Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Dương Trung Quốc – “Chính nhà Thanh thừa nhận lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam”

Dương Trung Quốc – “Chính nhà Thanh thừa nhận lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam”


Quang Phong
-
Nhà sử học Dương Trung Quốc có cuộc trao đổi tại buổi lễ tiếp nhận tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do tiến sỹ Mai Hồng hiến tặng Bảo tàng Lịch sử quốc gia sáng nay, 25/7.
“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được lập dưới thời nhà Thanh, xuất bản cách đây hơn 100 năm thừa nhận chủ quyền quản lý của họ chỉ đến đảo Hải Nam, không hề có Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là một căn cứ khẳng định thêm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa trong bối cảnh tranh chấp trên biển Đông hiện nay?

Hoàng Sa và Trường Sa – chân lý lịch sử đã khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo thuộc về Việt Nam. Trong thư tịch của chúng ta đã nói về việc các chúa Nguyễn cử những đoàn hải đội Bắc hải, đoàn Hoàng Sa đến những hòn đảo ấy. Chúng ta cũng biết rằng năm 1834, triều Minh Mạng đã có bản đồ vẽ rất cụ thể về dải vạn lý Trường Sa trên biển Đông.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Tìm tòi nguồn tư liệu làm phong phú lịch sử dân tộc, trong đó có lịch sử chủ quyền là rất quan trọng”.
Như vậy, có thể nói thư tịch và bản đồ của các triều đại Việt Nam đều đã thể hiện vị trí Hoàng Sa, Trường Sa. Trong khi đó, những hoạt động mang tích chất quản lý chủ quyền trên bản đồ Trung Quốc lại không đề cập tới hai quần đảo này. Đây là một yếu tố quan trọng khi xác lập chủ quyền về mặt lịch sử, đặc biệt trong bối cảnh xảy ra tranh chấp hiện nay.
Vì thế việc phát hiện tấm “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do chính người Trung Quốc làm chính là sự thừa nhận chủ quyền quản lý của nhà Thanh, ít nhất là cho đến đầu thế kỷ 20 (như niên đại bản đồ là năm 1904), chỉ đến đảo Hải Nam, tôi cho là rất có ý nghĩa. Bản thân tấm bản đồ sưu tập được này cũng rất có giá trị vì được xuất bản hơn 100 năm trước, là sản phẩm của nền bản đồ học của Trung Hoa.
Việt Nam có văn bản sử sách nào tương ứng với tấm “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” này có giá trị đối chiếu về chủ quyền lãnh thổ?
Theo tôi, chúng ta không cần phải so sánh việc này, vì gần 100 năm trước khi “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” xuất bản (năm 1834), chúng ta đã khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ Việt Nam. Nếu như dựa vào các thư tịch của các triều đại Việt Nam thì Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về chúng ta còn lâu hơn nữa.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia được tiếp nhận tấm bản đồ do chính tay người Trung Quốc lập hơn 100 năm trước thừa nhận việc không có chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa trong khi nước này vừa tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” càng có ý nghĩa đối với chúng ta?
Thực sự, tôi không có sự liên tưởng đến sự kiện cụ thể đó! Về những việc làm của Trung Quốc vừa qua, Nhà nước đã lên tiếng và tôi rất đồng thuận với cách đặt vấn đề như vậy. Trong lúc còn đang tranh chấp mà phía bạn có những động thái để biến thành “việc đã rồi” thì đó là cách làm không minh bạch.
Bằng chứng khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, chúng ta đã có. Còn việc bổ sung thêm những bằng chứng, tăng cường thêm ý thức của người dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng rất quan trọng. Mỗi nhà khoa học cần tiếp tục nghiêm cứu, tìm tòi những nguồn tư liệu để làm phong phú lịch sử dân tộc, trong đó có lịch sử chủ quyền. Tôi cho rằng điều đó cũng rất quan trọng.
Ông nhấn mạnh trách nhiệm của các nhà khoa học. Còn ở góc độ người trong ngành, ông mong muốn gì việc thể hiện vai trò quản lý của nhà nước, tiếng nói của chính quyền?
Chúng ta đừng tách việc của chính quyền hay của giới ngành nào ra. Tôi nghĩ rằng đây là trách nhiệm chung của cả Nhà nước và công dân. Cụ thể như việc làm của tiến sĩ Mai Hồng hiến bản đồ sau hơn 30 năm lưu giữ cho Nhà nước cũng trách nhiệm chung. Những cơ quan như của Bộ Ngoại giao, Cục Lưu trữ cũng thu thập được rất nhiều bằng chứng.

“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do người Trung Quốc vẽ cách đây hơn 100 năm cho thấy họ đuối lý khi tranh chấp ở biển Đông.
Như ông nói, các cơ quan chức năng của chúng ta nắm thừa đủ bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, nhiều người dân còn chưa biết đến những cứ liệu lịch sử này. Làm cách nào để cả người dân Việt Nam và Trung Quốc đều biết những thông tin này?
Việc phát hiện “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” lần này làm cho chúng ta nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm phải tiếp tục thu thập tài liệu bảo vệ chủ quyền dân tộc, gồm sách vở, bản đồ, không những của chúng ta mà của cả Trung Quốc và nhiều nước khác nữa. Việt Nam nằm trong không gian trọng yếu của con đường vận tải biển. Vì vậy, biển Đông được thể hiện rất nhiều trên bản đồ của các nước phát triển hàng hải trên thế giới như Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức… Chúng ta phải có ý thức sưu tập các tài liệu để có thêm bằng chứng thuyết phục khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Điều đó còn cho thấy việc bảo vệ chủ quyền là dựa trên cơ sở lịch sử vững chắc.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong
Theo DanLuan

 

QUA VÀI SỰ KIỆN GẦN ĐÂY LIÊN HỆ ĐẾN CÁC PHÁT BIỂU CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG


H.Q.H.
-
Ngày 25/6/2012 Quốc hội nước ta thông qua Luật biển Việt nam, trong đó tái khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường sa là của Việt Nam. Phản ứng về việc này Trung Quốc đã mời thầu 9 lô dầu trong vùng đặc quyền kinh tế biển đông Việt nam đồng thời thành lập thành phố Tam sa bao gồm 2 quần đảo nói trên.
Để ủng hộ Đảng và nhà nước trong việc ban hành Luật biển đồng thời phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc, những người yêu nước đã tự phát xuống đường biểu tình ôn hòa ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Mỗi lần xem các video clip các cuộc biểu tình hoặc đọc các bài tường thuật tôi lại vô cùng xúc động vì phần thì vui mừng và tự hào dân tộc, phần khác là phẫn uất, căm hờn những kẻ dã tâm đàn áp họ.
Các lần biểu tình gần đây tuy khá thành công, nhưng cũng không tránh khỏi sự đàn áp, bắt bớ, ngăn cản của chính quyền. Trường hợp nhẹ thì cử người đến khuyên can, vận động, trường hợp nặng hơn thì bắt, lôi, kéo, giằng co giữa đường sá như đám du côn đầu đường xó chợ. Đến như cụ Lê Hiền Đức trên 80 tuổi, không đi được, phải ngồi xe lăn biểu tình cũng bị vu khống là gây rối thì thật lố bịch và trắng trợn hoặc như anh Lê Quốc Quân thì bị đưa ra phường đấu tố. Những hình ảnh đó thật tương phản với “nhà nước của dân, do dân, vì dân”.
Còn nhớ các cuộc biểu tình năm 2011 đã bị nhà cầm quyền đàn áp nặng nề, nhiều hình ảnh, bài tường thuật cho thấy nhiều người bị bắt, bị thẩm vấn không khác gì tội phạm. Các nhân sỹ trí thức tham gia tích cực các cuộc biểu tình bị vu cáo là phản động, bị coi là thù địch, chống nhà nước, bị lợi dụng để lật đổ. Thậm chí có người còn bị bắt đi cải tạo một cách phi pháp mà thực chất không khác gì đi tù. Các cuộc biểu tình năm 2011 đã kết thúc từ lâu vậy mà ngày 23, 24/3/2012 và mới nhất là ngày 30/6/2012, mẹ con cô Trần Thị Nga còn bị công an tỉnh Hà Nam đe dọa, khủng bố tinh thần. Còn tại Hà Nội các anh Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Xuân Diện đã bị công an bắt về đồn nhiều giờ một cách bất hợp pháp. Điều đặc biệt là các nạn nhân đã tố cáo công khai, viết đơn kêu cứu đến tận Trung ương nhưng không ai trả lời hay xử lý, cả hệ thống chính trị cũng như giới truyền thông không có tiếng nói nào bảo vệ cho các nạn nhân.
Có điều này cần phải nói là để ngăn chặn, đàn áp biểu tình họ (chính quyền) đã lấy Nghị định 38/2005/NĐ-CP làm căn cứ pháp lý, nhưng thực ra nghị định này hoàn toàn vi hiến (tôi sẽ có bài viết về vấn đề này).
Từ các sự kiện này người dân có quyền đặt câu hỏi: nghị quyết trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách xây dựng đảng để làm gì, nhằm mục đích phục vụ lợi ích của ai? Nếu để bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhân dân tốt hơn thì tại sao để xảy ra các vụ việc như thế? Một đảng chân chính thì dứt khoát việc xây dựng đảng vững mạnh trước hết là để lãnh đạo nhà nước, xã hội giải quyết những vấn đề nỏng bỏng của đất nước, của người dân. Mà nước ta hiện có nhiều vấn đề nóng bỏng, nổi bật hơn cả về đối ngoại có lẽ là môi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, về đối nội là quyền con người, là dân chủ. Trong quan hệ với Trung Quốc, từ ngày ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư tình hình lại càng phức tạp hơn, chúng càng lấn lướt trắng trợn hơn. Hai vụ cắt cáp trên tàu thăm dò dầu khí năm 2011 chỉ sau khi ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư có 4 tháng và mới đây họ thành lập thành phố Tam Sa bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng như mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là những ví dụ cụ thể chứng minh cho điều đó.
Không những chúng ta chưa giải quyết được vấn đề biển Đông, mà ngay nằm sâu trong nội địa an ninh quốc gia đang bị bỏ ngỏ, người Trung Quốc đã có mặt khắp nơi, kể cả nhưng nơi nhạy cảm nhất về an ninh quốc phòng như quân cảng Cam Ranh, cảng Vũng Rô … Họ đang thao túng và phá hoại ta một cách toàn diện và gây mất an ninh trật tự, gây bất ổn xã hội nghiêm trọng.
Chúng ta cũng đang đứng trước nguy cơ Hán hóa trên cả lĩnh vực văn hóa, truyền thông. Điển hình là các đài truyền hình trung ương và các địa phương đua nhau chiếu phim Trung Quốc nhiều đến mức lớp trẻ nhiều người hiểu lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử Việt Nam; có địa phương người Trung Quốc còn làm chủ cả một kênh truyền hình cáp và tự sản xuất chương trình một cách trái phép. Các chương trình họ sản xuất khó mà nói không có hại đối với an ninh quốc gia và văn hóa.
Có thể nói đất nước ta chưa bao giờ đứng trước nguy cơ mất nước, nguy cơ làm nô lệ cho Trung Quốc đồng thời chưa bao giờ người dân lại thấy bất an như bây giờ.
Qua một số sự việc trên tôi lại liên tưởng tới lời ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Cu Ba cũng như tại các hội nghị liên quan đến nghị quyết trung ương 4. Tại Cu Ba ông đã lớn tiếng chỉ trích chủ nghĩa tư bản và các tập đoàn đa quốc gia là chỉ biết lợi nhuận đồng thời ca ngợi chủ nghĩa xã hội là vì con người. Xin thưa với ông Nguyễn Phú Trọng, không phải ông cứ gào lên ca ngợi CNXH là người dân
trong nước và thế giới có thể tin ông đâu, mà họ nhìn thực tế những gì đang diễn ra tại các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên để đánh giá. Ông nên nhớ rằng, nói một cách khái quát thì chế độ nào càng tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp thì chế độ đó càng tốt đẹp và ngược lại.
Còn tại hội nghị quán triệt nghị quyết trung ương 4, ông Nguyễn Phú Trọng nói: “Ðảng Cộng sản Trung Quốc trong cải cách, mở cửa cũng luôn luôn khẳng định dứt khoát phải kiên trì vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, và trong những lần trao đổi với chúng ta, bạn thường nhấn mạnh không để bị “Tây hóa”". Xin được hỏi ông Nguyễn Phú Trọng: “bạn” khuyên ta không Tây hóa, vậy “bạn” có khuyên ta “Tàu hóa” không?

“bạn thường nhấn mạnh không để bị “Tây hóa”" – Nguyễn Phú Trọng (Ảnh DL tự thêm vào)
Ở Trung Quốc đảng cộng sản kiên trì (hay trơ lì?) vai trò lãnh đạo là việc của họ, còn ở Việt Nam để Đảng CSVN lãnh đạo một cách hợp pháp thì phải do nhân dân Việt Nam quyết định chứ dứt khoát không phải ông hay Đảng CSVN có thể quyết định.
Bài phát biểu trên đây của ông theo tôi đáng được ghi vào lịch sử Trung Quốc, mặc dù ông là tổng bí thư ĐCSVN.
Cũng theo ông Nguyễn Phú Trọng thì: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị thể hiện ở chỗ: phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa… thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh…”
Ông nói suy thoái thể hiện ở phai nhạt lý tưởng, không kiên định CNXH thì người dân thấy trừu tượng và mơ hồ lắm. Người dân chúng tôi thấy những thứ thực tế hơn đó là những kẻ chỉ đạo và dung túng việc đàn áp người biểu tình, những kẻ để dân oan oán thán ngất trời mà vẫn làm ngơ, những kẻ để cho người Trung Quốc lộng hành khắp nơi trên vùng biển, hải đảo cũng như trên đất liền Việt Nam là những kẻ suy thoái nhất, những kẻ đang tự diễn biến nhất.
Nghe nói để thực hiện nghị quyết trung ương 4, Bộ chính trị sẽ làm gương bằng việc làm kiểm điểm trước trong tháng 7/2012 . Việc kiểm điểm là cần nhưng việc quan trọng hơn là hãy bắt đầu giải quyết ngay những việc nói trên cũng như các vụ việc khác gây bức xúc trong nhân dân. Nếu các vị có kiểm điểm thành khẩn bao nhiêu mà không giải quyết các vụ việc cụ thể thì cũng chỉ là nói suông mà thôi, nhân dân chẳng tin đâu.
Với tình trạng đất nước như hiện nay thì câu hỏi “Đảng này là đảng của ai?”đã được người dân đặt ra từ lâu rồi chứ không phải “mai kia” như ông nói đâu. Và thực trạng đất nước đã trả lời cho câu hỏi đó.
Đảng cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, mọi thắng lợi Đảng đều nhận công đầu. Vậy những vụ việc nêu trên cũng như những thất bại khác Đảng cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước dân tộc, trước nhân dân. Đó là sự thật dù muốn hay không thì Đảng cũng phải dũng cảm nhìn nhận. Là đảng viên ĐCSVN, tôi thấy mình cũng có phần trách nhiệm vì “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, tức là tôi cũng suy thoái tư tưởng chính trị (theo lời ông TBT Nguyễn Phú Trọng), nay bằng bài viết này tôi muốn tự chỉnh đốn mình. Đảng viên thường chúng tôi suy thoái thì cũng đến thế là cùng và cũng vì chưa tin nếu bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai sẽ được an toàn chứ đâu phải để đổi chác quyền cao chức trọng gì cho cam.
Với những lời nói hết sức chân tình trên đây, tôi chỉ có mục đích duy nhất là mong Đảng mà trước tiên là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hãy lắng nghe nhân dân, hãy tự soi mình để từ đó có hành động đúng nhằm lấy lại niềm tin vốn đang ngày càng mai một.
Khánh Hòa, ngày 23/7/2012
H.Q.H.
Theo DanLuan

 

Khi nữ thần công lý bỏ đi hoang


Đào Tuấn
-
Một bản án vị lãnh đạo, một bản án chặn đường tiêu thụ thủy sản, cũng là đường sống một cách hợp pháp của hàng ngàn nông dân, rõ ràng là một bản án mà công lý không tồn tại
Phán quyết cuối cùng của TAND tỉnh Quảng Bình xung quanh vụ kiện ba ba ngày hôm qua đã không làm nhiều người bất ngờ. Xưa nay, mấy khi án hành chính, có người gọi là những “vụ kiện đầu gối”- mà “dân thắng quan”. Tuy nhiên, phán quyết “nhân danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của TAND tỉnh Quảng Bình đang được nông dân cả nước quan tâm. Bởi nó không đơn thuần chỉ là chuyện “danh dự uy tín” của một vài vị lãnh đạo của “tỉnh nhà”, cũng không chỉ là 603 con ba ba của một doanh nghiệp. Bởi, dù không hề tồn tại tiền lệ pháp, phán quyết của một tòa án, về mặt dư luận và đời sống tâm lý, rõ ràng ảnh hưởng mang tính chi phối đến những hành vi tương tự trên phạm vi toàn quốc.

Chỉ đáng tiếc, trong rất nhiều căn cứ, những người cầm cân, nảy mực ở Quảng Bình đã chỉ chọn những căn cứ có lợi cho lãnh đạo tỉnh nhà.
Việc TAND tỉnh Quảng Bình tuyên bác đơn kiện hành chính của Công ty TNHH Tiền Hậu đã gián tiếp “phán quyết” con ba ba là động vật hoang dã. Các căn cứ của bản án, giống với lý luận của UBND tỉnh, đương nhiên, dựa vào các quy định của ngành lâm nghiệp.
Một bản án công bằng là một phán quyết không thế có nạn nhân. Nhưng hôm qua, bản án của Quảng Bình đã đẩy hàng ngàn nông dân trên khắp cả nước trở thành nạn nhân của sự bất nhất.
Là nạn nhân bởi Vụ Nuôi trồng thủy sản, thuộc Tổng cục Thủy sản- Bộ Nông nghiệp, khẳng định: “Ba ba có tên latin là Trionyx sinensis thuộc loài ba ba hoa, là đối tượng được nuôi và sản xuất thông thường theo Quyết định 57 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT ngày 2.5.2008 về Danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh”, trong khi, cũng Bộ Nông nghiệp, cũng tổng cục- Tổng cục Lâm nghiệp- lại khẳng định ba ba là động vật hoang dã.
Là nạn nhân bởi tại chính Quảng Bình, quyết định phê duyệt Chương trình phát triển thủy sản tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010 nêu rõ: Ba ba là đặc sản cần được chú trọng phát triển, chủ động liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để cung cấp con giống và tiêu thụ sản phẩm”. Trong khi đó, cũng chính Quảng Bình, cũng là UBND tỉnh, ra quyết định xử phạt, tịch thu vì cho rằng ba ba là “động vật hoang dã”.
Tóm lại, ba ba trong văn bản của cơ quan nhà nước này thì là “thủy sản” bơi dưới nước, trong văn bản, cũng của cơ quan nhà nước kia thì lại là “động vật hoang dã” bò trên rừng.
Hiểu chết liền
Cũng như việc nông dân không thể hiểu vì sao, cũng là quy định nhà nước, TAND lại chỉ căn cứ vào những gì có lợi cho một vài lãnh đạo Quảng Bình.
Tiền lệ Quảng Bình có lẽ, sẽ còn tạo ra một hậu quả nguy hiểm, bởi nếu đó là công lý thì 62 tỉnh, thành còn lại sẽ phải làm một việc là “bắt giữ” ba ba, loài vật vừa biết bơi vừa biết bò, từ cà chục năm nay vẫn được nuôi trong ao, bể. Và không khéo, sẽ có những vụ bắt bớ cả heo, gà, chó mèo, bởi dù được gọi là gia cầm, chúng, cũng đều có nguồn gốc từ…hoang dã.
Công lý tồn tại dưới hình ảnh nữ thần Themis tay cầm cây kiếm quyền uy và đôi mắt bịt kín tượng trưng cho sự khách quan.
Nhưng một bản án vị lãnh đạo, một bản án chặn đường tiêu thụ thủy sản, cũng là đường sống một cách hợp pháp của hàng ngàn nông dân, rõ ràng là một bản án mà công lý không tồn tại.
Ngày hôm qua, 20-7-2012, nữ thần công lý của Quảng Bình đã đi hoang.

 

Bớt đi một “cửa quan”


Đào Tuấn
-
Với người dân, càng ít “cửa quan”, càng ít quan chức thì càng tốt
Kết quả “từ trên trời rơi xuống” khiến các nhà cải cách sướng  rơn khi một nghiên cứu độc lập đưa ra thông số: Các tỉnh thành đang thí điểm bỏ HĐND cấp quận, huyện, “chỉ số % hối lộ” đang giảm mạnh. Cụ thể khả năng người dân phải đưa hối lộ ở bệnh viện công giảm 12%, để có sổ đỏ giảm 13%, để có việc làm trong cơ quan nhà nước giảm 24%.

Bỏ HĐND có thể giảm tham nhũng! Kết quả này đúng là thực sự bất ngờ và còn cần nhiều thời gian để chứng minh những chỉ số đáng mừng này không phải là ngẫu nhiên. Chỉ có một điều không hề ngẫu nhiên, cũng chẳng có gì bất ngờ, là nhận định: Việc bỏ HĐND cấp quận, huyện không những không làm đình trệ hoạt động mà “còn cải thiện đáng kể chất lượng quản lý nhà nước”. Không khó hiểu lắm để nhận ra sự hình thức của một cấp “cửa quan” mà người dân cho là “vô hại”. Thậm chí, không mấy công dân nhớ nổi tên tuổi của một “ông hội đồng”, dù ông hội đồng nào cũng là do họ bầu ra cả. Đơn giản, hội đồng cấp huyện, thứ mà có người gọi là “bình hoa trang trí” cho Ủy ban- là loại cơ quan dân cử “chân không đến đất, cật không đến trời” mà sự tồn tại của nó, đôi khi chỉ giống như phải thêm “một khâu gật đầu”, không chút tiếng nói, không tí áp lực kể cả từ trên xuống cũng như từ dưới lên.
Báo điện tử VietNamNet dẫn lời GĐ Sở Nội vụ Đà Nẵng, địa phương đang thực hiện thí điểm bỏ một cấp “gật đầu” công bố: “67% nhân dân đánh giá chính quyền các cấp đã quan tâm nhiều hơn trước đến ý chí và nguyện vọng của người dân”, và “78% ý kiến cho rằng việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã tạo thuận lợi rõ nét cho việc chỉ đạo, điều hành của UBND cùng cấp”.
Thế là cả người dân và chính quyền đều thấy cuộc sống sẽ dễ thở hơn nhiều nếu bỏ đi được một cấp “gật đầu”.
Hình như từ năm 2009 khi việc thí điểm bắt đầu, chưa thấy có bất cứ người dân nào kêu ca bỏ một “cấp hội đồng” là “làm mất đi nhiều cơ chế giải trình và dân chủ đối”.
Với người dân, càng ít “cửa quan”, càng ít cán bộ càng tốt. Thực ra, tâm lý này đã tồn tại từ rất lâu trong suy nghĩ và tình cảm của những người làm dân. Và sự quá tải “cửa quan” được dịp bùng phát sau khi dư luận đề cập đến con số 500 cán bộ ở “làng cán bộ” Quảng Vinh, Thanh Hóa.
Dẫu con số sau đó được “đính chính”: Chỉ 200. Nhưng có vẻ, người dân không bằng lòng với chữ “chỉ” này. Một xã có tới 200 cán bộ thì đúng là “Ra ngõ gặp cán bộ”, là “Lạm phát cán bộ”, là “Dân đen thì ít mà cửa quan thì nhiều”. Là “Nhiều không có nghĩa là đủ bởi nếu chưa có cán bộ có năng lực phát hiện ra sự “lạm phát cán bộ” thì vẫn phải… tuyển thêm”.
Bớt đi một “cửa quan”, dù là cơ quan dân bầu, dù chỉ là một khâu “gật đầu” sẽ bớt đi rất nhiều phiền phức, sẽ giảm được rất nhiều tiền thuế dân phải đóng để nuôi cán bộ, sẽ khiến người dân đỡ phải mòn mỏi thử thách lòng kiên nhẫn mỗi lần đến cửa quan, trong khi cũng giảm được rất nhiều tính hình thức của một hệ thống mà đáng lẽ không thể có một cấp cửa quan “đã chót mót về phải cố nuôi”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét