Vì sao lại có nhiều người “tuyên truyền chống phá” Nhà nước đến thế?
Trong vài năm trở lại đây, theo dõi thông tin trên các phương tiện
truyền thông, tôi thấy xuất hiện ngày càng nhiều những vụ bắt giam tội
phạm và xét xử tội danh: “Tội tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Tôi không thể không đặt câu hỏi: một Nhà nước “của Dân, do Dân vì Dân” mà sao lại có nhiều người “tuyên truyền chống phá” đến thế?
Tuy nhiên, theo dõi các vụ thuộc loại tội phạm “xâm phạm an ninh quốc gia”
như giới truyền thông đưa tin trong suốt thời gian qua, tôi thực sự băn
khoăn khi thấy các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ đưa ra những căn cứ
buộc tội một một cách chung chung, đại loại như: trong thời gian từ
ngày… tháng… năm nọ đến ngày… tháng… năm kia, bị cáo A, B, C đã làm ra,
tàng trữ và lưu hành bao nhiêu bài viết có nội dung “tuyên truyền chống phá Nhà nước…”.
Đặc biệt, tôi chưa đọc được bất cứ thông tin về một vụ án nào mà cơ
quan tiến hành tố tụng cho đối chất một cách công khai, sòng phẳng giữa
luật sư của bị cáo với đại diện cơ quan công tố về chứng cứ buộc tội và
với giám định viên về kết quả giám định làm căn cứ buộc tội các bị cáo
một cách thuyết phục cho những tội danh trên?
Việc
khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm hình sự là trách nhiệm
của các cơ quan tiến hành tố tụng, không có cá nhân hay cơ quan nào khác
có thể làm hoặc được làm thay. Tuy nhiên, cách bắt giam và dùng “biện pháp nghiệp vụ”
để lấy lời khai của cơ quan điều tra nhằm tìm ra những căn cứ buộc tội
hình sự của cơ quan điều tra trong thời gian qua đã để lại trong dư luận
nhiều băn khoăn, thậm chí là phẫn nộ.
Ví dụ
thì nhiều, nhưng tôi chỉ đưa ra minh chứng sống động nhất là cách bắt
giam của công an đối với vụ Cụ Huy Hà Vũ với chứng cứ ban đầu là 02 bao
cao su; và mới đây nhất là vụ Công an phường Tây Thạnh (Q. Tân Phú) và
Công an Q. Tân Phú bắt em Nguyễn Phương Uyên (SN 1992 - sinh viên Trường
đại học Công nghiệp thực phẩm Sài Gòn) cũng với tội danh trên?
Trả lời trên Báo Pháp luật TP.HCM
về việc bắt giam Phương Uyên có đúng thủ tục tố tụng hay không, Đại tá
Nguyễn Sáu, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An,
khẳng định: “Chúng tôi thực hiện đúng thủ tục tố tụng”. Theo bà
Nhung – mẹ ruột của Uyên – thì Công an Long An trực tiếp trao cho bà
Thông báo bắt giam Uyên, vậy mà Đại tá Nguyễn Sáu lại trả lời: “một ngày
sau khi khởi tố và bắt giam bị can Nguyễn Phương Uyên, cơ quan điều tra
gửi thông báo cho gia đình Uyên ở Bình Thuận. Từ lúc cơ quan điều tra
gửi thông báo cho gia đình Uyên nhận phải mất vài ngày, chứ không phải
không thông báo như một số thông tin trên mạng đã nêu?”. Vậy, đâu là sự
thật?
Theo Blog Nguyễn Tường Thụy, thì các bạn
cùng phòng và cùng bị bắt với Phương Uyên kể lại: ngày 14/10/2012, Uyên
và ba bạn cùng phòng trọ bị công an “mời” đi làm việc. Sau đó, ba bạn
của Uyên được thả về, còn Uyên bị tạm giữ tại Công an phường Tây Thạnh,
quận Tân Phú. Hai ngày sau, một công an tên là Phong đến phòng trọ tịch
thu máy ảnh của Uyên và lấy cho Uyên một số sách vở, đồ dùng cá nhân. Từ
hôm đó, các bạn của Uyên bặt tin cô. Khi một số bạn và người thân của
Uyên đến Công an phường Tây Thạnh hỏi thông tin về Uyên thì công an ở
đây lại nói là không có bắt bớ ai cả. Cho đến ngày 22/10/2012, bà Nhung
đến Trường đại học Công nghiệp thực phẩm Sài Gòn tìm Uyên, nhưng trường
này vẫn không hề biết về việc Uyên bị bắt (?). Khi bà Nhung đến Công an
phường Tây Thạnh hỏi, lúc này họ mới cho bà biết là Uyên bị bắt và
chuyển về Công an Long An. Ngày 23/10/2012, bà Nhung tìm đến trại tạm
giam Long An, lúc này họ mới giao cho bà văn bản Thông báo bắt tạm giam
đối với Nguyễn Phương Uyên, đề ngày 20/10/2012.
Đối chiếu thời gian từ khi Uyên bị bắt giữ đến khi Công an Long An thông báo cho gia đình cô về việc cô bị bắt vì có hành vi “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự là khoảng một tuần.
Tôi
hết sức băn khoăn về cách bắt giam Nguyễn Phương Uyên của cơ quan công
an? Tại sao cơ quan Công an lại có thể bắt người theo kiểu như bắt cóc
vậy, trong khi luật pháp hình sự qui định rất rõ về trình tự thủ tục bắt
người? Cụ thể, Điều 6 - Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành qui định:
“Không
ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê
chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Việc bắt giam giữ người phải theo qui định của Bộ luật này.
Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình”.
Khoản
2, Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành cũng qui định rất rõ đối
với việc bắt tạm giam: “Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên,
chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt. Lệnh bắt
phải có chữ kí của người ra lệnh và có đóng dấu.
Người thi hành lệnh bắt phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.
Khi
tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính
quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng
kiến.
Khi tiến hành bắt người tại
nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó
làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự
chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành
bắt người”…
Điều đặc biệt mà tôi không thể
tưởng tượng ra, là Đại tá Nguyễn Sáu – thủ trưởng Cơ quan An ninh điều
tra Công an Long An lại có thể vẫn thản nhiên trả lời công luận là: “Chúng tôi thực hiện đúng thủ tục tố tụng”???
LS Ngô Ngọc Trai
Hoạt
động bắt giam và hỏi cung của cơ quan điều tra trong thời gian vừa qua
đã thực sự gây lo ngại trong dư luận, đến mức LS Ngô Ngọc Trai (Đoàn
Luật sư tỉnh Nam Định) phải gửi kiến nghị ngày 4/11/2012, gửi Quốc hội,
Chủ tịch nước, Bộ trưởng Công an, thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp,
các Luật sư và cơ quan báo chí, đề nghị chấn chỉnh hoạt động bắt giam và
hỏi cung của cơ quan điều tra. LS Ngô Ngọc Trai còn dẫn chứng một loạt
vụ bắt giam và dùng nhục hình trong khi lấy cung của cơ quan điều tra
huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) trong một vụ khởi tố “tội lạm dụng tín nhiệm
chiếm đoạt tài sản”; vụ bị cáo Hàn Đức Long bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên
án tử hình về “Tội giết người và hiếp dâm trẻ em”, đều khai rằng: bị
cáo bị điều tra viên cho uống rượu và dụ dỗ nhận tội và bị cáo Hàn Đức
Long thì nói “tôi bị hành hạ tưởng rằng sẽ chết ngay trong thời gian bị
giam giữ…”.
Qua đó chúng ta có thể thấy, việc
các bị can viết và kí vào bản nhận tội, đặc biệt là em sinh viên Nguyễn
Phương Uyên mới 20 tuổi đời, thiếu nhiều kinh nghiệm sống, nhất là em
hoàn toàn thiếu kinh nghiệm trong việc nhận dạng “biện pháp nghiệp vụ” của cơ quan điều tra, thì việc Uyên nhận tội do hối hận vì đã phạm tội tày đình “tuyên truyền chống phá Nhà nước” hay Uyên nhận tội bởi “biện pháp nghiệp vụ” của công an, chỉ có Uyên và cơ quan điều tra trực tiếp lấy cung Uyên mới biết (?).
Mặt khác, tôi đã nhiều lần trăn trở và đặt câu hỏi: tại sao những năm gần đây lại xuất hiện nhiều người “tuyên truyền chống phá Nhà nước” đến thế, trong khi Nhà nước Việt Nam là một Nhà nước của Dân, do Dân v vì Dân”?
Tại sao lại có nhiều vụ bắt bớ, xét xử oan sai đến thế? Liệu trong hoạt
động điều tra loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia nói riêng và tội
phạm hình sự nói chung có điều gì đó chưa ổn? Theo tôi, không chỉ LS Ngô
Ngọc Trai, mà tất cả những Luật sư và những người yêu công lý và sự
thật đều trăn trở.
Không biết các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có bao giờ tự đặt câu hỏi như tôi chưa?
Nhân đây, tôi xin gửi Bauxite Việt Nam đăng bài liên quan đến hoạt động “mời làm việc” và “lấy cung” của cơ quan công an thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đối với chính bản thân tôi. Báo Công an TP HCM
đã lên tiếng trong mục “Tiếng còi” sau vài ngày kể từ khi xảy ra sự
việc. Vụ việc này cũng đã được lãnh đạo Bộ Công an chuyển đơn thư của
tôi yêu cầu lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Tháp trả lời và Hội Nhà báo Việt
Nam cũng đã lên tiếng. Tuy nhiên, từ đó (tháng 9/2006) đến nay, tôi vẫn
chưa hề nhận được bất cứ văn bản trả lời nào của lãnh đạo UBND cũng như
Công an tỉnh Đồng Tháp.
Bài viết này tôi đã thực
hiện ngay sau khi rời Sa Đéc về đến Sài Gòn. Đã mấy năm qua đi, tôi
cũng định xếp lại, không công bố nữa, nhưng vì thấy vài năm trở lại đây,
không ít công an ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã bắt bớ người
dân một cách tùy tiện, bất chấp luật pháp; có nhiều nơi công an còn đàn
áp, đánh đập cả nhà báo hết sức dã man (vụ Văn Giang, Hưng Yên), thậm
chí còn gây nên không ít cái chết oan uổng cho người dân vô tội (vụ anh
Khương ở Bắc Giang, ông Tùng ở Hà Nội…). Chính vì thế, tôi quyết định
công bố bài viết dưới đây như “một lời góp ý nghiêm khắc” đối với ngành
công an; như những kiến nghị đối với các cơ quan có trách nhiệm quan tâm
chấn chỉnh và có biện pháp xử lý, thậm chí là sửa đổi, bổ sung điều
luật tố tụng hình sự đối với hoạt động bắt giam và điều tra của công an.
Nếu không, những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động bắt giam và
điều tra của cơ quan công an sẽ bị “bọn phản động” lợi dụng để bôi xấu
một nhà nước pháp quyền “của Dân, do Dân và vì Dân”.
Công an Sa Đéc cản trở nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật!
Sau
khi nhận được đơn thư khiếu nại của chị Nguyễn Thị Ngọc Sương (SN
1960), đại diện theo ủy quyền của mẹ ruột là Huỳnh Thị Chẩn (mẹ liệt sỹ
đã 94 tuổi) cùng ngụ tại số 193 Trần Hưng Đạo, K3, P.1, Thị xã Sa Đéc,
tỉnh Đồng Tháp, về việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa một bà mẹ liệt
sỹ với chùa Đức Hương (cùng địa chỉ) do ông Trần Văn Thiệt (tức Thích
Huệ Bửu) trụ trì, tôi đã trực tiếp đi xác minh, điều tra.
“Căn phòng” được che bằng ván ép tại góc nhà - nơi mẹ liệt sỹ Huỳnh Thị Chẩn cho ông Trần Văn Thiệt ở nhờ.
Vào
khoảng 11giờ 30 phút trưa ngày 26/8/2006, tôi có mặt tại địa chỉ trên
và gặp trực tiếp chị Sương để xác minh thực, hư. Chị Sương chỉ vào một
nơi che bằng ván ép ở góc nhà và nói với tôi: “Đó chính là nơi mà gia
đình tôi cho ông Trần Văn Thiệt ở nhờ trong nhiều năm qua. Sau đó ông ấy
tìm cách chiếm đoạt nên đã xảy ra khiếu nại nhiều năm nay!”. Tôi đưa
ống kính về phía chị Sương vừa chỉ và bấm máy. Khoảng 10 phút sau thì có
hai người mặc sắc phục công an xuất hiện. Một người đeo bảng tên là
Lương Văn Minh và một người có dáng người dỏng cao, không đeo bảng tên
(sau khi tìm hiểu tôi mới biết người này tên Lê Minh Chung), tự giới
thiệu là Công an P.1, thị xã Sa Đéc, được lệnh của ông Huỳnh Văn Bé Lớn –
Trưởng công an P.1 – mời tôi về trụ sở công an phường “làm việc”, với
lý do có người kiện tôi vào chùa chụp hình không xin phép.
Khoảng
sau một giờ đồng hồ (từ 12-13 giờ), ông Nguyễn Thanh Hùng – Trung tá –
Đội trưởng An ninh, Công an thị xã Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) và ông Trần
Văn Thiệt (tức Thích Huệ Bửu) xuất hiện. Tôi nhận thấy mối quan
hệ giữa ông Thiệt với công an và chính quyền sở tại khá mật thiết. Sau
khi xem thẻ Nhà báo của tôi, ông Hùng đề nghị tôi và ông Thiệt trình bày
lại toàn bộ sự việc, và sau đó cho ông Thiệt về, còn tôi “được mời” ở
lại “làm việc”.
Bắt đầu cuộc “hỏi cung” theo hướng ghép tội xâm nhập nơi ở trái phép và xâm phạm quyền cá nhân (?!)
Sau
khi ông Thiệt về, còn tôi được ông Trung tá – Đội trưởng an ninh Nguyễn
Thanh Hùng “mời” ở lại “làm việc”, thực chất là một buổi “lấy cung”,
ông Hùng lấy “Biên bản lấy lời khai” ra để ghi lại nội dung buổi làm
việc.
- “Anh đi điều tra xác minh sự việc này anh có báo cáo Tổng biên tập; hoặc cơ quan chủ quản có giao nhiệm vụ cho anh không?
+
Là một nhà báo, chúng tôi có nhiệm vụ và có quyền phát hiện đề tài; đi
xác minh điều tra khi nhận được đơn thư của bạn đọc và của công dân
khiếu kiện về bất kể vụ việc nào đó, mà công an không có quyền can
thiệp, vì đó là công việc nội bộ của cơ quan báo chí.
-
Không được giao nhiệm vụ mà tự ý đi tác nghiệp như vậy là anh đã sử
dụng thẻ nhà báo sai mục đích và nhiệm vụ được giao (ông Hùng lấy nghị
định, văn bản pháp qui ra đọc)?
+ Căn cứ vào
đâu và lấy tư cách gì để anh ghép tội cho tôi dùng thẻ nhà báo sai mục
đích và nhiệm vụ được giao? Báo chí có quyền và nhiệm vụ phản ánh mọi
mặt của đời sống xã hội, của nhân dân theo qui định của Luật Báo chí,
pháp luật Việt Nam và tiêu chí, mục đích của mỗi tờ báo. Chúng tôi nhận
tấm thẻ nhà báo có mang hình Quốc huy “Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam”, tức là chúng tôi đã được Đảng, Nhà nước, mà đặc biệt là Nhân
dân giao nhiệm vụ.
- Trước khi vào trong chùa, anh có biết đó là cơ sở tôn giáo, trên cổng có ghi chùa Đức Hương không?
+ Tôi có biết.
- Tại sao anh vào chùa chụp hình mà không xin phép người trụ trì chùa?
+
Tôi nghĩ, chùa là nơi bá tánh thường lui tới, vả lại không có biển cấm
quay phim, chụp hình trong chùa, nên tôi thấy không cần thiết phải xin
phép ai cả.
- Nhưng anh đã xâm nhập bất hợp pháp và chụp hình nơi ở của người ta mà không xin phép, anh có biết không?
+
Ý anh muốn kết tội tôi xâm nhập nơi ở trái phép? Tôi vào nhà một công
dân của Sa Đéc –người chủ sở hữu hợp pháp, đó là chị Sương, chủ nhà – có
đơn thư gửi chúng tôi với nội dung tố cáo bị người khác chiếm nhà trong
nhiều năm mà các cơ quan công quyền địa phương không giải quyết dứt
điểm. Vì thế, tôi đến để xác minh thông tin, điều tra sự việc. Còn việc
tôi chụp hình là nơi góc nhà mà chị Sương nói là gia đình chị cho ông
Thiệt ở nhờ nhiều năm qua. Hơn nữa, tôi không hề vào trong phòng ngủ của
ông ta mà đứng ngoài chụp hình, nên tôi không cần phải xin phép bất kể
ai, ngoài chủ nhà…”.
Trên đây là trích đoạn
hỏi, đáp trong nội dung biên bản lấy lời khai của Trung tá – Đội trưởng
An ninh, Công an thị xã Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) Nguyễn Thanh Hùng – đối
với tôi. Trong khi “lấy cung”, có một câu hỏi của ông Đội trưởng An ninh
Nguyễn Thanh Hùng đặt ra và sau khi nghe tôi trả lời, ông đội trưởng an
ninh nói: “Anh trả lời thế không được?”. Tôi liền nhìn thẳng vào ông ta
mà rằng: “Tại sao không được? Tôi phải trả lời theo ý của ông Đội
trưởng an ninh mới được sao? Bộ luật Hình sự cấm mọi hình thức dùng nhục
hình, ép cung, mớm cung. Tôi nói để ông biết, ông đang vi phạm pháp
luật đấy, ông Trung tá an ninh ạ”.
Trong khi
“làm việc”, ông Hùng đã bỏ ra ngoài rất lâu nên tôi đã phải đi kiếm. Tôi
phát hiện ông Hùng đang gọi điện cho ai đó (tôi đoàn là cấp trên của
ông ta) ở khu vực đi vào nhà vệ sinh của Công an P.1. Tôi nói ngay: “Các ông mời tôi về đây làm việc thì tôi yêu cầu ông vào làm việc để tôi còn đi tác nghiệp, tôi không có nhiều thời gian”. Sau đó, ông Hùng mới cúp máy rồi vào “làm việc” tiếp với tôi.
Sau
khi ông Đội trưởng an ninh Công an thị xã Sa Đéc cố ý ép tôi nhận việc
tác nghiệp của mình là trái pháp luật và xâm nhập nơi ở trái phép không
được, ông lại bắt đầu có những yêu cầu phi lý khác…
Một kiểu giữ người và những yêu cầu trái pháp luật!
Y
đồ ép tôi nhận tội xâm nhập nơi ở trái phép và xâm phạm quyền cá nhân
không thành, ông Hùng quay sang nói: “Cơ quan Công an thị xã Sa Đéc yêu
cầu anh đi cùng người của cơ quan công an ra tiệm rọi tấm hình anh đã
chụp để chúng tôi lưu vào hồ sơ!”.
Thấy yêu cầu
của ông Đội trưởng an ninh là trái pháp luật nên tôi từ chối và trả lời:
“Các anh không có quyền làm như vậy. Bởi chúng tôi không chỉ có quyền
mà còn có nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin và những
thông tin, hình ảnh tư liệu báo chí của mình cho bất kể ai, trừ trường
hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Toà
án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên, cần thiết cho việc điều
tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng. Đây là điều đã được Luật Báo chí qui
định rất rõ!”.
Chỉ có một việc ông Hùng yêu cầu
tôi phải đi rọi tấm hình tư liệu mà ông Hùng cứ lặp đi lặp lại khiến
thời gian kéo dài tới hàng giờ đồng hồ. Tôi nhận thấy tình hình trở nên
“căng thẳng”, tôi đã điện thoại cho một đồng nghiệp ở Báo Thanh niên hỏi xem Thanh niên
có phóng viên thường trú tại Sa Đéc không để nhờ đồng nghiệp “giải
nguy” nhưng không được. Tôi điện thoại cho anh Trần Tử Văn, Phó tổng
Biên tập báo Công an TP HCM và anh Trần Tử Văn nói với tôi gọi điện thoại cho Trung tá - nhà báo Khương Hồng Minh, Tổ trưởng Tổ Biên tập Báo Công an TP HCM
– đang công tác tại Sa Đéc. Sau khi tôi điện thoại cho nhà báo Khương
Hồng Minh, anh đã có mặt để chứng kiến sự việc. Nhà báo Khương Hồng Minh
đã nói với ông Nguyễn Thanh Hùng rằng: việc tôi chụp hình là không hề
vi phạm pháp luật; đồng thời việc ông Nguyễn Thanh Hùng, đội trưởng an
ninh Công an thị xã Sa Đéc yêu cầu tôi phải cung cấp hình ảnh tư liệu
báo chí là trái pháp luật. Tuy nhiên, ông Hùng vẫn “làm lơ”, không hề có
ý định kết thúc cuộc “hỏi cung ghép tội”. Sau một hồi “cò cưa”,
khoảng 17 giờ, tôi yêu cầu ông Hùng kết thúc buổi làm việc để tôi còn đi
tác nghiệp. Cuối cùng, ông Hùng cũng phải đồng ý.
Ông
Hùng đọc cho tôi nghe biên bản “lấy cung” xong và yêu cầu tôi kí. Tôi
nói: “Ông đọc xong rồi thì đến lượt tôi chứ? Tôi có quyền ấy mà!”. Khi
tôi cầm biên bản lên và đọc hết trang 01, tôi lật qua trang 02 thì thấy
ông Đội trưởng an ninh của Sa Đéc chừa lại 2, 3 dòng trên cùng, tôi liền
nghĩ ngay: “ông Đội trưởng an ninh dùng “biện pháp nghiệp vụ” với mình đây?”. Tôi hỏi thẳng:
+ Xin lỗi ông Trung tá an ninh, ông để chừa 2, 3 dòng trên cùng của trang 02 nhằm mục đích gì?
- Thì anh cứ gạch đi (ông Hùng tỏ ra lúng túng).
+ Dĩ nhiên là tôi sẽ gạch đi, không lẽ để cho ông ghi thêm vào biên bản những gì ông muốn, sau khi tôi đã kí???
Và,
còn một điều làm tôi chú ý, là ông Trung tá an ninh “thích xuống dòng”.
Tôi để ý nhiều đoạn ông Hùng chỉ viết vài dòng rồi lại “chấm xuống
dòng”, và khoảng trống để lại là một nửa hoặc 2/3 dòng (?).
Sau
khi đọc xong, dĩ nhiên là tôi gạch hết những khoảng trống mà ông Trung
tá an ninh “hào phóng” chừa lại rồi ghi ý kiến của tôi phía dưới và kí
sát với dòng cuối cùng của biên bản. Kí xong, tôi tự nhủ: nếu mình ngu
ngơ như những người dân bình thường kia chắc hẳn đã dính “biện pháp nghiệp vụ” của ông Trung tá an ninh rồi!
Sau khi tôi kí xong, ông Hùng nói đợi ông trình biên bản lên lãnh đạo và chờ hướng “xử lý” (?).
Khoảng
15 phút sau, ông Hùng quay lại và mời tôi sang phòng của ông Nguyễn
Trần Hữu Hoà – Phó chủ tịch UBND P.1 để “làm việc” với lãnh đạo Công an
thị xã Sa Đéc và chính quyền sở tại. Lúc này, ông Nguyễn Ngọc Được –
Trung tá – Phó trưởng Công an thị xã Sa Đéc xuất hiện. Ngoài ông Được ra
còn có ông Huỳnh văn Bé Lớn – Trưởng Công an P.1, ông Nguyễn Trần Hữu
Hoà – Phó chủ tịch UBND P.1, ông Võ Văn Khả – cán bộ Tư pháp P.1 và một
số chiến sỹ công an P.1, an ninh thị xã Sa Đéc (khoảng trên, dưới chục
người) cùng “làm việc” với tôi. Buổi “làm việc” này kéo dài tới hơn 20
giờ cùng ngày. Nội dung mà ông Trung tá – Phó trưởng Công an Sa Đéc và
những người nêu trên đã “hiệp đồng tác chiến” gây áp lực về tinh thần,
hòng ghép tội cho tôi! Chính Trung tá – Phó trưởng Công an thị xã Sa Đéc
và ông Võ Văn Khả còn xúc phạm: “Nhà báo nào cũng như anh thì đất nước
này rối hết...!”.
Ông Phó trưởng Công an thị xã Sa Đéc Nguyễn Ngọc Được còn dùng một trong các “biện pháp nghiệp vụ” của công an với tôi: “Chuyện này không có lớn. Anh cứ nhận lỗi rồi chúng tôi để anh đi…”. Nghe ông ta nói xong tôi chỉ “cười nửa miệng” và thầm nghĩ: “Tôi mà “nhận tội rồi xin khoan hồng” xong, các ông để tôi đi vào… nhà giam thì có”.
Sau khi dùng mọi “biện pháp nghiệp vụ”
nhưng một lực lượng công quyền hùng hậu như tôi kể trên vẫn không thể
ghép được cho tôi “Tội xâm phạm chỗ ở của công dân” theo Điều 124 Bộ
luật Hình sự, ông Phó trưởng Công an thị xã Sa Đéc Nguyễn Ngọc Được đã
“vui vẻ” nói: Thôi! Kết thúc đi! Thực ra chuyện chẳng có gì, chỉ là anh
em mình không hiểu nhau mà thôi, rồi ông mời tôi đi “thưởng thức” món
đặc sản của Sa Đéc. Tôi cũng “vui vẻ” cảm ơn và hẹn gặp lại ông trong
hoàn cảnh khác…
Khi tôi bước ra khỏi cơ
quan công quyền của P.1, thị xã Sa Đéc là vào khoảng 20-21 giờ cùng
ngày. Như vậy, Công an P.1 và Công an Sa Đéc đã “mời tôi làm việc” trong suốt 8-9 tiếng đồng hồ (từ 12 giờ đến 20-21 giờ). Hành vi “mời làm việc”
của Công an P.1 và Công an thị xã Sa Đéc đối với tôi thực chất là một
kiểu giữ người trái phép, ngăn cản nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật, vi
phạm nghiêm trọng Luật Báo chí.
Qua vụ việc
trên, tôi kiến nghị lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam hãy lên tiếng để bảo
vệ không chỉ cho tôi mà cho tất cả những nhà báo tác nghiệp đúng pháp
luật khi gặp các tình huống tương tự. Khi được bảo vệ, chúng tôi mới có
thể an tâm hơn trong khi thực thi trách nhiệm của mình. Và, tôi cũng
kiến nghị lãnh đạo Bộ Công an và Công an tỉnh Đồng Tháp, cần chấn chỉnh
ngay những hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật của Công an
thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp – một cơ quan thực thi pháp luật mà lại có
những hành vi vi phạm pháp luật thì làm sao dân có thể tin yêu???
Luật gia – Nhà báo Minh Thọ
Nguyên Trưởng đại diện Tạp chí Kinh Tế Châu Á – TBD tại Sài Gòn
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Thùy Linh - Exit
Đến giờ vẫn còn nhiều người dù không còn tin, yêu, gắn bó thì vẫn nhất
định giữ danh hiệu đảng viên đảng cộng sản. Mình biết khá nhiều người
lúc về hưu lặng lẽ không nộp lí lịch đảng viên để khỏi sinh hoạt đảng ở
nơi cư trú. Tức là một cách tự nguyện ra khỏi đảng mà không cần đơn từ
khiến câu chuyện vô, ra bỗng trở nên nặng nề, có khi còn bị thành kiến,
soi xét về quan điểm.
Đã qua cái thời người ta tự hào có cha mẹ là đảng viên, bản thân cũng là
đảng viên như một bằng chứng về sự trung thành, trong sạch dễ đến ba,
bốn đời. Cái mác con cái có bố mẹ là đảng viên cũng giúp thiên hạ nhìn
nhận tội lỗi của ai đó dường như có phần nhẹ đi của những năm u minh lẫn
lộn. Cầm lí lịch xin học, xin việc trên tay nếu phần cha mẹ có ghi là
đảng viên giúp nhiều người tự tin hơn về bản thân mình. Thôi, chuyện
ngày xưa dớ dẩn thì cả xã hội chứ riêng mình ai nên không nói đến nữa.
Vì nhiều người lúc đó tin tưởng trong sáng, hồn nhiên vào đảng nên tự
tin như thế cũng là dễ hiểu…
Nhưng có một điều chắc chắn, càng ngày càng sáng tỏ, rất nhiều người vào
đảng với mục đích cá nhân. Bởi ngay từ Hiến pháp đã qui định đảng cộng
sản là đảng cầm quyền, lãnh đạo mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Vào đảng,
cơ may thăng tiến mới thành hiện thực. Thế nên ở tất cả các cơ quan công
quyền, chuyện vào đảng gần như là chuyện sống còn với những người có
tham vọng lên chức. Từ đây biết bao hệ lụy của những trò đấu đá, tranh
giành, chơi xấu, ganh ghét, đố kỵ, âm ưu thủ đoạn…để đưa người này vào
đảng, đưa người kia ra khỏi đảng hay không được mon men vào đảng.
Vậy nên trách nhiệm đầu tiên về tình trạng của đất nước hiện nay thuộc
về đảng cầm quyền. Chính ông thủ tướng cũng đã thừa nhận là vẫn đang
được đảng tin dùng sau tất cả những gì ông thể hiện trong việc điều hành
đất nước hết sức tồi tệ những năm qua. Và với tư cách đảng viên, ông an
lòng ngồi lại ghế thủ tướng vì được đảng phân công, vì ý thức trách
nhiệm của người đảng viên. Nhận là quản lý yếu kém, để lại nhiều hậu quả
nghiêm trọng cho nền kinh tế, nhưng ông thủ tướng vẫn “không thoái
thác” nhiệm vụ được đảng giao, theo lý lẽ, là đảng viên nên ông chịu sự
phân công của đảng.
Đến giờ phút này dân chúng có thể hiểu thông điệp của đảng rằng, lối
thoát ra khỏi khủng hoảng trầm trọng của đất nước là những “bảo bối”:
phê, tự phê, nhận lỗi, nhận trách nhiệm chính trị, sẽ xem xét, sửa chữa,
nỗ lực phấn đấu, khắc phục hạn chế yếu kém…
Đến đây câu chuyện đi hay ở của ông thủ tướng không còn liên quan đến
hơn 80 triệu người dân. Đó là chuyện lãnh đạo của đảng. Khó mà nói đây
là nhiệm vụ “nhân dân giao phó” cho thủ tướng nữa…
Đến giờ mình vẫn bảo lưu ý kiến, quan niệm của mình về giới trẻ: nếu
người thực sự có học thức, có tài năng thì không nên (không thể) vào
đảng. Bởi họ sẽ bị cơ chế quyền lực đến lúc nào đó tha hóa mà chính họ
không ý thức được. Còn nếu sống đúng như họ nghĩ thì sẽ rất cô đơn và
không thể tồn tại cùng cơ chế đó. Hãy để việc này cho những cái đầu
không thể dùng vào việc gì khác ngoài chuyện nghĩ đến quyền lực. Vì
người giỏi chuyên môn lại là đảng viên thì họ đã tự biến thành đối thủ
của những kẻ chỉ mơ về cái ghế ngồi và không bao giờ đứng thẳng dậy. Và
những kẻ đó bao giờ cũng thắng như mấy chục năm nay đã minh chứng…
Exit đi đến quyền lực – Đảng viên.
Exit giữ quyền lực – Biết nói câu “nhận lỗi” không bao giờ nhàm chán.
Exit nguyên tắc – Được đảng phân công, giao phó.
Exit thanh danh – Không xin, không chạy, không thoái thác, nghiêm túc thực hiện.
Chỉ là không bao giờ có exit từ chức.
Bỗng nhớ chuyện một cậu học trò viết đơn xin nghỉ học mà báo chí đăng
cách đây không lâu. Do học kém lại hay nghịch ngợm nên cậu học trò nhận
thấy việc tiếp tục học sẽ ảnh hưởng đến bạn bè, cậu bèn viết đơn xin
nghỉ học một cách tự giác. Đọc lá đơn xin thôi học còn đầy lỗi chính tả
của cậu, bỗng bồi hồi cảm động. Cậu bé không theo đuổi con đường học vấn
nhưng có lẽ cậu vẫn thành người…
Cái exit để làm người có nhân cách, liêm sỉ hóa ra không phải ai cũng
nhìn thấy. Mà có nhìn thấy không phải ai cũng muốn bước tới. Có bước tới
không phải ai cũng đi hết được quãng đường đó.
Làm người mới thấy gian nan…Mà một trong cái gian nan ấy là phải biết
khước từ “quyền lợi” vào đảng. Ơn trời, mình đã vượt qua cái gian nan ấy
lúc nào cũng chả biết khi còn rất trẻ…
Thùy Linh
(Blog Bưu Đoàn)
Nguyễn Đình Ấm - Đủ rồi, thưa ông Đặng Hùng Võ
Tưởng
sau bài “Ông Võ đừng múa võ trước dân nữa” của nhà báo Minh Diện, ông
ĐHV sẽ thôi không nói gì nữa để người dân giữ nguyên những gì mà ông
thể hiện cho đến lúc ấy. Thế nhưng, hôm 12/11 lại thấy ông trả lời trên
VNN (vietnamnet.vn) làm tôi phải tạm bỏ công việc để viết vài dòng.
Thật sự, trước cái hôm ông ĐHV trả lời BBC rằng “việc cưỡng chế
thu hồi đất ở Văn Giang là đúng luật” tôi vẫn rất ngưỡng mộ ông – một
nguyên Thứ trưởng, một chính khách (dù cỡ nhỏ) mà dám nói lên sự thật
bảo vệ dân oan ở Tiên Lãng, lại cũng nhiều khi dám phát biểu bênh vực
lợi ích của dân, bày chính sách bảo đảm công bằng, khoa học… Trong xã
hội ta mà có một Tiến sĩ, Thứ trưởng như thế thật quý hóa quá. Thế
nhưng, sau khi ông trả lời BBC tôi đã hơi nghi ngờ; dầu sao cũng
tự an ủi, có lẽ hôm ông trình văn bản thẩm định sai cho Thủ tướng về
thu hồi đất Văn Giang trong tình trạng chấp choáng bia rượu hay vội vã
việc gì chăng… Người ta ai mà chẳng có lúc nhầm lẫn. Chính vì thế nên
các chính khách, quan to phải có thư ký, ban, bệ… tư vấn, giúp việc
thẩm định các văn bản, chính sách là như thế.
Nhưng đến hôm thấy các ông “kết liễu” rốt ráo 500 ha đất Văn Giang “bờ
xôi, ao mật”, (chiều dày lớp phù sa từ 7-10m, mỗi sào, mỗi năm làm ra
tới 50 triệu đ…) liên quan đến sinh kế hai vạn dân chỉ trong ba ngày
thì tôi thực sự hoang mang.
Bởi vì, hiện tại đang có biết bao vụ khiếu kiện về những chuyện oan
khiên, sai trái liên quan đến số phận, cuộc đời bao con người; có biết
bao nơi trẻ em đu dây qua sông đi học; có biết bao bệnh viện giường nằm
ba, nằm bốn bệnh nhân; khắp nơi lâm tặc, quặng tặc phá rừng, phá
ruộng, phá núi đầu độc giang sơn… mà Đảng, Nhà nước còn “bình chân như
vại” chưa “nhúc nhích” gì mà nay sao cái việc làm thêm con đường Hà Nội
- Hưng Yên (thực chất là từ Ecopark đi HY) không phải “cháy nhà, chết
người” mà sao các ông làm nhanh một cách quá “đồng bộ” như vậy?
Vâng, về trình tự, luật pháp không có gì sai nhưng ông giải thích là
“vì sự cần thiết của con đường Hà Nội - Hưng Yên, để HY phát triển…”
liệu có thuyết phục được ai? Phải chăng Hà Nội - HY chưa có con đường
nào? Thế các con đường như tỉnh lộ 195 (gần song song với con đường mới
định làm) từ gần cầu Thanh Trì, tỉnh lộ 39 từ phố Nối (Mỹ Hào) quốc lộ
5, tỉnh lộ 38 từ quốc lộ 5 (Quán Gỏi) qua Kẻ Sặt... đều từ Hà Nội đi
thị xã HY thì sao? Có bao giờ những con đường này bị tắc nghẽn không?
Nếu con đường mới HN - HY quá cấp bách đến mức ấy sao không có trong
quy hoạch của bộ GTVT? Hưng Yên cần chiến dịch vận chuyển gì đặc biệt
mà gấp gáp thế? Chở tên lửa, pháo hạng nặng, xe tăng từ Hà Nội về để
bắn tàu sân bay của kẻ thù ngoài biển Đông chăng? Ông khẳng định sự
“cấp tập” ấy không dính dáng gì đến chạy dự án mà “đáp ứng nguyện vọng
chính đáng của chính quyền Hưng Yên”. Thì ra thế, ông không vương vấn
gì đến nguyện vọng, lợi ích của dân, chỉ quan tâm nguyện vọng của chính
quyền. Thời nay ai mà chẳng biết từ xã, phường, huyện, tỉnh, thành
phố, bộ, ngành… đều có những đội quân chuyên đi “chạy dự án”. Để làm
gì, lợi ích gì, ai được lợi chắc ông biết hơn ai hết. Vậy ông chỉ đáp
ứng nguyện vọng chính quyền mà quên nguyện vọng của dân thì phải từ
động cơ nào chứ. Ngay như dự án nâng cấp con đường cầu Chương Dương đi
“làng du lịch Bát Tràng” với vốn đầu tư 50 tỷ đ của Nhà nước bỏ ra cũng
phần nhiều nâng giá trị Ecopark đấy ông ạ (Xem bài “Sức mạnh mềm
Ecopark”
http://huynhngocchenh.blogspot.com/2012/06/suc-manh-mem-ecopark.html).
Trong bài này (12-11) ông cũng nói (đại ý) về trách nhiệm hành chính
nếu sai thì là của cả hệ thống hành chính, ông chỉ chịu trách nhiệm cá
nhân nếu có “khuất tất”… Ông không nên nói thế. Nếu cả hệ thống hành
chính sai trong đó có ông thì ông cũng phải chịu trách nhiệm chứ? Thấy
sai phải không duyệt không ký mới là người có trách nhiệm! Sao lại chỉ
khi có “khuất tât” thì ông mới chịu? Ông đánh đố độc giả vì ai mà quy
cho ông “khuất tất” được. Giả thử nếu họ tặng ông cái villa ở Ecopark
như dân đồn nhưng người ta làm hồ sơ, hợp đồng mua, bán… khống thì ai
mà nói ông khuất tất được!
Trong bài trả lời phỏng vấn ông cũng không giấu giếm đề nghị Quốc hội
ra nghị quyết (chẳng hạn) công nhận 3.000 văn bản ký sai thẩm quyền của
Thủ tướng “lỡ mất rồi” là hợp pháp để chấm dứt rắc rối…! Thưa ông, chỉ
một văn bản ở Văn Giang mà hàng vạn người dân điêu linh, mất kế sinh
nhai, bị khủng bố đàn áp, đánh đập; cô, thầy giáo bị sa thải, bao nhiêu
ngày dân phải lang thang đi kiện cáo, dầm mưa dãi nắng, bị xua đuổi…
tổn hại không biết bao nhiêu về tinh thần, vật chất, sức khỏe; thường
dân ăn cắp mấy con vịt phải đi tù… thế mà nay ông “xui” Quốc hội công
nhận, bỏ qua 2.999 văn bản sai trái kia gây thiệt hại cho dân, ông
không tính đến những thiệt hại khổng lồ của dân từ 2999 văn bản ấy, hay
là không tính nổi sao? Ông bảo “làm sai phá luật để đơn giản thủ tục
hành chính, đẩy nhanh đầu tư nước ngoài, có lợi cho dân, cho Nhà nước…
không phát sinh tham nhũng”. Thế nghĩa là luật không phù hợp thực tế,
làm đúng sẽ có hại, vậy sao các ông không kêu sửa luật, kiến nghị không
sửa điều khoản “đổi đất lấy hạ tầng” mà suốt bao năm cứ lặng lẽ làm
sai? Để làm gì? Thưa ông, nếu Quốc hội mà hợp lý hóa cho 2.999 văn bản
kia là đúng thì từ nay tôi không bao giờ đi bầu cái đại biểu QH kia nữa
dù chỉ là hình thức. Ông còn có ý trách “nhất là bây giờ dân có quyền
thuê luật sư đại diện cho mình rồi”. Đúng, giới luật sư rất rách việc,
ông nên tham mưu cho Thủ tướng ra nghị định cấm nông dân không được
thuê luật sư sẽ chấm dứt phức tạp ngay… Tôi thấy luật đất đai và nhiều
luật khác của VN là những bộ luật, văn bản phức tạp, chồng chéo, mập mờ
cỡ nhất thế giới, chỉ có giới luật sư mới có thể cãi được ít nhiều với
chính quyền… Cấm dân thuê, mời luật sư thì chính quyền sẽ yên ổn hơn.
Ông đã nhận mình sai là một hành vi đáng quý để mở đường cho việc giải
quyết vụ Ecopark sau này, mang lại chút công bằng cho dân. Nếu làm sai
mà lại cứ muốn bảo toàn danh dự thì khó lắm như ông cha ta thường nói,
“danh không chính thì ngôn không thuận”.
Theo tôi, ông thể hiện mình thế là đủ, nên để lại chút gì đó cho mình...
Nguyễn Đình Ấm
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Xem QH chất vấn: Thủ tướng sao thì Bộ trưởng như vậy!
Trơ trẽn |
Theo kế hoạch làm việc tại nghị trường Quốc hội đã thông báo, trong các
ngày 12,13 và nửa ngày 14.12.2012 Quốc hội sẽ dành thời gian để chất vấn
các vị Bộ trưởng , Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và toàn bộ chương trình
làm việc sẽ được VTV truyền hình trực tiếp cho nhân dân theo dõi. Đây là
cuộc chất vấn được dư luận xã hội và đông đảo người dân quan tâm theo
dõi. Bởi vì sự làm ăn tắc trách, cẩu thả và vô trách nhiệm của nội các
Nguyễn Tấn Dũng 1 và 2 đã gây ra thảm trạng làm cho nền kinh tế Việt nam
xấu hơn bao giờ hết.
Trong hai ngày đầu của phiên chất vấn, dư luận xã hội và báo chí trong
nước cho thấy hầu như không có một vị Bộ trưởng nào trả lời chất vấn đạt
yêu cầu. Nếu như coi đây là một cuộc thi vấn đáp để sát hạch về mặt
chuyên môn thì tất cả các "thí sinh" của cơ quan chính phủ chỉ đạt điểm
dưới trung bình, vì họ không giải thích được các thắc mắc của các đại
biểu Quốc hội nêu ra, là những vấn đề mà cử tri quan tâm. Hơn thế nữa
một nhận xét chung cho 02 ngày chất vấn đầu tiên, là các vị Bộ trưởng đã
trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội như những con rối hay các diễn
viên hài kịch, rất thiếu sự tôn trọng và thiếu căn bản những yếu tố của
một chính trị gia trong một diễn đàn chính trị mà người dân rất quan
tâm.
Xin tổng kết mấy điểm chính được rút tỉa qua theo dõi việc trả lời chất
vấn của các vị Bộ trưởng trên VTV hai ngày 12-13.11.2012 như sau:
1. Trí khôn của ta đây và việc thất thoát hơn 10 nghìn tỷ chưa đến mức phải kỷ luật:
Trong phiên họp Quốc hội ngày 12.11.20012, là ngày đầu tiên các đại biểu
Quốc hội chất vấn các Bộ trưởng và Thủ tướng. Trong phần chất vấn bộ
trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, không khí cuối phiên chất vấn như
“giãn ra” khi bộ trưởng nói “Câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến chất vấn
rằng "Có bao nhiêu tập đoàn thuộc bộ Xây dựng giống tập đoàn Sông Đà?".
Thì Bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thay vì trả lời thăng vào câu
hỏi chất vấn, thì quay sang bài bây, bao biện loanh quanh rằng "Những
cái đó tôi đã có đầy đủ nhưng để ở nhà. Chúng tôi rất muốn mời đại biểu
sang để chúng tôi báo cáo”. Cả nghị trường cười, và để hội trường bớt
xôn xao, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải nhắc “Cái này còn
đến ngày mai (13.11), đề nghị Bộ trưởng trả lời”.
Cái vụ có đầy đủ nhưng để ở nhà của Bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình
Dũng, thì y như trí khôn của ông nông dân trong câu chuyện cổ tích Trí
khôn của ta đây, không biết ông Bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng có
định trói đại biểu Quốc hội nào đó để đốt họ hay không? Và cũng ông bộ
trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, khi sai phạm của Tập đoàn Sông Đà,
con số chính xác là 10.676 tỷ đồng và đã được Thanh tra Chính phủ kiến
nghị từ tháng 2.2012, lại được Thủ tướng chỉ đạo xử lý trách nhiệm từ
tháng 3 và đến tháng 11, nhưng Bộ trưởngTrịnh Đình Dũng nói một câu xanh
rờn rằng "Chưa đến mức bị xử lý kỷ luật".
Thế là thế nào? Ngoài vỉa hè dân họ nói rằng, nếu là dân ăn trộm 2-3 con
vịt của cá nhân thì bị án tù tổng cộng 13 năm, ông Điếu cày không nộp
thuế thì 3 năm tù, Vậy quan tham là đảng viên làm thất thoát tài sản của
nhà nước hơn 10 nghìn tỷ chưa đến mức phải kỷ luật, thế thì thất thoát
bao nhiêu mới bị xử lý? Hay là phải 100 ngàn tỷ như Vinashin? Thử hỏi
một vị Bộ trưởng vô trách nhiệm như thế có xứng đáng ăn tiền thuế của
các cử tri đóng góp nuôi ông không?
2. Thống đốc Ngân hàng gọi Chủ tịch Quốc hội bằng anh, xưng em:
Phần chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình chỉ đứng sau Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng về sự quan tâm của người dân, khi theo dõi các buổi
chất vấn truyền hình trực tiếp. Vẫn cái lối loanh quanh, trí trá của một
kẻ gian xảo nhưng ít học, xứng đáng với danh hiệu "Một trong 10 các
Thống đốc dở nhất thế giới" mới được phong gần đây. Những trả lời của
Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình còn làm cho đại biểu Trần Du Lịch
phải tỏ ra khá thất vọng, khi cho rằng người đứng đầu ngành ngân hàng
đang trình bày các vấn đề được cử tri quan tâm theo logic của riêng
mình, chứ không phải theo cuộc sống. Ông Trần Du Lịch nói "Tôi là người
rất lạc quan, luôn nghĩ rằng chúng ta làm sao lấy lại niềm tin thị
trường. Nhưng qua trình bày của Thống đốc, niềm tin, lạc quan của tôi
giảm đi".
Và nghị trường lại được một phen cười ồ khi Thống đốc Ngân hàng Nguyễn
Văn Bình nói "Người ta tìm ra bộ 3 bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm
phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel. Vậy mà hiện
nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng
trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch Quốc hội là em chỉ cần nửa
giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được một trong hai".
Không biết Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình có biết ông đang sắm vai
chính khác và trả lời ở một nơi cơ quan quyền lực cao nhất không, hay
ông nhầm mình đang đứng trong bếp nhà Thủ tướng mà ông ăn nói như vậy?
Nói về quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp, thì ông Thống đốc Bình
ngây ngô khi ví von rằng: “Trong các dịp lễ Tết, các doanh nghiệp mang
quà đến cho các ngân hàng và khi làm ăn có hiệu quả thì các nhà ngân
hàng lại mang quà đến cho các doanh nghiệp. Như vậy, tuy hai mà một”. Cả
hội trường đã cười khi Thống đốc Bình phải đính chính trước “đây không
phải là tham nhũng”.
Về vấn đề bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân
trong việc không để giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, Thống
đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình trả lời văng mạng, khi cho rằng điều đó
không ảnh hưởng gì đến kinh tế vĩ mô. Mà có lẽ do học bài chưa thuộc,
nên Thống đốc Bình đã quên rằng trong Nghị quyết của QH năm 2011 yêu cầu
phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệnh với giá vàng thế giới.
Trong phiên chất vấn của mình, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình luôn
kêu ca do nhiều khó khăn, đồng thời đưa ra nhiều khái niệm kinh tế lăng
nhăng, khiến cho chả ai hiểu là gì. Không biết có phải là trò nhằm hù
dọa các đại biểu chất vấn mình? Để tới mức Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà
Rịa - Vũng Tàu) đã phê bình thẳng thắn "Thống đốc trả lời khôn là tốt,
nhưng cũng đừng nghĩ dân không biết gì"
Duy nhất một điều khi Thống đốc Bình khẳng định có tiêu cực lợi ích nhóm
trong lĩnh vực ngân hàng là các đại biểu Quốc hội hài lòng.
3. Viện phí cao thì người nghèo có lợi?
Đăng đàn nửa cuối phiên chất vấn tại QH chiều 13/11, Bộ trưởng Y tế
Nguyễn Thị Kim Tiến chủ động giải trình toàn bộ vấn đề tăng giá viện
phí. Không hổ danh một vị Bộ trưởng nữ của nội các Nguyễn Tán Dũng 2, đó
là bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Khi nói về mức viện phí hiện
nay quá thấp so với giá thực chi, thì bà Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra lý
luận rằng "Viện phí thấp là vô hình trung làm khổ người dân". Mà theo bà
Bộ trưởng việc tăng giá dịch vụ, không ảnh hưởng đến người nghèo, mà
"hoàn toàn ngược lại" (!?).
Người nghèo phải bỏ ra chi phí viện phí lớn hơn hiện tại phải trả, cũng
như xoay quanh vấn đề dịch vụ y tế, khi bà Bộ trưởng Tiến cho hay những
phản ánh về giá thuốc chênh lệch giữa các bệnh viện trong một địa
phương, giữa các địa phương, giữa giá bệnh viện với thị trường thời gian
qua với mức từ 10-15%, có nơi hơn thế là “một thực trạng”. Bà Bộ trưởng
cho rằng, giá thuốc bị đẩy lên do có một quá trình lòng vòng, qua tầng
nấc trung gian, hãng dược bắt tay thầy thuốc, cán bộ kê đơn thuốc biệt
dược, không cần thiết để hưởng chênh hoa hồng. Vậy với chức trách người
đứng đầu cơ quan nhà nước về quản lý y tế, biết các nguyên nhân sao bà
Bộ trưởng không đề xuất giải pháp và tiến hành triển khai để khắc phục?
Nếu không thì ai chắc gì khi đã tăng viện phí thì bà Bộ trưởng Tiến sẽ
giải quyết hết các vấn nạn đó, để người bệnh không còn khổ?
Được biết, hôm qua ngoài hành lang, bà Bộ trưởng Tiến đã nói với nhiều
phóng viên rằng, hiện nhiều lãnh đạo các bệnh viện lớn không muốn thực
thi các biện pháp giảm tải vì đây lại là mảnh đất kiếm ăn của mỗi bênh
viện. Không biết khi nói điều này, bà Bộ trưởng Tiến có nhầm vai của
người hộ lý hay không?
Kết:
Nhìn chung, qua 02 ngày rưỡi trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua,
cho thấy có một nét chung của các vị Bộ trưởng là quanh co và lấp liếm,
đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Hết chỗ đổ thừa thì biện bạch đổ lỗi do để
quên tài liệu và nhiều nhất là đổ lỗi cho cơ chế. Xin hỏi các cơ chế
đang ràng buộc đó là do ai gây nên, sao không chỉ mặt đặt tên cho dân
biết? Và đặc biệt là thiếu tinh thần trách nhiệm trước các cử trị và
thiếu bản lĩnh của một chính trị gia thực thụ trong việc phát biểu ý
kiến và nhận lỗi..
Nếu các chính trị gia ở chức danh Bộ trưởng có tiêu chuẩn chất lượng như
ở Việt nam, mà là ở các quốc gia, mà ở đó Quốc hội thực sự là của dân,
do chính người dân lựa chọn thì chắc không thể tồn tại quá một năm. Họ
sẽ bị người dân thu thập chữ ký để đuổi khỏi cơ quan quyền lực cao nhất
này, vì đại biểu nhân dân không thể có những kẻ trí trá vô trách nhiệm
như thế.
Khi bài báo này vừa viết xong, cũng là lúc anh bạn tôi một Tổng Biên tập
của báo Z (học chủ tịch nước, không nói đích danh) một báo lớn đến
chơi. Đưa bài báo cho anh bạn đọc. Đọc xong anh không nói gì về bài báo,
mà anh nói với tôi "Cơ quan tôi đưa tôi vào danh sách nhận bằng khen
của Thủ tướng, nhưng tôi kiên quyết từ chối ông ạ".
Và không ai bảo ai, cả hai anh em chúng tôi cùng đồng thanh "Cbn, tư cách như thế thì khen được ai!"
Ngày 14.11.2012
© Kami
(RFA Blog's)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét