây là sự bịa đặt khổng lồ trong quan hệ giữa cấp quốc gia với quốc gia, vậy mà người phát ngôn bộ ngoại giao Lương Thanh Nghị vẫn im thin thít. Danh dự quốc gia, quốc thể là đây. Rõ thật là “khôn nhà dại chợ“.
Cũng là điều đáng tiếc khi một số mạng tự do đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền vẫn liên tiếp đăng những đọan dài kèm theo nhiều ảnh từ cuốn ‘’Hồ Chí Minh sinh bình khảo’’, với lời giới thiệu của nhà báo Huỳnh Tâm và dịch giả Thái Văn. Lẽ ra khi giới thiệu cuốn sách ban biên tập của các mạng ấy nên nói rõ quan điểm tỉnh táo của mình để hướng dẫn công luận. Vậy mà không một lời bình luận, phê phán.
Hay là vẫn có người tin rằng trong thế giới ngày nay, khoa học tiên tiến có thể tạo và luyện nên những con người tình báo siêu phàm, giả giống y như thật - còn hơn thật - đến mức chị ruột và anh ruột ông Hồ là bà Thanh và ông Cả Khiêm cũng bị lầm, và tất cả cơ quan tình báo sắc sảo của Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật, Việt…cũng chỉ là gà mờ hết, bị cơ quan tình báo Hoa Nam cho ăn quả lừa ngoạn mục.

Bùi Tín (VOA) 

Năng lực và bản lĩnh của các phó ban Nội chính Trung ương

Ngày 4/2/2012, Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chính thức ra mắt. Bộ máy lãnh đạo của Ban Nội chính Trung ương gồm 1 Trưởng ban và 3 phó ban.

Theo các quyết định điều động, phân công của Bộ Chính trị, ngoài Trưởng ban Nguyễn Bá Thanh, 3 phó ban Nội chính gồm các ông Phan Đình Trạc (Bí thư tỉnh ủy Nghệ An), Nguyễn Doãn Khánh (Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ), Phạm Anh Tuấn (nguyên Phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng). Họ là những con người có năng lực và bản lĩnh, điều này cho thấy Bộ Chính trị đã cân nhắc cẩn trọng đến cỡ nào...

Ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn (tiến sĩ luật) là gương mặt khá quen thuộc. Ông Tuấn nguyên là trưởng Ban Xây dựng pháp luật Văn phòng Chính phủ. Khi còn giữ cương vị này, ngày 1/2/2008, ông Tuấn vinh dự được nhận Huân Chương Lao động Hạng Ba do Chính phủ trao tặng vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Tháng 12/2008, ông Tuấn sang làm Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Qua khảo sát 30 vụ án xảy ra trong lĩnh vực vực tín dụng, ngân hàng vào năm 2011, ông Tuấn cho biết: cơ quan chức năng nhận thấy có thủ đoạn “cán bộ ngân hàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn dùng vàng giả đưa vào thế chấp; giả mạo chữ ký khách hàng, làm giả giấy rút tiền; ép buộc khách hàng chi tiền trong vay vốn ngân hàng...”.

Tại phiên họp ngày 8/1/2013, Ban Bí thư cũng đã quyết định để ông Phạm Anh Tuấn thôi giữ chức Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để giữ chức Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương. 
 
Trả lời câu hỏi hoạt động của Ban Nội chính Trung ương có gì mới so với Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng trước đây, ông Phạm Anh Tuấn nói: “Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng.

Đồng thời, Ban Nội chính Trung ương còn thực hiện nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Như vậy, hoạt động của Ban Nội chính trung ương sẽ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ nêu trên và đó chính là các điểm mới”.
Ông Phan Đình Trạc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
Ông Phan Đình Trạc sinh ngày 25/8/1958, quê xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu; chuyên môn nghiệp vụ: Đại học An ninh Nhân dân (ngành điều tra tội phạm); Lý luận chính trị: Cử nhân. 
Ông Trạc nguyên là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Năm 2005, ông giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đến cuối nhiệm kỳ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này và được bầu vào Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng XI.
Ông Phan Đình Trạc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An sẽ tiếp nhận trọng trách mới tại Ban Nội chính trung ương.
Trong thời kỳ ông Phan Đình Trạc nắm giữ cương vị người đứng đầu Nghệ An, tỉnh này đã xác quyết mục đích trở thành một trung tâm kinh tế của Khu vực Bắc Trung Bộ, xây dựng thành phố Vinh thành thành phố trung tâm vùng, mở rộng nâng cấp sân bay Vinh, xây dựng Cảng nước sâu Nghi Thiết.

Đối với người dân Nghệ An, ông Phan Đình Trạc được biết đến là một người luôn có phong thái trí thức, lịch lãm và khá thân thiện. 
Chia sẻ về việc được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương sau khi Ban này chính thức đi vào hoạt động được một ngày, ông Phan Đình Trạc cười nói: “Không, tôi không bất ngờ về quyết định này của Bộ Chính trị. Là người của Đảng thì luôn sẵn sàng, bảo đi là đi, bảo ở là ở thôi”.
Bộ Chính trị vừa có quyết định điều động ông Phan Đình Trạc – ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An – làm phó Ban Nội chính trung ương.
Nguyễn Doãn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ.
Ông Nguyễn Doãn Khánh sinh ngày 15/8/1956, quê ở Xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao, Phú Thọ; chuyên môn nghiệp vụ: Thạc sỹ Quản lý nhà nước; Cử nhân Luật, Cử nhân kinh tế.
Ông Khánh xuất thân là Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ, sau đó làm Chủ tịch UBND tỉnh. Tại Đại hội Đảng XI, ông Khánh được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ cho đến nay.
Nguyễn Doãn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ.

Ngày 4/2, Bộ Chính trị quyết định điều động ông Nguyễn Doãn Khánh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ làm Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương. 
Trong thời gian đương nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, ông Nguyễn Doãn Khánh cùng các cán bộ, công chức trên địa bàn Tỉnh đã tiến hành kiểm điểm tập thể và cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IV. Đồng thời với những chính sách, việc làm của mình áp dụng vnền kinh tế và an sinh xã hội của tỉnh Phú Thọ cũng đánh dấu nhiều phát triển vượt bậc. 
So với Ban Nội chính Trung ương từ khóa IX trở về trước, đây là lần đầu tiên cơ quan này có cấp phó là ủy viên Trung ương Đảng. Họ là những trụ cột tin cẩn và thuộc loại “cứng” đã được điều về bọc lót cho ông Nguyễn Bá Thanh.
(GDVN)

Đã dùng đến thuốc đặc trị mà không chống được tham nhũng thì...

TS. Đinh Xuân Thảo
“Với quyết tâm chính trị của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và với đội ngũ cán bộ gồm nhiều Uỷ viên bộ chính trị, Uỷ viên trung ương Đảng với đủ cơ cấu thành phần như vậy, tôi tin chắc rằng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cùng với cơ quan thường trực là Ban Nội chính Trung ương dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư sẽ góp phần từng bước đẩy lùi được nạn tham nhũng”, TS. Đinh Xuân Thảo nói.
Để đẩy lùi tham nhũng cần thường xuyên, quyết liệt, công khai thông tin

Trao đổi với Giáo dục Việt Nam về công tác phòng, chống tham nhũng sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chính thức đi vào hoạt động, TS. Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội nói: “Trong quá trình xử lý một vụ án tham nhũng thông thường thì vai trò của các cơ quan tư pháp cũng như thanh tra là không thể thay thế.
Ở giai đoạn thanh tra có Thanh tra Chính phủ cũng như Thanh tra các Bộ, ban ngành thực hiện. Khi có dấu hiệu tham nhũng thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc, rồi tiếp đó là Viện Kiểm sát và Toà án Nhân dân tiến hành tuân theo các quy định về Luật Hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng.
Đối với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì đúng là không làm thay, không sa đà vào một vụ án cụ thể nào đó. Ban Chỉ đạo đúng nghĩa với chức năng là chỉ đạo các cơ quan hữu quan, cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng”.
Bày tỏ sự tin tưởng vào cơ quan phòng, chống tham nhũng cao nhất này, ông Thảo nói: “Nhìn vào thành phần ta thấy có đầy đủ đại diện cho bên Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Tư pháp… với mục đích tăng sức mạnh, tăng tầm bao quát và hiệu lực chỉ đạo. Ban Chỉ đạo này tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương ban hành chủ trương chính sách hợp lý và sau đó Quốc hội thể chế hoá thành Luật rồi các cơ quan hành pháp, tư pháp thực hiện, làm tốt việc phòng, chống tham nhũng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng và Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Minh Thăng
Với những vụ án lớn, phức tạp thì Ban Chỉ đạo sẽ có những định hướng chỉ đạo thích hợp để các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả. Còn những vụ tham nhũng nhỏ dưới địa phương và cơ sở thì sẽ do các cơ quan chức năng ở địa phương thực hiện. Dù ở địa phương không còn Ban Chỉ đạo trực thuộc UBND nữa, nhưng trách nhiệm được giao cho cấp uỷ Đảng theo dõi, phụ trách.
Như Tổng Bí thư đã yêu cầu: “Đối với những vụ án lớn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng không sa vào xử lý từng vụ án cụ thể, không làm thay chức năng của cơ quan nhà nước; chỉ giám sát việc xử lý các vụ việc; phối hợp với các ngành, các cấp, đôn đốc làm đúng chức năng nhiệm vụ, theo quy định của pháp luật; cho định hướng chỉ đạo đối với một số vụ trọng điểm, phức tạp, để kéo dài, hoặc có ý kiến khác nhau...””.
Theo TS. Đinh Xuân Thảo, trước đây theo quy định của luật, đã có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, tuy nhiên phải sau đó một thời gian thì mới có cơ quan phòng chống tham nhũng ở địa phương. Như vậy, sự liên tục trong công tác điều hành đã bị thiếu lại thêm việc phối hợp không nhịp nhàng giữa bên Đảng và Chính quyền nên dẫn đến việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũ không phát huy hết sức mạnh của mình.
Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến cuối cùng đầy cam go mang tính chất quyết định, ông Thảo cho rằng: “Hiện nay, chúng ta đã dùng đến “thuốc đặc trị” rồi mà không chống được tham nhũng thì chắc là sẽ chẳng có cơ quan nào có thể làm được việc này nữa.
Tổng Bí thư đã nói rằng chúng ta phải quyết tâm làm cho bằng được, từng thành viên của Ban Chỉ đạo phải gương mẫu. Sự phối hợp giữa các thành viên phải chặt chẽ hơn và vai trò trách nhiệm của từng thành viên phải được thể hiện rõ. Tổng Bí thư cũng cho rằng không thể có một tổ chức mà khi ra đời đã xử lý hết ngay được nạn tham nhũng mà cần có thời gian”. 
TS. Thảo cũng cho rằng: “Để nạn tham nhũng có thể được đẩy lùi, Ban Chỉ đạo phải làm việc tích cực, thường xuyên, quyết liệt, công khai thông tin. Chúng ta đã có bộ máy và có Ban chỉ đạo như vậy rồi thì bắt đầu chỉ đạo như thế nào, bắt đầu từ đâu, từ trên xuống hay từ dưới lên… Sau khi có kết quả thì công bố công khai kịp thời. Có như vậy thì mới tạo đà và khí thế cho quá trình làm việc tiếp theo.
“Chưa bao giờ chúng ta có lực lượng hùng hậu như thế”
Trước ý kiến cho rằng, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ra đời dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư thì Ban này nên lật lại vụ án gây thất thoát lớn cho Ngân sách Nhà nước như vụ Vinashin và Vinalines, ông Thảo nói: “Việc xem xét các vụ án phải theo quy trình tố tụng.
Với những vụ án đã xử xong và khép lại rồi thì không lật lại. Về nguyên tắc pháp lý hình sự, một tội không xử hai lần. Trong quá trình xem xét những vụ việc khác, vụ việc phát sinh mà thấy có tình tiết mới, những người lien quan khác mà chưa xử lý thì vẫn xử lý bình thường”.
Ông Thảo nói tiếp: “Với quyết tâm chính trị của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và với đội ngũ cán bộ gồm nhiều Uỷ viên bộ chính trị, Uỷ viên trung ương Đảng với đủ cơ cấu thành phần như vậy, tôi tin chắc rằng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cùng với cơ quan thường trực là Ban Nội chính Trung ương dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư sẽ góp phần từng bước đẩy lùi được nạn tham nhũng.
Chưa có bao giờ, một cơ quan phòng chống tham nhũng của chúng ta lại có lực lượng hùng hậu đến thế. Hiệu quả ở đây sẽ được thể hiện ở cả hai mặt: phòng và chống trong đó công tác phòng, ngăn ngừa sẽ được chú ý đặc biệt vì xoá bỏ hoàn toàn là rất khó, không nước nào làm được”.
(GDVN) 

Khởi tố nguyên Phó giám đốc Ban truyền thông Ngân hàng VIB

Ngày 6-2, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an cho biết, mở rộng điều tra vụ án “tổ chức đánh bạc và đánh bạc” qua trang web M88, CQĐT khởi tố thêm Nguyễn Lê Sang (36 tuổi, nguyên Phó giám đốc Ban truyền thông và tiếp thị thuộc Ngân hàng Quốc tế VIB) về hành vi tổ chức đánh bạc và Võ Kim Thanh (41 tuổi, ở quận 11, TP HCM) về hành vi đánh bạc.
Như vậy, cho đến nay đã có tổng cộng 11 người bị khởi tố; thu giữ 1 xe ô tô 7 chỗ, 565 triệu đồng, 8 máy tính xách tay, 21 điện thoại di động, 32 thẻ ATM, 4 modem kết nối Internet cùng nhiều tang vật, tài liệu có liên quan…

Theo tài liệu của cơ quan công an, vào đầu năm 2011, qua công tác trinh sát, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao phát hiện đường dây đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên website M88.COM có máy chủ đặt tại Philippines do một số đối tượng ở trong nước cấu kết với các đối tượng ở nước ngoài thực hiện. Để đưa vào Việt Nam, chúng đã Việt hóa toàn bộ website, trên website có hướng dẫn chi tiết cách thức thực hiện các hình thức đánh bạc.

Đây là website đánh bạc dưới hình thức thế chấp, người chơi phải chuyển tiền thật thành tiền ảo bằng cách lập tài khoản ngân hàng đại điện của M88.COM.

Sau đó, các đối tượng trong nước chuyển tiền ra nước ngoài qua các “đầu lậu” chuyển tiền đen. Ngoài việc nhận, chuyển tiền ra nước ngoài, các đối tượng tại Việt Nam còn thực hiện vai trò tổ chức quảng cáo, tuyên truyền mở rộng, thu hút con bạc tham gia vào hệ thống trang web M88.COM, chăm sóc khách hàng… CQĐT đang tiếp tục mở rộng vụ án.

Cũng trong chiều 6-2, Bộ Công an trao thưởng các đơn vị thuộc Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao ( C50), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) và Cục Kỹ thuật nghiệp vụ II (A71) vì đã khám phá thành công chuyên án 511C, triệt phá đường dây đánh bạc đánh bạc trên.
(Tiền phong) 

Hoàng Lan - Đôi điều suy nghĩ sau việc thả Lê Công Định

le-cong-dinh 
Trong một động thái mà có thể gây bất ngờ cho nhiều người quan sát, chính quyền Việt Nam đã thả ông Lê Công Định, luật sư bị bắt và buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo điều 79 của bộ luật hình sự nước CHXHCN VN, mặc dù ông đã bị bắt với lí do vi phạm điều 88. Sự bất nhất này thực ra cũng không có gì để phải bàn thêm, vì theo như tiến sĩ Nguyễn Quang A gần đây có phát biểu với BBC[1] , thì chỉ cần ra khỏi bụng mẹ là bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể bị buộc tội theo điều này, hay điều kia.
Trở lại với việc ông Định được thả trước thời giạn hơn một năm, liên hệ với các tin tức trong thời gian gần đây, việc này gợi mở ra những điều đáng để suy nghĩ và bàn luận thêm. Sau đây xin bàn về bối cảnh của sự kiện.
Thứ nhất về kinh tế, với tất cả các tin tức khách quan từ phía các chuyên gia quốc tế[2] về tình hình kinh tế của Việt Nam trong điều kiện hiện tại, nền kinh tế đang ở giai đoạn khó khăn nhất và những vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết. Sự phục hồi mạnh mẽ ở khu vực chứng khoán trong thời gian gần đây chỉ là do đồng tiền vẫn liên tục mất giá, lưu thông vàng bị thắt chặt kiểm soát và bất động sản thì đang chờ nổ nên lượng tiền trong dân chỉ còn con đường cuối cùng là đổ vào chứng khoán. Nhưng với các khối ung thư ở mảng kinh tế nhà nước, cụ thể là các tập đoàn nhà nước vẫn chưa có một biện pháp hữu hiệu để giải quyết (tái cơ cấu đã thực hiện và được chứng minh là vô hiệu quả) thì những dấu hiệu khởi sắc trong chứng khoán không đủ để vực dậy cả nền kinh tế. Thậm chí chứng khoán lại có thể trở lại ảm đạm sau khi nhà đầu tư bị tổn hại niềm tin vì một lí do nào khác. Biểu hiện rõ nhất là ngân khố quốc gia đã cạn kiệt đến mức nhà nước phải ra thông báo “khuyến khích đóng góp tài sản”[3] hay nói dân dã hơn thì là xin tiền quyên góp của dân. Như vậy là ngân khố đã cạn kiệt đến mức cùng kiệt, và e rằng chính phủ khó có thể duy trì lâu hơn được nữa trước khi có sự thay đổi lớn hoặc là tuyên bố phá sản.[4]
Thứ hai về chính trị, áp lực của Trung Quốc lên tất cả các mặt của Việt Nam càng lúc càng nặng nề. Không chỉ có kinh tế, văn hóa, an ninh chủ quyền quốc gia mà còn cả sức khỏe người dân. Trong bối cảnh Hillary Clinton dùng những ngày cuối cùng của nhiệm kì để ra một tuyên bố khẳng định quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi của hiệp định song phương Mĩ Nhật[4] , nói trắng phớ ra thì là Mĩ sẽ can thiệp nếu tàu động đến Senkaku của Nhật thì có thể khẳng định Trung Quốc không dại gì mà khiêu chiến với Mĩ và Nhật ở thời điểm hiện tại. Bị đấm một cú đau và khó có điều kiện trả đòn ngay ở khu vực Đông Á, với tính cách đặc trưng của hắn, Trung Quốc làm cho những người quan tâm theo dõi tình hình Việt Nam nín thở theo dõi những động thái sau đó mà tàu sẽ tiến hành tại khu vực Đông Nam Á, trên Biển Đông, nhất là quần đảo Trường Sa.
Thứ ba, về động thái của chính quyền trước tình hình này. Ở mảng đối ngoại, chuyến công du châu Âu của tổng bí thư Trọng mà điểm nhấn là cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ với Giáo hoàng, nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Pháp, Ý … đều cho thấy những nỗ lực đẩy mạnh đa phương hóa quan hệ quốc tế để tìm kiếm sự ủng hộ, giúp đỡ trước bối cảnh kinh tế bi đát và áp lực Trung Quốc nặng nề. Trong khi đó, tại diễn đàn khu vực, ngoài việc chờ đợi mối quan hệ đối tác chiến lược với Singapore và Inđonexia đã được lên dây cót từ trước, người ta vẫn chưa thấy dấu ấn của ông Lê Lương Minh trên cương vị tổng thư kí ASEAN. Có lẽ do ông mới nhận chức, hãy còn quá sớm để chờ đợi một cái gì to tát. Đối thoại song phương với Trung Quốc vẫn ở trạng thái cực kì bị động, các phản đối xâm phạm chủ quyền mang tính hình thức càng lúc càng hạ thấp về cấp của đơn vị ra tuyên bố, mập mờ về nội dung và hầu như là vô nghĩa trên thực tế. Ở mảng đối nội, những biến động, tranh đấu trong nội bộ chính quyền thời gian gần đây có thể bị nhiều người cho rằng đó chỉ là phân chia lại quyền lực nội bộ. Quan điểm đó có phần đúng, nhưng những đấu tranh đó cũng cho thấy nhận thức của chính quyền, tầng lớp lãnh đạo về sự cần thiết phải thay đổi.
Những việc thả ông Định hay ông Quân (Nguyễn Quốc Quân) trước đó, và cả việc thả Lê Anh Hùng khỏi trại tâm thần; mặc dù có cho thấy những biểu hiện có vẻ như là chuyển biến theo hướng mềm mỏng hơn của chính quyền nhưng thực tế lại không phải là những dấu hiệu để những người mong đợi sự tiến bộ ở Việt nam nên lạc quan. Trường hợp ông Quân có quốc tịch Mĩ, việc bắt giữ trái phép và xét xử không công khai một công dân của Mĩ hay bất cứ nước nào khác theo kiểu mà Việt Nam vẫn làm sẽ gây khó khăn cho những nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước có tiếng nói trọng lượng (mà ở đây là Hoa Kỳ và Châu Âu). Cũng như vậy, việc bắt cóc và giam giữ Lê Anh Hùng có thể được xem như một hành động manh động quá khích không thể lí giải, chấp nhận được của các cấp thực hiện. Nhờ có sự đấu tranh quyết liệt, thông tin kịp thời của bạn bè Lê Anh Hùng tới các tổ chức quốc tế, thuyết phục mẹ Hùng viết đơn đòi con đã gây ra áp lực đủ mạnh để chính quyền buộc phải thả Hùng. Trường hợp ông Định, một người đã nhận tội và xin khoan hồng trên truyền hình quốc gia, việc thả ông cũng không nên được xem là bước tiến lớn trong chuyển biến tiến bộ ở nhận thức của chính quyền. Có thể, đó chỉ là “con săn sắt” được thả để xoa dịu dư luận, đánh lạc hướng tập trung của xã hội vào khu vực sửa đổi Hiến pháp – mà cụ thể là sửa điều 4 ở Hiến pháp hiện hành đang được xã hội tập trung quan tâm.
Như vậy trọng tâm của vấn đề cần được quan tâm ở thời điểm hiện tại vẫn là ở hiến pháp, có một hiến pháp tốt mới có thể tạo chuyển biến, tạo bệ phóng để khai thông sức mạnh toàn dân đối phó với tình hình mới. Nhưng e rằng việc tạo ra thay đổi đột phá ở thời điểm hiện tại, không chỉ là khó mà còn là cực kì thiếu khả năng. Xin bàn thêm ở phần sau.
Hoàng Lan
---------------------
Chú thích:
1. Chống tham nhũng: cần đảng đối lập. Bài phỏng vẫn ông Nguyễn Quang A trên BBC. Link:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2013/02/130204_nguyen_quang_a_interview.shtml
2. Alan Phan: góc nhìn Alan. Link: http://www.gocnhinalan.com/
3. Nhà nước khuyến khích đóng góp tài sản hoặc tiền cho dự trữ quốc gia. Link: http://vietstock.vn/2013/02/nha-nuoc-khuyen-khich-dong-gop-tai-san-hoac-tien-cho-du-tru-quoc-gia-758-258097.htm
4. Gần đây Bloomberg có đưa một bản tin ngắn dự báo chứng khoán Việt nam sẽ tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu trong năm 2013. Cái mẹo ở đây là họ chỉ nói chứng khoán tăng trưởng, chứ không nói đến nền kinh tế. Điều này có thể đã tác động đến một số nhà đầu tư kĩ thuật của quốc tế. Nhưng chưa có đủ số liệu công bố về đầu tư của khối ngoại lên thị trường trong thời gian sau đó, nên nhận định này chỉ mang tính cá nhân. Link http://www.bloomberg.com/video/vietnam-the-world-s-best-performer-in-2013-SPT8hfCjS8SzPefNfpZnuQ.html

(Hãy dành thời gian)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét