Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

Nhà Trắng trả lời thỉnh nguyện thư cá chết

image
Những người biểu tình mong mỏi chính phủ công bố nguyên do gây cá chết

Nhà Trắng vừa có phản hồi thỉnh nguyện thư được hơn 142.000 người ký trên website của họ về thảm họa cá chết hàng loạt tại miền Trung Việt Nam.

Thư phản hồi viết: “Chúng tôi bày tỏ sự cảm thông sâu sắc tới người dân các tỉnh ven biển miền Trung trong lúc người dân nỗ lực vượt qua thiệt hại về hải sản ảnh hưởng đến sinh kế của họ.

image
Khi Việt Nam đối phó cuộc khủng hoảng môi trường này, Chính phủ Hoa Kỳ sẵn sàng giúp đỡ. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã tiếp cận các quan chức chính phủ cấp cao ở Hà Nội để ngỏ lời trợ giúp của chúng tôi, và hai chính phủ đang thảo luận về các lĩnh vực có thể hợp tác.

image

Sự tham gia của công chúng là một phần quan trọng trong việc giải quyết những thách thức về môi trường. Tương tự như kinh nghiệm tại Hoa Kỳ, chúng tôi khuyến khích Chính phủ Việt Nam tăng cường hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ về môi trường, những nơi có thể giúp các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết, đảm bảo trách nhiệm và tính minh bạch trong các nỗ lực làm sạch vùng biển, và giúp xây dựng chính sách để ngăn ngừa các vấn đề trong tương lai."

Thành tố quan trọng

image
Thư phản hồi viết tiếp rằng khi thăm Việt Nam tháng 5/2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã trao đổi với chính phủ Việt Nam, giới doanh nhân, và các đại diện xã hội dân sự, cũng như sinh viên.

Lá thư dẫn lại lời Tổng thống Obama phát biểu khi đó: "Một khi người dân được quyền tự do tổ chức trong xã hội dân sự, quốc gia có thể giải quyết tốt hơn những vấn nạn mà chính quyền đôi khi không thể tự giải quyết”.

image
Thỉnh nguyện thư gửi tới Nhà Trắng về vụ cá chết nhận được hơn 142.000 chữ ký

Thư của Nhà Trắng viết tiếp: “Việc hợp tác về môi trường là một thành tố quan trọng trong mối quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt. Trong chuyến thăm Việt Nam của ông Obama, hai nước đã khởi động Quan hệ Đối tác Khí hậu Mỹ - Việt, nhằm giúp hai nước thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”.

water beach ocean surf
“Chúng tôi đang trợ giúp các nỗ lực bảo tồn môi trường giúp đưa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự lại gần nhau, chẳng hạn như Sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà nhằm bảo vệ những kho báu quốc gia của Việt Nam”.

“Chúng tôi cũng đồng thời tăng cường mối cam kết chung đối với cuộc sống biển thế giới qua những chuẩn mực môi trường cao được định ra trong TPP, một hiệp ước cam kết bảo vệ môi trường thiết thực nhất trong các hiệp ước giao thương trong lịch sử."

Joyful Noise Recordings beach dead ocean skeleton

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Diễn biến sự kiện liên quan tới vụ cá chết


image
Điểm lại những diễn biến quan trọng trong vụ cá chết bí hiểm ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Tháng Tư 2016: Cá chết hàng loạt

Ngày 6: Tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà). Cá chết nhiều trong các ngày 6-7/4.

Ngày 10: Hiện tượng cá chết xuất hiện tại Quảng Bình.

Ngày 15: Cá chết lan đến Thừa Thiên – Huế.

Ngày 16: Xuất hiện cá chết tại Quảng Trị.

Ngày 21: Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói đoàn công tác không vào kiểm tra tại khu công nghiệp Vũng Áng được vì đây là khu vực có yếu tố nước ngoài, “đoàn không có thẩm quyền, chức năng kiểm tra”.

Ngày 22: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hà Tĩnh “kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu dân cư mẫu nông thông mới và tiến độ dự án Formosa”.

image

Một người dân lặn biển, ông Nguyễn Xuân Thành phát hiện thấy đường ống xả thải hóa chất dưới đáy biển, “nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi cảm thấy rất ngạt thở”.

image

Ngày 23: Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân nói việc báo chí “khiến dư luận hiểu nhầm rằng Formosa xả trộm bằng đường ống khổng lồ dưới đáy biển”, đồng thời khẳng định “Formosa được phép xả thải” và đường ống ngầm của hãng là hoàn toàn hợp pháp.

image
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản Nguyễn Viết Nghĩa tuyên bố cá chết bất thường là do “độc chất mạnh”, với nguồn nước biển ô nhiễm xuất phát từ khu công nghiệp Vũng Áng.

Ngày 24: Cuộc họp giữa Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ Tài nguyên Môi trường nói Formosa có một số “vi phạm trong việc thực hiện súc rửa đường ống”.

Bộ Tài nguyên Môi trường nói sẽ tìm ra kết quả gây cá chết trong “5 ngày nữa”.

Ngày 26: Formosa Hà Tĩnh ra thông cáo nói họ “kinh ngạc” và “không thể hiểu nổi” tình trạng sinh vật biển chết, gây ô nhiễm trên biển với quy mô lớn.

Năm thợ lặn tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình phải nhập viện sau khi lặn từ khu vực biển Vũng Áng lên.

image

Ngày 27: Có thông tin xuất hiện cá chết ở Đà Nẵng. Chính phủ ra công điện yêu cầu bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế nghiêm cấm sử dụng, kinh doanh, tiêu thụ thủy hải sản chết bất thường.

image
Bộ Tài nguyên Môi trường ra kết luận ban đầu theo đó nói có hai khả năng gây ra tình trạng cá chết, gồm tác động độc tố hoá học của con người và trên biển, và là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ. Formosa Hà Tĩnh được xác định là "chưa thấy có mối liên hệ nào" với tình trạng cá chết hàng loạt

Ngày 28: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo trong cuộc họp Chính phủ về kết quả xét nghiệm mẫu xác định "bước đầu loại trừ nguyên nhân do hiện tượng dị thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa mà thế giới gọi là thủy triều đỏ".

Ngày 29: Khu vực biển Đà Nẵng tiếp tục có tình trạng cá chết dạt bờ ồ ạt, trong đó có nhiều cá thể cỡ lớn, tới 10kg.

image

Ngày 29-30: Người dân làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình biểu tình phản đối thảm họa môi trường khiến cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung.

Tại Huế, một nhóm nghệ sỹ biểu diễn nghệ thuật đường phố cũng về vụ cá chết nhưng bị công an can thiệp.

image
Ngày 30: Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cùng các lãnh đạo đi tắm biển cùng người dân và ăn cá để giải tỏa lo âu cho người dân.

image

Tháng Năm 2016: Biểu tình diễn ra ở nhiều nơi

Ngày 1: Tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối thảm họa môi trường này, yêu cầu minh bạch và tìm ra nguyên nhân gây cá chết hàng loạt.

image
Trong bản tin 20 giờ, Đài truyền hình Việt Nam VTV công bố bắt hai nhà hoạt động tên Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn vì đã tới khu vực Formosa và Kỳ Hà, Hà Tĩnh "thu thập thông tin và hình ảnh để phát tán trên mạng internet nhằm mục đích kích động người dân".

Người lao động Việt Nam tại Đài Loan xuống đường thể hiện quan điểm về sự kiện cá chết tại khu vực Hà Tĩnh.

image

Ngày 2: Vào giờ đêm, Văn phòng Chính phủ phát đi thông cáo yêu cầu giám sát hệ thống xả thải của công ty Formosa, cấp gạo và hỗ trợ tài chính cho ngư dân, đồng thời đề nghị ngư dân đánh bắt ở vùng ngoài 20 hải lý và hỗ trợ tiêu hủy cá chết.

Ngày 3: Bảy linh mục tại các giáo xứ trong huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh gửi kiến nghị lên thủ tướng vì vụ cá chết hàng loạt xảy ra trong khu vực này.

image

An ninh Việt Nam thả ông Chu Mạnh Sơn, một nhà hoạt động bị bắt tại khu vực Vũng Áng, tâm điểm của thảm họa cá chết hàng loạt ở miền Trung.

Ông Chu Mạnh Sơn được thả sáng ngày 3/5. Tuy nhiên, người bị bắt cùng đợt với ông là ông Trương Minh Tam hiện vẫn chưa được thả.

image
Ngày 5: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người phát ngôn Chính phủ được báo Tuổi Trẻ dẫn lời: "Bộ Thông tin - truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện việc đưa tin trung thực, khách quan, đúng định hướng, có cơ sở khoa học, đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, luận điệu sai trái, kích động nhằm ổn định tình hình, không gây tâm lý hoang mang trong dư luận".

Ngày 6: Lời kêu gọi tiếp tục biểu tình ngày 8/5 được phát đi trên mạng xã hội với lý do ‘Chính phủ cố tình chậm trễ công bố nguyên nhân cá chết’.

Ngày 8: Hàng trăm người dân Việt Nam ở Sài Gòn và nhiều thành phố, địa phương trong cả nước đã xuống đường tuần hành, biểu tình phản đối vụ cá chết hàng loạt.

image

Ngày 14: Nhiều nhà hoạt động nói họ bị "tạm giữ" và "ngăn cản" ngay tại nhà, không thể tham gia xuống đường biểu tình trong tuần thứ ba liên tiếp vì sự kiện cá chết ở miền Trung Việt Nam.

Ngày 15: Các cuộc biểu tình tại Hà Nội và TP HCM nhanh chóng bị giới chức trấn áp. Tin tức nói nhiều người biểu tình đã bị các lực lượng an ninh bắt giữ

image
Ngày 27: VTV phát chương trình ’60 phút mở: Bạn chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì, trong đó người dẫn chương trình Tạ Bích Loan cùng năm khách mời chất vấn Phan Anh, một MC của VTV, "Tại sao bạn lại phải chia sẻ clip hai con cá chết của Vũng Áng?" ’60 phút mở’ đã gây tranh luận gay gắt trong cộng đồng cư dân mạng ở Việt Nam.

Ngày 29: Hàng trăm người Việt tại Nhật biểu tình đòi làm rõ nguyên nhân thảm họa cá chết tại Việt Nam.

image

Tháng Sáu 2016: Công bố nguyên nhân cá chết

Ngày 5: Tại Hà Nội, cuộc tuần hành nhân ngày Môi trường Thế giới và vì 'cá chết hàng loạt, bất thường' bị các lực lượng an ninh nhanh chóng giải tán. Một số người tham gia bị bắt đưa đi.

image

Ngày 8: Hà Tĩnh buộc Formosa Hà Tĩnh và Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN) lắp thiết bị tự động kiểm soát khí chất thải, bụi tại các lò cao nhiệt điện.

image
Ngày 11: Tôm hùm và cá chết hàng loạt ở biển Phú Yên.

Ngày 12: Hàng trăm người dân ở khu vực Quỳnh Lưu, Nghệ An xuống đường, tuần hành từ nhà thờ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An và sau đó tuần hành trên Quốc Lộ 37.

image

Ngày 16: Quốc hội Đài Loan họp báo liên quan tới cáo buộc Formosa Hà Tĩnh thải chất độc gây ô nhiễm. Formosa Plastic Group bị áp lực từ các nhóm môi trường địa phương, nghị sỹ và một hội đoàn của người Việt, chất vấn về vụ cá chết bí ẩn ở miền Trung Việt Nam.

Ngày 26: Một số báo Việt Nam đăng bài về phóng sự dài 60 phút ‘Việt Nam – Cái chết của cá’ phát trên kênh truyền hình PTS của Đài Loan.

image
Ngày 28: Formosa ký biên bản thừa nhận sai phạm, trước sự chứng kiến của đại diện nhiều bộ ngành Việt Nam, trong đó có cả Viện Kiểm sát Tối cao và Tòa án tối cao và đại diện bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng.

image

Ngày 29: Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Nguyên Thành phát biểu, công khai thừa nhận những sự cố tại Formosa Hà Tĩnh “là nguyên nhân gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại bốn tình miền Trung của Việt Nam”, nhưng nói nguyên nhân không phải do Formosa Hà Tĩnh mà là do các nhà thầu phụ của hãng gây ra.

Lãnh đạo Formosa hứa hẹn bồi thường mọi thiệt hại và “cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của Việt Nam”.

image
Ngày 30: Văn phòng Chính phủ họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt, theo đó xác định là do sự cố xả thải và từ lò luyện cốc của Formosa Hà Tĩnh. Lãnh đạo Formosa hứa hẹn bồi thường mọi thiệt hại và “cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước của Việt Nam”.

Báo nước ngoài nói gì về lỗi của Formosa ?

image
Ngư dân Hà Tĩnh trong phóng sự do truyền hình Đài Loan thực hiện về thảm họa cá chết ở miền Trung Việt Nam

Các hãng tin quốc tế bình luận sau vụ họp báo công bố Formosa là thủ phạm gây thảm họa cá chết tại các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Báo Taipei Times hôm 1/7 cho hay, Sở Đầu tư kinh tế Đài Loan tuyên bố họ tôn trọng các thỏa thuận giữa nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh và chính phủ Việt Nam.

image
"Chúng tôi đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau khi chính phủ Việt Nam công bố báo cáo điều tra hôm 30/6," Tổng giám đốc sở Vivian Lien bày tỏ hy vọng rằng vụ cá chết sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Đài Loan và Việt Nam.

image
Bà cho biết Bộ Công an Việt Nam cam kết với cơ quan đại diện Đài Loan tại Việt Nam rằng sẽ bảo đảm an toàn cho người Đài Loan tại Việt Nam sau vụ việc.

image
Nhà máy thép Formosa là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Reuters hôm 30/6 bình luận thảm họa cá chết khiến tân chính phủ Việt Nam phải vật lộn kiểm soát cuộc khủng hoảng.

Tối 30/6, Bộ Ngoại giao Đài Loan kêu gọi Việt Nam bảo vệ các doanh nghiệp Đài Loan. 

"Chúng tôi hy vọng chính phủ và người dân Việt Nam tiếp tục trợ giúp," thông cáo của Bộ Ngoại giao Đài Loan viết.

image
Trong một video clip, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), ông Trần Nguyên Thành nói: "Chúng tôi rất hy vọng người Việt Nam có thể rộng lượng trước vụ việc".

Đảm bảo sự chắc chắn

Giới chức chính phủ Việt Nam phủ nhận bất kỳ sự che đậy để bảo vệ nhà đầu tư lớn và cho biết sự chậm trễ trong việc công bố kết luận điều tra là để đảm bảo sự chắc chắn với sự hợp tác của các nhà khoa học Nhật, Đức và Pháp.

image
Những người chỉ trích chính phủ Việt Nam bình luận rằng cuộc điều tra cá chết kéo dài quá lâu

Bloomberg hôm 1/7 tường thuật, cuộc khủng hoảng cá chết khiến xảy ra các cuộc biểu tình hiếm hoi tại các thành phố ở Việt Nam. Điều này giống như một phép thử với chính phủ phải cân bằng mong muốn tăng đầu tư nước ngoài nhưng phải chứng tỏ rằng họ không bị các công ty nước ngoài dắt mũi.

image
Chính phủ Việt Nam cũng chịu áp lực cho phép hình thành công đoàn độc lập và ban hành các điều luật bảo vệ môi trường nghiêm ngặt là một phần yêu cầu Việt Nam trong việc gia nhập Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Fred Burke, đại diện hãng luật Baker & McKenzie Vietnam, được dẫn lời.

"Họ [Chính phủ] muốn gửi thông điệp tới các nhà đầu tư nước ngoài rằng sẽ không quá khắt khe" Burke nói. "Nhưng họ phải thực thi pháp luật và để nhà đầu tư biết rằng họ đang hoạt động trong một sân chơi bình đẳng."

fish lips
Những người chỉ trích chính phủ bình luận cuộc điều tra cá chết kéo dài quá lâu. Nguyễn Thi, một nhà tư vấn môi trường tại TP HCM cho biết. "Sự phẫn nộ của công chúng và các cuộc biểu tình có thể tránh được nếu các chính phủ minh bạch vụ này ngay từ đầu".

image
Hãng AP hôm 30/6 dẫn lời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết nhà chức trách sẽ không dung thứ việc lợi dụng vụ cá chết để kích động gây bất ổn.

"Chúng tôi tôn trọng phản ứng chính đáng của người dân. Tuy nhiên, chúng tôi không chấp nhận việc lạm dụng sự tức giận đó để kích động phá hoại Đảng và chính phủ."

Ông Tuấn cho biết cơ quan thực thi pháp luật sẽ cân nhắc việc tiến hành điều tra hình sự vụ việc.

image
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Duy Đông nói tại cuộc họp báo 30/6 rằng chính phủ Việt Nam muốn thu hút đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường, và sẽ không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

fish fly stingray
ocean octopus dumbo sea creature

Tin khó tin: Người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam, phải 50 năm nữa biển mới như xưa

LĐO Lâm Chí Công
Các hướng dẫn viên chui người Trung Quốc đến Đà Nẵng và lớn tiếng tuyên truyền biển Đà Nẵng là biển nam Trung Quốc. Trách bọn người chui này ít mà trách ai đó để đất cho bọn người này nói năng linh tinh mới nhiều. Chiều muộn hôm qua, các báo loan cuộc tấn công “ruồi tham nhũng” đã đánh sập ba quan lớn ở Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó có vị trí mà chị Lê Thị Công – Giám đốc sở về đất đai suýt nữa được lãnh đạo tỉnh này điều về. Ngày cuối tuần khép lại với tin không thể tin – dự án lọc hóa dầu 20 tỉ đô đầy hy vọng đổi đời ở Bình Định đã tan vỡ…

1. Biển Đà Nẵng là biển nam Trung Quốc (?)
Các đoàn khách TQ huyên náo trong phố cổ Hội An. 
Hôm qua, tờ Một Thế Giới đã xuất bản bài viết “Người Trung Quốc đang “tung đòn” trên mặt trận du lịch?”. Theo đó, người Trung Quốc (TQ) thoải mái tuyên truyền xuyên tạc về lịch sử nước Việt Nam ngay chính trên đất Việt Nam. Tại Đà Nẵng, nhiều hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung đã ghi lại các bằng chứng tố các HDV hoạt động chui người TQ dẫn đoàn và xuyên tạc về lịch sử Việt Nam. Những đối tượng này tuyên truyền rằng Việt Nam xưa là của TQ và nay dù độc lập nhưng vẫn lệ thuộc TQ, biển Đà Nẵng là biển nam TQ…
HDV hoạt động chui người TQ tại sân bay Đà Nẵng (ảnh do HDV tiếng Trung cung cấp).
Tại Hội An, 2 năm trở lại đây, khách TQ đổ về khiến mọi thứ ở thành phố cổ này đảo lộn. Một giám đốc Cty du lịch chuyên về khách Tây nói rừng dừa 7 mẫu là điểm đến thú vị của Hội An được khách Tây ưa thích; vậy mà khách TQ tràn vào la hét, quậy tưng; khách Tây ngao ngán bỏ đi. Chủ tịch xã Cẩm Thanh (Hội An) thừa nhận khách Âu, khách Tây đã sụt giảm từ khi khách TQ tràn về.
Tin khó tin hôm nay gửi đến Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh thắc mắc lớn rằng ai và tại sao đã để xảy ra tình trạng “mất chủ quyền” đặc biệt nghiêm trọng đến vậy: Để cho những kẻ hoạt động du lịch chui người ngoại quốc lớn tiếng xuyên tạc lịch sử, địa lý dân tộc Việt như vậy? Nếu được đề nghị Bí thư tuyên bố thời hạn làm rõ và quy trách nhiệm, xử lý cá nhân, tổ chức để xảy ra thực trạng đau lòng trên.
2. Cuộc tháo chạy dưới tên gọi luân chuyển bất thành
Ông Phan Hòa Bình lên xe cửa trên sau khi làm việc với cơ quan điều tra Bộ Công an tại trụ sở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu vào sáng 3.7. Ảnh: Đông Hà. 
Hôm qua, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, khám xét nơi ở và làm việc của ông Phan Hòa Bình – Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu. Trước khi lên chức này, ông Bình là Chủ tịch TP.Vũng Tàu. Thêm hai đồng sự cùng bị khởi tố và khám xét là ông Trương Văn Trí – chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, và ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch UBND phường 9, TP.Vũng Tàu. Trước khi lên các chức này, ông Trí là Phó Chủ tịch TP.Vũng Tàu, còn ông Sơn là Trưởng phòng quản lý đô thị dưới quyền ông Bình.
Các ông này đã bị khởi tố về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Họ đã cùng nhau ký giấy tờ đất đai làm thất thoát của nhà nước chục tỉ đồng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lừa đảo của dân trên 400 tỉ đồng. Một Chủ tịch TP vi phạm pháp luật như vậy vẫn được cất nhắc lên đến vị trí Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy đã cho thấy quy trình bổ nhiệm cán bộ của chúng ta đang rất có rất vấn đề, dù rằng “đúng quy trình”.
Và có vẻ như Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tầm nhìn xa khi biết trước vụ khởi tố làm mất cán bộ này nên đã ra lệnh cho bà Lê Thị Công – Giám đốc Sở TNMT nghỉ việc sau 10 tháng nhậm chức để nhận quyết định do Chủ tịch tỉnh này ký bổ nhiệm bà Công làm Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu gây lùm xùm mấy tuần qua.
3. Xốp trong bêtông dự án 6 nghìn tỉ, cầu 119 tỉ sập cái rầm
Lớp xốp này dày 3-4 cm xen kẽ giữa lớp cát mỏng và lớp bê tông. 
Dự án đường trục phía Nam nối từ quận Hà Đông đi qua các huyện phía Nam thành phố Hà Nội do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 6.000 tỉ đồng. Phóng viên Tiền Phong nói rằng họ ghi nhận tình trạng xốp, cát trong bêtông tại hàng loạt trụ đèn điện trên cầu vượt đường sắt.
Chủ đầu tư cho biết dự án đã hoàn thành từ 2012. Còn xốp trong bêtông là chủ định của đơn vị thi công. Và toàn bộ quá trình thi công, giám sát đều đúng quy trình.
Tình trạng sụt lún, hư hỏng của cầu máng. 
Trong khi đó, tại Bình Thuận một cây cầu máng trong hệ thống thủy lợi sông Dinh 3 có vốn đầu tư 119 tỉ đồng đã bị sập cái rầm sau 1,5 năm sử dụng. Người dân nói không chỉ cầu máng sập, nhiều hạng mục khác cũng nứt toác, gãy đổ tùm lum.
Tôi nghĩ cứ đà này sẽ còn nhiều cái “sập cái rầm” nữa nếu không kiên quyết xử lý tiêu cực, sai phạm, tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong dự án và đấu thầu.
4. Phải 50 năm nữa biển mới như xưa, cá rớt giá thê thảm sau vụ Formosa
San hô bị chết dưới đáy biển Bắc Trung bộ. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Các nhà khoa học đã khảo sát đáy biển các tỉnh trong vùng bốn tỉnh cá chết và ghi nhận hơn một nửa rặng san hô đã bị chết, nhiều loài tôm cá điển hình của vùng này cũng không còn. Họ khẳng định phải mất ít nhất là 50 năm, hệ sinh thái biển ở đây mới khôi phục hoàn toàn.
Về giải pháp khắc phục, các nhà khoa học cho rằng trong trường hợp xyanua, phenol ở vùng đáy không phân hủy hết, một giải pháp có thể được cân nhắc là hút trầm tích đáy biển. Với dải biển dài 209 km, dự kiến hàng nghìn tấn trầm tích sẽ được hút lên. Sau đó phải tiến hành các công đoạn xử lý, chôn lấp an toàn.
Tờ Dân Việt hôm qua đã phản ánh tình trạng bi đát tại cảng Thọ Quang (Đà Nẵng) – một cảng cá lớn nhất ở miền Trung. Rằng từ sau vụ Formosa cho đến giờ, giá hải sản lao dốc không phanh; ngư dân chấp nhận lỗ lã cho tàu ra khơi để giữ bạn, giữ mối. Nhưng họ cũng nói là kéo dài thêm nữa thì không trụ được.
Tôi nghĩ, làm thế nào để mau kết thúc cảnh bi đát của biển và ngư dân miền Trung thì không dễ chút nào, không thể ngày một ngày hai được. Nhưng phải đến 50 năm biển mới như xưa thì không biết có đợi được không?
5. Niềm hy vọng 20 tỉ đô và nhiều hơn nữa đã tan vỡ
Diễn biến giá trên thị trường thế giới khiến hiệu quả của các dự án lọc dầu cần được xem xét lại.
Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) với số vốn đăng ký đầu tư 20 tỉ đôla của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) vừa có tin hoãn triển khai do giá dầu đổ dốc và do những thay đổi ở Việt Nam.
Nguồn tin còn nói thêm, gần đây, các đại gia lọc dầu từng "hứa" đầu tư lớn vào Việt Nam đã phải tính toán lại quyết định đầu tư, bên cạnh những cuộc rút lui như của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar tại dự án lọc dầu Long Sơn (Vũng Tàu), Tập đoàn Gazprom Neft (GPN) tại Lọc hoá dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi)…
Để có được dự án lọc hóa dầu tại Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đã ban hành rất nhiều ưu đãi theo hướng không thể ưu đãi tốt hơn với nhà đầu tư. Rút ra từ học phí cao cho việc thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá là nhiều bài học ở nhiều địa phương. Nhưng tôi nghĩ bài học lớn nhất là phải chấm dứt ngay tư duy dự án gắn với tư duy nhiệm kỳ. Phải cật lực làm lụng, chắt chiu trên “đồng vốn” mà mình có được. Đừng há miệng chờ sung, đừng chờ ai đó đem thiên đường, hạnh phúc đến cho mình. Tất cả đều có giá của nó cả.

Tin khó tin: Formosa biến khô thành ướt, lô đề quốc doanh và Hải quan tự xử

LĐO Hà Phan
Nước mình kể cũng lạ, sáng đúng chiều sai đến mai có khi lại đúng. Như anh Formosa tráo công nghệ luyện thép từ khô sang ướt giờ mới bảo là sai. Hay sếp Hải quan Đà Nẵng trấn an chưa rõ lính nhận tiền hay không vẫn vội vàng đem trả người tố. Đến cả mấy cô bán thân nuôi miệng trước thấy cán bộ chạy trối chết, giờ lại mời đi khách sạn trừ tiền phạt! Thế cũng chưa bằng ma đề giờ vô tư lô đề quốc doanh chẳng ngại anh em nhà nào… 
1. Formosa biến khô thành ướt

Từ ngày Formosa cúi đầu nhận lỗi, Tin khó tin nhẩm đếm hàng chục lỗi, lỗ hổng to như mặt biển bỗng dưng lòi ra. Bộ, ban, ngành rồi quan này chức sắc nọ ào ạt chỉ khiếm khuyết mà mới tháng trước thôi chẳng mấy ai lên tiếng.
Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, khi kiểm tra liên ngành, phát hiện Formosa làm sai thiết kế cơ sở. Thay vì công nghệ luyện cốc dập khô thì họ đã chuyển sang dập ướt. Nghe đơn giản nhưng nguy lắm. Tin khó tin chỉ thắc mắc nho nhỏ : sao đến giờ mới công bố nhỉ?
Khô hay ướt lợi lộc gì mà Formosa thay hình đổi dạng? Các vị hiểu biết bảo khô ít ô nhiễm, bớt độc và ướt ngược lại. Nhưng ướt tiết kiệm lắm. Còn ô nhiễm ít nhiều gì họ ở tận xứ Đài có gánh mấy đâu mà lo. Thảm họa xảy ra chẳng qua họ tính già hóa non ấy mà. Chẳng biết đằng sau ấy thật ra là cái gì vì biết Formosa làm thế nhưng có ai ngăn chặn hay chế tài gì đâu. Nói không quá chứ trót lọt thì giờ chắc cũng chẳng băn khoăn khô hay ướt. Hay lại bảo biết nhưng luật hở đành chịu? Rất đúng quy trình.
2. Lô đề quốc doanh
Cuộc đời cứ quay vòng vòng, sáng đúng chiều sai đến mai lại đúng chẳng biết đâu mà lần. Đấy là tôi nói về số đề, trò cờ bạc mà ở Hậu Giang khoác cho cái tên mỹ miều “ Vé số tự chọn”, còn dân gian kháo nhau “lô đề quốc doanh”. Tin khó tin không phản đối nhưng cũng chẳng ủng hộ. Hình thức và nội dung có khác gì lô đề nhân dân đâu mà tung hoa cơ chứ! Chỉ có khác là giờ nhiều hình thức cho dân chúng cầu may hơn . Thôi thì an ủi nhau, đằng nào cũng chẳng cấm được như mại dâm nên quản thế cho nó lành. Thay vì nuôi thầu , chung tay trước trả thưởng sau trả lương tiếp nữa xây được cái gì hay cái ấy.
Không biết có ai đã ra đê mà ở chưa chứ ghi số với Nhà nước an toàn, tiện lợi chẳng ai đụng chạm nên ăn ít no lâu hơn. Lấn sân đề đóm truyền thống thì chưa nhưng ngoạm bớt phần vé số đã rồi. Nhiều nền kinh tế tỉnh nhà nguồn thu chủ yếu từ xổ số thì phải gọi tên bằng gì nhỉ? Ai vỗ tay chứ xây dựng quê hương mà trông chờ vào đây tôi vẫn có nỗi buồn chẳng nhẹ. Chẳng lẽ cứ thẳng với nhau bí quá tận thu hay cười nhẹ đời này không giống cái tên chứ cũng thế cả. Mà nước ta vốn thế, cứ vui đi lô đề quốc doanh.
3. Hải quan tự xử
Dư luận cứ đồn đại làm Hải quan mà “chết” vì 200.000 như mấy vị ở TP đáng sống thì nhạt quá! Tôi lại nghĩ khác. Nếu đúng là vài lọ thuốc bổ, thêm 1, 2 tờ nữa mà vòi vĩnh đến nỗi để dân tức cũng đáng bị trảm lắm. Nhưng bảo mấy ông này cá biệt chắc khó tin hơn bản tin chúng tôi viết hàng ngày.
Hôm qua Tuổi trẻ dẫn thêm câu chuyện, cha con nhà du học sinh tố đến Bí thư Anh mấy ông Hải quan sân bay Đà Nẵng “xin” 50 triệu. So với vô số vụ khác cùng ngành chắc chỉ nhỏ như móng tay nhưng thái độ sếp rất lạ. Cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng Nguyễn Tiến Thọ nói rằng chưa rõ có hay không lính mình nhận tiền bồi dưỡng nên chưa đủ cơ sở xử lý. Tuy vậy ông ấy vẫn chỉ đạo trả lại 50 triệu lỡ dại cầm không nhầm.
Như một phép màu, số tiền chưa rõ ấy đã về lại khổ chủ. Không có trả làm gì? Thật là vụng chèo vụng cả chống. Đừng bảo tại dân cứ giúi vào tay làm hỏng cán bộ. Các bác thương nhau kiểu này bằng mười hại nhau. Thà tự xử chứ để chỗ khác ra tay thì khó mà chưa đủ cơ sở lắm. Không khéo lại như cháy lan lại khổ.
4. Gái mại dâm mời cán bộ đi khách sạn trừ tiền phạt
Chiến dịch, phòng chống, dẹp bỏ… và cũng từng “phục hồi nhân phẩm” nhưng gái mại dâm chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, lúc suy lúc thịnh thôi các bác ạ! Hôm qua, Phó phòng LĐTB và Xã hội Q 12 (TPHCM) cho hay: "Khi bị bắt quả tang bán dâm, nhiều cô gái ở Sài Gòn không có tiền đóng phạt, nên mời cán bộ đi khách sạn để trừ tiền"!
Ai ngạc nhiên chứ tôi thì không. Đừng vờ che mặt gọi đó trơ trẽn hay khoác áo đạo đức lên án. Họ đã coi và xã hội không muốn nhưng đã thầm coi đó là nghề. Mà đã thành nghề và cả nhu cầu thì xin đừng dùng mệnh lệnh hay ý chí để bắt các cô ấy và khách nắm tay nhìn nhau cười.
Đành rằng khép nép Á đông, truyền thống gia phong, nhân phẩm phụ nữ…, tuy nhiên xin hỏi quét sạch bằng cách nào đây? Lâu lâu ra quân, chi vài triệu cho họ học nghề hay phạt mãi phát chán ư? Kết quả thế nào thì ai cũng rõ rồi. Nên nhìn bằng góc khác thôi. Nâng cao đạo đức không thể chỉ kêu gọi được đâu. Khi nào loài người diệt dục cả thì các em ấy mới hết chỗ hành nghề. Còn bây giờ không cấm được thì quản vậy. Tại sao không nhỉ?