Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

VẾT CẮT SÂU ĐẾN 60 NĂM

VẾT CẮT SÂU ĐẾN 60 NĂM

Vietstudies
Nguyễn Thị Hậu
Vào những năm 1954 – 1955, hàng ngàn người con Nam Bộ theo sự điều động của cách mạng đã tập kết ra miền Bắc, với niềm tin và hy vọng chỉ sau hai năm sẽ được trở về quê hương yêu dấu. Ba má tôi cũng nằm trong số đó. Và không ai có thể hình dung được rằng mãi hai mươi năm sau mới lại được đặt chân về đôi bờ Đồng Nai, Vàm Cỏ, Cửu Long… Ba tôi đã viết trong hồi ký như sau.
Một ngày cuối năm 1954, giữa một rừng cờ đỏ sao vàng, gia đình và đồng bào tiễn đội ngũ chúng tôi lên đường tập kết… Lần đầu tiên có chuyến đi xa nhưng không một ai thiết nhìn phong cảnh. Chúng tôi vừa để lại phía sau những gì thân thương nhất, vừa lo âu không hiểu rồi đây tương lai của mảnh đất quê hương yêu mến rồi sẽ ra sao, vừa băn khoăn cố gắng hình dung những nhiệm vụ nặng nề sắp đến, tự hỏi mình có gánh vác nổi hay không?

Tàu Xta-vơ-rô-pôn cập bến Sầm Sơn vào một buổi sáng mùa đông, gió lạnh chạy dài trên bãi biển. Đồng bào đông đảo nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi. Trống ếch rập rùng, nhưng lòng chúng tôi quặn đau vì thấy bà con ăn bữa cháo bữa rau, nhưng vẫn dành cho những đứa con miền Nam cơm đầy thịt đủ.
Kế tiếp là những năm dài “ngày Bắc đêm Nam”, là những chuyến lưu diễn liên miên: Rừng núi Việt Bắc, đồng ruộng Khu Ba, khu mỏ Quảng Ninh, giới tuyến Hiền Lương… Tới đâu chúng tôi cũng ráng đem lời ca tiếng hát góp phần cho than, lúa thêm nhiều, đem chút ít tình cảm ấm áp cho anh em đồng hương, ráng hết sức mình vì miền nam ruột thịt”
Hai mươi năm, một thế hệ mới đã kịp ra đời và lớn lên ở Hà Nội – miền Bắc, đó là thế hệ chúng tôi, thế hệ “một chốn đôi quê” chỉ được biết quê hương qua những ký ức mà mẹ cha truyền lại.Hai mươi năm sống ở miền Bắc ba má tôi vẫn giữ được nguyên vẹn giọng nói và tính cách người Nam bộ chân chất thiệt tình. Những tháng năm sống ở Hà Nội, ký ức về quê hương thường được ba má tôi nhắc đến, bất kỳ lúc nào có gì đó gợi nhớ. “Ngày Bắc đêm Nam” suốt hai mươi năm không làm nguôi nỗi nhớ mà chỉ làm dầy thêm ký ức về quê hương. Tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng trong những ký ức của cha mẹ.
Quê hương tôi là làng nhỏ Mỹ Hiệp trên Cù Lao Giêng bên bờ sông Tiền, nơi mà sau này nhạc sĩ Hoàng Hiệp – cũng là một người bà con gần với gia đình tôi  – đã ghi lại ký ức về nó qua bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ”. Làng Mỹ Hiệp hiền lành với vườn trái cây, những nếp nhà sàn khuất sau hàng dừa, cánh đồng lúa chín trong mênh mông mùa nước nổi… Vào đầu năm 1945 một cô gái bên kia sông Tiền đã theo ba tôi về làm dâu và dù chỉ ở đó vài năm thôi nhưng trong tâm thức của má tôi, quê chồng cũng là quê mình. Và cũng như vậy, quê ngoại của tôi, làng Hòa An kế bên thị tứ Cao Lãnh cũng trở nên gần gũi hơn với hình ảnh cây mận xanh bên chái bếp, loại mận xanh Hòa An nổi tiếng thường được hấp với cá lóc, vị chua ngọt thanh thanh thấm vào miếng cá, nhậu quên say… Vườn thuốc lá Cao Lãnh thơm đậm đà nhờ được bón bằng phân cá,  làn khói thơm mùi lúa mới từ nhà máy xay của ông ngoại lan trên sông…
Tôi biết về quê hương Cù lao Giêng và Cao Lãnh từ ấy, biết yêu sông Tiền yêu mùa nước nổi từ ấy, biết thèm ăn mắm lóc, thèm cá rô kho tộ, thèm canh chua cá linh bông điên điển… Lớn hơn một chút, từ những cuốn sách qua những câu chuyện, hiểu biết của tôi về quê hương cụ thể hơn nhiều hơn nhưng không thể thay thế sự lung linh run rẩy mà ký ức cha mẹ truyền cho.
Nhưng quê hương không chỉ là những ký ức run rẩy đẹp. Hai mươi năm bặt tin, một ngày đầu tháng Năm 1975 một bà mẹ được ôm người con gái trong vòng tay. Đứa con gái mà bà đã phải lập bàn thờ từ khi nó đi tập kết với lời hứa: con đi hai năm sẽ về với má. Bàn thờ đứa con còn sống ở “phía bên kia” là để cho những đứa con khác yên ổn học hành, đi làm, đi lính…Nhưng chưa kịp mừng vì con gái trở về bà đã phải đưa hai người con trai đi học tập cải tạo. Gia đình lại chia ly. Người chị tìm cách bảo lãnh cho hai em ra khỏi trại cải tạo sớm hơn hạn định, gia đình gom góp tiền bạc cho họ vượt biên. Cũng may, người trong nhà thuộc bên này hay bên kia, cũng có lúc hờn giận nhau nhưng không nuôi oán trách thù hận. Họ thương yêu nhau hơn vì không muốn làm người mẹ đau lòng, vì họ hiểu không ai trong gia đình muốn những việc như thế xảy ra. Đấy là chuyện của gia đình bạn tôi sau năm 1975.
Nhưng dù như vậy, gia đình bạn còn may mắn hơn rất nhiều gia đình khác. Từ vết cắt 1954 biết bao gia đình có người thân phải đứng về hai chiến tuyến, biết bao gia đình không thể sum họp vì vợ, chồng đã có gia đình khác trong những năm dài không hẹn ngày gặp lại, biết bao nhiêu gia đình tiếp tục tan vỡ vào những ngày ngỡ đã bình yên… Vết cắt 1954 không chỉ dài đến 20 năm mà hình như, 60 năm rồi vẫn chưa lành.
Tôi vẫn luôn tự hỏi, nếu ngày ấy bản đồ Việt Nam không bị một vạch đỏ cắt ngang sông Bến Hải thì bây giờ đất nước sẽ thế nào?
Lịch sử thì không có chữ “nếu”. Chính vì vậy cần minh bạch tất cả những gì đã làm thay đổi số phận đất nước và số phận của từng gia đình, để thế hệ sau không phải đặt ra một chữ “nếu” đau xót như thế hệ hôm nay!

Những tập sách bị xé vụn

DCVOnline

Đặng Ngữ

bookTừ sau 1975, sách vở miền Nam bị đốt nhiều, và nhiều nhà văn đi tù, nhiều nhà văn đã chết gục trong tù. Nhưng., những bản thảo và tập sách vốn bị xé vụn và biến mất đã không hoàn toàn mất đi,…
ALIF(*)
Một câu chuyện về sự trả thù của bậc thầy tiểu họa Ả Rập.
Cách đây ba trăm năm mươi năm, khi Baghdad rơi vào tay người Mông Cổ và bị cướp phá tàn nhẫn trong một ngày lạnh giá thuộc tháng Safar, Ibn Shakir – nhà thư pháp và sao chép nổi tiếng nhất, tài ba nhất không chỉ ở thế giới Ả Rập mà còn ở cả thế giới Hồi giáo; dù còn trẻ, ông đã chép tay hai mươi hai tập, hầu hết là kinh Koran và có thể tìm thấy trong các thư viện nổi tiếng thế giới ở Baghdad.

Tác giả Orhan Pamuk ở Istanbul (Benim Adım Kırmızı). Nguồn: The New York Times/Credit Ayman Oghanna
Tác giả Orhan Pamuk ở Istanbul (Benim Adım Kırmızı). Nguồn: The New York Times/Credit Ayman Oghanna
Ibn Shakir tin những cuốn sách này sẽ còn mãi đến tận thế, và, vì vậy, ông chấp nhận khái niệm thời gian bất tận và sâu thẳm. Ông lao động cực lực suốt đêm dưới ánh nến để làm cuốn cuối cùng trong số những cuốn sách huyền thoại đó, mà ngày nay chúng không được biết đến vì, chỉ trong vài ngày, từng cuốn một đã bị binh lính Mông Cổ xé tan, cắt vụn, đốt rồi ném xuống sông Tigris.
Trong cơn tuyệt vọng, Ibn Shakir leo lên ngọn tháp của thánh đường Caliphet trong cái lạnh buổi sáng, và từ bao lơn, ông đã chứng kiến tất cả những gì sẽ kết thúc truyền thống năm thế kỷ huy hoàng của Baghdad. Đầu tiên, ông chứng kiến những binh lính tàn bạo của Mông Cổ tiến vào vào Baghdad. Ông nhìn thấy chúng cướp bóc và tàn phá khắp thành phố, tàn sát hàng trăm ngàn người, giết chết vị trưởng lão cuối cùng trong các trưởng giáo của đạo Hồi vốn đã cai trị Baghdad trong nửa thiên niên kỷ, hãm hiếp phụ nữ, đốt các thư viện và hủy hoại hàng chục ngàn cuốn sách bằng cách ném xuống sông Tigris. Hai ngày sau, giữa mùi hôi thối của xác chết và tiếng kêu khóc trước cái chết, nhìn thấy dòng sông Tigris đang chảy đã biến sang màu đỏ do mực từ những cuốn sách tan ra, và ông nghĩ, làm sao mà những cuốn sách ông đã sao chép bằng chữ viết tuyệt đẹp lại không đóng góp được chút công sức gì để ngăn chặn vụ tàn sát và hủy diệt này.
Từ đó, ông nảy sinh khao khát muốn diễn tả nỗi đau của mình và thảm họa mà mà ông đã chứng kiến qua các cuốn sách tranh tiểu họa. Và như thế, với mớ giấy luôn mang theo trong mình, ông mô tả lại những gì đã nhìn thấy từ đỉnh tháp. Nhờ đó, thế giới Ả Rập không bao giờ quên được thảm họa Mông Cồ. Sự hồi sinh kỳ diệu suốt ba trăm năm sau đó của nền nghệ thuật Ả Rập là nhờ việc mô tả thế giới đầy khốn khó, một thế giới bị tàn sát từ vị trí trên cao của bậc thầy Ibn Shakir. Những bản thảo và tập sách vốn bị xé vụn và biến mất đã không hoàn toàn mất đi, chúng đã chuyển vào những cuốn sách khác để tồn tại mãi mãi trong vai trò hé lộ lịch sử, chứng nhân lịch sử, thẩm phán lịch sử.(1)
Giải khăn sô cho Huế
Một câu chuyện về Mậu Thân của nhà văn Nhã Ca.
Giải khăn sô cho Huế và tác giả. Nguồn: DCVOnline tổng hợp.
Giải khăn sô cho Huế và tác giả. Nguồn: DCVOnline tổng hợp.
Chiều nay, trong cơn mưa tầm tã của một ngày mưa Sài Gòn, bị kích thích bởi lời giới thiệu trên trang bìa cuốn sách mà tôi vô tình trông thấy, báo New York Times năm 1973 trong một bài về Nhã Ca và cuốn “Giải Khăn Sô Cho Huế”:
“Khi Giải Khăn Sô Cho Huế khởi sự đăng tải trên một nhật báo tại Saigon, đặc công Việt Cộng đã gửi thư đe dọa, buộc bà ta ngưng viết. Bà đã không nhượng bộ.”(2)
Nhắc đến Mậu Thân, những người sinh ra sau cuộc chiến như tôi không khỏi băn khoăn, tôi luôn muốn biết về toàn cảnh của cuộc thanh trừng đẫm máu nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Nhắc đến Huế, tôi thường nghỉ đến ngày lễ tế âm hồn ngày thất thủ kinh đô. Đêm 4-7-1885, Pháp chiếm thành và đốt phá, hãm hiếp, giết chóc cướp bóc không từ một ai. Một cuộc chạy loạn hết sức đau thương và bi thảm xảy ra. Hầu như không có gia đình nào ở Huế lại không có người bỏ mạng trong biến cố này. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là số dân chúng ở trong thành.
Ngày 23 tháng 5 âm lịch (5-7-1885) từ đó trở về sau đã biến thành ngày giỗ lớn, ngày “quẩy cơm chung” hằng năm của cả thành phố Huế. Người Huế cúng cho tất cả những người tử nạn: quân sĩ, dân chúng, quan lại, thợ thầy, do nhiều nguyên do: hoặc bị dày đạp, chen lấn nhau mà chết, hoặc bị đạn Pháp, hoặc bị ngã xuống thành khi tìm cách leo ra khỏi thành, hoặc sỉa chân rơi xuống hồ ao dày đặc trong thành, nhất là hồ Tịnh Tâm v.v. trong khoảng từ 2 giờ đến 4 giờ sáng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu.
Tôi biết, vào ngày kỷ niệm Kinh thành thất thủ, tất cả mọi gia đình ở Huế đều bày bàn hương án ra trước đường, người Huế gọi là hiệp kỵ, để tưởng nhớ tất cả những người đã bị tàn sát trong ngày quân Pháp chiếm thành. Nhưng cho đến tận ngày nay, mặc dù thảm khốc hơn, đẫm máu hơn, nhưng một ngày hiệp kỵ cho Mậu Thân năm ấy đã không thể diễn ra. Cái cách mà Nhã Ca, tác giả của “Giải Khăn Sô Cho Huế” viết, như ý của bà – “một bó nhang góp giỗ” – cho tới nay, Huế không còn được phép chính thức có một ngày giỗ chung cùng hướng về những người chết tức tưởi hồi Tết Mậu Thân.
Từ sau 1975, sách vở miền Nam bị đốt nhiều, và nhiều nhà văn đi tù, nhiều nhà văn đã chết gục trong tù. Nhưng., những bản thảo và tập sách vốn bị xé vụn và biến mất đã không hoàn toàn mất đi, chúng đã chuyển vào những cuốn sách khác để tồn tại mãi mãi trong vai trò hé lộ lịch sử, chứng nhân lịch sử, thẩm phán lịch sử. Chiều nay, trong cơn mưa chiều tầm tã của Sài Gòn, một cuốn sách như vậy đã đến với tôi, một người sinh ra sau cuộc chiến.
Tôi tin, thế giới của chúng ta rồi sẽ hồi sinh kỳ diệu nhờ việc chúng ta không bao giờ quên những ký ức lịch sử được miêu tả từ một vị trí trên cao như thế.
Sài Gòn, đêm 17/07/2014

Nguồn: Những Tập Sách Bị Xé Vụn. Đặng Ngữ. Blog Freeborn Vietnamese, July 17, 2014.
(1) Orhan Pamuk/Tên tôi là đỏ/Nhã Nam
(2) Đúng như báo New York Times đã viết. ‘Biệt động thành’ của cộng sản tại Saigon, họ đã bắn chết nhà báo Từ Chung khi anh là tổng thư ký nhật báo Chính Luận. Họ đã bắn bể mặt của nhà văn Chu Tử khi anh là chủ nhiệm nhật báo Sống. Và sau đó thì đến phiên Nhã Ca nhận thư đe doạ.
DCVOnline: (*) Theo Chương 13, “Tên tôi là Đỏ” (Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Benim Adım Kırmızı), một cuốn tiểu thuyết (1998) của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk do Erdağ Göknar dịch sang tiếng Anh năm 2001. Pamuk nhận được giải thưởng Nobel Văn học năm 2006. DCVOnline minh họa.

Di chúc Bắc Kỳ tự do

NS. Tuấn Khanh
BKDC54_042

Cho C. và những người bạn đất Bắc của tôi
Câu chuyện kỷ niệm 60 năm về hành trình đến miền Nam của hơn một triệu người trôi qua lặng lẽ. 20 tháng 7, 1954 trở thành lịch sử thế giới, nhưng chưa bao giờ đủ với những câu chuyện kể về số phận và suy nghĩ của riêng người Việt. Tôi chờ đọc một áng văn nào đó, nói về suy nghĩ của những người miền Nam khi nhìn thấy dòng người Bắc Kỳ này, khi họ đến đồng bằng, chảy về thành phố, nhưng không thấy. Tràn ngập những bài viết chỉ là nỗi nhớ tha hương, là ký ức và lòng kiêu hãnh của những người tìm tự do từ phía Bắc. Vì vậy, tôi muốn ghi ra chút ít ở đây, về cái nhìn của một người miền Nam, về cha mẹ, ông bà của bạn bè Bắc Kỳ, dù họ còn hay đã mất.

Hai tiếng “Bắc Kỳ” xuất hiện trên miệng trẻ con miền Nam, và cả của tôi, suốt một thời gian dài, chỉ là sự trêu chọc ban bè cùng lứa, vì một kiểu ngữ âm rất khác mình. “Bắc Kỳ” trong ký ức từng là một tâm cảm bị ám thị, thiếu thiện cảm hơn cả khi so sánh với “Ba Tàu”. Chỉ khi tạm đủ chữ trong đầu, biết thêm về đất nước này, hai chữ “Bắc Kỳ” trong tôi mới thật sự thay đổi. Có lẽ cũng giống như tôi, nhiều người miền Nam hời hợt kỳ thị đã tự làm cho mình bớt xấu hổ bằng cách lập ra những hạng mục khác như Bắc kỳ 9 nút (54), Bắc kỳ 2 nút (75)… để bày tỏ rõ hơn trong nhìn nhận.
dicu1954_2
Nhưng không đủ.
Phải mất đến hơn nửa đời người, tôi mới nhận ra rằng không hề có một giai cấp nào trong đồng bào miền Bắc của đất nước mình, mà chỉ có một cuộc sống không được chọn lựa nào đó đã phủ chụp lên từng miền, từng vùng đã ảnh hưởng cùng cực đến họ, tạo ra những điều khó tả nhưng vậy. Ở mọi miền, Nam hay Trung hay Bắc, người ta cũng đều có thể nhìn thấy kẻ vô lại trong giống nòi, nhưng sự khó khăn nhìn nhận luôn thường dành cho phía Bắc, như một ám chỉ về một vùng đất phải chịu sự khác biệt về chính trị trong nhiều năm, như đã ám toán mọi sinh lực sống bình thường của con người.
Tôi nhận ra điều đó, ở một ngày khi thấy chung quanh mình có rất nhiều bạn, kể cả thầy cô, là những người Bắc mà tôi tin cậy. Họ đại diện cho những người “Bắc kỳ” mạnh mẽ, vượt qua số phận và hoàn cảnh của mình để không bị đè bẹp, không hèn hạ hoặc chết, như F. Nietzsche đã viết “những gì không giết được chúng ta, sẽ làm chúng ta lớn mạnh hơn” (That which does not kill us makes us stronger).
60 năm của những người Bắc di cư vào Nam, cho tôi và thế hệ của mình được nhìn rõ họ hơn, nhắc tôi phải nói về một bản di chúc lớn, một bản di chúc vĩ đại mà hơn một triệu người từ bến tàu Hà Nội, Hải Phòng… mang đến cho cả đất nước. Bản di chúc cũng được lưu giữ trong mắt, trong lời nói của từng người Việt tha hương khắp thế giới: bản di chúc về tự do.
Cả miền Nam sau 1954 cần phải có một lời cám ơn văn chương Bắc Kỳ, âm nhạc Bắc Kỳ, báo chí Bắc Kỳ… đã góp tay dựng lên một nền văn hóa của cả đệ nhất và đệ nhị cộng hòa của miền Nam. Nền văn hóa ngắn ngủi nhưng đủ trường tồn và mạnh mẽ vượt qua một chướng ngại, tồn tại trong lòng người từ sau 1975 đến nay, ở Việt Nam và trên cả thế giới. Cùng với những người anh em từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau, những người Bắc đó đã làm tất cả để bù đắp, để dựng xây… cho thỏa sức, việc họ phải rời bỏ rất xa quê nhà, thậm chí trơ trọi, chỉ để đổi lại hai chữ tự do.
Rất nhiều năm sau đó, con cháu của những người Bắc 54 cũng lớn lên ở miền Nam hay vượt đại dương đến nơi nào đó, không ít người trong họ vẫn âm thầm mang theo một bản di chúc có thể sống mãi đến nhiều thế hệ sau về tự do, và chọn lựa vì tự do. Trong một lần ở Mỹ, tôi nghe phát thanh viên của một đài radio người Việt bình luận về một nỗi nhớ quê nhà Hà Nội. Nhớ con đường quanh Hồ Gươm, nhớ con hẻm có bán canh bún nhỏ… Giọng Bắc của anh ta trầm buồn như mới ngày hôm qua còn nhìn thấy những thứ đó, trong khi tôi biết rõ anh chưa về Việt Nam một ngày nào, kể từ tháng 4/1975. Sau lần phát thanh đó, gặp anh, tôi trêu là sao anh nói cứ như là cứ vừa ở Việt Nam về. Đột nhiên giọng anh trầm lại “Phải cố gắng nhớ dù chỉ là tưởng tượng lại. Phải nhớ như nhớ lời của ông bà mình xua mình xuống tàu, trối dặn mình phải sống với tự do”. Tim tôi như thoáng ngừng đập trong tíc tắc. Dòng người mờ ảo trong những cuốn phim tài liệu trắng đen về số phận Việt Nam chia cắt ập về. Tôi cũng nhận ra rằng bản di chúc tự do đó, không phải những người Bắc Kỳ chia cho nhau, mà còn chia lại cho tôi, cho bạn, cho cả dân tộc này. Từng người chúng ta đã được nhận. Chọn lựa mình hôm nay khốn nạn hay tử tế, là do mình đã không chịu nhìn thấy di sản của cha ông gửi lại, qua bản di chúc không thành văn này.
Tôi nhìn thấy người bạn trẻ của tôi, con một người Bắc di cư, nay sống ở Biên Hòa. Anh đưa lên facebook một tấm ảnh kỷ niệm 60 năm người Bắc xuống tàu vào Nam. Khi bên ngoài người ta nói về những điều lớn lao như hiệp định Genève và các chính quyền, thì cũng có một dòng người không nhỏ đưa lại những hình ảnh thuộc về con người như vậy. Có những tấm ảnh khiến mình phải lặng đi khi thấy cụ già bước gấp vào Nam, hành lý trên tay quý nhất chỉ là tấm hình Đức Mẹ. Người bạn trẻ của tôi đưa lên tấm ảnh người ta chen chúc chia tay nhau ở một bến tàu. Khó mà biết được ông bà hay cha mẹ của anh đã có mặt ở đó hay không, trong những chấm li ti như cát bụi. Bản thân người bạn trẻ đó thì giờ cũng là phần li ti trong hàng triệu người Bắc 54 đã lớn lên, đã thành đạt ở miền Nam này hôm nay.
Và tôi nhận ra rằng, bản di chúc tự do đó cũng vẫn đang âm thầm trong anh, như bao phần li ti khác đang trỗi lên, trên đất nước này.
6jle06
image014 dicu1954_2

Tuấn Khanh - Người chết nối linh thiêng vào đời

Thế giới như đang bước vào thời đại của những bữa tiệc về cái chết. Mỗi ngày, người ta nhìn thấy chết xuất hiện ở phía Đông, hướng Bắc, đâu đó trên hành tinh này và cũng xảy ra ngay chính ở nơi cư trú của mình. Sự kiện MH17 của Malaysia bị bắn rơi và 298 người chết vào giữa tháng 7/2014 này, lại vừa mở ra một thảm kịch mới.
Trong một câu hát cũ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những cái chết được mô tả rằng “người chết nối linh thiêng vào đời” lại gợi ra những suy nghĩ mới: Liệu những người chết đang nối nhau trên thế gian này, sẽ mang điều linh thiêng nào vào thế giới?
Hãy tưởng tượng rằng mình đang ngồi trên một chiếc máy bay, êm ả băng qua một vùng mây trắng, đột nhiên mọi thứ bùng nổ, bốc cháy. Có những người kịp nhận ra mình chết và những người nhận ra mình sẽ chết. Tíc tắc đó, người ta sẽ mang điều linh thiêng nào vào đời mình và cõi người? Có thể là sự ngây thơ, có thể là tiếc nuối… nhưng rất nhanh. Sự đau đớn đến rất nhanh và vụt tắt. Điều thiêng liêng nhất còn lại, là họ sẽ mãi mãi trở thành chứng cứ để tố cáo tội ác giữa con người và con người trong những toan tính dã thú.
Không phải ai cũng muốn chuẩn bị cho mình một cái chết, nhưng khi đã quyết chọn cho mình một cái chết, tức chọn một mối nối cho sự ra đi của mình vào chốn linh thiêng nào đó, trong ước muốn vĩ đại có thể còn hơn cả cho bản thân mình. Tôi nhớ đại sư Thích Quảng Đức. Tôi nhớ những người Tây Tạng tự biến mình thành lửa, hóa thân như phượng hoàng bay lên từ tro tàn để dự báo cho một nỗi đau của nhân loại trước ngàn biến động của trần thế.
Trong những câu chuyện gần đây về cái chết, tôi vẫn tự hỏi vì sao câu chuyện 7 người nông dân ở tỉnh Giang Tô uống thuốc trừ sâu và nằm chờ chết trước cửa tòa soạn báo Thanh niên Trung Quốc để đòi công lý, sao lại có thể đi qua lặng lẽ một cách đáng buồn như vậy với nhiều người.
Cũng là những cái chết nối nhau vào đời, nhưng các hành khách MH17 hồn nhiên chết đáng thương trong tíc tắc, vì sao lại được lưu tâm nhiều hơn những con người khốn khổ, mang oan ức của ruộng đồng, đã chọn một cách chết khốc liệt và nằm chờ điều đó xảy ra, như để mang một nỗi linh thiêng hiến dâng cho loài người về công lý. Những người dân quê chống áp bức bằng chính mạng sống của mình, liệu sẽ có “và nụ cười nở trên môi” sau cái chết của họ hay không? Những người dân quê có gương mặt và nỗi niềm, vốn không nhiều khác biệt với gương mặt, số phận của những người nông dân Việt Nam bị mất đất mà bạn đã nhìn thấy ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà Nội hay lề đường Võ Thị Sáu, Sài Gòn.
Cái chết không có giai cấp, nhưng cái chết chỉ ra số phận của cá nhân, và cả nhân loại. Trong bản tin truyền hình của một đêm, tôi nhìn thấy các quốc gia thề sẽ làm ra lẽ cho cái chết của 298 hành khách trên chuyến bay MH1. Rồi có cả hình ảnh của những đứa bé Palestin chết vội vàng, chết lạnh lùng, mình cháy như than từ phi đạn lạc đường của nhóm khủng bố Hamas, nhưng lời bình chỉ có thể là một tiếng thở dài.
Tôi cũng tự hỏi khi nào, 63 người thanh niên trong quân phục của Việt Nam đã chết trên đảo Gạc Ma năm 1988 rồi sẽ có ai thề viết lại cho họ đầy đủ bằng lẽ phải và công chính cho những con người yêu hòa bình và chết tíc tắc hồn nhiên, không khác gì những hành khách trên MH17? Hay đã 30 năm cuộc chiến Vị Xuyên, hàng ngàn người lính rất trẻ đã chết trong sự chọn lựa trung chính – khác với những nông dân ở Giang Tô, Trung Quốc – với niềm tin là chết cho tổ quốc, họ gợi nhớ cho chúng ta những mối nối vĩ đại và bi thương. Những anh linh đã mất đó, đã mang được điều linh thiêng nào vào cho nước Việt ngàn đời sau?
Họ, những con người ấy có đang mỉm cười – và nụ cười nở trên môi không? – tôi tự hỏi.
Hàng triệu năm rồi, con người đã chết. Có những cái chết xô loài người vào hố sâu của thù hận, nhưng cũng có những chết đến để cứu chuộc, để chắt chiu cho mầm bác ái của nhân loại. Và nếu những cái chết, nếu không đem lại cho chúng ta những bài học nào, một phút suy niệm xa hơn là những thông tin tò mò, những tuyên bố để chứng tỏ mình thông minh, những dối trá né tránh sự thật… thì cái chết dù có nối nhau, sẽ không thể nào mang nổi linh thiêng vào đời. Hay khi tin tức đó đến, chỉ còn có thể biến chúng ta thành bầy kên kên không ký ức, reo hò quanh bàn tiệc của tử thần, với cái chết mới mỗi ngày.
Trên bàn, khi tôi viết xong những dòng này, bỗng rơi ra tờ báo cũ, đăng bản tin trong năm về một ngư dân bị tàu của Trung Quốc đâm chìm, đã thiệt mạng. Có lẽ, vài người nhớ và nhiều người đã quên. Cũng là một người chết nối, hiển linh thiêng nhắc về biển quê hương đầy máu và bị chiếm đoạt, họ đã chết trong số phận nào?
NS.Tuấn Khanh
(Blog NS.Tuấn Khanh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét