Mỗi ngày một chút, qua đường ăn
uống, các loại kháng sinh được lặng lẽ đưa vào cơ thể con người thông
qua các sản phẩm chăn nuôi, từ thịt, cá, tôm, trứng, sữa.
Lượng chính xác là bao nhiêu thì không
ai biết, nhưng không thể phủ nhận. Kháng kháng sinh, uống thuốc nhưng
không hết bệnh… đó không còn là câu chuyện xa lạ nữa mà có thể ai cũng
đã từng nghe. Trách nhiệm chắc chắn có sự góp phần quan trọng của ngành
chăn nuôi do lạm dụng kháng sinh từ hàng nhiều năm nay.
Lối đi mở ra hay… lối thoát bị bít lại?
Từ khoảng giữa thế kỷ 20 đến nay, nhiều
nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng của kháng sinh đối với tốc độ tăng trưởng
và hiệu quả sử dụng thức ăn trên gia súc, gia cầm. Một hướng đi mới từ
đó đã mở ra, kháng sinh bắt đầu được bổ sung vào thức ăn chăn nuôi như
các chất kích thích tăng trưởng.
Thực tế khảo sát tại một số cửa hàng
thức ăn chăn nuôi cho thấy trên các bao bì cám chăn nuôi đều có ghi
thành phần chứa nhiều loại kháng sinh với các nồng độ khác nhau như
Chlotetracyline, Lincomycin, Monensin, Oxytetracyline, Penecilline,
Roxarsone, Tylosin, Zinc Bacitracin… Thông thường các nhà sản xuất sẽ
xoay vòng, thay đổi kháng sinh 6 tháng một lần, nhưng điều này không hạn
chế được vấn đề kháng thuốc đang nổi cộm trong các trang trại chăn nuôi
tại Việt Nam hiện nay.
Về lý thuyết thì kháng sinh không được dùng trong chăn nuôi các con đẻ trứng (gà đẻ, vịt đẻ…) và phải ngưng sử dụng từ 5 – 7 ngày trước khi giết mổ nhưng trong thực tế đều không đảm bảo được điều này.
Ngoài ra, trước tình trạng dịch bệnh
trong chăn nuôi càng ngày càng thêm phức tạp, rủi ro cao nên mọi mắt
xích trong chuỗi cung ứng, từ trang trại đến bàn ăn đều cố gắng bảo hộ
lợi ích kinh tế của mình. Do đó lượng hóa chất đưa vào vật nuôi vẫn tiếp
tục tăng lên.
Lấy ví dụ trong các trại giống heo,
lượng lớn kháng sinh dùng đều đặn trên heo mẹ, và heo giống trước khi
xuất bán sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế được rủi ro tại khâu sản xuất giống
của họ. Ngay trên con giống đã xuất hiện các vấn đề lờn thuốc và các
chủng vi khuẩn kháng thuốc. Trách nhiệm của người làm giống chấm dứt khi
con giống được bán cho người chăn nuôi để sản xuất heo thịt. Tại đây,
kháng sinh được tiếp tục sử dụng trong thức ăn hàng ngày, làm vấn đề
phức tạp thêm, nghiêm trọng thêm. Ngay cả việc điều trị các bệnh thông
thường như tiêu chảy, ho cũng đã gặp nhiều khó khăn.
Mô hình chăn nuôi công nghiệp thúc ép
tăng trưởng, mật độ cao, môi trường ô nhiễm nặng, chịu stress liên tục,
sử dụng nhiều loại hóa chất kích thích tăng trưởng, chất diệt trùng,
thiếu vắng dinh dưỡng tự nhiên… đã làm suy giảm sức đề kháng của vật
nuôi. Theo thời gian, môi trường chăn nuôi tổng thể bị tàn phá, dịch
bệnh liên miên quanh năm, di chuyển từ vùng này sang vùng khác, làm
người chăn nuôi cũng đành lặng lẽ than trời cho qua ngày.
Rủi may trong dùng thuốc trị bệnh
Mỗi lần có vấn đề dịch bệnh (thực ra là
thường xuyên), người chăn nuôi không có chi phí và thời gian thể làm xét
nghiệm (kháng sinh đồ) xem loại thuốc nào còn tác dụng trị bệnh loại
nào không, mà thường loay hoay hết thuốc này đến thuốc khác cho đến khi
đàn vật nuôi khỏe trở lại.
Nếu đã tận sức xoay sở mà vẫn không thể
chữa trị được nữa thì sẽ là bán gấp bằng mọi giá để cứu vãn tình thế.
Nhiều lợn chết, gà ốm với nguyên lượng kháng sinh trong người, cứ vậy
chạy thẳng vào nhà hàng, đến nằm trên sạp thịt quay ngoài chợ ở các
thành phố lớn. Có lẽ vì thế mà sẽ không quá cường điệu khi nghe ai đó
nói rằng người dân thành phố là ăn bẩn nhất!
Vi khuẩn kháng thuốc là kết quả tất yếu
Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi là
một trong những nguyên nhân khiến vi khuẩn kháng thuốc ngày một nhanh.
Đây cũng là nguyên nhân khiến bạn phải tiếp xúc với lượng tồn dư kháng
sinh trong thực phẩm gần như mỗi ngày.
Tuy đem lại lợi ích trong chăn nuôi,
nhưng việc sử dụng kháng sinh nhiều, liều thấp, kéo dài và nhiều khi
không cần thiết dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là nhanh chóng xuất hiện
các vi khuẩn kháng thuốc.
Nhiều ý kiến cho rằng vật nuôi là đấu trường nơi các vi khuẩn luyện tập để kháng lại kháng sinh. Hiện nay các nghiên cứu đã phát hiện được nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc ở vật nuôi. Chúng lây truyền giữa động vật và động vật, giữa động vật và người, và tiếp đến là giữa người với người.
Dùng kháng sinh trong chăn nuôi dẫn đến
tồn dư kháng sinh trong các thực phẩm. Cùng lúc với việc tiêu thụ thịt,
cá, trứng, sữa,… người tiêu dùng vô hình chung đã “uống” kháng sinh liều
rất thấp, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn ở cơ thể người kháng thuốc.
Cấp tính hơn, một số người có thể bị dị ứng với kháng sinh tồn dư trong
thực phẩm.
Vật nuôi sử dụng thức ăn có kháng sinh
sẽ thải ra phân chứa kháng sinh. Thuốc sẽ theo đó đi vào đất, nước, cây
trồng…, làm xuất hiện các chủng kháng thuốc trong môi trường. Thực vật
canh tác với loại phân trên cũng có thể chứa tồn dư kháng sinh.
Nếu xét bài toán tổng thể thì việc dùng
kháng sinh trong chăn nuôi là lợi bất cập hại. PGS.TS Dương Thanh Liêm,
nguyên hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM, một chuyên gia hàng đầu về dinh
dưỡng trong chăn nuôi cho biết:
“Không có kháng sinh, vật nuôi vẫn có thể sinh trưởng bình thường. Thức ăn trộn kháng sinh chỉ tăng thêm chút lợi thế về tăng trưởng. Lợi cho nhà chăn nuôi là rất nhỏ, trong khi cái hại mang lại cho cộng đồng là rất lớn.”
Cũng theo ông Liêm, thì hiện ngành chăn
nuôi nước ta đang sử dụng một lượng kháng sinh khá lớn, phần lớn kháng
sinh không phải dùng để điều trị, mà để phòng bệnh. Điều này vi phạm
nguyên tắc sử dụng kháng sinh, vốn là thuốc để điều trị chứ không phải
để phòng bệnh.
Theo ông Liêm, thì hiện nay đã có nhiều
giải pháp tốt để thay thế kháng sinh trong cám chăn nuôi. Một giải pháp
phổ biến, đang được nhiều nước sử dụng có hiệu quả và đã được đưa vào
Việt Nam là dùng vi khuẩn hữu ích probiotic, đó là những vi sinh vật có
lợi được đưa trực tiếp vào vật nuôi qua đường miệng, nếu cung cấp với số
lượng đầy đủ sẽ đem lại lợi ích sức khỏe cho con vật.
Không chỉ là kháng sinh, mà là lỗi hệ thống
Lạm dụng kháng sinh triền miên trong
chăn nuôi không phải là nguyên nhân duy nhất “rèn luyện” nên những chủng
vi khuẩn kháng thuốc đáng gờm. Mà còn là sai lầm trong quan niệm của
những chuyên gia thú y, rằng phải loại bỏ vi khuẩn bằng mọi giá, rằng
môi trường tiệt trùng mới là an toàn cho vật nuôi. Do đó một lượng lớn
các hóa chất tảy rửa khử trùng chuồng trại được huy động vào cuộc chiến
chống vi khuẩn. Điều này là không tưởng, giống như “cầm dao chém gió”,
bởi lẽ sự sống sẽ không còn nếu không có vi khuẩn và các vi sinh vật
khác. Vấn đề ở đây là sự cân bằng giữa loại gây hại và có ích, và phải
giữ gìn sức đề kháng nội tại của vật nuôi.
Khử trùng một môi trường mở (hở) là
không thể. Không khí lưu chuyển, chim thú côn trùng qua lại, rồi bản
thân vật nuôi và người chăn nuôi cũng không thể vô trùng, đều sẽ có sự
trao đổi vi sinh qua lại với môi trường. Có loại thì con người đã biết,
còn có rất nhiều loại thì chưa được biết. Ngay cả trên lý thuyết cũng
bao giờ diệt được 100% vi khuẩn, không có sự vô trùng tuyệt đối.
Thường xuyên sử dụng các chất diệt khuẩn một mặt phá vỡ cân bằng hệ vi sinh vật, giết cả loại tốt lẫn loại xấu, một mặt thúc ép vi khuẩn phát triển “vũ khí” để thích ứng. Khoa học đã thấy rằng khả năng thích nghi của vi sinh vật thật sự rất kinh ngạc. Kết quả là, trong cuộc chạy đua vũ trang này, con người sẽ luôn luôn về đích sau, phần thắng ắt thuộc về vi khuẩn.
Rất nhiều yếu tố mà đa phần xuất phát từ
tham vọng kinh tế tạo nên một viễn cảnh rất rối rắm cho ngành chăn nuôi
Việt Nam trong tương lai. Cái vòng luẩn quẩn trong chăn nuôi ở Việt Nam
thắt nút lại càng ngày càng chặt. Đó là kết quả tổng hợp từ sự yếu kém
về nền tảng kỹ thuật trong chăn nuôi, sự vô trách nhiệm và quan liêu
trong quản lý, sự gian lận trong kinh doanh thuốc và các sản phẩm chăn
nuôi…mà chung quy lại đều là do thiếu đạo đức mà thành.
Bản thân mô hình chăn nuôi tập trung và
độc canh là phản tự nhiên, tức là phản khoa học. Điều đó phá vỡ sự cân
bằng sinh lý và miễn dịch của con vật, vốn phải dựa vào tự nhiên để phát
triển. Việc cô lập vật nuôi khỏi hệ sinh thái và can thiệp thô bạo vào
hệ miễn dịch của chúng thông qua lịch dày đặc các loại vắc-xin đều là
phản với quy luật tự nhiên. Khoa học hiện tại chưa thừa nhận những yếu
kém trong lĩnh vực này, nhưng thực tế nhân loại đã đang phải trả giá.
Dịch bệnh trong chăn nuôi xảy ra càng dồn dập và ngày càng nguy hiểm. Nó
không chỉ là vấn đề chết một vài triệu hay bao nhiêu con vật nuôi, hay
tổn thất bao nhiêu triệu đô la, mà là sức khỏe của nhân loại.
Lựa chọn nào cho người tiêu dùng Việt Nam?
Những mẩu tin như tôm cá Việt Nam bị các
nước Mỹ, EU, Nhật cấm cửa vì nhiễm kháng sinh nghe riết thành quen tai.
Hàng xuất khẩu thường được lưu tâm nhiều hơn đến chất lượng, không phải
vì đạo đức kinh doanh đã thăng hoa mà vì nó sát sườn với quyền lợi kinh
tế của người giao thương. Các vị chức sắc có liên quan vẫn thường xuyên
lớn tiếng hô quyết tâm tẩy chay, làm sạch, không để lặp lại chuyện thực
phẩm nhiễm bẩn nữa. Ấy vậy nhưng chuyện “ê mặt” kia vẫn xảy ra năm này
qua năm khác, lô hàng này qua lô hàng khác.
Xưa nay, người tiêu dùng trong nước vẫn
chịu phận hẩm hiu. Hàng tiêu dùng dành cho thị trường nội địa không bao
giờ có được sự kiểm duyệt gắt gao như hàng xuất khẩu. Vậy sẽ có bao
nhiêu gian lận, bao nhiêu lượng kháng sinh, hóa chất độc hại mà chúng ta
đang ngày đêm đưa vào thân thể?
Mỗi năm chỉ có một vài dịp ‘ra quân’ hành động để kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn chăn nuôi. Một số mẫu được lấy đi xét nghiệm. Một vài trường hợp vi phạm bị vạnh tên, một vài bài báo được đưa lên cho dư luận biết, rồi lại đâu vào đó. Cuối cùng tất cả đều phải tặc lưỡi cùng nhau: ăn bẩn sống lâu!
Kháng kháng sinh không phải là vấn đề có
thể xem nhẹ. Những người làm trong ngành y tế đều đã hết lời cảnh báo
về sự nguy hiểm của nó. Hàng loạt các chủng siêu kháng thuốc đã tìm
thấy. Sự thật đang diễn ra và trong tương lai rất gần sẽ còn nguy hiểm
hơn nữa.
Nhiều nước phát triển trong đó có EU đã
kinh qua và đã nhận thức ra sự hệ trọng của việc lạm dụng kháng sinh
trong chăn nuôi, đều đã loại bỏ chúng ra khỏi công thức cám hàng ngày
cho vật nuôi. Bài học đó cần được Việt Nam xem xét và tiếp nhận nghiêm
túc để hạn chế tổn thất trước khi tình thế trở nên không thể cứu vãn
được nữa.
Đại Hải & Minh Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét