Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

547. Việt Nam còn phải cần một thời gian dài nữa cho Quỹ đầu tư VNM niêm yết trên thị trường chứng khoán New York?

547. Việt Nam còn phải cần một thời gian dài nữa cho Quỹ đầu tư VNM niêm yết trên thị trường chứng khoán New York?

Đăng bởi anhbasam on 19/05/2011

Seeking Alpha

Việt Nam còn phải cần một thời gian

dài nữa cho Quỹ đầu tư VNM niêm yết

trên thị trường chứng khoán New York?

Econ Grapher
Ngày 18-5-2011
Tuần này báo chí bất ngờ rầm rộ đưa tin Việt Nam lại tăng lãi suất một lần nữa, đưa lãi suất tái cấp vốn [refinancing rate] lên tới 15% (tức là tăng 100 điểm cơ bản). Đây là đợt tăng lãi suất tiếp theo một loạt các đợt tăng lãi suất mỗi đợt tăng 100 điểm gốc [basis point] và nguyên nhân là do giá cả tăng vọt cùng với lạm phát hàng năm lên tới 17,5% vào tháng Tư.
Những sự kiện nói trên khiến người ta có lý do chính đáng để nhìn thấy rõ một điều là Việt Nam có xứng đáng được ca ngợi là thị trường mới nổi (hay là “thị trường biên”?) để đầu tư hay không, ít nhất là trong ngắn hạn, nhưng cũng là nhằm cho những triển vọng lâu dài. Vì vậy, bài viết này thử điểm lại tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam cũng như đưa ra một cái nhìn tổng quan tóm tắt về tình hình đầu tư tại Việt Nam. 
Biểu đồ 1: Các lãi suất chính thức của Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Có lẽ biểu đồ quan trọng nhất là biểu đồ thứ nhất [Biểu đồ 1: Các lãi suất chính thức của Ngân hàng nhà nước Việt Nam] với các lãi suất tăng vọt liên tục theo lạm phát tới mức đe dọa tuột khỏi tầm kiểm soát. Điều này phần nào khiến cho chúng ta lập tức rút ra kết luận là đầu tư vào Việt Nam trong ngắn hạn có thể không phải là điều lý tưởng do những rủi ro của tăng trưởng “quá nóng”. Khi lạm phát liên tục tăng cao tới những mức như vậy thì sẽ xảy ra một rủi ro ấy là giá cả tăng vọt sẽ gây tác hại tới tăng trưởng kinh tế bởi các mô hình kinh doanh nhạy cảm với việc tăng giá cả sẽ bị suy yếu đi; có những rủi ro ngoài lề liên quan đến tình hình chính trị ở các khu vực ở trong nước do người tiêu dùng cảm thấy bất mãn với giá cả tăng. Sau đó dĩ nhiên còn có những rủi ro về chính sách: Khi chúng ta đẩy lãi suất lên quá cao thì về căn bản chúng ta đang hoạt động trên tiền đề về sự ép buộc phải chấp nhận một sự suy thoái để giảm bớt sức ép giá cả.  
Biểu đồ 2: Việt Nam – tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm
Thế nhưng tăng trưởng GDP vẫn tiếp tục tương đối ổn định trong nhiều năm. Thị trường hàng hóa có xu hướng tăng giá hồi năm 2008 [commodity bull market] đã gây ra một loạt những sự kiện tương tự, song ngay cả trong khi đang có suy thoái toàn cầu thì tăng trưởng GDP hàng năm vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều. Đường màu xanh là những dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế [IMF]; về dài hạn, nền kinh tế của Việt Nam hầu như chắc chắn sẽ tăng trưởng bình bình ở mức khoảng 5-7%, tốc độ này không phải là tệ.
 Biểu đồ 3: Việt Nam – tốc độ lạm phát hàng năm
Trong ngắn hạn, điều mấu chốt cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là phải tiến lên một cách thực sự và phải có những quyết định cứng rắn để đặt lạm phát trong tầm kiểm soát. Tôi không cần phải nhắc lại tác hại của tỉ lệ lạm phát cao, song sẽ đáng để nêu bật câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ khi Việt Nam đã bị một đợt siêu lạm phát khủng khiếp hồi những năm 1980. Ngay cả trong thời kỳ bong bóng hàng hóa hồi năm 2008 thì lạm phát đã ở tăng tới mức trên 20%. Lạm phát và/hoặc tăng trưởng quá nóng là điều cần phải theo dõi trong ngắn hạn, và nó sẽ phụ thuộc vào những biện pháp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như phụ thuộc vào mức độ vật giá toàn cầu bắt đầu giảm xuống tới mức vừa phải.
Biểu đồ 4: Việt Nam – GDP tính theo đầu người
Trên phương diện GDP trên mỗi đầu người thì Việt Nam nằm trên một đường pa-ra-bôn có xu hướng liên tục đi lên. Đây là một điều tốt, bởi lẽ GDP trên đầu người của một quốc gia càng cao thì quốc gia đó càng dễ là mục tiêu của các công ty làm ăn toàn cầu và càng dễ gia tăng tốc độ phát triển nhờ việc đem lại những dự án đầu tư trong nước và tạo ra việc làm.
Điều này làm nổi bật một lĩnh vực mà người ta thường nhắc tới ở Việt Nam: nhân công rẻ.  Hãy nhìn vào biểu đồ dưới đây [Biểu đồ 2: Việt Nam – tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm], dân số của Việt Nam đều đặn mỗi năm tăng thêm khoảng hơn một triệu người, điều này là có lợi bởi nhân công rẻ là một lợi thế cạnh tranh. Nhưng tỉ lệ thất nghiệp (chiếm một phần tổng dân số) đã phần nào để lại ảnh hưởng theo thời gian, điều này kết hợp với lạm phát tăng vụt có thể sẽ làm xói mòn cơ hội thường là ngắn hạn để trở thành một nhà sản xuất với chi phí thấp. Điều này không có nghĩa là tôi cho rằng điều này là không chấp nhận được, song chúng ta cần nhận ra những rủi ro đi kèm với chiến lược này. 
Biểu đồ 5: Việt Nam – lao động và dân số
Một phần của thách thức của việc Việt Nam đang là một nơi sản xuất hàng hóa với chi phí thấp nằm ở chỗ Việt Nam liên tục phải phá giá đồng tiền của mình (tiền “đồng”). Trong khi xuất khẩu của Việt Nam có sức cạnh tranh về mặt giá cả thì đồng thời điều này lại gây tác động tới giá cho đầu vào nhập khẩu để dùng cho sản xuất đang trở nên đắt hơn.  Ngoài ra đây cũng phần nào góp phần làm làm Việt Nam liên tục bị thâm hụt tài khoản vãng lai [current account deficit], điều này là một nguyên nhân dẫn đến rủi ro hoặc tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế.
Về mặt địa lý, Việt Nam ở vào vị trí thuận lợi để làm một nơi đầy tiềm năng trở thành nơi sản xuất hàng hóa giá thành thấp cho ngôi sao nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa giá thành thấp: Trung Quốc. Quả thực là Việt Nam và Trung Quốc có chung rất nhiều điểm tương đồng, tức là cả hai đều đang chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa từ trung ương, từ mô hình lấy doanh nghiệp quốc doanh làm trung tâm, sang một nền kinh tế thị trường hướng nhiều hơn tới tăng trưởng.  
Biểu đồ 6: Việt Nam – số dư tài khoản vãng lai (tính theo % GDP)
Nhìn chung, Việt Nam dường như đang có những điều kiện để đất nước này có tiềm năng tăng trưởng dài hạn một cách chắc chắn. Nhưng Việt Nam còn phải đi một quãng đường dài để “bắt kịp” (chẳng hạn mức thu nhập và giàu có) và những yêu cầu về cơ sở hạ tầng. Việt Nam có cơ hội huy động tiềm năng của dân số đông và đồng tiền có giá trị thấp để giành lấy một thị phần thương mại toàn cầu, gần giống hệt với mô hình phát triển và chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc. Song, chiến lược này có những rủi ro thực thi và cũng có những rủi ro ngắn hạn chẳng hạn như cơn lạm phát đang nổi lên hiện nay. Như vậy, nói tóm lại, tôi muốn nói rằng Việt Nam chắc chắn là xứng đáng để được chú ý tới, nhưng điều này đòi hỏi phải có một khoản tiền bảo hiểm rủi ro kha khá.
Trên phương diện quảng cáo đầu tư vào Việt Nam, phương thức quan trọng hàng đầu là thông qua Quỹ đầu tư niêm yết ETF [trên thị trường chứng khoán New York] chuyên đầu tư vào Việt Nam mang ký hiệu VNM. Mục tiêu của VNM là “theo dõi sát nhất, giá và khả năng lợi nhuận, trước phí và phụ phí, của chỉ số Market Vectors Vietnam Index [cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam]“. VNM thiên về những cổ phiếu có giá trị vốn hóa trung bình [mid-cap value].
Ngoài VNM, còn có một số công ty buôn bán cổ phiếu OTC [pinksheets], song như đã lưu ý, Việt Nam vẫn còn một tỉ lệ lớn các doanh nghiệp nhà nước. Còn có những khả năng lựa chọn khác đó là nghiên cứu mua cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, chẳng hạn như các quỹ tương hỗ [mutual fund] hoặc thậm chí các quỹ tư nhân chuyên mua cổ phần của các công ty [specialist private equity fund], miễn là phương tiện đó phù hợp với danh mục đầu tư của bạn.  
(Nguồn cung cấp các biểu đồ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ sở dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế)
Người dịch: Hiền Ba
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét