Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

VN-Philippine-Hòa Kỳ - Trung Hoa đối với vấn đề Biển Đông

Philippines đơn độc giữa ASEAN trong cuộc đối đầu với Trung Quốc

Nếu tính toàn bộ ASEAN thì mức ủng hộ công khai cho Philippines trong cuộc đối đầu ở bãi cạn Scaborough là đáng thất vọng, dù rằng các nước ASEAN kia không có tranh chấp với Philippines trong khu vực đó.”
TuanVietnam

“Không còn ai để lên tiếng bênh vực cho tôi” 

Tác giả: DƯƠNG DANH HUY * (THEO MANILA TIMES)
Bài đã được xuất bản: 15/05/2012 02:00 GMT+7
.
Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, Ngọai trưởng Philippines, Albert del Rosario đã phát biểu với tờ Inquirer rằng “Tất cả các nước khác chứ không chỉ có Philippines sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chúng ta không có một lập trường… mọi người nên nhìn kỹ TQ đang cố gắng làm gì tại bãi cạn Scarborough nhằm theo đuổi cái mà họ gọi là quyền chủ quyền của họ trên toàn bộ Biển Đông [Philippines gọi là Biển Tây Philippines] dựa trên yêu sách đường chín vạch, với một dẫn chứng lịch sử rõ ràng là vô căn cứ”.
Phản ứng, hay ít ra là phản ứng công khai, từ các quốc gia ASEAN xung quanh Biển Đông về lời kêu gọi củaManilavề Biển Đông là yếu ớt. Gần như không có phản ứng nào được tường thuật trên báo chí, và không có phản ứng nào được công bố trên các trang web tiếng Anh của các bộ ngoại giao các nước ASEAN.
.
Ngoại lệ duy nhất là một tuyên bố bằng tiếng Việt do người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 25/4/2012, đăng tải trên trang web bằng tiếng Việt của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nêu rằng Việt Nam “hết sức quan tâm và lo ngại về tình hình tranh chấp bãi cạn Scarborough” và Việt Nam “cho rằng các các bên liên quan cần kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và khu vực.”
Có lẽ có thể hiểu tuyên bố đó như một ủng hộ ngấm ngầm cho đề nghị của Philippines về giải pháp pháp lý dựa trên UNCLOS, nhưng giả sử đúng là như thế đi nữa thì sự ủng hộ đó cũng là khá  khiêm tốn. Nếu tính toàn bộ ASEAN thì mức ủng hộ công khai cho Philippines trong cuộc đối đầu ở bãi cạn Scaborough là đáng thất vọng, dù rằng các nước ASEAN kia không có tranh chấp với Philippines trong khu vực đó.
Đáng tiếc là là sự thiếu tương trợ đó có vẻ như đã là một cung cách bất thành văn của các nước ASEAN trong tranh chấp Biển Đông. Ngược dòng thời gian trong khoảng một năm vừa qua, chúng ta có thể thấy khi TQ giam cầm các ngư dân VN đánh cá tại vùng Hoàng Sa, không có nước ASEAN nào lên tiếng để ủng hộ một cách giải quyết công bằng. Khi TQ gây sức ép lên các hoạt động dầu khí của Philippines trong khu vực bãi Cỏ Rong, không hề có nước ASEAN nào lên tiếng ủng hộ Philippines. Khi TQ gây áp lực lên tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh nhằm khiến họ rút khỏi Lô 127 và 128, nằm giáp bờ biển đất liền Việt Nam, không có nước ASEAN nào lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Khi tàu hải giám và các tàu đánh cá của TQ phá hoại thiết bị địa chấn của các tàu khảo sát Việt Nam, không có nước ASEAN nào lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Khi tàu TQ dọa đâm vào tàu khảo sát cho Philippines tại bãi Cỏ Rong tháng 3/2011, không có nước ASEAN nào lên tiếng ủng hộ Philippines.

Rõ ràng, bất kể các sai lầm mà các nước ASEAN trong tranh chấp đã mắc phải trong quá khứ và trong hiện tại, kể từ đây, các bên cần thay đổi cách tiếp cận không lên tiếng này.

Trong thay đổi này, Philippines và Việt Nam nắm chìa khóa quan trọng. Vì vị trí địa lý của hai quốc gia này so với đường chữ U tai tiếng của TQ, không gian biển của hai nước này bị đe dọa vào bậc nhất so với các nước ASEAN khác. Ngoài ra, bản chất của các mối đe dọa mà hai nước này gánh chịu cũng tương tự nhau. Nếu Việt Nam và Philippines mà còn không thể cùng lên tiếng một cách rõ ràng thì khó có thể mong đợi các nước khác trong ASEAN có tranh chấp Biển Đông cùng lên tiếng như thế, và nếu mong đợi cả cộng đồng ASEAN làm thì còn khó hơn. Hiện nay, nếu ASEAN có thể tìm ra một tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông thì e rằng tiếng nói ấy sẽ chỉ có thể là loãng, yếu và không rõ ràng.
Đã đến lúc các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách Việt và Phi cần bàn thảo về một tuyên bố chung nhằm hỗ trợ nhau. Ví dụ, hai quốc gia này có thể ra thông cáo chung chống lại việc sử dụng đá hay đảo nhỏ để đòi quá nhiều không gian biển, chống lại lập luận đòi “quyền lịch sử” trên hầu hết diện tích Biển Đông, và ủng hộ việc xác định rõ ràng phạm vi của khu vực tranh chấp. Nếu phương án đàm phán bị bế tắc thì Philippines và Việt Nam có thể kêu gọi các bên khác trong tranh chấp cùng đồng ý đưa các câu hỏi phù hợp ra cho Tòa án Quốc tế về Luật Biển phân xử.
Đi xa hơn, Philippines và  Việt Nam có thể đàm phán với nhau để xác định phạm vi của các vùng nước phụ thuộc Trường Sa và sau đó lên tiếng ủng hộ nhau một khi TQ cố gắng gia tăng áp lực lên hai nước này bên ngoài các phạm vi ấy.
Thí dụ, Philippines có thể đề nghị với Việt Nam rằng các vùng nước trong khu vực bãi Cỏ Rong phía ngoài vành đai 12 hải lý tính từ các đảo, đá, nếu có, trong khu vực đó là không thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trường Sa, và Việt Nam có thể có một đề nghị tương tự cho bãi Tư Chính.
Trên thực tế, bãi Cỏ Rong và bãi Tư Chính là những bãi ngầm và theo luật quốc tế thì không nước nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hai bãi này, mà chỉ có thể tuyên bố chủ quyền đối với những đảo, đá nổi từ chúng lên trên mặt nước, nếu có. Phần dưới mặt nước của bãi Cỏ Rong và bãi Tư Chính sẽ thuộc về hay lãnh hải 12 hải lý, hay vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, hay thềm lục địa của những đảo,đá này, nếu có, hay của các vùng lãnh thổ chung quanh. Trong các loại vùng biển này, một nước chỉ có chủ quyền đối với lãnh hải 12 hải lý, nhưng thông tin đại chúng thường ghi lầm rằng một nước có chủ quyền đối với cả vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa.
Như vậy, nếu Việt Nam có tuyên bố chủ quyền đối với đảo, đá nào cao hơn mặt nước trong khu vực bãi Cỏ Rong, thì Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với những đảo, đá đó và lãnh hải 12 hải lý của chúng. Luận điểm ở đây là Việt Nam và Philippines nên đàm phán với nhau để xác định vùng đặc quyền kinh tế của chúng và của những đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa vươn ra đến đâu ở bãi Cỏ Rong và bãi Tư Chính nói riêng và trên Biển Đông nói chung. Việt Nam và Philippines có thể tận dụng quy định của Tòa án Quốc tế về Luật Biển và cùng thi hành thủ tục để hai nước có thể xin Ý kiến Tư vấn của Tòa, nhằm giúp hai nước xác định phạm vi của vùng đặc quyền kinh tế thuộc Trường Sa, cũng như nhằm bác bỏ những lập luận của Trung Quốc.
Sau khi thoả thuận về phạm vi của vùng đặc quyền khinh tế thuộc Trường Sa, Việt Nam và Philippines sẽ cùng nhau lên án những động thái của Trung Quốc nhằm biến những vùng bên ngoài phạm vi đó thành vùng tranh chấp. Nếu như Philippines và Việt Nam có thể cùng lên tiếng một cách dứt khoát rằng một sự kiện đối đầu cụ thể nào đó trên Biển Đông là do TQ mưu toan mở rộng vùng tranh chấp một cách không phù hợp với luật quốc tế quy định thì việc đó sẽ tạo ra một thế trận mới cho cuộc đấu tranh ngoại giao và việc tranh thủ dư luận quốc tế, so với chỉ có một nước tranh cãi với một nước.
Như một thí dụ cụ thể, khi phía Trung Quốc cắt cáp địa chấn tàu Bình Minh 2 và Viking 2, Việt Nam đã khẳng định rằng hành vi xâm phạm đó đã xảy ra trong những vùng không phải là vùng tranh chấp. Nếu lúc đó có nước khác tuyên bố ủng hộ quan điểm của Việt Nam, thì điều đó sẽ có nhiều giá trị cho việc tranh thủ dư luận của chúng ta.
Như một thí dụ khác, khi Trung Quốc gây sức ép nhằm khiến tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh rút khỏi Lô 127 và 128, nếu có nước khác tuyên bố rằng Lô 127 và 128 không nằm trong vòng tranh chấp, thì điều đó cũng sẽ có nhiều giá trị cho cuộc đấu tranh của chúng ta.
Nếu các nước ASEAN trong tranh chấp tiếp tục cách tiếp cận “lặng im khi TQ lất lướt kẻ khác” thì không khó đoán cách đó có thể dẫn đến đâu. Martin Niemoeller, một mục sư người Đức đã miêu tả hạn chế của cách tiếp cận đó một cách hùng biện:
“Đầu tiên chúng nó (bọn Phát Xít) tìm đến xử những người Cộng Sản, nhưng tôi không phải Cộng sản nên tôi không lên tiếng. Kế đó chúng tìm đến xử những người theo tư tưởng Xã hội và Nghiệp đoàn lao động, nhưng tôi cũng không thuộc họ, nên tôi không lên tiếng. Sau đó chúng tìm đến xử người Do Thái, nhưng tôi không phải Do Thái nên tôi không lên tiếng. Và khi bọn Phát xít tìm đến bắt tôi, thì lúc ấy không còn ai để lên tiếng bênh vực cho tôi.”
Những nhà hoạch định chính sách của Philippines và Việt Nam sẽ hiệu quả hơn cho đất nước của họ nếu họ có thể để ý hơn đến phương diện này và tận dụng việc Philippines và Việt Nam có thể hỗ trợ ngoại giao cho nhau để bảo vệ quyền chủ quyền trên các vùng nước Biển Đông  mà không ảnh hưởng đến quan điểm của mỗi nước về chủ quyền trên các đảo, đá Trường Sa.
  • Lê Vinh  Trương dịch từ Manila Times
Nguồn: TuanVietnam
* Dương Danh Huy và Lê Vĩnh Trương đều là thành viên trong Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, một tổ chức quy tụ một số trí thức trẻ trong, ngoài nước.
 

GS Vũ Quốc Thúc: “Việt Nam cần quy chế trung lập để bảo toàn lãnh thổ”

RFI Tiếng Việt

GS Vũ Quốc Thúc:

“Việt Nam cần quy chế trung lập để bảo toàn lãnh thổ”

Thanh Phương phỏng vấn GS Vũ Quốc Thúc 
.
Thứ Hai, 14-5-2012
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã liên tiếp có những hành động nhằm khẳng định hơn nữa chủ quyền của họ trên hai quần đào Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 26/04/2012, chính phủ Trung Quốc thông báo đồng ý với kế hoạch phát triển du lịch và đánh bắt cá trong khu vực Biển Đông của tỉnh Hải Nam. Trong kế hoạch này, có việc xây dựng cầu cảng lớn tại quần đảo Hoàng Sa.
Trước đó, tại một hội nghị về du lịch ở Hải Nam ngày 24/04/2012 , phó tỉnh trưởng tỉnh này, ông Đàm Lực, thông báo là quần đảo Tây Sa ( tức là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ) sẽ đón khách du lịch trong năm 2012. Một thông tin trên mạng gần đây cho biết là hai máy bay khu trục Trung Quốc ngày 01/05/2012 vừa qua đã xâm phạm không phận Việt Nam tại khu vực bán đảo Cam Ranh và phía bắc tỉnh Ninh Thuận. Tin này chưa được chính thức xác nhận, nhưng được biết là trong tháng Tư vừa qua, khi đoàn đại biểu Đà Nẵng đi thăm Trường Sa, máy bay Trung Quốc đã bay bên trên để đe dọa, tức là coi như đã xâm phạm không phận Việt Nam.

Ấy là chưa kể sự kiện ngày 23/03/2012, hai tàu của Trung Quốc, mà báo Việt Nam chỉ dám gọi là “ tàu nước ngoài”, bị phát hiện hoạt động trái phép ở vùng biển quân sự vịnh Nha Trang. Có điều cho tới nay, đã hơn một tháng, vẫn chưa biết là những chiếc tàu nói trên bị xử lý ra sao.
Trong bối cảnh đó, ngày 23/04/2012, hải quân Hoa Kỳ và Việt Nam đã mở các cuộc thao diễn chung kéo dài trong năm ngày tại Đà Nẵng với sự tham gia của ba chiến hạm thuộc Đệ thất hạm đội Mỹ. Nhưng trong cùng ngày 23/04/2012, chiếc tàu huấn luyện mang tên Trịnh Hòa của Trung Quốc lại cập bến cảng Sài Gòn để thăm “hữu nghị”.
Hai sự kiện diễn ra cùng ngày này cho thấy là Hà Nội vẫn như là người đi trên dây giữa hai siêu cường, rất muốn dựa vào Mỹ, nhưng vẫn ngán ngại láng giềng phương Bắc. Đối với giáo sư Vũ Quốc Thúc ở Paris, thế đi dây này không thể kéo dài mãi và để bảo toàn chủ quyền quốc gia, kể cả chủ quyền biển đảo. Việt Nam cần phải chọn một quy chế trung lập “ theo công pháp quốc tế”. Điều này có nghĩa là gì ? Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn với giáo sư Vũ Quốc Thúc:
RFI : Xin kính chào Giáo sư Vũ Quốc Thúc. Trước hết Giáo sư có nhận định như thế nào về những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông ?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc : Những hành động mới đây của Trung Quốc, như kế hoạch đưa du khách đến Hoàng Sa, là nhằm đặt chúng ta trước việc đã rồi. Đó là thủ thuật của những kẻ, khi mà thế giới chưa chú ý đến địa điểm ấy, cứ làm theo ý họ, để sau này mọi người phải chấp nhận những chuyện đã xảy ra. Họ đang tạo nên ấn tượng đất này là đất của họ, mà họ đã nắm chắc rồi, thành ra du khách có thể thăm dễ dàng. Vì vậy ta phải phá cái ấn tượng đó đi. Ít nhất là ta phải tỏ cho thấy rằng đây vẫn là đất của Việt Nam còn đang ở trong vòng tranh chấp.
Còn về chuyện Trung Cộng đưa tàu chiến đến vùng Trường Sa có thể là để chuẩn bị cho một cuộc chiếm đóng và tất nhiên là họ trù liệu sẽ có xung đột giữa hải quân của họ với hải quân Việt Nam. Đấy cũng có thể là một hành động khiêu khích. Nhưng mà, như ta đã thấy đó, Trung Quốc nếu chỉ đối phó với Việt Nam thì có thể lấn át mình, nhưng họ sợ rút dây động rừng, nhỡ các bạn đồng minh thế giới can thiệp ngăn chận thì sẽ bùng nổ lớn. Thành ra tôi nghĩ đây chỉ là thủ đoạn biểu dương lực lượng, hù doạ.
Một lý do nữa, mà theo tôi có vẻ đúng hơn, đó là họ đang chuẩn bị hồ sơ, thiết lập những chứng cứ xác định chủ quyền của Trung Quốc trên những đảo đang tranh chấp đó. Rất có thể họ tin rằng rồi đây sẽ phải có những cuộc thương thuyết đa phương và trong cuộc thương thuyết đa phương ấy, họ phải đưa ra những chứng cứ vững chắc. Nếu có đưa vấn đề ra trước một cơ quan tài phán quốc tế, thì ít ra họ có những chứng cớ : đây, ngày đó, tháng đó, chúng tôi đưa tàu chiến đến đó mà không có phản ứng gì của phía Việt Nam cả, như thế thì Việt Nam đã xác nhận quần đảo này là thuộc về Trung Quốc.
Dù là lý do gì đi nữa thì chúng ta cần phải có phản ứng và nếu cần, phải chứng tỏ rằng mình cũng có hải quân và dám đối đầu, ít nhất phải chứng tỏ sự không sợ hãi của mình, để đề phòng sau này vấn đề được đưa ra bàn cãi ở các hội nghị quốc tế hoặc trước một cơ quan tài phán quốc tế.
RFI : Thưa Giáo sư, gần đây hải quân Việt Nam đã thao diễn chung với hải quân Mỹ. Phải chăng là Hà Nội muốn dựa hơn nữa vào Mỹ để đối đầu với Trung Quốc?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc : Việc thao diễn ở Đà Nẵng với sự tham dự của ba tàu chiến của Mỹ quả thật là một dấu hiệu rất tích cực, để cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội muốn hợp tác với Mỹ, coi Mỹ là một đồng minh trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hải quân Việt Nam với hải quân Trung Quốc. Đây là điều tôi rất hoan nghênh. Bởi vì mình yếu, nhưng mình đâu có cô đơn. Nếu mình có đồng mình thì đây là lúc phải hợp tác chặt chẽ với đồng minh, trong khi lực lượng hải quân của mình chưa đủ sức đối phó với hải quân Trung Cộng.
Tuy đối với ta là mạnh thật đấy, nhưng hải quân Trung Quốc đối đầu với hải quân Mỹ thì không khác gì trứng chọi với đá. Vì vậy tôi tin chắc là những kẻ cầm đầu hải quân Trung Quốc chưa dám để xảy ra xung đột với một siêu cường rất mạnh về hải quân như Hoa Kỳ.
Cuộc thao diễn chung ở Đà Nẵng không chỉ chứng tỏ Hà Nội có thiện chí hợp tác với Hoa Kỳ, mà nó cũng chứng tỏ là Hoa Kỳ sẵn sàng cộng tác với Việt Nam trong trường hợp phải đối đầu với hải quân Trung Quốc. Như thế nó xác nhận sự trở lại của Mỹ ở Đông Nam Á và Biển Đông.
Nhưng cũng chính vì thế mà chúng ta cần cảnh giác, bởi vì ta không nên quên rằng, nếu ta làm Trung Quốc mất thể diện, thì họ sẽ tìm cách trả đũa. Trong lúc này, Hoa Kỳ và Trung Quốc không nước nào muốn có xung đột. Nhưng nếu có hành động gây hấn của Trung Quốc trên lục địa, thì lúc đó chỉ có một mình ta đối phó với Trung Quốc. Vẫn biết là trong trường hợp đó chúng ta chẳng sợ gì họ, nhưng cũng không quên rằng tình hình bây giờ không giống như vào năm 1979, khi chúng ta phải đối đầu với họ. Lúc đó quân đội họ chưa mạnh như bây giờ. Nhưng cũng không phải vì thế mà phải khoanh tay chấp nhận cái sự đàn áp của Trung Quốc. Nếu cần thì ta vẫn phải chống lại.
RFI : Thưa Giáo sư, dù có muốn dựa hơn nữa vào Mỹ, thì về mặt lịch sử và chính trị thì Việt Nam vẫn lệ thuộc vào Trung Quốc, nhất là do quan hệ đặc biệt giữa hai đảng Cộng sản. Trung Quốc đang chuẩn bị thay đổi lãnh đạo với Đại hội Đảng cuối năm nay. Đây có phải là thời cơ để Việt Nam thoát được phần nào ảnh hưởng của Trung Quốc ?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc : Nhận định của ông là rất đúng. Đây là thời cơ rất thuận lợi để chúng ta thoát khỏi sự áp chế về mặt ý thức hệ và về mặt tổ chức đảng phái từ năm 1990, khi ở Thành Đô Đảng CS Việt Nam chấp nhận theo đúng đường lối của đàn anh Trung Quốc.
Phải lợi dụng lúc Trung Quốc đang bối rối, với nhiều chuyện cho thấy là trong lòng chế độ Trung Hoa đang lủng củng, rối ren, như vụ luật sư mù Trần Quang Thanh, hay vụ Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh. Những vụ đó chứng tỏ là giữa cấp trung ương với cấp tỉnh có nhiều mâu thuẫn, có những phe phái đang xung đột nhau, tranh giành nhau quyền lợi.
Những rối ren đó khiến Đảng CS Trung Quốc trong lúc này chưa dám, hay chưa rảnh tay đối phó với Việt Nam. Ngay cả Bắc Triều Tiên Trung Quốc vẫn chưa nắm được. Họ đang lúng túng thì chúng ta phải lợi dụng thời cơ để lấy lại quyền độc lập, để gạt bỏ hai sự ràng buộc về ý thức hệ và cũng như ràng buộc về Hiến pháp. Thời cơ này không kéo dài đâu.
Nếu ta tưởng rằng có thể chờ đợi tình hình Trung Quốc rối ren hơn nữa, thì điều đó nguy hiểm lắm. Một khi họ đã thỏa hiệp được với nhau trong Đại hội Đảng đó, đã ổn định được tình hình, thì bấy giờ họ sẽ rảnh tay để đối phó với ta. Đảng CS Việt Nam lúc đó có muốn thoát khỏi sự kềm tỏa thì e rằng sẽ rất khó. Thời gian còn lại của chúng ta không nhiều đâu
RFI : Giáo sư vẫn chủ trương một nước Việt Nam trung lập để không phụ thuộc một ngoại bang nào, nhưng trong bối cảnh Đảng CS Việt Nam vẫn nắm độc quyền thì làm sao có thể đi đến quy chế trung lập đó?
Giáo sư Vũ Quốc Thúc : Người ra thường hai lẫn lộn chính sách trung lập với quy chế trung lập. Chính sách trung lập là chính sách có tính chất giai đoạn, mà bất cứ chính quyền nào cũng có thể áp dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhà cầm quyền Hà Nội từ nhiều năm nay áp dụng chính sách mà người ta gọi là đi dây giữa hai siêu cường Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cái chính sách này là chính sách giai đoạn, nước nào cũng thi hành được. Nhưng không nên lẫn lộn nó với cái mà tôi đề nghị, tức là quy chế trung lập theo quốc tế công pháp. Nó có tính chất lâu dài, nếu không muốn nói là vĩnh viễn.
Tôi vẫn luôn nêu lên tiền lệ Áo quốc. Áo quốc trước đây bị nhập vào Đức quốc xã. Nhưng sau chiến tranh, Áo quốc đã lấy lại cá tính quốc gia của mình. Nhưng lúc đó bốn cường quốc là Mỹ Anh Pháp và Liên Xô có thể chia nước Áo thành 4 phần, nhưng như thế thì mất sự thống nhất, mà lại không có độc lập.
Vì vậy, các cường quốc lúc đó phải thỏa hiệp với nhau, không còn coi đó là nơi giao tranh đẫm máu giữa đồng minh Tây phương với Liên Xô và cũng chính vì thế đã để cho nước Áo trung lập. Nhưng cũng còn có sự hiện diện của lực lượng quân sự của hai bên. Trung lập trong vòng 10 năm đã đưa đến việc trả lại toàn vẹn chủ quyền cho nước Áo. Đó là phương tiện dẫn đến sự độc lập hoàn toàn.
Nước Việt Nam muốn thoát khỏi sự đô hộ gián tiếp của Trung Quốc thì phải trung lập. Trung lập là con đường đi tới độc lập. Nhưng tôi xin nhắc lại : đây là quy chế trung lập theo quốc tế công pháp. Muốn có quy chế trung lập ấy thì phải có một hội nghị quốc tế. Khi ta chấp nhận quy chế trung lập, thì chính nhà cầm quyền Việt Nam phải cam kết không để Việt Nam được dùng làm cứ điểm cho một phe nào để đánh phe kia, chẳng hạn như để Hoa Kỳ làm cứ điểm để đánh Trung Quốc, mà cũng không để cho Trung Quốc dùng Việt Nam như một tiền đồn để ngăn chận Tây Phương.
Được hưởng quy chế trung lập như thế có nghĩa là ngoại quốc phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của mình, không chỉ trên đất liền, mà cả trên hải phận, trên các quần đảo. Cái sự bảo đảm này coi như là phần đền bù cho việc chúng ta cam kết không đứng về phe nào.
Nhiều người hoài nghi cái sự bảo đảm quốc tế ấy thì cũng đúng thôi, bởi vì một nước nào cứ hung hăn, nhất định đi xâm lấn nước khác thì nó chẳng nề hà gì. Nhưng mà ít nhất trước khi dùng đến binh, thì ta phải dùng đến lễ. Đằng nào chúng ta cũng phải dùng phương pháp ngoại giao. Mà cho dù có đánh nhau đi nữa, thì cũng phải kết thúc bằng thương lượng, tức là bằng ngoại giao.
Như vậy, ngay từ đầu chúng ta phải cố vận động trên trường ngoại giao. Hiện thời Việt Nam tham gia nhiều tổ chức quốc tế lắm. Tại sao lại không lợi dụng những diễn đàn quốc tế đó để vận động quốc tế công nhận chúng ta là một nước trung lập vĩnh viễn?
Cam Bốt ngay từ năm 1992, tuy vẫn thuộc ảnh hưởng Việt Nam, nhưng đã ghi trong Hiến pháp một điều khoản khẳng định Cam Bốt là một nước trung lập. Cam Bốt đã dám làm, thế thì tại sao chúng ta lại cứ sợ đàn anh Trung Quốc? Đằng sau có ẩn tình gì hay không? Tôi xin chính thức nêu vấn đề đó để sau này các nhà viết sử xét thấy đó có phải là một tội nặng với dân tộc hay không?
Quốc gia Việt Nam đâu có phải chỉ là quyền sở hữu của một đảng? Nên nhớ rằng chính cái đảng đó đã coi mình như là đại diện cho nhân dân mà thôi. Tai sao cứ luôn lẫn lộn Đảng là Nhà nước, Đảng là nhân dân? Cứ nhập nhoạng dựa vào Hiến pháp để nắm độc quyền lãnh đạo, rồi hiểu cái độc quyền lãnh đạo đó một cách trái với tinh thần dân chủ. Người ta có thể lãnh đạo về đường lối, về chính sách, nhưng quyền cai trị thật sự phải là của dân. Trong cuộc tuyển cử nào, nếu thật sự Đảng CS Việt Nam được lòng dân, thì vẫn nắm được đa số.
Nhưng không phải nắm được đa số là nắm độc quyền lãnh đạo. Tinh thần dân chủ có nghĩa là các tổ chức, các hội đoàn, các tôn giáo, nói chung là các tổ chức của nhân dân, đều ngang hàng nhau. Nếu không chỉ là vỏ dân chủ thôi. Nếu chúng ta có can đảm đi đến độc lập thật sự, trung lập thật sự, thì cũng phải có can đảm gạt bỏ những ảo tưởng được xây dựng nên bởi danh từ đã bị lạm dụng đó.
RFI : Xin cám ơn Giáo sư Vũ Quốc Thúc.
Nguồn: RFI Tiếng Việt
 
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

CHIỀU HƯỚNG CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO CỦA MỸ VÀ

XU THẾ PHÁT TRIỂN QUAN HỆ TRUNG-MỸ

Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ hai, ngày 14/5/2012
(Tạp chí “Thế giới đương đại ” – Trung Quốc)
Một năm trở lại đây, sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kết thúc, kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao không giảm. Trước bối cảnh đó, về mặt ngoại giao, Tổng thống Obama giữ lời hứa trong bầu cử, vào ngày 31/8/2010, tuyên bố kết thúc hoạt động tác chiến của quân đội Mỹ tại Irắc và sẽ rút toàn bộ quân đóng tại Irắc vào cuối năm 2012. Theo sau đó là Hội nghị NATO tháng 12/2010 quyết định NATO và quân đội Mỹ sẽ bắt đầu rút quân khỏi. Ápganixtan từ năm 2014. Đồng thời với xu thế kết thúc hai cuộc chiến tranh tại Irắc và Ápganixtan, Mỹ cũng đang xem xét và tìm kiếm phương hướng ngoại giao và chiến lược, an ninh của mình thời kì hậu chiến tranh Irắc, đẩy mạnh hành động “quay trở lại” và khôi phục vai trò và vị thế của mình ở các khu vực trên thế giới. Song trước mắt, trong một hai năm tới, trọng điểm chiến lược toàn cầu của Mỹ vẫn là hai cuộc chiến tranh Irắc và Ápganixtan, ngoại giao Mỹ vẫn chưa và cũng như không thể hoàn toàn tiến vào “thời kì hậu chiến tranh Irắc”.

Việc Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển và “thời kì chiến tranh Irắc” của Mỹ có xu hướng kết thúc đã khiến cho một số thế lực của giới ngoại giao và chiến lược của Mỹ bắt đầu suy nghĩ và tìm kiếm phương hướng trọng điểm của nước mình, của toàn cầu và chiến lược ngoại giao của Mỹ hậu chiến tranh Irắc. Những điều này khiến cho chiến lược ngoại giao của Mỹ đối với Trung Quốc thể hiện rõ trạng thái có nhiều thay đổi và không xác định ở mức độ nhất định về mặt tư duy chiến lược.
Chiến lược ngoại giao và an ninh của Mỹ đang chuẩn bị chuyển từ “thời kì chiến tranh Irắc” sang “thời kì hậu chiến tranh Irắc”, hướng đi đó vẫn chưa xác định
Ngày 31/8/2010, việc Mỹ kết thúc hoạt động tác chiến tại Irắc, thêm vào đó, cuối năm 2010, Mỹ và NATO đã đưa ra quyết định năm 2014 bắt đầu rút quân ra khỏi Ápganixtan, chứng tỏ chiến lược toàn cầu đầu thế kỉ 21 của Mỹ đang hướng tới “thời kì hậu chiến tranh Irắc” hoặc “thời kì hậu chiến tranh Irắc-Ápganixtan”. Chính quyền Obama và Đảng Dân chủ có ý đồ kết thúc hai cuộc chiến tranh và chiến lược ngoại giao, an ninh Mỹ do họ chủ đạo nhưng đến nay họ vẫn chưa có cách nào thực hiện được. Mỹ vẫn chưa thực sự bước vào thời kì chiến lược mới, chỉ là tính đến và chuẩn bị chiến lược toàn cầu và ngoại giao Mỹ “‘thời kì hậu chiến tranh Irắc ở một vài mặt nào đó.
Trong năm đầu tiên tranh cử và cầm quyền, Obama đã xây dựng cho mình một hình tượng hoàn toàn không giống Bush và phái bảo thủ mới của Đảng Cộng hòa; Đối mặt với những tổn hại nghiêm trọng đến hình tượng quốc tế và quan hệ ngoại giao Mỹ do chiến tranh Irắc mang lại, Chính quyền Obama và Đảng Dân chủ trong năm đầu tiên cầm quyền đã thi hành các chính sách ‘‘ngoại giao sức mạnh thông minh”, “ngoại giao lắng nghe ’ và “ngoại giao mỉm cười”. Obama, Biden, Hillary v.v… hầu như liên tục đến thăm rất nhiều nước châu Âu, châu Á, Trung Đông, châu Phi, Khu vực Mỹ La-tinh, đến đâu cũng có thái độ nhượng bộ, lắng nghe, khiêm tôn, thân thiện, nhằm cải thiện những tổn hại nghiêm trọng về hình tượng và quan hệ đối ngoại của Mỹ trong thời kỳ Bush. Có thể nói, những hành động ngoại giao “khôi phục hình tượng và quan hệ đối ngoại của Mỹ” trong năm đầu tiên của Chính quyền Obama đã thực hiện được những mục tiêu ban đầu. Hình tượng quốc tế của Mỹ đã được khôi phục khá nhiều, quan hệ của Mỹ với các nước trên thế giới như liên minh, Hồi giáo… đã có phần cải thiện, cơ bản đã trở về thời kì và trạng thái trước chiến tranh Irắc.
Nhìn bề ngoài có thể thấy mục đích chính của ngoại giao Mỹ trong năm đầu tiên Obama cầm quyền là “cải thiện và khôi phục hình tượng nước Mỹ và quan hệ đối ngoại”; ngoại giao Mỹ trong năm cầm quyền thứ 2 của ông là tiếp tục nhắc lại việc “khôi phục và duy trì vị thế và ảnh hưởng của Mỹ”. Sau khi cơ bản đã thực hiện được mục tiêu ngoại giao của năm đầu tiên, từ năm 2010 đến nay, ngoại giao Mỹ đã áp dụng “thế tiến công”, bắt đầu can thiệp ngày càng nhiều vào các công việc của khu vực và quốc tế, theo đuổi “sự quay trở lại” các khu vực trên thế giới, nâng cao vị thế và ánh hưởng của Mỹ trên toàn cầu. Để thực hiện được mục tiêu chiến lược này, Mỹ đã không ngần ngại lựa chọn cách “thách thức” thậm chí đối kháng cục bộ.
Từ năm 2010 trở lại đây, Mỹ rõ ràng đã đẩy nhanh tiến độ “quay trở lại” Đông Nam Á và toàn châu Á. Mỹ đã mượn “Biển Đông”, “sự kiện tàu Cheonan”, “sự kiện đào Yeonpyeong” và “bất ổn tại nước Cộng hoà Cưrơgưxtan” đế mở rộng ảnh hưởng của mình ở châu Á, củng cố quan hệ với các nước đồng minh, tăng cường quan hệ với các nước châu Á như Đông Nam Á, đối phó và ngăn chặn những ảnh hưởng và vị thế ngày càng cao của Trung Quốc ở châu Á. Tại Trung Đông, Mỹ lại lần nữa sắp xếp ván cờ “Thúc đẩy đàm phán hòa bình Trung Đông”, tổ chức Hội nghị cấp cao Palextin và Ixraen, với ý đồ để thúc đẩy Đàm phán hòa bình Trung Đông giành được tiến triển. Mỹ còn gây thêm sức ép và uy hiếp đối với Iran. Gần đây, Mỹ đã tăng cường can dự vào các công việc của các nước Bắc Phi và Trung Đông như Libi, lại một lần nữa áp dụng hành động quân sự.
Cho dù Mỹ có thể hoàn toàn rút quân và thoát khỏi Irắc và Ápganixtan, trọng điểm của chiến lược toàn cầu trở về tình hình truyền thống là đối phó với các nước địa chính trị khác, cũng khác với việc Mỹ tất nhiên hoặc có thể đối phó với các cường quốc mới nổi lên như Trung Quốc, Nga như đối phó với Liên Xô và Trung Quốc thời kì Chiến tranh Lạnh. Vì tình hình quốc tế đã nảy sinh những thay đổi cơ bản, thế giới dần hướng tới toàn cầu hóa, đa cực hóa, dân chủ hóa và phụ thuộc lẫn nhau, những nước lớn như Trung Quốc chủ yếu quan tâm đến phát triển, không tranh giành thế giới và mở rộng ý thức hệ với nước Mỹ. Do đó, Mỹ sẽ không vì những lợi ích, ý chí, điều kiện và năng lực vốn có mà cô lập, ngăn chặn các cường quốc khác trên thế giới giống như thời Chiến tranh Lạnh, đối kháng toàn diện với các cường quốc khác. Toàn cầu hóa, đa cực hóa, đa phương hóa, dân chủ hóa, phụ thuộc lẫn nhau, sự phức tạp hóa của tình hình toàn cầu hóa và quan hệ giữa các nước đã hình thành nên hạn chế đối với tất cả các lực lượng và quốc gia trên thế giới, không một nước nào được phép tùy ý hành động, kể cả Mỹ-cường quốc hùng mạnh nhất-cũng không ngoại lệ. Hơn nữa, các cường quốc khác cũng có khả năng tạo dựng quan hệ đối ngoại và quan hệ với Mỹ, một mình Mỹ không thể quyết định toàn cục quan hệ quốc tế và mối quan hệ với các nước lớn khác. Kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Mỹ của Chủ tịch Hồ cẩm Đào tháng 1/2011, Mỹ đã đồng ý cùng Trung Quốc thiết lập và phát triển mối “quan hệ đối tác hợp tác”.
Trong tình hình ngoại giao chuẩn bị chuyển hướng, ngoại giao Mỹ đối với Trung Quốc vẫn bộc lộ trạng thái và xu hướng có tính hai mặt
Trọng điểm chiến lược toàn cầu của Mỹ “thời kì hậu chiến tranh Irắc” sẽ chuyển sang hướng nào? Trong bài phát biểu chính thức kết thúc hành động tác chiến của Mỹ tại Irắc ngày 31/8/2010, Tổng thống Obama đã bày tỏ rõ: chiến tranh Irắc đã tiêu tốn quá nhiều tài nguyên và tinh lực của nước Mỹ, bây giờ đã đến lúc chuyển những tài nguyên và tinh lực đó vào trong nước, chấn hưng nền kinh tế và thực lực của nước Mỹ. Nếu Mỹ thật sự có thể chuyển trọng điểm chiến lược quốc gia, tài nguyên và sức chú ý vào các công việc trong nước, đây là việc tốt đối với nước Mỹ và thế giới. Vấn đề là Mỹ, bao gồm cá nhân Obama có làm được điều này không? Hơn 60 năm lịch sử sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã minh chứng, sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Mỹ chưa từng hoàn toàn đặt trọng điểm chiến lược vào trong nước, Mỹ chưa và cũng không thể thay đổi cũng như từ bỏ mục tiêu chiến lược khu vực nhà nước và toàn cầu trong việc “lãnh đạo thế giới”. “Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia” mà Mỹ công bố trong mấy chục năm lại đây đã chứng minh rõ điều này.
Do đó, tình hình thực tế về ngoại giao giữa Irắc, Ápganixtan và Mỹ quyết định, trong một hai năm, Mỹ không thể hoàn toàn thực hiện được sự thay đổi chiến lược sang “thời kì hậu chiến tranh Irắc”, vẫn chưa thể thực sự kết thúc “thời kì Irắc” của chiến lược ngoại giao và an ninh sau khi Mỹ bước vào thế kỉ 21, cũng có thể nói, chưa thể khẳng định Trung Quốc hiện nay, thậm, chí trong vài năm tới nhất định sẽ trở thành mục tiêu và đối tượng trọng điểm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Đồng thời, cục diện quan hệ Trung-Mỹ và thế giới thời kì gần đây cho thấy Trung Quốc ngày càng không còn là “bên tiếp nhận” trong việc bố trí chiến lược, mà đồng thời cũng là “bên tạo dựng” chiến lược. Những tình hình này nói lên rằng Trung Quốc hiện tại và trong tương lai cũng có năng lực và điều kiện nhất định để tô tạo chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc và toàn cầu, cũng như ảnh hưởng đến tính chất và xu hướng chiến lược ngoại giao của Mỹ đối với Trung Quốc và toàn cầu.
Có thể dự đoán, những vấn đề mới và cũ còn tồn tại trong chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc và trong quan hệ hai nước sẽ có phần gia tăng, một số mâu thuẫn và bất đồng trong thương mại, tỷ giá hối đoái sẽ tăng lên, nhưng chiến lược của Mỹ với Trung Quốc không thể nảy sinh những thay đổi cơ bản, ngoại giao nội chính Mỹ vẫn không đủ điều kiện để có những thay đổi lớn trong chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc và trong quan hệ Trung-Mỹ. Sự phát triển của Trung Quốc, và ngoại giao nội chính Mỹ cũng chưa dẫn đến tình hình là Mỹ trong thời gian tới phải thay đổi chiến lược của mình với Trung Quốc và quan hệ Trung-Mỹ. Cũng có thể nói, tình hình chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc và quan hệ Trung-Mỹ sau Chiến tranh Lạnh cũng không vì những thay đổi của ngoại giao nội chính Mỹ năm 2011 mà biến đổi, trong một hai năm tới khả năng thay đổi cũng không lớn.
Hiện tại và thời gian tới, chiến lược của Mỹ với Trung Quốc và quan hệ Trung-Mỹ có một số mặt tích cực và tiêu cực tồn tại lâu nay sẽ có thể tiếp tục tồn tại và phát triển; cùng với sự phát triển không ngừng của Trung Quốc, trong một số lĩnh vực mới nổi, những mâu thuẫn và bất đồng giữa Mỹ gặp khó khăn, bất đồng chính trị nghiêm trọng và ngoại giao đang chuẩn bị chuyển hướng.
Đồng thời, kết quả bầu cử giữa kì của Mỹ khiến cho bất đồng về mặt nội chính và ngoại giao trong nước, đặc biệt là giữa quốc hội và tổng thống càng trầm trọng hơn, khiến cho khả năng Quốc hội và Chính phủ Mỹ cùng chung một lập trường trong vấn đề nội chính và ngoại giao thấp đi. Việc điều hành công việc nội chính khó khăn sẽ khiến Tổng thống Obama dành nhiều thời gian và công sức cho công tác ngoại giao để xử lý mối quan hệ với các quốc gia khác và giải quyết các vấn đề quốc tế, giành được nhiều thành tích ngoại giao hơn. Có thể nói, những việc trên tương đối có lợi cho quan hệ Trung-Mỹ trong hai năm tới. Do quan hệ cơ bản trong hai năm tới của Chính quyền Obama và Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện là quan hệ đối lập và đối kháng, họ sẽ tiến hành đấu tranh và đối kháng về nhiều vấn đề, mà lĩnh vực đối kháng của họ chủ yếu là vấn đề trong nước, bao gồm quan niệm và giá trị. Trong phần lớn các lĩnh vực, hai Đảng, Quốc hội và Nhà Trắng Mỹ sẽ không lựa chọn những sách lược mang tính đối kháng với Trung Quốc. Cuộc bầu cử giữa kì của Mỹ kết thúc ngày 3/11/2010 đã cho thấy rõ việc tập trung vào những vấn đề Trung Quốc và quan hệ Trung- Mỹ sẽ không tăng thêm điểm cho các chính trị gia.
1/Quốc hội và Chính phủ Mỹ vẫn sẽ mượn vấn đề kinh tế-thương mại và tỷ giá của đồng nhân dân tệ để gây áp lực cho Trung Quốc
Kinh tế trong nước khó khăn khiến cho Quốc hội và Chính phủ Mỹ tăng cường lời lẽ và hành động gây sức ép cho Trung Quốc về vấn đề kinh tế-thương mại và tỷ giá hối đoái, nhưng sau bầu cử giữa kỳ, những bất đồng về vấn đề này trong nội bộ Quốc hội, giữa Quốc hội và Chính phủ có thể tăng thêm, tính khả năng nhất trí trong hành động thấp.
Tình hình trong nước khó khăn, tranh chấp gia tăng, Mỹ khó mà lựa chọn được phương pháp hiệu quả để thay đổi cục diện, việc chuyển hướng ra bên ngoài tìm kiếm nguyên nhân và đột phá là cách làm truyền thống của Mỹ. Đối mặt với tình hình kinh tế liên tục ảm đạm và không có cách nào thay đổi khó khăn trong nước, Quốc hội, Công đoàn và một số doanh nghiệp Mỹ đã coi việc bảo hộ thương mại và nâng giá đồng nhân dân tệ là một trong những con đường giải quyết vấn đề kinh tế Mỹ. Điều này càng tăng thêm sức ép cho Chính phủ Mỹ và Trung Quốc.
Trước bầu cử giữa kỳ năm 2010, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết yêu cầu tăng giá đồng nhân dân tệ, Thượng viện vì gần sát bầu cử nên chưa tiến hành biểu quyết dự thảo nghị quyết này. Ngày 16/3/2011 Thượng nghị sĩ bang Niu Yoóc Mỹ, Charles Schumer, đã công bố phiên bản mới về “dự luật Schumer”, khởi động chương trình lập pháp, lại một lần nữa tạo sức ép với Trung Quốc, về vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ. Chủ tịch Liên minh Tiền tệ công bằng Mỹ (FCQ, ông Charles Blum, trước đó tiết lộ, nghị sĩ Quốc hội chuẩn bị cùng gửi thư lên Tổng thống Obama, thúc giục ông gây sức ép đối với Trung Quốc về vấn đề tỷ giá hối đoái, hơn nữa, thư yêu cầu là chữ kí của hàng trăm nghị sĩ hai viện.
Từ tình hình trên có thể thấy, không thể gạt bỏ việc Thượng viện sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề đồng nhân dân tệ, thậm chí thông qua dự luật. Nếu hai viện đều thông qua dự luật về đồng nhân dân tệ thì khả năng phê duyệt của Tổng thống Obama là rất lớn, bởi vì Obama không giống như Bush, là người có nhận thức và lập trường vững chắc trong quan hệ Trung-Mỹ, có thể đối mặt một cách kiên định trước quyết định của Quốc hội khi đó về vấn đề đãi ngộ tới huệ quốc. Đồng thời, nói về quan hệ Trung-Mỹ, hiện tại trong nước Mỹ cũng thiếu sự ủng hộ và bảo vệ từ giới doanh nghiệp hoặc các lực lượng khác.
Tuy nhiên, dù cho hai viện của Quốc hội đều thông qua, và Tổng thống Obama cũng đã ký nghị quyết về tỷ giá đồng nhân dân tệ, cũng không có nghĩa là không thể tránh được xung đột toàn diện trong quan hệ thương mại Trung-Mỹ và quan hệ giữa hai nước. Do đó nghị quyết Quốc hội chỉ là trao quyền cho tổng thống áp dụng hành động tương ứng, chứ không yêu cầu tổng thống áp dụng hành động toàn diện. Với tình hình này, tổng thống Obama và Chính phủ Mỹ rất có thể sẽ từng bước áp dụng hành động ở một vài sản phẩm và lĩnh vực, chứ không cùng lúc áp dụng hành động ngăn chặn đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ bằng cách nâng cao thuế quan, điều này có thể ảnh hưởng đến thương mại vài trăm triệu, hơn một tỷ hoặc có thể đến vài tỷ USD. Đương nhiên, Tổng thống và Chính phủ Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm sức ép đối với Trung Quốc về vấn đề tỷ giá hối đoái.
2/ Những lo lắng và ứng phó của Mỹ đối với thực lực, đặc biệt là thực lực quân sự và sự đẩy mạnh các hoạt động của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng
Cùng với Sự phát triển liên tục của Trung Quốc, thực lực kinh tế, quân sự và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc đều tiếp tục nâng cao, tuy về tổng thể dòng chính trong chính sách Mỹ vẫn chưa coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là những thách thức và mối đe dọa đối với Mỹ, nhưng trên thực tế họ xác định mối quan hệ Trung-Mỹ là mối quan hệ cạnh tranh, Trong nước Mỹ có rất nhiều dư luận tỏ ra lo lắng và cảnh giác đối với sự phát triển hiện đại hóa quân sự Trung Quốc, trên cơ sở đó có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc, trong đó phần lớn là dư luận từ phía quân đội, Nhưng trong đó cũng không thiếu những lời kêu gọi lý trí và nhìn nhận một cách bình tĩnh tình hình khó khăn của mối quan hệ Trung-Mỹ. Từ những tuyên bố nhiều lần của Nhà Trắng và phát biểu của Obama có thể thấy, về tổng thể, hai bên Trung-Mỹ đều đang cố gắng kiểm soát tình hình xấu, cố gắng ngăn chặn những tình hình xấu làm tổn hại và phá hoại toàn cục quan hệ Trung-Mỹ.
Từ năm 2000 trở lại đây, việc trình Quốc hội báo cáo hàng năm về tình hình sức mạnh quân sự Trung Quốc đã trở thành thông lệ của phía quân đội Mỹ. Một mặt, Lầu Năm Góc thừa nhận sự hiện đại hóa quân sự Trung Quốc phản ánh sự trỗi đậy của Trung Quốc với tư cách nước lớn trên toàn cầu, nhưng đồng thời cũng lo lắng Trung Quốc có thể trở thành đối thủ cạnh tranh lợi ích của Mỹ tại Thái Bình Dương; lo lắng sức mạnh quân sự Trung Quốc “không minh bạch” ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực quan trọng này, sự phát triển kĩ thuật quân sự Trung Quốc có thể gây cản trở cho hoạt động của Mỹ tại các cửa ngõ chính của Trung Quốc và vùng biển quốc tế Tây Thái Bình Dương.
Nhưng so với những năm trước, báo cáo năm 2010 đã xuất hiện những thay đổi nhỏ. Báo cáo này vốn định đưa ra vào tháng 3 năm đó, nhưng thời gian chính thức ra mắt đã lùi lại khoảng 5 tháng. Báo cáo hàng năm có tên gọi “Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc”, nhưng tiêu đề năm 2010 lại là “Phát triển quân sự và an ninh của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Ngoài ra, trong báo cáo năm 2010, quân đội Mỹ cho rằng 10 năm qua, Trung Quốc đã tăng nhanh tiến độ chuyển biến, quân lực đã phát triển đủ mạnh để ảnh hưởng đến những vụ việc diễn ra bên ngoài Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc hiện nay có thể đưa ra những đóng góp cho việc nỗ lực gìn giữ hòa bình thế giới, viện trợ nhân đạo và tấn công cướp biển, về vấn đề này, Mỹ tỏ ra hoan nghênh và mong muốn hợp tác phát triển hơn nữa.
“Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”, “Thuyết về sự thù địch từ Trung Quốc” vẫn tiếp tục tồn tại trong đảng cầm quyền và đảng đối lập của Mỹ, thậm chí có lúc trở thành trào lưu chính của một số ngành trong chính phủ và cách nhìn nhận của Quốc hội; nhưng lực lượng chủ yếu trong chính sách ngoại giao Mỹ mà những người đứng đầu là tổng thống, ngoại trưởng, trợ lý các công việc an ninh quốc gia tổng thống thì vẫn chưa coi Trung Quốc là đối thủ và thù địch. Họ vẫn có ý đồ giành được sự ủng hộ và hợp tác của Trung Quốc trong các công việc khu vực và quốc tế, vẫn lựa chọn chính sách hai mặt “tiếp xúc và phòng ngừa” đối với Trung Quốc từ sau Chiến tranh Lạnh kéo dài cho đến nay. Chưa có dấu hiệu rõ ràng nào chửng tỏ nhận thức và chính sách của lãnh đạo và quan chức cấp cao Chính phủ Mỹ như Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Hillary đối với Trung Quốc nảy sinh những thay đổi quan trọng khác với năm đầu tiên cầm quyền.
3/ Sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á không ngừng tăng cường, kế hoạch “quay trở lại châu Á” của Mỹ làm gia tăng cạnh tranh và mâu thuẫn với Trung Quốc
Cùng với sự phát triển kinh tế Trung Quốc, ảnh hưởng về mặt phát triển kinh tế tại châu Á tăng lên rõ ràng, Trung Quốc đã thay thế Mỹ và Nhật Bản trở thành động lực chính trong tăng trưởng kinh tế châu Á, đối tác thương mại chính và thị trường xuất khẩu chủ yếu của đa số các nước và khu vực châu Á. Sức ảnh hưởng chính trị của Mỹ về các mặt ý thức hệ, dân chủ, nhân quyền, phương thức phát triển, v.v. tại châu Á giảm rõ rệt so với 10 năm trước, Mỹ đã không còn là nơi đầu tư và thị trường lớn nhất trong việc xuất khẩu những sản phẩm của rất nhiều nước và khu vực châu Á, vị thế kinh tế và ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á giảm rõ rệt.
Chính quyền Obama cảm thấy lo lắng đối với sự thật và xu hướng là vị thế và ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á đang được nâng cao, còn vị thế và ảnh hưởng của Mỹ lại hạ xuống. Họ hạ quyết tâm lựa chọn hành động ứng phó với xu thế phát triển bất lợi này cho Mỹ, Bắt đầu từ cuối năm đầu tiên cầm quyền, Chính quyền Obama đã từng bước lựa chọn hành động ứng phó với sự tăng lên của sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á. Cụ thể là: (1) Tỏ rõ, sự nhất thể hóa khu vực châu Á-Thái Bình Dương không thể trả giá cho việc làm yếu đi sức ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này; (2) Gia nhập và đẩy nhanh tiến trình Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Trung Quốc không tham gia, cố gắng trở thành hội viên của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS); (3) Gia nhập “Hiệp ước hợp tác và thân thiện Đông Nam Á”, tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đối thoại hàng năm giữa Mỹ và ASEAN (1+10); (4) Thông qua các vấn đề “sự kiện tàu Cheonan”, “sự kiện đảo Yeonpyeong”, “đảo Điếu Ngư” để lựa chọn đứng về phía Nhật-Hàn vô điều kiện, tăng cường quan hệ liên minh với Nhật-Hàn; (5) Lợi dụng “vấn đề biển Đông”, gây chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, khiến cho về vấn đề an ninh, các nước này phải đề phòng Trung Quốc, cần đến Mỹ, đứng về phía Mỹ.
Thực chất chiến lược “quay trở lại châu Á” của Chính quyền Obama là mưu tính duy trì vị thế và vai trò chủ đạo truyền thống của Mỹ tại châu Á. về cách làm, Mỹ không thể giống như trước đây, chỉ thiên về đem lại ý thức hệ và quan niệm giá trị, cung cấp thị trường và vốn cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hiện nay, để duy trì vai trò chủ đạo tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ cần dựa vào sức mạnh quân sự của mình nhiều hơn, dựa vào vấn đề an ninh, dựa vào việc mâu thuẫn và tranh chấp giữa Trung Quốc với một vài nước châu Á.
4/ Trong quan hệ Trung-Mỹ, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục lợi dụng và can dự vào vấn đề Đài Loan và Tây Tạng
Cùng với sự cải thiện và ấm lên của quan hệ hai bờ, những tổn hại trong quan hệ Trung-Mỹ về vấn đề Đài Loan đã giảm đi, nhưng vấn đề này chưa hoàn toàn xóa bỏ, đôi khi vẫn xuất hiện trong quan hệ Trung-Mỹ. Dự tính Mỹ vẫn sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, duy trì việc tiếp xúc quân sự và chính thức với Đài Loan, có lúc việc tiếp xúc, thăm hỏi giữa các cấp cũng gia tăng. Nhưng mấy chục năm lịch sử đã chứng minh, về quan hệ chính thức với Đài Loan, Mỹ vi phạm 3 thông cáo chung tương đối ít. Trọng điếm từ nay về sau vẫn sẽ là ngăn chặn và phản đối việc Mỹ bán trang thiết bị vũ khí tiên tiến, hạng nặng cho Đài Loan, về vấn đề can thiệp vào Tây Tạng và Tân Cương, phản ứng của Chính phủ Mỹ đối với sự kiện “14/3” và “5/7” xuất hiện hai năm gần đây khá ôn hòa. Điều này chứng tỏ, so với những năm 90 của thế kỉ trước, vị thế và vai trò của Mỹ trong chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc và quan hệ Trung-Mỹ về vấn đề dân chủ, nhân quyền can thiệp Tây Tạng đã hạ xuống tương đối, tính đối kháng đối lập về vấn đề này giữa hai nước đã yếu đi.
5/ năm 2010, quan hệ Trung-Mỹ gặp nhiều trở ngại hơn, tranh chấp không ngừng, nhưng tình hình và bố cục của quan hệ Trung-Mỹ sau Chiến tranh Lạnh không có sự thay đổi, nhận thức và chiến lược tổng thể của Mỹ với Trung Quốc chưa xuất hiện thay đổi lớn
Phần lớn những vấn đề tồn tại trong quan hệ Trung-Mỹ năm 2010 là vấn đề Đài Loan, can thiệp Tây Tạng v.v… Bên cạnh đó,  cho dù tranh chấp trong quan hệ Trung-Mỹ năm 2010 gia tăng, Mỹ cũng chưa thay đổi chính sách tiếp xúc với Trung Quốc. Tháng 5/2010, chiến lược Trung-Mỹ và đối thoại kinh tế đã giành được tiến triển; tháng 9 cùng năm, phó Trợ lý các công việc an ninh quốc gia của tổng thống và Chủ tịch Ủy ban kinh tế của tổng thống Mỹ đã đến thăm Trung Quốc; Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Tổng Thống Obama đã có cuộc đàm phán tại Niu Yoóc, hai bên đã đạt được thỏa thuận Chủ tịch HỒ Cẩm Đào đến thăm Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thăm Trung Quốc v.v. Tất cả những điều này cho thấy kết cấu và tình hình quan hệ Trung-Mỹ năm 2010 không có những thay đổi cơ bản.
Đồng thời, cùng với sự trỗi dậy và các hoạt động liên quan của Trung Quốc gia tăng, đặc biệt là việc phát triển sức mạnh quân sự, sự gia tăng các hoạt động ở Tây Thái Bình Dương, .khiến cho quân đội Mỹ vốn quen với những hoạt động thông suốt, không gặp trở ngại từ mấy chục năm nay cảm thấy “không thuận tiện”, bị “quấy nhiễu” và “đe dọa” tất nhiên Mỹ sẽ có những phản ứng và đối phó. Việc Mỹ lợi dụng sự tranh cãi giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á với Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ, lãnh hải và tài nguyên để lôi kéo các nước châu Á, cùng nhau đối phó với sự gia tăng hoạt động và trỗi dậy của Trung Quốc đã trờ thành sách lược và phương pháp duy trì vị thế, vai trò và lợi ích của Mỹ tại châu Á.
Chiến lược “quay trở lại châu Á” mà dựa vào quân sự là chính của Mỹ đã đem lại nhiều mâu thuẫn và bất đồng mới, thậm chí dẫn đến nguy cơ đối kháng quân sự mới trong quan hệ Trung-Mỹ. Đối với việc hiện diện quân sự và hoạt động tương quan của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chúng ta cần nhận thấy, tuy điều đó đã tạo thành mối đe dọa nào đó đối với lợi ích an ninh Trung Quốc, nhưng không phải là sự đối khang và thách thức trực tiếp với nước này. Động cơ và mục đích chính trong thái độ và hành động của Mỹ về các vấn đề biển Đông, tập trận chung ở biển Hoàng Hải, đảo Điếu Ngư vẫn là lôi kéo các nước châu Á, chứ không phải chỉ nhằm vào Trung Quốc.
Lời kết
Sự tranh chấp về vấn đề biển Đông giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ từ năm 2010 trở lại đây lại một lần nữa cho thấy trong rất nhiều tình huống, Mỹ và Trung Quốc không thể tránh khỏi mâu thuẫn, và xung đột khi theo đuổi lợi ích quốc gia của riêng mình. Do đó, trong tương lai, những xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương như vấn đề biển Đông vẫn sẽ không ngừng xảy ra, song phía Mỹ cũng hy vọng hai nước có thể thông qua “cơ chế đối thoại an ninh trên biển” để có thể kiềm chế những bất đồng giữa hai bên trong phạm vi có thể kiểm soát.
Cùng với việc không ngừng tăng cường thực lực tổng thể của Trung Quốc, cạnh tranh giữa các nước trên thế giới ngày càng gay gắt, tranh chấp về thương mại và tỷ giá hối đoái sẽ tồn tại lâu dài. Biện pháp giải quyết căn bản vẫn là ở chỗ Trung Quốc thực hiện sự thay đổi phương thức phát triển của bản thân, giảm thiểu sự phụ thuộc của nền kỉnh tế Trung Quốc vào thị trường Mỹ, và thực sự cần thực hiện phướng thức đó là vì muốn thúc đẩy nhu cầu trong nước phát triển. Chỉ cần giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ tồn tại vấn đề thương mại mất cân bằng nghiêm trọng, Quốc hội và Chính phủ Mỹ sẽ không dừng lại ở việc phê phán và gây áp lực đối với Trung Quốc về vấn đề thương mại và tỷ giá hối đoái.
Lập trường và hành động của Mỹ về các vấn đề đảo Điếu Ngư, tranh chấp biển Đông, tập trận chung ở biển Hoàng Hải v.v…cho đến nay đã tạo thành mối đe dọa và thách thức bất  định đối với Trung Quốc, nhưng cũng vẫn chưa hình thành sự thù địch và đối kháng về những vấn đề này giữa hai nước, Lập trường phía Mỹ có một số thay đổi mới, một mặt nhằm vào Trung Quốc, nhưng chủ yếu vẫn là xuất phát từ nhu cầu gìn giữ mối quan hệ liên minh, giữ vững vị thế và ảnh hưởng của nó ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mặt khác nhằm vào Trung Quốc chỉ là lý do thứ 2. Do đó, phải coi trọng cao độ và giải quyết ổn thỏa những mâu thuẫn, bất đồng và đối lập này, nhưng cũng phải tiến hành khống chế và quản lý, đề phòng nó tạo thành sự quấy rối và phá hoại nghiêm trọng đối với tình hình chung của quan hệ Trung-Mỹ và toàn cục chiến lược của Trung Quốc./.
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét