Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

“Quốc hội cần chỉ đạo việc khởi kiện Trung Quốc” - Mắng mỏ (và tiêu chuẩn "yêu nước sâu sắc")

“Quốc hội cần chỉ đạo việc khởi kiện Trung Quốc”

Phiên thảo luật về dự án luật Căn cước công dân tại hội trường Quốc hội sáng 19/6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bất ngờ phát biểu… lạc đề. Ông Nghĩa nói về tình hình Biển Đông và yêu cầu cấp thiết cần một Nghị quyết của Quốc hội về nội dung này.
Vị đại biểu là luật sư trao đổi thêm với báo chí về đề xuất “lạc đề” của mình bên hành lang Quốc hội. 


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: "Khởi kiện Trung Quốc không dễ dàng nhưng có lợi hơn là không làm gì" (ảnh: Việt Hưng).

Phần phát biểu của ông tạo ra một bất ngờ lớn tại phiên họp sáng nay. Dù “lạc đề”, nội dung ông đề cập vẫn nhận được sự ủng hộ, đồng tình, tạo điều kiện của Quốc hội. Động lực nào thôi thúc ông có lựa chọn phát biểu về vấn đề Biển Đông, khác với chương trình phiên thảo luận như vậy?

Tôi thấy chương trình nghị sự của Quốc hội không có mục gì thể hiện quyết sách về Biển Đông. Từ đầu kỳ họp đến nay chỉ có một phiên thảo luận về tổ và thảo luận tại hội trường về việc này nhưng chưa có dự định về một nghị quyết hay một tuyên bố chính thức đối với những diễn biến trên biển. Do đó, không phải tôi mà chính là rất nhiều cử tri, nhiều tầng lớp đồng bào, từ những người dân bình thường đến cán bộ lão thành đều có ý kiến là Quốc hội không thể không có động thái gì chính thức.

Tôi xem trong chương trình từ nay đến ngày bế mạc kỳ họp (thứ 3 tuần tới) thì không còn một nội dung gì về Biển Đông nữa. Vấn đề cần thiết bố trí chương trình bây giờ không phải để bàn, thảo luận nữa mà là để thống nhất một hành động cụ thể nào đó. Vậy nên hôm nay tôi phải nêu ý kiến xen vào giữa nội dung thảo luận về luật căn cước. So với vấn đề Biển Đông, vấn đề chủ quyền thì việc bàn hoặc thông qua một số luật như dự kiến không cấp thiết và có thể nói là không quan trọng bằng.

Nếu Quốc hội ra Nghị quyết, ông mong muốn nội dung văn bản này thể hiện thế nào?

Trước hết, Quốc hội phải nói rõ, Việt Nam có lập trường chính nghĩa ở Trường Sa và Hoàng Sa. Vừa rồi Trung Quốc tung ra thế giới, đưa cả lên Liên hợp quốc một cách chính thức những nội dung sai trái về cái gọi là chủ quyền của họ ở Trường Sa, Hoàng Sa. Vì vậy chúng ta phải có lời đáp lại một cách chính thức, từ cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước.

Nghị quyết cũng phải lên án hành vi sai trái của Trung Quốc, nêu rõ hành vi chiếm Hoàng Sa, Trường Sa bằng vũ lực và hành vi kéo giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam là đi ngược lại với tất cả những điều đã cam kết, tuyên bố với Việt Nam và các nước ASEAN. Trung Quốc đã thể hiện ý định không từ bỏ âm mưu hiện thực hoá đường lưỡi bò vô lý, mưu toan độc chiếm Biển Đông, cả về tài nguyên lẫn tự do hàng hải trên biển. An ninh trên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vì vậy bị ảnh hưởng. Việc kéo giàn khoan đến là một bước đi trong tiến trình thực hiện âm mứu lâu dài hơn như thế.

Sau nữa, trong tuyên bố của Quốc hội cần khẳng định tình hữu ghị của Việt Nam với nhân dân Trung Quốc, chỉ thị cho các cơ quan chức năng của Việt Nam dùng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Quốc hội cũng cần khẳng định trong Nghị quyết việc chỉ đạo các cơ quan nhà nước chuẩn bị, tiến hành việc khởi kiện Trung Quốc về việc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực sai trái với luật pháp quốc tế. Ta làm thế để nhân dân ta, nhân dân toàn thế giới không bị đánh lừa bởi Trung Quốc, chỉ rõ họ nói một đằng làm một nẻo, họ vừa đấm vừa xoa. Họ nằm ở Biển Đông 2 tháng nay mà một mặt họ lại nói Đảng, Nhà nước Trung Quốc vẫn tôn trọng tình hữu nghị, đại cục… Họ nói những điều mà trước khi có giàn khoan đã nói rồi đến giờ vẫn nói như là chưa có cái giàn khoan đang nằm đó. Ta không chấp nhận lối lập luận và thái độ kiểu đó.

Mới đây đã có thông tin về việc giàn khoan thứ 2 của Trung Quốc đang được nhăm nhe kéo vào Biển Đông. Sự cấp thiết của yêu cầu Quốc hội lên tiếng như ông nói càng cần xem xét?

Đúng thế, thực ra thông tin họ kéo giàn khoan thứ 2, 3 nữa đến thì cũng đã có từ lâu, được phán đoán thế. Điều đó càng chứng minh họ nói một đằng làm một nẻo, nói thì tốt, làm thì xấu. Nhưng nói chung, không chỉ là vấn đề 1-2 giàn khoan mà các hành vi đó của Trung Quốc nằm trong hệ thống, chắc chắn sẽ tiếp tục và liên tục.

Diễn biến mới đây, Trung Quốc còn tiến hành xây dựng trên đảo Gạc Ma. Có ý kiến cho rằng tính chất nguy hiểm của việc này còn cao hơn việc đặt giàn khoan?

Hành động của Trung Quốc không thể xem chỉ ở khía cạnh họ xây thêm một công trình hay đặt thêm một giàn khoan trên biển mà ngiêm trọng ở chỗ, họ sẽ dùng sức mạnh kinh tế, quân sự để kiểm soát Biển Đông, chi phối tự do hàng hải ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tác động vào lợi ích của các quốc gia khác để phục vụ lợi ích ích kỷ của họ. Vậy nên có xây thêm gì ở Gạc Ma thì cũng là hành động nhằm phục vụ ý đồ đó mà thôi.

Về đề nghị khẳng định việc khởi kiện Trung Quốc trong Nghị quyết của Quốc hội như ông nêu ra, từ trước đến nay phương án này đã được cân đong đo đếm nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng việc này sẽ khó khăn, không hề dễ dàng. Với tư cách là một luật sư, ông nhận định thế nào về việc này?

Khởi kiện là bắt đầu một quá trình đấu tranh pháp lý mà lại về một đề tài phức tạp như thế, trong bối cảnh phức tạp như thế, tại một cơ quan tài phán quốc tế thì rõ ràng là không bao giờ dễ dàng, thậm chí là không thuận lợi. Vấn đề liên quan đến chủ quyền, khi nào cũng có những điểm yếu và những điểm mạnh. Nhưng các chuyên gia pháp luật của Việt Nam và quốc tế từng nghiên cứu đã nói Việt Nam có những điểm mạnh và có thể đạt được nhiều mục tiêu. Tóm lại khởi kiện sẽ có lợi hơn là không làm gì. Tất nhiên, chúng ta phải rất khôn ngoan, hành động chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo.

Không khó hình dung cảm giác của người dân nếu Quốc hội không có hành động tương xứng?

Nếu Quốc hội không làm gì thì người dân chắc chắn sẽ thất vọng. Còn hiện tại, mọi người vẫn đang chờ đợi những động thái của Quốc hội.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (ghi)
(Dân trí)

TQ đưa giàn khoan thứ hai 'gần VN hơn'

Giới chức Việt Nam nói tọa độ giàn khoan thứ hai nằm trong thềm lục địa của Trung Quốc

Trung Quốc thông báo đang di chuyển giàn khoan thứ hai về hướng gần bờ biển của Việt Nam.
Động thái trên diễn ra trong lúc đàm phán giữa đại diện hai nước trong ngày 18/6 về căng thẳng xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 không có tiến triển đáng kể.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sáng 19/6 đã có một số dao động trước thông tin trên, tuy nhiên sau đó đã nhanh chóng phục hồi trở lại.

Hãng thông tấn AP ngày 19/6 dẫn thông báo trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc cho biết giàn khoan Nam Hải số 9 đang di chuyển khỏi vị trí hiện nay ở phía nam đảo Hải Nam và dự kiến sẽ đến vị trí mới vào ngày 20/6.

Theo nhận định của AP, phía Việt Nam sẽ không phản ứng gay gắt trước việc di chuyển giàn khoan thứ hai vì vị trí của nó nằm cách vùng biển nơi đang xảy ra va chạm khá xa về phía bắc.

Bản tin của Cục Hải sự Trung Quốc cho biết giàn khoan Nam Hải số 9 đang được kéo từ tọa độ 17 độ 38 vĩ bắc, 110 độ 12,3 kinh Đông đến tọa độ 17 độ 14,1 vĩ Bắc, 109 độ kinh Đông.

Báo trong nước trong cùng ngày 19/6 dẫn lời Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, cho biết tọa độ mới của giàn khoan này "nằm bên ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và là nơi hai bên đang bàn vòng 5 để phân định."

"Giàn khoan mới này nằm sâu trong thềm lục địa của Trung Quốc từ 50-60 hải lý," ông nói.

Ông Đạm cũng cho hay tọa độ này cách đảo Lý Sơn 140 hải lý và cách đây 5-6 năm, Trung Quốc cũng đã đặt một số giàn khoan và đã tiến hành khoan dầu khí trong khu vực này.

"Việc Trung Quốc kéo thêm giàn khoan tới đây cũng bình thường" ông Đạm nói thêm.

Hãng tin AP cũng dẫn lời một quan chức ẩn danh của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói lập trường của Hà Nội là không nước nào nên có hành động đơn phương trong vùng biển tranh chấp, tuy nhiên Trung Quốc đã từng có hoạt động thăm dò trong khu vực này mà không gây ảnh hưởng gì đến quan hệ hai nước.
 
Lộ trình của giàn khoan Nam Hải số 9
 
'Thị trường dần thích nghi'

Thị trường chứng khoán của Việt Nam sáng 19/6 đã có một số dao động dường như sau khi tin trên được báo trong nước loan tải.

Chỉ số VN Index giảm 0,58% trong phiên sáng, xuống mức thấp nhất trong 10 ngày qua, hãng thông tấn Reuters đưa tin.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết sự phục hồi nhanh chóng sau đó cho thấy thị trường đang dần thích nghi với những tin tiêu cực liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông.

Trả lời BBC ngày 19/6, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó phòng phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định:

"Theo diễn biến của phiên hôm nay thì có thể thấy thị trường đang ngày quen dần với những thông tin dạng như thế này."

"Lần trước thì thị trường sụt giảm rất mạnh, nhiều phiên liên tiếp. Lần này thì thị trường đã phục hồi khá là sớm trở lại."

"Tất nhiên phản ứng phục hồi này chỉ mang tính thời điểm, nhưng nó cũng cho thấy nhà đầu tư cũng không bị tác động quá mạnh bởi thông tin này."

"Ngày hôm nay một yếu tố thứ 2 là việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, giảm giá VNĐ 1%. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố chi phối chính."

"Biến động tỷ giá đôla trong hệ thống ngân hàng đã xuất hiện từ cách đây một hai tuần và đã phần nào được phản ánh trước đó qua diễn biến giá cổ phiếu."
Đại diện của Việt Nam và Trung Quốc giữ nguyên quan điểm về chủ quyền trong cuộc gặp hôm 18/6
 
'Xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền'

Thông báo về việc dịch chuyển giàn khoan thứ hai được phía Trung Quốc đưa ra cùng ngày với chuyến thăm của Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì tới Hà Nội.

Trong chuyến thăm ngày 18/6, ông Dương đã kêu gọi Việt Nam "ngưng quấy nhiễu" hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Trung Quốc và nói hai bên cần "tránh quốc tế hóa" và "không làm phức tạp thêm vấn đề hàng hải hiện nay", theo Tân Hoa Xã

Trong khi đó, truyền thông Việt Nam cho biết Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nói với ông Dương rằng Bắc Kinh đã "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền" của Việt Nam khi đưa giàn khoan vào vùng biển như hiện nay.

Ông Dũng cũng "yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam" theo trang web chính phủ Việt Nam.

Ngoài cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc cũng gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trang web của Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn lời ông Trọng "nhấn mạnh tính nghiêm trọng và tác động rất tiêu cực của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến nay đối với nhân dân Việt Nam, cục diện quan hệ Việt-Trung và tình hình khu vực.."

Ông Trọng cũng "khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi."
(BBC)

Gs Nguyễn Văn Tuấn - Mắng mỏ (và tiêu chuẩn "yêu nước sâu sắc")

Tôi nghĩ bất cứ người Việt nào còn lòng tự trọng dân tộc sẽ rất sốc và tức tối với cái tựa đề tiếng Anh “China scolds Vietnam for ‘hyping’ South China Sea oil rig row” (1). Tức giận vì chữ scolds, có nghĩa là “mắng mỏ”, dĩ nhiên là hàm ý tiêu cực.
Trong tiếng Việt, mắng mỏ dành cho cha mẹ mắng con cái, hay anh mắng em út, cấp trên mắng cấp dưới. Vậy mà Tàu cộng nó dám mắng Việt Nam! Càng ngạc nhiên hơn, Việt Nam không có phản bác trước loại ngôn ngữ trịch thượng này!

Thật ra, nói công bằng thì Tàu cộng không dùng chữ scold; kí giả của hãng Reuters dùng chữ đó. Điều này có nghĩa là người ngoài cuộc nhìn vào những bình luận và phát biểu của Tàu cộng như là những lời mắng mỏ của đàn anh dành cho đàn em. Hình như báo chí VN không có đề cập đến bài báo này (?).
Ngoài ra, có báo ngoại quốc còn dùng nhiều từ nặng nề hơn như slap (tát tay, quở trách), reprimand (khiển trách). Tất cả đều có cùng ý nghĩa là xem Việt Nam chẳng ra gì.
Nhưng có lẽ chúng ta không ngạc nhiên về thói lô lỗ của các quan chức Tàu (2). Tôi cố gắng lí giải tại sao quan chức Tàu lại thô lỗ như thế, và vài lí do chủ yếu là mất dạy, gây ấn tượng kẻ cả, và tự cảm thấy cô đơn. Lớn lên và được huấn luyện trong môi trường Mao-ít thì chúng ta cũng không nên ngạc nhiên nếu thấy các quan chức Tàu thiếu chữ nghĩa và kém văn hoá lẫn văn minh, bởi vì tất cả những gì họ thấy là qua “ánh sáng” của Mao và của đảng.
Về thái độ kẻ cả, chúng ta thử đọc qua một nhận xét của bà Clinton. Trong một nhận định về thái độ và cách hành xử của quan chức Tàu, cụ thể là Dương Khiết Trì, bà Clinton kể rằng vào năm 2011 một hội nghị chính trị vùng ASEAN được tổ chức ở Hà Nội, Việt Nam phát biểu trước và đặt vấn đề tranh chấp và xung đột ở Biển Đông, và sau đó các bộ trưởng nước khác cũng nêu vấn đề. Đến cuối phiên họp, bà Clinton kể rằng ông Dương Khiết Trì hắn tái cả mặt, và nhắc lại quan điểm chẳng dính dáng gì trong tranh chấp là Tàu “là một nước lớn, lớn hơn tất cả những nước có mặt ở đây cộng lại” (3). Cái tư duy nước lớn mà ngu thể hiện ngay trong câu phát biểu, bởi vì nước lớn hay nhỏ thì có ăn nhập gì với lí giải.
Tàu rõ ràng cảm thấy cô đơn trên trường quốc tế, nên mất tự tin. Tàu cộng gây hấn với hầu hết các nước chung quanh. Từ Nhật, Ấn Độ, đến Triều Tiên và Hàn Quốc, tất cả Tàu đều có tranh chấp. Trong bối cảnh đó, các quan chức Tàu cảm thấy bất an, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Đó là tâm lí chung của người thiếu tự tin. Có lẽ đó là một trong những lí do mà Dương Khiết Trì tỏ ra vô giáo dục với phía Việt Nam.
Trước những lời phát biểu trịch thượng và vô lễ đó của Dương Khiết Trì trên mặt báo, Việt Nam phản ứng ra sao? Có thể nói rằng phản ứng của phía Việt Nam rất lịch sự và nhã nhặn. Bài báo của Reuters (4) cho biết “Vietnam took a more conciliatory tone” (Việt Nam dùng giọng hoà nhã hơn), và “Dung said Vietnam was always ‘grateful for the support and great help from China’” (Thủ tướng Dũng nói Việt Nam lúc nào cũng biết ơn vì sự yểm trợ và giúp đỡ lớn từ Tàu). Nhã nhặn và biết ơn. Có ai lịch sự và ăn ở có trước có sau như Việt Nam chưa?
Tôi tự hỏi nếu mình là quan chức VN và có mặt trong buổi thảo luận, tôi sẽ làm gì? Dĩ nhiên, tôi sẽ không dùng từ thô lỗ để trả đũa, vì như thế thì chẳng khác nào mình với chúng nó cũng đẳng cấp [thấp]. Nhưng chắc chắn tôi sẽ không nhân nhượng bất cứ lí lẽ nào của họ. Nếu họ nói “Tôi là nước lớn”, có lẽ tôi sẽ nói mỉa mai một chút và vào đề: “Đó là một quan sát thú vị nhưng hơi thừa vì ai cũng biết Tàu là lớn; tuy nhiên lớn không có nghĩa là có chân lí”, và giảng dạy “Vua Trần Nhân Tông của chúng tôi dạy rằng chỉ có nước lớn mới làm bậy và gây hấn“. Nếu họ nói “chẳng có gì phải tranh cãi Hoàng Sa”, thì tôi sẽ nói “Tôi không đồng ý với với quan điểm đó, vì trong thực tế những tranh cãi vẫn diễn ra, và Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam”. Nếu họ nói “Việt Nam quấy nhiễu giàn khoan”, tôi sẽ nói “Ngược lại, chính các ông mới khuấy nhiễu và khiêu khích chúng tôi; các ông cho tàu chiến, tàu ngư chính, tàu hải cảnh, và máy bay ra để đe doạ các tàu chấp pháp của chúng tôi; các ông đã cho tàu hải cảnh húc vào tàu cá của ngư dân chúng tôi và đã gây ra hai cái chết. Đáng lẽ các ông phải chính thức xin lỗi, chứ sao lại nói ngược như thế”.
Nếu họ tiếp tục ăn nói thô lỗ, tôi sẽ nhắc họ “Xin nhắc các ông đây là một cuộc thảo luận ngoại giao cấp cao, đề nghị các ông duy trì chuẩn mực văn hoá trong đối thoại, và tránh dùng những từ ngữ có thể xem là trịch thượng và không phù hợp với quan chức của một nước lớn”. Nhưng chắc chắn một điều là tôi sẽ không nói lời cám ơn gì cả, vì đây không phải là dịp để nói lời cảm ơn. Đại khái vậy. Nhưng tôi chỉ tưởng tượng cho vui vậy thôi, chứ làm sao tôi có vai trò gì trong đàm phán.
Nếu những gì kí giả Reuters viết đúng về những ngôn từ mà Dương Khiết Trì phát biểu (và tôi nghĩ họ chẳng có lí do gì để nói láo) thì rõ ràng đó là những lới mắng mỏ trịch thượng. Đáng lẽ Việt Nam có thể phản bác mạnh mẽ hơn là những thông cáo báo chí đưa ra, nhưng rất tiếc điều đó chưa xảy ra. Chính sự khiêm tốn và thái độ hoà nhã của phía Việt Nam càng làm cho Tàu cộng lấn tới và xem chúng ta chẳng ra gì.
Mới đây, Bộ Nội vụ đề nghị rằng các quan chức cao cấp phải hội đủ tiêu chuẩn “yêu nước sâu sắc”. Tôi hiểu chữ “sâu sắc” là sẵn sàng bảo vệ danh dự của dân tộc và đất nước Việt Nam và có khả năng đáp trả thích đáng những phát biểu thô lỗ và xúc phạm của đối phương.
Gs Nguyễn Văn Tuấn
-------------------
(1) http://www.reuters.com/article/2014/06/18/us-china-vietnam-idUSKBN0ET0AC20140618
(2) http://www.nguyenvantuan.org/tin-tuc/tai-sao-quan-chuc-tau-tho-lo.aspx
(3) http://www.newrepublic.com/article/politics/magazine/82211/china-foreign-policy
(4) Nhưng bài báo của Reuters còn cho biết Thủ tướng Dũng cũng yêu cầu Tàu phải rút giàn khoan vì ông cho rằng đó là một vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam. Đáp lại, Dương Khiết Trì nhấn mạnh Hoàng Sa là lãnh thổ cố hữu của Tàu, và không có tranh cãi gì về chuyện này. Dương Khiết Trì phàn nàn rằng Việt Nam liên tục sách nhiễu giàn khoan của Tàu một cách bất hợp pháp.
(FB. Gs Nguyễn Văn Tuấn)

Phạm Hồng Sơn - Biển Đông đã mất? - Phần 1: Đừng để người ta cười

"...Vấn đề Biển Đông trong những năm qua cho thấy chủ nghĩa dân tộc kém tỉnh táo ở Việt Nam vẫn rất mạnh.

Khi vụ Giàn khoan HD198 xảy ra, khi báo đài của Đảng mới đổi giọng cao lên một chút, đã có nhiều người bày tỏ sẵn sàng vác súng ra trận bất biết đó sẽ là cuộc chiến vệ quốc hay lại vệ đảng (?).

Chỉ bằng một phát biểu có tính dân tộc chủ nghĩa, một ông thủ tướng bạo quyền đã rất nổi tiếng về hứa đẹp và chỉ hứa đẹp vẫn làm chao đảo dư luận, vẫn làm nhiều thức giả ngưỡng mộ, kỳ vọng ngất ngây..."

*

Hổ thẹn

Tôi đồ rằng những vị như Tiến sỹ Nguyễn Nhã, Thạc sỹ Hoàng Việt hay Giáo sư Cao Huy Thuần chưa đọc kỹ hai văn bản này: (1) Tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (2) Công hàm ngày 14/9/1958 của chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hòa thuộc chính thể Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Theo tôi, bất cứ ai có trí tuệ bình thường đã đọc kỹ hai văn bản này và là người có lòng công bằng, bất thiên vị, vẫn thừa nhận tính chính đáng của chính thể cộng sản Việt Nam đều phải công nhận:

Hoàng Sa, Trường Sa cùng những chủ quyền liên quan theo luật quốc tế hiện nay là thuộc Trung Cộng – tức Trung Hoa cộng sản, quốc gia vừa từng là “anh em răng môi”, vừa vẫn là “bạn vàng bốn tốt”, “đối tác chiến lược toàn diện” của Nhà nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam (tức Đảng Lao động Việt Nam vào lúc Công hàm của chính thể Hồ Chí Minh được công bố – chính thể Việt Nam hợp pháp duy nhất từ năm 1945 tới nay dưới nhãn quan của Đảng Cộng sản Việt Nam.)

Bởi vì:

- Một: Ta không thể tự mâu thuẫn khi vẫn thừa nhận tính chính đáng, tính đại diện của một nhà nước, một chính phủ lại vừa phủ nhận hành động của nhà nước đó, chính phủ đó khi tự xác định “có trách nhiệm tôn trọng triệt để” tuyên bố công khai của một chính phủ khác khi chúng ta đã hoàn toàn im lặng vào lúc cam kết đó được lập nên.

- Hai: Việc cố diễn giải nhằm bác bỏ tính ràng buộc của một cam kết (có tính khế ước) của một tổ chức mà ta thừa nhận tính chính đáng của nó, và khế ước đó còn tiếp tục được minh định thêm nhiều lần khác, bằng nhiều cách khác của chính tổ chức đó, không chỉ là sự ngạo ngược với tinh thần Pháp trị phương Tây, phỉ báng chữ Tín phương Đông.

-Ba: Người còn liêm sỷ không thể vẫn coi một chính thể là “Ngụy” – tức bác bỏ tính chính đáng của chính thể đó – nhưng lại dùng những phát ngôn, hành động của chính chính thể (bị coi là) “ngụy” đó để biện hộ cho sự “chính đáng” của bản thân.

Tất nhiên, cứ có kẻ cầm quyền thì có biện sỹ - những người nhiều kiến thức, giỏi biện luận, chuyên phò tá kẻ quyền thế để mưu bổng tước bất chấp đúng sai, đức nghĩa. Tuy nhiên cái lý trí cùng đạo đức sơ đẳng của con người đều phải biết không thể nào tuyên bố chấp nhận một toàn thể, rồi sau đó lại phủ nhận phần tử của cái toàn thể đó; người ta cũng không thể kiện, không thể đòi lại vật đã bán, đã cho bằng việc nại ra những hình ảnh về sở hữu vật đó trước khi bán hay cho. Những kiểu lý luận này chỉ là lối biện luận phi logic một cách ngang ngược mà dân gian đã đặt tên: cãi chày cối lấy được.

Biện sỹ là nghề đã xuất hiện cách đây hàng ngàn năm nay cả ở Đông lẫn Tây, sự sai lầm của con người càng không mới, nhưng đến thời này mà chúng ta vẫn thấy hạng biện sỹ đó còn đất dụng võ thì thật kỳ lạ, lối biện luận đó ta lại thấy ở những danh sỹ khoa bảng thì thật hãi hùng.

Vô ơn

Nhìn vào quan hệ của hai chính thể cộng sản Việt, Trung, ngoại trừ một giai đoạn khoảng hơn 10 năm (1979-1990), người ta không thể không thấy bao trùm lên quan hệ đó là sự gắn bó thân tình đặc biệt của hai nước láng giềng và Trung Cộng là bên đã giúp đỡ rất nhiều cho Việt Nam cộng sản. Ngắn gọn có thể nói, mỗi thành tựu quan trọng của chính thể Việt Nam cộng sản trước năm 1990 đều không thể thiếu sự trợ giúp của Trung Cộng.

Tư trang, quân dụng cho tất cả những người lính miền Bắc vào những thời kỳ đó, đặc biệt trong cuộc “kháng chiến chống Mỹ-Ngụy”, từ lính tới tướng, từ đầu tới chân, từ trong ra ngoài, cho tới cái ba-lô, bi-đông, lương khô, thuốc tăng lực, v.v. đều của Trung Hoa. Tình hữu nghị Việt-Trung còn được hiện thân vào những ca từ, những điệp khúc thiết tha, hào hùng: “Việt Nam, Trung Hoa núi liền núi sông liền sông, chung một biển Đông với tình hữu nghị sáng như rạng đông…Nhân dân ta ca muôn năm Hồ Chí Minh-Mao Trạch Đông. Hồ Chí Minh-Mao Trạch Đông.”

Ngay năm 1979, giữa lúc quan hệ hai đảng xuống tới mức thấp nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ:

“Năm 1950, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trung Quốc là nước viện trợ vũ khí, trang bị quân sự nhiều nhất cho Việt Nam trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp… Nhân dân Trung Quốc, mặc dầu còn có nhiều khó khăn, nhất là trong những năm đầu của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đã dành sự giúp đỡ to lớn cho nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống bọn đế quốc xâm lược… những người cầm quyền Bắc Kinh thường hay nhắc đến việc Trung Quốc viện trợ cho nước Việt Nam, thậm chí khoe rằng quân đội của họ đã “chiến đấu ở Điện Biên Phủ”, v.v… “.[i](tôi-PHS nhấn mạnh những chỗ tô đậm)

Đó chỉ là góc nhìn hẹp từ phía Việt Nam. Vậy, một người Trung Hoa dân tộc chủ nghĩa sẽ nghĩ gì về những người Việt Nam hôm nay vừa ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam vừa bác bỏ Công hàm Hồ Chí Minh 1958, vừa lớn tiếng hô hoán cáo buộc Trung Cộng xâm lấn Hoàng Sa, Trường Sa?

Nguy hiểm

Như đã thấy, nếu căn cứ vào lý, tức đưa vụ việc ra kiện tụng, chắc chắn Trung Hoa cộng sản (Trung Cộng) sẽ có lý hơn – tức sẽ thắng Việt Nam (cộng sản). Còn nếu tranh cãi cứ tiếp tục leo thang, kể cả chỉ bằng phương pháp chính trị-ngoại giao và không phải là đóng kịch, nguy cơ xung đột quân sự vẫn rất có thể xảy ra. “Chiến tranh chỉ là sự tiếp tục của một chính sách chính trị bằng một phương tiện khác thôi.” (Clausewitz)[ii]

Chưa kể, hai chính thể toàn trị cộng sản Việt và Trung đều có những nhu cầu tự thân trong việc cải hóa tính chính đáng đang có chiều sa sút. Mà chiến tranh luôn là một vị có thể phải gia thêm trong thang thuốc bốc cho độc tài bất an.

Tuy nhiên, dù chưa bàn đến chênh lệch sức mạnh giữa hai quốc gia cũng như các yếu tố quốc tế, một cuộc chiến trên những cơ sở như thế, dù ở mức độ nào, chắc chắn không thể mang lại được ích lợi gì cho dân Việt Nam, ngoại trừ kẻ chuyên quyền.

Như vậy bất kỳ ai vừa thừa nhận tính chính đáng của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (chính là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) lại vừa cố đòi chủ quyền Biển Đông liên quan tới Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam, họ vừa không chỉ tự mâu thuẫn, chống lại công lý mà còn có nguy cơ đẩy xung đột đi tới chỗ chém giết lẫn nhau, tai hại thêm cho lợi ích quốc gia của chính Việt Nam. Còn nếu tranh cãi chỉ dừng ở kiện tụng, đó cũng sẽ là những cuộc kiện tụng tốn kém tiền bạc, công sức của dân với một phán quyết gần như chắc chắn: Việt Nam (cộng sản) ít lý hơn.

Xấu hơn

Với lòng tự tôn dân tộc chúng ta có thể vẫn không tin, không chấp nhận thực trạng u ám trên đây. Nhưng sự thật tồn tại đâu cần sự đồng ý của chúng ta. Những văn bản, luận cứ bất lợi cho chủ quyền Việt Nam, như đã biết hoặc chưa biết, có thể đều đang nằm trong tay chính quyền Trung Cộng.

Cũng trong sách đã dẫn, tháng 10/1979 Đảng Cộng sản Việt Nam tiết lộ thế này:

“Những người cầm quyền Trung Quốc đã nhận ngồi vào đàm phán với phía Việt Nam… Mặt khác họ đặt điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải từ bỏ đường lối độc lập, tự chủ của mình, từ bỏ chủ quyền của mình đối với các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì họ mới đi vào bàn bạc các vấn đề khác.”[iii] (tôi nhấn mạnh chỗ tô đậm)

Một dấu hỏi: Hội nghị Thành Đô 1990 chỉ là bước kế tiếp sau “điều kiện tiên quyết” vừa nói đã được thỏa mãn? Không ai có thể trả lời được nghi vấn này, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Cộng. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết một chi tiết khác:

“…Không có gì đáng ngạc nhiên là họ đã khước từ một hiệp định quân sự bí mật giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo hiệp định này về nguyên tắc đến tháng 6 năm 1965, phía Trung Quốc phải gửi phi công sang giúp Việt Nam. Nhưng…”[iv] (tôi nhấn mạnh chỗ tô đậm)

Như thế, không thể loại trừ Trung Cộng đã thủ đắc nhiều chứng cứ khác kiểu “Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng” (sic)?

Vụ bạo động xảy ra một cách bất ngờ trong mấy ngày liên tiếp ở Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Áng trong tháng Năm vừa qua còn cho thấy một viễn cảnh xấu hơn. Dù nguyên nhân gốc từ đâu, như một số nhà phân tích đã nêu, do tình báo Trung Cộng giật dây hay do chính quyền Việt Nam cố tình tạo ra để lấy cớ dẹp biểu tình, chúng đều chỉ rõ: hoặc Việt Nam đã bị Trung Cộng thâm nhập, kiểm soát rất sâu tới mức chính quyền bất lực, hoặc chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam rất sắt máu với dân – sẵn sàng chịu một tổn thất không nhỏ cả về kinh tế lẫn chính trị (đối ngoại) để có cớ phòng và đè bẹp những nhen nhúm dân chủ đối lập còn rất nhỏ và yếu.

Vô âm

Vấn đề Biển Đông trong những năm qua cho thấy chủ nghĩa dân tộc kém tỉnh táo ở Việt Nam vẫn rất mạnh.

Khi vụ Giàn khoan HD198 xảy ra, khi báo đài của Đảng mới đổi giọng cao lên một chút, đã có nhiều người bày tỏ sẵn sàng vác súng ra trận bất biết đó sẽ là cuộc chiến vệ quốc hay lại vệ đảng (?).

Chỉ bằng một phát biểu có tính dân tộc chủ nghĩa, một ông thủ tướng bạo quyền đã rất nổi tiếng về hứa đẹp và chỉ hứa đẹp vẫn làm chao đảo dư luận, vẫn làm nhiều thức giả ngưỡng mộ, kỳ vọng ngất ngây.

Quá lo lắng cho quyền lợi dân tộc Việt đã khiến cả những người có trí tuệ không tầm thường chấp nhận một khẩu hiệu có nhân sinh quan cạn hẹp dễ khích động tha nhân: “Thoát Trung”.

Nhưng chủ nghĩa dân tộc không phải là thứ có thể độc quyền. Những người Hoa dân tộc chủ nghĩa quá khích chắc chắn không thể không thấy những phản ứng kể trên của người Việt. Họ cũng không thể không thấy những hiện tượng lạ lùng khác: Truyền thông nhà nước gọi nhân sỹ, trí thức đi biểu tình là “phản động”; người của Đảng đi biểu tình bị đạp mặt; những nhân vật như Lê Chí Quang vẫn trong vòng kiểm soát, Điếu Cày còn gần chục năm tù, ABS chắc sẽ phải tù lâu, còn Bùi Hằng “hoa hậu biểu tình” sắp hầu tòa, v.v.

Quan sát như thế và lại nghe thấy “Thoát Trung”, những người Trung Hoa dân tộc chủ nghĩa không thể không nộ khí:

“Chúng mày đang bị chính chúng mày trói chân, trói cả tay cả đầu, thế mà vẫn còn hùng hổ 'Thoát Trung'. Ai cho thoát? Thoát đi đâu? Ngàn đời còn khổ các con ạ!”

Đó có thể là tưởng tượng phóng đại, quá khích, ác khẩu. Nhưng không thể lấy một chủ nghĩa dân tộc mù quáng để chống lại một chủ nghĩa dân tộc (lớn hơn nhiều) cũng mù quáng. Không thể tìm kiếm công lý, an bình cho dân tộc mình bằng sự trí trá, chà đạp một công lý khác.

Luồn vào chính sách uốn éo của cường quyền lệ thuộc phản trắc để đối phó với xâm lăng sẽ vừa vô ích, vừa rót thêm hoang mang vào lầm than của dân chúng, vừa dễ mắc bẫy, lại vừa bị người ta cười. Tất nhiên, không ai cười thành tiếng.

-Việt Nam phải câm lặng, chịu mất Biển Đông?- ○

(Còn tiếp)

Phạm Hồng Sơn
* Bài đọc thêm:
- Giàn khoan Trụ đồng – điều kiện của hy sinh
- Vài phản biện về bài “Thoát Trung Luận”
*
[i] Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự Thật, 10/1979, trang 28, 98, 101.
[ii] Triết gia quân sự Carl von Clausewitz (1780-1831) đã phát biểu (được dịch ra Anh ngữ): “War is the continuation of policy by other means. It is not only a political act, but also a true political instrument.”, Martina Sprague, Lessons in the art of war, Tuttle Publishing, 2011, trang 06.
[iii] Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự Thật, 10/1979, trang 94.
[iv] Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự Thật, 10/1979, trang 47.
Phạm Hồng Sơn
Theo blog Phạm Hồng Sơn
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét