Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

HOT - BÀI VIẾT NÊN ĐỌC - tiếp

1543. Hiện tượng Kim Chi

Hiện tượng Kim Chi

Võ Văn Tạo
 1
“Sấm sét giữa trời quang”
Một ngày sau khi lá thư gửi hội Điện ảnh Việt Nam của nữ diễn viên khóa 1 – đạo diễn điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi, cảm ơn Hội quan tâm, nhưng từ chối làm hồ sơ nhận bằng khen của thủ tướng, với lý do xác đáng: “tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo Đất nước, làm khổ Nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác bị xúc phạm” đăng tải trên mạng, đài BBC có bài phỏng vấn chị. Hàng trăm bạn đọc trong và ngoài nước, trong đó có nhiều trí thức tên tuổi và cương trực, bày tỏ kính phục, ngưỡng mộ nhân cách cao cả, khí phách phi thường của chị. Không ít « mày râu » thổ lộ tự lấy làm hổ thẹn trước một « quần hồng » Kim Chi, hết dám nghĩ phận đàn bà, “xướng ca vô loài”. Nhiều người biết ơn chị can đảm thét lên từ lồng ngực đất nước bị đè nặng lâu nay bởi khốn khó, nguy cơ giặc trong, thù ngoài. Đó cũng là tiếng lòng của hàng triệu con dân đất Việt. Rõ ràng, đây không chỉ đơn thuần chuyện nghệ sĩ với danh hiệu khen thưởng.
Có người gọi đây là sự kiện “sấm sét giữa trời quang”, làm không ít trí thức, văn nghệ sĩ – vẫn chỉ chăm chăm tỉa tót cho « bộ lông cánh » của họ – giật mình, thất kinh.
Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ
Ở nửa bên kia của cuộc đời, nữ nghệ sĩ hẳn tường tận số phận bị khủng bố, đọa đày, trù dập, hành hạ đủ kiểu hèn hạ và ti tiện nhất suốt nhiều thập niên của rất nhiều văn nghệ sĩ tài hoa và gia đình, thậm chí cả con cháu, bạn hữu họ, chỉ vì muốn phản ánh sự thật, tự do tư tưởng, đề cao nhân phẩm… qua cái gọi là vụ án “Nhân văn – Giai phẩm”; tai nạn giao thông “khó hiểu” của vợ chồng Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh bạc mệnh… nhưng khi BBC đề cập đến hiểm họa bị trả thù, hãm hại hèn hạ, Kim Chi – từng 10 năm bom đạn ở chiến trường miền Nam – bộc bạch: “mọi cái bây giờ nhẹ như lông hồng. Vì tôi muốn sống ngay thẳng, sống cho tử tế”.
Chị bảo chị là công dân, có quyền thích hay không thích, mà không thích thì không nhận”. Nhiều người nghĩ, không đơn giản vậy. Không thích, chỉ cần “tế nhị” (như nhiều nghệ sĩ khác) nại lý do muốn nhường, đại loại như thấy đồng nghiệp khác xứng đáng hơn…
Đồng ý để các bạn trẻ post lá thư lên facebook, có lẽ chẳng quá lời khi nói Kim Chi có cái dũng của kẻ sĩ “trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ” (Lỗ Tấn).
Hãy đặt thái độ của chị bên cạnh động thái của không ít “mày râu” văn nghệ sĩ, trí thức có danh, cam chịu buông bút tắt tiếng lòng, thậm chí nhiều người “sám hối” – tự sỉ vả vô lối, vu khống đồng nghiệp, mong qua cơn bĩ cực Nhân văn – Giai phẩm. Chưa bàn đến đám “văn nô chém cả tuần không hết”, leo lẻo đầu độc nhân dân, bưng bô hót giọng “tiếng đầu lòng, con gọi Xtalin”.
Hãy đặt thái độ của chị bên cạnh động thái bi hài vừa qua của tổng bí thư, chủ tịch nước, tập thể bộ chính trị, ban bí thư, trung ương đảng “quần nhau” suốt mấy tháng ròng, mà chẳng thể xử lý kỷ luật, thậm chí không dám nêu đích danh, chỉ ỡm ờ “một đ/c trong bộ chính trị”, hay “đ/c X”! Chưa bàn đến động thái các nhân vật cấp cao, báo chí “kỵ húy” gọi thẳng tên kẻ thù Trung Quốc xua quân xâm lược, bắn giết, chèn ép dân ta; và cả với sự kiện này, giả điếc trước “sấm sét giữa trời quang”.
Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng
Nếu chỉ nhìn nội dung khước từ chữ ký thủ tướng, hẳn có người muốn chụp lên chị cái mũ “quá khích”, hoặc muốn nổi danh, chơi trội.
Xin cùng lắng nghe chị bộc bạch: “Phù du hết! Tôi thế này là may mắn lắm rồi, đồng đội có người còn đi mãi, không về”. Chị không quên ơn hội Điện ảnh từng quan tâm, dù lớn, dù nhỏ: “ủng hộ tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, cá nhân xuất sắc năm 2011, được tham dự Trại viết điện ảnh năm 2011. Hội viên hội Điện ảnh có hàng nghìn người, tôi nghĩ mình được quan tâm như thế cũng đã nhiều, và tôi thấy vui. Nếu Hội khen tôi, có chữ ký anh Xuân Hải, chị Hồng Ngát, chị Cẩm Thúy (lãnh đạo Hội- TG) thì tôi cũng đã thấy vui và hạnh phúc lắm rồi – tôi nói thật tình lòng tôi. Tuy các anh, các chị không quyền cao chức trọng gì, nhưng là đồng nghiệp thân thương của tôi. Được đồng nghiệp có tâm – tài khen ngợi, mới thật là điều vinh dự”.
Ấm áp trân trọng đồng nghiệp, khiêm nhường và can đảm hiếm có; chắc chắn cái mũ “qúa khích” hay “chơi trội” không hợp với cái đầu cứng hơn gang thép cùng trái tim hồn hậu của chị.
Xin đừng khắt khe
Bên cạnh đa số cảm kích, khâm phục, cũng có người chỉ trích khi nghe chị nói với BBC: “Tôi cũng nói thẳng, tôi là nghệ sĩ cộng sản chính hiệu. Và cho tới bây giờ, trái tim tôi là tim của một người cộng sản, mong đất nước này sẽ được hòa nhập được với thế giới, tốt đẹp hơn, giàu có hơn, và dân không khổ nữa”.
Xin hiểu Kim Chi, theo quan niệm của chị, đã là người cộng sản là phải sống và cống hiến sao cho xứng đáng với lý tưởng mà chị trân quý. Chính vì vậy, chị mới thẳng thắn bày tỏ không muốn nhìn thấy trong nhà chị có cái chữ ký của một người mang danh ủy viên bộ chính trị ĐCSVN, nhưng làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân.
Trên thực tế, không ít người chống cộng gắt gao nhất, cũng nhìn nhận nét nhân văn cao đẹp của lý tưởng cộng sản (“lý tưởng” thôi nhé!). Xin phân biệt thật rành rẽ sự khác biệt như ánh sáng với bóng tối, như nước với lửa, như thiện với ác, giữa tính nhân văn của lý tưởng cộng sản với luận điệu tuyên truyền bịp bợm, mị dân của những kẻ khoác áo cộng sản, nhưng độc tài, cơ hội, tham nhũng, bất tài, dốt nát, trơ trẽn tham quyền cố vị, vô cảm – đè đầu bóp nặn nhân dân, kìm hãm đất nước, cốt vinh thân phì gia, cùng cái gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực” hết sức méo mó như họ đã và đang áp đặt ở nhiều quốc gia.
Mặt khác, nữ diễn viên – đạo diễn Nguyễn Thị Kim Chi đâu phải triết gia, hay nhà nghiên cứu xã hội học, để có thể/và cũng không phải dịp thích hợp để dài dòng về chủ nghĩa cộng sản dưới con mắt kinh tế – chính trị học trong vụ này.
Chỉ chừng nửa trang giấy A4, một cách thẳng thắn, dễ hiểu và trên hết là trách nhiệm với nhân dân, với đất nước, nữ nghệ sĩ đáng kính nói được điều cốt tử hệ trọng của nhân dân và đất nước (không cần quá thông minh để hiểu phía sau những câu, chữ súc tích trong lá thư – câu hỏi: tại sao một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân, vẫn chễm chệ ghế Thủ tướng?), mà hàng chục cuộc họp, hàng vạn trang nghị quyết, hàng nghìn buổi diễn thuyết vô bổ, rối rắm, vẫn không bật ra nổi.
Xứ ta, nghệ sĩ, trí thức phẩm trật mũ cao áo dài lòe loẹt đông như châu chấu, mấy người làm được như chị? Thậm chí, sau sự kiện Kim Chi, mấy ai lặng lẽ (chỉ “lặng lẽ” cũng đã tốt) tháo xuống, đem “phi tang” cái “của nợ” đã “trót” treo lên? Sắp tới, mấy ai khước từ trước tình huống tương tự? Rồi đây, có giảm đáng kể kẻ bon chen, chạy chọt lo lót mua danh phù phiếm? Khó nói trước, nhưng chắc chắn không ít người chẳng dám lấy làm vênh vác sở hữu kiểu chứng chỉ “vinh danh” tương tự.
Cùng cảnh chị, là học sinh miền Nam tập kết, rồi người lính Sư đoàn 304, may mắn trở về từ “cối xay thịt” Quảng Trị – B5 1972, người viết bài này tự hào là đồng đội thời thanh xuân đẹp nhất của chị – chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Nơi sâu thẳm trái tim tôi, cái tên Nguyễn Thị Kim Chi lấp lánh trong số rất hiếm Nghệ sĩ cao quý đích thực của Nhân dân…
V.V.T.
Thư  từ chối Thủ tướng khen của đạo diễn NTKChi

1545.Giới điện ảnh nói về bà Kim Chi

 – BBC
Nghệ sỹ Kim Chi từ chối làm hồ sơ khen thưởng vì ‘không muốn trong nhà có chữ ký của thủ tướng’
Việc diễn viên, nghệ sỹ Kim Chi từ chối làm hồ sơ xét khen thưởng của thủ tướng gây ra phản ứng nhiều chiều trong giới điện ảnh Việt Nam.
Đạo diễn Phan Huyền Thư nói có thể hiểu và đồng cảm được với nghệ sỹ Kim Chi dưới góc độ của người làm nghệ thuật, tuy nhiên nếu không khéo, nó lại hướng câu chuyện theo cách “cá nhân với cá nhân”.
Tuy nhiên, bản thân Phan Huyền Thư cũng từng từ chối nhận giải thưởng của nhà nước, vì “không dám nhận, chưa thấy mình xứng đáng với giải thưởng đó”, và nhận xét cách trao giải còn cứng nhắc, cơ chế khen thưởng còn theo kiểu “xin-cho”, “trịnh thượng”.
Trong khi đó, bà Nguyễn thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam thì cho rằng, việc nghệ sỹ Kim Chi phát biểu trên mạng như vậy là “thiếu nguyên tắc”, còn đó là ý kiến riêng của nghệ sỹ, “chị ấy muốn nói gì chả được”.
Còn đạo diễn Lê Hoàng cho biết không theo dõi sự việc trên, vì “chỉ đọc báo chính thống trong nước, không đọc báo mạng bên ngoài,” tuy nhiên, “xưa nay cũng đã có nhiều nghệ sỹ từ chối chứ chẳng phải riêng gì cô Kim Chi, và mỗi người có một lý do của mình”.
“Có người từ chối vì không bằng lòng với cách xét, có người từ chối vì cảm thấy mình không xứng đáng, có người cũng từ chối vì cho rằng mình phải dành cơ hội này cho những người khác.”

‘Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường’

Đại diện của Hội Điện ảnh Việt Nam cho BBC biết “không hài lòng lắm khi công việc chưa đâu vào đâu”.
“Tôi thấy như thế là không ổn,” theo bà Hồng Ngát, “việc nội bộ mà chứ đã trình đâu mà lại bảo là không thích của thủ tướng”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát nói đã đọc đơn của bà Kim Chi, nhưng về “nguyên tắc thì như thế là không đúng lắm”, vì đơn gửi cho Hội thì phải để Hội xem xét giải quyết, “chứ Hội chưa có ý kiến gì mà đã tung hết cả lên mạng, trả lời cả BBC”.
“Tôi chả hiểu là nhân cái đơn này thì để làm cái gì, chỉ vì một việc rất nhỏ thế này mà nói một vấn đề rất là lớn.”
Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam giải thích, việc xét thưởng đang nằm ở giai đoạn hoàn thành hồ sơ, chưa trình lên thủ tướng, và nghệ sỹ Kim Chi nằm trong danh sách 50 hồ sơ được Ban chấp hành Hội Điện ảnh xét duyệt trong đợt này.
“Hội mới thấy là có nhiều quá mà tồn lại từ những khóa trước thì trong đợt này Hội mới xem xét để có thể trình lên xin,” bà Hồng Ngát nói, “những người giỏi thì người ta được huân chương độc lập hay là huân chương hạng nhất từ lâu rồi.”
“Đây là những người cũng vừa phải thôi thì Ban chấp hành nghĩ là xin bằng khen hay là huân chương lao động hạng ba gì đấy.”

Khen thưởng kiểu ‘xin-cho’


“Có thể cái cách, hình thức thể hiện ra bên ngoài để xã hội nhìn vào hiện nay nó đang ở cơ chế xin-cho hoặc là ở trên xét xuống, thì nó khiến cho bản chất của việc rất tốt đẹp là tôn vinh và công nhận nhau tự nhiên lại mang chiều hướng hơi bị trịch thượng”
Đạo diễn phim tài liệu Phan Huyền Thư
Trong khi đó, đạo diễn Phan Huyền Thư cho rằng, “cách mà chúng ta công nhận nhau hay là chúng ta khen thưởng, chúng ta động viên nhau đôi khi bị mang tính chất cơ chế và cứng nhắc”.
Khi bàn về việc nghệ sỹ phải làm hồ sơ xin và chờ Nhà nước xét duyệt khen thưởng có còn phù hợp với xã hội hiện đại, nữ đạo diễn phim tài liệu nói, “tôi không thể nào ép buộc Nhà nước phải đưa ra cơ chế, chính sách không tương đương với tất cả những thể chế mà họ đang thực thi trên đất nước của mình, tuy nhiên, phù hợp hay không thuộc về trách nhiệm của những người lập pháp và hành pháp và những quy định quy chế”.
“Tôi thấy là mọi sự tuyên dương, khen thưởng, động viên với nhau trong mọi thời đại thì đều cần thiết.
“…Làm thế nào để phù hợp thì thực sự là khó. Có thể cái cách, hình thức thể hiện ra bên ngoài để xã hội nhìn vào hiện nay nó đang ở cơ chế xin-cho hoặc là ở trên xét xuống, thì nó khiến cho bản chất của việc rất tốt đẹp là tôn vinh và công nhận nhau tự nhiên lại mang chiều hướng hơi bị trịch thượng,” Phan Huyền Thư nói.
Từ Sài Gòn, đạo diễn Lê Hoàng trả lời, “định nghĩa thế nào là xã hội hiện đại? Xã hội hiện đại ở Việt Nam thì nó khác với xã hội hiện đại của Anh và nó khác với xã hội hiện đại của Mỹ.
“…Nó còn tùy thuộc vào mỗi quốc gia mà nghệ sỹ đó sống.”
Cụ thể trường hợp của xã hội Việt Nam, ông nói cách khen thưởng đó “vẫn còn phù hợp”.
Nhưng với Phan Huyền Thư, cách thể hiện và tôn vinh phù hợp là khi đối tượng công nhận nghệ sỹ là khán giả, công chúng, là xã hội, còn về phía các nhà quản lý mà “muốn tôn vinh người ta thì phải chủ động”.
“Nên chủ động khen thưởng, tôn vinh nhau là điều sang trọng và rất nhân văn.”

‘Muốn thì mới khó’

Trong lá thư gửi Hội Điện ảnh, nghệ sỹ ưu tú Kim Chi viết, “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm.
“…Được các đồng nghiệp có tâm, có tài khen ngợi mới thật là điều vinh dự.”
Trong khi đó đại diện Hội Điện ảnh, bà Hồng Ngát nói sẽ mời nghệ sỹ Kim Chi lên để hỏi xem “tình hình ra sao”.
“Muốn thì mới khó chứ không muốn thì dễ không. Người từ chối thì thoải mái chứ sao đâu, chúng tôi cũng vất vả lắm. Không xét thì người này thắc mắc người kia thắc mắc, xét thì người muốn người không muốn như chị Kim Chi,” bà Hồng Ngát nói.

1549. Nhân cách cao quý của người nghệ sĩ

http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=ReLqg4D84OM

Mặc Lâm, biên tập viên RFA – 2013-01-11
Câu chuyện vừa rồi của người nữ nghệ sĩ mang tên Kim Chi đã làm những ngươi theo dõi các sự kiện trên Internet trong và ngoài nước sửng sốt và xúc động.
(Có audio)
8_nghe107-220.jpg
Nữ nghệ sĩ Kim Chi
Sửng sốt vì chị đã có một hành động rất anh dũng khi viết thư gửi cho Hội Điện Ảnh Việt Nam từ chối không chấp nhận một bằng khen có chữ ký của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thẳng thắn viết rằng “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm”.
Người biết chuyện xúc động vì nữ nghệ sĩ Kim Chi là người tập kết ra bắc khi tuổi còn xanh đến nay đã hơn 70 nhưng tấm lòng với đồng đội với đất nước của chị vẫn giữ vững như ngày đầu bước chân lên dãy Trường sơn trình diễn những vở kịch giúp vui cho bộ đội. Những con người một thời cống hiến ấy nay đang sống thiếu thốn chật vật và thậm chí bị chính người đồng chí của mình bóc lột, chèn ép.
Mặc Lâm tiếp nối câu chuyện của chị dưới những góc nhìn khác để chúng ta hiểu thêm cá tính một con người như thế nào mà lại đủ can đảm thốt lên một câu có sức mạnh lay động cả triệu con tim như thế.

Từ chối chứ không chống dối

Mặc Lâm: Thưa chị Kim Chi, rất cám ơn chị đã nói giúp rất nhiều người cái ý nghĩ của họ đối với một lãnh đạo đã đánh mất toàn bộ niềm tin trong lòng nhưng do lo sợ bị trấn áp cách này cách khác đã không đủ can đảm để phát biểu như chị. Xin chị cho biết bắt đầu từ yếu tố nào khiến chị phản ứng mãnh liệt đến như thế?
Nghệ sĩ Kim Chi: Phản ứng vừa rồi của chị vì chị nghĩ là một ông Thủ tướng mà ông ấy làm ra bao nhiêu vụ như Vinashin rồi thứ nọ thứ kia, tỷ này tỷ kia bây giờ ký một cái bằng để khen chị thì chị cảm giác tổn thương nên chị từ chối vậy thôi chứ không phải là thái độ chống đối hay gì cả.
Cuộc đời này “sắc sắc không không” lắm nhưng dẫu như vậy thì cũng không nên để cho người dân khổ. Chị đa cảm lắm, khi nhìn thấy ngày ngày những chuyện người ta bị mất đất mất đai, bị tranh giành bởi một nhóm người nào đó thì nhiều khi chị ngồi chị khóc ngon lành. Chị nghĩ nếu người điều hành đất nước mà để xảy ra những việc đó thì đâu có giỏi, đâu có hay mà nắm quyền làm gì?
Chính xuất phát từ xem TV, đọc báo thấy những chuyện ấy nó đau lòng quá nên chỉ mong mỏi nếu bỗng dưng ngủ dậy nghe ổng làm đơn từ chức thì mình cảm ơn ổng lắm. Để ai đó có năng lực có tâm, có tài người ta thay thế. Chính vì thấy những điều đó nên chị hành động như vậy thôi.
Mặc Lâm: Chị có thể cho biết việc làm ngoại mục này của chị chỉ một mình chị thôi hay có sự đồng cảm của gia đình, đặc biệt là người bạn đời của chị hiện nay, người mà nếu có gì xảy ra cho chị thì anh ấy cũng không thể tránh phiền hà…
Nghệ sĩ Kim Chi: Ông xã bây giờ của chị ổng dạy tại Đại học Bách khoa ổng rất là ủng hộ chị. Khi cái thư của chị viết “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của người làm nghèo đất nước”, ổng bảo cho anh thêm một câu nữa là “làm khổ nhân dân”…Chị bảo đúng, đúng, hay quá! Cho nên ngay trong gia đình thì ông chồng chị rất là ủng hộ chị với một thái độ cương trực thẳng thắn như vậy.
Mặc Lâm: Vậy thì cũng phải chia lời cám ơn và sự ngưỡng mộ đối với ông xã của chị nữa! Sau khi câu chuyện lan rộng trên Internet chị có nhận được những phản hồi gì hay không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Từ mấy hôm nay rất nhiều người gọi điện tới hầu hết tỏ lòng ủng hộ, ngưỡng mộ chị. Có một vài bạn hơi lo lắng cho chị nhưng chỉ chả thấy sao cả. Quan niệm đầu tiên của chị là: sống phải tử tế. Sống trung thực, không cúi đầu trước bất cứ cái gì. Nói về sự nghiệp điện ảnh thì chị có đóng góp nhưng chị thấy không có gì quá nhiều đâu nhưng nếu cộng với lĩnh vực sân khấu thì rõ ràng là mình có con số cộng.
Mặc Lâm: Chị có thể cho thính giả biết một ít về những hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh và sân khấu cũng như quá trình công tác sau khi chị tập kết hay không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Sau khi chị tốt nghiệp lớp diễn viên đầu tiên, lúc đó chị đi tập kết ba chị là liệt sĩ chống Pháp. Sau đó chị thi vào trường điện ảnh, tốt nghiệp khóa diễn viên đầu tiên nhưng thấy miền Bắc lúc đó rất là ít phim, mỗi năm chỉ có một phim thôi, mình chen lấn chờ đợi thì khó mà lúc ấy chiến trường miền Nam thì cần văn nghệ, thế là chị xung phong ra chiến trường nên chị là người nữ nghệ sĩ đầu tiên vượt Trường sơn.
Hồi đó có cái vui là chị đóng nhiều vai chính làm MC cho nhiều đoàn Văn công Giải phóng. Đi đến đâu thì bộ đội rất yêu quý và đặt cho biệt danh là “Người đẹp rừng xanh”! Chị hay nói giỡn là xanh với khỉ dọc thì em đẹp hơn là cái chắc rồi đó…
Nói vui để em thấy rằng chị có những ký ức lớn lao và sâu xa nhiều thì phải nói là sân khấu. Chị ở sân khấu chiến trường 10 năm, phục vụ đồng bào và chiến sĩ, đuổi giặc ngoại xâm dành lại đất nước.

Nghệ sĩ ưu tú

Mặc Lâm: Được biết chị đã từng nhận danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, cảm giác khi nghe tin mình được một giải thưởng danh giá như vậy của chị ra sao?
Nghệ sĩ Kim Chi: Chị phải nói như thế này, khi chị nghe mình được phong “Nghệ sĩ ưu tú” thì cảm xúc đầu tiên là chị khóc. Chị khóc không phải cho chị nhưng chị nghĩ mình may mắn là chị còn trở về để thấy thắng lợi thấy mọi thứ. Hôm nay dẫu muộn màng vẫn còn được ghi nhận. Chị thương những người đồng đội của chị, những người mà đến bây giờ họ rất là thiệt thòi thậm chí họ gửi hài cốt lại chiến trường. Có những người cho đến bây giờ họ không có một quyền lợi gì hết.
Thương chớ, xót xa chớ. Thương những người đồng đội của chị họ không được trở về như chị. Chị may mắn tốt nghiệp ở miền Bắc rồi đi vào chiến trường, đi diễn và có nghề có nghiệp còn các đồng đội của chị thì họ ở dưới ruộng họ lên họ vào đoàn cho nên trình độ họ thấp kém họ không được như chị. Cho nên khi hết chiến tranh các bạn chị chỉ về vườn vì họ đi chiến đấu chỉ bằng tinh thần yêu nuớc thôi chứ còn sự nghiệp thì họ không có cho nên rất tội nghiệp.
Tuy nhiên chị nghĩ rằng những người đã ra đi thì không toan tính đâu. Hôm nay chị trả lời với em chị cũng nói rằng tuổi trẻ của chị không hề biết suy tính bất cứ cái gì được hay mất mà khi đi thì bom đạn dọc đường cái chết nó rình rập. Đã là dấn thân thì cảm thấy rất tự hào vì được hiến dâng cho đất nước, thật sự như thế.
Mặc Lâm: Có một quãng thời gian rất dài chị theo chân nhiều binh chủng trên con đường Trường Sơn, trong ngần ấy tháng năm ký ức lớn và sâu đậm nhất của chị còn lắng lại là gì?
Nghệ sĩ Kim Chi: Ký ức sâu đậm nhất trong cuộc đời của chị thì đó là chị đã từng diễn trong lúc pháo bầy bắn tới, khán giả chết nhưng mà mình không chết. Chị di chuyển với đồng đội thì đồng đội bị bắt, bị giết, bị mổ vú bị Tàu ăn thịt nhưng chị vẫn còn sống. Tất cả những cái đó nó thành ký ức rất sâu đậm. Chiến tranh khắc khoải trong lòng chị cho nên chị nghĩ bây giờ mình sống thì phải tiếp tục làm điều gì đó cho con người khỏi giết hại lẫn nhau. Để cho người với người thương nhau cho nên ký ức sâu đậm nhất của chị là ký ức chiến trường.
Mặc Lâm: Chị đóng phim cũng nhiều mà diễn trên sân khấu cũng không ít. Xin chị nhắc lại cho người hâm mộ một vài tác phẩm mà chị có tham gia.
Nghệ sĩ Kim Chi: Phim thì chị đóng hơn 20 phim mà trong đó các vai bà Chín trong “Biển sáng”, Sáu Hiền trong “Bài ca không quên”, rồi “Biệt Động Sài Gòn” đóng vai vợ của tướng Nguyễn Ngọc Liên, rồi một loạt những vai mà chị kể ra không hết…nếu em hỏi vai nào làm chị hài lòng nhất thì chị buồn cười lắm không biết sao cứ mỗi lần xem lại thì chị thấy mình có những cái dở. Lại không bằng lòng mình, lại muốn một cái gì mới hơn…tức là thật tình mà nói chưa bao giờ chị bằng lòng với những cái vai nào của mình hết.
Những năm đi chiến trường chị đóng một số vai trên sân khấu như Bà giáo Minh Tú trong “Trận đấu thầm lặng”, hay “Đêm nay ngày mai” đóng vai cô gái diễn viên không chuyên nghiệp, rồi đóng một loạt các vai khác.
Khi chị ốm thì không ai thay thế được hết! Coi như chị không diễn thì vở đó bỏ! Có những hôm chị đang nằm bệnh viện thì cơ quan, đoàn hát phải đến xin phép rồi phải dìu chị đến sân khấu, bắt võng cho chị nằm…tới vai thì nhảy ra… lúc đó tự nhiên như lên đồng không còn thấy ốm đau gì nữa. Diễn xong thì lại sốt đùng đùng và mọi người lại đưa về! Đấy là những ký ức sâu đậm.
Mặc Lâm: Cuộc sống nghề nghiệp của chị hiện nay ra sao? Chị đã về hưu chưa và đời sống kinh tế của gia đình như thế nào? Chị có sống nổi với tiền nhuận bút mà nhiều nghệ sĩ vẫn cho là đồng lương rất hạn hẹp hay không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Bây giờ công việc của chị hiện nay là viết. Chị viết kịch bản nhiều tập, rồi chị viết sân khấu. Năm rồi chị cũng được cái giải nho nhỏ đó là giải khuyến khích cho vở “Sao hôm sao mai”. Công việc của chị bây giờ chủ yếu là viết nhưng chị viết chủ yếu để tự hoàn thiện mình và cũng để kiếm sống nếu như người ta dàn dựng thì mình cũng có thu nhập. Đồng lương của đất nước mình đối với mọi người, đối với văn nghệ sĩ nó rất khiêm tốn như em đã biết. Mình nằm chung trong cái mặt bằng chung của đất nước thì mọi gnười đều như thế chứ không phải riêng mình nên chị không thấy thiệt thòi gì bởi vì mình đâu thoát ra khỏi cái cộng đồng người Việt mình. Mọi người đều giống như thế trừ những người buôn bán người ta giàu có thì mình phải chấp nhận thôi.

Bằng lòng với hiện tại

Mặc Lâm: Hiện nay chị đang giảng dạy bộ môn gì và công tâm mà nói chị có bằng lòng với những gì chị đã và đang có hay không, đặc biệt là sự nghiệp sân khấu và điện ảnh?
Nghệ sĩ Kim Chi: Năm qua chị mới đựơc xét là nghệ sĩ ưu tú thôi còn trứơc đây không được bởi vì người ta đòi hỏi phải có huy chương, huân chương vàng hay bạc nhưng như em biết chiến tranh thì ai người ta dại gì tổ chức hội diễn để cho bom đạn giết chết! Cho nên chị chả có huân chương huy chương gì cả.
Sau này khi chị đi học đạo diễn sân khấu ở Bungary thì chủ yếu chỉ giảng dạy. Giảng dạy về diễn viên và học trò chị bây giờ đã rất nhiều em thành đạt có cả nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú nữa. Thành ra chị thấy rất vui, hạnh phúc nên tóm lại nếu em hỏi chị ấn tượng gì trong cái nghề nghiệp của mình thì chị nói chung như thế.
Chị có thời gian giảng dạy tại thành phố Hồ Chí Minh, vừa giảng dạy vừa đi đóng trong những vai nó vừa phải thôi chứ không có gì lớn cho nên chị thấy là thành tựu đóng phim mình không có nhiều đâu. Nếu so với chị Trà Giang thì chị không bằng người ta đâu cho nên có lần báo chí hỏi chị tại sao chị đi chiến trường, chị có nghĩ là nếu ở lại thì chị cũng vượt lên đỉnh vinh quang như chị Trà Giang…Chị bảo không đâu, mỗi người có một số phận, chị không dám so sánh, hơn nữa chị thấy chị Giang rất là giỏi và khi cái may mắn nó đến nó còn có việc qua tay đạo diễn giỏi, kịch bản tốt nữa chứ không phải ai ở lại miền Bắc đóng phim cũng đều đạt đỉnh cao như vậy hết.
Chị bằng lòng về mình, bằng lòng mọi cái bởi vì thế này, không phải chị thỏa mãn nhưng vì chị đã cố gắng hết mình nhưng chỉ tới được mức đó thôi, chị rất vui và không có sự bất mãn nào hết.
Thật lòng chị rất yêu đất nước yêu nhân dân và yêu tất cả. Chị làm nghệ thuật cho tới bây giờ sáng tác, viết lách cũng với cái tâm làm thế nào cho con người biết yêu thương nhau. Chứ bây giờ người ta đang xâu xé, tranh dành mọi thứ khiến chị đau đớn khắc khoải lắm.
Mặc Lâm: Chị cũng biết đấy, “lời nói thẳng cho một nhà độc tài không khác gì thọc tay vào ổ kiến lửa để tìm sự thật”! Chị có lo lắng về những gì sắp xảy ra sau khi câu nói nổi tiếng của chị được hàng triệu người biết tới hay không?
Nghệ sĩ Kim Chi: Cũng có người lo là bây giờ người ta đưa lên mạng như thế thì có thể bị tù, bị bắt, bị còng đầu hay không thì nói thẳng ra là chị không sợ. Chị tin vào chân lý. Nếu thật ra một chính quyền mà bắt chị bỏ tù thì đúng là cái chính quyền đó có vấn đề lắm rồi phải không? Vì vậy chị không sợ, chị không tin là có chuyện đó xảy ra.
Chị vững tin như thế vì con người có lương tri còn nhiều lắm. Lẽ phải còn nhiều lắm vì vậy những người mong cái gì tốt đẹp cho quê hương cho đất nước vẫn còn rất nhiều.
Chị với tư cách của một người cộng sản, mà một người cộng sản chân chính thì mong những đìều tốt đẹp cho dân tộc mình, cho nhân dân mình. Chị hành động như một người cộng sản vì chị nghĩ rằng nếu họ rút lui thì đó là hành động yêu nước. Yêu nứơc lớn lắm chứ không phải lúc nào nhận nhiệm vụ cũng là yêu nước đâu. Nhiều khi rút lui lại càng yêu nước hơn.
Hiện nay bất ngờ chị thấy mấy ngàn người lên mạng ủng hộ, thế thì chị rất vui vì thấy rằng mình không cô đơn và trong cuộc sống này nếu mình nói tiếng nói phải thì được rất nhiều người đồng tình.
Mặc Lâm: Dựa vào niềm tin nào mà chị cho rằng mình sẽ không thể bị bách hại hay ngay cả ném đá nếu người ta muốn, trong đó có cả yếu tố chụp mũ cho rằng chị bị mua chuộc bởi nước ngoài?
Nghệ sĩ Kim Chi: Khi chị hành động thì chị nói thật với Lâm là chị tin vào lẽ phải, tin vào số đông người. Chị đã nói người tốt còn nhiều lắm. Cũng có thể ai đó người ta lo lắng người ta nói em làm cho đài hải ngoại có thể em khai thác thế này thế kia nhưng chị không tin, vì nếu mình cứ nghĩ như thế thì mãi mãi thế giới này không bao giờ hiểu nhau hết.
Chị không sợ gì cả vì chị có chính kiến, có suy nghĩ riêng của chị. Đừng nghĩ là người ta ở nước ngoài là người ta xấu. Hiện nay Việt kiều bao nhiêu người gửi tiền gửi của về ủng hộ xây dựng đất nước, làm bao nhiêu điều lớn lao. Chị rất cảm phục, ngưỡng mộ bởi vì chị coi là người ta yêu nước bằng nhiều con đường, nhiều cách.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nghệ sĩ Kim Chi về cuộc nói chuyện ngày hôm nay.  

1546. Ân sủng của chúa, cơ chế xin cho & hiện tượng Kim Chi

Blog Gocomay

Ân sủng của chúa, cơ chế xin cho & hiện tượng Kim Chi

11 – 1 – 2013
1Mấy hôm nay cư dân mạng bàn ra tán vào nhiều về chuyện NSƯT Kim Chi gửi thư cho Hội Điện Ảnh từ chối làm hồ sơ (đơn) xin bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Với lý do giản dị: “Không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là điều rất tổn thương vì cảm giác mình bị xúc phạm”. Thông điệp ngắn ngủi ấy ngay lập tức đã gây sự chú ý rất lớn của dư luận cả trong và ngoài nước. Vậy cái bằng khen kia danh giá tới cỡ nào? NSƯT Kim Chi là ai mà dám to gan khước từ ân sủng của vị chúa tể (thủ tướng) vào hàng quyền lực nhất đất nước như vậy?
Cơ chế xin cho

Các ngành khác ra sao thì tôi không rõ. Riêng ngành nghệ thuật (dưới sự quản lý của Bộ Văn hoá) thì chỉ có đợt phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) và Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT) đợt đầu vào năm 1984 là các nghệ sỹ không phải làm đơn. Còn từ đợt 2 trở đi đều phải có đơn từ xin xỏ đàng hoàng. Các đơn này phải có đầy đủ chữ ký xác nhận của các hội đồng cơ sở như từ các Hãng xưởng lên đến Cục; Hội; Bộ… cho tới hội đồng của nhà nước. Sự xét duyệt tưởng như vô cùng chặt chẽ này tuy đều có các tiêu chuẩn (mà tiêu chuẩn về chính trị là hàng đầu) sau đó đến các tiêu chuẩn qui định về các tác phẩm đoạt giải… Nhưng vẫn không tránh khỏi những tiêu cực, bất công.
Đó là lý do tại sao đạo diễn Ngọc Quỳnh người đạo diễn 2 bộ phim Tài liệu nổi tiếng là “Đầu sóng ngọn gió” và “Luỹ thép Vĩnh Linh” đều được giải cao trong các Liên hoan phim quốc tế và trong nước đã bị trượt danh hiệu NSND đợt đầu. Khiến cả hai vợ chồng bỏ ăn và ôm nhau khóc suốt mấy ngày giời…
Lại có bà đạo diễn hữu danh vô thực, nếu xét về đầu phim được giải (theo tiêu chí đề ra) thì đủ tiêu chuẩn. Nhưng xét về năng lực thì ai cũng thấy bàn tay của người khác làm thay. Do đó bà chỉ đạt danh hiệu NSƯT mà tõn NSND khiến bà đâm đơn kiện khắp nơi. Làm chậm cả đợt công bố danh hiệu nghệ sỹ tới hàng năm trời. Cho tới đợt 2012 vừa rồi, mặc dù bà đã về hưu, không có tác phẩm nào mới đoạt giải. Nhưng quan trên vẫn “bốc xôi làng” cho bà ta. Chắc là để tưởng thưởng một điển hình tiêu biểu về sự kiên trì làm đơn (cả đơn xin lẫn đơn kiện) chăng?
Ngoài hai danh hiệu NSND và NSƯT cao qúi (chủ yếu được xác lập trên cơn sở tham gia làm các phim đoạt giải), các nghệ sỹ còn có thể nộp đơn xin các giải thưởng như Giải thưởng2 Hồ Chí Minh và Giải Thưởng Nhà Nước. Tất cả những ai nộp đơn (dù xin danh hiệu nghệ sỹ hay xin xét giải thưởng ) đa phần đều phải giữ gìn phẩm hạnh về chính trị (“đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” với tất cả mọi người…) có như vậy mới mong thành chánh qủa được. Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ. Như trường hợp nhạc sỹ Phạm Tuyên chẳng hạn. Ông cương quyết không chấp nhận phải làm đơn từ để xin xỏ. Mà nói nếu nhà nước thấy ông xứng đáng mà trao giải thì ông cũng không khước từ. Nhưng trường hợp của ông Tuyên vẫn phải có đơn, đơn này do Hội nhạc sỹ của Hà Nội thay mặt nhạc sỹ làm giúp. Nên cơ chế xin cho vẫn được thiết lập một cách nghiêm ngặt cho tới giờ phút này.
Trường hợp của NSƯT Kim Chi
Nghệ sỹ Kim Chi, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Kim Chi (chị còn có tên thời sống ở R là Dương Khánh Phương) là sinh viên miền Nam tập kết ra bắc và vào học lớp diễn viên khoá 1 Trường Điện ảnh VN (năm 1959), trước tôi đúng 14 năm (tôi học QF-K.6 năm 1973). Học xong, ra trường được khoảng 2 năm, cả hai vợ chồng chị Kim Chi (chồng cũng quê Nam Bộ là nhà quay phim nổi tiếng Hồng Sến) được cử vào chiến trường B-3 (Đồng Tháp Mười-Nam Bộ). Chồng quay phim tài liệu còn vợ thì trong Đoàn Văn công Giải phóng. Nếu ai đã từng được xem 2 bộ phim tài liệu nổi tiếng của Hồng Chi (tên ghép của Hồng Sến-Kim Chi) ”Đường ra phía trước” (giải Huy chương vàng LHP QT Moscow-1969; Bông sen vàng LHP Việt Nam 1973) và phim “Nghệ thuật tuổi thơ” (giải Ap-xa-ra vàng tại Liên hoan phim Phnôm Pênh 1969 và giải Bông Sen vàng tại LHP Việt Nam 1973) thì sẽ hiểu những năm tháng đẹp nhất của đôi nghệ sỹ trai tài gái sắc này trong thời chiến tranh ác liệt sống và làm việc như thế nào.
Họ có với nhau 2 mặt con. Mai Phương, là con gái đầu, hiện là biên kịch (Mai Phương có 2 cô con gái đang là các diễn viên có nhiều triển vọng…).
Hồng Chi là con trai thứ 2, hiện là quay phim nổi tiếng của Hãng phim Truyền hình TP  HCM (TFS).
Có nột chuyện vui, cách đây 2 năm có bác nhà văn rất nổi tiếng, khoe Mai Phương là con của ông ta trên báo chí. Chả biết thực hư ra sao nhưng bác này đã bị ăn một cái tát nẩy đom đóm mắt của phu quân hiện nay của bà Kim Chi trước đông đảo đồng nghiệp về dự Đại Hội Nhà văn ở Hà Nội. Làm xôn xao dư luận xã hội.
Trở lại chuyện phong danh hiệu nghệ sỹ! Trong số 30 hồ sơ được phong danh hiệu NSƯT của ngành Điện ảnh đợt gần đây nhất (2012), có 3 vị nữ diễn viên nổi tiếng là Tố Uyên; Đức Lưu và Kim Chi thuộc diện đặc cách. Tại sao lại gọi là đặc cách? Vì cả 3 vị đã đóng góp nhiều cho ngành điện ảnh, nay đã già, về hưu đã lâu nên hầu như không còn đóng phim để gọi là đem ra thi thố để có giải thưởng nữa. Nên Hội Điện ảnh đã để nghị đưa vào “danh sách đặc cách” để các nghệ sỹ đó đỡ bị thiệt thòi. Điều này là sự ghi nhận (tuy muộn màng) nhưng rất phục thiện của Hội ĐAVN. Khiến Nghệ sỹ Kim Chi rất cảm động mà bày tỏ rằng:
4“Mặc dù tôi từ chối làm hồ sơ Thủ tướng khen, nhưng tôi đầy lòng biết ơn Hội Điện Ảnh Việt Nam đã luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của tôi:
- Đã ủng hộ để tôi được phong tặng nghệ sỹ ưu tú
- Đã cho tôi tham dự trại viết điện ảnh năm 2011
- Đã bình xét tôi là cá nhân xuất sắc năm 2011
Hội viên Hội Điện ảnh có hàng ngàn người trong cả nước. Tôi nghĩ mình được quan tâm như thế cũng đã nhiều và tôi thấy vui”.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như cát tát nẩy đom đóm mà Kim Chi ủy nhiệm cho phu quân của mình đối với kẻ ba hoa chích choè giữa Đại hội Nhà văn kia, thật chả thấm gì so với cát tát trực diện vào “những kẻ làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân” như thế này. Đó chính là khí phách can trường của người nghệ sỹ chân chính. Trong thời loạn đã dám xả thân, hy sinh cuộc sống an bình nơi hậu phương để lao vào tuyến lửa ăn bờ ở bụi, đối mặt với bao gian khó hiểm nguy. Những tâm hồn và khí phách lớn như thế họ đâu cần phải “đi nhẹ nói khẽ cười duyên” để nhận ban phát những nắm “xôi chùa ngọng miệng” để phải hổ thẹn với biết bao đồng đội can trường của mình đã bỏ mạng sống qúi giá… đến bây giờ vẫn chưa được trở về… dù chỉ là nắm xương khô.
Muốn lý giải cho thấu hiện tượng Kim Chi, phải trở về cội nguồn cái “dòng sông định mệnh” khắc nghiệt ấy mới có thể cắt nghiã tại sao bà đã hành động một cách “bất thường” như thế.
Khi được (BBC) hỏi liệu bà có sợ bị ảnh hưởng tới bản thân khi đưa ra lá thư này, nghệ sỹ nói, thậm chí cả khi người ta tạo ra những tai nạn để bà “chết” đi nữa, thì điều đó cũng không đáng sợ vì “tôi sống ngay thẳng, sống cho tử tế”.
Những ý kiến trái chiều
Xung quanh việc làm của nghệ sỹ Kim Chi, bên cạnh những ý kiến khâm phục, khen ngợi, cho đây là sự kiện “sấm sét giữa trời quang” làm không ít trí thức, văn nghệ sĩ – vẫn chỉ chăm chăm tỉa tót cho « bộ lông cánh » của họ phải giật mình hổ thẹn.
Mặc dù vậy, cũng có vài ý kiến phản biện, lập luận rằng, với cơ chế XIN-CHO như hiện nay, không ngửa tay XIN thì ai người ta CHO. Kể cả khi có thành tích mà xin không khéo chắc gì đã đậu? Từ đó họ suy diễn đại loại rằng:
“Tôi không dám nói Bà Kim Chi có xứng đáng và có bao nhiêu % cơ may được khen, nếu làm hồ sơ xin. Tuy nhiên, nói rằng Bà Kim Chi từ chối lời khen của Thủ tướng là chưa chính xác vì … ai lại ký cho những người “chưa xin” hoặc “không chạy” danh hiệu “cao quý” bao giờ!
3
Nghe nhiều rồi, bây giờ nếu nghe nữa cũng chẳng lấy gì làm lạ. Ấy là: đóng kịch ấy mà, biết trước là Hội có đề nghị cũng không được cho nên bày trò “giãy nãy” từ chối làm hồ sơ. Ưa được nổi tiếng ấy mà …”
Lại còn kèm thêm cả lời đe doạ nữa:
“Tưởng trước sau gì cũng không có cơ may được giấy khen của Thủ tướng bèn bày trò xin giấy khen của LÒNG DÂN để kiếm tiền tài trợ nước ngoài!? Sắp tới, có dư luận gì về đời tư của Bà Kim Chi thì tôi cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên.
Không muốn uống rược mời thì phải chuẩn bị uống rượu phạt thôi. Không muốn được KHEN tất sẽ bị cười chê, chê bai rồi thì chế nhạo, chế tài, cưỡng chế, thậm chí cưỡng… cưỡng gì đó không chừng.
Vợ chồng nghệ sỹ Xuân Quỳnh với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi mất ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một TAI NẠN giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (nay là thành phố), tỉnh Hải Dương.
Dù không phải lập hồ “XIN”, Bà Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Cũng chưa nghe báo mộng bà thấy buồn, thấy nhục vì “chữ ký” ai đó trên giấy khen.” (Xem trên Ba Sàm, 10/1/2013).
Có người cho rằng đây là giọng điệu của một trong đám âm binh của thầy trò “đồng chí X” (mà gần đây trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ HN - Hồ Quang Lợi gọi bằng cái tên rất kêu “Dư luận viên xã hội”). Chắc tụi này muốn bôi bác và đe doạ cái dũng khí “Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ” (chữ của Võ Văn Tạo) của con cháu Bà Trưng đây. Nhưng thưa đồng chí “Dư luận viên XH” ơi, năm nay đã là 2013 rồi. Chứ không phải là năm 1988 nữa đâu nhé. Với lại khi nghệ sỹ Kim Chi viết thư cho Hội ĐAVN và lại đồng ý cho hậu duệ của nhà thơ Xuân Sách công bố trên Facebook thì chị đã coi cái chết tựa lông hồng rồi. Chính vì thế đừng đem chết chóc của vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ và cháu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi ở dốc Cầu Phú Lương-Hải Dương cách đây 1/4 thế kỷ ra đe doạ làm gì cho mất công.
Thay lời kết
Cách đây hơn 7 năm, trong một bức thư hiếm hoi (có hồi âm) của tôi gửi cho một người bạn đồng môn trong nước (lúc đó anh ta đã ngấp nghé ở vai trò lãnh đạo cao nhất ngành điện ảnh), bàn về chuyện danh hiệu và giải thưởng tôi đã viết thế này:
5Những giải thưởng cao trong nước và quốc tế cũng như điạ vị, các danh hiệu nghệ sỹ lớn nhỏ do nhà nước phong tặng là vô cùng cao quí nhưng vẫn chưa đủ. Nếu được đổi tất cả những cái danh giá ấy để mang lại những khởi sắc cho sự nghiệp mà bạn đang là một nguời đứng mũi chịu sào thì có lẽ bạn cũng không đắn đo gì có đúng không? (Xem thêm phần cuối trên Gocomay).
Lúc đó anh bạn của tôi đang thăng tiến vững chắc trên con đường tới cái ghế danh giá bậc nhất của ngành điện ảnh. Hẳn anh ta cũng cho những ý kiến của tôi như dạng: “người ở lĩnh vực khác, ở nơi khác, sống trong điều kiện khác…. lại tỏ ra quan tâm…” (Xem: Năm mới Tây 2013, Hồng Ngát) nên hơi đâu mà để lọt lỗ tai…
Bởi vậy, chắc chắn việc làm đầy bản lĩnh của nghệ sỹ Kim Chi vừa qua sẽ làm cho các “nghệ sỹ, trí thức phẩm trật mũ cao áo dài lòe loẹt đông như châu chấu” (chữ của Võ Văn Tạo) ở xứ ta phải suy ngẫm và xem lại những việc làm bon chen, hèn nhược một cách thái quá của mình. Để khỏi phải ngộ nhận ”sống chết với nghề” một cách hoang tưởng phù du!
6
Gocomay

1548. CÁC VĂN NGHỆ SĨ CÓ THEO GƯƠNG NGHỆ SĨ KIM CHI ?

CÁC VĂN NGHỆ SĨ CÓ THEO GƯƠNG NGHỆ SĨ KIM CHI ?

BÙI CÔNG TỰ *
.
Việc đạo diễn kiêm diễn viên điện ảnh nổi tiếng Nguyễn Thị Kim Chi mới đây từ chối việc làm hồ sơ để đề nghị Thủ tướng khen thưởng đã được dư luận ngợi ca, khâm phục. Nó phản ánh việc bất tín nhiệm cao độ của nhân dân đối với một lãnh đạo trọng yếu của nhà nước. Lý do bà Kim Chi nêu ra khiến tôi cứ nhớ đến tên một truyện ngắn (hình như của Nam Cao) là “Cái mặt không chơi được”!
Chúng ta đều biết người ta có thể qua trường học để trở thành kỹ sư điện tử, bác sĩ nha khoa nhưng không mấy ai qua trường học mà trở thành nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nói chung. Khác với mọi người văn nghệ sĩ có một hệ thần kinh cảm xúc nhạy bén khác thường. Vì vậy họ dễ dàng rung động trước cái đẹp, rơi lệ trước cái bi thương và giận dữ trước cái độc ác, cái phi lý, phi luân. Thông thường văn nghệ sĩ bằng trực giác của mình đã cảnh báo sớm nhất về những vấn nạn, những nguy cơ cho đất nước.

Những vấn nạn, những nguy cơ ấy (trừ nạn ngoại xâm) thường là hệ luỵ của sự suy vong một thể chế, sự đồi bại của những người cầm quyền (còn gọi là suy thoái biến chất về tư tưởng đạo đức lối sống). Vì vậy nhà cầm quyền thường căm ghét, trả thù, trừng phạt những văn nghệ sĩ nào dám lên tiếng (bằng phát ngôn hoặc tác phẩm) phản đối họ.
Ở Việt Nam những văn nghệ sĩ, những nhà văn hoá bị gộp vào nhóm Nhân văn – Giai phẩm chính là những người đã vạch ra sớm nhất những sai lầm nghiêm trọng của cải cách ruộng đất. Mặc dù Đảng Lao động Việt Nam đã thừa nhận sai lầm phải thực hiện sửa sai, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải rơi nước mắt trước quốc dân đồng bào nhưng rồi các văn nghệ sĩ nói trên đã bị thẳng tay trừng phạt. Có người bị tù đày hàng chục năm như Nguyễn Hữu Đang, Thuỵ An; có người phải chịu lao động cải tạo, bị cấm viết như Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán…
Cái yếu của giới văn nghệ sĩ là thường chạy theo cái danh, thích nổi tiếng. Cho nên nhiều người muốn được khen thưởng, được có danh hiệu này nọ. Để được khen thưởng, được danh hiệu không khỏi có những văn nghệ sĩ đã quỵ luỵ, đã câm lặng trước những vấn nạn, những nguy cơ và những bi hài xã hội. Nhưng đó chỉ là bộ phận nhỏ, chưa đến mức “không nhỏ” trong giới văn nghệ sĩ.
Khoảng hai chục năm lại đây càng ngày việc khen thưởng của nhà nước ta càng mất giá trị. Đã có chuyện chạy danh hiệu, chạy huân chương. Đã có kẻ đồi bại được phong danh hiệu anh hùng thời kỳ đổi mới. Vì thế đã không ít người chính trực từ chối khen thưởng, giải thưởng. Họ sợ sự khen thưởng ấy làm vấy bẩn thanh danh hay nói như nghệ sĩ Kim Chi “là một sự xúc phạm”. Còn với nhiều người bình thường thì tôi thấy các bằng khen đem về vứt đầy xó nhà cho chuột gặm.
Nhà nước ta hiện có Ban thi đua khen thưởng từ cáp trung ương đến các địa phương, lại có cả viện huân chương. Kèm theo các huân huy chương, các giải thưởng là một món tiền to nhỏ khác nhau. Vậy thì việc khen thưởng với các tấm bằng ghi nhận có chữ ký của đồng chí X, đồng chí Y, đồng chí Z, … sẽ còn ban phát đều đều như vãi thóc cho gà.
Thưa các văn nghệ sĩ mà tôi yêu quý trân trọng! Từ nay nếu được khen thưởng, kể các những giải thưởng lớn như giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, các anh chị có dũng cảm khước từ theo gương nghệ sĩ Kim Chi kính mến của chúng ta không?
Mở rộng ra nếu dấy lên một trào lưu từ chối khen thưởng trong toàn xã hội thì sẽ góp phần xoá bỏ sự giả dối, thúc đẩy sự tiến bộ và đề cao nhân cách con người.
B.C.T.
TP Hồ Chí Minh, 12/1/2013.
.
Nguồn: Blog Tễu
* Một số bài viết khác của Bùi Công Tự, một cán bộ địa chất hồi hưu:  - Đoàn kết, hòa hợp dân tộc trước những mâu thuẫn xã hội (CHHV/Nguyễn Thông); - ĐI TÌM SỰ THẬT, NÓI LÊN SỰ THẬT (Nguyễn Xuân Diện); - Kính thưa Anh (Dân luận/ Nguyễn Xuân Diện); - Tôi mong Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là “nhà thực hành”  (Dân luận).
.

1544. Quyền Bính: 13-1-13

FB Osin Huy Đức

Quyền Bính: 13-1-13

Huy Đức
11-01-2013
Tôi rời Campuchia trước khi Việt Nam rút hết “Quân tình nguyện”. Khi học ở trường chuyên gia quân sự 481, chúng tôi được chuẩn bị tư tưởng để “giúp bạn lâu dài”. Nhưng thay vì ở lại hàng thập niên, tôi chỉ phải ở lại Campuchia gần bốn năm. Tôi quyết định rời quân đội. Một cá nhân cũng như một quốc gia, súng ống chỉ nên được lựa chọn khi không còn con đường nào khác.
Cuối năm 1987, tôi bắt đầu làm việc ở Văn phòng huyện ủy Nhà Bè. Thời gian ấy, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đang viết “Những việc cần làm ngay”. Công việc ở Văn phòng huyện ủy thật an nhàn, tôi đã sử dụng phần lớn thời gian để viết văn và viết bài cho các báo. Sau khi đọc những bài báo ấy, Bí thư huyện ủy Trần Văn Đông giao cho tôi phụ trách biên tập tờ tin và đài truyền thanh huyện Nhà Bè. Chỉ mấy tháng sau, tôi được nhà văn Nguyễn Đông Thức đưa về Tuổi Trẻ.
Không chỉ có kho sách cực kỳ phong phú của thư viện Đắc Lộ mà tờ Tuổi Trẻ tiếp quản sau khi các giáo sỹ dòng Tên bị bắt năm 1979, đội ngũ Tuổi Trẻ thời “161 Lý Chính Thắng” cũng là một “kho tư liệu” vô giá. Không phải ai ở trong cái không khí “thanh niên sôi nổi” ấy cũng biết hết những trắc ẩn trong lòng các đồng nghiệp của mình.
Ở đây, tôi gặp những đồng nghiệp về sau trở thành nhân vật trong cuốn sách của mình. Ở đây, tôi gặp những con người lặng lẽ, tưởng quá khứ đã được chôn chặt, như: biên tập viên Lệ Xuân, con gái ông Nguyễn Thành Đệ, người sau khi đóng 200 lượng vàng để vượt biên theo Phương án II không thành bị lấy nốt căn nhà cuối cùng[1]; thư ký tòa soạn Võ Văn Điểm – chủ biên đầu tiên của tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Tuổi Trẻ Cười – người có vợ và hai con chết trên biển trong một chuyến vượt biên.
Thế hệ chúng tôi may mắn được làm báo sau “đổi mới”. Những người viết có trách nhiệm nhận thấy một cơ hội to lớn sau tuyên bố “cởi trói” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh để không còn tiếp tục sự nghiệp viết lách bằng thứ văn chương minh họa hay báo chí tô hồng. Đó là một thời đáng nhớ của văn nghệ và báo chí. Rất tiếc là chỉ hơn một năm sau khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh kêu gọi văn nghệ sỹ tự cứu mình, tự ông đã có nhiều thay đổi.
Ngay trong khuôn viên 161 Lý Chính Thắng, chúng tôi có thể cảm nhận sự căng thẳng. Có lúc một số phóng viên Tuổi Trẻ đã phải chuẩn bị cho khả năng bị khởi tố. Có những buổi chiều, nhất là sau khi Tổng biên tập Vũ Kim Hạnh đi gặp Phó bí thư Thành ủy Bảy Dự Nguyễn Võ Danh, đi gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đi gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mai Chí Thọ trở về…, chúng tôi nín thở chờ chị bàn bạc với anh Ba Lãng[2]. Những hôm gay cấn, hai người còn phải tham vấn Cựu Tổng biên tập Võ Như Lanh[3]. Cho đến trước khi ông Nguyễn Văn Linh hết nhiệm kỳ, những người tiên phong trong văn nghệ, báo chí đều phải ra đi gần hết.
Tuổi Trẻ còn tạo cơ hội cho tôi bước ra bên ngoài khuôn viên “161 Lý Chính Thắng”. Tôi may mắn được phân công viết đủ các loại đề tài, từ chính trị tới xã hội, từ kinh tế tới văn hóa, từ hoạt động của các cơ quan tố tụng đến các hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, từ trung ương tới địa phương. Từ năm 1989, tôi trực tiếp đưa tin hầu hết các vụ án lớn xảy ra trên cả nước, theo dõi từ giai đoạn khởi tố điều tra cho đến khi nội vụ được đưa tới tòa. Cũng từ năm 1989, tôi được giao viết về các kỳ họp Hội đồng nhân dân và sau đó có mặt ở Hội trường Ba Đình gần như mỗi kỳ Quốc hội họp.
Những năm đầu thập niên 1990, chúng tôi được bố trí ăn, ở với các đoàn đại biểu tại nhà khách số 8 Chu Văn An; được dự hầu hết các phiên thảo luận mà các đại biểu đang là ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ chính trị. Chúng tôi cũng dễ dàng gặp gỡ, trò chuyện với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh… Cánh nhà báo chúng tôi[4] có nhiều cơ hội trao đổi, đủ loại thông tin, với các nhà lãnh đạo cả khi tác nghiệp, cả khi bên tách trà và không ít khi bên chén rượu.
Chính trường được phản ánh trong cuốn II bao gồm những gì mà tác giả có thể quan sát từ cự ly rất gần. Ở những thời điểm nóng bỏng nhất, tôi có thể vào tận phòng làm việc hỏi chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải; tôi cũng có không ít dịp đến nhà riêng, vào phòng làm việc của Tổng bí thư Đỗ Mười, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu… phỏng vấn. Chúng tôi chứng kiến một cách trực tiếp các xung đột giữa những người chủ trương kinh tế thị trường với những người lo “chệch hướng”, những xung đột đã làm biến dạng khá nhiều chính sách.
Tất cả những tư liệu ấy đều được tôi lưu trữ. Nhưng không chỉ dừng lại ở những ghi chép của mình, từ năm 2003, khi bắt đầu tập trung phần lớn thời gian cho cuốn sách này, tôi ngồi điểm lại toàn bộ tư liệu mình đã thu thập được, đánh dấu các khoảng trống và bắt đầu tiến hành thêm hàng ngàn cuộc phỏng vấn. Với sự giúp đỡ của một nhóm sinh viên và một số nhà nghiên cứu trẻ, tôi bắt đầu đối chiếu lời kể của các nhân chứng với các ghi chép của chính họ, của tôi (với các sự kiện mà mình trực tiếp quan sát trong thời gian làm báo), đối chiếu với báo chí ở các thời điểm khác nhau, với lời kể giữa các nhân chứng và đặc biệt là đối chiếu với các tài liệu gốc, gồm thư từ, công văn, chỉ thị, nghị quyết và biên bản các cuộc họp.
Cuốn II bắt đầu từ thời điểm ông Nguyễn Văn Linh lên cầm quyền cho đến khi ba ông cố vấn đưa ông Lê Khả Phiêu ra khỏi chiếc ghế tổng bí thư. Tuy có những câu chuyện còn kéo dài đến sau Đại hội Đảng lần thứ XI (1-2011), nhưng hai chương cuối của cuốn II chủ yếu nói về “cái đuôi” chủ nghĩa xã hội và những hệ lụy mà xã hội Việt Nam đang gánh chịu.
Chương Tướng Giáp được đặt ở vị trí cuối phần “Dấu ấn Nguyễn Văn Linh”, bắt đầu bằng một nỗ lực nhằm hạ uy tín của “vị tướng Điện Biên” diễn ra cuối nhiệm kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nhưng chủ yếu nói về mối quan hệ giữa Lê Duẩn – Tướng Giáp – Lê Đức Thọ. Những xung đột quyền lực đã chi phối phần lớn các quyết định liên quan đến cuộc chiến diễn ra thời thập niên 1960, kéo dài tới giữa thập niên 1980, liên quan đến không ít máu xương và để lại khá nhiều di chứng. Phần còn lại của cuốn II chủ yếu viết về những gì diễn ra bên trong Ba Đình thời thập niên 1990. Thời mà ý thức hệ không chỉ tồn tại như một đức tin của những người cầm quyền mà còn trở thành những công cụ chính trị phục vụ cho quyền lực.
Tuy nhiên, Quyền Bính không phải là một cuốn sách nói chuyện “thâm cung bí sử” cho dù có nhiều câu chuyện, có nhiều nhân vật được đặc tả rất cận cảnh. Những câu chuyện được kể trong cuốn sách này là sự chia sẻ của rất nhiều người trong cuộc về một giai đoạn mà Việt Nam đã bỏ lỡ những cơ hội có thể đi tới mục tiêu “công bằng, dân chủ, văn minh” do chính đảng cầm quyền đề ra. Tuy kinh tế thị trường đã làm thay đổi bộ mặt quốc gia và đời sống nhân dân nhưng Việt Nam vẫn tụt hậu cho dù “nguy cơ” này đã được chỉ ra từ năm 1994.
Chính sách đất đai, thay vì lựa chọn những phương thức sở hữu giải phóng tối đa tiềm lực trong đất và trong dân lại cứ tự trói buộc vào sở hữu toàn dân, chỉ vì phương thức này được coi là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế thay vì chọn phương thức hiệu quả nhất đã phải để cho kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Hệ thống chính trị thay vì lấy sự minh bạch, đảm bảo nguyên tắc kiểm soát quyền lực để có thể mang lại công lý và tránh tham nhũng, lạm quyền lại ưu tiên đảm bảo vị trí cầm quyền của Đảng.
Quyền Bính tiếp tục nói về những khúc quanh của Việt Nam. Nói về những thời điểm mà Đảng cầm quyền thay vì nắm bắt tư duy của thời đại và ý chí của nhân dân, chỉ có thể loay hoay trong một cái vòng tự vẽ. Hệ thống chính trị, trải qua nhiều thế hệ, càng về sau lại càng có ít khả năng khắc phục sai lầm.
Sài Gòn – Boston (2009-2012)
[1] Cho đến Năm 2005, ông Nguyễn Thành Đệ đã chết gục trên bàn tiếp dân của Sở Xây dựng, kết thúc bi kịch đòi lại căn nhà mà ông đã bị tịch thu năm 1979.
[2] Tên thường gọi của ông Trần Minh Đức, Phó tổng biên tập Tuổi Trẻ 1981-1997, người được coi là “bộ óc chiến lược” của báo.
[3] Tổng biên tập Tuổi Trẻ 1979-1983, Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng 1983-1990 và sau đó là Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn 1990-2006.
[4] Gồm Lê Thọ Bình, Tâm Chánh, Thanh Tâm, Phan Ngọc, Bùi Thanh, Kim Trung, Minh Đức, Minh Hà…
Nguồn: FB Osin Huy Đức

1547. NHÂN TÍNH

“Người Trung Quốc vẫn gào thét: ‘Hãy dạy cho Việt Nam bài học thứ hai  đi!’, ‘Hãy tiêu diệt Việt Nam đi!’, ‘Mao Trạch Đông đâu? Đặng Tiểu Bình đâu? Còn ai dám vung dao không?’ (Dẫn nguồn từ China Daily, Tin tức tài chính. Club China, Hoàn cầu).
Mỉa mai thay khi có kẻ mang danh giáo sư, tiến sỹ và mang hàm đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam như Trần Đăng Thanh lại tỉnh bơ ngoác miệng nói ‘Trung Quốc nhường cơm sẻ áo cho Việt Nam và tình đoàn kết môi hở răng lạnh!’
Mới đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Lào Cai. Ông căn dặn cán bộ nhân dân  tỉnh địa đầu biên giới này: ‘Tiếp tục xây dựng hòa bình và hữu nghị, chống âm mưu phá hoại từ bên ngoài, ổn định hợp tác phát triển cùng nước bạn!’.”
Blog Bùi Văn Bồng

NHÂN TÍNH

Minh Diện
10-01-2012
Trên chuyến bay từ thành phố Nam Ninh đến Bắc Kinh (Trung Quốc) tháng giêng năm ngoái, anh Vũ Ân, giảng viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, ngồi cạnh tôi. Trong khi tôi thiu thiu ngủ thì anh cầm một tờ tạp chí chăm  chú đọc.
Bỗng anh đập vai tôi, nói:
- Nhìn này Minh Diện !
Anh  chỉ trang báo in hình một bà già, cưởi tít mắt, tay cầm  tờ giấy ghi công trạng. Dưới tấm hình ghi: “Mẹ chiến sỹ Lee”.
Tấm ảnh đó được đăng kèm với mẩu chuyện như sau:
“Năm ấy Lee  tròn 18 tuổi,  là con út trong gia đình. Căm thù bọn xâm lược Việt Nam, Lee tình nguyện gia nhập Giải phóng quân Trung quốc. Chỉ sau năm tháng huấn luyện trong đơn vị bộ binh thiện chiến của thủ trưởng Phàm, Lee đã trở thành một chiến sỹ xuất sắc, đặc biệt có tài bắn tỉa bách phát bách trúng. Với tinh thần chiến đấu cao, Lee đã được ra biên giới phía Nam”.
Sau khi kể quá trình hành quân và tham gia chiến đấu của tên lính trẻ này, bài báo viết tiếp:
“Ngày 1 tháng 10 năm 1979,  kỷ niệm Quốc Khánh, Lee hứa quyết tâm lập công. Hôm đó Lee ra trận địa từ sáng sớm mật phục gần quân địch. Gần trưa Lee phát hiện được mục tiêu. Tên lính Việt Nam thấp lùn thoăn thoắt chạy trong chiến hào. Lee  rê mũi súng theo cái bóng loắt choắt ấy. Tên lính không hề phát hiện thấy Lee, mặc dù Lee ở cách nó hai chục bước chân. Nó đến chỗ thằng bạn nó uống nước. Lee dán mắt vảo thước ngắm chờ đợi thời cơ, như hồi nhỏ rình bắn chim sẻ. Kia rồi, tên lính lấy bình toong nước, nhô cao người , ngửa cổ lên tu. Chắc nó khát lắm nên mất hết cảnh giác! Nó nhô hẳn cả bộ ngực lép kẹp vì đói khát lên. Lee nín thở xiết cò: Đoàng! Tên lính Việt kêu ối lên, máu nó vọt ra ngực, nó ngã sấp xuống chiến hào. Nó không hề biết bị bắn từ hướng nào. Tên lính bạn nó vội đứng lên đỡ bạn. Lee lại bình tĩnh lấy đường ngắm. Đoàng! Tên này đổ vật xuống đè lên xác tên kia. Nhanh như chớp Lee vọt sang cắt mỗi tên lính một cái tai mang về báo cáo thành tích. Chỉ cần có hai viên đạn chiến sĩ Lee tiêu diệt được hai tên lính Việt. Thủ trưởng  Phàm đã biểu dương Lee, vì Lee là chiến sỹ đã giết được tất cả 5 tên lính Việt Nam, mừng ngày Quốc khánh!
Lee được thưởng, liền viết thư về báo công với mẹ. Bà mẹ sung sướng cầm thư Lee đi khoe khắp làng xóm. Mấy ngày sau bà viết thư động viên Lee giết thật nhiều lính Việt Nam, gửi những cái tai của chúng về cho mẹ!  Lá thư của mẹ Lee gửi tới, Lee mang đọc cho các bạn nghe…”.
Sau khi kể tiếp những ngày tháng Lee ở biên giới, rồi bị thương, xuất ngũ, bài báo đó dẫn lời bà già: “Lee con tôi bây giờ làm cán bộ thôn. Nó thường đi kể chuyện cho học sinh các trường học trong thôn, trong xã nghe chiến công của nó!”.
Đọc bài báo tôi rùng mình vì ghê tởm!
Anh Vũ Ân nói:
- Dã thú quá!
Trong chiến tranh, lúc lâm trận, người bên trận tuyến này bắn người trận tuyến bên kia là chuyện bình thường. Nhưng một tên lính bắn tỉa chờ đúng lúc đối phương ngửa cổ uống một ngụm nước cho đỡ cơn khát để nổ súng, rồi cắt tai đối phương, và tỏ ra thích thú về điểu đó,  thì thật vô nhân đạo.
Chiến tranh là bất đắc dĩ, nghĩa vụ phải cầm súng xung trận, nhưng ngay cả trong hoàn cảnh éo le như vậy, con người vẫn phải có nhân tính. Hơn nữa luật pháp quốc tế đã quy định về tính nhân đạo trong chiến tranh. Lăn xả vào chém giết, coi giết người là một kỹ nghệ, một trò vui, giết để  tỏ ra là anh hùng hảo hán, lấy tiếng khen như tên lính Lee kia, và hớn hở khi con mình giết người như mẹ của hắn, thì rõ ràng lả mất hết nhân tính rồi. Nhưng chuyện đó ở Trung Quốc lại có truyền thống từ lâu đời, và xuất hiện nhan nhản trong những bộ phim đang chiếu trên TiVi nước ta.
Sau chiến tranh, có một trường hợp tương tự xảy ra trong chiến tranh chống Mỹ nhưng cách nhìn nhận hoàn toàn trái ngược, mà nhà văn Minh Chuyên bạn tôi đã kể trong một bộ phim tài liệu cách đây khá lâu.
Homer Stetdy sinh sống ở làng Bamberg, tiểu bang Carolina, Mỹ. Tháng 2-1968, Homer sang Việt Nam, biên chế tại Đại đội 8, Tiểu đoàn 1, Sư đoàn bộ binh  số 4, đồn trú tại Gia lai. Homer rời Việt Nam tháng 3-1970 với cấp bậc thiếu tá.
Lần đó, trên mặt trân Tây Nguyên, Homer đã bắn chết một chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam và ông coi đó là một hành động giết người.
Ông kể:
“Vào khoảng 12 giờ trưa ngày 18-3-1969, đại đội tôi đóng chốt tại cứ điểm 20, trên quả đồi 467, thuộc huyện Ayn, tỉnh Gia Lai. Tôi được chỉ định đi phát khẩu phần ăn cho mọi người, thì bất ngờ gặp người lính Việt Cộng. Anh ta xuất hiện tại khúc cua trên con đường mòn. Lưỡi lê sáng loáng trên nòng súng của anh ta lăm lăm chĩa thẳng vế phía tôi. Tôi kêu to: “Chiêu hồi! Chiêu hồi!”. Tức kêu gọi đầu hàng.
Anh lính Việt Cộng xông lên. Tôi đã nổ súng trước khi mũi lê của anh đâm vào người tôi.
Lúc đó tôi hoảng sợ đến mức không làm chủ được mình, tôi chỉ định bắn anh ta bị thương. Anh ta còn quá trẻ, trên đầu đội chiếc mũ cứng mới, bộ quân phục màu xanh còn nguyên nếp gấp. Anh nằm sóng soài trước mặt tôi, vẻ mặt bình thản như đang ngủ.
Tôi cúi xuống thu nhặt chiếc ba lô và những giấy tờ tùy thân của anh ta. Những giấy tờ này sau đó tôi gửi về Mỹ nhờ mẹ tôi cất giữ”.
Tại làng Bamberg, bang Carolina, người mẹ của Home nhận được chiếc ba lô và các di vật do con bà gửi về, kèm theo lá thư. Biết con mình đã giết chết một người lính Việt Cộng, bà run sợ khóc, và nói với chồng mình: “Ở Việt Nam, người mẹ của người lính này hẳn đau khổ lắm vì phải mất một người con. Người con của bà lại chính do con mình giết hại. Ông ơi, một ngày nào đó, ông và tôi, một trong hai người, nếu ai còn khỏe, sẽ cùng Homer sang Việt Nam trả lại những di vật này cho gia đình người thân của anh lính xấu số này và xin lỗi họ!”.
Từ đó bà coi các di vật, là một một phần linh hồn của người lính tử trận.
Homer và gia đình anh luôn day dứt, vì tội ác do Homer  gây ra. Vợ Homer đã lập bàn thờ Phật, thờ  những di vật người lính tử trận theo phong tục ViệtNam, còn Homer liên hệ khắp nơi  để tuy tìm gia đình,  thân nhân của người lính Việt Cộng.
Bốn mươi năm sau, qua bao nhiêu thư từ, bao nhiêu cuộc gặp giỡ và hơn chục lần từ Mỹ bay qua Việt Nam, được sự giúp đỡ tận tâm của nhà văn Minh Chuyên, Homer Stetdy  cùng  vợ anh và bạn bè anh đã thực hiện được lời nguyện  của cha mẹ anh: Họ có mặt tại Gia Lai, đưa hài cốt của liệt sỹ Huỳnh Ngọc Đảm, đơn vị C67, quê quán làng Nha, xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình về nơi an nghỉ cuối cùng.
Hai người lính Việt Nam hy sinh trên hai trận tuyến khác nhau, trước mũi súng của hai kẻ thù xâm lược khác nhau. Hai “ông giặc” có cách hành xử với người lính Việt cũng hoàn toàn khác nhau; sự phân định rõ hai nửa cực đoan của nhân tính. Người lính Mỹ nổ súng trong một tình huống bất khả kháng, nếu anh ta không bắn, mũi lê của đối phương sẽ đâm vào người anh ta. Anh ta ân hận vì đã giết chết một con người mà anh ta chỉ muốn làm bị thương. Tâm tư và hành động của anh lính Mỹ, Homer hoàn toàn trái ngược với tâm tư và hành động của tên lính Trung Quốc, Lee. Tên lính này giết đối phương khi người đó chưa hề có một động thái gì gây nguy hiểm cho hắn, hắn giết người như một niềm đam mê,  như rình bắn một con chim sẻ, hả hê ngắm nghía cái chết của đồng loại như con thú vừa giết được con mồi.
Người mẹ của Homer, từ suy nghĩ đến hành động toát lên tính nhân văn của con người, có sự đồng cảm sâu xa với người mẹ có con tử trận, và bà nghĩ ngay đến nghĩa vụ của mình. Còn người mẹ của Lee bộc lộ dã tâm của con vật.
Hai cuộc chiến tranh đều đã đi qua, mỗi người lính như bản thân tôi đã có đủ thời gian nhìn lại  để chiêm nghiệm và suy ngẫm. Rất tiếc còn có những kẻ vẫn còn định kiến, như mù lòa trước hiện thực khách quan! Không ai quên những tội ác của đế quốc Mỹ đã gây ra  trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng cũng không thể phủ nhận những việc làm thể hiện tính nhân đạo, và mong muốn khép lại quá khứ của chính phủ và nhân dân Mỹ  trong mấy chục năm qua.
Không gì thể che được tội ác của bọn bành trướng bá quyền Trung Quốc gây ra trên đất nước ta,  tội ác  mà Đảng cộng sản Việt Nam đã chỉ ra là “Trời không dung đất không tha!” (Tạp chí cộng sản 3-1979)
Hơn ba mươi năm qua, Trung Quốc chưa hề có bất kỳ một hành động nào góp phần cùng Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh do họ gây ra, như  tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, rà phá bom mìn, như chính phủ Mỹ làm. Ngược lại, họ vẫn chiếm đóng 65 km2 lãnh thổ Việt Nam trên đất liền, chiếm Hoàng Sa và các đảo  Cô Lin, Gạc Ma, bãi Chữ Thập… của chúng ta.
Người Trung Quốc vẫn gào thét: “Hãy dạy cho Việt Nam bài học thứ hai  đi!”, “Hãy tiêu diệt Việt Nam đi!”, “Mao Trạch Đông đâu? Đặng Tiểu Bình đâu? Còn ai dám vung dao không?” (Dẫn nguồn từ China Daily, Tin tức tài chính. Club China, Hoàn cầu).
Mỉa mai thay khi khi có kẻ mang danh giáo sư, tiến sỹ và mang hàm đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam như Trần Đăng Thanh lại tỉnh bơ ngoác miệng nói “Trung Quốc nhường cơm sẻ áo cho Việt Nam và tình đoàn kết môi hở răng lạnh!”.
Mới đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Lào Cai. Ông căn dặn cán bộ nhân dân  tỉnh địa đầu biên giới này: “Tiếp tục xây dựng hòa bình và hữu nghị, chống âm mưu phá hoại từ bên ngoài, ổn định hợp tác phát triển cùng nước bạn!”.
Trên tờ báo Tin tức tài chính Trung Quốc lại sặc mùi chiến tranh: “Quân đội Trung Quốc sẽ không ngần ngại ra tay nếu các nước thiếu tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc quanh khu vực Tam Sa!”.
Nơi ấy có xương máu của 64 chiến sỹ Hải Quân  Việt Nam đổ xuống trước mũi súng của quân xâm lược Trung Quốc, ngày 14-3-1988.
Tiếng hô của người chiến sĩ đã ngã xuống: “Thà hy sinh không để mất biển đảo của Tổ Quốc” như còn vang vọng.
 Quá khứ đã mở cho mỗi chúng ta một góc nhìn vào hiện tại và tương lai.
M.D.

Pháp lên án vụ xử 14 nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam

DR
Bộ Ngoại giao Pháp hôm nay 11/01/2013 vừa ra tuyên bố lên án việc chính quyền Việt Nam kết án tù nặng nề 14 nhà hoạt động Công giáo và Tin Lành trong phiên xử tại thành phố Vinh hai ngày 08 và 09/01.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Pháp Philippe Lalliot nhắc lại rằng : « Chính quyền Việt Nam đã có những quyết định tương tự trong những tháng gần đây ». Đối với ông Lalliot, những quyết định như vậy « vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội ».
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh rằng các quyền tự do này được bảo đảm bởi Công ước Quốc tế về các quyền Chính trị và Dân sự, mà Việt Nam tham gia. Mặt khác, hiệp hội ASEAN cũng vừa thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền, nhằm thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền ở châu Á.

Thủ tướng muốn quá nhiều

Nam Nguyên, phóng viên RFA  -2013-01-11
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng có thể kềm lạm phát thấp hơn năm ngoái, duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn 5% trong khi đẩy mạnh giải quyết nợ xấu, phá băng bất động sản. Mục tiêu tổng hợp này của chính phủ có vẻ quá nhiều tham vọng.
AFP -Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII hôm 14-11-2013.

Kềm lạm phát – duy trì tăng trưởng

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam đã trình bày những vấn đề lớn của nền kinh tế, khi tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2013 vào hôm 9/1 tại Hà Nội.
Nhận định về những mục tiêu của chính phủ trong một thời kỳ kinh tế đầy khó khăn và bế tắc, GSTS Vũ Văn Hóa phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:
“Một lúc mà đưa ra nhiều tiêu chí quá trong một bối cảnh kinh tế thế giới cũng chưa ổn định, thì kinh tế khu vực cũng như kinh tế của từng quốc gia cũng khó có thể một mình trỗi dậy được. Bởi vì đây là một sự liên kết hài hòa có tính chất chặt chẽ giữa các quốc gia và thế giới. Cho nên tình trạng kinh tế thế giới chưa hồi phục vững chắc thì kinh tế của các nước theo kế hoạch chỉ là một phần thôi, chứ chưa chắc đạt được sự mong muốn.”
Một lúc mà đưa ra nhiều tiêu chí quá trong một bối cảnh kinh tế thế giới cũng chưa ổn định, thì khó có thể một mình trỗi dậy được. GS Vũ Văn Hóa
Theo VnExpress bản tin trên mạng ngày 9/1/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói là, Ngân hàng Trung ương ở các nước giữ vai trò quan trọng nhất và gần như duy nhất là kiểm soát lạm phát. Trong khi tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước luôn gánh một lúc hai trách nhiệm: vừa kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Một nhiệm vụ đầy khó khăn, bởi kiểm soát lạm phát phải thắt chặt tiền tệ, kinh tế khó tăng trưởng cao và ngược lại. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Thống đốc Nguyễn Văn Bình phải điều hành lạm phát thấp mà vẫn duy trì tăng trưởng. Nếu Thống đốc kiểm soát lạm phát tốt nhưng nếu tăng trưởng kinh tế dưới 5% thì không tạo thêm công ăn việc làm, thất nghiệp tăng.
Trước đó ngày 7/1 Thời Báo Kinh Tế Saigon Online cho biết  chỉ trong một năm hơn 300.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động. Tờ báo đưa tin này dựa vào số liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm 4/1/2013 theo đó thời điểm đầu năm 2012 số doanh nghiệp hoạt động chỉ còn 313.000. Trong khi đó, theo số liệu Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo Quốc hội thì tính đến cuối 2011 tổng số doanh nghiệp có đăng ký là 624.000. Nếu cộng chung 55.000 doanh nghiệp được báo tử trong năm 2012 thì đã có hơn 360.000 doanh nghiệp giải thể ngừng hoạt động trong 24 tháng. Những con số này cho thấy nền kinh tế khó khăn tới mức nào và phần lớn các doanh nghiệp ngừng hoạt động vì lãi suất ngân hàng trong giai đoạn đó quá cao trên dưới 20%, chi phí sản xuất cao làm ăn thua lỗ. Khi lãi suất hạ giảm bớt thì nợ xấu khiến ngân hàng thắt chặt cho vay, những doanh nghiệp đang khó khăn càng thêm khó khăn do thiếu vốn và đi đến chỗ chết.
GSTS Vũ Văn Hóa cho rằng nếu vốn cho doanh nghiệp chưa được giải quyết, sản phẩm tồn kho tiếp tục, thì tăng trưởng kinh tế rất mờ mịt. Ông nói:
Bao-Viet-Bank-250.jpg
Lãi suất huy động vốn tại một chi nhánh ngân hàng Bảo Việt ở Hà Nội hôm 09-01-2013. RFA photo.
“Trong tình trạng hiện nay thu hút vốn ngoài dân cư lãi rất cao, thực tế trên 8% rất nhiều, đối với một số doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 10% tới 12% người ta đã thấy là cao rồi. Tôi cho rằng tình hình sản xuất suy giảm, hàng tồn kho tăng lên rất nhiều, việc các doanh nghiệp nợ đọng xảy ra thường xuyên và từ nay đến cuối năm 2013 chưa chắc đã có thể khắc phục tình trạng đó.”
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ông Bùi Kiến Thành chuyên viên tài chính cao cấp ở Hà Nội nói rằng, Ngân hàng Nhà nước có nguồn tín dụng không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp có thể cho Ngân hàng thương mại vay để các nơi này hạ giảm được lãi suất cho vay. Ông nói:
“Vấn đề ở đây là Việt Nam cần thật sự quán triệt vai trò trách nhiệm và quyền hạn của Ngân hàng Trung ương, chúng ta bị kẹt trong tên gọi Ngân hàng Nhà nước và nếu không quán triệt được nên đã không hiểu tại sao Ngân hàng Trung ương lại có trách nhiệm điều tiết lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững với một lãi suất hợp lý; Chính Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xác lập cái lãi suất hợp lý ấy. Sự kiện này cho thấy có vấn đề trong việc bố trí nhân sự để xác lập một chính sách tiền tệ và bố trí nhân sự để thực hiện chính sách đó hợp lý. Có lẽ Việt Nam mình cuối cùng vẫn là vấn đề nhân sự trong việc quản lý Nhà nước.”

Siết chặt thị trường vàng

Có thể có chừng 7.000 cửa hàng vàng đã được cho phép hoạt động sẽ bị đình chỉ và điều này sẽ gây ra những thiệt hại không nhỏ đối với những người đã đầu tư. TS Lê Đăng Doanh
Cũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng, Tuổi Trẻ Online và VnExpress đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước đã quản lý thị trường vàng trong thời gian qua, nhưng cần phải làm tốt hơn ba mục tiêu đã đặt ra là, quản lý vàng để góp phần  ổn định kinh tế vĩ mô, không để vàng tác động đến tỷ giá, lãi suất hay cán cân thương mại, không để ảnh hưởng giá trị đồng Việt Nam. Thứ hai Không thể để vàng trở thành phương tiện thanh toán, chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế. Và thứ ba, Ngân hàng Nhà nước phải hoàn thiện thể chế chính sách thích hợp để vàng trở thành tiền, nguồn lực của đất nước để có thể đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về vấn đề Ngân hàng Nhà nước quản lý thị trường vàng trong thời gian hơn nửa năm vừa qua vừa qua. TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định:
Ngân hàng Nhà nước có chủ trương theo tôi là cần thiết và đứng đắn, đó là loại bỏ vàng và ngoại tệ ra khỏi phương tiện thanh toán của Việt Nam. Tuy vậy vấn đề này phải được thực hiện bằng cách nâng cao niềm tin vào đồng tiền Việt Nam, chứ không nên chỉ đơn thuần áp dụng các biện pháp hành chính. Theo tiến độ sắp tới đây có thể có chừng 7.000 cửa hàng vàng đã được cho phép hoạt động sẽ bị đình chỉ và điều này sẽ gây ra những thiệt hại không nhỏ đối với những người đã đầu tư vào việc xin phép mở cửa hàng vàng mà nay sẽ phải đóng cửa. Theo tôi, đó cũng là điều cần phải xem xét và rút kinh nghiệm vì bất kỳ một sự thay đổi đột ngột nào trong chính sách cũng sẽ dẫn đến thiệt hại và làm giảm niềm tin của người dân.”
GSTS Vũ Văn Hóa từng là Giám đốc Học viện Tài chính, tán dương việc quản lý thị trường vàng, chống vàng hóa đô la hóa nền kinh tế. Tuy nhiên ông ủng hộ việc bảo vệ quyền lợi người dân trong việc mua bán cất giữ để dành vàng là loại hàng hóa có giá trị. GSTS Vũ Văn Hóa nhận định:
000_Hkg4619858-250.jpg
Vàng miếng SJC, ảnh chụp trước đây. AFP photo.
“Mức độ giao dịch của dân cư với dân số trên dưới 90 triệu người mà với số lượng cửa hàng kinh doanh vàng như hiện nay (2.500) thì phải xem xét lại, để làm thế nào có sự giao lưu vàng, coi như một loại hàng hóa, được thuận tiện cho mọi người dân. Tôi cho rằng việc này cũng giống như các cửa hàng ngoại tệ thôi, mình quản lý như thế nào cho thật tốt, chứ còn như thời gian trước đây việc ngoại tệ hóa trong một số lĩnh vực của nền kinh tế đã làm giảm thị phần của nội tệ cũng là không tốt. Bây giờ quản lý vàng theo kiểu này thì chắc chắn sẽ đụng chạm đến nhiều thành phần kinh tế, thể nhân cũng như pháp nhân cho nên cần phải xem xét. Ngay bây giờ chưa thể kết luận đúng sai, cần có thời gian nếu sai thì sửa còn đúng thì tiếp tục.”
Dân Trí Online đưa tin, ngày 10/1 thời điểm hàng nghìn cửa hàng kinh doanh vàng miếng đóng cửa vì không có giấy phép mới, giá vàng miếng tuy giảm khoảng 370.000 đồng/ lượng do giao dịch ảm đạm, nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới hơn 4 triệu đồng. Nhắc lại, chênh lệch lớn lao kéo dài nhưng Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng không ảnh hưởng gì tới kinh tế vĩ mô.
Theo Đất Việt Online, hàng ngàn tiệm vàng không còn mua bán vàng miếng vì không có giấy phép mới kể từ thời điểm 10/1/2013. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng nhiều vì từ đầu tháng 12/2012, rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển từ bán vàng miếng sang vàng nhẫn đóng gói trong bao bì polymer với các thương hiệu quen thuộc trước đây như PNJ, DOJ, Phượng Hoàng, Rồng Vàng…Tờ báo đưa hình vàng nhẫn 1 chỉ đóng gói đẹp mắt trong bao bì polymer và ghi nhận nhiều tiệm vàng bắt đầu niêm yết giá bán vàng nhẫn trên bảng giá hàng ngày. Tại TP.HCM, nhiều tiệm vàng cho biết khách mua vàng nhẫn đóng gói tăng đột biến. Trong khi ở miền Bắc nhiều chủ tiệm vàng nhỏ cũng mua vàng nhẫn đóng gói với số lượng lớn về để bán.
Việc Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, ấn định một thương hiệu vàng miếng quốc gia là SJC cũng độc quyền, quản lý thị trường vàng miếng bằng cách cấp giấy phép mới loại bỏ 70% cửa hàng vàng không được mua bán vàng miếng, có vẻ vẫn chưa có tác dụng theo mục đích đặt ra.
Ông Thống đốc từng cho biết sắp tới sẽ siết chặt luôn thị trường vàng nữ trang, tương lai chưa biết thế nào. Tập quán của người dân Việt Nam từ trước đến nay khó loại bỏ, người ta không giữ đồng nội tệ mà vàng là của để dành bền vững nhất. Khó khăn với lưu thông vàng miếng thì vàng nhẫn đóng gói bao bì polymer đang là lựa chọn của người dân, sự biến tướng của thị trường vàng thật đáng chú ý.

Tại sao cô Lô Thanh Thảo bị kết án 3 năm 6 tháng tù

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok -2013-01-11
Cô Lô thị Thanh Thảo, một người vừa bị tòa án thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử hôm ngày 8 tháng giêng vừa qua về tội danh tuyên truyền chống Nhà Nước, nhưng thông tin về cô này đến nay rất ít.
danlambao -Cô Lô thị Thanh Thảo, một người vừa bị tòa án thành phố Hồ Chí Minh kết án 3 năm 6 tháng tù giam và hai năm quản chế
Dư luận quan tâm đến tình hình chính trị tại Việt Nam trong ngày 8 tháng giêng vừa qua hầu như dồn hết đến phiên xử 14 nhà hoạt động trong đó chủ yếu là những thanh niên Công giáo thuộc giáo phận Vinh. Cũng chính trong sáng ngày 8 tháng giêng, tòa án tại thành phố Hồ Chí Minh tiến hành xét xử một người hoạt động khác là cô Lô Thị Thanh Thảo, 36 tuổi, quê quán Đồng Nai và hiện sống tại quận 2, thành phố Hồ Chí Minh với người mẹ già là bà Mai Thị Trinh, 70 tuổi.
Sau khi phiên xử trong sáng ngày 8 tháng giêng, truyền thông trong nước loan tin về bản án 3 năm 6 tháng tù giam và hai năm quản chế đối với cô Lô Thị Thanh Thảo.
Theo cáo trạng mà truyền thông trong nước loan lại thì cô Lô Thị Thanh Thảo có liên lạc với một người Việt ở Mỹ và theo yêu cầu của người này đã làm ra một số truyền đơn với nội dung chống Nhà Nước. Ngoài ra cô Lô thị Thanh Thảo còn đi chụp hình những người dân khiếu kiện tại các cơ quan chức năng ở thành phố Hồ Chí Minh.
Cô Lô thị Thanh Thảo bị bắt hồi ngày 26 tháng 3 năm ngoái.
Bà Mai thị Trinh, mẹ của cô Lô Thị Thanh Thảo vào ngày 10 tháng giêng vừa qua, tức hai ngày sau khi phiên xử sơ thẩm con bà kết thúc, vẫn tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi về phiên xử đó đối với con bà vì gia đình không hề được cơ quan chức năng thông báo gì cả. Bà nói:
Họ không báo cho gia đình và không cho gia đình vào. Kết quả xử không biết. Nay biết kết quả kêu án vậy thì phải ráng chịu, phải chấp nhận; khi nào ra thì ra. Ráng đi thăm nuôi thôi
bà Mai Thị Trinh
Tôi bị đau chân, không đi dự. Họ không báo cho gia đình và không cho gia đình vào. Kết quả xử không biết. Nay biết kết quả kêu án vậy thì phải ráng chịu, phải chấp nhận; khi nào ra thì ra. Ráng đi thăm nuôi thôi.
Gia đình của cô Lô thị Thanh Thảo không hề biết ai là người bào chữa cho cô về những hoạt động mà cô này đã làm và bị qui vào tội danh tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa theo điều 88 Bộ Luật Hình sự của Việt Nam.
Bà Mai Thị Trinh cho biết:
Thăm hôm 4 tây, mỗi tháng một lần vào ngày 4 tây. Không cho gặp mặt không cho mướn luật sư. Kháng cáo biết sao được!
Theo bà Mai thị Trinh thì việc đến chụp hình những người dân đi khiếu kiện ở những địa điểm không có bản cấm là hành vi không thể bị gán ghép cho tội danh tuyên truyền chống nhà nước được:
Chụp hình đâu có cấm ở những chỗ không có bảng cấm. Con tôi đi chụp hình gia đình đâu biết gì.
Mẹ của cô Lô thị Thanh Thảo cho biết bà rất đau yếu và neo đơn vì những người con khác đều phải lo cho gia đình và chỉ có cô Lô Thị Thanh Thảo lo cho bà lâu nay. Thế nhưng từ ngày bị bắt đến sáu tháng sau gia đình mới được gặp mặt cô tại nhà giam ở Số 4 Phan Đăng Lưu, thành phố Hồ Chí Minh. Nguyện vọng duy nhất của bà hiện nay là con gái sớm được tự do để lo cho bà trong những ngày còn lại của cuộc đời.
Từ khi con bị bắt đến nay tôi sút 14 kilogram. Tôi muốn con ra tù vì chỉ có nó lo cho tôi vì chưa có gia đình. Anh chị đều có gia đình, ai cũng phải lo cho gia đình. Tôi đau ốm, bị tai nạn gãy chân, vẹo xương sống cũng chỉ nó lo cho tôi. Giờ tôi chịu trận. Chỉ mong nó mau ra thôi.
Thăm hôm 4 tây, mỗi tháng một lần vào ngày 4 tây. Không cho gặp mặt không cho mướn luật sư. Kháng cáo biết sao được!
bà Mai Thị Trinh
Tin tức của truyền thông trong nước cho biết là Hội đồng xét xử tại phiên tòa ở thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên quan điểm của cáo trạng, quan điểm luận tội của công tố viên thực hành quyền công tố nhà nước tại phiên tòa. Tất cả đều cho rằng những hoạt động của cô Lô thị Thanh Thảo nhằm đưa lên mạng những hình ảnh như của người dân khiếu kiện đất đai nhằm để các đối tượng nước ngoài sử dụng hầu làm mất niềm tin của nhân dân…
Tin tức trong nước không nói rõ cụ thể đối tượng đó của nhân dân; nhưng ai cũng hiểu được đó là Nhà nước Việt Nam hiện nay. Theo nhiều người dân thì qua biết bao chính sách và hành xử của chính quyền, của Đảng Cộng sản Việt Nam, qua khoảng cách quá lớn giữa lời nói và việc làm của cán bộ thừa hành công vụ, niềm tin vào bộ máy công quyền bị xói mòn dữ dội.
Cụ thể đó là những chính sách kinh tế sai lầm dẫn đến bao mất mát, khó khăn cho cuộc sống người làm công ăn lương, chính sách ngoại giao nhân nhượng làm mất những vùng biển mà ngư dân đánh bắt hải sản để kiếm sống từ bao đời nay…
Đó là hành xử không tôn trọng pháp luật khiến cho đất nước hỗn loạn, bất an.

Nhật tung “cú móc sườn hóc hiểm” – Trung Quốc choáng váng

(còn VN mình thì ......????????)
 -Theo Oriental Daily News
ANTĐ - Sau khi ông Shinzo Abe nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản, điểm dừng chân đầu tiên của các thành viên nội các mới chính là Myanmar, nổ phát súng lệnh báo hiệu vòng vây Trung Quốc bắt đầu thiết lập. Thời gian qua, Trung Quốc liên tiếp thất bại tại Myanmar, báo hiệu trong tương lai khu vực tây nam Trung Quốc sẽ không còn yên ả.
Tờ “Đông Phương nhật báo” (tên tiếng Anh là Oriental Daily News) số ra ngày 05/01 có bài viết mang tiêu đề: “Nhật tiến quân vào Myanmar, vu hồi sau lưng Trung Quốc”. Bài viết cho biết, vừa qua, phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã có chuyến thăm chính thức đến Myanmar, bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác thân mật giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế. Thế nhưng trên thực tế, chuyến thăm này còn có những ẩn ý khác với mục đích “một mũi tên trúng hai đích”.
Hai bên đã thảo luận phương hướng hợp tác về vấn đề thương mại song phương và nhiều lĩnh vực khác như: đầu tư nước ngoài, công nghiệp, điện lực, y tế, giáo dục, tư pháp, thể thao, văn hóa và giao thông của Thành phố Yangon… đồng thời đến thăm đặc khu kinh tế chung Nhật Bản – Myanmar. Ông Taro Aso đến thăm Myanmar lần này mang theo rất nhiều trọng trách, đầu tiên là chuẩn bị cho chiến lược đầu tư quy mô lớn vào Myanmar, chuyển dịch các cơ sở kinh tế Nhật từ Trung Quốc sang Myanmar; sau đó chuẩn bị công tác tiền trạm cho chuyến thăm chính thức cấp nguyên thủ quốc gia của Thủ tướng Shinzo Abe đến Myanmar nhằm nâng cao quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước.
Nguyên Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda và Tổng thống Myanmar U Thein Sein. 
Trong thời gian giới quân sự còn nắm quyền, Myanmar là “sân sau” của Trung Quốc, ngược lại Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào quốc gia này. Thế nhưng sau cuộc cách mạng dân chủ “Mùa xuân Myanmar”, Tổng thống Thein Sein đã chuyển hướng quan hệ ngoại giao sang phương Tây, lập tức trong 3 dự án đầu tư lớn của Trung Quốc vào Myanmar phát sinh 2 vấn đề nổi cộm: kế hoạch xây dựng đập nước khổng lồ Myitsone trên sông Irawadi có tổng vốn đầu tư 3,6 tỷ USD đã bị đình chỉ, dự án khai thác mỏ đồng do tập đoàn xây dựng điện lực Trung Quốc đảm nhận ở núi Latbadaung – Thành phố Monywa, vùng Sagaing trị giá 1 tỷ USD cũng phải ngừng khai thác. Gần đây, các máy bay chiến đấu của Myanmar truy kích kịch liệt phiến quân Kachin khiến chúng phải chạy trốn sang lãnh thổ Trung Quốc, đốt phá nhà dân ở khu vực Vân Nam.
Trung Quốc đã viện trợ cho Myanmar tàu hộ vệ tên lửa cũ lớp 053H1
Tận dụng thời cơ này, Nhật Bản đã phát triển ảnh hưởng sang Myanmar, chỉ tính riêng năm tài khóa 2011-2012, kim ngạch mậu dịch song phương giữa Nhật Bản và Myanmar đã lên đến 822 triệu USD, tăng 60% so với năm trước. Ngoài ra, trước tình hình quan hệ song phương Trung – Nhật gia tăng bất đồng sâu sắc, chính phủ Nhật Bản đã quyết định từng bước thoái vốn đầu tư ở Trung Quốc, chuyển hướng đầu tư sang Myanmar và một số quốc gia Đông Nam Á đang “hục hặc” với Bắc Kinh. Quả thực là người Nhật đã lấy “gậy ông đập lưng ông”, vận dụng tuyệt vời kế “Nhất tiễn song điêu” trong binh pháp Tôn Tử của chính Trung Quốc, một mặt phá hoại nền kinh tế Trung Quốc, mặt khác lấy lòng các quốc gia ASEAN, lôi kéo các nước này vào trục liên minh Mỹ – Nhật, hình thành vòng vây cô lập Trung Quốc.

Ngoài J-7 ra, “Ông lão” Q-5I của Trung Quốc cũng hiện diện trong lực lượng không quân Myanmar
Sinh thời, trong cuộc chiến chống lại sự thống trị của thực dân Anh, cha của bà Aung San Kyi – tướng Aung San đã cầu viện sự giúp đỡ của quân đội Nhật và xây dựng mối quan hệ rất mật thiết với Tokyo. Hiện nay, bà Aung San Kyi nối gót cha mình, xuất hiện trở lại trên chính trường Myanmar cũng muốn liên minh Nhật – Mỹ ngấm ngầm đứng sau làm hậu thuẫn, trong lúc đó chính phủ mới của ông Shinzo Abe cũng thể hiện rõ ý định trở lại Myanmar, hai bên đều có những ý định và lợi ích riêng nhưng “tâm ý tương thông”, hình thành vòng vây xung quanh Trung Quốc.
Một khi Nhật Bản tạo lập được thế đứng chân vững chắc ở Myanmar, điều kiện địa – chính trị xung quanh Trung Quốc sẽ xấu đi nghiêm trọng, một khi tình hình tranh chấp Trung – Nhật trở nên căng thẳng, Nhật sẽ khuyến khích Myanmar “quấy rối” biên giới tây nam, Philippines tạo sóng gió trên biển Đông cùng với Ấn Độ “trói chân tay” Trung Quốc khắp 4 phía đông, tây, nam, bắc. Ngoài ra, Nhật còn đang tích cực lôi kéo các quốc gia khác trong khối ASEAN hình thành khối liên minh đối phó với Trung Quốc, trong tương lai các hội nghị ASEAN mở rộng 10+3 (thêm Trung, Nhật, Hàn) sẽ là các “diễn đàn lên án” Trung Quốc.
Để “câu kéo” Myanmar, Trung Quốc còn viện trợ thêm cả xe tăng hiện đại MBT-2000
Hiện nay Trung Quốc vẫn đang quan sát và phân tích sự biến động trên chính trường Myanmar, nếu họ không nhanh chóng quyết định, không bắt kịp sự biến đổi nhanh chóng của cục diện khu vực, rất có thể “hậu tuyến” của Trung Quốc sẽ trở thành “tiền tuyến” chống lại chính họ.
Nguyễn Ngọc
Theo Oriental Daily News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét