Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

XUNG QUANH HỘI NGHỊ VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU 2011

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ năm, ngày 15/12/2011

XUNG QUANH HỘI NGHỊ VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU 2011

(Đài Ôxtrâylia 12/12)

Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc ở Durban, Nam Phi với sự tham gia của 190 quốc gia đã kết thúc với một thoả thuận mới mang tính ràng buộc giữa tất cả các quốc gia về việc cam kết cắt giảm khí thải trước năm 2020. Thoả thuận cam kết cắt giảm khí thải này được xem là bước tiến nối Nghị định thư Kyoto. Tất cả các nước sẽ ký vào thỏa thuận từ đây cho đến năm 2015.
Gia hạn Nghị định thư Kyoto
Theo thỏa thuận mới đạt được tại hội nghị năm nay, giai đoạn đầu tiên cắt giảm khí thải bắt đầu từ năm 2008 và kết thúc vào năm 2012. Giai đoạn thứ hai từ 1/1/2013 đến cuối năm 2017.
Hội nghị cũng đã đồng ý gia hạn Nghị định thư Kyoto trong 5 năm nhưng các luật sư sẽ phải điều chỉnh lại các chi tiết của nghị định thư để phù hợp với lộ trình cắt giảm khí thải mới được Liên minh châu Âu đề xuất.
Hình thức pháp lý
Các nước tham gia hội nghị đã đồng ý bắt đầu cuộc đàm phán cho một hiệp ước ràng buộc mang tính pháp lý mới trước năm 2015 và có hiệu lực vào năm 2020.
Mục tiêu tương lai
Theo đề nghị của Liên minh châu Âu và Liên minh các quốc đảo nhỏ, các nước đồng ý khởi động một kế hoạch làm việc để xác định các phương án nhằm thu hẹp khoảng cách cắt giảm khí thải hiện nay giữa các quốc gia vào năm 2020, đồng thời cố gắng giữ nhiệt độ nóng lên trên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C.
Tính minh bạch
Thoả thuận trọn gói tại hội nghị Durban đã đưa ra những cam kết mới nhằm đảm bảo tính minh bạch trong các hoạt động cắt giảm khí thải được thực hiện bởi các quốc gia phát triển và đang phát triển. đây là điểm mấu chốt để xây dựng niềm tin giữa các bên.
Vấn đề tài chính
Các quốc gia nghèo là đối tượng cần được hỗ trợ về tài chính nhất là trong quá trình thực hiện cắt giảm khí thải. Trong khuôn khổ thoả thuận mới, các quốc gia này sẽ được hỗ trợ lên đến 98 tỷ USD mỗi năm từ nay cho đến năm 2020, Tuy nhiên nguồn hỗ trợ lấy từ đâu vẫn là vấn đề cần được tiếp tục bàn thảo.
Cơ chế làm việc mới
Các đại biểu đã thống nhất xác định cơ chế làm việc mới theo một hiệp ước kế tiếp Nghị định thư Kyoto, nhưng cac quy định cụ thể sẽ được tiếp tục thảo luận trong năm tới.
Liên minh châu Âu mong muốn các cơ chế làm việc mới để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nằm ngoài Nghị định thư Kyoto cần theo luật pháp quốc tế. Các bên sẽ bắt tay vào việc phát triển một khuôn khổ cơ chế mới trong vòng 12 tháng tới cho đến Hội nghị thượng đỉnh Cata vào cuối năm 2012.
Lưu trữ và thu thập cácbon
Hội nghị Durban lần này cũng đã kết thúc 6 năm tranh cãi về vấn đề sử dụng công nghệ nào để thu thập và lưu trữ cácbon đáp ứng các điều kiện theo cơ chế phát triển sạch.
Nghị định thư Kyoto đã đề xuất mức thưởng các chính phủ hoặc công ty đầu tư vào những dự án năng lượng sạch ở các nước đang phát triển bằng lợi nhuận thu được từ nguôn cácbon này.
Tuy nhiên, theo những quy định mới, 5% lợi nhuận sẽ được giữ lại và chỉ giao cho các nhà sản xuất sau quá trình kiểm tra chứng minh rằng khí thải không rò rỉ từ lòng đất trong 20 năm.
Giảm khí phát thải từ việc phá rừng  
Các quốc gia đồng ý xem xét phương thức tài trợ tư nhân và cơ chế thị trường để tài trợ cho chương trình giảm khí phát thải từ việc phá rừng. Thông tin chi tiết sẽ được thảo luận trong các năm tới.
***
Theo một nghiên cứu mới công bố, khí thải CO2 từ các nhà máy sản xuất công nghiệp trên toàn cầu tăng 3% mặc dù nền kinh tế thế giới đang suy thoái.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Dự án Cácbon Toàn cầu, báo cáo hàng năm về hiện tượng phát thải khí CO2, cho thấy hiện tượng giảm khí thải trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008 – 2009) chỉ là bước đệm cho việc gia tăng trở lại vào 2011, nối tiếp tỉ lệ tăng đột biến 6% vào năm 2010.
Theo nghiên cứu, chỉ một vài nước lớn đang phát triển là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã thúc đẩy Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước khác đưa ra kế hoạch kích thích năng lượng xanh dài hạn nhằm nỗ lực cắt giảm lượng khí CO2.
Cũng theo kết quả phân tích số liệu thống kê của Chính phủ Mỹ, Liên hợp quốc và BP, trong ngắn hạn, mức độ tập trung khí thải cácbon của các nền kinh tế, phép đo lượng khí thải cácbon trong một đơn vị GDP không giảm mà lại tiếp tục tăng.
Số liệu cho thấy lượng khí thải toàn cầu do đốt nhiên liệu và sản xuất xi măng đã tăng 5,9% vào năm 2010, so với tỉ lệ giảm 1,4% vào năm trước đó.
Trong cả hai năm 2009 – 2010, lượng khí thải gia tăng chủ yếu ở các nền kinh tế mới nổi lên, trong đó vào năm 2010, lượng khí thải của Trung Quốc tăng vọt lên 10,4%, Ấn Độ 9,4%, Braxin 11,6% và Hàn Quốc 9,2% .
Trong năm 2010, lượng khí thải ở các nước phát triển cũng gia tăng với mức cao nhất, trong đó mức tăng ở Mỹ là 4,1%, Liên bang Nga là 5,8%. khí thải từ Trung Quốc, nước có lượng khí thải CO2 cao nhất thế giới, đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ 2002 – 2010.
Than đá vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu 
Trên toàn thế giới, mức khí thải CO2 từ than đá năm 2010 chiếm 41%, dầu 34%, phần còn lại là từ khí đốt và sản xuất ximăng.
Các tác giả nghiên cứu thể hiện mối quan ngại về sự đảo ngược chiều hướng dài hạn trong việc cải thiện mức độ tập trung khí thải cácbon ở một số nền kinh tế trong khoảng thời gian từ năm 1970-2000. Tỉ lệ cải thiện mức độ tập trung cácbon ngưng lại vào năm 2009 và giảm nhẹ vào năm 2010.
“Hiện tượng khí thải tăng trở lại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là tiếp tục chiều hướng tăng mức độ tập trung khí thải cácbon từ năm 2000”, các tác giả nghiên cứu cho biết.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra hiện tượng tăng lượng khí thải là do tiêu thụ và sử dụng các hàng hóa và dịch vụ nội địa, chưa bao gồm lượng khí thải từ các sản phẩm xuất khẩu. Vào năm 2009 và 2010, lượng khí thải từ tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ ở các nước phát triển giảm mạnh.
Ở các nước đang phát triển, chiều hướng diễn ra ngược lại. Năm 2009 đánh dấu lần đầu tiên các nước đang phát triển có lượng khí thải từ tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ cao hơn các nước phát triển.
Tiến sĩ Pep Canadell, Giám đốc điều hành dự án cácbon Toàn cầu, cho rằng gói kích thích kinh tế châm ngòi cho hiện tượng lượng khí thải cácbon tăng trở lại.
“Từ quan điểm về khí thải, gói kích thích kinh tế rất hiệu quả. Nó khiến cho lượng khí thải CO2 nhanh chóng quay trở lại tương đương với mức khí thải từ việc sản xuất hàng tiêu dùng”, tiến sĩ Canadell nhận xét.
Một nghiên cứu độc lập công bố tháng 11/2011 kết luận rằng gần như thế giới không thể giới hạn mức nhiệt độ tăng lên 2 độ C nếu dựa trên các số liệu về các nguồn đầu tư khổng lồ cho các trạm năng lượng gây ô nhiễm.
Ngiên cứu trên tạp chí “Nature Climate Change” đã tìm hiểu một số viễn cảnh về cắt giảm khí thải và tác động dài hạn đối với hành tinh. Trong viễn cảnh tốt nhất, nếu lượng khí thải giảm trong thời gian ngắn, nhiệt độ trái đất có thể sẽ không tăng thêm 2 độ C.
Việc cắt giảm thường niên khoảng 5% hoặc 3% sẽ giúp cho lượng khí thải cuối cùng có thể giảm xuống 0. Nếu điều đó xảy ra, nhiệt độ không tăng thêm 2 đôn C. Trong trường hợp có thể giảm lượng khí thải 3%/năm trong 2 hoặc 3 thập niên tới, bức tranh toàn cảnh có thể thay đổi.
Tiến sĩ Mike Raupach, một nhà khoa học nghiên cứu khí hậu tại tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp Khoa học Ôxtrâylia (CSIRO), cho rằng nếu chúng ta trì hoãn cắt giảm khí thải càng lâu, tốc độ khí thải cần giảm diễn ra nhanh hơn. Đến một thời điểm nào đó, tốc độ giảm lượng khí thải sẽ không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
***
(Đài RFL 12/12)
Thoả hiệp Durban: sự ra đời một không gian thương thuyết toàn cầu về khí hậu
Về Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu tại Durban vừa kết thúc, tờ Le Figaro có bài “Một thoả hiệp tối thiểu về khí hậu đạt được tại Durban”. Bài báo dẫn lời Bộ trưởng Môi trường Pháp, Nathalie Kosciusco – Morizet, cho biết: mặc dù văn bản thoả thuận cuối cùng của hội nghị không chuyển tải được tham vọng ban đầu của Liên minh châu Âu, nhưng thỏa thuận này đã cho phép đạt được điều mà châu Âu hy vọng từ 10 ngày nay. Đó là sự ra đời của “một không gian thương thuyết giữa tất cả các quốc gia trên hành tinh” kể cả những nước đứng ngoài Nghị định thư Kyoto như Mỹ và Trung Quốc, nhằm hướng đến một thoả thuận, dự kiến sẽ được ký kết vào năm 2015. Đối lại thành công này, châu Âu đã cam kết tiếp tục thực hiện giai đoạn hai của Nghị định thư Kyoto (bắt đầu từ cuối năm 2012 trở đi).
Cho đến nay, Nghị định thư Kyoto chỉ liên quan đến một số nước công nghiệp phát triển nào cam kết tham gia. Tuy nhiên, văn bản pháp lý được coi là mang tính ràng buộc này, lại không có được cơ chế cho phép trừng phạt các quốc gia nào không tuân thủ những cam kết. Le Figaro so sánh nghị định thư này như này với một bộ luật được ban hành, nhưng không có nghị định để thực thi.
Một trong các trở ngại cơ bản đối với thoả thuận mới về khí hậu đang được chuẩn bị là “quy chế pháp lý” của thoả thuận còn chưa được làm rõ.
Một số tổ chức phi chính phủ tỏ ra thất vọng với thoả hiệp Durban, vì cho rằng nó thiếu các chỉ tiêu lớn được đưa ra. Trên thực tế, các cam kết giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong hiện tại còn ở xa dưới mức cần thiết, để cho phép nhiệt độ không tăng lên quá 2o C. Một thất vọng khác là dù phương thức vận hành của “các quỹ xanh” đã được thông qua, nhưng Durban đã không đưa ra được một động thái cụ thể nào để tìm ra tiền cho các quỹ này. Chúng ta biết, cách đây hai năm, tại Côpenhaghen, nguyên thủ các nước đã cam kết, cho đến năm 2020, sẽ đầu tư 100 tỷ USD cho các quỹ này ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét