Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Lực lượng quân sự Israel & Iran_Các cơ sở hạt nhân của Iran


Lực lượng quân sự Israel

Israel có kho vũ khí phong phú với nhiều loại xe tăng, tàu ngầm, máy bay chiến đấu, tên lửa và súng ống hiện đại có nguồn gốc nước ngoài hoặc tự sản xuất.

image

Xe tăng Merkava Mark IV, phiên bản mới nhất của dòng chiến xa Merkava được sản xuất từ năm 1999. Với chi phí ra lò là 4,5 triệu USD/chiếc, xe tăng Merkava Mark IV là một loại khí tài hiện đại. Nó được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực nâng cấp, hệ thống điều khiển điện tử, khả năng sửa chữa nhanh chóng khi gặp trục trặc.
Quân đội Israel hiện có 320 xe tăng Merkava Mark IV, trong khi số xe tăng cùng loại nhưng khác phiên bản là 1.360 chiếc. Đây là những chiến xa chủ lực của Israel và do nước này tự chế tạo.

image

Ngoài xe tăng Merkava, Israel còn có một loại chiến xa đáng chú ý khác là Magach, với phiên bản mới nhất là Magach 7 được chế tạo theo mẫu xe tăng M60 Patton của Mỹ. Tổng số chiến xa Magach đang có trong quân đội Israel là 1.550 chiếc.

image

Thiết giáp IDF Achzarit được Israel sản xuất dựa trên thiết kế của xe tăng T-54/T-55 của Liên Xô cũ. IDF Achzarit được sử dụng để vận chuyển binh sĩ và được trang bị một số loại súng có hỏa lực mạnh. Quân đội Israel hiện nay có 215 Thiết giáp IDF Achzarit.

image

Israel hiện nay có tới 600 cỗ pháo tự hành M109 155mm. Đây là mẫu pháo tự hành do Mỹ thiết kế và chế tạo.

image

Tên lửa chống xe tăng tầm xa Nimrod là một sản phẩm do Israel chế tạo. Loại tên lửa này có thể được phóng đi từ trên không hoặc từ dưới mặt đất. Ngoài mục đích theo thiết kế nhằm tấn công xe tăng của đối phương, tên lửa Nimrod còn có khả năng đánh phá các xe bọc thép, tàu chiến, boong ke... Tên lửa có thể đạt tốc độ 2.000 km/giờ này được trang bị hệ thống dẫn đường laser, vì thế nó có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm.

image

Quân đội Israel còn đang sử dụng tên lửa chống xe tăng BGM-71 TOW do Mỹ sản xuất từ năm 1970. Đây là một trong số những tên lửa chống tăng được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay.

image

Không quân Israel sử dụng máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle do Mỹ chế tạo. Đây là loại phản lực cơ có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, với tầm hoạt động rộng và có khả năng tiến sâu vào lãnh thổ của đối phương. F-15E Strike Eagle là một vũ khí lợi hại dành cho đòn tấn công phủ đầu, nhằm làm nhụt ý chí chống trả, tạo điều kiện cho các đơn vị khác tấn công.

image

Ngoài F-15E Strike Eagle, quân đội Israel còn có một loại chiến đấu cơ khác là F-16I Sufa. Đây là loại máy bay phản lực được dựa trên mẫu F-16 của Mỹ, nhưng đã có nhiều cải tiến. Israel đã thay mới 50% số thiết bị điện tử hàng không trên chiếc F-16l Sufa. Israel hiện có khoảng hơn 100 chiếc F-16l Sufa.

image

Không quân Israel sử dụng nhiều loại trực thăng tấn công khác nhau, trong đó nổi bật là AH-64 Apache do hãng Boeing của Mỹ sản xuất. Loại trực thăng này được điều khiển bởi hai phi công và được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, cùng các hệ thống hỗ trợ hữu hiệu, đặc biệt là hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

image

Israel cũng đầu tư nghiên cứu và phát triển một số loại máy bay không người lái phục vụ mục đích quân sự. Từ trái qua phải là các máy bay không người lái IAI Heron, IAI Eitan, IAI Harpy, IAI Harop, Elbit Hermes 450 và Elbit Skylark.

image

Tàu ngầm lớp Type 800 Dolphin của Israel là loại tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel do Đức sản xuất. Nó được dựa trên mẫu tàu ngầm lớp 209 mà Đức chế tạo để dành riêng cho việc xuất khẩu tới các khách hàng nước ngoài. Tàu ngầm lớp Type 800 Dolphin có chi phí đóng mới hàng trăm triệu USD mỗi chiếc và được coi là một trong những loại tàu ngầm có thiết kế phức tạp cũng như hiệu quả hoạt động hàng đầu trên thế giới. Israel hiện có 3 chiếc loại này và đang đặt hàng 3 chiếc nữa.

image

Tàu hộ tống lớp Sa'ar 5 là một mẫu cải tiến từ tàu hộ tống lớp Sa'ar 4,5. Hải quân Israel đang vận hành 3 tàu loại này. Đây là những chiến hạm có sức mạnh nhất trong hạm đội hải quân của Israel. Dù mang danh là tàu hộ tống nhưng Sa'ar 5 lại được trang bị hệ thống vũ khí và có tốc độ di chuyển ngang với các khu trục hạm.


Lực lượng quân sự của Iran

Một số nguồn tin cho rằng Mỹ có thể đánh Iran vào cuối tháng 4/2012. Vậy quân đội quốc gia vùng Vịnh này có những vũ khí gì để đối phó trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến như phỏng đoán?

image

Tên lửa đạn đạo Fajr-3 MIRV hiện đại nhất của Iran hiện nay. Đây là loại hỏa tiễn đẩy bằng nhiên liệu lỏng, có khả năng tấn công nhiều mục tiêu do nước này phát triển và trình làng năm 2006. Iran không tiết lộ tầm bắn của Fajr-3 và chỉ cho biết, nó có thể tàng hình trước radar.

image

Tên lửa đất đối hạm Kowsar tầm trung do Iran chế tạo. Giới chức Iran khẳng định, nó có thể qua mặt hệ thống gây nhiễu điện tử của đối phương để đi đến mục tiêu chính xác.

image

Tên lửa phòng không vác vai Misagh 2 do Iran chế tạo, có tầm bắn 5km, tầm bay tác chiến 5 km và mang đầu đạn nặng 1,42 kg. Thiết bị phóng của nó có trọng lượng 12,74 kg. Bộ Quốc phòng Iran bắt đầu cho chế tạo hàng loạt loại tên lửa di động lợi hại này từ tháng 2/2006.

image

Tên lửa hành trình đất đối hạm SSN4 Ra'ad có tầm bắn 350 km. Tehran tuyên bố hỏa tiễn mang đầu đạn 500 kg này có thể tấn công bất cứ loại chiến hạm hạng nặng nào tại vùng Vịnh, biển Oman và phía bắc Ấn Độ Dương. Ngoài ra nó có khả năng bay tầm thấp để tránh radar.

image

Tên lửa phòng  không TOR-M1 do Nga chế tạo có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết. Nga đã bán cho Iran 29 đơn vị vũ khí loại này, khiến Mỹ kịch liệt phản đối. TOR-M1 được thiết kế để bảo vệ các cơ sở quân sự và dân sự, chống lại tên lửa hành trình, bom thông minh, máy bay chiến đấu và máy bay do thám không người lái của đối phương.

image

Máy bay chiến đấu Saegheh (bên phải) do Iran thiết kế, thử nghiệm và cải tiến, trình làng ngày 6/9/2006. Loại máy bay phản lực này được cho là tương đương hoặc mạnh hơn cả F-18 nổi tiếng của Mỹ. Saegheh có phòng lái nhỏ hẹp chỉ dành cho một phi công, nhưng có khả năng vừa phóng tên lửa không đối đất vừa ném bom.

image

Máy bay tiêm kích Mig-29 nhập về từ Nga đã được Iran nâng cấp và trang bị thêm vũ khí hiện đại.

image

Trực thăng chiến đấu Cobra của Iran đang phóng tên lửa trong một cuộc tập trận.

image

Hai trong số 3 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của hải quân Iran tại vùng Vịnh. Đây là loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng điện diesel do Nga chế tạo, chuyên chống tàu chiến và tàu ngầm đối phương ở vùng nước nông. Đây cũng là một trong những thế hệ tàu ngầm ít gây tiếng động nhất trên thế giới.

image

Tàu ngầm mini Ghadeer do Iran thiết kế và chế tạo. Cho đến nay, kỹ thuật cũng như trang bị vũ khí của loại tàu ngầm cơ động này vẫn còn là một điều bí ẩn.

image

Các chiến hạm và trực thăng chiến đấu của hải quân Iran trong một cuộc tập trận quy mô trên vùng Vịnh.

image

Tàu chiến hiện đại chạy bằng đệm không khí (hovercraft) của hải quân Iran trong một cuộc diễn tập quân sự.

image

Xe tăng Safir-74 của Iran được nâng cấp từ phiên bản T-72 do Nga chế tạo. Quân đội Iran đã trang bị thêm một lớp “áo giáp” làm bằng những miếng kim loại hình chữ nhật, có khả năng chống lại đạn xuyên phá uranium.

image

Bên trong một nhà máy chế tạo xe tăng của Iran. Đây cũng là nơi Iran tiến hành nâng cấp và hiện đại hóa những chiếc xe tăng nhập từ nước ngoài, nhằm đạt được khả năng tác chiến vượt trội so với đối phương.

image

Các binh sĩ Iran trong một cuộc duyệt binh tại thủ đô Tehran.

image

Bộ binh Iran: Được vận chuyển tới chiến trường bằng trực thăng CH-47 Chinook, sau đó chia lẻ hai người mang theo tên lửa vác vai đi một chiếc xe máy địa hình để cơ động tác chiến.

Các cơ sở hạt nhân của Iran

Chương trình hạt nhân của Iran được khởi xướng từ những năm 50 thế kỷ trước. Quốc gia Hồi giáo này hiện có gần 20 cơ sở hạt nhân trên toàn lãnh thổ.

image

Một sơ đồ cho thấy các cơ sở hạt nhân chính tại Iran, với mật độ tập trung khá dày ở phía tây nam nước này. Điểm màu đỏ là các lò phản ứng phục vụ nghiên cứu, điểm màu vàng là các mỏ uranium, còn lại là các cơ sở hạt nhân.

image

Toàn cảnh nhà máy tách nước nặng ở Arak, phía tây của Iran. Nước nặng là loại nước chứa tỷ lệ đồng vị deuterium cao hơn thông thường, và được sử dụng để điều tiết phản ứng chuỗi hạt nhân trong một lò phản ứng. Nước nặng còn được dùng để sản xuất plutonium dùng trong bom hạt nhân. Viện Khoa học và An ninh Quốc tế của Mỹ phát hiện ra sự tồn tại của nhà máy này vào tháng 12/2002. Iran đang xây dựng một lò phản ứng tại đây.

image

Một phần của nhà máy điện hạt nhân Bushehr, ở thành phố cùng tên thuộc vùng tây nam Iran và giáp vịnh Ba Tư. Kế hoạch xây dựng nhà máy này được Iran bắt đầu vào năm 1974 với sự giúp đỡ của Đức. Tuy nhiên, quá trình xây dựng bị ngừng trệ vì cuộc cách mạng Hồi giáo 5 năm sau đó, và hoạt đồng trở lại năm 1990 trước khi Iran đạt được một thỏa thuận với Nga. Chi phí xây dựng nhà máy có hai lò phản ứng nước cao áp này ước tính khoảng 1 tỷ USD.

image

Bức không ảnh cho thấy toàn bộ nhà máy khai thác uranium ở Gachin, tây nam Iran. Tháng 12/2010, Iran tuyên bố nước này đã đưa quặng uranium lần đầu tiên được sản xuất nội địa tới một nhà máy để sẵn sàng quá trình làm giàu uranium. Quặng uranium còn được gọi bằng tên lóng là "bánh trứng" (yellowcake) vì màu vàng đặc trưng của nó.
Cựu Giám đốc Tổ chức Năng lượng và Hạt nhân Iran Ali Akbar Salehi khi đó cho hay số quặng uranium này được chuyển đi từ mỏ uranium Gachin, với điểm đến là một cơ sở chuyển hóa ở thành phố Isfahan. Công việc khai thác quặng uranium ở mỏ Gachin được bắt đầu từ năm 2004.

image

Một góc nhà máy chuyển hóa uranium Isfahan. Iran đang xây dựng nhà máy này nhằm biến "bánh trứng" thành 3 dạng khác, gồm: khí hexafluoride dùng trong các máy nén khí ly tâm, uranium oxide dùng trong các phản ứng nhiên liệu, và metal. Metal là chất có thể dùng làm lõi của các quả bom hạt nhân. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) quan tâm tới việc sử dụng metal, vì các lò phản ứng của Iran không dùng chất này làm nguyên liệu.

image

Quá trình sản xuất quặng uranium tại các nhà máy khai thác của Iran.

image

Iran trở lại hoạt động làm giàu uranium ở nhà máy Natanz từ tháng 7/2004, sau khi tạm ngừng để đàm phán với các cường quốc châu Âu về chương trình hạt nhân. Tháng 9/2007, Iran tuyên bố đã lắp đặt 3.000 máy ly tâm, loại máy dùng để làm giàu uranium. Năm ngoái, Iran nói với IAEA rằng nhà máy Natanz sẽ là nơi đặt các thiết bị làm giàu uranium mới và quá trình xây dựng bắt đầu từ khoảng tháng 9/2011.
Nhà máy làm giàu uranium Natanz chính là tâm điểm trong tranh cãi giữa Iran và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chương trình hạt nhân của nước này. Liên Hợp Quốc tỏ ra quan ngại vì công nghệ được sử dụng cho việc sản xuất nhiên liệu cho điện hạt nhân có thể được sử dụng để làm giàu uranium tới một mức lớn hơn nhiều, đủ để có vũ khí hạt nhân.

image

Ngoài các cơ sở hạt nhân công khai, Iran còn có những địa điểm được cho là có hoạt động hạt nhân bí mật mà một khu vực thuộc tổ hợp quân sự Parchi, cách thủ đô Tehran 30 km về phía đông nam, là một trong số này. Tổ hợp này là một trung tâm đạn dược hàng đầu của Iran dành cho việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại đạn, tên lửa và chất nổ có sức công phá cao.
Một cuộc thanh sát hạn chế do IAEA tiến hành năm 2005 đã không tìm ra bằng chứng nào cho thấy hoạt động vũ khí hạt nhân tại Parchin. Tuy nhiên, theo những thông tin rò rỉ từ bản báo cáo của IAEA, tổ chức này tin rằng khu vực Parchin cũng được sử dụng để thử các loại chất nổ có thể được dùng trong các vũ khí hạt nhân.

image

Iran tiết lộ sự tồn tại của cơ sở làm giàu uranium Fordo vào tháng 9/2009. Cơ sở này đang được xây dựng ở một địa điểm cách thành phố Qom khoảng 30 km về phía bắc, và được cho là nằm trong một quả núi từng là bãi thử tên lửa của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran. Iran cho hay dự án nhà máy làm giàu uranium Fordo bắt đầu năm 2007 nhưng IAEA tin rằng nó được diễn ra trước đó một năm. Cũng theo IAEA, cơ sở này sẽ bắt đầu làm giàu uranium vào năm 2011, với khoảng 3.000 máy ly tâm. Iran gửi cho IAEA một văn bản có nội dung rằng nước này dự định xây dựng một nhà máy làm giàu uranium tới 5%, tức là không đủ để dùng cho một vũ khí hạt nhân.


Nhật Nam & Đình Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét