Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Bài viết đáng chú ý

Không khai thác chung với Trung Quốc

Biểu tình chống Trung Quốc ở Philippines
Philippines đang phải giải quyết tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông
Ủy ban Hợp tác song phương Việt Nam-Philipines vừa họp phiên thứ bảy, thống nhất tăng cường hợp tác nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Cuộc họp diễn ra từ 31/7 tới 1/8 tại Manila, dưới sự chủ trì của hai ngoại trưởng Albert del Rosario và Phạm Bình Minh.
Sau cuộc họp, ông del Rosario nói với báo chí rằng ông và người đồng nhiệm Việt Nam hôm 1/8 đã thảo luận làm sao để thúc đẩ̀y hợp tác, trong đó có cả việc chia sẻ thông tin nhằm bảo vệ lãnh thổ trước các đe dọa ngoại xâm.
Hai bên cũng thống nhất yêu cầu khối Asean sớm bắt đầu quá trình đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột ở Biển Đông.
Cuộc họp song phương còn đề cập tới một số lĩnh vực khác như thương mại và cả quy trình dẫn độ tội phạm giữa hai nước trong tương lai.
Ngoại trưởng Albert del Rosario nói sau cuộc gặp với Bộ trưởng Phạm Bình Minh: "Chúng tôi muốn họ [Asean] có bước tiến mạnh trong liên hệ với Trung Quốc".
"Chúng tôi cho rằng tham vấn là chưa đủ mà cần phải nói về đàm phán."
Hai bên cũng đã thảo luận đề xuất mới rồi của Trung Quốc về khai thác chung trong những vùng tranh chấp.
Không khai thác chung
Ông del Rosario cho hay Philippines và Việt Nam có chung quan điểm không chấp thuận dự án chung như thăm dò khai thác dầu khí với Trung Quốc nếu như Bắc Kinh tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với các vùng biển này.
Hôm thứ Tư 31/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Trung Quốc muốn gác tranh chấp, cùng khai thác, nhưng tái khẳng định chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông.
Kênh truyền hình trung ương của Trung Quốc dẫn lời ông Tập nói: "Chúng ta cần nhắc lại rằng chủ quyền thuộc về chúng ta, nhưng chúng ta có thể gác tranh chấp, cùng khai thác, thúc đẩy hợp tác hữu nghị và cùng có lợi, tìm kiếm và mở rộng các lợi ích chung".
Bộ Ngoại giao Việt Nam trong khi đó cho hay kỳ họp Ủy ban Hợp tác song phương Việt Nam-Philippines đã tập trung nhiều vào thảo luận hợp tác biển và đại dương.
"Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai Thoả thuận về Hợp tác quốc phòng, Bản Ghi nhớ về Tăng cường liên lạc và chia sẻ thông tin giữa hải quân hai nước và Bản Thoả thuận về thiết lập đường dây nóng giữa Cảnh sát Biển Việt Nam và Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Philippines."
Thời gian qua, hai nước đã thành lập Ủy ban Hỗn hợp về Biển và Đại dương cấp Thứ trưởng Ngoại giao và Nhóm chuyên gia pháp lý về các vấn đề trên biển để thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề liên quan đến biển.
Việt Nam và Philippines là hai nước đang trực tiếp liên quan tới các tranh chấp gay gắt ở Biển Đông với Trung Quốc.
(BBC)

Lợi ích nhóm và doanh nghiệp nhà nước

Sự việc tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank được bổ nhiệm làm phó thống đốc ngân hàng nhà nước cho thấy sự gần gũi tương đồng về trình độ, năng lực và nhận thức giữa cán bộ chính phủ và lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước.
Khi lãnh đạo doanh nghiệp trở thành cán bộ chính phủ tham gia vào hoạt động chính trị, bằng cách đó những người này có điều kiện ngăn chặn việc phát hiện xử lý các sai phạm trong quá trình điều hành doanh nghiệp.
Đặc biệt khi các chủ thể nắm quyền về kinh tế và chính trị tương hợp cả về trách nhiệm lẫn quyền lợi thì xu hướng sẽ là liên kết tạo thành lợi ích nhóm.
Thẩm quyền Quốc hội
Nhiều người mặc định điều hiển nhiên chính phủ có chức năng quản lý điều hành nền kinh tế và thực tế chính phủ đã nắm giữ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như một công cụ hùng mạnh để thực hiện các chính sách kinh tế xã hội.
Nhưng các doanh nghiệp nhà nước hoạt động dưới quyền chính phủ lại xảy ra nhiều sai phạm và hiệu quả kinh doanh thấp, theo số liệu của Bộ kế hoạch và đầu tư các doanh nghiệp nhà nước chiếm 79% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 70% nguồn vốn ODA, nhưng chỉ đóng góp 37,38% GDP.
Tại sao các đơn vị này chiếm phần lớn nguồn vốn đầu tư của toàn xã hội mà hiệu quả đem lại ít? Điều này có liên đới gì tới việc chính phủ chứ không phải cơ quan nào khác có quyền nắm giữ các đơn vị này? Xét rộng hơn, nền kinh tế Việt Nam thuộc loại yếu kém hàng thấp nhất thế giới, điều này có liên đới gì tới việc chính phủ có thẩm quyền quản lý điều hành nền kinh tế?
Khác với nhiều nước, ở Việt Nam có đặc thù mảng phần kinh tế nhà nước trong tổng nền kinh tế quốc dân rất lớn, đây là tham số đặc biệt quan trọng khi lập phương trình giải các bài toán kinh tế xã hội.
Mặt khác, Hiến pháp Việt Nam năm 1992 quy định thẩm quyền của Quốc hội là quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước, quyết định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, quyết định dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách nhà nước.
Vậy lâu nay Quốc hội có nắm được tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước không? Quốc hội có khả năng tác động tới quỹ đạo tăng giảm tài sản của nó không?
Nếu Quốc hội không có khả năng quyết định đối với tài chính doanh nghiệp nhà nước thì làm sao quốc hội có thể quyết định chính sách về tài chính tiền tệ quốc gia, quyết định về sử dụng và phân bổ ngân sách nhà nước?
Rối mù và thua lỗ
Lâu nay kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước do lãnh đạo đơn vị và cơ quan quản lý trực tiếp là chính phủ quyết định. Các đơn vị này kinh doanh dàn trải, đầu tư chéo lẫn nhau, mở rộng thành phần sở hữu, lập ra nhiều công ty con dẫn đến có rất nhiều kế hoạch sản xuất kinh doanh trong một đơn vị, tạo ra sự rối rắm bùng nhùng rất khó kiểm soát quản lý, tạo môi trường tốt cho tham nhũng thất thoát.
Tại sao chính phủ lại buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng trên, có hay không động cơ vụ lợi trong việc buông lỏng này, có hay không sự cấu kết của lợi ích nhóm?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc hội

Sự rối rắm được tạo ra làm nản lòng những ai mong muốn có sự rõ ràng minh bạch trong quản lý sử dụng tài sản nhà nước. Nó cũng là lý do tốt để chậm trễ trong kiểm đếm báo cáo và tách rời kế hoạch sử dụng tài sản nhà nước của các đơn vị này với chính sách tài chính tiền tệ chung của đất nước.
Trách nhiệm của Quốc hội trước nhân dân như thế nào trong các vấn đề đó?
Không biết hoàn thành từ bao giờ nhưng tháng 7 năm 2013 cơ quan kiểm toán nhà nước mới công bố kết quả hoạt động kiểm toán năm 2012 cho năm kinh doanh 2011, như thế độ trễ của việc nắm bắt thông tin xác thực từ 1 đến 2 năm. Phải mất ngần ấy thời gian Quốc hội mới nắm được thực chất tình hình tài chính của các doanh nghiệp, vậy khi chưa có số liệu rõ ràng thì quốc hội làm như thế nào trong việc ban hành các chính sách phát triển kinh tế xã hội, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia?
Phải chăng chính sách ban hành vẫn đảm bảo chất lượng khi sử dụng số liệu không đủ độ tin cậy? Hoặc có thể ban hành các chính sách tài chính mà không cần tính đến số tài sản do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ?
Vô tình hay cố ý?
Khi sai phạm xảy ra nhiều người đổ lỗi cho việc chưa hoàn thiện về thể chế quản lý kinh tế, thiếu quy định pháp lý điều chỉnh, nhưng phải chăng là có sự cố tình chậm trễ trong việc ban hành ra các văn bản pháp lý điều chỉnh vấn đề này?
Hàng loạt tập đoàn kinh tế được thành lập từ các năm 2005, 2006 nhưng đến tháng 11 năm 2009 chính phủ mới ban hành nghị định về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước. Tại sao lại chậm trễ như vậy trong khi trong cùng thời gian đó chính phủ ban hành ra hàng trăm nghị định khác?
Trong việc quản lý tài sản nhà nước do các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ, sau cả chục năm thực hiện, đến tháng 7 năm 2013 chính phủ mới ban hành nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Sau khi để xảy ra quá nhiều hệ quả xấu, bây giờ chính phủ mới cho ra hàng loạt quy định cấm: Cấm doanh nghiệp góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ những trường hợp doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản), không được góp vốn mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm…
Khi doanh nghiệp bắt đầu làm những việc mà bây giờ chính phủ cấm thì quan điểm của chính phủ như thế nào? Tầm nhìn viễn kiến và khả năng dự liệu ra làm sao mà để trong có vài năm đã cho thấy chính sách sai trái dẫn đến thua lỗ thất thoát tài sản quốc gia không biết bao nhiêu mà kể? Các cán bộ chính phủ không có năng lực lãnh đạo hay do vấn đề lợi ích nhóm trong vấn đề này?
Quốc hội cần nắm tập đoàn
Sau quá nhiều sai phạm thất thoát, hiện tại chính phủ cũng đang lấy ý kiến và đệ trình quốc hội dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Dự thảo này cơ bản chỉ là ghi nhận những thực tế nhiều năm qua về cung cách và thẩm quyền quản lý, nội dung quy định nhiều quyền hạn cho chính phủ, vai trò của quốc hội mờ nhạt không rõ ràng.
Thực tiễn hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đòi hỏi một phương cách quản lý mới mang tính đột phá, theo đó Quốc hội cần thu hồi và nắm giữ thẩm quyền đối với doanh nghiệp nhà nước.
Các ủy ban như Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội hoàn toàn có khả năng nắm các tập đoàn thông qua việc thẩm định và phê duyệt mục tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và quyết định bổ nhiệm nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp.
Như thế sẽ giải quyết được mối mâu thuẫn tồn tại nhiều năm qua là trong khi Hiến pháp quy định Quốc hội có quyền quyết định về chính sách phát triển kinh tế xã hội, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, quyết định sử dụng và phân bổ ngân sách nhà nước, nhưng thực tế chính phủ lại có ảnh hưởng quá lớn đến các hoạt động đó thông qua việc nắm giữ các doanh nghiệp nhà nước.
Thổi phồng vai trò chính phủ
Lâu nay nhiều người quá coi trọng vai trò của chính phủ trong quản lý, điều hành kinh tế nên không thấy ai đặt ra câu hỏi nếu chính phủ không quản lý điều hành thì sao, liệu nền kinh tế và đời sống xã hội có sụp đổ không? Vấn đề này cũng cần được gợi mở xem xét một cách nghiêm túc.
Qua tìm hiểu thì thấy Hiến pháp nước Mỹ không quy định chính phủ được quản lý điều hành nền kinh tế (thực ra trong toàn bộ bản hiến pháp được dịch sang tiếng Việt không có hai từ “quản lý” và “điều hành”) nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn đứng đầu thế giới. Có thể nguyên nhân do khác biệt ngôn ngữ nhưng hiến pháp Việt Nam năm 1946 cũng không có hai từ “quản lý”, “điều hành” tức cũng không quy định chính phủ có thẩm quyền quản lý điều hành kinh tế.
Hiến pháp nước Nhật Bản không có nội dung quy định chính phủ được quản lý điều hành kinh tế nhưng nền kinh tế Nhật đứng thứ 3 thế giới.
Trong các nền kinh tế thị trường, các quốc gia thường để cho thị trường tự vận hành điều chỉnh theo các nguyên lý thị trường tự do, chính phủ rất hạn chế can thiệp vào đó. Nhiều phân tích nghiên cứu đã chỉ ra khi chính phủ càng quản lý chặt, điều tiết càng nhiều, càng thiếu tôn trọng thị trường tự do thì nền kinh tế càng yếu kém.
Ở Việt Nam do hệ quả từ nền kinh tế bao cấp nên hiện nay tâm lý vẫn quá coi trọng vai trò quản lý kinh tế của chính phủ, pháp luật trao cho chính phủ toàn quyền quản lý điều hành nền kinh tế. Do tâm lý đó nên khi kinh tế phát triển không như ý muốn, nhiều người vẫn không nhìn ra nguyên nhân chính ở chính phủ.
Nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển hơn thì cần tiệm cận với lề luật quốc tế trong điều hành kinh tế, tiết giảm bớt vai trò của chính phủ trong quản lý điều hành kinh tế. Việc Quốc hội thay chính phủ nắm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng phù hợp với xu hướng đó.
LS Ngô Ngọc Trai
Gửi đến BBC từ Việt Nam
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, Trưởng văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự.
(BBC)
 

Thủ tướng kết luận sai phạm đất Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn thông báo đồng ý với kết luận về quản lý đất ở Đà Nẵng của ban Thanh tra Chính phủ và Bộ tài nguyên Môi trường.

Theo kết luận mới nhất này, Đà Nẵng có hạn chót là ngày 30/08/2013 để xử lý và thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 3024/VPCP-V.I ngày 16/4/2013 và kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Như vậy, một loạt quan chức Đà nẵng ở các cơ quan và cá nhân (giai đoạn 2003 - 2011) có liên quan trong các khu vực như tài chính, tài nguyên và môi trường, sở nội vụ, hội đồng thẩm định giá đất thành phố, văn phòng UBND thành phố... có thể sẽ bị kiểm điểm và xử phạt.

Theo báo cáo hồi tháng 5/2013 của Bộ Tài nguyên Môi trường, một số công văn cá biệt của Chủ tịch và các Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố có những điểm chưa đúng quy định pháp luật, theo đó cần phải sửa đổi, hủy bỏ một số điểm.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, việc thành phố Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận cho các dự án đầu tư vào mục đích sản xuất kinh doanh với thời hạn lâu dài là trái với điều 67 luật Đất đai năm 2003

Việc UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo cấp giấy chứng nhận cho các dự án đầu tư vào mục đích sản xuất kinh doanh với thời hạn lâu dài là trái với điều 67 Luật Đất đai năm 2003.

Bên cạnh đó, cũng có các sai phạm trong việc giao đất cho các đơn vị sự nghiệp của thành phố khai thác quản lý quỹ đất để chuyển quyền sử dụng cho chủ đầu tư thay vì giao đất trực tiếp cho chủ đầu tư, theo Petro Times.
"Các chính sách và quản lý nhà nước về đất đai của thành phố Đà Nẵng là không sai"
Nguyễn Bá Thanh, trưởng ban Nội chính, cựu Bí thư Đà Nẵng
Trong bản kết luận kiểm tra có đoạn ghi rõ, trong số 48 hồ sơ kiểm tra trên tổng số 1.061 hồ sơ về các giao đất, cho thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có 2 dự án sử dụng ngân sách Nhà nước giao đất chưa đúng trình tự thủ tục, trong đó có Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.

Trước đó, hồi tháng 6, ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định trước cử tri Đà Nẵng rằng các chính sách đất đai của thành phố không hề gây thất thu hơn 3.400 tỷ đồng như kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Ông nói Ủy ban Nhân dân thành phố “không chấp nhận con số mà Thanh tra Chính phủ nêu ra và đã báo cáo với Thủ tướng, Bộ Chính trị”.

Ông cũng nhắc lại, “các chính sách và quản lý nhà nước về đất đai của thành phố Đà Nẵng là không sai.”

Tuy nhiên, ngay hôm sau, ban Thanh tra bác bỏ phát ngôn của trưởng ban Nội chính và cựu Bí thư Đà Nẵng, và nói toàn bộ kết luận được dựa trên cơ sở pháp lý và không hề có thay đổi kết luận thanh tra, theo Tuổi Trẻ đưa hôm 25/06.

Thông cáo viết: "Thanh tra Chính phủ không thay đổi quan điểm trong nội dung Kết luận Thanh tra và cũng không có việc đồng ý với quan điểm nào khác của UBND TP Đà Nẵng".
(BBC)

Mỹ ưu ái Hà Nội, coi nhẹ Phnom Penh?


Ông Sang tới thăm Hoa Kỳ sau khi thăm Trung Quốc vào hè năm nay.

Tạp chí Anh, The Economist trong tuần này lại tiếp tục bàn về quan hệ Mỹ Việt nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Washington nơi lãnh đạo hai nước đưa quan hệ song phương lên mức “đối tác toàn diện”.

Tiếp theo bài báo vào tuần trước, bài viết vào tuần này mang Campuchia vào nhằm so sánh cách ứng xử của Washington với hai nước ở châu Á cùng chung đường biên, đặc biệt là trong mảng nhân quyền.

Khi ông Obama có cuộc họp duy nhất với Thủ tướng Campuchia, Hun Sen, tại Phnom Penh hồi năm ngoái, người phát ngôn phía Mỹ đã nói thẳng với báo giới rằng bầu không khí họp là "căng thẳng".

Lý do là vì ông Obama huấn thị ông Hun Sen về các trường hợp vi phạm nhân quyền xảy ra ở Campuchia.

Lập trường cứng rắn của tổng thống Hoa Kỳ được hậu thuẫn bởi các chính trị gia Mỹ vốn to tiếng vận động nhằm yêu cầu cắt giảm viện trợ của Mỹ nếu cuộc bầu cử ở Campuchia không "đáng tin cậy".

Thậm chí một số người còn muốn các tổ chức quốc tế như ADB, Ngân hàng Phát triển Châu Á , đã và đang giúp cấp vốn để Campuchia tái thiết, đưa ra các tuyên bố đe dọa Phnom Penh.

Bài báo đặt câu hỏi rằng liệu các nhà lãnh đạo của Việt Nam xứng đáng được [Hoa Kỳ] đón nhận trong khi Campuchia bị Hoa Kỳ giữ khoảng cách?

Xét về các tiêu chí dân chủ và nhân quyền, có lẽ là không, The Economist bình luận và tìm cách giải thích.

Chọn đồng minh


Một số dân biểu Hoa Kỳ ra sức vận động để Washington gây sức ép với Hà Nôi về nhân quyền.

Bài báo dẫn chiếu tại điều họ gọi là “Cuộc bầu cử của Campuchia là không hoàn hảo”, nhưng hầu hết các nhà quan sát nói rằng quá trình tranh cử cởi mở hơn và cạnh tranh hơn so với hai lần trước.

Trong khi đó Đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam, báo này viết, chẳng hề bận tâm tới bầu cử và cũng không chấp nhận bất cứ hình thức cạnh tranh chính trị nào. Trấn áp là chuyện xảy ra như cơm bữa.

“Ở Washington một vài nhà lập pháp Mỹ, được cộng đồng người Mỹ gốc Việt góp giọng, phàn nàn về việc Washington nhẹ tay đối với nhà cầm quyền Hà Nội. Tuy nhiên chẳng ai dường như đang lắng nghe.

“Lý do cho sự khác biệt trong cách đối xử của Washingon với Hà Nội và Phnom Penh được xem là nằm ở chỗ chính quyền ông Obama đã và đang đã chọn Việt Nam như một đồng minh trong chiến lược tái cân bằng về an ninh tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tỏ ra không chịu bị lấn át trước đối thủ mới của Mỹ là Trung Quốc, trong các tranh chấp lãnh hải trong khu vực.

“Hoa Kỳ cũng muốn Việt Nam trở thành nước thành viên của liên minh thương mại tự do mới của họ, TPP, và dường như sẵn sàng bỏ qua cho Hà Nội nhiều thứ để giành được hai mục tiêu địa chiến lược.

“Campuchia, ngược lại, là đồng minh chính của Trung Quốc trong khu vực và sẽ không tham gia TPP trong thời gian ít nhất là trước mắt.

“Chính trị thực dụng, vốn thịnh hành trong những năm 1970, đã trở lại”, bài báo có tựa America, Vietnam and Cambodia, Realpolitik Redux (Tạm dịch là Hoa Kỳ, Việt Nam và Campuchia, sự trở lại của chính trị thực dụng) nhận định.

'Chưa ngã ngũ'

"Tuyên bố Chung sau cuộc họp bàn giữa ông Obama và ông Sang cho thấy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên vẫn là công việc còn đang trong giai đoạn chưa ngã ngũ"
Giáo sư Carl Thayer
Trong khi đó Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, đã có bài lý giải điều ông gọi là "hai khả năng có thể lý giải vì sao Hoa Kỳ và Việt Nam chọn đối tác toàn diện thay vì đối tác chiến lược".

Trước tiên, các cuộc đàm phán bị bế tắc do thực trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tệ đi, cả hai phía cùng kết luận rằng có đồng thuận ở không cao hẳn vẫn tốt hơn là không đạt được thỏa thuận nào.

Lý do thứ hai, theo ông Thayer, là có tin nói phe bảo thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phản đối sử dụng cụm từ “đối tác chiến lược” để mô tả quan hệ giữa nước họ với Hoa Kỳ.

Vậy câu hỏi đặt ra là liệu quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam có nên được coi như đối tác chiến lược, nhưng dưới một tên gọi khác.

Theo nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm từ Học viện Quốc phòng Úc, nếu nhìn kỹ hơn, Tuyên bố Chung sau cuộc họp bàn giữa ông Obama và ông Sang cho thấy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên vẫn là công việc còn đang trong giai đoạn chưa ngã ngũ.

Trước tiên, phần lớn những gì được bao gồm trong Tuyên bố Chung gồm chín điểm chỉ đơn thuần nhắc lại những lĩnh vực và cơ cấu hợp tác đã tồn tại sẵn. Đó là: Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư, Ủy ban Hợp tác Khoa học và Kỹ thuật, Đối thoại Chính sách Quốc phòng, và Đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng.

Tuy nhiên, quan hệ đối tác toàn diện đã tạo ra cơ cấu đối thoại mới về ngoại giao và chính trị giữa Ngoại trưởng Mỹ và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam.
"Thỏa thuận mới này [đối tác toàn diện] giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không đạt được những điểm giống các thỏa thuận đối tác chiến lược chính thức khác [mà Việt Nam ký với các nước] và hiện còn thiếu tầm nhìn chiến lược so với quan hệ đối tác toàn diện của Việt Nam đàm phán với Úc"
Thứ hai, không có bản Kế hoạch Hành động hiện đi kèm thỏa thuận đối tác toàn diện. Thay vào đó, Tuyên bố Chung ghi rằng hai chính phủ sẽ tạo ra cơ chế mới để hợp tác riêng theo chín lĩnh vực: quan hệ chính trị và ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và y tế, các vấn đề hậu quả chiến tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và khuyến khích nhân quyền, và văn hóa, thể thao, và du lịch.

Tựu chung, quan hệ đối tác mới sẽ đẩy mạnh hợp tác đôi bên về các mảng mậu dịchi và kinh tế, trong đó có việc hoàn tất thỏa thuận mậu dịch tự do Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và đặt nền tảng cho các đối thoại cấp bộ giữa hai nước.

Tuy nhiên, giáo sư Thayer kết luận rằng, thỏa thuận mới này [đối tác toàn diện] giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không đạt được những điểm giống các thỏa thuận đối tác chiến lược chính thức khác [mà Việt Nam ký với các nước] và hiện còn thiếu tầm nhìn chiến lược so với quan hệ đối tác toàn diện của Việt Nam đàm phán với Úc

Câu chuyện về sự đón tiếp của ông Obama với Chủ tịch Việt Nam tiếp tục là đề tài bàn luận, kể cả ở châu Á.

Báo Taipei Timeshôm 1/8 có bài trích bình luận của US Today nói Tổng thống Mã Anh Cửu của Đài Loan, nước đồng minh của Mỹ, đã không được Nhà Trắng đón tiếp long trọng bằng ông Trương Tấn Sang.
(BBC)
 

RSF lên án nghị định 72 về quản lý báo chí mạng của Việt Nam



Hôm nay, 02/08/2013, Tổ chức phóng viên không biên giới RSF- có trụ sở tại Pháp – ra thông cáo lên án một nghị định của chính phủ Việt Nam về quản lý báo chí và các phương tiện truyền thông mạng, trong đó các trang blog cá nhân và các mạng xã hội.

Sau khi nghị định này được công bố, trong giới blogger ở Việt Nam xuất hiện nhiều lo ngại là quyền tự do ngôn luận sẽ chính quyền sử dụng quy định mới này để hạn chế, thậm chí triệt tiêu và mở đường cho các đàn áp nhắm với những người có quan điểm khác với Nhà nước.

Nghị định 72 của chính phủ Việt Nam, có tên đầy đủ là Nghị định về « Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng », được coi là đã ban hành từ ngày 15/07, được đại diện chính phủ giới thiệu trong cuộc họp báo ngày 31/07, và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01/09/2013.

RSF tuyên bố : « Sự ra đời của nghị định này không hơn không kém là cuộc tấn công tàn khốc nhất nhắm vào quyền tự do thông tin, kể từ khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt nghị định cho phép trừng phạt các phương tiện truyền thông năm 2011. Nếu văn bản pháp lý này có hiệu lực, các công dân Việt Nam sẽ bị tước đi hoàn toàn quyền thông tin độc lập và chỉ trích, hiện nay đang diễn ra bình thường trên các blog và diễn đàn trên mạng ».

RSF giải thích : « Việc áp dụng nghị định này sẽ dẫn đến việc các cơ quan chính quyền tiến hành các kiểm soát toàn diện và liên tục trên mạng ».

RSF dẫn (nghị định của) thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, theo đó các blog và các mạng xã hội, sẽ chỉ còn có quyền « cung cấp và trao đổi các thông tin mang tính cá nhân ». Mà, “các blog và các mạng xã hội, vốn là nơi chuyển tải các nguồn thông tin quan trọng đối với cộng đồng mạng, và là một phương tiện hiệu quả để chống lại kiểm duyệt”.

Tổ chức phóng viên không biên giới « yêu cầu toàn thể cộng đồng quốc tế lên án một cách nghiêm khắc Việt Nam, nếu chính quyền Việt Nam thực thi nghị định 72. (…) Việc loại Việt Nam ra khỏi các đàm phán liên quan đến thỏa thuận mậu dịch xuyên Thái Bình Dương – TPP – cũng sẽ được tính đến một cách nghiêm túc ». RSF khẳng định : « Phải làm mọi việc để ngăn chặn sự ra đời của một ‘‘lỗ đen’’ thông tin mới ».

Nghị định 72, ngay sau khi được công bố đã gây ra nhiều phản ứng dữ dội và đa chiều trong giới blogger ở Việt Nam. Một blogger có bài viết với câu hỏi : “Nghị định 72 có ‘còng’ được tay cư dân Facebook ?”… Một trong các lo ngại lớn nhất của giới blogger tập trung xung quanh nghi vấn Nghị định 72 cấm các trang mạng cá nhân cung cấp “thông tin tổng hợp”, mà ẩn đằng sau khái niệm này có thể là một chủ trương triệt tiêu quyền tự do lưu truyền thông tin trên mạng. Theo blogger Nguyễn Văn Phú, khái niệm “thông tin tổng hợp” được định nghĩa trong mục 19 điều 3 chương 1 của nghị định, là “mơ hồ, dễ gây tranh cãi”.

Hôm qua, 01/08/2013, trả lời báo giới, Cục trưởng Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Hoàng Vĩnh Bảo, tuyên bố : “Việc đăng tải nguyên văn những thông tin từ báo chí, trang tin điện tử khác, trang tin điện tử cá nhân không được làm. Tuy nhiên, việc trích dẫn một đoạn hoặc viết lời bình luận rồi dẫn đường link để chỉ về trang gốc thì Nghị định 72 không cấm.” (theo bài « Bộ TT&TT: "Không cấm trang tin điện tử cá nhân chia sẻ thông tin" », Infonet – Báo điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông). Theo ông Bảo, cũng như một số giới chức ngành truyền thông Việt Nam, thì một trong các mục tiêu của nghị định này là nhằm chống lại nạn “vi phạm bản quyền đang nóng hiện nay”.

Các giải thích của Bộ Thông tin và Truyền thông dường như vẫn không làm yên lòng giới blogger và cư dân mạng tại Việt Nam, sau một loạt các vụ bắt bớ nhắm vào các blogger mới đây, cùng với không khí đe dọa trấn áp bao trùm, khi nặng, khi nhẹ. Chỉ riêng trong tháng 6/2013, đã có 3 blogger, trong đó có hai người nổi tiếng, là nhà văn Phạm Viết Đào và nhà báo Trương Duy Nhất bị bắt (người thứ ba là anh Đinh Nhật Uy), vì bị cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước”. Tại Việt Nam, báo chí và truyền thanh, truyền hình nằm hoàn toàn trong tay Nhà nước. Tổ chức phóng viên không biên giới xếp Việt Nam vào hạng thứ 172 trên 179 quốc gia trong bảng xếp hạng mới đây về tự do báo chí.
Trọng Thành (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét