Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Lễ kỷ niệm chính trị ở Trung Quốc: vòng luẩn quẩn lâu dài sắp đến hồi kết

Financial Times

Lễ kỷ niệm chính trị ở Trung Quốc:

vòng luẩn quẩn lâu dài sắp đến hồi kết 

Jamil Anderlini
01-07-2011
Ngay trong khu liên hợp các cửa hàng lộng lẫy nhất giữa trung tâm thành phố Thượng Hải, nép giữa các nhà hàng sang trọng và tấm biển quảng cáo khổng lồ của hãng Gucci là một ngôi nhà cũ nhỏ bằng đá, chứa đựng một trong những di tích bảo tàng được coi là quan trọng nhất của Ðảng Cộng sản Trung Quốc.
Trên con đường phía ngoài ngôi nhà, một người bán hàng rong đồ chơi nói rằng ông ta không hề biết một chút gì về ngôi nhà đó. Tuy nhiên, đó chính là ngôi nhà mà 13 thành viên sáng lập của Ðảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của đảng, 90 năm trước vào tháng [Bảy] này.
Trong khi người bán hàng rong đang trả lời câu hỏi ông ấy nghĩ thế nào về Ðảng Cộng sản và 6 thập kỷ thống trị của nó, ông ấy đã bị xua đuổi bởi một nhân viên an ninh của khu liên hợp Tân Thiên Ðịa (Xintiandi), hay Thiên Ðường Mới Trên Mặt Ðất, đúng nghĩa theo cái tên của khu cửa hàng mua sắm sang trọng đó. “Ðảng cộng sản là vĩ đại, vĩ đại. Thôi tôi đi đây, tôi đi đây“. Người bán hàng rong ngoái đầu hét lên trả lời, trong khi hấp tấp chạy đi.
Ðảng Cộng sản [Trung Quốc] được thành lập năm 1921 trên danh nghĩa của những người [lao khổ] như ông ấy. Nhưng ngày nay hầu hết tất cả mọi người đều coi nó là đại diện cho đặc quyền của giới thượng lưu giàu có, những  người chi cho một bữa ăn ở Tân Thiên Ðịa nhiều hơn số tiền mà kẻ bán hàng rong kia có thể kiếm được trong vòng một năm.
Khi bước qua cột mốc lịch sử trong tháng này, Ðảng tự thấy mình đang ở vào một thời điểm khó khăn hết sức nghiêm trọng: với sự chuyển giao quyền lực chỉ xảy ra một lần trong một thập kỷ được dự định trong năm tới; là một trong những nước có sự bất bình đẳng thu nhập tồi tệ nhất thế giới; không có sự đồng thuận về những điều cần phải tiến hành để bảo đảm cho sự sống còn lâu dài của đảng, trong khi mô hình tăng trưởng vốn đã phục vụ hết sức đắc lực [cho Ðảng] trong vòng 3 thập kỷ qua nay đã bắt đầu kiệt sức.
Với hơn 80 triệu đảng viên, đó là một tổ chức chính trị lớn nhất trên thế giới. Mặc dù Ðảng khẳng định nó vẫn là một đảng kế thừa chân chính của chủ nghĩa Mác – Lênin và Mao, nhưng đúng hơn có lẽ là nên coi nó như là phòng thương mại lớn nhất thế giới (nguyên văn: the world’s largest chamber of commerce).
Câu đầu tiên trong tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố rằng, đảng “là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân“. Vậy mà ngày nay, chỉ có ít hơn 9% thành viên của đảng được xếp vào thành phần “công nhân” trong khi đó trên 70% được kết nạp từ thành phần các quan chức chính phủ, những người kinh doanh, những người làm việc chuyên nghiệp, tốt nghiệp đại học và binh lính trong quân đội.
Khả năng tự biến đổi và thích ứng với thay đổi, bảo đảm cho sự sống sót kéo dài của Ðảng sau sự tan rã của Liên Xô cũng như sự tàn lụi của chủ nghĩa cộng sản toàn cầu. Cải cách kinh tế của Ðảng và việc theo đuổi kinh tế thị trường đã giúp đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường và là nền kinh tế đứng hàng thứ 2 trên thế giới, đưa hàng trăm triệu người thoát ra khỏi cảnh đói nghèo khủng khiếp. Tuy vậy, do thiếu các cố gắng nghiêm túc trong cải tổ chính trị, khoảng cách giữa điều mà đảng tuyên bố đại diện và một hiện thực tư bản bè phái được chính quyền bảo trợ ngày càng tiếp tục gia tăng.
Trong ba thập kỷ vừa qua “kinh tế đã phát triển nhanh chóng nhưng sự phát triển chính trị đã tụt chậm lại sau. Thực tế là ngày nay nhiều người đã nuôi dưỡng sự căm ghét các quan chức chính quyền và căm ghét những người giàu có“, theo Yang Jisheng, một cựu phóng viên của chính quyền và là tác giả của cuốn “Tấm Bia Mộ viết điều tra về tai hoạ Ðại Nhảy Vọt năm 1958.
Mặc dù có một sự công nhận của thế giới về một nước Trung Quốc đang đi lên, ngày một quyết đoán và hùng mạnh hơn, trong những năm gần đây Ðảng tỏ ra ít tin tưởng hơn về khả năng duy trì nắm giữ quyền lực vào lúc này hơn bất cứ lúc nào khác. Trong bài phát biểu cho 6.000 cán bộ của đảng vào hôm thứ Sáu [mùng 1 tháng 7, 2011], Hồ Cẩm Ðào, Chủ tịch Trung Quốc và là Tổng bí thư Ðảng Cộng sản đã ca ngợi “đảng chính trị Maxist đúng đắn, vinh quang, vĩ đại” của ông ta và đánh giá cao công trạng “tất cả các thành quả của chúng ta trong vòng 90 năm qua đối với cuộc đấu tranh ngoan cường được phát động bởi Ðảng Cộng sản  và nhân dân Trung Quốc qua mấy thế hệ“.
Tuy vậy, ông ta cảnh báo rằng “toàn đảng đang đối mặt với một mối nguy hiểm đang gia tăng của việc thiếu cố gắng, thiếu năng lực, thoát rời khỏi nhân dân, thiếu sáng kiến và tham nhũng“.
Bài diễn văn của ông ta được phát ra với các méo mó biến dạng lý thuyết [của chủ thuyết cộng sản] mà Ðảng dựa trên đó để mở rộng ý thức hệ cho đa số quần chúng.  Và mặc dù các cảnh báo của ông ta [đối với Ðảng] là rất nghiêm trọng, toa thuốc của ông ta cho sự hồi sinh [của Ðảng] là một mớ rối rắm mơ hồ các chính sách đầy mâu thuẫn, như việc ông ta kêu gọi các đồng chí của mình kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin – Mao Trạch Ðông trong khi lại thúc đẩy “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” và “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa“.
Minxin Pei, giáo sư về [môn] chính quyền tại Đại học Claremont McKenna ở California mô tả lập trường thực sự của Ðảng hiện nay là một “ý thức hệ của quyền lực” trong đó duy trì quyền thống trị của đảng đã trở thành mục đính bao trùm, và là lý lẽ bào chữa chính cho các hành động của nó”.
Nhiều người ở Trung Quốc đã chỉ ra sự khôi hài vốn có ngay trong chính chiến dịch tuyên truyền được phát động của Ðảng, kỷ niệm 90 ngày sinh của nó, mà chính thức vào ngày 1 tháng 7. Phim ảnh, các cuộc thi ca hát và các màn trình chiếu trên TV, các biển quảng cáo và các bài phát biểu, tất cả đều tán dương ca tụng những người sáng lập đảng và cuộc cách mạng mà họ đã phát động chống lại nền thống trị chuyên chế phong kiến, những điều thực là quái gở để kỷ niệm trong một nước [cũng] chuyên chế toàn trị, nơi mà các đảng đối lập bị cấm và chính quyền phản ứng với một sức mạnh áp đảo đối với bất cứ một ám chỉ đầu tiên nào của sự bất đồng nghiêm túc.
Tại nhà bảo tàng ở Thượng Hải, các bức ảnh về các đại biểu dự đại hội đầu tiên của Ðảng đem lại một sự nhắc nhở rằng việc chiến thắng cuối cùng [của Ðảng] là khó khăn như thế nào. Trong số 13 người  tham dự cuộc họp kéo dài 1 tuần năm 1921, năm người đã từ bỏ đảng chỉ trong vòng một hoặc 2 năm sau đó, bốn người đã hy sinh hoặc chết do ốm đau trong khoảng hơn mười năm, và một người đã bị trục xuất do tham gia phong trào của Trotsky.
Chỉ có Mao và một người tham dự khác nữa là còn sống và dốc hết sức cho các mục  tiêu cộng sản. Khi những người trung thành của ông ta chiến thắng những người dân tộc chủ nghĩa (chỉ Quốc Dân đảng của Tưởng Giới Thạch lúc bấy giờ – ND) trên hầu hết khắp nước, Mao tốc chiến vào Bắc Kinh năm 1949 và tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Nhân dânTrung Hoa.
Cố gắng của ông ta (Mao) nhằm xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và xây dựng một thiên đường cho những người lao động đã đưa tới các thảm họa như Ðại Nhảy Vọt, một cuộc cải cách kinh kế thất bại trong đó có khoảng 45 triệu người chết đói, và Cuộc Cách mạng Văn hóa tiếp theo sau đã đẩy đất nước vào thời kỳ hỗn loạn trong một thập kỷ.
Sau khi Mao mất năm 1976, Ðặng tiểu Bình khôn ngoan cuối cùng đã thâu tóm được vai trò lãnh đạo tối cao, và đã đưa đất nước vào con đường cải tổ thị trường và hồi sinh về kinh tế. Sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Ðặng đã gia tăng các cải tổ kinh tế trong khi siết chặt các kiểm soát chính trị, thiết lập một hợp đồng xã hội còn tồn tại cho tới ngày hôm nay: dân chúng được tự do làm giàu và sống cuộc sống không bị chi phối lớn từ nhà nước cho đến khi nào họ không chất vấn sự độc tài của đảng về mặt quyền lực.
Người kế thừa Ðặng, Giang Trạch Dân đã đưa các chính sách này đi xa hơn bằng  cách cho phép các nhà kinh doanh và tư sản gia nhập đảng trong phần đầu của của thập kỷ trước. Khi chính phủ Hồ Cẩm Ðào bắt tay điều hành hồi năm 2003 trong một sự chuyển giao quyền lực có trật tự lần đầu tiên của đảng, chính phủ này đã hứa hẹn một sự lãnh đạo mềm dẻo hơn, môi trường sạch sẽ hơn và một mô hình [xã hội] công bằng hơn. Nhưng nhiều người ở Trung Quốc coi chính phủ này đặc trưng bởi các khẩu hiệu rỗng tuếch và một sự cai trị yếu kém.
Mỗi thế hệ [lãnh đạo sau] trở nên yếu kém hơn thế hệ trước: Giang Trạch Dân yếu hơn Ðặng Tiểu Bình, Hồ Cẩm Đào yếu hơn Giang Trạch Dân, và thế hệ lãnh đạo tiếp theo thậm chí còn yếu hơn cả Hồ“, Li Datong, một cựu biên tập của một tạp chí và là người cổ võ cho dân chủ, nói. Ông Li chỉ ra rằng tư cách hợp hiến của Ðảng giờ đây chủ yếu bắt nguồn từ khả năng của nó trong việc duy trì được sự tăng trưởng kinh tế nhanh.
Tuy nhiên, nhiều người ngay cả trong đảng tin rằng, đảng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về sự sống còn khi đảng đang chuẩn bị cho nền kinh tế rốt cuộc cũng không thể tránh khỏi một quá trình chậm lại, tại thời điểm khi mà đòi hỏi cho các quyền đại diện lớn hơn đối với tầng lớp trung lưu thành thị đang gia tăng.
Trong khi đất nước đang chuẩn bị cho sự chuyển giao quyền lực trong đó ông Hồ được dự định sẽ bàn giao chức vụ cho ông Tập Cận Bình, người kế nhiệm ông ta, các dấu hiệu xuất hiện cho thấy rạn nứt sâu sắc trong giới lãnh đạo cao cấp trên vấn đề đường lối mà đảng sẽ phải tiến hành để bảo đảm cho sự sống còn của nó.
Một bộ phận nhỏ và tương đối yếu trong giới lãnh đạo tin rằng, hợp đồng không chính thức do Ðặng đặt ra, đã đến hồi kết thúc lợi ích của nó, và rằng để tránh một sự nổi loạn nghiêm trọng trong xã hội, người dân Trung Quốc phải được bày tỏ nguyện vọng chính trị.
Trong bài phát biểu hôm thứ sáu, ông Hồ đã nhắc đến từ ‘dân chủ’ 32 lần. Tuy nhiên, rõ ràng là toàn bộ diễn văn cải tổ chính trị của ông ta vẫn còn nằm ngoài nghị trình, và rằng đảng thừa nhận đó là chìa khóa chính cho sự sống còn của nó.
Ông Hồ nói: “Chúng ta sẽ bảo đảm rằng, đảng sẽ đóng vai trò lãnh đạo chủ chốt trong việc thi hành toàn bộ trách nhiệm và phối hợp cố gắng của tất cả các thành phần. Theo đuổi phát triển kinh tế như là một nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta, là cơ sở cho sự tiếp thêm sinh lực cho Trung Quốc và đạt được sự phồn vinh, duy trì sự ổn định chính trị cho đảng ta và cho đất nước của chúng ta“.
Nguyễn Trùng Dương dịch từ: Financial Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét