Điều
này cho thấy khả năng ASEAN và Trung Quốc đạt được Bộ quy tắc Ứng xử ở
Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý còn rất xa vời. Tuy nhiên,
quan chức các nước vẫn lên tiếng ca ngợi bản hướng dẫn vừa đạt được là
“bước tiến quan trọng” trong tiến trình hướng tới COC.
Trả
lời báo giới sau cuộc họp, đại diện đoàn Việt Nam - Trợ lý Bộ trưởng
Ngoại giao Phạm Quang Vinh - nói: “Đây là bước khởi đầu quan trọng và
tích cực cho tất cả chúng ta trong nỗ lực chung để tiếp tục đối thoại và
hợp tác, nhằm thúc đẩy hơn nữa sự ổn định và tin tưởng lẫn nhau trong
khu vực”. Đại diện đoàn Trung Quốc, ông Lâm Chấn Minh, khẳng định: "Đây
là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác Trung Quốc-ASEAN. Tương lai
của chúng ta thật rạng rỡ và chúng tôi hy vọng quan hệ hợp tác này sẽ
tiếp tục trong tương lai”.
Trong
khi đó, một số quan chức ngoại giao tham gia cuộc họp cho hay văn bản
hướng dẫn này, trong quá trình thảo luận, đã bị sửa đổi khá nhiều và nội
dung mang tính chung chung chứ không có gì cụ thể. Hãng thông tấn AFP
dẫn lời một số quan chức cho rằng vẫn còn tồn tại những khác biệt về
định nghĩa khu vực nào tại Biển Đông vẫn được coi là đang bị tranh chấp,
vì các nước như Trung Quốc hay Philíppin không có cử chỉ gì gọi là
nhượng bộ trong tuyên bố chủ quyền của mình. Họ than phiền rằng không có
khung sườn nào để trực tiếp giải quyết tranh chấp ở khu vực này, vốn
được cho là có nhiều dầu lửa và khí đốt.
Ngoại
trưởng Philíppin Albert del Rosario cho biết đòi hỏi chủ quyền của
Trung Quốc ở Biển Đông nhiều đến mức nếu đáp ứng đòi hỏi của họ, việc
xây dựng một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc trở thành vô ích. Ông
Rosario nói: “Về cơ bản, họ tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển
Đông. Vì vậy, nếu chúng ta (ASEAN) ký bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc,
điều đó chẳng có nghĩa lý gì”.
Ông
Rosario cho biết ông muốn ASEAN có lập trường cứng rắn hơn, bằng cách
công bố những nguyên tắc hướng dẫn, đề ra những tiêu chuẩn rõ ràng nhằm
giải quyết các vụ tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Ông cho biết
Philíppin chắc chắn sẽ hành động, đưa vụ này ra trước Tòa án Quốc tế về
Luật Biển, ngay cả trong trường hợp Trung Quốc không muốn tham gia. Ông
Rosario nói tiếp: “Chúng tôi sẽ ra trước tòa án nếu Trung Quốc muốn đi
cùng chúng tôi. Tuy nhiên, nếu họ không muốn, chúng tôi sẽ tìm một phiên
tòa trọng tài, dựa theo tòa án này để có được một sự phân xử vĩnh viễn
hoặc là một sự phân xử tạm thời".
Đúng
vào ngày Trung Quốc-ASEAN đạt được đồng thuận về văn bản hướng dẫn thực
thi DOC sau gần 10 năm đàm phán, Bắc Kinh đã lên tiếng nhắc lại lập
trường là không chấp nhận cho Mỹ can thiệp vào hồ sơ này. "Nhân dân nhật
báo" - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - ngày 20/7 cho
rằng Mỹ nên đứng ngoài những căng thẳng do tranh chấp ở Biển Đông gây
ra. Theo tờ báo, “bóng ma của mối đe dọa tiềm ẩn đối với Biển Đông là
hình ảnh một cường quốc lớn khác, đó là Mỹ”. Bắc Kinh khẳng định lại
quan điểm không ủng hộ việc giải quyết đa phương những tranh chấp song
phương và phản đối sự can thiệp của các cường quốc ngoài khu vực vào vấn
đề này, “vì Trung Quốc và các nước láng giềng có đủ khả năng, kinh
nghiệm và hiểu biết để tự giải quyết”.
Câu
hỏi được đặt ra là phải chăng muốn ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ,
thuyết phục các nước Đông Nam Á coi đây là công việc nội bộ trong khu
vực mà Trung Quốc đã chấp nhận ký văn bản hướng dẫn thực thi DOC?
Theo
giới quan sát, một khi đã cho rằng Biển Đông liên quan đến lợi ích quốc
gia thì Mỹ khó có thể đứng ngoài cuộc và sẽ tìm cách can dự, dù bằng
cách này hay cách khác, ở các cấp độ khác nhau, tùy theo từng đối tác
trong khu vực. Trước mắt, việc đạt được thỏa thuận về bản hướng dẫn thực
thi DOC, cho dù chỉ ở mức tối thiểu, cũng là một bước tiến và như nhận
định của một nhà ngoại giao ASEAN được Kyodo trích dẫn, chính sự năng
động của Mỹ đã buộc Trung Quốc phải đối thoại với ASEAN về vấn đề Biển
Đông.
Lê Quang (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét