Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Học giả Trung Quốc: Chúng ta đã bị Chính phủ tuyên truyền, lừa dối như thế nào trong tranh chấp "Nam Hải"?


Bài viết của tác giả Dayi Dadao đăng trên Chuyên mục Quân sự, Báo Trung Hoa (Jun shi_Zhong hua Wang) bình luận, phân tích việc người dân Trung Quốc  đã bị Chính phủ, báo chí, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc lừa dối như thế nào trong vấn đề tranh chấp Nam Hải (Biển Đông) và Hoa Đông.

Thời gian gần đây, dân chúng chỉ trích chửi mắng chính phủ yếu kém dường như đã và đang trở thành chủ đề nổi bật nhất khi đề cập đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia! Bất kể ai, bất kể việc gì, dù người giàu sang hay nghèo hèn, chỉ cần đề cập đến chủ đề này là tất cả dân chúng đều chỉ trích chửi mắng chính phủ! Trong số những người này có cả tôi.
Thế nhưng sau khi bình tĩnh xem xét lại vấn đề, tôi phát hiện ra rằng: những hành động mà chính phủ áp dụng để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, những thông tin mà báo chí đăng cập về tranh chấp lãnh thổ, những dự đoán của các nước khác, cũng như sự chỉ đạo một cách sai lầm của Đảng... đây là những nguyên nhân chính khiến việc dân chúng không ngừng chỉ trích chửi mắng chính phủ. Trên thực tế, hầu hết mọi người chỉ biết chỉ trích chửi mắng mà không hề phân biệt được đúng sai, thực sự không hề biết chính phủ đã và đang làm những gì!
Đầu tiên, căng thẳng leo thang trong tranh chấp khu vực chính là kết quả của việc Trung Quốc chủ động điều chỉnh chiến lược.
Rất nhiều người chỉ nghe nói đến ““Nam Hải” (Biển Đông)” (Nanhai, VN:Biển Đông, A: The South China Sea) và Đông Hải (Donghai, VN: Biển Hoa Đông, A: East China Sea) đang xảy ra tranh chấp mà không biết rằng vì sao lại xảy ra tranh chấp? Dân chúng đều lầm tưởng rằng đó là do người nước ngoài tạo ra, cho rằng Trung Quốc phải đánh lại. Chính do cách tư duy lệch lạc này nên dân chúng mới chỉ trích chửi mắng chính phủ. Đây là quan niệm sai lầm! Sau khi phân tích sự việc, tôi cho rằng: căng thẳng leo thang trong tranh chấp khu vực hoàn toàn là hệ quả của hành động giải quyết tranh chấp cũng như chiến lược điều chỉnh của chính phủ Trung Quốc. Mà những hành động này đều là chính phủ Trung Quốc cố ý tạo nên.
Mọi người biết sự đối đầu về tàu, tàu chiến và máy bay giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, thế nhưng mọi người đã bỏ qua một sự thực rằng: chỉ có máy bay quân sự, tàu quân sự, tàu giám sát, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc chủ động tiến vào những khu vực tranh chấp này nhằm tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và tần suất các hoạt động này tăng lên một cách rõ rệt.
Theo báo gần đây nhất đưa tin, máy bay trinh thám Trung Quốc áp sát khu vực đảo tranh chấp Điếu Ngư và xảy ra xung đột với máy bay quân sự Nhật Bản. Đây chính là kết quả của không quân Trung Quốc trong hành vi chủ động công kích nêu trên. Nhưng sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã có những cảnh cáo rất hùng hồn như sau:
Thứ nhất, nhấn mạnh máy bay quân sự Trung Quốc trinh thám địa phận lãnh thổ Trung Quốc là điều đương nhiên. Thứ hai, cho rằng hành vi của quân đội Nhật Bản dễ gây hiểu lầm. Hai điều này chứng minh cho vấn đề gì? Chứng minh chúng tôi đang kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước chúng tôi, chứng minh nếu phía Nhật Bản tiếp tục ngăn chặn hành động chính đáng của Trung Quốc, nếu xảy ra xung đột thì Trung Quốc sẽ dùng hành động để đính chính lại nguyên nhân sự hiểu lầm này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gián tiếp tuyên chiến! Nhưng rất nhiều cư dân mạng lại không hoàn toàn hiểu thấu căn nguyên vấn đề, chỉ trích chửi mắng tại sao máy bay quân sự Trung Quốc không trực tiếp đánh trả máy bay quân sự Nhật, v.v... Cách phát biểu này nhằm mục đích chính là đánh lừa cảm giác của người dân, thực sự là ý đồ nham hiểm!
Hãy xem vấn đề ““Nam Hải” (Biển Đông)” (Biển Đông), cũng giống như vậy. Tàu giám sát, tàu ngư chính của Trung Quốc liên tục đòi chủ quyền các quần đảo ở “Nam Hải” (Biển Đông), trực tiếp ngăn chặn hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Philippines, điều này  rất hiếm xảy ra trong quá khứ. Đồng thời, các cuộc diễn tập quân sự của hải quân Trung Quốc không ngừng diễn ra, nội dung diễn tập bao gồm các chiến thuật có khả năng dùng tới trong chiến tranh khi giành các quần đảo đã bị chiếm đóng tại Biển Đông. Mặt khác, giàn khoan dầu khổng lồ hoạt động ở vùng nước sâu Biển Đông đã đi vào hoạt động tại đây. Có thể nói, chính bởi cách làm “mang tính chất áp bức” của Chính phủ đã khiến tình hình “Nam Hải” (Biển Đông) ngày một căng thẳng. Đây chẳng phải là hệ quả của chuỗi hành vi chủ động công kích và dùng chiến thuật chiến lược mới để giải quyết tranh chấp “Nam Hải” (Biển Đông) của Chính phủ hay sao?
Do vậy, nguyên nhân căng thẳng leo thang ở khu vực này chính là do việc Chính phủ dùng thủ đoạn mới để giải quyết, là do sự chưa thích ứng của đối phương đối với kế sách điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc. Mặt khác, đây là mục tiêu Trung Quốc hy vọng đạt được, để từ đó thông báo cho cả cộng đồng thế giới biết rằng khu vực này có tranh chấp, thuộc chủ quyền của tôi, lãnh thổ của tôi bị kẻ địch xâm phạm, và bảo vệ chủ quyền là hành động chính đáng của tôi. Đồng thời, hành vi này của Trung Quốc cũng nhằm mục đích thăm dò thái độ của Mỹ, thử xem siêu cường Mỹ sẽ phản ứng ra sao! Nếu Trung Quốc kiên trì làm theo cách này thì hiệu quả sẽ là quá rõ ràng: đối phương sẽ dần dần thích ứng, địa phận Trung Quốc sẽ ngày một lan rộng. Một khi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trở nên lớn mạnh thì quyền giải quyết tranh chấp không còn là vấn đề đối với Trung Quốc nữa.
Mặt khác, hiện nay Trung Quốc đã bắt đầu biết học cách nói một đằng làm một nẻo, "miệng nam mô bụng một bồ dao găm". Đừng nghĩ rằng những ngôn từ lịch thiệp trong từ điển ngoại giao kia chính là chính sách ngoại giao thực thụ.
Trong các hoạt động ngoại giao, Trung Quốc luôn luôn tỏ ra: thông qua thương lượng hòa bình để giải quyết các tranh chấp, sẵn sàng làm tất cả để có được hòa bình. Đây là một loại chiến lược ngoại giao, hay còn gọi là giành quyền chủ động trong ngoại giao, giành sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Trong thời kỳ chiến tranh Nhật Bản, chúng ta cũng phát biểu rằng: chúng tôi tuyên bố với cộng đồng thế giới về chiến tranh chính nghĩa chống ngoại xâm của chúng tôi. Bây giờ là thời kỳ hòa bình, chính sách ngoại giao của Trung Quốc cũng là chính sách ngoại giao hòa bình, chủ trương thông qua thương lượng hòa bình giải quyết tranh chấp. Đây đều là một loại chiến lược. Ngoại giao là bộ phận cấu thành quan trọng trong chiến lược của một quốc gia. Khi đấu tranh vì lợi ích quốc gia của mình thì Trung Quốc phải suy ngẫm xem xét đến nhiều khía cạnh, trong đó một nhân tố quan trọng là phải giành được sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Ví dụ như Trung Quốc muốn đánh Việt Nam, đánh Philippines, hay đánh Nhật Bản, v.v... thì Trung Quốc phải giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, phải để thế giới biết rằng nước tôi bị áp bức, hành động bảo vệ chủ quyền của chúng tôi là chính đáng và hợp pháp. Có như vậy mới đúng là nguyên tắc làm việc của người Trung Quốc.
Mặt khác, hành vi đáp trả của Trung Quốc hiện nay rất thâm độc. Ví dụ, như khi Việt Nam tiến hành diễn tập quân sự, báo chí trong nước đều quan tâm quá mức đến các cuộc diễn tập quân sự của Việt Nam. Nhưng sau thông tin nêu ra này chỉ đưa thêm một thông tin rất ngắn rằng: Trung Quốc cũng đang tiến hành các cuộc diễn tập quân sự, mà còn là 6 cuộc, quy mô lớn hơn Việt Nam gấp nhiều lần. Trong đó có một đoạn video quay về cuộc tập dượt không quân. Không biết mọi người có để ý điều này hay không, trong đoạn video này có câu giải thích như sau: cuộc diễn tập không quân chủ yếu nhằm mục đích ủng hộ lực lượng hải quân khi chiến đấu, nội dung diễn tập nhằm cắt bỏ phương tiện liên lạc của kẻ địch khi chiến đấu, đồng thời giành quyền kiểm soát không quân. Chính sau mỗi cuộc tập dượt như thế này, người Việt Nam lại tìm đến thương lượng. Vì sao? Bởi vì hạng mục của cuộc diễn tập đó khiến người ta vô cùng lo sợ. Nếu như chiến tranh thật sự xảy ra, căn cứ vào các hạng mục đã luyện trong các cuộc diễn tập này thì máy bay của Việt Nam không bay đến được thì cũng có nghĩa là nó đã bị bắn trúng ngay từ lúc còn chưa cất cánh. Nếu máy bay của Việt Nam bay đến nơi thì cũng có nghĩa là sẽ bị mất liên lạc và rồi bị xử lý ngay trên không. Từ đó việc Trung Quốc nắm quyền kiểm soát không quân sẽ không còn là vấn đề nữa. Thử nghĩ xem, người Việt Nam chứng kiến cảnh tập dượt này sẽ có suy nghĩ gì? Hơn nữa, căn cứ vào thực lực của hạm đội “Nam Hải” (Biển Đông) và của lực lượng hải quân đóng xung quanh “Nam Hải” (Biển Đông) thì khi xảy ra chiến tranh, toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc của Việt Nam bị gián đoạn sẽ không còn là vấn đề.
Khi 13 tàu chiến quân sự của Trung Quốc thông qua vùng biển tranh chấp Okinawa Nhật Bản đến Đại Tây Dương tập dượt, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng của chúng ta đã phát biểu những gì? Phát biểu rằng: đó là cuộc tập dượt như thông lệ. Nhưng thực chất họ đến khu vực đó để làm gì? Ai biết? Người Nhật Bản biết, người Mỹ cũng biết bởi vì họ đã giám sát từ lâu.
Như vậy, cư dân mạng cũng đừng cho rằng những nội dung ghi trong từ điển ngoại giao đều là sự thực. Đó chỉ là một cách nói, quan trọng vẫn phải xem cách làm, nhìn xem Trung Quốc làm như thế nào rồi hãy bàn tới Chính phủ!
Hơn nữa, “Đảng dẫn đường” (dai lu Dang) đã trở thành ác quân trên mạng, trở thành “thủy quân” kiểu mới, đã đem đến hồi chuông cảnh báo cho những cư dân mạng thực sự yêu nước!
Gần đây, khi lên mạng xem thông tin, tôi thấy rằng hoạt động của "Đảng dẫn đường” này đã trở nên vô cùng hung hăng. Những thành viên trong mạng lưới này đã bóp méo, xuyên tạc khi giải thích một số thông tin từ báo chí, khiến cư dân mạng chỉ trích, chửi mắng Chính phủ, hiểu sai về sự bất mãn của nhân dân đối với Chính phủ. Ngay như hôm nay, khi tôi nghe đài phát thanh đưa tin về cuộc bàn bạc giữa tướng quân Trần Bỉnh Đức với tướng Mullen- chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ cùng giới báo chí, tướng Trần đã thẳng thắn và trực tiếp nêu ra việc Mỹ can thiệp trong tranh chấp “Nam Hải” (Biển Đông) là không hề khôn ngoan chút nào, cho rằng vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông) không cần Mỹ phải thao tâm, chỉ trích Mỹ trong việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, v.v... Lời nói không một chút khách sáo và có thể nói là rất hùng hồn! Đương nhiên, với tư cách là một tướng quân, một vị tổng tham mưu trưởng của toàn Trung Quốc thì không thể giống như lời ở ngoài đầu đường xó chợ được! Thế nhưng, lời phát biểu hùng hồn của tướng quân vẫn chưa toại nguyện được những thành viên trong " Đảng dẫn đường", họ cho rằng tướng quân yếu kém. Ví dụ, tướng quân chỉ ra máy bay trinh sát không người lái của Mỹ thăm dò cách vị trí hải lý Trung Quốc 16 km là không cần thiết, yêu cầu phải dừng lại. Có thành viên trong "Đảng dẫn đường" còn phát biểu nên bắn hạ v.v... Từ đó cho rằng tướng quân Trần yếu kém! Ý đồ của những cá nhân này rất rõ ràng, hòng gây hiểu nhầm trong nhân dân! Cách địa phận hải lý Trung Quốc 16 km thì sẽ là vùng biển chung, nước khác có quyền tự do hàng hải. Ta bắn hạ tức là ta vi phạm Luật quốc tế!
Mọi người có thể lên mạng nghiên cứu thông tin sẽ thấy ngay một điều: hễ xảy ra tranh chấp nào là y như rằng "Đảng dẫn đường" xuất hiện, lôi kéo mọi người chỉ trích, chửi mắng chính phủ. Điều này hết sức nguy hiểm!
Lúc đầu, mọi người có thể cho rằng mắng chửi như thế là yêu nước nhưng kỳ thực chửi mắng trong một thời gian dài chính là bạn đã đeo cái kính có màu để nhìn Chính phủ, chính là đã hiểu lầm những hành động của Chính phủ, thậm chí còn làm tăng thêm sự phản cảm đối với Chính phủ. Đây chính là điều mà “Đảng dẫn đường” mong muốn. Đây chính là cái gọi là diễn biến hòa bình!
Kỳ thực, chửi mắng không có nghĩa là yêu nước, người yêu nước thật sự chỉ phê bình chứ không nguyền rủa chửi mắng! Nếu như chỉ có lời nguyền rủa chửi mắng thâm độc mà không phải là phê bình và góp ý kiến thì đó mới chính là công kích, đó không phải là yêu nước mà là hại nước!
Do vậy, chúng ta cần thay đổi cách nhìn, có chính kiến, hiểu đúng căn nguyên vấn đề. Chỉ có vậy mới chính là người yêu nước thực thụ!
Theo China.com ngày 13/7, Nguồn: 在南海和东海,我们对政府有多少误读?
Đinh Thị Thu (dịch)
Thùy Linh (hiệu đính)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét