(ĐSPL) -
Quản lý khoản tiềnkhổng lồ do người lao động trên cả nước đóng góp nhưng
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) đã lộ ra nhiều vấn đề trong quản lý
khiến người dân băn khoăn khoản tiền "gửi két" cũng không an toàn.
Bảo hiểm "mượn" vốn của người dân để... sinh lời
Mới
đây, khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo luật Bảo hiểm xã hội
(BHXH) sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, quỹ hưu
trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần với nhiều
nguyên nhân, trong đó có việc tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng
BHXH ngắn (bình quân nam 28 năm, nữ 23 năm) và thời gian hưởng lương hưu
dài. Uỷ ban Các vấn đề xã hội Quốc hội đồng tình với quan điểm nâng
tuổi nghỉ hưu để tăng thời gian đóng BHXH, nhưng cho rằng, việc này chưa
thể quyết định ngay mà phải nghiên cứu kỹ.
Bảo hiểm xã hội vì an sinh xã hội, vì hành phục mọi người. |
Liên
quan đến đề xuất nâng tuổi hưu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho
rằng: "Nâng tuổi nghỉ hưu lúc này chưa hợp tình hợp lý. Đó chỉ là một
cách, một con đường để giải quyết nguy cơ trên, còn nhiều cách, nhiều
con đường khác". Tuy nhiên, vấn đề được Đại biểu Quốc hội, người dân
quan tâm chính là việc quản lý khoản tiền khổng lồ do người lao động
trên cả nước đóng góp như thế nào để khoản tiền đó không trở thành nỗi
lo và sự rủi ro.
Theo báo cáo của
BHXH Việt Nam, ước tính đến hết năm 2012, số kết dư quỹ BHXH là 221.019
tỷ đồng (đã trừ phần quỹ BHYT), được đầu tư bằng các hình thức: Cho ngân
sách Nhà nước vay (55,22%); cho các ngân hàng thương mại Nhà nước vay
(24,72%); mua trái phiếu Chính phủ (18,19%); cho ngân hàng Phát triển
Việt Nam vay (0,15%); cho ngân hàng Chính sách xã hội vay (0,10%).
Năm
2012, BHXH Việt Nam cũng cho công trình thủy điện Lai Châu vay 2.248 tỉ
đồng, đưa tổng số vay lên 3.748 tỉ đồng (chiếm 1,6% tổng số kết dư). Tỉ
lệ lãi suất bình quân mà BHXH cho các tổ chức trên vay ở mức khoảng
10,4%.
Trước những con số này, trong
phiên thẩm tra báo cáo của Chính phủ về quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm
2012 của ủy ban Các vấn đề xã hội vừa qua, nhiều Đại biểu Quốc hội bày
tỏ sự lo ngại về khả năng đòi được nợ từ các tổ chức này.
Trước
những dự báo về việc quỹ BHXH sẽ “vỡ” vào năm 2023-2024 nếu tiếp tục
duy trì tình trạng đầu vào và đầu ra mất cân đối như hiện nay (hiện số
người tham gia BHXH bắt buộc bình quân là 0,3 triệu người/năm, số nghỉ
hưu hưởng chế độ BHXH lớn gấp đôi 0,6 triệu người/năm), nhiều ý kiến lo
ngại sẽ xảy ra tình trạng khó đòi sau khi cho vay từ số kết dư quỹ BHXH.
Trước
những băn khoăn của Đại biểu Quốc hội và dư luận, Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng nêu quan điểm, chỉ được đầu tư vào nơi an toàn, bảo tồn
được vốn, không được cho vay vì đây không phải tiền của BHXH mà là tiền
của người về hưu, BHXH đâu phải là nhà kinh doanh mà tìm cách sinh lời.
Chủ tịch Sinh Hùng cho rằng, mua trái phiếu Chính phủ là yên tâm nhất.
Nhiều chuyên gia băn khoăn về độ an toàn khi BHXH đem tiền của người lao động cho vay. Ảnh minh họa. |
Rủi ro ai gánh, trách nhiệm ai lo?
Trao
đổi với PV Báo Đời sống và Pháp luật, các chuyên gia nhấn mạnh,
quỹ BHXH là tiền do người lao động đóng góp, cơ quan giữ tiền cho người
lao động thì phải làm thế nào cho quỹ an toàn, hiệu quả trong dài hạn.
Hiện nay, việc BHXH Việt Nam đem trên 70% số tiền kết dư cho Nhà nước và
các tổ chức tín dụng Nhà nước vay với lãi suất thấp hơn lạm phát, chi
phí quản lý luôn có xu hướng gia tăng. Do đó, BHXH cần xem lại các khoản
đầu tư. Các khoản cho vay không khác gì gửi tiết kiệm với lãi suất thấp
mà BHXH Việt Nam đang thực hiện chưa hẳn đã an toàn.
Trao
đổi với PV, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội dẫn
chứng: Kết quả kiểm toán quỹ BHXH tính đến 31/12/2011 cho thấy công ty
Cho thuê tài chính 2 (thuộc ngân hàng NN&PTNT Việt Nam) còn nợ BHXH
Việt Nam số gốc là 787,5 tỉ đồng và lãi là 264,6 tỉ đồng. Cho đến nay,
số chưa đòi được còn rất lớn và nguy cơ khó trả đang nằm trong tầm tay.
Trước thực tế 1.052 tỉ đồng tiền BHXH coi như mất trắng, ĐBQH Nguyễn Tấn
Tuân (Khánh Hòa) đặt vấn đề về sự công bằng: "Tại sao người lao động
không đóng BHXH thì đòi xử lý hình sự, trong khi BHXH lấy tiền của họ
cho vay và làm thất thoát thì lại không ai chịu trách nhiệm?".
Chuyên
gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong phân tích: Theo quy định thì tiền tạm
thời nhàn rỗi của các quỹ bảo hiểm được đầu tư theo các hình thức như:
Mua trái phiếu, tín phiếu, công trái của Nhà nước, của ngân hàng thương
mại Nhà nước; cho ngân sách Nhà nước vay; cho ngân hàng thương mại Nhà
nước, ngân hàng Phát triển Việt Nam, cho ngân hàng Chính sách xã hội
vay; đầu tư vào các công trình kinh tế trọng điểm quốc gia, một số dự án
có nhu cầu lớn về vốn do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Ngoài
ra, các hình thức đầu tư khác do Hội đồng Quản lý quyết định. Tuy
nhiên, điều đó không có nghĩa là BHXH được cho vay tràn lan, tuỳ thích.
Trong các danh mục được phép cho vay, đầu tư, BHXH cần ưu tiên lĩnh vực
an toàn, bảo toàn được vốn đó là trái phiếu Chính phủ. Nếu trong cơ cấu
cho vay, BHXH Việt Nam đem trên 70% số tiền kết dư cho Nhà nước và các
tổ chức tín dụng Nhà nước vay thì cũng cần xem xét. Bởi tỉ lệ này tại
sao còn cao hơn tỉ lệ mua trái phiếu. Trong khi, trái phiếu năm ngoái
chỉ bán được 20%.
Nhận định lý do
khiến việc cho vay hấp dẫn hơn mua trái phiếu, TS.Phong cho rằng, có thể
lãi suất từ trái phiếu không cao bằng cho vay. Tỉ lệ lãi suất bình quân
mà BHXH cho các tổ chức trên vay ở mức khoảng 10,4% thì lãi suất từ
trái phiếu chỉ khoảng 7%. Mức chênh lệch này vì thế mà đem lại lợi
nhuận.
Theo TS.Nguyễn Minh Phong, để
đảm bảo cho quỹ lương hưu được an toàn, cần ưu tiên thứ tự đầu tư trước
tiên cho những lĩnh vực ít rủi ro. Các đơn vị trong diện được cho vay
tuy đều là thuộc Nhà nước nhưng vì đó cũng là những doanh nghiệp nên
theo nguyên tắc nó có thể bị phá sản nếu kinh doanh không tốt. Chính vì
thế, BHXH kinh doanh trên lợi ích của cộng đồng thì càng phải cẩn trọng
hơn.
Cũng liên quan đến vấn đề trên,
ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, quỹ lương hưu được tích luỹ từ tiền của người
dân gửi nên phải sử dụng thật minh bạch. Số tiền đem đi cho vay là do
người dân góp vào, vậy thì tiền lãi suất sinh lời từ đó, sử dụng vào
việc gì. Mục đích sử dụng phải được nêu cụ thể. Liệu có tình trạng cấp
cơ sở chưa được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về quỹ mà BHXH vẫn đem tiền đi
cho vay không? Nếu họ đảm bảo đủ rồi thì không sao nhưng chưa lo hết
việc của đơn vị mình mà vẫn đem tiền đi cho vay thì không ổn. "Điều quan
trọng nhất là phải quy rõ trách nhiệm nếu xảy ra rủi ro khi đem tiền
của quỹ lương hưu đi cho vay. Điều này, tôi chưa thấy nêu cụ thể. Trước
đây đã từng xảy ra tình trạng BHXH cho vay nhưng không đòi được tiền gốc
chứ chưa nói đến lãi. Vậy đã có ai bị xử lý chưa? Cần có tiêu chí rõ
ràng khi cho vay để đảm bảo BHXH được hoạt động đúng mục đích của nó",
bà An nhấn mạnh.
Cũng theo bà An, khi
mang tiền của người dân cho vay thì phải đảm bảo an toàn, nếu xảy ra
rủi ro thì trách nhiệm thuộc về thủ trưởng các đơn vị thuộc BHXH Việt
Nam và trách nhiệm trong quản lý điều hành của Tổng Giám đốc BHXH Việt
Nam.
Tại phiên họp về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2013 của ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 24/4, đại diện Kiểm toán Nhà nước giải trình: 785,5 tỷ đồng chỉ là số gốc tiền BHXH đã cho công ty Cho thuê tài chính 2 vay. Tính lãi, đến cuối năm 2012 đã là 264,6 tỷ đồng. Con số mà kiểm toán kiến nghị xử lý là 1.052 tỉ đồng. Chưa tính đến bây giờ, số nợ thực tế đã tăng lên rất nhiều. "Đến giờ chúng tôi cơ bản đánh giá khả năng thu hồi nợ là nợ ở "cấp độ 5", là coi như mất" - đại diện Kiểm toán Nhà nước nói. Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Cơ quan điều tra (CQĐT) tiến hành làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật. Và hồ sơ đã được chuyển CQĐT từ cuối tháng 12/2012. |
HẠNH- LAN
Nguồn: http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/bao-hiem-xa-hoi-co-nguy-co-mat-trang-hang-nghin-ti-dong-cho-vay-a32204.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét