Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Bài viết đáng chú ý

Hoàng Minh Phương - Góp ý về sửa đổi hiến pháp

Nhân ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, ông Hoàng Minh Phương, cán bộ cao cấp trong quân đội đã nghỉ hưu, gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội bản góp ý dưới đây, kiên trì đề nghị hai điều quan trọng là khôi phục lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa công nhận quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất mà trong quá trình góp ý mấy tháng nay, ý kiến chính thống của nhiều vị quan chức ban ngành nhân danh tư vấn cho Quốc hội hầu như đã “thống nhất” lên tiếng bác bỏ.
clip_image002
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Hoàng Minh Phương tại Hạ Long tháng 12-1961. Ảnh: HT cung cấp.
Bauxite Việt Nam

Kính gửi : Ủy ban soạn thảo Hiến pháp của Quốc hội,

Hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước kêu gọi toàn dân đóng góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi xin góp ý vào 2 điểm quan trọng như sau:

- Một là: Cần lấy lại tên nước là VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA thay vì CỘNG HÒA XÃHỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM như hiện nay.

- Hai là: Cần công nhận quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất của nông dân.

Đây không phải là vấn đề chữ nghĩa mà là nội hàm của nó, liên quan đến nhận thức của toàn dân về chế độ xã hội của nước ta hiện nay, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về thời gian tồn tại của các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế và các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

1/. Phải lấy lại tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, vì chế độ xã hội của nước ta hiện nay và trong một thời gian lâu dài nữa là CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ NHÂN DÂN chứ chưa phải là CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA!

Đối chiếu với nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, coi chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, không có hiện tượng người bóc lột người, có nền kinh tế chỉ huy tập trung và một nền sản xuất phát triển cao, thỏa mãn được mọi nhu cầu về vật chất và tinh thần của toàn xã hội v.v… thì chế độ xã hội của nước ta hiện chưa phải vậy, và còn lâu mới đạt đến trình độ đó!

Theo Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thể hiện trong Chính cương của Đảng được Đại hội 2 năm 1951 thông qua cũng như trong tác phẩm của Người nhan đề “Dân chủ mới” đăng trên báo Cứu quốc năm 1953 nhằm giải thích Chính cương của Đảng thì:

“Cách mạng Việt Nam không thể đi theo con đường nào khác ngoài con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là một con đường đấu tranh lâu dài, đại để trải qua ba giai đoạn:

- Giai đoạn thứ nhất; nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thành giải phóng dân tộc.

- Giai đoạn thứ hai; nhiệm vụ chủ yếu là xóa bỏ di tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện người cày có ruộng, phát triển kỹ nghệ, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân.

- Giai đoạn thứ ba; nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ba giai đoạn không tách rời nhau mà mật thiết xen kẽ với nhau. Nhưng mỗi giai đoạn có một nhiệm vụ trung tâm, phải nắm vững nhiệm vụ đó để tập trung lực lượng vào đó mà thực hiện(1).

Theo trình tự đó, thì sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành giải phóng dân tộc, cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn thứ hai là xây dựng và hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân. Tuy nhiên, do tư tưởng chủ quan nóng vội, ta đã chủ trương chuyển sang giai đoạn thứ ba, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ giai cấp tư sản và hình thức sở hữu tư nhân, đưa nông dân đi ngay vào làm ăn tập thể khi điều kiện chưa chín muồi. Cũng theo tư tưởng đó, ta đã đổi tên nước từ Việt Nam dân chủ cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hậu quả của đường lối sai lầm đó là lực lượng sản xuất bị kìm hãm, đất nước lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng, kéo dài trên 10 năm.

Năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã khắc phục sai lầm đó, trở lại với Chính cương của Đảng, với Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhấtquánvà lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần với 3 hình thức sở hữu, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đang ra sức “phát triển kỹ nghệ”, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Sự phát triển của đất nước trong gần 3 thập kỷ qua đã chứng minh sự đúng đắn của đường lối đó.

Nói một cách khác, chúng ta đang xây dựng và hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân, chứ chưa phải đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. “Từ nay đến chủ nghĩa xã hội, nước ta còn phải trải qua một thời gian dài. Muốn triệt để cải tạo xã hội, xóa bỏ chế độ người bóc lột người ngay một lúc là ảo tưởng”(2).

Trong một thời gian dài nữa, nước ta chưa phải là một nước xã hội chủ nghĩa mà là một nước dân chủ nhân dân; do vậy việc đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nóng vội, không phù hợp với tình hình thực tế, với bản chất chế độ xã hội hiện nay của nước ta.

Trên thế giới hiện nay, trừ Việt Nam, không còn nước nào đặt tên là nước xã hội chủ nghĩa.Một số nước do đảng cộng sản cầm quyền lấy tên là Cộng hòa dân chủ nhân dân. Nhân dân Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) và nhiều nước ở Đông Âu trước đây từng chọn mô hình xã hội chủ nghĩa theo học thuyết Mác-Lênin để xây dựng đất nước của họ, nhưng không thành công; mô hình đó đã sụp đổ sau hơn 70 năm và hơn 40 năm tồn tại. Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã tan rã. Vậy ta sẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình nào? Câu hỏi này hiện chưa có lời giải đáp! “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là một nguyện vọng, một xu thế mang tính quy luật của sự tiến bộ xã hội mà nhiều nước đang phấn đấu để đạt tới, chứ không phải là một mô hình xây dựng đất nước!

Đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dễ gây nên ngộ nhận rằng chúng ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, có sự phân biệt đối xử với hình thức sở hữu và các thành phần kinh tế tư nhân (phi xã hội chủ nghĩa) khi các thành phần đó đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, cần tồn tại lâu dài. Trong khi đó thì không ít tập đoàn kinh tế nhà nước lại làm ăn thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, mặc dầu họ được Nhà nước ưu đãi ưu tiên về nhiều mặt!

Cùng với việc lấy lại tên nước là VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA, cần thay đổi một số cụm từ ở Chương I như sau:

Thay : - “ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” bằng “Nhà nước pháp quyền dân chủ nhân dân”.

- “ Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” bằng “Nền dân chủ nhân dân”.

2/. Cũng chính vì sự ngộ nhận rằng Việt Nam đã là một nước xã hội chủ nghĩa nên chúng ta coi đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không công nhận quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất của nông dân, mặc dù họ là người có công khai phá! Khẩu hiệuĐộc lập cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày, tiến lên chủ nghĩa xã hội” đã không được thực hiện sau khi Cách mạng thành công, hoặc chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn đối với nông dân, một lực lượng quan trọng chiếm hơn 2 phần 3 số dân cả nước, và hiện nay Việt Nam cơ bản vẫn còn là một nước nông nghiệp!

Điều đó đã hạn chế tính tích cực của nông dân trong sản xuất và hoạt động khai hoang phục hóa để mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp. Không ít chính quyền cơ sở đã cho nông dân thuê đất, rồi thu hồi sau khi ruộng đất đã sinh lợi mà không có sự đền bù thỏa đáng, gây nên tranh chấp và căng thẳng ở nông thôn, gây bất bình trong xã hội.

Có ý kiến cho rằng nếu lấy lại tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa thì sẽ gây nên phiền toái và tốn kém lớn do phải sửa lại hàng loạt giấy tờ, in lại giấy bạc, v.v., nhưng theo tôi, đã sai thì phải sửa, không nên vì sợ tốn kém mà khư khư giữ lấy những điều không hợp lý.

Chính vì những lẽ nói trên, nhân dịp sửa đổi Hiến pháp lần này, chúng tôi đề nghị khôi phục lại tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa như Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn dân ta đã chọn, và công nhận quyền tư hữu ruộng đất của nông dân. Có vậy mới triệt để khắc phục được các biểu hiện tả khuynh, nóng vội trong nhận thức và hành động, trong chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ./.

T.P. Hồ Chí Minh ngày 19/8/2013,

Kính,

HOÀNG MINH PHƯƠNG

Nguyên Trưởng khoa Lý luận chung Viện Khoa học quân sự Bộ Quốc phòng,

Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân đoàn 4

________________________________________________________

(1) Các cương lĩnh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. NXB Chính trị quốc gia – 1998. Tr.99-100.

(2) Văn kiện Đại hội II Đảng Lao động Việt Nam, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng xuất bản, 1965. tr.111.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Hoàng Ngọc Diệp - Lòng trắc ẩn và sự hổ thẹn


Hoàng Ngọc Diệp sinh ở Nha Trang, trong một gia đình đông anh chị em, trưởng thành ở Úc, từng làm việc, và lang thang trên 28 nước. Năm 1991 về Việt Nam và ở luôn tại đây. Ông làm giám đốc và Trưởng đại diện của khá nhiều công ty nước ngoài. Giúp thành lập 7 công ty tại Việt Nam có 5 công ty khá thành công, nhất là ở lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin. Nguyên là GĐ Cao cấp của Qualcomm (Mỹ) tại Việt Nam.

"Lòng trắc ẩn và sự hổ thẹn" là bài viết cho các con của ông, được đăng trên facebook cá nhân vào năm 2011, đã được chia sẻ trên nhiều website cũng như các blog cá nhân khác. Tuy thời gian cũng khá lâu kể từ ngày được viết, nhưng nó vẫn còn nguyên tính thời sự, và cũng là đôi lời tâm sự của một lớp người thành công đi trước, gửi đến thế hệ trẻ của Việt Nam. Wegreen xin được trân trọng giới thiệu cùng quí bạn đọc.


***
(Những tâm sự gửi đến các con ruột và con nuôi của bố)

Như những lần trước đây, ở những nơi chốn, diễn đàn khác, bố sẽ tâm sự và gửi gắm tới các con những gì bố ưu tư và đau buồn! Bố đưa lên diễn đàn này không những để các con đọc mà còn để các bạn trẻ khác của bố và của các con cũng chia sẻ. Nhân, con giúp bố dịch cho chị Amy của con nhé!

MỘT CÂU CHUYỆN VỀ LÒNG TRẮC ẨN

Vào các năm cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, bố có dịp cùng đi hoặc tổ chức đưa các phái đoàn cấp lãnh đạo nhà nước thăm và làm việc ở các nước trong khu vực. Có lần đến Hong Kong cùng một số vị bên Bộ Lao Động và Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, bố cố tình sắp xếp để sáng Chủ Nhật, ngày cuối của chuyến đi, đưa họ đi ăn sáng; để đến nhà hàng, mọi người phải đi bộ qua hai công viên nhỏ từ khách sạn.

Khi đi ngang qua hai công viên này, phái đoàn thấy lạ vì sao có quá nhiều phụ nữ da ngâm đen, như họ đến từ Việt Nam hay Philippines, đang tụ tập tại đó với nhau. Phái đoàn dừng lại chụp hình với những người này, hỏi ra thì quả là họ đến từ Philippines để làm người ở đợ (còn gọi một cách nhẹ nhàng là người giúp việc nhà) cho các gia đình tại Hong Kong.

Trong khi ăn sáng, bố kể cho phái đoàn biết hoàn cảnh của những người đi làm người giúp việc nhà này, bố cho biết họ may mắn hơn những phụ nữ Việt Nam đi làm người ở đợ tại các nước khác, vì Hong Kong, qua gần một thế kỷ dưới sự quản lý của Anh Quốc, đã xây dựng được hệ thống theo dõi và quản lý những người giúp việc tại Hong Kong; tất nhiên vẫn xảy ra một số vụ hành hạ và xâm phạm tình dục, nhưng ít hơn rất nhiều so với các nước khác như Hàn Quốc hay Đài Loan. Bố còn cho họ biết, qua nghiên cứu của Hiệp Hội Bảo Vệ Phụ Nữ Thế Giới, thì hầu hết những phụ nữ này sẽ không thể tìm được một gia đình hạnh phúc nếu họ đi ra khỏi nước và trở về khi còn trẻ, và gia đình sẽ đổ vỡ chia ly, hoặc không thể lập gia đình nếu họ đi và về khi ở tuổi trên 30.

Sau đó bố hỏi họ một loạt câu hỏi như “Tại sao chúng ta xuất khẩu những người đi ở đợ mà báo chí ca ngợi các kỷ lục xuất khẩu lao động?, “Quý vị có sẵn sàng đưa chị em gái hay con gái của mình đi làm người giúp việc nhà tại Đài Loan không”, “Nhà nước và quý vị có thấy việc xuất khẩu phụ nữ Việt Nam đi ở đợ là một sự hổ thẹn của đất nước không?” v.v… mọi người đều tỏ ra rất buồn; vài người thì giận dữ với bố vì cho rằng bố không biết gì về hoàn cảnh đất nước và đã xúc phạm họ! Tất nhiên, bữa ăn sáng không còn vui, rồi mọi người ra về trong im lặng.

Mười mấy năm qua, số người đi xuất khẩu lao động theo diện này vẫn cứ tiếp tục, mặc dù những bài báo nói về chuyện này đã giảm, nhưng vẫn chưa có một kế hoạch gì để bảo vệ cho họ; mặc dù như vậy, bố vẫn hằng mong nhà nước sớm xây dựng được các kế hoạch đào tạo và tìm công việc làm cho họ tại chính đất nước Việt Nam mình.

Cho đến nay bố vẫn cứ lo lắng, băn khoăn, thỉnh thoảng mất ngủ về những số phận này! Bố tin chắc trong mấy trăm ngàn người đang đi ở đợ, hay lao động chân tay cấp thấp nhất, ở nước ngoài, phải có những người bà con của bố và của các con trong số này!

Với bố, đây là một trong vô vàn điều trắc ẩn cần phải có trong mỗi công dân Việt Nam, từ cấp lãnh đạo cao nhất xuống tới ngay những người có số phận đen tối này! Các con có lòng trắc ẩn cho những số phận này hay những số phận khác còn đáng thương hơn nữa đang sống ngay tại đất nước mình không? Có đủ lòng trắc ẩn để chuyển nó thành năng lực để nhắc nhở, thúc đẩy các con phát triển và dấn thân mỗi ngày không? Các con phải luôn nhắc nhở bản thân mình nhé!

MỘT CÂU CHUYỆN VỀ SỰ HỔ THẸN

Tại các thành phố lớn trên khắp nước, giờ đây, nơi nào cũng nhiều nhà lầu, nhiều chung cư trung bình hay cao cấp; hầu hết các công chức nhà nước từ cấp trưởng phòng trở lên, nhất là các cấp phó giám đốc sở trở lên, đều có nhà riêng, cho con đi du học nước ngoài, có vài cái nhà hay miếng đất thêm để làm của cho con. Trên đường phố thì đầy xe hơi các loại, trong đó có khá nhiều xe vô cùng đắt tiền, nhất là ở Hà Nội, Sài Gòn, và vài thành phố lớn khác. Có luôn cả những chiếc xe mà chính các bạn nước ngoài của bố phải ngạc nhiên là người Việt Nam mình làm sao mua nổi, vì ngay cả chính họ, những doanh nhân triệu phú USD, cũng chưa dám nghĩ tới!

Mỗi ngày chi tiêu của rất nhiều “thiếu gia”, “trung gia” hay “đại gia” thường lên đến vài chục triệu đồng, nhưng hình như họ không phải làm gì vất vả hay nặng nhọc hết!

Quả thật đời sống của người dân nói chung ở chừng mức nào đó rất phát triển, nhất là so với thập niên 1980s hay đầu thập niên 1990s. Còn đời sống của các vị lãnh đạo cấp quốc gia thì khỏi phải bàn! Bố đã gặp nhiều trường hợp kinh lắm. Cái cách họ cho con đi học, cách mua sắm nhà cửa, xe hơi để phục vụ cho các con của họ ở nước ngoài, thì các gia đình trung lưu, và ngay cả thượng lưu từ các nước khác cũng gửi con đi du học cùng trường không thể nào sánh nổi!
Mặt khác, nhìn chung xã hội Việt Nam mình thì những người nghèo lại còn quá nhiều! Sự cách biệt giữa những gia đình giàu có, chức quyền và đại đa số người dân còn lại càng ngày càng xa! Chỉ cần một trong những chiếc xe hơi của một gia đình giàu có là dư sức để cho cả một đại gia đình nghèo đang sống trong cùng thành phố có thể có nhà ở và con cái được đi học cả đời! Các con có bao giờ thắc mắc về điều này không? Các con có nhìn thấy sự vô tâm hay vô tình và bất bình đẳng của tầng lớp cao, tầng lớp lãnh đạo, đối với đa số nhân dân không?

Điều làm cho bố hổ thẹn nhất, phẫn nộ nhất, đó là chuyện xảy ra cách đây vài ngày!

Khi có những dấu hiệu thế giới sẽ đưa Việt Nam mình ra khỏi danh sách các nước nghèo, thì ngay lập tức lãnh đạo nhà nước, ông Thủ tướng, đã phát biểu, giải thích với thế giới rằng “Việt Nam vẫn còn là nước nghèo”,[*] nhằm để thế giới tiếp tục giữ nước mình trong danh sách các nước nghèo.

Lý do là vì họ muốn vẫn tiếp tục được NHẬN VIỆN TRỢ!!!!!!!

Hình như họ cho rằng Việt Nam mình làm ăn mày thế giới là chuyện tốt chăng? Trời ạ, hay còn tệ hơn nữa, có khi họ cho việc cố gắng thuyết phục thế giới để Việt Nam mình nằm trong danh sách các nước ăn mày là một công lao lớn của họ đối với đất nước?

Các con hãy cùng bố thử đánh giá đất nước mình vào thời điểm 2011 này nhé:

Việt Nam đã thống nhất hơn 36 năm, không còn phân tranh, chia rẽ, nội chiến hay bị xâm lược nữa nhé, ngoại trừ một cuộc chiến nhỏ ngắn ngày với Trung Quốc (cái đất nước láng giềng mà ngày nay người ta còn gọi một cách giễu cợt, để cười ra nước mắt, là Nước Lạ) vào năm 1979, nhưng cuộc chiến đó cũng đã 32 năm rồi. Như thế không thể lấy mãi lý do vì chiến tranh mà nước mình nghèo đói, phải không nào?

Việt Nam hiện là một trong vài nước xuất khẩu nông thuỷ sản dẫn đầu thế giới. Việt Nam còn có các nguồn tài nguyên quan trọng khác đang được khai thác. Như vậy, trên nguyên tắc Việt Nam không thể đói và nghèo được!

Ai cũng biết chúng ta có rất nhiều người tài giỏi trong gần 90 triệu người Việt ở trong nước và ở nước ngoài, từ chiến lược gia cho EU, các khoa học gia trong gần như mọi lĩnh vực làm việc tại các trung tâm khoa học thế giới, các nhà quản trị, kinh tế, giáo sư đại học, bác sĩ, luật sư… v.v…, nhiều vô số kể. Như vậy, trên nguyên tắc, không thể bảo Việt Nam không có nguồn nhân lực nòng cốt để tiếp tục nằm trong tình trạng lạc hậu và quản lý quốc gia yếu kém nữa.

Như vậy tại sao Việt Nam mình vẫn còn lạc hậu, vẫn còn có thể — theo lời ông Thủ tướng — được chứng minh là nghèo đói?

Vì tham nhũng chăng?
ĐÚNG!
Hoàng Ngọc Diệp
(FB. Hoàng Ngọc Diệp )

Người Việt, chất xám, đi về đâu?

Các môi trường nếu được cải thiện để tạo ra thế năng thuận lợi, thì chất xám lúc nào cũng sẵn sàng tràn về.
Tôi ghé thăm gia đình người bạn. Sân nhà mới bữa nào còn hay ồn ĩ bọn trẻ, giờ nay im ắng. Hai vợ chồng mới đi làm về. Con cái đã gửi đi học và đi làm cho bằng hết ở xứ ngoài rồi, một ở Âu, một ở Mỹ.
Anh bạn lâu niên nhìn tôi, đôi mắt như muốn phân trần, nhưng đôi tay thì đã buông thõng câu trả lời rồi.
Nhìn vào rất nhiều gia đình bạn bè khác ở Hà Nội, điều tưởng như kì lạ này hóa đã thành quá quen thuộc. Các đôi vợ chồng còn đi làm, và con cái đã gửi đi học và/hoặc đi làm bằng hết ở xứ ngoài, đặc biệt là ở Âu-Mỹ. Thực tế này rất cứng đầu, thẳng thừng, coi thường những đống lý sự tổng cóc.

Anh bạn chợt chọc vui "nghĩ ngợi lo âu gì cho xứ sở à?"
Tôi đâu đã ở tầm quen nghĩ to. Tôi chỉ đang tự nhiên mải đắm nghĩ sang người Do Thái. Mang máng theo con số ước tính của "Jewish People Policy Planning Institute" năm 2007 thì có khoảng hơn 13 triệu người Do Thái trên toàn thế giới, trong đó 34% sống ở Israël, 38% sống ở Liên bang Mỹ, còn lại ở mọi nơi...
Tôi quay sang anh bạn.
- "Có gì mà lo. Nếu so với cấu trúc định cư của người Do Thái, thì với 90 triệu người Việt, nay mai chúng ta sẽ phải có chỉ vào tầm 30 hay 31 triệu người Việt còn sống ở... trong nước thôi, còn lại 34 triệu người Việt sẽ sống trên đất nước Mĩ, và 25 triệu người Việt sẽ sống ở những nơi khác trên khắp hành tinh."
- "Thế ra anh còn lo to hơn thế nhỉ, lo làm sao di được dân Việt đến mức vĩ đại như thế à! Vào nhà đi."
-----
Vừa thưởng trà, chúng tôi vừa hàn huyên luyên thuyên đủ mọi chuyện.
Trong mỗi câu chuyện chẳng đâu vào đâu, vẫn hay có cái hạt nhân rất thực để mà ngẫm suy.
Dẫu mô hình dân số người Việt chả ăn nhằm gì với mô hình dân số của người Do Thái, nhưng mô hình dân số người Việt đã mang những thay đổi rất quan trọng.
Hàng triệu người Việt đã định cư ở khắp nơi trên thế giới. Nói đến người Việt, bây giờ không thể quên nói đến người Việt ở xứ ngoài, với những thành công nhất định về kinh tế, văn hóa, khoa học, cùng những liên kết rất đời thực cơm áo gạo tiền với gia đình, người thân ở trong nước.
Người Việt ở xứ ngoài là con em của mọi tầng lớp ở trong nước, kể cả con em thuộc các tầng lớp kinh doanh thành đạt trong lĩnh vực tư nhân, cũng như con em của các quan chức cao cấp, và cả cao cấp nhất, của bộ máy công quyền.
Trong số người Việt ở xứ ngoài, có nhiều người đã trở về, về hẳn, về hợp tác, hoặc "về nửa này nửa kia". Điều này thúc đẩy một sự đa nguyên nhân sinh theo nghĩa rộng nhất.
Nó đã thúc đẩy sự tan băng của cái nhìn thù địch truyền thống về "yếu tố nước ngoài" trong nền tảng tinh thần cát cứ kiêu-ti Khổng giáo. Nó mở ra sự hợp lưu của mọi tầng hoạt động của con người, khoa học, giáo dục, công nghệ, buôn bán, văn hóa nghệ thuật, rộng hơn nữa, chính trị, pháp lý, xã hội công dân.
-----
Nó động đến quyền lợi của các tầng lớp, kể cả tầng lớp cao cấp công quyền trong chuyện xử lý "yếu tố nước ngoài". Các gia đình đã có thể có cấu trúc đa quốc tịch, rồi các công dân cũng đã có thể đa quốc tịch. Người mang nhiều quốc tịch có thể tham gia vào các hoạt động xã hội đã đành, họ có thể, và đã có trường hợp trở thành quan chức công quyền cao cấp. Và một ngày kia, yên tâm là sẽ còn rất xa, sẽ giống như ở Israel, họ sẽ có thể trở thành quan chức công quyền cấp cao nhất.
Câu chuyện như con thuyền, càng theo gió đi xa, anh bạn tôi có vẻ càng tự thấy nhẹ nhõm hẳn đi về chuyện con cái của mình.
Anh ngỏ lòng dẫu sao cũng là đáng tiếc về tình thế "chảy máu chất xám."
Tôi thì lại hình dung mệnh đề này cũng không đơn giản.
Trước hết, phải có chất xám, rồi mới nói đến chuyện chất xám chảy đi đâu.
Chất xám có được phải nhờ được đào tạo tốt, được sử dụng tốt, bị chịu áp lực đòi hỏi sự cố gắng bền bỉ cao độ trong công việc. Chất xám không phải là thứ đem cất vào nhà kho đông lạnh để dự trữ được.
Thứ đến, việc chảy của chất xám nôm na ra thì cũng như nước chảy. Không phải là chất xám rủ rê nhau bỏ chỗ nào, chạy về đâu. Mà chính là các môi trường nếu được cải thiện để tạo ra thế năng thuận lợi, thì chất xám lúc nào cũng sẵn sàng tràn về. Không chỉ chất xám có nguồn gốc bản xứ, loại "mũi tẹt da vàng", mà là chất xám phổ quát, của toàn thể loài người. Cho nên, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác, câu chuyện về một cộng đồng muốn sẽ trở thành như thế nào, thiết kế việc ăn ở sinh sống ra sao.
-----
Chị vợ đã kịp nướng xong mấy con mực, lại còn bày ra chai rượu quí.
- "Đây nhé, hãn hữu nhé, em rất ghét mấy ông rượu trà lắm lắm! Nhưng hôm nay chuyện thế này cũng làm em vơi được lòng mình, về cái chuyện con cái nhà mình phải khăn gói đi xa khỏi quê nhà, xa ông bà, bố mẹ.
Có chai rượu ngon, thứ thiệt đấy ạ, con bé đầu nó mang về nhà tháng trước đấy, mời các anh. Gớm, anh chồng em tự nhiên được lãi lây bữa rượu nhé !"
Hoàng Hồng Minh
(Tia Sáng)

'Tiên học lễ hậu học văn' tại Việt Nam

Từ thập niên nay, tấm biển « Tiên học lễ hậu học văn » được xuất hiện trở lại tại nhà trường Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng trên dãy đất hình chữ S. Huấn từ này đã đưa Tiến sĩ Nguyễn Dư, nguyên là giáo sư trường kỹ sư « Centrale » Lyon trở về thời thơ ấu khi ông tình cờ đọc được ở một trường tiểu học tại Nha Trang. Một hiện tượng khác đáng nghi ngờ hơn là « xóm văn hóa, văn minh ». Với lối viết lúc trào phúng lúc nghiêm túc, nhà giáo Nguyễn Dư chia sẻ những hy vọng và hoài nghi của ông qua bài « Tiên học lễ hậu học văn » mà RFI xin trân trọng giới thiệu dưới đây.
Thật bất ngờ ! Đang lang thang, dạo chơi tại Nha Trang bỗng thấy câu « Tiên học lễ, hậu học văn » được chăng tại sân chơi của một trường học. Lâu lắm rồi mới thấy lại câu nói của thời xa xưa. Xưa ơi là xưa. Xa lắc xa lơ. « Tiên học lễ, hậu học văn » dắt tôi về thăm lại cái lớp năm trường tiểu học Quang Trung năm 1949-1950 ngoài Hà Nội.
Trường Quang Trung, bố mẹ quen gọi là trường Hàng Kèn, nằm tại ngã tư Trần Quốc Toản và Quang Trung. Gần hồ Ha-Le (Halais, tên cũ của hồ Thiền Quang). Từ nhà 112 phố Lê Lợi đến trường cũng không xa lắm. Đủng đỉnh qua ngã năm Gia Long, xuống hết cái dốc Trần Quốc Toản là đến. Trường có một toà nhà chính, sân chơi, thêm một gian ở góc sân. Văn phòng của thầy hiệu trưởng (ông giáo Thành mặc áo dài ta, bố mẹ bảo ông có họ với Mợ Cả) và các lớp học khác chia nhau « chiếm » toà nhà chính. Trừ lớp năm, bị đẩy ra ở cái gian cuối sân. Một mình một cõi.
Tôi không nhớ năm ấy mình có bao nhiêu « đồng môn ». Chắc cũng xấp xỉ 60 đứa. Sở dĩ tôi đưa ra con số 60 là vì từ tiểu học cho đến hết trung học, ngoài Bắc cũng như trong Nam, chưa năm nào tôi có dưới 50 bạn học. Chẳng phải lớp học nước ta vĩ đại, chứa được nhiều của quý cho đời. Tất cả chỉ là nhờ vào tài sắp xếp, nhồi nhét của người kê bàn, đặt ghế. Có nghe ai phàn nàn gì đâu. 100% cha mẹ có con học trường công, trường nhà nước đều hài lòng. Có điên mới chê cái này, đòi hỏi cái kia.
Lớp học đầu đời của tôi có gì hay ho, dễ thương hơn các lớp khác không ? Nếu được phép nói thẳng, nói thật thì tôi nói huỵch toẹt là không. Tất cả mọi chuyện đều bình thường. Nhưng tôi thích cái lớp học bình thường ấy.
Buổi học đầu tiên, thầy cầm thước vừa chỉ vừa đọc câu « Tiên học lễ, hậu học văn » dán phía trên cái bảng đen. Rồi thầy giảng nghĩa. Giảng xong, thầy gõ thước xuống bàn, dặn cả lớp :
- Ở nhà phải lễ phép với bố mẹ, ra đường phải lễ phép với mọi người. Hiểu chưa?
- Dạ, hiểu rồi ạ !
Suốt tháng đầu tập đánh vần và tập viết. Trọ trẹ. Sai lên sai xuống. Giun bò, gà bới đầy trang vở. Tháng sau tiến lên… học thuộc lòng, viết chính tả. Rồi ì ạch leo lên đỉnh cao của… tính cộng, tính trừ. Bắt đầu chỉ có một số, sau tăng lên hai số, ba số. Vất vả quá.
Chẳng có gì đặc biệt. Thế mà cách xa gần nửa trái đất, hơn nửa đời người, tại sao đôi lúc vẫn còn nhớ… Bốn năm học ở trường Quang Trung, chỉ nhớ một mình cái lớp ấy ? Nhớ thầy Ân. Nhớ thằng Việt, thằng Huyền… Chập chờn. Lung linh.
Nhớ hai cái thước của thầy. Cái to để kẻ hàng bảng đen. Cái nhỏ để… đánh học trò ! Eo ơi ! Đứa nào cũng sợ cái thước này. Không tin cứ hỏi thằng Việt.
Thằng Việt to lớn nhất lớp. Nó cao hơn tôi cả cái đầu. Chẳng mấy đứa ưa thằng này vì nó cậy khoẻ hay bắt nạt bạn bè.
Hôm ấy cũng như những ngày khác. Giờ ra chơi, sân trường ồn ào như vỡ chợ. Chỗ này chơi bi, chơi quay. Chỗ kia đánh đáo, đuổi nhau. Thằng Việt không chơi gì cả. Nó kéo « đàn em » đi phá thối. Ván bi của tôi đang sôi nổi hào hứng thì thằng Việt từ đâu chui ra, lững thững đi ngang chỗ chơi. Nó « lỡ » đụng văng hòn bi của tôi. Thằng mất dạy toét miệng ra cười… xin lỗi. Trông thật là đểu. Một lát sau nó lại đi qua. Lại đụng văng bi của tôi. Tức quá, tôi chồm lên vừa chửi vừa đấm một cú vào mặt nó. Nhưng, có lẽ nó đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ dịp để ra tay. Lập tức nó quơ tay trái siết cổ tôi, tay phải đấm liên tiếp ba bốn quả vào má vào mồm tôi. Đau quá. Tôi chỉ còn nước khóc gào lên để cầu cứu. Thấy vậy, cả đám đứng xung quanh xúm vào ôm thằng Việt, gỡ tôi ra. Cà cuống chết đến đít vẫn còn cay, tôi mắm môi, lấy hết sức thụi một cú vào mồm thằng… đáng ghét.
Một hồi trống nổi lên. Hết giờ chơi. Xếp hàng vào lớp.
Vẫn còn đau. Mồm sưng, suýt chảy máu. Trong đầu tôi bỗng loé lên một cách trị thằng Việt. Phen này ông cho mày… biết tay ông. Xin lỗi, đang hăng tiết vịt nên ăn nói… vô tội vạ. (Viết hồi kí mà!). Xin sửa lại. Ông vừa được… biết tay mày. Ông không thèm… cho mày biết tay ông. Phen này ông cho mày… mắc bẫy. Diệu kế của ông như vầy… như vầy… Hạ hồi sẽ biết tay nhau!
Tất cả lục đục vào chỗ ngồi. Thầy gõ thước lên bàn. Cả lớp im lặng.
Sân khấu kéo màn. Tôi độc diễn trò… ấm ức khóc. Không to quá, không nhỏ quá. Vừa đủ… đến tai thầy. Quả nhiên, thầy trợn mắt nhìn tôi. Thế là trúng kế! Chết mày rồi, Việt ơi. Thầy đập thước xuống bàn, quát to:
- Dư, tại sao khóc ?
- Thưa thầy, anh Việt đánh con.
- Có ai thấy anh Việt đánh anh Dư không ?
- Thưa thầy có ạ. Anh Việt cậy khoẻ bắt nạt anh Dư, đánh anh Dư sưng vù cả mặt.
- Việt, lên đây !
Kể từ khi Việt Nam mở cửa, khẩu hiệu một thời "Tiên học lễ, hậu học văn" rầm rộ trở lại trong các trường học
Hoá ra thằng Việt cao to, khoẻ như thế mà cũng biết sợ. Nó cúi mặt, lấm lét đi lên, khoanh tay đứng trước mặt thầy.
Thầy Ân mắng thằng Việt « Có học phải có hạnh ». Thầy giảng :
- Đi học bắt nạt bạn, mai sau ra đời bắt nạt, ức hiếp người khác, như thế là người có học nhưng không có hạnh kiểm. Chỉ là một thằng khôn vặt, du côn. Không tốt. Từ nay phải nhớ, bắt nạt bạn là một thói xấu. Cả lớp nghe chưa?
- Nghe rồi ạ !
Thầy bắt thằng Việt chìa bàn tay ra.
- Bắt nạt bạn, bị phạt ba thước.
Thước đầu, thằng Việt nhăn mặt, xoa xoa bàn tay bị đánh vào mông. Thước thứ hai, nó vừa xoa vừa khóc rống lên. Nó khóc có lẽ còn to hơn tôi khóc lúc bị nó đánh. Thước thứ ba, cả lớp im phăng phắc nhìn thằng Việt co rúm người. Khóc không ra tiếng. Bàn tay bị đánh rơi thõng xuống, nó phải lấy tay kia đỡ lên.
- Lần sau còn bắt nạt bạn sẽ bị phạt gấp đôi, nghe rõ chưa !
Thằng Việt mếu máo, gật đầu lia lịa.
Sau trận đòn, thằng Việt đổi tính. Hết hung hăng. Hiền lành… như cục đất. Cả lớp, không còn đứa nào dám bắt nạt đứa nào. Thầy nghiêm. Phạt nặng. Khôn hồn thì đừng đùa với kỉ luật của thầy.
Tôi thích cái lớp học ấy có lẽ vì cảm thấy được an toàn, được cái thước của thầy bảo vệ. Từ ngày không còn sợ bị bắt nạt, tôi đâm ra… thích đi học. Nhưng phải nói ngay rằng thích đi học vì đến trường được chơi bi, đánh đáo chứ không phải để cắm đầu vào học.
Thằng Việt bị bạn bè ghét bao nhiêu thì ngược lại thằng Huyền được bạn bè thích bấy nhiêu. Thằng Huyền hay cười, viết chữ đẹp. Thầy Ân cho nó làm trưởng lớp.
Gần đến Tết ông Công ông Táo, thằng Huyền đưa ra ý cả lớp chung tiền mua bánh chưng, mứt, hạt dưa, « mừng tuổi » thầy. Mỗi đứa đóng một đồng. Đứa nào không có đủ thì đóng năm hào cũng được. Không đóng thì thôi, không sao cả. Mấy ngày sau, thằng Huyền đưa tiền nhờ mẹ mua các thứ.
Cuối buổi học tất niên thằng Huyền giơ tay xin phép thầy. Rồi « phái đoàn » do nó bàn tính, sắp đặt, lễ mễ bưng đồ lên chúc Tết thầy. Thằng Huyền ấp úng nói :
- Cả lớp xin kính chúc thầy sang năm mới khoẻ mạnh « bằng năm bằng mười năm nay » để tiếp tục dạy dỗ chúng con.
Thầy Ân cám ơn. Giọng thầy hơi run run. A ha, học trò được thầy cám ơn. Làng nước ơi, trẻ con được người lớn cám ơn kia kìa. Cả lớp mặt mày đứa nào cũng hớn hở. Thầy chúc tất cả sang năm mới chăm học, ngoan ngoãn « bằng hai bằng ba năm nay ».
Buổi học đầu năm mới thầy Ân mang một gói kẹo đến mừng tuổi cả lớp. Thằng Việt được thầy sai phát cho mỗi đứa một cái. Việt ta hãnh diện lắm. Có ngoan mới được thầy sai như thế chứ ! Thầy bảo cất kẹo vào túi. Tan học mới được ăn.
Gần cuối năm học, phải học thuộc lòng bài :
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Thầy nói núi Thái Sơn ở bên Tàu. Cao lắm. Đứa nào cũng thuộc làu làu bài Công cha. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa biết, nói đúng hơn là chẳng cần biết núi nằm ở đâu, cao bao nhiêu.
Người Việt có một đặc tính là hay tự hào. Tự hào có non sông gấm vóc. Rừng vàng biển bạc. Người Việt tự hào dùng hàng Việt. Đề nghị thêm…tự hào dùng sông núi Việt để dạy trẻ con Việt. Dạy rằng :
Công cha như dãy Hoàng Liên
Nghĩa mẹ như nước Hương, Tiền chảy xa
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Dãy núi Hoàng Liên (Hoàng Liên Sơn, Phăng-Xi-Păng) thuộc tỉnh Lào Cai miền Bắc. Núi cao 3142m. Cao nhất Việt Nam. Cao hơn cả ngàn lần núi Pi của các nhà Toán học (Pi = 3,14). Sông Hương thơ mộng của thành phố Huế, miền Trung. Sông Tiền tấp nập tàu ghe của thành phố Mỹ Tho, miền Nam.
Công cha, nghĩa mẹ Việt Nam bao trùm cả ba miền đất nước. Khỏi phải dùng hàng Made in China.
Năm 1954 gia đình tôi di cư vào Sài Gòn. Được đi máy bay. Máy bay thật chứ không phải máy bay giấy.
Lớp nhất trường tiểu học Thạnh Mỹ Tây, Thị Nghè không đủ chỗ để nhận hết đám Bắc kì. Phải… thi tuyển. Lần đầu đi thi. Hồi hộp. Rồi cũng xong. Cũng trót lọt. Tôi háo hức hội nhập. Học nói giọng Sè-Goòng. Bập bẹ học vồ cá bụi tre (vocabulaire, ngữ vựng). Chả vồ được con nào. Chữ cô trả cô. Em quên ráo trọi rồi, cô à!
Hết năm học phải thi bằng tiểu học. Thi vào đệ thất Trần Lục. Thi hoài dzậy ! Tập tễnh bước sang một thế giới khác. Thế giới của người lớn làm chính trị. Học trò làm… hậu thuẫn. Đi « truất phế Bảo Đại ». Đi « bài phong, đả thực ». Đi « tố Cộng ». Đi đón Lý Thừa Vãn…
Thứ hai hàng tuần thầy Cương mặc đồng phục « Thanh Niên Cộng Hoà » làm lễ chào cờ, « suy tôn Ngô Tổng Thống ».
Rồi thời gian lặng lẽ trôi. Tôi trôi qua Hồ Ngọc Cẩn, Chu Văn An, Đại học Khoa Học, Đại học Sư Phạm. Học hành bê bối, chẳng đâu vào đâu.
Năm 1964, tấp tểnh người đi tớ cũng đi. Đi du học bên Pháp. Hoàn toàn xa lạ. Ù ù cạc cạc. Cha mẹ ơi ! « Ai bảo đi tây là khổ, Đi tây sướng lắm chứ ! ». Một thằng vừa câm, vừa điếc, vừa không có tiền thì… đến Tết Congo mới sướng.
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Bấm đốt tay, bỗng giật mình. Người khác thì phải thuê nhà rộng mới đủ chỗ để chứa những cái khôn học được. Còn mình thì… sao vẫn chưa khôn ? Uổng cơm cha mẹ. Uổng bánh mì của Pháp. Nhưng cũng tự an ủi, vớt vát một tí. Không học được cái khôn nhưng thỉnh thoảng cũng học được cái hay của thiên hạ.
Có lần, học được một bài học đáng đồng tiền bát gạo.
Lần ấy, bài làm đúng mà lại bị điểm xấu. Chuyện gì lạ vậy ? Làm sai… được điểm tốt à ? Sống ở hành tinh nào vậy ? Xin báo cáo như sau :
Bài làm đúng, ban đầu được 16 điểm. Nhưng bị ông trợ giáo ghi bằng mực đỏ « giống bài của… », chỉ còn 8 điểm. Mất một nửa. Thấy tôi ngạc nhiên, ông nói : « Tôi biết là bạn anh chép bài của anh. Nhưng hai bài giống nhau thì cả hai người đều có lỗi. Tôi phạt đồng đều cả hai ».
Tôi bực mình nhưng đành cứng họng. Ông trợ giáo có lí. Tôi phải trả giá (rẻ như bèo) cho một bài học hay. Học được một điều :
Ăn hối lộ và đút lót hối lộ, cả hai cùng có tội. Phải bị trừng phạt (thật nặng) như nhau. Không có lửa làm sao có khói.
« Tiên học lễ, hậu học văn » ngày xưa bị nhiều người xấu lợi dụng.
« Người ta ở đời nhờ có cha mẹ sinh ra mình, lại phải nhờ có thầy dạy cho mình thì mình mới khôn biết việc này việc nọ, mới nên con người, cho nên học trò ở với thầy cũng như con ở với cha mẹ, ấy cũng là một mối luân thường của Á Đông ta.
Song cũng vì tục trọng sư đạo ấy mà sinh ra mấy thói dở. Kìa như các bực đáng mặt mô phạm, có công dạy dỗ, có ân đức giáo hoá nhuần thấm đến người thì người ta không nên quên đã đành. Còn như mấy ông đồ quèn học hành chưa hiểu vỡ mạch sách, văn chương chưa thuộc đủ lề lối, mà đã đi về các vùng nhà quê tìm nơi thiết trướng, gõ đầu năm ba đứa để hộ khẩu cho qua đời. Vậy mà cũng dám lên mặt đạo mạo, động một tí thì bổ cho đồng môn, nào khi nhà thầy có giỗ, nào khi thầy có việc mừng vui, nào khi thầy lấy vợ, nào khi thầy lên lão làng cũng lôi đồng môn ra mà bắt gánh vác, ấy lại là cái mọt của thiên hạ » (1).
Con sâu làm rầu nồi canh. Mấy thầy khôn vặt, sinh sống bằng nghề bắt nạt học trò. Thật đốn mạt !
Đến thời bị Pháp cai trị, các ông làm nghề godautre (gõ đầu trẻ) cũng được xã hội coi trọng. Nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng làm nghề này trong một thời gian dài. Không biết Nguyễn Công Hoan hồi nhỏ được các thầy dạy dỗ ra sao. Đến lượt mình đi dạy học thì thầy Hoan dạy dỗ học trò những gì ? Không ai biết rõ đời tư của Nguyễn Công Hoan. Ông được cả nước công nhận là một nhà văn lớn, tác giả của rất nhiều truyện ngắn, truyện dài nổi tiếng.
Sau này Nguyễn Công Hoan có dịp viết hồi kí. Thể loại khác, bút pháp khác. Đôi lúc Nguyễn Công Hoan đốp chát thẳng thừng, quên cả « Tiên học lễ, hậu học văn ».
« Khải Định là một thằng vô học, chỉ chơi bời. Năm 1919, nó đã ''ngự giá Bắc tuần''.
Nó nghĩ ra cách ăn mặc rất ngộ nghĩnh : Vàng từ đầu đến chân.
Nón lợp vải vàng, có đính long ly quy phượng bằng vàng. Khăn vàng. Áo màu vàng, thêu kim tuyến, ngắn trên đầu gối.
Hai vai đeo ngù quan binh Pháp bằng vàng. Thắt lưng to bản giát vàng. Ghệt đính vàng. Giày tây da vàng, có gài cái sắt thúc ngựa bằng vàng. Tay đeo bốn chiếc nhẫn vàng mặt đá màu lớn.
Ra Hà Nội, nó ngồi cùng xe với toàn quyền Sa-rô. Mình cứ tưởng đống rơm, không biết là người.
(…)
Nó ra Bắc để ký nhường cho Tây Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng làm nhượng địa » (2).
Trong cùng cuốn sách, ở một trang khác Nguyễn Công Hoan lại nói « Ngộ nghĩnh nhất là bộ quần áo nó (chỉ vua Khải Định) mặc ra thăm Bắc Kỳ năm 1917, gọi là ngự giá Bắc tuần ».
Nguyễn Công Hoan nhớ hai năm khác nhau, 1917 và 1919. Tôi tò mò muốn biết vua Khải Định ngự giá Bắc tuần năm nào? Khải Định nhường Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho Pháp ngày nào?
Về chuyện nhường đất, Cao Xuân Dục chỉ chép vắn tắt :
- Tháng 8 năm Mậu Tý (1888) đem xứ Hàn (Tourane) làm đất nhượng địa Đại Pháp (3).
Trần Trọng Kim chép đầy đủ hơn :
- Tháng 8 năm Mậu Tí (1888) Triều đình ở Huế ký giấy nhường hải cảng Đà Nẵng, thành thị Hà Nội và Hải Phòng cho nước Pháp để làm đất nhượng địa nghĩa là từ đó việc cai trị và pháp luật ở ba thành thị ấy thuộc về nước Pháp, chứ không thuộc về nước Nam nữa (4).
Sử của ta không chép ngày. Tài liệu của Pháp cho biết rõ ràng hơn.
- Ngày 1/10/1888 dương lịch, vua Đồng Khánh kí giấy nhường đứt Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho Pháp (5).
Chuyến tuần thú Bắc hà (inspection impériale) của Khải Định được Orband tường thuật chi tiết. Xe lửa chở phái đoàn rời Huế lúc 12g30 ngày 19/4/1918 (nhằm ngày 9/3 âm lịch), đến ga Hà Nội lúc 17g ngày 26/4 và trở về đến Huế vào chiều ngày 9/5/1918 (6).
Sử của ta cũng chép đầy đủ chuyến ngự giá Bắc tuần của vua Khải Định. Chuyến đi diễn ra từ ngày mồng 9 tháng 3 đến ngày 29 tháng 3 năm Đinh Tị (1918) (7).
Vua Khải Định ra Bắc năm 1918 (chứ không phải 1917 hay 1919 như Nguyễn Công Hoan nhớ). Mục đích của nhà vua là tham quan, thăm dân cho biết sự tình. Việc kí nhường cho Pháp ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng làm nhượng địa đã được vua cha Đồng Khánh làm từ 30 năm trước rồi (1888).
Nguyễn Công Hoan có lẽ vì nóng giận, mất bình tĩnh, đã vu oan cho vua Khải Định.
Ngoài thằng vô học Khải Định, Nguyễn Công Hoan còn điểm mặt một xâu những thằng tai to mặt lớn khác như thằng công sứ Thái Bình Minault, thằng chánh lục lộ Đông Dương Puyane, thằng toàn quyền Sarraut…
Mẹ tôi sốt ruột cắt ngang:
- Cụ nào mà ăn nói hăng thế? Giậu đổ bìm leo, đánh võ miệng thì ai đánh chả được! Các cụ vẫn nói: Đánh giặc mà đánh tay không, Thà về xó bếp giương cung bắn mèo.
Bọn trẻ sinh sau đẻ muộn không có được cách xưng hô của nhà văn viết hồi kí, kể chuyện chống phong kiến, thực dân, đế quốc.
Thời Pháp còn tạm chiếm Hà Nội tụi nhóc con phải ê a:
Hỡi các cậu bé con
Đang lúc tuổi còn non
Các cậu phải chăm học
Có học mới nên khôn.
Muốn nên khôn thì phải học. Dạ. Muốn học thì phải nhờ thầy. Dạ. Không thầy đố mày làm nên. Dạ. Trở về làng cũ học cày cho xong. Không được ! Sao thầy khinh nhà nông thế. Tay chân thầy như thế kia thì cày bừa cái gì ? Không biết chữ thì chỉ phải chịu tiếng ngu. Không có ăn thì thầy cũng chết nhăn răng.
Phong kiến cho thầy ngồi chiếu cao. Thôi thì… trăm sự nhờ thầy. Thầy ra thầy thì may ra trò nên người. Thầy không ra thầy thì… bỏ mẹ cả lũ.
Xưa cũng như nay, nhà nào phúc đức thì gặp được « Nhất tự vi sư, bán tự vi sư ». Vô phúc thì vấp phải « Nhất tự…tiên sư, bán tự… tiên sư nhà thầy» !
Có người nghĩ rằng xã hội bây giờ tiến nhanh quá, « đổi mới » chóng cả mặt. Tuổi trẻ thích ứng không nổi. Vì vậy mới phải đặt ra « xóm văn hoá », « tuyến phố văn minh ». Dò hỏi thì được biết « gia đình văn hoá » là gia đình vợ chồng không chửi nhau, bố con không đánh nhau, không làm phiền láng giềng. « Văn minh » là ra đường không vứt rác, không đái bậy, không lấn chiếm lề đường… Suy diễn một cách gián tiếp là khuyến khích mọi người tìm đọc « Quốc văn giáo khoa thư » và « Luân lý giáo khoa thư » của trẻ con ngày xưa.
Nhiều phụ huynh trẻ ngày nay bỡ ngỡ trước cái khuôn vàng thước ngọc lạc hậu « Tiên học lễ, hậu học văn » của giáo lí phong kiến. Ta đã mất nhiều thời gian, nhiều thế hệ mới phá bỏ được nó. Bây giờ lại có người muốn đi giật lùi sao?
Có điên mới đi giật lùi. Phải tiến, phải « chồm lên phía trước » chứ. Miễn là đừng chồm như ngựa bất kham.
Nguyễn Dư
(Lyon, 7/2013)
(1)- Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Tổng Hợp Đồng Tháp tái bản, 1990, tr. 212.
(2)- Nguyễn Công Hoan, Nhớ và ghi về Hà Nội, Trẻ, 2004, tr. 140-142.
(3)- Cao Xuân Dục, Quốc triều sử toát yếu, Văn Học, 2002, tr. 526.
(4)- Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tập 2, Miền Nam tái bản, tr. 345.
(5)- Philippe Papin, Histoire de Hanoi, Fayard, 2001, tr. 225).
(6)- Richard Orband, Voyage de S.M. Khải Định dans le Nord-Annam et au Tonkin, BAVH, Juillet-Septembre 1918.
(7)- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, Nguyễn Văn Nguyên dịch, Thời Đại, 2010, tr. 275-276.
Tú Anh
(RFI)
 

Không trộn bảy sắc cầu vồng, lấy đâu ra ánh sáng trắng cho mọi người!


Tôi không phải là cái người mang tên Amari TX, cái ông công dân ma của nước Mỹ, người nói tiếng Việt nhem nhẻm đến độ có thể làm ông bà nào thuộc loại đỏ nhất của báo Sài Gòn Giải Phóng cũng phải đỏ mặt thèm thuồng. Vậy nên tôi đề nghị các bạn mình ở trang Bauxite Việt Nam hễ định cho tôi lên tiếng thì hãy thứ lỗi cho tôi vì công việc dịch thuật vất vả này. Nhưng tôi biết rằng các bạn thấu hiểu tình cảnh khốn khó của tôi, một công dân nước Việt mà lại nghèo nàn thảm hại vốn tiếng Việt, ấy vậy nhưng công dân ấy lại có nhiệm vụ phải tham gia vào công cuộc tranh luận dân chủ hiện thời.

Tôi không thay đổi: «họ» thay đổi

Mào đầu cho bài viết dài mà không hề lạc đề này, tôi tự cho phép chia sẻ với bạn đọc một đôi ba điều suy tư. Mấy hôm trước đây, trong khi theo dõi hết sức chăm chú những bài viết đóng góp vào cuộc thảo luận ầm ào gây ra bởi bản tuyên bố của của bạn tôi là anh Lê Hiếu Đằng, tôi phát hiện thấy trên trang Bauxite Việt Nam một lá thư ngắn của cô Đỗ Thị Minh Hạnh - tù nhân chính trị của chế độ hiện thời. Lá thư ngắn gọn giản dị, đầy kiềm chế và mang đậm cái chất thanh thản của những con người mà sự bất công, những trận đòn, những sự nhục mạ và cảnh biệt giam đã rèn đúc cho có được một cái mai che chắn tinh thần không sao phá vỡ nổi, một nghị lực, một ý chí quyết tâm và một sự sáng suốt không gì lay chuyển nổi. Càng đọc những hàng chữ viết đều hàng với những con chữ thật đẹp của người nữ học sinh chăm ngoan này, những hàng chữ không một lần tẩy xóa, tôi bỗng nghĩ đến những lá thư tôi viết trong bóng tối nhà giam AB4 thuộc «Trung Tâm Cải Huấn» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND) Chí Hòa tại Sài Gòn cách đây 40 năm. Được bí mật chuyển ra khỏi nhà tù như là những hành động phản kháng, những lá thư này của tôi cũng mang nội dung tương tự như thư của cô Hạnh.

Khi đó, những lá thư này của tôi đã được cơ quan trung ương Đảng CS Pháp công bố [1] cái Đảng ngày nay khá kín tiếng ấy. Những lá thư đó nói về những vụ chuyển tù nhân bất ngờ từ nhà tù này qua nhà tù khác để gia đình họ bị mất dấu vết và cắt liên hệ của các tù nhân đó với những tù nhân khác, nói về những vụ đánh đập như mưa lên những tù nhân thuộc hạng dũng cảm hơn cả và bị cách ly song vẫn từ chối hợp tác với chính quyền, những kẻ «ngoan cố» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND), nói về những người tù không chịu chào cờ, không chịu đi làm … Những lá thư này nói về việc dùng tù hình sự để đàn áp tù chính trị, nói về những bệnh không được chữa chạy đối với những tù nhân biệt giam, nói về tình đoàn kết và giúp đỡ nhau của các tù chính trị…

Những lá thư này nói về quyết tâm của chúng tôi không chịu khuất phục, quyết ngẩng cao đầu. Các bạn «tà ru» [2] ơi, các bạn vẫn còn nhớ chứ? Các bạn còn nhớ những bài hát đã cất lên, «Giải phóng miền nam», «Kết đoàn» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND)… giữa khói lựu đạn cay, khi bị bọn «cảnh sát dã chiến» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND) đánh đập khi bị đày ra Côn Đảo? «Vận nước đã đến rồi, Bình minh chiếu khắp nơi… Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời»… «…Trong ánh dương xây đời mới trong dân chủ mới» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND).

Dưới ánh sáng của những vụ bắt bớ, những vụ giam cầm các công dân hiền hòa dũng cảm và có trách nhiệm, qua những cách đối xử bất nhân đối với nhiều anh chị em nhân danh cái chế độ mà chính chúng ta đã góp phần xây dựng, những lời lẽ này như từ quá khứ vang dội về và ngày lại ngày khiến tôi bị ám ảnh. Phải chăng đó là cái «Bình minh» và cái «ánh dương» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND) mà những cuộc đấu tranh ấy từng kêu gọi sự tự nguyện của chúng ta? Phải chăng đó là cái «dân chủ mới» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND) mà chúng ta từng mơ tưởng? Phải chăng đó là kết quả của cái «Đoàn kết» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND), cả cộng sản và không cộng sản hòa trộn với nhau đã khiến bọn cai ngục của chúng ta khiếp hãi?

Các bạn ơi, hãy nói với tôi đi rằng tôi đang gặp ác mộng, rằng những điều đó không có thực. Hãy nói đi, bảo tôi rằng những giá trị được chúng ta giương cao đã không bị tước bỏ, bị phản bội, bị bôi nhọ như vậy. Hẳn nhiên là sẽ không trung thực nếu so sánh con số tù chính trị thời đó với thời nay (ở miền Nam là hơn 200.000 trước năm 1975). Cũng sẽ không trung thực nếu so sánh các điều kiện giam cầm (tra tấn đánh đập hàng ngày, chuồng cọp, bắn bỏ và thủ tiêu mất tích…). Những ai coi ngày nay hệt như ngày trước là không trung thực và có ý đồ xấu. Nhưng ta cũng phải thừa nhận rằng có những yếu tố của chế độ hiện thời đang đi theo hướng cái triền dốc tụt đó trong bối cảnh quốc gia và quốc tế với những phương tiện thông tin đã ngăn chặn họ đi hết con đường mang những ý đồ đen tối của họ. Những cuộc tuyệt thực, những lá thư tuồn ra khỏi nhà tù (Xuân Lộc và các nơi khác), những bằng chứng của các gia đình, đều cho thấy rất rõ rằng hiện tượng kia còn xa mới là hiện tượng riêng lẻ trong một xã hội được điều hành một mình một cõi bởi Đảng cộng sản Việt Nam trong cái nước cộng hòa «xã hội chủ nghĩa» Việt Nam mà tôi là công dân. Tôi những mong nhắc lại đây một sự thật đã được Lịch Sử dạy cho và hiếm khi thấy sự thật ấy được thanh minh: các nhà tù chính trị là căn bệnh của một chế độ đang hết thời, và những cội rễ của một xã hội mới được ra đời chính trong các nhà tù đó.

Tôi không phản bội: tôi bị bội phản

Chỉ từ một góc nhìn đó thôi, chỉ bằng một tình hình giam giữ tù chính trị như thế thôi, đã đủ để hoàn toàn biện minh cho cuộc tham gia hiện thời của tôi vào cuộc tranh luận về dân chủ và về tính chính danh của Đảng cộng sản trong tư thế kẻ duy nhất quyết định số phận của đất nước. Cách nay hơn ba năm, tôi có khiêm nhường tham gia vào cuộc tranh luận này mà không tránh né đưa ra vài ba ý tưởng mang tính công dân công bố trên Bauxite Việt Nam [3, 4, 5, 6]. Giờ đây, tôi vẫn giữ nguyên những gì là căn bản tôi đã nói khi đó. Đúng là cái Đảng cộng sản mà tôi chiêm ngưỡng đã làm tôi thất vọng đau đớn đến vô cùng. Khi nói điều này, không phải tôi đã phản bội những người cộng sản, chính họ đã phản bội lại tôi. Và tôi nói ra điều đó với nỗi đớn đau và vô cùng tiếc rẻ. Tôi nói về Đảng cộng sản Pháp mà tôi đã tham gia vì nó đấu tranh chống chế độ thuộc địa và chống chủ nghĩa phát xít, vì nó chiến đấu không nghiêng ngả sát cánh với nhân dân Việt Nam. Tôi cũng nói về Đảng cộng sản Việt Nam mà tôi chưa bao giờ tham gia song lại vô cùng chiêm ngưỡng.

Chế độ tập trung đến tuyệt đối đang nghiền nát nền dân chủ, chân lý mang duy nhất một gương mặt được người ta chưng cất cho cả những người «lãnh đạo» lẫn những công dân bình thường, những cuộc đấu đá nội bộ, cái lối vào Đảng chỉ để kiếm chác, tính không khoan dung, thói nghi ngờ nhau, lối nói năng suy nghĩ thô thiển xơ cứng, sự thiếu năng lực, lối giữ im lặng vào hùa với những tội ác phản lại chính cái hệ ý thức được tuyên ngôn to tát hoặc có khả năng làm suy yếu «tính Đảng», sự từ bỏ trong thực tế những giá trị của những thay đổi xã hội vừa mới nhen, tất cả những thứ đó đã khiến tôi xa cách với Đảng cộng sản Pháp.

Tất cả những điều này hội lại, thêm vào đó là sự bạo hành ngày một gia tăng nhằm giết chết nền tự do để «xử lý» những cuộc phản đối hoặc những đối kháng hòa bình, sự không có khả năng bảo vệ độc lập quốc gia và bảo vệ các công dân ngư dân chống lại bọn xâm lược Tàu, tệ tham nhũng có hệ thống bắt rễ vào cấp cao nhất, sự phản bội những hy sinh đã qua và sự đàn áp bằng bạo lực những người chống đối, tất cả những điều này đã khiến tôi xa cách với Đảng cộng sản Việt Nam đang ngoan cố đi theo một con đường đáng lo ngại phản lại dân tộc, phản lại dân chủ, cực kỳ tư bản chủ nghĩa, theo đuôi Bắc Kinh.

Nói như vậy song tôi vẫn giữ lại trong hai đảng này những người bạn chân chính, những chiến sĩ tranh đấu chân tình «cộng sản nhưng mà tốt», vô số bè bạn mà tôi kính trọng, và với một số người, thì tôi hoàn toàn yêu thương. Với tư cách một người bạn thực thụ, tôi không bao giờ che giấu họ những gì tôi nghĩ trong lòng: chế độ hiện thời của Việt Nam đang đi theo con đường độc tài bạo lực, được khuyến khích và được củng cố bởi một chiếc răng phương Bắc lạnh lẽo đang sợ cái môi mở ra. Ta chỉ còn con đường đứng lên chống lại cái khuynh hướng chỉ dẫn dắt tới hoang tàn và chết chóc đó. Vâng, các ông Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận đã đúng, những người bạn cộng sản thất vọng ấy, những con người đã bị bộ máy của họ làm cho thành vô hiệu, các anh hẳn sẽ hoàn toàn có chỗ đứng trong một Đảng khác – bất kể tên đảng đó là đảng gì – hoặc trong một mặt trận của công dân đấu tranh đòi thay đổi.

Thế nhưng, muốn xây dựng các công cụ chính trị nhằm thay đổi xã hội ấy, cần tránh không bị rơi vào chế độ một vị thần, cần phải chứng tỏ là có sự thăng bằng và biết phân biệt. Nói ngắn gọn: cần biết hồ nghi các mô hình có sẵn.

Lóng lánh chưa chắc đã là vàng

Tôi muốn nói lại lần nữa cùng các bạn mình những người đang lấy roi vụt ông Marx hoặc, khi có dịp, thì đối xử với ông như với một ông già lẩm cẩm nói năng những điều cũ mèm, (tôi muốn nói rằng) tệ nạn bóc lột, ở bất cứ đâu, nhất hạng là ở các xã hội phương Tây, đối với một số lượng người đau khổ ngày càng gia tăng, là điều không thể chấp nhận nổi nữa, không còn là điều đạo đức nữa, không còn thơm tho gì nữa. Tuy nhiên, nhìn từ bên ngoài và nhìn bằng con mắt những ai chưa từng bị nạn bóc lột đó dập vùi, với những ai vẫn còn có phương tiện sinh sống phần nào trong phẩm giá, thì sự bóc lột đó có vẻ như vẫn còn «dịu hơn», «dân chủ hơn». Xin đừng bao giờ quên rằng trong các xã hội tật bệnh của một chủ nghĩa tư bản ăn không biết no biết chán này, nếu như tất cả của cải dường như là trong tầm tay của vô số người càng ngày càng nhiều trên đường phố của Hy Lạp, của Tây Ban Nha, của Italia, của Pháp, của Hoa Kỳ…, thì những của cải ấy liền biến mất ngay khi ta chìa tay ra định nhặt, chúng nằm đó mà tay ta không sao với tới, như một trò khiêu khích không sao chịu nổi, như cái cánh mũi trơ tráo bên kia lớp kính. Chưa từng khi nào ta thấy như ngày nay vô vàn con người hoang mang bị hạ nhục và bị vứt ra vỉa hè sống cuộc đời ăn nhờ từ thiện hoặc nhờ bới các sọt rác … Khi phát triển mạnh nỗi tuyệt vọng và đắng cay vì bị xã hội vứt bỏ, khi nạn phân biệt chủng tộc và tội phạm gia tăng, khi có ngày càng nhiều nạn tự vẫn khi đang lao động vì xí nghiệp và hãng buôn đóng cửa, khi những tiếng súng nổ vang tại các nơi cấp cứu của bệnh viện do thiếu giường nằm và thiếu nhân viên đón tiếp những người bệnh tuyệt vọng, khi có nhiều triệu người lao động sống dưới ngưỡng nghèo túng tối thiểu, khi tỷ lệ thất nghiệp bốc cao, khi con người chết vào mùa đông lúc đi tìm hơi ấm ở nơi cửa cống vì không nhà ở...

Khi những người giàu được vỗ béo vì cảnh khủng hoảng lại vẫn luôn luôn giàu phất mãi lên, và khi người nghèo luôn luôn càng ngày càng nghèo hơn. Khi tại một trong những xứ sở «dân chủ» kia, vị tổng thống nước cộng hòa, chẳng thèm hỏi ý kiến cái đa số đã bầu ông lên để củng cố hòa bình, dân chủ và thế quyền, chỉ một mình ông ta ra quyết định trút bom lên nhân dân Syrie đã cạn kiệt máu, gián tiếp nối tay cho những người Hồi giáo cực đoan đang muốn thế chỗ tên độc tài Assad. Làm ơn đừng khoe khoang với tôi về những mô hình đó.

Cho dù thật là điều đáng tiếc phải nói hết ra, song đó là thực tại, dù thực tại đó không làm vừa lòng những ai đang lấy roi vụt ông Marx. Cuộc cướp phá tư bản chủ nghĩa toàn cầu hóa mà ông Marx đã mô tả với tầm nhìn đúng đắn từ bao lâu rồi, về giai đoạn sức mạnh của tất cả các nhà ngân hàng lưu manh đang làm giàu với sự trụ đỡ của các Nhà nước sẵn sàng phục vụ cho chúng quả là điều không thể chấp nhận, bất nhân, và cần phải chống lại ở khắp nơi. Cái cung cách đó không thể coi là một hình mẫu cho được. Đó là một vấn đề giản dị đặt ra thuộc về nhân phẩm. Tôi xin nhắc lại và xin nhấn đi nhấn lại điều đó: chúng ta cần phải biết nghi ngờ những sơ đồ cùng những điều xơ cứng và viển vông như thế. Lịch sử đã tiêm chủng cho chúng ta chống lại các mô hình như thế.

Những người «mác-xit tùy thời» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND)

Trong cùng mạch tư duy ấy, tôi cũng muốn nói đôi lời với những nhà lý luận giả danh mác-xít, mà tôi gọi tên là bọn «mác-xít tùy thời», những nhà mác-xít vô giá trị, những nhà lý luận mác-xít luôn luôn nhìn chiều gió mà xoay buồm, khi là gió Đông kiểu Mao và khi là gió Tây kiểu tân tư bản chủ nghĩa, kiểu «thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa», với những nhà báo rởm, những cây bút kiếm ăn bằng cách nhúng ngòi bút của mình vào bát súp của nhà cầm quyền, những kẻ đang được chính quyền hiện tại xua ra chống lại ông Lê Hiếu Đằng và các bạn ông để làm giảm thanh danh họ, bôi nhọ họ, chửi bới họ, biến họ thành ma thành quỷ và đe dọa họ. Tôi nói với bọn này rằng: thôi đi, hãy ngừng những trò hề nhạt của các ông đi! Tôi hỏi họ: Trong cái nước Việt Nam hiện thời đang la to là đi lên chủ nghĩa xã hội, số phận của họ ra sao, những người «vô sản» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND) không có sự bảo vệ thực sự của Công đoàn độc lập và của quyền năng chính trị? Số phận họ ra sao, những «bần cố nông» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND) bị lấy mất đất đai, bị đánh đập, bị bỏ tù, số phận họ phó mặc cho bọn ăn thịt người đang đầu cơ đất đai và bọn «cướp ngày» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND) đang bao che cho chúng?

Trong khi đang «nở rộ» những Vinashin, những Vinalines và những thứ Vina khác nữa…, đâu là công tác quản lý dân chủ của «những đại phương tiện sản xuất và trao đổi»? Đâu là cuộc đấu tranh «có tính cộng sản» chống lại sự «tích tụ và tập trung tư bản» một khi, cái phần nổi của tảng băng, cái phần cao ngạo nhất của những xe hơi Rolls Royce trên các đường phố Hà Nội và Sài Gòn đang đọ sức với những bộ quần áo rách rưới thảm thê nhất? Những xe Rolls Royce «siêu tư bản» hay là những bộ quần áo rách rưới «quá vô sản» ấy, «giai cấp» (3 chỗ tiếng Việt trong nguyên văn – ND) nào hưởng lợi nhiều hơn cả trong chế độ «xã hội chủ nghĩa»? Giai cấp nào phô ra và giai cấp nào che giấu đi để minh họa đầy kiêu hãnh cho sự gia tăng GDP của mình? Nhà nước «xã hội chủ nghĩa» định giở trò gì khi trong tình trạng nghèo khó toàn quốc lại nói tới việc xây những cây cầu cho trẻ nhỏ vượt thác đến trường hoặc nuốt hàng tỷ đô-la cho một đường sắt cao tốc Bắc Nam có giá vé ngăn người ta mua và chỉ có lợi cho chủ nghĩa bành trướng nước ngoài? Đâu rồi cái quyền cơ bản cho tất cả mọi người, nhất là cho người nghèo, được hưởng giáo dục, được chăm sóc y tế, được lao động? Nhà nước «xã hội chủ nghĩa» liệu có «xã hội hóa» (tiếng Việt trong nguyên văn – ND) – một cách diễn tả chuyện «tư nhân hóa bừa bãi» mới trâng tráo làm sao – những khu vực sống còn của đời sống xã hội. Nhà nước đã từ bỏ các trách nhiệm thiêng liêng đấy thôi khi tịch thu những quyền cơ bản, hợp hiến của những kẻ tay trắng để thả họ vào cảnh khốn cùng hoặc cho cảnh sống nhục mạ bằng từ thiện.

Vâng, thưa các ngài giáo sư «mác-xit tùy thời», tôi thật buồn phiền phải nói với các ngài điều này: trong cái nước Việt Nam gọi là «xã hội chủ nghĩa» này, và trong bối cảnh một thế giới hiện đại nơi con người đã đặt chân lên Mặt trăng và tiến gần đến sao Hỏa, sự bóc lột mang tính cách «siêu tư bản chủ nghĩa» đôi khi lại còn bạo hành hơn và khó chịu hơn tình trạng ấy vào thời phong kiến hoặc thuộc địa! Nếu Marx đã có thể nhìn rõ thấy cái xã hội mà các ngài và các đồng chí Tàu của các ngài đã tạo ra nhân danh Marx, nếu Marx có thể trông thấy rõ cách thức các ngài làm biến chất và bất nhân hóa tầm nhìn thế giới của ông, hẳn ông sẽ quay lại nấm mồ của mình ngay lập tức.

Bởi lẽ, cái chủ nghĩa Marx mà các ngài đang khạc ra không phải là một giáo điều hạn hẹp nhằm phục vụ một nhóm hoặc một đảng. Hoàn toàn ngược lại. Đó là một công cụ phân tích sáng suốt và cởi mở trong nhiều công cụ khác nữa đối với xã hội tư bản chủ nghĩa vào một giai đoạn phát triển nhất định, với một tầm nhìn của Marx về sự tiến hóa của xã hội đó. Đó chỉ là một công cụ khả dĩ có được để làm thay đổi cái xã hội bất công kia sang chỗ phục vụ tất cả những ai tạo ra của cải xã hội. Chủ nghĩa Marx về cơ bản là một chủ nghĩa nhân bản, chống lại Luật rừng nghiền nát Con Người và biến con người thành hàng hóa. Đó là một công cụ đề kháng và giải phỏng, song bằng cách rút hết tinh túy nhân bản của nó, các ngài đã biến chủ nghĩa Marx đó thành một công cụ nô dịch và lệ thuộc. Khi các thế lực của những bọn đại độc quyền tài chính đang đẩy hành tinh chúng ta vào một cuộc khùng hoảng sâu xa, toàn cầu, cách phân tích của Marx vẫn tỏ ra đúng đắn về căn bản, ngay cả khi nó cần được cập nhật vì có những thay đổi khoa học, kỹ thuật và xã hội. Nhưng những gì các ngài đã làm đâu có phải là cập nhật, mà đó chỉ là biếm họa một cách bệnh hoạn khiến gương mặt chủ nghĩa Marx bị biến dạng đi.

Nhu cầu cấp bách phải hành động

Nói như vậy, cuốn «Tư bản» không phải là Kinh thánh, cũng không phải là một đoạn văn bắt buộc phải đọc để xây dựng cái mới và cái mang màu sắc riêng, để xây dựng một xã hội dân sự mang tính chất Việt Nam trong một Nhà nước pháp quyền. Không phải bằng cách giảng đạo, mà bằng cách cụ thể hóa trong hành động. Chẳng cần thiết phải là đại lý thuyết gia của chủ nghĩa Marx mới có thể bảo vệ đất nước nhờ một đạo quân công dân trung thành với quốc gia dân tộc chứ không bị tịch thu bởi một bè hay một đảng; mới có thể đem lại cho các công dân quyền của họ được giáo dục, được chăm sóc sức khỏe, quyền lao đọng, quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin; để có thể bảo vệ an ninh của các công dân bởi một đội ngũ cảnh sát sạch dưới sự giám sát thường trực của những tổ chức công dân; để có thể điều hành sự phát triển kinh tế theo nhịp điệu của những khả năng khoa học, kỹ thuật, nhân loại hiện đang có trên thế giới đồng thời vẫn bảo tồn được các nền văn hóa dân tộc và môi trường vì lợi ích của đại đa số nhân dân; để có thể tập trung và duy trì sự chú tâm vào những người nghèo khổ hơn cả và tất cả những người đang tạo ra các của cải xã hội, cả của cải vật chất hoặc phi vật chất. Tất cả những điều vừa kể cần được diễn ra dưới ánh sáng của các quyết định và sự kiểm soát mang tính dân chủ, trong một cuộc hợp tác quốc tế lành mạnh, tức là đôi bên cùng có lợi, một công trường đẹp và huy hoàng mà hẳn là Marx sẽ vui mừng được chứng kiến. Marx và cả Chúa trời nữa, cho những ai tin vào Chúa. Một công trường ở đó tất cả các thành phần xã hội, tất cả các dòng tư tưởng, tất cả các sáng kiến đều có chỗ đứng của mình, vì thế giới không phải là một bộ đồng phục xam xám mà là một sự hòa trộn của những đa sắc màu. Chỉ cần chúng ta cùng xắn tay áo lên. Yes, we can! (tiếng Anh trong nguyên văn – «Vâng, chúng ta có thể (làm điều đó) – ND).

Một bước đi đầu tiên dũng cảm và sáng suốt mở ra con đường cho mọi khả năng

Lời kêu gọi của ông Lê Hiếu Đằng và ông Hồ Ngọc Nhuận chính là đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách đó. Động cơ của lời kêu gọi này là một quyền lợi vô cùng cao hơn cái quyền lợi tạm bợ của cái Đảng đang suy thoái, cái đảng bá quyền và bạ cái gì cũng cấm đoán: là quyền lợi của quốc gia của hơn 100 triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Lời kêu gọi đó không chống lại một đảng chính trị mà tiến bộ xã hội, kinh tế và chính trị trong công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Lời kêu gọi đó không hủy hoại sự bình ổn chính trị mà ngược lại nó mang tính xây dựng khi đề xuất tính chính danh của một chế độ đa nguyên đã có trong xã hội và việc bóp nghẹt nó sẽ đe dọa dẫn đến sự mất bình ổn của đất nước, khi đề xuất một lực lượng kiểm soát và tư vấn độc lập để chống lại nạn tham nhũng, tệ cướp bóc và những lãng phí lặp đi lặp lại. Lời kêu gọi đó mang tinh thần yêu nước trong bản chất vì nó đáp ứng nhu cầu ánh sáng và dưỡng khí cần thiết cho sự phát triển một nước Việt Nam thanh xuân, hòa bình và thực sự độc lập, một nước Việt Nam kiêu hùng vì nền văn hóa trải nhiều ngàn năm, đầy những tài năng, giàu năng lượng người, giàu nguồn lực tự nhiên, khát khao đổi mới và thông tin, và đủ khả năng thấy mình trở thành một trong những ngọn đèn pha của Đông Nam châu Á. Lời kêu gọi này mang tinh thần đoàn kết thống nhất vào một thời điểm nhân dân Việt Nam đang cần đến sự gắn bó và đoàn kết cả bên trong cũng như bên ngoài đất nước. Sau hết, lời kêu gọi này thật là dũng cảm, vì ông Đằng, người chẳng vì tiền bạc (ông không có tiền trả viện phí), tuổi như thế và sức khỏe như thế ông cũng chẳng là con người thèm khát quyền hành, song ông đã có gan nói to lên những gì mọi người khác chỉ dám nghĩ thầm trong bụng suốt bao nhiêu năm trời nay. Hệ quả là, ông đã hình dung tỏ tường chuyện thế nào cũng xảy ra đàn áp. Ông không ngồi yên vị cùng phía với bên có lợi, như đồng chí Sáu Quang-không-thay-đổi. Ông đã ra đường với những người biểu tình đầu tiên vào buổi sáng ngày 05/06/2011 và, tôi có thể chứng thực điều đó, đối diện với ông Đua và ông Sáu Quang-không-thay-đổi để nói với hai ông này rằng «sự bình ổn chính trị» không thể tồn tại nếu thiều sự kính trọng chủ quyền quốc gia. Tại đây, tôi xin bày tỏ với anh Lê Hiếu Đằng toàn bộ lòng tôn kính của tôi, toàn bộ niềm tin cậy của tôi, cùng những lời chúc cho anh mau lành bệnh.

Sau một cuộc chiến kéo dài cả trăm năm, cuối cùng đã áp đặt được một nền hòa bình cho Việt Nam, với những hy sinh vô tận, với trí thông mình và lòng kiên trì, nhân dân Việt Nam đã vượt qua cái ngưỡng giải phóng đầu tiên trên con đường dài để tiến tới trở thành một quốc gia mang tầm vóc lớn: chặng đường giải phóng khỏi chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc. Giờ đây Việt Nam đang đứng trước một chặng đường mới không kém phức tạp so với chặng trước, giai đoạn nó còn phải băng bó những vết thương chưa lành, giữ gìn những thành tựu độc lập quốc gia đang bị đe dọa và tiến hành tốt đẹp sự phát triển đất nước bằng con đường dân chủ, con đường duy nhất đi theo được, và bằng sự hợp tác quốc tế. Mặc dù có vai trò không ai chối cãi, song Đảng cộng sản Việt Nam đã không một mình thắng cuộc trong trận chiến giải phóng và thống nhất đất nước. Còn xa mới là như vậy. Có những lực lượng khác của dân tộc cũng chen vai thích cánh với đảng cộng sản trong cuộc chiến để rồi sau đó bị nuốt gọn hoặc bị dập tắt. Cũng như vậy, đàng cộng sản Việt Nam không một mình một ngựa đánh thắng trong trận chiến phát triển kinh tế và xã hội. Tình hình hiện thời cho thấy điều ngược lại. Thật là điên rồ nếu cứ bướng bỉnh đi theo con đường độc đảng được điều 4 Hiến pháp đưa lên ngôi và đem áp đặt trong cuộc sống thực bằng các lực lượng quân sự và sự đàn áp của cảnh sát. Lập trường đó chẳng vinh quang gì và thế nào thì cũng không giữ vững được. Không có sự hòa trộn của bảy sắc cầu vồng, làm gì có ánh sáng trắng cho bất kỳ ai.

André Menras Hồ Cương Quyết

Phạm Toàn dịch
_____________________________

(1) Báo l’Humanité ngày 29/06/1972

(2) Tù ra

(3) «Con người cần có ô-xy ánh sáng và không gian» BVN ngày 04/08/2010.

(4) «Giấc mơ dân chủ: giấc mơ vĩnh cửu và cuộc chiến đấu hàng ngày» – BVN ngày 10/08/2010

(5) «Dân chủ: vài chuyện nhỏ chung quanh một vấn đề lớn» – BVN ngày 22/11/2010. Trong bài này cũng nêu vấn đề về một bài viết của ông Lê Hiếu Đằng qua đó tôi bày tỏ hoàn toàn đồng tình về vấn đề này.

(6) «Đại Hội XI ĐCSVN: «Cẫn như vũ?» - BVN ngày 02/01/2011
  (BVN)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét