Từ Trung Đông tới Biển Đông
Chuyện tuần này tại các phòng tin ở London đang chuyển nhanh từ Libya sang Syria.
Cùng thời gian, Trung Quốc và Việt Nam hẹn nhau bàn tiếp về
lãnh thổ và lãnh hải trong bối cảnh lãnh đạo hai nước đều
bị sức ép của dư luận.Dù không liên quan, Trung Đông và Biển Đông vẫn làm nổi bật lên điểm yếu của cả Trung Quốc và Việt Nam.
Trước hết về Trung Quốc, nước đang bị thiệt vì không rõ ràng trong ngoại giao với Libya.
Báo chí Trung Quốc nói nước họ ít có cơ hội phục hồi lại các hợp đồng tổng trị giá trên 20 tỷ USD ký với Libya thời Gaddafi.
Trung Quốc luôn nêu nguyên tắc “không can thiệp” ở Bắc Phi nhưng vì có nhiều quyền lợi kinh tế nên chẳng thể đứng ngoài chính trị khu vực.
Cùng lúc, cách can dự nào cũng khó, vì ủng hộ Phương Tây ‘thay đổi thể chế’ là chuyện Trung Quốc không thể làm, mà hỗ trợ các chế độ đang lâm nguy cũng là “mạo hiểm”, theo báo Hoàn Cầu.
Tờ báo Trung Quốc còn trích nhà nghiên cứu trong nước nói Bắc Kinh cần mở rộng quan hệ ra với nhiều giới khác nhau tại Trung Đông, kể cả tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo và đài truyền hình đầy thế lực Al-Jazeera.
Vì lâu nay, Trung Quốc chỉ làm ngoại giao theo cách truyền thống, giao lưu với các chính quyền và bỏ qua (hay coi thường?) các tác nhân xã hội và truyền thông dù họ đều quan trọng trong thời Toàn cầu hóa.
Trong chiến sự Libya, Trung Quốc vẫn kêu gọi “đối thoại” khi hai phe nổi dậy và quân Gaddafi đã dùng súng cao xạ nã vào nhau, tạo cảm giác các nhà ngoại giao Trung Quốc như đang sống trong thời đại nào khác.
Tờ Minh Báo ở Hong Kong đã thấy phiền lòng phải nêu rằng Trung Quốc cử tân đại sứ sang trình quốc thư lên Tổng thống Assad hôm 28/8 khi Damascus đang bị tố cáo là bắn giết dân biểu tình, và hỏi đây có phải là sự cố chấp cứ bám vào đường lối ngoại giao kiểu cũ.
Báo Đông Phương ra ở Thượng Hải thì khuyên rằng “Trung Quốc cần trách bị các đại cường ép buộc trong vấn đề Trung Đông và cần có tiếng nói riêng nhưng cũng phải duy trì quan hệ với mọi bên trong cuộc xung đột để lo xa cho quyền lợi của mình, tránh bị sức ép”.
“Trung Quốc cần trách bị các đại cường ép buộc trong vấn đề Trung Đông và cần có tiếng nói riêng nhưng cũng phải duy trì quan hệ với mọi bên trong cuộc xung đột để lo xa, tránh bị sức ép“
Báo Đông Phương ở Thượng Hải
Đúng là trước diễn biến nhanh trên thế giới, Trung Quốc đang loay hoay chọn thế đứng trên diễn đàn quốc tế nhưng còn rất bị động.
Cũng vì thế, khó có thể tin rằng cách Trung Quốc nêu vấn đề Biển Đông thuyết phục được dư luận chung.
Bất kể báo chí Trung Quốc và khu vực nói gì, truyền thông Âu Mỹ đã từ lâu nay nghi ngờ các đòi hỏi của Trung Quốc về vùng biển này.
Có phải vì thờ Tôn Tử và ưa phép giữ miếng, tung hỏa mù nên trong cuộc chiến PR, Trung Quốc bị tụt lại thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi loài người chưa có Internet?
Trên thực tế, kể cả khi Trung Quốc có được sự nhượng bộ từ đàm phán song phương với Việt Nam hay Philippines, chưa chắc Hoa Kỳ và một phần dư luận quốc tế đã đồng ý.
Việt Nam chia sẻ quan điểm về tự do hàng hải ở Biển Đông vì các tính toán riêng nhưng Hoa Kỳ cũng đã nói là họ cũng sẵn sàng bảo vệ quyền hải hành ở vùng Tây Thái Bình Dương một mình, nếu cần.
Việt Nam cũng lại giống Trung Quốc ở thế bị động trước việc nhận định thực chất của các vấn đề toàn cầu.
Tại Trung Đông, làn sóng dân quyền bùng lên là có thật và các nước Âu Mỹ lao vào cũng chỉ sau khi Mùa Xuân Ả Rập đã bùng lên với hy vọng đảm bảo kết quả có lợi nhất cho mình.
Nói rộng ra thì phong trào phản đối chính quyền đang là một hiện tượng toàn cầu, bất kể thể chế gì và vùng đất nào.
Tại nền dân chủ đông dân của Ấn Độ, một ông già 74 tuổi là Anna Hazare hô hào chống tham nhũng đã thu hút hàng vạn người theo.
Tuần này, một Julius Malema ở Nam Phi làm bùng ra cuộc xuống đường đòi Đại hội Dân tộc Phi (ANC) phải cải tổ bộ máy từng là ‘cách mạng’ nhưng nay nặng về bè phái, chia chác.
Cuộc biểu tình nào, kể cả ở nước bị kiểm soát chặt như Trung Quốc cũng mang lại kết quả ít nhiều, không ở dạng này thì dạng khác.
Tin mới từ Đại Liên nói tổng giám đốc công ty hóa chất gây ô nhiễm khiến 12 nghìn người biểu tình nay đã bị cách chức và nhà nước sẽ xét việc bồi thường cho nạn nhân vụ ô nhiễm.
Thời đại tin đi nhanh khiến người dân rất dễ tụ họp và có đầy lý do để phản đối, làm nhà chức trách ở đâu cũng chỉ có hai lựa chọn: trấn áp hoặc lắng nghe.
Logic của trấn áp đi từ nhẹ đến nặng, tới mức dùng xe tăng bắn dân như ở Syria, sớm muộn cũng dẫn tới đại loạn.
Đối thoại vừa giúp nhà chính trị câu giờ, tạm thời giải toả căng thẳng và lâu dài nếu tốt ra sẽ tạo cách ‘chia sẻ giải pháp’, thực chất là dân chủ hóa.
Vì thế, việc TP Hà Nội mời nhóm trí thức chủ trì biểu tình vào đối thoại là động tác rất khôn ngoan dù chưa rõ mục tiêu lâu dài là gì.
Trước mắt, các cuộc biểu tình ở Việt Nam và dư luận mạng tại Trung Quốc rõ ràng đã và đang gây sức ép lên hai chính quyền.
Bước vào cuộc họp về biển đảo đầu tháng 9, chắc cả hai đoàn đàm phán đều hiểu họ không ở thế mạnh, cả trên trường quốc tế và với dư luận nội bộ.
Trừ khi có gì đặc biệt xảy ra trong quan hệ hai Đảng, có thể suy đoán rằng Bấm họp Ủy ban chỉ đạo Việt – Trung lần thứ năm là dịp để hai bên PR rằng họ nỗ lực làm việc.
Bởi như lời Giáo sư Trung Quốc Lâm Lý Dân nói nhân chuyến thăm của Tổng thống Philippines, Biển Đông là vấn đề phức tạp, cần giải quyết về lâu dài, không thể nào xong qua một chuyến đi.
——-
-Chính sách Trung Đông của Trung Quốc hiện nay
Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nam Phi (SAIIA) có bài viết đánh giá về chính sách Trung Đông của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay. Hiện chiến lược Trung Đông của Trung Quốc chủ yếu tập trung xoay quanh việc đảm bảo an ninh năng lượng, mở rộng thị trường tiêu dùng và cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp của nước này
Nhu
cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng gấp đôi cùng với khủng hoảng tài
chính, năng lượng và những mối quan tâm thương mại vẫn tiếp tục chi phối
mối quan hệ hợp tác của Trung Quốc với Trung Đông trong tương
lai. Theo bài viết, đánh giá về vị thế địa chính trị đang nổi lên của
Trung Quốc và những dính líu của Trung Quốc đối với thế giới Arập và
khu vực Trung Đông rộng lớn đang là chủ đề quan tâm của nhiều cường
quốc trên thế giới, trong đó có Nam Phi.
Mặc
dù có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục
duy trì đòn bảy thúc đẩy kinh tế nhằm tăng cường ảnh hưởng ngoại giao
trên trường quốc tế. Để đạt được tham vọng trở thành cường quốc và tạo
dựng ảnh hưởng tại Trung Đông, chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối
với khu vực Trung Đông tập trung vào xây dựng mối quan hệ gần gũi với
các nhân tố đóng vai trò chủ đạo tại khu vực này và để làm được điều đó,
Trung Quốc đặc biệt chú trọng quan hệ kinh tế với các nước trong khu
vực.
Những
nỗ lực của Trung Quốc nhằm can dự vào khu vực này trong những năm gần
đây đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cả chính phủ và người dân.
Nhiều chính phủ trong khu vực xem Trung Quốc như một vật cản hữu hiệu
đối với sự thống trị của Mỹ tại khu vực. Hơn nữa, nhìn nhận chung trong
khu vực có xu hướng chỉ trích nặng nề chính sách đối ngoại của Mỹ đối
với Trung Đông. Do đó, sự nổi lên của Trung Quốc trên con đường tiến vào
Trung Đông được xem như ánh hào quang, nhiều quốc gia Arập và Hồi giáo
xem Trung Quốc như quốc gia anh em. Tuy nhiên, những lý do về địa
chính trị và quan hệ về văn hóa không đủ để giải thích được sự nổi lên
của nhân tố Trung Quốc trong các vấn đề của Trung Đông. Chiến lược can
dự thành công của Trung Quốc cũng xuất phát từ sự chia sẻ giữa Trung
Quốc và các quốc gia Arập đối với các vấn đề toàn cầu lớn và việc Trung
Quốc sử dụng một cách hiệu quả sức mạnh mềm của mình trong quá trình
giải quyết vấn đề đối với các đối tác Arập.
Theo
một số báo cáo phân tích mới đây, các quốc gia Arập hiện là đối tác
thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc. Tại Trung Đông, và đặc biệt là ở
vùng Vịnh Pécxích, Trung Quốc không còn bị xem là nước chỉ cung cấp hàng
tiêu dùng giá rẻ mà là một khách hàng lớn về dầu mỏ. Kể từ khi Trung
Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ đích thực vào năm 1993, Trung Quốc
chủ trương lôi kéo Trung Đông nhằm đảm bảo nguồn tiếp cận dầu mỏ. Hiện
hơn 50% lượng dầu mỏ nhập khẩu của nước này có xuất xứ từ Trung Đông.
Cơ quan năng lượng quốc tế dự báo lượng nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc
từ Trung Đông sẽ tăng ít nhất lên 70% vào năm 2015, điều này cho thấy
triển vọng duy trì tăng trưởng kinh tế cao của Trung Quốc liên quan
chặt chẽ tới “vận mệnh” của Trung Đông.
Từ
năm 2005 trở lại đây, kể từ khi chỉ định đặc phái viên tại Trung Đông,
Trung Quốc đã nỗ lực mạnh mẽ nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình trong
các vấn đề khu vực. Đối với các quốc gia xuất khẩu dầu, Trung Quốc nổi
lên nhanh chóng từ những năm 1990 như một khách hàng lớn và một nhà đầu
tư lớn. Đối với các nước như Iran và Xyri, vốn phản đối “quyền lực Mỹ”
trong khu vực, thì quyền phủ quyết của Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an
LHQ và những nghi ngờ chung về Mỹ khiến những nước này coi Trung Quốc
như một đối tác đáng tin cậy. Bên cạnh đó, những câu hỏi về dân chủ,
nhân quyền lại không bao giờ được đặt ra trong mối quan hệ đặc biệt
này.
Ixraen
cũng tỏ ra muốn “ve vãn” Trung Quốc vì những ảnh hưởng tiềm tàng mà
nước này có được tại Trung Đông. Trung Quốc chia sẻ với Ixraen những bất
bình về tính hiếu chiến Hồi giáo. Mặc dù Trung Quốc xây dựng quan hệ
chặt chẽ với các quốc gia Arập như Iran, nhưng Ixraen, trước sự “thất
vọng” của Mỹ, vẫn coi Trung Quốc như một thị trường công nghiệp quốc
phòng quan trọng.
Quan
điểm của Trung Quốc đối với vấn đề Ixraen và Palextin Trong vấn đề
Palextin, Trung Quốc bày tỏ quan điểm ủng hộ cuộc đấu tranh giành quyền
tự quyết của người dân Palextin. Về quan hệ ngoại giao, lãnh đạo Trung
Quốc đã thực hiện nhiều chuyến thăm ngoại giao chính thức với Nhà nước
Palextin. Mối quan hệ của Trung Quốc với Palextin mang nét đặc biệt
quan trọng riêng. Mối quan hệ của Trung Quốc với Palextin là thừa nhận
tính đồng nhất quốc gia của người dân Palextin, cũng như những yêu sách
về lãnh thổ của người dân Palextin. Trên các diễn đàn quốc tế, Trung
Quốc đã thể hiện sự ủng hộ đối với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của
người dân Palextin và tiến trình hòa bình Trung Đông. Trong khi, Mỹ và
Ixraen coi Hamas là một tổ chức khủng bố thì Trung Quốc lại công nhận
quyền hợp hiến của Hamas như một đại diện hợp pháp của nhân dân
Palextin.
Đối
với Ixraen, Trung Quốc luôn phản đối việc Ixraen tiếp tục chiếm đóng
vùng đất của người dân Palextin, bao gồm cả các chính sách của Ixraen
liên quan đến việc xây dựng khu định cư tại Bờ Tây và Đông Giêruxalem,
đặc biệt là trên vùng đất của người dân Palextin. Trung Quốc cũng chỉ
trích mạnh mẽ việc Ixraen bao vây kinh tế Gada. Trong khi kêu gọi cả
Ixraen và Palextin tập trung nỗ lực để tiến tới một giải pháp hòa bình
thông qua con đường ngoại giao và thỏa hiệp, thì việc Ixraen tiếp tục
xây dựng khu định cư tại Bờ Tây sông Gioócđan không chỉ vi phạm luật
pháp quốc tế mà còn làm tổn hại đến chính an ninh của Ixraen.
Mặc
dù có những chỉ trích đối với Ixraen, nhưng Trung Quốc một mặt cũng
đang muốn tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác với Ixraen, bởi hiện Trung
Quốc đang rất thèm muốn các công nghệ hiện đại, đặc biệt là các công
nghệ liên quan đến quân sự và các hệ thống vũ khí hiện đại của Ixraen.
Trung Quốc mong muốn trở thành đối tác của Ixraen trong những nỗ lực đầy
tham vọng của mình nhằm hiện đại hóa quân đội và thúc đẩy năng lực
công nghệ của mình.
Nhân tố Mỹ
Trung
Quốc nhìn thấy những lợi ích riêng của họ trong mọi hành động giảm bớt
ảnh hưởng của Mỹ. Trong vấn đề Libi và Xyri mới đây và vấn đề Iran,
Xuđăng trước đây, Trung Quốc luôn tìm cách cản trở những sáng kiến do Mỹ
đứng đầu tại LHQ được xem như chiến thuật cứng rắn hợp pháp chống lại
các quốc gia không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Trung Quốc đã bỏ
phiếu trắng khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBALHQ) thông qua nghị
quyết số 1973 về Libi và mới đây Trung Quốc cùng với Nga đã lên tiếng
không ủng hộ Nghị quyết của HĐBALHQ nhằm lên án Chính phủ Xyri.
Trung
Quốc lo ngại về sự phụ thuộc vào quyền lực quân sự Mỹ có thể ảnh hưởng
đến an ninh các chuyến tàu chở dầu của họ tại vùng Vịnh. Trung Quốc
còn xa mới đạt được khả năng can thiệp quân sự đối với các mục tiêu ở
xa bên ngoài, cho dù trong thông cáo báo chí mới đây, lãnh đạo Trung
Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc đã thành công trong dự án chế tạo tàu sân
bay, nhưng không đề cập đến thời điểm cụ thể. Trung Quốc đang tìm cách
đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng, mua thêm từ Nga, Trung Á,
châu Phi và khu vực Mỹ Latinh, vì vậy khả năng can thiệp quân sự ở xa
đang trở thành ưu tiên trong chiến lược phát triển quân sự của nước
này.
Việc
Trung Quốc tăng cường sự hiện diện tại Trung Đông đã phản ánh một
chính sách ngoại giao chủ động hơn của họ trong những năm gần đây. Điều
này phần nào phản ánh sự can dự nhiều hơn của Trung Quốc trên khắp thế
giới và mối quan tâm của nước này trong việc duy trì ổn định ở Trung
Đông, nhằm đảm bảo nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt từ khu vực này. Ở
một chừng mực nào đó, điều này cũng phản ánh việc Trung Quốc muốn được
coi như một quốc gia có trách nhiệm, sẵn sàng đóng vai trò trong việc
giải quyết các vấn đề quốc tế./.
Theo SAIIA
Nhật Linh (gt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét