Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Trung Quốc chơi rắn với Việt 0Nam trong những vấn đề lãnh thổ

580. Trung Quốc chơi rắn với Việt Nam trong những vấn đề lãnh thổ

Đăng bởi anhbasam on 01/06/2011
Asahi

Trung Quốc chơi rắn với Việt Nam

trong những vấn đề lãnh thổ

Ngày 1 tháng 6 năm 2011
Quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam đang căng thẳng khi hai bên đưa ra những lý lẽ trái ngược nhau về sự cố một chiếc tàu tuần tra của Trung Quốc đã gây thiệt hại cho một chiếc tàu khảo sát của Việt Nam tại vùng biển nằm trong Biển Hoa Nam [Biển Đông] mà cả hai nước đều tuyên bố khẳng định chủ quyền.
Sự cố này được xem như là Trung Quốc có ý định kiểm soát vùng biển tranh chấp bằng cách mở rộng các hoạt động hàng hải ở Biển Hoa Nam và tận dụng sự tăng trưởng kinh tế và tầm ảnh hưởng quân sự của họ.
Việt Nam dường như đã đối phó lại những biện pháp gây hấn của Trung Quốc bằng cách kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Tranh chấp về Biển Đông rất có thể sẽ là một chủ đề lớn của tại cuộc gặp gỡ của các bộ trưởng quốc phòng và các chuyên gia quốc phòng của Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, các nước ASEAN và các nước châu Âu sẽ được tổ chức tại Singapore vào ngày 3 tháng 6 tới đây. Chủ đề này được chờ đợi được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Khu vực ASEAN vào tháng 7 tới, một dịp để thảo luận về vấn đề an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Sự cố xảy ra vào sáng sớm ngày 26 tháng 5 khi một chiếc tàu của tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) đang khảo sát để tìm vị trí đặt mũi khoan thăm dò trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ở ngoài khơi cách bờ biển tỉnh Phú Yên của Việt Nam khoảng 220 km, tức 120 hải lý.
Ba tàu tuần tra của Trung Quốc đã tiến đến gần chiếc tàu nói trên của Việt Nam và một trong số đó đã cắt đứt cáp thăm dò của chiếc tàu của Việt Nam rồi nhanh chóng rút lui khỏi hiện trường.
Đây là lần đầu tiên tàu tuần tra của Trung Quốc ngăn cản hoạt động của một chiếc tàu của Việt Nam, theo thông báo của Hà Nội. Bộ ngoại giao Việt Nam đã nhanh chóng tổ chức một cuộc họp báo vào hôm 29 tháng 5 để phản đối Trung Quốc.  
“Đây là vi phạm nghiêm trọng nhất đối với lãnh hải của Việt Nam,” người phát ngôn của bộ ngoại giao, bà Nguyễn Phương Nga đã nói như vậy.
Bà Nga nói rằng sự cố nói trên đã xảy ra “hoàn toàn bên trong phạm vi” vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cách bờ biển 200 hải lý.
Hiện trường của sự cố nằm ở khoảng cách gần với bờ biển của Việt Nam hơn so với Quần đảo ở mạn phía bắc và Quần đảo lùi xa hơn về phía nam, cả hai quần đảo này đều được Trung Quốc tuyên bố khẳng định chủ quyền.
PetroVietnam đã chỉ trích Trung Quốc bằng từ ngữ họ gọi là “một hành động có dụng ý xấu.”
Tại một cuộc họp báo, ông Đỗ Văn Hậu phó tổng giám đốc PetroVietnam cho rằng “hành động cắt đứt cáp là có chủ định và được chuẩn bị trước,” khi ông nói rằng cáp nằm ở độ sâu 30 mét dưới mặt nước.
Hôm 27 tháng 5, chính phủ Việt Nam đã lên tiếng phản đối thông qua sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.
Bộ ngoại giao Trung Quốc đã phản công lại vào ngày hôm sau khi nói rằng hiện trường của sự cố nằm trong phạm vi quyền hạn xét xử pháp lý của Bắc Kinh.
“Hành động đó là công việc giám sát bình thường,” bà phát ngôn viên Khương Du đã nói như vậy. “Chính Việt Nam đã phá hoại những lợi ích và các quyền tài phán của Trung Quốc.”
Tờ Thời báo Hoàn cầu, một tờ nhật báo bằng tiếng Anh trực thuộc tờ Nhân Dân Nhật Báo chính thống, đã đăng một bài xã luận vào hôm 30 tháng 5 nói rằng sẽ là ngây thơ nếu Việt Nam tưởng rằng có thể bắt Trung Quốc nhượng bộ những tuyên bố khẳng định chủ quyền.
Kể từ khi Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự trên thế giới thì họ luôn có lập trường cứng rắn đối với những tranh chấp ở Biển Hoa Nam.
Lặp lại quan điểm nói trên, bản báo cáo của Cơ quan quản lý Đại dương của Trung Quốc viết rằng Trung Quốc nên chứng tỏ sức mạnh quân sự dồi dào của mình để lái tranh chấp lãnh thổ với các nước khác theo hướng có lợi cho mình.
Việt Nam và Philippine trên thực tế đã đi trước Trung Quốc trong việc kiểm soát những hòn đảo và vùng nước lân cận có tranh chấp, song Trung Quốc hiện đang ra sức tìm cách bắt kịp.
Hầu hết người Việt Nam đều coi sự cố nói trên là bước đi có chủ định của Trung Quốc nhằm làm nổi bật sự tồn tại của những tranh chấp ở Biển Hoa Nam cần thiết phải được giải quyết. Trung Quốc cũng đồng thời tăng cường tấn công bằng ngoại giao để giải quyết vấn đề tranh chấp.
Hồi tháng Tư vừa qua Trung Quốc đã cử Quách Bá Hùng [Guo Baixiong] và Từ Tài Hậu [Xu Caihou], cả hai đều là phó chủ tịch Quân ủy Trung Ương, và cả bộ trưởng quốc phòng Lương Quảng Liệt [Liang Guanglie], tới các nước ASEAN để kêu gọi một sự giải quyết ôn hòa những tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Biển Hoa Nam.
Bước đi này nhằm mục đích ngăn chặn sự tái diễn trình trạng Trung Quốc bị cô lập trong vấn đề chủ quyền sau khi Mỹ ủng hộ các nước ASEAN trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại một Diễn đàn Khu vực ASEAN được tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 7 năm ngoái.
“Bằng chính sách củ cà rốt và chiếc gậy, Trung Quốc đang cố gắng lấy lại vị thế đã mất,” một nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh đã nói như vậy.
Việt Nam thì vẫn tiếp tục đề cao mối quan hệ với Mỹ và các nước khác.
Cuộc họp báo khẩn cấp của Bộ ngoại giao Việt Nam hôm 29 tháng 5 được xem như là nỗ lực của Việt Nam nhằm nhấn mạnh luận cứ của mình trong tranh cãi với Trung Quốc.
(Bài báo này được tổng hợp từ phóng sự của Kenji Minemura thường trú tại Bắc Kinh và Daisuke Furuta tại Băng Cốc.)
Người dịch: Hiền Ba
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

579. Va chạm liên quan đến dầu mỏ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang diễn ra căng thẳng

Đăng bởi anhbasam on 01/06/2011
The Financial Times

Va chạm liên quan đến dầu mỏ giữa Việt Nam

và Trung Quốc đang diễn ra căng thẳng

Ben Bland thường trú tại Hà Nội và Kathrin Hille tại Bắc Kinh
Ngày 27 tháng 5 năm 2011
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam đã leo thang trong hai ngày nghỉ cuối tuần vừa qua khi hai bên cáo buộc lẫn nhau là đã vi phạm chủ quyền ở Biển Hoa Nam [Biển Đông] dồi dào dầu mỏ.
PetroVietnam, tập đoàn dầu khí quốc doanh độc quyền, đã tuyên bố hôm Chủ Nhật rằng Trung Quốc đã phá hoại các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, đây là lời cáo buộc mới nhất giữa hai quốc gia này liên quan đến vùng biển tranh chấp nói trên.
 “Khi chúng tôi đang tiến hành các hoạt động khoan để thăm dò địa chấn thì họ [Trung Quốc] đã cho máy bay lượn ở bên trên để theo dõi các hoạt động của chúng tôi, tàu của họ quấy nhiễu tàu của chúng tôi và trường hợp quá đáng đã xảy ra: họ cắt đứt cáp thăm dò của chúng tôi,” ông Đỗ Văn Hậu, một quan chức cao cấp của PetroVietnam đã thuật lại như vậy.
Căng thẳng mới tái diễn này đã xảy ra khi Lương Quảng Liệt [Liang Guanglie], bộ trưởng quốc phòng và người đồng cấp về phía Mỹ là Robert Gates đang chuẩn bị tham dự  Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn cấp cao quốc phòng thường niên tại Singapore vào cuối tuần sau. Sự xuất hiện của ông họ Lương này sẽ đáng chú ý ở chỗ đây là lần đầu tiên một bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tham dự diễn đàn này.
Những tuyên bố của Việt Nam về những vụ quấy nhiễu [của Trung Quốc] sẽ đưa vấn đề Biển Hoa Nam trở lại là vấn đề trọng tâm trước khi diễn ra diễn đàn an ninh khu vực nói trên mà trong những năm gần đây diễn đàn này ngày càng tập trung vào cách ứng xử của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp. Các quốc gia Đông Nam Á đang lo ngại tới điều được họ hiểu ra là Bắc Kinh càng lúc càng có ứng xử quyết đoán ở vùng biển của khu vực này.
Căng thẳng dâng cao cũng thu hút sự chú ý của Washington. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tháng 7 năm ngoái đã chọc tức Bắc Kinh khi khẳng định rằng Biển Hoa Nam có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ và đề nghị Mỹ giữ vai trò trung gian hòa giải.
Ngoài Trung Quốc và Việt Nam thì Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan đều khẳng định chủ quyền đối với một phần hoặc toàn bộ Biển Hoa Nam là nơi được cho là có chứa trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt và nằm trong những tuyến đường thương mại quan trọng và có nguồn cá dồi dào.
Hôm Chủ Nhật vừa qua, PetroVietnam tuyên bố tàu của Trung Quốc vào hôm Thứ Năm tuần trước đã đến gần một chiếc tàu của Petro Vietnam và cố tình cắt đứt cáp thăm dò của chiếc tàu này trong lúc cáp đã được dìm ở độ sâu 30 mét để được bảo vệ khỏi những chiếc tàu đi qua khu vực đó.
PetroVietnam hiện đang hợp tác với một số tập đoàn dầu mỏ lớn của nước ngoài, trong đó có ExxonMobil và Chevron, để thăm dò và khai tác tài nguyên dầu mỏ và khí đốt ở Biển Hoa Nam được Việt Nam khẳng định là thuộc chủ quyền của mình. Ông Hậu nói rằng sự cố mới nhất này “sẽ tác động tới thái độ của các nhà đầu tư nước ngoài”.
Carl Thayer, một chuyên gia về Đông Nam Á làm việc tại Học viện Quốc Phòng Australia ở Canberra cho rằng sự cố mới nhất này là biểu hiện của sự gây hấn leo thang của Trung Quốc đối với Việt Nam.  
“Bằng những hành động như vậy, Trung Quốc đang trơ tráo khẳng định chủ quyền của họ và họ có ưu thế về hải quân để bắt các nước khác phải tuân theo,” ông nói.
Quãng gần 6 giờ sáng hôm Thứ Năm tuần trước, ba chiếc tàu tuần tra của Trung Quốc đã lao về phía tàu Bình Minh 2 là một chiếc tàu thăm dò địa chấn của PetroVietnam làm đứt một số đoạn cáp, theo lời của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Khoảng một giờ trước đó, chiếc tàu thăm dò dầu khí này qua ra đa đã phát hiện thấy tàu của Trung Quốc đáng tiến lại gần   mà không hề phát tín hiệu cảnh báo.
Vụ va chạm xảy ra tại địa điểm cách bờ biển của tỉnh Phú Yên ở Nam Trung Bộ 120 hải lý là vùng biển được cả Trung Quốc lẫn Việt Nam khẳng định chủ quyền.
Trung Quốc thường xuyên bắt giữ ngư dân Việt Nam đánh bắt cá tại vùng biển có tranh chấp nhưng đây là lần đầu tiên kể từ những năm gần đây tàu tuần tra của Trung Quốc đã đụng độ với một tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Một chiếc tàu khảo sát dầu khí của Philippine hồi tháng Ba cũng trải qua một sự đối đầu tương tự với tàu tuần tra của Trung Quốc.
Vụ đụng độ nói trên chỉ xảy ra một tuần sau khi Trung Quốc và Philippine cam kết “ứng xủ có trách nhiệm” ở những vùng biển có tranh chấp và lặp lại cam kết của hai nước tìm kiếm một giải pháp ôn hòa cho những tuyên bố tranh chấp lãnh thổ. Trong một chuyến viếng thăm của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quảng Liệt tới Manila hôm Thứ Hai tuần trước, các quan chức của hai nước đã cam kết tránh những biện pháp đơn phương có thể gây ra căng thẳng.
Tổng thống Philippine Benigno Aquino sau chuyến viếng thăm nói trên [của Lương Quảng Liệt] đã nói rằng những sự cố ở vùng biển tranh chấp có thể làm nổ ra sự chạy đua vũ trang và khiến cho Philippines bắt buộc phải tăng cường khả năng quân sự của mình. 
Các chuyên gia về an ninh cho rằng một cuộc chạy đua vũ trang như thế đã đang diễn ra rồi. Một số nước Đông Nam Á hiện đang tăng cường khả năng phòng thủ trên biển và trên không– Singapore, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan đã mua về hoặc đã đặt mua tàu chiến, chiến đấu cơ và tàu ngầm.
Cả bộ ngoại giao lẫn bộ quốc phòng Trung Quốc đều không trả lời khi được đề nghị đưa ra ý kiến bình luận.
Người dịch: Hiền Ba
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét