Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

HOT - Các bài viết nên đọc - vấn đề Đảng và Hiến pháp

Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: Không cần ghi Điều 4 và Hiến pháp

Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, lão thành Cách mạng
Chiều ngày hôm nay, 22.1.2013, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, lão thành Cách mạng, 98 tuổi, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc từ 1974 - 1987, nguyên Bí thư tỉnh ủy các tỉnh Phúc Yên, Thái Bình, Thanh Hóa...đã đọc và ký tên vào Bản Kiến nghị Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đăng tải trên trang Bauxite VietNam hôm nay.
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ghi lên bên lề của Kiến nghị Sửa đổi Hiến Pháp 1992đăng trên Bauxite VietNam như sau:
Về điều 4: Không cần ghi điều 4 vào Hiến pháp 
Trong thời kỳ vận động cách mạng lật đổ ách thực dân Pháp giành lại độc lập tự do cho dân tộc, Đảng Cộng sản không có chút quyền hành nào, Không điều nào quy định cho Đảng được quyền lãnh đạo, thế mà Đảng vẫn lãnh đạo được dân, dân tự giác theo sự lãnh đạo của Đảng làm Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trong 2 cuộc kháng chiến vì độc lập thông nhất Tổ quốc cũng vậy. Chỉ cần Đảng có chính nghĩa, trong sạch, thực sự vì nước, vì dân, thực thi dân chủ trong mọi lĩnh vực làm cho nước mạnh, dân giầu, thì tự khắc dân sẽ tự nguyện theo sự lãnh đạo của Đảng, Không cần ghi điều 4 vào Hiến pháp.

Về Sở hữu đất đai: Không tước đi cái quyền "sở hữu ruộng của người cày"
Trước đây, trong thời kỳ vận động cách mạng, Đảng đã nêu khẩu hiệu: “Người cày có ruộng” hợp với nguyện vọng tha thiết của nông dân, đã động viên được hàng triệu, hàng triệu nông dân thành sức mạnh to lớn cống hiến cho cách mạng thành công. Nay lại khẳng định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” là tước đi cái quyền “sở hữu ruộng của người cày”, hóa ra Đảng đã phản bội lại khẩu hiệu đã hứa với họ hay sao?
Về lực lượng vũ trang: Điều 70 phải ghi là "Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ Quốc Việt Nam"
Đối với bất kỳ quốc gia nào, lực lượng vũ trang sinh ra là để bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ấy. Bất kỳ đảng phái nào lên nắm quyền, lực lượng vũ trang vẫn là lực lượng chung của dân của nước, không thuộc tổ chức hoặc cá nhân nào. Đối với nước ta cũng vậy, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, nó có nhiệm vụ phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc như lời Hồ Chủ tịch đã nói năm 1946: “Quân đội nhân dân Việt Nam trung với Nước, hiếu với Dân…”. Chúng tôi không đồng ý với điều 70 của dự thảo, và đề nghị phải ghi là: “Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ Quốc Việt Nam”.


(Blog Nguyễn Xuân Diện)

Phạm Gia Minh - Vì sao bản hiến pháp 1946 lại mang tính dân chủ?

Từ xa xưa trong lịch sử các dân tộc chung sống trên mảnh đất Việt Nam đã hình thành nên những truyền thống mang nhiều nội dung dân chủ,đề cao tính nhân văn và giải phóng con người. Đạo Mẫu của tộc Việt đề cao vai trò người phụ nữ trong xã hội khác hẳn với một Trung Hoa phong kiến hà khắc, phi nhân tính. Hoặc như tập tục “phép vua còn thua lệ làng” cùng rất nhiều dẫn chứng được lấy từ văn học dân gian là những ví dụ sinh động đầy tính thuyết phục cho cái “ chất” yêu tự do, dân chủ của con người Việt Nam.

Vị trí đất nước ở ngã ba thủy lộ của Biển Đông và nằm giữa hai nền văn hóa lớn là Trung Hoa và Ấn Độ lại sớm tiếp xúc với giới thương nhân và các nhà truyền đạo Phương Tây một cách tự nhiên đã tạo cho chúng ta phong thái linh hoạt và lối tư duy “đón gió bốn phương ” để dễ dàg tiếp thu, nhưng cũng mau chóng đào thải những gì không phù hợp với cái cốt cách yêu tự do của mình.

Và chính những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm với biết bao hy sinh nhưng rất đáng tự hào là minh chứng hùng hồn nhất cho khát vọng độc lập, tự do của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Từ thời Lê Sơ nhà nước Việt Nam đã có bộ Luật Hồng Đức (1470- 1497) tiếp thu 200 điều từ bộ luật nhà Đường, 17 điều từ luật nhà Minh, trong đó có 178 điều chung đề tài với các bộ luật Trung Hoa nhưng lại khác hẳn về giải pháp. Đáng ghi nhận là có tới 328 điều luật không tương ứng với bất kỳ điều luật nào của Tàu(1). Quyền và địa vị của người phụ nữ trong xã hội được coi trọng và đặc biệt đã có sự phân định rõ ràng sở hữu đất đai của người dân (Tư điền/Tư thổ) với đất đai của nhà nước phong kiến (Công điền/Công thổ). Điều này được giới nghiên cứu đặc biệt đánh giá cao bởi lẽ ở chính nơi mà không gian ngột ngạt, trì trệ và toàn trị của mô thức phát triển kiểu Châu Á, nơi mà toàn bộ đất đai đều thuộc về vua chúa hay Hoàng Đế(2) lại có những ngoại lệ cho phép người dân sở hữu ruộng, đất, làm chủ mùa màng và chỉ phải đóng thuế. Đó là đặc điểm dân chủ hiếm có ở phương Đông phong kiến.

Trải qua hơn 20 năm bôn ba hải ngoại tìm đường giành độc lập cho dân tộc, Hồ Chí Minh đã tiếp thu nền văn minh phương Tây với những giá trị Tự do, Bác ái, Dân chủ, Bình quyền và nhận thức rằng đó chính là những đặc trưng phù hợp với khát vọng ngàn đời của người Việt. Bản tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời trong bối cảnh như vậy.

Đó là một bản hiến pháp chưa thể nói là hoàn hảo nhưng sự ra đời của nó KHÔNG BỊ BẤT CỨ THẾ LỰC BÊN NGOÀI NÀO ÉP BUỘC và hoàn toàn dựa trên ý nguyện xây dựng một xã hội dân chủ, tự do của một dân tộc sau bao năm bị giam hãm trong ý thức hệ Khổng giáo và ách cai trị của chủ nghĩa thực dân cũ.

Trong những lần tiếp xúc với Archimedes Patti, sĩ quan OSS – một tổ chức tiền thân của CIA, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn thừa nhận rằng đối với ông mục tiêu tối thượng là giành độc lập cho dân tộc, còn chủ nghĩa cộng sản là phương tiện, là một cứu cánh để đạt mục tiêu trên (đại ý: trước hết tôi là người theo chủ nghĩa dân tộc, sau đó tôi mới là người theo chủ nghĩa cộng sản)(3). Những bức thư “cầu thân” mà Hồ Chí Minh gửi cho các Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt và Truman nếu được quan tâm đúng mức thì chắc chắn lịch sử đã đi theo hướng khác.

Viện trợ to lớn và toàn diện của khối Xô viết và Trung Quốc một mặt đã giúp Việt Nam giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, nhưng mặt khác đã biến Việt Nam thành bãi chiến trường giữa hai phe Tư bản và Cộng sản với bao hy sinh xương máu và hận thù giữa người Việt từng đứng ở hai bên chiến tuyến cho tới nay vẫn chưa được hóa giải. Đáng phải suy nghĩ hơn là con đường phát triển của đất nước đã bị ép theo những chuẩn mực và khuôn mẫu của các cường quốc cung cấp viện trợ là Liên Xô và Trung Quốc mà nếu xét về bản chất chế độ xã hội là những quốc gia toàn trị, thiếu vắng dân chủ.

“Cải cách ruộng đất” rồi “Chỉnh Phong” hay “chống nhân văn giai phẩm”, “chống xét lại” hay “Cách mạng văn hóa”, “ Xét thành phần, lý lịch” và “chống diễn biến hòa bình” “không Tây hóa” v.v…mang hơi hướng Bắc Kinh hoặc “cải tạo tư bản tư doanh”, “quốc hữu hóa”, “Hợp tác hóa nông nghiệp”, “công nghiệp hóa XHCN theo hướng đẩy mạnh công nghiệp nặng” v.v…theo mô hình “Tập trung – quan liêu bao cấp” nay đã hoàn toàn thất bại của Liên Xô khiến lòng người ly tán, tài nguyên bị hao kiệt nên đất nước sau nhiều năm vật vã buộc phải tìm lối ra và gần như phải xây dựng lại từ đầu nền kinh tế thị trường với bao mối liên hệ phong phú và tinh tế vốn đã một thời hưng thịnh từ mấy thế kỷ trước đây.

Tưởng rằng giành được độc lập thì dân tộc ta có cơ hội tiến nhanh tiến mạnh về phía trước thế nhưng ngay lập tức chúng ta chưa nhận thức hết được sự tụt hậu ngày một rõ nét về các quyền tự do và dân chủ trong xã hội nếu so với những thành quả đã đạt được thời Cách mạng Tháng Tám 1945 khiến xã hội Việt Nam ngày nay ngày một lún sâu trong cơn khủng hoảng sâu sắc và toàn diện.

Với bản Hiến pháp 1992 chịu ảnh hưởng của Hiến pháp Liên Xô 1977 rất nhiều quyền tự do, dân chủ trước đây đã bị teo dần(4).

Cũng chính vì Liên Xô đã thủ tiêu các quyền dân chủ, tự do của nhân dân đồng thời tăng cường đến mức tột đỉnh thể chế ĐẢNG TRỊ nên sự sụp đổ đã diễn ra(5) không cưỡng lại được ngay trong lòng bộ máy hùng hậu của ĐCS, quân đội, KGB (ủy ban an ninh quốc gia) và trong toàn bộ nền kinh tế Xô Viết khiến các đối thủ phương Tây cũng phải ngỡ ngàng.

Phải chăng chúng ta cũng muốn đi theo vết xe đổ đó?

Không, một ngàn lần không!

 Dân tộc này đã đổ quá nhiều xương máu để có được nền độc lập trước các thế lực ngoại xâm và khát vọng của chúng ta là được cùng nhau chung tay xây dựng một Tổ Quốc Việt Nam Thống nhất, Dân chủ, Giàu mạnh, Độc lập,Tự do và Hạnh phúc. Không có ý thức hệ ngoại lai nào có thể làm vật cản mãi mãi trên con đường chúng ta đi khi chúng ta giữ vững nguyên tắc TRUNG THÀNH VỚI QUYỀN LỢI DÂN TỘC. Bản tính yêu tự do hình thành ngàn đời nay sẽ giúp các thế hệ con dân Đất Việt trong thế kỷ XXI này phải tự vượt lên chính mình, vứt bỏ mọi gông cùm của quá khứ để “sánh vai cùng bạn bè năm châu, bốn bể”(6).

Trong bối cảnh quốc tế ngày nay, chúng ta đang ở một vị thế thuận lợi hơn thời “Chiến tranh lạnh “ rất nhiều và không thế lực bên trong hay bên ngoài nào có thể ép buộc chúng ta đi chệch khỏi con đường phát triển độc lập, dân chủ theo xu hướng chung của nhân loại văn minh.

Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 thiết nghĩ nên được tiến hành theo con đường sáng mà bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa năm 1946 đã khởi đầu.
 
Thăng long- Hà nội   22/1/2013

Phạm Gia Minh
Theo Viet- studies

………………………………………..

(1) Wikipedia. Bộ luật Hồng Đức

(2) Phạm Gia Minh, “ Thoát Á mới có thể thoát thân”

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-01-08-thoat-a-moi-co-the-thoat-than

(3)  Archimedes Patti “Tại sao Việt Nam?” (Prelude to America’s Albatros) NXB Đà nẵng.

(4) Hoàng Xuân Phú.” Teo dần quyền con người trong Hiến Pháp”.Blog Hoàng Xuân Phú, 18/01/2013

(5) Kiến nghị về sửa đổi Hiến Pháp 1992. Bauxitvn.blogspot.com ngày 22/01/2013

(6) Hồ Chí minh. Di chúc

Hiến pháp nên đề cập về Đảng thế nào?

Vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà nước là một trong những vấn đề chính trị trung tâm, nhưng tiếc thay lại là chủ đề ít được đặt ra và trao đổi thẳng thắn, triệt để trong các cuộc thảo luận và diễn đàn chính thức.

Không phải vì ở đây “không còn chuyện gì để bàn” mà chủ yếu do tâm trạng e dè từ nhiều phía trước một vấn đề chính trị hệ trọng và nhạy cảm như vậy.
Thận trọng cân nhắc nhiều khía cạnh là rất cần, nhưng nếu quá nhấn mạnh tính hệ trọng của vấn đề, thậm chí xem tự thân nó là có tính “sống còn” thì sẽ khép lại mọi ý kiến thảo luận và cũng không đúng với thực tế.

Trước năm 1980, Hiến pháp nước ta không có điều khoản tương tự nhưng không vì thế mà vai trò lãnh đạo của Đảng không được xác lập hay hiệu quả lãnh đạo kém hơn thời kỳ sau đó; các đảng cộng sản cầm quyền trước đây ở Liên Xô và Đông Âu dù cố giữ hay buông bỏ điều tương tự trong hiến pháp nước họ thì cũng vẫn không tránh được thất bại. Như vậy, vấn đề không phải là có hay không điều khoản này, mà thực chất là ở chỗ chính đảng lãnh đạo phải đủ phẩm chất và năng lực để đảm đương sứ mệnh được ủy thác.

Trong nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì nhân dân là chủ thể quyền lực. Vai trò Đảng lãnh đạo Nhà nước về bản chất là do nhân dân ủy thác cho Đảng. Sự ủy thác đó có thể được ghi nhận trong Hiến pháp thông qua thủ tục lập hiến. Vì vậy không thể đặt ra vấn đề Đảng lãnh đạo đứng trên, hay đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật. Đảng lãnh đạo xây dựng Hiến pháp và pháp luật, nhưng một khi đã có Hiến pháp và pháp luật thì Đảng không những phải tôn trọng mà còn phải chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp và pháp luật bình đẳng như mọi chủ thể chính trị khác. Điều lệ Đảng khẳng định “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” chính là sự khẳng định từ phía Đảng tinh thần đó.

Sự ủy thác đó là có điều kiện và có giám sát.

Đối với nhân dân và đất nước, điều kiện đó là “Đảng phải trung thành và đại biểu xứng đáng lợi ích của nhân dân và đất nước”.

Với tinh thần nói trên, điều khoản về Đảng trong Hiến pháp không nên thể hiện nguyên văn như Điều lệ Đảng. Không đưa vào điều khoản này những nội dung không thuộc đối tượng điều chỉnh trực tiếp của Hiến pháp và pháp luật (như tính chất giai cấp, nền tảng tư tưởng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động…của Đảng). Những nội dung đó chịu sự điều chỉnh của Điều lệ và các quy định nội bộ Đảng.

Trong sự hiểu biết hạn hẹp của mình, chúng tôi mạnh dạn nêu ra một phương án thể hiện điều khoản này như sau: “Nhân dân ủy thác cho Đảng Cộng sản Việt Nam vai trò lãnh đạo nhà nước. Đảng phải trung thành và đại biểu xứng đáng cho lợi ích của nhân dân và đất nước, chịu trách nhiệm trước nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Để thực sự giám sát thì cần sớm xây dựng Luật về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng. Vấn đề này cần thiết đối với cả đất nước và Đảng.

Thực tế đã chứng minh rằng, nếu chỉ đơn thuần dựa vào giám sát nội bộ, tự cho phép mình đứng ngoài sự giám sát thực sự của nhân dân và luật pháp thì Đảng càng có nguy cơ suy thoái nhiều hơn. Thực tế trong hoạt động mấy năm qua của ban lãnh đạo đảng, của các cơ quan nhà nước và trong thực hành mối quan hệ giữa các chủ thể đó đã phát sinh không ít tình huống phải xử lý theo “lệ”, thiếu căn cứ luật pháp xác đáng. Điều đó càng chứng tỏ sự cần thiết của luật nói trên.

Đề nghị này không mới mà đã được nhiều tổ chức và công dân, kể cả cơ quan đảng, cán bộ lãnh đạo và đảng viên nêu ra từ nhiều năm trước, nhưng chưa có tiến bộ.

Nguyên nhân có phần vì những khó khăn không nhỏ khi phải xây dựng một luật chưa từng có tiền lệ và hình mẫu như luật này.

Nói cho cùng, nếu quả tình không thể xây dựng được Luật về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng thì liệu có lý do gì chính đáng để bảo lưu một điều khoản về vấn đề này trong Hiến pháp?

Bùi Đức Lại (nguyên chuyên gia cao cấp Ban Tổ chức Trung ương)
(VNN) 

Kinh tế Nhà nước và đất đai: Mâu thuẫn giữa cương lĩnh Đảng và dự thảo Hiến pháp

Vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Văn Giang, Hải Hưng, ngày 24/04/2012.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, do Quốc hội Việt Nam đề xuất, đã được công bố từ hơn hai tuần nay, để lấy ý kiến nhân dân từ đây cho đến cuối tháng 3/2013. Một điểm trong văn bản dự thảo Hiến pháp, được nhiều nhà phân tích ghi nhận, là sự từ bỏ nguyên tắc « kinh tế nhà nước là chủ đạo », chỗ dựa cho nạn tham nhũng. Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, tiến bộ nhất định này không che lấp được « một bước lùi nghiêm trọng », với việc « hợp hiến hóa » quyền « thu hồi » đất đai của Nhà nước.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A cảnh báo, việc « hợp hiến hóa » quyền « thu hồi » đất đai của Nhà nước - một trong các tư liệu sản xuất quan trọng nhất thường được chính quyền « ưu tiên » cho các công ty Nhà nước - vốn không được công nhận trong chính bản Hiến pháp 1992 hiện hành, có thể làm « bùng phát những bất ổn xã hội liên quan đến đất đai. Đây là điều rất nguy hiểm nên tránh ».
Cách đây đúng hai năm, đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 đã chính thức từ bỏ nguyên tắc giáo điều về sở hữu công đối với « tư liệu sản xuất chủ yếu ». Việc đưa quy định Nhà nước có quyền thu hồi đất vào dự thảo Hiến pháp này phải chăng cho thấy ban lãnh đạo đương nhiệm có xu hướng trở nên bảo thủ hơn ?
Sau đây là phần phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A từ Hà Nội.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A (Hà Nội)
 RFI : Thưa ông, liên quan đến dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam, thì một trong những điều được nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận, đó là việc từ bỏ nguyên tắc lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Trước hết, xin ông cho biết ý kiến của ông về sự thay đổi tương đối đặc biệt này, bởi vì cách đây khoảng 2 tháng, thì phiên bản dự thảo vẫn giữ nguyên tắc lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo.
Nguyễn Quang A : Đúng điều đó là một sự khác lạ so với bản thân cương lĩnh của đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới đây thôi. Nó chứng tỏ hai điều. Điều thứ nhất là Ban soạn thảo đã có một nỗ lực rất tốt để bất chấp quy định trong cương lĩnh của đảng Cộng sản Việt Nam, bỏ cái vai trò lãnh đạo của khu vực kinh tế nhà nước.
Điểm thứ hai là, điều này chỉ là sự ghi nhận một thực tế, đã được tranh cãi, bàn lâu năm nay. Đó là khu vực nhà nước không giữ vai trò chủ đạo, tuy nó sử dụng những nguồn lực rất to lớn của xã hội và đất nước, nhưng thành tích do nó tạo ra không xứng đáng với những nguồn lực mà nó đã sử dụng. Và thậm chí chính nó lại là nguyên nhân gây ra những bất ổn kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua, mà đỉnh điểm là vụ Vinashin, Vinalines.
Nhưng thực sự, nhìn lại vài chục năm trước đây, thì tình hình cũng vẫn như thế, và cuộc tranh luận, đầu tiên là « các doanh nghiệp quốc doanh » giữ vai trò chủ đạo, sau đó là « khu vực nhà nước », là một cuộc đấu tranh rất là cam go trong một thời gian rất dài. Và thực sự nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng đã muốn bỏ chuyện này từ lâu rồi, nhưng không bỏ được, bởi vì cái thế lực bảo thủ nó vẫn còn quá mạnh. Thế thì trong dự thảo lần này mà bỏ được điều đấy, thì tôi cho là một sự tiến bộ đáng ghi nhận. Nhưng mà đây cũng mới là dự thảo, rồi cuối cùng nó là thế nào, thì còn phải đợi chờ và xem sau.
RFI : Thưa ông, trong trường hợp nội dung này trong dự thảo được thông qua, thì việc xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thì có thể có những ảnh hướng như thế nào ?
Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, chắc chắn nó sẽ có một sự cải thiện trên giấy ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, với dự thảo như hiện nay mà được thông qua, thì nhìn chung cái bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam cũng khó mà có nhiều thay đổi, bởi vì tất cả mọi thứ vẫn là do đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo, và nhất là chuyện về đất đai.
Đất đai cũng là vấn đề được bàn cãi lâu nay, và rất đáng tiếc là dự thảo lần này là một bước tụt hậu xa, so với Hiến pháp hiện hành là Hiến pháp 1992.
RFI : Ông có thể cho biết cụ thể nó tụt hậu như thế nào ?
Nguyễn Quang A : Hiến pháp năm 1992, cũng như Hiến pháp 1980, vẫn quy định đất đai và nhiều thứ khác nữa là sở hữu toàn dân. Lần này vẫn giữ nguyên như thế, nhưng mà có thêm một điều là Nhà nước thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh công cộng, và các dự án phát triển kinh tế xã hội. Hiến pháp năm 1992 không quy định chuyện Nhà nước có quyền thu hồi đất. Theo nghĩa đấy, Nhà nước chỉ có quyền trưng mua đất cho những mục đích an ninh, quốc phòng và vì lợi ích công cộng. Nếu hiểu như thế, thì luật đất đai 1993 và luật đất đai 2003 rất có thể đã là vi hiến. Vì hai luật này quy định Nhà nước có thể « thu hồi đất cho mục đích an ninh quốc phòng và lợi ích công cộng ». Đó là luật đất đai 1993. Luật 2003 lại thêm một câu nữa là « cho các dự án phát triển kinh tế xã hội ».
Dự thảo này đưa vào khái niệm, trao cho Nhà nước quyền thu hồi đất theo các mục đích như nói trên, như thế là « hợp hiến hóa » việc thu hồi đất. Tôi nghĩ đấy là một bước thụt lùi rất xa so với Hiến pháp hiện hành. Suốt những năm vừa qua, chỉ tính 10 năm trở lại đây, thì đã có trên 800.000 vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai, mà chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất. Nếu bây giờ lại trao cho Nhà nước quyền như thế, hợp hiến hóa việc sai trái đã xảy ra trong thời gian vừa qua, thì tôi nghĩ rất có thể sẽ bùng phát những bất ổn xã hội liên quan đến đất đai. Đấy là một điều rất nguy hiểm nên tránh.
RFI : Thưa ông, cách đây 2 năm đã diễn ra đại hội 11 của đảng Cộng sản Việt Nam, lúc đó có tranh luận xung quanh khái niệm công hữu về tư liệu sản xuất, được coi là một « tín điều » căn bản của đảng Cộng sản. Quyết định cuối cùng là ban lãnh đạo mới đã từ bỏ nguyên tắc này. Nhiều người thì bình luận rằng đây là một bước tiến mới trong việc từ bỏ sự giáo điều của đảng Cộng sản. Dường như có mối liên hệ giữa vấn đề công hữu về tư liệu sản xuất và chế độ đất đai, có phải không ?
Nguyễn Quang A : Đấy là một sự mâu thuẫn hiển nhiên giữa cái cương lĩnh mà đảng Cộng sản Việt Nam thông qua trong đại hội vừa rồi 2011 và... Trong năm 2011, đúng là đã xảy ra một cuộc tranh cãi rất sôi nổi về chuyện đó. Và ông Tổng bí thư đương nhiệm của đảng Cộng sản Việt Nam là người thuộc về thiểu số. Theo tôi biết, thì ông ấy nói rằng : là thiểu số nên phải phục tùng đa số. Thế nhưng mà, sau khi ông ấy lên nắm quyền rồi, thì chính ông ấy lại là người nêu ra việc sửa đổi luật đất đai, và Hiến pháp lần này thì vẫn quy định đất đai là thuộc sở hữu toàn dân. Và như thế, tôi nghĩ rằng, đó là một sự mâu thuẫn hiển nhiên.
Và cái điều mà tôi e ngại là, kể cả sự tiến bộ như chúng ta nói ban đầu chỉ là ở trên dự thảo. Còn soi vào cương lĩnh của đảng Cộng sản Việt Nam, với vai trò của ông Tổng bí thư như bây giờ..., thì không biết rằng, cái Hiến pháp sẽ được Quốc hội thông qua nó có được như cái dự thảo hay không, hay nó lại còn tồi tệ hơn nữa ?
RFI : Để có thể giúp thính giả hiểu rõ hơn chủ đề chính trong cuộc phỏng vấn hôm nay, tức là việc dự thảo sửa đối Hiến pháp từ bỏ nguyên tắc kinh tế nhà nước làm chủ đạo, xin ông cho biết mối liên hệ giữa chế độ sở hữu đất và khu vực kinh tế nhà nước.
Nguyễn Quang A : Đất đai là một loại tư liệu sản xuất vào loại quan trọng nhất của nền kinh tế. Và tuy có vẻ là tiến bộ, là bỏ được chuyện vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước, nhưng mà liên quan đến một tư liệu sản xuất quan trọng bậc nhất, thì lại có bước thụt lùi.
Cho nên, cái bước thụt lùi có thể phá sản cái khả năng tiến bộ đó.
RFI : Thưa ông, dường như có thể nói, việc nắm những tư liệu chủ yếu, như đất đai mới có thể coi là những thực chất của nền kinh tế, còn việc nói rằng, khu vực kinh tế này có là chủ đạo hay không, thì về cơ bản vẫn là chỉ là ngôn từ, hơn là một câu chuyện cụ thể, có phải không ?
Nguyễn Quang A : Hoàn toàn đúng như vậy. Bởi vì từ trước đến nay, vẫn nói rằng khu vực nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nó chưa thể và chưa bao giờ giữ vai trò chủ đạo, ít ra là trong 20 năm qua cả. Mà nó chỉ gây ra những vấn đề cho nền kinh tế này mà thôi. Nó mang tính chất khẩu hiệu, mong muốn, hơn là chuyện Nhà nước có quyền thu hồi đất cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Mà khi đã gọi là để phát triển kinh tế, mà Nhà nước thu hồi, thì thu hồi cho ai ? Chính lại có thể là cho các doanh nghiệp nhà nước là nhiều, hoặc là các doanh nghiệp tư nhân cánh hẩu với họ. Thì như thế sẽ làm cho nền kinh tế này ngày càng méo mó hơn lên.
RFI : Thưa ông, dường như có thể nói là, ban lãnh đạo đương quyền, với quy định về sở hữu đất đai như vậy, có xu hướng trở nên bảo thủ hơn trước ?
Nguyễn Quang A : Tôi không dám đánh giá là bảo thủ hơn trước, hay cấp tiến hơn trước. Nhưng những thực tế đấy, nhất là liên quan đến sở hữu đất đai, đến quyền thu hồi đất của Nhà nước, thì nó chỉ ra là như vậy.
Tóm tắt lại, liên quan đến câu hỏi của anh, về vấn đề vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước bị bỏ ra khỏi dự thảo Hiến pháp lần này, thì tôi nghĩ rằng, đó là một bước tiến bộ, nó chỉ là sự ghi nhận một thực tế mà thôi. Nhưng mà liên quan đến phát triển kinh tế, thì hợp hiến hóa quyền thu hồi đất của Nhà nước là một bước thụt lùi nghiêm trọng hơn, và có thể gây ra cho nền kinh tế này rất nhiều vấn đề.
RFI xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn hôm nay.
(RFI).

Nguyễn Quang Lập - Việt nam khi mô đây?

Rứa là Philippines đưa tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra tòa án LHQ ( tại đây):Ngoại trưởng Philippines hôm nay cho biết, nước ông đã đưa Trung Quốc lên tòa án Liên hợp quốc, nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của nước này đối với gần như toàn bộ Biển Đông.“Philippines sẽ dùng gần như mọi cách thức chính trị và ngoại giao để giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc theo phương thức đàm phán hòa bình… chúng tôi hi vọng rằng các tiến trình của tòa án sẽ đem vấn đề tranh chấp này tới một giải pháp lâu dài”, Ngoại trưởng Del Rosario cho biết trong cuộc họp báo.

 Philippines đã nói là làm. Khi mà không thể tranh cãi với nhau được thì cách tốt nhất nên đưa ra LHQ, nhờ LHQ làm trọng tài. Đó là một cách đắc lợi  để chúng ta bảo vệ chủ quyền bằng phương pháp hòa bình.

Câu hỏi đặt ra là  khi mô Việt Nam  mới đưa Hoàng Sa và Biển Đông ra tòa án quốc tế?

 Nhà nước cũng thừa biết đàm phán song phương chỉ là cách cho sói gửi chân, nó vừa đàm vừa nịnh, vừa đàm vừa dọa nạt, dọa nạt xong rồi cho kẹo, vừa đàm vừa bảo gác tranh chấp cùng khai thác, trước sau gì Trường Sa và Biển đông cũng mất trắng vào tay con sói hung dữ và thâm độc có tên là TQ. Mình tin Nhà nước ta không đến nỗi quá ngu để chấp nhận đàm phán song phương, nếu như thực sự muốn bảo vệ chủ quyền Đất nước.

Đây là thời điểm thích hợp để VN hưởng ứng với Philippines, và vận động cả Brunei, Malaysia nữa, đưa ” Cái lưỡi bò” TQ ra LHQ mới tạo được sức mạnh tổng hợp nhằm chống lại âm mưu bá quyền Biển đông của TQ. .Không làm lúc này thì khi mô làm?

Nếu Nhà nước không làm phải giải thích rõ cho dân chúng biết lý do. Có phải vì bảo vệ chế độ mà chúng ta phải hy sinh  Hoàng Sa và Biển đông hay không, hay vì một lý do nào khác? Có người bảo ta bây giờ há miệng mắc quai, cái “quai” đó là gì vậy ta? Nếu cái quai đó là “16 chữ vàng”, “đồng chí 4 tốt” thì vứt lẹ đi, cái quai đó không bằng dân đâu. Có dân là có tất cả, chớ có lo.

Chủ tịch Trương Tấn Sang đã khẳng định: “Trước hết, với tư cách là người có trọng trách trong Đảng và là người đứng đầu Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tôi xin khẳng định rằng: Đảng, Nhà nước ta không bao giờ bán nước cho các thế lực bên ngoài như những kẻ xấu vu cáo”. Ok. Vậy thì tại sao không đưa Hoàng Sa và Biển Đông TQ ra tòa án quốc tế, thưa Trương Chủ tịch?

Miệng thì nói phải bảo vệ chủ quyền bằng phương pháp hòa bình, khi có cách bảo vệ chủ quyền bằng phương pháp hòa bình hay rứa lại không làm. Thật lạ quá.
Nguyễn Quang Lập
(Quê Choa) 

Dương Trung Quốc - 'Chiếm Hoàng Sa, Mỹ đồng lõa'

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đã có hành vi "đồng lõa" với Trung Quốc khi Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay của Chính quyền Sài Gòn, chỉ non một năm sau khi Hiệp định Paris được ký kết.
Trao đổi với BBC Việt ngữ nhân nhìn lại 40 năm Hòa Đàm Paris (1973-2013), sử gia, Tổng thư Ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nói:
"Hành động của Mỹ là một sự đồng lõa," và ông đặt câu hỏi: "Có phải là sự tiếp tay, phối hợp với nhau chăng" khi được hỏi vì sao Hoa Kỳ không có sự can thiệp hoặc thông tin cho Việt Nam Cộng hòa, một quốc gia được cho là đồng minh của họ ở Đông Nam Á trong cuộc chiến chống lại "Làn sóng Đỏ" của Chủ nghĩa Cộng sản.
Sử gia cho rằng sau khi có một "nước Việt Nam thống nhất," Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục có hành vi "bao vây" Việt Nam, với Trung Quốc thậm chí đã tiến hành chiến tranh ở Biên giới phía Bắc Việt Nam, còn Hoa Kỳ "đứng sau lưng Pol Pot".
Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh bài học lớn nhất mà Việt Nam cần rút ra là Việt Nam cần "tự mình định đoạt số phận của mình" vì theo ông "chừng nào không giữ được độc lập, tự chủ" thì chừng đó "khó đạt được mục tiêu của mình."
Sử gia cũng cho rằng không nên coi Hiệp định Paris 1973 là một văn bản "có giá trị vĩnh cửu".
Ông đánh giá hiệp định này không phải là một "hiệp định đình chiến" hoàn toàn khi nó chỉ "đình chiến" giữa chính quyền Cộng sản Bắc Việt và đồng minh của họ ở Miền Nam là Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam với Hoa Kỳ.
Theo ông, hiệp định không quyết định "đình chiến" giữa Hà Nội và đồng minh với chính quyền Sài Gòn.
(BBC)

 Khi niềm tin bị lấy cắp…

Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng tôi ra chợ, trong lúc đứng chờ thối tiền từ người chủ hàng tạp hóa, hình ảnh một người chị được thối lại 2 tờ 1 nghìn nhưng chị nói gì đó với ông chủ rồi ông ta đổi lại cho chị 1 tờ 2 nghìn. Ai nhìn thấy chắc cũng nghĩ là tiền thối bị rách nên chị này đòi đổi lại. Tới lượt tôi nhận tiền, ông chủ đấy vẫn lấy 2 tờ 1 nghìn đó thối cho tôi, tôi tò mò nhìn xem phải 2 tờ tiền đấy rách không. Tuy nhiên cả 2 tờ tiền vẫn lành lặn. Lấy làm lạ cho người chị nọ nhưng sau một hồi suy nghĩ thì tôi cũng kịp nhận ra là do tờ 1 nghìn bây giờ không còn giá trị như ngày trước nữa.
Giá trị đồng tiền bị mất người ta gọi đó là lạm phát. Khi ấy dân đen như chúng ta có muôn ngàn cách đổ lỗi và chỉ trích nhưng rất ít ai đủ dũng cảm chỉ trích vai trò của cơ quan chính phủ, nơi điều tiết dòng tiền vĩ mô. Dáng dấp đổ lỗi này ta cũng có thể nhìn thấy ở tình trạng tai nạn giao thông.


Một vụ tai nạn giao thông xảy ra, việc đầu tiên chúng ta đổ lỗi là do đối phương, sau đấy là đổ lỗi cho cái số của nạn nhân đã đến hồi kết. Mỗi ngày trung bình cả nước có hơn 30 người chết vì tai nạn giao thông (thống kê này còn chưa đầy đủ) còn số người bị thương thì nhiều hơn số người chết vài lần. Và chúng ta vẫn thường nghe rằng “ý thức tham gia giao thông của người dân chưa tốt”, “các đối tượng say xỉn là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông”. Đây là cách đổ lỗi của cơ quan chính phủ. Người dân không dám đổ lỗi cho chính phủ và chính phủ thì đổ lỗi cho dân. Thành thử vấn đề tai nạn giao thông chưa bao giờ tìm đúng nguyên nhân để giải quyết. Ấy vậy nhưng khi được nghe “tuyên truyền” như thế, rằng tai nạn giao thông chủ yếu là do “các đối tượng say xỉn gây ra”, một người bạn của tôi từng đưa ra nguyên nhân như thế trong một lần chúng tôi tranh luận với nhau về tình trạng tai nạn giao thông, đã nằm xuống trong một vụ tai nạn giao thông mới đây, nguyên nhân là do bạn bất ngờ né sang bên trái để tránh chiếc xe bus đang tấp vô trạm, chiếc xe taxi từ phía sau không hãm phanh kịp lao tới cán qua. Ngày đám tang bạn… hình ảnh ba mẹ bạn lẫn thẫn, câm lặng như người vô hồn, bạn là đứa con trai duy nhất của họ. Hình ảnh người yêu 3 năm trời quấn khăn tang ngồi cạnh quan tài của bạn. Những hình ảnh đấy làm tôi xúc động. Cuộc sống của bạn còn đó những ba mẹ, người yêu, bạn bè người than kia mà, còn đó những đê mê, yêu thương, giận hờn kia mà, cuộc đời có phù du đâu hay chỉ có những tai nạn giao thông mới khiến cuộc đời trở nên phù du, phù du đến không thể tin được. Lúc đấy tôi thấy mất niềm tin ở cuộc sống này vô cùng.
Con người có thể sẵn sàng chết cho lý tưởng mà mình theo đuổi, chết cho gia đình, quê hương, đất nước. Đấy là những cái chết đẹp, cái chết ý nghĩa.
Một người bạn của tôi vốn dĩ tính rất hay lạc quan đã có lần nói với tôi rằng: “để không phải chứng kiến những cảnh đau lòng rồi mất niềm tin ở cuộc sống này thì đừng vào đọc các tin tức giết người - cướp của - hiếp dâm hằng ngày trên các báo hiện nay nữa”.
Dạo gần đây các bạn theo dõi tin tức sẽ thấy Sài Gòn xuất hiện nhiều vụ cướp táo tợn, bạn tôi cũng đã theo chủ trương là không vào đọc những tin tức như thế nhưng khi đi làm, bạn lại nghe bạn bè đồng nghiệp tường thuật lại “có chị kia đi xe SH bị cướp chém gần rụng bàn tay để cướp xe”, bạn thì chỉ có chiếc Wave thôi, hay đi làm về tầm 10h đêm, mà ở đây khu vực ngoại thành nên dân thường ngủ sớm, xung quanh vắng hoe. Chiều hôm đó bạn về phòng nói với tôi, “T à! Mình chuyển vô nội thành ở nha”. Tôi nhìn vẻ mặt đầy lo lắng và bất an của bạn, không tìm thấy ở bạn một con người lạc quan, lúc nào cũng có thể cười như mọi khi nữa.
Niềm tin không còn ta sẽ thấy giá trị của cuộc sống thật mong manh.
Một xã hội mà giá trị tiền tệ bị mất dần (lạm phát) người dân vẫn có thể sống tốt, họ có thể dè chừng trong chi tiêu và chấp nhận cuộc sống có phần khó khăn về vật chất hơn so với trước nhưng một xã hội mà giá trị cuộc sống bị mất dần thì mạng người thật là rẻ rúng, điều này vô cùng nguy hiểm.
Hằng này lên facebook, cứ thấy nhan nhản các stt của các bạn trẻ, đại loại như họ không còn có thể tin tưởng vào bất kỳ ai, bất kỳ điều gì nữa. Mọi thứ đều giả dối. Tôi nghe, tôi biết - biết họ là tương lai của đất nước này, họ không thể có tư tưởng như thế nhưng tôi cũng không sao 'commemt' để chia sẽ với họ, dù rất muốn nói với họ rằng: "Tôi thà bị lừa còn hơn sống mà không tin vào con người" như một nhà thơ nào đó đã từng nói. Thế nhưng nhìn vào hiện trạng văn hóa hiện nay tôi tự thấy điều tôi muốn chia sẽ đấy thật lý thuyết và trống rỗng.
Tình trạng vô cảm trong xã hội hiện nay, là một hệ lụy từ niềm tin vào giá trị cuộc sống không còn hoặc mất dần. Từ vụ xả súng vừa rồi bên Mỹ làm gần 30 học sinh thiệt mạng, báo chí bên mình đăng với cường độ liên tục như rằng đó là một vấn đề rất “hot” sau nhiều năm mới xảy ra một lần trên đất Mỹ. Bạn tôi khi đó ngồi cười hả hê và lên tiếng chê bai Mỹ, chê bai tự do súng đạn Mỹ, chê bai tự do dân chủ kiểu Mỹ. Bạn ghét Mỹ qua những trang sử bạn học được từ khi ngồi trên ghế nhà trường, bây giờ bạn là cử nhân công nghệ thông tin. Bạn thần tượng Bill Gates, bạn dùng laptop Dell, sử dụng hệ điều hành Microsoft, bạn dành mỗi ngày hơn 4h để vào Facebook, Youtube nhưng bạn chưa đủ nhận thức để phân biệt đâu là chính phủ Mỹ và đâu là nhân dân Mỹ. Hồi vụ khủng bố 11/9 tôi biết sẽ có cả một thế hệ non trẻ, thế hệ tương lai của đất nước này hả hê khi chứng kiến khoảng khắc tang thương đó cua nước Mỹ (trong đó có tôi). Bởi những đầu óc non nớt của những thế hệ như tôi khi đó được dạy rằng “Mỹ là một nước gian ác, sự giúp đỡ trong giáo dục đối với Việt Nam là hành động “Diễn biến hòa bình” cần phải cảnh giác”, như lời Đại tá - Phó giáo sư - Tiến sỹ - Nhà giáo ưu tú Trần Đăng Thanh từng chia sẽ với sinh viên mới đây.
Tóm lại cũng như tình trạng tai nạn giao thông mà tôi chia sẽ ở trên, chúng ta không có lỗi cho tình trạng vô cảm hiện nay và chúng ta cũng đừng nên trách người khác vô cảm mà hãy trách những con người tham lam đến vô cảm. Những con người bất tài nhưng tham quyền cố vị, họ - những người quyết định được vận mệnh của nền kinh tế đất nước, quyết định được giá trị nền văn hóa của đất nước đã đặt quyền lợi của mình lên trên tất cả, đã lấy cắp đi niềm tin của chúng ta – nhân dân.
Họ có thể lấy cắp giá trị đồng tiền đang thuộc sở hữu chúng ta nhưng chúng ta vẫn sống tốt. Tuy nhiên sống mà không biết giá trị của bản thân mình đang bị lấy cắp thì đấy là một kiếp “sống thừa, sống mòn”.
© Wegreen Vietnam

Chân dung Nguyễn Bá Thanh và bằng tiến sỹ dzỏm

Sau vụ đàn áp đẫm máu giáo dân tại Giáo xứ Cồn Dầu, những ai ở Đà Nẵng đều biết rõ kẻ giấu mặt đạo diễn chính là Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Đà Nẵng.
Vậy Nguyễn Bá Thanh là ai? Quyền lực thế nào mà dám bất chấp dư luận, coi thường luật pháp, bách hại dân lành?
Nguyễn Bá Thanh là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng, trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Việt Nam.
Nguyễn Bá Thanh quê ở Hòa Vang, Đà Nẵng. Trình độ học vấn:  tiến sĩ , thực chất là y mua bằng. Nghe đâu Thanh cử  đàn em ra Hà Nội mua cho y bằng tiến sỹ hết 600 triệu VND..
Mặt tiền khu resort Sandy Beach,có khách sạn hạng 4 sao ,mà Nguyễn Bá Thanh có cổ phần,và có một vài phòng đặc biệt dành riêng cho ông ta ở đây. (Hinh CLB Nó Kìa)
Nguyễn Bá Thanh nhiều lần bị tố cáo về tham nhũng. Báo chí xu nịnh ca ngợi ông ta ở cái công tác gọi là “chỉnh trang đô thị”, chính công tác này đã đẩy nhiều người dân Đà Nẵng lâm vào cảnh sống cơ cực, tạo nên một lực lượng dân oan ngày đêm đi khiếu kiện, oan khuất thấu trời…
Chiêu kiếm chác mà Nguyễn Bá Thanh thường dùng trong kế hoạch “đền bù giải tỏa” như  sau : lấy đất của người nghèo bán cho người giàu, khi người nghèo không đủ tiền mua lại đất để sống thì ông ta “cho nợ, qui ra vàng, không trả được sẽ giao cho ngân hàng”. Nhân dân lúc đầu rất “mừng”, giải tỏa xong được “nợ”. Nhưng sau vài năm, nợ 1 chỉ vàng của nhà nước 500.000 đồng trở thành 1.500.000 (nay là 2.650.000d) do giá vàng lên. Nay không trả nổi, chúng giao cho ngân hàng siết nợ. Thế là xong, ra bụi ở.
.
.
Nhà Nguyễn Bá Thanh, Địa chỉ: Số 189, Cách Mạng Tháng 8, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.(Hinh CLB Nó Kìa)

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khoá 12, Nguyễn Bá Thanh bị xem xét tư cách ứng cử viên vì  dân tố cáo  tham nhũng.  Những đoàn thanh tra ở Hà Nội về đến Đà Nẵng thì mang theo túi to để nhét phong bì tiền đôla vào rồi trở lại trung ương báo cáo là “nhân dân vu khống, kiện bậy, còn ông Nguyễn Bá Thanh ngây thơ vô tội”. Cái chuỗi này cứ thế tiếp diễn.

Tài sản gia đình Nguyễn Bá Thanh tại Đà Nẵng không đếm xuể. Nghe đâu thằng “quý tử” nhà Thanh mỗi tuần đều ra nước ngoài đánh bạc, sơ sơ cũng mất 20.000$/chuyến.

Nhiều người dân Đà Nẵng và các vùng lân cận ca ngợi Thanh là một “lãnh đạo thương dân”, dám nói dám làm. Thực chất đó chỉ là những lời đồn thổi do đàn em Thanh tạo dựng nên, ngày ngày những kẻ này được trả tiền để đi lân la rỉ tai dân chúng về chuyện có một ông Bí Thư Thanh đức độ. Tất cả đều là sự bịa đặt láo toét.  Dưới tay Thanh là một đám lính có quyền lực còn lớn hơn cả Công an, cảnh sát.

Ngoài ra, báo chí Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đêu bị Thanh dùng tiền và quyền lực bịt miệng. Nhiều gã nhà báo được thuê chỉ để chuyên viết  đề tài ca ngợi Nguyễn Bá Thanh.

Vụ đàn áp đẫm máu tại Cồn Dầu do bàn tay Thanh chỉ đạo. Ai cũng biết, lâu nay gia đình nhà Thanh mê mẩn cái đất Cồn Dầu vốn đẹp và yên tĩnh. Để đạt được mục đích, gia đình và đám lính của Thanh không từ bất cứ thủ đoạn nào. Kẻ nào dám lên tiếng chống lại Thanh thì coi như đừng mong yên ổn ở cái đất Đà Nẵng  mà Thanh xưng vua.
Đơn tố cáo Nguyễn Bá Thanh mua bằng tiến sỹ 1

Đơn tố cáo Nguyễn Bá Thanh mua bằng tiến sỹ 2


Đây là một vụ án nổi tiếng, chắc nhiêu bạn đã biết đến:

Năm 2007, từ vụ việc Đinh Công Sắt, Nguyễn Phi Duy Linh, tướng Trần Văn Thanh bị bắt với tội danh “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân“. Tuy nhiên, “cán bộ lãnh đạo của Đà Nẵng” bị ảnh hưởng uy tín, bị tố cáo sai sự thật, chính xác là ai thì không được nhắc đến.

Cho đến khi vụ án được đưa ra xử phúc thẩm, nhân vật bí ẩn “có dấu hiệu bị xâm hại uy tín” mới được hé mở chính là ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Trong phiên tòa phúc thẩm, luật sư của ông Dương Tiến, cũng xác định người bị Đinh Công Sắt tố cáo là Nguyễn Bá Thanh.

Những tài liệu “truyền đơn” là hai công văn số 73 và 77 đề cập đến việc ông Nguyễn Bá Thanh đã nhận hối lộ của Phạm Minh Thông 4,4 tỉ đồng trong các công trình xây dựng Cầu Sông Hàn và đường Bắc Nam ở Đà Nẵng. Ngoài ra, các đơn tố cáo về hành vi tham nhũng của ông Nguyễn Bá Thanh của một số công dân thành phố Đà Nẵng là có cơ sở. Và Kết luận thanh tra số 524/KLTT-BCA (V24) ngày 06/6/2008 của Bộ Công an xác định có đủ căn cứ để khởi tố vụ án và bị can, nhưng Công an thành phố Đà Nẵng không khởi tố ông Nguyễn Bá Thanh để điều tra.
(Vietinfo.eu)

Nguyễn Vạn Phú - Đà nẵng rối vì mập mờ

Sự mập mờ của luật pháp liên quan đến đất đai được đẩy lên đỉnh điểm vào cuối tuần trước khi Thanh tra Chính phủ kết luận chính quyền Đà Nẵng vi phạm nhiều quy định về quản lý sử dụng đất, gây thất thu ngân sách trên 3.434 tỷ đồng nhưng ngay sau đó lãnh đạo Đà Nẵng đã phản bác kết luận này và cho rằng họ không làm gì sai luật cả.

Dù sai dù đúng, từ những thông tin được công khai, đã có thể rút ra những điểm buộc chúng ta phải suy nghĩ.

Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu chính quyền Đà Nẵng thu hồi về ngân sách 1.486 tỷ đồng từ các nhà đầu tư do một số lý do xuất phát từ sai phạm của Đà Nẵng như xác định giá thu tiền sử dụng đất thấp hơn bảng giá do thành phố ban hành, không tính đủ tiền chuyển mục đích sử dụng đất... Đồng thời Đà Nẵng cũng phải thu hồi 867 tỷ đồng là tiền sử dụng đất đã giảm 10% cho các nhà đầu tư.

Đây là yêu cầu rất lạ, một biểu hiện rõ nét nhất của chuyện thay đổi chính sách gây khó cho doanh nghiệp, có khả năng gây ra xáo động rất lớn cho thị trường địa ốc Đà Nẵng. Những thỏa thuận giữa chính quyền địa phương với nhà đầu tư trên giấy trắng mực đen, nhất là trong việc giảm giá, phải được tôn trọng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Về lý thuyết nếu chính quyền Đà Nẵng sai, họ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, còn nhà đầu tư đã làm đúng quy định vào một thời điểm cụ thể, nay không thể hồi tố yêu cầu họ nộp thêm tiền. Thay đổi xoành xoạch như thế ai dám đầu tư, hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương từ nay về sau sẽ như thế nào?

* * *

Sự rắc rối, phức tạp, mơ hồ của luật lệ đất đai làm một quy định cụ thể nào đó muốn hiểu sao cũng được, lý giải như thế nào cũng xong. Thanh tra Chính phủ và chính quyền Đà Nẵng là nơi nắm vững luật lệ mà đã bất đồng như thế, biểu sao xã hội nói chung không bế tắc khi xử lý các quan hệ liên quan đến đất đai cho được.

Nhưng cũng từ kết luận của Thanh tra và giải trình phản hồi của Đà Nẵng đã nổi lên nhiều vấn đề rất đáng quan tâm, đặc biệt là những khe hở do luật lệ đất đai phức tạp tạo ra mà chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là người dân thấp cổ bé họng.

Ví dụ kết luận của Thanh tra nêu những trường hợp công ty, tổ chức hay cá nhân được giao đất với một giá nhưng sau đó lại chuyển giao cho công ty hay cá nhân khác với giá cao gấp nhiều lần. Thông báo phản hồi của Đà Nẵng thừa nhận: “Việc tăng giá đất… của các cá nhân trên nhằm mục đích nâng khống giá trị chuyển quyền sử dụng đất lên quá cao để được vay ngân hàng với số tiền lớn”. Có thể đúng là những giao dịch chuyển nhượng thứ cấp là giao dịch dân sự không thuộc trách nhiệm của chính quyền Đà Nẵng nhưng cách làm như thế đã đẩy giá bất động sản lên cao một cách giả tạo, nhiều dự án trở thành khối nợ xấu đang đè nặng lên các ngân hàng, nhà nước lại thất thu thuế, tại sao cả trung ương lẫn địa phương không ai lên tiếng từ lâu mà đều im lặng?

Một mảnh đất UBND Đà Nẵng chuyển nhượng cho hai cá nhân với giá 84 tỷ đồng, hai năm sau bán lại cho người khác với giá 581 tỷ đồng vậy những người dân trước đó bị thu hồi đất sẽ nghĩ sao? Trong trường hợp việc chuyển nhượng giữa những người thân với nhau nhằm nâng khống giá đất, vậy cơ chế thuế phải được sửa đổi những thế nào để tránh bị lợi dụng?

Một hiện tượng lập đi lập lại là tổ chức hay công ty xin được giao đất với một mục đích sau đó lại chuyển sang mục đích khác mà vẫn trót lọt hết. Rõ ràng hiện tượng xin cấp đất với những mục đích “cao cả” để hưởng ưu đãi giá sau đó chuyển sang mục đích khác, hay đơn giản là để “phân lô bán nền” là có ở Đà Nẵng và nhiều địa phương khác. Ai cũng biết nhưng ai cũng làm lơ, chỉ có người dân có đất bị giải tỏa mới thấy mục đích di dời cuối cùng không đúng như được giải thích. Đó là nguyên nhân đằng sau biết bao khiếu kiện về đất đai khắp cả nước.

* * *

Tạm gác việc thanh tra đất đai tại Đà Nẵng sang một bên, một vấn đề khác cũng dần lộ rõ từ câu chuyện này. Trong 10 năm từ 2002 đến 2011 Đà Nẵng đã thu được một số tiền sử dụng đất rất lớn, lên đến trên 24.600 tỷ đồng. Chính khoản tiền này đã giúp thành phố trang trải đến hai phần ba chi phí xây dựng cơ bản, tạo cho Đà Nẵng một diện mạo đô thị hiện đại, cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống rất tốt.

Thế nhưng việc dựa quá nhiều vào tiền sử dụng đất trong tổng thu ngân sách hàng năm đang đẩy Đà Nẵng vào một tình thế cực kỳ khó khăn nhất là khi thị trường địa ốc đóng băng, không còn ai dám nhảy vào các dự án kinh doanh bất động sản nữa. Những năm tới khi quỹ đất của thành phố không còn thì nguồn thu này càng teo tóp hơn nữa.

Lấy năm 2011 làm minh họa, dự toán tổng thu ngân sách địa phương là 9.800 tỷ đồng, trong đó thu cấp quyền sử dụng đất lên đến 3.700 tỷ đồng, chiếm đến 37%. Trong thực tế năm đó Đà Nẵng bội thu tiền sử dụng đất, khoản tiền này lên đến 5.102 tỷ đồng. Gần một nửa ngân sách đến từ tiền đất trong khi đó, thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương chỉ có 925 tỷ đồng, từ doanh nghiệp nhà nước địa phương là 140 tỷ đồng, doanh nghiệp FDI là 785 tỷ đồng.

Phát triển kinh tế bằng con đường này là không bền vững. Đến năm 2012, thu tiền sử dụng đất sụt giảm nhanh chóng, chỉ còn 1.300 tỷ đồng (chỉ bằng 37,1% kế hoạch). Ngay lập tức ngân sách thành phố Đà Nẵng rơi vào chỗ khó khăn, thu chỉ còn bằng 81,1% dự toán. Đà Nẵng đi lên từ đất nay rơi vào khó khăn cũng vì đất!
Nguyễn Vạn Phú

Tại sao thương lái TQ mua tất tật "thứ bỏ đi" của VN?

Thương lái Trung Quốc đổ xô thu mua những thứ mà ở Việt Nam nghĩ rằng sẽ chẳng ai mua, đã dấy lên sự nghi ngờ về mục đích đằng sau của hành động này.
"Không tha" bất cứ thứ gì

Mới đây, thương lái Trung Quốc rầm rộ thu mua phân trâu khô ở chợ ngã ba biên giới giữa ba nước Việt - Trung - Lào ở Apachải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Thực ra, việc thu mua này đã có tiền lệ từ năm ngoái, bà con thu gom phân trâu ở các sườn đồi, khu chăn thả gia súc trong vùng, rồi mang ra chợ bán. Tuy số tiền kiếm được từ việc mua bán này không nhiều (khoảng 60.000 đồng 15kg phân trâu khô), nhưng đã thu hút rất nhiều người dân ở các bản giáp biên ở dải biên giới Apachải tham gia thu gom.
Theo giải thích của nhiều người dân, do ruộng cấy một vụ, đồi nương trồng ngô, sắn không cần bón phân, thị trường trong nước lại không thu mua nên bà con cứ thu gom bán cho thương lái Trung Quốc.
 Các thương lái thu mua rầm rộ thu mua phân trâu khô. Ảnh minh họa.

Tại Nghệ An, hồi tháng 5/2012, với tin đồn có người mua đỉa làm thuốc, trả giá rất cao 180-200 nghìn/kg, nhiều người dân huyện Quế Phong đã đổ xô ra đồng săn đỉa bán lấy tiền.

Nhiều người dân đã bỏ việc đi đào khoai mài để đi săn đỉa bán cho lái buôn vì công việc này đơn giản, không vất vả mà cũng có tiền để chi tiêu cho những hoạt động thường ngày.
Tại TP.HCM, những tháng cuối năm 2011, người dân các huyện Hóc Môn, Củ Chi cũng ồ ạt rủ nhau đi bắt đỉa, gom về bán cho các đầu nậu. Nhưng sau đó, các đầu nậu bỏ đi, để lại những cánh đồng đầy đỉa và nỗi lo sợ cho người dân.
 Người dân đổ xô đi "săn" đỉa bán cho thương lái

Được biết, tình trạng thu gom đỉa hiện không chỉ ở TP.HCM, Nghệ An... mà còn diễn ra rất nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Việc các đầu nậu thu gom một thời gian rồi chuyển sang địa điểm khiến môi trường và hệ sinh thái ở đó bị ảnh hưởng nặng nề vì đỉa xâm nhập.
Nếu ở một số địa phương như Nghệ An, TP.HCM... việc người dân bắt đỉa bán xuất sang Trung Quốc rầm rộ, công khai thì tại Thái Nguyên, việc mua bán đỉa lại diễn ra khá kín đáo. Cả người bán, người thu gom đỉa đều cảnh giác cao độ, hễ xuất hiện sự có mặt của người lạ là họ lập tức chuyển địa điểm thu gom đỉa. Việc thu gom đỉa ở đây đã mang lại một món hời lớn cho người dân, có thôn cả nhà đi thu gom đỉa. Có người đi bắt đỉa nửa tháng thì sắm được xe máy, ti vi.
Một người dân ở xóm Nhội, xã Thành Công, Phổ Yên, Thái Nguyên cho biết: "Đỉa mà chúng tôi bán cho thương lái giá từ 650.000 – 900.000 đồng/kg nhưng tôi nghe nói khi đỉa được chuyển qua cảng sang Trung Quốc thì giá lên tới 10 triệu đồng/kg!?”.
 Các thương lái đến tận nhà dân thu mua đỉa.

Tại Quảng Ninh, tháng 10, tháng 11/2012, các thương lái Trung Quốc không chỉ ồ ạt mua lá cây chu ka mà còn "dụ dỗ" người dân chặt đốn, xâm hại hàng loạt cây phong ba.

Thương lái Trung Quốc thường đặt một số lượng lớn cây phong ba với giá từ 14.000 đến 15.000 đồng/kg. Theo giá này, trừ mọi chi phí, người dân cũng được lãi 8.000-10.000 đồng/kg. Thấy lợi nhuận lớn, nhiều người dân đặc biệt là ngư dân bỏ hẳn việc đánh bắt hải sản vượt biển tìm đến những hòn đảo nhưhòn Mỹ, hòn Miễu, hòn Ton... thuộc 2 xã Quảng Điền và Quảng Phong, huyện Hải Hà ngoài biển quyết tìm bằng được loại cây này.
 Người dân ồ ạt đốn cây phong ba bán cho thương lái Trung Quốc

Tại Lạng Sơn, đầu tháng 9/2012, hàng loạt người dân huyện Lộc Bình bất ngờ đổ xô lên rừng đào rễ cây sim về bán “giá cao” cho thương lái Trung Quốc. Hiện nay việc đào rễ sim đã trở thành “phong trào” ở nơi đây.
Hiện nay, thương lái Trung Quốc đang mua rễ sim với mức giá “khá hời” là 2.500đ/kg. Với mức giá đó cộng với “năng suất” đạt gần 100kg/ngày, nhiều người dân có thể bỏ túi gần 250.000đ/ngày mà không tốn quá nhiều sức.
Thương lái Trung Quốc đang tung hỏa mù và hoành hành tại khắp các nơi ở Việt Nam. Người dân thì hồ hởi vì những thứ bỏ đi bây giờ lại bán được tiền, tuy nhiên các cơ quan chức năng thì tỏ ra lo lắng trước động thái tận thu của các thương lái Trung Quốc. Vậy động thái đằng sau những hoạt động thu mua này là gì?
 Đào bới, lấy rễ cây bán sang biên giới.

Mưu đồ?

Khi được hỏi mua phân trâu khô ở tỉnh Điện Biên về làm gì, các tư thương Trung quốc đều có câu trả lời giống nhau là mua về để bón cho các diện tích sản xuất nông nghiệp ở địa phương và gia đình.

Bạch Nham, một tư thương Trung quốc đang thu gom phân trâu khô nói: “Phân trâu này chúng tôi mua về để bón cho các gốc chè, gốc cây cao su của gia đình, hoặc bán cho các lâm trường chè, lâm trường cao su”.

Tuy nhiên, mục đích cụ thể của việc mua phân trâu khô là gì vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng.

Những người dân ở huyện Quế Phong (Nghệ An) cũng chỉ nghe nói các đầu nậu thu gom đỉa để làm thuốc hoặc bán sang Trung Quốc, chứ cũng không biết thực chất mục đích của việc thu gom này là gì.

 Một cánh đồng đầy đỉa sau khi chủ vựa bỏ đi.

Ông Nguyễn Anh Dũng, giảng viên khoa sinh học Trường Đại Học Vinh cho biết: “Thực tế là hiện tượng thu mua đỉa đã diễn ra ở trong miền Nam từ lâu, chỉ nghe nói là thương lái Trung Quốc mua đỉa về để chế biến làm thuốc còn thực hư thế nào thì không ai rõ. Vấn đề là người dân thu gom đỉa nhiều thế này nếu các thương lái không mua nữa sẽ ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái. Vì muốn tiêu huỷ đỉa cần phải ngâm cồn rồi đốt thì đỉa mới chết được”.

Thực tế đã xảy ra ở TP.HCM, Tây Ninh khi các đầu nậu thu gom đỉa chuyển địa điểm đi nơi khác, không có nơi nào vứt, người dân đành đổ hết đám đỉa xuống ao hồ, khiến môi trường sinh thái nơi đây bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Trọng Tuyên, phó chủ tịch UBND xã Thành Công, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) cho biết, hiện chưa có biện pháp ngăn chặn thực trạng này. "Chúng tôi lo ngại rằng hiện tượng thu gom đỉa sẽ lại đi theo vết xe đổ của nạn ốc bươu vàng nhiều năm trước nếu tình trạng mua bán tràn lan”, ông Tuyên cho biết.

Việc thu mua rễ sim cũng chưa xác định rõ mục đích nhưng hậu quả mà nó mang lại là khá lớn. Việc phá hủy các rừng sim trên diện rộng dẫn đến tình trạng xói mòn đất, giảm khả năng ngăn nước từ thượng nguồn đổ về, làm tăng nguy cơ xảy ra lũ quét. Ngoài ra, còn ảnh hưởng gián tiếp đến các hoạt động kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh, trật tự.

Đối với việc thu gom cây phong ba cũng thế, nó sẽ ảnh hưởng giá trị kinh tế cũng như ảnh hưởng đến môi trường của nước ta vì cây phong ba có khả năng làm sạch không khí.

Chính quyền đã tỏ ra lo lắng với những hành động thu mua của các thương lái Trung Quốc. Tuy nhiên, họ vẫn chưa có biện pháp cụ thể ngăn chặn. Điều này, cũng chứng tỏ sự yếu kém trong công tác quản lý hiện nay...?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét