Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Chiến tranh với Trung Quốc: điều đó có thể xảy ra như thế nào?

Atlantic Sentinel

Chiến tranh với Trung Quốc: điều đó có thể xảy ra như thế nào?

Nick Ottens
14-10-2011
Một nước Trung Quốc đang trỗi dậy đương nhiên là đối thủ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Mặc dù viễn cảnh xảy ra chiến tranh rất thấp, nhưng lại rất thật và có thể chứng minh rất khó giảm thiểu.
Trong một nghiên cứu gần đây của RAND Corporation, một nhóm nghiên cứu chính sách công, xem xét khả năng một cuộc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc xảy ra không lớn lắm, thay vào đó, sự đối đầu này có thể phát triển ở đâu và phát triển như thế nào để có thể leo thang thành chiến tranh.
RAND cho rằng, nếu được lựa chọn, Trung Quốc có thể trở thành mối đe dọa nghiêm trọng của Mỹ hơn cả Đức Quốc xã và Liên Xô ở thời điểm hai nước này mạnh nhất. Có vẻ Trung Quốc không muốn tìm cách mở rộng lãnh thổ hoặc nâng cao ý thức hệ với cái giá của các nước khác và Mỹ có khả năng tiếp tục vượt trội về mặt quân sự nhưng ở những nước láng giềng kề bên, Trung Quốc có thể đạt được quyền bá chủ. “Vì vậy, sự bảo vệ trực tiếp tài sản tranh chấp trong khu vực này ngày càng trở nên khó khăn hơn, và rốt cuộc là đến độ không thể [bảo vệ được]“, theo RAND Corporation.   
Bán đảo Triều Tiên là thứ tài sản tranh chấp như vậy. Một cuộc khủng hoảng có thể bắt nguồn từ sự sụp đổ kinh tế ở nước này, một sự chuyển đổi quyền lực gây tranh cãi sau cái chết của Kim Jong-Il, hoặc thất bại trong một cuộc chiến với Nam Hàn. Cho dù kịch bản là gì đi nữa, mối lo ngại trực tiếp đối với Nam Hàn và Mỹ đó là bảo đảm các cơ sở hạt nhân và bệ phóng tên lửa đạn đạo cùng với pháo tầm xa, những thứ có thể là mối đe dọa cho thủ đô Seoul. 
Sự nhúng tay của phương Tây vào phía bắc vùng phi quân sự sẽ được Bắc Kinh xem xét thận trọng và có thể điều động các lực lượng của chính họ tới để kềm chế bất ổn, ngăn chặn làn sóng tị nạn có thể xảy ra và ngăn chặn Nam Hàn kiểm soát Bình Nhưỡng, nơi mà Trung Quốc coi như một vùng đệm để chống lại sự xâm lấn của Mỹ trên bán đảo này. 
Dù vô tình hay cố ý, khả năng đối đầu giữa các lực lượng của Mỹ và Trung Quốc rất cao, với nhiều tiềm năng là sẽ leo thang. Ngoài áp lực phải can thiệp và xử lý hậu quả trực tiếp, khi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên thất bại, Mỹ bị buộc phải đối mặt với vấn đề hóc búa về tình trạng kết thúc như mong đợi: thống nhất (kết quả mà Cộng hòa Triều Tiên, đồng minh chúng ta lựa chọn), hoặc Triều Tiên tiếp tục chia rẽ (điều mà Trung Quốc rất muốn). 
Điểm nóng thứ 2 là Đài Loan. Mặc dù quan hệ giữa Đài Loan và đại lục đã được cải thiện trong những năm gần đây, RAND chỉ ra rằng, không có sự tiến bộ đáng kể nào đã đạt được về vấn đề chính là chia cắt hai chính thể, “nếu có, thì khi nào và bao giờ, tình trạng cuối cùng của hòn đảo sẽ được quyết định, là một chính thể độc lập hay là một phần của Trung Quốc ‘hợp nhất’.”
Xung đột ở eo biển có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, từ việc Trung Quốc bao vây các cảng của Đài Loan, bắn phá các mục tiêu Đài Loan ở nhiều cấp độ khác nhau cho tới nỗ lực xâm lược triệt để. Nếu Mỹ tham gia trực tiếp vào một sự kiện bất ngờ như vậy, mục tiêu của nước này sẽ là ngăn chặn Trung Quốc cưỡng chiếm hoặc chinh phục Đài Loan và hạn chế thiệt hại tối thiểu mà Đài Loan phải hứng chịu về quân sự, kinh tế và xã hội. 
Sứ mệnh chính mà Mỹ phải thực hiện bao gồm, ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc trên biển và trên không, đồng thời giảm bớt mối đe dọa sử dụng tên lửa đạn đạo của đại lục. Khó khăn trong việc đạt được những mục tiêu đó càng trở nên phức tạp do nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, ngày càng làm nghiêng cán cân ở eo biển về phía Trung Quốc.
Có một số điểm nóng tiềm ẩn ở khu vực Biển Đông. “Sự quyết đoán về chủ quyền ở một mức độ nào đó trên gần như toàn bộ khu vực của Trung Quốc trái ngược với một số tuyên bố của một số nước khác”. 
Tùy thuộc vào bản chất và tính khốc liệt của một cuộc xung đột, các mục tiêu của Mỹ có thể trải rộng từ việc đảm bảo tự do hàng hải, chống lại một nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát mọi hoạt động hàng hải ở Biển Đông, giúp Philippines tự vệ trước một cuộc tấn công từ trên biển và trên không, cho đến việc hỗ trợ Việt Nam và che chở cho Thái Lan, là một đồng minh [có ký] hiệp ước khác, trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh trên bộ ở Đông Nam Á. 
Khả năng Trung Quốc phô trương sức mạnh to lớn ở khu vực Biển Đông hiện còn giới hạn nhưng sẽ gia tăng nếu nước này xây dựng một hạm đội tàu sân bay và cải thiện khả năng tiếp nhiên liệu trên không. 
Các cuộc xung đột liên quan tới Ấn Độ và Nhật Bản ít có khả năng xảy ra hơn nhưng sẽ đặt ra nhiều thách thức. Trường hợp xảy ra một cuộc chiến Trung – Ấn khác, có khả năng Washington sẽ cố giữ thế trung lập, ngay cả khi Mỹ lặng lẽ ủng hộ New Delhi bằng các trang thiết bị quân sự và tình báo. Một cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào Nhật Bản sẽ khiến Mỹ can dự vào, cho dù phải chịu rủi ro [chiến tranh] leo thang dưới dạng các cuộc tấn công nhắm vào Trung Quốc.
Bất kể xung đột nổ ra ở đâu, khả năng sống còn của lực lượng Mỹ sẽ suy yếu trong những thập niên tới, vì vậy, RAND tin rằng tầm tấn công phải tăng lên.
Do đó, tầm quan trọng của hoạt động quân sự Mỹ ở Tây Thái Bình Dương sẽ dịch chuyển từ phòng thủ trực tiếp bị hạn chế về mặt địa lý sang các phản ứng leo thang hơn và cuối cùng là, khi những điều này vẫn chưa đáp ứng, sẽ chuyển từ ngăn chặn trên cơ sở từ chối sang ngăn chặn trên cơ sở đe dọa trừng phạt, với tốc độ dịch chuyển thay đổi, trước tiên từ Đài Loan, rồi Đông Bắc Á, sau đó là Đông Nam Á ở một thời điểm nào đó muộn hơn. 
Sự vượt trội về hạt nhân của Mỹ có thể đặc biệt giúp ích khi Trung Quốc vẫn có được khả năng chống trả, và bởi vì vấn đề xung đột trong các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn nhất không phải là hậu quả sống còn đối với Mỹ. Để bảo vệ Philippines hoặc Đài Loan, Washington sẽ không chấp nhận rủi ro để cho Trung Quốc tấn công hạt nhân vào nước Mỹ.
Các cuộc tấn công thông thường chống Trung Quốc đại lục có thể là lựa chọn leo thang tốt nhất cùng các cuộc tấn công phá hỏng mạng lưới máy tính và liên lạc của Trung Quốc, trong đó có các vệ tinh. Tuy nhiên, sự trả đũa của Trung Quốc có thể đắt giá, do Mỹ dựa vào những lĩnh vực này cho các nhiệm vụ quân sự và tình báo, và cho sự khỏe mạnh của nền kinh tế nước này.  
Một biện pháp cải thiện triển vọng phòng thủ trực tiếp và giảm thiểu nguy cơ leo thang đó là, Mỹ giúp nâng cao khả năng và củng cố quyết tâm của các nước láng giềng của Trung Quốc. Một chiến lược như thế có thể được Bắc Kinh hiểu là một nỗ lực bao vây Trung Quốc, hoặc sắp xếp trong khu vực để chống lại nước này – một sự sợ hãi vốn đã phổ biến ở đó. Để không gây ra sự thù địch với Trung Quốc, Mỹ nên thực hiện một nỗ lực tương tự nhằm lôi kéo Trung Quốc vào các kết cấu an ninh chung, “không chỉ tránh sự xuất hiện của một liên minh chống Trung Quốc mà còn đạt được những đóng góp lớn hơn cho an ninh thế giới từ cường quốc mạnh thứ hai toàn cầu“.
Thực ra, đây là mục tiêu trong chính sách “tái cam kết chiến lược” của tổng thống Barack Obama mà có vẻ không tác động đáng kể đến chiến lược của Trung Quốc. Đó là mục tiêu của chính quyền Bush vốn hy vọng biến Trung Quốc thành một “thành viên có trách nhiệm” trong sự đồng thuận toàn cầu. Tuy nhiên, điều này chứng tỏ rất khó để thực hiện một chiến lược ngăn chặn xoay quanh việc hạn chế khả năng thống trị Đông Á của Trung Quốc, khi chiến lược của Trung Quốc dựa vào việc chế ngự hoặc lợi dụng những căng thẳng bên ngoài, đặc biệt là với các cường quốc lớn hơn, để duy trì một môi trường có lợi cho sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Ảnh: Các thủy thủ Trung Quốc trên tàu khu trục Thanh Đảo khi họ tới Trân Châu cảng, Hawaii, ngày 6 tháng 9 năm 2006.
Tác giả: Ông Nick Ottens là một sử gia từ Hà Lan. Ông đã nghiên cứu các phong trào thức tỉnh đức tin Hồi giáo và khủng bố ở Arabia thế kỷ 19, British India và Sudan cho luận văn cao học của mình. Ông cũng nghiên cứu lịch sử các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và hiện là một nhà phân tích làm việc cho Wikistrat. Blog của ông về chính trị và kinh tế tại địa chỉ Free Market Fundamentalist.
Trúc An dịch từ Atlantic Sentinel

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét