Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

HOT - Tin nóng

1478. Phải loại trừ những quy định xa rời cuộc sống

Pháp luật TPHCM

Loại trừ những quy định xa rời cuộc sống

17/12/2012 – 07:10
Phỏng vấn LS Trương Trọng Nghĩa1
Luật pháp phải có “tính thiêng” của nó. Không thể cứ ban hành ra thấy bị phản ứng thì hoãn áp dụng để xem xét chỉnh sửa.
Nhiều quy định do cơ quan quản lý hành chính nhà nước ban hành không đi vào được cuộc sống khiến phải hoãn tới, hoãn lui thời điểm áp dụng. Mới đây nhất là việc cho lùi thời điểm áp dụng quy định phải có quy hoạch 1/500 mới được cấp giấy phép xây dựng trong Nghị định 64/2012. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến hiệu lực của pháp luật mà còn ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Nhà nước. Pháp Luật TP.HCM trò chuyện đầu tuần với luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư VN, thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, xoay quanh vấn đề này.

Mở đầu câu chuyện, luật sư, đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa cho biết:
+ Tôi đã gửi chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp thứ 4 vừa rồi về một số quy định quản lý hành chính nhà nước không phù hợp gần đây như ghi tên cha mẹ vào CMND; giao CSGT xử phạt xe không chuyển quyền sở hữu, để lại 70% tiền xử phạt cho CSGT… Thừa ủy quyền của Thủ tướng, các bộ liên quan đã trả lời bằng văn bản trong đó có lý giải nhiều nguyên do nhưng thật sự tôi thấy chưa thuyết phục.
Quy định cũ, xa rời thực tiễn
Phóng viên: Ông thấy chưa thuyết phục thế nào?
+ Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Những viện dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước về việc vì sao lại có những quy định này và vì sao phải áp dụng nó cho thấy họ không đứng trên nhu cầu thực tiễn. Có những cái không hợp lý hoặc lỗi thời nhưng vẫn được lôi ra thực hiện. Chẳng hạn như việc ghi tên cha mẹ vào CMND đã được quy định từ Nghị định 05/1999, sau đó tiếp tục ghi nhận tại Nghị định 170/2007. Hơn 10 năm qua quy định đấy không được thực hiện, đến giờ lại mang ra thí điểm. Trong khi đó việc này đâu cần cho quản lý nhà nước, cũng không cần cho nhân dân, lại xâm phạm bí mật đời tư và có thể gây xáo trộn quan hệ gia đình và xã hội, dẫn đến phát sinh tranh chấp trong một số lĩnh vực. Theo tôi đã thấy không hợp lý, không cần thiết cho ai thì bỏ đi chứ chẳng phải thí điểm làm gì, gây thêm phiền toái cho nhân dân và thêm rắc rối cho quản lý nhà nước lẫn xã hội.
Tương tự, quy định CSGT có quyền phạt xe không chính chủ tại Nghị định 71/2012 mới đây đã xâm phạm quyền sử dụng tài sản của chủ sở hữu và gây phiền hà cho người dân…
. Đúng như luật sư nói, dư luận gần đây rất bức xúc trước việc nhiều quy định rất tréo ngoe với thực tiễn, dẫn đến các cơ quan quản lý phải kiếm cách “hoãn binh” để điều chỉnh. Theo ông, kiểu làm chính sách ấy cho thấy lỗ hổng gì?
+ Nó cho thấy sự quan liêu, xa cách nhu cầu cuộc sống trong quá trình làm chính sách. Cơ quan tham mưu không nhận ra đòi hỏi từ người dân, từ thực tiễn nên khi áp dụng mới tréo ngoe, thậm chí không thể thực hiện được. Đó là kiểu làm chính sách từ trên trời ban xuống hay cách rất cũ mà ta nói hoài là “làm chính sách từ salon, phòng máy lạnh”.
Trong khi ấy có những chuyện từ lâu lẽ ra phải có những quy định để điều chỉnh thì lại chậm ban hành hoặc sửa đổi, chẳng hạn như quy định về quyền biểu tình của người dân. Nội dung trong Nghị định 38/2005 đem áp dụng đối với vấn đề này hiện nay đã không còn phù hợp. Theo tôi, cần thiết phải sửa đổi nghị định này trong thời gian chờ ban hành Luật Biểu tình bởi không thể đánh đồng hành vi biểu tình yêu nước một cách ôn hòa với hành vi gây rối ngoài đường phố. Như thế là bất cập và gây bức xúc cho người dân.
2
Việc xử phạt hàng rong theo Nghị định 34/2010 ở mức cao không có tác dụng vì họ không đủ tiền để nộp. Ảnh: HTD
Làm chính sách kiểu mệnh lệnh
. Nhưng khổ nỗi có những nghị định trước khi ban hành cũng được tổ chức lấy ý kiến rất rầm rộ, tốn kém không ít. Các địa phương cũng kiến nghị nhiều vấn đề về tính khả thi. Thế mà đến khi ban hành chính thức thì mọi cái vẫn như cũ? Tại sao vậy?
+ Như tôi đã nói là do quan liêu, xa cách thực tế. Một biểu hiện nữa là thích dùng mệnh lệnh. Trong khi điều cần thiết khi anh ban hành một chính sách là phải tạo một hành lang pháp lý để người dân thực hiện và anh phải dự liệu sẵn mọi tình huống để đảm bảo thực thi những quy định ấy một cách hiệu quả nhất.
Tôi biết có những quy định rất lạ. Chẳng hạn Nghị định 64/2012 về cấp phép xây dựng quy định khi cấp phép xây dựng nhà thì phải phủ quy hoạch 1/500. Nhưng làm sao phủ được, quy hoạch 1/2000 còn chưa làm nổi nữa là! Điều đáng ngạc nhiên là việc này các địa phương đã cảnh báo nhưng cơ quan tham mưu vẫn làm lơ để đến thời điểm áp dụng lại phải lùi đến tháng 7-2013. Mà nói thật, đến thời điểm đó, cái điệp khúc “lùi” thế nào cũng lại tiếp tục vì khó có thể thực hiện được yêu cầu trên, trong khi nhu cầu xây dựng nhà cửa của người dân là chính đáng phải đáp ứng.
Hay như quy định thu phí cho quỹ bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện (Nghị định 18). Người ta kiến nghị bao nhiêu lần là thu phí theo xăng dầu chứ không nên bổ trên đầu phương tiện nhưng mọi kiến nghị cứ như rơi tõm vào khoảng không. Chắc rằng rất nhiều tổ chức và người dân sẽ bị làm khó vì quy định này sắp được thực thi.
. Thực tế hiện nay còn tồn tại một não trạng của cơ quan quản lý là cứ phạt thật nặng để cho dân biết sợ mà thực hiện. Nhưng phạt nặng quá lại dẫn đến thiếu tính khả thi?
+ Đúng là có chuyện đó, chẳng hạn như Nghị định 34/2010 xử phạt hàng rong tới 20-30 triệu đồng. Trong quản lý hành chính nhà nước thì chế tài là rất quan trọng nhưng các hình thức, mức độ chế tài hiện đang bị sử dụng tùy tiện, ít nghiên cứu cho phù hợp. Hiện nay chế tài của chúng ta thường đơn giản, bình quân chủ nghĩa và cào bằng. Chế tài thường cứ quy hết về tiền cho gọn nhưng trong một số trường hợp không có tác dụng, không có hiệu quả quản lý xã hội cao. Ví như phạt người buôn gánh bán bưng mà cao như thế thì sao mà nộp được. Trong khi ô tô vượt đèn đỏ phạt vài triệu đồng thì có gì đâu nhưng nếu bắt đi học luật lại thì có khi họ ngán hơn nhiều…
Phải tiện cho dân thực hiện
. Chính những kiểu làm chính sách như trên dẫn đến hệ lụy gì, thưa ông?
+ Luật pháp phải có “tính thiêng” của nó. Không thể cứ ban hành ra thấy bị phản ứng thì hoãn áp dụng để xem xét chỉnh sửa. Cứ như thế thì người ta không còn tin vào luật pháp nữa, thậm chí coi thường pháp luật. Rồi dẫn đến chuyện người dân không căn cứ vào pháp luật để hành xử mà họ tự xử với nhau theo “luật rừng”, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực khác cho xã hội.
Lênin nói rằng: “Luật pháp nếu không được thực thi thì sẽ chỉ là tiếng vang trong không khí”. Để không xảy ra điều này thì việc tổ chức thực hiện luật (qua các công cụ nghị định, thông tư) của hành pháp là vô cùng quan trọng.
. Theo luật sư, cần làm gì để hạn chế tình trạng chính sách không đi cùng với cuộc sống?
+ Đầu tiên phải có cuộc chấn chỉnh về công tác soạn thảo các quy định quản lý hành chính nhà nước hiện nay. Cụ thể là phải chuyên môn hóa lực lượng này để văn bản viết ra phải đạt chuẩn mực pháp lý. Thứ hai là đổi mới cách làm theo hướng không nên chỉ giao cho các đơn vị quản lý hành chính nhà nước soạn thảo, ban hành với kiểu hành chính quan liêu như lâu nay. Phải có thăm dò ý kiến, khảo sát nhu cầu nhân dân một cách thực chất khi ban hành một quy định nào đó. Nên huy động các nguồn trí tuệ khác của xã hội vào công tác này, nhất là lực lượng chuyên gia.
Điều quan trọng nhất là ban hành chính sách trong quản lý hành chính nhà nước thì phải ưu tiên cho người dân trong chấp hành thực hiện chứ không phải vì thuận tiện cho cơ quan quản lý mà đẩy bất tiện về phía người dân. Nghĩa là phải theo phương châm là quyền lực thuộc về nhân dân thì anh phải làm sao thuận tiện nhất cho nhân dân.
Song song đó, việc tổ chức thực thi các quy định cũng phải thấu đáo, chất lượng cán bộ thực thi cần phải đảm bảo. Ngoài ra, chế tài hành chính phải sát hợp, linh hoạt, tùy điều kiện, địa phương, đối tượng mà có chế tài cho hiệu quả.
. Xin cảm ơn ông.
. Nhiều ý kiến cho rằng cần có hình thức chế tài đối với việc ban hành các quy định trái hiến pháp, trái luật, không hợp lý, không khả thi, gây tốn kém tiền bạc của Nhà nước và nhân dân. Ông nghĩ sao về điều này?
+ Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Theo quy định hiện nay, QH có trách nhiệm giám sát việc ban hành các công cụ quản lý hành chính nhà nước trái hiến pháp, trái luật. Nhưng làm sao giám sát cho hết được. Chưa kể việc giám sát ấy được thực hiện theo một quy trình làm việc mang nặng tính nội bộ chứ không phải mang tính phán quyết theo quy trình tố tụng. Cần thiết phải có một cơ quan chuyên trách thực hiện điều này để đưa ra một kết luận mang tính phán quyết. Có thể đó là Hội đồng Bảo hiến như đề xuất của nhiều người khi bàn về việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Nhưng cụ thể nó như thế nào thì cần phải có những xem xét thấu đáo.
MINH CƯỜNG thực hiện

1479. Sao lại chống nhóm lợi ích?

Sao lại chống nhóm lợi ích?

Nguyễn Quang A
Thời gian qua các nhà lãnh đạo, giới trí thức, báo chí và người dân lên tiếng mạnh mẽ chống các nhóm lợi ích. Tại sao lại phải chống? Chống cuộc sống ư? Có sự lạ đời ở Việt Nam là, hễ có một vị lãnh đạo to nào đó, hay một người có uy tín nào đó, phát ra một thông điệp gì đó với một khái niệm “mới” thì truyền thông ào ào “ăn theo”, giới trí thức không chịu động não để phân tích và ủng hộ hay phản bác với lý lẽ, nên nghiễm nhiên cái khái niệm “mới” ấy được phổ biến rộng rãi dẫu bản thân nó có thể hết sức méo mó thậm chí sai hoàn toàn. Sự áp đặt khái niệm, tư duy vẫn còn quá nặng nề trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội.

Khái niệm “xã hội hóa” nêu trong các chính sách của Đảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam là khái niệm như vậy. Nó ngược lại hoàn toàn với quan niệm Marxist về “xã hội hóa” mà những người cộng sản đã dùng trước kia, chẳng là sự “sáng tạo” nào cả mà chỉ gây lẫn lộn và nhiều tác hại cho sự phát triển đất nước.
Nhóm lợi ích cũng vậy.
Mỗi người đều có lợi ích của mình và các lợi ích đó chi phối hoạt động của họ. Lợi ích không chỉ là lợi ích kinh tế. Những người có chung một tập hợp lợi ích nhất định tạo thành một nhóm, gọi là nhóm lợi ích. Đấy là cách hiểu thông thường. Và theo cách hiểu ấy, nhóm lợi ích không gắn với giá trị (tốt-xấu, đạo đức-phi đạo đức).
Đảng cộng sản Việt Nam là một nhóm lợi ích lớn ở Việt Nam hiện nay. Tập thể những người dân khiếu kiện về đất đai tạo thành một nhóm lợi ích. Giới lao động dệt may, chẳng hạn, cũng tạo thành một nhóm lợi ích. Những người bảo vệ Vườn Quốc gia Cát Tiên là một nhóm lợi ích. Đó chỉ là vài thí dụ.
Các nhóm lợi ích thường thúc đẩy hay vận động chính sách vì lợi ích của chính nhóm mình. Đó là điều bình thường và chẳng có gì đáng trách cả, thậm chí phải tạo điều kiện để cho các nhóm lợi ích tồn tại, phát triển, tạo môi trường cho chúng thể hiện, tranh luận, phê phán và qua đó thúc đẩy các lợi ích chung phục vụ cho sự phát triển đất nước.
Xã hội không thể tồn tại mà không có vô vàn các nhóm lợi ích. Các nhóm lợi ích và hoạt động của chúng có thể chồng lấn lên nhau. Chúng có thể hợp tác với nhau và xung đột với nhau. Xã hội tồn tại, phát triển hay suy đồi chính là do sự tương tác của các nhóm lợi ích đó. Bóp nghẹt sự hoạt động của chúng đồng nghĩa với sự gây méo mó các nhóm lợi ích, với sự suy đồi xã hội. Hoạt động lành mạnh của các nhóm lợi ích, một phần quan trọng của hoạt động xã hội dân sự, thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Trong vài năm qua “nhóm lợi ích” ở Việt Nam được ngầm hiểu là các nhóm lợi ích chuyên làm việc xấu, phi đạo đức, là các nhóm tìm mọi cách để kiếm đặc lợi bất chấp lợi ích của các nhóm khác, bất chấp lợi ích công cộng. Thí dụ nhóm các chủ doanh nghiệp câu kết với chính quyền để trục lợi trong kiếm các hợp đồng của nhà nước hay trong việc tước đoạt đất đai của người dân nhưng lại nhân danh vì “sự phát triển kinh tế xã hội”. Các nhóm đưa người thân cận của mình vào chính quyền để thâu tóm quyền lực, để tham nhũng.
Lẽ ra phải gọi đích danh chúng và trừng trị chúng theo pháp luật hiện hành. Lẽ ra phải gọi chúng là bọn tham nhũng, là các băng nhóm, băng đảng, bọn mafia, là nhóm trục lợi, hay nhẹ hơn là “nhóm đặc lợi” thì người ta lại gọi bừa là nhóm lợi ích. Cách hiểu này gắn với giá trị, mà cụ thể là xấu, là phi đạo đức và vô tình hay cố ý đánh đồng chúng với các nhóm lợi ích lành mạnh, hay thậm chí để loại hẳn các nhóm lợi ích tốt. Hãy trả lại khái niệm nhóm lợi ích ý nghĩa thực (không gắn với giá trị) của nó và gọi đúng tên sự vật, hiện tượng.
Đánh tráo khái niệm, “sáng tạo” ra các khái niệm chẳng giống ai, tạo ra sự tù mù trong ngôn ngữ không chỉ không giữ được “sự trong sáng của tiếng Việt” mà còn phá hoại sự trong sáng của tiếng Việt, gây cản trở cho sự phát triển của đất nước nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Tại sao lại có hiện tượng lẫn lộn đáng tiếc như vậy? Chỉ nêu vài nguyên nhân chính:
Đó là thói độc quyền tư duy, thói gia trưởng còn sót lại từ thời xa xưa và được đẩy lên đỉnh điểm trong thời bao cấp vẫn đang và sẽ còn ảnh hưởng lớn nếu không kiên quyết phá bỏ.
Đó là sự dối trá, sự không sòng phẳng, sự không dám chỉ đích danh cái xấu để che giấu sự bất chính trong hoạt động của một số nhóm đặc lợi, nhất là các nhóm có quyền lực.
Đó cũng có thể là sự ngộ nhận, hay sự nhầm lẫn về khái niệm. Song sự ngộ nhận và nhầm lẫn sẽ nhanh chóng được sửa nếu có sự phản bác, tranh luận, phân tích một cách công khai và xây dựng. Nhưng muốn vậy cần có tự do ngôn luận, tự do báo chí, cần tôn trọng ý kiến của thiểu số và của mỗi cá nhân. Đáng tiếc chúng ta không có môi trường như vậy.
Đấu tranh để dẹp bỏ các nguyên nhân trên là một cuộc đấu tranh liên tục, lâu dài và cần sự tham gia của tất cả mọi người.
N.Q.A

1480. “Đường 9 đoạn” là Chủ nghĩa bá quyền và là dây thòng lọng tròng vào cổ chính TQ

Tác giả người Trung Quốc viết: “… cách làm của chính quyền Trung Quốc quả thực chẳng khác nào một tên cướp bất tài mà lại ngu độn, đã chẳng cướp được thứ gì, chẳng trộm được vật gì, lại đi tung tin thứ đó là của mình, kết quả là bị mọi người nhìn với con mắt thù địch, nếu một quốc gia như thế mà không phải là đồ ngốc, thì còn ai là đồ ngốc đây?”
boxun.com

ĐƯỜNG 9 ĐOẠN” NAM HẢI[i] LÀ CHỦ NGHĨA BÁ QUYỀN VÀ DÂY THÒNG LỌNG CỦA TRUNG QUỐC

 17.12.2012
Tác giả:  Khương Phụng Lâm
Người dịch:  XYZ
Trò hề hộ chiếu mới của Trung Quốc gần đây đã gây tranh cãi trên thế giới, nguyên nhân là chính quyền Trung Quốc đã vẽ những đất đai và vùng biển không thể có được vào trong hộ chiếu, khoan chưa nói đến những nơi đang có tranh chấp, mà ngay cả những vùng đất hoang cũng không đời nào lại có khả năng thuộc về Trung Quốc cả.     
Tất nhiên, Trung Quốc cần phải giành lại những đất đai đích thực là thuộc về mình, vậy thì cũng cần phải dùng kênh ngoại giao thông thường, bao gồm cả các biện pháp quân sự cần thiết. Tuy nhiên, những hành vi hiện tại lại dường như là vô bổ trong việc giành lại đất đai, trong việc loại bỏ sự ghê tởm, khinh bỉ của các nước Đông Nam Á, khiến cho cư dân mạng Trung Quốc bị bối rối, hoặc gây phiền phức cho những người Trung Quốc đi ra nước ngoài, rồi sẽ còn những gì nữa đây?

Điều này khiến cho chúng ta nhớ lại lời lẽ “nước lớn chịu trách nhiệm” mà chính quyền Trung Quốc từng lải nhải mãi không thôi, thế nào gọi là chịu trách nhiệm? Ngay cả với một con người, ít nhất cũng cần phải thực sự cầu thị, làm được nói được, giữ phép tắc, có đạo đúc, lễ phép.  Với một quốc gia lại càng cần nghiêm túc hơn, chặt chẽ hơn, rộng rãi hơn. Tuy nhiên, cách làm của chính quyền Trung Quốc hiện tại lại dường như đã đi ngược đường, không những không để cho bất cứ ai chịu trách nhiệm, mà trái lại lại còn đem tới cho người các nước hình ảnh một nước lớn vô trách nhiệm, bất chấp đạo lý, vô lý, không đếm xỉa gì đến trật tự thế giới, mà nói theo kiểu khó nghe thì quả đúng là đồ lưu manh.   
Phải chăng chính quyền Trung Quốc hiện thời đã uống nhầm thuốc? Ai cũng biết là đất đai của Trung Quốc bị Nga ở phương Bắc xâm chiếm nhiều nhất, cả từ thời Sa Hoàng lẫn từ thời Stalin xô viết, song từ thời Mao Trạch Đông đến nay lại chưa hề dám có ý thu hồi lại, dù chỉ nói nửa chữ, vùng đất hơn 5,8 triệu km2 (tương đương với hơn nửa diện tích Trung Quốc hiện nay) đã bị mất. Thật là kỳ lạ! Chính quyền Trung Quốc sợ gấu Bắc Cực hay là cầu cạnh gấu Bắc Cực? Nếu nói là sợ thì cũng chẳng đến nỗi không dám nói, còn nếu nói là cầu cạnh thì không hiểu nổi, chính quyền Trung Quốc cầu cạnh Liên Xô cũ cái gì? Nếu chính quyền Trung Quốc hồi đó từng cầu cạnh Liên Xô cũ thì hẳn là đã lấy đất đai của người dân Trung Quốc đem ra mua bán mất rồi!
Kiểu vẽ đường 9 đoạn trên bản đồ Trung Quốc hiện giờ chính là quàng chiếc dây thòng lọng lên cổ Trung Quốc. Không phải chúng ta đưa ra kết luận này từ hình vẽ trông tương tự, mà là từ ý nghĩa của nó. Chúng ta không hề từ bỏ lãnh thổ Nam Hải của Trung Quốc, chúng ta cũng cần phải giành lại những đất đai này, song tất tật những lãnh thổ ấy đều là những hòn đảo nhỏ, cho dù những hòn đảo ấy không có tranh chấp mà thuộc hết về Trung Quốc đi nữa, thì Trung Quốc cũng không thể dùng đường 9 đoạn để biểu thị lãnh thổ, lãnh hải, mà chỉ có thể dùng vòng cung, dấu ngoặc để biểu thị. Bởi Nam Hải là biển chung, tuyệt đại bộ phận vùng biển không thuộc về bất cứ nước nào, vậy thì Trung Quốc dựa vào đâu để vẽ cái dây thòng lọng cho mình? Cho dù có vẽ “đường 9 đoạn” vào thì cũng có thể lấy được không? Không chỉ vô lý, làm càn, mà còn là sự khiêu dâm,  nhạt thếch ở cấp quốc gia.    
Nhìn vào bản đồ thế giới, sẽ không có nước nào, kể cả chủ nghĩa đế quốc cũ rich bá đạo, hồ đồ như Trung Quốc, lại không nói là dã man. Một khi đã sai lầm khi liều lĩnh coi là lớn trên thế giới để cắt cả biển chung của thế giới về lãnh hải của mình, thì nếu các nước trên thế giới mà cũng làm như thế sẽ chẳng mấy mà hỗn loạn. Chẳng trách ngày nay người các nước cứ ồn lên về thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc, cách làm của chính quyền Trung Quốc quả thực chẳng khác nào một tên cướp bất tài mà lại ngu độn, đã chẳng cướp được thứ gì, chẳng trộm được vật gì, lại đi tung tin thứ đó là của mình, kết quả là bị mọi người nhìn với con mắt thù địch, nếu một quốc gia như thế mà không phải là đồ ngốc, thì còn ai là đồ ngốc đây?
Đường 9 đoạn trên hộ chiếu mới của Trung Quốc cùng các hành vi của mình đã vấp phải sự phản đối đồng lòng của các nước xung quanh, nếu vẫn tiếp tục làm càn tất sẽ phải chịu sự lên án của cộng đồng quốc tế, các công dân Trung Quốc ra nước ngoài đã gặp rắc rối và bị khinh rẻ, đó là do cách làm ấu trĩ của chính quyền Trung Quốc dẫn đến, đường 9 đoạn của Trung Quốc chính là chiếc dây thòng lọng tự mình quàng lên cổ, để cho người các nước kéo. Trung Quốc thu hồi lãnh thổ ở Nam Hải không cần đến đường 9 đoạn, Trung Quốc không nên tự quàng dây thòng lọng lên cổ mình.       
Nguồn: boxun.com
Bản tiếng Việt © BS 2012

[i]   Tức Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét