Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Bài viết đáng chú ý

Kiêu binh thời nào cũng có!

Năm 1552, nhà Lê dấy lên từ Thanh Hóa, trong lúc này nhà Mạc hãy còn làm chủ miền Bắc, kể từ trấn Sơn Nam trở ra (Ðông Nam Hà Nội, giáp ranh Thanh Hóa.) Nhà Lê muốn phục hưng, phải tuyển lính ở ba phủ là Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia thuộc hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Sau này, nhà Lê đuổi được nhà Mạc ra khỏi Thăng Long, thì quân ở ba phủ trên (tục gọi là lính tam phủ) được coi là thân binh hay ưu binh, nhất binh; và được vua chúa tin dùng làm quân phòng vệ bởi họ đã đóng góp nhiều công lao trong chiến đấu. Chính vì có công lớn, lại được vua chúa nuông chiều, nên họ sinh ra thói kiêu căng, xem thường luật pháp.

Cảnh sát chìm Hà Nội bắt người biểu tình chống Trung Quốc.
(Hình minh họa: Ian Timberlake/AFP/Getty Images)
Năm Giáp Dần (1674) đời Trịnh Tạc, bọn kiêu binh đã giết quan Tham Tụng Nguyễn Quốc Trinh và phá nhà Phạm Công Trứ.
Năm Nhâm Dần (1782) Trịnh Sâm mất, Ðặng Thị Huệ và Hoàng Ðình Bảo (Quận Huy) mưu lập Trịnh Cán lên làm chúa. Chỉ huy kiêu binh là Nguyễn Bằng vào phủ chúa đánh ba hồi trống làm hiệu, quân ưu binh kéo đến vây phủ, vào giết Hoàng Ðình Bảo, bỏ Trịnh Cán và Ðặng Thị Huệ, lập Trịnh Khải lên làm chúa. Từ đó kiêu binh một ngày một hống hách, cậy công, cướp phá các nơi, không ai dẹp được.
Kiêu binh lại cậy số đông, đứng ra đánh thuế, thu lợi nơi chợ búa, cửa ải, bến đò...
Tháng Năm, 1786, quân Tây Sơn tiến ra Bắc, Lê-Trịnh tìm cách chống giữ, nhưng kiêu binh lúc này đã quen thói kiêu căng, lại rất sợ chinh chiến, nên lấy cớ chờ lương, để chần chừ không chịu tiến quân, khiến trong kinh thành càng xôn xao lo sợ, ai nấy đều lo riêng cho thân mình tháo chạy. Tháng Bảy, 1786, quân Tây Sơn tiến ra Thăng Long, nhà Trịnh sụp đổ, nạn kiêu binh cũng chấm dứt theo.
Tại miền Nam, vào đầu năm 1970, đã dấy lên một phong trào kiêu binh, nói rõ là phong trào thương phế binh đua nhau đi “cắm dùi” chiếm đất, ngang ngược và công khai mà chính quyền hồi đó đành bó tay, không dám đụng đến họ vì sợ mất lòng quân đội đang chiến đấu ở tiền tuyến.
Ðỗ Văn Lai, một thương binh BÐQ mù mắt, cùng một số phế binh nặng, tại Trung Tâm Chỉnh Hình, trong chiến dịch chiếm đất đã biểu tình, đòi chính phủ phải cứu xét lại quyền lợi của họ, trước vật giá leo thang đắt đỏ.
Ở Sài Gòn, thương phế binh chiếm lề đường Tú Xương, đóng cọc, chăng dây, che bạt chia nhau từng khu vực dựng cây cất nhà bất hợp pháp chung quanh Bộ Xây Dựng Nông Thôn và Viện Quốc Gia Phục Hồi, trong nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi, trên lề đường Lý Thái Tổ, ngay trước trụ sở của Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Ðình Chiến, trên đường Nguyễn Thông, nơi có hàng quán chợ trời.
Ngày 29 Tháng Ba, 1970, một đại hội thương phế binh được triệu tập tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử quy tụ 300 đại diện TPB thi nhau tố cáo chính phủ đối xử với họ không đúng mức. Tổng Hội Thương Phế Binh ra đời tại Sài Gòn, bầu TB Nguyễn Ðịnh làm hội trưởng, TB Nguyễn Bính Thinh, tức nhà văn An Khê, làm phó, và TB Ðinh Trung Thu, tổng thư ký. Thương phế binh đưa lý do nhiều người chưa có nhà, họ có thể lập một ủy ban tranh đấu và có thể kéo tới chiếm các khu đất khác như đất Chú Hỏa, ông Phụ Tá Nguyễn Cao Thăng và có thể cả nhà... của ông tổng trưởng Bộ Cựu Chiến Binh nữa. Chủ tịch Thượng Viện Nguyễn Văn Huyền có đến dự và nói trước đại hội rằng ông sẽ lấy tư cách một đại diện dân cử để làm một điều gì tốt đẹp cho thương phế binh.
Tòa Ðô Chính Sài Gòn thông báo, trong lúc chính phủ đang tìm những biện pháp giúp đỡ các thương phế binh một số người đã lợi dụng anh em để mưu cầu những lợi lộc riêng tư và phá rối an ninh trật tự công cộng.
Lợi dụng sự tự do và dễ dãi trong chế độ dân chủ mà những người lãnh đạo không thể nhân danh trật tự xã hội để đàn áp như trong các chế độ sát máu, độc tài, một số nhỏ thương binh bị xúi giục, mua chuộc và có những hành động quá khích làm mất lòng dân, vượt qua pháp luật, gây ra một tình trạng rối ren tại hậu phương để tạo khó khăn thêm cho chính phủ đương thời và tạo những hình ảnh không mấy tốt đẹp về người lính.
Nhiều toán thương phế binh chiếm cả đất tư, chủ đất phải năn nỉ lạy lục chi tiền, lo lót, họ mới “nhổ cọc, cuốn dây” đi tìm chỗ khác. Ở Nha Trang, thương phế binh tràn ra bờ biển, cắm cọc chia lô ngay trên bãi biển.
Dưới triều đại cộng sản, trong thời bình, vai trò của “quân đội nhân dân” bị lu mờ và được đảng cho làm kinh doanh có miếng ngon để khỏi nhiễu sự, “bộ đội cụ Hồ” ngày nay vừa lãnh lương lính vừa lãnh lương công ty. Hiện tại, Bộ Quốc Phòng đang quản lý hơn 110 doanh nghiệp, hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh doanh như: cơ khí, hóa chất; nông, lâm và hải sản; điện, điện tử, viễn thông; dệt may, da giày; thực phẩm, đồ uống, dược phẩm; thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ; thương mại và dịch vụ; xây dựng, vật liệu xây dựng...
Ðảng cũng không thể dùng quân đội để đàn áp, dân oan, biểu tình... nên đảng phải vịn vào công an như khẩu hiệu “còn đảng còn mình” cũng có nghĩa là đảng sống còn phải nhờ vào sự bảo vệ của công an. Bắt bớ, giam cầm người bất đồng chính kiến, còng tay người yêu nước, đàn áp dân oan, đạp vào mặt người biểu tình, không ai khác hơn là công an, người đầy tớ trung thành với đảng trong khi Hồ Chí Minh tuyên truyền đảng là đày tớ của nhân dân.
Theo nghị định 44/2005/ND-CP năm (2005) quy định cấp bậc của tư lệnh sư đoàn, hay chỉ huy trưởng BCH quân đội cấp tỉnh (tương đương chức tiểu khu trưởng thời VNCH) chỉ là đại tá, trong khi hiện nay công an đứng đường biên giấy phạt cũng đã là đại úy, công an phường đã mang cấp bậc trung tá, công an huyện là đại tá, và công an tỉnh mang “hàm” thiếu tướng đồng loạt trong trận “mưa ân sủng” của đảng vừa qua. Chúng ta cũng nên biết giám đốc công an Hà Nội trước đây là Trung Tướng Nguyễn Ðức Nhanh và Bộ Trưởng Công An Trần Ðại Quang đang mang cấp bậc đại tướng (!).
Lực lượng công an CSVN được tin cậy và nuông chiều như lực lượng trấn áp nhân dân của chế độ, nên họ trở thành đám kiêu binh, hống hách, giết người không gớm tay. Trên những bản tin trong nước, từ Hà Nội, Hà Giang, Hưng Yên đến Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Dương... ở đâu cũng có chuyện công an đánh chết người, mà công lý luôn luôn đứng về phía... đảng. Dân chủ ngày nay dưới chính thể cộng sản có nghĩa là “mày là dân mà chúng tao là chủ!” Nói theo lối “lưỡi gỗ” Tôn Nữ Thị Ninh thì dân là con cái trong nhà cần dạy dỗ, mà gia nhân ra tay là bọn khuyển ưng cậy thế chủ mà làm càn.
Ở hải ngoại này cần sự đoàn kết một lòng vì việc lớn, chúng ta ráng kềm chế đừng ai cho mình là công thần trong quá khứ, sẽ tránh được nạn kiêu binh.
Huy Phương
(Người Việt)

Lê Hiếu Đằng : Cần cho lập thêm các đảng đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam

Luật gia Lê Hiếu Đằng
Luật gia Lê Hiếu Đằng (RFI/Capdevielle)

Trong bài viết mang tựa đề đơn sơ là « Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh » đăng trên mạng Bauxite ngày hôm nay 12/08/2013, luật gia Lê Hiếu Đằng đã nói lên những trăn trở của mình về vấn đề đa nguyên đa đảng, về vấn đề độc lập, tự do dân chủ và hạnh phúc …

Bài viết trong những ngày thập tử nhất sinh tại bệnh viện của vị luật gia nguyên là Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, lại mang đầy chất lửa, đầy tính chiến đấu. Đặc biệt ông đã mạnh dạn đặt vấn đề thành lập các đảng đối lập, chẳng hạn một đảng dân chủ xã hội, thay vì đảng Cộng sản độc quyền như hiện nay. Ông thách thức bất kỳ lãnh đạo nào trong bộ máy của đảng Cộng sản trả lời ông một cách công khai về vấn đề trên.

RFI Việt ngữ đã trao đổi với luật gia Lê Hiếu Đằng hôm nay.

RFI : Kính chào luật gia Lê Hiếu Đằng, chúc mừng ông đã phục hồi được phần nào sức khỏe. Thưa ông, vì sao ông đã mạnh mẽ đặt lại vấn đề đa đảng tại Việt Nam ?

Luật gia Lê Hiếu Đằng : Trong đề nghị của 72 nhân sĩ trí thức đã nói về vấn đề này một cách tế nhị. Nhưng sau khi bản dự thảo được trình Quốc hội lần thứ tư – do quá tệ nên mới có phản ứng – cũng trong số 72 người thì có 40 người ký phản đối lại bản dự thảo đó, thì nói rõ về đa nguyên đa đảng.

Còn bài của tôi, tôi phân tích theo quan điểm Mác-Lênin thôi. Mình học abc chủ nghĩa Mác-Lênin thì cũng biết rồi : cơ sở hạ tầng quyết định thượng tầng kiến trúc. Cơ sở hạ tầng gồm năm thành phần kinh tế, nhiều giai cấp, nhưng thượng tầng kiến trúc chỉ có một thì sao ? Vô lý, cái này nó phản lại, dù cho chủ nghĩa Mác-Lênin bây giờ cũng đã lạc hậu về nhiều vấn đề rồi, người ta cũng từ bỏ rồi.

Nhưng nếu mà dựa vào thì rõ ràng mấy ổng nói lấy được, nói một cách không có lý luận gì. Thành ra tôi mới thách. Thách mấy vị, nhất là ông trưởng ban Tuyên huấn vừa là chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tranh luận công khai, một cách minh bạch. Đừng có chơi kiểu « bỏ bóng đá người ».

Thật ra đa nguyên đa đảng tất yếu phải đến thôi. Ngay tình hình Campuchia hay là Nga cũng vậy. Tất nhiên có một thời gian sẽ hơi lộn xộn, đó là cái giá phải trả. Nhưng mà sau đó sẽ ổn định, thành một nước dân chủ, thì như vậy sẽ tốt đẹp cho cả dân tộc. Đó là cái lối ra tôi cho là duy nhất của dân tộc, chứ không thể nào khác hết. Vì nếu mà không dân chủ, không thực hiện được chế độ dân chủ cộng hòa với tam quyền phân lập thì làm sao chống tham nhũng. Làm sao có được một Hiến pháp mới phù hợp với người dân, do dân quyết định.

Nói chung tất cả những vấn đề này là abc của thế giới rồi. Bởi vì thế giới người ta phải đấu tranh bằng máu và nước mắt thì mới làm nên bản Tuyên ngôn Nhân quyền, và nhiều vấn đề khác. Thành ra tôi thấy đây là tất yếu thôi.

Tôi nói công khai minh bạch, và hơn nữa vấn đề đa đảng đó là chủ trương của đảng Cộng sản thôi. Cho đến bây giờ tôi hỏi các luật sư và luật gia – bản thân tôi cũng là luật gia – thì tôi thấy là chưa có văn bản pháp lý nào cấm việc đa nguyên đa đảng cả. Mà theo nguyên tắc luật pháp, không cấm là người dân có quyền thực hiện.

Vì vậy tôi nghĩ cái việc, ví dụ thành lập một đảng dân chủ xã hội – sở dĩ tôi nêu vấn đề này, vì dân chủ xã hội bây giờ là khuynh hướng chung của các nước tiến bộ. Nó hạn chế những mặt tiêu cực của chủ nghĩa tư bản. Đây là khuynh hướng tiến bộ, do vậy nó có một hệ thống thế giới để hỗ trợ cho mình. Như vậy mình nên theo cái giòng đó.

Trong cuốn « Mao Trạch Đông ngàn năm công tội » ông đại tá nói thời kỳ Mao già rồi cũng nghiêng về khuynh hướng dân chủ xã hội của Đệ nhị Quốc tế, rồi bản thân ông cũng đề nghị như vậy.

Bây giờ nhiều nhân sĩ trí thức ở trong nước, cũng như ở nước Pháp nơi cô đang định cư, là cái nôi của yếu tố xã hội. Nhiều trí thức trước đây cũng có thời say mê chủ nghĩa cộng sản thì bây giờ người ta từ bỏ hết. Bây giờ người ta đấu tranh cho nhân quyền, dân quyền và vấn đề môi trường, đó mới thực sự là cuộc đấu tranh vì con người và cho con người.

Do đó tôi nghĩ nên thành lập một cái đảng như vậy. Mà nó có điểm tích cực là trở thành một đảng đối lập, thành một kháng thể trong một cơ thể lành mạnh. Chứ nếu trong cơ thể mà không có kháng thể thì nó trở thành một con bệnh SIDA, khó mà giải quyết được, ngồi chờ chết thôi.

RFI : Dạ như vậy đảng Cộng sản sẽ phải chấp nhận cái thách thức là sẽ phải cạnh tranh với các đảng đối lập khác ?

Đúng. Tức là đảng Cộng sản phải tự mình thấy rằng, nói thật, chưa có một thế lực chính trị nào lớn hơn đảng Cộng sản cả. Thành ra nếu anh tranh cử một cách bình đẳng, thì vẫn có thể thắng lớn trong các cuộc bầu cử. Bởi vì ở Campuchia, tuy bây giờ Sam Rainsy có nhích lên, nhưng mà không phải là đa số. Hay là ở (Việt Nam) mình chẳng hạn, tôi cho rằng vài ba chục năm nữa đảng Cộng sản vẫn là một thế lực chính trị lớn, không một lực lượng nào có thể tranh chấp được.

Nhưng mà những đảng nhỏ ra đời sau sẽ trở thành lực lượng đối lập. Đó là một sự kềm hãm, một cái thắng đối với đảng cầm quyền. Như vậy qua cuộc bầu cử bình đẳng mà nếu đảng Cộng sản thắng thì càng có uy tín – dân người ta ủy nhiệm cho anh như vậy. Chứ bây giờ nói là lịch sử thế này thế kia nên bây giờ dân ủy nhiệm, thì tôi cho là không đúng, mà phải nhìn thông qua một cuộc bầu cử bình đẳng, được quốc tế giám sát như đang rất phổ thông hiện nay.

Tôi nghĩ đó là xu thế phát triển tất yếu của loài người, và không thể đảo ngược được. Tôi chịu trách nhiệm khi phát biểu về những điều đó. Còn ai muốn làm gì tôi thì làm thôi ! Tôi sẵn sàng, không có vấn đề gì cả. Bởi vì mình ở tuổi này rồi, thì cái chết thật là hy sinh, phải có ý nghĩa ! Tôi nghĩ như vậy.

RFI : Ông có viết là nhiều đảng viên đang muốn ra khỏi đảng, và đặt vấn đề tại sao không tuyên bố tập thể như vậy và thành lập một đảng mới. Điều này có vẻ là ảo tưởng trong xã hội Việt Nam hiện nay ?

Không, qua tiếp xúc nhiều thì đây là ý tưởng của nhiều người. Có nhiều người cũng đến gặp tôi và chán nản đòi ra khỏi đảng. Hoặc là (giấy chuyển) sinh hoạt đảng thì đem về không đưa cho địa phương mà bỏ vào ngăn kéo, coi như không sinh hoạt đảng nữa. Như vậy tại sao khi vào đảng thì (công khai), bây giờ anh nên công khai, tuyên bố đàng hoàng vì sao tôi ra khỏi đảng.

Vì đảng này bây giờ họ đã phản bội lại những mục đích ban đầu về việc xây dựng một xã hội tốt đẹp, thực hiện lý tưởng mà một thời trai trẻ mình đã đổ biết bao xương máu mới giành được. Bây giờ như vậy thì mình tuyên bố công khai ra khỏi đảng, chuyện đó cũng bình thường.

Mà không phải ảo tưởng đâu. Nếu cần thiết thì sẽ có nhiều đảng viên đồng tình với việc làm đó, nên tôi mới đề nghị như vậy. Và đã ra khỏi đảng thì phải thành lập một đảng mới. Tôi nghĩ đó là điều tất yếu.

RFI : Nhưng sau nhiều thập kỷ đã quen chấp hành lệnh trên, Việt Nam dường như đang thiếu vắng những khuôn mặt lãnh tụ xứng tầm ?

Đúng. Nói chung là bây giờ đảng Cộng sản Việt Nam thiếu hẳn một lãnh tụ, hoặc là một vài người lãnh tụ có uy tín. Lãnh tụ là gì ? Thật ra đâu phải mình đòi hỏi gì cao. Vấn đề ở chỗ là phải đặt lợi ích đất nước, lợi ích Tổ quốc lên trên. Và nếu anh thể hiện được ý chí, nguyện vọng của quần chúng, thì lúc đó anh trở thành người lãnh đạo của dân, lãnh tụ của quần chúng.

Chứ bây giờ anh vì lợi ích gọi là « đảng còn thì ta còn », hay « chế độ còn thì ta còn », mà chẳng nghĩ gì tới tình hình đất nước…Thực tế bây giờ đảng và chủ nghĩa Mác-Lênin đang trở thành một sự ngăn trở.

Ví dụ ở Việt Nam đã gần bốn mươi năm thống nhất rồi. Lẽ ra với thời gian đó, nước người ta đã cất cánh từ lâu, công nghiệp phát triển rồi thế này thế kia…Nhưng bây giờ tình hình lại rất là bê bối.

Đường sá tai nạn giao thông liên tục, rồi đạo đức xuống cấp. Tôi thấy trong y tế, cái vụ xét nghiệm ở Hà Nội ghê gớm thật ! Nó xuống cấp đến độ như vậy. Rồi giáo dục cũng vậy, cứ lò mò mãi không thấy lổi ra. Có thể nói là xuống cấp một cách toàn diện, khủng hoảng toàn diện !

Còn tất nhiên khi chấp nhận kinh tế thị trường thì nó tự điều chỉnh và có phát triển một hướng nhất định. Nhất là khi phát triển nóng do đất đai, do nạn tham ô…đủ thứ chuyện, rồi chia phần lại cho những người khác, thì có một bộ phận dân cư khá lên. Nhưng đại bộ phận dân chúng nhất là công nhân và nông dân thì bây giờ vẫn sống rất là khổ sở.
Tất cả những cái đó tôi cho là trách nhiệm của chính quyền rất lớn. Anh gần như buông thả tất cả. Buông thả từ chỗ để cho Trung Quốc hoành hành ở Biển Đông như vậy, rồi vào Việt Nam, các miền rừng núi, và ngay cả đồng bằng sông Cửu Long cũng là Trung Quốc.

Tôi nghĩ là hiểm họa bị xâm lược, tức là độc lập dân tộc bị đe dọa rất lớn. Những mục tiêu thời trai trẻ chúng tôi đấu tranh hiện nay đang bị phản bội lại. Do đó chúng tôi không thể nào ngồi yên để mà nhìn những gì mình đã đổ xương máu, đồng bào chiến sĩ mình đã đổ xương đổ máu… mà phải đứng lên đấu tranh để bảo vệ, bất chấp mọi hy sinh gian khổ.

RFI : Theo ông thì vì sao Việt Nam không có được bao nhiêu chính khách vừa có bản lĩnh vừa có tư cách ?

Vì sao mà không có những chính khách, chính trị gia kiểu như (bà Aung San Suu Kyi) ở Miến Điện, hay là ông Mandela chẳng hạn ? Một lãnh tụ của quần chúng, mấy chục năm tù tội, nhưng người ta chỉ làm một nhiệm kỳ, xong rồi giao cho người khác. Tôi nghĩ là do nền độc tài toàn trị nó ngăn cấm tất cả mọi cái, nhất là các quyền tự do. Vì vậy mà ai cũng sợ hãi cả.

Do đó bây giờ nếu có những chính sách thì tôi biết rằng ở miền Bắc cũng như miền Nam có những con người rất tâm huyết, có kiến thức. Họ thật sự là những chính khách, nhưng họ vẫn còn rụt rè thôi. Thành ra trong những bài nói, tôi bảo là không có gì mà rụt rè. Hãy dấn thân đi!

Trước đây có những vấn đề sống còn của đất nước, do tình hình thế giới và trong nước cũng vậy, mình nhận thức không đúng và mình ảo tưởng chạy theo chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội. Thế thì bây giờ tình hình thế giới và trong nước đã thay đổi. Bây giờ mình tự nhận thức lại hành động – hành động một cách cương quyết, chứ không thể cứ chần chừ.

Từ cái hành động đó thì sẽ xuất hiện những chính khách, những thủ lãnh chính trị. Tôi nghĩ là hoàn toàn có khả năng đó. Và những người này trong các cuộc bầu cử tự do họ sẽ được dân tín nhiệm. Đó là con đường phát triển của một xã hội dân chủ và tiến bộ.

RFI : Vừa ra khỏi một cơn bệnh nặng, nhưng những khát vọng của ông đối với đất nước không bị nguội lạnh mà chừng như lại cháy bỏng hơn. Ông có buồn lòng khi sau mỗi lần trả lời phỏng vấn, thỉnh thoảng lại có những lời bình chỉ trích khoảng thời gian hoạt động trước 1975 của ông cũng như bạn bè ông trong phong trào sinh viên thời đó ?

Nằm trong bệnh viện, như đã trình bày trong bài, tôi đã suy nghĩ, đọc một số bài báo rồi các nhà văn, nhất là những nhà văn quân đội như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu. Rồi qua chuyến đi của ông Chủ tịch nước Tư Sang, ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tôi thấy có nhiều cái mình phải nói, và nói thẳng.

Để cho các vị - nếu dùng chữ mở mắt thì hơi quá - nhưng mà để cho các vị ý thức được nên chọn lựa con đường nào cho dân tộc, để làm cho đất nước phát triển chứ không thể cứ trì trệ mãi như thế này. Không thể vì đảng, vì chế độ mà để đất nước như thế. Thành ra cuối cùng tôi nói một số trải nghiệm của tôi, là để chứng tỏ rằng chế độ toàn trị người ta chỉ đặt đảng lên trên Tổ quốc và đất nước. Cách đặt vấn đề như vậy hoàn toàn không được.

Còn bây giờ có nhiều người cứ nói đúng sai trong quá khứ. Bây giờ tranh luận cái đó để làm gì ? Trong khi phải đoàn kết lại với nhau, vì mục tiêu chung là xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh – trong đó có vấn đề tự do. Các quyền tự do của công dân phải được khôi phục lại, chứ không thể nào bị tước đoạt.

Cần phải đoàn kết nhau lại, để từ chỗ nhận thức lại phải cùng nhau hành động, đấu tranh cho một đất nước Việt Nam như vậy mới là đúng. Chứ còn anh nói trước kia bên này đúng, bên kia là sai…có thể nói lúc đó một bộ phận loài người cũng đương có những cái ảo tưởng như vậy. Thành ra việc đó hãy để cho lịch sử phán xét, con cháu ngày sau sẽ phán xét. Cái gì đúng, sai thì những thế hệ sau sẽ nhận định. Còn bây giờ trước mắt phải cùng nhau đấu tranh để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

RFI : Xin chân thành cảm ơn luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thụy My (RFI)

Vũ Thư Hiên - Trần Độ, người của sự thật (vài kỷ niệm vặt với Trần Độ)

Tôi ra tù cuối năm 1976. Bận bịu với đủ thứ việc để kiếm ăn, hai năm sau tôi mới có dịp gặp lại Trần Độ. Ra khỏi cuộc chiến, với tư cách phó chính uỷ kiêm phó bí thư quân uỷ Quân Giải phóng MNVN, nghe nói anh rất bận, nào tham gia viết quân sử, nào tổng kết kinh nghiệm chiến tranh… Trong bữa rượu đạm bạc chỉ có ba người, ngoài hai chúng tôi còn có một chị cán bộ trẻ, tên Oanh thì phải.

Trần Độ có biết tôi vừa ở tù ra. Anh nhìn tôi thương hại, bảo:

- Chú có làm gì sai thì Đảng mới bắt chú chứ.

Tôi sững người. Vậy ra anh chẳng biết gì về vụ án nhóm "xét lại chống đảng" mà tôi bị người ta đính vào sao? Cái nhóm này không phải một tổ chức, chẳng phải một đảng, thậm chí cũng chẳng phải một nhóm, nhưng được người ta bịa ra, đặt tên rất kêu là “Nhóm tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”. Kỳ thật, một vụ án ầm ĩ như thế, nhiều cán bộ cao cấp bị khai trừ, bị bắt, bị bỏ tù, trong Đảng có báo cáo, rất nhiều người biết, mà anh lại không biết. Mà không phải mình anh không biết. Hơn chục năm sau (1988), khi tờ “Truyền thống Kháng chiến” của “Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ” ra đời ở Sài Gòn, tướng Trần Văn Trà kêu tôi tới nhà anh ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (tên mới của đường Pasteur) để bàn chuyện tờ báo, tôi mới hiểu - thậm chí cả tướng Trần Văn Trà cũng chẳng biết gì về vụ này. “Hồi đó tôi đang lo đường vận chuyển vũ khí trên biển. – Trần Văn Trà nói - Có, tôi có nhận được một thông tin từ Ban tổ chức Trung ương, rất sơ sài. Chúng tôi bận tối tăm mặt mũi, chẳng ai để ý”.

Khiếp thật. Thì ra ngay ở trong Đảng người ta cũng chia ra nhiều cấp, nhiều đối tượng trong việc nhận hoặc không cần được nhận thông tin. Tôi dùng chữ Đảng viết hoa ở đây để chỉ cái đảng độc tôn, cho tiện, chứ không phải với ý khác.

Tôi cười buồn, nói với Trần Độ:

- Em có nói gì bây giờ anh cũng sẽ nghĩ là em thanh minh. Tốt hơn hết là ta cạn với nhau chén rượu này, kèm một giao ước: “Anh sẽ xem xét sự việc bằng con mắt của mình, để rồi có kết luận”. Em chờ câu trả lời của anh trong bữa rượu sau. Anh hứa chứ?

Anh gật đầu, cạn chén.

Trần Độ hơn tôi đúng 10 tuổi. Tôi coi mình là đứa em của anh, không dám lắm lời.

Rồi gần một năm sau mới có bữa rượu thứ hai.

- Em lắng nghe câu trả lời của anh. – tôi nói.

Anh lắc đầu, thở dài:

- Một lũ chó má! Không thể ngờ.

Nhiều thời gian trôi qua với rất nhiều sự kiện: anh chuyển qua công tác Đảng, à công tác dân sự: Trưởng ban Văn hoá-Văn nghệ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Phó Chủ tịch Quốc Hội, anh hoạt động tích cực trong những chức trách được Đảng giao phó, sau đó những tiếng xì xào trong nội bộ Đảng về những hành xử không đúng đường lối, không có đảng tính của anh (xúi giục tổng bí thư Nguyễn Văn Linh “cởi trói” cho văn nghệ sĩ, tháo gỡ việc ngăn sông cấm chợ, toa rập với Nguyên Ngọc đưa ra bản “Đề dẫn” về văn nghệ sặc mùi chống Đảng vv…).
Cũng vào thời gian đó, tôi biết anh khuyến khích nhiều người làm công việc tìm về cội nguồn các dòng họ. Chẳng bao lâu sau, tôi được một anh bạn ở Bộ Nội vụ cho tôi đọc một chỉ thị của bộ anh: “Bọn phản động đang dùng kế sách tìm về cội nguồn (nhận họ, họp họ) để hạ thấp vai trò của Đảng. Phải ngăn chặn việc này”. Anh Hoàng Minh Chính bình: “Hay! Trong các cuộc họp họ, anh bí thư Đảng vốn được coi là cao hơn hết trong mọi vai vế xã hội, thì nay có thể bị ông trưởng tộc quát: “Anh ra ngồi kia, đây là họp họ, không phải họp đảng hay chính quyền”!
Văn Cao là người rất chăm chú theo dõi thời cuộc, nói: “Trần Độ thẳng quá, hỏng! Cao Biền dậy non, phí”!
Tôi đồng ý với Văn Cao. Trần Độ được phong trung tướng cùng lúc với Lê Đức Anh, nhân vật sau này làm mưa làm gió trong chính trựờng, nếu biết xuôi dòng anh rất có thể sẽ lên cao nữa trong hệ thống quyền lực.
Nhưng không ai có thể can ngăn Trần Độ. Anh không phải là nhà chính trị biết lui tới, biết náu mình chờ thời. Anh hành xử như một người thẳng thắn, chỉ biết một mực đấu tranh cho chân lý. Những phát biểu của anh lúc này lúc khác, chỗ này chỗ nọ, luôn làm chối tai người cầm quyền. Mà có phải anh chỉ phê bình sơ sơ chế độ toàn trị, từ chỗ nhỏ nhẹ, anh dần dần nói trắng ra ý muốn thay thế nó bằng chế độ dân chủ, tam quyền phân lập… Người ta theo dõi anh từng bước, nên những lời nói của anh, dù trong chỗ thân tình, đều được thu thập, báo cáo lên “trên”.
Còn nhớ năm 1997 tôi ở thành phố Strassbourg, chung nhà với Nguyễn Chí Thiện. Một hôm, Trần Độ gửi cho tôi bài viết mới của anh, bảo tôi xem lại trước khi công bố. Tôi đưa anh Thiện cùng đọc. Thiện đọc, nói anh bất bình với một số câu chữ trong đó. Khi nói chuyện điện thoại với Trần Độ, tôi đưa ống nói cho Thiện, bảo nhà thơ cứ nói thẳng ý kiến của mình. Thiện bỗ bã: “Không hiểu sao anh vẫn còn có thể dùng những từ “giải phóng”, “Mỹ-nguỵ” trong bài viết, người đọc ở hải ngoại sẽ khó chịu, không hay chút nào”. Anh Độ cười hề hề: “Chết chửa, mình lỡ viết theo cách nói quen đấy, cậu đúng, sửa lại hộ mình nhá. Xem ra thói quen thật nguy hiểm, là một cái tật cần phải đấu tranh để loại bỏ”.
Chuyện Trần Độ bị khai trừ Đảng năm 1999 thì ai cũng đã biết. Đảng cộng sản vốn không thích vạch áo cho người xem lưng cũng đã kiên nhẫn lắm với Trần Độ. Lẽ ra người ta phải khai trừ anh từ lâu.
Một lần khác, ở Frankfurt am Main (CHLB Đức), trong cuộc trò chuyện điện thoại với Trần Độ vào năm 2001, có mặt một chú em rất hâm mộ bác Độ, chú này đòi được nói với bác vài câu: “Bác ơi, cái đảng của bác kỳ quá, ai lại chống tham nhũng mà lại chống từ cấp cơ sở? Quét nhà thì người ta phải quét từ tầng trên xuống tầng dưới chứ!”. Anh Độ cười lớn: ”Hay, cậu nói rất hay. Chỉ sai một chút thôi, cái đảng ấy không phải của tôi. Cậu tên gì ấy nhỉ?”, “Dạ, cháu tên Cóc, Nguyễn Văn Cóc. Dễ nhớ lắm, bác ạ. Ở Đức này chỉ có mình cháu có cái tên xấu xí ấy thôi”. Anh Độ lại cười: “Xấu gì mà xấu, cậu ông Giời phán đúng lắm, cái đảng ấy toàn làm lộn ngược thôi!”.
Anh nói anh bị đảng của anh khai trừ là may. Như thế, anh được rũ khỏi trách nhiệm “trước những vũng bùn mà cái đảng ấy đang chui vào một cách được gọi là sáng tạo”. Khai trừ anh ĐCS thêm một lần phô trương cái hẹp hòi của mình, không chịu nghe bất kỳ lời nói ngược nào. Hành hạ anh cho tới khi chết, cấm người đi đưa tang không được dùng chữ “Vô cùng thương tiếc”, ĐCS lại càng cho thiên hạ thấy nó tiểu nhân tới mức nào trong sự hằn thù.
Đảng của anh khai trừ anh, bù lại anh được nhân dân đón anh vào lòng. Anh bị nhà cầm quyền căm ghét, bù lại anh được tình yêu thương của đồng bào. Anh được rất nhiều, mà không mất gì, nói cách khác, cái người ta cho là mất chẳng đáng gì với anh.
Khi lâm bệnh, anh không cần dùng đến thuốc của nhà nước mà anh ngờ vực, đã có đồng bào gửi thuốc cho anh. Trong những người lo lắng cho anh tôi muốn kể hai người rất sốt sắng lo cho anh tới ngày cuối cùng là Tưởng Năng Tiến và Đinh Quang Anh Thái. Trong những bức thư hiếm hoi gửi cho tôi, anh không bao giờ quên nhắn tôi gửi lời cảm ơn hai bạn mà anh không biết mặt.
Được tin anh mất, tôi không khóc nổi. Nước mắt chảy ngược vào tim. Tôi cảm được rằng mất mát này lớn hơn rất nhiều mất mát cho riêng tôi, đứa em yêu mến và kính trọng anh. Mất mát này là của cả dân tộc đang nhọc nhằn, vất vả đi tìm quyền sống, quyền làm người.
Trong bức thư cuối cùng Trần Độ gửi cho tôi trước khi mất, anh dặn: “Giai đoạn chuẩn bị cho sự chuyển đổi chế độ có thể kéo dài. Việc hàng ngày của ta, không được quên, là nâng cao dân trí. Dân trí được nâng cao bao nhiêu thì sự chuyển đổi sẽ thuận lợi bấy nhiêu. Thời cơ đến, việc mới thành. Chuẩn bị tốt thì thành tốt”.
Thời cơ mà ta chờ đợi sẽ đến, bao giờ cũng bất ngờ, nhưng vẫn là quy luật. Như nó đã từng xảy ra cùng với sự kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai đã đưa lại nền độc lập cho các nước thuộc địa. Như nó đã đến với sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.
Nhà văn Vũ Thư Hiên
(FB Vũ Thư Hiên)

Thủ tướng Dũng có cứu vãn được kinh tế Việt Nam?

Chỉ trong khoảng thời gian thoi đưa gần ba năm - từ 2011 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã sa chân vào cửa tử với hố đen khủng hoảng há rộng chực chờ. Chưa bao giờ trong lịch sử của thể chế đương đại, các nhóm lợi ích lại lộ hình tác quái ghê gớm và “quyết tâm” đến thế.
Tiêu biểu cho hoạt động lợi ích nhóm là ba thể loại chủ chốt: nhóm lợi ích đầu cơ như vàng, chứng khoán, bất động sản và một bộ phận ngân hàng; nhóm lợi ích độc quyền như xăng dầu, điện lực; nhóm lợi ích “sự nghiệp kinh doanh” như Vinashin, Vinalines…
Trong một lần quá hiếm hoi bên lề phải, tờ Văn hóa Nghệ An mới đây đã rút tít: “Các nhóm lợi ích, đừng nấp áo Nhân Dân để phục kích Nhân Dân”.
Chỉ sau tiếng chuông báo động réo vang thảng thốt từ tuyệt đại đa số tầng lớp thu nhập thấp và trung bình của xã hội, một bộ phận nho nhỏ trong chính giới mới âm thầm thừa nhận hiện trạng kinh tế đã bị thao túng bởi những nhóm lợi ích “vô hình” nào đó, cũng như tình hình kinh tế “không quá lạc quan”.
GDP là một trong những thông số tiêu biểu cho nỗi cám cảnh chưa có nơi nương tựa ấy.
GDP “suy thoái tư tưởng”
Nếu vào các năm 2009 - 2011, chỉ số GDP còn đạt ở mức “quyết tâm” của Bộ chính trị, Chính phủ và Quốc hội là 9-9,5%, thì những năm sau đó, quyết tâm này cũng bị suy thoái một cách không thể duy ý chí hơn.
Đến cuối năm 2011, hầu hết mọi người đều nhận ra là nền kinh tế đã quá khó khăn, con số phá sản của doanh nghiệp đã lên đến ít nhất 50.000. Không còn cách nào khác, người ta buộc phải thừa nhận GDP “năm sau sẽ không bằng năm trước”.
Tuy nhiên, đến lúc này và khác hẳn với năm 2009, đã không còn một gói kích cầu nào đủ lớn. Tiền chạy đâu hết rồi? Không người dân nào biết. Chỉ biết rằng Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn nắm giữ huyết mạch kinh tế của đất nước và vẫn ung dung hưởng thụ núi lợi nhuận tích lũy của họ, trong khi số doanh nghiệp “tử trận” đã lên đến ít nhất 100.000, theo con số báo cáo chính thức của Ủy ban thường vụ quốc hội vào đầu năm 2013.
Trong thực tế, con số phá sản và giải thể của doanh nghiệp có thể còn lớn hơn khá nhiều. Một ước tính của giới chuyên gia, xuất phát từ tình trạng có đến 200.000 doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế, đã ước tỷ lệ phải ngưng hoạt động của doanh nghiệp có thể chiếm đến 1/3 trên tổng số gần 600.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
1/3 cũng là một khả năng có thể xảy ra đối với hiện trạng thất nghiệp toàn phần và có nguy cơ thất nghiệp ở Việt Nam, cho dù báo cáo của Bộ lao động, thương binh và xã hội chỉ luôn thừa nhận tỷ lệ này khoảng 2%.
Nền kinh tế Việt Nam đã phải gánh chịu hình dạng lõm toàn phần, khi công tác điều hành “linh hoạt và uyển chuyển” đối với nó đã phạm nhiều sai lầm và còn liên quan đến cả những nhóm lợi ích và nhóm thân hữu.
Nhưng thế đi xuống theo dạng parabol lõm của nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa phản ánh toàn bộ thực trạng, bởi hoạt động thống kê số liệu ở Việt Nam là rất đáng bị hoài nghi về mức độ trung thực và tính minh bạch.
Giả số liệu?
Vào năm 2012, Quốc hội đã phải chấp nhận tỷ lệ tăng trưởng GDP dừng ở mức “khiêm tốn” là 6 – 6,5%; còn vào năm 2013 là khoảng 5%. Nhưng như vậy vẫn là quá triển vọng, nếu so với mặt bằng tăng trưởng GDP bình quân của nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp; và ngay cả đầu tàu kinh tế châu Âu là Đức cũng chỉ khoảng 2,5-3% - một kết quả được xem là đáng mừng trong thời buổi suy thoái và luôn chực chờ nguy cơ khủng hoảng kép.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
Một số chuyên gia kinh tế độc lập có hàm lượng phản biện cao của Việt Nam như Lê Đăng Doanh, Nguyễn Quang A và sau này có cả chuyên gia đương chức Trần Đình Thiên đã nêu nhiều dẫn chứng cho thấy thực tế chỉ số thực về GDP ở Việt Nam không tăng đến mức như báo cáo, và nếu có như báo cáo thì chỉ là bản sao của cái gọi là “mức tăng trưởng 7-8% của GDP” Trung Quốc mà thôi. Hiện trạng này cũng gần tương tự như việc giáo sư Lang Hàm Bình – một chuyên gia phản biện độc lập của Trường đại học Hồng Kông – đã cho rằng những số liệu về GDP và lạm phát ở Trung Quốc đều là giả.
Vào giữa năm 2013, một chuyên gia phương Tây cũng cho rằng về thực chất, GDP của Trung Quốc chỉ vào khoảng 3,7% chứ không phải gần 8% như con số được công bố hiện thời. Còn trước đó, chuyên gia phản biện Vũ Quang Việt đã tính toán GDP của Trung Quốc chỉ vào khoảng 1-2%.
Kinh tế Trung Quốc và kinh tế Việt Nam lại có nhiều nét đặc biệt giống nhau – trong quá khứ, hiện tồn và có thể cả về tương lai. Nếu căn cứ vào độ chênh giữa số thực tế và số báo cáo của Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam đang không phải tăng trưởng đến 5% hay 5,5%, mà thực chất chỉ nhỉnh hơn 0% một chút.
“Thập kỷ mất mát”?
Vậy Việt Nam còn gì để hy vọng?
Điều có thể an ủi là không phải đồ thị kinh tế Việt Nam đã, đang và sẽ lao dốc một cách thẳng thừng và liên tục. Theo quy luật thường thấy, hình thể parabol lõm thường làm nên một giai đoạn hồi phục nhẹ, trở thành parabol lồi – hiện tượng có thể xảy ra vào hai năm 2013 – 2014, bắt đầu từ việc Chính phủ và Ngân hàng nhà nước bắt buộc phải thúc đẩy hạ các loại lãi suất và bơm tiền cho nền kinh tế. Tiền được bơm ra càng nhiều, nền kinh tế sẽ càng nhanh phục hồi.
Tuy nhiên, từ khái niệm phục hồi này đến yêu cầu về một nền kinh tế phát triển bền vững vẫn còn một khoảng cách rất xa, hoặc gần như ảo tưởng. “Tiền được đẩy ra nhiều nhất trong một thời gian ngắn nhất” vẫn là bài học đắng ngắt của hai nền kinh tế Trung Quốc và Việt Nam trong giai đoạn 2007-2010.
Bởi sau giai đoạn phục hồi tạm bợ 2013 - 2014, nếu huyết mạch kinh tế Việt Nam không được gia cố các mao mạch, nó sẽ tiếp tục lao dốc. Liên quan đến hình ảnh này, có thể kiểm nghiệm lại đồ thị lao dốc của nền kinh tế Mỹ và chỉ số chứng khoán Dow Jones vào nửa cuối năm 2008 để có thể xác nghiệm một bài học rất cận kề cho nền kinh tế Việt Nam.
Hoặc xa hơn nữa nhưng lại có vẻ ngày càng gần gũi với Việt Nam, đó là cuộc Đại khủng hoảng năm 1929-1932 ở Hoa Kỳ, khi chỉ số Dow Jones mất đến 90% và tỷ lệ thất nghiệp tăng trên 20%.
Nếu kịch bản khủng hoảng tài chính 1997 ở vùng Đông Nam Á tái hiện ở Việt Nam, cuộc Suy thoái năm 2008 tại quốc gia hình chữ S chắc chắn mới chỉ là bước dạo đầu của “Thời kỳ mất mát”.
Cần nhắc lại, khi thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản ở Việt Nam phục hồi phần nào vào năm 2009, một số chuyên gia đã vội vã cho đó là hình dạng hồi phục chữ V của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng thực ra đã chẳng có chữ V nào hết. Ngoại trừ thị trường vàng vẫn còn giữ giá cao nhưng thanh khoản lại sụt giảm đến mức báo động, ẩn dụ được dành cho thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán là “chết lâm sàng”.
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng nhà nước và hiện là Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, mới đây đã nhận định: nền kinh tế đã rơi xuống đáy và đang ở đáy chữ U. Việc thoát khỏi đáy rất khó khăn do thiếu điểm tựa và sức mạnh. Nếu không có đột phá thì tình trạng đáy chữ U cứ kéo dài ra mãi là khó tránh khỏi.
Vì sao thế? Có lẽ đúng như nhà kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét, lấy mốc từ năm 1991, chưa bao giờ tình hình kinh tế – xã hội ở Việt Nam lại xấu như hiện nay. Không thể nói khác hơn là một cuộc suy thoái đang trở lại. Hoặc chính xác hơn, đây có thể là một cuộc khủng hoảng được dạo nhịp đầu tiên của nó.
Chữ L?
IMF vẫn đang cảnh báo nước Mỹ có thể rơi vào một “thập kỷ mất mát” như người Nhật đã từng bị như thế vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Còn ở Việt Nam, “Thời kỳ mất mát” có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí rất nhiều năm, sau chuỗi tăng trưởng quá nóng trong suốt 20 năm – từ 1991 đến 2011.
Thực tế cho đến nay, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tạo nên cơn dư chấn ở Việt Nam dài đến 5 năm. Nhưng ngay tại thời điểm này, có lẽ nhiều người nhận ra rằng 5 năm chưa phải màn cuối của vở bi kịch. Trong khi, những năm tiếp theo với tình thế khó khăn, hoặc còn lâu hơn thế, là một khả năng “trong tầm tay”. Khi đó, “Thập kỷ mất mát” có thể ứng nghiệm với trường hợp Việt Nam.
Cho tới giờ, đã có thể nhận ra đường biểu diễn vận động của nền kinh tế Việt Nam từ giai đoạn 2006-2007 đến nay nghiêng về hình thể L hơn là sự phục hồi tự tin của chữ V hay chậm chạp nhưng bền vững của chữ U.
Gần như chắc chắn, L là sắc thái không thể tránh được cho một thời kỳ ngưng trệ và lộn xộn mới về kinh tế - chính trị ở đất nước này.
Và có thể, biểu đồ lao dốc của nền kinh tế Việt Nam chỉ dừng lại vào năm 2016 - 2017, tức đến lúc đó nền kinh tế mới thật sự nhìn ra cái đáy của chính nó.
Dự báo trên liệu có quá bi quan? Biết làm sao được, tất cả đang lệ thuộc quá nhiều vào cái hiện tồn chưa có lối ra hiện nay.
Kinh tế lại phụ thuộc rất nhiều vào những biến động chính trị. Dĩ nhiên, ai cũng biết chính trị có ổn định thì kinh tế mới phát triển. Còn không thì ngược lại…
Chính phủ và thủ tướng?
Điều bất hạnh cho Việt Nam là quốc gia này đã không thể có một tổng thống Mỹ đầy quyết tâm như Barak Obama – một quyết tâm đầy trong sáng, người đã giữ nguyên mức chi an sinh xã hội và y tế dù vào thời kỳ đầy khó khăn; và cũng không có được một Bernanke của Cục dự trữ liên bang – người có đủ tài và tâm điều hành chính sách tài chính.
Điều bất hạnh hơn là trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái gần như toàn diện, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt và lòng dân quá bất an cùng bất mãn, các nhóm lợi ích lại vẫn tồn tại một cách đầy thách thức và trở thành những ông vua không ngai trên đầu dân nghèo.
Một nghiên cứu ở Mỹ đã so sánh chu kỳ hoạt động của động đất với chu kỳ của những cơn “địa chấn” về chính trị trong chính trường nước Mỹ. Có thể ở Việt Nam, mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị cũng gần tương tự. Điều chắc chắn thấy rõ từ năm 2007 đến nay là đồ thị đi xuống của kinh tế, nhưng không hẳn là parabol lõm, mà có thể được xen kẽ bởi một giai đoạn lao dốc.
Cần đặc biệt lưu ý, đồ thị lòng dân và niềm tin chính trị cũng có thể biến diễn như thế.
Vậy ai có thể cứu vãn được nền kinh tế khốn khổ đang lao dốc này?
Với gần như toàn bộ quyền lực hành pháp trong tay, đáp án cho câu hỏi trên chỉ thuộc về chính phủ và những cá nhân lãnh đạo nó.
Vậy những công việc còn lại mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể làm là gì?
Ít ra, chính phủ của ông cần có một gương mặt mới trong một khung cảnh mới - một không gian mà công dân và đặc biệt là người nghèo có thể phục hồi phần nào sinh khí đối với niềm tin chính thể. Tất cả nhằm làm nhòa nhạt một dĩ vãng điều hành kinh tế - xã hội bị xem là thất bại với quá nhiều hậu quả và lợi ích nhóm.
Trong sâu xa, lòng dân và nhiệt huyết cống hiến dân tộc của công dân vẫn còn nguyên đó, chưa hề mất mát, chỉ là chưa ai biết cách khơi dậy tính đồng nguyên của nó mà thôi.
Những lối thoát cho kinh tế Việt Nam cũng vẫn còn nguyên giá trị, từ Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, Tổ chức thương mại thế giới đến tương lai có thể hứa hẹn cho Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, trong đó không thể bác bỏ hơi ấm từ bàn tay người Mỹ – tất cả vẫn còn chừa ra một cơ hội cho chính thể và những chính khách không lạc hậu với thời cuộc.
Uy tín và chỗ đứng của những người lãnh đạo cao nhất của chính phủ cũng vẫn còn cơ may giành lại chỗ đứng trong lòng dân, nếu họ nhận ra rằng đã đến lúc bức thiết phải kiên định gạt bỏ những quan chức không làm được việc, vô trách nhiệm và quá thiên về quyền lợi tư hữu mà có thể khiến cho nhân dân tràn uất phẫn nộ rồi gầm thét phủ nhận tất cả.
Phạm Chí Dũng
(Phạm Chí Dũng là nhà báo tự do hiện đang sinh sống tại Sài Gòn.)
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)

Phạm Chí Dũng - Cơn bão giá và nhóm lợi ích


Tập đoàn xăng dầu Petrolimex kích động đến ba lần tăng giá

Cơn bão tăng giá với sang chấn đầy tai biến đang đẩy xã hội Việt Nam vào một vòng xoáy mới, tiếp nối chuỗi vòng xoáy mà nó đã kết dính suốt gần ba năm suy thoái kinh tế qua.

Chỉ ít lâu sau kỳ họp quốc hội vào tháng 5/2013, mặt hàng xăng dầu đã được Bộ công thương, Bộ tài chính và một trong những nhóm lợi ích độc quyền nhất Việt Nam là Tập đoàn xăng dầu Petrolimex kích động đến ba lần tăng giá.

Cũng song trùng với quy luật bài trùng, người anh em sinh đôi của Petrolimex là Tập đoàn điện lực Việt Nam – EVN – đã ngay lập tức đẩy giá điện lên 5%.

Hành động mang hàm ý bất chấp này càng làm nổi rõ một quy luật kinh tế - chính trị: giá giảm vào trước và trong các kỳ họp quốc hội, nhưng lại tăng vọt “lên một tầm cao mới” sau khi cánh cửa hội trường dân cử khép lại.

Mối lo thường trực của người dân đã có cơ sở để biến thành linh cảm thật tệ: không lúc này thì lúc khác, nhóm lợi ích sẽ không bỏ cuộc và vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi lộ trình tăng giá điện và xăng dầu.

Trong khi đó, không có gì giấu nhẹm mãi được, có vẻ cuối cùng Ban tuyên giáo trung ương cũng phải làm ngơ để báo chí đưa tin về hàng loạt vụ nhảy cầu quyên sinh vì nguyên do bức bách tài chính. Cái nghèo dân sinh chưa bao giờ quyện gắn với vô cảm quan chức đến mức này, vào buổi giao thời đầy tính định mệnh như thế này của dân tộc.

Nhưng bất chấp phản ứng của đại đa số các tầng lớp nhân dân, giai tầng lợi ích ở Việt Nam vẫn tiếp tục chiến dịch “bù lỗ vào dân”. Những tin tức mới nhất cho thấy với đợt tăng giá 5%, EVN đã có được thêm 3.000 – 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, một quan chức cao cấp ngành điện lực vẫn than thở là tập đoàn này còn “thiếu ít nhất 8.000 tỷ đồng nữa”, tương ứng với khả năng EVN phải tăng 15-20% giá điện trong năm nay.

So với con số lỗ còn treo đến 34.000 tỷ đồng do đầu tư trái ngành vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm bị phát hiện vào cuối năm 2011 và như một công bố chẳng đặng đừng vào đầu năm 2013, cho tới nay EVN đã “thanh lý” được một phần, nhờ vào thao tác dùng giá điện “thanh toán” lên đôi vai gày guộc của nhân dân.

Xăng dầu và điện tăng cũng ngay lập tức kích thích giá các mặt hàng khác cùng phi mã. Chỉ ít ngày sau khi tăng giá xăng dầu và điện, hàng loạt mặt hàng rau quả ở miền Tây Nam Bộ đã tăng từ 10-30%. Còn tại các đô thị, giá sữa đương nhiên là một thứ hàng không thể không tăng, làm khốn khó thêm cho đời sống người dân trong cơn bão suy thoái.

Chính phủ không vô can

Không thể nói Chính phủ vô can trong toàn bộ câu chuyện tăng giá điện và xăng dầu.

Hình minh họa
Giá điện lại vừa tăng ở Việt Nam

Bất chấp nạn suy thoái kinh tế kinh niên và phản ứng của người dân, các nhóm lợi ích xăng dầu và điện lực vẫn đang hứa hẹn sẽ còn tiếp tục tăng giá trong năm nay và cả cho năm sau - 2014, tăng đến khi nào toàn bộ số lỗ do đầu tư trái ngành những năm về trước được thanh toán trên đầu người dân.

Bất chấp “những cố gắng của toàn bộ Chính phủ” trong cuộc chiến chống lạm phát, những tác động được giới quan chức thống kê Việt Nam xem là “tăng giá điện và xăng dầu không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát” liệu còn có ý nghĩa gì khi giá nhiều mặt hàng đã tăng phi mã tại các chợ và cửa hang?

Thay thế cuộc chiến này bằng một cuộc chiến khác, phải chăng điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng diễn trình mong muốn - cuộc chiến chống các nhóm lợi ích - đang có nguy cơ bị chính các nhóm đặc quyền đặc lợi này diễn đạt theo một cách hoàn toàn trái ngược?

Nhưng cảnh sắc trái ngược như thế lại thường được lịch sử chứng thực ở những quốc gia không độc quyền. Vào tháng 2/2013, trước hành vi tăng mạnh giá điện của hai nhà phân phối điện lực là Công ty CEZ và Evergo-Pro và Công ty EVN, hàng chục ngàn người dân Bungaria đã đổ ra đường biểu tình, đẩy cao nguy cơ một cuộc bạo động đẫm máu.

“Tôi sẽ không tham gia vào một chính phủ mà ở đó cảnh sát có quyền được đánh đập người dân. Chúng tôi cũng có danh dự và lòng tự trọng riêng của mình. Nhân dân đưa chúng tôi lên nắm quyền và chúng tôi sẽ trao trả lại quyền lực cho họ” - Thủ tướng Boiko Borisov khẳng định trước Quốc hội nước này. Chỉ sau đó một tháng, chính phủ Bungaria đã quyết định từ chức.

Dân chúng?

Còn ở Việt Nam và ứng với một lịch sử độc quyền về nhiều phương diện, nhân dân sẽ biểu cảm ra sao?

Sức chịu đựng của người dân Việt Nam là rất cao, đặc biệt trong thời chiến tranh. Nhưng sau khi chiến tranh đã trôi qua gần bốn chục năm và thế đặc quyền cũng có chừng ấy thời gian để tác quái, không ai có thể nói trước được điều gì.

Vào kỳ họp quốc hội tháng 5/2013, lồng trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái thảm trạng cùng trào lưu thăng hoa của các nhóm lợi ích và nạn tham nhũng, thái độ im lặng của các đại biểu quốc hội đã khiến cho dư luận người dân thất vọng.
"Một quy luật tâm lý xã hội khác đang hình thành ngày càng sống động: giá độc quyền càng tăng, sức chịu đựng của người dân càng tiệm cận với giới hạn cuối cùng."
Tuy nhiên, một hiệu ứng tâm lý xã hội đã bất ngờ xảy ra vào cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên trong lịch sử quốc hội: đa số phiếu tín nhiệm thấp được các đại biểu quốc hội dồn cho giới quan chức chính phủ – những người phải chịu trách nhiệm trực tiếp về khả năng điều hành kém cỏi.

Không phát biểu không có nghĩa là không hành động. Và chỉ hành động nếu có cơ hội – đó là điều mà nhiều đại biểu quốc hội, dù phải rơi vào tình thế lắng tiếng vì một số lý do nào đó, nhưng đã bộc lộ qua một phản ứng có tính kết tủa bằng vào lá phiếu của mình.

Vậy còn thái độ người dân đối với Chính phủ thì sao?

E rằng, phản ứng của người dân sẽ khác và còn khác nhiều với khối quan chức quốc hội. Một quy luật tâm lý xã hội khác đang hình thành ngày càng sống động: giá độc quyền càng tăng, sức chịu đựng của người dân càng tiệm cận với giới hạn cuối cùng. Tâm lý chịu đựng đang dần chuyển sang tâm lý phản ứng và có thể cả phản kháng.

Ai cũng biết rằng, đến một thời điểm nào đó, khi tâm lý chịu đựng đã vượt qua tâm trạng sợ hãi, những người dân khốn khổ nhất sẽ bắt đầu tập hợp với nhau, tạo thành tiền đề phản ứng công khai đầu tiên như người dân Bungaria đã làm.

Những cuộc biểu tình công khai đối với chính phủ cũng từ đó mà sinh sôi, có thể kéo theo tình hình mất kiểm soát, để sau đó không ai có thể lường được hậu quả sẽ ra sao.

Lẽ nào Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn quá chủ quan với cận cảnh mất mát ấy?

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một nhà báo tự do ở TP Hồ Chí Minh.
Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn

Một Hồng vệ binh khơi lại vết thương của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc

Một màn đấu tố trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc (DR)
Một màn đấu tố trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc (DR)

Trung Quốc năm 1970, như bao thiếu niên cùng lứa với mình, Trương Hồng Binh bị cuốn vào cuộc Cách mạng Văn hóa, đã không ngần ngại đem mẹ đẻ ra đấu tố. 40 năm sau khi bà mẹ bị hành quyết, nhân vật Hồng vệ binh năm ấy trong tuần qua đã công khai kể lại trên báo chí chính thức về giai đoạn bi thương đó với một nỗi ân hận khó có thể nguôi được.

Cuộc Cách mạng Văn hóa mà tên gọi chính xác là cuộc « Đại cách mạng Văn hóa vô sản » do lãnh đạo đảng Công sản Trung Quốc Mao Trạch Đông, khởi xướng và chỉ huy từ ngày 16 tháng 5 năm 1966, với mục tiêu chính thức là loại bỏ những phần tử "tư sản tự do" để tiếp tục sự nghiệp đấu tranh của tầng lớp cách mạng.

Tuy nhiên, mục đích chính của cách mạng này được hiểu là một cách để Mao Trạch Đông lấy lại quyền kiểm soát tối cao trong đảng. Cuộc thanh lọc nội bộ củng cố quyền lực cá nhân đó đã làm đảo lộn mọi mặt của đời sống chính trị văn hóa xã hội ở Trung Quốc. Ngoài ra , Cách mạng Văn hóa còn mà thay đổi toàn bộ nền tảng giá trị đạo đức của toàn xã hội nước này một cách sâu sắc và toàn diện.

Trong bầu không khí hỗn loạn bạo lực, những thanh thiếu niên trong các đội Hồng vệ binh bị nhồi nhét đầy đầu tinh thần cách mạng vô sản triệt để đã say sưa tấn công các phần tử phản cách mạng, tiểu tư sản trí thức. Một khi đã đứng vào hàng ngũ của cách mạng rồi, những thanh niên đó không từ một ai dù đó là hàng xóm, anh em họ hàng hay bố mẹ đẻ.

Tất cả đều có thể bị đưa ra đấu tố và tận diệt mọi mầm mống mà họ cho là phản cách mạng. Chỉ trong vòng có vài năm, vô số người vô tội đã bị tù đầy, thủ tiêu, bị bức tử khiến cho biết bao gia đình tan nát. Không có con số chính thức nào được công bố nhưng một nhà sử học phương Tây đưa ra con số 500 nghìn người chết chỉ riêng trong năm 1967, thời điểm khốc liệt nhất của cuộc Cách mạng văn hóa.

Trương Hồng Binh giải thích trong cuộc phỏng vấn trên nhận báo Beijing News số ra hôm 07/08/2013 vừa qua rằng : « tất cả mọi người đều bị lôi cuốn vào phong trào, bạn có muốn cũng không thể tránh được. Mọi khái niệm về sự tử tế hay cái đẹp trong tôi đều bị xóa sạch làm lại từ đầu ».

Điều đau đớn nhất đó là ông Trương, khi đó vẫn còn là một thiếu niên, đã tố mẹ đẻ của mình phê bình Mao Trạch Đông. Hậu quả là các đồng đội của con trai, những Hồng vệ binh hừng hực tinh thần cách mạng, đã kéo tới nhà bắt bà đi. Bà bị hành quyết 2 tháng sau đó.

Phải mất nhiều năm sau, khi cuộc Cách mạng Văn hóa đã lùi vào quá khứ thì một phiên tòa ở tỉnh An Huy mới xóa tội cho mẹ đẻ của ông. Còn Trương Hồng Binh thì đến giờ mới dám phá vỡ sự im lặng, nhìn nhận lại hành động thất đức của mình. Ông thổ lộ : « Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mình về hành động đó ».

Ngoài Trương Hồng Binh, một số nhân chứng sống từng tham gia tích cực vào cuộc Cách mạng văn hóa gần đây cũng đã bắt đầu lên tiếng ăn năn thú tội, khơi lại vết thương của một thập kỷ (1966-1976) hỗn loạn và tàn khốc trong lịch sử cận đại Trung Quốc và nhất là họ đều tỏ ra ăn năn hối hận về những việc làm của mình trong quá khứ.

Ông Ôn Thanh Phục, một cựu Hồng vệ binh ở Tỉnh Hồ Nam tháng trước đã ân hận kể lại những hành động trong thời Cách mạng văn hóa. Ông nói : « Nếu tôi không xin lỗi bây giờ thì sẽ là quá muộn ».

Theo nhà sử học Đinh Học Lương, thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông thì rất đông người dân Trung Quốc bày tỏ sự khen ngợi đối với những nhân chứng cho dù có thể họ sẽ bị đưa ra xét xử trước công lý vì những tội ác trong quá khứ.

Hồi đầu tháng Tư năm nay, một người đàn ông 80 tuổi ở một tỉnh miền đông Trung Quốc đã bị kết án ba năm rưỡi tù vì phạm tội giết người trong cuộc Cách mạng văn hóa từ năm 1967. Phiên tòa hiếm hoi này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhà sử học họ Đinh khẳng định dù sao thì những lời thú tội của các nhân chứng có « tác động tích cực, góp phần hơn nữa vào việc xây dựng một xã hội trên cơ sở Nhà nước pháp quyền ».

Tuy nhiên, đây lại luôn là một vấn đề rất nhạy cảm đối với các thế hệ lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi Mao qua đời năm 1976, đảng đã quy trách nhiệm về những năm tháng tàn khốc của cuộc Cách mạng văn hóa cho « bè lũ bốn tên » cầm đầu là Giang Thanh, vợ Mao.

Vậy nhưng người ta không hề thấy trong đó bóng dáng của người « Cầm lái vĩ đại » Mao Trạch Đông, người đã phát động và lãnh đạo cuộc Cách mạng văn hóa. Từ đó đến nay ,đảng Cộng sản Trung Quốc đã qua nhiều thế hệ lãnh đạo, nhưng Bắc Kinh vẫn chủ trương né tránh không muốn đi vào chi tiết một thời kỳ lịch sử hỗn loạn do chính những người cộng sản phát động.

Những nhân chứng của cuộc cách mạng ngày đó nay hối hận, ăn năn về một thời nông nổi của mình để có thể làm vơi đi những dằn vặt, mặc cảm tội lỗi. Nhưng đó chỉ là vấn đề của một vài cá nhân bị sai khiến. Một câu hỏi lớn được đặt ra là đến bao giờ đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn tự cho mình là lực lượng lãnh đạo duy nhất của xã hội, mới dám đối mặt với thực tại lịch sử này.
Anh Vũ (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét