Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

HOT - BÀI VIẾT NÊN ĐỌC

Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH: 'Không thể vượt lên với vòng kim cô quanh đầu'

"Chúng ta không thể vượt lên phía trước với chiếc vòng kim cô ở quanh đầu và tấm mai rùa ở trên lưng. Sửa đổi Hiến pháp vì vậy là cơ hội rất quan trọng để thiết kế tương lai", TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH nói về cơ hội vàng của năm 2013.
Năm 2013 là thời điểm diễn ra một sinh hoạt chính trị lớn - toàn dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp. Theo ông, việc này có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào với cả dân tộc?
-  Việc này rất quan trọng.
Trước hết, dân tộc ta đang bước vào một thời kỳ phát triển mới. Đây là thời kỳ của hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu. Không có những cải cách sâu rộng trong mọi mặt của đời sống xã hội, chúng ta không thể thành công. 

TS Nguyễn Sĩ Dũng (giữa): Những rào cản và trói buộc không đáng có cần phải được tháo dỡ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đã hội nhập thì chúng ta phải chấp nhận các chuẩn mực của quốc tế. Đã cạnh tranh thì phải giải phóng được mọi tiềm năng của mình. Những rào cản và những trói buộc không đáng có cần phải được tháo dỡ. Rõ ràng, chúng ta không thể vượt lên phía trước với chiếc vòng kim cô ở quanh đầu và tấm mai rùa ở trên lưng. Sửa đổi Hiến pháp vì vậy là cơ hội rất quan trọng để thiết kế tương lai. 
 
Đây cũng cơ là hội rất quan trọng để thực hành dân chủ. Dân chủ là việc chính sách, pháp luật được hình thành trên cơ sở ý chí của đa số. Chính kiến xã hội được hình thành trên cơ sở tranh luận xã hội. Việc thảo luận và đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ giúp hình thành hàng loạt chính kiến của chúng ta về những vấn đề hệ trọng nhất của luật hiến pháp, đồng thời cũng giúp hoạt động lập hiến phản ánh được ý nguyện của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Quyền lập hiến
 
Vai trò của người dân đối với bản Hiến pháp sửa đổi cần được thể hiện như thế nào? Liệu có nên chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến đóng góp vào bản dự thảo sửa đổi hay mở rộng đến quyền của dân được phúc quyết Hiến pháp?
- Theo tôi, ở đây người dân không chỉ có vai trò, mà lớn hơn rất nhiều là có chủ quyền.
Chủ quyền nhân dân trước hết thể hiện ở quyền lập hiến của nhân dân. Quyền lập hiến của nhân dân trước hết thể hiện ở quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân. Khi mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, thì mọi quyền lực đều chỉ hợp pháp khi được nhân dân phân chia. Chính vì vậy, bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân là bảo đảm tính chính danh của toàn bộ hệ thống quyền lực nhà nước.
Hiến pháp còn được coi là một bản kế ước xã hội. Đây là sự cam kết của tất cả mọi công dân đất Việt về hệ thống giá trị mà chúng ta theo đuổi, về những nguyên tắc tổ chức đời sống xã hội mà chúng ta tuân thủ, về việc phân chia quyền lực mà chúng ta tôn trọng… Không được toàn thể nhân dân thông qua thì làm sao Hiến pháp có thể trở thành một bản kế ước xã hội được.
Thực ra, Hiến pháp năm 1992 không quy định về việc sửa đổi Hiến pháp thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết. Tuy nhiên, điều này không cản trở việc Quốc hội đưa dự thảo sửa đổi Hiến pháp ra toàn dân phúc quyết. Bởi vì quyền lập hiến là quyền tự nhiên của nhân dân, chứ không phải là một quyền hiến định.

Như ông từng viết trong một tờ tạp chí mới đây, theo tinh thần Hiến pháp năm 1946, hầu hết các quyền của người dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm. Hiến pháp không đặt vấn đề Nhà nước bảo đảm các quyền đó, mà ghi nhận các quyền đó như những quyền đương nhiên do tạo hóa ban cho. Tinh thần này có được kế thừa ở các bản Hiến pháp sau đó và đặc biệt bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này không?

- Tinh thần này thể hiện rõ hơn ở bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta phải xác định được quyền lập hiến thuộc về ai.
Nếu Hiến pháp là văn bản của Nhà nước, thì nói Nhà nước bảo đảm các quyền con người chỉ là tuyên ngôn của Nhà nước. Nếu Hiến pháp là văn bản của nhân dân (được nhân dân thông qua, hoặc phúc quyết), thì nói Nhà nước bảo đảm quyền con người là nhiệm vụ được giao cho Nhà nước. Cũng là việc Nhà nước bảo đảm quyền con người cả, nhưng trường hợp đầu là thiện chí của Nhà nước, trường hợp sau là trách nhiệm của Nhà nước.
Cơ hội vàng không thể bỏ qua

Liên hệ với những bài học lịch sử, trong những lần sửa đổi Hiến pháp trước đó người dân có được tham gia hay không và có vai trò như thế nào? Người dân đã được tạo điều kiện để hưởng quyền và thể hiện nghĩa vụ là một người chủ đích thực của đất nước hay chưa?

- Trong các lần sửa đổi Hiến pháp mà tôi được biết, thì người dân đều được tham gia đóng góp ý kiến. Cơ quan soạn thảo và Ủy ban sửa đổi Hiến pháp cũng đã cố gắng tiếp thu ý kiến của nhân dân. 
 
Tuy nhiên, vấn đề quyền phúc quyết của nhân dân chưa bao giờ được đặt ra mạnh mẽ như lần này. Tôi cho rằng chủ nghĩa lập hiến và tư tưởng pháp quyền đã có bước phát triển rất vượt bậc trong đời sống của xã hội chúng ta.

Cả nước đang bàn chuyện sửa Hiến pháp trong bối cảnh kinh tế Việt Nam năm 2012 vừa kết thúc bằng những con số không vui và chứng kiến nhiều khó khăn còn kéo dài. Theo dự báo, những tín hiệu không mấy sáng sủa của nền kinh tế sẽ còn tiếp tục diễn ra trong năm 2013 nếu không có những biện pháp từ tầm vĩ mô. Nếu để gửi một thông điệp năm mới trong bối cảnh như vậy, ông sẽ nói gì?

- Muốn có bước phát triến mới chúng ta phải có thêm động lực. Cải cách hiến pháp có thể mang lại nguồn động lực đó. Sửa đổi Hiến pháp lần này vì vậy chính là cơ hội vàng không thể bỏ qua.
Lê Nhung (VNN)

HẬU HỌA “GIẢI PHÁP ĐỎ” CỦA NGUYỄN VĂN LINH

Buivanbong
 
Hội nghị Thành Đô, 2-9- 1990
 * MINH DIỆN
              Ông Võ Trần Chí, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, nói Nguyễn Văn Linh là người “Lội ngược dòng  lịch sử !”. Ông Nguyễn Văn Linh cho rằng bản thân mình từng “Lên bờ xuống ruộng!”.  Nguyễn Văn Linh còn là người “bước lỡ nhịp” và tên tuổi ông được gắn với một khái niệm đầy tai tiếng là  “Giải pháp đỏ”.
Trong tiểu sử Nguyễn Văn Linh, ghi tên thật của ông là Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc), sinh ngày 1-7-1915, tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ngày 1-5-1930, ông bị thực dân Pháp kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo.
              Hình như có sự nhầm lẫn năm sinh, hoặc năm ông bị bắt đi tù, bởi điều luật của nước Pháp không xử tù tuổi vị thành niên. Ví dụ ông Nguyễn Hữu Đang, sinh năm 1913, hoạt động trong tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, bị bắt 1930, năm 1931, khi ra tòa đã 17 tuổi, vẫn được tha bổng vì còn vị thành niên. Nguyễn Văn Linh khi ra tòa mới 14 tuổi 10 tháng, mà bị xử tù chung thân thì vô lý?
                Trong tiểu sử cùa Nguyễn Văn Linh, không ghi ông học ở trường nào, trình độ văn hóa ra sao, hầu như cả cuộc đời ông dấn thân hoạt động cách mạng, vào tù ra tội, gắn bó với phong trào quần chúng, ở những nơi ác liệt.
             Từ năm 1957 đến năm 1960, Nguyễn Văn Linh đã từng làm Bí  thư đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Năm 1960, tại Đại hội Đảng lần thứ III, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, làm Bí thư (1961-1964), rồi Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Hình như từ những năm tháng đó,  Nguyễn Văn Linh đã “lên bờ xuống ruộng” rồi.
 
               Ngày  10-4-1975, tại Trung ương cục miền Nam, Lê Đức Thọ, từ Hà Nội vào công bố quyết định thành lập Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, trao quyết định Bí thư đặc khu Sài Gòn-Gia Định cho Võ Văn Kiệt, Lê Đức Thọ lảm Phó bí thư. Nguyễn Văn Linh không còn là Phó bí thư nữa, mà chỉ phụ trách mảng phong trào nổi dậy.
             Cũng như các lần thay đổi trước, tổ chức không nêu ra lý do, và Nguyễn Văn Linh cũng không băn khoăn, ông chấp hành sự phân công một cách bình thản. Ông Võ Văn Kiệt và Võ Trần Chí cho rằng, đó là một trong những phẩm chất đặc biệt của Nguyễn Văn Linh.
              Năm 1976, Nguyễn Văn Linh lại được làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt làm Phó bí thư, kiêm Chủ tịch Ủy ban nhận dân thành phố. Chưa đầy một năm, ngày 20 – 12-1976, tại Đại hội đảng Toàn quốc lần thứ IV, Nguyễn Văn Linh được bầu tiếp vào Uỷ viên Trung ương đảng, Uỷ viên Bộ chính trị, và Ban bí thư Trung ương, nhưng  phải nhường chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cho ông Võ Văn Kiệt, Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị. Nguyễn Văn Linh được phân công làm Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa, Trưởng ban Dân vận Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN, và Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam.  Ba cái ghế ấy không thể so sánh với  cái ghế Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
                 Mặc dù ở vị trí hữu danh vô thực như vậy, Nguyễn Văn Linh vẫn chưa được yên. Ông Lê Duẩn cho rằng Nguyễn Văn Linh quá nhẹ tay trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, nhẽ ra  phải xóa bỏ triệt để tư sản lại kêu gọi họ tự cải tạo, hòa nhập vào xã hội mới, đem tài lực góp phần xây dựng đất nước. Có lần Nguyễn Văn Linh nói với tôi và Đình Khuyến, Trưởng cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh: “Anh Ba, cũng như chúng tôi đã từng được những nhà tư sản Sài Gòn cưu mang trong thời kỳ hoạt động bí mật, bây giờ biến họ thành nạn nhân sao đành!”.
                  Ý thức “đền ơn đáp nghĩa” của Nguyễn Văn Linh bị Đỗ Mười cho là hữu khuynh, không  “không Bôn – sê – vích”.  Đã sảy ra những  cuộc  tranh luận căng thẳng giữa Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt và Đỗ Mười. Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt bảo vệ quan điểm cải tạo từng bước, phân biệt đối tượng cụ thể, tận dụng kinh nghiệm thương trường cùa giới công thương chế độ cũ, đặc biệt đối với những người có công với cách mạng để xây dựng và phát triển thành phố.  Đỗ Mười  bảo vệ quan điểm của Lê Duẩn, phải xóa sạch tư sản. Kết quả, đầu năm 1978, Nguyễn Văn Linh mất chức Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa.
                Cũng trong thời gian đó, có người bới lại chuyện Nguyễn Văn Linh sang Campuchia tháng 6-1975, đi suốt 200 km, qua ba 3 tỉnh mà không phát hiện ra những thay đổi bất thường của Khmer đỏ, để  sảy ra những biến cố bất ngờ!
                Đó là thời kỳ bĩ cực nhất của Nguyễn Văn Linh.
                Ông đã xin rút ra khỏi Bộ chính trị vào cuối nhiệm kỳ.
                Vốn là người hết sức trầm tĩnh, kín đáo, nhưng Nguyễn Văn Linh đã  tâm sự với Võ Trần Chí : “Bởi vì mình thấy các anh ấy không muốn mình ở đó nên xin rút!”.
                 Đỗ Mười mang tinh thần “Bôn – sê – vích” và  “bàn tay sắt” vào miền Nam đánh tư sản. Ông ta thực hiện y trang  như những gì mình từng làm ở Hải Phòng năm 1955, Hà Nội 1960,  xóa sạch tàn dư tư bản chủ nghĩa, đề  xây đựng nền kinh tế xã hội, với tham vọng 15 năm sau theo kịp Nhật Bản, như Tổng bí thư Lê Duẩn tuyên bố ngày 2-7-1976, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI.
                  Thực tế ngược lại hoàn toàn với tham vọng ngông cuống và siêu thực đó. Sau cải tạo thành phố Hồ Chí Minh  kiệt quệ, các nhà máy xí nghiệp không có nguyên liệu sản xuất phải đóng cửa, hàng triệu công nhân thất nghiệp, hệ thống giao thông vận tải ngưng trệ, lưu thông phâm phối tắc nghẽn, chợ búa gần như ngừng hoạt động, đời sống của cán bộ nhân dân cùng cực. Tài liệu chính của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh lúc đó công bố “Kế hoạch năm năm không đạt, tăng trưởng âm, lạm phát phi mã, gần ba triệu dân thành phố thiếu đói”.
                    Đỗ Mười đã đẩy Sài Gòn “tiến” kịp Hà Nội, biến “Hòn ngọc Viễn Đông” thành “Hòn than bùn xó bếp” như cách nói cùa nhà báo Ba Dân lúc đó. Thật mỉa mai khi các nhà khoa học nổi tiếng như Chu Phạm Ngọc Sơn, Châu Tâm Luân, được động viên nghiên cứu những công trình khoa học như “Bo bo giàu dinh dưỡng hơn gạo”,  “Khoai lang bổ hơn bột mì”, “Thành phần đạm trong rau muống”…
                    Trước kia Hà Nội có thơ  “Gia công gai quy, lộn cổ sơ mi, bơm ruột bút bi, vá ni lon rách”, bây giờ Sài Gòn cũng nổi tiếng không kém với  “Nuôi lợn trên gác, phục hồi bu gi, gia công cán mì, tái chế dép xốp!”.
                  Trong cái thế gần chạm đáy kiệt quệ ấy, Nguyễn Văn Linh được tái bổ nhiệm Bí thư Thành ủy, thay Võ Văn Kiệt ra Trung ương làm Chủ nhiêm Ủy ban Kế hoạch nhà nước.
                  Phải nói, nếu hơn mười năm trước Kim Ngọc,  Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú đã dũng cảm tìm lối thoát cho nông dân bằng biện pháp “khoán chui”, thì những năm 1980-1981, Nguyễn Văn Linh đã cứu công nhân và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh bằng   “xé rào” thoát ra khỏi cơ chế quan liêu bao cấp.
 
Hiệu quả lãnh đạo Thời kỳ đầu Đổi mới
đã đưa Nguyễn Văn Linh lên tem bưu điện,
nhưng rồi…
                Nguyễn Văn Linh đã tập hợp chung quanh mình một đội ngũ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có khả năng móc nối với tư bản nước ngoài để phá thế bị bao vây cô lập. Những công ty Cholimex, Dereximco, Imexco lần lượt ra đời, trực tiếp làm ăn với một số công ty Hồng Kong, Đài Loan, như Globai, Thai Hing Long, nhập khẩu sợi dêt, xăng dầu, thuốc lá, men bia, xuất khẩu đậu phộng, vừng, tôm khô, mực khô. Thực hiện việc trao đổi hàng hóa, khoán sản phẩm, mua nguyên liệu bán sản phẩm v,v.
                Nhờ việc xé rào này, 20.000 công nhân ngành dệt có việc làm, ngành giao thông vận tải có xăng dầu hoạt động, và bộ mặt Sài Gòn khởi sắc trở lại.
                Cũng như “khoán chui” của Kim Ngọc, việc “xé rào” cùa Nguyễn Văn Linh lọt tới “thiên đình” và cuồng phong nổi lên,  bắt đầu bằng cuộc ra quân của Bộ Tài chính.
                 Ngày 12- 3- 1982, đoàn thanh tra 28 thành viên từ Hà Nội hùng hổ tiến vào Công ty Direximco, tuyên bố nội bất xuất, ngoại bất nhập. Hơn ba tháng liên tục, moi móc hết 50 mặt hàng và  đến từng đơn vị làm ăn với Dereximco, kiểm tra từng tờ hóa đơn. Ngày 25-6- 1983, Đoàn thanh tra kết luận việc xé rào của thành phố Hồ Chí  Minh vi phạm nghiêm trọng chủ trương đường lối của đàng, chính phủ, chỉ có  1 công  nhưng 7 tội, cần phải xử lý nghiêm khắc. Ông Đỗ Mười  lên tiếng: “Làm bí thư Thành ủy mà để xảy ra như thế sao không từ chức!”.
                May cho Nguyễn Văn Linh, lần này Lê Duẩn không vội nghe theo Đỗ Mười.
                Tháng 3-1983, khi Lê Duẩn sang Liên Xô chữa bệnh, các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công vào Đà Lạt nghỉ mát. Tranh thủ điều kiện thuận lợi, Nguyễn Văn Linh, Mai Chí Thọ và các lãnh đạo chủ chốt của thành phố Hồ Chí Minh  khéo léo tổ chức “Hội nghị Đà Lạt” thành công.
               Nguyễn Văn Linh bố trí một số giám đốc nhà máy, xí nghiệp làm ăn được nhờ xé rào như Nguyễn Thị Đồng, nhà máy đệt Thành Công, Bùi Văn Long, Tổng công ty dệt may, Nguyễn Văn Thụy, Công ty thuốc lá, lên Đà Lạt trực tiếp gặp ba nhà lãnh đạo đảng, nhà nước.
              Tôi còn nhớ  buổi sáng hôm ấy ở khách sạn Palass, ông Nguyễn Văn Linh nói với bà Nguyễn Thị  Đồng và  Bùi Văn Long: “Phải khéo léo thuyết phục các anh! Mời bằng được anh Năm xuống thăm cơ sở thì mới thấy hết cái việc mình làm!”.
                     Bà Nguyễn Thị Đồng với giọng nói rổn rảng,  không biết ngán ai bao giờ, bởi gia đình bà có tới hơn 10 người là bộ đội, thương binh, liệt sỹ.  Bà nói với ông Trường Chinh: “Anh hãy xuống nhà máy gặp công nhân, người ta vừa mới sống lại đấy. Rồi anh để họ sống thì để bóp chết thì bóp!?
                  Trước thái độ cương trực của bà Đồng, ông Trường Chinh đã phải mỉm cười gật đầu, thực hiện một chuyến đi thực tế ý nghĩa nhất, và đó là tiền đề cho sự thay đổi tư duy, từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường của ông.
                  Đại hội đảng toàn quốc lần VI, với bài diễn văn đúc kết từ thực tế  “xé rào” ở thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Linh đã nhận được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số đại biểu, ông trở thành Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam. Có lẽ đây là một trường hợp hãn hữu, một người được bầu làm Tổng bí thư của đảng, nhận được sự đồng thuận của dân.
                   Sau đại hội đảng VI, Nguyễn Văn Linh đã tiến hành nhiều cải cách quan trong. Ông chọn  khâu  lưu thông phân phối làm đột phá khẩu  đổi mới.  Ông nói: “Giải quyết  vấn đề phân phối lưu thông vì nó là cái gốc liên quan đến quá trình sản xuất, tới  tổng thề  cơ chế quản lý nền kinh tế quốc dân”.
                  Những chính sách nổi bật trong thời kỳ này là: Tách tài chính ra khỏi ngân hàng. Lập kho bạc nhà nước. Bơm tiền lưu thông. Xóa bỏ ngăn sông cấm chợ. Lấy khoán 100 làm cơ sở khoán 10, giao quyền tự chủ cho nông dân.
                    Chỉ trong một thời gian ngắn đã kéo lạm phát từ 240% xuống 61%. Từ chỗ cả nước không đạt 21 triệu tấn lương thực, phải nhập mỗi năm 500.000 tấn lương thực, năm 1989 đã dư 1 triệu tấn gạo.
                  Về đối ngoại, Nguyễn Văn Linh muốn phá thế bao vây của các nước phương Tây và Trung Quốc. Tại hội nghị Bộ chính trị ngày 20 -5 -1988, đã ra Nghị quyết 13 về điều chỉnh đường lối đối ngoại, theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, giữ môi trường hòa bình, phát triển kinh tế. Trả lời phòng vấn trên tờ Thời báo New Yok, Nguyễn Văn Linh nói về mối quan hệ với Mỹ: “Việt Nam luôn luôn muốn có quan hệ với nhân dân và chính phủ Mỹ. Chiến tranh kết thúc 15 năm rồi mà chưa có quan hệ bình thường là quá chậm. Việt Nam sẵn sàng giải quyết mọi trở ngại trên con đường bình thường hóa quan hệ với Mỹ”. 
                   Ngoài việc đổi mới về kinh tế, và đổi mới về đối ngoại, Nguyễn Văn Linh còn đổi mới về văn hóa xã hội, dân sinh, dân chủ. Chủ trương cởi trói cho văn nghệ sĩ nói riêng, trí thức nói chung, ông  đã  vén  bức màn đen tối, minh oan cho những nạn nhân bị oan ức, đọa đày trong vụ “Nhân văn giai phẩm” và đã khích lệ giới cầm bút viết những tác phẩm chân thực.
                  Ngày 25- 5-1987, Nguyễn Văn Linh  cho ra đời mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân dân, từ đó những bài viết của ông ký bút danh NVL liên tục xuất hiện trên mặt báo. Ông nói: “Chống tiêu cực là đã thành nhiệm vụ quan trọng, dọn đường cho việc thực hiện Nghị quyết đại hội VI, và các Nghị quyết của đảng, nhằm đưa nước nhà ra khỏi khó khăn đến ổn định tình hình mọi mặt, làm dân bớt khổ”. Ông yêu cầu: “Nhà báo phải có tấm lòng cương trực, yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi, ghét kẻ làm xấu để lên án”. Nguyễn Văn Linh xác định lấy báo chí làm vũ khí, nhà báo là lực lượng nòng cốt chống tiêu cực tham những. Ông nói đánh giặc ngoại xâm chủ yếu bằng súng đạn, đánh giặc nội xâm phải dùng vũ khí ngôn luận.  Báo chí  là sức mạnh, là thứ  bọn tiêu cực sợ nhất!”, Nguyễn Văn Linh chỉ thị tất cà các cơ quan đảng, chính quyền phải trả lời chất vấn cùa báo chí, phải xử  thật nghiêm những trường hợp tham nhũng, ăn hối lộ, ức hiếp dân mà báo chí đã nêu. Nhiều vụ án tưởng đã chìm vào quên lãng đã được đưa ra xét xử.
            Ông thường xuyên gặp gỡ anh em làm báo, ngoài hành lang các hội nghị, hoặc kêu tới nhà ông uống cà phê, ăn sáng nói chuyện. Ông không phân biệt báo lớn, báo nhỏ, báo đảng báo đoàn thể, nhưng rất coi trọng những nhà báo viết bài trung thực, có sức lan tỏa. Khi gặp  chúng tôi, ông thường hỏi: “Dân đang nghĩ gì, đang làm gì, và cần gì?”. Khi chúng tôi nói cho ông nghe những bức xúc của dân ông hỏi: “Nếu dân nghĩ vậy thì mình làm sao?”.
               Nguyễn Văn Linh tỏ thái độ đồng tình với Trần Xuân Bách về cơ chế dân chủ và đổi mới chính trị. Có lần ông nói với anh em báo chí: “Anh Trần Xuân Bách nói rất đúng. Dân chủ  không phải là ban ơn, là mở rộng dân chủ, mà đó là quyền của dân với tư cách người làm chủ lịch sử, không phải là ban phát, do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Dân chủ là khởi động trí tuệ dân để tháo gỡ khó khăn đưa đất nước theo kịp thời đại!” .
                 Nửa đầu của nhiệm kỳ Tổng bí thư, Nguyễn Văn Linh là một con người như vậy. Đất nước đổi mới từng ngày, nhà cừa mọc lên khang trang, nụ cười xuất hiện trên môi người, Việt kiều về quê rất đông, và hầu như không có những vụ khiếu kiện tập thể…Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam xóa quan liêu bao cấp, thực hiện đổi mới và mở rộng quan hệ đối ngoại, nhất là với Mỹ và phương Tây, đã làm Trung Quốc rất khó chịu, tìm cách phá ngang.
Gần cuối nhiệm kỳ, Nguyễn Văn Linh bị Trung Quốc cài bẫy. Trong bài  này, sự tác động do Liên Xô, Đông Âu sụp đổ và vai trò của Đỗ Mười thế nào chưa bàn đến. Nhưng đó là nguyên nhân chính đã làm cho Nguyễn Văn Linh thay đổi hẳn quan điểm, dẫn tới dân-nước và bạn bè quốc tế bị bất ngờ và thất vọng.
               Có thể nói cái mốc ấy bắt đầu từ Hội nghị Thành Đô, Trung Quốc từ 3 đến 5-1990 đến bây giờ, dù những người tư liệu còn hạn chế, nhưng nhìn lại một cách khách quan, vẫn vừa tiếc, vừa buồn, vừa trách Nguyễn Văn Linh.
 
Với Hội nghị Thành Đô, Việt Nam như bị Trung Quốc…nướng
               Theo ông Trần Quang Cơ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ngày 29-8-1990, đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy, gặp Nguyễn Văn Linh ở Hà Nội, chuyển thông điệp của Giang Trạch Dân, Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc,  và Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, mời Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng sang Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) ngày 30-8-1990 để hội đàm bí mật về vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hòa quan hệ hai nước.
                Trương Đức Duy nói mập mờ rằng, Đặng Tiểu Bình có thể gặp Phạm Văn Đồng, và lấy cớ Bắc Kinh đang tổ chức Á vận hội ASIAD, sợ lộ bí mật nên phải gặp nhau ở Thành Đô.
                Đây là chuyện rất đột ngột, bởi mới 5 ngày trước, Trung Quốc khăng khăng không muốn bàn chuyện bình thường hóa, mà đòi phải giải quyết vấn đề Campuchia trước, tại sao bây giờ họ lại  bàn vấn đề bình thường hóa?
                 Ông Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Ngoại giao nhận định: Sự thay đổi đột ngột của Trung Quốc là do họ cần thực hiện 4 hiện đại hóa, nhưng bị Mỹ, Nhật, Liên Xô và các nước cấm vận sau vụ đàn áp Thiên An Môn, nên phải tìm cách thoát ra.
                  Bên cạnh đó, Trung Quốc thấy Mỹ, Nhật, đặc biệt là các nước trong khối ASEAN, tỏ thái độ thân thiện với  Việt Nam, nên muốn phá ta.
                     Quan điểm của Nguyễn Văn Linh lại khác.
                  Ông triệu tập họp Bộ chính trị và nếu ý kiến: “Tranh thủ Trung Quốc, hợp tác với Trung Quốc, để bảo vệ Xã hội chủ nghĩa” (!?).
                  Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu, đặc biệt là Rumani mà Nguyễn Văn Linh vừa thăm đã tác động rất lớn tới ông, lảm cho ông mất bình tĩnh.
                   Mặc dù Nguyễn Cơ Thạch,  Võ Chí Công, Trần Xuân Bách can ngăn, nhưng Nguyễn Văn Linh không nghe, vẫn giữ quan điểm: “Hợp tác với Trung Quốc, bảo vệ XHCN chống đế quốc!”. Quan điểm của Nguyễn Văn Linh được Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Đào Duy Tùng… ủng hộ.
                  Và thế là, ngày 2-9-1990, dù đang kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 45 năm, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng vẫn đi Thành Đô, với sự tháp tùng của Hồng Hà, Chánh văn phòng Trung ương đảng và Hoàng Bích Sơn, Thứ trưởng ngoại giao. Nguyễn Văn Linh không cho Nguyễn Cơ Thạch đi, vì Nguyễn Cơ Thạch không đồng quan điểm, Trung Quốc không thích Nguyễn Cơ Thạch.
               Theo Trần Quang Cơ, Trung Quốc đã đánh lửa Việt Nam một cách trắng trợn. Họ nói Đặng Tiểu  Bình sẽ  gặp Phạm Văn Đồng nhưng Đặng không xuất hiện. Ông Võ Văn Kiệt nói: “Nhẽ ra anh Tô không nên đi!”. Mà Đặng Tiểu Bình là gì mà chính Phạm Văn Đồng cũng muốn gặp để rồi bị dính chùm trong vụ tham dự Hội nghị Thành Đô? Tù đó Trung Quốc thêm vinh danh và đạt được ý đồ thâm hiểm lâu dài là kìm hãm, phá ngang đường lối đổi mới và kéo Việt Nam đi theo quỹ đạo của Trung Quốc. Cũng từ quan điểm đưa ra đầy thỏa hiệp Trung-Việt này mà cái ‘bào thai’ đẻ ra con ngáo ộp “Diễn biến hòa bình” và sau này củ cà rốt đỏ chót “16 chữ vàng”, “4 tốt”  trở thành vòng kim cô thít chặt Việt Nam…
                Vấn đề Campuchia, Trung Quốc vẫn giữ thái độ như  ngày 24-8-1990, đòi cấu trúc thành phần chính phủ hòa hợp dân tộc Campuchia theo công thức: 6 +2+2+2+1 (6 người phe chính phủ Hun sen , 2 người phe Khmer đỏ, 2 người phe Hoàng gia, 2 người phe đảng dân chủ, và Siha Nouk). Điều này hoàn toàn trái với công thức: 6 +2 +2 +2 mà Hun Sen và Siha Nouk đã thỏa thuận tại Tokyo.
              Ông Trần Quang Cơ  viết: “Hội nghị Thành Đô có 8 điểm, hai điểm về quốc tế, 5 điểm về Campuchia, chỉ có một điểm về Việt Nam. Nguyễn Văn Linh nêu ‘Giải pháp Đỏ’, Trung Quốc hoan nghênh nhưng không mặn mà !”.
             Cái gọi là “Giải pháp Đỏ” của Nguyễn Văn Linh là “Kéo Trung Quốc lại, thay thế Liên Xô, làm chỗ dựa vũng chắc bảo vệ phe Xã hội chủ nghĩa!”. Nguyễn Văn Linh mê muội phe chủ nghĩa xã hội, tìm mọi cách bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa, quên quyền lợi và danh dự của dân tộc mình và  làm mất niềm tin của bạn bè !
               Khi Trung Quốc đưa công thức 6+2+2+2+2+1 ra, ông Phạm Văn Đồng nhắc Nguyễn Văn Linh thận trọng. Phía Trung Quốc liền mời Phạm Văn Đồng ra chỗ khác để Nguyễn Văn Linh ký. Ông Phạm Văn Đồng đã thấy nguy, nhắc Nguyễn Văn Linh sửa sai, nhưng Nguyễn Văn Linh nói: “Không sao đâu!”.
 
                Từ Thành Đô về, Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh sang Campuchia gặp Hengsomrin và Hunsen trao đổi về Hội nghị Thành Đô. Nhưng Campuchia không chấp nhận công thức ấy và nói thẳng Việt Nam, Trung Quốc không có quyền can thiệp vào Campuchia. Xương máu cùa hàng  ngàn  cán bộ chiến sĩ quân đội ta đổ  trên chiến trường Campuchia đã bị  Nguyễn Văn Linh bán rẻ cho Trung Quốc!
               Trung Quốc nói giữ bí mật Hội nghị Thành Đô nhưng chính họ thông báo cho thế giới biết toàn bộ nội dung cuộc “họp bí mật” đó. Tờ Bangkok Post và tờ Tạp chí kinh tế Viễn Đông, ngày 4-10-1990, đăng bài bình luận “Củ cà rốt và chiếc gậy” nói Việt Nam đã nhượng bộ nhiều hơn làm vừa lòng Trung Quốc.
             Nguyễn Văn Linh đã thất bại trong sách lược “Giải pháp Đỏ”, bị Trung Quốc tách ra khỏi các mối quan hệ với phương Tây với nhiều mở hướng tốt đẹp cho sự nghiệp đổi mới, chỉ vì nghe Trung Quốc xúi cho bùi tai là làm thành trì bảo vệ Xã hội chủ nghĩa. Nói đúng hơn Nguyễn Văn Linh đã bị Trung Quốc lừa một vố đau.
              Theo ông Trần Quang Cơ: “Sở dĩ ta bị mắc lừa ở Thành Đô vì chính ta lừa ta! Ta ảo tưởng Trung Quốc giương cao ngọn cờ Xã hội chủ nghĩa, thay thế Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và XHCN thế giới, chống lại hiểm họa “Diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Sai lầm đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô cũng như sai lầm “Giải pháp Đỏ”.
              Ông Nguyễn Cơ Thạch nói: “Trung Quốc đã sử dụng Hội nghị Thành Đô để phá mối quan hệ Việt Nam với các nước, chia rẽ nội bộ ta, kéo lùi tiến trình đổi mới của ta!”
             Phạm Văn Đồng tỏ ra ân hận vì không ngăn được Nguyễn Văn Linh ký thỏa thuận Thành Đô. Nguyễn Văn Linh tránh trớ: “Anh Tô nhớ lại xem! Không phài tôi đồng ý. Tôi chỉ nói nghiên cứu xem xét và bây giờ tôi vẫn nghĩ thế là đúng”.
             Cái gọi là “đúng” của Nguyễn Văn Linh là từ luận điểm câu nhử, đe dọa của Trung Quốc: “Âm mưu đế quốc Mỹ chống phá xã hội chủ nghĩa ở châu Á, cả Cu Ba. Nó đã phá Trung Quốc trong vụ Thiên An Môn rồi, nay chuyển sang phá ta!”. Và, không hiểu Trung Quốc làm cách nào mà nó như thứ bùa mê thuốc lú để Nguyễn Văn Linh lý giải: “Dù Trung Quốc bành trướng thế nào thì Trung Quốc vẫn là một nước Xã hội chủ nghĩa!”.
             Từ Hội nghị Thành Đô trở về hình như Nguyễn Văn Linh là một con người khác. Ngày 28-8-1990, tuyên bố chấm dứt “Những việc cần làm ngay”. Ông nói “Bận quá! Vả lại tôi viết để “mồi” cho các nhà báo viết tiếp để đấu tranh kiên quyết liên tục!”. Ông còn viết: Không nên đi xe ngoại, rằng: “Ta về ta tắm ao ta”…
             Đó là một lời nói dối, bởi sợi dây trói vừa được cởi ra trong khoảng thời gian 3 năm 4 tháng đã bị thít lại chặt hơn, và chính ông là người đầu tiên đã liên kết với Đào Duy Tùng, Nguyễn Hà Phan, Đỗ Mười đánh dập vùi Trần Xuân Bách, một người được coi lả có trí tuệ nhất trong Bộ chính trị lúc đó.
              Nguyễn Văn Linh đã đưa Việt Nam tiến lên một bước, nhưng rồi chính ông lại kéo Việt Nam lùi lại, ông mở cái cửa nhỏ thoát ra khỏi một ngõ cụt nhưng rồi chính ông lại đóng sập cánh cửa ra biển lớn của dân tộc vì ý thức bảo thủ và giáo điều cùa ông !
            Nguyễn Văn Linh đã tự lội xuống ruộng, đúng hơn tự dìm mình vào vũng bùn Thành Đô, và để mất sự kính trọng nhẽ ra ông được hưởng.
M.D
Được đăng bởi

Các nhận thức của Việt Nam về cuộc chiến tranh năm 1979 với Trung Quốc

17/02/2013 / – Phiatruoc
Ngô Bắc dịch và phụ chú
Trích từ Gió-O

Lời người dịch: Tiến Sĩ Henry J. Kenny, là một nhà khoa học nghiên cứu  tại Trung Tâm Phân Tích Hải Quân (Center for Naval Analysis: CAN) nơi ông đã điều khiển các dự án cho Hải Quân Hoa Kỳ, Thủy Quân Lục Chiến và Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương trong hơn thập niên qua.  Từng là một Đại Đội Trưởng, Trưởng Toán Lực Lượng Đặc Biệt, và Cố Vấn Cấp Tỉnh tại Việt Nam, ông đã điều hành vier^.c huấn luyện nhiệm vụ cho Các Lực Lượng Đặc Biệt sang Việt Nam tại Ft. Bragg.  Bị thương trong cuộc Công Kích Tết Mậu Thân 1968, ông sau đó đã giảng dạy về các quan hệ quốc tế tại Trường Võ Bị West Point, các giảng khóa cao học về các nguyên nhân của chiến tranh và và các lý thuyết giải quyết xung đột tại các trường American University và George Washington University, và về chính trị quốc tế tại Học Viện Quan Hệ Quốc Tế tại Hà Nội.  Ông đã từng phục vụ tại Cơ Quan Giải Giới và Kiểm Soát Vũ Khi Hoa Kỳ, Tòa Đại Sứ Mỹ tại Tokyo (Phụ Tá Đặc Biệt cho Đại Sứ Mike Mansfield), và Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện Hoa Kỳ.   Ông là tác giả của các công trình nghiên cứu “Unfinished Business in Afghanistan: Công Việc Chưa Hoàn Tất Của Mỹ Tại A Phú Hãn,” “Smaller, Faster, Smarter: Retooling the Military to Combat Terrorist Threats: Nhỏ Hơn, Nhanh Hơn, Tinh Khôn Hơn: Chỉnh Đốn Quân Đội Để Chiến Đấu Với Các Đe Dọa Khủng Bố ,” “Strengthening and Embattled Nation: A Strategy for Contenting with the Three Wars in Iraq: Quốc Gia Đang Tăng Cường và Dàn Trận: Một Chiến Lược để Thỏa Mãn Ba Cuộc Chiến Tranh Tại Iraq” , The American Role in Vietnam and East Asia (Vai Trò Của Mỹ tại Việt Nam và Đông Á Châu), cùng các ấn phẩm khác.  Quyển sách mới nhất của ông, Shadow of the Dragon (Bóng Của Con Rồng), phân tích mới quan  hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam và các hàm ý của nó cho chính sách của Hoa Kỳ tại Á Châu. (Nguồn: Wikipedia)  
***
Dẫn Nhập
       Vào ngày 17 Tháng Hai, 1979, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) đã phóng ra một trận tấn công trên đất liền với quy mô rộng lớn dọc biên giới phía nam của nó vào Việt Nam.  Băng qua biên giới tại hai mươi sáu địa điểm khác nhau, các binh sĩ của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (QĐGPNDTQ) đã tập trung đông đảo để xâm nhập xa hơn các tiền đồn biên giới đã bị chiếm đoạt vào hôm đó.  Ý định của Trung Quốc, theo lời của Đặng Tiểu Bình, là “dạy cho Việt Nam một bài học” mà Việt Nam sẽ không mau quên.  Việt Nam tức thời lên án hành động này.  Bằng ngôn từ không khác với ngôn từ của Franklin Roosevelt trong bài diễn văn của ông đọc tại Quốc Hội [Mỹ] hôm 8 Tháng Mười Hai, 1941, từ báo Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đã tường thuật vào ngày kế đó: “Ngày 17 Tháng Hai, 1979 sẽ đi vào lịch sử như một bản án nghiêm trọng về các tội ác của “bọn bành trướng Đại Hán” trong việc mưu toan khuất phục và sáp nhập Việt Nam…. Chúng ta hãy trừng trị một cách nghiêm khắc quân xâm lược man rợ và cường quyết bảo vệ chủ quyền và nền độc lập quốc gia thiêng liêng của mình!” 1
Việt Nam và Trung Quốc đã giao chiến.  Trung Quốc đã từng ủng hộ Hồ Chí Minh trong lúc lưu vong, cung cấp một mô hình cho cuộc đấu tranh cách mạng của Việt Nam chống lại người Pháp, trao quân khí chiến tranh trọng yếu cho cuộc chiến thắng năm 1954 tại Điện Biên Phủ, đã phái 50,000 binh sĩ để trợ giúp đánh bại “quân xâm lược Hoa Kỳ”, đã cung cấp các vũ khí cỡ nhỏ có phẩm chất cao cho sự việc phần lớn là một cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí cỡ nhỏ chống lại người Mỹ, và ngăn chặn các cuộc tấn công trên đất liền của Hoa Kỳ vào Bắc Việt Nam, giờ đây đang tấn công vào chính địa điểm đã né tránh được cuộc chiến tranh trên không của Mỹ nhờ sự lo sợ của Hoa Kỳ không muốn khiêu khích Trung Quốc. 2 Điều gì đã dẫn dắt đến sự đảo ngược trong các quan hệ Trung Quốc – Việt Nam? Làm sao hai nước đã từng mô tả mối quan hệ của chúng thì “mật thiết như môi với răng” đi đến chỗ xung đột vũ trang? Tại sao Trung Quốc lại nhất quyết có ý định “dạy cho Việt Nam một bài học”? Đâu là những nguyên nhân gần  nhất của cuộc xung đột? Đâu là những nguyên nhân tâm lý trường kỳ hơn của nó? Cuộc chiến tranh đã bộc lộ những gì liên quan đến các quyết định của Bắc Kinh để sử dụng vũ lực? Sự điều hành chiến tranh có cung cấp các cái nhìn quán triệt vào cung cách theo đó Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực trong tương lai hay không? Chương sách này sẽ chú tâm vào các câu hỏi này với một sự nhấn mạnh đến quan điểm của Việt Nam.  Dĩ nhiên, có các cái nhìn Việt Nam khác nhau nhưng, như sẽ được trình bày, các quan điểm thắng thế về cuộc chiến thì đồng nhất một cách rõ rệt.
Chương sách này được chia làm năm phần.  Trước tiên, nó phân tích các nguyên nhân gần nhất của cuộc xung đột, chiếu rọi cái nhìn của Trung Quốc về vai trò của nó tại Đông Nam Á, cuộc xâm lăng năm 1978 của Việt Nam vào Căm Bốt, sự tái sắp xếp hàng ngũ chiến lược của các quyền lực quan trọng, vị thế của Hoa kiều hải ngoại tại Việt Nam, và các cuộc tranh chấp lãnh thổ song phương.  Thứ nhì, nó khảo sát sự điều hành bản thân chiến dịch, bao gồm các sự chuẩn bị quân sự của Trung Quốc cho cuộc tấn công và các quan điểm của Việt Nam về các cuộc hành quân của QĐGPNDTQ.  Thứ ba, bài viết thảo luận về kết cuộc của cuộc xung đột, cả về mặt chính trị lẫn quân sự.  Thứ tư, bài viết khám phá các chiều kích tâm lý trong các quan hệ Trung Quốc – Việt Nam và các hàm ý của chúng cho tương lai.  Sau cùng, bài viết tóm tắt các bài học lĩnh hội được như được nhìn thấy bởi phía Việt Nam.
Các sự phán đoán đạt tới khắp bài viết này được rút ra từ sự khảo sát nguồn tài liệu chính yếu, sự nghiên cứu của các học giả hàng đầu, các quan điểm được phát biểu trong các cuộc phỏng vấn gần đây với các viên chức cao cấp tại Hà Nội, cùng các lời bình luận và nhận xét được cung cấp cho tác giả về thời khoảng ba mươi lăm năm dính líu đến Việt Nam.  Chương sách giả định có một sự hiểu biết căn bản về bối cảnh của cuộc xung đột, bao gồm các cuộc chiến tranh của Việt Nam chống lại người Pháp từ 1946 đến 1954, người Mỹ từ 1959 đến 1975, và chống phe Khmer Đỏ từ Tháng Mười Hai 1978 đến 1979. 3
Các Nguyên Nhân Gần Nhất Của Cuộc Xung Đột
Cái Nhìn Của Trung Quốc Về Vai Trò Của Nó Tại Đông Nam Á
      Theo các viên chức Việt Nam cao cấp, năm 1975 Bắc Kinh đã nhìn một Việt Nam thống nhất và tự tin như một chướng ngại vật trường kỳ tiềm ẩn cho sự hành xử ảnh hưởng của nó tại Đông Nam Á.  Vì thế, nó đã muốn kiểm soát các chính sách ngoại giao và quốc phòng của Việt Nam.  Bắc Kinh đã lo ngại rằng một Việt Nam thống nhất, hùng mạnh sẽ thách đố các tham vọng của Trung Quốc trong vùng. 4
Đây là một vấn đề đầu tiên và trên hết tại Đông Dương.  Bắc Kinh có hay biết về Bản Chúc Thư Cuối Cùng của Hồ Chí Minh, trong đó họ Hồ đã xác định vai trò của Việt Nam như quyền lực tôi cao phải thừa kế, trong thực tế, chiếc áo choàng khoác ngoài của Pháp để hành xử bá quyền tại Đông Dương.  Nó cũng hay biết về các kế hoạch của Hà Nội cho một Liên Bang Đông Dương, trong đó Căm Bốt và Lào sẽ liên minh với Việt Nam trong các chính sách ngoại giao và quốc phòng, và tương thích về mặt kinh tế và chính trị với Việt Nam.  Theo các nguồn tin Việt Nam, bất kỳ sự sắp xếp nào như thế đã thách đố các tham vọng của Trung Quốc muốn sau rốt mang Lào và Căm Bốt nằm trong khu vực ảnh hưởng của nó.  Hậu quả, Bắc Kinh đã tiến hành sự tấn công vào Việt Nam một phần để buộc Việt Nam phải từ bỏ bất kỳ ý đồ nào trên việc kiểm soát Đông Dương. 5
Thứ nhì, Trung Quốc đã muốn cảnh cáo các nước Đông Nam Á khác rằng một sự thách đố lại các quyền lợi nền tảng của Trung Quốc sẽ không được dung chấp.  Nó sẽ trừng trị một quốc gia, ngay cả [với] một đồng minh to lớn như Liên Bang Sô Viết, đang vượt quá ý muốn chính trị của Trung Quốc.  Nó đã muốn cảnh cáo các quốc gia Đông Nam Á đừng gia nhập vào bất kỳ liên minh hay các kế hoạch an ninh nào với siêu cường.  Trung Quốc đã lợi dụng cảm tính chống Việt Nam nơi một số thành viên của Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (Association of Southeast Asia Nations: ASEAN), đặc biệt Thái Lan, để đốt lên các sự lo sợ về sự thông đồng giữa Sô Viết và Việt Nam tại Đông Nam Á. 6
Sau cùng, các viên chức Việt Nam cao cấp vạch ra rằng Trung Quốc muốn sự kính trọng.  Bắc Kinh cảm thấy rằng các nước khác tại Đông Nam Á đã xem Trung Quốc quá nhẹ, và muốn nêu lên một điều rằng Trung Quốc, chứ không phải Liên Bang Sô Viết hay Hoa Kỳ, là nước chủ yếu để kế đó cần cứu xét đến, khi đưa ra các quyết định quốc phòng và chính sách ngoại giao quan trọng. 7
Các Nhận Thức Của Việt Nam Về Vai Trò Căm Bốt Đóng Giữ Trong Cuộc Tấn Công Của Trung Quốc
       Hà Nội nhìn mối quan hệ của nó với Căm Bốt từ một quan điểm lịch sử.  Các chuyên viên Việt Nam về Đông Nam Á vạch ra rằng lịch sử đã dẫn dắt giới lãnh đạo tại Phnom Penh đến việc tin tưởng rằng một Việt Nam thống nhất sau rốt có thể sáp nhập Căm Bốt.
Cuộc nam tiến của Việt Nam đã dẫn tới sự chiếm cứ của nó tại vương quốc Chàm [nam trung phần của Việt Nam ngày nay] trong các thế kỷ thứ mười sáu và mười bảy.  Cuộc nam tiến của chúng tôi tiếp tục chạy xuống vùng Châu Thổ sông Mekong và, cùng với áp lực của Thái Lan từ phía tây, sẽ đưa đến sự kết liễu của Căm Bốt nếu không có sự can thiệp của Pháp.  Với sự chấm dứt chiến tranh và sự củng cố của Việt Nam, Căm Bốt đã lo sợ trở thành một khu vực ảnh hưởng của Việt Nam. 8
Tuy nhiên, theo phía Việt Nam, sự lo sợ này không có căn cứ.  “Sau cuộc giải phóng Miền Nam, ưu tiên của chúng tôi là an ninh và phát triển kinh tế.  Chúng tôi đã không mấy chú ý đến phe Khmer Đỏ và các hoạt động chống Việt Nam của nó”. 9 Đúng hơn, các viên chức Việt Nam vạch ra rằng Việt Nam đã từng trợ giúp Khmer Đỏ giành được thắng lợi, để chỉ khám phá ra rằng khi Pol Pot nắm giữ quyền hành tại Phnom Penh, ông ta đã biểu lộ một thái độ chống Việt Nam một cách mạnh mẽ.  Ông ta đã chỉ huy các cuộc tấn công không chỉ nhằm chống lại người Việt sinh sống tại Căm Bốt, mà còn bắt đầu tấn công vào các tiền đồn Việt Nam dọc theo biên giới.  Trong Tháng Mười Một 1977, ông ta cắt đứt các quan hệ ngoại giao với Việt Nam .  Sau đó, ông ta chỉ thị Khmer Đỏ leo thang hành động thực hiện các cuộc tấn công trên quy mô rộng lớn sâu hơn vào nội địa Việt Nam, đốt cháy và cướp bóc toàn thể các làng xã.  Hà Nội cảm thấy tuyệt đối cần tái lập an ninh dọc biên giới, và sau một loạt các cuộc phản công nhỏ bị thất bại, không chấm dứt được các sự xâm nhập, đã quyết định rằng cách duy nhất để ngăn chặn Pol Pot là phải lật đổ ông ta. 10
Vào ngày 25 Tháng Mười Hai, 1978, các binh sĩ QĐNDVN đã vượt qua biên giới Căm Bốt trong một cuộc tấn công toàn lực.  Mười hai ngày sau đó Phnom Penh rơi vào tay QĐNDVN.  Hà Nội hiểu rằng cuộc tấn công đã nâng cao một số rủi ro về một sự đáp ứng của Trung Quốc, nhưng nó cũng cảm thấy rằng Bắc Kinh là một phần của vấn đề.  Các chuyên viên Việt Nam về Trung Quốc đã vạch ra nhiều phương cách trong đó Trung Quốc đã cổ vũ sự thù hận của Khmer Đỏ chống lại Việt Nam.  Trung Quốc đã là nước đầu tiên thừa nhận Pol Pot như là quốc trưởng trong năm 1975.  Pol Pot sau đó đã mời Trung Quốc vào Căm Bốt và Trung Quốc đã đáp ứng bằng việc cung cấp cho Phnom Penh các khối lượng lớn lao về vũ khí, quân trang, và sự ủng hộ kinh tế, và bằng vi8ệc gửi các cố vấn sang trợ giúp Khmer Đỏ.  Ngay cả khi Pol Pot thanh lọc người gốc Hoa tại Căm Bốt, Bắc Kinh đã không nói gì cả.  Khi cuộc diệt chủng khởi sự, nhiều người gốc Hoa và dân Căm Bốt đã chạy trốn sang Việt Nam. 11
Viet Nam-Cam Bot_MapKenny1
      Bản Đồ 18 Cuộc Xâm Lăng Của Việt Nam Vào Căm Bốt, 1978-1979
       Trong thực tế, Hà Nội đã cảm thấy rằng Trung Quốc đứng đàng sau phần lớn sự xâm lược của phe Khmer Đỏ dọc theo biên giới Căm Bốt của Việt Nam – rằng Bắc Kinh muốn tạo ra một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận: “Chúng tôi nhìn sự trợ giúp của CHNDTQ cho Căm Bốt là để tạo thành một mặt trận thứ nhì.  Từ đó chúng tôi cảm thấy chúng tôi cần tấn công tại phía nam [Căm Bốt] để loại bỏ mối đe dọa ở đó, sao cho để không phải đối diện với mối đe dọa hai mặt trận từ Trung Quốc. 12 Cuộc chiến tranh là cần thiết từ cái nhìn của chúng tôi, nhưng chúng tôi quan ngại về việc phải để lại binh sĩ tại Căm Bốt – phải bị sa lầy”. 13 Do đó: “Vào ngày 7 Tháng Một chúng tôi chiếm cứ Phnom Penh, giáng một trận nặng nề vào tập đoàn Pol Pot.  Với lời yêu cầu của nhân dân Căm Bốt, chúng tôi đã ủng hộ phong trào giải phóng Heng Samrin, một mặt trận thống nhất cứu nguy Căm Bốt”. 14
Việt Nam còn tuyên bố thêm đã hành động vì quyền lợi của nhân loại.  “Trong năm 1978 chúng tôi đã hay biết về nạn diệt chủng bên trong Căm Bốt.  Hoa Kỳ và Trung Quốc bị quy trách bởi họ đã ủng hộ phe Khmer Đỏ.  Chúng tôi đã gửi các binh sĩ vào Căm Bốt theo lời yêu cầu của nhân dân Căm Bốt, để đánh đuối phe Khmer Đỏ.  Trong tất cả các nước, chỉ mình Việt Nam làm điều đúng”. 15
Theo các viên chức Việt Nam, sự sụp đổ của Phnom Penh trước QĐNDVN tượng trưng cho một sự thất bại trong chính sách của Trung Hoa: “Khi Việt Nam tiến vào Phnom Penh, Trung Quốc đã bị mất mặt.  Trung Quốc đã chĩa các sự tố cáo nhắm vào Việt Nam – rằng Việt Nam đã xúi giục các sự xô xát biến giới với Căm Bốt và đã xâm lăng Căm Bốt nhằm giành đoạt bá quyền tại Đông Dương.  Vào ngày 17 Tháng Hai, họ đã phóng ra một cuộc tấn công toàn diện vào biên giới phía bắc của chúng tôi.  Chúng tôi đã chờ đợi cuộc tấn công.” 16 Sự chuyển động của Việt Nam đến gần Liên Bang Sô Viết (LBSV) cũng liên hệ trực tiếp với sự đe dọa của Trung Quốc:
Trung Quốc nhất quán muốn ngăn cản bất kỳ ảnh hưởng nào của Việt Nam tại Căm Bốt.  Khi chúng tôi sắp sửa gửi quân sang Căm Bốt, chúng tôi đã phải có các sự đề phòng chống lại sự xâm lược khả hữu của Trung Quốc dọc theo biên giới phía bắc.  Chúng tôi đã ký kết một Hiệp Ước Hữu Nghị với LBSV trong năm 1978 như một sự khống chỉ đối với Trung Quốc.  Chúng tôi cũng củng cố các sự phòng thủ của chúng tôi tại khu vực biên giới phía bắc.  Chúng tôi có dự liệu sự xâm lược của Trung Quốc, nhưng không ở quy mô lớn lao như thế và với lực lượng như thế.  Bản hiệp ước đã cung cấp một sự cấm chỉ hạn chế để giữ Trung Quốc khỏi sự xâm nhập sâu vào nội địa. 17
Một cựu nhân viên ngoại giao cao cấp tại Hà Nội đã tóm tắt các nguyên do cho cuộc tấn công của Trung Quốc vào Việt Nam như sau: “Bắc Kinh đã cảm thấy sự khả tín của Trung Quốc bị đe dọa bởi Trung Quốc đã từng ủng hộ phe Khmer Đỏ với viện trợ và các cố vấn trong vài năm.  Nó còn tin tưởng rằng QĐNVN sẽ bị kéo căng thật mỏng khi cùng lúc chiếm giữ Căm Bốt và phòng vệ biên giới Trung Quốc – Việt Nam.  Ở mức tối thiểu, nó đã muốn cuộc sống củaViệt Nam bị khốn khổ vì sự can thiệp của Việt Nam tại Căm Bốt. 18
Các Sự Tái Sắp Xếp Chiến Lược Của Các Quyền Lực Quan Trọng
       Mặc dù các nhà lãnh đạo Việt Nam tin tưởng Căm Bốt là một nguyên nhân trực tiếp và đáng kể cho cuộc tấn công của QĐGPNDTQ, họ cảm thấy lý do sâu xa hơn phải liên quan đến sự tái sắp xếp chiến lược của Trung Quốc, một sự tái liên kết được thúc đẩy bởi một chiến dịch toàn dân cho sự hiện đại hóa.  Họ đã phát biểu rằng Trung Quốc nổi lên từ sự xáo trộn của Cuộc Cách Mạng Văn Hóa, nó đã tái thiết lập sự hiện đại hóa như ưu tiên quốc gia hàng đầu, sao cho trong trường kỳ, nó có thể đảm nhận “vị thế chính đáng” của nó tại Á Châu. 19
Phía Việt Nam tin tưởng rằng đối với Trung Quốc, vị thế chính đáng này có nghĩa, trước tiên và trên hết, sự hoàn thành trách vụ đã khởi sự trước khi có Cuộc Cách Mạng Văn Hóa – mở rộng các sự tuyên xác trên các khu vực biên giới mà nó cảm thấy đã bị mất trong các thế kỷ trước.
Trong mười ba nước giáp ranh với Trung Quốc, Việt Nam đã chứng tỏ là kẻ khó khăn nhất.  Việt Nam trong lịch sử đã chặn đứng sự bành trướng về phía nam của Trung Quốc.  Trung Quốc đã đối phó với các nước khác trước, nay đến lượt Việt Nam. 20
Thứ nhì, điều đó có nghĩa là sự xếp hàng của Trung Quốc với Hoa Kỳ chống lại Liên Bang Sô Viết, nước bị đặt tên là bá quyền cấp miền.  Trung Quốc đã sử dụng Hoa Kỳ để đối đầu với áp lực khả hữu từ LBSV dọc theo biên giới Trung Quốc – Sô Viết, và chiến thuật này ăn khớp một cách khéo léo với các nỗ lực của Hoa Kỳ muốn chơi lá bài Trung Quốc.  Các sự biến đổi then chốt đã xảy ra trong năm 1975, khi Tổng Thống Hoa Kỳ Gerald Ford đến thăm viếng Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thừa nhận một ghế đại diện của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc và gỡ bỏ sự cấm vấn mậu dịch của Hoa Kỳ.  Sau đó trong Tháng Mười 1975, Bộ Trưởng Ngoại Giao Henry Kissinger đã yêu câu Trung Quốc ủng hộ Hoa Kỳ chống lại Việt Nam, ghi nhận rằng Trung Quốc bị bao vây ở mọi phía – bởi Liên Bang Sô Viết, Ấn Độ, và Việt Nam. 21
Thứ ba, và quan trọng nhất trong cái nhìn của Việt Nam, Trung Quốc đã tìm kiếm các quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ ngõ hầu tiếp thu được tư bản và kỹ thuật có tính cách sinh tử cho sự hiện đại hóa của nó.  Các triển vọng nâng cao về sự chuyển giao kỹ thuật đã là một lý do chính yếu cho cuộc viếng thăm của Đặng Tiểu Bình tại Hoa Kỳ trong Tháng Một 1979. 22
Cuộc thăm viếng của họ Đặng tại Hoa Kỳ cũng hệ trọng vì một lý do khác.  Trong cuộc thăm viếng, họ Đặng có nói với Tổng Thống Jimmy Carter rằng Trung Quốc sẽ phải “dạy cho Việt Nam một bài học, và rằng ông ta sẽ tấn công Việt Nam”. 23 Các viên chức quân sự Việt Nam cao cấp đã giải thích cuộc thăm viếng như sau, giải thích nó như đèn xanh của Hoa Kỳ cho Trung Quốc tấn công:
Họ Đặng đã muốn “dạy cho Việt Nam một bài học” như thế để các nước khác tại Á Châu có thể chứng kiến sự bại trận của Việt Nam trước quyền lực Trung Quốc.  Tổng Thống Carter thoạt đầu bị ngạc nhiên nhưng sau đó đã đồng ý.  {Cố Vấn An Ninh Quốc Gia} Zbigniew Brzezinski có nói với Tổng Thống Carter rằng LBSV sẽ không có hành động chống lại Trung Quốc bởi nó không có quyền lợi sinh tử bị đe dọa.  Ông ta đã đúng, và chúng tôi đã không kỳ vọng sự trợ giúp quân sự của Sô Viết.  Trong thực tế, LBSV đã bắt đầu giảm bớt viện trợ quân sự sau Hội Nghị Paris năm 1973.  Hơn nữa, đã có một sự thỏa thuận ngầm giữa Hoa Kỳ và LBSV rằng nước kể sau [LBSV] sẽ không ủng hộ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) về mặt quân sự.  Hoa Kỳ và LBSV đã theo dõi và không làm gì cả.  Bài học cho Việt Nam là tự lực.  Điều này có nghĩa là chiến tranh nhân dân và chúng tôi đã đúng khi vũ trang cho các công dân chúng tôi tại các tỉnh giáp ranh Trung Quốc. 24
Phía Việt Nam tin tưởng nợi sự tự lực được tăng cường bởi sự giải thích của họ về các biến cố bao quanh sự chiếm đoạt của Trung Quốc ở Quần Đảo Hoàng Sa (Paracels hay Xisha trong tiếng hán) năm 1974.  Mặc dù QĐGPNDTQ đã chiếm đoạt chúng từ các binh sĩ Nam Việt Nam, Hải Quân Hoa Kỳ (mà phía Việt Nam nói có hiện diện tại Vịnh Bắc Phần vào lúc đó) đã không phản ứng.  Trung Quốc ngầm hiểu rằng sẽ không có phản ứng bởi vì nó biết rằng Hoa Kỳ muốn có sự sáp lại gần hơn với Trung Quốc.  Trắc nghiệm thành công phản ứng của Hoa Kỳ trong vụ Quần Đảo Hoàng Sa, phía Trung Quốc cảm thấy nó có thể hành động mà không khiêu khích một phản ứng của Hoa Kỳ trong việc tấn công Việt Nam trên đất liền. 25
Tuy nhiên, lập trường tự lực của Việt Nam bị tiết chế bởi khoản viện trợ đáng kể mà nó đã nhận được trong các năm chiến tranh từ cả Liên Bang Sô Viết lẫn Trung Quốc.  Theo các chuyên viên Việt Nam, các đòi hỏi của Hoa Kỳ trong năm 1971 và 1972 rằng Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa phải cắt giảm viện trợ của họ cho Việt Nam đã đưa đến một sự cắt giảm viện trợ từ 60% đến 70%.  Phản ứng của Trung Quốc là để cho Việt Nam dựa vào viện trợ của Sô Viết.  Cách nào đi nữa, khoản viện trợ sẽ quá nhỏ bé, và Việt Nam sẽ phải quay trở lại với Trung Quốc.  Trung Quốc đã cắt bỏ hoàn toàn viện trợ kinh tế trong năm 1978 và rút về các kỹ thuật gia và các chuyên viên của nó.  Viện trợ của Sô Viết vẫn tiếp tục, dù ở các mức độ thấp hơn. 26
Bắc Kinh tiếp tục thái độ thù nghịch của nó.  Trong Tháng Sáu 1978, Bắc Kinh thông báo cho Hà Nội rằng nó cho đóng cửa các tòa lãnh sự của Việt Nam tại Quảng Châu, Nam Ninh và Côn Minh, và trong Tháng Mười Một 1978, nó đã cắt đứt các tuyến đường xe hỏa giữa Trung Quốc và Việt Nam. 27 Việt Nam hay biết một cuộc tấn công nhiều phần xảy ra dọc biên giới phía bắc và, như được đề cập trước đây, đã ký kết một Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác với Liên Bang Sô Viết trong một mưu toan nhằm ngăn chặn hay giới hạn khuôn khổ của bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc.  Bắc Kinh kế đó đã xem bản hiệp ước như một hành vi thù nghịch bởi Việt Nam, và sự ngờ vực của Bắc Kinh về Liên Bang Sô Viết đã dẫn dắt nó đến việc tin tưởng liên minh mới là một phần của một mưu toan của Sô Viết nhằm bao vây Trung Quốc.  Nhìn Việt Nam như một mặt trận trong cuộc đấu tranh chống Sô Viết của mình, Bắc Kinh đã gán nhãn hiệu cho Việt Nam là tiểu bá quyền và LBSV là đại bá quyền.  Đó là lý dó trung tâm cho Trung Quốc muốn dạy Việt Nam một bài học để các nước khác nhìn thấy. 28 Lo lắng về an ninh quá đáng, phía Trung Quốc đã nhìn liên minh Sô Viết – Việt Nam như một trở ngại cho sự tái khẳng định vị trí thích hợp của Trung Quốc tại Á Châu.  Cuộc tấn công đã được thiết kế để phá vỡ liên minh này và cảnh cáo Hà Nội rằng trong trường kỳ, nó sẽ cưỡng bách Việt Nam từ bỏ bất kỳ liên minh với đại cường nào. 29
Tuy nhiên, Việt Nam đã không cho phép LBSV sử dụng Việt Nam như một căn cứ chống lại Trung Quốc.  Mối quan hệ vẫn còn chặt chẽ nhưng chưa đến mức mà Việt Nam nghĩ rằng nó có thể phải lệ thuộc vào sự can thiệp quân sự của Sô Viết, ngay dù LBSV có hay biết trước rằng CHNDTQ có ý định tấn công Việt Nam.  “Việt Nam đã ký thác mình vào sự tin tưởng nơi chủ nghĩa quốc tế vô sản và nghĩ rằng tình liên đới của nó sẽ củng cố liên minh với LBSV, nhưng vào năm 1979, điều rõ ràng rằng nguyên tác này không còn có nhiều ý nghĩa với bất kỳ nước nào”. 30
 Người Hoa Như Một Nguyên Nhân Của Cuộc Xung Đột
       Các nhà nghiên cứu và các viên chức Việt Nam không nhìn vấn đề người gốc Trung Quốc tại Việt Nam (người Hoa) là một lý do quan trọng cho cuộc tấn công của Trung Quốc vào Việt Nam.  Họ nói phần lớn người Hoa, đặc biệt các người thuộc cộng đồng Trung Quốc to lớn ở Chợ Lớn (tại Sàigòn), đã cư trú tại Việt Nam qua nhiều thế hệ.  Lý do người Hoa được trưng dẫn như là nguyên nhân của cuộc xung đột, theo lời họ, là bởi vì cuộc chiến tranh không được lòng dân ngay tại chính Trung Quốc, và Bắc Kinh cần khuấy động sự tức giận của quần chúng nơi sự ngược đãi giả định các công dân Trung Quốc tại Việt Nam.  Theo luồng tư tưởng này, phần lớn người dân Trung Quốc cảm thấy Việt Nam là thân hữu của họ và đã không hiểu tại sao Trung Quốc sẽ tấn công.  Trong thực tế, Bắc Kinh đã sử dụng vấn đề Hoa kiều hải ngoại như một duyên cớ để biện minh sự xâm lược của Trung Quốc đối với nhân dân của chính họ. 31
Một thành tố quan trọng của quan điểm này là hàm ý rằng sự bất mãn phổ biến tại Trung Quốc có thể thực hiện một ảnh hưởng kiềm chế trên tác phong của Trung Quốc, rất giống như sự bất mãn của quần chúng tại Mỹ đã làm trong việc chấm dứt sự can dự của Hoa Kỳ tại Việt Nam.  Truyền thông Việt Nam vào thời điểm đó đã truyền đi nhiều lần các sự đề cập tới các cuộc biểu tình của người dân Trung Quốc chống đối chiến tranh.  Điển hình của sự tường thuật lúc đó như sau: “Các nhà cầm quyền Trung Quốc đã ngăn cấm mọi cuộc biểu tình, tập họp công cộng và sự ấn hành các bản tin tường thuật của nhân dân liên quan đến cuộc xâm lược của Trung Quốc tại Việt Nam”. 32
Các sự giải thích cho cuộc di cư của người Hoa khỏi Bắc Việt về Trung Quốc chú tâm đến các sự khiêu khích của Trung Quốc: “Phía Trung Quốc, thi hành một ý đồ có tổ chức và xảo trá, đã dụ dỗ và cưỡng bách hàng trăm nghìn người Hoa đi về Trung Quốc trong một mưu toan gây ra sự xáo trộn chính trị, xã hội, và kinh tế tại Việt Nam”. 33 Bên trên các sự khiêu khích này, Trung Quốc đã tố cáo Việt Nam đã ngược đãi các người Hoa. 34
Hà Nội có thể chính xác trong sự phán đoán rằng động thái của nó đối với người Hoa không phải là một yếu tố quyết định trong quyết định của Trung Quốc để tấn công.  Tuy nhiên, không có gì phải ngờ rằng nó đã là một yếu tố lớn hơn các lời giải thích đã được đưa ra.  Trước tiên, sự đàn áp các phần tử tư sản mại bản tại miền Nam Việt Nam trước đây vốn tập trung đông đảo tại cộng đồng người Trung Hoa to lớn trong Chợ Lớn.  Ở nơi đó, trong Tháng Ba 1978, các nhà cầm quyền Việt Nam đã tung ra một sự kiểm tra đột ngột ồ ạt trên hoạt động kinh doanh, tước đoạt của cải của các cư dân và buộc nhiều người trong họ phải lưu vong. 35 Thứ nhì, rõ ràng đã có các mưu toan của Việt Nam để xua đuổi nhiều người Hoa tại Bắc Việt về Trung Quốc.  Động lực của việc này thì không rõ rệt, nhưng có thể bị thúc đẩy bởi các sự lo ngại về an ninh do cảm tính chống Việt Nam trong số các người này.
Về phần mình, Bắc Kinh, đặc biệt với các tham vọng của nó về một vai trò có ảnh hưởng tại Đông Nam Á, đã không thể đứng yên và ngắm nhìn hàng trăm nghìn người gốc Trung Hoa bị xua đuổi ra khỏi Việt Nam.  Vì thế, nó đã ồn ào kết án các hành vi của Việt Nam và đã gửi ít con tàu đến Vịnh Bắc Việt trong một nỗ lực vô ích để cứu vớt những người Hoa muốn hồi hương về Trung Quốc.  Tuy nhiên, Việt Nam đã không cho phép các chiệc tàu này tiến vào các hải phận của nó, và Bắc Kinh đã rút chúng về trước khi có cuộc tấn công qua biên giới của nó. 36
Các Sự Tranh Chấp Biên Giới Đất Liền
       Bắc Kinh đã muốn giải quyết các vấn đề biên giới có lợi cho nó.  Sự phân định các biên giới trên đất liền là một việc khó khăn, nhưng đây chỉ là chuyện nhỏ khi so sánh với các tham vọng của Trung Quốc tại Biển Nam Hải, bao gồm cả các sự tuyên xác tại Vịnh Bắc Bộ và tại Các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam không nhận thức các vụ tranh chấp tại biên giới đất liền như một yếu tố quan trọng trong quyết định của Trung Quốc.  Dọc theo toàn thể biên giới dài 797 dậm Anh, Trung Quốc tuyên xác ít hơn sáu mươi cây số vuông. 37 Việt Nam ghi nhận rằng khu vực biên giới đã được hưởng một thời kỳ hòa bình lâu dài, và các nhóm dân tộc ở hai bên biên giới đã có một mối quan hệ chặt chẽ.  Biên giới, theo lời họ, đã không phải là một vấn đề quan trọng trước khi có các sự tranh chấp trong thập niên 1970:
Về mặt lịch sử, biên giới luôn luôn vô định hình.  Việt Nam đã là một quốc gia triều cống nhưng độc lập trong nhiều năm, trong một tình trạng tương tự như mối quan hệ giữa Phần Lan và Nga – nó đã là một khu vực an ninh và ảnh hưởng của Trung Quốc.  Với sự trổi dậy của CHNDTQ, Trung Quốc đã tìm cách xác quyết chủ quyền của Đại Hán trên các vùng như thế, kể cả Bắc Hàn, nơi mà Trung Quốc đã bảo vệ bằng việc tiến đến chiến tranh với Hoa Kỳ.  Nhưng ít nhất VNDCCH vẫn còn chưa phải là một vùng như thế.  Điều này có lợi cho chúng tôi trong suốt cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ. 38
Sau đó, làm sao mà cuộc xung đột biên giới đã phát sinh? Rõ ràng, đã có các sự giải thích khác nhau về thỏa hiệp phân định biên giới Pháp – Hoa năm 1887.  Trong sự thi hành thỏa hiệp đó, “333 cột mốc biên giới đã được đặt vào lúc chuyển đổi thế kỷ, nhưng chúng đã không được bảo trì kỹ lưỡng.  Một số cột mốc trên đất liền đã bị di dời xuống phía nam, nhưng Việt Nam thì quá bận tâm với các cuộc chiến tranh của nó để chú ý đến việc đó.  Trong suốt hai cuộc chiến tranh Đông Dương, CHNDTQ đã nói với VNDCCH rằng biên giới trên đất liền không phải là một vấn đề và có thể được giải quyết sau này.  Cùng giọng điệu như thế đối với Vịnh Bắc Bộ”. 39
Các sự khác biệt trong các sự giải thích đã có ý nghĩa lớn hơn trong thập niên 1970.  Theo cái nhìn của Việt Nam, “bởi các quyền lợi chiến lược của nó đã biến đổi trong thập niên 1970 và 1980, Trung Quốc đã đưa ra các đòi hỏi mới trên đất liền và trên biển.  Bắc Kinh đã nói nó đã phải ‘ổn định hóa biên giới để làm cho lãnh thổ Trung Quốc an toàn hầu phát triển’.  Trung Quốc đã cáo buộc Việt Nam đang tấn công Trung Quốc, nhưng Việt Nam chưa hề có thể tấn công và chiếm cứ Trung Quốc”. 40 Các nguồn tài liệu khác công nhận rằng Hà Nội đã trở nên khiêu khích quá đáng tiếp theo sau sự chiến thắng của nó trên Sàigòn.  Việt Nam đã đưa ra các sự tuyên xác vượt quá biên giới được phân định trong thỏa hiệp Trung Quốc – Pháp Quốc, và đã bắt đầu nêu lên vấn đề một đường biên giới “lịch sử” để hậu thuẫn cho các sự tuyên xác đối với mười lăm khoảnh đất riêng biệt tại các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây.  “Chúng tôi phạm phải các sai lầm trong thái độ của chúng tôi đối với Trung Quốc”, một viên chức Bộ Ngoại Giao Việt Nam thú nhận như thế. 41 Các sai lầm này rõ ràng khiến Trung Quốc tức giận, đổ thêm dầu vào các nguyên nhân khác của cuộc xung đột năm 1979.
Các Tranh ChấpTại Biển Nam Hải
       Các sự tranh chấp Biển Nam Hải (South China Sea) giữa Trung Quốc và Việt Nam đã hiện hữu ít nhất từ năm 1947, khi Trung Hoa [Dân Quốc] vạch đường gồm chín đoạn rời để bao gồm các sự tuyên xác trên các hòn đảo chiếm đại đa số diện tích của biển này.  “Về mặt lịch sử, Hoàng Sa (Paracels: Xishas) và Trường Sa (Spratlys: Namshas) là của Việt Nam.  Chúng được gọi là Trường Sa [sic, trong nguyên bản viết sai là Trường Xa, chú của người dịch].  Tưởng Giới Thạch tuyên xác nhưng không có hành động gì”. 42 Như với biên giới đất liền trong suốt hai cuộc chiến tranh Đông Dương, các tranh chấp trên biển đã được triển hoãn cho sự giải quyết tương lai.  Tuy nhiên, trong năm 1974, với sự chiếm đoạt của QĐGPNDTQ các đảo nhỏ nằm phía tây của Quần Đảo Hoàng Sa từ Nam Việt Nam, Hà Nội trở nên bối rối.  Nó đã không ủng hộ bước tiến của Trung Quốc đánh Nam Việt Nam cũng không kết án sự chiếm đóng kế đó của Nam Việt Nam trên sáu đảo tại Quần Đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã tuyên xác.  Trong thời hậu chiến, khi các sự căng thẳng lên cao với Trung Quốc, nó bắt đầu nhìn Trung Quốc như một mối đe dọa còn lớn hơn nữa đối với các tuyên xác trên biển của nó. Bởi vì Trung Quốc rõ ràng đã hướng ra ngoài trong khi nó phát triển tiềm năng quân sự và kinh tế của nó, Hà Nội trong một bước tiến phủ đầu một cách quả quyết đã khởi sự  đồn trú trên nhiều hòn đảo khác nhau của Quần Đảo Trường Sa. 43
Mặc dù cả hai bên đều tuyên xác cả Quần Đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa, không bên nào có các lực lượng hải quân có khả năng phóng chiếu nhiều quyền lực trong vùng.   Hải quân QĐGPNDTQ có một hạm đội các tàu cũ có thể vuơn tới Quần Đảo Trường Sa, nhưng Việt Nam vẫn còn đang dựa vào hạm đội Sô Viết có năng lực hơn nhiều làm kẻ bảo kê an ninh cho chuỗi mở rộng từ từ các hòn đảo được củng cố.  Như một phần trong các sự chuẩn bị của nó cho việc tấn công Việt Nam, Trung Quôc đã tập họp một hạm đội nhỏ ngoài khơi đảo Hải Nam hồi đầu năm 1979.  Hạm đội đã không bao giờ được sử dụng, bởi Trung Quốc đã quyết định hạn định sự tấn công của nó đánh Việt Nam vào sự chiến đấu trên đất liền, mà nhiều phần cũng vì bốn chiếc tàu chiến của Sô Viết đã di chuyển vào Biển Nam Hải hồi đầu Tháng Hai.  Bốn chiếc tàu chiến này sau rốt đã thả neo tại Vịnh Cam Ranh, nhưmg sự hiện diện của chúng trong vùng đã là một sự cảnh cáo rõ ràng cho Bắc Kinh không được đẩy cuộc tấn công của mình vượt quá một sô lằn ranh nào đó. 44
Bien Dong_MapKenny2
Bản Đồ 19: Biển Nam Hải [sic]
       Sự kiện rằng các cuộc tranh chấp Biển Nam Hải rõ ràng đã không đóng giữ một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt đến cuộc xung đột năm 1979 không có nghĩa là chúng không thể dẫn đến một cuộc tranh chấp giữa hai nước trong tương lai.  Theo các nguồn tin Việt Nam, Trung Quốc đã muốn mở rộng các biên giới trên biển của nó và có thể tạo ra một duyên cớ để chiếm đoạt các hòn đảo do Việt Nam nắm giữ, “giống y như nó đã làm trong việc tấn công khắp tuyến McMahon trong năm 1962, và Đảo Damamsky trong năm 1969”. 45 Một người có thẩm quyền Việt Nam về vấn đề này đã phát biểu điều đó theo cách sau đây:
Những gì xảy ra tại Biển Nam Hải là một chức năng của các quyền lợi chiến lược.  Trung Quốc tuyên bố nó cần “không gian cho sự phát triển” và cần kiểm soát các biên giới chiến lược của nó trên biển.  Chúng tôi muốn ổn định hóa tình hình, chính yêu bằng các phương thức đa phương, nhưng cũng gồm cả song phương, xuyên qua các sự thương thảo và có lợi hỗ tương. 46
Sự Tiến Hành Chiến Dịch
       Trong việc hoạch định sự xâm lăng của nó vào Căm Bốt, Hà Nội có ngờ vực Trung Quốc có thể đáp ứng bằng hành động quân sự dọc theo biên giới Trung – Việt.  Có các dấu hiệu quân sự ở đó.
Trước tiên, các sự xâm nhập của QĐGPNDTQ theo tường thuật, vào Việt Nam đã gia tăng một cách rõ rệt.  Theo Hà Nội, con số các biến cố dẫn đến cuộc tấn công Tháng Hai 1979 đã gia tăng từ nhịp độ trung bình trong năm 1978 là 49 vụ mỗi tháng lên 171 vụ trong Tháng Một 1979, và 230 vụ trong 16 ngày trước khi có cuộc tấn công hôm 17 Tháng Hai. 47 Vào ngày 1 Tháng Hai, Hà Nội đã tường thuật rằng sự gia tăng rõ rệt trong các vụ đụng độ biến giới đã buộc Việt Nam “phải duy trì một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong khu vực”. 48
Khi chúng tôi nhìn thấy Phnom Penh sắp sửa sụp đổ, chúng tôi có dự liệu cuộc tấn công của QĐGPNDTQ.  Chúng tôi có biết CHNDTQ không thể trì hoãn cuộc tấn công khi phe Khmer Đỏ sắp sửa bị đánh bại.  Chúng tôi đã thực hiện các sự chuẩn bị, trang bị và huấn luyện dân quân (citizen soldiers), và đã báo động các lực lượng địa phương quân.  Vào tối trước khi có cuộc tấn công, tôi có mặt cách biên giới ba cây số.  Học Viện Quốc Phòng của QĐNDVN đã phái tất cả nhân viên lên phía bắc làm cán bộ và để lượng giá tình hình.  Các địa phương quân sắp phải chịu lãnh áp lực chính của cuộc tấn công.  Họ có ba nhiệm vụ: đánh trả và gây tổn thất của QĐGPNDTQ ở mức tối đa, làm chậm bước tiến quân, và hướng dẫn các đường tiến quân của các lục lượng chủ lực. 49
Thứ nhì, Hà Nội có tường thuật các sự chuẩn bị sâu rộng của QĐGPNDTQ cho các cuộc tấn công to lớn về mặt quy mô và phạm vi hơn chỉ là [để sử dụng cho] các vụ đụng độ nhỏ biên giới.  Nó có ghi nhận các vụ xâm nhập sâu vào các tỉnh Hoàng Liên Sơn và Lạng Sơn, các vụ đột kích vào các đồn biên giới của Việt Nam, và sự tập hợp đông đảo trọng pháo phía bên biên giới Trung Quốc. 50 Theo các nguồn tin Việt Nam, QĐGPNDTQ đã xúi giục các vụ đụng độ khắp toàn thể các tỉnh biên giới của Việt Nam hầu phân tán công tác quốc phòng.  Trong số 171 vụ xâm nhập được báo cáo trong Tháng Một 1979, thí dụ, 24 vụ tại Quảng Ninh, 40 vụ tại Lạng Sơn, 43 vụ tại Cao Bằng, 18 vụ tại Hà Tuyên, 39 vụ tại Hoàng Liên Sơn, và 7 vụ tại tỉnh Lai Châu. 51
Thứ ba, mặc dù có tường thuật các vụ biến cố sâu rộng suốt Tháng Một và đầu Tháng Hai, nó đã chú tâm đến sự tiến quân vào huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn một cách chi tiết khác thường, bởi Cao Lộc dẫn đường tới thị trấn Lạng Sơn, và cả hai địa điểm nằm trên con đường trực tiếp nhất từ biên giới Trung Quốc xuống Hà Nội.  Vào ngày 4 Tháng Hai, có báo cáo rằng khoảng 200 binh sĩ QĐGPNDTQ, được yểm trợ bởi pháo binh và súng máy và được hỗ trợ bởi “hàng nghìn” binh sĩ QĐGPNDTQ, đã tiến sâu 200 mét vào Việt Nam tại huyện Cao Lộc.  Các binh sĩ QĐGPNDTQ được cho hay đã chiếm cứ các địa điểm có địa hình then chốt và khai quang các tầm khai hỏa trong các sự chuẩn bị hiển nhiên đối với một sự phản công khả hữu của Việt Nam. 52
Một tuần sau đó, Hà Nội phát thanh các tin tức đáng ngại hơn: “Vào sớm hôm 10 Tháng Hai, sau khi đã bắn súng cối và súng máy hạng nặng vào các thôn xã của nhân dân chúng ta, phía Trung Quốc đã phái các binh sĩ sang xâm lấn và chiếm cứ một khu vực tại xã Thanh Loa [?] được phòng vệ bởi các dân quân chúng ta … Các kẻ xâm nhập Trung Quốc đã chiếm cứ Đồi 400, 14 cây số bắc-đông bắc tỉnh lỵ Lạng Sơn và hai cây số bên trong lãnh thổ Việt Nam”. 53 Giống như trong cuộc tấn công trước đây gần biên giới hơn, QĐGPNDTQ đã hậu thuẫn các hành động của nó bằng việc bố trí các lực lượng mạnh để yểm trợ.  “Phía Trung Quốc đã tạo ra một tình trạng nghiêm trọng dọc theo biên giới Trung – Việt.  Nó đã tập hợp 20 sư đoàn, hàng trăm các phi cơ chiến đấu, nhiều xe thiết giáp và các quân dụng chiến tranh khác sát gần biên giới Việt Nam”. 54
Đã có 600,000 binh sĩ Trung Quốc nói chung liên can đến cuộc tấn công.  Ý định của QĐGPNDTQ là tiến sâu từ bốn mươi đến sáu mươi cây số trong lãnh thổ Việt Nam.  Chúng tôi đã phải chuẩn bị.  Chúng tôi không thể tin được phạm vi của cuộc tấn công.  Ngay tại Hà Nội, dân chúng được nói cần sẵn sàng.  Họ đã được báo động; hồ đào hố, và họ đã chuẩn bị các vị trí phòng thủ. 55
Tuy nhiên, phía người dân Việt Nam tại Hà Nội tuyên bố vẫn giữ vẻ tự tin.  Bất kỳ sự quan ngại nào về sự an toàn của thủ đô đều được dấu kín, cả trên báo chí vào lúc đó lẫn trong các sự thẩm định đương thời của Việt Nam về cuộc chiến.  “Chúng tôi có ưu thế trang thiết bị của Nga và Mỹ so với trang thiết bị của QĐGPNDTQ “, một chuyên viên nhấn mạnh, trong khi các người khác tuyên bố:
Cuộc Cách Mạng Văn Hóa đã hạ thâp sự sẵn sàng chiến đấu của QĐGPNDTQ.  Các binh sĩ QĐGPNDTQ đã phá hủy kinh tế của các khu vực bị chiếm đóng, nhưng đã phải trả giá với các sự tổn thất lớn lao.  Năng lực chiến dấu của QĐGPNDTQ thì thấp.  QĐGPNDTQ cũng có tinh thần thấp. 56
Bất kể sự nhận biết rõ ràng của nó về các dấu hiệu cảnh cáo, Hà Nội vẫn rõ ràng ở vào chỗ tin ttưởng rằng một nước xã hội chủ nghĩa anh em sẽ không bao giờ tấn công nó.  Sự tin tưởng này được tăng cường bởi một nhận thức rằng phần lớn người Trung Quốc chống đối chiến tranh và rằng sẽ có áp lực từ dân chúng Trung Quốc để ngăn chặn chiến tranh. 57 Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng nhất đối với Hà Nội là lời bình luận bởi Đặng Tiểu Bình một tuần sau khi mở chiến dịch là cuộc tiến quân của Trung Quốc sẽ không được kéo dài lâu hơn cuộc giao tranh năm 1962 với Ấn Độ (ba mươi ba ngày). 58 Cộng với các ý kiến trước đó của ông ta rằng cuộc xâm lăng sẽ “được hạn chế về không và thời gian”.  Hà Nội rất có thể đã kết luận rằng nó có thể cầm chân phía Trung Quốc tại các các tỉnh biên giới trong bất kỳ trường hợp nào.
Một vài khuôn mẫu hành động phát sinh từ các cuộc xâm nhập “tiền chiến tranh” này.  Trước tiên, QĐGPNDTQ tạo ra các biến cố suốt một mặt trận rộng lớn, nhất thiết làm phân tán các sự phòng thủ của Việt Nam và che dấu đến một tầm mức giới hạn trục tấn công chính yếu.  Thứ nhì, QĐGPNDTQ đã tập trung các nỗ lực của nó vào việc chiếm đoạt các địa hình trọng yếu dọc theo khu vực phòng thủ trọng yếu nhất của Việt Nam, — hành lang Lạng Sơn dẫn xuống Hà Nội.  Thứ ba, trong cả cuộc tấn công biên giới hôm 4 Tháng Hai lẫn cuộc tấn công hôm 10 Tháng Hai vào Đồi 400, QĐGPNDTQ đã hành động một cách mau lẹ để chiếm đoạt các mục tiêu trước khi các lực lượng Việt Nam có thể đáp ứng.  Nó đã tức thời dựng lên các vị trí phòng thủ theo sau sự chiếm đoạt các mục tiêu của nó, và đã hậu thuẫn sự hiện diện của nó bởi lực lượng áp đảo hỗ trợ cho cuộc tấn công.  Hoạt động của QĐGPNDTQ chính vì thế đã mưu toan áp đặt “sự đã rồi: a fait accompli”. Viet-Trung_KennyMap
Bản Đồ 20: Cuộc Xâm Lăng Của Trung Quốc Vào Việt Nam, năm 1979
Sự mở màn các chiến sự hôm 17 Tháng Hai đã diễn ra không có sự bất ngờ.  Ngoài nhiều biến cố trong sự chuẩn bị cho cuộc tấn công của QĐGPNDTQ, các sự chuẩn bị quân sự thì ồ ạt.  Mười trong mười một quân khu của Trung Quốc đã đóng góp các lực lượng.  Các lực lượng này gồm khoảng 20 sư đoàn, 300,000 binh sĩ, 700-1000 máy bay, 1,000 xe tăng, và 1,500 khẩu pháo. 59 Các đơn vị xâm nhập Việt Nam một cách điển hình được trang súng bắn hỏa tiễn phóng lựu đạn, các súng máy, và súng 12.7 li.  Trong các tuần lễ trước khi có cuộc tấn công, Hà Nội có tuyên bố rằng các máy bay Trung Quốc đã bay qua không phận của Việt Nam, trong khi “các tàu và thuyền Trung Quốc đã thực hiện hơn 1,500 vụ đột nhập vào hải phận của Việt Nam”. 60
Cuộc tấn công thực sự đã bắt đầu vượt qua toàn thể vùng biên giới trong một cuộc công kích vào lúc rạng sáng bởi sáu sư đoàn bộ binh được yểm trợ bởi các loạt trọng pháo.  QĐGPNDTQ đã tiến vào Việt Nam tại hơn hai mười sáu địa điểm, nhưng đã sớm tập trung cuộc tấn công của họ dọc theo năm ngả tiến quân chính, tất cả đều nhắm vào tỉnh lỵ của năm trong sáu tỉnh biên giới của Việt Nam (ngoại trừ tỉnh duyên hải Quảng Ninh và tỉnh lỵ của nó là Hòn Gai).  Các mục tiêu quân sự Trung Quốc bao gồm không chỉ việc chiếm đoạt các tỉnh này, mà còn cả sự triệt hủy các đơn vị quan trọng của QĐNDVN được xem là cốt yếu cho sự phòng thủ của họ.  Bắc Kinh đã đặt tên cho các sự chuyển động của nó là một cuộc “hoàn kích tự vệ”, và đã cẩn thận không bày tỏ bất kỳ ý định nào muốn tiến quân vượt quá các tỉnh biên giới tiến xuống vùng Châu Thổ sông Hồng.   QĐGPNDTQ cũng giới hạn cuộc tấn công của nó bằng cách không sử dụng không hay hải lực. 61 Ở cực điểm, các lực lượng QĐGPNDTQ bên trong Việt Nam được ước lượng là tám sư đoàn và hơn 100,000 quân. 62
Việt Nam đã dựa chính yếu vào dân quân, bao gồm các binh sĩ-công dân và các lực lượng địa phương, để đối đầu với cuộc xâm lăng.  Theo các sĩ quan cao cấp của QĐNDVN, Hà Nội đã cung cấp các vũ khí nhỏ và huấn luyện cho các công dân của vùng biên giới trong vài tháng trước cuộc tấn công.  Một khi cuộc tấn công bắt đầu, các binh sĩ-công dân này và các lực lượng địa phương quân đã phải chịu đựng áp lực chính của cuộc tấn công.  Năm sư đoàn chính quy của QĐNDVN được giữ làm quân trừ bị, sẽ chỉ giao chiến nếu QĐGPNDTQ đe dọa chọc thủng xuống vùng Châu Thổ sông Hồng.  Hà Nội đã muốn phá hỏng một mục tiêu của QĐGPNDTQ nhằm tiêu diệt các đơn vị lực lượng chủ lực, nhưng cũng cảm thấy rằng nó sẽ vững mạnh hơn về mặt chiến thuật để chỉ tung ra các đơn vị quân chủ lực sau khi các tuyến đường lưu thông của các đơn vị Trung Quốc bị căng mỏng ra.  Hà Nội cũng đã giữ các đơn vị chủ lực quân đàng sau ngay từ lúc khởi đầu trong một nỗ lực nhằm giữ bất kỳ chiến sự nào phải được giới hạn ở khu vực biên giới.  Trong thực tế, một ít đơn vị QĐNDVN đã tham gia vào sự phòng thủ Lạng Sơn hồi đầu Tháng Ba, nhưng ngay ở đó các dân quân đã thực hiện việc giao tranh chính yếu.  Một số ước lượng từ 75,000 đến 100,000 dân quân Việt Nam đã tham gia vào sự giao tranh. 63
Các chiến thuật của QĐGPNDTQ đã không phải là một điểm mạnh của Trung Quốc.  Quân đội đã bị tàn phá bởi các sự rối loạn của Cuộc Cách Mạng Văn Hóa, đã không tham gia vào sự chiến đấu trong mười năm, và vẫn chưa hiện đại hóa các lực lượng của nó để chiến đấu “một cuộc chiến tranh kỹ thuật cao độ dưới các điều kiện địa phương”.  Các xe tăng và xe vận tải bị giữ chân tại một ít con đường uốn khúc giữa các ngọn núi, đồi cao, phần lớn được che phủ bởi rừng và rải rác các bờ đá vôi dốc đứng.  Địa thế hành lang Lạng Sơn không hoàn toàn gập ghềnh, nhưng bao gồm nhiều ngọn đồi dốc đứng với các khu vực khai hỏa thuận lợi bảo vệ các tuyền đường tiến tới. 64 Khi bộ binh QĐGPNDTQ mưu toan né tránh tuyến đường, họ có khuynh hướng đổ dồn theo đội hình hàng dọc bởi địa hình.  Ở đó, họ đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ bởi các lực lượng địa phương quân lưu động am tường rất rõ địa hình và thực hiện các cuộc phục kích thường xuyên với hiệu quả đích đáng.  Dọc theo các lối đi và đường lộ chính, phía Việt Nam đã sử dụng nhiều mìn nổ, cuộc tấn công bằng súng cối, và các cuộc phục kích khai hỏa trực tiếp từ các địa thế khống chế.  Chỉ sau khi gánh chịu các tổn thất nặng nề cho các đội hình mở đường của nó, các đơn vị QĐGPNDTQ mới có thể dựng lên một căn cứ hỏa lực đủ để di chuyển các lực lượng chống lại quân phòng vệ Việt Nam cố thủ tại các chiến hào. 65
Chúng tôi đã sử dụng nhiều cuộc phục kích địa phương.  Chúng tôi đã dựa nhiều vào giới nông dân được vũ trang mà chúng tôi đã huấn luyện.  Đây là cuộc chiến tranh nhân dân.  Các lực lượng địa phương quân đã cung cấp sự phòng thủ chính yếu.  Các lực lượng chủ lực quân được giữ làm trừ bị.  Địa thế dồn các lực lượng QĐGPNDTQ vào các khe núi hẹp.  Họ không được huấn luyện và chưa sẵn sàng chiến đấu.  Họ đã chỉ phá hủy Lạng Sơn sau khi gánh chịu các tổn thất khổng lồ. 66
Bất kể việc pháo kích dữ dội vào các vị trí của họ, dân quân Việt Nam đã phòng thủ một cách anh hùng các thị trấn biên giới then chốt tại Đồng Đăng, Cao Bằng, và Đồng Khê, khiến cho QĐGPNDTQ phải trả một giá đắt trước khi sau rốt chiếm cứ được chúng.  Sau khi tái tập hợp từ các sự tổn thất nặng nề tại các trận đánh đó, QĐGPNDTQ đã khởi sự điều đối với nó là trận đánh quyết định của chiến dịch, trận đánh chiếm Lạng Sơn.  Tác giả Harlan Jencks còn cung cấp sự tường thuật rõ ràng và cô đọng nhất về trận đánh đó:
Cuộc bao vây của Trung Quốc ở Lạng Sơn đã khởi sự hôm 27 Tháng Hai bằng một cuộc công kích của xe tăng và bộ binh, mở màn trước bằng một trận pháo kích ồ ạt vào cao điểm then chốt của Khấu Mã Sơn, phía bắc thành phố.  Trong những ngày theo sau, các đơn vị QĐGPNDTQ tới cấp trung đoàn đã tiến quân quanh các cạnh sườn của Lạng Sơn, thường giao chiến vào buổi tối và ở tầm gần cận.  Cuộc tấn công vào Lạng Sơn đã bắt đầu hôm 2 Tháng Ba, trong khi trận đánh giành một số cao điểm chung quanh đang tiếp diễn.  Ba ngày kế đó đã chứng kiến loại chiến đấu dữ tợn nhất, khi quân phòng thủ di chuyển từng ngôi nhà một, từng căn hầm một, và từng đường hào một.  “Sự thất thủ của Lạng Sơn” được tường thuật ngay từ ngày 27 Tháng Hai, và gần như hàng ngày sau đó.  Tân Hoa Xã đã công bố một ảnh chụp xác nhận sự chiếm đoạt hôm 3 Tháng Ba, nhưng sự giao tranh còn tiếp tục trong hai ngày nữa. 67
Ngay sau khi sau rốt chiếm đoạt được Lạng Sơn hôm 5 Tháng Ba, Bắc Kinh đã tức thời loan báo rằng QĐGPNDTQ sẽ triệt thoái ra khỏi Việt Nam.  Trong hai tuần kế đó nó đã làm đúng như thế, tuyên bố rằng đã dạy cho Việt Nam bài học chủ định của nó.
Phần lớn các nhà quan sát Tây Phương cảm thấy bài học ở đường hướng khác, và rằng QĐGPNDTQ đã không tự chứng tỏ mình một cách mỹ mãn trong cuộc giao tranh.  Ngoài các vấn đề chiến thuật được nêu ra, sự chậm chạp của cuộc tấn công, và các số tổn thất này được tường thuật lên tới 25,000 người bị chết, các sự truyền tin giữa các đơn vị yếu kém, và trong nhiều trường hợp, QĐGPNDTQ đã dùng cờ để truyền tin giữa các trung đoàn. 68 Sự tiếp vận cũng bị trục trặc và đã hạn chế cuộc tiến quân của QĐGPNDTQ, khi các đơn vị chiến đấu đã phải phái lính bộ binh đi hàng chục dậm đường đến các căn cứ yểm trợ tại Trung Quốc hầu tái bổ sung thực phẩm căn bản và đạn dược.  Việt Nam có tường thuật rằng QĐGPNDTQ còn dùng cả ngựa để di chuyển quân dụng băng ngang biên giới.
Tuy nhiên, QĐGPNDTQ có phô bày một vài sức mạnh.  Thí dụ, nó đã biểu lộ một sự sẵn lòng thúc đẩy cuộc tấn công bất kể các sự tổn thất nặng nề.  Trong khi không chắc chắn về mặt chiến thuật, chiến lược tấn công với một tiểu đoàn nơi mà một đại đội bị thất bại, và với một trung đoàn nơi mà một tiểu đoàn bị thất bại, sau cùng đã dẫn đến sự chiếm đoạt năm tỉnh lỵ mục tiêu.
QĐGPNDTQ đã thành công trong việc tập trung pháo binh của nó để hỗ trợ cho cuộc tấn công vào các vị trí cố định.  Trong khi bị hạn chế bởi các khó khăn về tiếp vận, pháo binh rõ ràng đã tạo ra một phần to lớn trong các số tổn thất của Việt Nam, được ước lượng có hơn 20,000 người bị chết.
QĐGPNDTQ cũng đã tiếp tục sử dụng chiến tranh chính trị một cách hữu hiệu, nổi bật nhất bằng việc trang bị vũ khí cho một số nhóm dân tộc ít người có truyền thống kháng cự lại nhà cầm quyền Việt Nam.  Một số trong các người này bao gồm cả các người gốc Hoa đã từng chiến đấu chống lại Việt Minh trong Cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Nhất; nhưng phần lớn là dân miền núi đơn giản tìm cách duy trì các phương cách truyền thống của họ đối diện với sự xâm lấn văn hóa của Việt Nam. 69
Kết Cuộc
       Trong lúc có cuộc triệt thoái của Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình có tuyên bố rằng QĐGPNDTQ đã có thể đi trọn con đường tới Hà Nội nếu nó muốn làm như thế.  Các tướng lĩnh hàng đầu của QĐNDVN không đồng ý.  Họ vạch ra rằng QĐGPNDTQ đã không thi hành nhiệm vụ tốt và rằng QĐNDVN, được ủng hộ bởi một dân chúng Việt Nam đã được động viên, sẽ giáng cho QĐGPNDTQ một sự thất trận nghiêm trọng nếu nó di chuyển sâu hơn xuống phía nam.  Theo một tướng lĩnh cao cấp Việt Nam, Trung Quốc đã thua về mặt quân sự và đánh tháo lui vội vã: “Sau khi chúng tôi đã đánh bại họ, chúng tôi trải thảm đỏ cho họ rời khỏi Việt Nam”. 70
Phần lớn các tác giả Tây Phương đồng ý rằng Việt Nam trong thực tế đã giao chiến xuất sắc hơn QĐGPNDTQ trên chiến trường, nhưng nói rằng với sự chiếm đoạt được Lạng Sơn, QĐGPNDTQ đã cân nhắc về việc di chuyển vào địa hình thuận lợi hơn về mặt quân sự của Châu Thổ sông Hồng, và từ đó đến Hà Nội. 71 Các sĩ quan cao cấp QĐNVN tranh luận về sự xác quyết này.  Họ vạch ra rằng Lạng Sơn cách biên giới Trung Quốc chưa đầy 20 cây số, nhưng đường xuống tới vùng Châu Thổ còn gấp đôi đoạn đường đó.  Quốc Lộ số 1 từ Lạng Sơn xuôi nam chạy ngang qua một thung lũng được kẹp hai bên sườn bởi nhiều đồi núi cung cấp đầy cơ hội để phục kích.  Một khi tới Châu Thổ, địa hình tiếp tục thích hợp cho sự phòng thủ, với các tầm khai hỏa rộng mở cho quân phòng thủ đàng sau các bờ đê ruộng với đầy đủ cây cối để ẩn náu.  Hơn nữa, QĐGPNDTQ sẽ kéo dài một cách nguy hiểm các tuyến tiếp tế của nó bằng ngang một địa thế trong đó các lực lượng phi chính quy Việt Nam vẫn có thể phóng ra các cuộc tấn công nghiêm trọng, như đã được chứng tỏ bởi các cuộc đột kích của nó vào bên trong Trung Quốc trong trận đánh Lạng Sơn.  Vả lại, ít nhất năm sư đoàn QĐNDVN vẫn còn đang ở tư thế sẵn sàng phản công tại vùng Châu Thổ, và 30,000 binh sĩ QĐNDVN bổ túc từ Căm Bốt, cùng với vài trung đoàn từ Lào, đang di chuyển để hậu thuẫn cho chúng.  Sau cùng, dân chúng Việt Nam đã được động viên cho một cuộc “chiến tranh nhân dân” kéo dài. 72
Trong bất kỳ trường hợp nào, sự triệt thoái các binh sĩ Trung Quốc ra khỏi Việt Nam vào cuối Tháng Ba đã mang lại cho Hà Nội một sự nhẹ nhõm đáng kể.  Sự xây dựng các vị trí phòng thủ tại và chung quanh thủ đô được chấm dứt, và sự tái xây dựng Lạng Sơn và các thị trấn khác bị phá hủy bởi quân xâm lược đã khởi sự.  Sự triệt thoái cũng có nghĩa QĐGPNDTQ đã có thể tiếp tục duy trì áp lực trên Pol Pot, trong khi đám quân du kích lẩn trốn của ông ta, nhiều người trong số cán bộ của họ được huấn luyện bởi QĐNDVN tại trung tâm huấn luyện ở Hòa Bình, đã tìm cách vượt thoát mạng lưới của QĐNDVN quanh Phnom Penh và tiến vào một cuộc chiến tranh du kích kéo dài.
Tuy nhiên, sự triệt thoái của Trung Quốc đã không có nghĩa một sự chấm dứt cuộc xung đột biên giới.  Trong thập niên kế đó,  các đơn vị QĐNDVN, cùng với một lớp dân quân được tái huấn luyện và tái trang bị, bị buộc phải duy trì nhiều đến 800,000 người tại miền Bắc Việt Nam.  Các cuộc chạm súng thường xuyên tiếp tục diễn ra dọc biên giới, điển hình đi kèm bởi một cuộc pháo kích của pháo binh, tuần cảnh, và các cuộc tấn công nhỏ cách biên giới trong vòng vài cây số.   Đôi khi, việc nã trọng pháo của QĐGPNDTQ vào Việt Nam trở nên dữ dội, và một vài trận đánh quan trọng đã được giao tranh trong đó các đơn vị QĐGPNDTQ lớn đến cấp sư đoàn đã tham chiên.  Trong phần lớn trường hợp, quân phòng thủ Việt Nam đã tìm cách chống giữ các vị trí then chốt dọc biên giới, nhung các lực lượng QĐGPNDTQ đã có thể chiếm đoạt và nắm giữ trong một thời khoảng đáng kể ít nhất tám địa hình then chốt tại phía tây bắc của Hà Giang, gần con sông Lô lịch sử của Việt Nam chảy ngang qua Trung Quốc. 73
Các cuộc tấn công biên giới quan trọng của QĐGPNDTQ nói chung được ấn định thời điểm trùng hợp với hoạt động quân sự của Việt Nam tại Căm Bốt.  Vào cuối năm 1983, và lập lại trong năm 1984 và 1985, khi các binh sĩ Việt Nam đẩy mạnh các cuộc tấn công của họ đánh quân Khmer Đỏ đang chạy trốn tại các vùng biên giới Thái Lan – Căm Bốt, các lực lượng QĐGPNDTQ đã lập lại các cuộc tấn công dọc biên giới phía bắc của Việt Nam.  Trong mùa xuân 1984, và một lần nữa vào cuối năm đó, khi QĐNDVN đẩy mạnh các cuộc tấn công đánh vào các nơi ẩn náu của Khmer Đỏ ngay bên kia biên giới Thái Lan, QĐGPNDTQ đã phóng ra các cuộc tấn công nhiều sư đoàn được yểm trợ bởi hàng nghìn quả đạn trọng pháo.  Theo các nguồn tin Việt Nam, “Trung Quốc đã cảm thấy nó có thể đặt áp lực trên Việt Nam nhằm cấm chỉ áp lực của chúng tôi trên phe Khmer Đỏ, nhưng điều đó đã sai.  Áp lực của Trung Quốc đã không đưa đến bất kỳ lợi thế nào cho phe Khmer Đỏ”. 74 Theo các nhà ngoại giao Việt Nam đã hồi hưu, Trung Quốc cũng vẫn đang tìm cách làm suy yếu QĐNDVN:
Trung Quốc tiếp tục chính sách thù nghịch của nó đối với Việt Nam từ 1979 đến 1990.  QĐGPNDTQ đã phát động các cuộc tấn công nhỏ dọc theo biên giới và tạo ra các khó khăn trong một mưu toan làm suy yếu Việt Nam.  Từ 1985 trờ đi, Việt Nam đã muốn bình thường hóa các quan hệ, nhưng đã chỉ thành công vào năm 1991, bởi vì vào thời khoảng đó chúng tôi rút ra khỏi Căm Bốt, và bởi vì Hoa Kỳ và khối ASEAN đã thay đổi chính sách. 75
Theo Bộ Ngoại Giao [Việt Nam], đã không có các sự trao đổi ở cấp cao cho đến năm 1989. 76
Trong năm 1989, chúng tôi bắt đầu các cuộc thuơng thảo ngoại giao về việc bình thường hóa các quan hệ.  Trong Tháng Một 1989 chúng tôi đã khởi sự các cuộc đàm phán tại Bắc Kinh ở cấp thứ trưởng ngoại giao.  Trong Tháng Mười Một 1991, Tổng Bí Thư và Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam đã đến Bắc Kinh.  Các nhà lãnh đạo của hai nước đã đồng ý đặt quá khứ ở phía sau họ và hướng nhìn về tương lai, và để cải thiện và bình thường hóa các quan hệ phù hợp với các quyền lợi của cả hai dân tộc, và để phát huy hòa bình, hợp tác và phát triển.
Chỉ khi đó, sau khi Việt Nam đã rút các lực lượng của nó ra khỏi Căm Bốt, hòa bình mới có thể khả hữu dọc biên giới phía bắc. 77
Nhìn Lại: Các Nguyên Nhân Tâm Lý Của Cuộc Xung Đột
Các Sự Khẳng Định Của Việt Nam Về Sự Độc Lập Hoàn Toàn
       Trong năm 1975, Hà Nội đã ở trên cao độ.  Nó đã đánh bại một cách thành công “quân ngụy” ở miền nam, và đang giương cao ngọn cờ thắng lợi của “độc lập và tự do” trên một xứ sở thông nhất.  “Không gì quý hơn độc lập và tự do” đã là câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh trên nóc các công thự và trên cửa miệng của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong thời kỳ ngay sau chiến tranh. 78 Các sĩ quan cao cấp QĐNDVN đã lập lại câu nói này trong năm 1999, nói thêm rằng “lịch sử của Việt Nam là một lịch sử của cuộc đấu tranh giành độc lập”. 79 Một tướng lĩnh Việt Nam cao cấp đã tóm lược một cách cô đọng lập trường của Việt Nam: “Trong mười ba cuộc chiến tranh chính yếu suốt dòng lịch sử, chúng ta đã chặn đứng người Trung Hoa.  Bằng chứng là chúng tôi vẫn còn ở đây sau hai nghìn năm”. 80
Chống lại mọi điều bất lợi, Hà Nội đã đạt được “chính nghĩa” của nó.  Sau khi đánh bại cả người Pháp lẫn người Mỹ, nó đã sẵn sàng để bắt đầu tái xây dựng nền kinh tế tả tơi của nó và đứng lên như một kiểu mẫu phát triển cho Thế Giới Thứ Ba.  Nó đã không chịu đựng bất kỳ sự can thiệp nào từ Trung Quốc. 81 Tuy nhiên, trong sự nhiệt thành về vị thế mới của nó, Hà Nội đã không đánh giá đúng và giải tỏa được các sự nhậy cảm của Trung Quốc.  “Trung Quốc đã quan ngại bởi vì chúng tôi đã không phải quay trở lại với họ và khấu đầu (kow tow)”, một nhân vấn Việt Nam có nói.  “Trung Quốc đã bán đứng Việt Nam tại Hội Nghị Geneva năm 1954, và đã điều đình với Hoa Kỳ trong Cuộc Chiến Tranh chống Mỹ [tức Chiến Tranh Việt Nam] để cho phép dội bom Việt Nam Dân Chủ Công Hòa (VNDCCH).   Sau Chiến Tranh chống Mỹ, Trung Quốc chỉ tìm cách để tái khẳng quyết sự kiểm soát của nó và chúng tôi đã không nhìn nhận nó đúng lúc.  Chúng tôi đã phạm các lỗi lầm trong đường hướng của chúng tôi đối với Trung Quốc”. 82
Các Quan Điểm Của Việt Nam Về Các Sự Kỳ Vọng Của Trung Quốc
       Các nhận thức của Việt Nam về chính họ như một dân tộc, và đặc biệt trong vai trò mới của họ như một gương mẫu cho cuộc tranh đấu của các nước Thế Giới Thứ Ba giành độc lập và phát triển kinh tế, mâu thuẫn một cách rõ rệt với các quan điểm của Trung Quốc.  Trước tiên, theo phía Việt Nam, Trung Quốc cảm thấy Việt Nam mắc nợ nó tiếp theo sau các năm có sự ủng hộ của Trung Quốc cho cuộc “cách mạng”.  Trung Quốc đã trợ giúp cho phe Việt Minh luu vong, cung cấp các trang bị trọng yếu cho cuộc chiến thắng tại Điện Biên Phủ, đã cung cấp một “hậu cứ to lớn” cho việc huấn luyện và tiếp vận trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, và đã đóng góp các xe vận tải, các vũ khí nhỏ, và năm mươi nghìn binh sĩ cho cuộc chiến tranh chống Mỹ.  Có lẽ điều quan trọng nhất cho sự chiến thắng của Hà Nội là sự ủng hộ của Trung Quốc đã thuyết phục Hoa Thịnh Đốn rằng bất kỳ cuộc tấn công trên đất liền nào đánh vào Bắc Việt Nam sẽ đưa đến việc tham gia của các chí nguyện quân Trung Quốc vào cuộc chiến tranh. 83
Thứ nhì, Trung Quốc đã cảm thấy rằng Việt Nam phải tham khảo với Trung Quốc trên các vấn đề quốc phòng và chính sách ngoại giao quan trọng.  Theo một nhà nghiên cứu cao cấp tại Hà Nội, Trung Quốc đã muốn biến Việt Nam thành một thuộc địa và kiểm soát chính sách ngoại giao và quốc phòng của Việt Nam.  Điều này đặc biệt đúng khi liên quan đến Đông Nam Á, nơi mà Bắc Kinh đã nhìn vai trò tương lai của nó như lấp đầy khoảng trống được để lại bởi sự triệt thoái của Mỹ.  Trong khi các sự căng thẳng song phương phát sinh với Việt Nam, Trung Quốc đã đóng vai trò “kẻ bảo vệ” cho các nước Đông Nam Á chống lại Việt Nam trong một nỗ lực làm gia tăng ảnh hưởng cấp vùng của nó.  Theo phía Việt Nam, Trung Quốc đã muốn là không có quyết định quốc phòng hay chính sách ngoại giao quan trọng nào sẽ được lấy mà không có sự tán đồng của Trung Quốc. 84
Thứ ba và quan trọng nhất, Bắc Kinh đã tìm cách tái khẳng quyết tham vọng đế quốc trong nhiều thế kỷ của nó để kiểm soát Việt Nam xuyên qua một mối quan hệ cha con kiểu Khổng học.  Một sĩ quan cao cấp của QĐNDVN có trích dẫn một câu nói của một hoàng đế Trung Hoa về vấn đề này: “Trong ngôi nhà của chính bạn, bạn không thể vứt bỏ chính sách trừng trị các đưa con của chính bạn”.  Tương tư, theo lời ông ta, “Bắc Kinh đã không thể bỏ sang một bên chính sách phóng ra chiến tranh đánh Việt Nam.  Nó chỉ có vấn đề đánh như thế nào”. 85  Một viên chức Việt Nam khác nói rằng Trung Quốc có một cái nhìn từ lâu về Việt Nam như “một đứa con hỗn hào tại ranh giới phía nam của nó.  Cuộc tấn công của nó đã tìm cách cưỡng hành các quan điểm Trung Quốc được gìn giữ sâu đậm về chủ quyền của nó trên Việt Nam”.  Trích dẫn một ngạn ngữ Trung Hoa cổ xưa, ông ta nói;” “Cơn lạnh lẽo của một ngày duy nhất không thể làm đông đặc một dòng sông sâu ba bộ Anh (feet) (nói rõ hơn, Trung Quốc đã không thể trở nên thù nghịch với Việt Nam chỉ qua một đêm). 86
Các Bài Học Lĩnh Hội Được
       Trong khi điều được công nhận một cách tổng quát rằng Việt Nam đã dạy cho Trung Quốc một bài học quân sự trong năm 1979, điều cũng đúng không kém là Trung Quốc đã dạy cho Việt Nam một bài học chính trị.  Bài học đầu tiên mà Việt Nam học được là Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực khi cần thiết để đạt được các mục tiêu chính trị quan trọng, bất kể các lời tuyên bố trong quá khứ về nguyên tắc.  Một viên chức Việt Nam đã giải thích bài học này như sau: “Bất kể ‘sự sông chung hòa bình’, CHNDTQ sẽ lượng định tình hình, và khi ở vào đúng thời cơ, sẽ lợi dụng các cơ hội để tiến đánh cho các mục tiêu chính trị”. 87  Một viên chức khác đã bác bỏ bất kỳ khái niệm nào về một ý thức hệ chính trị chung của Trung Quốc – Việt Nam: “Lập trường ý thức hệ của Trung Quốc không có nghĩa gì cả.  Trước khi có cuộc chiến, chúng tôi đã tin tưởng nơi chủ nghĩa quốc tế vô sản.  Sau cuộc chiến, chúng tôi nhận thấy các quyền lợi quốc gia của Trung Quốc là trên hết.  Chủ nghĩa quốc tế vô sản là một phần trong hành lý ý thức hệ của Việt Nam”. 88
Bài học thứ nhì các viên chức Việt Nam lĩnh hội được rằng Trung Quốc nhiều phần sẽ chỉ viện dẫn đến vũ lực khi nó chắc chắn rằng nó sẽ không bị đánh bại và khi nó biết rằng QĐGPNDTQ sẽ không phải nhận các sự tổn thất nặng nề.  Với các tiền lệ quân sự lịch sử khác, số ước lượng được trưng dẫn ttrước đây về 25,000 binh sĩ QĐGPNDTQ bị chết trong khi hoạt đông có thể có nghĩa ít nhất 50,000 người khác chịu tổn thương nghiêm trọng, cho một tổng số 75,000 tổn thất trên một lực lượng xâm lăng  khoảng 100,000 quân.  Trung Quốc chắc chắn lấy làm kinh ngạc về các sự tổn thất mà nó phải gánh chịu ở Việt Nam, và có thể đã lùi lại khỏi các cuộc tấn công thêm nữa ít nhất một phần nhằm tránh các sự tổn thất bổ túc.
Thứ ba, Trung Quốc nhiều phần sẽ chỉ sử dụng vũ lực khi nó nhân thấy tình trạng đã hoàn toàn chín mùi.  Điều này đòi hỏi sự phân tích tình hình quốc tế liên hệ — cuộc tấn công năm 1979 được phán đoán là thuận lợi bởi Bắc Kinh đã ước tính rằng LBSV sẽ không can thiệp và QĐNDVN bị buộc chân tại một mặt trận thứ nhì ở Căm Bốt.  Sự phân tích của Trung Quốc trải rộng cho đến sự ấn định thời biểu chính xác của cuộc tấn công: nó sẽ theo sau sự bình thường hóa với Hoa Kỳ nhưng đi trước các trận mưa to theo gió mùa đổ xuống miền bắc Việt Nam bắt đầu trong mùa xuân.
Thứ tư, phía Việt Nam bị phân hóa về việc QĐGPNDTQ đã hoạch định và chuẩn bị cuộc tấn công năm 1979 trong bao lâu.  Các vị chỉ huy quân đội có khuynh hướng tin tưởng rằng Trung Quốc đã không hoạch định cuộc tấn công từ rất lâu bởi một cách đơn giản QĐGPNDTQ thật là quá thiếu chuẩn bị để chiến đấu.  Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao nhấn mạnh rằng cuộc tấn công có mưu tính trước.  Một cựu viên chức ngoại giao Việt Nam cao cấp có nói “chúng tôi giờ đây hay biết họ đã chuẩn bị tấn công chúng tôi trong một thời gian dài, tương tự như tất cả các cuộc chiến tranh khác mà Trung Quốc đã tham dự ngoại trừ tại Triều Tiên.  Trong tất cả các cuộc chiến tranh khác – Triều Tiên, Tây Tạng, Ấn Độ, LBSV, chống lại người Mỹ tại Việt Nam – chỉ có Triều Tiên là không được hoạch định trước”. 89 Chính vì thế, trong khi bài học cho giới quân sự là một cuộc tấn công có thể xảy ra đột ngột, các nhà ngoại giao nhìn thấy một thời kỳ đáng kể của sự chuẩn bị cần thiết trong đó họ có thể kỳ vọng để nhìn thấy các sự cảnh báo chính trị.
Thứ năm, mọi người Việt Nam đều đồng ý rằng viễn ảnh một sự kháng chiến mạnh mẽ của Việt Nam đã là yếu tố giới hạn trong cuộc tấn công của Trung Quốc.  Việt Nam hứa hẹn sẽ giao chiến đến cùng.  “Các cha ông chúng tôi, chỉ dùng cung tên, các con voi, các con ngựa, dao và kiếm, đã đập tan nhiều đội quân của các kẻ xâm lược thuộc nhà Nam Hán, nhà Tống, Nguyên-Mông, và nhà Thanh Mãn Châu.   Giờ đây [1979] QĐNDVN với các vũ khí tương đối hiện đại chắc chắn sẽ đánh bại các kẻ bành trướng  Đại Hán tại Bắc Kinh”. 90
Thứ sáu, Việt Nam lĩnh hội được là đừng ỷ vào các đại cường.  Trong khi ca ngợi sự trợ giúp của Sô Viết vào lúc đó, Việt Nam rõ ràng đã thất vọng về mức độ của các sự trợ giúp như thế.  Một cựu viên chức chính phủ có nói thông điệp mà Trung Quốc tìm cách chuyển đi là: “Chúng tao có thể trừng phạt mày bất kỳ khi nào, ngay cả khi mày liên minh với một đại cường.  Mày không thể chạy trốn được tư thế địa chính trị của mày như một nước triều cống”. 91
Thứ bảy, đối với nhiều người Việt Nam, bài học chính yếu của năm 1979 là Trung Quốc sẽ không cho phép sự độc lập hoàn toàn của Việt Nam.  “Thái độ của Trung Quốc, như được phản ảnh trong “việc dạy cho Việt Nam một bài học”, có gốc rễ trong văn hóa chính trị Trung Quốc của mối quan hệ của Vương Quốc Trung Tâm với các nước triều cống.  Loại bài học mà Trung Quốc đã tìm cách để truyền đạt là “ mày không thực sự độc lập”. 92
Sau cùng, mọi người Việt Nam đều đồng ý rằng việc đối phó với Trung Quốc sẽ là vấn đề khó khăn nhất đối diện dân tộc họ trong thế kỷ thứ hai mươi mốt: “Chúng tôi đã phải giao tranh mười ba cuộc chiến tranh lớn với Trung Quốc trong lịch sử chúng tôi.  Tổ tiên chúng tôi đã biết cách chống trả Trung Quốc và chúng tôi phải chuẩn bị giống như thế.  Tổ tiên chúng tôi cũng đã phải thực hiện các biện pháp để loại trừ chiến tranh, và chúng tôi phải có các biện pháp tương tự trong tương lai”. 93 Và, “Chúng tôi phải học để sống với lân bang to lớn của chúng tôi.  Chúng tôi giờ đây có một mối quan hệ nhiều mặt với Trung Quốc, và đã tăng cường mọi khía khía cạnh của các quan hệ của chúng tôi.  Chính sách của chúng tôi là tìm các phương cách để sống chung với Trung Quốc” [sic]. 94
__
CHÚ THÍCH
1. “He who sows the wind will reap the whirlwind” [“Kẻ gieo gió sẽ gặt bão”], Quân Đội Nhân Dân, từ giờ trở đi viết tắt là QĐND, Hà Nội, Việt Nam Thông Tấn Xã (Viêtnam News Agency: VNA), 18 Tháng Hai, 1979, như được tường thuật trong bản tin của Foreign Broadcast Information Service (Sở Thông Tin Đài Phát Thanh Ngoại Quốc), Washington D. C., (từ giờ trở đi viết tắt là FBIS), các trang K25, K28.
2.  Đúng thực có cả hàng nghìn quyển sách và bài viết đề cập đến các biến cố này; quyển The Two Vietnams: A Political and Military Analysis (New York: Praeger, 1967) của Bernard Fall và quyển The Lost Crusade: America in Vietnam của Chester Cooper (New York: Dodd, Mead, 1970) vẫn nổi bật trong số các tác phẩm hay nhất.  Các phi công Hoa Kỳ bị cấm không được dội bom trong vòng hai mươi lăm dậm của biên giới Trung Quốc; các cuộc thảo luận của tác giả với các phi công của Hải Quân Hoa Kỳ và Không Quân Hoa Kỳ.
3. Người ta có thể lập luận rằng chiến tranh Hoa Kỳ bắt đầu với sự du nhập các đơn vị chiến đấu Mỹ trong năm 1965 và kết thúc với sự triệt thoái chúng vào năm 1973.  Tuy nhiên, thời khoảng được lựa chọn ở đây đi theo điều được tìm thấy trên Bức Tường Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn.  Nó bao gồm thời kỳ cố vấn trước năm 1965 và một thời kỳ ủng hộ về quân dụng và kỹ thuật của Hoa Kỳ sau các Hiệp Định Paris năm 1973.
4. Phỏng vấn với nhà nghiên cứu cao cấp và một cựu đại sứ Việt Nam, Hà Nội, 1999 (từ giờ trở đi, viết tắt là cựu đại sứ Việt Nam).
5. Muốn có một cuộc thảo luận về “Bản Chúc Thư Cuối Cùng” của Hồ Chí Minh, xem Thái Quang Trung, Collective Leadership and Factionalism: An Essay on Ho Chi Minh’s Legacy (Singapire: Institute of Southeast Asian Studies, 1985).
6. Cựu đại sứ Việt Nam.
7. Cùng nơi dẫn trên.
8. Phỏng vấn với các nhà nghiên cứu cao câp, Bộ Ngoại Giao (BNG), Hà Nội, 1999 (từ giờ trở đi viết tắt là các nhà nghiên cứu cao cấp (BNG).
9. Phỏng vấn với các thượng tá của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, Hà Nội, 1999 (từ giờ trở đi viết tắt là các thượng tá QĐNDVN).
10. Phỏng vấn với cựu nhân viên ngoại giao Việt Nam cao cấp, Hà Nội, 1999 (từ giờ trở đị gọi tắt là nhân viên ngoại giao cao cấp).  Các cuộc tấn công vào các làng xã Việt Nam dọc theo biên giới được kiện chứng rất đầy đủ bởi tác giả Nayan Chanda trong quyển sách tuyệt hảo của ông ta, Brother Enemy: The War After The War (San Diego: Harcourt Brace Jovanovich, 1986).
11. Phỏng vấn với các nhà nghiên cứu cao cấp, Học Viện Quan Hệ Quốc Tế (HVQHQT), Hà Nội, 1999 (từ giờ trở đi, viết tắt là HVQHQT).
12. Phía Việt Nam đề cập đến chiến lược này là dang [đánh?] nam ra bắc, “đánh phương nam và đi ra phương bắc”, có nghĩa điều cần thiết trong suốt dòng lịch sử là phải bảo toàn sườn phía nam của Việt Nam trước khi đối đầu với Trung Quốc.
13. Các Thượng Tá QĐNDVN.
14. Nhân viên ngoại giao cao cấp.
15. Các Thượng Tá QĐNDVN.
16. Các nhà nghiên cứu cao cấp, HVQHQT.
17. Nhân viên ngoại giao cao cấp; sự giải thich này mâu thuẫn với quan điểm quân sự cao cấp rằng QĐGPNDTQ lo sợ các đơn vị QĐNDVN ưu tú đã là lý do áp đảo khiến cho QĐGPNDTQ không tiến sâu hơn vào Việt Nam.
18. Cùng nơi dẫn trên.
19. Các nhà nghiên cứu cao cấp, BNG.
20. Phỏng vấn với cựu nhân viên ngoại giao cao cấp và các sĩ quan cao cấp QĐNDVN, 1999.  Các lời bình luận này dĩ nhiên đã bỏ quên một cách thuận tiện sự đề cập đến các khó khăn biên giới nghiêm trọng chưa được giải quyết của Trung Quốc vào lúc đó với LBSV.
21. Phỏng vấn với tướng lĩnh QĐNDVN, Hà Nội, 1999 (từ giờ trở đi, gọi tắt là tướng lĩnh QĐNDVN).
22. Phỏng vấn với các phụ khảo của Bộ Ngoại Giao, Hà Nội, 1999.  Các nhà nghiên cứu Việt Nam nhấn mạnh nhiều lần nhu cầu về kỹ thuật và tư bản như động lực chính yếu của Trung Quốc trong việc tìm kiếm sự hòa hoãn với Hoa Kỳ.
23. Các Thượng Tá QĐNDVNtướng lĩnh QĐNDVN.  Henry Kissinger được nói có nhận xét: “Chúng ta sắp được nhìn các Anh Em Đỏ đánh nhau”.
24. Các sĩ quan cao cấp QĐNDVN, 1999.
25. Các nhà nghiên cứu Việt Namcựu đại sứ Việt Nam.  Trung Quốc đã sẵn chiếm cứ phần phía đông của Quần Đảo Hoàng Sa, nhưng trong năm 1974 đã đanh đuổi binh sĩ Nam Việt Nam ra khỏi phân nửa phía tây của quần đảo.
26. Phỏng vấn với các cựu viên chức và các viên chức tại chức của Bộ Ngoại Giao, Hà Nội, 1999.
27. Các viên chức Bộ Ngoại Giao, Hà Nội, 1999.
28. Các nhà nghiên cứu cao cấp, BNG.
29. Cựu đại sứ Việt Nam.
30. Các Thượng Tá QĐNDVN.
31. Các nhà nghiên cứu cao cấp, HVQHQT.
32. Đài Phát Thanh Hà Nội.  “Các nhà cầm quyền Ngăn Cấm Các Bản Tường Thuật của Các Công Dân Về Chiến Tranh”, 21 Tháng Hai, 1979, FBIS, 21 Tháng Hai, trang K21.
33. Giác Thư Bộ Ngoại Giao Về Các Sự Thù Nghịch Của CHNDTQ, 14 Tháng Hai, 1979, FBIS, 15 Tháng Hai, trang K2.
34. Viên chức Bộ Ngoại Giao, Hà Nội, 1999.
35. Xem Chanda, Brother Enemy, 1986, các trang 231-47.
36. Các viên chức Bộ Ngoại Giao đã viện dẫn câu chuyện chuyến tàu như một thí dụ về sự can thiệp của Trung Quốc vào các công việc nội bộ của Việt Nam.
37. Pao-min Chang, The Sino-Vietnamese Territorial Dispute (New York: Praeger, 1986), các trang 11-12.
38. Các Thượng Tá QĐNDVN.  Các sĩ quan QĐNDVN đã nhận xét một cách tình cờ rằng LBSV trợ lực việc xúi bẩy cuộc Chiến Tranh Triều Tiên nhằm tạo hố phân cách sâu xa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
39. Cùng nơi dẫn trên; và Pao-min Chang, The Sino-Viêtnamese Territorial Dispute.
40. Nhân viên ngoại giao cao cấp.
41. Gặp gỡ với các viên chức Bộ Ngoại Giao tại Hà Nội, Tháng Mười 1993.
42. Viên chức Bộ Ngoại Giao, Hà Nội, 1999.  Trong năm 1947, Trung Hoa đã vẽ đường chín vạch bỉ ổi trên bản đồ Biển Nam Hải của nó, để chỉ sự kiểm soát bất kỳ khu vực hải đảo nào được vây quanh trong đó.
43. Pao-min Chang, The Sino-Vietnamese Territorial Dispute.
44. Cùng nơi dẫn trên; và The Daily Telegraph, “Soviet Warships Heading for Cam Ranh Bay”, London, 9 Tháng Hai, 1979, FBIS, 9 Tháng Hai, trang K1.
45. Gặp gỡ với các chuyên viên Việt Nam về các vấn đề an ninh, Hà Nội, Tháng Một 1999.
46. Cùng nơi dẫn trên.
47. Đài Phát Thanh Hà Nội, 6, 9, và 14 Tháng Hai, 1979, FBIS, 7 Tháng Hai, trang K1, ngày 9 Tháng Hai, trang K9, và ngày 15 Tháng Hai, trang K1.  Các sự việc bắt đầu gia tăng khi Hà Nội tiến xuống và sau đó đạt được thắng lợi tại Nam Việt Nam.  Hà Nội đã tường thuật 179 vụ trong năm 1974, 294 vụ trong năm 1975, 812 vụ trong năm 1976, và 873 vụ trong năm 1977.
48. Thông Tấn Xã Việt Nam, 1 Tháng Hai, 1979.
49. Tướng lĩnh QĐNDVN.
50. Hà Nội, Thông Tấn Xã Việt Nam, “SRV Defies Economic ‘Trilateral’ Washington-Peking Axis”, và “QĐND Tố Cáo CHNDTQ về các sự vi phạm biên giới”, 1 Tháng Hai, 1979, FBIS, các trang K1-5.
51. Các Thượng Tá QĐNDVN; và Đài Phát Thanh Hà Nội, 6 Tháng Hai, 1979, FBIS, 7 Tháng Hai, trang K1.
52. Đài Phát Thanh Hà Nội, “Các Vụ Đột Nhập Vũ Trang của CHNDTQ được tường thuật”, 5 Tháng Hai, 1979, FBIS, trang K1.  Các binh sĩ Trung Quốc đã dùng dao và rìu để khai quang các khu rừng, hủy hoại thảo mộc, và tháo gỡ và di chuyển các cột mốc biên giới.
53. Đài Phát Thanh Hà Nội, 13 Tháng Hai, 1979 và Tuyên Bố Của Bộ Ngoại Giao, 14 Tháng Hai, 1979, như được tường thuật trong FBIS, trang K1.
54. Đài Phát Thanh Hà Nội, “Các Nhà Cầm Quyền Bắc Kinh Đang Gia Tăng Khiêu Khích và Đe Dọa Chiến Tranh”, 13 Tháng Hai, 1979, FBIS, trang K4.
55. Tướng lĩnh QĐNDVN.
56. Trích dẫn đầu tiên từ một nhà nghiên cứu Việt Nam tại Học Viện Quan Hệ Quốc Tế, trích dẫn thứ nhì từ một viên chức của Bộ Ngoại Giao, Tháng Một, 1979.
57. Sự tin tưởng này rất có thể phát sinh từ các cảm nghĩ của Hà Nội về phong trào phản chiến mạnh mẽ tại Hoa Kỳ trong thời gian Chiến Tranh Việt Nam, Tướng lĩnh QĐNDVN.
58. David Bonovia, Far Eastern Economic Review (FEER), (9 Tháng Ba, 1979). 12.
59. Harlan W. Jencks, “China’s ‘Punitive’ War on Vietnam: A Military Assessment”, Asian Survey 19 (August 1979), 807, và Russell Spurr, FEER, “Holding Back the Angry Giant” (9 Tháng Ba, 1979), 14-15.
60. Đài Phát Thanh Hà Nội, 14 Tháng Hai, 1979, FBIS, 15 Tháng Hai, trang K2.
61. Russell Spurr, FEER (2 Tháng Ba, 1979), 10.  Cũng xem King C. Chen, China’s War with Vietnam, 1979: Issues, Decisions and Implications (Stanford: Hoover Institution Press, 1987).
62. Guang Jiao Jing, Hong Kong, số 78, 16 Tháng Ba, 1979 (như được tham chiếu trong bài của tác giả Jencks, “China’s War with Vietnam”, các trang 807-8, có trích dẫn một con số là 80,000, nhưng tác giả Nayan Chanda, viết trong tờ FEER một tuần sáu đó, trích dẫn sự phân tích tình báo Tây Phương khi ước lượng con số là 125,000 người.  Cũng xem, Bonovia, FEER (9 Tháng Ba, 1979), 12.
63. Cựu đại sứ Việt Nam.
64. Phỏng vấn với Đại Tá Edward O’Dowd, cựu Tùy Viên Quân Sự, Tòa Đại Sứ Mỹ tại Hà Nội, 1999, và với các sĩ quan Việt Nam và Pháp đã đánh lẫn nhau trên địa hình này trong cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Nhất, 1946-54.  Cũng xem, B. P. Mahony, Nha Tình Báo Cảnh Sát Liên Bang Úc Đại Lợi, “Sino-Vietnamese Security Issues: Second Lesson Versus Stalemate”, 12 Tháng Năm, 1986.
65. Các Thượng Tá QĐNDVN.
66. Phỏng vấn với tướng lĩnh QĐNDVN đã hiện diện tại trận đánh, Hà Nội, 1999.
67. Jencks, “China’s War on Vietnam”, trang 811.
68. Phỏng vấn với các thông tín viên Nhật Bản, hãng thông tấn Kyodo News và tờ Asahi Shimbun, Tháng Tư, 1979.  Các con số tổn thất từ cả hai bên đáng ngờ vực, nhưng các quan sát viên Tây Phương nói chung đồng ý rằng QĐGPNDTQ đã có khoảng 20,000 đến 30,000 người bị chết.  Trong một luận án tiến sĩ được kiện chứng một cách kỹ lưỡng, tác giả Paul Marks có ước lượng số quân nhân bị chết trong khi hoạt động của QĐGPNDTQ là 26,000 người.  Paul Marks, “The Sino-Vietnamese War of 1979 and China’s Military Modernization” (Luận án tiến sĩ chưa được ấn hành, Far East Department, School of Oriental and African Studies, University of London, 30 Tháng Chín, 1988).
69. Các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn gồm nhiều người Nùng.  Nhóm chủng tộc Trung Hoa [sic] này trước tiên đã đánh nhau với Việt Minh và sau đó một số người Nùng đã chạy trốn trong năm 1954 xuống Miền Nam Việt Nam nơi họ sau này đã phục vụ sát cánh với Lực Lượng Đặc Biệt và Lực Lượng tinh nhuệ Delta Force của Lục Quân Hoa Kỳ.  Nhiều quân nhân chuyên nghiệp đã xem họ là những chiến sĩ giỏi giang nhất của cuộc chiến.
70. Các Thượng Tá QĐNDVN; tướng lĩnh QĐNDVN.
71. Thí dụ, tác giả Jencks đã viết rằng sự chiếm đoạt Lạng Sơn đã mở con đường tiến vào Châu Thổ Sông Hồng (“China’s War on Vietnam”, trang 813), nhưng ông thừa nhận rằng QĐGPNDTQ sẽ phải nhận lãnh các sự tổn thất khổng lồ trong bất kỳ sự chuyển động nào tới Hà Nội.  Muốn có sự lượng giá hơn nữa về đề tài này, xem Ann Gilkes, The Breakdown of the Sino-Vietnamese Alliance, 1970-1979 (Berkeley: Institute of East Asian Studies, University of California, 1992), và Douglas Pike, Vietnam and China (Lubbock, TX|: Vietnam Center, Texas Tech University, 1998).
72. Phỏng vấn với tướng lãnh và nhân viên cao cấp của QĐNDVN, Hà Nội, 1999.  Cũng xem Russell Spurr, FEER, 2 Tháng Ba, 1979, trang 10.  30,000 binh sĩ QĐNDVN được tường thuật đã được không vận từ Căm Bốt lên vùng Châu Thổ miền bắc trong khi nhiều trung đoàn QĐNDVN di chuyển từ Lào vào tỉnh Lào Cai; AFP, Hông Kông, 23 Tháng Hai, 1979.
73. Tác giả B. P. Mahony có một sự phân tích tuyệt hảo về các trận đánh này trong bài “Sino-Vietnamese Security Issues: Second Lesson Versus Stalemate”.  Địa thế Sông Lôtrong các truyền kỳ nổi tiếng của Việt Nam, như được thấy, thí dụ, trong tác phẩm Ai Biết Sông Lô.
74. Phỏng vấn với tướng lĩnh Việt Nam cao cấp, Hà Nội, 1999.  Tác giả đã ở Hà Nội trong năm 1984 và có thể chứng thực rằng sự lưu thông xe chở hàng duy nhất trong thành phố là của quân đội, hoặc hướng đên hay trở về từ mặt trận phương bắc.
75. Cựu đại sứ Việt Nam.
76. Phỏng vấn vơi viên chức ngoại giao cao cấp của Bộ Ngoại Giao, Hà Nội, 1999.
77. Từ 1989 đến 1991, có các sự tường thuật rằng vài trăm “cố vấn” Việt Nam vẫn còn ở lại tại Căm Bốt.  Cũng có ít cuộc tấn công riêng rẽ của QĐGPNDTQ dọc theo biên giới phía bắc cho đến 1991.
78. Các nhận xét của tác giả từ các buổi gặp mặt với Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, Bộ Trưởng Ngoại Giao Trường Trinh [? Nguyễn Duy Trinh], và các viên chức khác của chính phủ Việt Nam tại Hà Nội, Tháng Mười Hai, 1975.
79. Các thượng tá QĐNDVN.
80. Cùng nơi dẫn trên.
81. Không cần để giải thích từ ngữ “can thiệp: interference”.  Hồ Chí Minh đã mô tả nó một cách giản dị trong quyết định của ông ta không chấp nhận các chí nguyện quân Trung Hoa trong cuộc chiến tranh Đông Dương Thứ Nhất: “Thà rằng ngửi phân Pháp trong ít năm còn hơn cứt Tàu trong nhiều thế hệ”, phỏng vấn của tác giả với các viên chức chính phủ, Hà Nội, 1975.  Tầm quan trọng của “chính nghĩa: just cause” như động lực thúc đẩy của Hà Nội trong Cuộc Chiến Tranh Với Mỹ không thể bị nhấn mạnh một cách thái quá.  Các từ ngữ [just cause] là sự phiên dịch từ ngữ Việt Nam chính nghĩa, có nghĩa “ý nghĩa vĩ đại của cuộc sống: the great meaning of life” [sic, sự giải thích có phần chưa được chính xác, chú của người dịch].  Thực hiện được một Việt Nam độc lập, thống nhất chính là chính nghĩa này.
82. Các nhà nghiên cứu cao cấp, HVQHQT.  Dĩ nhiên, Trung Quốc đã có các lý do bổ túc cho sự ủng hộ của nó một Việt Nam bị phân chia trong năm 1954, bao gồm đường lối chính sách của nó về sự chung sống hòa bình và quan ngại về sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
83. Theo cựu Thủ Tướng Nam Việt Nam Nguyễn Cao Kỳ, việc này đã quyết định số phận của Nam Việt Nam.  Ông đã so sánh cuộc chiến tranh với một trận đấu banh bầu dục (football) trong đó bên Hoa Thịnh Đốn – Sàigòn không được phép vượt qua lằn ranh năm mươi thước Anh (yards).  Các cuộc thảo luận tại West Point, New York, 1972.
84. Phỏng vấn với một nhà nghiên cứu cao cấp và một viên chức của Bộ Ngoại Giao, Hà Nội, Tháng Một, 1999.
85. Sĩ quan cao cấp QĐNDVN.
86. Phỏng vấn với viên chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại Giao, Hà Nội, 1999.
87. Các nhà nghiên cứu cao cấp, BNG.
88. Cùng nơi dẫn trên.
89. Cựu đại sứ Việt Nam.
90. QĐND, “Cương Quyết Đánh Bại Cuộc Chiến Tranh Xâm Lược Phát Động Bởi Bọn Bành Trướng Bắc Kinh”, 17 Tháng Hai, 1979, FBIS, 18 Tháng Hai, trang K13.  Cũng xem, Đài Phát Thanh Hà Nội, 23 Tháng Hai, 1979, FBIS, 23 Tháng Hai, trang K8.
91. Cựu đại sứ Việt Nam.
92. Các nhà nghiên cứu cao cấp, HVQHQT.
93. Cùng nơi dẫn trên.
94. Tướng lĩnh QĐNDVN./-
____
Nguồn: Henry J. Kenny, Vietnamese Perceptions of the 1979 War with China, Chinese Warfighting: The PLA Experience Since 1949, đồng biên tập bởi Mark A. Ryan, David Michael Frakelstein, Michael A. McDevitt, Chapter 10, các trang 217-241.

Chống tham nhũng – VIỆT NAM CÓ CHỊU HỌC SINGAPORE ?

 Buivanbong

 
-  Các con yên trí, cha còn đương chức thì chuyện đó dế ẹt!
* Ts. PHAN HỮU TÍCH
Tham nhũng là hiện tượng xã hội phức tạp gắn liền với hoạt động của bộ máy nhà nước, là biểu hiện tha hoá trong sử dụng quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật nhằm thu lợi cá nhân, phá vỡ trật tự, kỷ cương, làm băng hoại các giá trị truyền thống trong các quan hệ cộng đồng và quan hệ trong xã hội công dân. Bệnh tham nhũng từng khuynh đảo các thể chế chính trị, làm sụp đổ nhiều chính phủ và tan vỡ sự nghiệp của nhiều chính khách trên thế giới.
Tuỳ theo chế độ chính trị, xã hội, mỗi nước có những biện pháp chống tham nhũng riêng. Song, vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm là phải có giải pháp chống tham nhũng từ gốc. Nghĩa là, thực hiện kiểm soát, ngăn ngừa có hiệu quả hành vi tham nhũng ở mọi cấp: Không chỉ có người quyền lực lớn mới tham nhũng mà ngay cả công chức, viên chức phụ trách, theo dõi lĩnh vực nhà nước quản lý… đều có cơ để tham nhũng, nếu không có chế tài ngăn chặn.
Singapore là thành viên của Hiệp hội các nước ASEAN không chỉ được ca ngợi là quốc gia có nền kinh tế phát triển mà còn được đánh giá có một Chính phủ trong sạch. Singapore có bốn kinh nghiệm chống tham nhũng có hiệu quả.
1. Làm cho quan chức không dám tham nhũng
Ở Singapore khi một người được tuyển vào làm công chức, quan chức Chính phủ thì hằng tháng phải trích một phần tiền lương để gửi tiết kiệm. Thoạt đầu trích 5%, sau tăng dần. Người có chức vụ càng cao, thì phần trăm trích ra gửi tiết kiệm càng lớn, có thể lên tới vài chục phần trăm lương tháng. Số tiền này do Nhà nước quản lý. Bất kỳ công chức, quan chức nào phạm tội tham nhũng dù nhẹ ở mức xử phạt ra khỏi ngạch công chức thì toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm bị trưng thu. Quan chức càng to thì số tiền bị trưng thu càng lớn. Vì vậy, mỗi quan chức khi nảy ý định tham nhũng đều phải tính toán: Nếu tham nhũng, nhận hối lộ mấy trăm, thậm chí cả ngàn đô mà bị tịch thu hàng chục ngàn đô, bị sống trong hoàn cảnh không lương bổng cho đến lúc chết thì mất lại nhiều hơn được. Vì thế, đại đa số chọn giải pháp không tham nhũng; quan chức cấp càng cao, lương càng nhiều càng sợ không dám tham nhũng.
2. Làm cho quan chức không thể tham nhũng
Chính phủ Singapore quy định và thực hiện mỗi năm công chức, viên chức, quan chức phải khai báo một lần với Nhà nước về tài sản của bản thân hoặc của vợ (chồng) bao gồm: Tiền thu nhập, tiền gửi tiết kiệm, tiền cổ phiếu, đồ trang sức, ô tô, nhà cửa… Những tài sản tăng lên phải khai rõ nguồn gốc, cái gì không rõ nguồn gốc có thể coi là tham ô, tham nhũng. Nhà nước còn quy định: Quan chức Chính phủ không được phép nợ nần; không được vay một khoản tiền lớn vượt quá tổng ba tháng lương. Singapore có thị trường mua bán cổ phiếu, nhưng quan chức Chính phủ muốn mua cổ phiếu phải được lãnh đạo cơ quan chủ quản đồng ý và chỉ được phép mua cổ phiếu của công ty trong nước. Với cổ phiếu của các công ty nước ngoài đang kinh doanh ở Singapore cũng được phép mua, nhưng với điều kiện các công ty đó không có quan hệ lợi ích với Chính phủ. Công chức và quan chức Chính phủ không được phép đến các sòng bạc, nhà chứa.
Luật Báo chí Singapore quy định những điều khoản nhằm chống tham nhũng trong lĩnh vực này. Theo đó, các nhà báo, ký giả muốn gửi bài viết của mình ra nước ngoài phải qua tổng biên tập xem xét. Khi được trả tiền nhuận bút, nhà báo đó phải báo cáo với cơ quan chức năng của Chính phủ trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được tiền, v.v…
3. Làm cho quan chức không cần tham nhũng
Singoapore có chế độ trả lương chênh lệch khá cao giữa quan chức cấp cao với cấp thấp, với công chức và giữa công chức với nhân viên, công nhân. Thu nhập thấp nhất là người bảo mẫu mỗi tháng 400 đô la (Singapore). Nữ công nhân lắp ráp điện tử mỗi tháng từ 600 đến 900 đô la. Công chức cơ quan chính phủ tất cả đều tốt nghiệp đại học, lương khởi điểm khoảng 1.300 đô la. Cấp thứ trưởng lương tháng từ 10.000 đô la đến 20.000 đô la. Thủ tướng lương tháng hơn 40.000 đô la (thời điểm năm 2000). Với mức lương như vậy, quan chức đủ sống và chu cấp cho gia đình mà không cần tham nhũng. Hơn nữa cách trả lương như vậy công chức và quan chức Chính phủ luôn có sự so sánh: Mình được trả lương cao hơn người lao động bình thường rất nhiều. Nếu mình tham ô, tham nhũng nữa thì là kẻ vô đạo lý, mất hết liêm, sỉ. Sự so sánh và tự vấn đó đã làm cho quan chức tự tiêu huỷ những tham vọng không trong sáng của mình.
4. Làm cho quan chức không muốn tham nhũng
Ở Singapore  muốn tham nhũng một thứ gì đó, dù nhỏ cũng rất phiền hà. Ví dụ, khi khách nước ngoài đến Singapore, nếu họ muốn tặng các quan chức nước chủ nhà một món quà để cảm ơn về sự đón tiếp và thắt chặt mối quan hệ thì món quà đó phải mang ý nghĩa văn hoá với giá trị tiền không nhiều. Món quà nào có giá trị 100 đô la Singapore trở lên là họ từ chối hoặc phải xin phép lãnh đạo cơ quan, nếu đồng ý mới được nhận. Nhưng khi nhận rồi lại phải báo cáo với lãnh đạo cơ quan xem xét. Nếu món quà đó có giá trị tiền quá mức quy định và quan chức đó vẫn muốn nhận thì phải nộp tiền. Số tiền nộp thêm đưa vào tài khoản quỹ “nộp phạt” của Chính phủ.
Chuyện kể rằng, một phái đoàn quan chức của Chính phủ Singapore được cử sang một nước nọ để ký một hiệp định liên doanh sản xuất. Nhận thấy hiệp định này đem lại nhiều lợi ích cho mình, giới chức nước chủ nhà đã tặng những món quà lưu niệm có giá trị cao cho quan chức đoàn Singapore. Bởi sự quá nhiệt thành của chủ nhà, họ không sao từ chối được. Nhưng cứ nghĩ đến việc khi về nước lại mang quà biếu này đến cơ quan khai báo, phải mua lại và chuyển tiền vào tài khoản quỹ “nộp phạt” thì quả là phiền toái. Cả đoàn đều phải “đành lòng” viết thư cảm ơn và gửi lại quà ở sân bay trước khi trở về Singapore.
Đó là “4 không” trong phòng – chống tham nhũng đã được thực hiện và đúc kết ở Singapore. Nước ta đã trải qua 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, kinh tế – xã hội phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Nhưng tệ nạn tham nhũng đã được gọi là quốc nạn mà cả xã hội lên án vẫn phát triển ngày càng tinh vi. Văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ chín (khoá IX), cùng với việc khẳng định những thành tựu to lớn đã đạt được, cũng đã nghiêm khắc chỉ rõ: “Điều làm cho nhân dân còn bất bình và lo lắng nhiều là tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu dân, suy thoái về tư tưởng, chính trị và phẩm chất, đạo  đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên vẫn còn nghiêm trọng và khá phổ biến”.
Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp và tích cực chỉ đạo chống tham nhũng. Trên diễn đàn Quốc hội, các cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với báo chí đều khẳng định quyết tâm tuyên chiến với tham nhũng. Nhưng đến nay, hiệu quả đem lại còn hạn chế. Diễn đàn đối thoại mới khép lại thì tham nhũng đã bùng phát tinh vi, sâu rộng hơn.
Trông người mà nghĩ đến ta, có thể nói, cách làm của Singapore là gợi ý tốt để chúng ta suy ngẫm, vận dụng trong quá trình xây dựng “Luật chống tham nhũng” của Nhà nước ta. Những biện pháp, những điều khoản điều chỉnh của Luật phải có tính bao quát, toàn diện và phải đồng bộ với các chính sách, bảo đảm tính khả thi. Chú trọng yếu tố kinh tế, sao cho tính ngăn chặn, phòng ngừa cao và tính nghiêm khắc, nghiêm minh trong xử lý vi phạm phải mạnh mẽ. Phương châm và mục tiêu của việc chống tham nhũng nên theo hướng: Làm cho quan chức không dám, không thể, không muốn và không cần tham nhũng mà Singapore đã làm có hiệu quả.
P.H.T

Không thể căn cứ vào điều luật nào để cấm đoán, để suy diễn rằng mang hoa đến đài tưởng niệm là phản cảm, là nhạy cảm hay phản động cả.

Quechoa

Đoan Trang
IMG_0684
Trước việc có một (hoặc một vài) nhóm người dân nào đó đã đến khu vực nào đó để đặt hoa tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh hồi chiến tranh biên giới, rồi bị một số nhân viên bảo vệ nào đó ngăn cản, theo mình, nếu muốn nhận định thì có lẽ ta nên nhìn từ giác độ luật pháp là khách quan và duy lý nhất, hơn là xét các góc độ khác có vẻ cảm tính như chuyện “thái độ”, “văn hoá ứng xử” v.v.
Nếu đứng từ khía cạnh luật pháp mà xét, thì:
1. Không gian mà những người dân đó đặt hoa tưởng niệm là không gian công cộng, và là khu vực đài tưởng niệm, hoàn toàn phù hợp với việc đặt hoa tưởng niệm. Không có luật nào cấm người dân làm việc này cả.
Lực lượng bảo vệ chỉ có thể can thiệp nếu họ chứng minh được rằng những người dân mang hoa đến khu vực đài tưởng niệm đã có hành vi vi phạm một nội quy (hợp hiến, hợp pháp, công khai) của khu vực – ví dụ như là ăn mặc hở hang, hoặc khạc nhổ, vứt rác bừa bãi gây mất vệ sinh chung. Chú ý rằng đó phải là một nội quy hợp hiến, hợp pháp, có căn cứ pháp luật rõ ràng, và được niêm yết công khai. Nội quy đó cũng cần quy định cụ thể cả mức độ can thiệp của lực lượng bảo vệ.
2. Ngày 17-2 là ngày mở đầu một cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam, hàng chục nghìn người Việt Nam, cả quân đội và thường dân, đã chết trong cuộc chiến này. Việc đặt hoa tưởng niệm họ vào ngày 17-2 luôn là việc đúng nên làm.
3. Vòng hoa có chữ “Trung cộng”, theo một số bạn thì đó là từ nhạy cảm. Mình không phản đối là trong tư duy của phần đông mọi người, các từ “Trung cộng”, “chính quyền cộng sản”, đều có hàm nghĩa tiêu cực. Nhưng cũng cần thấy rằng cách hiểu đó, cách tư duy đó hoàn toàn là kết quả của một sự định hướng từ phía Nhà nước lâu nay. Nói cách khác, việc diễn giải từ ngữ (“Trung cộng”) là tuỳ thuộc Nhà nước, gần như Nhà nước thích gán cho từ nào nghĩa xấu thì nó mang nghĩa xấu.
Cá nhân mình không thích chịu ảnh hưởng của sự “can thiệp định hướng” quá sâu như vậy. Thế nhỡ, với những người mang hoa đến, họ thực sự có thiện ý muốn tách “chính quyền (cộng sản) Trung Quốc, những kẻ phát động chiến tranh” khỏi nhân dân Trung Quốc, thì sao? Với họ, “Trung cộng” chỉ có nghĩa là nhà nước Trung Hoa theo chủ nghĩa cộng sản, thì sao? Nói như vậy có gì sai?
Ngoài ra, mình cũng nghĩ rằng, giả sử vòng hoa đó thay từ “Trung cộng” bằng từ “Trung Quốc”, liệu có bị coi là nhạy cảm không? Căn cứ vào nội dung của những cuộc trao đổi “định hướng báo chí” mình vẫn được biết bấy lâu nay, câu trả lời là: Có. Ngay cả khi thay “Trung cộng” bằng “Trung Quốc”, thì vẫn có thể bị bắt bẻ, rằng có phải là vơ đũa cả nắm không khi gộp hết toàn dân Trung Quốc vào làm một như thế.
Vì vậy, có thể nói rằng cách hành xử của chính quyền, mà cụ thể là lực lượng bảo vệ, thi hành công vụ v.v. ở đây mới là sai, là không nhạy cảm về chính trị (politically incorrect), chứ không phải những người dân mang hoa đến.
Và quan trọng nhất là, cho dù ngôn từ trên vòng hoa có “nhạy cảm”, “phản cảm” đến đâu thì đứng từ giác độ pháp lý, Nhà nước cũng không được can thiệp vào một hoạt động dân sự. Không thể căn cứ vào điều luật nào để cấm đoán, để suy diễn rằng mang hoa đến đài tưởng niệm là phản cảm, là nhạy cảm hay phản động cả.
Theo FB của ĐT

Độc lập trừ tự do trừ …

By NTZung, on February 16th, 2013
Đây là bản đồ về độ tự do trên thế giới của Freedom House (http://www.freedomhouse.org) năm 2013. Các nước đươc chia làm 3 loại: tự do, bán tự do, và không tự do. Các nước không tự do là các nước mà các nhân quyền cơ bản không được tôn trọng.
Hiện tại,  1/3 số dân trên thế giới (khoảng 2,37 tỷ người) là sống trong các nước “độc lập trừ tự do”, 2/3 còn lại được sống trong các nươc dự do hay bán tự do.
Việt Nam đang “được vinh dự” nằm cùng bảng với các nước châu Phi như Somalia, Congo, các nước trung cận đông như Iran, Syria, các nước châu Á-Thái Bình Dương như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, và các nước Liên Xô cũ, và có một nước châu Mỹ lọt vào bảng này là Cuba.
(Bấm vào ảnh để phóng to)
Phía trên chỉ là đánh giá “chủ quan lệch lạc” của thế giới về Việt Nam :D
Cũng theo Freefom House, thì quá trình dân chủ hóa đang diễn ra trên toàn thế giới:
- Vào năm 1973, có 43% các nước trên thế giới là không tự do.
- Đến năm 1983, tỷ lệ này là 35%
- Đến năm 1993, tỷ lệ này là 29%
- Đến năm 2003, tỷ lệ này là 25%
- Đến năm 2013, tỷ lệ này là 24%
Có thể hy vọng rằng, trong 10 năm tới, tỷ lệ các nước không tự do sẽ tiếp tục giảm. Hai nước lớn là Trung Quốc và Nga, và những nước khác như Miến Điện được tự do hóa dần (quá trình này là tất yếu). May ra Việt Nam cũng sẽ thoát khỏi danh sách “không tự do”.

Alan Phan - Đừng níu kéo

níu kéo, niu keo 
Vào thập niên 60’s có một bài hát được nhiều người ưa thích…”tôi xin người cứ gian dối…nhưng xin người đừng lìa xa tôi.” Tình yêu đẹp và lãng mạn thật, nhưng dù nam hay nữ, khi thốt ra lời trên, cho thấy một tinh thần tuyệt vọng và tội nghiệp, gần như tâm thần. Nhưng nếu quan sát kỹ, tâm trạng này khá phổ biến, kể cả trong những tình huống không liên quan đến tình yêu. Chả thế mà ông bà ta có câu “bỏ thì thương vương thì tội”.
Bám víu vì sợ hãi?
Tôi không nhớ rõ nhưng được đọc một nghiên cứu xã hội khoảng 10 năm trước, có đến 8% cuộc hôn nhân tại Mỹ mà người vợ hay chồng là một nạn nhân của “lạm dụng quyền lực và bạo động”. Tỷ lệ chắc chắn sẽ cao hơn tại các quốc gia nơi địa vị của người phụ nữ trong xã hội thấp kém và không được tôn trọng. Chuyện níu kéo lại một quan hệ tồi tệ với hy vọng là người mình “yêu và cần” sẽ hồi tâm, thay đổi con người họ và quay về bên mình để cùng tạo dựng hạnh phúc cho tương lai thường chỉ hiện diện ở các kịch bản Hollywood.
Nhìn xa hơn, trong nhu cầu mưu sinh, không ít nhân viên hy sinh một khoảng thời gian dài của cuộc đời để bám víu vào một công việc mình ghét, hay một môi trường thù địch, hay một người chủ ích kỷ…chỉ vì họ để chút tình cảm về bổn phận hay sợ hãi chi phối. Họ không dám “let go” vì ngay cả “tính hèn nhát” riết rồi cũng thành một thói quen. Đôi khi, họ còn tự an ủi là so với các tình huống xấu xa khác, “mình được như thế cũng là may mắn lắm rồi”.
Níu kéo trong kinh doanh
Trong lãnh vực kinh doanh, ngay cả huyền thoại Jack Welch của tập đoàn GE cũng thú nhận,” yếu điểm lớn của tôi là không dứt khoát cắt bỏ những gì không dùng được (với doanh nghiệp con, với nhân viên hay với các quyết định về công việc). Sự chần chờ, níu kéo vì tình cảm đã làm tôi phải trả giá thật cao một thời gian sau.”
Trong những sai lầm về tính “níu kéo” của các doanh nghiệp, một chiến thuật quen thuộc là dùng một mô hình kinh doanh cũ đã thành công làm chỉ nam cho kế hoạch kinh doanh hiện tại hay tương lai; mặc cho những thay đổi của thị trường, của công nghệ hay của nguồn lực.
Không ai thấm thía bài học này nhiều bằng tôi. Có thể nói 90% những thất bại rải rác dọc đường của 44 năm kinh doanh đến từ gánh nặng của quá khứ. Chẳng hạn khi tôi thành công rực rỡ với mô hình “tài trợ mạo hiểm”cho các công ty IT Trung Quốc vào năm 1998, tôi nghĩ là mô hình này có thể được ứng dụng thành công 2 năm sau đó tại các nơi khác. Tôi lầm. Ngay cả tại Trung Quốc, tình hình đã thay đổi lớn lao: các đối thủ mới dồi dào lợi thế hơn, công nghệ lỗi thời nhanh chóng, và cả khách hàng cũng lao theo những sở thích khác biệt hơn.
Tại các quốc gia như Trung Quốc hay Việt Nam, nhiều cơ nghiệp tài sản đã được tạo dựng bằng mối quan hệ sâu xa với các quan chức đương quyền. Điều này không đảm bảo một phát triển bền vững cho doanh nghiệp này vì quan chức có nhiệm kỳ, vì các đặc quyền đặc lợi không thể cứ ban phát mãi cho một đơn vị, vì giới hạn của nguồn lực công khi tình trạng vĩ mô gặp vấn đề, vì các đối thủ có nhiều chiêu thức mới để dành quyền lợi….
Khi tình cảm và giáo điều chi phối…
Một yếu tố quan trọng khác làm suy yếu tổ chức là sự trung thành không đúng lúc đúng chỗ với gia đình, với nhân viên, với bà con bạn bè…Khó có thể nói “không” với những người đã cùng nhau sát cánh xây dựng cơ nghiệp, dù mình biết lả họ hoàn toàn không phù hợp về khả năng hay đạo đức trong công việc giao phó. Không can đảm “let go” các giây rễ này là làm thui chột đà phát triển và sáng tạo của doanh nghiệp.
Ở một bình diện rộng lớn hơn, tinh thần bám víu vào quá khứ vàng son đã làm nhiều quốc gia tụt hậu. Tôi đã đi qua những nơi mà các đế chế huy hoàng của lịch sử chỉ còn là những đền đài cung điện tuyệt kỷ cho du khách, những công trình khảo cứu đầy tự hào của các ông già …trong khi người dân sở tại loay hoay tìm một thu nhập vượt mức đói nghèo cho gia đình. Ai cập, Ấn Độ, Trung Quốc, Kampuchia…đều bị những lãnh đạo phong kiến say ngủ trên ngai vàng mà quên đi những thay đổi và tiến bộ chung quanh của nhân loại.
Cùng một văn hóa Khổng-Lão-Phật như Trung Quốc, nhưng Nhật Bản đã may mắn có được minh vương để cải biến và hoàn thiện bản sắc của mình và bắt kịp Âu Mỹ ngay từ đầu thế kỷ 19. Trong thời gian này,  văn minh Đại Hán của Trung Quốc ù lì với các triết thuyết hoàn toàn cổ đại dành cho thời phong kiến. Rồi sự cố gắng “đi tắt đón đầu” của xã hội lai bị tha hóa thêm 60 năm bởi những tư tưởng xã hội du nhập từ Âu Châu; sau khi các ông tổ sinh ra chúng đã bị chế nhạo và đào thải vào sọt rác của lịch sử.
Tiến hóa của lịch sử
Ngay cả chế độ tư bản cũng còn sống sót được nhờ sự cải thiện thường trực của mô hình kinh tế và chánh trị. Vào đầu thế kỷ 19, thành phần lao động bị lạm dụng quá mức, tạo dị ứng xã hội và nhiều sử gia đã cảnh báo về ngày tàn của các đế chế tư bản. Ngày nay, các công ty tập đoàn đa quốc và các cá nhân “siêu giàu” có thể đã chiếm một phần “bánh” lớn hơn nhiều so với thời đầu của tư bản; nhưng phần lớn mọi người chấp nhận vị trí và quyền lợi của họ gần như không tranh cãi. Hai lý do: cởi mở và dân chủ. Ai cũng có thể gia nhập “câu lạc bộ” này nếu đủ kỷ năng và tuân thủ theo luật chơi; và luật luôn luôn thay đổi theo nhu cầu cúa các đấu thủ và của tình thế.
Cá nhân tôi là một con người hoài cổ, luôn yêu thích “những ngày xưa thân ái”. Với tôi, sợi dây ràng buộc vào gia đình, bạn bè, quê hương…là những móc nối quan trọng như chiếc neo của một con tàu. Nhưng nhiều khi tôi phải đối diện với thực tại là nếu muốn phiêu lưu ra khỏi bến đậu để tìm vùng đất hứa, chúng ta phải nhổ neo và lên đường. Nhất là khi chúng ta còn trẻ, còn sức lực, còn đam mê, còn phải tranh đua với nhân loại. Đôi khi, tôi rất bực mình khi nhìn tương lai của bao thế hệ đang bị lãng phí vì những tư duy nhỏ hẹp, nghèo hèn, thụ động của một bộ máy điều khiển không có can đảm để vứt bỏ rác rưởi và tiếp tục bám víu vào những thành tích xa xưa như cổ tích.
Bắt đầu vào việc cho một năm mới đối diện nhiều thử thách, tôi muốn gởi tặng mọi người một bài hát của Ashley Parker Angel, “Let You Go”.  Và một câu nói của C. Joybell,” Chúng ta có thể an toàn trong chiếc ao nhà; nhưng không rời bỏ nó, bạn sẽ không bao giờ cảm nhận cái thần kỳ của sông hồ hay đại dương. Đừng níu kéo vì hiện tại có thể chỉ là những cục tạ gông cùm buộc quanh chân bạn…“
Alan Phan
* T/S Alan Phan là tác giả của 9 cuốn sách về thị trường mới nổi, giảng viên thỉnh giảng tại các đại học Mỹ và Trung Quốc, và doanh nhân có 44 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc. Web site cá nhân của ông là www.gocnhinalan.com.
(Blog Alan Phan)

Ngô Minh - "Bên Thắng cuộc" đã thắng

Hiện nay dù có rất nhiều ý kiển khác nhau về cuốn sách Bên Thắng Cuộc ( Tập I: Giải phóng, tập 2: Quyền Bính) của nhà báo Huy Đức. Báo chí lề phải thì liên tục in bài phê phán, chê bai nào là “một nửa sự thật không phải là sự thật”, nào là “người viết với tâm thức bất mãn, chống đối ”... Nhưng đa số trí thức, văn nghệ sỹ, đa số dân mạng trong nước thì ca ngợi là cuốn sách có ích, đây là Minh triết của Sự Thật . Theo Nguyễn Hoàng Thị Bắc, một người Mỹ gốc Việt ở Virginia , Hoa Kỳ thì :” có cả biểu tình tẩy chay sách từ người Việt ngoài nước” ( tức những người chống Cộng). Có thế lực đã  hù doạ, lăng mạ tác giả ở trong nước.v.v.. Nhưng lạ lùng là tất cả đều say mê tìm đọc. Ai cũng cho rằng Bên thắng cuộc của Huy Đức là quyển sách hot nhất trong năm 2012 và cả năm 2013 này, và sẽ còn tiếp tục gây tranh cãi…
     
Dù Osin Huy Đức ghi ở đầu sách :” Huy Đức & OsinBook/2012 giữ bản quyền; Không in lại, sao chép, tái bản, một phần hay toàn bộ cuốn sách, dưới dạng điện tử hay giấy, khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả và nhà xuất bản”, nhưng cuốn sách đã lan truyền đi khắp toàn cầu, đến với những người Việt khao khát  muốn biết sự thật trong nước. Rồi ở Pháp, Mỹ, Đức, Anh ,Úc… người Việt  chuyển email về cho người thân ở trong nước. Rồi bạn bè chuyển sách qua email cho nhau. Ai không có thì điện thoại cho người có để giục “xin chuyển tiếp”. Thành ra ai cũng được đọc Bên thắng cuộc từ rất sớm, khi bản giấy đang in. Bản in giấy bán 40 USD/cuốn ở Mỹ. Đến sau Tết Quý Tỵ thì Bên Thắng Cuộc đã vào sách điện tử. Có chị bác sĩ, cán bộ về hưu nói với tôi, “tôi mua được cuốn sách điện tử Bên Thắng Cuộc đọc suốt hai ngày đêm. Đêm qua thức đến  bốn rưỡi sáng mới đọc xong những trang chú thích. Đọc rất xúc động. Ngay cả những trang chú thích cũng rất hấp dẫn”. Bên Thắng Cuộc ( trên mạng) tập Giải phóng dày 389 trang A4, có 43 trang tài liệu và chú thích ; tập 2 :Quyền bính dày 760 trang, trong đó 163 trang tài liệu tham khảo và  654 cái chú thích. Đọc cho hết cả ngàn trang sách trên mạng ấy thật nhức mắt. Nhưng hầu như 100% người Việt Nam trong nước quan tâm đến mạng đều đã đọc cả hai tập Bên Thắng Cuộc một cách say mê, thích thú hay căm tức, thù hận. Nhưng tất cả đều đọc kỹ. Như vậy, những người không  thích Bên Thắng Cuộc đã không ngăn chặn được nó đến với người đọc bằng mọi cách. Nghĩa là Bên Thắng Cuộc đã thắng, Huy Đức đã thắng.
         
Tại sao người đọc say mê Bên Thắng Cuộc ? Vì Bên Thắng Cuộc đã trả lời cho người đọc những câu hỏi rất bức xúc của đất nước từ sau 1975, mà lâu nay, người dân thấp cổ bé họng không biết được cấu trúc bí ẩn của sự thật. Tại sao nên công nghiệp và dịch vụ thương mại hiện đại của miền Nam bị phá tan tành, trở về con số không, mãi 30 năm sau mới phục hồi được ? Ai chịu trách nhiệm trước nhân dân việc này ? Tại sao Sài Gòn là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, thời chưa giải phóng người Thái Lan sang Sài Gòn như đi vào xứ sở mơ ước, thế mà gần 40 năm sau, người Sài Gòn lại đi thăm như là xứ sở của tự do và phát triển và gửi con sang học ở các trường Đại học ở Thái Lan ?. Tại sao 40 năm sau giải phóng đất nước đến nay vẫn nghèo nàn, đứng trong tốp cuối của khối ASAEN ? Tại sao hàng triệu người miền Nam đã tìm mọi cách để vượt biên ra nước ngoài, dù phải làm mồi cho cá mập và hải tặc ngoài biển khơi mênh mông trong những năm 80 của thế kỷ XX ? Tại sao 40 năm rồi vẫn chưa hòa giải dân tộc được ? Tại sao tham những, lợi ích nhóm ngày càng phát triển, đến mức đã trở thành quốc nạn ? Tại sao người nông dân mất đất ngày càng nhiều, ngày nào cũng kéo nhau về Thủ Đô khiếu kiện ? Tại sao đất biên giới quốc gia ngàn năm ông cha để lại, lại mất vào tay Trung Quốc hàng chục cây số vuông một cách dễ đàng vậy ? Tại sao chủ quyền biển đảo luôn bị đe dọa, người dân đi đánh cả trên vùng biển quốc gia bị tàu Trung Quốc bắt bớ, cướp bóc, đánh giết mà không ai bảo vệ ? Tại sao người biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn, cắt cáp tàu Bình Minh 2 ở Biển Đông lại bị coi là “phản động”, bắt vô tù? .v.v..và v..v.v..Vô vàn những câu hỏi “Tại sao” bức bách, đau xót đã được nhà báo Huy Đức chỉ ra, lý giải bằng chính những sự thật lịch sử một cách trung thực. Những người phê phán Huy Đức không thể bác bỏ được những sự thâth dẫn đến những câu hỏi “tại sao” ấy.
      
Lý giải những câu hỏi đó bằng sự thật lịch sử là việc làm của một nhà báo tâm huyết với quốc gia, dân tộc, với đời, trên hết là lương tâm của một con người . Đây không phải là cuốn sách chống đối , bôi đen chế độ, mà là cuốn sách thức tỉnh, cảnh báo, để cho những người đang lãnh đạo đất nước rút ra những bài học xương máu, để đưa đất nước ra khỏi con đường sai lầm hiện nay. Tập trung sức lực, trí tuệ thu thập hàng núi tài liệu để tìm sự thật, lý gải sự thật là một việc làm lớn lao, sẽ được chính lịch sử ghi nhận. Viết được cuốn sách này, Huy Đức đã thắng, Bên Thắng Cuộc đã thắng.
       
Huy Đức đã lấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy đọc cho ông Võ Văn Kiệt nghe :” Suy cho cùng mỗi cuộc chiến tranh bên nào thắng thì nhân dân đều bại” làm đề từ cho Bên Thắng Cuộc. Tôi xin nghĩ thêm, do những chính sách cực đoan và sai lầm, do thiếu hiểu biết của nhiều thế hệ lãnh đạo , mà đất nước ta từ Bên Thắng Cuộc đã trở thành thua cuộc so với các nước trong khu vực và thế giới suốt mấy chục năm qua, từ sau 1975. Bên Thắng Cuộc  được viết với ý thức dân tộc tự cường , là để suy nghĩ mà cứu đất nước, để “Nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu” như cụ Hồ đã  dạy./.
Ngô Minh
(Blog Ngô Minh)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét