Hậu Đặng Tiểu Bình: sự đổi thay của Trung Quốc
Joshua Kurlantzick27-9-2011
Biển Đông (nguyên văn: biển Hoa Nam) khổng lồ, bao phủ một vùng khoảng 1,4 triệu dặm vuông ở Thái Bình Dương và các hòn đảo của nó thì lại nhỏ xíu đến mức phần lớn chỉ đủ chứa một đường băng và vài căn nhà. Chỉ có vài chục cư dân định cư trên một đảo san hô nhỏ tên là Pasaga. Tuy nhiên năm qua, Pasaga và các đảo tí hon khác đã bị kéo vào một trong những điểm bùng phát về quân sự nóng nhất thế giới.
Trung Quốc coi gần như toàn bộ biển Đông là biển của họ – mặc dù có 5 nước khác cũng ra yêu sách chủ quyền đối với một phần biển Đông – và Trung Quốc ngày càng quấy nhiễu, thậm chí đe dọa đánh chìm tàu Việt Nam và Philippines đi ngang qua khu vực. Đồng thời, quan chức Trung Quốc, từng nổi tiếng về cách ứng xử êm ái, duyên dáng với các láng giềng, bây giờ dường như đã thay đổi bất thình lình, chuyển sang cáu kỉnh, hay đòi hỏi và đe dọa. Tại một cuộc gặp hồi năm ngoái với đại diện các nước Đông Nam Á, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã bùng nổ.
Theo một số tin tức, ông Dương đã có một bài diễn văn 30 phút về những yêu sách chủ quyền hoành tráng của Trung Quốc trên biển Đông – tuyến đường hàng hải có tầm quan trọng sống còn và được xem là nơi có những mỏ dầu với trữ lượng đáng kể. Kết thúc phần trình bày, Dương chế nhạo nước chủ nhà Việt Nam, ngầm cảnh báo họ chớ có thách thức Bắc Kinh. Truyền thông quốc doanh ở Trung Quốc đã tung hô luận điệu hiếu chiếu của Dương, và hồi đầu năm qua, một số chiến lược gia và quan chức diều hâu của Trung Quốc đã bàn thảo riêng về sự cần thiết phải có một cuộc “chiến tranh có giới hạn” với Việt Nam, để cho người láng giềng phương nam của mình thấy ai là cường quốc thực sự ở châu Á.
Đối với nhiều nhà quan sát ở châu Á và một số quan chức Mỹ, cảnh tượng quan chức Trung Quốc mắng mỏ những người đồng nhiệm châu Á của mình, xoay quanh những quyền lợi khoác lác của Trung Quốc trên biển Đông, là có sắc thái đe dọa khi những lời ấy xuất phát từ một cường quốc đang ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ. Mỹ lo sợ rằng Trung Quốc, được tiếp sức nhờ một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và sức mạnh quân sự mới, sẽ hết nhạy cảm tinh tế và sẽ sống sượng đòi lại cái ảnh hưởng mà họ từng có hàng thiên niên kỷ cho đến khi sự kết hợp giữa tiến bộ khoa học công nghệ phương Tây và sự khiếp nhược của những triều đại Trung Hoa cuối cùng làm cho vương quốc này sụp đổ vào giữa thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. “Không nói công khai nhưng ai cũng hiểu động cơ của mọi cuộc hội nghị ở Đông Nam Á bây giờ là nỗi lo sợ, rằng cả khu vực sẽ như thế nào nếu bị Trung Quốc thống trị” – một nhà ngoại giao Việt Nam nói với tôi.
Nhưng cho dù quan điểm của người ngoài về Trung Quốc có như thế nào, một số học giả nước này – và thậm chí, nói nhỏ ở đây, một số quan chức Trung Quốc – đã thừa nhận rằng, ngược với hình ảnh một người khổng lồ đang trỗi dậy, cách ứng xử hung hãn của Trung Quốc gần đây cho thấy một điều khác. Họ nghĩ rằng giới lãnh đạo của đất nước đã trở nên chia rẽ và yếu hơn trong thời gian gần đây và không thể kiểm soát được phái diều hâu trong quân đội, trong Đảng Cộng sản, không kiểm soát được các doanh nghiệp nhà nước và quan chức của Bắc Kinh. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã không ngừng củng cố quan điểm của họ thông qua hệ thống báo chí riêng và mạng lưới các viện chiến lược (think tank) dân sự trong nước. Thỉnh thoảng, PLA tỏ ra đang gây ra hoặc đang làm căng thẳng thêm những tranh chấp quốc tế – đi ngược lại với mong muốn của các lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh – để thúc đẩy chính sách của Trung Quốc đi theo đường lối diều hâu hơn. Khác với sự cấu kết giữa quân đội và khối sản xuất ở Mỹ, PLA dường như đã hình thành một liên minh thử nghiệm với các công ty năng lượng hùng mạnh của Trung Quốc – lực lượng đang bắt đầu một cuộc săn tìm tài nguyên trên toàn cầu.
Kể từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949, những nhân vật mạnh mẽ, có khả năng thống nhất các phe phái, đã thống trị trên đấu trường chính trị và trong PLA. Người đầu tiên trong số đó là Mao Trạch Đông – đã đã sử dụng sức thu hút có một không hai với quần chúng và thiên tài chính trị của mình để kích động cho các đối thủ đánh nhau, tạo ra sùng bái cá nhân, và áp đặt quyền kiểm soát tàn bạo lên hệ thống chính trị của đất nước. Sau Mao là Đặng Tiểu Bình, người mà ảnh chân dung nên được treo rợp Quảng trường Thiên An Môn hơn là vị tiền nhiệm của ông ta, bởi ông đã sử dụng sự khôn khéo về chính trị và quyền lãnh đạo trong đảng, cũng như trong quân đội để kéo Trung Hoa ra khỏi vực thẳm Cách mạng Văn hóa và khởi động làn sóng phát triển kinh tế với tốc độ nghẹt thở trong lịch sử hiện đại.
Thiếu một nhân vật có tài thống nhất thiên hạ như Đặng hay Mao, ban lãnh đạo Trung Quốc ngày nay về căn bản là một nhóm không diện mạo, gồm những kỹ sư – đảng viên lâu năm, leo lên chức vụ không phải kinh qua chiến đấu hay nhờ đã phát triển các tư tưởng chính trị, kinh tế, mà bằng việc nuôi dưỡng hệ thống quan liêu ở cấp cao hơn họ và hé lộ càng ít càng tốt các tư tưởng cũng như dự định của họ. Đương kim Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào là điển hình của đường lối kín bưng như mật mã này. Trước khi giành được quyền lực vào năm 2004, Hồ rất ít bàn về bất kỳ chủ đề nào quan trọng, đến nỗi cả phe bảo thủ lẫn phe tự do ở Trung Quốc đều coi ông ta là người của phe mình. Kể từ đó, Hồ thể hiện tình cảm ở mức tối thiểu trước công chúng và tránh tiếp xúc, ngay cả khi theo sát kịch bản nhất, với báo chí và những người ngoài đảng.
Người được dự đoán sẽ kế nhiệm Hồ, sẽ nhậm chức vào năm 2012-13, là Phó Chủ tịch Tập Cận Bình; mặc dù ông này duyên dáng hơn một chút so với khúc gỗ Hồ, nhưng ông cũng sẽ không gợi cho người ta nhớ đến Mao hay Đặng. Khi họ Tập thể hiện bất kỳ tình cảm nào trước công chúng, đó là một thứ chủ nghĩa dân tộc chua chát, buồn bã, cộng hưởng với rất nhiều nhân vật ưu tú ở Trung Quốc – những người tin rằng thời của đất nước họ đã đến, nhưng nổi giận trước việc Hoa Kỳ tiếp tục duy trì quyền lực trên cái sân sau của Trung Quốc. “Có một số người nước ngoài, bụng béo phệ, mà chẳng biết làm gì tốt hơn ngoài việc chỏ mũi vào đất nước chúng ta” – Tập Cận Bình phàn nàn trong một bài diễn văn hiếm hoi trước công chúng, nhân chuyến viếng thăm Mexico hồi năm 2009.
Cùng với việc ban lãnh đạo Trung Hoa chia rẽ, nhiều quan chức và các chuyên gia viện chiến lược ở Mỹ, những người từng lên án Đặng chỉ đạo cuộc tàn sát ở Quảng trường Thiên An Môn ngày 4-6-1989 – đã bắt đầu nhìn lại thời Đặng một cách thân ái hơn. Quan điểm của họ là, mặc dù Đặng không dân chủ, nhưng vì nhiều lẽ, người ta dễ hiểu và dễ hợp tác hơn với những động cơ và hành động của một ban lãnh đạo Trung Quốc do một người đứng đầu hơn là với một đám độc tài tập thể. Cái mà họ sợ nhất ở Trung Quốc là Trung Quốc không có một nhà độc tài thật sự.
* * *
Đặng Tiểu Bình cau mày khó chịu khi chứng kiến sự thờ phụng Mao, và ông ta tránh xa trò chơi ngoại giao phô trương của vị thủ tướng đầu tiên của nước Trung Hoa cộng sản, Chu Ân Lai. Có lẽ vì phong cách thực tế, ít để tâm tới những lễ nghi hoành tráng, mà Đặng đã thu hút một vài cây viết tiểu sử nghiêm túc ở nước ngoài. Chắc chắn cuốn bách khoa toàn thư “Đặng Tiểu Bình và Sự thay đổi của Trung Hoa” của Ezra Vogel là tác phẩm tiếng Anh toàn diện nhất kể về cuộc đời của Đặng. Vogel, vị giáo sư danh dự tại Harvard, dường như đã phỏng vấn hay là lục lại lại ký ức của gần như tất cả những người từng nói chuyện với Đặng, và đã cực nhọc tái hiện một biên niên sử chi tiết, tận cùng về sự nghiệp đầy thăng trầm của Đặng. Không may là Vogel rất thường xuyên để cho bản biên niên sử quá chi tiết này đứng xen lẫn vào mạch chuyện và để những chi tiết vụn vặt làm át đi chủ đề của tác phẩm; ông đã xử lý để truyền tải được lý do tại sao Đặng lại có ảnh hưởng đến thế, và Trung Hoa đã nhớ Đặng như thế nào kể từ khi Đặng mất cách đây hơn một thập niên; thế nhưng phát hiện được thông điệp này không phải lúc nào cũng dễ dàng, trong bối cảnh có rất nhiều tài liệu về những cuộc họp bất tận, những bản ghi nhớ và suy tư của Đặng.
Tuy vậy, tác phẩm của Vogel vẫn bộc lộ cái cốt lõi trong tính cách và tầm nhìn của Đặng. Cũng như phần lớn những đảng viên thế hệ thứ nhất và thứ hai – những người đã trở thành lãnh đạo cấp cao sau khi cộng sản thắng thế trong cuộc nội chiến ở Trung Hoa năm 1949 – Đặng một đời làm cách mạng. Thập niên 1920, ông hoạt động bí mật cho cộng sản ở Thượng Hải và các thành phố khác, sau đó tham gia vào Vạn Lý Trường Chinh đến căn cứ Thiểm Tây của đảng, càng gần với Mao hơn. Mao đánh giá cao ở Đặng kỹ năng tổ chức và năng lực kết nối với những người bình thường, bằng phong cách nói năng trực tiếp. Trong cuộc nội chiến, Đặng làm lãnh đạo và chính trị viên trong quân đội. Ông chỉ huy nhiều trận đánh quy mô lớn và đã có lúc cầm đầu khoảng nửa triệu lính. Sau chiến tranh, ông phục vụ cho Mao gần hai thập kỷ trong ban lãnh đạo, qua đó tìm hiểu sâu sắc về chính trị, kinh tế và đường lối điều hành. Khi phải chịu trách nhiệm về quan hệ của đảng với những đảng cộng sản ở các nước khác, ông đã sử dụng những kết nối của mình để đem công nghệ mới về cho Trung Quốc. Từng học ở Pháp trong thập niên 20 của thế kỷ trước, Đặng cũng hiểu rằng, bất chấp chiến dịch công nghiệp hóa và tập thể hóa của Mao, Trung Quốc đang tụt hậu so với các nước cộng sản khác trong việc phát triển kinh tế.
Nhưng cho dù Đặng theo tư tưởng cách mạng gì đi nữa, tư tưởng đó cũng bị thanh lọc sạch sẽ trong Cách mạng Văn hóa, cùng với sự nghiệp của Đặng. Nhiều lãnh đạo cấp cao đã trải qua thảm kịch trong Cách mạng Văn hóa, khi Mao bắt đảng tự chống lại mình, trong cái mà các học giả gọi là “cuộc cách mạng cuối cùng” của Chủ tịch, nhưng ít người có thể khổ sở hơn Đặng. Vốn luôn luôn sợ hãi những địch thủ tiềm tàng và lo sợ tính thực dụng cố hữu trong con người Đặng – cái đã đẩy Đặng đến chỗ lẳng lặng phê bình một số chiến dịch thảm họa của Mao – đến năm 1966, Mao bắt đầu tấn công Đặng vì tội có ý định “theo đuổi con đường tư bản chủ nghĩa”. Ngày lại ngày, báo chí quốc doanh của Trung Quốc đánh Đặng bằng những bài phê phán. Năm sau Mao ra lệnh quản thúc Đặng tại gia và tới năm 1969, Đặng và vợ, bà Trác Lâm, bị đưa về tỉnh Giang Tây để “cải tạo” và bị buộc phải lao động nặng nhọc.
Ở Bắc Kinh, Hồng Vệ Binh quấy nhiễu 5 đứa con của Đặng, cuối cùng cũng đưa họ về nông thôn và cưỡng bức lao động nặng nhọc. Vogel viết rằng trước khi Đặng bị đưa đi học tập cải tạo, một trong 5 con của ông là Đặng Phác Phương, 24 tuổi, đã bị Hồng Vệ Binh ngược đãi đến mức ngã từ trên cửa sổ cao xuống đất mà gãy xương sống. (Các nguồn tài liệu khác cho rằng con trai Đặng bị ném khỏi cửa sổ). Do Đặng đã bị tẩy chay trên phương diện chính trị rồi cho nên các bác sĩ ở bệnh viện Bắc Kinh từ chối phẫu thuật cho con ông. Đặng Phác Phương vẫn sống, nhưng bị liệt từ ngực trở xuống; và như Vogel viết, khi Đặng hay tin về số phận con trai mình, ông ngồi yên lặng, hút hết điếu thuốc này tới điếu thuốc khác. Cuối cùng Đặng nhận phần tắm rửa và chăm sóc cho Đặng Phác Phương.
* * *
Đặng không bao giờ quên nỗi đau Cách mạng Văn hóa. Trong suốt thời gian làm lãnh đạo, ông chỉ trích những thất bại của đảng, và trong những cuộc đàm luận sau này với người nước ngoài, theo như Vogel viết, Đặng luôn gọi thời kỳ đó một cách quyết liệt là thảm kịch của Trung Quốc. Khi Mao già yếu, triệu Đặng về lại Bắc Kinh vào đầu những năm 70, Đặng quyết rằng đảng phải vượt qua tình trạng điên loạn của nó bằng cách mạng chính trị và thanh lọc nội bộ, và phải hết sức thực hiện công nghiệp hóa Trung Quốc. Tính chính danh của đảng sẽ phải căn cứ không chỉ vào tư tưởng mà còn phải trông vào khả năng đảng đem lại một cuộc sống tốt đẹp cho người dân Trung Quốc. Điều này tưởng như là hiển nhiên, nhưng sau nhiều thập kỷ chìm đắm trong những chiến dịch tàn sát của Mao, và sau việc Mao phỉ báng đời sống nông dân – Mao có nói một câu nổi tiếng rằng ông ta thà hy sinh nửa nhân loại để chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân – thì chủ nghĩa thực dụng và hiện đại hóa là những khái niệm mang tính cách mạng ở Trung Quốc. Những chuyến đi của Đặng tới Nhật Bản, châu Âu và Mỹ vào giữa và cuối thập niên 1970, khi ông chứng kiến nền sản xuất tự động hóa cao độ, đường sắt cao tốc và những công nghệ tuyệt đỉnh khác, đã làm Đặng thêm tin rằng nhà nước Trung Quốc đã lỡ đường. Khác với Mao, Đặng sẵn lòng thừa nhận là Trung Quốc bị tụt hậu về kinh tế, và ngay cả những nước châu Á nghèo khác như Hàn Quốc cũng đã bắt đầu cất cánh, và để hiện đại hóa, Trung Quốc cần sự trợ giúp từ nước ngoài, cần nền pháp trị (ít nhất trong lĩnh vực kinh tế). “Các nhà khoa học Trung Quốc phải học ngoại ngữ để có thể đọc các báo cáo của nước ngoài… Trung Quốc phải biết thương lấy các chuyên gia của mình. Trung Quốc cần đưa tự động hóa vào các nhà máy và hỗ trợ những nhà khoa học tài năng” – Đặng khẳng định tại những cuộc họp của đảng (theo Vogel). Ở một nước vừa thoát khỏi Cách mạng Văn hóa – cuộc cách mạng mà trong đó một tên độc tài về trí tuệ chế giễu các chuyên gia và trừng phạt, tiêu diệt những người có chuyên môn, và lãnh đạo thì đã tin tưởng đến hàng thiên niên kỷ rằng Trung Hoa là trung tâm của thế giới – thì đây cũng là những ý tưởng gây sốc.
Đặng luôn là một người tương đối thực dụng, nhưng chủ nghĩa thực dụng ở ông trở thành một thứ tôn giáo thế tục cùng với việc ông bước lên vị trí lãnh đạo cao nhất. “Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá chân lý” – bài báo được Đặng ưa thích viết như vậy. Kết quả đạt được, chứ không phải ý thức hệ, mới là cái quyết định chính sách. (Ngày nay sinh viên Trung Quốc học Học thuyết Đặng Tiểu Bình cùng với tác phong và lời dạy của Mao, nhưng các học thuyết của Đặng chủ yếu là những câu cách ngôn chung chung về điều hành và quản lý kinh tế). Sau khi Mao mất (năm 1976), Đặng sử dụng những kỹ năng về chính trị của mình, cùng sự tín nhiệm của các lãnh đạo cao cấp và công chúng đối với mình, để đánh người kế nhiệm được chỉ định của Mao – Hoa Quốc Phong – và bè lũ bốn tên. Đặng giáng cấp Hoa nhưng không giết cũng không tống giam ông ta, tạo tiền đề cho việc chuyển giao quyền lực ôn hòa trong tương lai.
Đặng cũng không tìm cách xóa sạch dấu vết những người tiền nhiệm của mình, như Mao đã cố gắng xóa sổ tất cả truyền thống của Trung Hoa để rồi dẫn đến sự hủy diệt khủng khiếp về văn hóa. Đặng vẫn coi Mao là người khai sinh ra đảng, vẫn để ảnh chân dung của Mao trên quảng trường Thiên An Môn và về căn bản ông thanh minh cho những tội ác trầm trọng của Mao. Tuy nhiên ông thừa nhận rằng phần lớn tư tưởng của Mao về phát triển kinh tế và chính trị là sai. Đặng cũng tẩy độc cho ý tưởng học tập từ phương Tây và thậm chí từ nước Nhật mà Trung Quốc vốn căm ghét. Khi đi thăm Mỹ, Đặng nói với các cố vấn riêng rằng có một nơi ông muốn tới là Phố Wall, biểu tượng của tiềm lực kinh tế Hoa Kỳ, suối nguồn của sức mạnh Mỹ, mạnh hơn cả xe tăng và tàu khu trục. “Trung Quốc phải đuổi kịp những nước tiên tiến nhất thế giới” – ông cảnh báo. Ông cho mở lại các trường đại học và gặp gỡ những người Mỹ gốc Trung Quốc được giải Nobel để tìm hiểu xem làm thế nào để Trung Quốc nâng cao chất lượng khoa học cơ bản. Ông giám sát các quỹ của Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, và nuôi dưỡng một bầu không khí mới, tôn trọng học thuật. Đặng thậm chí còn ủng hộ ý tưởng cho rằng sinh viên Trung Quốc sau khi tốt nghiệp nên đi học thêm ở nước ngoài – một sự ngấm ngầm thừa nhận rằng Trung Quốc đã tụt hậu xa tới mức nào.
* * *
Trong chính sách ngoại giao cũng vậy, Đặng thực thi đường lối khiêm nhường hơn; đường lối này sẽ được các lãnh đạo Trung Quốc sau ông tiếp quản cho đến gần đây. Trong suốt những năm 70 và 80, Đặng cắt giảm chi tiêu công cho quân sự và tuyên bố, Trung Quốc phải âm thầm tạo dựng sức mạnh trong khi vẫn giữ mình kín tiếng trong các vấn đề quốc tế. Như Đặng từng nói với một nhà lãnh đạo châu Phi sang thăm Trung Quốc vào năm 1985: “Đừng copy mô hình của chúng tôi. Về phần chúng tôi, nếu có kinh nghiệm gì thì kinh nghiệm ấy là để xây dựng chính sách trong điều kiện đất nước chúng tôi”.
Quan trọng nhất là bắt đầu từ cuối thập niên 70, Đặng nới lỏng các quy định về kinh tế-xã hội, tháo cũi cho các doanh nghiệp đang bị kìm hãm và cho phép mọi người bình thường được sống mà không phải lo sợ rằng đảng sẽ rình mò phòng ngủ, phòng bếp nhà họ. Báo chí, các nhà xuất bản sách văn học, rạp chiếu bóng bắt đầu mở cửa trở lại. Đầu tư nước ngoài được hoan nghênh, đặc biệt trong các đặc khu kinh tế mới ở miền nam Trung Quốc, nơi các nhà đầu tư được ưu đãi về thuế và nói chung được cách ly khỏi luật pháp Trung Quốc, hoặc cũng không có luật nào ràng buộc ở đó. Chính phủ cho phép nông dân bán nông sản thu được, và bắt đầu cắt giảm trợ cấp Nhà nước, thúc đẩy các doanh nghiệp quy mô thị trấn, làng mạc phát triển. Có lẽ đáng chú ý nhất là, Đặng – nhân vật nổi bật nhất ở Trung Quốc – từng phát biểu hàm ý rằng “làm giàu là vinh quang”, nghĩa là, không như các thập niên trước, nhà nước sẽ ủng hộ các nhà tư bản thay vì trừng trị họ.
Nhưng, trái ngược với niềm tin của rất nhiều người Mỹ đã từng gặp Đặng, việc Đặng tập trung vào hiện đại hóa và từ bỏ các quan điểm chính trị và xã hội mao ít cực đoan không biến ông ta thành nhà dân chủ. Sau chuyến thăm mang tính đột phá khẩu của Nixon tới Trung Quốc vào năm 1972, Washington và Bắc Kinh tăng cường quan hệ; cùng phải đối diện với một kẻ thù chung ở Matxcơva, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã chỉ muốn thấy những điểm tốt đẹp nhất ở người bạn Trung Quốc của họ. Và khi gặp Đặng, họ dễ dàng nghĩ ông ta là một nhà cải cách. Ông ta nói chuyện với những lời lẽ mà những người Mỹ đang hăm hở muốn làm bạn, làm đồng minh với Trung Quốc có thể hiểu được, và ông sử dụng một thứ ngôn ngữ đời thường, trực tiếp khi trò chuyện với các chính trị gia Mỹ. Năm 1978, Time tôn xưng Đặng làm “Người của Năm” do có công khởi động sự nghiệp hiện đại hóa của Trung Quốc. Truyền thông quốc doanh Trung Quốc, đổi lại, mô tả chuyến đi của Đặng năm 1979 tới Mỹ một cách tích cực, quảng bá hình ảnh về đời sống bên Mỹ, góp phần khích lệ niềm khao khát của người Trung Quốc về tăng trưởng, về tinh thần doanh nhân và hàng hóa tiêu dùng của phương Tây. Đặng bảo một người ở Đại học Temple rằng ông kính trọng cam kết tự do học thuật của trường này; đến một nơi khác, ông cũng khen sự cởi mở của xã hội Mỹ.
Nhưng ông không hề tôn vinh những giá trị mà ông khen ngợi. Vào cuối năm 1978, tưởng rằng Đặng sẽ thúc đẩy không chỉ cải cách kinh tế mà cả cải cách chính trị, các nhà hoạt động bắt đầu ghi các yêu cầu phải thực thi tự do nhiều hơn lên một bức tường gần Quảng trường Thiên An Môn. Xen lẫn trong đó là những lời phê bình Mao ngấm ngầm. Phong trào sau này được gọi là Bức tường Dân chủ, và các dòng viết trên tường thu hút sự chú ý rộng rãi. Người ta đồn rằng Đặng ủng hộ các nhà hoạt động. Hàng nghìn người, sau đó tới hàng trăm nghìn người, hàng ngày kéo đến đây đọc và viết những mẩu riêng của họ, kể về nỗi thống khổ của họ trong Cách mạng Văn hóa. Tháng 1-1979, một số người ủng hộ Bức tường Dân chủ đã tổ chức tuần hành đến văn phòng trung ương đảng ở gần Quảng trường Thiên An Môn. Nhưng, Vogel viết rằng, khi phong trào Bức tường Dân chủ lớn mạnh, Đặng bắt đầu ra lời cảnh cáo “một số thông tin không có lợi cho sự ổn định… Khi những người phản đối tập hợp được đám đông khổng lồ và chống lại các luật lệ căn bản của ban lãnh đạo cộng sản, Đặng chuyển hướng một cách quyết liệt sang đàn áp mọi sự chống đối”. Từ đó cho tới tháng 3, quan chức thành phố Bắc Kinh cấm poster, sách và các bài viết thách thức chế độ; chẳng bao lâu sau, lực lượng an ninh đã bắt hết các nhà lãnh đạo phong trào Bức tường Dân chủ.
Xét đến cùng, Đặng tin vào Đảng Cộng sản. Ông là người thực dụng, và trên lý thuyết ông chấp nhận tự do, nhưng đấy là nếu tự do ấy không đe dọa đảng. Ông đã dành toàn bộ quãng đời trưởng thành của mình cho hoạt động chính trị cho đảng; ông không thấy ngoài đảng ra còn có phương tiện nào khác để thống nhất và lãnh đạo đất nước; và đặc biệt, khi các nước cộng sản khác bắt đầu cải cách vào cuối thập niên 1980, ông chuyển sang tin tưởng vững chắc rằng đảng không thể chấp nhận tự do hóa nếu còn muốn sống. Đảng có tự cứu được mình thì mới cứu được nhân dân. Hình thức dân chủ duy nhất mà Đặng thấy chấp nhận được là “dân chủ trong nội bộ đảng”. Đảng viên có thể phản biện riêng về các vấn đề, nhưng một khi đã đạt được quyết định nào đó rồi thì quyết định đó phải được thực hiện công khai bởi một mặt trận thống nhất. Do vụ đàn áp Bức tường Dân chủ, chính là Đặng chứ không phải nhà lãnh đạo nào khác của đảng, đã tạo cơ sở cho việc Trung Quốc hiện đại hóa kinh tế mà không hiện đại hóa chính trị – một quá trình mà suốt hàng thập kỷ đã phủ nhận lý thuyết hiện đại hóa thông thường do các khoa học gia chính trị như Seymour Martin Lipset và Samuel Huntington đưa ra. Lý thuyết của hai ông này cho rằng cải cách kinh tế dứt khoát sẽ gây áp lực dẫn đến cải cách chính trị, đặc biệt ở những người thuộc tầng lớp trung lưu, có học; họ sẽ không thể chịu nổi một chính quyền độc đoán.
* * *
Mùa xuân năm 1989, triết lý của Đặng đứng trước cuộc thử nghiệm gay gắt nhất. Khắp Trung Quốc lan tràn tâm trạng phẫn nộ trước cảnh tham nhũng, lạm phát gia tăng, tăng trưởng kinh tế chậm chạp. Điều này đẩy tới những cuộc biểu tình trên toàn quốc, đặc biệt ở Bắc Kinh, đòi mở rộng tự do. Được truyền đạt lại những câu chuyện lúc bấy giờ về tranh cãi trong nội bộ đảng, Đặng tin chắc rằng, nếu cần, chính quyền phải sử dụng vũ lực để duy trì quyền lực. Ông ta tin tưởng là tán thành cải cách chính trị thì sẽ dẫn đến hỗn loạn ở một nước lớn và đôi khi không kiểm soát nổi, và sẽ phá hoại tiến bộ kinh tế của Trung Quốc. Ông cho là những nước cộng sản khác, đi theo con đường cải cách chính trị trước khi cải cách kinh tế, sẽ phải đối diện khủng hoảng tương tự, và các lãnh đạo sẽ bị mất chức trước khi họ kịp sửa chữa các vấn đề kinh tế nghiêm trọng của quốc gia, gây ra bất ổn trên diện rộng.
Đặng đã có tiền sử ra những quyết định cứng rắn, thậm chí tàn nhẫn, khi cần thiết, cho nên đoạn kết của sự biến Thiên An Môn không có gì đáng ngạc nhiên. Mặc dù làm cho các nhà cải cách trong đảng hân hoan để họ cùng phát triển thương hiệu “hiện đại hóa kinh tế” của ông, nhưng Đặng cũng đứng sau rèm giật dây khi các cuộc phản đối leo thang, bởi vì khi ấy ông không còn là nhà lãnh đạo trên danh nghĩa nữa. Ông vô hiệu hóa và cuối cùng ra lệnh quản thúc tại gia đối với một nhân vật thứ hai, sau ông: con người ủng hộ cải cách Triệu Tử Dương. Đặng cùng với Lý Bằng, nhân vật cứng rắn nhất, đã ra những lời cảnh cáo khiêm khắc đến những người biểu tình. Cuối cùng, ngày 3-4/6, Đặng xuống lệnh tung một cuộc đàn áp đẫm máu vào những thường dân tay không, cho PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa – ND) ban hành thiết quân luật và dọn dẹp sạch sẽ Quảng trường Thiên An Môn, giết tới vài nghìn người. Rồi đến lúc “người phương Tây sẽ quên” những kỹ thuật tàn bạo của Trung Quốc – Đặng hứa với các nhà lãnh đạo khác trong đảng. Bản thân Đặng, theo như Vogel viết, có vẻ không bao giờ băn khoăn gì về quyết định của mình khi đàn áp dã man những người biểu tình.
Chẳng bao lâu sau sự biến Thiên An Môn, Trung Quốc đối diện với sự cô lập tồi tệ nhất của quốc tế kể từ thời kỳ cướp bóc dưới chế độ Mao. Mỹ cấm vận, nhiều nước khác cắt đứt quan hệ kinh doanh. Thời điểm đó, nhiều nhà quan sát nước ngoài và trí thức Trung Quốc tin rằng Đảng Cộng sản không thể tồn tại được lâu, ít nhất không phải với cái kiểu của nó khi ấy. Các học giả nước ngoài dự đoán đảng sụp đổ đến nơi, và dự đoán ấy của họ trở thành chủ đề chính mỗi khi bàn về dân chủ toàn cầu. Bill Clinton và nhiều người khác cảnh báo Bắc Kinh rằng nếu họ không nghiêm túc tiến hành cải cách, đảng sẽ không trụ được. Những tác phẩm như Sự sụp đổ sắp đến của Trung Quốc (The Upcoming Collapse of China, 2001) của Gordon Chang trở thành sách bán chạy nhất ở Mỹ. Gần đây, mùa xuân vừa qua, Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng nhắc lại luận điệu tương tự: Bà nói với các phóng viên tờ Atlantic rằng Bắc Kinh “đang cố bắt lịch sử dừng bước (tức là ngăn chặn tiến trình dân chủ hóa), đấy là một lỗi ngu xuẩn”.
Henry Kissinger, một trong những kiến trúc sư của mối quan hệ Mỹ-Trung hiện đại, nghĩ rằng quyết định của Đặng năm 1989 là có thể chấp nhận được. Là một nhà ngoại giao tài ba, theo chủ nghĩa hiện thực, Kissinger nhìn thấy ở Đặng một tâm hồn đồng điệu, trái ngược với Mao vốn dĩ thất thường khó đoán. Trong cuốn sách mới đây nhất, On China (Về Trung Quốc), Kissinger tán dương Đặng. “Trung Quốc là cường quốc kinh tế như ngày nay là do được thừa kế từ Đặng Tiểu Bình” – ông viết vậy. Đặng “đáp ứng hoàn toàn nhiệm vụ tối thượng của một nhà lãnh đạo – là đưa xã hội từ nơi nó đang tồn tại đến vị thế nó chưa bao giờ đạt tới”.
Đánh giá này cũng có phần đúng, nhưng Kissinger dùng nó để nhận định về gần như toàn bộ ban lãnh đạo Trung Quốc, mà trong số đó chỉ vài người đáp ứng được các tiêu chuẩn cao vợi của Đặng về năng lực lãnh đạo. Trên thực tế, cũng giống như nhiều nhà quan sát ít hiểu biết về Trung Quốc khác, Kissinger dường như đi theo một cái khuôn cũ, coi các vị lãnh đạo của Trung Quốc như là những nhà ngoại giao bẩm sinh đã đầy kinh nghiệm, sở hữu trí tuệ khôn ngoan mà người phương Tây không thể nào có được. Ví dụ nực cười nhất về cái suy nghĩ dập khuôn này là khi nhiều nhà quan sát, trong nhiều năm liền, đã nói rằng Chu Ân Lai từng bảo là “còn quá sớm để đánh giá” Cách mạng Pháp có thành công hay không – câu chuyện này thường được trích dẫn như một ví dụ về tầm nhìn xa rất minh triết của các nhà ngoại giao Trung Quốc. Nhưng như Chas Freeman, người hiểu về Trung Quốc đã lâu, chỉ ra tại một hội thảo chuyên đề gần đây giới thiệu cuốn sách của Kissinger, thì hóa ra ông Chu nhầm Cách mạng Pháp 1789 với những cuộc biểu tình ở Paris năm 1968.
Dù vậy, Kissinger vẫn cho là sự khôn ngoan của người Trung Quốc làm lu mờ những thủ đoạn chính trị thiển cận của nền dân chủ phương Tây. “Chiến lược của Trung Quốc nói chung có ba đặc điểm: phân tích tỉ mỉ các khuynh hướng dài hạn, nghiên cứu thận trọng các lựa chọn về chiến thuật, và khảo sát một cách khách quan các quyết định có thể đưa ra” – trong một đoạn rất điển hình, Kissinger đã nồng nhiệt viết như vậy. Người ta gần như có thể nghe thấy nhà chính khách tài ba này nghiến răng ken két khi nói về chính sách ngoại giao của Mỹ, chính sách mà, ngược với quan điểm của ông, lại thường chịu ảnh hưởng từ ý kiến của các chính trị gia và nguyện vọng của cử tri, và thường không phải là sản phẩm của một nhóm nhỏ các vị quan chức.
Thậm chí Kissinger có vẻ ngầm phê phán những người biểu tình trong vụ đàn áp ở Thiên An Môn, vì họ đã cố gắng “làm lộ ra sự bất lực của chính quyền, làm chính quyền suy yếu, và buộc chính quyền phải hành động vội vã”. Nhận xét này thống nhất với quan điểm của Kissinger rằng sự cố Thiên An Môn chỉ là một cái vết nhỏ (nguyên văn: blip, nghĩa là đốm sáng, tiếng nổ nhỏ trên màn hình máy tính – ND) trong quan hệ Mỹ-Trung: đó là một mối phiền phức về ngoại giao do đám biểu tình gây ra – những người tự gây phiền phức cho mình. Là một trong những vị khách Hoa Kỳ nổi bật nhất đến Trung Quốc sau vụ Thiên An Môn, cá nhân Kissinger đã góp phần làm quan hệ đôi bên dịu lại, bằng việc đề nghị Bắc Kinh thể hiện một số “khía cạnh có tính chất trình diễn” của cuộc cải cách, để cho qua vụ Thiên An Môn đi.
* * *
Bất chấp những dự đoán của các nhà ngoại giao Mỹ, Trung Quốc dường như vẫn thách thức lịch sử. Họ khẳng định quyết tâm của Đặng là không cho phép cải cách chính trị diễn ra ngay cả vào năm 1989. Nhiều nước láng giềng châu Á của Trung Quốc, như Thái Lan và Philippines, có vẻ đã chuyển dịch dần sang dân chủ vào thập niên 1990, để rồi lại trở về với chế độ cai trị nửa độc đoán vào thập niên tiếp sau đó, bị tình trạng trì trệ về kinh tế, lãnh đạo bất tài và tham nhũng kéo giật lùi. Nhật Bản trải qua hai thập niên mất mát, kinh tế đình đốn, nghèo đói gia tăng. Nga đùa bỡn một chút với nền dân chủ trong thập niên 90 nhưng rồi nhanh chóng thoái hóa thành một dạng nhà nước mafia, sản xuất què cụt, ảnh hưởng quốc tế sa sút. Ngay cả phương Tây, nơi đã rao giảng cho Trung Quốc nhiều năm về tư nhân hóa và cải cách chính trị, thì suốt ba năm qua cũng phải sử dụng tương đối đáng kể nguồn lực nhà nước để hỗ trợ cho các ngành từ sản xuất ô-tô đến ngân hàng.
Trong khi đó, Trung Quốc có vẻ vẫn đi từ sức mạnh này sang sức mạnh khác. Nhiều nước toàn trị đã cố gắng hiện đại hóa mà không phải mở cửa hệ thống chính trị, và mặc dù một vài nước đã thành công, nhưng vẫn không nước nào so được với Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng gần 9% năm 2009, trong khi Nhật Bản thu hẹp hơn 5%, và Mỹ giảm 2,6%. Trung Quốc giờ nắm gần 1,2 nghìn tỷ USD nợ của chính phủ Hoa Kỳ. Hơn thế nữa, cả thập niên qua, thách đố các yêu cầu của phương Tây đòi tư nhân hóa và thực hiện Đồng thuận Washington về tân tự do hóa, chính quyền Trung Quốc tái ấn định kiểm soát trong rất nhiều lĩnh vực kinh tế chiến lược. Trong số 44 công ty lớn nhất Trung Hoa ngày nay, chỉ có 3 công ty là của tư nhân.
Cho mãi tới cách đây 2-3 năm, “Đồng thuận Bắc Kinh” chủ yếu chỉ hấp dẫn những nhà độc tài áp chế nhất thế giới—Mahmoud Ahmadinejad ở Iran, Bashar al-Assad ở Syria và Islam Karimov ở Uzbekistan—tất cả đều hăm hở tìm hiểu cách Trung Quốc hiện đại hóa nền cai trị độc đoán của họ. Nhưng trong những năm gần đây thì không chỉ các nhà độc tài tìm cách học hỏi từ Bắc Kinh. Càng ngày, lãnh đạo và thậm chí những công dân bình thường tại các nền dân chủ non trẻ như Indonesia, Thái Lan, Senegal, Venezuela, Nicaragua và Bolivia – nơi mà sự ủng hộ của dân chúng đối với dân chủ đã suy yếu đi và lãnh đạo thì đang tìm kiếm các mô hình tăng trưởng mới sau thất bại của Đồng thuận Washington – càng quan tâm đến mô hình Trung Quốc hơn. Nghiên cứu 10 quốc gia Đông Nam Á, học giả người Indonesia Ignatius Wibowo phát hiện ra rằng trong thập niên qua, chỉ có vài ngoài lệ, còn lại nước nào cũng đang đi theo đúng con đường của Trung Quốc, xa dần con đường dân chủ tự do, chủ yếu là do những nước này đã quan sát thấy thành công của Trung Quốc và họ đặt nó đối lập với những vấn đề kinh tế của phương Tây.
Trái ngược với dự đoán của những học giả như Huntington và Lipset, giai cấp trung lưu ở Trung Quốc cho thấy họ rất ít có xu hướng đứng lên, thậm chí ngay cả khi cách mạng lan tràn khắp Trung Đông. Trên thực tế, số dân thành phố trong các tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc lại còn ngày càng trở thành vật cản bảo thủ đối với sự thay đổi. Sau sự cố Thiên An Môn, Đảng Cộng sản suýt nữa thì từ bỏ ý thức hệ truyền thống và đặt sự chính danh của họ vào việc cải thiện hoạt động kinh tế, đồng thời truyền bá một thứ chủ nghĩa dân tộc mới, mạnh bạo và đôi khi thô thiển, thông qua các chiến dịch truyền thông, sách giáo khoa cải cách và các sự kiện công cộng. Hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác cho thấy, đa số tầng lớp trung lưu ở thành thị của Trung Quốc – đã phát triển rất mạnh kể từ khi cải cách bắt đầu vào cuối thập niên 1970 – dường như không hề muốn thay đổi chế độ. Một thế hệ trẻ những người thành thị giàu có, tự xưng là “tân bảo thủ”, gây áp lực buộc chính quyền phải hành động cứng rắn hơn với Đài Loan, Tây Tạng, Nhật Bản, Mỹ và những lực lượng khác mà họ cho là kẻ thù. Vào đảng, bây giờ là việc rộng mở đối với các doanh nhân, đã trở thành một điều được thèm muốn hệt như ở phương Tây người ta thèm muốn gia nhập câu lạc bộ các nước giàu sang. Một báo cáo phân tích tổng hợp các công dân Trung Quốc, do Trung tâm Đông-Tây ở Hoa Kỳ thực hiện, chỉ ra rằng “đồng thời với khi cải cách kinh tế và tăng trưởng ở Trung Quốc đạt nhiều bước tiến, sự quan tâm của công chúng đến việc thúc đẩy dân chủ tự do dường như đã suy yếu”. Do tăng trưởng có lợi cho khu vực thành thị nhất, nên người thành thị đặc biệt tin rằng tự do hóa chính trị sẽ đẩy quyền lực chính trị và kinh tế về khu vực nông thôn nghèo nàn lạc hậu. Một cuộc thăm dò do tổ chức nghiên cứu Pew thực hiện hồi năm ngoái với đối tượng chính là các khu vực thành thị cho thấy cứ 10 người Trung Quốc thì 9 người hài lòng với tình hình đất nước hiện tại. Chỉ có 30% công dân Mỹ, thường nằm trong số những người lạc quan nhất thế giới, hài lòng với đường lối của Mỹ.
* * *
Tăng trưởng ở Trung Quốc và sự đình trệ về kinh tế của phương Tây rõ ràng khiến cho giới hoạch định chính sách ở Bắc Kinh thêm tự tin. Mặc dù thường tỏ ra kính trọng Đặng, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng phớt lờ lời răn Đặng để lại là Trung Hoa nên đóng vai trò tương đối kín đáo trong các vấn đề quốc tế, cho tới chừng nào họ trở thành một đất nước giàu mạnh. “Các vị lãnh đạo Trung Quốc từng đến đây, từng muốn học hỏi chúng tôi” – một quan chức Thái Lan kể với tôi – “Bây giờ thì có vẻ như họ không còn gì phải học nữa… Họ không thích nghe chúng tôi”. Trong khi Đặng cắt giảm ngân sách cho quân sự thì chính phủ bây giờ dành cho lực lượng vũ trang Trung Quốc khoản ngân sách mỗi năm gia tăng tới 15%, và quân đội đang đẩy mạnh việc phát triển hệ thống vũ khí lớn, chẳng hạn như hàng không mẫu hạm. Trên Biển Đông (nguyên văn: biển Hoa Nam), các quốc gia châu Á khác phải va chạm với một Trung Quốc táo bạo. Suốt những năm 2000, Trung Quốc ve vãn Ấn Độ, và hai nước này ngày càng quan hệ chặt chẽ hơn về kinh tế, thế nhưng đến năm 2009, Trung Quốc có vẻ như đã sẵn sàng đánh nhau lần nữa với nước láng giềng phía tây nam của mình. Mùa xuân năm ấy, sau khi đã đồng ý giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới cũ với Ấn Độ, Trung Quốc công khai tuyên bố rằng họ sở hữu khoảng 90.000 ki-lô-mét vuông lãnh thổ tranh chấp ở vùng Tây Tạng. Năm sau, Trung Quốc chửi bới cả thế giới khi ủy ban Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba – ông Lưu bị tù từ năm 2009 vì đã tổ chức nên Hiến chương 08, một bản kiến nghị online, kêu gọi thực hiện dân chủ, nhân quyền và pháp trị. Bắc Kinh lên án Nauy và các nước Âu châu khác, rồi gây áp lực nặng nề lên các vị lãnh đạo châu Á, châu Âu để họ không tham dự lễ trao giải. Nhiều quốc gia đã phải tuân lệnh.
Mặc dù xét về quân sự thì Trung Hoa còn tụt hậu xa so với Mỹ, nhưng sức mạnh kinh tế và vị thế của họ như là chủ nợ chính của Mỹ đã khiến họ quyết liệt hơn trong quan hệ với Washington, gây sốc cho nhiều nhà ngoại giao Mỹ, vốn không quen có một nước bạn bình đẳng và thiện ý. Bắc Kinh cũng đã rầy la chính giới Mỹ về sự cẩu thả trong chính sách tài khóa; sau khi Quốc hội Mỹ chật vật bổ sung thêm một thỏa thuận tạm thời về định mức nợ, Tân Hoa Xã đã cảnh báo các chính trị gia Mỹ là phải vượt qua “căn bệnh nghiện vay nợ” của mình. Mùa thu năm 2009, khi Đà Lai Lạt Ma – người bị chính quyền Trung Quốc mặc nhiên coi là một kẻ cực đoan ly khai – muốn đi thăm Washington, quan chức Trung Quốc cũng gây áp lực dữ dội lên chính quyền Obama, không cho tổng thống gặp Đà Lai Lạt Ma, dù chỉ là gặp riêng. Trước tình cảnh kinh tế Mỹ suy yếu và bị chủ nợ lớn nhất đòi hỏi như thế, Nhà Trắng phải chịu vâng lời. Obama để cho Đà Lai Lạt Ma đi thăm Mỹ mà không dừng chân ở Nhà Trắng. Suốt hai thập niên qua, đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ lờ nhân vật người Tây Tạng này đi như vậy.
Theo một nghĩa nào đó, sự tự tin mà Trung Quốc mới lấy lại được không phải là biệt lệ. Suy cho cùng thì suốt hai thiên niên kỷ, Trung Quốc đã là một trong những nước hùng mạnh nhất thế giới. Như Kissinger đã lý giải tương đối chi tiết, các hoàng đế Trung Hoa vốn quen với việc các ông vua nước khác đến Bắc Kinh là để cống nạp; sự tự tin thái quá này là lý do chính khiến cho vương triều cuối cùng của Trung Hoa không hiểu được nước họ đã mất cơ sở kinh tế một cách tệ hại như thế nào vào tay Anh quốc và các nước phương Tây khác hồi thế kỷ 19. Nhìn nhận về lâu dài thì việc Trung Quốc – và những nước khác, ví dụ Ấn Độ – trở lại trung tâm của nền thương mại và chính trị toàn cầu là điều rất bình thường, về nhiều khía cạnh, so với việc một nhóm nhỏ nước phương Tây chi phối thế giới.
* * *
Tuy nhiên, giống như những nhà lãnh đạo Mỹ hồi đầu thế kỷ 19 từng tuyên bố rằng toàn bộ Bán cầu Tây là vùng ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc hiện giờ chưa sở hữu được ảnh hưởng quốc tế cũng như sự tôn trọng của cả thế giới để có thể làm lợi từ cách ứng xử ngày càng quyết đoán của mình. Đó là một khoảng cách (giữa Mỹ và Trung Quốc – ND) mà giới lãnh đạo Trung Quốc hình như chưa hiểu. Tăng trưởng nhanh chóng đã đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo nhưng cũng tạo ra bất bình đẳng kinh tế trên diện rộng ở một nước mà về danh nghĩa là xã hội chủ nghĩa. Bất bình đẳng kinh tế ở Trung Quốc nghiêm trọng hơn gần như tất cả các nước khác ở Á châu. Chế độ độc đảng đã mở đường cho nạn tham nhũng, ăn hối lộ, làm tốn tới 90 tỷ USD tăng trưởng kinh tế mỗi năm và làm bại hoại nền chính trị. Những vùng xa, vùng sâu như Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông càng ngày càng khó bảo, còn ở nông thôn, nơi tăng trưởng đã bị hạn chế để ở bớt lại thành phố, hàng chục nghìn cuộc biểu tình nổ ra mỗi năm, rất nhiều cuộc mang màu sắc bạo lực. (Bất ổn trong nước lý giải một phần cho việc tại sao Bắc Kinh phải cố gắng tảng lờ những cuộc chính biến ở thế giới Ả-rập, thậm chí họ còn đi xa đến mức tạm thời sử dụng các biện pháp lọc để ngăn chặn người dùng Internet tìm từ “Ai Cập” trên các mạng tìm kiếm và mạng xã hội). Sự tập trung sắc nét của ban lãnh đạo Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế đã gây ra những thảm họa ám ảnh về môi trường, khiến cho vấn nạn suy thoái môi trường sinh thái – mà chính quyền George W.Bush bật đèn xanh – trở thành giống như sự nghiệp của John Muir (1838-1914, nhà tự nhiên học Mỹ gốc Scotland, sinh thời rất tích cực bảo vệ môi trường; ở đây tác giả dùng với ý nói rằng với những gì Trung Quốc làm, sự nghiệp bảo vệ môi trường cũng thành ra vô ích – ND). Và, như một vài nhà nhân khẩu học đã chỉ ra, chính sách một con của Trung Quốc đã làm lệch lạc hệ thống phúc lợi xã hội, Trung Quốc sẽ là nước đang phát triển đầu tiên già trước khi kịp giàu. Sự bất thường này là một thảm họa đối với một nền kinh tế, mà như Kissinger nói, đã được thừa hưởng quá nhiều từ một lực lượng lao động hùng hậu, kém kỹ năng, trẻ trung, sẵn sàng làm việc kiệt lực, làm thêm nhiều giờ không được ghi lại, để lãnh mức lương tối thiểu.
Mặc dù uy tín của Mỹ đã bị sa sút tệ hại trong thập niên qua, và Washington khó có thể còn được xem là một mô hình ngoại giao lý tưởng, nhưng các nhà lãnh đạo trên thế giới nhìn chung vẫn tin tưởng Mỹ hơn Trung Quốc trong việc duy trì các định chế quốc tế, tuần tra đường biển và bảo vệ lợi ích chung của toàn cầu. Trung Quốc không có hải quân nước xanh (tức là lực lượng hải quân có thể hoạt động ở vùng biển sâu, ngoài khơi xa, khác với hải quân nước nâu chỉ hoạt động ven bờ, gần bờ – ND); trong quan hệ thương mại, Bắc Kinh phải theo đuổi các chính sách nhỏ hẹp, gần như trọng thương chủ nghĩa; tại LHQ, Trung Quốc hiếm khi tỏ ra sẵn sàng chỉ trích ngay cả đồng minh dối trá nhất của mình như Bắc Triều Tiên hay Miến Điện. Điều đó có thể sẽ thay đổi – nếu Mỹ tiếp tục mất ảnh hưởng quốc tế và để cho hệ thống kinh tế của họ tan rã, và cả nếu Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm hơn, tỏ ra có trách nhiệm hơn. Nhưng cho đến giờ thì trật tự cũ vẫn chưa bị đảo ngược.
Bằng các hành động quyết liệt hơn ở những nơi như Biển Đông, dù chưa sẵn sàng đảm nhận chiếc áo lễ của nhà lãnh đạo toàn cầu, chưa có một ý tưởng nào thực sự hấp dẫn và tạo cảm hứng cho các quốc gia khác, nhưng những nhà lãnh đạo Bắc Kinh, một cách vô ý thức, đã đẩy các nước khác – kể cả những nước có cả một quá khứ chống Mỹ – vào tay Mỹ, siêu cường duy nhất hiện nay của thế giới. Mô hình phát triển của Trung Quốc thu hút sự chú ý của rất nhiều nước đang phát triển; nhưng trong khi lãnh đạo và các công dân bình thường ở Trung Quốc thường hăm hở loại bỏ yếu tố kinh tế tân tự do trong Đồng thuận Washington, thì lại rất ít người muốn thi hành những chính sách đàn áp, độc đoán và cô lập của Đồng thuận Bắc Kinh. Năm qua, Hillary Clinton đã trở thành nhà ngoại giao được tìm kiếm nhiều nhất tại các hội nghị của Đông Nam Á, chủ yếu là do các nước này đang tìm đến Washington để được tái đảm bảo rằng Mỹ sẽ không bỏ rơi châu Á, không để châu Á vào trật tự của Trung Quốc, với Trung Quốc là trung tâm. Philippines, hai thập kỷ trước từng tống cổ quân đội Mỹ khỏi các cơ sở trên quần đảo này, bây giờ đang tuyệt vọng tích trữ vũ khí của Mỹ và thuyết phục quân Mỹ ghé thăm thường xuyên hơn. Hà Nội giờ đây cũng hoan nghênh những hỏi han của Mỹ về cảng biển, gửi các quan chức hiểu biết nhất của họ sang học ở Mỹ, và còn ký một thỏa thuận hợp tác về công nghệ hạt nhân cao cấp với kẻ thù cũ.
Kissinger nhìn thấy một tương lai tươi sáng hơn cho Trung Quốc. Ông hoan nghênh ban lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc vì đã “trình bày trước nhân dân mình một loạt những nhiệm vụ cần thực hiện”, cứ như thể lãnh đạo chỉ đòi hỏi mỗi việc lập kế hoạch; ông ta khen ngợi Trung Quốc vì đã hứa hẹn sẽ “trỗi dậy hòa bình”, cứ như thể mọi lời hứa của các chính trị gia đều có thể đáng tin như giá trị bề mặt của nó. Có lẽ Kissinger, cũng như nhiều rất nhiều người trước ông ta, đã để những huyền thoại về Trung Quốc cuốn lấy mình.
Ở một quốc gia có nhiều thách thức to lớn như thế, cả trong và ngoài nước, không thể nào nói rõ rằng ngay cả Đặng – người mà đôi khi được hưởng sự kính trọng của những người dân bình thường cũng như của những định chế hùng mạnh nhất nước – có thể đã theo sát bước chuyển đổi của Trung Quốc sang dân chủ. Nhà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc hiện nay, được công chúng quý trọng và có lẽ cũng kiên định con đường tự do hóa – Thủ tướng Ôn Gia Bảo – đang là một tiếng nói ngày càng cô độc hơn, bị rất nhiều đồng chí quay lưng. Trong vòng hai năm tới, khi ông thôi giữ chức, sẽ không còn ai có được uy lực của Ôn trước công chúng để thay thế ông. Nhiều quan chức Trung Quốc đã quên lời cảnh báo năm xưa của Đặng rằng “một ngày kia, nếu Trung Quốc muốn xưng bá trên thế giới, thì người dân của thế giới sẽ… đánh lại họ”. Những vị quan chức này dường như đang sốc trước việc Bắc Kinh làm quan hệ của họ với các nước khác rối tinh lên như thế nào trong suốt hai năm qua. Họ cũng đang nhận ra Trung Quốc thật sự còn xa lắm mới đến được với vị trí kẻ lãnh đạo toàn cầu.
Hình 2: Đặng Tiểu Bình và Hồ Chí Minh. Photo courtesy: Hưng Việt.
Thủy Trúc – Đan Thanh dịch từ The Nation
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét