Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Ngân Hàng Phát Triển BRICS

Ngân Hàng Phát Triển BRICS

Nguyễn xuân Nghĩa – Nguoiviet
Thêm một con ngựa chiến của Trung Quốc, nhưng là ngựa gỗ
Bị chìm trong các biến cố chính trị là một sáng kiến xây dựng kinh tế ít được ai ngó ngàng. Bài viết này cố giải quyết sự bất công ấy…
Biến cố chính trị là vụ thảm sát MH17: chiều ngày 17 phi vụ số 17 của hàng không Malaysia từ Amsterdam bay tới Kualar Lumpur bị hỏa tiễn bắn hạ tại miền Ðông của Ukraine khiến 298 thường dân thiệt mạng. Biến cố mở rộng cuộc khủng hoảng Ukraine với hậu quả có khi tương tự như vụ ám sát Ðại Công Tước Franz Ferdinand khiến thế chiến bùng nổ đúng trăm năm trước. Cùng với vụ MH17 là xung đột trên Dải Gaza, khi quân đội Israel vào truy lùng khủng bố và tiêu diệt kho vũ khí của lực lượng Hamas và các nhóm dân quân Hồi Giáo quá khích. Loại biến cố ấy khiến dư luận ít chú ý đến chuyến công du của hai lãnh tụ Liên bang Nga và Trung Quốc.

Sau khi ghé Cuba, Tổng Thống Vladimir Putin tham dự ba ngày thượng đỉnh BRICS từ 15 đến 17 tại thành phố Fortaleza của Brazil rồi trở về. Do sự trùng hợp mới có tin đồn nhảm, có lẽ phát ra từ Moscow, rằng phi vụ trở về của Putin bị ai đó có ý đồ tấn công mà lại… bắn lầm vào máy bay dân sự Malaysia! Phần mình, Chủ Tịch Tập Cận Bình dự thượng đỉnh BRICS rồi lần lượt thăm ba nước Trung Nam Mỹ là Argentina, Venezuela và Cuba. Chúng ta tiến dần vào chuyện kinh tế.
Rồi mới nói đến chính trị!
BRICS là chữ viết tắt của năm quốc gia là Brazil, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nam Phi. Khởi đi từ sáng kiến năm 2001 của kinh tế gia Jim O’Neill người Anh, thuộc tổ hợp đầu tư Goldman Sachs của Mỹ, để ca ngợi triển vọng của các nền kinh tế “đang lên” như Brazil, Nga, Ấn, Tàu (BRIC). Lãnh tụ bốn nước này tưởng thật và mời thêm Nam Phi gia nhập thành một câu lạc bộ.
Hàng năm, các lãnh tụ câu lạc bộ này vẫn họp thượng đỉnh với chủ đích là mở rộng không gian hành động để đẩy lui ảnh hưởng của các nước Tây phương. Lần vừa rồi là thượng đỉnh thứ sáu.
Tại Brazil, xưa kia ta gọi là Ba Tây, nhóm BRICS hoàn tất hai sáng kiến có mục tiêu xây dựng kinh tế. Thứ nhất là thành lập một ngân hàng phát triển, gọi là BRICS Development Bank mà người viết xin ghi tắt là BDB. Thứ hai là chung góp ngoại tệ vào một quỹ cấp cứu tài chánh gọi là Contingency Reserve Arrangement, mà người viết xin ghi tắt là CRA.
Sau khi bàn tính từ nhiều năm, tuần qua nhóm BRICS tiến tới việc lập ra Ngân Hàng Phát Triển BDB với số vốn sơ khởi là 50 tỷ Mỹ kim. Mỗi nước chung 10 tỷ để đến năm 2016 bắt đầu cho các nước nghèo vay tiền thực hiện dự án phát triển. Triển vọng kế tiếp là tăng vốn gấp đôi để nội năm năm tới, BDB có trăm tỷ đô la viện trợ cho các nước đang phát triển tương tự như Ngân Hàng Thế Giới World Bank. Sáng kiến kia là lập ra quỹ CRA có trăm tỷ để xứ nào mắc nạn hối đoái thì được vay tạm, hầu khỏi vướng vào những điều kiện khắt khe của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Hãy nói về kinh tế trước.
Thế Chiến II chưa kết thúc, các nước Tây phương chủ yếu là Mỹ và Anh đã sớm rút kinh nghiệm về một nguyên nhân xa của thế chiến là vụ Tổng Khủng Hoảng Kinh Tế 1929-1933 và tìm giải pháp ngăn ngừa về kinh tế tài chánh. Họ lập ra một ngân hàng cấp cứu gọi là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, và một quỹ viện trợ gọi là Ngân Hàng Tái Thiết và Phát Triển Quốc Tế, tiền thân của Ngân Hàng Thế Giới. Trong cấu trúc tài chánh quốc tế ấy, gọi là Bretton Woods, siêu cường giàu nhất và chi tiền nhiều nhất chính là Hoa Kỳ, với phép phân công lao động là Mỹ chỉ định người lãnh đạo Ngân Hàng Thế Giới và Âu Châu để cử người điều hành IMF.
Quy tắc kinh tế là viện trợ và cứu trợ theo tinh thần tự do thị trường và phát triển tư doanh trong kỷ cương ngân sách. Về viện trợ thì đấy là cho vay dài hạn với lãi suất rẻ, thời gian ân hạn cao (trả tiền lời, chưa trả vốn) nên có tỷ lệ tặng dữ (grant element) đáng kể so với nguồn tài trợ của thị trường tư nhân. Về cứu trợ khẩn cấp thì cho các nước mắc nạn vay ngoại tệ giải quyết thất quân bình chi phó nhất thời, với điều kiện là cải cách cơ chế, quân bình ngân sách và phát huy tự do mậu dịch để khỏi tái diễn khủng hoảng.
Về chính trị, những quy tắc đó thực tế quảng bá cho tư bản chủ nghĩa và dân chủ chính trị.
Sau đấy, các nước mở thêm nhiều ngân hàng phát triển cấp vùng nên tới nay, số định chế viện trợ phát triển lên tới hơn nửa tá: Ngân Hàng Ðầu Tư Âu Châu có 331 tỷ đô la, Ngân Hàng Thế Giới 223 tỷ, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ADB 163 tỷ, Ngân Hàng Phát Triển Trung-Nam Mỹ (Inter-American Development Bank) 129 tỷ, Ngân Hàng Phát Triển Phi Châu 103 tỷ, v.v…
Với 50 tỷ, ngân hàng BDB của nhóm BRICS sẽ lớn hơn Ngân Hàng Phát Triển Hồi Giáo chỉ có 47 tỷ! Ðấy là về kích thước tung hoành qua viện trợ. Còn về khả năng kỹ thuật của các dự án phát triển thì ta có thể nhìn vào thành tích xây dựng loại dự án mềm như tàu hủ của Trung Quốc.
Ðáng chú ý hơn ngân hàng phát triển BDB là sáng kiến cấp cứu tài chánh CRA.
Năm nước trong nhóm BRICS lập ra quỹ dự trữ trăm tỷ để xứ nào nhất thời cần ngoại tệ thì có thể trích xuất mà khỏi mắc vào thòng lọng của IMF. Khác với ngân hàng phát triển của BRICS là năm nước chung vốn bằng nhau, quỹ cấp cứu tài chánh thì gọi vốn theo sức nặng kinh tế từng nước. Vì vậy, phần chung góp của Trung Quốc là 41 tỷ, nôm na là 41%.
Mỹ mang tiếng khuynh đảo tài chánh quốc tế với 17,69% phần hùn và 16,75% số phiếu của quỹ IMF – trước Nhật, Ðức, Pháp, Anh. Trung Quốc thì bày ra con ngựa chiến trăm tỷ với 41% của mình để bành trướng ảnh hưởng trong các nước đang phát triển và thay thế dần cơ chế tư bản và vai trò của Tây phương.
Khốn nỗi, đấy là thớt ngựa gỗ con con.
Vì so với sức nặng của Quỹ IMF có trong tay hơn 800 tỷ đô la để cấp cứu các nước theo quy cách được hội đồng thống đốc duyệt xét thì quỹ CRA của Bắc Kinh không chỉ có kích thước nhỏ hơn mà còn đang tìm ra đường đi nước bước, khi năm hội viên của BIRCS lại nhìn về năm hướng.
Không kể Nam Phi hiện diện cho ra màu ngũ sắc, hai nước Ấn Ðộ và Brazil có thể không vui với sức nặng của các Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ (Federal Board of Reserve) và Âu Châu (European Central Bank) qua biện pháp bơm tiền và hạ lãi suất. Nhưng chẳng vì vậy mà họ lại sát cánh với Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh đòi nạp vốn vào ngân hàng phát triển BDB theo sức nặng kinh tế của từng nước. Tức là sẽ góp hơn phần trung bình là 20%, để có tiếng nói mạnh hơn.
Ngoài hai sáng kiến BDB và CRA với nhóm BRICS, Bắc Kinh còn chiêu dụ các nước Á Châu qua sáng kiến lập ra Ngân Hàng Ðầu Tư Hạ Tầng Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank) với số vốn trăm tỷ đô la. Mục tiêu là xuất cảng khả năng xây dựng dự án cầu đường cho tập đoàn nhà nước và giải trừ ảnh hưởng của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ADB, một định chế do Mỹ và Nhật lãnh đạo.
Tức là Trung Quốc dùng nhóm BRICS này như con ngựa chiến mà thôi.
Nhưng ngần ấy sáng kiến chói lọi của Bắc Kinh đều bị che mờ bởi giàn khoan ngoài Ðông Hải. Ngoại trừ trường hợp các nước Phi Châu hay Nam Mỹ ở xa, chưa chắc là các nước Châu Á đã dễ trao duyên lầm tướng cướp khi thấy Trung Quốc đề nghị những giải pháp xây dựng đó.
Phép hối lộ có nói đến quy luật “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.” Bắc Kinh chưa đi tiền đã vội cắm giàn khoan!

Nguyên Thọ – Chiến dịch “báo cáo” và thực trạng quyền tự do ngôn luận của Việt Nam

Nguyên Thọ, cộng tác viên Dân Luận

Tác giả gửi tới Dân Luận

Trang cá nhân facebook của những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam bị đóng tạm thời do những “báo cáo” của các “báo cáo viên” tới nhà mạng facebook. Một số trang FB đã mở lại, nhưng còn một số vẫn chưa lấy lại được quyền kiểm soát. Facebook Lã Việt Dũng là trường hợp nạn nhân mới nhất của chiến dịch này!

facebook-front_179_2232542b.jpg

Chiến dịch báo cáo

Những nhà hoạt động ở Việt Nam ngày nay chủ yếu dùng mạng xã hội facebook để truyền đạt suy nghĩ của mình về những vấn đề nhức nhối của đất nước đến với người dân. Trước đây là blog Yahoo 360, nhưng khi đến mức không gian blog này không thể kiểm soát được, đã bị tác động của bàn tay nhám nhúa nào đó bắt buộc dừng hoạt động. Người dùng í ới nhau “chuyển nhà”, và lo lắng tìm nhau trong những trang blog mới.
Điểm hạn chế của blog là tính cập nhật không thể nào nhanh và không kết nối nhiều người được. Facebook ra đời, phát triển và vào Việt Nam như một cứu cánh đối với các nhà hoạt động. Nó đáp ứng nhu cầu trò chuyện (chat) thay thế hiệu quả Yahoo, nó giống như một trang nhật ký có thể chia sẻ những tấm hình gia đình đến với nhiều người hơn; nó còn là một trang báo không bị kiểm duyệt mà mỗi cá nhân là những người làm báo.
Anh T, một nhà hoạt động nhân quyền ở Sài Gòn, công việc hàng ngày của anh là thức dậy vào lúc 6 giờ sáng, vệ sinh thân thể và ngồi vào máy. Anh đăng nhập vào facebook đầu tiên, dạo một vòng mạng xã hội này đến những trang cá nhân của những nhà hoạt động nổi tiếng và bắt đầu ghi chép. Những tin tức nóng hổi mà những người này cập nhật sẽ là các bài viết, bài nhận định mà anh sẽ gởi cho các trang web hoạt động về vấn đề nhân quyền.
Rồi một ngày anh mở máy, đăng nhập facebook và nhận ra rằng facebook đã đóng lại trang cá nhân của những người bạn của anh, trang cá nhân có 5000 bạn, và trên 10000 người theo dõi! Anh lo lắng và gọi cho bạn bè thì nhận được câu trả lời là tài khoản FB của họ cũng bị đóng lại giống vậy!

Thuyết âm mưu

Theo thuyết âm mưu thì dĩ nhiên những nhân viên an ninh mạng, dư luận viên đứng đằng sau các vụ báo cáo này. Họ nắm quyền điều khiển những fanpage và kêu gọi lập ra những đội báo cáo (team report) lên đến hàng ngàn người mang những cái tên rất “kêu” như: Quân đoàn Z, Cộng đồng Isocial…
Đối tượng rất rõ ràng: những cá nhân có tư tưởng chống đối đảng và nhà nước, bài viết có trên 20 lượt thích (Like). Khi đã hẹn đúng giờ đủ quân số theo quy định, admin sẽ dẫn một đường link trang cá nhân lên nhóm, thành viên sẽ ào ạt báo cáo các trang này là “quấy rối”, dẫn đến việc Facebook đóng cửa trang cá nhân này.
Việc này không thể “bịt miệng” lâu những nhà đấu tranh, nhưng nó gây nên một sự hoang mang có thật cho những “dữ liệu” đã được xây dựng khá lâu. Từ hiện tượng này cho cái nhìn khá xám xịt cho tương lai Việt Nam.

“Đắng lòng”

Từ “Đắng lòng” được sử dụng khá thường xuyên hiện nay, như một sự châm biếm những phóng viên trên các tờ báo lá cải online, thường xuyên sử dụng từ này để câu “lượt xem” (view) cho các đề tài cướp, giết, hiếp. Nhưng người viết bài này thực sự “đắng lòng” khi nhìn thực trạng hiện nay của giới trẻ.
Lướt qua thông tin cá nhân của các “báo cáo viên” hầu hết đều là những người trẻ tuổi, họ còn là học sinh, sinh viên. Những người dễ dao động nhưng mang tâm lý thù hận “dân chủ Mỹ” do nền giáo dục, báo chí định hướng và tuyên truyền một chiều! Họ gọi dân chủ là “rân chủ” và những nhà hoạt động là “rận chủ”, đáng “chém, giết…”
Đã có tình trạng tự phát mang tính trả đũa sau những gì những các “báo cáo viên” này gây ra, một số trang cá nhân của những người được cho là có ý kiến trái chiều với giới dân chủ cũng đã bị đóng. Điển hình là các tài khoản của Võ Khánh Linh, Hoàng Thị Nhật Lệ, Quang Trần Nhật v.v… Kết quả là người Việt đang tự bịt miệng lẫn nhau và hủy hoại không gian tự do ngôn luận hiếm hoi đã và đang được hình thành trên Facebook.
“Người đánh ta một cái, ta phản đòn hai cái!” Tình trạng này liệu còn kéo dài đến bao giờ?

Quan hệ chiến lược Việt-Mỹ lớn hơn sẽ làm đảo lộn tham vọng Trung Quốc

Một tái lập quan hệ chiến lược rộng lớn hơn giữa Mỹ với Việt Nam chắc chắn sẽ làm đảo lộn (tham vọng của) Trung Quốc thiết lập trật tự an ninh mới ở châu Á.
Giáo sư Carl Thayer, ảnh: Talk Vietnam
The Diplomat ngày 22/7 dẫn phân tích của giáo sư Carl Thayer cho rằng có thể Trung Quốc đã "đánh đòn phủ đầu" về mặt ngoại giao khi dịch chuyển giàn khoan 981 khỏi "vùng biển tranh chấp" với Việt Nam, mà thực tế là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và hoàn toàn không có tranh chấp - PV.

Cuộc khủng hoảng 981 đã tạo ra khoảng cách giữa Việt Nam và Trung Quốc, đối với Việt Nam việc Bắc Kinh dịch chuyển giàn khoan 981 sớm hơn thời hạn tuyên bố 1 tháng vào thời điểm này là động thái xuống thang của Bắc Kinh để sửa chữa quan hệ đang xấu đi với láng giềng.

Theo truyền thống, quan hệ Việt - Trung được giữ tương đối ổn định bởi mối quan hệ giữa 2 đảng cầm quyền, còn quan hệ Việt - Mỹ đã dần dần được mở rộng sau 19 năm thiết lập. Cuộc khủng hoảng 981 là khúc dạo đầu quan trọng đối với Washington trong khu vực Đông Nam Á mà nếu biết tận dụng, Hoa Kỳ sẽ có thêm nhiều bạn bè ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Carl Thayer nhấn mạnh, dư luận Việt Nam vừa qua sau khủng hoảng giàn khoan 981 ủng hộ mối quan hệ gần gũi hơn giữa Việt Nam với Hoa Kỳ hơn là với Trung Quốc. Dù hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài đã được khôi phục như thương lệ khi Bắc Kinh có thành công nhất định trong các hoạt động chắp vá ngoại giao với láng giềng, sẽ khong dễ dàng xóa bỏ mối ngoài nghi chiến lược đối với Trung Quốc từ phía người Việt Nam.

Giáo sư người Úc cho rằng, nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng xem lợi ích quốc gia, dân tộc quan trọng hơn tất cả. Họ coi hệ thống các mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc đang trong trạng thái bị (Bắc Kinh) phá hủy. Trong khi đó một đối tác toàn diện như Hoa Kỳ đã làm nhiều hơn để hỗ trợ Việt Nam bảo vệ chủ quyền so với Nga vốn được liệt kê ở vị trí số 2 trong hệ thống phân cấp là một đối tác chiến lược toàn diện.

Tất cả điều này cho thấy khúc dạo vào thời điểm này nên đến từ phía Việt Nam. Không lâu trước khi xảy ra khủng hoảng giàn khoan 981, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã sử dụng đối thoại an ninh Shangri-la tại Singapore để kêu gọi một vai trò lớn hơn của Mỹ trong khu vực và điều hòa căng thẳng ở Biển Đông.

"Sẽ không có quốc gia nào trong khu vực phản đối sự tham gia chiến lược của các cường quốc ngoài khu vực nếu sự tham gia như vậy nhằm mục đích tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến vai trò của một Trung Quốc đang mạnh lên và Hoa Kỳ, một sức mạnh ở Thái Bình Dương", phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Shangri-la được The Diplomat trích dẫn, nhấn mạnh tính hợp pháp ảnh hưởng của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh.
Thực trạng hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đang dần phát triển. Tàu Mỹ đã ghé thăm các căn cứ quân sự Việt Nam, trong đó có cảng Đà Nẵng và Cam Ranh. Mặc dù vẫn còn những rào cản trong quan hệ quân sự Việt - Mỹ như việc Hoa Kỳ duy trì lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhưng bên ngoài vấn đề quân sự vẫn còn rất nhiều lĩnh vực hợp tác.

Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một ví dụ, được xem như con đường rất hứa hẹn mà Việt Nam có thể giảm thiểu nguy cơ bị bỏ rơi bởi nền kinh tế Trung Quốc. TPP sẽ cung cấp cho Việt Nam cơ hội tiếp cận thương mại ưu đãi với 11 quốc gia khác dọc theo bờ Thái Bình Dương, đó là một lợi ích kinh tế có tiềm năng rất lớn.

Theo The Diplomat, Hoa Kỳ không nên chỉ đơn thuần nhằm vào việc chiếm được cảm tình của Việt Nam trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc, thay vào đó cần phải chứng minh giá trị của họ đối với Việt Nam. Cách tốt nhất để làm điều này là giúp Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. TPP là một cách tuyệt vời để làm điều này.
 Tổng kim ngạch thương mại song phương Việt-Mỹ năm 2012 đạt mức trên 20 tỉ USD vào năm 2012, tăng 13 lần kể từ khi Hoa Kỳ mở rộng quy chế bình thường hóa thương mại với Việt nam vào năm 2001.

Một tái lập quan hệ chiến lược rộng lớn hơn giữa Mỹ với Việt Nam chắc chắn sẽ làm đảo lộn (tham vọng của) Trung Quốc thiết lập trật tự an ninh mới ở châu Á gạt Hoa Kỳ ra khỏi khu vực như ông Tập Cận Bình kêu gọi.

Ngoại trưởng John Kerry đã nói với Dương Khiết Trì trong cuộc Đối thoại Kinh tế chiến lược Mỹ-Trung gần đây rằng, Mỹ có kế hoạch duy trì quan hệ với một số đồng minh và đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bất chấp mối nghi ngại từ Trung Quốc.

Trong khi đó tờ Thời báo Hoàn Cầu đã bôi nhọ Việt Nam đang "nhảy múa giữa khả năng liên minh với Mỹ và (cái gọi là) tình huynh đệ với Trung Quốc". Thời báo Hoàn Cầu cao giọng lên lớp rằng, sẽ không phải khôn ngoan nếu Việt Nam tham gia 1 liên minh với Hoa Kỳ với một sự "nhiệt tình bẩm sinh để thúc đẩy nền dân chủ phương Tây, ủng hộ các giá trị phương Tây như nhân quyền và tự do".

Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, đối với Việt Nam 1 năm trước đây việc lựa chọn không hề dễ dàng so với sau khi xảy ra khủng hoảng giàn khoan 981 với Trung Quốc. Tờ báo này thậm chí tuyên truyền xuyên tạc rằng, câu nói "quá gần Trung Quốc thì mất nước, quá thân Mỹ thì mất Đảng" để dọa dẫm, lừa phỉnh Việt Nam rằng sẽ "mất nhiều hơn được" khi "ngả theo" Hoa Kỳ.

Việt Nam là một nước độc lập có chủ quyền, thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa đa dạng hóa các mối quan hệ trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Do đó dù có là nước láng giềng lớn bên cạnh, nhưng một khi Trung Quốc nhăm nhe xâm phạm chủ quyền của Việt Nam thì người Việt quyết đứng dậy để bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế chứ không phải "ngả" hay "theo" bên nào chống lại bên nào - PV
  Hồng Thủy
( Giáo Dục )

NÊN CHĂNG, HẬN THÙ TRÊN MÀU CỜ?

Nhipcauthegioi

Thu Nga (Ba Lan)
(NCTG) “Để chống Trung Quốc, chúng ta cần một thông điệp rõ ràng. Bây giờ không phải là lúc tranh chấp ai sai ai đúng, màu nào là màu phải chọn. Hãy để cho mỗi người đều có quyền lựa chọn khi thời điểm lịch sử đến. Chỉ có đoàn kết mới giúp chúng ta đưa dân tộc Việt ngẩng cao đầu” – ý kiến của Thu Nga từ Warszawa.

Tác giả trong cuộc biểu tình thứ hai phản đối Trung Quốc tại thủ đô Warszawa

Warszawa là nơi đã tổ chức hai cuộc biểu tình của người Việt nhằm kêu gọi sự ủng hộ của chính quyền Ba Lan, cộng đồng Châu Âu và dư luận quốc tế, phản đối sự bành trướng bá quyền, xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam, chà đạp lên luật pháp quốc tế của nhà cầm quyền Trung Quốc.Với tiêu chí không đảng phái chính trị, tất cả đều tham gia với tư cách là một người mang dòng máu Việt, nhóm tổ chức tình nguyện đã kết nối được những trái tim yêu nước, cùng nhau đứng trong đội ngũ đấu tranh lên án âm mưu muốn nuốt trọn Biển Đông của Trung Quốc. Đặc biệt, cuộc biểu tình lần hai, tuy số người tham dự ít hơn hẳn so với lần đầu, nhưng đã bước đầu gây được chú ý của dư luận Ba Lan. Tuy nhiên, hai cuộc biểu tình nói trên cũng làm dấy lên rất nhiều tranh cãi về việc dùng màu cờ nào trong biểu tình.
Như một nhận định trên tờ “Đàn Chim Việt”, cộng đồng người Việt ở Ba Lan chủ yếu xuất thân từ miền Bắc, ra đi không vì lý do chính trị, mà vì lý do kinh tế. Đa số họ không dự định đi mãi mãi, mà luôn đau đáu trở về quê hương sau khi đã gom góp được số vốn liếng cần thiết, khi điều kiện kinh tế đã được đáp ứng. Gia đình họ tộc của họ hầu hết vẫn sinh sống ở Việt Nam. Đa số họ không có lý do gì để căm ghét chế độ cộng sản.

Đoàn biểu tình tập trung trên Thành Cổ Warszawa
Cá nhân tôi cũng thuộc lớp người được sinh ra, lớn lên dưới chế độ cộng sản và màu cờ đỏ sao vàng. Tôi rời Việt Nam khi vừa tốt nghiệp Đại học, tới giờ đã có gần hai chục năm sinh sống ở Ba Lan, một đất nước đã vươn lên mạnh mẽ từ quá khứ đau thương, trở thành một quốc gia thịnh vượng.
Lần vừa rồi, tôi đi biểu tình với lá cờ xanh EU và quốc kỳ Ba Lan hai màu trắng – đỏ trên tay. Lá cờ vàng ba sọc đỏ với một bộ phận người Việt, nhất là cộng đồng Việt ở Ba Lan và một số nước XHCN (cũ) tại vùng Đông Âu rất xa lạ, gần như không được biết đến, đã không hề có mặt trong hai lần biểu tình. Chỉ có rất nhiều bà con cầm cờ đỏ, với họ lá cờ đó là biểu trưng cho Tổ quốc Việt Nam.
Khi báo “Đàn Chim Việt” hai lần đưa tin về cuộc biểu tình ở Warszawa là hai lần Ban biên tập và tác giả bài viết hứng chịu chỉ trích của phe “cờ vàng”. Đó là những lời chỉ trích đầy hằn học, mang tính thóa mạ, phỉ báng cao độ… Họ rủa xả những người cầm cờ đỏ là ngu muội, u mê… Những người ủng hộ cầm cờ đỏ (hoặc theo họ là “làm ngơ”) bị coi là là phản bội, “thay màu”… Lá cờ đỏ được họ gọi là “cờ máu” với thái độ khinh miệt…

Đoàn biểu tình (lần hai) trước Dinh Tổng thống Ba Lan
Nếu nhiều người miền Nam phải bỏ nước ra đi trong đau thương, hận thù sâu sắc với Cộng sản, gắn bó với lá cờ vàng ba sọc bao nhiêu, thiết nghĩ họ cũng nên hiểu một bộ phận đáng kể của cộng đồng Bắc Việt cũng gắn bó với lá cờ đỏ sao vàng bấy nhiêu. Đối với họ, lá cờ đỏ sao vàng không hẳn là lá cờ của chế độ cộng sản mà đơn thuần đó là lá cờ của Tổ quốc Việt Nam – trong nhận thức của họ từ bao năm nay rồi.
Với những người cầm cờ đỏ, đó là máu của cha ông thế hệ trước của họ đã đổ xuống để giành độc lập, tự do… Vấn đề nhận thức không phải ngày một ngày hai. Nó cần cả một quá trình dài, đấu tranh đau đớn cả về thể xác và tinh thần. Để thuyết phục người ta nghe theo, phải bằng những việc làm cụ thể, chứ không chỉ bằng lời nói, càng không phải bằng những thóa mạ, miệt thị, xúc phạm tình cảm của những người không cùng chính kiến.
Xét cho cùng, chế độ nào sau một quá trình không thanh lọc, cũng sẽ có nhiều rác cặn, cần loại bỏ. Nỗ lực của cộng đồng Việt ở Ba Lan không đáng phải nhận mũi dùi và sự chỉ trích từ những người tự coi là “chiến sĩ đấu tranh vì tự do dân chủ cho Việt Nam”. Họ không có mối hận thù giống bạn, không có nghĩa là họ ngu si hay u muội hơn bạn. Mà có khi, họ hạnh phúc hơn bạn đấy!

Trước tòa đại sứ Trung Quốc tại Ba Lan
Tôi hiện đã là một công dân Châu Âu “cờ xanh”, may mắn không phải mang trong tim sự hận thù đối với bất kỳ chế độ nào. Để chống Trung Quốc, chúng ta cần một thông điệp rõ ràng. Bây giờ không phải là lúc tranh chấp ai sai ai đúng, màu nào là màu phải chọn. Hãy để cho mỗi người đều có quyền lựa chọn khi thời điểm lịch sử đến. Hiện tại, chỉ có đoàn kết mới giúp chúng ta đưa dân tộc Việt ngẩng cao đầu.
Phe “cờ vàng” nếu đấu tranh vì mục đích chống Trung Quốc, xin hãy dẹp bỏ lòng hận thù và mối căm ghét những đồng bào mang cờ đỏ. Bởi trong huyết quản chúng ta đều chảy chung dòng máu Việt.
Bài và ảnh: Thu Nga, từ Warszawa (Ba Lan)
 

Mỹ, đồng minh và đối tác không khoanh tay đứng nhìn với Trung Quốc

 Trung Quốc ra sức phát triển hải quân nhưng Mỹ không ngại, nhưng lo ngại về tên lửa DF-21D, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đang hành động đáp trả TQ.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R Ford Mỹ

Mạng tuần san "Thời đại" Mỹ ngày 17 tháng 7 có bài viết cho rằng, rất ít có gì có thể khiến người ta kính nể hơn tàu sân bay của Mỹ - tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp 100.000 tấn, từ đường mớn nước trở lên cao như tòa nhà 20 tầng, đồng thời có thể trang bị gần 70 máy bay quân sự - có thể thực hiện mệnh lệnh quốc gia bất cứ lúc nào. Một chiếc tàu sân bay như vậy có thể giúp cho đồng minh yên tâm, đồng thời lại có thể ngăn chặn những kẻ gây rối trên toàn cầu.

Hơn nửa thế kỷ qua, những tàu sân bay này và thủy thủ trên tàu có thể tuần tra tự do trên biển. Hải quân Mỹ rõ ràng cho rằng trong tương lai họ cũng có thể như vậy: Hải quân Mỹ đang chế tạo 2 tàu sân bay mới, mỗi chiếc chi gần 15 tỷ USD. Tướng lĩnh hải quân thường gọi 1 chiếc tàu sân bay là "lãnh thổ chủ quyền Mỹ 4,5 mẫu Anh".

Nhưng, tính chất "(kẻ địch) không thể chiến thắng" của những vũ khí tác chiến mạnh mẽ này có lẽ đang yếu đi, ít nhất là ở vùng biển Thái Bình Dương, nơi tiếp giáp Trung Quốc.

Từ năm 2010 đến nay, Bắc Kinh đã triển khai một loại tên lửa đạn đạo mặt đất mới tên là Đông Phong-21D, loại tên lửa này có thể sẽ làm thay đổi thế cân bằng quyền lực ở một khu vực bất ổn và quan trọng trên thế giới. Loại tên lửa có thể phóng trên xe tải này có thể bay khoảng 1.000 dặm Anh (khoảng 1.609 km) trên biển, đồng thời ngắm và bắn trúng tàu trong thời điểm bay cuối cùng.
Cụm tấn công tàu sân bay Mỹ
Nếu sĩ quan chỉ huy quân sự Trung Quốc muốn tấn công thành công, thậm chí bắn chìm một mục tiêu, điều này sẽ có nghĩa là, bá quyền ở vùng biển quốc tế của Mỹ rõ ràng thất bại.

Nếu có thể giành được hiệu quả như vậy, loại vũ khí này sẽ buộc tàu sân bay Mỹ phải cách xa Trung Quốc hơn, làm suy yếu sức chiến đấu của máy bay quân sự trên tàu sân bay và bảo hộ an ninh do Mỹ cung cấp - sự phát triển kinh tế và ổn định tương đối của Đông Á phải được thực hiện dưới loại bảo hộ này.

Loại mối đe dọa này đồng thời xuất hiện cùng với "tranh chấp" một loạt hòn đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc và Nhật Bản đều đưa ra chủ trương chủ quyền đối với những hòn đảo nào.

Trước khi tên lửa Đông Phong-21D xuất hiện, Mỹ có thể nhanh chóng điều 1 - 2 tàu sân bay đến khu vực này, ngăn chặn có hiệu quả hành động quân sự của Trung Quốc.

Việc bàn bạc của Mỹ về tên lửa Đông Phong là bí mật và gay gắt. Không có các bức ảnh công khai về tên lửa này. Vài chục quan chức Mỹ và Trung Quốc đều từ chối thảo luận về vũ khí này, cho biết chủ đề này quá nhạy cảm.

Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Jonathan Greenert trả lời tuần san "Thời đại" cho rằng, Hải quân Mỹ đã bỏ ra thời gian vài năm để nỗ lực nghiên cứu cách thức chiến thắng tên lửa Đông Phong-21D.

Ông nói: "Đây là một loại vũ khí rất tốt do họ nghiên cứu chế tạo", nhưng bất cứ sự vật nào đều có khuyết điểm. Ông Greenert nói: "Chúng ta sẽ không ngồi nhìn... khu vực mà tên lửa đạn đạo có khả năng rơi xuống như mưa".
Tên lửa đạn đạo Đông Phong-21D (DF-21D) Trung Quốc

Chỉ về điểm này có nghĩa là Mỹ thay đổi tư thế ở Thái Bình Dương. Nhưng, hiện nay, sĩ quan Hải quân Mỹ cho rằng, tình hình triển khai tàu sân bay vẫn chưa có gì thay đổi.

Từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, Quân đội Mỹ coi khu vực Tây Thái Bình Dương là lãnh địa riêng của mình. Tàu chiến Mỹ thường xuyên đi lại ở vùng biển cách các nước như Trung Quốc trong vòng 3 dặm Anh, còn Trung Quốc lại bất lực đối với điều này - trong rất nhiều trường hợp, Trung Quốc thậm chí đều không biết rõ về điều này.

Nhưng, vài chục năm gần đây, tình hình đã thay đổi, cùng với sự phát triển của vệ tinh, radar tầm xa và các thủ đoạn do thám khác, Bắc Kinh đã biết rõ Hải quân Mỹ luôn đi lại ở khu vực cách không xa đường bờ biển của họ.

Do bị Mỹ, Nhật Bản và phương Tây thống trị, bao vây trong thời gian dài, Trung Quốc ngầm quyết tâm làm thay đổi trò chơi này. Trung Quốc đang không ngừng tăng cường sức mạnh hải quân. Còn Hải quân Mỹ cho rằng, những tàu chiến cỡ lớn này không tạo ra mối đe dọa cho họ. Nhưng, các cuộc tấn công hỏa lực từ tên lửa đạn đạo Đông Phong-21D lại là một loại thách thức khác.
Máy bay không người lái X-47B hạ cánh trên tàu sân bay Mỹ
Có người dự đoán, Trung Quốc - nước tự nhận mình là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ làm cho Mỹ thất sắc một cách ngán ngẩm vào năm 2017 - Trung Quốc luôn ra sức đầu tư xây dựng quân sự, hiện nay chi tiêu mỗi năm của Trung Quốc gần 200 tỷ USD.

Mặc dù điều này chưa bằng 1/3 chi tiêu hàng năm của Lầu Năm Góc, nhưng Mỹ gánh vác nghĩa vụ quân sự trên phạm vi toàn thế giới, còn Trung Quốc lại tập trung mối quan tâm quân sự vào khu vực Tây Thái Bình Dương.

Theo tuyên truyền của báo Trung Quốc, sự "phiền phức" của Trung Quốc đến từ các nước láng giềng của họ. Trong mấy năm gần đây, Bắc Kinh không ngừng đưa ra yêu sách lãnh thổ (phi pháp) đối với một loạt đảo đá ở Biển Đông và ở biển Hoa Đông.

Để đáp trả Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam đều đã tăng cường sức mạnh quân sự. Vào năm 2011, Philippines tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, đồng thời vào tháng 4 năm 2014 đã ký với Mỹ thỏa thuận dài tới 10 năm, cho phép nhiều lực lượng Mỹ hơn đóng trên lãnh thổ của họ.

Ngày 1 tháng 7, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố, muốn giải thích lại Hiến pháp hòa bình để cho phép quân đội của họ có thể tiến hành cứu viện khi đồng minh bị tấn công.

Tàu ngầm diesel-điện Tp.Hồ Chí Minh lớp Kilo của Hải quân Việt Nam (ảnh minh họa)
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, thượng tướng Harry Harris tháng 4 cho biết: "Tôi cảm thấy lo ngại về tăng trưởng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, họ thiếu minh bạch, hơn nữa phương thức hành vi ở khu vực này ngày càng cứng rắn".
  Đông Bình
( Giáo Dục )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét