Sữa là một thực phẩm tiêu dùng
hàng ngày mà chúng ta đã quá quen thuộc. Các hãng sữa khác nhau, các sản
phẩm sữa khác nhau tràn ngập thị trường, cung cấp dinh dưỡng cho tất cả
mọi người, từ ốm đến khỏe, từ trẻ đến già. Tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng
sữa quá mức cũng khiến cho ngành công nghiệp chăn nuôi bò sữa trở nên
nghiệt ngã…
Chúng ta thường nghĩ rằng những con bò
sữa sống một cuộc đời khá hạnh phúc, khi được chăn thả trong những bãi
cỏ xanh và tận hưởng nguồn thức ăn dồi dào. Nhưng chăn nuôi công nghiệp
thực tế không đơn giản như bạn nghĩ… Tất nhiên ở đây, chúng ta không
phản đối việc tiêu thụ sữa, cũng không nói bạn phải dừng uống sữa, nhưng
chăn nuôi để lấy sữa như thế nào, và quý trọng nguồn sữa ra sao lại là
một câu hỏi rất cần lời giải đáp.
Đầu tiên, để có được lượng sữa dồi dào
thì một con bò bắt buộc phải liên tục mang thai, có nghĩa là nó sẽ phải
trải qua quá trình thụ tinh nhân tạo không hề dễ chịu. Bò sữa sẽ luôn bị
ép phải ở trong trạng thái này trong suốt cuộc đời của mình. Nếu bạn là
một bà mẹ đã từng trải qua quá trình mang nặng đẻ đau thì chắc bạn có
thể phần nào tưởng tượng ra việc các con bò trở thành những “cái máy
sữa”.
Số phận của những con non chào đời trong
quá trình này cũng không hề được đảm bảo. Trong một đoạn video vạch
trần tình trạng chăn nuôi công nghiệp nghiệt ngã tại New Zealand, chúng
ta có thể thấy được việc những con bê bị tách khỏi mẹ ngay lập tức khi
còn chưa… đứng vững. Mẹ của chúng liên tục chạy theo xe chuyên chở cho
đến khi kiệt sức hay bị chặn lại.
Tất nhiên để có thể thu hoạch sữa bò thì
việc tách rời bê non ra khỏi mẹ là không thể tránh được. Tuy nhiên
trong chăn nuôi công nghiệp, để có thể thu lợi tối đa, bê non sẽ không
bao giờ được gặp mẹ nữa, vì thế người ta phải tách rời nó càng sớm càng
tốt. Những cặp mẹ con bị tách muộn có thể dẫn đến những ảnh hưởng tới
tâm lý còn lớn hơn nhiều.
Những con bê con bị tách ra sau đó sẽ bị
để mặc đến chết vì giá rét, bị tập trung vào những lồng giam ngột ngạt,
bị bỏ đói, và bị “tra tấn” bởi các công nhân trước khi giết thịt. Thảm
cảnh này khiến người ta nhớ tới cơn ác mộng mà người Do Thái từng gặp
trong những trại tập trung của phát xít Đức… Thịt của những con bê này
tất nhiên sẽ không bị lãng phí, và được bán cho các dây chuyền sản xuất
thức ăn công nghiệp.
Số phận của những con bò mẹ cũng không
khá hơn. Ngoài việc phải liên tục sinh nở đến khủng hoảng, và áp lực từ
việc bị cướp mất bê con, chúng còn phải đối mặt với những căn bệnh nhiễm
trùng đầu vú do phải liên tục cho sữa. Các đầu vú của chúng sẽ bị cứng
dần lại, và sữa cho ra sẽ vón cục và nhiều nước. Thông thường bò có thể
sống được tới 25 năm, nhưng những con bò sữa trong chăn nuôi công nghiệp
sẽ bị giết thịt trong vòng 5 đến 7 năm, sau khi không còn khả năng đáp
ứng lượng sữa.
Cải thiện dinh dưỡng cho cơ thể, và đáp
ứng nhu cầu của con người là cần thiết, nhưng ngành chăn nuôi bò sữa
công nghiệp cũng có nhiều nghịch lý. Những nhà chăn nuôi sẵn sàng đổ bỏ
sữa vì các nguyên nhân về giá thành hoặc đòi quyền lợi. Chỉ riêng tại
Ontario, Canada, trong 5 tháng đầu năm 2015, đã có tới gần 1 triệu lít
sữa bò bị vứt bỏ. Rất nhiều sản phẩm sữa bò chứa thuốc kháng sinh,
hormone, và nhiều hóa chất độc hại khác sản sinh trong quá trình chăn
nuôi công nghiệp. Chính vì thế, nếu bạn có người thân nhạy cảm, thì hẳn
bạn sẽ biết rằng, rất nhiều người bị dị ứng sữa. Một số trường hợp dị
ứng nặng đến mức chỉ một ngụm sữa cũng khiến người đó đi ngoài ra máu.
Ngoài ra, lượng canxi hàng ngày mà bạn cần từ sữa hoàn toàn có thể được
bổ sung từ nhiều loại thực phẩm khác như rau, đậu, hoa quả…
Bài viết không có ý bảo rằng chúng ta
đừng uống sữa nữa, nhưng người xưa vẫn thường nói rằng “biết đủ là hạnh
phúc”. Thật sự nhu cầu con người cần là bao nhiêu, như thế nào là đủ?
Chỉ thấy rằng, không chỉ riêng ngành chăn nuôi mà các ngành sản xuất
khác cũng vậy, thế giới đang đối diện với cơn khủng hoảng thừa hàng hóa.
Có những nơi hàng hóa nhiều đến mức không biết đổ đi đâu. Và thực tế
cho thấy gì? Đó là môi trường sống và sức khỏe con người đang bị ảnh
hưởng một cách nghiêm trọng. Nhiều chưa hẳn đã là điều tốt, số lượng tỷ
lệ nghịch với chất lượng. Giá mà tất cả chúng ta biết rằng mọi việc nên
có một điểm dừng, giá mà chúng ta làm gì cũng biết nghĩ đến những ảnh
hưởng lâu dài về sau, giá mà chúng ta hiểu được như thế nào là đủ…
Quang Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét