Cánh Đồng Tàn Sát Tê Giác
Ngành Đông Y của
người Trung Hoa và Việt Nam tin rằng sừng tê giác là vị thuốc kỳ diệu,
có thể chữa bệnh suy nhuợc cơ thể, bệnh phong thấp, và cả bệnh ung thư.
Điều này khiến cho con buôn của xã hội đen tìm cách săn bắn trộm tê giác
trên khắp thế giới để lấy sừng tê giác làm thuốc cho các đại gia mới
trở nên giầu, và cán bộ tham nhũng nhiều tiến lắm của. Giá bán sừng tê
giác còn đắt hơn cả giá vàng. Cán bộ ngành ngoại giao của chính quyền
Cộng Sản Việt Nam cũng nhúng tay vào việc buôn bán sừng tê giác.
GIỮA ĐÁM BỤI
CỎ VÀNG ÚA là một con tê giác mầu đen nằm nghiêng mình một bên. Đầu của
con vật bị khoét sâu một lỗ hổng thật to, với đầy máu khô ở còn đọng
trong đó. Sừng của con vật bị cưa mất khỏi đầu, và hai con mắt của nó cũng bị khoét lấy đi mất.
“Đây là điều mới lạ, bọn Việt Nam
bắt đầu lấy cả mắt tê giác để đem về làm thuốc.”, ông Rusty Hustler
nhận xét về hiện tượng này. Ông ta hiện là Giám Đốc Ủy Ban Kỹ Nghệ Du
Lịch và Công Viên của Nam Phi. Ông có nhiệm vụ theo dõi việc săn bắn
trộm tê giác để lấy sừng, và những bộ phận khác của loài vật đang có thể
bị tuyệt chủng.
Ông
Hustler và những người khám nghiệm thi thể con thú đến hiện trường quá
chậm. Vết thương mưng mủ, có dòi trên xác con tê giác. Con vật này đã
được bảo vệ khu nuôi thú hoang Shingalana, nó bị giết chết ít nhất một
tuần lễ. Tám vỏ đạn còn vất vương vãi gần xác con thú. Ông Hustler và
người cộng sự viên đeo bao tay, lấy dao bén ra giải phẫu cơ thể con tê
giác. Họ tìm thấy một viên đạn đồng còn nằm trong tim của con vật. Viên
đạn ghim sâu vào tim khoảng hơn một inch, đó là viên đạn đã kết liễu đời
con vật.
Hai
nhân viên người Nam Phi ngồi nghỉ tay, và quan sát cảnh vật xung quanh.
Từ năm 1993, Hội Nghị Quốc Tế về Buôn Bán Những Loài Thú Hiếm Quí tổ
chức tại Wild Flora và Fauna- tên tắt của Hội Nghị này là CITES- đã
nghiêm cấm việc buôn bán tê giác. Hội nghị có sự tham dự của 175 quốc
gia thành viên, và những khu vực liên hệ. Nhưng ở một nơi nào đó, người
ta vẫn tìm cách giết con tê giác 9 tuổi, lấy sừng của nó, đem bán bất
hợp pháp cho những người đang thèm có sừng tê giác để chữa bệnh. Họ tin
vào khả năng chữa bệnh kỳ diệu của sừng tê giác.
Không
giống như loài thú bốn chân có da dầy tương tự là con voi, loài tê giác
không mang cái dáng đường bệ uy nghi như voi, để được loài người dành
cho chút cảm tình. Con tê giác lùn tịt, chậm chạp, lại mù loà. Nhưng từ
hàng nghìn năm nay, con thú cồng kềnh, như cái máy cắt cỏ, đã làm cho
loài người bị mê hoặc vì hai cái sừng quí báu của nó. Người Ả rập lấy
sừng tê giác làm cán dao găm. Đa số tê giác bị giết hồi thập niên 1980’s
đều đem đi bán ở Yemen, cho người Ả rập dùng. Những tay thực dân Âu tây ở Á, Phi trang hoàng nhà cửa, cúp thể thao bằng những bộ phận thân thể của
con tê giác. Ví dụ làm gạt tàn thuốc bằng chân tê giác. Nhưng quan
trọng hơn cả là ở Á châu, người ta rất qúi sừng tê giác, vì họ tin rằng
sừng tê giác mài ra dùng làm thuốc chữa được nhiều bệnh ngặt nghèo. Sách
đông y cổ truyền của Trung Hoa ghi rõ rằng sừng tê giác mài ra uống, có
thể chữa được những bệnh đau nhức phong thấp, sốt cao độ, và ngày nay
còn dùng để chữa bệnh huyết áp cao, và cả bệnh ung thư. (Kiến thức thông
thường về y học không tin rằng sừng tê giác có thể làm tăng khả năng
sinh lý). Sừng tê giác qúi đến nỗi vua chúa Trung Hoa bắt các nước chư
hầu Đông Dương phải triều cống sừng tê giác.
Trước đây, sự đam mê tìm kiếm sừng tê giác của người Á châu ở mức vừa phải. Nhưng gần đây, khi bọn nhà giầu mới nổi ở các nước
trong vùng kiếm ra tiền rất nhiều, như Trung quốc, và Việt nam, việc
cung cấp, tìm kiếm sừng tê giác trở nên náo nhiệt, và thực hiện với tốc
lực nhanh chóng phi thường. Đó chính là câu chuyện về loài thú vật đang
bị đe doạ tuyệt chủng.
Tê giác bị sát hại đến mức đáng lo ngại.
TRÊN
THẾ GIỚI CÓ NĂM KHU VỰC LOÀI TÊ GIÁC SINH SỐNG: hai vùng ở Phi châu, và
ba vùng ở Á châu. Hai vùng thuộc Á châu hầu như không còn một con tê
giác nào cả, đó là vùng Java và Sumatra. Câu
chuyện loài tê giác ở vùng Phi châu nghe mới đau lòng. Vào thời thập
niên 1960’s, số tê giác màu đen ở Phi châu lên đến 100,000 con. Nhưng số
này tuột dần chỉ còn khoảng 2,400 con vào thập niên 1990’s. Hiện nay,
lên được tới 4,800 con, tuy vẫn còn thấp, song đi đúng hướng tăng triển.
Việc bảo tồn loài tê giác mầu trắng Phi châu mới thật là đáng khen.
Cách đây một thế kỷ, chỉ còn 50 con tê giác trắng sống sót. May nhờ có
chương trình bảo tồn thú hoang, những con vật này được đem đến nơi trú
ẩn an toàn dành cho thú rừng. Vì thế cho nên, dân số loài tê giác màu
trắng nay lên đến gần 20,000 con.
Nhưng trong ít năm gần đây, tin tức ở Phi châu nghe được bắt đầu làm chúng ta lo
ngại. Nghề săn bắn trộm thú rừng ngày xưa bị ngăn chặn, bây giờ tăng
nhanh khủng khiếp. Từ năm 2000 đến năm 2007, ở Nam Phi chỉ có khoảng
chục con tê giác bị săn bắn trộm mỗi năm. Nhưng theo thống kê của tổ
chức thú rừng thế giới – WWF- Nam Phi có khoảng 90% số tê giác còn sống,
và năm ngoái, 333 con tê giác bị bắn giết, xẻ thịt bất hợp pháp. Tất cả
đều bị cắt sừng lấy đi. Ông Raoul du Toit, một nhà hoạt động về bảo vệ
môi sinh người Zimbabwan, từng đoạt giải thưởng Goldman Prize, nhận xét:
“Việc
bắn trộm tê giác giống như những đám cháy rừng. Lúc đầu chỉ là một bụi
cây nhỏ bị cháy, sau đó, nó lan ra rất nhanh trên cả một cánh rừng.”
Mặc
dù hiện nay mức độ bắn trộm tê giác chưa đủ tiêu diệt mức sinh trưởng
của loài tê giác trong vùng Nam Phi, nhưng theo ông Josef Okori, Giám
đốc chương trình African Rhino
Program của WWF, việc sát hại tê giác để lấy sừng hiện nay đã lên đến
mức khá nguy hiểm. Chúng ta cần đưa ra một cuộc chiến chống lại bọn săn
trộm tê giác.
Và
cuộc chiến tranh chống bọn lưu manh là có thực. Ngày nay tổ chức buôn
lậu sừng tê giác không còn hoạt động riêng lẻ cò con, đánh lén giết một
vài con tê giác. Thay vào đó, theo sự nhận xét của các viên chức điều
tra quốc tế, hành động của bọn lưu manh được tổ chức hết sức hùng hậu,
qui mô, như các tổ chức tội phạm có tổ chức trên toàn cầu, được bọn kinh
doanh đứng sau lưng hỗ trợ. Tính về giá trị, sừng tê giác đem qua Trung
quốc và Việt Nam
bán còn đắt hơn cả vàng. Mỗi kí lô sừng tê giác khoảng vài chục ngàn đô
la. Việt nam và Trung quốc là hai thị trường tiêu thụ sừng tê giác mạnh
nhất thế giới. Mỗi sừng tê giác lấy được có thể đem đi dễ dàng, vì nó
khá gọn trong việc đóng gói., chuyên chở.
Vì
giá trị bằng tiền của sừng tê giác rất cao, nên bọn săn trộm tê giác
không ngần ngại trang bị bằng vũ khí, phương tiện hết sức tối tân, hùng
hậu. Chúng có trực thăng, phi cơ, súng điện bắn thuốc ngủ vào vào con tê
giác, có kính thấu quang để đi săn vào ban đêm. Nói chung, chúng được
trang bị hùng hậu hơn các viên chức phụ trách bảo vệ các con thú này.
Ngoài ra, bọn đầu gấu Á châu còn dùng rất nhiều tiển để mua chuộc, xin
giấy phép vào Nam Phi để săn bắn tê giác một cách hợp pháp. Cách nhau cả
một lục điạ, các con buôn Trung quốc chi ra rất nhiều tiền để đầu tư
vào những vụ làm ăn bất chính đó. Ông John Sellar, làm việc trong văn
phòng tổng thư ký của tổ chức CITES phải than rằng:
“Đây là một tổ chức tội phạm tinh vi và hùng hậu nhất từ trước đến nay.”
Ông
Sellar tin rằng tội phạm bắn trộm thú rừng có móc nối với những tổ chức
tội phạm quốc tế khác. Khi cơ quan Interpol, tức Cảnh Sát Quốc tế phối
hợp tổ chức hành quân hai ngày để bắt bọn buôn lậu ngà voi, và sừng tê
giác trên sáu nước ở Phi châu. Họ đã bắt được 41 can phạm can liên quan
đến việc nhập cảnh bất hợp pháp, tích trữ vàng, vũ khí và cả một xưởng
chế biến ngà voi không giấy phép. Ông Sellar cắt nghĩa: “Thật là khó có
thể tưởng tượng có mối liên hệ giữa Việt Nam với Nam Phi, phải có một tổ
chức tội phạm quốc tế nào đó đứng giữa tiếp tay để chúng khai thác việc
xin giấy phép săn bắn hợp pháp ở Nam Phi, hay một tổ chức rửa tiền,
băng đảng quốc tế nhúng tay vào.”
Muốn
phá vỡ những hoạt động phi pháp quốc tế này, chúng ta phải có sự cộng
tác của giới chức cảnh sát tại hai nước Trung Hoa, Việt nam, và những
quốc gia chuyển tiếp, làm trung
gian như Thái Lan và Mã Lai. Ông Justin Gosling, Tùy viên liên lạc bài
trừ tội phạm ở Á châu, và Nam Thái Bình Dương thuộc tổ chức Interpol
tuyên bố tại một hội nghị ở Lyon, nước Pháp như sau:
“Nếu
chúng ta chỉ nhắm vào việc tóm cổ vài cá nhân tội phạm cấp dưới, và
truy tố chúng, việc làm của chúng ta không có ý nghĩa, chỉ như một vết
sước nhẹ đối với một loại tội phạm nghiêm trọng.”
Cho
đến nay, bọn săn bắn trộm tê giác và các “xếp” của chúng đang chiếm thế
thượng phong so với các tổ chức bảo vệ thú hoang. Năm 2001, cảnh sát
quốc tế thu hồi khoảng hai phần ba số sừng tê giác bị lấy trộm. Nhưng
đến năm 2009, số sừng tê giác thu hồi không tới 8%. Thực vậy năm 2009,
khoảng hơn một chục tên săn bắn trộm tê giác bị bắn gục trong những cuộc
đấu súng với nhà chức trách ở Nam Phi, một vụ xảy ra ở Nepal, với
khoảng 80 tên bị bắt giữ vì dính líu đến việc buôn bán sừng tê giác bất
hợp pháp. Trong năm 2010, nhiều án tù ở Zimbabwe, Nam Phi, Trung Hoa và
Hoa Kỳ được xí xoá, vì các viên chức lo về tư pháp ở điạ phương bị mua
chuộc là chuyện vẫn thường xảy ra. Ông Sellar còn kể ra ví dụ một sĩ
quan biệt kích ở Zimbabwe chuyên bài trừ bọn săn bắn trộm, lại đứng ra tiếp tay với cảnh sát điạ phương buôn lậu sừng tê giác.
Những
người thực lòng muốn bài trừ bọ săn bắt trộm tê giác quá ít, và quá yếu
so với bọn đầu nậu chủ mưu. Ngoài ra, nhiều cơ quan công quyền còn
không có đủ quyền lực để thi hành nhiệm vụ của mình. Trong lúc đó, việc
tàn sát tê giác vẫn tiếp tục xảy ra. Vào tam cá nguyệt đầu năm nay, có
138 con tê giác Nam Phi bị bắn chết, khiến cho tỉ lệ tê giác bị giết
trong năm 2011 tăng lên cao. Trung tá Lineo Grace Motsepe, chỉ huy
trưởng lực lượng cảnh sát Nam Phi chuyên về ngăn ngừa săn bắn tê giác
nói rằng “Việc săn bắn trộm tê giác là một khủng hoảng không riêng gì
cho Nam Phi, mà cho cả thế giới.”. Hiện nay, việc buôn bán sừng tê giác
khá dễ dàng ở Á châu, thậm chí còn có thể mua sừng tê giác trên
internet.
Tin đồn sừng tê giác chữa được bệnh ung thư.
Cửa
hàng thuốc bắc trên đường Lãn Ông ở Hà Nội toả mùi thơm khắp cả một khu
phố. Trong tiệm chứa đầy những lọ thủy tinh đựng các vị thuốc, các ngăn
kéo gỗ cũng chứa đủ các loại sàn phẩm bào chế thuốc từ các loại rong
biển hiếm quí, đến sừng nai, và các loại nấm khó tìm trong rừng sâu. Bà
chủ tiệm thuốc bắc, với khuôn mặt thân thiện, lắng nghe câu chuyện về
một ông cụ bị bệnh ung thư của một khách hàng. Bà chủ tiệm gật gù nói:
“Chị cứ yên trí, để tôi bảo nhà tôi đi tìm thứ thuốc ấy cho chị đem về nhà cho cụ uống là khỏi ngay thôi.”
Ít
phút sau, bà chủ tiệm thuốc sai ông chồng của bà ra cuối phố lấy thuốc
về. Ông ta đem về một gói giấy. Trong đó có một miếng sừng tê giác, đen
lấp lánh dưới ánh nắng của buổi trưa Hà Nội. Ở một nơi cách xa hơn
10,000 cây số bên nước Nam Phi, miếng sừng tê giác còn nóng hổi được đem
về bán với giá ba ngàn rưởi đô la một gram.($3,500)
Việt Nam
trở thành một thị trường chủ yếu buôn bán sừng tê giác. Cách đây vài
năm, có tin đồn nói rằng một lãnh tụ cao cấp trong đảng cộng sản chữa
hết bệnh ung thư nhờ uống sừng tê giác được mài thành bột. Trong pho
sách đông y của người Á châu không hề nói về mối liên hệ giữa sừng tê
giác với bệnh ung thư. Tuy nhiên, tin đồn sừng tê giác chữa được bệnh
ung thư lại được thổi phồng lớn chuyện chỉ vì ở Việt Nam
lúc sau này có một giai cấp giầu có mới. Họ kiếm được rất nhiều tiền
nhờ những cải cách về kinh tế đang diễn ra ở nước cộng sản này.
Các viên chức bảo vệ thú rừng Nam Phi phải bay sang Hà Nội để thảo luận với chính quyền Việt Nam
về thảm hoạ tàn sát tê giác. Họ được các quan chức Việt nam nói cho
biết Việt nam chẳng qua chỉ là trạm chuyển hàng, đưa sang cho người tiêu
thụ Trung Hoa. (Vậy là còn khá lắm. Lần trước, một quan chức trong Bộ
Lâm Nghiệp của Việt Nam đã bực tức bước ra khỏi phòng họp hội nghị quốc tế). Nhưng thực ra, Việt Nam
mới chính là trạm cuối cùng của tuyến đường buôn bán sừng tê giác. Các
viên chức Nam Phi phải họp trực tiếp với chính quyền Hà Nội về việc này,
vì chỉ có ở Việt Nam mới bán những dụng cụ để chế biến sừng tê giác.
Ông Tom Milliken, Giám Đốc Sở Theo Dõi Việc Buôn Bán Thú Rừng của vùng
Đông và Nam Phi Châu phải than rằng:
“Trong
suốt cuộc đời theo dõi dịch vụ buôn bán thú rừng, tôi chưa thấy ở đâu
có hệ thống đưa sừng tê giác đến tay người tiêu thụ qui mô như ở Việt
nam.”
Thật
vậy, ở vùng ngọại ô Hà Nội, công ty Thiện Đức đã đặc chế ra dụng cụ để
mài sừng tê giác. Máy mài sừng tê giác chạy bằng điện, và dĩa sành để
đựng bột sừng tê giác được bầy bán trong cửa hàng bán vợt chơi vũ cầu
(badminton). Ông Thanh, chủ tiệm nói rằng mỗi tuần ông bán được một hay
hai máy mài, cùng với khoảng 10 cái dĩa sành đặc biệt dùng cho sừng tê
giác. Khách hàng của ông là những ông quan lớn trong chính phủ. Họ chẳng
có bệnh gì cả, nhưng bận rộn với yến tiệc hàng đêm, nên cần uống sừng
tê giác để phục hồi sinh lực. Ông tiết lộ: “Sừng tê giác là món qùa biếu
thời thượng cho các quan lớn trong chính phủ hiện nay.”. Quả đúng như
vậy, trong lúc chúng tôi đứng chờ trước của tiệm, một xe hơi mang bảng
số chính quyền vừa đến đậu trước cửa hàng.
Sự kiện chính phủ Việt Nam
đồng ý gặp phái đoàn nước Nam Phi hồi năm ngoái cho thấy rằng chính
quyền Hà Nội công nhận họ có vấn đề. Tuy vậy, vẫn có những người Việt Nam
bị bắt quả tang mang sừng tê giác từ Phi Châu về nước. Họ không sợ hải
quan trong nước bắt giữ (chắc là họ biết chỗ lo lót, hối lộ). Vài ngày
trước khi giải túc cầu World Cup khai mạc, ba người Việt nam bị bắt ở
phi trường Johanesburg vì mang trong người 24 miếng sừng tê giác. Đáng
sợ hơn nữa là chính phủ Việt Nam cũng dính líu đến những vụ buôn bán phi pháp này. Một tùy viên kinh tế trong Sứ Quán Việt Nam ở Petroria hai lần bị bắt vì mang sừng tê giác. Nhưng ông ta dùng quyền đặc miễn ngoại giao
để không phải ngồi tù. Năm 2008, trong một cuốn phim điều tra của Nam
Phi chiếu trên truyền hình, người làm phim đã bí mật thu hình một viên
chức ngoại giao Việt Nam khác mua sừng tê giác ngay trước cửa sứ quán,
và tỉnh bơ đi vào trong sứ quán. Sau này, bà ta bị bộ ngoại giao Cộng
Sản Việt Nam triệu hồi về nước.
bà Mộc Anh giao dịch sừng tê giác
Người Việt Nam
ở Nam Phi cũng lợi dụng kẽ hở của luật pháp Nam Phi để buôn bán sừng tê
giác. Chiếu theo qui lệ của tổ chức CITES, hàng năm có một số giấy phép
được cấp hạn chế cho phép săn bắn tê giác, phần lớn là ở những trại săn
thú của tư nhân. Lệ phí cấp giấy phép được dùng để tài trợ các trung
tâm bảo tồn thú rừng. Nhưng chuyện buôn bán sừng tê giác để đem về làm
thuốc bao giờ cũng bị coi là bất hơp pháp. Người đi săn có giấy phép
được quyền đem cái đầu con thú về nhà để làm cúp thể thao (trophy),
trong đó có gắn miếng “micro chip” để theo dõi xem sừng của con thú sẽ
đưa đi đâu. Trong thực tế việc theo dõi này không được thi hành chặt
chẽ, những tay đầu nậu tìm ra cách để lấy được cái sừng con tê giác.
Trong năm 2003, lần đầu tiên giấy phép săn tê giác của tổ chức CITES
được cấp cho người Việt Nam,
cho phép người này đem đi chín đầu tê giác làm cúp thể thao (trophy).
Qua đến năm 2007, trong 9 tháng đầu, số giấy phép cấp cho người Việt mua
tê giác làm cúp thể thao tăng lên đến 107. Điều hơi lạ là ở một quốc
gia nhỏ, nơi tinh thần thể thao săn bắn không có gì cao lắm, sao mà họ cần nhiều tê giác để làm cúp thể thao như vậy. (Lúc gần đây, giấy phép cấp cho người Trung quốc nhập cảng tê giác để làm cúp thể thao tăng lên rất nhanh.). Tại toà án Nam Phi, có nhiều tay “thợ săn” Việt Nam không biết bắn súng, vậy mà cũng có giấy phép đi săn tê giác. Cảnh sát cho biết, thợ săn Việt Nam
đến Nam Phi chỉ để chi tiền cho người hướng dẫn giúp mua bán sừng tê
giác. Đến nay, có một số thợ săn tê giác giả mạo người Việt bị bắt ở Nam
Phi. Hồi đầu năm, một tay thợ săn Nam Phi giết con tê giác cho người Việt, y bị bắt và bị phạt số tiền $4,300 đô la.
Cảnh chụp tĩnh đoạn phim bà Mộc Anh giao dịch sừng tê giác
Vào
năm 2008, các quan chức ở Nam Phi bắt đầu nghi ngờ, và chỉ cho phép mỗi
thợ săn bắn một con tê giác trong một năm thôi. Hoạt động bắn trộm tê
giác tăng vọt ngay lập tức, và số người Việt làm đơn xin giấy phép săn
tê giác vì thể thao săn bắn tăng
lên rất nhanh. Số người Việt bị bắt ở Nam Phi về tội lén đem sừng tê
giác ra ngoài cũng tăng lên nhiều. Tháng Giêng năm nay, một người đàn
ông, và một phụ nữ Việt Nam bị bắt tại phi trường Pretoria khi họ tìm
cách lén đem ra ngoài bốn chiếc sừng tê giác, họ bảo là vừa mới săn bắn
được vài ngày trước.
Bọn
đầu gấu Á châu không thể làm ăn gì được nếu chúng không có sự tiếp tay
của những chủ trại săn thú tư nhân. Vào tháng Chín, toà án Nam Phi sẽ
xét sử một vụ án quan trọng, như một án lệ gương mẫu, xét sử hai người
điều hành trại săn bắn, hai y sĩ thú y, một tay thợ săn nhà nghề, và sáu
đồng bọn khác. Nhóm người này điều hành một tổ chức săn bắn những con
tê giác thặng dư trong nước Nam Phi. Đem về xưởng làm thịt của chúng chỉ
để cắt lấy sừng tê giác đem bán.
Không hiểu bọn tội phạm quốc tế làm những hành vi tàn sát tê giác có thực sự đáng công sức của chúng bỏ ra hay không? Sừng
tê giác có thể chữa được những bệnh nan y không? Những cuộc nghiên cứu
khoa học của công ty dược phẩm Hoffmann-La Roche phối hợp với Hiệp Hội
Ngành Quản Trị Sở Thú ở Luân Đôn cho biết rằng sừng tê giác không có một
giá trị y khoa gì cả. Sừng tê giác chẳng qua chỉ là sự kết tụ của những
sợi lông, giống như móng tay người ta, trong đó có chất protein cứng
gọi là keratin. Nhưng ngành đông y của Á châu từ ngàn năm trước vẫn cứ
tin rằng sừng tê giác có thể chữa được nhiều bệnh khó trị, và họ tin
rằng bài thuốc dân gian ngàn năm không thể nói sai được. Tại Trung Hoa,
luật pháp cấm dùng sừng tê giác làm vị thuốc chữa bệnh. Ông Zhou Lei làm
việc trong Viện Đông Y Trung Quốc cho biết ông đồng ý với lập trường
của chính phủ Trung quốc. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: “Cá nhân tôi
nghĩ rằng chúng ta cũng chẳng nên phí phạm vật liệu lấy từ một loại vật
liệu hiếm qúi, nếu như sừng tê giác được lấy ra từ những con tê giác đã
bị chết vì nguyên do tự nhiên.”
Bà
Nga Đỗ, một cư dân ở Hà Nội, xin được dấu tên đầy đủ, đang bị bệnh ung
thư. Bác sĩ khuyên bà nên dùng thử sừng tê giác, vì vậy bà đã bỏ ra
$2,000 đô la để mua vị thuốc này. Bà mua ở đâu? Một người bạn thân của bà giúp bà bằng cách đi tháp tùng một quan chức nhà nước Việt Nam
đi công tác bên Nam Phi. Một ông đứng đầu bộ phận an ninh cho học viện
của chính phủ ở Hà Nội kể lại rằng ông đã phải bỏ ra $5,000 đô la mua
sừng tê giác để chữa bệnh ung thư gan của mình. Ông tiết lộ rằng ông đã
mua sừng tê giác của một người Việt làm trong sứ quán ở Nam Phi. Ông
nói: “Nếu cần, bạn có thể mua sừng tê giác rất
dễ dàng.”. Ông ta còn nói rõ thuốc ông dùng có mùi ám khói, là một loại
chất lỏng pha bột sừng tê giác với nước. Thuốc này rất công hiệu để làm
phục hồi sức khoẻ. Người ta đồn rằng ngày trước sừng tê giác giống đảo
Java bán đầy ở Việt Nam.
Nhưng ngày nay cả hai bệnh nhân trên phải sang tận Phi châu mới tìm
được thuốc chữa bệnh. Không chừng cái sừng tê giác họ đem về Việt Nam đã lấy từ con tê giác bị giết trong công viên quốc gia vào năm ngoái.
Nuôi Tê Giác Để Lấy Sừng
TRONG
CĂN PHÒNG KHÁCH BỤI BẬM với vô số sách, tạp chí khoa học cất trên kệ,và
một cái computer cổ lỗ sĩ, ông Jia Qian húp vội bát mì để đi ra phi
trường Bắc Kinh. Trước đây ông là người đứng đầu Dự Án Nghiên Cứu Sách
Lược cho Ngành Đông Y Trung quốc. Bây giờ tuy đã về hưu, song vẫn đuợc
mời đi họp tại một hội nghị đông y tổ chức ở miền Nam Trung Hoa. Ông là
người cổ vũ cho việc hợp thức hoá dùng sừng tê giác để chữa bệnh. Kể từ
năm 1993, vì có lệnh tổ chức quốc tế CITES cấm dùng sừng tê giác làm
thuốc, nên Trung quốc cũng ban hành luật không công nhận giá trị y học
của sừng tê giác. Nhưng theo ông Jia, năm nay đã 70 tuổi, tin rằng sừng
tê giác có thể chữa được nhiều chứng bệnh ngặt nghèo, từ bệnh dịch SARS
sang đến bệnh AIDS. Ông hùng hồn lý luận:
“Sở
dĩ chính quyền Trung quốc không cho dùng sừng tê giác làm thuốc chữa
những căn bệnh này là vì có một số người chịu ảnh hưởng của học thuyết
Tây phương, và bị nhiễm những tư tưởng của học thuật Tây phuơng. Còn
những người khác thì yếu đuối, bị áp lực của Tây phương, không dám cưỡng
lại.”
Không
phải tất cả mọi người ở Trung quốc đều bị ảnh hưởng bởi học thuật Tây
phương. Theo tài liệu thống kê của Nam Phi, kể từ nắm 2006 đến năm 2009,
Trung Hoa đã nhập cảng 121 con tê giác. Cùng thời gian đó, Trung quốc
cũng là nước duy nhất nhập cảng một số con tê giác đem về nuôi trong sở
thú của họ. Tại sao họ làm như vậy? Hồi tháng Ba năm 2010, tại hội nghị
quốc tế của tỗ chức CITES, đại biểu Trung quốc, ông Liu Xiaoping, đã
đứng lên lớn tiếng sỉ vả những tin đồn đại vô căn cứ. Ông ta khẳng định
Trung quốc không hề có kế hoạch lấy sừng tê giác Nam Phi, và không có ý
định từ chối thi hành luật cấm sử dụng sừng tê giác, hay bộ phận trên
thân thể con tê giác để làm thuốc. Các đại biểu có mặt trong hội nghị
ghi nhận ông Liu đã nói một cách phẫn nộ trong hội nghị. (Khi trả lời
cuộc phỏng vấn của báo Time, ông Liu phủ nhận việc ông nói Trung quốc
không có ý định nuôi tê giác để lấy sừng, và từ chối bàn luận thêm về đề
tài này.). Nhưng chỉ một thời gian sau lời phát biểu của ông Liu tại Qatar,
thì có một bài nghiên cứu y học ở Trung Hoa xuất hiện với tiêu đề: “Đề
nghị về việc bảo vệ loài tê giác, và sử dụng sừng tê giác trong khuôn
khổ hợp lý”.
Nguyên thủy, bài này đã được viết vào năm 2008, bàn về dự án bảo vệ loài tê giác bằng cách lập ra một khu rừng riêng để nuôi tê giá, nằm ở cuối hòn đảo Hài Nam.
Dự án này được đề nghị sau khi họ tìm thấy những ưu điểm của sừng tê
giác do viện nghiên cứu đưa ra. Tác gỉa của bài báo này theo ông Jia là
cả một âm mưu của tổ chức đầu tư hàng trăm triệu đô la nhằm khai thác
sừng tê giác.
Nhớ
lại là vào năm 2006, ngành truyền thông ở thành phố Sanya, trên đảo Hải
Nam, mệnh danh là thành phố tuyệt vời có nắng ấm, với trò chơi trượt
nước quanh năm (sun-surf town), họ quảng cáo sẽ làm một thắng cảnh du
lịch nổi tiếng trong tương lai: Một khu vườn thiên nhiên với thú rừng
Phi châu, gọi là Africa View, trong đó có khoảng 50 loại thú rừng Phi
châu như sư tử, nai rừng và quan trọng hơn cả là tê giác. Hai năm sau,
một phóng viên chụp hình điạ phương được phép vào thăm. Ông ta chẳng
thấy có một loài thú rừng Phi Châu nào cả, chỉ có khoảng 60 con tê giác
đang ở trong các chuồng xây bằng xi măng. Cho đến nay khu rừng dành cho
du khách xem tên là Africa View vẫn chưa được mở cửa. Người điạ phương
nói rằng giấy phép xây cất đã bị đình chỉ. Một quan chức trong Ủy Ban Du
Lịch thành phố Sanya tên là ông Li cho biết ông không hiểu chuyện gì đã
xảy ra trong kế hoạch xây dựng khu Africa View. Ông cũng nóí với báo Time: “Tôi không biết những nhà đầu tư của dự án này là ai.”.
Báo Time điều tra thêm thì được biết công ty mẹ
của dựa án Africa View là tập đoàn Hawk Group, trụ sở ở Mãn Châu, một
tỉnh Đông Bắc của Trung Hoa. Công ty này đầu tư vào nhiều hoạt động kinh
doanh khác nhau. Người đứng đầu trong công ty đầu tư lớn này là ông
Zhang Juyan, một dân biểu trong Quốc Hội Nhân Dân Trung quốc. Ông ta
cũng là người có chân trong Hiệp Hội Đông Y Trung quốc, qua một công ty
dược phẩm tên là Longhui. Chính phân nhánh hoạt động này đã đẻ ra dự án
lập sở thú ở tỉnh Hàng Châu, miền Đông Trung quốc, và khu Africa View ở
Hài Nam.
Mặc
dù khu Africa View được quảng cáo với báo chí trên đảo Hải Nam là khu
du lịch, nhưng trên website của công ty Longhui, công ty nói rõ về tham
vọng của họ như sau: “Để cung cấp những nguyên vật liệu dược phẩm lấy từ những loài vật hiếm qúi, công ty chúng tôi nuôi
dưỡng trong khu rừng Sanya, tỉnh Hải Nam. nhiều loại thú hiếm nhằm cung
cấp lâu dài những dược phẩm này.”. Trên trang mạng của công ty, Longhui
liệt kê rõ công ty đặt chỉ tiêu sẽ sản xuất nhiều sản phẩm quí lấy từ
sừng tê giác, trong đó có 500,000 viên thuốc “tẩy độc tố làm bằng sừng
tê giác.”, và dự đoán thương vụ hàng năm sẽ lên đến 60 triệu đô la.
Đại
diện Tập đoàn Hawk Group, Công ty dược phẩm Longhui, và Bộ Quản Tri
Rừng của nhà nước đều từ chối không trả lời báo Time về dự án phát triển
ở tỉnh Sanya. Báo Time không được cấp giấy phép đi thăm khu lâm viên
Africa View với lý do “còn đang trong thời kỳ chỉnh trang.”. Tuy nhiên,
cô Wang Yujia, đại diện ban truyền thông của cơ sở Hangzhou Wild Animal
World, tổ chức đứng ra xin giấy phép nhập cảng tê
giác Nam Phi cho đảo Hải nam đã nói huỵch toẹt ý đồ của dựa án này như
sau: “Tê giác là loài vật rất quí, sừng của nó được dùng để làm thuốc
rất có giá trị. Tập đoàn của
chúng tôi đang điều hành một công ty dược phẩm làm thuốc lấy từ sừng tê
giác. Tất cả việc nhập cảng tê giác cho khu rừng này, thực ra là để bào
chế thuốc.”. Cô ta xác nhận dự án nói trên không phải là dự án phát
triển du lịch, chỉ nguỵ trang để nhập cảng tê giác đem về đảo Hài Nam nuôi, lấy sừng làm thuốc.
Cơ
sở kinh doanh ở Sanya không phải chỉ là cơ sở nuôi tê giác duy nhất của
công ty dược phẩm Longhui. Năm ngoái, có ít nhất 16 con tê giác mầu
trắng của Nam Phi được nhập cảng vào thành phố Yunnan, một tỉnh ở vùng tây nam Trung Hoa. Hồi tháng Hai, cơ quan Kiểm Tra Hàng Hoá Ra Vào Cửa Khẩu của tỉnh Yunnan đưa ra một bảng công bố nói rằng: “Ông Zhang, vị lãnh đạo tập đoàn Hawk Group đang
có một dự án đầy tham vọng: ông dự tính lập ra một trại nuôi tê giác
công nghiệp lớn nhất Trung quốc. Ông sẽ nhập cảng khoảng 40 con tê giác
trong năm nay, và hy vọng sẽ tăng lên đến 200 con trong vòng năm năm.”
Tháng Sáu năm 2010, Sở cấp giấy phép môn bài của Trung Hoa cho in một đơn xin cấp
môn bài (patent) hơi kỳ lạ: “Máy hút sừng tê giác ra khỏi đầu con vật
còn sống.”. Ông Zhang tự nhận mình là một trong những nhà sáng chế ra
máy rút sừng tê giác. Trong trang mạng về hoạt động kinh doanh của chính quyền nhà nước ghi rõ rẳng công ty Longhui được sự chấp thuận của Bộ Quản Trị Rừng cho
phép chế taọ loại máy mài sừng tê giác. Trong lúc đó, Trung quốc đã ký
kết vào hiệp ước với tổ chức quốc tế CITES ngăn cấm việc buôn bán sừng
tê giác để làm thuốc.
Nuôi
tê giác để lấy sừng làm thuốc!!! Số thu hoạch của ngành công nghệ này
khó mà đoán biết được. Các nhà sinh vật ước tính rằng, giống như móng
tay của con người, mỗi năm sừng tê giác mọc thêm khoảng 3.9 inches (tức
độ 10 centimet). Ở nhiều nước trên thế giới, việc nuôi thú rừng để lấy
bộ phận cơ thể của con thú là điều xấu xa, cấm kỵ. Nhưng riêng ở Trung
quốc, chuyện này đã từng được làm từ lâu rồi. Ví dụ, họ nuôi cọp để lấy
da và xương, nuôi gấu để lấy mật. Họ dùng những thứ đó để làm thuốc. Ông
Jia, một nhà khoa học làm việc cho hai trại nuôi tê giác của tập đoàn
Hawk Group cho biết theo những cuộc nghiên cứu riêng của ông, hàng năm
con tê giác có thể cung cấp khoảng 1 kilogram sừng tê giác mài thành
bột. Ông khẳng định “Nuôi tê giác để lấy sừng là chuyện thế nào cũng phải được cho phép, chỉ không rõ khi nào thì được chấp thuận thôi.”
Ông Jia nghĩ rằng nuôi tê giác để lấy sừng là biện pháp hay nhất để tránh không cho loài vật này bị săn bắn trộm. Kỹ
thuật lấy sừng tê giác bằng máy không làm cho con vật bị chết. Một số
chuyên gia hàng đầu ở Phi châu về thú rừng cũng đồng ý việc nuôi tê giác
để lấy sừng là cách hay nhất để giảm bớt hành vi bắn giết trộm tê giác.
Ông Jia tiết lộ rằng tập đoàn Hawk Group phải tốn một triệu nhân dân tệ
(khoảng $154,000 đô la) để nhập cảng một con tê giác, và họ hy vọng rồi
đây sẽ có lời. Nhưng bên Nhật người ta dành một ít tiền lợi nhuận để
cho vào qũi bào tồn thú rừng, còn ở Trung Hoa không thấy nói về việc
này. Trái lại, người Trung Hoa còn chối, không công khai nhận làm việc
nuôi tê giác để lấy sừng.
Những nhà bảo tồn thú rừng e ngại rằng tính toán kinh tế của việc nuôi thú
rừng hiếm qúi là một việc hết sức phức tạp, không dễ đâu. Chuyện gì sẽ
xảy ra nếu như nhu cầu cần tìm sừng tê giác ở Trung Hoa và các nước Á
châu tăng lên rất cao, số tê giác chăn nuôi hợp pháp vẫn không đủ cung
cấp cho thị trường. Ví dụ như hồi năm 2008, người ta bán đến 119 tấn ngà
voi trong những cuộc bán đấu
giá hợp pháp, nhưng vẫn không đủ cung ứng cho nhu cầu. Vì vậy, số voi
Phi châu bị bắn trộm để lấy ngà vẫn tăng. E rằng chuyện săn trộm tê giác
sẽ tiếp tục tăng nếu tầm mức nhu cầu về giác của Trung quốc tăng lên
đáng kể.
Máu đã đổ trên rừng Phi Châu.
Ông
John Bassis cho chiếc trực thăng của mình bung lên thật cao lên trườn
núi, đảo quanh một vòng, rồi hạ thấp xuống vùng thung lũng. Ông đã phát
hiện con tê giác đang ngồi gậm thức ăn dưới tàng cây trong khu Lâm Viên
Quốc Gia Pilanesberg, nằm ở phía tây bắc nước Nam Phi. Ông cùng người
chuyên viên phụ tá Charlotte Moueix mở cửa trực thăng. Họ trông thấy một
con tê giác mẹ, và tê giác con đang ngồi gần nhau. Anh Moueix lấy súng
điện ra bắn viên thuốc mê vào con tê giác con. Con vật đi chập chọang,
và ngã lăn ra đất. Hai người chạy vội đến, họ dùng khoan điện, đục một
lỗ nhỏ trên sừng con tê giác, và gài vào trong đó một miếng “chip”. Kế
đến, họ bắn viên thuốc phục hồi
vào con vật, để cho con vật có thể chạy chơi bình thường trở lại. Từ
nay, họ có thể theo dõi sừng con tê giác đến bất cứ nơi nào, dù cho con
vật bị bắn trộm, lấy mất sừng đem đi nơi khác. Làm việc từ sáng sớm đến
xẩm tối, ông Bassis và các đoàn viên công tác đặt thêm “chip” vào sừng
cho ba con tê giác nhỏ khác. Mắt ông quầng đỏ vì bụi mủ, và mệt mỏi. Ông
nói: “Tô rất tức khi phải trông thấy cái cảnh tôi chứng kiến cách đây
hai ngày. Tôi thấy một con tê giác bị bắn giết trộm. Con vật nằm ngã
chết, mùi xú uế xông lên nồng nặc, tôi giận vô cùng.”. Cho đến năm
ngoái, không một con tê giác nào trong Khu Lâm Viên Quốc Gia Pilanesberg
bị giết hại. Nhưng bỗng nhiên vào năm 2010, có khoảnh hơn một chục con
bị giết trộm. Nếu chúng bị chết một cách tự nhiên thì khác. Đằng này nó
bị con người sát hại mới là điều đáng lo. E rằng sẽ còn nhiều máu chảy ở
rừng Phi châu.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét