Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

THẾ KỶ THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA MỸ

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Chủ Nhật, ngày 20/11/2011

THẾ KỶ THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA MỸ

(Hillary Clinton – Foreign Policy, tháng 10/2011)
Tương lại của các hoạt động chính trị sẽ được quyết định ở châu Á, chứ không phải ở Ápganixtan hay Irắc, và Mỹ sẽ ở trung tâm của hành động đó.
Khi cuộc chiến tranh ở Irắc lắng xuống và Mỹ bắt đầu rút các lực lượng của mình khỏi Ápganixtan, Mỹ đứng ở một vị trí trụ cột. Trong 10 năm qua, chúng ta đã dành các nguồn tài lực lớn cho hai chiến trường đó. Trong 10 năm tới, chúng ta cần khôn ngoan và có phương pháp về việc chúng ta đầu tư thời gian và năng lực vào đâu, vì vậy chúng ta tự đặt mình vào vị trí tốt nhất để duy trì vai trò lãnh đạo của chúng ta, đảm bảo những lợi ích của chúng ta, và thúc đẩy những giá trị của chúng ta. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nghệ thuật quản lý nhà nước của Mỹ trong thập kỷ tới vì thế sẽ gắn chặt vào sự đầu tư gia tăng đáng kể – về ngoại giao, kinh tế, chiến lược, và các lĩnh vực khác – ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Châu Á – Thái Bình Dương đã trở thành nơi thúc đẩy then chốt các hoạt động chính trị toàn cầu. Trải dài từ tiểu lục địa Ấn Độ cho đến bờ biển phía tây châu Mỹ, khu vực này kéo dài qua hai đại dương – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – mà ngày càng được kết nối bằng vận chuyển và chiến lược. Khu vực này tự hào chiếm gần một nửa dân số thế giới. Nó bao gồm nhiều trong số những đầu tàu then chốt của nền kinh tế toàn cầu, cũng như các nước xả khí thải lớn nhất gây hiệu ứng nhà kính. Đây là nơi có một số đồng minh then chốt của chúng ta và các nước lớn quan trọng đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ và Inđônêxia.
Vào thời điểm khi khu vực này đang xây dựng một cơ cấu an ninh và kinh tế phát triển hơn nhằm thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng, cam kết của Mỹ ở đây là thiết yếu. Cam kết này sẽ góp phần xây dựng cơ cấu đó và có lợi cho sự lãnh đạo tiếp tục của Mỹ trong thế kỷ này, ,giống như cam kết của chúng ta sau Chiến tranh Thế giới thứ hai về việc xây dựng một mạng lưới thể chế và các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương toàn diện và lâu dài đã nhiều lần thành công – và tiếp tục làm như vậy. Đã đến lúc Mỹ thực hiện những đầu tư tương tự với tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương, một tiến trình chiến lược được Tổng thống Barack Obama vạch ra ngay từ khởi đầu chính quyền của ông và một tiến trình đã mang lại những lợi ích.
Với Irắc và Ápganixtan vẫn ở trong thời kỳ quá độ và những thách thức kinh tế nghiêm trọng ở trong nước của chúng ta, có những người trên chính trường Mỹ kêu gọi chúng ta không nên bố trí lại, mà nên rút về nước. Họ tìm cách giảm bớt quy mô can dự ở nước ngoài của chúng ta có lợi cho những ưu tiên cấp bách trong nước của chúng ta. Những thôi thúc này là có thể hiểu được, nhưng họ đã sai lầm. Những người nói rằng chúng ta có thể không còn khả năng can dự với thế giới chính xác là lạc hậu – chúng ta không thể không làm điều đó. Từ việc mở cửa các thị trường mới cho các doanh nghiệp Mỹ đến kiềm chế phổ biến vũ khí hạt nhân cho đến việc giữ cho các tuyến đường biển tự do để hoạt động thương mại và hàng hải, việc làm của chúng ta ở nước ngoài nắm giữ chìa khoá cho sự thịnh vượng và an ninh trong nước của chúng ta. Trong hơn 6 thập kỷ, Mỹ đã cưỡng lại lực hấp dẫn của các cuộc tranh luận “rút về nước” này và lôgích ngấm ngầm được – mất ngang nhau của những lập luận này. Chúng ta phải làm như vậy một lần nữa.
Vượt ra ngoài biên giới của chúng ta, người ta cũng đang phân vân về những ý định của Mỹ – thái độ của chúng ta vẫn sẵn sàng can dự và lãnh đạo. Ở châu Á, họ phân vân không biết chúng ta có thực sự ở lại đó hay không, liệu chúng ta có thể đưa ra – và giữ vững – những cam kết kinh tế và chiến lược đáng tin cậy hay không, và liệu chúng ta có thể hỗ trợ những cam kết đó bằng hành động hay không. Câu trả lời là: chúng ta có thể, và chúng ta sẽ làm như thế.
Khai thác sự tăng trưởng và năng động của châu Á là trọng tâm đối với những lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ và là một ưu tiên then chốt đối với Tổng thống Obama. Các thị trường mở cửa ở châu Á tạo cho Mỹ những cơ hội chưa từng có để đầu tư, buôn bán, và tiếp cận công nghệ tiên tiến. Sự phục hồi kinh tế của chúng ta ở trong nước sẽ phụ thuộc vào xuất khẩu và khả năng của các công ty Mỹ khai thác cơ sở tiêu dùng rộng lớn và đang gia tăng của châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng mang tính quyết định đối với sự tiến bộ toàn cầu, dù là thông qua việc bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Nam Trung Hoa, chống lại những nỗ lực phổ biến vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, hay đảm bảo sự công khai minh bạch trong các hoạt động quân sự của các bên tham gia then chốt của khu vực.
Đúng là châu Á mang tính quyết định đối với tương lai của nước Mỹ, một nước Mỹ can dự mang tính sống còn đối với tương lai của châu Á. Khu vực này tha thiết muốn có sự lãnh đạo của chúng ta và việc kinh doanh của chúng ta – có thể hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử hiện đại. Chúng ta là cường quốc duy nhất có một mạng lưới liên minh mạnh mẽ trong khu vực, không có những tham vọng về lãnh thổ, và một thành tích lâu dài về việc mang lại lợi ích chung. Cùng với các đồng minh của chúng ta, chúng đã nhận trách nhiệm đảm bảo an ninh khu vực trong nhiều thập kỷ – tuần tra các tuyến đường biển châu Á và duy trì sự ổn định – và đến lượt điều đó đã góp phần tạo điều kiện cho sự tăng trưởng. Chúng ta đã giúp đỡ hội nhập hàng tỉ người trong khắp khu vực vào nền kinh tế toàn cầu bằng cách thúc đẩy hiệu quả kinh tế, trao quyền xã hội, và các mối quan hệ to lớn hơn giữa người dân với người dân. Chúng ta là một đối tác thương mại và đầu tư lớn, một nguồn tạo ra sự đổi mới có lợi cho người lao động và các doanh nghiệp ở cả hai bờ Thái Bình Dương, là nơi học tập của 350.000 sinh viên châu Á mỗi năm, người đấu tranh cho các thị trường mở cửa, và là một quốc gia ủng hộ các quyền phổ biến của con người.
Tổng thổng Obama đã đi đầu trong một nỗ lực đa diện và bền bỉ nhằm thực hiện đầy đủ vai trò không thể thay thế của chúng ta ở Thái Bình Dương, bao hàm toàn bộ chính phủ Mỹ. Đây luôn là một nỗ lực thầm lặng. Nhiều công việc của chúng ta không được đưa trên các trang đầu, cả vì bản chất của nó – đầu tư dài hạn ít hấp dẫn hơn các cuộc khủng hoảng trước mắt – lẫn vì các tin tức nóng hổi cạnh tranh nhau ở các khu vực khác trên thế giới.
Với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, tôi đã phá vỡ truyền thống và bắt đầu chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên của mình sang châu Á. Trong 7 chuyến đi của tôi kể từ đó, tôi đã vinh dự chứng kiến tận mắt những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra ở khu vực này, nhấn mạnh đến tương lai của Mỹ gắn kết mật thiết với tương lai của châu Á – Thái Bình Dương nhiều như thế nào. Một sự chuyển hướng chiến lược sang khu vực này phù hợp lôgíc với toàn bộ nỗ lực toàn cầu của chúng ta để đảm bảo và duy trì sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Thành công của sự chuyển hướng này đòi hỏi phải duy trì và thúc đẩy sự đồng thuận của hai đảng về tầm quan trọng của châu Á – Thái Bình Dương đối với những lợi ích quốc gia của chúng ta; chúng ta tìm cách xây dựng dựa trên một truyền thống can dự mạnh mẽ của các tổng thống và các bộ trưởng ngoại giao của cả hai đảng trong nhiều thập kỷ. Sự thành công còn đòi hỏi thực hiện thông minh một chiến lược khu vực gắn kết cho thấy những tác động toàn cầu của những lựa chọn của chúng ta.
Chiến lược khu vực đó ra sao? Trước hết, chiến lược đó đòi hỏi một cam kết bền vững cho cái mà tôi gọi là chính sách ngoại giao “triển khai phía trước”. Điều đó có nghĩa là tiếp tục chuyển toàn bộ vốn liếng ngoại giao của chúng ta – bao gồm các quan chức cấp cao nhất của chúng ta, các chuyên gia về phát triển của chúng ta, các nhóm liên cơ quan của chúng ta, và những tài sản lâu bền của chúng ta – tới mọi nước và mọi nơi của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chiến lược của chúng ta sẽ phải lý giải được và điều chỉnh cho thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ đang diễn ra khắp châu Á. Ghi nhớ điều này, công việc của chúng ta sẽ tiến hành theo 6 phương hướng hành động then chốt: tăng cường các liên minh an ninh song phương; làm sâu sắc thêm các mối quan hệ làm việc của chúng ta với các cường quốc đang nổilên, kể cả với Trung Quốc; can dự với các thể chế đa phương khu vực; mở rộng buôn bán và đầu tư; tạo dựng sự hiện diện quân sự trên cơ sở rộng rãi; và thúc đẩy dân chủ và nhân quyền.
Nhờ vị trí địa lý duy nhất của chúng ta, nước Mỹ là một cường quốc ở cả Đại Tây Dương lẫn Thái Bình Dương. Chúng ta tự hào về các mối quan hệ đối tác châu Âu của chúng ta và tất cả những gì mà chúng mang lại. Thách thức đối với chúng ta hiện nay là xây dựng một mạng lưới quan hệ đối tác và các thể chế trên khắp Thái Bình Dương lâu bền và phù hợp với những lợi ích và các giá trị của Mỹ như mạng lưới mà chúng ta đã xây dựng ở khắp Đại Tây Dương. Đó là hòn đá thử cho những nỗ lực của chúng ta ở tất cả các khu vực này.
Các liên minh có tính hiệp ước của chúng ta với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Philippin, và Thái Lan là điểm tựa cho sự chuyển hướng chiến lược của chúng ta sang châu Á – Thái Bình Dương. Các liên minh đó đã nhận trách nhiệm đảm bảo hoà bình và an ninh khu vực trong hơn một nửa thế kỷ, định hình môi trường cho sự tăng trưởng kinh tế đáng kể của khu vực. Chúng sử dụng tác dụng đòn bẩy của sự hiện diện trong khu vực của chúng ta và tăng cường sự lãnh đạo của chúng ta trong khu vực vào thời điểm những thách thức an ninh đang gia tăng.
Các liên minh này đã thành công, chúng ta không thể đơn giản chỉ duy trì các liên minh này – chúng ta cần làm mới chúng cho một thế giới đang thay đổi. Trong nỗ lực này, chính quyền Obama được hướng dẫn bởi ba nguyên tắc cốt lõi. Thứ nhất, chúng ta phải duy trì sự đồng thuận chính trị về các mục tiêu cốt lõi của các liên minh của chúng ta. Thứ hai, chúng ta phải đảm bảo rằng các liên minh của chúng ta là nhanh nhạy và dễ thích nghi để chúng có thể ứng phó thành công với những thách thức mới và nắm bắt những cơ hội mới. Thứ ba, chúng ta phải đảm bảo rằng những khả năng phòng thủ và cơ sở hạ tầng thông tin của các liên minh của chúng ta về hoạt động và về vật chất có khả năng ngăn chặn hành động khiêu khích từ tất cả các bên tham gia nhà nước và phi nhà nước.
Liên minh với Nhật Bản, nền tảng của hoà bình và ổn định trong khu vực, chứng tỏ chính quyền Obama đang mang lại sức sống cho những nguyên tắc này như thế nào. Chúng ta chia sẻ tầm nhìn chung về một trật tự khu vực ổn định với các quy tắc đi đường rõ ràng – từ tự do hàng hải đến các thị trường mở cửa và cạnh tranh công bằng. Chúng ta đã tán thành về một dàn xếp mới, bao gồm khoản đóng góp hơn 5 tỉ USD từ chính phủ Nhật Bản, nhằm đảm bảo sự hiện diện tiếp tục lâu dài của các lực lượng Mỹ ở Nhật Bản, đồng thời mở rộng các hoạt động tình báo, giám sát, và trinh sát chung nhằm ngăn chặn và phản ứng mau lẹ với những thách thức an ninh khu vực, cũng như việc chia sẻ thông tin để ứng phó với các mối đe doạ trên không gian ảo. Chúng ta đã ký hiệp định Open Skies sẽ tăng cường sự tiếp cận cho các doanh nghiệp và kết nối giữa người dân với nhau, mở các cuộc đối thoại chiến lược về châu Á – Thái Bình Dương, và làm việc song song với tư cách là hai nước tài trợ lớn nhất ở Ápganixtan.
Tương tự, liên minh của chúng ta với Hàn Quốc đã trở nên mạnh mẽ hơn và hoà nhập hơn về hoạt động, và chúng ta tiếp tục phát triển những khả năng phối hợp của chúng ta trong việc ngăn chặn và ứng phó với những hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Chúng ta đã nhất trí về một kế hoạch để đảm bảo cho thời kỳ quá độ thành công về việc kiểm soát hoạt động trong thời chiến và dự đoán trước việc thông qua thành công Hiệp định Thương mại Tự do Hàn Quốc – Mỹ. Và các liên minh của chúng ta đã trở nên mang tính toàn cầu, thông qua việc hợp tác với nhau trong G-20 và Hội nghị cấp cao an ninh hạt nhân và thông qua những nỗ lực chung của chúng ta ở Haiti và Ápganixtan.
Chúng ta cũng đang mở rộng liên minh của chúng ta với Ôxtrâylia từ một mối quan hệ đối tác Thái Bình Dương sang một mối quan hệ đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương, và quả thực một mối quan hệ đối tác toàn cầu. Từ an ninh mạng đến Ápganixtan cho đến cuộc cách mạng “Thức tỉnh Arập” rồi đến việc tăng cường cơ cấu khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương, sự tư vấn và cam kết của Ôxtrâylia là điều không thể thiếu được. Và ở Đông Nam Á, chúng ta đang đổi mới và tăng cường các liên minh của chúng ta với Philippin và Thái Lan, chẳng hạn, tăng số lượng các chuyến tàu chiến đến thăm Philippin và làm việc để đảm bảo việc huấn luyện thành công cho các lực lượng chống chủ nghĩa khủng bố Philippin thông qua Lực lượng Đặc nhiệm hỗn hợp hoạt động đặc biệt của chúng ta ở Mindanao. Ở Thái Lan, đối tác hiệp ước lâu đời nhất của chúng ta ở châu Á – chúng ta đang làm việc để thành lập một trung tâm nỗ lực cứu trợ nhân đạo và thảm hoạ trong khu vực.
Khi chúng ta làm mới các liên minh của chúng ta để đáp ứng những nhu cầu mới, chúng ta cũng đang xây dựng các mối quan hệ đối tác mới để góp phần giải quyết những vấn đề chung. Tầm với của chúng ta tới Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, Xinhgapo, Niu Dilân, Malaixia, Mông Cổ, Việt Nam, Brunây, và các nước thuộc Đảo Thái Bình Dương là toàn bộ nỗ lực rộng rãi hơn nhằm đảm bảo một sự tiếp cận toàn diện hơn với chiến lược và sự can dự của Mỹ trong khu vực. Chúng ta yêu cầu các đối tác đang nổi lên này tham dự với chúng ta trong việc định hình và tham gia một trật tự khu vực và toàn cầu dựa trên nguyên tắc. Tất nhiên, một trong những đối tác nổi tiếng nhất trong số những đối tác đang nổi lên này là Trung Quốc. Giống như rất nhiều nước khác trước nước này, Trung Quốc đã phát đạt như một phần của hệ thống mở cửa và dựa trên nguyên tắc mà Mỹ đã giúp đỡ xây dựng và đang làm việc để duy trì. Và hiện nay, Trung Quốc đại diện cho một trong những mối quan hệ song phương gây thách thức và có tính hệ luỵ nhất mà Mỹ đã từng phải xử lý. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có cách xử lý thận trọng, chắc chắn, và năng động, một đường hướng đối với Trung Quốc được dựa trên cơ sở thực tế, tập trung vào những kết quả, theo đúng những nguyên tắc và lợi ích của chúng ta.
Chúng ta đều biết rằng những nỗi sợ hãi và hiểu nhầm vẫn tồn tại dai dẳng ở hai bờ Thái Bình Dương. Một số người ở nước ta coi sự tiến bộ của Trung Quốc là mối đe doạ đối với Mỹ; một số người ở Trung Quốc lo ngại rằng Mỹ tìm cách kiềm chế sự tăng trưởng của Trung Quốc. Chúng ta bác bỏ cả hai quan điểm đó. Thực tế là một nước Mỹ phát triển là có lợi cho Trung Quốc và một nước Trung Quốc phát triển là có lợi cho Mỹ. Chúng ta đều được hưởng lợi từ sự hợp tác nhiều hơn từ xung đột. Nhưng người ta không thể xây dựng một mối quan hệ chỉ dựa trên nguyện vọng thôi. Điều còn tuỳ thuộc vào cả hai nước là biến theo một cách nhất quán hơn những lời nói tích cực thành sự hợp tác có hiệu quả – và, điều mang tính thiết yếu là thực hiện những trách nhiệm và nghĩa vụ toàn cầu của mỗi nước chúng ta. Đây là những điều sẽ quyết định liệu mối quan hệ của chúng ta có phát huy được tiềm năng của nó trong những năm tới hay không. Chúng ta cũng phải chân thành về những bất đồng của chúng ta. Chúng ta sẽ giải quyết chúng một cách chắc chắn và dứt khoát khi chúng ta theo đuổi công việc cấp bách mà chúng ta phải làm cùng nhau. Và chúng ta phải tránh những mong muốn phi thực tế.
Trong hai năm rưỡi qua, một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi là xác định và mở rộng các khu vực có lợi ích chung, làm việc với Trung Quốc để xây dựng lòng tin lẫn nhau, và khuyến khích những nỗ lực tích cực của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề toàn cầu. Đây là lý do giải thích tại sao Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner và tôi đã tiến hành Đối thoại Chiến lược và Kinh tế, các cuộc đàm phán tăng cường và mở rộng nhất chưa từng có giữa hai chính phủ, đưa hàng chục cơ quan từ cả hai phía đến với nhau để thảo luận về các vấn đề song phương cấp bách nhất của chúng ta, từ an ninh đến năng lượng cho đến nhân quyền.
Chúng ta cũng đang làm việc để gia tăng sự minh bạch và giảm nguy cơ tính toán sai hoặc sai lầm giữa quân đội hai nước. Mỹ và cộng đồng quốc tế đã theo dõi những nỗ lực của Trung Quốc về việc hiện đại hoá và mở rộng quân sự của nước này, và chúng ta đã tìm kiếm sự rõ ràng về những ý định của nước này. Cả hai bên sẽ được hưởng lợi từ sự can dự bền vững và thực chất giữa quân đội hai nước làm tăng sự minh bạch. Vì vậy chúng ta trông chờ Bắc Kinh khắc phục thái độ đôi khi miễn cưỡng của mình và tham gia cùng chúng ta tạo dựng một cuộc đối thoại lâu dài giữa quân đội hai nước. Và chúng ta cần làm việc cùng nha để tăng cường Đối thoại An ninh Chiến lược, đưa các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự đến với nhau để thảo luận về các vấn đề nhạy cảm như an ninh hàng hải và an ninh trên không gian ảo.
Khi chúng ta cùng nhau xây dựng lòng tin, chúng ta cam kết làm việc với Trung Quốc để giải quyết những vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu mang tính quyết định. Điều này giải thích lý do tại sao tôi đã thường xuyên gặp gỡ – thường trong bối cảnh không chính thức – những người đồng chức Trung Quốc, Uỷ viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc và Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì, để tiến hành các cuộc thảo luận thẳng thắn về những thách thức quan trọng như Bắc Triều Tiên, Ápganixtan, Pakixtan, Iran, và những diễn biến ở Biển Nam Trung Hoa.
Trên mặt trận kinh tế, Mỹ và Trung Quốc cần làm việc cùng nhau để đảm bảo sự tăng trưởng toàn cầu trong tương lai mạnh mẽ, bền vững, và cân bằng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Mỹ và Trung Quốc đã làm việc có hiệu quả thông qua G-20 để góp phần đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi bờ vực nguy hiểm. Chúng ta phải xây dựng trên sự hợp tác đó. Các công ty của Mỹ muốn có những cơ hội công bằng để xuất khẩu sang các thị trường đang tăng trưởng của Trung Quốc, mà có thể là các nguồn công ăn việc làm quan trọng ở Mỹ, cũng như việc bảo đảm 50 tỉ USD tiền vốn của Mỹ được đầu tư ở Trung Quốc sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho thị trường mới và những cơ hội đầu tư sẽ hỗ trợ cho sức cạnh tranh toàn cầu. Đồng thời, các công ty của Trung Quốc muốn có thể mua được nhiều hơn nữa các sản phẩm công nghệ cao từ Mỹ, đầu tư nhiều hơn ở đây, và được dành cho những điều kiện tiếp cận tương tự mà các nền kinh tế thị trường được hưởng. Chúng ta có thể làm việc cùng nhau về những mục tiêu này, nhưng Trung Quốc vẫn cần thực hiện các biện pháp quan trọng tiến tới cải cách. Đặc biệt, chúng ta đang làm việc với Trung Quốc để chấm dứt sự phân biệt đối xử bất công chống lại các công ty của Mỹ và của nước ngoài khác hoặc chống lại những công nghệ đổi mới của họ, gạt bỏ những thiên vị đối với các công ty trong nước, và chấm dứt các biện pháp gây bất lợi hoặc chiếm dụng quyền sử hữu trí tuệ của nước ngoài. Và chúng ta chờ đợi Trung Quốc tiến hành các biện pháp cho phép đồng tiền của nước này được tăng giá nhanh hơn, cả so với đồng đôla lẫn so với những đồng tiền của các đối tác thương mại lớn khác. Chúng ta tin rằng các cuộc cải cách như vậy sẽ không mang lại những lợi ích cho cả hai nước chúng ta (quả thực, chúng sẽ hỗ trợ cho mục tiêu của kế hoạch 5 năm của riêng Trung Quốc, đòi hỏi sự tăng trưởng hướng nội hơn nữa), mà còn đóng góp cho sự cân bằng kinh tế toàn cầu, khả năng có thể dự đoán trước, và sự thịnh vượng rộng rãi hơn.
Tất nhiên, chúng ta đã nói rất rõ, cả công khai lẫn riêng tư, những lo ngại thực sự của chúng ta về vấn đề nhân quyền. Và khi chúng ta xem xét những bản báo cáo về các luật sư, nhà văn, nghệ sĩ, và những người khác được công chúng quan tâm bị bắt giữ và hoặc mất tích, Mỹ lên tiếng, cả công khai lẫn riêng tư, với những lo ngiạ của chúng ta về nhân quyền. Chúng ta nói việc này với các đồng nghiệp Trung Quốc của chúng ta rằng sự tôn trọng sâu sắc luật pháp quốc tế và một hệ thống chính trị cởi mở hơn sẽ tạo cho Trung Quốc một nền tảng để ổn định và tăng trưởng nhiều hơn – và làm tăng lòng tin của các đối tác của Trung Quốc. Nếu không, Trung Quốc đang áp đặt những hạn chế không cần thiết đối với sự phát triển của chính mình.
Xét về mọi mặt, không có cẩm nang cho mối quan hệ Mỹ – Trung đang tiến triển. Nhưng nguy cơ làm cho chúng ta thất bại là rất cao. Khi chúng ta hành động, chúng ta sẽ tiếp tục gắn kết mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc trong một khuôn khổ khu vực rộng rãi hơn của các liên minh an ninh, các mạng lưới kinh tế, và các mối quan hệ xã hội.
Trong số các cường quốc then chốt đang nổi lên mà chúng ta sẽ phối hợp chặt chẽ là Ấn Độ và Inđônêxia, hai nước thuộc các cường quốc năng động nhất và dân chủ có ý nghĩa nhất của châu Á, và là hai nước mà chính quyền Obama đã theo đuổi các mối quan hệ rộng rãi hơn, sâu sắc hơn, và có mục đích hơn. Trải dài từ Ấn Độ Dương qua Eo biển Malắcca tới Thái Bình Dương là những tuyến đường buốn bán và vận chuyển năng lượng sôi động nhất thế giới. Họ là người thúc đẩy then chốt nền kinh tế toàn cầu, là hai đối tác quan trọng đối với Mỹ, và ngày càng đóng góp chủ yếu cho hoà bình và an ninh trong khu vực. Và tầm quan trọng của họ chắc chắn sẽ gia tăng trong những năm tới.
Tổng thống Obama nói với nghị viện Ấn Độ năm ngoái rằng mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ sẽ là một trong những mối quan hệ đối tác mang tính xác định của thế kỷ 21, gắn chặt vào những giá trị và những lợi ích chung. Vẫn có những trở ngại cần vượt qua và những câu hỏi cần giải đáp ở cả hai phía, nhưng Mỹ đang đánh cược chiến lược vào tương lai của Ấn Độ – rằng vai trò to lớn hơn của Ấn Độ trên vũ đài thế giới sẽ tăng cường hoà bình và an ninh, rằng việc mở cửa các thị trường Ấn Độ ra thế giới sẽ mở đường cho sự thịnh vượng nhiều hơn của khu vực và toàn cầu, rằng sự tiến bộ của Ấn Độ về khoa học và công nghệ sẽ cải thiện cuộc sống và làm tăng sự hiểu biết của con người ở mọi nơi, và rằng nền dân chủ mạnh mẽ, đa nguyên của Ấn Độ sẽ tạo ra những kết quả và những cải thiện đáng kể đối với người dân của nước này và gây cảm hứng cho những người khác đi theo con đường mở cửa và bao dung tương tự. Vì vậy chính quyền Obama đã mở rộng mối quan hệ song phương của chúng ta; tích cực ủng hộ những nỗ lực Hướng Đông của Ấn Độ, bao gồm thông qua một cuộc đối thoại ba bên mới với Ấn Độ và Nhật Bản; và phác họa một tầm nhìn mới về một Nam và Trung Á hội nhập kinh tế và ổn định chính trị hơn, với Ấn Độ là một trụ cột.
Chúng ta cũng đang tạo dựng một mối quan hệ đối tác mới với Inđônêxia, nước dân chủ lớn thứ ba thế giới, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, và là nước thành viên G-20. Chúng ta tiếp tục huấn luyện chung các đơn vị thuộc các lực lượng đặc biệt của Inđônêxia và ký kết một số hiệp định về trao đổi y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, và quốc phòng. Và năm nay, nhận lời mời của chính phủ Inđônêxia, Tổng thống Obama sẽ bắt đầu sự tham gia của Mỹ tại Hội nghị cấp cao Đông Á. Nhưng vẫn phải đi một chặng đường nào đó – chúng ta phải làm việc cùng nhau để vượt qua những trở ngại hành chính quan liêu, những nghi ngờ lịch sử dài dẳng, và một số khoảng cách trong việc hiểu biết những triển vọng và lợi ích của nhau.
Thậm chí khi chúng ta tăng cường các mối quan hệ song phương này, chúng ta đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự hợp tác đa phương, vì chúng ta tin rằng việc ứng phó với những thách thức phức tạp xuyên quốc gia thuộc loại mà châu Á hiện phải đối mặt đòi hỏi một loạt thể chế có khả năng tập hợp hành động tập thể. Và một cơ cấu khu vực mạnh mẽ và gắn kết hơn ở châu Á sẽ tăng cường hệ thống các nguyên tắc và trách nhiệm, từ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho đến đảm bảo quyền tự do hàng hải, hình thành cơ sở của một trật tự quốc tế có hiệu quả. Trong bối cảnh đa phương, hành vi ứng xử có trách nhiệm được đền đáp bằng sự hợp pháp và tôn trọng, và chúng ta có thể làm việc cùng nhau để buộc những kẻ phá hoại hoà bình, ổn định, và thịnh vượng phải chịu trách nhiệm.
Vì vậy Mỹ đã tiến tới can dự đầy đủ với các thể chế đa phương của khu vực, như Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), ghi nhớ rằng sự cộng tác của chúng ta với các thể chế khu vực bổ sung và không thay thế các mối quan hệ song phương của chúng ta. Có một đòi hỏi từ khu vực này rằng Mỹ đóng một vai trò tích cực trong việc đề ra chương trình nghị sự của các thể chế này – và việc chúng hoạt động có hiệu quả và ứng phó nhanh cũng nằm trong lợi ích của chúng ta.
Đó là lý do tại sao Tổng thống Obama sẽ tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á lần đầu tiên vào tháng 11/2011. Để mở đường, Mỹ đã mở một cơ quan đại diện mới của Mỹ tại ASEAN ở Giacácta và ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN. Việc chúng ta chú trọng vào phát triển một chương trình nghị sự theo hướng có kết quả hơn là công cụ trong những nỗ lực nhằm giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa. Năm 2010, tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội, Mỹ đã góp phần định hình một nỗ lực rộng rãi trong khu vực nhằm bảo vệ sự tiếp cận và đi lại tự do qua Biển Nam Trung Hoa, và ủng hộ các nguyên tắc quốc tế then chốt để xác định rõ những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở các vùng biển thuộc Biển Nam Trung Hoa. Do một nửa lượng hàng buôn bán của thế giới đi qua vùng biển này, đây là một việc làm có hiệu quả. Và trong năm qua, chúng ta đã đạt được những tiến bộ trong việc bảo vệ những lợi ích sống còn của chúng ta trong ổn định và tự do hàng hải và mở đường cho hoạt động ngoại giao đa phương bền vững giữa nhiều bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa, tìm cách đảm bảo các cuộc tranh chấp được giải quyết một cách hoà bình và phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Chúng ta cũng làm việc để tăng cường APEC như một thể chế thực sự của các nhà lãnh đạo cấp cao tập trung vào việc thúc đẩy sự hội nhập kinh tế và các quan hệ buôn bán khắp Thái Bình Dương. Sau lời kêu gọi táo bạo năm ngoái của Tổ chức này về một khu vực tự do thương mại châu Á – Thái Bình Dương. Tổng thống Obama sẽ chủ trì Cuộc gặp các nhà lãnh đạo APEC năm 2011 ở Haiwaii vào tháng 11/2011. Chúng ta cam kết gắn kết APEC như một thể chế kinh tế khu vực hàng đầu của châu Á – Thái Bình Dương, đề ra chương trình nghị sự kinh tế theo một cách thức đưa các nền kinh tế tiên tiến và các nền kinh tế đang nổi lên đến với nhau để thúc đẩy thương mại và đầu tư cởi mở, cũng như xây dựng khả năng và tăng cường các chế độ quy chế. APEC và công việc của tổ chức này góp phần mở rộng xuất khẩu của Mỹ, tạo ra và hỗ trợ công ăn việc làm chất lượng cao ở Mỹ, đồng thời thúc đẩy sự tăng trưởng trên toàn khu vực. APEC cũng tạo ra một phương tiện then chốt để thúc đẩy một chương trình nghị sự rộng rãi nhằm giải phóng tiềm năng phát triển kinh tế mà phụ nữ làm đại diện. Về mặt này, Mỹ cam kết làm việc với các đối tác của mình theo các biện pháp đầy tham vọng nhằm tiến tới Kỷ nguyên Tham dự, nơi mỗi cá nhân, không phân biệt giới tính hay những đặc điểm khác, là một thành viên đóng góp và có giá trị của thị trường toàn cầu.
Ngoài cam kết của chúng ta với các thể chế đa phương rộng rãi hơn này, chúng ta đã làm việc chăm chỉ để tạo ra và khởi động một số cuộc họp “đa phương mini”, các nhóm nhỏ các quốc gia có lợi ích ứng phó với những thách thức cụ thể, như Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Công mà chúng ta đã phát động nhằm hỗ trợ cho các chương trình giáo dục, y tế, và môi trường ở Campuchia, Lào, Thái Lan, và Việt Nam, và Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương, nơi chúng ta đang làm việc để hỗ trợ cho các thành viên của tổ chức này khi họ phải đối đầu với những thách thức từ biến đổi khí hậu đến đánh bắt cá cho đến tự do hàng hải. Chúng ta cũng đang bắt đầu theo đuổi những cơ hội ba bên mới với các nước khác nhau như Mông Cổ, Inđônêxia, Nhật Bản, Cadắcxtan, và Hàn Quốc. Và chúng ta cũng đang quyết tâm tăng cường sự phối hợp và can dự giữa ba quốc gia khổng lồ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương: Trung Quốc, Ấn Độ, và Mỹ.
Bằng tất cả các cách khác nhau này, chúng ta đang tìm cách định hình và tham gia một cơ cấu khu vực linh hoạt, năng động, và có hiệu quả – và đảm bảo cơ cấu này kết nối với một cơ cấu toàn cầu rộng rãi hơn không chỉ bảo vệ sự ổn định và thương mại quốc tế mà còn thúc đẩy những giá trị của chúng ta.
Sự chú trọng của chúng ta vào hoạt động kinh tế của APEC là phù hợp với cam kết rộng rãi hơn của chúng ta về việc nâng cao nghệ thuật quản lý nhà nước về kinh tế như một trụ cột của chính sách đối ngoại Mỹ. Sự tiến bộ về kinh tế ngày càng phụ thuộc vào các mối quan hệ ngoại giao mạnh mẽ, và sự tiến bộ về ngoại giao phụ thuộc vào các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ. Và đương nhiên, sự chú trọng vào việc thúc đẩy sự thịnh vượng của Mỹ có nghĩa là tập trung nhiều hơn vào thương mại và mở cửa kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực này đã tạo ra hơn một nửa sản lượng toàn cầu và gần một nửa thương mại toàn cầu. Khi chúng ta phấn đấu đạt được mục tiêu của Tổng thống Obama về việc tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015, chúng ta đang tìm kiếm những cơ hội để làm ăn buôn bán thậm chí nhiều hơn nữa ở châu Á. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang khu vực Vành đai Thái Bình Dương tổng cộng lên tới 320 tỷ USD, hỗ trợ cho 850.000 công ăn việc làm của Mỹ. Vì vậy, có nhiều điều kiện có lợi cho chúng ta khi chúng ta nghĩ đến việc xác định lại vị trí này.
Khi tối nói chuyện với những người đồng chức châu Á của tôi, một chủ đề nhất quán nổi bật: Họ vẫn muốn nước Mỹ là một đối tác can dự và sáng tạo trong các mối quan hệ thương mại và tài chính đang phát triển của khu vực. Và khi tôi nói chuyện với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp đất nước chúng ta, tôi hiểu rằng việc mở rộng xuất khẩu của chúng ta và những cơ hội đầu tư của chúng ta vào các thị trường năng động của châu Á có tầm quan trọng đến mức nào đối với Mỹ.
Tháng ba vừa qua trong các cuộc họp APEC tại Oasinhton, và một lần nữa vào tháng 7 ở Hồng Công, tôi đã đưa ra bốn đặc tính mà tôi tin rằng chúng đặc trưng cho sự cạnh tranh kinh tế lành mạnh: cởi mở, tự do, minh bạch, và công bằng. Thông qua sự can dự của chúng ta ở châu Á – Thái Bình Dương, chúng ta đang góp phần định hình những nguyên tắc này và cho thế giới biết giá trị của chúng.
Chúng ta đang theo đuổi các thoả thuận thương mại mũi nhọn mới mà nâng cao các tiêu chuẩn cho cạnh tranh công bằng ngay cả khi họ mở cửa các thị trường mới. Chẳng hạn, Hiệp định Tự do Thương mại Hàn Quốc – Mỹ sẽ bãi bỏ thuế quan đối với 95% mặt hàng xuất khẩu tiêu dùng và công nghiệp của Mỹ trong vòng 5 năm và hỗ trợ cho khoảng 70.000 công ăn việc làm ở Mỹ. Riêng việc cắt giảm thuế quan có thể tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Mỹ lên hơn 10 tỷ USD và giúp cho nền kinh tế của Hàn Quốc tăng trưởng 6%. Hiệp định này sẽ mang lại một sân chơi bình đẳng cho các công ty và người lao động ngành ôtô của Mỹ. Vì vậy, dù anh là một nhà sản xuất máy móc người Mỹ hay một nhà xuất khẩu hoá chất Hàn Quốc, thoả thuận này làm giảm bớt những rào cản khiến cho người ta không đến dược với những khách hàng mới.
Chúng ta cũng đang đạt được sự tiến bộ về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà sẽ tập thợp các nền kinh tế khắp Thái Bình Dương – các nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển – vào một cộng đồng thương mại duy nhất. Mục tiêu của chúng ta là tạo ra không chỉ sự tăng trưởng cao hơn, mà sự tăng trưởng tốt hơn. Chúng ta tin rằng các hiệp định thương mại cần phải có các điều khoản bảo vệ mạnh mẽ cho người lao động, môi trường, quyền sở hữu trí tuệ, và sự đổi mới. Chúng cũng sẽ phải thúc đẩy dòng chảy tự do của công nghệ thông tin và sự lan toả của công nghệ xanh, cũng như sự rõ ràng của hệ thống quy chế và tính hiệu quả của các chuỗi cung ứng của chúng ta. Cuối cùng, sự tiến bộ của chúng ta sẽ được đo bằng chất lượng cuộc sống của người dân – dù là nam hay nữ đều có thể làm việc trong sự tôn trọng nhân phẩm, được hưởng một mức lương khá, nuôi dưỡng những gia đình khoẻ mạnh, giáo dục con cái của họ, và nắm bắt những cơ hội để cải thiện vận mệnh của chính họ và của thế hệ tiếp theo. Chúng ta hy vọng rằng một thoả thuận TPP với những chuẩn mực cao có thể là một tiêu chuẩn cho các thoả thuận trong tương lai – và trở thành một nền tảng cho mối quan hệ khu vực rộng rãi hơn và cuối cùng là một khu vực thương mại tự do của châu Á – Thái Bình Dương.
Việc đạt được sự cân bằng trong các mối quan hệ thương mại của chúng ta đòi hỏi một cam kết hai chiều. Đó là bản chất của sự cân bằng – điều đó không thể được áp đặt một cách đơn phương. Vì vậy, chúng ta đang làm việc thông qua APEC, G-20, và các mối quan hệ song phương của chúng ta nhằm ủng hộ các thị trường mở cửa, ít những hạn chế hơn bởi với xuất khẩu, minh bạch hơn, và một cam kết tổng thế về sự công bằng. Các doanh nghiệp và người lao động Mỹ cần có lòng tin rằng họ đang hoạt động trên một sân chơi bình đẳng, với những quy tắc có thể dự đoán được về mọi việc từ sở hữu trí tuệ đến sự đổi mới của bản địa.
Sự tăng trưởng kinh tế cảu châu Á trong thập kỷ qua và tiềm năng tiếp tục tăng trưởng trong tương lai của châu lục này phụ thuộc vào an ninh và ổn định mà từ lâu được quân đội Mỹ đảm bảo, đó là lực lượng bao gồm hơn 50.000 nam nữ quân nhân Mỹ phục vụ ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Những thách thức đối với khu vực đang thay đổi nhanh chóng hiện nay – từ các cuộc tranh chấp lãnh thổ và hàng hải đến các mối đe doạ mới đối với tự do hàng hải cho đến tác động cao của thiên tai – đòi hỏi Mỹ phải theo đuổi một tư thế lực lượng được phân bố theo địa lý, bền bỉ về hoạt động, và vững vàng về chính trị hơn.
Chúng ta đang hiện đại hoá những dàn xếp đặt căn cứ của chúng ta với các đồng minh truyền thống ở Đông Bắc Á – và cam kết của chúng ta về điều này là vững chắc – đồng thời tăng cường sự hiện diện của chúng ta ở khu vực Đông Nam Á và đi vào Ấn Độ Dương. Chẳng hạn, Mỹ sẽ triển khai tàu chiến ven biển đến Xinhgapo, và chúng ta đang xem xét các biện pháp khác làm tăng thêm cơ hội để quân đội hai nước huấn luyện và hoạt động cùng nhau. Mỹ và Ôxtrâylia đã đồng ý trong năm nay thăm dò sự hiện diện quân sự nhiều hơn của Mỹ ở Ôxtrâylia nhằm tăng cường cơ hội huấn luyện và tập trận chung nhiều hơn. Chúng ta cũng đang xem xét làm sao chúng ta có thể gia tăng sự tiếp cận hoạt động của chúng ta ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương và làm sâu sắc thêm các cuộc tiếp xúc của chúng ta với các đồng minh và đối tác.
Làm thế nào chúng ta có thể biến mối liên hệ đang gia tăng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thành một khái niệm mang tính hoạt động là một câu hỏi mà chúng ta cần trả lời nếu chúng ta muốn thích ứng với những thách thức mới trong khu vực. Trong bối cảnh này, một sự hiện diện quân sự được phân bố rộng rãi hơn trong khắp khu vực sẽ mang lại những lợi thế mang tính sống còn. Mỹ sẽ ở vào một vị trí tốt hơn để hỗ trợ cho các sứ mệnh nhân đạo; và quan trọng không kém, làm việc với nhiều đồng minh và đối tác hơn sẽ tạo ra một bức tường thành mạnh mẽ hơn chống lại những mối đe doạ hoặc những nỗ lực làm xói mòn hoà bình và ổn định trong khu vực.
Nhưng còn hơn cả sức mạnh quân sự của chúng ta hay quy mô của nền kinh tế của chúng ta, tài sản có uy lực nhất của chúng ta với tư cách là một quốc gia chính là sức mạnh của các giá trị của chúng ta – đặc biệt, sự ủng hộ bền bỉ của chúng ta cho dân chủ và nhân quyền. Điều này nói lên đặc điểm dân tộc sâu sắc nhất của chúng ta và là trọng tâm của chính sách đối ngoại của chúng ta, bao gồm bước chuyển hướng chiến lược của chúng ta sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Khi chúng ta làm sâu sắc thêm sự can dự của chúng ta với các đối tác mà chúng ta bất đồng về những vấn đề này, chúng ta sẽ tiếp tục yêu cầu họ tiến hành các cuộc cải cách mà sẽ cải thiện việc quản lý chính quyền, bảo vệ nhân quyền, và thúc đẩy các quyền tự do chính trị. Chẳng hạn, chúng ta đã nói rõ với Việt Nam rằng tham vọng của chúng ta về việc phát triển một mối quan hệ đối tác chiến lược đòi hỏi nước này phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nhân quyền hơn nữa và thúc đẩy tự do chính trị. Hoặc hãy xem Mianma, nơi chúng ta quyết tâm tìm kiếm việc chịu trách nhiệm về các vụ vi phạm nhân quyền. Chúng ta đang theo dõi sát sao những diễn biến ở Nay Pyi Taw và sự hợp tác ngày càng tăng giữa Aung San Suu Kyi với ban lãnh đạo chính phủ. Chúng ta đã nhấn mạnh với chính phủ này rằng họ phải trả tự do cho các tù chính trị, thúc đẩy các quyền tự do chính trị và nhân quyền, và từ bỏ các chính sách của quá khứ. Đối với Bắc Triều Tiên, chế độ ở Bình Nhưỡng đã liên tục tỏ thái độ bất chấp các quyền của người dân nước này, và chúng ta tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ chống lại các mối đe doạ mà nước này gây ra đối với khu vực và vượt ra ngoài khu vực.
Chúng ta không thể và không muốn áp đặt chế độ của mình lên các nước khác, nhưng chúng ta tin rằng những giá trị nào đó là phổ biến – rằng người dân ở mọi quốc gia trên thế giới, kể cả ở châu Á, đều trân trọng những giá trị đó – và rằng chúng có giá trị thực sự đối với các nước ổn định, hoà bình, và thịnh vượng. Cuối cùng, việc theo đuổi những quyền hạn và nguyện vọng của họ là tuỳ thuộc vào người dân châu Á, đúng như chúng ta đã thấy người dân đã làm trên khắp thế giới.
Trong thập kỷ qua, chính sách đối ngoại của chúng ta đã chuyển từ việc chăm lo lợi ích của hoà bình sau Chiến tranh Lạnh sang đòi hỏi những cam kết ở Irắc và Ápganixtan. Khi các cuộc chiến tranh đó lắng xuống, chúng ta sẽ cần thúc đẩy những nỗ lực để chuyển sang những thực tế toàn cầu mới.
Chúng ta biết rằng những thực tế mới này đòi hỏi chúng ta phải đổi mới, cạnh tranh, và lãnh đạo theo các cách mới. Thay vì ráut lui khỏi thế giới, chúng ta cần thúc đẩy và đổi mới sự lãnh đạo của chúng ta. Trong thời buổi tài lực khan hiếm, không nghi ngờ gì nữa chúng ta cần đầu tư chúng một cách khôn ngoan vào nơi nào chúng sẽ mang lại lợi nhuận lớn nhất, đây là lý do tại sao châu Á – Thái Bình Dương là một cơ hội thực sự như vậy trong thế kỷ 21 đối với chúng ta.
Tất nhiên, các khu vực khác vẫn có tầm quan trọng sống còn. Châu Âu, nơi quy tụ hầu hết các đồng minh truyền thống của chúng ta, vẫn là một đối tác cần đến đầu tiên, làm việc bên cạnh Mỹ trong gần như mọi thách thức cấp bách toàn cầu, và chúng ta đang đầu tư vào việc làm mới các cơ cấu liên minh chúng ta. Người dân Trung Đông và Bắc Phi đang vạch ra một con đường mới đã có những kết quả sâu sắc trên toàn cầu, và Mỹ cam kết về các mối quan hệ đối tác tích cực và bền vững như là những thay đổi trong khu vực. Châu Phi có tiềm năng to lớn chưa được khai thác để phát triển kinh tế và chính trị trong những năm tới. Và các nước láng giềng của chúng ta ở Tây Bán cầu không chỉ là những đối tác xuất khẩu lớn nhất của chúng ta: mà họ còn đóng một vai trò ngày càng tăng trong các vấn đề chính trị và kinh tế toàn cầu. Mỗi khu vực này đều đòi hỏi sự can dự và lãnh đạo của Mỹ.
Và chúng ta sẵn sàng lãnh đạo. Hiện nay, tôi biết rõ rằng có những người nghi ngờ về sức dẻo dai của chúng ta trên khắp thế giới. Chúng ta đã nghe thấy chuyện này trước đây. Vào lúc kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, có một đội ngũ lớn các nhà bình luận toàn cầu thúc đẩy ý tưởng cho rằng nước Mỹ đang rút lui, và đó là một đề tài cứ vài thập kỷ lặp đi lặp lại. Nhưng bất cứ khi nào Mỹ trải qua những thất bại, chúng ta đã vượt qua chúng thông qua sự sáng tạo lại và đổi mới. Khả năng của chúng ta trở lại mạnh mẽ hơn là không gì sánh kịp trong lịch sử hiện đại. Khả năng đó bắt nguồn từ chính mô hình dân chủ tự do và thương mại tự do của chúng ta, một mô hình vẫn là cội nguồn mạnh mẽ nhất của của sự thịnh vượng và tiến bộ mà nhân loại đã biết đến. Tôi nghe thấy ở ọi nơi mà tôi đến rằng thế giới vẫn trông chờ sự lãnh đạo của nước Mỹ. Quân đội của chúng ta cho đến nay vẫn hùng mạnh nhất, và nền kinh tế của chúng ta cho đến nay vẫn lớn nhất thế giới. Người lao động của chúng ta làm việc có hiệu quả nhất. Các trường đại học của chúng ta nổi tiếng trên toàn thế giới. Vì vậy không nên nghi ngờ rằng nước Mỹ có khả năng đảm bảo và duy trì sự lãnh đạo toàn cầu của chúng ta trong thế kỷ này như chúng ta đã làm trong thế kỷ trước.
Khi chúng ta tiến tới chuẩn bị cho sự can dự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong 60 năm tới, chúng ta ghi nhớ di sản của hai đảng đã định hình sự can dự của chúng ta trong 60 năm qua. Và chúng ta tập trung vào các biện pháp mà chúng ta phải thực hiện trong nước – tăng tỉ lệ tiết kiệm, cải cách các hệ thống tài chính của chúng ta, giảm bớt sự phụ thuộc vào vay mượn, khắc phục sự chia rẽ đảng phái – nhằm đảm bảo và duy trì sự lãnh đạo của chúng ta ở nước ngoài.
Không phải là kiểu chuyển hướng dễ dàng, nhưng chúng ta đã mở đường cho sự chuyển hướng này trong hai năm rưỡi qua, và chúng ta cam kết thực hiện đến cùng như một trong những nỗ lực ngoại giao quan trọng nhất của thời đại chúng ta./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét