Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Lượm tin


CHÍNH TRỊ-PHÁP LUẬT


Điểm nóng Tiên Lãng: Lý lẽ và luật lệ (PLTP).  - Có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn (PLTP).  - Tiên Lãng, những phát ngôn đối ngược (TVN).  - Vụ cưỡng chế: Phải khởi tố 1 vụ án về tội hủy hoại tài sản (GDVN).  - Vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng: Thủ tướng sẽ có kết luận (NLĐ).  - Vụ cưỡng chế tại Hải Phòng sẽ được xử lý đúng pháp luật (TP).  - Toàn cảnh khu đầm ở Tiên Lãng sau vụ Đoàn Văn Vươn(DV).  - Sáng nay sướng rêm (Quê choa). “Quá đã. Một khi Thủ tướng ra tay trị những kẻ cung cấp thông tin không công khai minh bạch cũng là khi cánh cửa tự do báo chí đã có cơ hé mở. Hé mở thôi nhé, thế cũng là mừng lắm rồi”.






Tứ thập nhi bất hoặc (Người buôn gió). Lái Gió bị chặn tại cửa khẩu Nội Bài chiều nay, cấm xuất cảnh với một thủ tục quá tếu.



Hội quan thề (TP). “Trong lúc mấy địa phương đang chạy đua tổ chức lễ phát ấn đền Trần, quan chức, công chức, thương nhân khắp nơi giẫm đạp lên nhau giành giật lá ấn cầu quan lộ, chức tước bổng lộc, thì lễ hội Minh Thệ là nơi những quan lại, chức sắc, công bộc tuyên thề sẽ công tâm, không xà xẻo tư túi, tham nhũng của công; không dùng quyền uy để chèn ép bóc lột của dân, không bao che tội phạm…”.





KINH TẾ
Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô (TT).  - Chính phủ quyết tâm đưa lạm phát về một con số (VnMedia).



- Phan Thế Hải: Golf bần nông (TVN).
















VĂN HÓA-THỂ THAO
“Muốn nghe quan họ, đừng về Hội Lim”? (TT).  - Hội Lim – Kỷ lục, hương khói và ắch tắc (DV).  - Khấn thuê, lễ mướn và rác vẫn hoành hành ở Đền Bà chúa Kho (TTVH).  - Lội bùn cướp phết Hiền Quan (VOV).  - Xem chọi dê ở Mèo Vạc (VEF).  - Cúng sao giải hạn bản chất chỉ là… cầu an (Bee).  - Ngang nhiên mua bán ấn trong cung cấm (VNN).  - Tội ác ‘nảy sinh’ mùa lễ hội (TP/PLVN).













- Phan Cẩm Thượng: Khăn đội đầu (TTVH).

- Nguyễn Quang Lập: Xóm Mệ Hó (TNTS).



GIÁO DỤC-KHOA HỌC
Trường “nhô” ở đảo xa (TT).













XÃ HỘI-MÔI TRƯỜNG
Trẻ con mắc bệnh đổ về chật bệnh viện (VNE).



















QUỐC TẾ
Chiến tranh Iran – Israel gần kề? (VNN).  - Thế giới “nóng” cùng tình hình Syria và Iran ở Trung Đông (DT).


















THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

LIỆU CHIẾN TRANH MỸ-TRUNG CÓ XẢY RA?


Tài liệu tham khảo đặc biệt

Thứ bảy, ngày 4/2/2012

Sự điều chỉnh chiến lược quốc phòng ca Mỹ đã khiến một s người đặt vấn đề xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc có th sẽ là điu không tránh khỏi. Phóng viên BBC thường trú tại Bắc Kinh Damian Grammaticas có bài phân tích, nội dung như sau:

Liệu sự trỗi dậy của Trung Quốc có dẫn đến xung đột với Mỹ? Liệu Bắc Kinh có sẽ tuyên chiến với siêu cường toàn cầu hay không?

Các câu hỏi này không được đưa ra trực tiếp trong bản điều chỉnh chiến lược quốc phòng của Mỹ. Tuy nhiên, dù không nói ra, nó vẫn hiện diện trong đó, vẫn nằm xuyên suốt trong tài liệu được cho là sẽ định hình tư duy quân sự mới của Mỹ trong thế kỷ 21.

Cốt lõi chiến lược

Nếu đọc văn bản này chúng ta sẽ thấy rõ thách thức đến từ một nước Trung Quốc trỗi dậy nằm ngay ở cốt lõi của chiến lược quân sự mới của Mỹ. Văn bản này đã cẩn thận khi viết rằng Trung Quốc sẽ không là kẻ thù nhưng cũng nói rõ rằng Mỹ sẽ sắp xếp lại lực lượng quân sự để kiềm chế Trung Quốc, và, trong trường hợp cần thiết, để đối đầu với nước này.

Được Tổng thống Barack Obama loan báo tại Lầu Năm Góc, bản điều chỉnh chiến lược quốc phòng này nêu mục tiêu rõ ràng bằng giấy trắng mực đen: định hình lại quân đội Mỹ để có thể “giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu và duy trì ưu thế quân sự của Mỹ”. Chắc chắn cả Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đều không sẵn sàng chấp nhận quan điểm rằng về lâu dài Mỹ tất yếu sẽ suy yếu trong khi Trung Quốc chắc chắn sẽ vươn lên tương ứng.

Mỹ muốn mình vẫn là số một, và chiến lược quốc phòng mới này là nhằm để đạt được mục đích đó. Tổng thống Obama đã nói: “Đất nước chúng ta đang ở thời điểm chuyển giao’’ “chúng ta đang đối mặt với một bước ngoặt’’.

Bản điều chỉnh nêu ra hai nhân tố định hình quá trình chuyển giao này, một bên trong và một bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Ở trong nước đó là sức ép ngân sách ngày một tăng đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí quân sự. Còn bên ngoài, đó là nhận thức rằng sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc đang làm thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á.

Mỹ cho biết chiến lược quân sự mới này, khuyến khích “sự trỗi dậy hòa bình của các cường quốc mới”. Điều này có nghĩa là Mỹ chào đón sự vươn lên của Trung Quốc như đã được nói đi nói lại nhiều lần trước đây.

Còn về việc Trung Quốc trỗi dậy có ý nghĩa như thế nào đối với Mỹ, chiến lược mới đề cập thẳng thắn: “Về lâu dài, sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một cường quốc khu vực sẽ có khả năng tác động đến kinh tế Mỹ và an ninh của chúng ta bằng nhiều cách khác nhau”.

Xin lưu ý cách mà Trung Quốc được mô tả là một “cường quốc khu vực” đang nổi. Lầu Năm Góc không sẵn sàng gán cho Trung Quốc vị thế cường quốc toàn cầu hay siêu cường, hay thậm chí là một siêu cường mới nối. Điều này thể hiện thực tế rằng quân đội Trung Quốc còn lâu mới mang tính toàn cầu.

Thiếu lòng tin

Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc hiện giờ đã trải rộng trên khắp thế giới. Mỹ và Trung Quốc bị ràng buộc bởi những lợi ích riêng có tác động lẫn nhau. Bản điều chỉnh cũng chỉ rõ ra rằng hai nước đang thật sự thiếu lòng tin vào nhau.

“Hai nước chúng ta đều dựa rất nhiều vào hòa bình và ổn định ở Đông Á và có lợi ích trong việc xây dựng mối quan hệ song phương mang tính hợp tác. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của sức mạnh quân sự Trung Quốc cần phải được đi kèm với tính minh bạch hơn về những dự định chiến lược của nước này để tránh gây ra va chạm trong khu vực”.

Nước Mỹ vẫn đang thận trọng bảo vệ ván cờ của mình ở khu vực. Năm ngoái, Chính quyền Obama đã đưa ra trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình và hướng sự quan tâm đến khu vực Thái Bình Dương. Sự thay đổi chiến lược đó được thể hiện rõ ràng trong học thuyết quân sự mới của nước này.

Mỹ đã nhiều lần phát biểu: “Vì sự cần thiết, chúng tôi sẽ tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bỉnh Dương”. Giờ đây, Mỹ nói rằng họ sẽ làm việc trên nhiều mặt trận để kiềm chế sức mạnh ngày một tăng của Trung Quốc.

Có sự quan ngại rõ ràng về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triến những loại vũ khí sẽ làm cho quân đội Mỹ khó mà hoạt động được tại một số nơi ở Đông Á.

Trung Quốc đang đầu tư vào các loại vũ khí “chống tiếp cận” và “không cho hoạt động” chẳng hạn như cái mà họ gọi là tên lửa “diệt tàu sân bay” có thể đánh chìm các tàu sân bay của Mỹ trên biển. Họ cũng đang đổ nhiều tiền của để xây dựng tàu ngầm và các máy bay chiến đấu tàng hình.

Tất cả những điều này có thể đẩy hạm đội tàu sân bay của Mỹ ra xa bờ biển Trung Quốc và hạn chế khả năng của Mỹ trong việc kiểm soát các tuyến hàng hải thương mại quan trọng ở Biển Đông hoặc bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công.

Chiến lược này cho rằng “Các quốc gia như Trung Quốc và Iran sẽ tiếp tục theo đuổi các phương tiện không tương xứng để chống lại năng lực thực thi sức mạnh của chúng ta rằng Mỹ phải duy trì năng lực thực thi sức mạnh tại những khu vực mà khả năng tiếp cận và sự tự do hoạt động của chúng ta bị thách thức’’.

Củng cố đồng minh

Bản báo cáo viết: “Việc duy trì hòa bình, ổn định, thương mại thông suốt và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực năng động này tùy thuộc một phần vào sự cân bằng tiềm tàng của sự hiện diện và năng lực quân sự”.

Do đó, Mỹ vẫn muốn ưu thế quân sự của họ đối với Trung Quốc được giữ nguyên. Điều này dẫn đến leo thang chạy đua vũ trang khi Mỹ có những động thái để vô hiệu hóa những tiến bộ quân sự của Trung Quốc.

Có thể Lầu Năm Góc sẽ làm giống như chiến lược của chính Trung Quốc là đầu tư vào những loại vũ khí tương tự. Họ sẽ tập trung vào phát triển năng lực hải quân, không quân và vào những vũ khí tiên tiến, chẳng hạn như các máy bay tàng hình tinh vi hơn nữa, các loại tên lửa và máy bay không người lái cùng với chiến tranh mạng và năng lực chiến tranh vũ trụ.

Củng cố hệ thống đồng minh xung quanh Trung Quốc là một trụ cột khác trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ: “Chúng tôi sẽ nhấn mạnh những mối quan hệ đồng minh hiện tại vốn là nền tảng quan trọng cho an ninh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chúng tôi cũng sẽ mở rộng cảc mạng lưới hợp tác với các đối tác mới nổi trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Mỹ đã có quan hệ quân sự chặt chẽ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philíppin và Ôxtrâylia và họ đang xây dựng quan hệ với Việt Nam, Inđônêxia cũng như đang đầu tư vào mối quan hệ đối tác chiến lược dài hạn với Ấn Độ. Tất cả những điều này cho thấy một thông điệp hết sức mạnh mẽ về việc kiềm chế Trung Quốc. Mỹ sẽ chống lại bất cứ kẻ nào dám thách thức sự thống trị của họ. Họ sẽ xây dựng mối quan hệ cốt lõi với các nước láng giềng của Trung Quốc và bảo vệ lợi ích của mình ở Đông Á.

Quay lại câu hỏi đã được đặt ra lúc đầu: Liệu một ngày nào đó có sẽ xảy ra cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc?

Câu trả lời sẽ còn tùy thuộc vào việc Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào với chiến lược quân sự mới của Mỹ. Liệu nước này có tìm cách khẳng định sức mạnh của mình ở Đông Á? Liệu điều này có gây ra va chạm với các nước xung quanh?

Câu trả lời sớm cho chính sách quân sự mới của Mỹ đến từ tờ Thời báo Hoàn cầu, vốn có giọng điệu dân tộc chủ nghĩa. Tờ báo này nói rằng “Trung Quốc cần tăng cường khả năng tấn công ở khoảng cách xa và tìm thêm nhiều phương cách đe dọa lãnh thổ Mỹ để dần dần đẩy lùi chiến tuyến của ‘ván cờ mà chúng ta đang chơi với Mỹ. Trung Quốc phải làm cho Mỹ nhận thấy rằng sự trỗi dậy của chúng ta là không thể ngăn chặn và tốt nhất là Mỹ nên thể hiện tình hữu nghị đối với Trung Quốc”.

***

TTXVN (Niu Yoóc 28/1)


 ”Nhật Báo Ph Uôn” mới đây cho biết giới chuyên gia quân sự Mỹ nhận định siêu tàu sân bay USS Gerald R.Ford, chở được 4.660 thủy thủ và kho máy bay cùng các loại vũ khí hiện đại, có khả năng giúp hải quân Mỹ tiếp tục duy trì ưu thế trên biển trong nửa thế kỷ nữa. Nhưng một khó khăn không lường trước mới nổi lên là: Trung Quốc đang xây dựng một lớp tên lửa đạn đạo mới nhằm tạo nên vòng cung lửa xuyên qua tầng bình lưu và nổ trên boong của một tàu sân bay Mỹ, giết hại các thủy thủ, phá hủy máy bay và các loại vũ khí khác.

Từ năm 1945, Mỹ kiểm soát tất cả các vùng biển Tây Thái Bình Dương, chủ yếu nhờ một hạm đội gồm các tàu sân bay, mỗi chiếc nặng 97.000 tấn Hầu như trong tất cả những năm đó, Bắc Kinh ít có sự lựa chọn, chỉ biết đứng nhìn các tàu chiến Mỹ đi lại ngoài khơi bờ biển Trung Quốc mà không biết làm gì để trừng phạt Mỹ. Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc cho biết hiện nay quân đội Trung Quốc đang nỗ lực triển khai kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Một phần của kế hoạch đó là buộc các tàu sân bay của Mỹ hoạt động cách xa bờ biển Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc cho biết hiện nay quân đội Trung Quốc đã chế tạo loại tên lửa mới có tên DF-21D. Loại tên lửa mới của Trung Quốc có khả năng tấn công một tàu chiến đang di chuyển cách xa 1.700 dặm. Giới phân tích quốc phòng Mỹ nhận định tên lửa DF-21D bay đến mục tiêu ở một góc quá cao nên các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm thấp của Mỹ khó có thể đánh chặn và bay quá thấp nên các tên lửa đạn đạo khác cũng không thể phá hủy. Mặc dù các hệ thống vũ khí của Mỹ có thể bắn hạ một hoặc hai tên lửa, nhưng Trung Quốc có thể bắn cùng một lúc nhiều tên lửa tới một tàu sân bay. Vì vậy tên lửa mới có khả năng đẩy các tàu sân bay Mỹ xa bờ biển Trung Quốc, từ đó các máy bay chiến đấu của Mỹ cũng khó có thể thâm nhập không phận Trung Quốc hoặc tạo được ưu thế trên không trong một cuộc xung đột xảy ra gần các đường biên giới của Trung Quốc. Chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc đã tạo nên sức mạnh quan trọng của lực lượng hải quân. Hiện nay hải quân Trung Quốc có 29 tàu ngầm được trang bị các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm thấp chống tàu. Tháng 8/2011, Trung Quốc chạy thử chiếc tàu sân bay lần đầu tiên trên biển, mặc dù tàu này chưa hoạt động đầy đủ.

Trước đây, các nhà hoạch định kế hoạch quân sự coi Đài Loan là nguyên nhân chủ yếu gây nên một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Hiện nay có nhiều điểm nóng khác cũng đang nổi lên trong khu vực như: căng thẳng ngày càng tăng giữa Nhật Bản và Trung Quốc về các hòn đảo ở phiá Đông Trung Quốc mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền; tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN ở khu vực Biển Đông (Trung Quốc gọi là biển Hoa Nam). Năm 2011, Việt Nam tố cáo tàu thuyền Trung Quốc quấy rối một tàu thăm dò và nghiên cứu của Việt Nam và Trung Quốc đòi Việt Nam ngừng các hoạt động thăm dò dầu lửa ở khu vực biển có tranh chấp. Cách đây vài năm, Mỹ có thể phản ứng bằng cách đưa một hoặc hai trong số 11 tàu sân bay đến khu Vực để trấn an các nước đồng minh và răn đe Trung Quốc. Hiện nay, ngoài lực lượng tên lửa mới, quân đội Trung Quốc còn có lực lượng tàu ngầm có khả năng tấn công các hệ thống vũ khí mạnh nhất trên biển của hải quân Mỹ. Ông Eric Heginbotham, chuyên gia các vấn đề an ninh Đông Á của tổ chức RAND nhận xét: “Đây là một phát triển đang nổi lên nhanh chóng. Cuối năm 1995 mối đe dọa đối với các tàu sân bay của Mỹ thực sự không đáng kể. Hiện nay có nhiều mối đe dọa đang nổi lên”. Trung Quốc quan tâm phát triển các tên lửa chống tàu kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996. Để thuyết phục các cử tri Đài Loan không bầu chọn một tổng thống có tư tưởng độc lập, Chính phủ Trung Quốc liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa, bắn các loại vũ khí vào vùng biển ngoài khơi Đài Loan. Sau đó Tổng thống Bill Clinton đưa hai nhóm tàu tàu sân bay đến eo biển Đài Loan để khẳng định Mỹ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan-và đây là một thất bại chiến lược của Trung Quốc.

Sau đó quân đội Trung Quốc lao vào chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang nhằm ngăn chặn sức mạnh của Mỹ ở Thái Bình Dương bằng cách phát triển các công nghệ “chống xâm nhập” trên biển. Đô đốc Gary Roughead, chỉ huy tác chiến của hải quân Mỹ nghỉ hưu năm 2011, nhận xét: “Cuộc chiến tranh sẽ là chống xâm nhập. Chúng ta có thể nhìn lại các chiến dịch chống xâm nhập ở Thái Bình Dương trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 lúc đó Nhật Bản tìm cách ngăn chặn quân đội Mỹ tiến vào khu vực Tây Thái Bình Dương”. Năm 2004, Chủ tịch Hồ cẩm Đào công bố một học thuyết quân sự mới yêu cầu lực lượng vũ trang thực hiện “các nhiệm vụ lịch sử mới” nhằm bảo vệ “các lợi ích quôc gia” của Trung Quốc. Các sĩ quan và chuyên gia Trung Quốc cho rằng những lợi ích đó bao gồm tiến vào các tuyến đường biển quốc tế, thâm nhập các khu vực dầu lửa của nước ngoài và bảo vệ các công dân Trung Quốc đang làm việc ở các nước trên thế giới. Ban đầu, chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc tiến triển chậm. Sau đó, một số công nghệ vũ khí hiện đại của Trung Quốc bắt đầu cảnh báo Oasinhtơn. Trong một vụ thử năm 2007, quân đội Trung Quốc đã bắn rơi một trong số vệ tinh thời tiết cũ của nước này và điều đó cho thấy Trung Quốc có khả năng phá hủy các vệ tinh quân sự của Mỹ hiện đang cho phép các tàu chiến và máy bay Mỹ thông tin liên lạc và nhắm vào các căn cứ trên lãnh thổ Trung Quốc. Trước tình hình đó, Lầu Năm Góc phản ứng bằng cách bí mật áp dụng các công nghệ bảo vệ các vệ tinh của Mỹ khỏi các cuộc tấn công của các loại vũ khí như tên lửa hoặc lade. Một năm sau vụ thử chống vệ tinh của Trung Quốc, Mỹ đã chứng tỏ các khả năng bằng cách cho nổ một vệ tinh tình báo bằng một phương tiện đánh chặn tên lửa đạn đạo đã được cải tiến.

Năm 2011, cuộc chạy đua vũ trang được thúc đẩy. Tháng 1/2011, chỉ vài giờ trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào để hàn gắn các mối quan hệ giữa hai nước, Trung Quốc tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của loại máy bay chiến đấu mới J-20. Loại máy bay này có thể cho phép Trung Quốc phát động các cuộc tấn công trên không xa hơn nhiều và có khả năng tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản và Guam. Nhưng các nhà hoạch định kế hoạch quân sự Mỹ cảm thấy lo ngại hơn về việc Trung Quốc hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm. Các tàu ngầm mới của Trung Quốc có thể lặn lâu hơn và hoạt động ít tiếng ồn hơn các loại tàu ngầm trước đây. Năm 2006, một tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện giữa một nhóm tàu chiến của Mỹ mà không bị phát hiện cho đến khi chiếc tàu ngầm này nổi lên mặt nước. Đáng chú ý, việc đánh giá khả năng chiến tranh điện tử của Trung Quốc thậm chí còn khó khăn hơn. Trung Quốc đã đầu tư rất lớn cho các công nghệ mạng. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết nhiều tin tặc Trung Quốc đã tấn công các hệ thống mạng quốc phòng của Mỹ, mặc dù Trung Quốc thường phủ nhận dính líu tới các cuộc tấn công này. Các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc đã kéo theo sự thay đổi trong các tuyên bố của một số bộ phận trong quân đội. Gần đây nhiều sĩ quán quân đội và một số nhà phân tích của Trung Quốc tố cáo Mỹ tìm cách ngăn chặn Trung Quốc trong “chuỗi đảo đầu tiên’’ bao gồm.

Nhật Bản và Philíppin, hai nước có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ và Đài Loan. Hiện nay các quan chức Trung Quốc đang nói về việc đẩy Mỹ ra xa tới Hawaii và cho phép hải quân Trung Quốc hoạt động tự do ở Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và các vùng biển bên ngoài. Như các nhà chiến lược quân sự Mỹ đánh giá, các tàu ngầm, máy bay chiến đấu và tên lửa có điều khiển của Trung Quốc có khả năng buộc các tàu sân bay của Mỹ hoạt động ở các khu vực biển cách xa bờ của Trung Quốc. Mặt khác do ngân sách quốc phòng của Mỹ ngày càng bị cắt giảm, một số quan chức của Lầu Năm Góc bắt đầu đặt câu hỏi: phải chăng đã đến lúc Mỹ cần xem xét lại độ tin cậy chiến lược của quốc gia vào các tàu sân bay. Bởi vì, một cuộc tấn công của Trung Quốc đánh trúng một tàu sân bay Mỹ có thể tiêu diệt khoảng 5.000 thủy thủ – lớn hơn số lượng binh sĩ Mỹ bị chết trong cuộc chiến tranh Irắc./.





Đảng như con cá ngúc ngoắc trong ao cạn



“Đảng viên hư trước, làng nước hư theo!” (Nguoicaotuoi)

———————————————————————


imagesCAUDGIXP Bài viết của Vũ Tú Nam đăng trên báo Người cao tuổi với những nhận xét về sự nguy khốn của đảng thật đến mức nếu đăng trên blog dễ bị qui chụp ngay là “bôi nhọ đảng”, là “phản động”.

“Đảng viên hư trước, làng nước hư theo!”

          Trong hôm khai mạc Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tư (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói đến nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ do sự sa sút phẩm chất chính trị và đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên từ Trung ương tới cơ sở; trong khi hàng triệu nhân dân, đảng viên đang nỗ lực xây dựng đất nước.

          Điều này nhân dân đã biết từ lâu. Chưa bao giờ thấy nhiều hiện tượng trái với đạo lí dân tộc như trong những năm gần đây: Cha giết con, chồng chém vợ, thầy giáo bị học trò làm hại, gia đình bệnh nhân đánh thầy thuốc, nông dân bị chiếm đất ồ ạt đi khiếu kiện, cán bộ tỉnh đánh bạc mỗi ván ăn thua tới 5 tỉ đồng, tội phạm vị thành niên ngày càng tăng. Sự dối trá tràn lan. Chạy chức chạy quyền, cúng bái cầu tài cầu lộc, mê tín dị đoan tràn ngập…

          Trách nhiệm thuộc về ai? Thuộc về sự lãnh đạo của Đảng và quản lí của Chính phủ, các cấp từ Trung ương tới cơ sở.

          Bản Di chúc năm 1969 của Bác Hồ, đã nhấn mạnh điều quyết định là Đảng cầm quyền phải thực sự trong sạch. Sau hơn 40 năm, mặc dầu chúng ta có phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhưng còn hình thức.

          Khi Đảng còn nhiều uy tín trong xã hội, dân ta đã có câu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Và nhiều thanh niên hăng hái phấn đấu vào Đảng.

          Đến nay thì ngược lại, một số người trung thực đã quyết định không vào Đảng, một số cán bộ cao cấp, kể cả sĩ quan quân đội khi nghỉ hưu đã bỏ sinh hoạt Đảng. Sự suy giảm lòng tin trong dân thật nặng nề. Từ chỗ “đảng viên hư trước, làng nước hư theo” đến chỗ dân tỉnh ngộ sẽ không theo Đảng nữa. Thế là Đảng dần dần như con cá ngúc ngoắc trong cái ao cạn, thật nguy to!

          Nạn tham nhũng có bè cánh tràn lan là nỗi buồn, nỗi lo và sự tức giận của mọi người. Người ta đồn mỗi chức vụ trong Đảng, trong chính quyền đều có giá bằng tiền cả! Thế thì Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ đã làm được những gì? Đến mỗi xin cho con vào học lớp mầm non cũng phải khổ sở chạy chọt!

          Mỗi ngày hơn 30 công dân Việt Nam chết vì tai nạn giao thông! Ra đường sẵn sàng đón thương vong như ra trận! Tình hình không thể để kéo dài mãi như thế này!

          Tôi cùng nhân dân mong và tin rằng, như lời nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí trong Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Quốc hội, mỗi người sẽ trung thực tự kiểm điểm mình và báo cáo trách nhiệm trước nhân dân. Đây là yêu cầu cao và cấp bách về sự gương mẫu của đảng viên là cán bộ lãnh đạo, từ Trung ương đến cơ sở.

          Đảng ta đã nói thì phải làm. Làm cụ thể, thiết thực, từng việc một, từng bước một, làm triệt để và phải có hiệu quả. Cần xử lí nghiêm các cá nhân và tổ chức sai phạm.

          Để chuộc lại uy tín của Đảng, đem lại lòng tin cho nhân dân, làm sống lại hình ảnh “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, cần mở rộng dân chủ hơn nữa từ trong Đảng ra ngoài. Nếu có được lòng tin rộng mở của Đảng thì mỗi người dân sẽ vì điều tốt lành mà thành thực phát biểu ý kiến của mình. Khi đó ý Đảng sẽ hoàn toàn hợp với lòng dân. Dân sẽ thực sự làm chủ. Và không có khó khăn nào ta không thể vượt qua

Vũ Tú Nam (nguồn: báo Người cao tuổi )




Hà Nội: Hàng loạt “uẩn khúc” tại dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình



(Dân trí) – Mặc dù Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra TP.Hà Nội kết luận: Dự án công viên hồ điều hòa Hạ Đình quy hoạch không đúng sự thật và đề nghị quận Thanh Xuân điều chỉnh phù hợp. Song, lãnh đạo quận này vẫn “phớt lờ” chỉ đạo trên khiến dư luận bất bình.

13 năm vẫn treo lơ lửng…

Dự án công viên cây xanh, hồ điều hòa Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) được khởi động cách đây 13 năm, nhưng đến nay vẫn “treo” lơ lửng. Gần đây UBND quận lại cho phép lấp hơn 3.000m2 hồ để mở đường ven hồ rộng 17,5m gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của hàng trăm hộ dân đang sinh sống ổn định trong khu vực này. 13 năm nay cuộc sống của các hộ dân nơi đây “treo” theo “dự án treo” khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn cùng, trong đó không ít các gia đình quân nhân đã phục vụ trong quân đội hơn nửa đời người.

Theo quy hoạch sử dụng đất quận Thanh Xuân năm 1999 thì tỷ lệ sử dụng là 1/2000, theo đó trên địa bàn phường Hạ Đình có công viên cây xanh, hồ điều hòa. 2 năm sau dự án công viên hồ điều hòa Hạ Đình được khởi động. Tuy nhiên, dự án vừa “ló” ra đã phải “co” lại do có quá nhiều bất cập trong quá trình “lập dự án” gây bức xúc cho những người trong cuộc, khiến dư luận bất bình.

Trước vụ việc trên, Thanh tra Bộ Xây dựng đã vào cuộc, tại kết luận thanh tra số 542/KL-TTr ngày 21/12/2007 của Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ: Không kiểm tra thực tế, ngày 19/02/2002, Văn phòng KTS trưởng Thành phố có công văn 206/KTST-QH xác nhận “vị trí mà BQLDA đề nghị giới thiệu địa điểm hiện là đất trống và hồ thuộc địa bàn phường Hạ Đình”.

Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị UBND TP. Hà Nội: Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 quận Thanh Xuân theo quy định tại Luật xây dựng và nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ trước khi cho phép tiến hành phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án. UBND quận Thanh Xuân ban hành văn bản thông báo về việc hủy bỏ các nội dung trái với quy định của pháp luật tại văn bản số 61/UB-ĐCNĐ, ngày 4/2/2002.

Tuy nhiên, UBND quận Thanh Xuân vẫn “phớt lờ” chỉ đạo trên, sự việc đã được Thanh tra Bộ xây dựng và Thanh tra TP. Hà Nội “cầm tay chỉ việc” nhưng lãnh đạo quận vẫn “im hơi lặng tiếng” trước những bất cập nghiêm trọng này.

http://dantri4.vcmedia.vn/gLC4WLlnU8F79RboyWSp/Image/2011/11/duong-Khuong-Dinh_9f135.jpg
Trong khi con đường chính là phố Hạ Đình với chiều rộng chỉ khoảng 7m, không có vỉa hè,…

http://dantri4.vcmedia.vn/gLC4WLlnU8F79RboyWSp/Image/2011/11/duong-cut_79440.jpgThì ngách cụt này lại được UBND quận Thanh Xuân mở rộng 17,5m, dài trên 350m,… khiến dư luận bất bình
 http://dantri4.vcmedia.vn/gLC4WLlnU8F79RboyWSp/Image/2011/11/nhung-ngoi-nha-kien-co-se-bi-pha-do_539ab.jpg
 http://dantri4.vcmedia.vn/gLC4WLlnU8F79RboyWSp/Image/2011/11/nhung-ngoi-nha-kien-co-se-bi-pha-do1_30c9f.jpg
Theo đó, những ngôi nhà kiên cố như thế này sẽ bị phá dỡ gây tổn hại nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân đã sinh sống ổn định nhiều năm tại khu vực này

Tiếp đó, ngày 22/12/2008, Thanh tra TP. Hà Nội có kết luận số 1375 nêu rõ: “Ban QLDA công viên hồ điều hòa Hạ Đình phản ánh sai sự thật, gây bức xúc, khiếu kiện trong quần chúng nhân dân,…”. Trên thực tế khu vực đất được xác định thực hiện Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình đã có khoảng 350 hộ dân đang sinh sống nhưng BQLDA quận Thanh Xuân, Sở Quy hoạch – Kiến trúc chỉ căn cứ trên bản đồ quy hoạch nên cho rằng đây là “đất trống và hồ”.

Dự án công viên hồ điều hòa Hạ Đình với quá nhiều bất cập, vô lý nhưng không hiểu bằng cách nào lãnh đạo quận Thanh Xuân lại được sự chấp thuận của UBND TP. Hà Nội? Cụ thể, ngày 28/9/2009 UBND TP. Hà Nội lại có công văn số 9291, đồng ý đề nghị lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Công viên hồ điều hòa Hạ Đình mà “quên” mất kiến nghị của Thanh tra Bộ Xây dựng (Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị UBND TP. Hà Nội: Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 quận Thanh Xuân theo quy định tại Luật xây dựng và nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ trước khi cho phép tiến hành phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án).

Biến khu dân cư với hơn 350 hộ dân đang sinh sống ổn định thành khu “đất trống và hồ”, UBND quận Thanh Xuân “lập lờ che mắt” thành phố “quyết” thực hiện bằng được dự án “cải tạo đường và thoát nước ven hồ”.  Theo đó, cuối tháng 9/2011 các hộ dân nơi đây lại nhận được Thông báo số 112/TB-UBND ngày 4/6/2011 của UBND quận Thanh Xuân về việc công bố chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án cải tạo và thoát nước ven hồ,…

Hàng loạt “bất cập” trong dự án “treo”

Sau hàng loạt công văn đề nghị của Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ, ngày 29/9/2011 UBND TP. Hà Nội ra công văn số 8308/UBND-BTCD do ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội ký yêu cầu UBND quận Thanh Xuân rà soát, kiểm tra nội dung đơn thư tố cáo liên quan đến dự án “cải tạo đường và thoát nước ven hồ Hạ Đình”. Tuy nhiên, lại một lần nữa UBND quận Thanh Xuân “quên” chỉ đạo của Thành phố, mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ” mặc cho dân kêu, mặc thành phố chỉ đạo, mặc kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Thành phố,…

Chiều 3/2/2012, PV Dân trí đã mục sở thị khu vực hồ Hạ Đình, đập vào mắt chúng tôi là cảnh mặt hồ đã và đang bị lấn chiếm nghiêm trọng. Tại khu vực dự kiến làm đường ven hồ đã có hàng chục khu đất được phân lô, xây móng chìm dưới long hồ, trong đó có cả những căn nhà cấp 4 đã được xây hoàn thiện, bỏ hoang.  Góc bên phải của hồ cả một dẫy phố “mọc lên” sầm uất. Điều đáng nói ở đây, trên khu vực lấn chiếm ven hồ một ngôi nhà xây dựng trái phép lại được trưng dụng thành “Câu lạc bộ cụm dân cư 3B”, treo biển UBND phường Hạ Đình khiến dư luận hoài nghi ?.

Lý do thu hồi đất được UBND quận Thanh Xuân đưa ra là để làm đường mới rộng 17,5m, điểm đầu nối vào phố Hạ Đình thay cho ngách 101, ngõ 342 đường Khương Đình có nơi hẹp nhất là 4m. Trong khi đó đường Hạ Đình chỉ rộng 6 – 7m, không có vỉa hè.

Điều dễ nhận thấy ở đây là sự vô lý đến khó tả, tại sao lại mở đường ngách rộng gấp gần 3 lần so với đường phố chính? Dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng những người đưa ra quyết sách này không nhằm mục đích chung?

 http://dantri4.vcmedia.vn/gLC4WLlnU8F79RboyWSp/Image/2011/11/cac-khu-nha-phan-lo-da-xay-mong-chim-duoi-mat-ho_e5118.jpg

Tại khu vực ven hồ các khu phân lô đã được chủ nhân xây móng chìm “giữ chỗ” từ lâu. Một câu hỏi được đặt ra, phải chăng chính quyền địa phương đồng thuận với việc làm này?

http://dantri4.vcmedia.vn/gLC4WLlnU8F79RboyWSp/Image/2011/11/ngoi-nha-cap-4-hoan-thien-tren-khu-vuc-lan-chiem_90d10.jpg
Và những ngôi nhà lấn chiếm trái phép ven hồ vẫn ngang nhiên hoàn thiện mà không bị phá dỡ?
 http://dantri4.vcmedia.vn/gLC4WLlnU8F79RboyWSp/Image/2011/11/Khu-vuc-mat-ho-bi-xe-thit_9fc98.jpg
Thật xót xa khi mặt hồ Hạ Đình bị “xẻ thịt” vô số…!

Theo các hộ dân sống quanh khu vực hồ: Thực chất con đường của dự án là đường cụt không tiếp giáp với bất cứ một con đường nào trong khu vực, không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế, không phục vụ giao thông, kinh doanh, du lịch. Phá dỡ nhà của hàng chục hộ dân có nhà kiên cố gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, tổn hại cho các hộ dân.

Điều đáng nói hơn là trước đó vài năm, thay vì xây dựng trường tiểu học Hạ Đình tại khu đất thuộc số nhà 70b, ngõ 342 thì không hiểu vì lý do gì khu đất đó lại cho công ty Động Lực thuê để kinh doanh. Thay vào đó, UBND quận lại cho san lấp gần 11.000m2 đất để xây dựng trường tiểu học Hạ Đình.

Nếu dự án “cải tạo đường và thoát nước ven hồ” được thực hiện thì lại có thêm 3.000m2 mặt hồ được san lấp, như vậy tính sơ sơ hồ Hạ Đình cũng bị “xẻ thịt” đến 14.000m2.

Theo ông Phạm Khắc Kiệm, nguyên sĩ quan Cục quân khí thì để bảo vệ hồ chỉ cần có một dự án không mấy tốn kém là kè hồ, làm đường 3 – 4m để đi bộ ven hồ, giải tỏa dứt điểm các hộ lấn chiếm. Còn việc thu hồi tới 3.000m2 mặt hồ và đất của hàng trăm hộ dân để làm đường ngách rộng tới 17,5m thì quá tốn kém và vô lý.

Có thể nói, chủ trương xây dựng cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ cho lợi ích công cộng, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân là việc làm đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, việc chọn vị trí quy hoạch sao cho hợp lý, tiết kiệm là vấn đề cần phải đặt ra.

Thiết nghĩ việc quy hoạch hồ Hạ Đình cần được tham khảo, lắng nghe ý kiến người dân, tôn trọng các quy định của pháp luật cũng như vì lợi ích chung, tránh làm cuộc sống người dân bị đảo lộn, ngân sách phải tốn kém. Việc xóa bỏ một khu dân cư đã sinh sống ổn định nhiều năm, phá hủy hàng trăm ngôi nhà có trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng cho việc tái định cư là hết sức lãng phí. UBND TP. Hà Nội cần xem xét lại tính khả thi của dự án và chỉ đạo giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân liên quan đến dự án trên.

Bài và ảnh: Thu Hà



Gs. Phan Đình Diệu bàn về Toán học và Dân chủ



Hieuminhblog


Giáo sư Phan Đình Diệu. Ảnh: internet

HM Blog xin đăng lại bài phỏng vấn Giáo sư Phan Đình Diệu được Diễn Đàn dịch từ Tạp chí Nordic Newsletter of Asian Studies (số 2, năm 1993, xuất bản tại Copenhagen, Đan Mạch). Xin cảm ơn Diễn Đàn và Còm sỹ Historian đã tìm ra bài này.

Người phỏng vấn là một nhà sử học Na Uy, ông Stein Tønnesson, tác giả luận án tiến sĩ có giá trị Sự bùng nổ chiến tranh Đông Dương 1946 bảo vệ năm 1982 tại Oslo (bản tiếng Pháp: “ 1946: Déclenchement de la guerre d’Indochine”, Nhà xuất bản L’Harmattan, Paris 1987).

Cuộc phỏng vấn được tiến hành vào tháng 9.1992 tại Viện Khoa học Việt Nam, khi đó Giáo sư Phan Đình Diệu là Viện phó.


Dù phỏng vấn đã có từ cách đây 2 thập kỷ, nhưng những gì Giáo sư Diệu nói vẫn còn nhiều điều đáng để suy ngẫm.

Giáo sư có nhắc đến trí thức Việt nam, một vấn đề nóng trên mạng mấy tuần qua. Ông cho rằng “Chế độ XHCN đào tạo ra những chuyên viên hơn là những trí thức. Chúng tôi có nhiều nhà toán học, nhà vật lý học, nhà sinh học, kỹ sư… và bây giờ thêm nhiều nhà kinh tế. Nhưng chưa bao giờ họ được học để suy nghĩ về các vấn đề của xã hội“.

Gần đây Giáo sư Ngô Bảo Châu, khi luận về trí thức, nói theo một khía cạnh khác ”Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”? Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.” Mặc dầu Ngô Bảo Châu có nói thêm:”Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.”

So sánh hai cách tiếp cận khác nhau về trí thức của hai giáo sư cũng thấy thú vị, nhất là chúng ta cần học để suy nghĩ về các vấn đề của xã hội.

Phỏng vấn Phan Đình Diệu: Ứng dụng toán học và dân chủ


By Stein TØNNESSON

Stein TØNNESSON : Năm 1982, ông công bố trên tạp chí Nghiên cứu Việt Nam một bài báo nhan đề “ ứng dụng toán học và máy tính điện tử”. Nay dường như ông muốn ứng dụng toán học vào cả vấn đề dân chủ. Vì sao một nhà toán học lại trở thành chính khách ?

Phan Đình Diệu: Tôi không phải là chính khách, mà tôi chỉ muốn tham gia vào việc nước như một công dân. Là một người yêu nước, thiết tha với nhân dân nghèo khó, tôi muốn đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước. Là một người làm khoa học, đã từ khá lâu tôi phát hiện ra rằng chủ nghĩa Mác-Lê khó có thể mang lại điều gì hữu ích cho một nước muốn thoát ra khỏi nghèo nàn. Nghiên cứu khoa học điện toán, thuyết hệ thống và các vấn đề quản lý hiện đại, tôi nhận ra rằng mô hình xã hội chủ nghĩa như học thuyết Mác-Lê xác định không phù hợp với một nước muốn phát triển về xã hội, kinh tế và khoa học.Vì những lý do hiển nhiên, Marx và Lenin không có điều kiện tìm hiểu xã hội hiện đại. Song đảng cộng sản ở Việt Nam cũng như ở các nước khác đã ngây thơ tìm cách áp dụng học thuyết của họ vào xã hội hiện đại. Sự thất bại của họ đã được minh chứng rõ rệt nhất trong cuộc cách mạng điện toán, đặc trưng của thế giới trong thập niên 1980. Sự thất bại của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày nay hầu như mọi người đều thấy rõ. Vấn đề còn lại là biết rút ra kết luận một cách đầy đủ và từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê

ST: Tôi có cảm tưởng là trong lãnh vực kinh tế, thực ra Việt Nam đã từ bỏ mô hình xã hội chủ nghĩa rồi.

PĐD: Nét nổi bật trong tình hình hiện nay là sự mâu thuẫn giữa một mặt là ý muốn duy trì sự chuyên chế của đảng, và mặt khác, phát triển thị trường tự do. Đây là là một sự kết hợp mới. Chưa hề có một nhà lý luận cộng sản nào nghiên cứu tình thế này trên một cơ sở có thể coi là thường trực.

ST: Phải chăng hệ thống chính trị hiện nay phản ánh một quan niệm Á châu về dân chủ, khác với quan niệm dân chủ Tây phương?

PĐD: Có thể có sự khác biệt về thực tế chính trị giữa châu Á và phương Tây, chứ không có quan niệm khác nhau về dân chủ. Dân chủ thì ở đâu cũng là dân chủ. Một hệ thống dân chủ đòi hỏi trước hết phải tôn trọng các quyền con người và quyền công dân. Điều này đặt ra ở mọi nơi. Và quyền công dân phải được tôn trọng bằng cách tổ chức bầu cử tự do. Nhân tố then chốt của một chế độ dân chủ là cách bầu ra người lãnh đạo. Bầu cử dân chủ nghĩa là bầu cử tự do, bỏ phiếu kín, và mọi người đều có quyền ra ứng cử. Không có những điều đó, không thể gọi là dân chủ. Cũng cần nói thêm: tất nhiên có những mức độ khác nhau về dân chủ. Theo tôi nghĩ, không có nơi nào nền dân chủ có thể coi là hoàn thiện, kể cả ở nước ông [tức là Na Uy, chú thích của người dịch], hay ở Đức, Pháp hoặc Hoa Kỳ. Chất lượng một chế độ dân chủ có thể đo bằng hai tiêu chuẩn. Thứ nhất là cách vận hành của thể chế bầu cử: cử tri có thực sự được chọn lựa hay không, kết quả cuộc bầu cử phản ánh dân ý tới đâu? Thứ nhì là khả năng của nhân dân tác động vào quá trình quyết định thông qua thảo luận trên các media, trong các cuộc hội họp, gặp gỡ ở địa phương, cũng như ở cấp vùng, và cấp toàn quốc.

ST: Phải chăng ông chủ trương thiết lập một chế độ đa đảng ở Việt Nam?

PĐD: Điều cốt yếu không phải là có nhiều đảng, không phải là có một chế độ đa đảng, mà là có sự chọn lựa thật sự. Muốn chọn lựa thật sự, hai đảng có thể cũng đủ, với điều kiện là hai đảng ấy thực sự khác nhau.

ST: Ông có ngại rằng đặt ra những đảng đối lập có thể tác hại tới sự ổn định xã hội và sự tăng trưởng kinh tế hiện nay ở Việt Nam, thậm chí gây ra hỗn loạn chăng?

PĐD: Vâng, tôi nghĩ có nguy cơ đó; bởi vậy tôi mới nói hai đảng cũng đủ. Trong toán học có một định lý cơ bản: một biểu đồ định hướng là cân bằng nếu như và chỉ nếu như nó có hai nhánh (tiếng Anh bipartite còn có nghĩa là hai bên, hai đảng). Nhiều đảng quá có thể dẫn tới hỗn loạn – trừ phi các đảng liên kết chung quanh hai cực. Hệ thống lưỡng đảng ở Hoa Kỳ hay ở Vương quốc Anh xem ra ổn định hơn là hệ thống nhiều đảng như ở Pháp dưới thời đệ tứ cộng hoà. Còn ở Việt Nam hiện nay là hệ thống chính trị độc đảng. Ngày nào chế độ còn trấn áp được mọi sự đối lập thì hệ thống còn ổn định, nhưng đó chỉ là một sự ổn định tĩnh. Còn sự ổn định động, hàm ý phát triển tích cực, chỉ có thể thực hiện bằng cách lập ra một “đối cực”. Xin hiểu đối cực theo nghĩa xây dựng của nó, chứ không phải phá hoại.

ST: Các nhà lãnh đạo hiện nay của Việt Nam dường như đã tiến một bước khá dài trong việc thừa nhận quyền tự do ý kiến và tự do phát biểu.

PĐD: Sự chuyên chế của đảng không còn toàn diện như trước kia. Có một thời, ngay cả khẩu phần lương thực cũng được quyết định trên cơ sở lòng trung thành đối với đảng. Bây giờ đã tự do hơn, nhưng theo ý tôi, 1987 và 1988 là những năm tự do hơn là từ đó đến nay. Trong hai năm ấy, chúng tôi đã bước đầu thể nghiệm thảo luận về chính trị và lý luận, sau đó bị dẹp.

ST: Người ta vẫn khuyến khích báo chí tố cáo tham nhũng, lạm quyền.

PĐD: Đúng thế, nhưng với những hạn chế rất rõ ràng. Điều cấm kỵ chủ yếu liên quan tới sự chuyên chế của đảng. Không ai được quyền phê bình đảng, cho dù ở cấp huyện. Tham nhũng thì được phép phê phán, vì tham nhũng không phải là vấn đề hệ thống chính trị. Đó là một vấn đề chung. Tham nhũng chung quy có nghĩa là bán quyền lực. Có lẽ ở đâu cũng có sự bán quyền lực, khác nhau là ở quy mô. Tình hình làm ăn hiện nay ở Việt Nam đang làm cho tham nhũng phát triển. Trong một xã hội cộng sản tập trung, sự tham nhũng chừng nào bị lệch dòng (deflected) vì thiếu vắng thị trường. Các đặc lợi phát sinh từ các đặc quyền hơn là do buôn bán quyền thế. Trong những xã hội dân chủ, do không giữ được (hoặc ít giữ được) bí mật, nên ở chừng mực nào đó, sự tham nhũng bị ngăn chặn, hay hạn chế; người ta không (hoặc ít) dám buôn bán quyền lực vì sợ bị tố cáo hoặc truy tố. Còn ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi gặp cả hai cái nạn ấy cộng lại: một thị trường mặc sức phát triển trong đó quyền lực là một thứ hàng hoá buôn đi bán lại, song song tồn tại với một giới cầm quyền giữ bí mật cao độ. Vừa qua có vụ hoá giá nhà ở thành phố Hồ Chí Minh, cán bộ cấp cao được mua nhà công với giá rẻ, và bán lại với giá thật cao, chúng tôi đòi công bố danh sách, song người ta lờ đi. Hệ thống chính trị này không cho phép công bố đầy đủ thông tin về tham nhũng trong những vụ việc có quy mô quá lớn như vậy.

ST: Tôi muốn trở lại vấn đề dân chủ: ông có cho rằng “ đối cực”, hay ít nhất, là cái cực kia, có thể phát triển ngay trong quốc hội hiện nay không?

PĐD: Tôi không mấy tin tưởng vào Quốc hội mới được bầu [tháng 7.1992]. Cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi là chọn giữa vài ứng cử viên đã được đảng và Mặt trận Tổ quốc lựa ra từ trước. Khoảng 40 người ra ứng cử độc lập, nhưng người ta chỉ chấp nhận cho 2 người ứng cử, và cả hai đều thất cử. Trình độ học vấn của các đại biểu khoá này cao hơn khoá trước, nhưng tôi không thấy ai có thể đóng một vai trò độc lập. Các cuộc thảo luận ở Quốc hội vẫn diễn ra trong lằn ranh do đảng vạch ra.

ST: Thế thì ông đặt hy vọng vào đâu? Vào giới trí thức? Trong đại hội Đảng vừa qua, vai trò của trí thức đã được nâng cấp một cách đáng kể?

PĐD: Trước khi bàn về vai trò trí thức, thử hỏi: trí thức là ai? Ở Việt Nam có hay không có một giới trí thức, một lực lượng trí thức độc lập về xã hội và chính trị? Đó là vấn đề quan trọng đặt ra cho mọi xã hội muốn thiết lập hay cải thiện chế độ dân chủ. Trước tiên, tôi muốn nói tới lớp những nhà trí thức đã được đào tạo dưới thời Pháp thuộc. Trong lớp này, có những nhân vật dũng cảm và đáng kính. Một vài vị còn sống nhưng không còn mấy ảnh hưởng. Thật ra, chỉ còn lại một số rất nhỏ. Chúng tôi quý trọng công lao của họ đối với dân tộc. Lớp thứ hai là một số đông những chuyên gia được đào tạo trong giai đoạn xã hội chủ nghĩa. Trái ngược với nền giáo dục thời Pháp, chế độ xã hội chủ nghĩa đào tạo ra những chuyên viên hơn là những trí thức. Chúng tôi có nhiều nhà toán học, nhà vật lý học, nhà sinh học, kỹ sư… và bây giờ thêm nhiều nhà kinh tế. Nhưng chưa bao giờ họ được học để suy nghĩ về các vấn đề của xã hội. Đảng nghĩ hộ cho mọi người. Ý thức chính trị của các chuyên viên nói chung là yếu. Những người giỏi tham gia chính quyền, và tự nhiên là đảng viên. Rất có thể nhiều chuyên viên, trong cuộc sống riêng, cũng có tư tưởng dân chủ, nhưng không có cách gì kiểm nghiệm điều đó cả. Thành phần thứ ba là những trí thức được đào tạo trước đây ở miền Nam. Phần đông đã bỏ đi. Tất nhiên có thể họ sẽ trở về giúp nước bằng cách này hay cách khác, nhưng muốn đóng một vai trò chính trị có ý nghĩa, thì người trí thức phải gần gụi nhân dân. Cuộc sống kéo dài ở hải ngoại không phải là mảnh đất thuận lợi cho một lực lượng trí thức tích cực. Cuối cùng là thanh niên, những người vừa được hay còn đang được đào tạo trong những năm gọi là đổi mới. Những năm gần đây, quả đã có một nền văn nghệ độc lập khởi sắc. Nhưng còn phải có thời gian thì các xu hướng nói trên mới có thể hình thành một lực lượng xã hội chính trị thực sự. Nói tóm lại, kết luận của tôi là hiện nay Việt Nam chưa có một giai cấp trí thức.

ST: Nghĩa là nhìn về toàn cục thì ông bi quan? Hay ông còn thấy có hy vọng ở đâu đó?

PĐD: Tôi nói điều này chắc ông ngạc nhiên: mặc dầu tôi đã nói như ở trên về sự chuyên chế của đảng cộng sản, song tôi vẫn hy vọng là đảng cộng sản tự nó sẽ thay đổi. Những ai suy nghĩ một cách có trách nhiệm về tiền đồ dân tộc tất phải tán thành sự thay đổi trong ổn định. Cách tốt nhất để thực hiện việc này là thuyết phục đảng cộng sản phải biết nhìn nhận thực tế và từ bỏ con đường cũ. Tôi đã soạn những bản kiến nghị và nói với những nhà lãnh đạo đảng. Ít nhất họ đã nghe tôi nói. Theo tôi, đảng cộng sản Việt Nam có hai mặt, mặt cộng sản và mặt yêu nước. Nó nên giữ mặt thứ nhì và bỏ mặt thứ nhất, nó có thể tự biến đổi thành một lực lượng yêu nước chân chính. Theo chỗ tôi biết, có những nhà lãnh đạo cấp cao là những người rất chân thành.

ST: Nhưng làm thế nào đi tới cái thế lưỡng cực?

PĐD: Đây chính là sự thử thách lớn về tinh thần trách nhiệm và sự dũng cảm của giới lãnh đạo. Nếu họ thực sự yêu nước thương dân thì họ phải chấp nhận biến đảng trở thành một đảng dân tộc, tôn trọng đầy đủ các quyền tự do cơ bản và tổ chức bầu cử tự do. Trong điều kiện đó, những tổ chức chính trị khác sẽ xuất hiện, từng bước triển khai thành một lực lượng đối lập xây dựng. Nếu đảng cộng sản tự cải tạo trong quá trình đó, thì trong suốt một thời gian dài, nó có thể thắng cử.

ST: Ông có nghĩ rằng ông có thể đóng một vai trò trong tiến trình biến đổi đó hay không? Phan Đình Diệu phải chăng là Sakharov của Việt Nam?

PĐD: Như tôi đã nói ở trên, tôi không phải là một chính khách và tôi không có tham vọng (chính trị). Song, với tư cách một nhà khoa học và một công dân yêu nước, tôi muốn tham gia việc nước. Dân chủ là tham gia việc nước.
Viện KHVN nơi có cuộc phỏng vấn. Ảnh: VKHVN


Vladimir Putin: Con Rồng Long Móng



Dainamaxtribune


Hưng Chấn – Việt Báo Xuân Nhâm Thìn

Khi Con Rồng Muốn Đánh Thức Con Gấu Trong Hơi Men…

 http://phamdinhtan.files.wordpress.com/2012/02/redputin.png?w=210

 * Con rồng đỏ Vladimir Vladimirovich Putin * 

Vào năm Nhâm Thìn này mà quên một người tuổi Nhâm Thìn thì cũng uổng. Huống hồ người đó lại là Vladimir Putin, cựu và tân Tổng thống của Liên bang Nga!

  

Truyền thuyết Âu Châu hay nhắc đến Dracula, con quỷ ưa hút máu người.

Đấy chỉ là nhân vật hư cấu trong cuốn “Bá tước Dracula“, tác phẩm kinh dị của Bram Stoker xuất bản năm 1897. Nhưng tác giả lấy hình tượng Dracula từ một nhân vật có thật. Và Dracula có nghĩa là “Con Rồng” – con của rồng! Mà chưa chắc đã là cháu tiên như dòng giống Việt của chúng ta….

Nhân vật lịch sử này vào thế kỷ 15 là Vlad Đệ Tam. Tước hiệu đầy đủ là Vlad III, Prince of Wallachia, quân vương đất Transylvania, nước… Lỗ của Âu Châu có tên là Romania. Anh hùng chống lại sự bành trướng của Đế quốc Hồi giáo Ottoman.

Trong lịch sử Trung Cổ, nhân vật này mang hỗn danh là… “Vlad Xuyên Trượng“. Đó là nhờ kỳ tích là xuyên gậy dọc thân thể kẻ thù, vâng ạ, từ lỗ dưới trổ lên lỗ trên! Vì thân phụ thuộc dòng Long Vương (Dracul), một tước hiệu, nên Vlad III mới được gọi là Dracula. Rồi thành nguồn cảm hứng cho Bram Stoker….

Cứ mải xem phim và đọc truyện Dracula, ta quên mất rằng hình như Vlad Đệ Tam đã đầu thai vào Liên bang Xô viết mà vẫn giữ tên cũ là Vladimir. Đó là Vladimir Vladimirovich Putin, nhân vật sinh năm Nhâm Thìn 1952, tại thành phố có tên rất Xô viết là Leningrad. Chứ tên nguyên thủy và hiện đại là Saint Petersburg, của Liên bang Nga. Vlad Putin cũng giữ lại đặc tính xuyên trượng của Vlad the Impaler. Nhưng theo phương pháp Xô viết: nâng khoa học đàn áp lên hàng nghệ thuật…..

Vào năm Nhâm Thìn mà nhắc đến người tuổi thìn, không thể không nhớ đến Vladimir Putin, nhất là ông ôm hy vọng sẽ lại làm Tổng thống Nga sau cuộc bầu cử vào tháng Ba này.

Vui như Tết!

 http://phamdinhtan.files.wordpress.com/2012/02/vodkaputin.png?w=300

  * Tổng thống duy nhất có tên trên chai rượu đế! * 

***

Số là khi Liên bang Xô viết rung chuyển vào cuối năm 1991, một người có đởm lược vào phút lịch sử là Boris Yeltsin đã kịp xoay 180 độ và thách đố cường quyền rụm rã. Nhưng đởm lược đó không giúp Yeltsin trở thành một Tổng thống cần thiết, cho Liên bang Nga có thể đứng dậy từ những đổ nát của Liên Xô. Tám năm sau, Yeltsin lại có một quyết định lịch sử vào cuối năm 1999: chọn một nhân vật mờ nhạt làm Thủ tướng, rồi quyền Tổng thống. Đó là Vladimir Putin.

Đưa nước Nga ra khỏi cơn hỗn loạn là công trạng của Putin sau khi đắc cử Tổng thống năm 2000. Khi ấy người ta mới thấy Yeltsin là tinh đời.

Vladimir Putin gia nhập đảng Cộng sản khi còn học trường luật tại Leningrad. Tốt nghiệp năm 1975 thì được KGB đào tạo và phục vụ cơ quan này ở nhiều bộ phận khác nhau cho đến khi Liên Xô sụp đổ, đảng Cộng sản bị giải tán vào cuối năm 1991. Đầu năm 1992 thì Putin rời KBG về làm việc tại Saint Petersburg dưới sự chỉ huy của Thị trưởng Anatoly Sobchak, thầy cũ trong trường luật. Trong 15 năm phục vụ, Putin không có gì nổi bật ngoại trừ sự cần cù mẫn cán và được sự tin tưởng của thành phần chính khách quan tâm đến an ninh và quân sự, những tay “siloviki“.

Chính là hậu thuẫn của đám siloviki khiến Putin bước vào quỹ đạo của Yeltsin và được đưa lên chỉ huy cơ quan an ninh FSB, hậu thân của KGB. Lên làm Thủ tướng, Putin lập tức thành danh nhờ bàn tay sắt trong cuộc chiến đòi ly khai của sắc tộc Chechchen. Và dù đã nát rượu, Yeltsin vẫn đủ sáng để chuẩn bị cho Putin lên thay mình một cách an toàn, với điều kiện ngầm là “làm sạch tất cả mà không đụng tới gia đình và thân tộc của Yeltsin.” Đó là Sắc lệnh đầu tiên của quyền Tổng thống Putin: Bảo đảm an toàn cho nguyên Tổng thống Yeltsin và cả gia đình.

Thật ra, làm sạch tất cả là một nhu cầu vì Liên bang Nga khi ấy bị khủng hoảng trầm trọng, mấp mé vỡ nợ và bên trong, nạn tham nhũng hoành hành ở mọi cấp. Đấy là lúc người ta để ý đến một thế lực mới, các tài phiệt “oligarch” đã làm giàu rất nhanh nhờ làm thịt các cơ sở quốc doanh của Liên Xô cũ trong tiến trình cải cách kinh tế như điện giật và cổ phần hóa như cướp giật.

Đắc cử ngay từ vòng phiếu đầu tiên vào tháng 3 năm 2000, Putin làm Tổng thống vào tháng 5.

Con người sắt thép lộ diện vì ra tay củng cố chính quyền trung ương, loại bỏ các tài phiệt cứng đầu hoặc có tham vọng chính trị và kết nạp vây cánh cho một cuộc cải cách toàn diện, trước hết cũng là từ nền tảng luật pháp. Thành tích và thế lực đó khiến ông tái đắc cử với 71% số phiếu vào năm 2004 và trở thành người hùng. Nhưng cũng là một người rất hung trong nhiệm kỳ hai.

Đấy là lúc nhân vật Vlad xuất hiện.

Con rồng này cực kỳ kiên nhẫn để chậm rãi tập trung quyền lực vào chính quyền trung ương, rồi từ chính quyền trung ương vào đôi tay khỏi cần bọc nhung của mình. Truyền thông báo chí bị gọi ra xếp hàng một, ai nói khác là bị á khẩu, có khi lãnh đạn. Tài phiệt ngoan cố đòi dồn tiền cho lãnh tụ khác thì vào tù, tài sản bị trưng thu. Đối lập dù có lưu vong thì cũng vẫn lãnh độc dược, bằng phóng xạ….

Thành tích hay tai tiếng của con rồng Vlad Putin là việc tống giam và truy tố tài phiệt giàu nhất nước là Mikhail Khodorskovsky, Chủ tịch của Tập đoàn YUKOS, về tội gian lận và trốn thuế. Tội thật và nặng hơn nhiều là dám đụng vào cái vẩy ngược của con rồng: chi tiền cho đối lập và còn dự tính ra tranh cử.

Một thành tích khác là vụ ám sát nữ ký giả Anna Politkovskaya ngay tại Moscow khi nàng phanh phui nạn tham nhũng trong quân đội và hành vi bạo ngược với dân Chechchen. Không chỉ truyền thông và tài phiệt mới bị kiểm soát trong một chế độ bị mệnh danh là “khủng bố bằng luật pháp”. Hà Nội ta chẳng phát minh ra cái gì cả!

Đối lập đã lưu vong ra ngoài cũng bị Vlad truy lùng tới cùng, như tài phiệt Boris Berezovsky bị mưu sát tại London. Rồi nhà báo – nhân viên KGB cũ – Alexander Litvinenko đòi tiết lộ nội vụ thì bị ngộ độc với chất phóng xạ “polonium 210” cũng tại London!

Xuất thân từ KGB, với trình độ nghiệp vụ rất cao, Vlad Putin cầm đầu một bộ máy đầy chất phát xít cực hữu, rất xứng danh Vlad Xuyên Trượng. Tính hiện đại là nghệ thuật “quản lý dân chủ”.

Vì Hiến pháp quy định là Tổng thống không thể ra tranh cử sau hai nhiệm kỳ, năm 2008, Vlad Putin đưa Dimitri Medvedev ra tranh cử, còn mình lui về làm Thủ tướng lần thứ nhì, từ tháng 5 năm 2008 và chuẩn bị tu chỉnh Hiến pháp. Từ nay, nhiệm kỳ Tổng thống sẽ là sáu năm và tháng 9 vừa qua, Vlad Putin tuyên bố sẽ ra tranh cử Tổng thống, lần thứ ba. Với đà này thì sẽ còn lần thứ tư và Vlad Putin có thể làm Tổng thống thêm 12 năm, cho đến 2024.

Hậu sinh khả úy, Vlad Putin sẽ lãnh đạo nước Nga còn lâu hơn Tổng bí thư Leonid Brezhnev và chỉ thua Stalin có sáu tháng mà thôi!

Nhưng sẽ đưa nước Nga về đâu?

 http://phamdinhtan.files.wordpress.com/2012/02/thebear.png?w=300

* Con gấu Nga vào giấc đông miên – lỗi tại chai vodka? *

***

Sau khi tuyên bố ra tranh cử, đầu tháng 10, Putin thông báo kế hoạch xây dựng một “Liên bang Âu Á” tương tự như Liên hiệp Âu Châu, nhưng trải rộng từ Âu sang Á. Rất lớn lao vĩ đại, ngang tầm Thành cát Tư hãn.

Putin cũng muốn hiện đại hóa cả nền kinh tế lẫn hệ thống kỹ nghệ lạc hậu của xứ sở, chủ yếu là qua hợp tác với Âu Châu. Nga có năng lượng và khoáng sản mà thiếu kỹ thuật tiên tiến, kể cả kỹ thuật võ khí đã bắt đầu tụt hậu. Mười năm sau Trung Quốc, năm Nhâm Thìn này Nga sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới – sau 18 năm thương thuyết – nhưng kết quả sẽ không là bước nhảy vọt vĩ đại như Trung Quốc chỉ vì sức giao tiếp kinh tế rất hạn chế với các nước ngoài thị trường Âu Châu.

Về an ninh Putin dùng đòn bẩy kinh tế và vị trí địa dư tiếp cận với Âu Châu để ly gián quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ và khối Liên Âu, trước hết qua việc hăm dọa và dụ dỗ các nước Đông Âu trong khối Xô viết cũ. Sau khi khống chế Georgia rồi khuynh đảo Ukraine, Putin chọn đối tượng mới là Cộng hoà Tiệp, và đã thực tế bố trí võ khí chiến lược tại Kaliningrad, ở ven biển Baltic sát nách các nước của Minh ước NATO.

 http://phamdinhtan.files.wordpress.com/2012/02/europeanpie.png?w=300

 * Rót vodka để chia phần tại Âu Châu *

Ra ngoài Âu Châu, Putin cùng Bắc Kinh ra sức đỡ đòn cho các  chế độ độc tài trại Iran hay Syria và không từ nan cơ hội nào để gây khó cho Hoa Kỳ, từ chiến trường Afghanistan qua Vịnh Ba Tư. Vì thế, mọi thầy Quỷ Cốc đều xủ quẻ tiên đoán rằng năm Nhâm Thìn sẽ thấy con rồng Putin xoảy cánh banh.

Nhưng có khi lại gẫy cánh.

Chỉ vì sau cuộc bầu cử Hạ viện Duma vào đầu tháng 12 vừa qua, hình như làn gió dân chủ sẽ sưởi ấm bình nguyên Nga La Tư và Vlad Putin gặp vất vả với đối lập. Thành phần trung lưu đã từng hưởng lợi rất nhiều nhờ thành tích ổn định của Putin lại thất vọng với thủ đoạn sắt thép của Vlad và họ xuống đường biểu tình chống lại kết quả bầu cử mà họ cho là có gian lận.

Thật ra, kết quả biểu tình đó chưa đủ đe dọa chế độ vì Putin vẫn có hậu thuẫn của các chính đảng lớn nhất, từ đảng Thống Nhất Nga của mình tới ba đảng gọi là “đối lập” – là đảng Cộng sản, đảng cực hữu và đảng trung tả. Chế độ “quản lý dân chủ” của Putin sẽ còn tồn tại, còn được tiếng là không đàn áp dân biểu tình.

Tuy nhiên, mệnh trời lại định khác: con rồng này lại không thể… “nhập tử cung”.

Với đầy bản lãnh và thủ đoạn, Vlad Putin không thể xoay ngược được một hiện tượng lạ: dân Nga không muốn đẻ đái nữa!

Liên bang Nga là quốc gia duy nhất trên cõi đời này mà số người chết lại thường xuyên vượt qua số người mới đẻ. Sinh suất thua tử suất làm dân số giảm sút liên tục và sẽ còn giảm. Đã chẳng muốn có con, dân Nga còn không thiết tha với đời sống và lặng lẽ tự hủy diệt bằng đủ loại chất độc mà rượu vodka không là duy nhất. Chưa ai hiểu rõ lý do – chẳng lẽ là vì tàn dư văn hoá cộng sản – nhưng mọi nhà nghiên cứu đều nói đến một chuyển động chậm rãi, sâu xa và âm thầm khiến con gấu Nga từ từ tàn lụi với dân số ngày càng ít trên một lãnh thổ rộng lớn nhất thế giới.

Khi Putin về hưu sau 24 năm lãnh đạo xứ sở bát ngát này, có khi dân số của Nga chỉ bằng dân số của Việt Nam! Làm sao phòng thủ một quốc gia hớ hênh trống trải như vậy?

Mà thiên nhiên vốn không ưa chân không. Khi dân số Nga thu hẹp lại, thì các sắc tộc Hồi hay Hoa sẽ lặng lẽ trám vào khoảng trống, từ Trung Á qua Tây Bá Lợi Á đến tận Viễn Đông…. Vì vậy, kế hoạch củng cố và bành trướng của Vlad Putin thật ra đã bị rút ruột.

Con rồng Putin đang bị long móng vì con gấu Nga không chịu ra khỏi giấc đông miên!

 ___________________________________________________________________

[Sau bài "Chuyện Hợp Tan Của Liên Bang Nga", xin giới thiệu bài viết rất vui này của Hưng Chấn trên Việt Báo Xuân Nhâm Thìn, Tháng Giêng 2012 - NXN]

 Đường dẫn >>>Chuyện Hợp Tan Của Liên Bang Nga


CHÍNH TRỊ-PHÁP LUẬT

Điểm nóng Tiên Lãng: Lý lẽ và luật lệ (PLTP).  - Có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn (PLTP).  - Tiên Lãng, những phát ngôn đối ngược (TVN).  - Vụ cưỡng chế: Phải khởi tố 1 vụ án về tội hủy hoại tài sản (GDVN).  - Vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng: Thủ tướng sẽ có kết luận (NLĐ).  - Vụ cưỡng chế tại Hải Phòng sẽ được xử lý đúng pháp luật (TP).  - Toàn cảnh khu đầm ở Tiên Lãng sau vụ Đoàn Văn Vươn(DV).  - Sáng nay sướng rêm (Quê choa). “Quá đã. Một khi Thủ tướng ra tay trị những kẻ cung cấp thông tin không công khai minh bạch cũng là khi cánh cửa tự do báo chí đã có cơ hé mở. Hé mở thôi nhé, thế cũng là mừng lắm rồi”.

Tứ thập nhi bất hoặc (Người buôn gió). Lái Gió bị chặn tại cửa khẩu Nội Bài chiều nay, cấm xuất cảnh với một thủ tục quá tếu.
Hội quan thề (TP). “Trong lúc mấy địa phương đang chạy đua tổ chức lễ phát ấn đền Trần, quan chức, công chức, thương nhân khắp nơi giẫm đạp lên nhau giành giật lá ấn cầu quan lộ, chức tước bổng lộc, thì lễ hội Minh Thệ là nơi những quan lại, chức sắc, công bộc tuyên thề sẽ công tâm, không xà xẻo tư túi, tham nhũng của công; không dùng quyền uy để chèn ép bóc lột của dân, không bao che tội phạm…”.
KINH TẾ
Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô (TT).  - Chính phủ quyết tâm đưa lạm phát về một con số (VnMedia).
- Phan Thế Hải: Golf bần nông (TVN).

VĂN HÓA-THỂ THAO
“Muốn nghe quan họ, đừng về Hội Lim”? (TT).  - Hội Lim – Kỷ lục, hương khói và ắch tắc (DV).  - Khấn thuê, lễ mướn và rác vẫn hoành hành ở Đền Bà chúa Kho (TTVH).  - Lội bùn cướp phết Hiền Quan (VOV).  - Xem chọi dê ở Mèo Vạc (VEF).  - Cúng sao giải hạn bản chất chỉ là… cầu an (Bee).  - Ngang nhiên mua bán ấn trong cung cấm (VNN).  - Tội ác ‘nảy sinh’ mùa lễ hội (TP/PLVN).

- Phan Cẩm Thượng: Khăn đội đầu (TTVH).
- Nguyễn Quang Lập: Xóm Mệ Hó (TNTS).
GIÁO DỤC-KHOA HỌC
Trường “nhô” ở đảo xa (TT).

XÃ HỘI-MÔI TRƯỜNG
Trẻ con mắc bệnh đổ về chật bệnh viện (VNE).

QUỐC TẾ
Chiến tranh Iran – Israel gần kề? (VNN).  - Thế giới “nóng” cùng tình hình Syria và Iran ở Trung Đông (DT).

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

LIỆU CHIẾN TRANH MỸ-TRUNG CÓ XẢY RA?

Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ bảy, ngày 4/2/2012
Sự điều chỉnh chiến lược quốc phòng ca Mỹ đã khiến một s người đặt vấn đề xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc có th sẽ là điu không tránh khỏi. Phóng viên BBC thường trú tại Bắc Kinh Damian Grammaticas có bài phân tích, nội dung như sau:
Liệu sự trỗi dậy của Trung Quốc có dẫn đến xung đột với Mỹ? Liệu Bắc Kinh có sẽ tuyên chiến với siêu cường toàn cầu hay không?
Các câu hỏi này không được đưa ra trực tiếp trong bản điều chỉnh chiến lược quốc phòng của Mỹ. Tuy nhiên, dù không nói ra, nó vẫn hiện diện trong đó, vẫn nằm xuyên suốt trong tài liệu được cho là sẽ định hình tư duy quân sự mới của Mỹ trong thế kỷ 21.
Cốt lõi chiến lược
Nếu đọc văn bản này chúng ta sẽ thấy rõ thách thức đến từ một nước Trung Quốc trỗi dậy nằm ngay ở cốt lõi của chiến lược quân sự mới của Mỹ. Văn bản này đã cẩn thận khi viết rằng Trung Quốc sẽ không là kẻ thù nhưng cũng nói rõ rằng Mỹ sẽ sắp xếp lại lực lượng quân sự để kiềm chế Trung Quốc, và, trong trường hợp cần thiết, để đối đầu với nước này.
Được Tổng thống Barack Obama loan báo tại Lầu Năm Góc, bản điều chỉnh chiến lược quốc phòng này nêu mục tiêu rõ ràng bằng giấy trắng mực đen: định hình lại quân đội Mỹ để có thể “giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu và duy trì ưu thế quân sự của Mỹ”. Chắc chắn cả Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đều không sẵn sàng chấp nhận quan điểm rằng về lâu dài Mỹ tất yếu sẽ suy yếu trong khi Trung Quốc chắc chắn sẽ vươn lên tương ứng.
Mỹ muốn mình vẫn là số một, và chiến lược quốc phòng mới này là nhằm để đạt được mục đích đó. Tổng thống Obama đã nói: “Đất nước chúng ta đang ở thời điểm chuyển giao’’ “chúng ta đang đối mặt với một bước ngoặt’’.
Bản điều chỉnh nêu ra hai nhân tố định hình quá trình chuyển giao này, một bên trong và một bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Ở trong nước đó là sức ép ngân sách ngày một tăng đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí quân sự. Còn bên ngoài, đó là nhận thức rằng sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc đang làm thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á.
Mỹ cho biết chiến lược quân sự mới này, khuyến khích “sự trỗi dậy hòa bình của các cường quốc mới”. Điều này có nghĩa là Mỹ chào đón sự vươn lên của Trung Quốc như đã được nói đi nói lại nhiều lần trước đây.
Còn về việc Trung Quốc trỗi dậy có ý nghĩa như thế nào đối với Mỹ, chiến lược mới đề cập thẳng thắn: “Về lâu dài, sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một cường quốc khu vực sẽ có khả năng tác động đến kinh tế Mỹ và an ninh của chúng ta bằng nhiều cách khác nhau”.
Xin lưu ý cách mà Trung Quốc được mô tả là một “cường quốc khu vực” đang nổi. Lầu Năm Góc không sẵn sàng gán cho Trung Quốc vị thế cường quốc toàn cầu hay siêu cường, hay thậm chí là một siêu cường mới nối. Điều này thể hiện thực tế rằng quân đội Trung Quốc còn lâu mới mang tính toàn cầu.
Thiếu lòng tin
Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc hiện giờ đã trải rộng trên khắp thế giới. Mỹ và Trung Quốc bị ràng buộc bởi những lợi ích riêng có tác động lẫn nhau. Bản điều chỉnh cũng chỉ rõ ra rằng hai nước đang thật sự thiếu lòng tin vào nhau.
“Hai nước chúng ta đều dựa rất nhiều vào hòa bình và ổn định ở Đông Á và có lợi ích trong việc xây dựng mối quan hệ song phương mang tính hợp tác. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của sức mạnh quân sự Trung Quốc cần phải được đi kèm với tính minh bạch hơn về những dự định chiến lược của nước này để tránh gây ra va chạm trong khu vực”.
Nước Mỹ vẫn đang thận trọng bảo vệ ván cờ của mình ở khu vực. Năm ngoái, Chính quyền Obama đã đưa ra trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình và hướng sự quan tâm đến khu vực Thái Bình Dương. Sự thay đổi chiến lược đó được thể hiện rõ ràng trong học thuyết quân sự mới của nước này.
Mỹ đã nhiều lần phát biểu: “Vì sự cần thiết, chúng tôi sẽ tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bỉnh Dương”. Giờ đây, Mỹ nói rằng họ sẽ làm việc trên nhiều mặt trận để kiềm chế sức mạnh ngày một tăng của Trung Quốc.
Có sự quan ngại rõ ràng về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triến những loại vũ khí sẽ làm cho quân đội Mỹ khó mà hoạt động được tại một số nơi ở Đông Á.
Trung Quốc đang đầu tư vào các loại vũ khí “chống tiếp cận” và “không cho hoạt động” chẳng hạn như cái mà họ gọi là tên lửa “diệt tàu sân bay” có thể đánh chìm các tàu sân bay của Mỹ trên biển. Họ cũng đang đổ nhiều tiền của để xây dựng tàu ngầm và các máy bay chiến đấu tàng hình.
Tất cả những điều này có thể đẩy hạm đội tàu sân bay của Mỹ ra xa bờ biển Trung Quốc và hạn chế khả năng của Mỹ trong việc kiểm soát các tuyến hàng hải thương mại quan trọng ở Biển Đông hoặc bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công.
Chiến lược này cho rằng “Các quốc gia như Trung Quốc và Iran sẽ tiếp tục theo đuổi các phương tiện không tương xứng để chống lại năng lực thực thi sức mạnh của chúng ta rằng Mỹ phải duy trì năng lực thực thi sức mạnh tại những khu vực mà khả năng tiếp cận và sự tự do hoạt động của chúng ta bị thách thức’’.
Củng cố đồng minh
Bản báo cáo viết: “Việc duy trì hòa bình, ổn định, thương mại thông suốt và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực năng động này tùy thuộc một phần vào sự cân bằng tiềm tàng của sự hiện diện và năng lực quân sự”.
Do đó, Mỹ vẫn muốn ưu thế quân sự của họ đối với Trung Quốc được giữ nguyên. Điều này dẫn đến leo thang chạy đua vũ trang khi Mỹ có những động thái để vô hiệu hóa những tiến bộ quân sự của Trung Quốc.
Có thể Lầu Năm Góc sẽ làm giống như chiến lược của chính Trung Quốc là đầu tư vào những loại vũ khí tương tự. Họ sẽ tập trung vào phát triển năng lực hải quân, không quân và vào những vũ khí tiên tiến, chẳng hạn như các máy bay tàng hình tinh vi hơn nữa, các loại tên lửa và máy bay không người lái cùng với chiến tranh mạng và năng lực chiến tranh vũ trụ.
Củng cố hệ thống đồng minh xung quanh Trung Quốc là một trụ cột khác trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ: “Chúng tôi sẽ nhấn mạnh những mối quan hệ đồng minh hiện tại vốn là nền tảng quan trọng cho an ninh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chúng tôi cũng sẽ mở rộng cảc mạng lưới hợp tác với các đối tác mới nổi trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Mỹ đã có quan hệ quân sự chặt chẽ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philíppin và Ôxtrâylia và họ đang xây dựng quan hệ với Việt Nam, Inđônêxia cũng như đang đầu tư vào mối quan hệ đối tác chiến lược dài hạn với Ấn Độ. Tất cả những điều này cho thấy một thông điệp hết sức mạnh mẽ về việc kiềm chế Trung Quốc. Mỹ sẽ chống lại bất cứ kẻ nào dám thách thức sự thống trị của họ. Họ sẽ xây dựng mối quan hệ cốt lõi với các nước láng giềng của Trung Quốc và bảo vệ lợi ích của mình ở Đông Á.
Quay lại câu hỏi đã được đặt ra lúc đầu: Liệu một ngày nào đó có sẽ xảy ra cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc?
Câu trả lời sẽ còn tùy thuộc vào việc Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào với chiến lược quân sự mới của Mỹ. Liệu nước này có tìm cách khẳng định sức mạnh của mình ở Đông Á? Liệu điều này có gây ra va chạm với các nước xung quanh?
Câu trả lời sớm cho chính sách quân sự mới của Mỹ đến từ tờ Thời báo Hoàn cầu, vốn có giọng điệu dân tộc chủ nghĩa. Tờ báo này nói rằng “Trung Quốc cần tăng cường khả năng tấn công ở khoảng cách xa và tìm thêm nhiều phương cách đe dọa lãnh thổ Mỹ để dần dần đẩy lùi chiến tuyến của ‘ván cờ mà chúng ta đang chơi với Mỹ. Trung Quốc phải làm cho Mỹ nhận thấy rằng sự trỗi dậy của chúng ta là không thể ngăn chặn và tốt nhất là Mỹ nên thể hiện tình hữu nghị đối với Trung Quốc”.
***
TTXVN (Niu Yoóc 28/1)

 ”Nhật Báo Ph Uôn” mới đây cho biết giới chuyên gia quân sự Mỹ nhận định siêu tàu sân bay USS Gerald R.Ford, chở được 4.660 thủy thủ và kho máy bay cùng các loại vũ khí hiện đại, có khả năng giúp hải quân Mỹ tiếp tục duy trì ưu thế trên biển trong nửa thế kỷ nữa. Nhưng một khó khăn không lường trước mới nổi lên là: Trung Quốc đang xây dựng một lớp tên lửa đạn đạo mới nhằm tạo nên vòng cung lửa xuyên qua tầng bình lưu và nổ trên boong của một tàu sân bay Mỹ, giết hại các thủy thủ, phá hủy máy bay và các loại vũ khí khác.
Từ năm 1945, Mỹ kiểm soát tất cả các vùng biển Tây Thái Bình Dương, chủ yếu nhờ một hạm đội gồm các tàu sân bay, mỗi chiếc nặng 97.000 tấn Hầu như trong tất cả những năm đó, Bắc Kinh ít có sự lựa chọn, chỉ biết đứng nhìn các tàu chiến Mỹ đi lại ngoài khơi bờ biển Trung Quốc mà không biết làm gì để trừng phạt Mỹ. Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc cho biết hiện nay quân đội Trung Quốc đang nỗ lực triển khai kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Một phần của kế hoạch đó là buộc các tàu sân bay của Mỹ hoạt động cách xa bờ biển Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc cho biết hiện nay quân đội Trung Quốc đã chế tạo loại tên lửa mới có tên DF-21D. Loại tên lửa mới của Trung Quốc có khả năng tấn công một tàu chiến đang di chuyển cách xa 1.700 dặm. Giới phân tích quốc phòng Mỹ nhận định tên lửa DF-21D bay đến mục tiêu ở một góc quá cao nên các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm thấp của Mỹ khó có thể đánh chặn và bay quá thấp nên các tên lửa đạn đạo khác cũng không thể phá hủy. Mặc dù các hệ thống vũ khí của Mỹ có thể bắn hạ một hoặc hai tên lửa, nhưng Trung Quốc có thể bắn cùng một lúc nhiều tên lửa tới một tàu sân bay. Vì vậy tên lửa mới có khả năng đẩy các tàu sân bay Mỹ xa bờ biển Trung Quốc, từ đó các máy bay chiến đấu của Mỹ cũng khó có thể thâm nhập không phận Trung Quốc hoặc tạo được ưu thế trên không trong một cuộc xung đột xảy ra gần các đường biên giới của Trung Quốc. Chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc đã tạo nên sức mạnh quan trọng của lực lượng hải quân. Hiện nay hải quân Trung Quốc có 29 tàu ngầm được trang bị các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm thấp chống tàu. Tháng 8/2011, Trung Quốc chạy thử chiếc tàu sân bay lần đầu tiên trên biển, mặc dù tàu này chưa hoạt động đầy đủ.
Trước đây, các nhà hoạch định kế hoạch quân sự coi Đài Loan là nguyên nhân chủ yếu gây nên một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Hiện nay có nhiều điểm nóng khác cũng đang nổi lên trong khu vực như: căng thẳng ngày càng tăng giữa Nhật Bản và Trung Quốc về các hòn đảo ở phiá Đông Trung Quốc mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền; tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN ở khu vực Biển Đông (Trung Quốc gọi là biển Hoa Nam). Năm 2011, Việt Nam tố cáo tàu thuyền Trung Quốc quấy rối một tàu thăm dò và nghiên cứu của Việt Nam và Trung Quốc đòi Việt Nam ngừng các hoạt động thăm dò dầu lửa ở khu vực biển có tranh chấp. Cách đây vài năm, Mỹ có thể phản ứng bằng cách đưa một hoặc hai trong số 11 tàu sân bay đến khu Vực để trấn an các nước đồng minh và răn đe Trung Quốc. Hiện nay, ngoài lực lượng tên lửa mới, quân đội Trung Quốc còn có lực lượng tàu ngầm có khả năng tấn công các hệ thống vũ khí mạnh nhất trên biển của hải quân Mỹ. Ông Eric Heginbotham, chuyên gia các vấn đề an ninh Đông Á của tổ chức RAND nhận xét: “Đây là một phát triển đang nổi lên nhanh chóng. Cuối năm 1995 mối đe dọa đối với các tàu sân bay của Mỹ thực sự không đáng kể. Hiện nay có nhiều mối đe dọa đang nổi lên”. Trung Quốc quan tâm phát triển các tên lửa chống tàu kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996. Để thuyết phục các cử tri Đài Loan không bầu chọn một tổng thống có tư tưởng độc lập, Chính phủ Trung Quốc liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa, bắn các loại vũ khí vào vùng biển ngoài khơi Đài Loan. Sau đó Tổng thống Bill Clinton đưa hai nhóm tàu tàu sân bay đến eo biển Đài Loan để khẳng định Mỹ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan-và đây là một thất bại chiến lược của Trung Quốc.
Sau đó quân đội Trung Quốc lao vào chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang nhằm ngăn chặn sức mạnh của Mỹ ở Thái Bình Dương bằng cách phát triển các công nghệ “chống xâm nhập” trên biển. Đô đốc Gary Roughead, chỉ huy tác chiến của hải quân Mỹ nghỉ hưu năm 2011, nhận xét: “Cuộc chiến tranh sẽ là chống xâm nhập. Chúng ta có thể nhìn lại các chiến dịch chống xâm nhập ở Thái Bình Dương trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 lúc đó Nhật Bản tìm cách ngăn chặn quân đội Mỹ tiến vào khu vực Tây Thái Bình Dương”. Năm 2004, Chủ tịch Hồ cẩm Đào công bố một học thuyết quân sự mới yêu cầu lực lượng vũ trang thực hiện “các nhiệm vụ lịch sử mới” nhằm bảo vệ “các lợi ích quôc gia” của Trung Quốc. Các sĩ quan và chuyên gia Trung Quốc cho rằng những lợi ích đó bao gồm tiến vào các tuyến đường biển quốc tế, thâm nhập các khu vực dầu lửa của nước ngoài và bảo vệ các công dân Trung Quốc đang làm việc ở các nước trên thế giới. Ban đầu, chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc tiến triển chậm. Sau đó, một số công nghệ vũ khí hiện đại của Trung Quốc bắt đầu cảnh báo Oasinhtơn. Trong một vụ thử năm 2007, quân đội Trung Quốc đã bắn rơi một trong số vệ tinh thời tiết cũ của nước này và điều đó cho thấy Trung Quốc có khả năng phá hủy các vệ tinh quân sự của Mỹ hiện đang cho phép các tàu chiến và máy bay Mỹ thông tin liên lạc và nhắm vào các căn cứ trên lãnh thổ Trung Quốc. Trước tình hình đó, Lầu Năm Góc phản ứng bằng cách bí mật áp dụng các công nghệ bảo vệ các vệ tinh của Mỹ khỏi các cuộc tấn công của các loại vũ khí như tên lửa hoặc lade. Một năm sau vụ thử chống vệ tinh của Trung Quốc, Mỹ đã chứng tỏ các khả năng bằng cách cho nổ một vệ tinh tình báo bằng một phương tiện đánh chặn tên lửa đạn đạo đã được cải tiến.
Năm 2011, cuộc chạy đua vũ trang được thúc đẩy. Tháng 1/2011, chỉ vài giờ trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào để hàn gắn các mối quan hệ giữa hai nước, Trung Quốc tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của loại máy bay chiến đấu mới J-20. Loại máy bay này có thể cho phép Trung Quốc phát động các cuộc tấn công trên không xa hơn nhiều và có khả năng tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản và Guam. Nhưng các nhà hoạch định kế hoạch quân sự Mỹ cảm thấy lo ngại hơn về việc Trung Quốc hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm. Các tàu ngầm mới của Trung Quốc có thể lặn lâu hơn và hoạt động ít tiếng ồn hơn các loại tàu ngầm trước đây. Năm 2006, một tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện giữa một nhóm tàu chiến của Mỹ mà không bị phát hiện cho đến khi chiếc tàu ngầm này nổi lên mặt nước. Đáng chú ý, việc đánh giá khả năng chiến tranh điện tử của Trung Quốc thậm chí còn khó khăn hơn. Trung Quốc đã đầu tư rất lớn cho các công nghệ mạng. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết nhiều tin tặc Trung Quốc đã tấn công các hệ thống mạng quốc phòng của Mỹ, mặc dù Trung Quốc thường phủ nhận dính líu tới các cuộc tấn công này. Các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc đã kéo theo sự thay đổi trong các tuyên bố của một số bộ phận trong quân đội. Gần đây nhiều sĩ quán quân đội và một số nhà phân tích của Trung Quốc tố cáo Mỹ tìm cách ngăn chặn Trung Quốc trong “chuỗi đảo đầu tiên’’ bao gồm.
Nhật Bản và Philíppin, hai nước có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ và Đài Loan. Hiện nay các quan chức Trung Quốc đang nói về việc đẩy Mỹ ra xa tới Hawaii và cho phép hải quân Trung Quốc hoạt động tự do ở Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và các vùng biển bên ngoài. Như các nhà chiến lược quân sự Mỹ đánh giá, các tàu ngầm, máy bay chiến đấu và tên lửa có điều khiển của Trung Quốc có khả năng buộc các tàu sân bay của Mỹ hoạt động ở các khu vực biển cách xa bờ của Trung Quốc. Mặt khác do ngân sách quốc phòng của Mỹ ngày càng bị cắt giảm, một số quan chức của Lầu Năm Góc bắt đầu đặt câu hỏi: phải chăng đã đến lúc Mỹ cần xem xét lại độ tin cậy chiến lược của quốc gia vào các tàu sân bay. Bởi vì, một cuộc tấn công của Trung Quốc đánh trúng một tàu sân bay Mỹ có thể tiêu diệt khoảng 5.000 thủy thủ – lớn hơn số lượng binh sĩ Mỹ bị chết trong cuộc chiến tranh Irắc./.


Đảng như con cá ngúc ngoắc trong ao cạn

“Đảng viên hư trước, làng nước hư theo!” (Nguoicaotuoi)
———————————————————————
imagesCAUDGIXP Bài viết của Vũ Tú Nam đăng trên báo Người cao tuổi với những nhận xét về sự nguy khốn của đảng thật đến mức nếu đăng trên blog dễ bị qui chụp ngay là “bôi nhọ đảng”, là “phản động”.
“Đảng viên hư trước, làng nước hư theo!”
          Trong hôm khai mạc Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tư (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói đến nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ do sự sa sút phẩm chất chính trị và đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên từ Trung ương tới cơ sở; trong khi hàng triệu nhân dân, đảng viên đang nỗ lực xây dựng đất nước.
          Điều này nhân dân đã biết từ lâu. Chưa bao giờ thấy nhiều hiện tượng trái với đạo lí dân tộc như trong những năm gần đây: Cha giết con, chồng chém vợ, thầy giáo bị học trò làm hại, gia đình bệnh nhân đánh thầy thuốc, nông dân bị chiếm đất ồ ạt đi khiếu kiện, cán bộ tỉnh đánh bạc mỗi ván ăn thua tới 5 tỉ đồng, tội phạm vị thành niên ngày càng tăng. Sự dối trá tràn lan. Chạy chức chạy quyền, cúng bái cầu tài cầu lộc, mê tín dị đoan tràn ngập…
          Trách nhiệm thuộc về ai? Thuộc về sự lãnh đạo của Đảng và quản lí của Chính phủ, các cấp từ Trung ương tới cơ sở.
          Bản Di chúc năm 1969 của Bác Hồ, đã nhấn mạnh điều quyết định là Đảng cầm quyền phải thực sự trong sạch. Sau hơn 40 năm, mặc dầu chúng ta có phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhưng còn hình thức.
          Khi Đảng còn nhiều uy tín trong xã hội, dân ta đã có câu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Và nhiều thanh niên hăng hái phấn đấu vào Đảng.
          Đến nay thì ngược lại, một số người trung thực đã quyết định không vào Đảng, một số cán bộ cao cấp, kể cả sĩ quan quân đội khi nghỉ hưu đã bỏ sinh hoạt Đảng. Sự suy giảm lòng tin trong dân thật nặng nề. Từ chỗ “đảng viên hư trước, làng nước hư theo” đến chỗ dân tỉnh ngộ sẽ không theo Đảng nữa. Thế là Đảng dần dần như con cá ngúc ngoắc trong cái ao cạn, thật nguy to!
          Nạn tham nhũng có bè cánh tràn lan là nỗi buồn, nỗi lo và sự tức giận của mọi người. Người ta đồn mỗi chức vụ trong Đảng, trong chính quyền đều có giá bằng tiền cả! Thế thì Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ đã làm được những gì? Đến mỗi xin cho con vào học lớp mầm non cũng phải khổ sở chạy chọt!
          Mỗi ngày hơn 30 công dân Việt Nam chết vì tai nạn giao thông! Ra đường sẵn sàng đón thương vong như ra trận! Tình hình không thể để kéo dài mãi như thế này!
          Tôi cùng nhân dân mong và tin rằng, như lời nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí trong Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Quốc hội, mỗi người sẽ trung thực tự kiểm điểm mình và báo cáo trách nhiệm trước nhân dân. Đây là yêu cầu cao và cấp bách về sự gương mẫu của đảng viên là cán bộ lãnh đạo, từ Trung ương đến cơ sở.
          Đảng ta đã nói thì phải làm. Làm cụ thể, thiết thực, từng việc một, từng bước một, làm triệt để và phải có hiệu quả. Cần xử lí nghiêm các cá nhân và tổ chức sai phạm.
          Để chuộc lại uy tín của Đảng, đem lại lòng tin cho nhân dân, làm sống lại hình ảnh “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, cần mở rộng dân chủ hơn nữa từ trong Đảng ra ngoài. Nếu có được lòng tin rộng mở của Đảng thì mỗi người dân sẽ vì điều tốt lành mà thành thực phát biểu ý kiến của mình. Khi đó ý Đảng sẽ hoàn toàn hợp với lòng dân. Dân sẽ thực sự làm chủ. Và không có khó khăn nào ta không thể vượt qua
Vũ Tú Nam (nguồn: báo Người cao tuổi )

Hà Nội: Hàng loạt “uẩn khúc” tại dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình

(Dân trí) – Mặc dù Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra TP.Hà Nội kết luận: Dự án công viên hồ điều hòa Hạ Đình quy hoạch không đúng sự thật và đề nghị quận Thanh Xuân điều chỉnh phù hợp. Song, lãnh đạo quận này vẫn “phớt lờ” chỉ đạo trên khiến dư luận bất bình.
13 năm vẫn treo lơ lửng…
Dự án công viên cây xanh, hồ điều hòa Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) được khởi động cách đây 13 năm, nhưng đến nay vẫn “treo” lơ lửng. Gần đây UBND quận lại cho phép lấp hơn 3.000m2 hồ để mở đường ven hồ rộng 17,5m gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của hàng trăm hộ dân đang sinh sống ổn định trong khu vực này. 13 năm nay cuộc sống của các hộ dân nơi đây “treo” theo “dự án treo” khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn cùng, trong đó không ít các gia đình quân nhân đã phục vụ trong quân đội hơn nửa đời người.
Theo quy hoạch sử dụng đất quận Thanh Xuân năm 1999 thì tỷ lệ sử dụng là 1/2000, theo đó trên địa bàn phường Hạ Đình có công viên cây xanh, hồ điều hòa. 2 năm sau dự án công viên hồ điều hòa Hạ Đình được khởi động. Tuy nhiên, dự án vừa “ló” ra đã phải “co” lại do có quá nhiều bất cập trong quá trình “lập dự án” gây bức xúc cho những người trong cuộc, khiến dư luận bất bình.
Trước vụ việc trên, Thanh tra Bộ Xây dựng đã vào cuộc, tại kết luận thanh tra số 542/KL-TTr ngày 21/12/2007 của Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ: Không kiểm tra thực tế, ngày 19/02/2002, Văn phòng KTS trưởng Thành phố có công văn 206/KTST-QH xác nhận “vị trí mà BQLDA đề nghị giới thiệu địa điểm hiện là đất trống và hồ thuộc địa bàn phường Hạ Đình”.
Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị UBND TP. Hà Nội: Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 quận Thanh Xuân theo quy định tại Luật xây dựng và nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ trước khi cho phép tiến hành phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án. UBND quận Thanh Xuân ban hành văn bản thông báo về việc hủy bỏ các nội dung trái với quy định của pháp luật tại văn bản số 61/UB-ĐCNĐ, ngày 4/2/2002.
Tuy nhiên, UBND quận Thanh Xuân vẫn “phớt lờ” chỉ đạo trên, sự việc đã được Thanh tra Bộ xây dựng và Thanh tra TP. Hà Nội “cầm tay chỉ việc” nhưng lãnh đạo quận vẫn “im hơi lặng tiếng” trước những bất cập nghiêm trọng này.
http://dantri4.vcmedia.vn/gLC4WLlnU8F79RboyWSp/Image/2011/11/duong-Khuong-Dinh_9f135.jpg
Trong khi con đường chính là phố Hạ Đình với chiều rộng chỉ khoảng 7m, không có vỉa hè,…
http://dantri4.vcmedia.vn/gLC4WLlnU8F79RboyWSp/Image/2011/11/duong-cut_79440.jpgThì ngách cụt này lại được UBND quận Thanh Xuân mở rộng 17,5m, dài trên 350m,… khiến dư luận bất bình
 http://dantri4.vcmedia.vn/gLC4WLlnU8F79RboyWSp/Image/2011/11/nhung-ngoi-nha-kien-co-se-bi-pha-do_539ab.jpg
 http://dantri4.vcmedia.vn/gLC4WLlnU8F79RboyWSp/Image/2011/11/nhung-ngoi-nha-kien-co-se-bi-pha-do1_30c9f.jpg
Theo đó, những ngôi nhà kiên cố như thế này sẽ bị phá dỡ gây tổn hại nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân đã sinh sống ổn định nhiều năm tại khu vực này
Tiếp đó, ngày 22/12/2008, Thanh tra TP. Hà Nội có kết luận số 1375 nêu rõ: “Ban QLDA công viên hồ điều hòa Hạ Đình phản ánh sai sự thật, gây bức xúc, khiếu kiện trong quần chúng nhân dân,…”. Trên thực tế khu vực đất được xác định thực hiện Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình đã có khoảng 350 hộ dân đang sinh sống nhưng BQLDA quận Thanh Xuân, Sở Quy hoạch – Kiến trúc chỉ căn cứ trên bản đồ quy hoạch nên cho rằng đây là “đất trống và hồ”.
Dự án công viên hồ điều hòa Hạ Đình với quá nhiều bất cập, vô lý nhưng không hiểu bằng cách nào lãnh đạo quận Thanh Xuân lại được sự chấp thuận của UBND TP. Hà Nội? Cụ thể, ngày 28/9/2009 UBND TP. Hà Nội lại có công văn số 9291, đồng ý đề nghị lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Công viên hồ điều hòa Hạ Đình mà “quên” mất kiến nghị của Thanh tra Bộ Xây dựng (Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị UBND TP. Hà Nội: Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 quận Thanh Xuân theo quy định tại Luật xây dựng và nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ trước khi cho phép tiến hành phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án).
Biến khu dân cư với hơn 350 hộ dân đang sinh sống ổn định thành khu “đất trống và hồ”, UBND quận Thanh Xuân “lập lờ che mắt” thành phố “quyết” thực hiện bằng được dự án “cải tạo đường và thoát nước ven hồ”.  Theo đó, cuối tháng 9/2011 các hộ dân nơi đây lại nhận được Thông báo số 112/TB-UBND ngày 4/6/2011 của UBND quận Thanh Xuân về việc công bố chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án cải tạo và thoát nước ven hồ,…
Hàng loạt “bất cập” trong dự án “treo”
Sau hàng loạt công văn đề nghị của Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ, ngày 29/9/2011 UBND TP. Hà Nội ra công văn số 8308/UBND-BTCD do ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội ký yêu cầu UBND quận Thanh Xuân rà soát, kiểm tra nội dung đơn thư tố cáo liên quan đến dự án “cải tạo đường và thoát nước ven hồ Hạ Đình”. Tuy nhiên, lại một lần nữa UBND quận Thanh Xuân “quên” chỉ đạo của Thành phố, mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ” mặc cho dân kêu, mặc thành phố chỉ đạo, mặc kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Thành phố,…
Chiều 3/2/2012, PV Dân trí đã mục sở thị khu vực hồ Hạ Đình, đập vào mắt chúng tôi là cảnh mặt hồ đã và đang bị lấn chiếm nghiêm trọng. Tại khu vực dự kiến làm đường ven hồ đã có hàng chục khu đất được phân lô, xây móng chìm dưới long hồ, trong đó có cả những căn nhà cấp 4 đã được xây hoàn thiện, bỏ hoang.  Góc bên phải của hồ cả một dẫy phố “mọc lên” sầm uất. Điều đáng nói ở đây, trên khu vực lấn chiếm ven hồ một ngôi nhà xây dựng trái phép lại được trưng dụng thành “Câu lạc bộ cụm dân cư 3B”, treo biển UBND phường Hạ Đình khiến dư luận hoài nghi ?.
Lý do thu hồi đất được UBND quận Thanh Xuân đưa ra là để làm đường mới rộng 17,5m, điểm đầu nối vào phố Hạ Đình thay cho ngách 101, ngõ 342 đường Khương Đình có nơi hẹp nhất là 4m. Trong khi đó đường Hạ Đình chỉ rộng 6 – 7m, không có vỉa hè.
Điều dễ nhận thấy ở đây là sự vô lý đến khó tả, tại sao lại mở đường ngách rộng gấp gần 3 lần so với đường phố chính? Dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng những người đưa ra quyết sách này không nhằm mục đích chung?
 http://dantri4.vcmedia.vn/gLC4WLlnU8F79RboyWSp/Image/2011/11/cac-khu-nha-phan-lo-da-xay-mong-chim-duoi-mat-ho_e5118.jpg
Tại khu vực ven hồ các khu phân lô đã được chủ nhân xây móng chìm “giữ chỗ” từ lâu. Một câu hỏi được đặt ra, phải chăng chính quyền địa phương đồng thuận với việc làm này?
http://dantri4.vcmedia.vn/gLC4WLlnU8F79RboyWSp/Image/2011/11/ngoi-nha-cap-4-hoan-thien-tren-khu-vuc-lan-chiem_90d10.jpg
Và những ngôi nhà lấn chiếm trái phép ven hồ vẫn ngang nhiên hoàn thiện mà không bị phá dỡ?
 http://dantri4.vcmedia.vn/gLC4WLlnU8F79RboyWSp/Image/2011/11/Khu-vuc-mat-ho-bi-xe-thit_9fc98.jpg
Thật xót xa khi mặt hồ Hạ Đình bị “xẻ thịt” vô số…!
Theo các hộ dân sống quanh khu vực hồ: Thực chất con đường của dự án là đường cụt không tiếp giáp với bất cứ một con đường nào trong khu vực, không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế, không phục vụ giao thông, kinh doanh, du lịch. Phá dỡ nhà của hàng chục hộ dân có nhà kiên cố gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, tổn hại cho các hộ dân.
Điều đáng nói hơn là trước đó vài năm, thay vì xây dựng trường tiểu học Hạ Đình tại khu đất thuộc số nhà 70b, ngõ 342 thì không hiểu vì lý do gì khu đất đó lại cho công ty Động Lực thuê để kinh doanh. Thay vào đó, UBND quận lại cho san lấp gần 11.000m2 đất để xây dựng trường tiểu học Hạ Đình.
Nếu dự án “cải tạo đường và thoát nước ven hồ” được thực hiện thì lại có thêm 3.000m2 mặt hồ được san lấp, như vậy tính sơ sơ hồ Hạ Đình cũng bị “xẻ thịt” đến 14.000m2.
Theo ông Phạm Khắc Kiệm, nguyên sĩ quan Cục quân khí thì để bảo vệ hồ chỉ cần có một dự án không mấy tốn kém là kè hồ, làm đường 3 – 4m để đi bộ ven hồ, giải tỏa dứt điểm các hộ lấn chiếm. Còn việc thu hồi tới 3.000m2 mặt hồ và đất của hàng trăm hộ dân để làm đường ngách rộng tới 17,5m thì quá tốn kém và vô lý.
Có thể nói, chủ trương xây dựng cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ cho lợi ích công cộng, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân là việc làm đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, việc chọn vị trí quy hoạch sao cho hợp lý, tiết kiệm là vấn đề cần phải đặt ra.
Thiết nghĩ việc quy hoạch hồ Hạ Đình cần được tham khảo, lắng nghe ý kiến người dân, tôn trọng các quy định của pháp luật cũng như vì lợi ích chung, tránh làm cuộc sống người dân bị đảo lộn, ngân sách phải tốn kém. Việc xóa bỏ một khu dân cư đã sinh sống ổn định nhiều năm, phá hủy hàng trăm ngôi nhà có trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng cho việc tái định cư là hết sức lãng phí. UBND TP. Hà Nội cần xem xét lại tính khả thi của dự án và chỉ đạo giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân liên quan đến dự án trên.
Bài và ảnh: Thu Hà

Gs. Phan Đình Diệu bàn về Toán học và Dân chủ

Hieuminhblog

Giáo sư Phan Đình Diệu. Ảnh: internet
HM Blog xin đăng lại bài phỏng vấn Giáo sư Phan Đình Diệu được Diễn Đàn dịch từ Tạp chí Nordic Newsletter of Asian Studies (số 2, năm 1993, xuất bản tại Copenhagen, Đan Mạch). Xin cảm ơn Diễn Đàn và Còm sỹ Historian đã tìm ra bài này.
Người phỏng vấn là một nhà sử học Na Uy, ông Stein Tønnesson, tác giả luận án tiến sĩ có giá trị Sự bùng nổ chiến tranh Đông Dương 1946 bảo vệ năm 1982 tại Oslo (bản tiếng Pháp: “ 1946: Déclenchement de la guerre d’Indochine”, Nhà xuất bản L’Harmattan, Paris 1987).
Cuộc phỏng vấn được tiến hành vào tháng 9.1992 tại Viện Khoa học Việt Nam, khi đó Giáo sư Phan Đình Diệu là Viện phó.
Dù phỏng vấn đã có từ cách đây 2 thập kỷ, nhưng những gì Giáo sư Diệu nói vẫn còn nhiều điều đáng để suy ngẫm.
Giáo sư có nhắc đến trí thức Việt nam, một vấn đề nóng trên mạng mấy tuần qua. Ông cho rằng “Chế độ XHCN đào tạo ra những chuyên viên hơn là những trí thức. Chúng tôi có nhiều nhà toán học, nhà vật lý học, nhà sinh học, kỹ sư… và bây giờ thêm nhiều nhà kinh tế. Nhưng chưa bao giờ họ được học để suy nghĩ về các vấn đề của xã hội“.
Gần đây Giáo sư Ngô Bảo Châu, khi luận về trí thức, nói theo một khía cạnh khác ”Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”? Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.” Mặc dầu Ngô Bảo Châu có nói thêm:”Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.”
So sánh hai cách tiếp cận khác nhau về trí thức của hai giáo sư cũng thấy thú vị, nhất là chúng ta cần học để suy nghĩ về các vấn đề của xã hội.

Phỏng vấn Phan Đình Diệu: Ứng dụng toán học và dân chủ

By Stein TØNNESSON
Stein TØNNESSON : Năm 1982, ông công bố trên tạp chí Nghiên cứu Việt Nam một bài báo nhan đề “ ứng dụng toán học và máy tính điện tử”. Nay dường như ông muốn ứng dụng toán học vào cả vấn đề dân chủ. Vì sao một nhà toán học lại trở thành chính khách ?
Phan Đình Diệu: Tôi không phải là chính khách, mà tôi chỉ muốn tham gia vào việc nước như một công dân. Là một người yêu nước, thiết tha với nhân dân nghèo khó, tôi muốn đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước. Là một người làm khoa học, đã từ khá lâu tôi phát hiện ra rằng chủ nghĩa Mác-Lê khó có thể mang lại điều gì hữu ích cho một nước muốn thoát ra khỏi nghèo nàn. Nghiên cứu khoa học điện toán, thuyết hệ thống và các vấn đề quản lý hiện đại, tôi nhận ra rằng mô hình xã hội chủ nghĩa như học thuyết Mác-Lê xác định không phù hợp với một nước muốn phát triển về xã hội, kinh tế và khoa học.Vì những lý do hiển nhiên, Marx và Lenin không có điều kiện tìm hiểu xã hội hiện đại. Song đảng cộng sản ở Việt Nam cũng như ở các nước khác đã ngây thơ tìm cách áp dụng học thuyết của họ vào xã hội hiện đại. Sự thất bại của họ đã được minh chứng rõ rệt nhất trong cuộc cách mạng điện toán, đặc trưng của thế giới trong thập niên 1980. Sự thất bại của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày nay hầu như mọi người đều thấy rõ. Vấn đề còn lại là biết rút ra kết luận một cách đầy đủ và từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê
ST: Tôi có cảm tưởng là trong lãnh vực kinh tế, thực ra Việt Nam đã từ bỏ mô hình xã hội chủ nghĩa rồi.
PĐD: Nét nổi bật trong tình hình hiện nay là sự mâu thuẫn giữa một mặt là ý muốn duy trì sự chuyên chế của đảng, và mặt khác, phát triển thị trường tự do. Đây là là một sự kết hợp mới. Chưa hề có một nhà lý luận cộng sản nào nghiên cứu tình thế này trên một cơ sở có thể coi là thường trực.
ST: Phải chăng hệ thống chính trị hiện nay phản ánh một quan niệm Á châu về dân chủ, khác với quan niệm dân chủ Tây phương?
PĐD: Có thể có sự khác biệt về thực tế chính trị giữa châu Á và phương Tây, chứ không có quan niệm khác nhau về dân chủ. Dân chủ thì ở đâu cũng là dân chủ. Một hệ thống dân chủ đòi hỏi trước hết phải tôn trọng các quyền con người và quyền công dân. Điều này đặt ra ở mọi nơi. Và quyền công dân phải được tôn trọng bằng cách tổ chức bầu cử tự do. Nhân tố then chốt của một chế độ dân chủ là cách bầu ra người lãnh đạo. Bầu cử dân chủ nghĩa là bầu cử tự do, bỏ phiếu kín, và mọi người đều có quyền ra ứng cử. Không có những điều đó, không thể gọi là dân chủ. Cũng cần nói thêm: tất nhiên có những mức độ khác nhau về dân chủ. Theo tôi nghĩ, không có nơi nào nền dân chủ có thể coi là hoàn thiện, kể cả ở nước ông [tức là Na Uy, chú thích của người dịch], hay ở Đức, Pháp hoặc Hoa Kỳ. Chất lượng một chế độ dân chủ có thể đo bằng hai tiêu chuẩn. Thứ nhất là cách vận hành của thể chế bầu cử: cử tri có thực sự được chọn lựa hay không, kết quả cuộc bầu cử phản ánh dân ý tới đâu? Thứ nhì là khả năng của nhân dân tác động vào quá trình quyết định thông qua thảo luận trên các media, trong các cuộc hội họp, gặp gỡ ở địa phương, cũng như ở cấp vùng, và cấp toàn quốc.
ST: Phải chăng ông chủ trương thiết lập một chế độ đa đảng ở Việt Nam?
PĐD: Điều cốt yếu không phải là có nhiều đảng, không phải là có một chế độ đa đảng, mà là có sự chọn lựa thật sự. Muốn chọn lựa thật sự, hai đảng có thể cũng đủ, với điều kiện là hai đảng ấy thực sự khác nhau.
ST: Ông có ngại rằng đặt ra những đảng đối lập có thể tác hại tới sự ổn định xã hội và sự tăng trưởng kinh tế hiện nay ở Việt Nam, thậm chí gây ra hỗn loạn chăng?
PĐD: Vâng, tôi nghĩ có nguy cơ đó; bởi vậy tôi mới nói hai đảng cũng đủ. Trong toán học có một định lý cơ bản: một biểu đồ định hướng là cân bằng nếu như và chỉ nếu như nó có hai nhánh (tiếng Anh bipartite còn có nghĩa là hai bên, hai đảng). Nhiều đảng quá có thể dẫn tới hỗn loạn – trừ phi các đảng liên kết chung quanh hai cực. Hệ thống lưỡng đảng ở Hoa Kỳ hay ở Vương quốc Anh xem ra ổn định hơn là hệ thống nhiều đảng như ở Pháp dưới thời đệ tứ cộng hoà. Còn ở Việt Nam hiện nay là hệ thống chính trị độc đảng. Ngày nào chế độ còn trấn áp được mọi sự đối lập thì hệ thống còn ổn định, nhưng đó chỉ là một sự ổn định tĩnh. Còn sự ổn định động, hàm ý phát triển tích cực, chỉ có thể thực hiện bằng cách lập ra một “đối cực”. Xin hiểu đối cực theo nghĩa xây dựng của nó, chứ không phải phá hoại.
ST: Các nhà lãnh đạo hiện nay của Việt Nam dường như đã tiến một bước khá dài trong việc thừa nhận quyền tự do ý kiến và tự do phát biểu.
PĐD: Sự chuyên chế của đảng không còn toàn diện như trước kia. Có một thời, ngay cả khẩu phần lương thực cũng được quyết định trên cơ sở lòng trung thành đối với đảng. Bây giờ đã tự do hơn, nhưng theo ý tôi, 1987 và 1988 là những năm tự do hơn là từ đó đến nay. Trong hai năm ấy, chúng tôi đã bước đầu thể nghiệm thảo luận về chính trị và lý luận, sau đó bị dẹp.
ST: Người ta vẫn khuyến khích báo chí tố cáo tham nhũng, lạm quyền.
PĐD: Đúng thế, nhưng với những hạn chế rất rõ ràng. Điều cấm kỵ chủ yếu liên quan tới sự chuyên chế của đảng. Không ai được quyền phê bình đảng, cho dù ở cấp huyện. Tham nhũng thì được phép phê phán, vì tham nhũng không phải là vấn đề hệ thống chính trị. Đó là một vấn đề chung. Tham nhũng chung quy có nghĩa là bán quyền lực. Có lẽ ở đâu cũng có sự bán quyền lực, khác nhau là ở quy mô. Tình hình làm ăn hiện nay ở Việt Nam đang làm cho tham nhũng phát triển. Trong một xã hội cộng sản tập trung, sự tham nhũng chừng nào bị lệch dòng (deflected) vì thiếu vắng thị trường. Các đặc lợi phát sinh từ các đặc quyền hơn là do buôn bán quyền thế. Trong những xã hội dân chủ, do không giữ được (hoặc ít giữ được) bí mật, nên ở chừng mực nào đó, sự tham nhũng bị ngăn chặn, hay hạn chế; người ta không (hoặc ít) dám buôn bán quyền lực vì sợ bị tố cáo hoặc truy tố. Còn ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi gặp cả hai cái nạn ấy cộng lại: một thị trường mặc sức phát triển trong đó quyền lực là một thứ hàng hoá buôn đi bán lại, song song tồn tại với một giới cầm quyền giữ bí mật cao độ. Vừa qua có vụ hoá giá nhà ở thành phố Hồ Chí Minh, cán bộ cấp cao được mua nhà công với giá rẻ, và bán lại với giá thật cao, chúng tôi đòi công bố danh sách, song người ta lờ đi. Hệ thống chính trị này không cho phép công bố đầy đủ thông tin về tham nhũng trong những vụ việc có quy mô quá lớn như vậy.
ST: Tôi muốn trở lại vấn đề dân chủ: ông có cho rằng “ đối cực”, hay ít nhất, là cái cực kia, có thể phát triển ngay trong quốc hội hiện nay không?
PĐD: Tôi không mấy tin tưởng vào Quốc hội mới được bầu [tháng 7.1992]. Cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi là chọn giữa vài ứng cử viên đã được đảng và Mặt trận Tổ quốc lựa ra từ trước. Khoảng 40 người ra ứng cử độc lập, nhưng người ta chỉ chấp nhận cho 2 người ứng cử, và cả hai đều thất cử. Trình độ học vấn của các đại biểu khoá này cao hơn khoá trước, nhưng tôi không thấy ai có thể đóng một vai trò độc lập. Các cuộc thảo luận ở Quốc hội vẫn diễn ra trong lằn ranh do đảng vạch ra.
ST: Thế thì ông đặt hy vọng vào đâu? Vào giới trí thức? Trong đại hội Đảng vừa qua, vai trò của trí thức đã được nâng cấp một cách đáng kể?
PĐD: Trước khi bàn về vai trò trí thức, thử hỏi: trí thức là ai? Ở Việt Nam có hay không có một giới trí thức, một lực lượng trí thức độc lập về xã hội và chính trị? Đó là vấn đề quan trọng đặt ra cho mọi xã hội muốn thiết lập hay cải thiện chế độ dân chủ. Trước tiên, tôi muốn nói tới lớp những nhà trí thức đã được đào tạo dưới thời Pháp thuộc. Trong lớp này, có những nhân vật dũng cảm và đáng kính. Một vài vị còn sống nhưng không còn mấy ảnh hưởng. Thật ra, chỉ còn lại một số rất nhỏ. Chúng tôi quý trọng công lao của họ đối với dân tộc. Lớp thứ hai là một số đông những chuyên gia được đào tạo trong giai đoạn xã hội chủ nghĩa. Trái ngược với nền giáo dục thời Pháp, chế độ xã hội chủ nghĩa đào tạo ra những chuyên viên hơn là những trí thức. Chúng tôi có nhiều nhà toán học, nhà vật lý học, nhà sinh học, kỹ sư… và bây giờ thêm nhiều nhà kinh tế. Nhưng chưa bao giờ họ được học để suy nghĩ về các vấn đề của xã hội. Đảng nghĩ hộ cho mọi người. Ý thức chính trị của các chuyên viên nói chung là yếu. Những người giỏi tham gia chính quyền, và tự nhiên là đảng viên. Rất có thể nhiều chuyên viên, trong cuộc sống riêng, cũng có tư tưởng dân chủ, nhưng không có cách gì kiểm nghiệm điều đó cả. Thành phần thứ ba là những trí thức được đào tạo trước đây ở miền Nam. Phần đông đã bỏ đi. Tất nhiên có thể họ sẽ trở về giúp nước bằng cách này hay cách khác, nhưng muốn đóng một vai trò chính trị có ý nghĩa, thì người trí thức phải gần gụi nhân dân. Cuộc sống kéo dài ở hải ngoại không phải là mảnh đất thuận lợi cho một lực lượng trí thức tích cực. Cuối cùng là thanh niên, những người vừa được hay còn đang được đào tạo trong những năm gọi là đổi mới. Những năm gần đây, quả đã có một nền văn nghệ độc lập khởi sắc. Nhưng còn phải có thời gian thì các xu hướng nói trên mới có thể hình thành một lực lượng xã hội chính trị thực sự. Nói tóm lại, kết luận của tôi là hiện nay Việt Nam chưa có một giai cấp trí thức.
ST: Nghĩa là nhìn về toàn cục thì ông bi quan? Hay ông còn thấy có hy vọng ở đâu đó?
PĐD: Tôi nói điều này chắc ông ngạc nhiên: mặc dầu tôi đã nói như ở trên về sự chuyên chế của đảng cộng sản, song tôi vẫn hy vọng là đảng cộng sản tự nó sẽ thay đổi. Những ai suy nghĩ một cách có trách nhiệm về tiền đồ dân tộc tất phải tán thành sự thay đổi trong ổn định. Cách tốt nhất để thực hiện việc này là thuyết phục đảng cộng sản phải biết nhìn nhận thực tế và từ bỏ con đường cũ. Tôi đã soạn những bản kiến nghị và nói với những nhà lãnh đạo đảng. Ít nhất họ đã nghe tôi nói. Theo tôi, đảng cộng sản Việt Nam có hai mặt, mặt cộng sản và mặt yêu nước. Nó nên giữ mặt thứ nhì và bỏ mặt thứ nhất, nó có thể tự biến đổi thành một lực lượng yêu nước chân chính. Theo chỗ tôi biết, có những nhà lãnh đạo cấp cao là những người rất chân thành.
ST: Nhưng làm thế nào đi tới cái thế lưỡng cực?
PĐD: Đây chính là sự thử thách lớn về tinh thần trách nhiệm và sự dũng cảm của giới lãnh đạo. Nếu họ thực sự yêu nước thương dân thì họ phải chấp nhận biến đảng trở thành một đảng dân tộc, tôn trọng đầy đủ các quyền tự do cơ bản và tổ chức bầu cử tự do. Trong điều kiện đó, những tổ chức chính trị khác sẽ xuất hiện, từng bước triển khai thành một lực lượng đối lập xây dựng. Nếu đảng cộng sản tự cải tạo trong quá trình đó, thì trong suốt một thời gian dài, nó có thể thắng cử.
ST: Ông có nghĩ rằng ông có thể đóng một vai trò trong tiến trình biến đổi đó hay không? Phan Đình Diệu phải chăng là Sakharov của Việt Nam?
PĐD: Như tôi đã nói ở trên, tôi không phải là một chính khách và tôi không có tham vọng (chính trị). Song, với tư cách một nhà khoa học và một công dân yêu nước, tôi muốn tham gia việc nước. Dân chủ là tham gia việc nước.
Viện KHVN nơi có cuộc phỏng vấn. Ảnh: VKHVN

Vladimir Putin: Con Rồng Long Móng

Dainamaxtribune

Hưng Chấn – Việt Báo Xuân Nhâm Thìn
Khi Con Rồng Muốn Đánh Thức Con Gấu Trong Hơi Men…
 http://phamdinhtan.files.wordpress.com/2012/02/redputin.png?w=210
 * Con rồng đỏ Vladimir Vladimirovich Putin * 
Vào năm Nhâm Thìn này mà quên một người tuổi Nhâm Thìn thì cũng uổng. Huống hồ người đó lại là Vladimir Putin, cựu và tân Tổng thống của Liên bang Nga!
  
Truyền thuyết Âu Châu hay nhắc đến Dracula, con quỷ ưa hút máu người.
Đấy chỉ là nhân vật hư cấu trong cuốn “Bá tước Dracula“, tác phẩm kinh dị của Bram Stoker xuất bản năm 1897. Nhưng tác giả lấy hình tượng Dracula từ một nhân vật có thật. Và Dracula có nghĩa là “Con Rồng” – con của rồng! Mà chưa chắc đã là cháu tiên như dòng giống Việt của chúng ta….
Nhân vật lịch sử này vào thế kỷ 15 là Vlad Đệ Tam. Tước hiệu đầy đủ là Vlad III, Prince of Wallachia, quân vương đất Transylvania, nước… Lỗ của Âu Châu có tên là Romania. Anh hùng chống lại sự bành trướng của Đế quốc Hồi giáo Ottoman.
Trong lịch sử Trung Cổ, nhân vật này mang hỗn danh là… “Vlad Xuyên Trượng“. Đó là nhờ kỳ tích là xuyên gậy dọc thân thể kẻ thù, vâng ạ, từ lỗ dưới trổ lên lỗ trên! Vì thân phụ thuộc dòng Long Vương (Dracul), một tước hiệu, nên Vlad III mới được gọi là Dracula. Rồi thành nguồn cảm hứng cho Bram Stoker….
Cứ mải xem phim và đọc truyện Dracula, ta quên mất rằng hình như Vlad Đệ Tam đã đầu thai vào Liên bang Xô viết mà vẫn giữ tên cũ là Vladimir. Đó là Vladimir Vladimirovich Putin, nhân vật sinh năm Nhâm Thìn 1952, tại thành phố có tên rất Xô viết là Leningrad. Chứ tên nguyên thủy và hiện đại là Saint Petersburg, của Liên bang Nga. Vlad Putin cũng giữ lại đặc tính xuyên trượng của Vlad the Impaler. Nhưng theo phương pháp Xô viết: nâng khoa học đàn áp lên hàng nghệ thuật…..
Vào năm Nhâm Thìn mà nhắc đến người tuổi thìn, không thể không nhớ đến Vladimir Putin, nhất là ông ôm hy vọng sẽ lại làm Tổng thống Nga sau cuộc bầu cử vào tháng Ba này.
Vui như Tết!
 http://phamdinhtan.files.wordpress.com/2012/02/vodkaputin.png?w=300
  * Tổng thống duy nhất có tên trên chai rượu đế! * 
***
Số là khi Liên bang Xô viết rung chuyển vào cuối năm 1991, một người có đởm lược vào phút lịch sử là Boris Yeltsin đã kịp xoay 180 độ và thách đố cường quyền rụm rã. Nhưng đởm lược đó không giúp Yeltsin trở thành một Tổng thống cần thiết, cho Liên bang Nga có thể đứng dậy từ những đổ nát của Liên Xô. Tám năm sau, Yeltsin lại có một quyết định lịch sử vào cuối năm 1999: chọn một nhân vật mờ nhạt làm Thủ tướng, rồi quyền Tổng thống. Đó là Vladimir Putin.
Đưa nước Nga ra khỏi cơn hỗn loạn là công trạng của Putin sau khi đắc cử Tổng thống năm 2000. Khi ấy người ta mới thấy Yeltsin là tinh đời.
Vladimir Putin gia nhập đảng Cộng sản khi còn học trường luật tại Leningrad. Tốt nghiệp năm 1975 thì được KGB đào tạo và phục vụ cơ quan này ở nhiều bộ phận khác nhau cho đến khi Liên Xô sụp đổ, đảng Cộng sản bị giải tán vào cuối năm 1991. Đầu năm 1992 thì Putin rời KBG về làm việc tại Saint Petersburg dưới sự chỉ huy của Thị trưởng Anatoly Sobchak, thầy cũ trong trường luật. Trong 15 năm phục vụ, Putin không có gì nổi bật ngoại trừ sự cần cù mẫn cán và được sự tin tưởng của thành phần chính khách quan tâm đến an ninh và quân sự, những tay “siloviki“.
Chính là hậu thuẫn của đám siloviki khiến Putin bước vào quỹ đạo của Yeltsin và được đưa lên chỉ huy cơ quan an ninh FSB, hậu thân của KGB. Lên làm Thủ tướng, Putin lập tức thành danh nhờ bàn tay sắt trong cuộc chiến đòi ly khai của sắc tộc Chechchen. Và dù đã nát rượu, Yeltsin vẫn đủ sáng để chuẩn bị cho Putin lên thay mình một cách an toàn, với điều kiện ngầm là “làm sạch tất cả mà không đụng tới gia đình và thân tộc của Yeltsin.” Đó là Sắc lệnh đầu tiên của quyền Tổng thống Putin: Bảo đảm an toàn cho nguyên Tổng thống Yeltsin và cả gia đình.
Thật ra, làm sạch tất cả là một nhu cầu vì Liên bang Nga khi ấy bị khủng hoảng trầm trọng, mấp mé vỡ nợ và bên trong, nạn tham nhũng hoành hành ở mọi cấp. Đấy là lúc người ta để ý đến một thế lực mới, các tài phiệt “oligarch” đã làm giàu rất nhanh nhờ làm thịt các cơ sở quốc doanh của Liên Xô cũ trong tiến trình cải cách kinh tế như điện giật và cổ phần hóa như cướp giật.
Đắc cử ngay từ vòng phiếu đầu tiên vào tháng 3 năm 2000, Putin làm Tổng thống vào tháng 5.
Con người sắt thép lộ diện vì ra tay củng cố chính quyền trung ương, loại bỏ các tài phiệt cứng đầu hoặc có tham vọng chính trị và kết nạp vây cánh cho một cuộc cải cách toàn diện, trước hết cũng là từ nền tảng luật pháp. Thành tích và thế lực đó khiến ông tái đắc cử với 71% số phiếu vào năm 2004 và trở thành người hùng. Nhưng cũng là một người rất hung trong nhiệm kỳ hai.
Đấy là lúc nhân vật Vlad xuất hiện.
Con rồng này cực kỳ kiên nhẫn để chậm rãi tập trung quyền lực vào chính quyền trung ương, rồi từ chính quyền trung ương vào đôi tay khỏi cần bọc nhung của mình. Truyền thông báo chí bị gọi ra xếp hàng một, ai nói khác là bị á khẩu, có khi lãnh đạn. Tài phiệt ngoan cố đòi dồn tiền cho lãnh tụ khác thì vào tù, tài sản bị trưng thu. Đối lập dù có lưu vong thì cũng vẫn lãnh độc dược, bằng phóng xạ….
Thành tích hay tai tiếng của con rồng Vlad Putin là việc tống giam và truy tố tài phiệt giàu nhất nước là Mikhail Khodorskovsky, Chủ tịch của Tập đoàn YUKOS, về tội gian lận và trốn thuế. Tội thật và nặng hơn nhiều là dám đụng vào cái vẩy ngược của con rồng: chi tiền cho đối lập và còn dự tính ra tranh cử.
Một thành tích khác là vụ ám sát nữ ký giả Anna Politkovskaya ngay tại Moscow khi nàng phanh phui nạn tham nhũng trong quân đội và hành vi bạo ngược với dân Chechchen. Không chỉ truyền thông và tài phiệt mới bị kiểm soát trong một chế độ bị mệnh danh là “khủng bố bằng luật pháp”. Hà Nội ta chẳng phát minh ra cái gì cả!
Đối lập đã lưu vong ra ngoài cũng bị Vlad truy lùng tới cùng, như tài phiệt Boris Berezovsky bị mưu sát tại London. Rồi nhà báo – nhân viên KGB cũ – Alexander Litvinenko đòi tiết lộ nội vụ thì bị ngộ độc với chất phóng xạ “polonium 210” cũng tại London!
Xuất thân từ KGB, với trình độ nghiệp vụ rất cao, Vlad Putin cầm đầu một bộ máy đầy chất phát xít cực hữu, rất xứng danh Vlad Xuyên Trượng. Tính hiện đại là nghệ thuật “quản lý dân chủ”.
Vì Hiến pháp quy định là Tổng thống không thể ra tranh cử sau hai nhiệm kỳ, năm 2008, Vlad Putin đưa Dimitri Medvedev ra tranh cử, còn mình lui về làm Thủ tướng lần thứ nhì, từ tháng 5 năm 2008 và chuẩn bị tu chỉnh Hiến pháp. Từ nay, nhiệm kỳ Tổng thống sẽ là sáu năm và tháng 9 vừa qua, Vlad Putin tuyên bố sẽ ra tranh cử Tổng thống, lần thứ ba. Với đà này thì sẽ còn lần thứ tư và Vlad Putin có thể làm Tổng thống thêm 12 năm, cho đến 2024.
Hậu sinh khả úy, Vlad Putin sẽ lãnh đạo nước Nga còn lâu hơn Tổng bí thư Leonid Brezhnev và chỉ thua Stalin có sáu tháng mà thôi!
Nhưng sẽ đưa nước Nga về đâu?
 http://phamdinhtan.files.wordpress.com/2012/02/thebear.png?w=300
* Con gấu Nga vào giấc đông miên – lỗi tại chai vodka? *
***
Sau khi tuyên bố ra tranh cử, đầu tháng 10, Putin thông báo kế hoạch xây dựng một “Liên bang Âu Á” tương tự như Liên hiệp Âu Châu, nhưng trải rộng từ Âu sang Á. Rất lớn lao vĩ đại, ngang tầm Thành cát Tư hãn.
Putin cũng muốn hiện đại hóa cả nền kinh tế lẫn hệ thống kỹ nghệ lạc hậu của xứ sở, chủ yếu là qua hợp tác với Âu Châu. Nga có năng lượng và khoáng sản mà thiếu kỹ thuật tiên tiến, kể cả kỹ thuật võ khí đã bắt đầu tụt hậu. Mười năm sau Trung Quốc, năm Nhâm Thìn này Nga sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới – sau 18 năm thương thuyết – nhưng kết quả sẽ không là bước nhảy vọt vĩ đại như Trung Quốc chỉ vì sức giao tiếp kinh tế rất hạn chế với các nước ngoài thị trường Âu Châu.
Về an ninh Putin dùng đòn bẩy kinh tế và vị trí địa dư tiếp cận với Âu Châu để ly gián quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ và khối Liên Âu, trước hết qua việc hăm dọa và dụ dỗ các nước Đông Âu trong khối Xô viết cũ. Sau khi khống chế Georgia rồi khuynh đảo Ukraine, Putin chọn đối tượng mới là Cộng hoà Tiệp, và đã thực tế bố trí võ khí chiến lược tại Kaliningrad, ở ven biển Baltic sát nách các nước của Minh ước NATO.
 http://phamdinhtan.files.wordpress.com/2012/02/europeanpie.png?w=300
 * Rót vodka để chia phần tại Âu Châu *
Ra ngoài Âu Châu, Putin cùng Bắc Kinh ra sức đỡ đòn cho các  chế độ độc tài trại Iran hay Syria và không từ nan cơ hội nào để gây khó cho Hoa Kỳ, từ chiến trường Afghanistan qua Vịnh Ba Tư. Vì thế, mọi thầy Quỷ Cốc đều xủ quẻ tiên đoán rằng năm Nhâm Thìn sẽ thấy con rồng Putin xoảy cánh banh.
Nhưng có khi lại gẫy cánh.
Chỉ vì sau cuộc bầu cử Hạ viện Duma vào đầu tháng 12 vừa qua, hình như làn gió dân chủ sẽ sưởi ấm bình nguyên Nga La Tư và Vlad Putin gặp vất vả với đối lập. Thành phần trung lưu đã từng hưởng lợi rất nhiều nhờ thành tích ổn định của Putin lại thất vọng với thủ đoạn sắt thép của Vlad và họ xuống đường biểu tình chống lại kết quả bầu cử mà họ cho là có gian lận.
Thật ra, kết quả biểu tình đó chưa đủ đe dọa chế độ vì Putin vẫn có hậu thuẫn của các chính đảng lớn nhất, từ đảng Thống Nhất Nga của mình tới ba đảng gọi là “đối lập” – là đảng Cộng sản, đảng cực hữu và đảng trung tả. Chế độ “quản lý dân chủ” của Putin sẽ còn tồn tại, còn được tiếng là không đàn áp dân biểu tình.
Tuy nhiên, mệnh trời lại định khác: con rồng này lại không thể… “nhập tử cung”.
Với đầy bản lãnh và thủ đoạn, Vlad Putin không thể xoay ngược được một hiện tượng lạ: dân Nga không muốn đẻ đái nữa!
Liên bang Nga là quốc gia duy nhất trên cõi đời này mà số người chết lại thường xuyên vượt qua số người mới đẻ. Sinh suất thua tử suất làm dân số giảm sút liên tục và sẽ còn giảm. Đã chẳng muốn có con, dân Nga còn không thiết tha với đời sống và lặng lẽ tự hủy diệt bằng đủ loại chất độc mà rượu vodka không là duy nhất. Chưa ai hiểu rõ lý do – chẳng lẽ là vì tàn dư văn hoá cộng sản – nhưng mọi nhà nghiên cứu đều nói đến một chuyển động chậm rãi, sâu xa và âm thầm khiến con gấu Nga từ từ tàn lụi với dân số ngày càng ít trên một lãnh thổ rộng lớn nhất thế giới.
Khi Putin về hưu sau 24 năm lãnh đạo xứ sở bát ngát này, có khi dân số của Nga chỉ bằng dân số của Việt Nam! Làm sao phòng thủ một quốc gia hớ hênh trống trải như vậy?
Mà thiên nhiên vốn không ưa chân không. Khi dân số Nga thu hẹp lại, thì các sắc tộc Hồi hay Hoa sẽ lặng lẽ trám vào khoảng trống, từ Trung Á qua Tây Bá Lợi Á đến tận Viễn Đông…. Vì vậy, kế hoạch củng cố và bành trướng của Vlad Putin thật ra đã bị rút ruột.
Con rồng Putin đang bị long móng vì con gấu Nga không chịu ra khỏi giấc đông miên!
 ___________________________________________________________________
[Sau bài "Chuyện Hợp Tan Của Liên Bang Nga", xin giới thiệu bài viết rất vui này của Hưng Chấn trên Việt Báo Xuân Nhâm Thìn, Tháng Giêng 2012 - NXN]
 Đường dẫn >>>Chuyện Hợp Tan Của Liên Bang Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét