Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

"KHÔNG ĐÁNH MÀ THẮNG"... Mai Thanh Hải Blog -

"KHÔNG ĐÁNH MÀ THẮNG"...

Mai Thanh Hải Blog - Ngay từ những ngày đầu năm 2011, vấn đề Biển Đông đã được đưa ra bàn thảo rất nhiều, trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhìn ở khía cạnh đối ngoại quân sự, bằng những phát ngôn của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Đến hôm nay, những ý tứ - câu chữ này càng trở nên thấm thía, sâu sắc, cần ngẫm nghĩ. 

Một bài viết của Nhà báo Đào Tuấn trên Blog, đăng ngày 10/01/2011
-------------------------------------------------------------------------

KHÔNG ĐÁNH MÀ THẮNG

Trong chỉ 3 ngày, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh (một nhân vật được cho là bí ẩn, người mà những "bình luận vỉa hè" đã đặt ông vào chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng), đã có 2 bài trả lời phỏng vấn, trên 2 tờ báo điện tử lớn nhất Việt Nam. VietNamNet để tít: "Không để nước khác thỏa hiệp trên lưng mình", còn Vnexpress hùng hồn hơn: 'Việt Nam không chấp nhận nền hòa bình lệ thuộc”. 
Các bài trả lời phỏng vấn được đăng tải ngay trước và sau Hội nghị Trung ương 15, chỉ trước phiên khai mạc của Đại hội Đảng toàn quốc vài ngày. Các vấn đề được đề cập tới cũng thuộc diện tế nhị: Quan hệ Việt Nam- Trung- Mỹ. Biển Đông. Trên Vnexpress, Nhà báo Phạm Hiếu đã tung một chùm 3 câu hỏi liên tiếp: 1- Ông có tự tin vào tiềm lực của chúng ta để đảm bảo mục tiêu gìn giữ Tổ quốc?. 2-Chính sách đối ngoại Quốc phòng của Việt Nam đối với Trung Quốc có thể gói gọn như thế nào?. 3-Vậy còn quan hệ với Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng nói “nâng tầm hợp tác Việt Nam ”. Tuyên bố này có hàm ý cả lĩnh vực quốc phòng?

Đây là cuộc phỏng vấn có đăng ký trước. Đây là bài phỏng vấn được người trả lời xem xét lại kỹ càng, sửa từng câu, từng chữ. Khi Trung tướng Vịnh trả lời tất, đồng ý đăng tải tất, có nghĩa là ông chả có gì phải e ngại, tâm thế của người biết mình sẽ, chính xác là đã, chiến thắng. Thế nào cũng có người hỏi “Chiến thắng cái gì?”. Cái gì thì là cái mà ai cũng biết là... cái gì đó.

Cái tài nhất của đối ngoại quân sự Việt Nam trong năm qua, có lẽ không thể không nói đến việc chủ đề Biển Đông được đưa ra tại Hội nghị ADMM+, dù không có trong Chương trình nghị sự, dù “ông anh”- vốn dĩ lo ngại vấn đề quốc tế hóa Biển Đông- đã dặn đi dặn lại, đã nhắc lên nhắc xuống, đã lắc đi lắc lại ngón tay theo chiều con lắc. Nhớ không chính xác, nhưng dường như ngay trước Hội nghị, "ông anh" thả mấy chú ngư dân bị bắt và báo chí, không phải không biết, nhưng không thấy đưa tin.

 “Ta không thể né tránh vấn đề này (Biển Đông), và cũng không thể chờ người khác nói hộ về chủ quyền của đất nước, nhưng nếu đặt vấn đề vừa độ thì được, quá một tí sẽ hỏng. Cuối cùng, ta đặt vấn đề vừa độ…Ngả theo một phía, theo tâm lý đám đông mà quên độc lập tự chủ, Việt Nam sẽ làm phương hại lợi ích của mình”- Trung tướng Vịnh nói.

Trung tướng Vịnh 2 lần nhắc lại “Đỉnh cao của xung đột là thỏa hiệp, mà sự thỏa hiệp nếu có giữa các nước lớn thường là trên lưng các nước nhỏ hơn”. Làm thế nào để “nó” không thỏa hiệp trên lưng mình quả khó chứ không đùa. Ông Vịnh tâm sự về “kế sách” “đánh thắng và không đánh mà thắng” trên VietnamNet: “Không đánh mà thắng không chỉ nói về một thời điểm cụ thể mà là cả một bề dày lịch sử, là kế sách kéo dài cả chục năm, trăm năm trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nó phải được tích cực chuẩn bị, gom góp, thúc đẩy, tăng cường trong từng năm từng năm kiên trì, để đạt mục tiêu: không để xảy ra chiến tranh, giành và giữ được độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ của đất nước”.
 

Cái này thực ra không mới, thậm chí nó đã được chép trong binh pháp với một "ông nội tổ của không đánh mà thắng", là một nhà quân sự Tàu khựa: Tôn Vũ. Kẻ học trò có chơi được võ công của nhà Mộ Dung Cô Tô với ông thầy của mình không thì thật khó nói. Có điều, thời đại người khôn của khó này, “ba tấc lưỡi” chưa phải là đã đủ. Vả lại “Không đánh mà thắng” là binh pháp thường dành cho kẻ mạnh.

Nghĩ cũng khó cho một đất nước cố mãi chưa thoát 2 chữ “Nhược tiểu”. Lịch sử cũng đã dạy mãi bài học mà một kẻ chiến thắng trong thế nhược tiểu cần phải học (mà gần đây nhất là bác Trãi với Hội thề Đông Quan). Vì thế, việc giơ tay cho cả những “đối tác có xung đột lợi ích”, không phải là hành xử của kẻ mạnh, mà là cái giơ tay, dù chưa chắc đã là bắt tay - không thể không làm...

5 nhận xét:

chậm hiểu nói...
Đối với Tàu cộng,Việt Nam cần có quyết sách rõ ràng,không thể tin vào sự hữu nghị nửa vời này được.Đừng nên "há miệng chờ xung"rồi trở tay không kịp.
Đối với kẻ bất nhân thì không thể trách ta bất nghĩa.
Tranhung09 nói...
Ảnh nói “Không đánh mà thắng” và tự tin nói rằng "Việt Nam đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền mà không dựa vào sức mạnh của một bên thứ ba."
Mô phật, nghe mà chân em run khan!
tinh nguyen ra tran nói...
Kế hoạch có thể vài chục năm hoặc hơn!!! Ai sẽ sống như thế để tiếng hành kế hoạch? Liệu những người kế thừa có phát huy hay không? Khó khó khó! Nhưng dù gì thì mình là người Việt Nam trước tiên phải có ý thức đoàn kết và chống ngoại xâm dù hy sinh tất cả như cha ông mình từng làm.
Mạc Đăng Dung nói...
Về nguyên tắc nước nhỏ không thể thực hiện đấu pháp ''không đánh mà thắng'' được !! Từ lịch sử TQ và lịch sử quân sự thế giới đã chứng minh: không một nước nhỏ nào ngồi không mà yên bên cạnh nước lớn. Thời Tam quốc, khi Hậu chủ thắc mắc tại sao Khổng minh cứ phải lặn lội đi chinh phục nước Ngụy - Khổng Minh đã trả lời ý này !! Trong lịch sử hiện đại có một nước nhỏ là Ixrael - muốn tồn tại - phải luôn trong tình trạng cầm súng (Hàn quốc bây giờ cũng vậy. Nghe nói để có một thời kỳ hòa bình, các Chebol ở Hàn quốc đã phải chung chi để hối lộ. CP Bắc Triều tiên. Và nói chung họ dựa vào Mỹ ! Có một nước nhỏ nữa là Cuba đã tồn tại trong khốn khổ nhưng sâu xa phải hiểu: sự tồn tại của Cuba chính là nhân tố quan trong để chính phủ Mỹ ít bị phân hóa nhất (Bản thân các thế lực Chính trị của nước Mỹ cũng muốn Cuba tồn tại, như vậy họ mới có lợi). Việt nam bắt buộc phải chọn 1 trong mấy mô hình: Hàn quốc, Bắc Triều tiên, Ixrael, Cuba. Tuy nhiên TQ là chính phủ độc tài, quản lý chặt mọi hoạt động nên rất khó bị phân hóa - mô hình Cu ba rất khó thực hiện. Theo tôi hiểu: Thời đánh Mỹ, VN đã dùng nhiều biện pháp để tạo sự phân hóa trong nội bộ nước Mỹ (các nhóm lợi ích, CP với dân,...). Bây giờ VN cũng định dùng cách này với TQ thì không ổn: bởi vì dân chủ không tồn tại ở TQ - ý kiến người dân không có giá trị. Vậy chỉ có 3 cách: Mô hình Bắc Triều tiên - bắt buộc lệ thuộc TQ, khỏi tranh cãi làm gì; mô hình Ixrael - phải cầm súng và đầu tư thât mạnh về quân sự; mô hình Hàn quốc - có vẻ sẽ ôn hòa hơn - phát triển mạnh về kinh tế, quốc phòng, hợp tác với Mỹ. Hai mô hình sau sẽ đảm bảo được độc lập nhưng chắn chắn phải cải tổ chính trị (nếu để mô hình chính trị hiện nay - sẽ tiếp tục có nhiều Vinashin nữa) - đây là điều mà những người cộng sản phải đắn đo !! Liệu Đảng có đồng lòng thay đổi không - khó lắm. Nếu xét về quyền lợi cá nhân và nhóm lợi ích, có khi mô hình Bắc Triều tiên lại ổn hơn !!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét