Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Ngày 12/6/2014 - Phải kiện trước khi Trung Quốc rút giàn khoan

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

Trần Kinh Nghị - Phải kiện trước khi Trung Quốc rút giàn khoan

Dư luận trong và ngoài nước đang rộ lên về việc "kiện Trung Quốc". Tuy nhiên, cách hiểu thì khác nhau khá nhiều, chủ yếu tập trung vào các khía cạnh như kiện về cái gì, kiện ra tòa án nào, thời điểm nào, vận dụng lý lẽ ra sao, và khả năng thắng thua...

Thật ra về phần mình Việt Nam đã tính đến việc kiện TQ ra tòa án quốc tế từ nhiều năm rồi chứ không phải bây giờ mới tính. Tuy nhiên không mấy ai "mặn mà" lắm trong việc này, lý do chủ yếu vì sợ chọc giận TQ gây căng thẳng quan hệ lâu dài. Việc này đã được bộc bạch bởi một vài vị lãnh đạo cấp cao mới đây rằng "kiện khác nào bát nước đổ đi". Đồng thời cũng có sự lo ngại khả năng bị thua kiện. Có lẽ cái sự thiếu mặn mà này ít nhiều đã hạn chế quá trình chuẩn bị hồ sơ, chí ít là cho đến trước khi xảy ra vụ giàn khoan 981.
Những mối lo ngại trên đây là hoàn toàn có cơ sở trong bối cảnh mối quan hệ bị ràng buộc và bất bình đẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là khi TQ là nước lớn lắm tiền và lắm mưu mô chước quỷ. Tuy nhiên đó chỉ là một mặt của toàn bộ vấn đề. Vấn đề còn phụ thuộc vào cách thức và thời điểm của từng vụ kiện. Nếu không thấy điều này thì lúc nào cũng lo sợ và thời cơ sẽ trôi đi không bao giờ lấy lại được; thế hệ này không được thì thế hệ sau càng khó.
Có lẽ có 2 lĩnh vực vấn đề cần xem xét.
Một là cần xác định nội dung kiện là gì. Nếu kiện để đòi lại toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào lúc này là điều không khả thi, thậm chí nhiều khả năng thất bại. Nhưng nếu tập trung kiện về vụ giàn khoan Hải Dương 981 thì Việt Nam hoàn toàn có lợi thế so với Trung Quốc. Bởi lẽ bằng việc cho hạ đặt giàn khoan với sự yểm trợ của hàng ngàn tàu thuyền, kể cả hải quân và không quân gây nhiều thiệt hại về tài sản và tính mạng đối với Việt Nam, TQ không chỉ vi phạm Công ước Luật Biển 1982 mà còn vi phạm luật môi trường và quyền mưu sinh của con người, v.v...Những lý lẽ để bác bỏ đường chín đoạn cũng cần được nêu ra trong dịp này.
Lý lẽ VN kiện TQ là như vậy, còn nếu phía TQ viện dẫn chủ quyền Hoàng Sa này nọ thì đó là dịp để VN lên tiếng bác bỏ để dư luận thế giới thấy. Nếu VN đặt mục đích kiện lần này trước hết là nhằm vào vụ giàn khoan thì không chỉ mạnh về chứng cứ mà còn mạnh về dư luận quốc tế, đồng thời hạn chế việc TQ sử dụng các thủ đoạn phi pháp lý vốn là "thế mạnh" của họ.
Hai là, cần xác định thời điểm phải kịp thời khi giàn khoan Haiyang 981 vẫn còn hoạt động phi pháp trong hải phận Việt Nam. Nếu để nó rút đi rồi thì coi như mất cơ hội. Nói cách khác, mục đích của việc kiện không chỉ là để buộc TQ rút giàn khoan mà cũng để gián tiếp bác bỏ luận điểm sai trái của TQ liên quan vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Còn nếu chỉ nhằm mục tiêu TQ rút giàn khoan thì sớm muộn họ cũng phải rút thôi, chậm nhất là đến 15/8 hoặc cùng lắm là đến thời gian sóng to gió chướng tại khu vực này. Lúc đó TQ sẽ tự tuyên bố "hoàn thành nhiệm vụ" ...để lần sau lại tiến hành những "nhiệm vụ" tương tự dọc bờ biển VN thì ta sẽ còn khó hơn nhiều! Hơn nữa, nếu đợi đến sau này VN đem ra kiện thì ít có cơ hội để liên hệ đến vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa.
Tóm lại, trước mắt Việt Nam chỉ nên kiện đòi TQ rút giàn khoan cùng toàn bộ lực lượng ra khỏi lãnh hải của VN trả lại nguyên trạng trước ngày 1/5/2014. Việc chọn đưa ra toà án Công lý Quốc tế hay UNCLOS tùy thuộc vào mục đích kiện. Tất nhiên trong quá trình xét xử, vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa dù muốn hay không sẽ được đề cập, và bằng cách đó Việt Nam sẽ có cơ hội để trình bày lý lẽ của mình. Trong trường hợp TQ không đồng ý tham gia vụ kiện thì ít nhất việc khởi kiện của VN cũng góp phần làm sáng tỏ lập trường chính nghĩa của VN trước công luận quốc tế. Cách nào thì vẫn có lợi cho VN hơn là không kiện.
Trần Kinh Nghị
(Blog Bách Việt )

Tại sao Trung Quốc đột ngột giở giọng "quốc tế hóa" vụ giàn khoan 981?

(GDVN) - Quyết định của Trung Quốc đưa vấn đề (vu cáo Việt Nam) ra Liên Hợp Quốc khá khó hiểu, bởi lâu nay Bắc Kinh vẫn "phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông".
Vương Dân, Đại sứ - phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc buông lời xuyên tạc, vu cáo trắng trợn Việt Nam.

Trong một động thái nực cười hơn nữa của Bắc Kinh, hôm 9/6 Vương Dân, Phó đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã gửi thư vu cáo Việt Nam trong vụ giàn khoan 981 và tranh thủ ngụy biện về cái gọi là "chủ quyền đối với quần đảo Tây Sa", tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ đã rắp tâm cất quân xâm lược năm 1956, 1974.

Zachary Keck, biên tập viên tạp chí The Diplomat ngày 10/6 bình luận, thoạt nhìn quyết định của Trung Quốc đưa vấn đề (vu cáo Việt Nam) ra Liên Hợp Quốc khá khó hiểu, bởi lâu nay Bắc Kinh vẫn "phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông" tại các diễn đàn khu vực như Đối thoại Shangri-la hay hội nghị ASEAN, từ chối tham dự phiên tòa kiện đường lưỡi bò, nhưng giờ lại giở giọng "quốc tế hóa" vụ giàn khoan 981.

Lý do Trung Quốc muốn "quốc tế hóa" vụ giàn khoan 981 thực chất là muốn biến vụ việc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thành "tranh chấp lãnh thổ" với quần đảo Hoàng Sa, mà tranh chấp lãnh thổ thì không tòa án nào thụ lý trừ phi cả 2 bên thống nhất ra tòa, trong khi Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa và không bao giờ thừa nhận tranh chấp.

Tranh chấp lãnh thổ nằm ngoài phạm vi của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Nhưng bản chất vụ giàn khoan 981 lại là vụ vi phạm trắng trợn UNCLOS mà Trung Quốc đang cố tình giăng bẫy Việt Nam - PV.

Nhà báo Zachary Keck bình luận, Trung Quốc đang khống chế quần đảo Hoàng Sa và liên tục chối bỏ thừa nhận tồn tại tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo này. Nỗ lực của Việt Nam ngăn chặn Bắc Kinh hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã bị Bắc Kinh bóp méo thành "tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa". Đây là một hành vi đánh tráo khái niệm pháp lý quốc tế quá trơ trẽn của Bắc Kinh mà chúng ta cần hết sức tỉnh táo - PV.

Theo Zachary Keck, trong thực tế quyết định của Trung Quốc nêu vấn đề (vu cáo Việt Nam) tại Liên Hợp Quốc có thể phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của Bắc Kinh về khả năng Việt Nam sẽ sử dụng biện pháp pháp lý để đối phó với (tham vọng bành trướng lãnh thổ của) Trung Quốc vốn có ưu thế hơn hẳn về quân sự.

Việt Nam khởi kiện Trung Quốc theo UNCLOS sẽ nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ và rất nhiều nước khác, Zachary Keck bình luận. Chính vì vậy, Trung Quốc đã chủ động lu loa và đưa ra "tuyên bố chủ quyền" với Hoàng Sa ra Liên Hợp Quốc, một thủ đoạn cố gắng ngăn cản Việt Nam khởi kiện, tách vụ giàn khoan 981 vi phạm trắng trợn UNCLOS khỏi phạm vi của UNCLOS.

Keck bình luận, đây là một canh bạc nguy hiểm, bởi trong khi "dựa vào luật pháp quốc tế" (thực tế là đánh tráo khái niệm, bóp méo luật pháp quốc tế - PV) trong vụ giàn khoan 981 để chiếm ưu thế với Việt Nam ở Hoàng Sa (thực tế giàn khoan 981 đang hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam theo đúng quy định của UNCLOS, không phải cái gọi là "vùng biển Hoàng Sa" như một số phương tiện truyền thông đưa tin. Hoàng Sa không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo UNCLOS), thì đường lưỡi bò của Bắc Kinh về cơ bản lại mâu thuẫn với luật pháp quốc tế.

Do đó, Trung Quốc có thể thiết lập một tiền lệ nguy hiểm bẻ cong luật pháp quốc tế. Điều thú vị là khi phát biểu tại cuộc họp kỷ niệm 20 năm UNCLOS có hiệu lực hôm Thứ Hai vừa rồi, Vương Dân không trực tiếp nhắc đến Việt Nam hay căng thẳng Biển Đông, thay vào đó ông Dân ca ngợi UNCLOS và nói, Trung Quốc tuân thủ đầy đủ UNCLOS (?!), giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Và cũng chính trong bài phát biểu này, Vương Dân nhấn mạnh, Bắc Kinh tin rằng cách hiệu quả nhất giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải là "đàm phán, tham vấn giữa các bên trực tiếp liên quan", trên cơ sở tôn trọng "sự thật lịch sử" và luật pháp quốc tế. Phát biểu của Vương Dân là minh chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc không hề thay đổi quan điểm của họ về tranh chấp hàng hải, vẫn đòi đàm phán tay đôi (và bẻ cong luật pháp quốc tế, ngăn chặn ra tòa )
  Hồng Thủy

Xin hỏi “Bộ Tổng”


Được đàng chân lân đàng đầu, một lần nữa Trung Quốc (TQ) đặt giàn khoan dầu xâm phạm thô bạo lãnh hải Việt Nam (VN).

Những câu hỏi không thể không đặt ra là: Tự đặt cho mình quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối, cớ sao cho đến giờ này Tổng Bí thư, Bộ Chính trị… Đảng CS VN vẫn im hơi lặng tiếng trước hành động xâm lược thô bạo của TQ? Sao lại cấm biểu tình chống TQ xâm lược? Sao không chấp nhận liên minh với các nước để phòng vệ? Sao không thả những người yêu nước chống TQ đang còn bị giam giữ? Và tại sao  trong giới lãnh đạo chóp bu còn có hiện tượng trống đành xuôi kèn thổi ngược?…

Giặc đã đến nhà mà bộ tổng tư lệnh im hơi lặng tiếng thì con dân nước Việt này biết phải làm gì để giữ nước? Hàng hay chiến? Hàng thì vì sao hàng? Nếu chiến thì bằng cách nào? Hỡi ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!

Giặc đã đến nhà đã hơn tháng trời mà các quan “đại thần” còn ông nói gà bà nói vịt, thì những người dưới trướng biết nghe ai?! Thôi thì ít ra các vị cũng cho chúng dân biết:

1/Sao lại cấm biểu tình chống TQ xâm lược?

Đã chấp nhận giải pháp “đánh giặc miệng”, ngoài việc sử dụng tối đa phương tiện truyền thông đại chúng, thì mũi dân chúng xuống đường biểu tình thị uy, đề cao chính nghĩa, lên án xâm lược phải được xem là mũi chủ công không thể thiếu.

Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, biểu tình thị uy đề cao chính nghĩa được áp dụng triệt để, xuyên suốt, thu phục được trái tim khối óc con người, đẩy đối phương vào thế bị động đối phó. Trong đấu tranh vệ quốc càng không thể thiếu mục biểu tình chính trị, đề cao chính nghĩa. Những cuộc biểu tình bất bạo động do 20 tổ chức Xã hội Dân sự phát động chống TQ đặt giàn khoan vào hải phận VN hôm 11/5/2014 gây chấn động trong và ngoài nước, thật sự là mồi lửa làm dấy lên những cuộc biểu tình chống TQ xâm lược khắp nơi trên thế giới, đẩy TQ vào thế bị động đối phó.

Những cuộc biểu tình do thế lực mờ ám nào đó áp đặt, gây bạo loạn ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh trước sự làm ngơ của công an, đó là cái lỗi của nhà cầm quyền, cớ sao dựa vào đó rồi cấm biểu tình chống TQ xâm lược? Tay lỡ dính bùn thì rửa, cớ sao lại dùng dao chặt nó gây đau đớn bản thân, làm cho bè bạn nghi ngờ, kẻ thù hớn hở?

Nếu người dân biểu tình theo hiến định, có kẻ xấu xen vào gây mất an ninh trật tự là tả khuynh, dựa vào cớ đó, cấm biểu tình yêu nước là hữu khuynh. Khuynh tả, khuynh hữu gì cũng sai, cũng chuốc lấy hậu quả cả! Vậy thì cơ quan công lực phải có trách nhiệm giữ đừng cho kẻ xấu xen vào gây rối, đảm bảo cho những cuộc biểu tình của người dân  đi đúng hướng. 

2/ Tại sao không chấp nhận liên minh phòng vệ?

Việt Nam là một nước nhỏ và yếu so với TQ, nếu chỉ tự mình đương đầu với TQ thì phần thua ắt nghiêng về phía VN. Lối thoát duy nhất của VN là phải liên minh liên kết với càng nhiều nước càng tốt để phòng vệ. Cớ sao đất nước đang bị TQ giày xéo mà vẫn khư khư “không liên minh với nước nào cả, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứquân sự ở VN, không dựa vào nước nào để chống lại nước thứ ba” – anh hùng rơm như thế chỉ còn có chết!

Trong chiến tranh chống xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ chẳng phải VN ta cũng liên minh với Liên Xô, Trung Quốc… để sinh tồn hay sao?

Mỹ là cường quốc quân sự số một thế giới thế mà bao giờ họ cũng liên minh với nhiều nước ở khắp các châu lục, vừa tăng sức mạnh cho mình vừa trợ thủ đắc lực cho bè bạn trong liên minh.

Dầu đã là đồng minh với Mỹ từ lâu, vẫn thấy chưa đủ, gần đây, Nhật còn mớm ý muốn liên minh quân sự với Philippines, VN, Malaysia, Indonesia. Quả là Nhật biết phòng xa.

Là nước nhỏ, nhất là nước nhỏ như VN, sống bên cạnh gã khổng lồ đầy tham vọng, phải biết phận mình, liên minh thì sống, lẻ loi thì chết. Hoàn cảnh VN chẳng khác Ukraine, một nước nhỏ ở cạnh nước lớn tham vọng bá quyền, muốn giữ độc lập tự chủ cho mình, đối phó với bá quyền TQ, nếu chưa liên minh được Mỹ, với cả khối Asean thì ít ra VN ta cũng phải tìm cách liên minh với các nước cùng cảnh bị TQ đe dọa biển đảo như Nhật, Phi, Mã, Indo. Đã đến nước này, lãnh đạo VN phải tỉnh táo, loại ra khỏi đầu hoang tưởng đàm phán song phương với TQ. 

3/ Sao chưa thả những người yêu nước còn bị giam cầm?

Không đợi đến giờ này mới thấy tham vọng của TQ, những người yêu nước viễn kiến như Nguyễn Văn Hải, Bùi Hằng chẳng hạn, là những “cây” biểu tình luôn dẫn đầu trong các cuộc xuống đường chống TQ xâm lược. Họ viết trên áo, xăm trên người những dòng chữ yêu nước làm lay động lòng người. Lẽ ra, họ phải được tôn trọng, đàng này chính quyền phịa ra những cái cớ vu vơ nào đó rồi bắt họ nhốt vào tù!

Một câu hỏi đặt ra, tại sao ở VN ta, hơn nửa thập kỷ qua, những người yêu nước, có đầu óc tiên tiến, nhìn xa hiểu rộng luôn là nạn nhân của chế độ?

*

Ngày nào giới lãnh đạo còn chia bè chia cánh, thờ ơ trước vận nước, còn cấm biểu tình yêu nước, còn chưa tạo được liên minh để phòng vệ, còn cầm tù những người yêu nước thì ngày ấy còn nguy cơ mất nước.

Người ta chỉ mừng khi nghe Thủ tướng và một ít người đương quyền khác đồng cảm với dân, công khai lên tiếng chống TQ xâm lược, nhưng người ta đâu đã tin, mà đang chờ xem hành động thật sự của họ. Vì nói và làm không đi đôi đã trở thành bịnh mãn tính của giới lãnh đạo Việt Nam từ lâu rồi.

Cho đến giờ này, chỉ có phía Nhà nước, đứng đầu là Thủ tướng lên tiếng chống TQ xâm lược. Nếu nghe theo Thủ tướng biết đâu sự kiện Thiên An Môn tái hiện ở VN?! Nhớ lại xem, sinh viên TQ nghe theo phái cấp tiến của Tổng bí thư Đảng CSTQ Triệu Tử Dương, tập trung tại quảng trường Thiên An Môn đòi thực hiện dân chủ;  phái bảo thủ Đặng Tiểu Bình sử con bài Lý Bằng, Giang Trạch Dân, dùng chiến xa nghiền nát hàng ngàn sinh viên, đó chẳng phải là bài học nhản tiền của một xã hội mà giới lãnh đạo còn phân chia bè phái?

Có lẽ giờ này, giới cầm quyền TQ tạm yên lòng khi VN còn cấm biểu tình chống TQ, còn thà chết chớ không liên minh với bất cứ nước nào, còn tiếp tục giam cầm những người “cứng đầu” dám chống TQ, và Đảng cầm quyền vẫn còn chưa ra mặt chống TQ xâm lược.

10/6/2014
Thiện Tùng
Tác giả gửi BVN 

Cám ơn cái giàn khoan!

Gượm hãy chụp mũ kẻ viết câu này là "thân Tàu". Vì cái giàn khoan là một phép thử. Đại để như học trò làm thí nghiệm trên tờ giấy quỳ. Nhúng mảnh giấy quỳ vào dung dịch, nếu giấy quỳ giữ nguyên màu tím thì dung dịch đó trung tính, nếu ngả sang màu xanh thì dung dịch đó mang tính kiềm, nếu chuyển sang màu đỏ thì dung dịch đó mang tính axit. Cũng thế với cái giàn khoan 981 kẻ cướp, giữa thanh thiên bạch nhật, hùng hổ, ngang ngược tọa đặt vào vùng biển của Việt Nam với hàng trăm tàu chiến tháp tùng máy bay yểm trợ cố tình khiêu khích. 
 
Chúng định làm gì? Khoan dầu ư? Cũng có thể. Siêu cường "trỗi dậy hòa bình" đang khát nhiên liệu. Nhưng với nhiều nhà bình luận quốc tế cũng như những học giả am hiểu về Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình cũng như thời Tập Cận Bình đều cho rằng đây là một phép thử. Thử bản lĩnh và cách ứng xử của đối phương trong tham vọng bành trướng mà cái "lưỡi bò" ham hố thè ra với đường 9 đoạn tự vẽ trên Biển Đông. Một chiêu giương đông để kích tây, gõ trống khua chiêng, diễu võ giương oai ở Hoàng Sa để ngấm ngầm quyết liệt mưu toan ở Trường Sa?

Trò đời, cái anh già mồm, bạo miệng hùng hùng, hổ hổ lại là anh thiếu tự tin trước đối thủ. Họ muốn thử phản ứng của Mỹ, của Nhật mà họ tự biết sự to xác của một quốc gia với hơn 1,2 tỷ dân, tuy đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ khá ngoạn mục để đoạt ngôi vị thứ 2 về kinh tế của Nhật nhưng còn kém xa Nhật về nhiều mặt mà nhiều thập kỷ nữa vẫn chưa có thể đuổi kịp chứ chưa nói đến Mỹ. Và rồi, sự quyết liệt của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khiến cho Trung Quốc mất mặt ở "Đối thoại Shangri La", trước công luận quốc tế! Nhục quá hóa liều, viên tướng đại diện cho đoàn Trung Quốc nổi đóa làm xôn xao hội trường. "Khó có thể hiểu sao phía TQ lại tỏ ra cộc cằn đến vậy. Có lẽ vì họ bị phê phán quá nhiều tại cuộc đối thoại lần này", ông Christian Le Miere của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức "Đối thoại Shangri-La" nhận xét.

Để chữa thẹn và trấn an người dân Trung Quốc, ngày 3.5.2014, CNR và CCTV phải đưa tin về tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam để cho dân họ thấy là tàu họ mạnh hơn, nhiều hơn, hiện đại hơn nhưng đâm ra "giấu đầu hở đuôi", tạo hiệu ứng ngược "lạy ông tôi ở bụi này"! Tính toán sai lầm trong phép thử khiến chiếc mặt nạ "trỗi dậy hòa bình" rơi xuống, để lộ nguyên hình bộ mặt hiếu chiến một "siêu cường nhưng chưa trưởng thành" với sự ngạo mạn của một "kẻ gây hấn tiềm tàng trong khu vực" nhưng tự biết mình yếu thế như nhận định của Gabriel Grésillon, thông tín viên của Les Echos thường trú tại Bắc Kinh.

Nhưng có lẽ cái "phép thử" cho ra kết quả ngoạn mục nhất lại là với Việt Nam, người láng giềng "cùng chung ‎ thức hệ xã hội chủ nghĩa", từng "thắm tình hữu nghị, núi liền núi, sông liền sông, chung một Biển Đông" vốn "sơn thủy tương liên, lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan" (?!) với ông chủ cái giàn khoan kẻ cướp kia! Cách đây chưa lâu có những người bị đạp vào mặt, đánh cùi chõ vào mũi, nện dùi cui vào đầu vì đã dám thẳng thắn chỉ ra sự lừa mị của bốn điều đặc biệt nọ cùng với phương châm 16 chữ bịp bợm kia, thì nay chính cái giàn khoan kẻ cướp này đã lột trần sự lừa mị, bịp bợm đó mà không cần phải phân tích lý‎ lẽ, định hướng tuyên truyền, đăng đàn diễn thuyết cho khô cổ bỏng họng làm gì mất công!

Lời tuyên bố rành rọt và đanh thép của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó" đã thể hiện được ý chí và khát vọng của mọi tầng lớp nhân dân, đi thẳng vào lòng người, chạm đến cái điểm sâu kín nhất, thiêng liêng nhất trong tâm thế dân tộc Việt. Những người am hiểu về thời cuộc hiểu rõ rằng không hề đơn giản để nói lên được điều hợp lòng dân đó. Tầng tầng lớp lớp những rào cản đã, đang và sẽ còn giăng ra từ những thế lực vẫn muốn bám víu lấy thứ "hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc" nhằm giữ lấy cái ghế quyền lực đã lung lay rệu rã của những Ích Tắc, Chiêu Thống thế hệ mới! Thì chẳng phải không thiếu những tiếng kèn lạc điệu gây bất bình, căm phẫn công luận nhưng lại được cất lên dõng dạc ở những nơi rất chi là trang nghiêm đó sao!

Cho nên, liệu có phải tuyên bố đó đánh dấu một giai đoạn mới trong ứng xử với Trung Quốc? Câu hỏi được đặt ra đòi hỏi một sự giải đáp. Tuy nhiên, để minh bạch và sòng phẳng cho lời giải đáp ấy thì còn cần phải có sự tiếp sức của ý chí và sức mạnh của dân tộc được khởi đầu từ nhận thức và hành động của mỗi một người dân, của các tầng lớp nhân dân, trước hết là của trí thức và thanh niên. Áp lực của lòng dân, sức dâng trào của làn sóng công luận là động lực thúc đẩy lịch sử đi tới từ những bước tiệm tiến đến những đột phá khó mà nói trước được.

Lịch sử vốn thế. Và thời gian đang ủng hộ cho những quyết sách hợp lòng dân.

Thì đó, liên tục từ đầu tháng 5.2014 đến nay, hệ thống truyền thông đại chúng đã liên tục đưa tin bằng những lời mạnh mẽ, quyết liệt, gọi đúng tên kẻ cướp thật khoái tai. Những chiếc "tàu lạ" dạo nào nay đã được chỉ đích danh là tàu Trung Quốc, là bọn kẻ cướp đang hung hăng hoành hành trên vùng biển của ta. Hy vọng rằng những cố gắng không mệt mỏi của những biên tập viên Đài Truyền hình, những thiên phóng sự nóng hổi được chiếu trên màn hình, những trang báo mạnh mẽ, sống động của "lề phải" đang vạch mặt kẻ xâm lược sẽ đủ sức xua bớt đi những mơ hồ, lệch lạc đã từng gieo bám vào đầu óc của bà con ta về nước "Trung Quốc xã hội chủ nghĩa anh em" nhất là ở nông thôn, những nơi không có đủ điều kiện theo dõi tin tức từ mạng internet, cũng là do họ buộc phải xướng lên, viết lên chứ cũng chẳng phải ai khác. Ngoạn mục cũng ở đây mà xót xa cũng ở đó!

Xem ra, lật mặt nạ kẻ "mượn màu son phấn đánh lừa con đen"*, bắt nó hiện nguyên hình là "cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người"* bấy lâu nay cố công tô son, trát phấn cho những điều "thiêng liêng" được xem là "nhạy cảm" bậc nhất này cũng là từ cái giàn khoan đang phơi mặt ra giữa Biển Đông cả đấy thôi. Đúng là họa trung hữu phúc, trong cái rủi có cái may! Không phải ai khác mà chính Trung Quốc, bằng hành động ăn cướp của mình đã lộ diện là một siêu cường hiếu chiến khiến khu vực Đông Á, Đông Nam Á, châu Á và cả thế giới phải cảnh giác. Có thể mượn lời cũng của Gabriel Grésillon để nói về hình ảnh cái giàn khoan 981 bất chấp pháp lý và đạo lý: "Nơi đây là mồ chôn của sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc"!

Mà thật ra, làm sao "trỗi dậy hòa bình" được khi mà tư tưởng bành trướng Đại Hán đã ăn sâu vào cốt tủy và não trạng giới cầm quyền của đế chế Trung Hoa qua các triều đại từ xưa đến nay. Điều cay đắng phải nói là do vị thế địa-chính trị oái oăm của đất nước liền kề với nước láng giềng khổng lồ khiến cho dân tộc Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết về hiểm họa tiềm tàng chưa bao giờ dứt này. Không thể chuyển bán đảo hình chữ S đứng nhìn ra Biển Đông đi nơi khác mà sống thì phải bám trụ lại với khí phách "có cứng mới đứng đầu gió" như bao đời ông cha ta răn dạy.

Cho nên, phải cảnh giác! Tinh thần cảnh giác chống ngoại xâm đã khắc sâu vào tâm thế của một dân tộc luôn phải thường trực chống lại nguy cơ đồng hóa của chủ nghĩa bành trướng đại Hán vốn cũng thường trực trong não trạng các thế lực cầm quyền Trung Quốc. Lịch sử Việt Nam dày đặc những trang chống ngoại xâm. Và dường như chưa đủ, ông cha ta còn tạc vào hình thể núi sông những chứng tích trường tồn cùng năm tháng để răn dạy con cháu bài học cảnh giác. Hình tượng con voi cụt đầu ở vùng đồi trung du miền Bắc trong truyền thuyết về 100 ngọn đồi, 99 còn nguyên vẹn, một bị sạt lở mất đỉnh, đấy là hình ảnh con voi bị chém vì đã lìa đàn quay đầu về phương Bắc là một ví dụ. Hòn Vọng Phu ở Đồng Đăng, Lạng Sơn là một ví dụ khác.

Cần nói thêm rằng, trên đất nước này, không chỉ có một Hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn, mà còn nhiều Hòn Vọng Phu khác nữa, chẳng hạn, Hòn Vọng Phu trên đỉnh núi Bà, Bình Định, Hòn Vọng Phu trên đỉnh M'drak, Đắk Lắk, Hòn Vọng Phu trên đỉnh núi Nhồi, Thanh Hoá, Hòn Vọng Phu bên bờ khe Giai, bản Cơ Lêc, Nghệ An... Chiến tranh chống ngoại xâm diễn ra triền miên, hình ảnh người vợ đứng ngóng chồng trở về từ chiến trường đã hóa đá là một biểu tượng bi tráng của dân tộc này. Khát khao hòa bình, chấm dứt chiến tranh, vì thế, là đòi hỏi của cuộc sống.

Tranh thủ mọi điều kiện và phương tiện để duy trì hòa bình, chủ động tránh đẩy tới chiến tranh là chiến lược và sách lược của người lãnh đạo có bản lĩnh và viễn kiến chính trị hiểu rõ khát vọng của dân và xu thế chung của thế giới. Song hòa bình không thể thực hiện bằng sự nhu nhược và đớn hèn. Đơn giản chỉ vì kẻ xâm lược không bao giờ có thiện ý từ bỏ mưu đồ của chúng. Cho nên, hòa bình chỉ giữ được khi chúng ta có thực lực. Thực lực ấy được khởi động, quy tụ và phát huy từ ý chí và sức mạnh của cả dân tộc bắt đầu từ mỗi người dân. Thật dễ hiểu, vì "chúng ta càng nhân nhượng, địch càng lấn tới" đó là chân lý nghiệt ngã. Chúng chỉ buộc phải dừng lại trước khí phách của cả một dân tộc không chịu cúi đầu như đã từng "cửa Hàm tử giết tươi Toa Đô, sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã... khiến cho chúng "ra đến biển chưa thôi trống ngực, về đến Tàu còn đổ mồ hôi" mà Nguyễn Trãi đã viết trong "Bình Ngô Đại Cáo".

Thì chẳng phải là chiến tranh, ngoài những cuộc tranh bá đồ vương khiến người dân buộc phải làm đá lát đường cho những cỗ xe quyền lực lăn bánh, phần lớn là chiến tranh chống xâm lược đến từ phương Bắc của các vương triều Trung Hoa Tần, Hán, Tùy Đường... Tống, Nguyên, Minh, Thanh và hậu duệ của họ. Càng nguy hiểm hơn khi những kẻ bành trướng thế hệ mới lại khoác lên mình bộ áo khoác "ý thức hệ xã hội chủ nghĩa" để dễ bề thực hiện mưu toan bao đời của một đế chế muốn mở rộng cánh cửa về phía Nam.

Chính cái "ý thức hệ xã hội chủ nghĩa" được lồng ghép, nhào nặn vào trong "bốn quan hệ tốt đẹp" và "phương châm 16 chữ" bịp bợm và lừa mị kia là liều thuốc lú đầu độc não trạng đối phương còn thâm hiểm hơn nhiều mọi thứ vũ khí giết người khác mà Trung Quốc đã sử dụng để tàn sát dân ta trong cuộc chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979, cuộc chiến kéo dài ở vùng núi Lão Sơn năm 1984... Những "Viện Khổng Tử" thời Tập Cận Bình xét cho cùng, cũng chỉ là kế tục âm mưu thâm độc thể hiện trong sắc chỉ của Minh Thành Tổ gửi viên tướng viễn chinh Chu Năng ngày 1 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406): “Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến cả những loại (sách) ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ, như loại sách có câu “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh một chữ chớ để còn”!

Khởi nguồn từ đây, những lừa mỵ, bịp bợm về bốn điều tốt và phương châm mười sáu chữ khiến cho chiến lược bành trướng càng thêm thâm độc khi mà tội ác chúng gây ra với chiến tranh biên giới phía Tây Nam rồi chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 vào lúc đất nước này chưa kịp hàn gắn những vết thương của một cuộc chiến tàn khốc kéo dài. Phải làm vậy vì chúng hiểu rõ Việt Nam là cục xương ngáng ngang họng không cho chúng nuốt trôi miếng mồi chúng thèm muốn. Chỉ tính từ 1974, trong 40 năm "xây đắp tình hữu nghị anh em cùng chung ý‎ thức hệ xã hội chủ nghĩa" thì "người anh em láng giềng" đã 5 lần xua quân xâm lược Việt Nam!

Với lần thứ 5 này thì thủ đoạn của chúng lại tinh vi và nham hiểm gấp bội với những chiêu giương đông kích tây, cùng với màn diễu võ giương oai ngoài biển là thủ đoạn gây rối kích động tại các khu công nghiệp với một mũi tên bắn ra nhằm nhiều đích ngắm đi liều với những thủ đoạn tinh vi thu gom, mua vét rễ cây, móng trâu, móng bò nhằm diệt nguồn nguyên liệu phá hoại sản xuất gây bất ổn về kinh tế xã hội.. Xem ra chủ đích thâm hiểm của cái giàn khoan 981HD không là chuyện dầu mỏ, cho dù đó là sự thèm thuồng khôn nguôi của chúng, vì không dễ để lấy được dầu ở đó với một chi phí khổng lồ mà những tính toán kinh tế không cho phép. Mục tiêu chính trị với ý đồ khuynh loát Biển Đông của Trung Quốc nhằm hợp pháp hóa "cái lưỡi bò" ham hố và bẩn thỉu của những đầu óc điên cuồng mộng bành trướng tự vẽ ra bất chấp pháp lý lẫn đạo lý thông thường mới là điều cần vạch rõ trước công luận. Cái giàn khoan kẻ cướp sớm muộn cũng phải rút, nhưng còn đó sân bay và những căn cứ quân sự nổi tại bãi đá Gạc Ma, bãi đá Chữ Thập mà chúng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhằm làm nên một chuyện đã rồi trên Biển Đông. Quyết liệt đuổi cái giàn khoan chính là để quyết liệt vạch trần âm mưu thâm hiểm định làm nên "chuyện đã rồi" đó. Đẩy nhanh việc đưa Trung Quốc ra tòa như Philippines đã làm chính là một trong những hành động quyết liệt đó. Dư luận quốc tế đang đứng về chúng ta, bỏ lỡ cơ hội sẽ có tội với đất nước.

Thật ra, tất cả những điều vừa kể chẳng mới mẻ gì. "Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua ", cuốn sách do nhà xuất bản Sự Thật phát hành năm 1979 đã dẫn ra câu của Mao nói với đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam do Tổng bí thư Lê Duẩn dẫn đầu tại Vũ Hán năm 1963 đủ giải thích tất cả. Có lẽ nên dẫn ra đây một tư liệu lưu trữ tại Thư viện QĐNDVN đoạn Lê Duẩn nói về vấn đề này: "Trước khi đoàn ta về nước, Mao có tiếp anh Trường Chinh và tôi. Mao ngồi trò chuyện cùng chúng tôi và đến cuối câu chuyện ông ta tuyên bố: “Các đồng chí, tôi muốn các đồng chí biết việc này. Tôi sẽ là Chủ tịch của 500 triệu bần nông và tôi sẽ mang một đạo quân đánh xuống Đông Nam Á.” Đặng Tiểu Bình cũng ngồi đó và nói thêm: “Đó chủ yếu là vì bần nông của chúng tôi đang ở trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn!”. Khi chúng tôi đã ra ngoài, tôi nói với anh Trường Chinh: “Anh thấy đấy, một âm mưu cướp nước ta và cả Đông Nam Á. Bây giờ chuyện đã minh bạch.” Họ dám ngang nhiên tuyên bố như vậy. Họ nghĩ chúng ta không hiểu. Rõ ràng là không một phút nào họ không nghĩ tới việc đánh Việt Nam!”.

Chính vì thế khi trả lời câu hỏi của nhà báo Pháp Danielle Hunebel, Cơ quan Phát thanh-Truyền hình Quốc gia Pháp ORTF: "Có một vài ý kiến cho rằng miền Bắc Việt Nam đang ở trong hoàn cảnh khá cô lập và nói một cách chính trị, khó có thể tránh khỏi trở thành một thứ vệ tinh của Trung Quốc. Có thể nói gì về việc này", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không một giây do dự, dằn giọng trả lời "Không bao giờ"! Chính ở đây, Hồ Chí Minh đã diễn đạt một cách cô đọng và thấm thía nhất lời nguyền của ông cha ta từ thuở "các vua Hùng có công dựng nước" và nay các thế hệ Việt Nam phải biết cách "giữ lấy nước".

Mà cũng vì thế, cái phép thử nhiệm mầu của cái giàn khoan ăn cướp kia cũng thể hiện rõ nhất ở đây. Cách ứng xử của mỗi người dân Việt Nam, từ bà bán rau ngoài chợ đến ông tiến sĩ trên bục giảng cho đến ông lãnh đạo cao ngất ngưởng chốn thâm cung kín cổng cao tường kia trước "cái giàn khoan made in China" này như một "dung dịch" giúp làm hiện rõ lên họ thuộc loại nào: là "trung tính", "mang tính kiềm" hay "mang tính axit" khi "tấm giấy quỳ" được nhúng vào đó giữ nguyên màu tím hay ngả sang màu xanh hoặc chuyển sang màu đỏ! Những "tính kiềm", "tính axit" hay là "trung tính" hiện hình rõ nét trong rất nhiều sự kiện, việc làm, thái độ, tình huống ứng xử, từ một chủ trương, chính sách cho đến một tuyên bố, một phát ngôn.

Chẳng hạn như có quyết liệt và dứt khoát sử dụng công cụ pháp lý kiện Trung Quốc ra tòa hay không, có quyết liệt đẩy tới việc thực thi dân chủ để huy động được tối đa sức mạnh của dân không. Có quyết liệt xây dựng thể chế nhằm tạo ra động lực phát triển mới, cụ thể hóa bằng những giải pháp của nguyên lý "Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại". Có quyết liệt thực thi những nguyên tắc đã được khẳng định hay không: "Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch".

Lời nói đi đôi với việc làm, bằng việc làm để chứng minh rằng đây là những lời nói thật, đó chính là sức mạnh quy tụ được lòng dân. Chỉ khi quy tụ được lòng dân, khởi động sức mạnh của dân thì tư tưởng mới trở thành sức mạnh vật chất. Cuộc sống đã chứng minh những ai đến với dân, đi với dân, đáp ứng được ý chí nguyện vọng của dân, được dân ủng hộ, người ấy sẽ thắng. Mà vì vậy đời sống đang diễn ra muôn màu muôn vẻ mà ở đó cần những tấm giấy quỳ làm hiệ rõ ra màu sắc thật của những con người trong thời buổi nhiễu nhương vàng thau lẫn lộn.

Chao ôi! Chưa lúc nào cuộc sống lại nghiệt ngã một cách bi tráng và thú vị như những ngày tháng 5, tháng 6 này! "Này này sự đã quả nhiên...Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma"*, cái phép thử do ông Tập Cận Bình bày ra "chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe"** để bây giờ lộ nguyên hình cả lũ! Đương nhiên, cũng phải dè chừng có kẻ ma mãnh biết chớp lấy thời cơ để như con kỳ nhông đổi màu nhằm "thay bậc đổi ngôi", không chỉ chuyển sang "trung tính" mà còn "cầm đèn chạy trước ô tô" bằng những lời rất chi là quyết liệt. Cũng chẳng sao, dân họ tinh lắm, tím, xanh, vàng, đỏ họ biết cả, khỏi lo! Vả chăng, lịch sử rất sòng phẳng.

Quả thật "trong ánh chớp của những cơn dông sáng lòe trong một giai đoạn chuyển động, người ta thấy các sự việc và con người như trần truồng...", đó là lời của Einstein. Thời gian sẽ là vị quan tòa nghiêm minh phán xét về các sự việc và con người ấy. "Mai sau dầu đến thế nào, Kìa gương nhật nguyệt, nọ dao quỷ thần", đó là cảnh báo của Nguyễn Du.

Vì vậy mà phải "cám ơn" cái giàn khoan kẻ cướp.

TP HCM ngày 7.6.2014

Tương Lai
Tác giả gửi BVN.
___________________
* Truyện Kiều. Lời quan xử kiện và lời tác giả ** Lời Tú Bà mắng Mã Giám Sinh và Thúy Kiều.
 

Tương lai gần của đảng CSVN giữa cuộc khủng hoảng?

Đại sứ Việt Nam tại LHQ Lê Hoài Trung
Đại sứ Việt Nam tại LHQ Lê Hoài Trung
Vietnamplus
Đảng cộng sản Việt nam đang đối diện với nhiều thách thức lớn trong cuộc khủng hoảng biển Đông hiện nay. Kính Hòa tổng hợp một số nhận định về những thách thức này đối với sự tồn tại của đảng cộng sản Việt nam.

Cuộc khủng hoảng lớn

Xung đột giữa hai quốc gia cộng sản không có dấu hiệu dừng lại với việc một mặt Trung quốc cương quyết dùng lực lượng lớn bảo về giàn khoan của họ trong thềm lục địa Việt nam, mặt khác họ tấn công Việt nam trên phương diện quan hệ quốc tế khi cho lưu hành tại Liên Hiệp Quốc thư tố cáo Việt nam xâm phạm chủ quyền của Trung quốc.

Đảng cộng sản Việt nam đang phải đối đầu với một nan đề lớn kể từ khi phải quyết định cải tổ nền kinh tế hồi cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Vào thời điểm ấy đảng cộng sản cũng phải có những quyết định khó khăn, nhưng hầu như chỉ có sự phản kháng thụ động từ dân chúng, mà tiêu biểu nhất là bỏ nước ra đi, hoặc là tiến hành những hoạt động kinh tế tư nhân không được phép.

Cuộc khủng hoảng biển Đông 2014 đưa đến cho đảng cộng sản những thách thức trực diện và chủ động hơn từ nhiều tầng lớp. Lớn tiếng nhất có lẽ là những lời yêu cầu Bộ chính trị phải từ bỏ quyền lực của những người bất đồng chính kiến cứng rắn như bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Và có những tiếng nói ôn hòa hơn như những người biểu tình chống Trung quốc ngày 11/5/2014. Trong cuộc biểu tình lớn mà có người cho rằng đảng cầm quyền đã ngầm cho phép, những người biểu tình đã kết hợp chuyện chống Trung quốc với những yêu cầu cải tổ đất nước. Một trong những người đưa ra những đòi hỏi ôn hòa đó là blogger Mẹ Nấm nói với chúng tôi sau cuộc biểu tình:
Tàu cá Việt Nam bị chìm ngay sau khi tàu TQ đâm hôm 26/5/2014. Hình chụp từ video.
Tàu cá Việt Nam bị chìm ngay sau khi tàu TQ đâm hôm 26/5/2014. Hình chụp từ video.
Cá nhân tôi cho rằng đây là lúc nhà nước Việt nam phải lựa chọn sự thay đổi về đường lối đối nội lẫn đối ngoại. Đối nội là thay đổi đường lối với chính sách với những tiếng nói phản biện trong nước. Đối ngoại là thay đổi sự quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Cái câu vì một quốc gia cường thịnh thì tôi nghĩ là thông điệp ngắn mà ôn hòa.”

Ngoài ra còn có những yêu cầu cụ thể hơn trong chính sách đối ngoại như các nhà bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ, Bùi Tín, Nguyễn Thanh Giang cho rằng cần phải nhanh chóng thực hiện một liên minh quân sự với Hoa Kỳ để giữ vững nền độc lập.

Trên bình diện chính thức, Việt nam tuyên bố lúc nào cũng theo đuổi một chính sách “không liên kết.” Ngay trong những ngày cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay, giới chức quân sự Việt nam đều lên tiếng phủ nhận việc xích lại với Hoa Kỳ để chống Trung quốc. Bên cạnh đó những động tác ngoại giao của Việt nam lại cho thấy có sự xích lại gần ấy, ví dụ như Việt nam đề nghị Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ hơn nữa hành động của Trung quốc trên biển Đông, cũng như phát triển những quan hệ xã giao với hải quân Philippines, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ.

Song nhiều nhà quan sát chính trị nước ngoài trong đó có Tiến Sĩ Vũ Tường từ Đại học Oregon cho rằng thực ra Bộ ngoại giao trong lịch sử tồn tại của đảng cộng sản Việt nam chỉ thực thi đường lối của những nhân vật phụ trách đối ngoại của đảng mà thôi. Hiện nay, nhân vật đứng đầu Bộ ngoại giao không phải là thành viên của bộ chính trị nhiều quyền lực nhất nước mặc dù ông kiêm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng. Lời mời của phía Hoa Kỳ về một chuyến viếng thăm nước Mỹ ngay sau cuộc khủng hoảng bùng nổ vẫn chưa được thực hiện sau gần hai tuần lễ leo thang xung đột.

 Dàn xếp phe phái hay mở rộng dân chủ?

Cuộc khủng hoảng hiện tạo ra nhiều đồn đoán hơn về những quan hệ phe phái hay những khuynh hướng thân phương tây hoặc thân Trung quốc trong nội bộ đảng cộng sản, theo đó nhóm có khuynh hướng chống Trung quốc sẽ mạnh hơn. Tuy nhiên một nhà quan sát thường xuyên theo dõi chính trị Việt nam từ Pháp là ông Nguyễn Gia Kiểng lại cho rằng vấn đề phe phái không có ý nghĩa gì vì những người cộng sản đều có chung một mục đích là bảo vệ sự độc tôn của đảng cộng sản. Nhận định này giống với phát biểu của Tiến sĩ Vũ Tường về những nhân sự cao cấp trong Bộ chính trị khi được hỏi rằng liệu họ có cho phép những cải cách dân chủ không sau khi có những khuôn mặt mới xuất hiện vào năm ngoái trong bộ phận quyền lực này:

Tôi nghĩ là Đảng cộng sản Việt Nam chưa cho phép dân chủ xảy ra. Điều đó nó nằm ngòai những gì mà chúng ta biết về họ, về lịch sử của họ, và do đó họ sẽ làm mọi cách để không cho điều đó xảy ra.”

Đây cũng là nhận định của ông David Brown một người từng làm việc ở bộ ngoại giao Hoa Kỳ về những người chủ trương bảo thủ trong đảng rằng họ ghét cay ghét đắng việc mở rộng dân chủ vì họ xem đó là bước đệm dẫn tới những cuộc cách mạng thách thức sự độc tôn của đảng cộng sản.

Song người ta cũng không phủ nhận là có những thành phần ôn hòa trong giới cầm quyền hiện nay, và dưới áp lực của của cuộc khủng hoảng, một hội thảo về việc làm cách nào thoát ra khỏi ảnh hưởng chính trị của Trung quốc, đồng minh ý thức hệ của đảng cộng sản Việt nam được công khai tổ chức tại Hà nội, tuy rằng cuộc hội thảo cũng bị những người như nhà bất đồng chính kiến Hà Sĩ Phu phê bình là bị giới hạn vì theo ông muốn thoát khỏi Trung quốc thì phải thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản.

Sự thách thức về việc từ bỏ ý thức hệ này đối với đảng cộng sản Việt nam là một thách thức dai dẳng từ khi khối cộng sản Đông Âu bị sụp đổ đến nay. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một nhà quan sát khác từ Đại học George Mason Hoa kỳ cho rằng chính sách dựa trên ý thức hệ để có những cư xử mềm dẻo với Trung quốc đã mất sự thuyết phục sau khi cuộc khủng hoảng giàn khoan nổ ra.

Tuy nhiên nếu từ bỏ ý thức hệ cũng có nghĩa là chia sẻ sự cầm quyền và không còn độc tôn được nữa.

Tóm lại hiện đảng cộng sản Việt nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến cùng một lúc.

Một mặt phải khắc phục sự yếu kém của nền kinh tế với những yêu cầu tư hữu hóa ngày càng cấp bách như chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nói ngay trong một cuộc gặp mặt với doanh nghiệp vừa qua. Và đương nhiên là một nền kinh tế mang tính tư nhân hơn cần có một môi trường xã hội dân chủ hơn để phát triển.

Thách thức thứ hai là đối diện với những yêu cầu mở rộng dân chủ của một số tầng lớp trong nước, mà những yêu cầu này luôn đi đôi với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất có khả năng cân bằng quyền lực quân sự với Trung quốc tại châu Á.

Thách thức thứ ba là sự chính danh của việc cầm quyền khi không thể đối đầu được với kẻ đồng minh ý thức hệ là Trung quốc.

Thời gian không còn nhiều từ nay cho đến đại hội đảng trong năm tới, và những thách thức trong vụ khủng hoảng giàn khoan cho thấy là phải có những giải pháp ngay lập tức. Đó là những thách thức lớn lao trong tương lai gần của đảng cộng sản, mà theo lời một bạn trẻ tham gia cuộc biểu tình ngày 11/5 là sự tồn tại của đảng cộng sản hay bất cứ đảng chính trị nào đều phụ thuộc vào việc đảng đó có giữ được độc lập chủ quyền của đất nước hay không.
Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-06-11 

Chứng cứ thu thập từ internet trong vụ án hình sự

Từ khi công nghệ internet được ứng dụng rộng rãi thì các cơ quan điều tra cũng lấy các dữ liệu từ nguồn này làm chứng cứ phổ biến để cáo buộc các bị can, bị cáo có liên quan sử dụng máy tính. Việc làm này có khách quan và có đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay hay không?

1.

Khoản 1 điều 64 “Chứng cứ” Bộ luật tố tụng hình sự 2003, quy định:

“ Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

Chứng cứ phải đảm bảo tính hợp pháp, tính xác thực.

Các dữ liệu in từ máy tính cá nhân có kết nối internet hoặc in từ internet, để xác định người chủ của các dữ liệu đó cần phải tuân theo những quy định của pháp luật. Máy tính khi kết nối internet thì có khả năng bị hacker thâm nhập vào phần cứng, phần mềm hay mạng máy tính để thay đổi hoặc thiết lập các dữ liệu khác ở trong máy tính. Vì vậy để xác định dữ liệu máy tính là của ai, trong thương mại điện tử đã có quy định từ rất sớm, đó là chữ ký điện tử.

Chữ ký điện tử là thông tin đi kèm theo dữ liệu (văn bản, hình ảnh, video...) nhằm mục đích xác định người chủ của dữ liệu đó. Do vậy, để xác định các dữ liệu in từ máy tính cá nhân có kết nối internet hoặc in từ internet là của ai lưu trữ hoặc do ai tạo ra thì cần phải xác nhận bằng chữ ký điện tử. Chữ ký điện tử chỉ được coi là chứng cứ nếu nó được chứng thực hợp pháp theo điều 21 Luật giao dịch điện tử 2005:

Điều 21. Chữ ký điện tử

1. Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký.

2. Chữ ký điện tử được xem là bảo đảm an toàn nếu chữ ký điện tử đó đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này.

3. Chữ ký điện tử có thể được chứng thực bởi một tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử”.

Hay nói cách khác, chữ ký điện tử hợp pháp phải được chứng thực như khoản 2 điều 4 Luật giao dịch điện tử, quy định:Chứng thực chữ ký điện tử là việc xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân được chứng thực là người ký chữ ký điện tử.

Về bản chất trong tố tụng hình sự cũng như thương mại điện tử để xác định một dữ liệu được lấy từ máy tính đã kết nối internet mà không có chữ ký điện tử hoặc không có quy định tương tự như vậy về công nghệ thì không có cơ sở xác thực, khách quan khẳng định người chủ dữ liệu đó là ai.

2.

Nếu các dữ liệu đó được in ra và được người bị bắt ký xác nhận hoặc căn cứ vào lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để xác định chủ của các dữ liệu là ai thì đây cũng chỉ là căn cứ gián tiếp để tham khảo chứ không phải là những gì có thật và những chứng cứ này không được coi là thu thập hợp pháp.

Để tránh khỏi tình cảnh giam giữ lâu ngày, bị bức cung, mớm cung, để làm hài lòng cơ quan điều tra… hoặc vì những động cơ cá nhân khác nhau (như để trả thù người khác, để vu khống, hoặc để muốn mình trở thành người nổi tiếng…) những người nêu trên hoàn toàn có thể ký vào những dữ liệu được cơ quan điều tra in ra để làm chứng cứ.

Và theo điều 72 “Lời khai của bị can, bị cáo”, Bộ luật tố tụng, quy định:

“1. Bị can, bị cáo trình bày về những tình tiết của vụ án.

2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.

Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”.

Kết luận: Từ trước đến nay, nhiều vụ án các cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào chứng cứ duy nhất là các dữ liệu được in ra máy tính hay internet do chính bị can, bị cáo ký nhận hoặc do những người khác ký xác nhận để cáo buộc, kết tội bị can, bị cáo. Những chứng cứ này là không khách quan, vi phạm một cách nghiêm trọng quy định của Bộ luật tố tụng năm 2003, làm hàm oan không ít người vô tội. Để chấm dứt tình trạng này, tôi cho rằng Quốc hội, Chính phủ cần sớm ban hành Luật, Pháp lệnh chứng cứ trong tố tụng hình sự hoặc Nghị định hướng dẫn chi tiết về Chương V “Chứng cứ” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

Hà Nội, ngày 11/06/2014
Luật sư Hà Huy Sơn
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét