1441. NHỮNG NHÂN TỐ BÊN NGOÀI TẠO THÊM BIẾN SỐ CHO XUNG ĐỘT IXRAEN-PALEXTIN
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Ba, ngày 4/12/2012
NHỮNG NHÂN TỐ BÊN NGOÀI TẠO THÊM BIẾN SỐ CHO XUNG ĐỘT IXRAEN-PALEXTIN
TTXVN (Hồng Công 30/11)Xung đột Ixraen và Palextin nhanh chóng leo thang và thỏa thuận ngừng bắn cũng đạt được nhanh chóng. Việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn là một chuyện, khả năng duy trì được nó lại là chuyện khác. Giới phân tích cơ bản đánh giá rằng tương lai xung đột Ixraen – Palextin vẫn còn nhiều biến số bởi nó liên quan đến sự biến đổi lớn của cục diện quốc tế cùng với những toan tính của những nước xung quanh, tích cực tham dự vào xung đột. Trong bài viết trên tờ “Minh báo” ngày 24/11, Phó Giáo sư Thẩm Húc Huy, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đại học Trung Văn Hồng Công, đã phân tích về 5 nhân tố bên ngoài khiến quan hệ Ixraen và Palextin sẽ có nhiều biến số.
Sự tìm kiếm đồng minh của Iran
Nhiều năm qua, Ixraen luôn theo dõi chặt chẽ Iran, lo lắng một ngày nào đó nếu Iran chính thức nắm trong tay vũ khí hạt nhân thì ưu thế hạt nhân của Ixraen trong khu vực sẽ trở nên vô nghĩa, ngay đến sự sinh tồn của họ cũng bị đe dọa. Nhưng việc Obama không ủng hộ Ixraen đánh đòn phủ đầu tấn công Iran khiến Ixraen chỉ có thể độc lập tiến hành các hoạt động ngầm. Sách lược của Iran là dựa vào sự hậu thuẫn của Trung Quốc, Nga, vượt qua Ixraen, trực tiếp đàm phán với Mỹ và hy vọng Palextin có thể kiềm chế Ixraen, khiến Ixraen không dám tác chiến cùng lúc trên nhiều mặt trận. Trước kia, Iran luôn giúp đỡ Hamas, đưa Hamas vào “hệ thống phản kháng” cùng với Xyri, Hezbollah, nhưng sau sự kiện “Mùa Xuân Arập”, Hamas đã được Tổ chức Anh em Hồi giáo mới nổi giúp đỡ nhiều nên bắt đầu xa lánh Iran, Xyri, cho thấy rõ là khi Ixraen tấn công vào cơ sở hạt nhân của Iran, Hamas sẽ không ra tay, chỉ chiến đấu cho bản thân mình. Iran lo lang Hamas thực sự rời xa mình nên đã tăng cường tuyên truyền quan hệ đồng minh giữa hai bên. Rốckét Hamas phóng vào Ixraen lần này chính là loại rốckét Fajr-5 do Iran chế tạo. Tuy Iran phủ nhận trực tiếp cung cấp cho Hamas loại vũ khí tiên tiến này, nhưng Ixraen đã nhận định rằng chính Iran đã đứng đằng sau xúi bẩy Hamas. Chỉ cần Iran tiếp tục thông qua tổ chức Hezbollah ở Libăng bí mật cung cấp vũ khí cho Hamas, nguy cơ hạt nhân sẽ rõ ràng.
Thổ Nhĩ Kỳ với “Mộng đế quốc Ottoman”
Mấy năm gần đây, Hamas có thêm không ít đồng minh mới, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong những bên viện trợ mạnh, sau khi dải Gada bị phong tỏa, vật tư tới khu vực này ngoài đến từ Ai Cập ra còn đến theo đường biển qua Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy Thổ Nhĩ Kỳ coi Hồi giáo là tôn giáo chính, nhưng kể từ khi Quốc phụ Mustafa Kemal Ataturk lập nước đến nay vẫn luôn nhấn mạnh chính trị – tôn giáo phân khai, chính đảng nào chủ trương hợp nhất chính trị và tôn giáo đều bị coi là tổ chức phi pháp, đây là nỗ lực nhằm tránh khả năng thế lực tôn giáo phát triển lớn tới mức không thể kiểm soát được. Thủ tướng Erdogan đương nhiệm vốn xuất thân từ chính đảng Hồi giáo chủ trương chính trị-tôn giáo hợp nhất, khi chính đảng này bị cấm hoạt động, bản thân ông phải ngồi tù, cuối cùng ông cũng đã trúng cử năm 2003 và cầm quyền từ đó đến nay. Gần đây, quốc lực của Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tăng lên nhanh chóng, liên tục quan hệ với các thế lực khác nhaụ ở Bắc Âu, Liên minh châu Âu và thế giới Hồi giáo, tích cực phát huy sức mạnh mềm. Trong cuộc nội chiến ở Xômali xa xôi, Thổ Nhĩ Kỳ cũng giữ vai trò điều phối viện trợ quan trọng. Việc ủng hộ Hamas – tổ chức bị Mỹ coi là tổ chức khủng bố, là chính sách ngoại giao cơ bản của Thổ Nhĩ Kỳ, một là hai bên có hình thái ý thức gần gũi, hai là tăng thêm quân bài mặc cả với Mỹ và châu Âu, ba là ăn miếng trả miếng với việc Ixraen bí mật ủng hộ người Cuốc đựng nước khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng bất mãn, Năm 2010, một tàu cứu viện của Thổ Nhĩ Kỳ tới Gada đã bị Ixraen tấn công với lý do “vận chuyển vũ khí” khiến 9 thuyền viên bị thiệt mạng. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ixraen chính thức bị phá vỡ. Sau khi chiến sự tại Gada nổ ra, ông Erdogan đã chỉ trích Ixraen là “đất nước của chủ nghĩa khủng bố”; trong nước, người dân Thổ Nhĩ Kỹ cũng ủng hộ mạnh mẽ người Palextin, bởi vùng đất này xưa kia cũnạ là đất đai của cố quốc Ottoman. Hamas có được sự viện trợ mạnh mẽ này, cảm thấy rất vui mừng như được tiếp thêm sức mạnh.
Đường lối ngoại giao “đuổi hổ nuốt sói” của Cata
Một đồng minh mới của Hamas khiến Ixraen bất mãn nhất, đó chính là đất nước nhỏ bé giàu trữ lượng dầu mỏ Cata. Cata có mộng nước lớn, thường có những hành động khiến người khác kinh ngạc, từ việc xây dựng đài truyền hình “Al-Jazeera”, tổ chức Á vận hội, đến việc thành công giành quyền đăng cai World Cup 2022 (tuy có thông tin là mua chuộc ban tổ chức), những việc này đã thể hiện “khí phách của một con hổ đang lên” trong khu vực. Nhưng Cata trở thành đồng minh của Hamas không phải là sự thành công lớn, mà là liên quan tới an ninh bản thân. Sau sự kiện “Mùa Xuân Arập”, hàng loạt vụ biểu tình đã lan đến các nước sản xuất dầu mỏ ở vùng vịnh “bảo thủ nhất” như Arập Xêút, Ôman hay Baranh… Cata tuy giàu có và độc lập, nhưng lại không có chính thể tự do, rõ ràng có thể trở thành đối tượng cách mạng. Cata mẫn cảm phát hiện tình thế nên đã thay đổi, cục diện nhị nguyên ôn hòa đấu tranh với cấp tiến ở Trung Đông đã không còn tồn tại, việc ôn hòa và thân Mỹ (Ai Cập, Tuynidi, Yêmen) cũng như cấp tiến và chống Mỹ (Xyri, Libi) không sáng sủa; các thế lực cấp tiến dân bầu như Tổ chức Anh em Hồi giáo lại trở thành dòng chủ lưu, vì thế phải kết đồng minh với thế lực này, lợi dụng tiền tài, sức mạnh mềm, tiềm năng ngoại giao của mình để ủng hộ họ thì mới có thể trị an lâu dài, hợp lý hóa sự tồn tại của chính thể hiện tại. Sau khi có sự “giác ngộ” trên, Cata thay đổi, trở thành cờ tiên phong ủng hộ cho “Mùa Xuân Arập”, đài truyền hình “Al-Jazeera” trở thành nới tuyên truyền của các đảng phái chống đối, chính quyền chi tiền, xuất binh xuất lực cho phái chống đối trong việc lật đổ Gaddafi, ủng hộ Xyri, cao hơn nữa là chi viện cho Hamas, giúp đỡ xây dựna căn cứ quy mô lớn tại Cata. Tháng trước, đích thân Quốc vương Cata đã đến thăm Gada, trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Gada kể từ khi Hamas nắm chính quyền từ năm 2007 đến nay. Hamas đã giải quyết được vấn đề tài chính, tăng thêm tài lực để khiêu chiến với Ixraen.
Người Cuốc lập nước trong bạo loạn
Ixraen không phải hoàn toàn cô lập ở trong khu vực, trong đó có một đồng minh bị xem thường, đó chính là những người Cuốc muốn lập quốc gia riêng, số lượng người Cuốc hiện đã lên đến hơn 30 triệu người, đây là tộc người lớn nhất trên thế giới nhưng không có đất nước riêng, chủ yếu sống ở vùng biên giới 4 nước Iran, Irắc, Xyri và Thổ Nhĩ Kỳ, họ hy vọng xây dựng nên “nước Cuốcđixtan”, một tham vọng bị 4 nước trên cho là hoạt động li khai. Do cả 4 nước trên đều là kẻ thù hoặc đối thủ của Ixraen nên Ixraen luôn cung cấp viện trợ cho người Cuốc và tổ chức PKK mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là khủng bố để kiềm chế các nước này; nếu nước Cuốcđixtan được thành lập, trong khu vực sẽ có một nước lớn không do người Arập lãnh đạo, điều này tất có lợi cho Ixraen, người Cuốc cũng hiểu rõ họ bị phân chia vào 4 nước nên việc lập nước khó thực hiện được, nhưng nếu trước tiên thành lập nước nhỏ trong 4 nước trên, chỉ cần có hình thức thì sẽ được “cấp phép ngầm”, giống như khu tự trị người Cuốc hiện đã hình thành độc lập ở miền Bắc Irắc, nơi đã trở thành đại bản doanh chi viện cho ba khu vực khác. Đối với người Cuốc, chỉ cần Xyri, Iran liên tiếp xảy ra nội loạn, Thổ Nhĩ Kỳ tất sẽ khó tránh khỏi điều đó, đó là cơ hội tốt cho việc lập quốc. Gần đây, tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra những vụ tấn công từ phía người Cuốc, tin chắc rằng có sự chi viện của Xyri, nhưng chỉ cần xung đột giữa Ixraen và Palextin leo thang và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Hamas thì không gian hoạt động của người Cuốc sẽ được tăng lên.
Al-Qaeda Palextin đục nước béo cò
Được hưởng lợi từ Trùng Đông còn có tổ chức Al-Qaeda tại Palextin. Al-Qaeda đã trở thành một tên gọi nổi tiếng, ở khắp nơi đều có các tổ chức cấp tiến mang tên Al-Qaeda. Tại Libi hay Xyri, chỉ cần tình hình bạo loạn là chúng có cơ hội phát triển. Trong thời kỳ Libi nội chiến, các phần tử cấp tiến đã thu được không ít vũ khí từ các kho vũ khí quân sự, trong đó có một nhóm đi về phía Cộng hòa Mali chiếm cứ phía Bắc, thành lập “nhà nước độc lập Azawad” có thủ đô là Timbuktu – thành phổ nổi tiếng trong lịch sự bị hủy hoại bởi nguyên nhân tôn giáo; một nhóm khác đến Xyri mưu đồ tạo lập thế lực trong nội chiến; còn có một nhóm đến Gada thông qua Ai Cập, hợp nhất với phái cấp tiến tại đó, Hiện nay, ở Palextin, có ít nhất ba nhóm tự xưng là Al-Qaeda tại Palextin. Trong mắt họ, chính quyền tự trị Fatah tham nhũng cực điểm, đến Hamas cũng bị chúng cấm hoạt động vì “từ chối thực hiện Luật Hồi giáo”. Ixraen thì càng không được, vì thế đối tượng bị chúng tấn công bao gồm cả ba đối tượng nói trên, (các nhóm này) căn bản không được nhiều người ủng hộ./.
1442. TÔI CÓ VÀI NHỜI VỚI BÁO THANH NIÊN VÀ…
TÔI CÓ VÀI NHỜI VỚI BÁO THANH NIÊN VÀ…
Nguyễn Nguyên BìnhKhông biết có còn độc giả nào khác đã gọi cho trang Ba Sàm để “méc” việc bỏ hai chữ “rác rưởi” khi báo Thanh niên trích dẫn lời một người dân Trung Quốc phản ứng “hộ chiếu lưỡi bò” không? Nếu không có ai nữa thì xem ra chính tôi là thủ phạm đã gây ra việc bút chiến trên mạng vừa rồi. Vì thấy mình là người trong cuộc nên tôi cũng muốn nhân việc đó mà phân bua ít nhời.
Số là hôm đó, khi thấy trên báo Thanh Niên (ngày 28-11-2012) có hàng tít rất đậm trên trang nhất: “Dân Trung Quốc phản ứng ‘đường lưỡi bò’ trên hộ chiếu”, tôi vội mở ra xem ngay nội dung bài đăng ở trang 4.
Vì có võ vẽ biết ít tiếng Tàu nên tôi chú ý đến những dòng chữ trong ảnh chụp trang mạng của TQ. Rồi tôi phát hiện có 2 chữ “rác rưởi” trong cả câu là “Có sửa thế nào cũng không thể sửa được bộ mặt vốn có của cái hộ chiếu rác rưởi này …”. Ban đầu tôi còn ngạc nhiên, nghĩ mình đọc nhầm, tôi phải vác từ điển ra tra lại.
Sau khi xác minh cẩn thận rồi tôi mới gọi điện cho tòa soạn báo TN ở Hà Nội. Lúc đó tôi định 2 việc: thứ nhất là biểu dương báo TN vì đã nhanh chóng đưa ra bài đó; thứ hai là ‘phát hiện’cho quý báo biết có hai chữ đắt như vậy, nó thể hiện mạnh hơn thái độ phản ứng của chính người dân TQ. (Tôi nghĩ có thể người dịch văn bản này bỏ sót chăng?). Tôi chưa có ý định phê phán việc dùng hay không dùng từ ‘rác rưởi’, nhưng tôi nghĩ không dùng thì cũng tiếc.
Nhưng tôi gọi nhiều lần vào cả 2 số máy tòa soạn Hà Nội in trên báo mà chẳng thể nào liên lạc được. Đến nỗi tôi phải nhắn 1 tin vào số máy (04) 38570981, rằng: “Tôi là một độc giả thường xuyên của báo TN, hôm nay đọc bài Dân TQ phản ứng hộ chiếu đường lưỡi bò của báo nhà, tôi thấy tốt và có vài điều muốn trao đổi thêm với tác giả bài báo. Đáng tiếc, tôi gọi mấy lần mà không thể nói được câu nào ngoài tiếng Alo của quý bạn. Tại sao vậy?”.
Tin đã gửi mà không thấy ai trả lời (tin nhắn này vẫn còn lưu trong ĐT của tôi). Sau đó tôi lại gọi vào số máy của quý báo ở Sài Gòn (08)38394046, lần này thì có người bắt máy và tôi có thể nói được với họ.
Nhưng tôi vừa nói: “Tôi phát hiện có 2 chữ ‘rác rưởi’đấy”… thì đầu giây bên kia đã ra giọng thanh minh rằng, phải biên tập chứ, phải cắt từ đó đi vì nó gay gắt quá… Tôi nói tôi không định chê trách hay tranh luận gì việc đó, tôi chỉ muốn phát hiện giúp tòa báo. Tòa soạn đã biết mà không muốn dùng thì thôi, không phải thanh minh thanh nga gì đâu. Sau đó tôi gọi cho trang BS, tôi muốn trang BS đăng lại nguyên văn câu nói của người dân TQ. (Sau đó sự việc diễn biến như mọi người đã biết).
Đến hôm nay tôi thấy không có gì phải bàn thêm về ‘rác rưởi’ hay không ‘rác rưởi’ nữa, vì ý kiến mọi người trao đi đổi lại với nhau thế cũng tạm đủ rồi. Nhân đây, tôi xin nói vài ý kiến chung về báo quốc doanh (cả báo giấy, báo nói, báo hình).
Riêng về báo TN (giấy): gần đây, dù đồng lương hưu ít ỏi, ngoài việc chi dụng cho bản thân, giúp đỡ con cháu, nuôi điện thoại, nuôi internet … tôi vẫn cố gắng đặt mua một tờ báo giấy. Tôi chọn báo TN vì tôi thấy báo này hay đưa tin bài vạch những góc khuất, những cái dởm giả của ‘ông bạn vàng’ và những người những việc tham nhũng tiêu cực hại Dân hại Nước. (Ví dụ gần đây báo TN có loạt bài “Thủy điện VN đi ngược chiều thế giới”, tôi thấy rất hay, rất cần thiết).
Bên cạnh cái hay, báo cũng có những điều cần góp ý, tất nhiên vì tôi mua và đọc báo TN thường xuyên nên mới phát hiện những bất cập của báo này, chứ không phải báo TN nhiều khiếm khuyết hơn báo khác. Tôi cũng từng gọi cho mấy nhà báo, nhà đài định đóng góp ý kiến đấy, nhưng gọi mà chẳng ai nghe (giống như vừa rồi gọi báo TN ấy), hoặc có bắt máy thì chỉ trỏ sang bộ phận này bộ phận kia rất lôi thôi, như vậy khiến tôi phát nản. Mà gửi bài đóng góp ý kiến thì ai đăng? Ý kiến khen may ra người ta tiếp nhận, ý kiến chê thì ai chịu nhận. Có cố tình gửi sang báo bạn thì cũng chẳng được việc gì. Tôi được biết, nhiều năm nay, giữa các báo như đã có ‘thỏa thuận bất thành văn’ là không ‘đá’ lẫn nhau. (Tôi biết có người phóng viên tòa báo nọ đã suýt chết uất vì không thể nào tố ra được những tiêu cực ở chính tòa báo mình. Báo nhà không đăng đã đành, báo bạn cũng ngại va chạm, chẳng dây vào).
Phải chăng cái sự coi nhẹ ý kiến bạn đọc của quý báo quý đài đã trở thành chuyện bình thường? Không tôn trọng ý kiến độc giả, mà cũng không tôn trọng cả… túi tiền của độc giả nữa cơ. Báo cứ in ra, ai mua thì mua, chẳng cần khuyến khích người mua dài hạn. Mua lẻ một số thì “X” đồng, mua cả tháng, cả quý, cả nửa năm (có đặt tiền trước) cũng vậy: X đồng nhân với Y số báo. Bao nhiêu số cũng vậy, không bớt xu nào (bán buôn cũng như bán lẻ, thế mới lạ).
Tôi ước gì các đường dây nóng của các báo đài nó không bị nguội, để độc giả vui lòng đóng góp xây dựng báo, để báo phục vụ xã hội được tốt hơn.
Nói đi thì cũng phải nói lại, dù báo TN chưa vui vẻ tiếp thu ý kiến, dù mua cả quý vẫn không giảm giá, sắp tới tôi vẫn sẽ đặt tiếp báo TN, một khi quý báo vẫn cố gắng vạch mặt bọn cướp nước, bọn hại nước, hại dân!
N.N.B.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét