Vì sao họp kín về lấy phiếu tín nhiệm?
Lấy tín nhiệm lần này sẽ khó đi vào 'thực chất' và 'đạt hiệu quả', theo ý kiến nhà quan sát. |
Quốc hội Việt Nam sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn trong một phiên họp kín, sáng 15/11.
Việc Quốc hội quyết định 'họp kín' khi lấy phiếu tín nhiệm có thể do các
lãnh đạo muốn 'điều chỉnh nội bộ' và tránh 'ném chuột, vỡ bình' như
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đã gợi ý, theo ý kiến bình luận từ trong nước.
Việc họp kín này cũng có thể phản ánh chiều hướng muốn 'dàn xếp nội bộ'
trong lúc tình hình quan hệ giữa các phe nhóm lãnh đạo trong chính quyền
vẫn 'còn phức tạp', theo nhà văn Phạm Viết Đào từ Hà Nội.
Mặt khác qua cách thức lấy phiếu tín nhiệm được chủ trương, có thể thấy
trước việc lấy phiếu kỳ này sẽ 'không đạt được mục tiêu' và 'không đạt
được điều gì', theo một nữ cựu Đại biểu Quốc hội khóa XII.
Tôi thấy làm như thế giống như một con bệnh mình không minh bạch đưa ra ánh sáng, đến khi nó hoại tử, thì chắc là không kịp
Nhà văn Phạm Viết Đào
Hôm 12/11/2014 từ Hà Nội, nhà văn Phạm Viết Đào, người mới ra tù hôm
13/9 sau khi bị kết án 15 tháng tù giam vì tội 'lợi dụng các quyền tự do
dân chủ' theo điều 258 của Bộ luật Hình sự của Việt Nam, nói với BBC:
"Tôi nghĩ đấy là một chủ trương thực hiện ý kiến của ông Nguyễn Phú
Trọng đã từng phát biểu. Tôi đoán là chắc muốn có những điều chỉnh nội
bộ để tránh những việc như ông Trọng nói 'ném chuột sợ vỡ bình'.
"Chủ trương họp kín cũng là có tính chất dàn xếp nội bộ những xung đột,
những mâu thuẫn nếu có, thì họ muốn giải quyết vấn đề nội bộ.
"Và tôi thấy làm như thế giống như một con bệnh mình không minh bạch đưa
ra ánh sáng, đến khi nó hoại tử, thì chắc là không kịp," cựu blogger và
nguyên chánh thanh tra thuộc Bộ Văn hóa của Việt Nam cảnh báo.
'Chẳng để làm gì'
Cũng hôm thứ Tư, bà Phạm Thị Loan, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thương mại Đầu
tư Việt Á, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa trước, dự đoán với BBC về kết
quả và hiệu quả của lần lấy phiếu được Quốc hội Việt Nam ấn định vào
ngày thứ Bảy 15/11/2014.
Bà Loan nói: "Theo tôi, cái cách mà các vị đang bỏ phiếu tín nhiệm theo như thế này, tôi thấy không giải quyết được cái gì.
"Và như anh Nguyễn Minh Thuyết nói, bây giờ quan trọng nhất phải là mục
tiêu, một là bỏ phiếu tín nhiệm ai, vị trí nào thì tập trung làm về vị
trí đấy và thứ hai, bỏ phiếu tín nhiệm phải minh bạch, nghĩa là cho thực
chất.
"Chứ không phải theo kiểu làm để lấy lệ. Tức là có vẻ quan tâm, kiểm
soát, nhưng mà thực ra cái phiếu nó cũng không chính xác, thứ hai là sau
khi bỏ phiếu xong thì cũng chẳng biết để làm cái gì cả."
Quan trọng nhất phải là mục tiêu, một là bỏ phiếu tín nhiệm ai, vị trí nào thì tập trung làm về vị trí đấy và thứ hai, bỏ phiếu tín nhiệm phải minh bạch, nghĩa là cho thực chất. Chứ không phải theo kiểu làm để lấy lệ
Cựu Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan
Gần đây, trong một tọa đàm trực tuyến với BBC, Giáo sư Nguyễn Minh
Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XII cho rằng Quốc hội không nên
lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tràn lan, mà chỉ nên tiến hành việc này
dựa trên thăm dò ý kiến trước về ai cần phải lấy tín nhiệm.
Ông nói: "Ở các nước, người ta chỉ theo kiến nghị của Đại biểu Quốc hội,
thì người ta lấy ý kiến Quốc hội về bỏ phiếu tín nhiệm với một người
nào đó cụ thể mà người đó theo Đại biểu là làm việc không tốt.
"Theo tôi tốt nhất là như vậy: đầu kỳ họp mình phát cho các đại biểu một
tờ giấy thăm dò, đại biểu nào đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm nào đối với ai
thì ghi vào đấy. Và cuối cùng, Ban Tổ chức thống kê xem từ 20% đại biểu
trở lên đề nghị bỏ phiếu đối với ông X, ông Y chẳng hạn, thì lúc ấy
chúng ta bỏ phiếu.
"Còn những người khác thì để cho người ta làm việc. Mình lúc nào cũng
đem ra làm phiền người ta làm gì, tôi cho rằng cách làm của mình chẳng
giống ai cả."
'Khó tạo áp lực'
Ý kiến nói cần để cho người dân được biết và truyền thông có tiếng nói về việc lấy tín nhiệm. |
Về việc Quốc hội nên mở công khai hay nên họp kín ở phiên họp lấy tín
nhiệm 50 chức danh do Quốc hội bầu và Hội đồng nhân dân phê chuẩn, cựu
Đại biểu Phạm Thị Loan nói:
"Việc này chẳng việc gì phải họp kín cả, có thể bỏ phiếu kín thì được,
chứ nếu mà nói họp kín, quan điểm của tôi là Quốc hội cứ họp mở đàng
hoàng và bỏ phiếu kín...
"Lấy phiếu tín nhiệm cần phải công khai. Nếu ai như thế nào thì công
khai, để rồi quyết định công khai, còn quan điểm của tôi chẳng việc gì
mà phải kín và thứ hai báo chí biết thì cũng càng tốt chứ sao."
Cũng đồng tình với điểm này, nhà văn Phạm Viết Đào từ Hà Nội nói:
"Những vấn đề như thế này mà không để cho người dân tham gia, không để
cho truyền thông người ta có một tiếng nói nào đấy thì tôi nghĩ khó mà
minh bạch được, khó mà tạo ra những áp lực khách quan, tạo ra một chuyển
biến tích cực, khách quan hơn.
"Tôi nghĩ việc không công khai là một điều cũng hơi thất vọng, bản thân
tôi là người dân thì tôi cũng muốn chính phủ và các cơ quan lãnh đạo, cơ
quan công quyền của nhà nước cố gắng công khai tối đa.
"Tất nhiên nhà nước nào cũng có những 'hộp đen' của họ, thế nhưng mà cái
gì cũng cho vào hộp đen cả, tự giải quyết nội bộ, mà giải quyết nội bộ,
đôi khi, nhiều khi người dân người ta cũng thất vọng, vì mặc dù mọi cái
nói là dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, nhưng dân có biết
đâu," ông Đào nói với BBC.
(BBC)
Vũ Thị Phương Anh - Kỳ họp Quốc hội thứ 8: “Tâm điểm” nào?
Chọn một điểm nhấn cho
kỳ họp Quốc hội thứ 8 khóa 13 có lẽ sẽ không quá khó khăn. Bởi kỳ họp
lần này có quá nhiều sự kiện đáng nhớ. Tất cả đều liên quan đến các phát
biểu của các vị đại biểu.
“Phạm nhân hiện nay còn sướng hơn sinh viên thời xưa”
So
với các nước phát triển, đại biểu quốc hội của Việt Nam hẳn không thể
giỏi giang và chuyên nghiệp bằng, nhưng khả năng làm xôn xao dư luận với
những phát biểu độc đáo thì không ai vượt qua được họ. Có thể kể ra khá
nhiều trường hợp từ trước đến nay, nhưng chỉ riêng kỳ họp đang diễn ra
cũng đủ cung cấp cho ta rất nhiều ví dụ như thế.
Ngay
đầu kỳ họp, đại biểu Đỗ Văn Đương đã làm dư luận ngỡ ngàng. Khi được
hỏi liệu Việt Nam có cần thay đổi hoặc điều chỉnh luật lệ gì để phù hợp
với Công ước chống tra tấn của Liên hiệp quốc vừa tham gia hay không,
ông cho biết hầu như không cần thay đổi gì, vì về cơ bản pháp luật Việt
Nam đã tương thích với nội dung Công ước (!). Và để khẳng định chế độ
lao tù của Việt Nam là vô cùng tốt đẹp, ông phán: “phạm nhân hiện nay còn sướng hơn sinh viên thời xưa[1]”.
Trong một phiên họp khác, khi nói về nghề luật sư của Việt Nam, cũng vẫn ông Đương đã khẳng định chắc nịch: “'thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền[2]”. Sau đó, bị Liên đoàn luật sư phản đối và yêu cầu đính chính, ông đã kiên quyết không rút lời vì cho rằng “dân biểu nói tiếng nói của dân và không phải truy cứu trách nhiệm gì cả[3]”. Phát biểu trên của ông cũng chẳng có gì sai, vì luật sư đi bào chữa thì đương nhiên phải có thù lao, chứ nếu không thì “sống bằng không khí mà đi bào chữa à?[4]”
Thời mạt pháp
Cùng
quan điểm đã là dân biểu thì có quyền tha hồ phát biểu mà không phải
truy cứu trách nhiệm như ông Đương, trong cuộc họp sáng ngày 31/10/2014
đại biểu Thích Thanh Quyết, một thượng tọa đang giữ chức phó chủ tịch
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã đề nghị nhà nước phải khen ngợi lực
lượng quân đội và công an trong thời gian qua, và “phải quyết tâm xây dựng quân đội nước ta mạnh như là quân đội của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên[5]”.
Lời
phát biểu đầy sát khí của vị tu sĩ Phật giáo này được truyền hình trực
tiếp trên dài truyền hình, khiến nhiều Phật tử lắc đầu và nghĩ về thời
kỳ mạt pháp. Một số người khác thì mỉa mai, quyết tâm xây dựng quân đội
mạnh như Bắc Triều Tiên để làm gì khi quan hệ Việt – Trung luôn được Nhà
nước Việt Nam khẳng định là tốt đẹp, bất chấp việc Trung Quốc liên tục
mở rộng xây dựng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam?[6]
Như
thể cho rằng nghị trường của Việt Nam chưa đủ sôi động, ông nghị Hoàng
Hữu Phước tung ra trên blog cá nhân một loạt bài công kích với lời lẽ
thiếu tôn trọng đối với đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Sau khi ông Nghĩa
gửi báo cáo vụ việc lên Đoàn đại biểu quốc hội TP HCM để đề nghị làm rõ
vấn đề, ông Phước đã giải thích ông không nhắm vào cá nhân mà chỉ muốn
viết những bài ấy để chỉ ra cái sai của ông Nghĩa mà thôi.
Cái
sai mà ông Phước muốn chỉ ra liên quan đến phát biểu của ông Nghĩa rằng
kinh tế Việt không thể thấy chân trời mới vì đang đi trên đường ray cũ.
Ông Phước cho rằng phát biểu nói trên là sai hoàn toàn, vì đã là đường
ray tất phải có sẵn điểm đến, và điểm đến ấy đã được hiến định là “con đường đi lên CNXH[7]”. Phát biểu này khiến mọi người nhớ đến một phát biểu khác rất nổi tiếng của vị lãnh đạo cao nhất của ĐCS Việt Nam, rằng “đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
Cần
nhắc lại là trước đây ông Phước đã từng viết bài thóa mạ đại biểu
Dương Trung Quốc, sau đó đã phải chính thức viết thư xin lỗi. Việc công
kích ông Trương Trọng Nghĩa lần này khiến nhiều người đặt câu hỏi về sức
khỏe tâm thần của ông Phước. Vấn đề tâm thần của đại biểu quốc hội trở
thành một chủ đề được đưa ra thảo luận tại quốc hội.
Rất trào phúng, ông Trần Du Lịch cho rằng nếu cứ như hiện nay thì “một người mới từ bệnh viện tâm thần cũng ứng cử được[8]”.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thẳng thắn
đề nghị các ứng viên phải được khám sức khỏe tâm thần. Các phát biểu này
sau đó đã được đúc kết thành một tựa báo ngộ nghĩnh như một lời ám chỉ:
“Đừng để người tâm thần ứng cử đại biểu Quốc hội[9].”
Tất cả đều không có gì lạ
Kỳ
họp thứ 8 của Quốc hội khóa 13 vẫn còn tiếp diễn trong những ngày tới;
các đại biểu vẫn còn cơ hội đưa ra những phát ngôn độc đáo khác nữa. Báo
chí lề phải, lề trái cả trong và ngoài nước vẫn tiếp tục rình và chộp
những phát biểu độc đáo nhất để … giựt tít bán báo.
Dân chúng sẽ tiếp tục ngao ngán kêu lên: “Dân không bầu đại biểu quốc hội để … cãi lộn[10].”
Những nhà báo có tâm huyết và nghiêm túc sẽ tiếp tục viết bài để chỉ ra
nhu cầu cải thiện chất lượng đại biểu Quốc hội, để không còn tình trạng
tâm điểm của các kỳ họp Quốc hội chỉ là những cuộc cãi vã vô bổ, chứ
không phải là tranh cãi những vấn đề nóng hổi liên quan đến quốc kế dân
sinh[11].
Để
khi kỳ họp qua đi, tổng số nợ công trên đầu mỗi người dân vẫn chẳng
giảm đi, đường phố ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn biến thành sông sau
mỗi cơn mưa lớn, sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp, người dân vẫn chết
trong đồn công an, trẻ em vẫn chết khi tiêm vắc-xin, và tai nạn giao
thông vẫn là một nỗi kinh hoàng ….
Tất cả đều không có gì lạ.
Chỉ lạ một điều: Vì sao cho đến nay vẫn còn có những người thắc mắc và than phiền về tình trạng thanh niên thờ ơ với hiện tình của đất nước?
Vũ Thị Phương Anh
[1] http://baophapluat.vn/trong- nuoc/pham-nhan-viet-nam-con- suong-hon-sinh-vien-thoi-xua- 199777.html
[2] http://danluat. thuvienphapluat.vn/dai-bieu- do-van-duong-thuc-chat-luat- su-o-viet-nam-chi-bao-chua- cho-nhung-nguoi-121318.aspx
[3] http://dantri.com.vn/xa-hoi/ db-do-van-duong-day-la-tieng- noi-cua-dan-khong-phai-truy- cuu-trach-nhiem-989787.htm
[4] http://www.thanhnien.com.vn/ pages/20141028/dbqh-do-van- duong-luat-su-khong-co-thu- lao-thi-lay-khong-khi-song-a. aspx
[6] http://www.thanhnien.com.vn/ pages/20141107/anh-huong-phap- ly-viec-trung-quoc-xay-dao-o- truong-sa.aspx
[7] http://motthegioi.vn/xa-hoi/ thoi-su-xa-hoi/ong-nghi-hoang- huu-phuoc-sap-toi-toi-se-viet- ve-cai-duong-ray-ong-nghia- noi-117970.html
[8] http://tuoitre.vn/tin/chinh- tri-xa-hoi/20141105/dung-de- nguoi-benh-tam-than-ung-cu- quoc-hoi/667723.html
Người Buôn Gió - Đại tướng tâm tư, đại gia trăn trở
Đại tướng tâm tư.
Đại tướng bộ trưởng quốc phòng Việt Nam phát biểu trước quốc hội, ông sợ anh em sẽ tâm tư khi không được phong tướng.
Dư luận dấy lên nhiều lời chế giễu về sự tham lam của các tướng lĩnh
quân đội cũng như cái cách mà ông Thanh vòi vĩnh ở quốc hội.
Nhưng ít ai thấy được đằng sau những lời ông Thanh nói là hàm ý gì.?
Thứ nhất ông Thanh dùng từ '' anh em ''. Lẽ ra ở trước quốc hội, ông
Thanh là bộ trưởng, giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước, ông không thể
dùng từ bỗ bã như gọi các đồng chí trong bộ của mình là '' anh em ''.
Người Buôn Gió |
Vậy tại sao ông Thanh gọi các đồng chí trong bộ quốc phòng là '' anh em ''.
Từ '' anh em '' ở đây có nghĩa là một nhóm người có quan hệ mật thiết ,
gắn bó với nhau. Nói theo nghĩa đẹp của linh tráng là tình đồng đội
chung một lý tưởng, cùng xông pha chiến trường để bảo vệ tổ quốc. Cùng
có những lúc gian nguy sinh tử hay những lúc khốn khó măng rừng, củ sắn
thay cơm......
Nhưng đó là thời chiến đấu, giờ là thời làm kinh tế. Cái từ '' anh em ''
kia hàm ý là một nhóm người có lợi ích gắn bó với nhau, như một băng
đảng, như một công ty, một tập đoàn. Từ '' anh em '' mà ông Thanh dùng
trước quốc hội là một lời nhắc nhở cho quốc hội rõ là bộ quốc phòng của
ông là một '' gia đình '' trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Nếu các bạn xem phim Bố Già, sẽ thấy lời ông Thanh tựa như lời nói của
một trong '' ngũ đại gia đình Maphia, Gangxto'' trong cuộc gặp của các
bố già toàn nước Mỹ. Kiểu như '' gia đình '' chúng tôi sẽ rất khó nghĩ
về chuyện này nếu địa bàn, phần mối làm ăn kia...không được như ý. Điều
này được hiểu thêm nữa là một lời đe doạ, là sẽ có chiến tranh giữa các
đại gia đình.
- tôi sợ anh em tâm tư.
Hiểu đúng nghĩa của câu ông Thanh nó trước quốc hội, đó là một lời đe
doạ của các tướng lĩnh bộ quốc phòng. Tuy rằng nó được che đậy khéo léo
trước những từ ngữ êm ái. Quân đội nhân dân Việt Nam có lời thề, tuyệt
đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên. Trong trường hợp này quốc hội là cấp
trên cao nhất, ông Thanh là người lính lớn nhất của quân đội. Ông thừa
hiểu mệnh lệnh, ý chí của cấp trên ban ra là thế nào, tại sao một người
lính lại phải '' tâm tư '' trước quyết định cấp trên.
Trừ khi có ý định muốn uy hiếp cấp trên mới nói câu đó.
Ông Thanh so bì bên công an, ở Hà Nội giám đốc công an là trung tướng
thì tư lệnh quân khu thủ đô cũng phải trung tướng. Mới đầu tưởng ông
Thanh so bì phi lý, vì quân đội và công an chức năng khác nhau. Nhưng
thực ra là ông Thanh so có lý, vì cả quân đội và công an Việt Nam ngày
nay mục tiêu chính là bảo vệ chế độ , bảo vệ Đảng. Trong lãnh vực này
công lao của quân đội không kém gì công an, hãy nhìn mục chống '' diễn
biến hoà bình '' mà báo Quân Đội Nhân Dân phát động và những cuộc tập
trận chủ đề đàn áp nhân dân khiếu kiện dưới cái mác '' chống khủng bố có
vũ khí ''...thì thấy.
Ý ông Thanh tóm lại là thế này.
- Chúng tôi cũng là lực lượng bảo vệ chế độ, công lao chúng tôi kém gì
bên công an, nếu chúng tôi không được bằng họ, chúng tôi sẽ không bảo vệ
chế độ ( chưa kể có thể là lật đổ chế độ ) tốt như chúng tôi đang làm.
Quốc hội Việt Nam cũng tức là ĐCS VN hay chế độ VN sau một chút giật
mình đã hiểu nghĩa bóng của câu nói đó. Lập tức chuẩn y cho '' anh em ''
ông đại tướng bộ trưởng quốc phòng.
Chúng ta quan sát sẽ rút ra được điều gì ở đây.?
Hãy gạt bỏ những bài viết rơm rác hay những phát biểu ba lăng nhăng về
chủ nghĩa, về dân tộc, về tinh thần phụng sự tổ quốc của dăm loại bồi
bút gắn mác giáo sư, tiến sĩ, nhà báo, nhà văn quân đội ấy đi. Đấy chỉ
là những cái loa được trả tiền để gây nhiễu người nghe. Chả có lý tưởng
hay chủ nghĩa, đất nước, dân tộc nào ở đây cả. Chỉ có một nhóm người có
vũ trang đòi hỏi quyền lợi của mình ý như một băng đảng yêu cầu thêm địa
bàn. Và nhóm người đó chính là lực lượng quân đội chính quy của môt chế
độ ( nói chế độ đúng hơn là nói của đất nước ).
Đó chính là sự tiềm ẩn nguy hiểm của chế độ này. Khi một chế độ phải ban
phát lợi lộc cho những kẻ bảo vệ mình, có nghĩa chế độ đấy sắp tan rã
lúc nào không biết. Cũng như những đôi yêu nhau vì tiền chứ không phải
tình yêu, quân đội Việt Nam qua lời ông Thanh cũng như vậy. Ngày hôm nay
ông Thanh so bì chức tước với bộ công an, chuyện tương lai ông so bì
những hợp đồng kinh tế với các bộ khác sẽ chả có gì lạ.
Lạ lùng là người ta bảo dân phải học tập tấm gương khiêm nhường của chủ
tịch Hồ Chí Minh, của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng trong trường hợp
ông Thanh đòi thêm chức tướng cho quân đội, chả có một tờ báo nào, một
quan chức, một dân biểu hay một trí sĩ nào mang tấm gương đạo đức của
HCM hay VNG ra để làm tấm gương khuyên nhủ ông Thanh cả. Vì sao, vì động
đến quyền lợi sát sườn thì chủ nghĩa, đất nước, dân tộc chưa cản nổi
thì đừng nói đến uy tín cá nhân nào, kể cả có là lãnh tụ.
Việc ông Thanh đòi hỏi quốc hội thông qua việc phong thêm tướng. Cho
thấy quân đội vừa là bảo vệ chế độ, nhưng khi không được như ý sẽ chả
biết thế nào.
Đại gia trăn trở.
Đại gia Huỳnh Uy Dũng của đất Bình Dương đã công khai đối đầu với chính quyền tỉnh Bình Dương trong một vu kiện tụng đất đai.
Buồn cười nhất là có tờ báo khuyên nhủ hai bên. Đại khái ông Dũng làm
căng thì chính quyền Bình Dương khui ra vụ ông bán dưới danh nghĩa góp
vốn lời 300 tỷ. Còn phía chính quyền là ông Cung sẽ bị khui đến chuyện
sở hữu hàng trăm hecta cao su và biệt thự nguy nga.
Tờ báo khác thì nói bóng gió là cứ thế này hai bên sẽ đều thiệt. Nên nhường nhịn nhau.
Nghĩa là chả có luật pháp nào ở đây. Chủ nghĩa xử lý '' làm sao cho mọi
việc hài hoà '' luôn được trọng dụng tối ưu trong các tranh chấp, khiếu
nại ở Việt Nam. Bởi thế nó khiến pháp luật Việt Nam lằng nhằng như canh
hẹ, cùng một vụ hai quan chức cấp sở đập cốc bia vào đầu nhau toé máu
được xử lý hài hoà, hai bên lỡ tay , chụp ảnh cầm tay nhau thân thiết.
Cũng tương tự người dân hắt bia vào quan chức bị xử tù vì tội làm nhục
và tấn công người khác.
Trong cái chủ trương '' xử lý hài hoà '' này mục tiêu được đặt là bảo
đảm quyền lợi cho chế độ ( Đảng CSVN ) đầu tiên. Sau đó đến các quan
chức từ thứ tự cao xuống dưới. Tiếp đó đến loại dân có tiền, dân ít tiền
và cuối cùng là dân không có tiền. Pháp luật Việt Nam dựa trên chủ
trương như thế để áp dụng.Trong xã hội Việt Nam ngày nay, chúng ta không
nên gọi đó là sự bất công, hãy gọi đó là sự '' công bằng của CNXH ''
cho đúng bản chất chế độ.
Nhưng chuyện công bằng pháp luật tạm gác ở đây, không lôi thêm dẫn chứng vì quá nhiều.
Ở đây chỉ nói tiếp đến chuyện đại gia trăn trở với cách làm của chính
quyền. Và có ý định đối kháng mạnh, không những bằng văn bản mà còn là
hành động. Việc ông Dũng Đại Nam ban lệnh miễn phí vé vào khu vui chơi
trước khi đóng cửa, khiến hàng chục nghìn người đổ xô về Đại Nam. Tạo
nên một đám đông tụ tập khủng khiếp nhất từ trước đến nay mà một cá nhân
không phải quan chức làm được. Ít ra 50 % số hàng chục ngàn người kéo
tới Đại Nam sẽ mang máng hiểu vấn đề là do sự chống đối của một đại gia
với chính quyền địa phương. ý thức về chống đối chính quyền sẽ có trong
tiềm thức của họ. Đó là một sự nguy hiểm cho chế độ trong tương lai.
Đã có nhiều đại gia bị bắt, mặc dù các đại gia này khi làm ăn đều có
người chống lưng. Nhưng khi người chống lưng về hưu, khi phe cánh đấu
đá, các đại gia lần lượt bị lôi ra làm thịt để dằn mặt nhau.
Sẽ có nhiều đại gia phải trăn trở khi nhìn những đại gia khác vướng vòng
lao lý như Hà Văn Thắm, Nguyễn Đức Kiên, Minh Sâm...hay vướng vòng kiện
tụng, o bế như Huỳnh Uy Dũng.
Một số đại gia sẽ tìm cách chống đỡ theo kiểu bỏ tiền, chia cổ phần cho
các người lãnh đạo mới để họ chống lưng. Nhưng cách đó cũng chả đảm bảo %
trong cuộc đấu đá liên miên. Gương của Bầu Kiên và Thắm Bắc Giang sờ sờ
ngay đó.
Huỳnh Uy Dũng dù nói thế nào cũng là một đại gia đáng can đảm hơn nhiều
đại gia khác. Nếu chọn cách chia phần cho ông Cung chưa chắc đã có
chuyện hãm việc thông qua quy hoạch dự án của mình. Hành động miễn phí
vé vào cửa Đại Nam hiểu theo nghĩa khác thì chính là phát tiền cho người
dân đi biểu tình. Một hành động đối kháng đầy ẩn ý.
Đó cũng là một lời đe doạ từ phía các đại gia với sự tồn vong của chế độ này.
Kết luận.
Rõ ràng chúng ta thấy, lực lượng nắm quân đội tức nắm người và lực lượng
nắm kinh tế tức tiền của như trên, trong tương lai sẽ là những lực
lượng đối kháng đe doạ sự tồn vong của chế độ này. Một khi quyền lợi của
họ bị đụng chạm. Đây là những lực lượng mạnh nhất theo đúng nghĩa đen
có thể làm cuộc thay đổi thể chế.
Trước sau việc đó cũng sẽ xẩy ra, bây giờ nó đã nảy mầm rồi.
Một thể chế thay đổi bởi những lực lượng như vây , chả hy vọng gì mang
lại điều tốt đẹp cho nhân dân ngay lập tức. Không là chế độ quân phiệt
cũng là chế độ tài phiệt. Một thể chế mới như vậy hy vọng có thể mang
lại tương lai tốt cho đất nước là rất xa, nó chỉ xảy ra trong trường hợp
các cường quốc yêu cầu bộ máy chế độ mới phải có vài nhân vật dân chủ
nào đó tham gia, các cường quốc mới công nhận và thiếp lập quan hệ. Và
từ những nhân tố đó sẽ xoay chuyển dần đất nước đi vào quỹ đạo tiến bộ.
Nhưng nếu thế cờ như vậy, chuyện dân chủ, tiến bộ cũng vẫn còn xa và gian nan bởi nhiều việc phải làm.
Kịch bản nữa đẹp như mơ là các nhà dân chủ hô hào nhân dân biểu tình,
đình công làm tê liệt chế độ. Dẫn đến chế độ nhượng bộ và giải tán, bầu
cử dân chủ. Nhân dân tha hồ lựa chọn những Gan Đi, Mandela, San Suu Kyl,
Vaclav Havel nhãn hiệu Madein Việt Nam.
Tái bút ; bài viết dưới góc nhìn giải trí, miễn bình luận nghiêm túc.
Người Buôn Gió
(Blog Người Buôn Gió)
Mỹ: VN muốn được quyền lợi không đơn giản chỉ thả tù nhân lương tâm
Trà Mi phỏng vấn Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ-Nhân quyền-Lao động Tom Malinowski. |
Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ vừa hoàn tất chuyến công du Việt
Nam tuyên bố Hà Nội không thể gặt hái các quyền lợi quan trọng từ mối
quan hệ với Washington đơn giản bằng cách phóng thích tù nhân lương tâm.
Chuyến thăm của Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ-Nhân
quyền-Lao động Tom Malinowski vào hạ tuần tháng 10 diễn ra ngay sau khi
Hà Nội trục xuất tù nhân bất đồng chính kiến Điếu Cày sang Mỹ giữa lúc
Washington dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam và đôi bên
đang nỗ lực hoàn tất Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương
TPP.
Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt dành cho Trà Mi VOA Việt ngữ khi về lại
Hoa Kỳ, ông Malinowski khẳng định dù Hoa Kỳ sẽ tiếp tục yêu cầu Việt Nam
phóng thích tù nhân lương tâm, nhưng kế sách của Hà Nội thả vài người
đổi chác quyền lợi khi cần thiết rồi lại bắt thêm nhiều người khác sẽ
không lấy điểm được với Washington cũng như không mang lại TPP cho Việt
Nam. Ông Malinowski nhấn mạnh mức độ phát triển của mối quan hệ Việt-Mỹ
hoàn toàn tùy thuộc vào tốc độ cải cách nhân quyền, cải tổ luật lệ của
Việt Nam.
VOA: Xin ông vui lòng tóm tắt thành quả chuyến thăm Việt Nam vừa qua?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi ở Việt Nam trong 5 ngày, gặp gỡ
nhiều quan chức trong Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Công an, các giới
chức trong đảng cộng sản, và đại diện các tổ chức xã hội dân sự, các nhà
hoạt động, và những tù nhân lương tâm vừa được phóng thích. Thành quả
chính của chuyến đi là tôi đã chuyển tải tới nhà nước Việt Nam thông
điệp rất rõ ràng của chính phủ Mỹ rằng chúng tôi muốn bang giao Việt-Mỹ
tốt đẹp hơn, một mối quan hệ sâu rộng-vững chắc như những mối quan hệ mà
Hoa Kỳ đang có với các nước bạn thân thiết nhất trên khắp thế giới. Tuy
nhiên, để được như vậy, Việt Nam nhất thiết phải có tiến bộ về nhân
quyền. Tôi đã có dịp trao đổi với quan chức Việt Nam về những điều chúng
tôi mong nhìn thấy họ thực hiện trong thời gian sắp tới.
VOA: Phản hồi của phía Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Chúng tôi đã có những cuộc trao đổi tốt
đẹp. Phía Việt Nam cũng muốn biết quan điểm và trông đợi của phía Mỹ.
Chính phủ Việt Nam hết sức mong muốn xây dựng một mối quan hệ an
ninh-kinh tế gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng mong như vậy, nhưng
chúng tôi không muốn tiến tới quá nhanh để rồi bị ngã lui. Để có được
mối quan hệ bền vững với thời gian, hơn là một mối quan hệ đổi chác, cần
đảm bảo rằng đôi bên có một nền tảng những giá trị chung, cùng tin
tưởng, hướng tới một điều chung chứ không phải là đối nghịch với nhau
trong cùng một điều.
VOA: Còn những quan tâm cụ thể nào khác mà ông đã nêu ra với chính phủ Việt Nam và Hà Nội hồi đáp thế nào?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi đã nêu một số vấn đề cụ thể. Chúng
tôi đề cập đến vấn đề tù nhân chính trị. Chúng tôi bày tỏ mong muốn được
thấy Việt Nam trả tự do cho những người bị cầm tù vì thể hiện quan điểm
chính trị hay niềm tin tôn giáo một cách ôn hòa. Tuy nhiên, quan trọng
hơn, tôi đã nhấn mạnh với Hà Nội rằng hành động phóng thích thôi là chưa
đủ nếu như họ vẫn tiếp tục bắt giam công dân như vậy. Cho nên, điều
quan trọng nhất mà Hoa Kỳ muốn nhìn thấy là tiến bộ trong việc cải cách
luật lệ, đặc biệt là các điều luật về an ninh quốc gia trong Bộ luật
Hình sự được Việt Nam dùng để sách nhiễu, bắt giam, và cầm tù công dân
chỉ vì những hoạt động ôn hòa. Chính phủ Hà Nội nói họ thật sự muốn làm
cho khung pháp lý của Việt Nam, kể cả Bộ luật Hình sự, phù hợp với chính
bản Hiến pháp vừa thông qua năm 2013 và tương xứng với các chuẩn mực
quốc tế. Chúng tôi đã thảo luận về việc này và đang chờ xem mọi chuyện
sắp tới sẽ như thế nào.
VOA: Hà Nội có cho biết lịch trình cụ thể của kế hoạch đó như thế nào không, thưa ông?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Họ nói họ dự kiến các cải cách sửa đổi
về Bộ luật Hình sự sẽ được đệ trình lên Quốc hội vào đầu năm tới và rằng
việc này không thể diễn ra nhanh chóng. Tôi nói với họ rằng dĩ nhiên
phải đề ra đường hướng cho các cải cách này theo lịch trình và tiến độ,
nhưng triển vọng thắt chặt hơn mối quan hệ đối tác Việt-Mỹ tùy thuộc vào
thành công trong nỗ lực đó. Tốc độ cải cách của Việt Nam nhanh tới mức
nào thì quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiến nhanh tới mức đó.
VOA: Ông nói Mỹ không muốn một mối quan hệ đổi chác với Việt Nam.
Theo ông, Hoa Kỳ cần phải làm gì để chấm dứt những gì không mong muốn,
mở ra một mối quan hệ như mong muốn?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Chúng tôi đã làm một số bước. Chúng tôi
đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam để cung
cấp một số lượng giới hạn các thiết bị phục vụ công tác bảo vệ duyên
hải. Điều này chứng tỏ với nhà nước Việt Nam rằng Mỹ sẵn sàng thực hiện
các bước tiến tới nghiêm túc, nhưng cùng lúc, chúng tôi tỏ rõ với họ
rằng việc hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm này tùy thuộc vào các tiến bộ hơn
nữa về nhân quyền của Việt Nam. Chúng tôi cũng thảo luận về khả năng
Việt Nam trở thành một thành viên của Hiệp định Tự do Thương mại Xuyên
Thái Bình Dương TPP, vốn cũng là bước quan trọng thúc đẩy quan hệ
Việt-Mỹ chặt chẽ hơn, nhưng Hà Nội có vào được TPP hay không tùy thuộc
mức độ họ gia tăng tôn trọng quyền của người lao động, cụ thể là cải
cách để cho phép công nhân được quyền tự do lập hội, mở công đoàn độc
lập. Tóm lại, có nhiều khả năng để hai nước Việt-Mỹ xích lại gần nhau
hơn, nhưng cũng có nhiều trông đợi đối với những điều Việt Nam cần phải
thực hiện để mở ra các cơ hội ấy.
VOA: Như ông nói, để Việt-Mỹ tiến xa hơn mối quan hệ đổi chác, Hà Nội
phải thực hiện một số cải cách pháp lý. Có ý kiến cho rằng muốn điều đó
xảy ra, Mỹ thay vì đòi hỏi Việt Nam phóng thích các trường hợp tù nhân
lương tâm cụ thể, hãy yêu cầu Việt Nam cải cách luật lệ để được quyền
lợi. Nếu không, dường như Mỹ đang tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội tiếp
tục chiến thuật ‘đổi tù nhân lương tâm lấy quyền lợi.’ Ý kiến của ông
ra sao?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi sẽ không ngừng yêu cầu phóng thích
những người bị bắt giam một cách bất công. Tôi vui mừng mỗi khi có một
người được tự do vì đáng lý ra họ không phải bị tù tội. Chúng tôi sẽ
tiếp tục làm như thế. Nhưng chúng tôi cũng chỉ rõ rằng việc này không
tương đương với cải cách. Để hiện thực hóa quá trình cải cách ở Việt
Nam, chúng tôi cần phải nhìn thấy những sửa đổi trong cấu trúc luật
pháp. Và đó cũng là điều mà nhà nước Việt Nam đã cam kết với chính nhân
dân của họ. Cho nên, đây không phải là một yêu cầu của Mỹ, không phải
một đòi hỏi đến từ bên ngoài mà là điều mà người dân Việt Nam cần chính
phủ của họ thực hiện như đã hứa. Chúng tôi chỉ biết chờ xem và theo dõi
quá trình đó. Nếu quá trình đó diễn ra, nó sẽ mở ra nhiều cơ hội.
VOA: Phát biểu ở Hà Nội, ông nói nếu Việt Nam nghĩ rằng họ có thể
dùng tù nhân chính trị như những con bài mặc cả với Mỹ thì sẽ không hiệu
quả. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên thực tế cho thấy chiến thuật
này có kết quả, nếu không, đã không có những cuộc phóng thích không bao
lâu, trước hoặc sau khi, Việt Nam gia nhập WTO, TPP, hay được Mỹ dỡ bỏ
cấm vận vũ khí. Ông có suy nghĩ thế nào?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Có thể họ cho rằng các cuộc phóng thích
này mang lại những kết quả đó, nhưng xin nhớ là những gì Việt Nam chung
cuộc muốn gặt hái trong mối quan hệ với Hoa Kỳ sẽ không thể có được đơn
giản bằng cách phóng thích tù nhân lương tâm, nhất là trong khi họ vẫn
tiếp tục bắt giữ những người khác. Đó là điểm chúng tôi nhấn mạnh. Chẳng
hạn như, dĩ nhiên chúng tôi vui mừng khi thấy một blogger như Điếu Cày
được thả, nhưng cùng lúc đó lại thấy xuất hiện các cáo buộc đối với
blogger Anh Ba Sàm. Đây cũng là một trường hợp mà tôi đã nêu ra trong
chuyến công du Việt Nam vừa rồi. Nếu việc này cứ tiếp diễn, Hà Nội cứ
thả vài người rồi bắt thêm vài người khác, họ sẽ không lấy điểm được với
Hoa Kỳ và việc này dĩ nhiên sẽ không mang lại cho họ TPP. TPP là các
cuộc thương lượng mà qua đó Việt Nam được hưởng nhiều quyền lợi rất quan
trọng nhưng cũng bắt buộc phải thực hiện những bước đáng kể như cải
cách pháp lý về quyền tự do lập hội. Và Việt Nam hiểu rất rõ điều này.
VOA: Ngoài những lời tuyên bố của Hà Nội, có dấu hiệu nào cho thấy
Việt Nam sẽ bỏ chính sách hình sự hóa các hoạt động ôn hòa của công dân
trong tương lai gần hay chăng? Ông có nhìn thấy tiến bộ nào trong các nỗ
lực tiến tới việc này không?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Cho tới nay chưa đủ tiến bộ. Chúng tôi
nghe những cam kết từ chính phủ. Chúng tôi thấy trong năm nay số người
bị bắt vì các điều luật về an ninh quốc gia có lẽ ít hơn, nhưng chưa
xuống tới mức 0. Vẫn còn xảy ra các vụ sách nhiễu những người chỉ thực
hành các quyền căn bản của công dân được quốc tế công nhận. Mọi việc còn
chưa đủ, nhưng tôi nghĩ vẫn còn cơ hội. Tôi cảm nhận người dân Việt Nam
và cả chính phủ đều muốn một tương lai khác hơn cũng như một mối quan
hệ đối tác tốt hơn với Mỹ. Họ muốn hòa vào cộng đồng quốc tế và họ hiểu
có một số việc họ phải làm để biến mong muốn đó thành hiện thực, bền
vững.
VOA: Mỹ có kế hoạch cụ thể thế nào giúp chấm dứt chiến thuật gọi là ‘dùng tù nhân lương tâm đổi chác quyền lợi’ hay không?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Đó không phải là điều chúng tôi đã,
đang, và sẽ làm. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi phóng thích tù nhân lương
tâm, nhưng các quyền lợi quan trọng mà Việt Nam muốn có được từ mối
quan hệ với Hoa Kỳ đòi hỏi phía Việt Nam phải làm nhiều hơn nữa, đặc
biệt là thực hiện những cam kết chính họ đã đưa ra.
VOA: Có thể trông đợi điều gì sau chuyến công du của ông tới Việt Nam
với trọng tâm về nhân quyền, nhất là sau khi Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm
vận vũ khí cho Hà Nội?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Thông điệp chúng tôi đã gửi đi là chúng
tôi sẵn lòng rằng có cơ hội cải thiện mối quan hệ an ninh song phương.
Dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí cho Việt Nam là một hành động chân thành.
Chúng đáng ra đã dỡ bỏ hẳn toàn bộ lệnh cấm này nếu như không có quan
ngại về nhân quyền Việt Nam. Và điều đó đã đánh đi một tín hiệu rất rõ
ràng cho Việt Nam. Chúng ta cần phải đợi xem mọi việc như thế nào, tôi
sẽ không đưa ra dự đoán về những gì sẽ xảy ra. Tôi chỉ có thể nói rằng
Mỹ muốn một quan hệ tốt hơn với Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện
các bước rất quan trọng vì lợi ích của cả đôi bên. Chúng tôi không yêu
cầu cái gì bất khả dĩ với chính phủ Việt Nam cả, chỉ yêu cầu họ đi đúng
con đường họ đã hứa sẽ thực hiện, con đường cải cách pháp lý, làm cho
việc thực thi luật hàng ngày tại Việt Nam phù hợp với Hiến pháp.
VOA: Liệu sẽ có thêm những vụ phóng thích sau chuyến thăm của ông?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi hy vọng tiếp tục sẽ nhìn thấy có thêm người được phóng thích và không ai bị bắt nữa.
VOA: Qua chuyến đi, ông nhận thấy có tín hiệu tích cực hay tiêu cực về vấn đề nhân quyền Việt Nam?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi vừa mới về nên không dự kiến sẽ thấy
bất kỳ sự thay đổi cơ bản nào. Một điều chúng tôi trông đợi có thể sớm
xảy ra là Quốc hội Việt Nam thông qua Công ước Liên hiệp quốc Chống tra
tấn. Đây là một trong những quan ngại lâu nay của chúng tôi về nhân
quyền Việt Nam. Tôi cảm nhận chính phủ Hà Nội khá nghiêm túc trong vấn
đề này, họ hiểu rằng việc thông qua Công ước chỉ là bước đầu, và sau khi
thông qua, Quốc hội Việt Nam cần phải làm nhiều thứ để đảm bảo các luật
lệ quy định hành vi của công an được tuân thủ đầy đủ với Công ước mà
Việt Nam vừa tham gia.
VOA: Thang điểm của ông về nhân quyền Việt Nam trong chuyến đi lần này so với chuyến đi lần trước lên hay xuống?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi sẽ không cho điểm. Tôi đặt mong mỏi
và kỳ vọng rất cao. Tôi không đong đếm thành tích nhân quyền từng ngày
hay từng tháng. Tôi tiếp tục nỗ lực cùng với các đồng nghiệp ở Bộ Ngoại
giao trong chính quyền của Tổng thống Obama để đạt được tiến bộ theo
từng năm.
Mỹ: VN muốn được quyền lợi không đơn giản chỉ thả tù nhân lương tâm
VOA: Trong chuyến thăm Việt Nam, ông có được tiếp xúc với tất cả những người mà ông muốn gặp?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Chúng tôi có thể tiếp xúc hầu như mọi
người mà chúng tôi muốn gặp. Có một số người muốn gặp chúng tôi bị công
an sách nhiễu. Chúng tôi cũng liệu trước việc này vì đã từng xảy ra
trong quá khứ. Đó là điều không thể chấp nhận và chúng tôi đã bày tỏ
thất vọng với chính phủ Việt Nam về các hành động đó.
VOA: Ông được phép vào thăm một nhà tù tại Việt Nam nhưng không gặp
tù nhân lương tâm nào. Phải chăng vì ông không yêu cầu cụ thể hay vì nhà
cầm quyền Việt Nam không cho phép?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Họ bảo các tù nhân lương tâm chúng tôi
muốn gặp ở một trại giam khác, nhưng làm sao biết được thực hư thế nào.
Họ cho phép chúng tôi thăm nhà tù là điều tích cực. Trong các dịp khác,
nhân viên đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã vào thăm một số tù nhân lương
tâm bị giam cầm. Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu được tiếp cận như vậy.
Chúng tôi cảm kích việc này vì nó giúp xây dựng lòng tin. Dĩ nhiên ở Mỹ
thì bất kỳ ai cũng được vào thăm bất kỳ tù nhân nào, điều này chứng tỏ
là quốc gia và chính phủ không có gì phải che dấu.
VOA: Ông ghi nhận gì từ các cuộc gặp với đại diện xã hội dân sự, giới bất đồng chính kiến, và các nhà hoạt động tại Việt Nam?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Thật thú vị. Tôi thấy nhiều người trong
số họ chia sẻ cùng quan điểm với chúng tôi. Họ dĩ nhiên rất quan tâm về
tình hình tại Việt Nam. Một số họ đã qua thời gian tù đày vì các hoạt
động cổ xúy cải cách. Họ phản ánh với chúng tôi một bức tranh rõ ràng,
chân thật, nhưng đầy khó khăn về thực trạng nhân quyền Việt Nam. Đa số
họ cho rằng một mối quan hệ Việt-Mỹ xích lại gần hơn chính là cơ hội,
nếu chúng ta tiếp tục vận dụng mối quan hệ đó để cổ võ cho nhân quyền
được tôn trọng hơn. Nếu có một điều mà các thành viên trong chính phủ
Việt Nam và các thành viên trong xã hội dân sự Việt Nam cùng tán đồng đó
chính là tìm kiếm một mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ.
VOA: Họ cần sự hỗ trợ hơn nữa từ phía Hoa Kỳ ra sao?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Dĩ nhiên, họ mong muốn Hoa Kỳ lên tiếng
vận động chính phủ Việt Nam thực hiện những gì đã cam kết. Song song đó,
họ cũng muốn có sự hiện diện của Hoa Kỳ về mặt kinh tế. Nhiều người
cũng muốn Mỹ có quan hệ an ninh với Việt Nam trước những quan ngại về
nước láng giềng phương Bắc. Tôi ghi nhận những thao thức rất mạnh mẽ
muốn có sự hiện diện của Mỹ và mong Mỹ dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy
chính phủ Việt Nam theo hướng như vậy.
VOA: Xin cho biết hồi đáp của chính phủ Mỹ trước những lời kêu gọi đó?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Đó chính là những gì mà chúng tôi cam kết thực hiện.
VOA: Ông có được báo cáo về xu hướng gia tăng bạo lực đối với các nhà
hoạt động trong nước? Hoa Kỳ có kế hoạch nào thêm nữa giúp bảo vệ quyền
tự do ngôn luận không bị đàn áp và sách nhiễu tại Việt Nam?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Họ có trình bày với chúng tôi là tình
trạng sách nhiễu vẫn tiếp diễn, nhưng gia tăng hay giảm bớt thì tôi
không rõ. Họ cho tôi biết đã xảy ra các trường hợp sách nhiễu trầm trọng
và thường xuyên bởi công an, và tôi đã nêu vấn đề khi gặp giới chức
chính phủ, kể cả trong cuộc họp 2 giờ đồng hồ với Thứ trưởng Bộ Công an
ngay ngày đầu của chuyến thăm. Chúng tôi chưa đạt được những gì mong đợi
trong vấn đề này trong lúc mở ra cơ hội tìm cách giải quyết.
VOA: Về trường hợp phóng thích mới đây đối với blogger Điếu Cày, Việt Nam viện dẫn lý do nhân đạo. Ông có bình luận ra sao?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi mừng thấy ông ấy ra khỏi tù. Tôi
mừng khi thấy người ta được phóng thích vì bất cứ lý do gì. Dù vậy, suy
cho cùng, việc phóng thích này không phản ánh tiến bộ đáng kể về nhân
quyền trừ phi các nhà bất đồng chính kiến có thể tái lập cuộc sống ngay
trên quê nhà với quyền tự do viết lách, tự do phát biểu ý kiến, và tự do
lập hội.
VOA: Điếu Cày đi Mỹ là sự lựa chọn của cá nhân ông ấy hay là một thỏa
thuận giữa hai nước Việt-Mỹ liên quan đến việc phóng thích?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Đó không phải là một thỏa thuận giữa Hà
Nội và Washington. Có những trường hợp chính phủ Hà Nội nhất quyết rằng
các nhà bất đồng chính kiến bị tù phải rời khỏi nước như là một điều
kiện để được phóng thích. Có những trường hợp tù nhân lương tâm được trả
tự do và được phép lưu lại đất nước. Chúng tôi rất mong là họ được phép
tái lập cuộc sống tại Việt Nam sau khi được phóng thích, và chúng tôi
đã nêu rõ điều này với chính phủ Việt Nam. Nếu những tù nhân lương tâm
được chỉ thị phải ra đi mà họ đồng ý thì dĩ nhiên chúng tôi hoan nghênh
họ tới Mỹ mặc dù rõ ràng đây không phải là thành quả khã dĩ tốt nhất.
VOA: Quay sang vấn đề thương thảo TPP, với thực trạng nhân quyền hiện
nay của Việt Nam và với một Quốc hội mới trúng cử ở Hoa Kỳ, tính tới
thời điểm này ông thấy cơ hội Việt Nam trở thành thành viên TPP ra sao?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi nghĩ Việt Nam có cơ hội trở thành
một thành viên của TPP nếu các cuộc thương lượng thành công và nếu như
họ đáp ứng đề nghị mà đại diện đàm phán thương mại của chúng tôi đã đưa
ra để nỗ lực nghiêm túc trong lĩnh vực quyền tự do lập hội. Nếu đạt được
điều đó thì có cơ hội được Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận TPP. Tôi
không nghĩ kết quả bầu cử Quốc hội Mỹ sẽ tạo ra khác biệt về khả năng
vào TPP của Việt Nam vì các thành viên trong cả hai đảng Dân chủ và Cộng
hòa của Quốc hội Mỹ đều có chung các quan ngại về nhân quyền Việt Nam.
Trong Quốc hội Hoa Kỳ có rất nhiều quan ngại về việc có nên để cho Việt
Nam gia nhập TPP hay không mà lý do là vì thành tích nhân quyền của Hà
Nội. Chúng tôi đang trông đợi các cuộc đàm phán TPP đưa ra được những
dấu hiệu tích cực từ Hà Nội để chúng tôi có thể nói với bên lập pháp Hoa
Kỳ rằng Việt Nam thật sự quyết tâm đạt tiến bộ trong lĩnh vực nhân
quyền.
VOA: Những cải thiện cụ thể nào là điều kiện để Việt Nam gia nhập TPP?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Có những cải thiện rất cụ thể đang được thảo luận trong các cuộc thương thuyết TPP.
VOA: Ông có thể đơn cử vài điểm?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Tôi không thể tiết lộ cụ thể vì còn phụ
thuộc vào tiến trình thương lượng. Tôi chỉ có thể nói rằng vấn đề đang
trên bàn thảo luận là quyền của người lao động, một phần của thỏa thuận
TPP, nhất là quyền tự do lập hội.
VOA: Ông có thể chia sẻ đôi chút về cuộc đối thoại nhân quyền kế tiếp giữa hai nước Việt-Mỹ?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Bất kỳ cuộc gặp nào giữa đôi bên mà vấn
đề nhân quyền được nêu ra đều là cuộc họp nhân quyền. Tôi dự trù là bất
cứ khi nào Ngoại trưởng John Kerry, Tổng thống Barack Obama, hay Đại
diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman gặp gỡ các đối tác Việt Nam thì
vấn đề nhân quyền cũng sẽ được nêu lên. Chúng tôi hy vọng sắp xếp cuộc
đối thoại nhân quyền với Việt Nam vào một thời điểm nào đó trong năm
tới. Cuộc đối thoại nhân quyền năm nay ở Washington, tôi hy vọng cuộc
đối thoại lần tới sẽ diễn ra tại Việt Nam.
VOA: Thời điểm cụ thể ra sao, thưa ông?
Trợ lý Ngoại trưởng Malinowski: Chúng tôi chưa thống nhất ngày giờ cụ thể nhưng chắc chắn sẽ tổ chức sự kiện này.
VOA: Xin chân thành cảm ơn Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski đã
dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này sau khi hoàn tất chuyến công du
Việt Nam.
Trà Mi
(VOA)
Bùi Tín - Lời nói xứng với trụ sở hoành tráng
Theo dõi cuộc họp cuối năm của Quốc hội trong ngôi nhà mới, đang ngán
ngẩm nghe các ông nghị đối xử thô bạo với nhau, bảo nhau là “ngu”, “thậm
ngu”, có ông chửi cả ngành luật sư, rằng họ chỉ “bênh vực người có
tiền”, bị dọa đưa ra tòa án để kiện…thì vang lên một tiếng nói hiếm hoi,
ngay thẳng và sâu sắc.
Trước hết xin hãy nghe nội dung của lời phát biểu quý hiếm này trong phiên họp 1/11.
Trước hết vị đại biểu này cho rằng cái cần thay đổi trước hết hiện nay
là đổi mới mô hình kinh tế; cái mô hình hiện nay - kinh tế thị trường
theo định hướng XHCN - là bế tắc.
Trong
cuộc họp Quốc hội lần trước chính ông đã có nhận định độc đáo, làm cả
phòng họp ngỡ ngàng một lúc lâu, rằng: Chúng ta cứ bảo nhau đi tìm cái
định hướng XHCN xem nó ra sao, tất cả chỉ mất công vô ích, vì nó có đâu
mà tìm! Cả Quốc hội lặng đi trước một sự thật, nhưng sau đó không có gì
thay đổi cả. Sức ỳ của tập thể tự nhận có quyền lãnh đạo đất nước xem ra
không gì có thể lung lay. Nay ông lại nhắc lại và có ý kiến thêm rằng,
thay mô hình chưa đủ, còn phải thay đổi cả thiết chế chính trị, nghĩa
là “thay đổi thể chế”. Ai cũng hiểu tuy chưa nói thật rõ, đây là điều Bộ
Chính trị đã khoanh vùng, gọi là vùng cấm, không đảng viên nào được
nghĩ đến, nói đến, vì thể chế hiện nay là thể chế độc đảng, là thể chế
chuyên chính vô sản, chế độ chính trị hiện nay là chế độ đảng trị, đảng
thống nhất nắm trọn cả 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, còn
nghiêm cấm quyền thứ tư là Tự do ngôn luận, đặt Cương lĩnh đảng lên trên
Hiến pháp.
Lần này ông nói rõ rằng “chất lượng phát triển, động lực phát triển có
vấn đề” và “nguy cơ tụt hậu rất nghiêm trọng”. Theo ông thì dù cho có
phát triển đều đặn đạt 8 hay 9% một năm thì 40 năm nữa ta mới bằng Nam
TriềuTiên hiện nay. Không thay tư duy, trí tuệ, thay thể chế thì bế
tắc.
Có thể nói vị đại biểu Quốc hội này đã suy nghĩ kỹ và có tư duy chính
trị thông nhất với các kiến nghị và thư ngỏ của đông đảo trí thức, đảng
viên CS về xây dựng Hiến pháp mới, về bảo vệ tổ quốc và phát triển đất
nước, về tôn trọng nhân quyền và quyền công dân, trong đó nổi lên các
yêu cầu cơ bản là từ bỏ việc lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm cơ sở lý
luận, từ bỏ chủ nghĩa xã hội ảo tưởng, từ bỏ chủ nghĩa CS đã bị cả thế
giới lên án là tội ác chống nhân loại, thật lòng xây dựng nền dân chủ
pháp trị hiện đại.
Vẫn chưa hết, vị đại biểu này cuối cùng làm cả phòng họp sửng sốt khi
ông lập luận rằng tài nguyên quốc gia quý nhất không phải là tài nguyên
vật chất (như đất đai, khoáng sản, thủy hải sản, tiền bạc ngân sách,
nguồn FDI và ODA) mà là tài nguyên con người, là trí tuệ, là bộ máy lãnh
đạo, tổ chức gọn nhẹ, trong sạch, có tài năng, là việc tìm kiếm, phát
hiện và tuyển mộ nhân tài, cán bộ thật sự có năng lực ở mọi cấp.
Nhiều nhà báo có mặt ghi nhận rằng cả hội trường đã lặng đi đến 20 phút,
nghĩa là lâu, lâu lắm, sau cú điểm huyệt táo bạo và tâm huyết này của
ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch, ủy viên Trung ương đảng CS,
có thể nói là “bộ trưởng tay hòm chìa khóa của chính phủ”, có điều kiện
nắm vững không ai bằng tình hình phát triển của đất nước.
Rất đáng tiếc là lãnh đạo Quốc hội đã không đi sâu thảo luận nội dung
phát biểu của ông Bùi Quang Vinh. Đây là lời phát biểu hay nhất, súc
tích nhất, có giá trị thiết thực nhất, mới mẻ xứng đáng với ngôi nhà
hoành tráng mới của Quốc hội. Đây cũng là lời phát biểu hợp lòng dân, có
trách nhiệm, trí tuệ và tâm huyết của một trí thức của thời đại, tư duy
mới mẻ, không ngại mất lòng lãnh đạo, không ngại có thể bị mất ghế,
thậm chí bị chỉ định đi học bổ túc một khóa ở học viện chính trị mang
tên Mác - Lênin và Hồ Chí Minh.
Báo chí lề phải nói chung bỏ qua lời phát biểu của ông Bùi Quang Vinh.
Nhưng Google và Saigonbao.com dành cho lời phát biểu này giá trị xứng
đáng, trích và bình luận mở rộng.
Bùi Tín
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog
được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm
hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)
Làm thế nào để từ chức dễ dàng?
Hiếm có quốc gia nào mà việc một quan chức chủ động xin từ chức lại khó khăn như ở Việt Nam.
Bấy lâu nay, người ta nói nhiều về văn hóa từ chức và cứ so sánh chuyện ở
quốc gia nào đó, có những quan chức sẵn sàng từ chức ngay khi xảy ra
một sự việc tác động xấu đến xã hội trong phạm vi lĩnh vực mình phụ
trách. Rất nhiều người nói về việc cán bộ nên từ chức nếu số phiếu tín
nhiệm thấp hoặc xảy ra những sự việc bê bối trong đơn vị.
Nói thì dễ, làm thì khó. Nhưng quan trọng nhất là để một cán bộ sẵn sàng
từ chức thì cũng phải có những “cơ chế tạo điều kiện” cho người ta từ
chức.
Tại sao lại phải có “cơ chế tạo điều kiện” cho cán bộ từ chức?
Ấy là vì công tác đề bạt, quản lý, sử dụng cán bộ của chúng ta cực kỳ phức tạp, nhiêu khê và qua tầng tầng lớp lớp các thủ tục.
Một người muốn giữ một chức vụ nào đó thì phải trải qua một quá trình
phấn đấu hết sức gian khổ dù người đó có tài năng xuất chúng, có trí
thông minh tuyệt vời, thậm chí có thiên bẩm lãnh đạo, quản lý, điều
hành...
Nhưng không một cấp lãnh đạo nào có thể dám cất nhắc một người như vậy nhảy vọt lên 4-5 bậc.
Làm sao lại có chuyện một trưởng phòng có thể lên làm tổng giám đốc, thậm chí lên làm thứ trưởng?
Cơ chế đề bạt cán bộ của chúng ta là như vậy đó!
Tài mấy thì tài, vẫn phải trải qua những “thử thách”, “rèn luyện” và những cuộc bầu bán, bỏ phiếu tín nhiệm...
Việc bỏ phiếu tín nhiệm để chọn cán bộ đưa vào quy hoạch là một cách làm
hoàn toàn đúng về mặt lý thuyết, nhưng chưa chắc đã đúng về thực tế.
Bởi lẽ không phải cấp ủy Đảng nào cũng là đơn vị “trong sạch, vững mạnh”
thực sự, không phải cấp ủy Đảng nào cũng trong sáng, đoàn kết và tất cả
vì mục tiêu chung.
Chuyện kéo bè kéo cánh, chuyện ô dù, rồi đủ các chuyện tiêu cực khác ở
nhiều tổ chức Đảng, chính quyền là điều mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã
nhìn thấy từ lâu nhưng muốn xử lý, khắc phục đâu có dễ. Chính vì vậy,
chất lượng của những lá phiếu tín nhiệm còn nhiều điều đáng bàn. Thậm
chí, người ta không bỏ phiếu cho một cán bộ chỉ vì không ưa nhau từ
những chuyện rất vặt vãnh, từ lời ăn, tiếng nói, dáng đi đứng, rồi thậm
chí là vì tính cục bộ địa phương. Nếu như vì lá phiếu thấp mà nói người
đó không có khả năng làm việc hay có chuyện nọ chuyện kia thì chưa chắc
đã chính xác.
Vài năm trước, khi những vụ án như ở Vinashin, Vinalines chưa được phát
hiện, thì hẳn số phiếu tín nhiệm hằng năm của những người như Phạm Thanh
Bình, Dương Chí Dũng và nhiều người sau này bị xử lý bằng pháp luật hẳn
sẽ cao ngất ngưởng. Gần đây, hàng loạt các vụ tham nhũng, tiêu cực bị
phát hiện và xử lý. Nếu tra lại số phiếu tín nhiệm của những người này
trong từng năm, chắc chắn không có ai có số phiếu thấp. Vậy nên căn cứ
vào những lá phiếu để đánh giá cán bộ phải rất thận trọng. Những lá
phiếu đó chỉ thực sự công bằng khi đơn vị, tổ chức Đảng đó là những đơn
vị “tử tế”.
Người ta không thể dễ dàng làm đơn từ chức bởi lẽ chức vụ còn kèm theo
rất nhiều quyền lợi mà những quyền lợi đó có khi còn cao hơn đồng lương
rất nhiều, ví dụ như được mua nhà với giá ưu đãi, được cấp ôtô, lại có
lái xe riêng... Đó là chưa kể những bổng lộc khác mà chức vụ đem lại.
Một vấn đề nữa không thể không tính đến, ấy là việc quy trách nhiệm cá
nhân ở nước ta rất khó. Chúng ta đang thực hiện quản lý cán bộ theo
nguyên tắc tập trung dân chủ, việc gì cũng do cấp ủy Đảng quyết và đảng
viên có trách nhiệm thực hiện theo nghị quyết. Vậy nếu nghị quyết sai
thì sao? Rồi bản thân người phụ trách, nhiều khi chỉ có hư danh mà không
có thực quyền. Một người đứng đầu đơn vị không thể tự mình chọn cán bộ,
hoặc đề bạt, cất nhắc cán bộ chủ chốt theo ý mình. Vì thế, nếu xảy ra
việc gì đó mà “bắt” người đứng đầu phải từ chức thì quả thật là không
hợp lý.
Mong muốn người không làm được việc nên từ chức, nhưng lại phải nghĩ đến
nếu từ chức thì sẽ ra sao. Danh dự, uy tín bị tổn thương đã đành, nhưng
những cống hiến bao nhiêu năm trước đó được đánh giá như thế nào? Bản
thân người cán bộ có thể đã làm tốt nhiệm vụ trong giai đoạn trước đó,
nhưng đến giai đoạn hiện nay thì chưa chắc đã làm tốt. Mà nếu quy lỗi
thì cũng chưa chắc người đó đã có lỗi gì cả.
Cho nên, muốn để cán bộ sẵn sàng từ chức, cần phải có cơ chế để khi
người cán bộ từ chức, họ không bị thiệt thòi quá mức. Và đặc biệt là
không để cho danh dự của họ bị tổn hại. Chính vì thế, mọi thông tin cần
phải được minh bạch và được đánh giá công tâm.
Chúng ta cứ nói nhiều về văn hóa từ chức, nhưng nếu như không xây dựng
được “cơ chế từ chức” thì dù có nói thế, nói nữa cũng chẳng có mấy người
dám từ chức. Và cũng không thể ép buộc người ta từ chức khi bản thân
người lãnh đạo không có thực quyền, thực lực, đồng thời trong công tác
điều hành đã gặp quá nhiều lực cản từ đâu đó mà bản thân họ như con cá
mắc lưới, vùng vẫy nhưng không thoát ra được.
Trả lời một tờ báo điện tử, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng
Quốc hội đã nói rất chính xác về chuyện từ chức ở Việt Nam: “Từ chức ở
Việt Nam là điều hết sức nặng nề. Nặng nề cho anh, cho vợ con, gia đình,
bà con thân tộc, trong khi ở phương Tây, Nhật Bản là chuyện bình
thường. Ở Việt Nam, nếu từ chức, một bộ trưởng muốn xin việc ở đâu không
dễ. Nghỉ hưu xin việc còn dễ, từ chức lại rất khó, bởi bối cảnh xã hội
vẫn “bịt cửa” của người ta. Việc khuyến khích từ chức cũng rất ít vì có
chức thì có quyền, có quyền thì có lợi… Nếu xã hội rộng mở nhiều hơn,
đánh giá của xã hội đừng khắt khe, quy chụp thì chuyện từ chức dễ hơn.
Chức tước chỉ là một sự dấn thân, không phải là thành tựu gì đó vĩ đại
cả… Từ chức cũng liên quan mô hình quản trị quốc gia, bởi vì tôi chỉ có ý
kiến về việc này việc kia, bây giờ tôi chịu trách nhiệm tất cả có công
bằng? Nếu tôi tự quyết thì tôi tự chịu trách nhiệm, còn tôi phải xin
phép tôi mới làm, bây giờ một mình chịu trách nhiệm thì không công bằng.
Báo chí cũng thế thôi, từ chức có ai nhảy vào khen không, hay là hắt
hủi, làm người ta mất hết danh dự?”.
Và “Anh thấy anh từ chức để nhận trách nhiệm, từ chức vì lương tâm cắn
rứt, từ chức vì thấy lẽ ra làm được tốt hơn, đó là chuyện của đạo đức,
không phải chuyện của pháp luật.
Mình lạm dụng pháp luật tương đối nhiều, để cửa cho đạo đức rất ít, đây
là vấn đề rất lớn của vận hành thể chế. Bất cứ một thể chế nào đều chỉ
có thể vận hành trên một nền tảng đạo đức tương ứng, không có nền tảng
đạo đức thì không vận hành được”.
Những ý kiến của ông Nguyễn Sĩ Dũng rất hay. Đúng là nếu không có nền
tảng đạo đức thì thể chế vận hành sẽ khó khăn - trong đó có việc từ
chức. Nhưng cũng lại có vấn đề mà không thể không tính đến ấy là: Người
từ chức sẽ làm gì ở giai đoạn “hậu từ chức”?
Nếu giải đáp được câu hỏi này một cách thỏa đáng, thì chắc chắn chuyện
từ chức không phải là quá khó khăn! Và điều đầu tiên có thể làm được
ngay mà không tốn đến ngân sách một xu, ấy là: Phải biết tôn trọng và
bao dung đối với người dám từ chức.
Như Thổ
(PetroTimes)
Á Châu trước hai viễn kiến Đông Tây
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2014 ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 10 tháng 11 năm 2014. |
Trong thượng đỉnh APEC của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu Thái Bình
Dương năm nay các nước Á Châu thấy hai cường quốc ở hai bờ Thái Bình
Dương đề nghị hai viễn kiến có vẻ tương đồng mà lại đối nghịch. Diễn đàn
Kinh tế sẽ tìm hiểu về những lợi hại của hai đề nghị này cho các nước Á
Châu. Xin quý vị theo dõi cách Vũ Hoàng đặt câu hỏi với chuyên gia kinh
tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Kinh tế hay an ninh, chính trị?
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, đằng sau ngôn từ
ngoại giao của lãnh đạo 21 quốc gia trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương
khi họ gặp nhau tại Hội nghị cấp cao là Thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh,
mọi người đều thấy các nước Á Châu đang được hai cường quốc ở hai bờ
Đông Tây của Thái Bình Dương là Hoa Kỳ và Trung Quốc mời chào vào hai dự
án hội nhập kinh tế. Kỳ này, xin đề nghị ông phân tích cho hai đề nghị
có vẻ là kinh tế đó mà thực chất vẫn liên hệ đến cả lĩnh vực an ninh và
chính trị của các nước trong khu vực.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng về bối cảnh sâu xa thì ta cần nhớ
lại vài sự kiện trước khi đi vào hai viễn kiến Mỹ-Tầu được Hoa Kỳ và
Trung Quốc chiêu dụ các nước châu Á.
Trước hết, các nước đều có thể đồng ý với nhau rằng tự do thương mại
theo quy luật thị trường là có lợi cho đôi bên trong việc giao dịch mua
bán và đầu tư với nhau. Tuy nhiên, đi vào áp dụng thì từng nước phải
đồng ý về quy tắc tự do đồng đều qua tiến trình đàm phán. Lý tưởng tự do
mậu dịch toàn cầu dẫn tới sự hình thành của Tổ chức Thương mại Thế giới
WTO mà về sau cả Trung Quốc và Việt Nam đều gia nhập. Nhưng thực tế của
thương thảo về quyền lợi và tương nhượng chung khiến vòng đàm phán gọi
là Doha của WTO, được đề xướng từ Tháng 10 năm 2001, vẫn bế tắc sau 13
năm. Vì thế, các nước mới tìm qua ngả thương thuyết tay đôi hay giữa
từng nhóm quốc gia trong từng khu vực với nhau rồi mở dần cho các nước
khác tham dự.
Vũ Hoàng: Thưa ông có phải đấy là bối cảnh của sự ra đời của sáng kiến TPP không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa từ 10 năm trước, vào năm 2005, một nhóm
nhỏ các nước có vị trí địa dư nằm trong vành cung Á Châu Thái Bình Dương
đồng ý quy tắc tự do buôn bán theo chủ trương giảm thuế suất nhập nội
và hạn ngạch xuất nhập khẩu đến tối đa để có một khu vực tự do mậu dịch.
Sau đó, từ năm 2008, Hoa Kỳ là quốc gia có thị trường nhập khẩu lớn
nhất thế giới mới tham dự và mở rộng sáng kiến này. Về nội dung thì có
tính chất hội nhập cao hơn để các thành viên trở thành đối tác về kinh
tế lẫn chiến lược. Về phạm vi thì mời nhiều nước khác cùng tham gia,
quan trọng nhất chính là Nhật Bản, mà quan trọng hơn nữa là không mời
Trung Quốc. Tinh thần hợp tác ở đây là ngần ấy thành viên lớn nhỏ phải
cùng đồng ý với một quyết định thì mới có giá trị.
Sau mấy chục vòng đàm phán, Hiệp định TPP chưa thành hình như Chính
quyền Barack Obama đã yêu cầu từ hai năm trước. Một phần cũng do phản
ứng bảo hộ mậu dịch ngay trong nội bộ nước Mỹ, xuất phát từ cánh tả của
đảng Dân Chủ. Phần kia là phản ứng bảo vệ của Nhật, khi họ cân nhắc sự
lợi hại của việc mua bán xe hơi với nhập khẩu nông sản và lương thực
chẳng hạn. Thực tế thì các nước, và nhất là nhiều thành phần tại Mỹ, cứ
chú ý đến chuyện áo cơm mắm muối mà quên hẳn khía cạnh chiến lược kia là
sự bành trướng của Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Trong khi đó, Trung Quốc chẳng ngồi yên mà cũng đã
có nỗ lực mở rộng hợp tác với các nước nên ngày nay lãnh đạo Bắc Kinh
mới đề nghị một lộ trình hội nhập để thành lập một khu vực tự do mậu
dịch trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Thưa ông, diễn tiến việc đó là
như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin được nhắc lại rằng khi ba bốn nước sơ
khởi, là Chile, Singapore và New Zealand rồi Brunei, đàm phán việc hợp
tác và dẫn tới sự hình thành của sáng kiến TPP thì từ năm 2004, Nhật
cũng có đề nghị tương tự là lập ra một khu vực tự do mậu dịch cấp vùng.
Hình minh họa chụp tại Bắc Kinh ngày 08/11/2014. |
Nhưng chính Trung Quốc mới thúc đẩy sáng kiến đó với 10 nước trong Hiệp
hội các Quốc gia Đông Nam Á là ASEAN để tiến tới sự hình thành của diễn
đàn ASEAN + 3 là thêm Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn. Tiếp theo thì họ
mở ra diễn đàn ASEAN + 6 là mời thêm Ấn Độ, Úc và New Zealand. Sáng kiến
ASEAN + 6 là nền tảng của đề nghị gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn
diện trong Khu vực, gọi tắt là RCEP, được đưa ra lần đầu vào năm 2012
tại Thượng đỉnh của các nước ASEAN ở Cambodia, với triển vọng thành hình
vào năm 2015.
Sáng kiến RCEP do Trung Quốc đưa ra mới là nguyên ủy của dự án đàm phán
về Hiệp định FTAAP gọi là Thương mại Tự do Á Châu Thái Bình Dương mà Chủ
tịch Tập Cận Bình vừa nhắc lại và vẽ ra lộ trình sẽ cùng các nước hoàn
tất vào năm 2025, là 10 năm sau tiêu chí của Hiệp định Đối tác Toàn diện
RCEP...
Vũ Hoàng: Khi ông nhắc đến hội nghị cấp cao của ASEAN tại
Phnom Penh vào năm 2012 đó thì thính giả của chúng ta cũng nhớ đến việc
quốc gia đăng cai tổ chức hội nghị này vào năm đó là xứ Cam Bốt đã bác
bỏ việc các nước Đông Nam Á đề cập tới hồ sơ an ninh tại Biển Đông để
khỏi gây mâu thuẫn với Trung Quốc. Có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ông nhớ sự kiện đó là chí lý vì mọi đồng tiền
đều có hai mặt. Mọi dự án hợp tác hay hội nhập kinh tế đều bao gồm cả
khía cạnh an ninh vì các thành viên buôn bán với nhau đều có xu hướng là
đối tác kinh tế sẽ dễ là đồng minh về an ninh và chiến lược. Nếu Hoa Kỳ
mở ra sáng kiến TPP mà không có Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng có sáng
kiến FTAAP giữa 16 quốc gia sản xuất ra 40% sản lượnh của thế giới mà
không có Hoa Kỳ.
Mục tiêu của Mỹ và TQ?
Vũ Hoàng: Nhìn cách khác và chúng ta trở lại chủ điểm của
chương trình, phải chăng các nước Á Châu được Hoa Kỳ và Trung Quốc mời
vào hai kế hoạch hợp tác kinh tế khác biệt và thậm chí đối nghịch nữa?
Hai cường quốc này nhắm vào những mục tiêu gì và các nước Á Châu nên cân
nhắc ra sao trước sự mời chào của Hoa Kỳ và Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Khi nhắc lại diễn tiến từ chục năm trước thì
ta thấy ra hai viễn kiến gần như hai cực đối nghịch của Mỹ và Tầu ở hai
đầu Thái Bình Dương. Các nước Á Châu phải cân nhắc nhiều mặt lợi hại về
kinh tế lẫn an ninh trong viễn ảnh năm mười năm tới chứ không thể chỉ
nghĩ đến chuyện mua bán với ai thì có lợi! Nói về mục tiêu của từng
cường quốc Mỹ Hoa khi chiêu dụ các nước Á Châu, tôi nghĩ rằng ta nên
thấy ra vài khác biệt sau đây .
Hoa Kỳ tôn trọng quy tắc tự do kinh tế và coi trọng quy luật thị trường,
với hệ thống luật lệ rõ ràng và là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế
giới dù kinh tế không lệ thuộc vào ngoại thương như Trung Quốc. Đấy là
một ưu thế khách quan. Trung Quốc có dân số cao nhất và lần đầu tiên
trong lịch sử xứ này, lệ thuộc rất nhiều vào việc trao đổi buôn bán với
thiên hạ để phát triển xứ sở. Nhờ vậy, các nước có thể tìm ra mối lợi
khi làm ăn với thị trường Hoa Lục mà không thể quên chủ ý "phân công lao
động" của Bắc Kinh, đó là bảo đảm nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu
cho một xứ đói ăn, khát dầu và đang cần tiếp nhận hoặc thậm chí ăn cắp
công nghệ cao của thế giới.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc họp báo chung tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 12 tháng 11 năm 2014. |
Vũ Hoàng: Ông có thể nào nêu vài thí dụ về chú ý này của Bắc Kinh không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Lãnh đạo Bắc Kinh ve vãn một quốc gia có nhiều
tài nguyên khoáng sản như Úc, thậm chí đã từng gây sức ép với doanh
nghiệp Úc như vụ Rio Tinto năm kia, để bảo đảm nguồn cung cấp lâu dài
với giá rẻ. Trong khi đó họ cũng ráo riết tìm cách ký kết hiệp định tự
do mậu dịch với Nam Hàn, là xứ không có tài nguyên mà đầy chất xám và
sản phẩm công nghệ cao.
Mục tiêu kinh tế là để tranh thủ hai quốc gia có các sản phẩm và dịch vụ
mà Bắc Kinh rất cần. Nhưng mục tiêu an ninh thì cũng để trấn an nước Úc
khỏi lo sợ và hợp tác quân sự với Hoa Kỳ hoặc tham gia bảo vệ an toàn
trên vùng biển Đông Nam Á là cửa ngõ thông thương của nước Úc. Với Nam
Hàn thì mục tiêu an ninh cũng là kéo Nam Hàn về phía mình hầu giảm thiểu
ảnh hưởng của một cường quốc kinh tế và quân sự mà họ e ngại nhất tại
Đông Á là Nhật Bản.
Vũ Hoàng: Vì thời lượng có hạn, chúng ta phải đi vào đoạn kết.
Ông nghĩ sao về sự chọn lựa của các nước Á Châu trước hai viễn kiến hay
dụng ý đó của Hoa Kỳ và Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đầu tiên, tôi xin nhắc lại rằng các nước Châu Á
cần cái nhìn dài hạn và toàn diện về quyền lợi và sự an toàn trước sức
hút của hai cực ở hai bờ Thái Bình Dương. Thứ hai, Trung Quốc có rất
nhiều nhược điểm nội tại về kinh tế và xã hội cho nên nay mai có thể bị
khủng hoảng và đấy là vấn đề cho Đông Á. Thứ ba, Trung Quốc ít tôn trọng
cam kết và luật lệ mà cũng chẳng che giấu mục tiêu chiến lược về quân
sự trên vùng biển từ Thái Bình Dương qua tới Ấn Độ dương. Trong khi đó,
Hoa Kỳ là siêu cường ở xa, chẳng có tham vọng thôn tính mấy xứ Đông Nam
hay Đông Bắc Á, nhưng có khả năng bảo vệ quân sự trên vùng biển và trong
vài chục năm tới vẫn là lực đối trọng trước đà bành trướng của Trung
Quốc tại Đông Á. Sau cùng, Hoa Kỳ là một xứ dân chủ, lãnh đạo phải quan
tâm đến dư luận và có thể bị thay thế qua bầu cử công khai minh bạch nên
khó thi hành loại âm mưu mờ ám và cứ phải công khai hóa tiến trình
quyết định của mình, thí dụ như qua từng đợt đàm phán về Hiệp định Xuyên
Thái Bình Dương.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, khi nhắc đến chuyện bầu cử
tại Mỹ vừa qua, các nước Á Châu nên kết luận ra sao và so sánh thế nào
với Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đảng Cộng Hoà thắng lớn tại Quốc hội sẽ giải
tỏa cản trở của xu hướng bảo hộ mậu dịch trong đảng Dân Chủ nên tạo cơ
hội cho ông Obama khai thông nhiều chướng ngại mậu dịch, nhất là với
Nhật Bản trong dự án TPP. Vì vậy, Hiệp định TPP sớm có hy vọng thành
hình trước Hiệp định FTAAP của Tầu. Thứ hai, đảng Cộng Hòa có xu hướng
nghi ngờ Trung Quốc về an ninh nên sẽ gây sức ép với Chính quyền Obama
để có những quyết định chuyển trục thật về Đông Á thay vì cứ nói vu vơ
mà chẳng làm gì kể từ ba năm qua.
Sau cùng, nếu so sánh thì lãnh đạo mới của Trung Quốc cứ nói tới giấc
mộng Trung Hoa mà thực tế vẫn củng cố quyền lực và bành trướng ảnh hưởng
ra ngoài. Kế hoạch mà ông Tập Cận Bình gọi là xây dựng lại "Con Đường
Tơ Lụa" mở rộng trên đại lục và đại dương, từ Indonesia qua Ấn Độ vào
Trung Á, có hàm ý quân sự để xác định lại sức mạnh của Trung Quốc tại
Đông Á. Vì thế viễn kiến của Bắc Kinh có thể là ác mộng Châu Á.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa,
(RFA)
Vì sao chưa nên xây sân bay Long Thành?
Dự án xây dựng sân bay Long Thành đang được Bộ Giao thông - Vận tải
(GTVT) trình Quốc hội cho ý kiến. Dù chỉ mới là lấy ý kiến, nhưng xem ra
còn rất nhiều vấn đề chưa rõ ràng, đầy đủ để thuyết phục.
Những ý kiến băn khoăn, thậm chí là phản đối việc xây dựng “đại dự án”
này từ trong Quốc hội ra đến ngoài dư luận xã hội đã thể hiện những quan
tâm, lo lắng chính đáng, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã
hội đất nước đang rất khó khăn.
Từ góc nhìn của người đã từng làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất, tôi
đồng tình với việc tạm thời chưa nên xây dựng sân bay Long Thành trong
ít nhất 10-15 năm tới, và sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn có thể nâng
công suất với chi phí không lớn để đáp ứng yêu cầu trước mắt. Xin phân
tích một số lý do sau đây để minh chứng.
Không gian sân bay Tân Sơn Nhất bị lấn chiếm, thu hẹp khiến nhiều người nghĩ tới việc xây dựng một sân bay quốc tế mới ở Long Thành. Ảnh H.H. |
Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn trong số báo gần đây, tôi đã minh chứng
việc cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải là chưa thuyết phục.
Hai trong ba chỉ số quan trọng về công suất của một cảng hàng không cho
thấy Tân Sơn Nhất chưa thực sự quá tải. Với hai đường băng dài 3.000m và
3.800m, sân bay Tân Sơn Nhất đạt tiêu chuẩn cấp 4E theo Tổ chức Hàng
không Dân dụng quốc tế (ICAO), tương đương các sân bay lớn trên thế giới
hiện đang khai thác với lượng hành khách lên tới 50-70 triệu khách/năm
như Heathrow (London-Anh), Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan)…;
do vậy đây không phải là nguyên nhân dẫn đến quá tải.
Về sân đậu, Tân Sơn Nhất hiện có 47 bãi đậu, hiện nay bình quân hàng
ngày mới khai thác kín khoảng 70%. Với tốc độ tăng trưởng hàng không và
lượng máy bay mới của các hãng hàng không Việt Nam hiện nay, trong 5-7
năm nữa mới có thể khan hiếm bãi đậu.
Vấn đề gây hình ảnh quá tải nhất là nhà ga phục vụ hành khách. Hiện nay
lượng hành khách của nhà ga quốc nội chưa đạt công suất 13-15 triệu
khách/năm (sau khi đã được mở rộng thêm diện tích vào năm 2013 và đang
tiếp tục tính toán mở rộng thêm, số liệu ước tính khách quốc nội qua sân
bay Tân Sơn Nhất năm 2013 chỉ đạt khoảng 11,8 triệu khách).
Lượng hành khách của nhà ga quốc tế cũng chưa đạt công suất thiết kế
12-15 triệu khách/năm (lượng trung bình và đầy tải tối đa), năm 2013 mới
đạt 8,2 triệu khách và năm 2014 có 8,65 triệu khách đi và đến (tính
theo niên biểu báo cáo của cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh sân bay Tân
Sơn Nhất từ tháng 11-2013 đến tháng 11-2014).
Như vậy tổng lượng khách thông qua sân bay Tân Sơn Nhất năm 2013 mới chỉ
đạt 20 triệu khách, chưa đến công suất tối đa có thể đáp ứng là 27-30
triệu khách.
Nhưng do đặc thù thị trường hàng không biến động rõ rệt theo mùa, từng
thời điểm trong tuần, trong ngày nên có những thời điểm như dịp lễ, tết,
cuối tuần…thường rất đông khách, và vắng vẻ vào thời điểm khác, cộng
với lượng người đón tiễn gấp đôi số hành khách nên thường gây ra hình
ảnh đông đúc, quá tải.
Tổng diện tích sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay bao gồm cả dân dụng và quân
sự là 850 hécta; trong đó hiện chỉ có khoảng 550 hécta đang được sử
dụng cho mục đích dân dụng (khai thác khu bay và nhà ga, công trình phụ
trợ), còn lại Bộ Quốc phòng quản lý hơn 100 hécta phía Nam đang phục vụ
quân sự, cho thuê kho hàng, sân thể thao, bỏ hoang…và gần 200 hécta phía
Bắc đường băng (trong đó 160 hécta đang làm sân golf).
Với diện tích ấy, hoàn toàn có thể sắp xếp, khai thác một cách hợp lý và
mở rộng nhà ga, sân đậu để nâng công suất, tạm thời sử dụng trong ít
nhất 10-15 năm nữa.
Trong khi đó, Bộ GTVT đề xuất để mở rộng Tân Sơn Nhất cần làm thêm một
nhà ga từ 15-25 triệu khách/năm với chi phí lên tới 9,1 tỉ đô la Mỹ và
di dời khoảng 140.000 dân thì quả là điều khó hiểu (!?). Để xây dựng một
nhà ga với công suất trên cần bao nhiêu đất? Nhà ga T2 Tân Sơn Nhất
được xây dựng trên diện tích khoảng hơn 50.000 mét vuông, với 4 tầng và
diện tích khai thác 90.000 mét vuông, đạt công suất 12-15 triệu
khách/năm; nhà ga T2 Nội Bài hiện đang được xây dựng trên diện tích mặt
bằng chiếm đất chỉ gần 140.000 mét vuông (14 hécta), với 4 tầng khai
thác, để đạt công suất 15 triệu khách/năm.
Nếu di dời 140.000 hộ dân, chúng ta hãy hình dung là sẽ tương đương toàn
bộ diện tích đất của quận Gò Vấp với gần 600.000 dân (tính trung bình
khoảng 150.000 hộ dân) và diện tích gần 20 ki lô mét vuông (!) Diện tích
giải tỏa này có thể xây dựng hàng chục nhà ga có công suất tương đương
nhà ga T2 Tân Sơn Nhất, chứ không chỉ một (!). Nếu xây dựng thêm 1 nhà
ga với công suất khoảng 25 triệu khách/năm, chỉ cần diện tích khoảng
20-50 hécta là đủ. Tất nhiên chúng ta không thể so sánh đơn giản bằng
phép tính số học như vậy, nhưng chí ít để cần xây dựng thêm một nhà ga
mới thì chắc chắn không bao giờ cần đến diện tích lớn và số tiền giải
tỏa lớn như vậy cả.
Chúng ta có thể xây thêm một nhà ga T3 nữa với công suất từ 10-15 triệu
khách/năm, chỉ cần 10-20 hécta đất và số vốn khoảng 500-900 triệu đô la
Mỹ (tương đương giá thành đầu tư nhà ga T2 Nội Bài hiện đang thi công).
Có 2 phương án: Phương án 1 là sử dụng khu đất gần 100 hécta do Bộ Quốc
phòng đang quản lý ở phía Nam đường băng, dùng khoảng 20-30 hécta xây
nhà ga, còn lại khoảng 70 hécta dùng làm sân đậu máy bay cho khoảng
50-80 chiếc (hiện nay vị trí đậu có kích thước lớn nhất cần khoảng 4.500
mét vuông), bãi đậu xe và các công trình phụ trợ khác, chuyển toàn bộ
chức năng quốc phòng sang khu đất phía Bắc, kết nối giao thông với đường
Quang Trung, Tân Sơn.
Phương án 2 là xây mới một nhà ga hành khách và sân đậu máy bay trên khu
đất gần 200 hécta phía Bắc đường băng (nếu giữ nguyên chức năng quốc
phòng của khu đất phía Nam đường băng). Nhà ga mới có thể kết nối với
nhà ga hiện tại thông qua hệ thống bus nội bộ hoặc đường hầm qua bãi đậu
máy bay, đường băng hiện đang khai thác, chi phí đầu tư khoảng 70-100
triệu đô la nữa (nhiều sân bay trên thế giới cũng kết nối bằng đường hầm
như vậy).
Đồng thời cải tạo hoặc xây mới lại nhà ga T1 quốc nội hiện nay (hiện đây
là nhà ga cũ, không đảm bảo về kiến trúc và chất lượng sử dụng). Nếu
vậy, tổng công suất nhà ga Tân Sơn Nhất sẽ có thể lên tới 45-50 triệu
khách/năm, có thể sử dụng đến năm 2025-2030. Lúc đó, với triển vọng kinh
tế, chúng ta có những số liệu và cơ sở tốt hơn để tính toán đầu tư sân
bay Long Thành cũng chưa muộn.
Lo lắng về giao thông kết nối với sân bay cũng không quá lớn khi hiện
nay TP.HCM đang triển khai và có trong quy hoạch nhiều công trình giao
thông như đường nối sân bay TSN-Bình Lợi – Quốc lộ 1 sắp đưa vào sử dụng
toàn tuyến, đường trên cao từ Lăng Cha Cả về quận 1, đường metro từ Bến
Thành-An Sương kết nối với sân bay, nhiều tuyến đường xung quanh cũng
đang được quy hoạch mở rộng…
Tốc độ tăng trưởng và lượng hành khách qua Tân Sơn Nhất sẽ khó cao
Bộ GTVT đưa ra con số dự báo tăng trưởng hành khách của sân bay Tân Sơn
Nhất từ 10-15%/năm là khá lạc quan và chưa đảm bảo tính chính xác về khả
năng tăng trưởng. Tôi cho rằng hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh
của sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, sân bay Long Thành tương lai với các
sân bay trong khu vực vẫn còn là ẩn số và không hề đơn giản.
Về nhu cầu quốc tế, trong khu vực hiện nay có rất nhiều sân bay lớn,
đang là điểm trung chuyển lâu năm và chủ yếu của các hãng hàng không như
Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)…
Việc trở thành những điểm trung chuyển của các hãng hàng không phải gắn
với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, đặc biệt là thu hút khách du lịch
(trong khi số lượng khách du lịch đến Việt Nam chưa bằng số lẻ của những
nước trên). Không hãng hàng không nào mạo hiểm lựa chọn điểm đến mà
thiếu sức hấp dẫn du lịch cả, trong khi họ đã có sự ổn định về thị
trường. Do đó, hy vọng cạnh tranh của Long Thành khó khả thi.
Nếu Việt Nam thực sự có sức hấp dẫn, các hãng đã chọn Tân Sơn Nhất làm
điểm trung chuyển rồi, nhưng qua nhiều năm cho thấy họ đã thất bại
(Lufthansa của Đức, Air France của Pháp… sau nhiều năm khai thác đã phải
hủy đường bay thẳng đến Tân Sơn Nhất cách đây mấy năm). Bên cạnh đó,
Phú Quốc, Cần Thơ, Cam Ranh đã là những sân bay quốc tế và hiện đang
ngày càng nhiều đường bay từ các nước đến thẳng sân các sân bay này.
Vietnam Airlines hiện nay cũng đã và đang từng bước điều chuyển một số
chuyến bay quốc tế đến thẳng Cần Thơ thay vì đến Tân Sơn Nhất (các
chuyến bay từ Đài Loan về Cần Thơ vào dịp tết Nguyên đán).
Thực tế lượng hành khách quốc tế qua Tân Sơn Nhất năm 2014 (tính từ đầu
tháng 11-2013 đến hết tháng 10-2014) mới đạt con số 8,64 triệu khách
(chỉ tăng 5,14% so với năm 2013), mức tăng trưởng này so với trước chỉ
bằng phân nửa. Điều này phản ánh thực tế ngày càng nhiều chuyến bay quốc
tế đến phía Nam nhưng không qua Tân Sơn Nhất, mà đến thẳng Phú Quốc,
Cam Ranh…
Đối với nhu cầu đi lại nội địa, khu vực phía Nam hiện có khá nhiều sân
bay (Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá, Liên Khương, dự kiến sân bay
Phan Thiết theo quy hoạch…). Các sân bay này đang ngày càng đóng vai trò
quan trọng và thu hút nhiều khách hơn. Các hãng hàng không cũng đang mở
rộng các đường bay tiếp cận nhiều hơn đến các sân bay khác trong vùng,
do vậy lượng khách đến/đi qua Tân Sơn Nhất và Long Thành tương lai cũng
không hề tăng với dự báo “mơ ước” mà Bộ GTVT đã đưa ra.
Ngoài ra, nhiều dự án đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao kết nối
vùng phía Nam với cả nước cũng đã và đang được triển khai sẽ ảnh hưởng
rất lớn đến lượng hành khách đi bằng đường hàng không với những chặng
ngắn dưới 300-500 ki lô mét. Trong tương lai, sẽ rất khó dự báo trước
lượng hành khách đi lại nội địa bằng đường hàng không.
Vốn lớn, suất đầu tư quá cao
Về số vốn xây dựng sân bay Long Thành, một lần nữa phải khẳng định đây
là con số quá lớn, trừ đầu tư xây dựng nhà ga hành khách và các công
trình phụ trợ có thể đưa vào kinh doanh và thu hồn vốn được; còn hệ
thống đường băng, sân đậu…thì hoàn toàn không có khả năng thu hồi vốn,
chưa nói đến lợi nhuận do không thể kinh doanh được (trong khi đó số
tiền xây dựng nhà ga, công trình liên quan khác để phục vụ hành khách
chỉ chiếm 20-30% tổng vốn đầu tư xây dựng sân bay).
Suất đầu tư của sân bay Long Thành so với các sân bay khác trên thế giới
là khá cao. Chẳng hạn, nếu tính theo số vốn đầu tư trên hành khách, sân
bay Long Thành giai đoạn 1 có công suất 50 triệu khách, cần 7,8 tỉ đô
la, tính ra giá trị đầu tư lên tới 156 đô la/khách (thậm chí sẽ lên tới
180 đô la/khách nếu tính hết giai đoạn 3 cần 18 tỉ đô la Mỹ cho công
suất 100 triệu khách), trong khi sân bay Suvarnabhumi (Thái Lan) chỉ có
suất đầu tư khoảng 90 đô la/khách, sân bay Changi (Singapore) là 101 đô
la/khách và chi phí xây dựng bình quân một sân bay khoảng 81 đô
la/khách.
Như vậy, chi phí xây Long Thành của chúng ta đã gấp đôi mức bình quân
thế giới (!) Điều đó sẽ dẫn đến hiệu quả kinh tế và khả năng thu hồi vốn
càng khó khăn, xa rời tính toán và hy vọng của chủ đầu tư đã đưa ra,
trong khi không ai dám chắc thực tế sản lượng hàng khách có thể đạt công
suất dự kiến hay không.
Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo ngại nhất là liệu chi phí đầu tư có dừng lại
ở mức hiện nay hay không. Con số vốn đầu tư khái toán ban đầu đã rất
lớn, lên tới 18,7 tỉ đô la, trong khi từ nay đến lúc triển khai chưa
biết bao giờ, cộng với tình trạng đội vốn đầu tư quá phổ biến trong các
dự án cơ sở hạ tầng hiện nay, chắc chắn số vốn sẽ không dừng lại ở con
số ban đầu trên. Khi chuyện đã rồi, chắc chắn chỉ có cách phải “theo
lao”, khi đã trót “đâm lao”. Đây là vấn đề muôn thuở, mà nhiều công
trình bị đội vốn gấp đôi, gấp ba hiện nay chúng ta vẫn phải bấm bụng mà
làm, không thể bỏ được.
Về lâu dài, việc xây dựng một sân bay khác thay thế Tân Sơn Nhất là cần
thiết, nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là dự án “quá sức” với “thể
trạng” nền kinh tế yếu ớt của Việt Nam hiện nay khi mà phải dùng quá
nhiều vốn từ nguồn ODA và ngân sách nhà nước. Vì thế nên tạm thời tìm
mọi biện pháp nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất; nên ưu tiên cho các
dự án giao thông cấp bách phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, có
chức năng kết nối vùng như: đường cao tốc, đường nông thôn cho vùng sâu,
vùng xa…
Chúng ta chỉ mới nghe Bộ trưởng Bộ GTVT nói các lý do để thuyết phục xây
dựng sân bay mới Long Thành, nhưng không hề biết được vì sao để có được
những lý do đó, số liệu kỹ thuật nào đã được tính toán, dựa trên cơ sở
nào…? Những vấn đề đó cũng cần phải công khai và chuẩn bị kỹ lưỡng để
Quốc hội có thể đưa ra quyết định tốt nhất. Đừng để đại biểu Quốc hội
“đói” thông tin trong khi phải cân nhắc chuyện trọng đại thế này.
Quang Minh
(Thời báo KTSG)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét