Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Ngày 4 tháng 6 và giới tinh hoa Trung Quốc

Ngày 4 tháng 6 và giới tinh hoa Trung Quốc

Phần trích dịch sau đây rút từ tiểu luận „Tiếng nói của những người mẹ Thiên An Môn“ viết năm 2004, nhân 15 năm Sự kiện Lục Tứ. Lưu Hiểu Ba dành phần đầu bài viết cho số phận của những nạn nhân được tập hợp trong một cuốn sách nhỏ, do bà Đinh Tử Lâm, nguyên Giáo sư Triết trường Đại học Nhân dân Trung Quốc tự xuất bản. Con trai bà, 17 tuổi, là một trong những thanh niên đầu tiên bị giết tại Quảng trường Thiên An Môn. Cùng với những người mẹ và gia đình mất con khác, bà thành lập nhóm „Những người mẹ Thiên An Môn“ (Thiên An Môn Mẫu thân Vận động) kiên trì đòi công lí cho các nạn nhân. Lưu Hiểu Ba, bị coi là một trong những người „giật dây“ của phong trào dân chủ Trung Quốc và sau đó bị kết án tù, ngay từ đầu đã tận tình ủng hộ Những người mẹ Thiên An Môn.

Trong phần cuối bài viết, Lưu Hiểu Ba một lần nữa đặt câu hỏi về vai trò và vị thế của giới trí thức tinh hoa Trung Quốc trong phong trào 89. Sự phê phán của ông, tuy trước hết và đồng thời là tự phê phán, nhưng vẫn gây sóng gió trong giới đấu tranh dân chủ Trung Quốc. Tiểu luận „Chúng ta bị công lí của chính mình đè bẹp“ của ông, viết năm 1993, nhân 4 năm Sự kiện Lục Tứ, mà tôi đã giới thiệu trên pro&contra năm ngoái, cũng chung mạch tự phê phán và phản tỉnh đó. Bản dịch tập trung vào phần cuối này của tiểu luận.

Người dịch

__________

Phần lớn các tù nhân chính trị của ngày 4 tháng 6 bị kết án nặng mà tôi biết đều là những người hoàn toàn bình thường. Một sinh viên Viện Truyền thanh Bắc Kinh bị kết án mười một năm tù vì tham gia chặn không cho xe quân sự tiến vào Quảng trường. Một chàng trai trẻ ở Thanh Đảo bị kết án mười tám năm tù vì đã công khai phản đối bạo lực của chính quyền khi vụ thảm sát bắt đầu diễn ra. Nhà thơ Liệu Diệc Vũ, người Tứ Xuyên, từng ở chung nhà giam với nhiều tù nhân chính trị bị kết án trên mười năm vì vụ Lục Tứ. Còn rất nhiều những tù nhân chính trị vô danh như thế của ngày 4 tháng 6 đang ở khắp các trại tù trong toàn quốc.

Còn những nhân vật danh tiếng thì sao? Khi đó họ kẻ cả nhìn xuống đám dân thường, nhưng không một ai trong số họ phải thiệt mạng hay bị thương trong vụ thảm sát ở Thiên An Môn, và cũng chỉ một số ít bị kết án nhiều hơn mười năm tù. Họ đều thoát khỏi lưỡi rìu đao phủ và sống sót, có thể đang ở một nhà tù nào đó trong nước hay lưu vong ở nước ngoài, nhưng đều còn sống, đều ít nhiều nổi tiếng, ít nhiều được dư luận chú ý. Trong „những kẻ giật dây vụ Lục Tứ“ nổi tiếng, chỉ có Vương Quân Đào và Trần Tử Minh bị kết án 13 năm tù, nhưng giữa thập niên 90 họ được tại ngoại để chữa bệnh. Từ tháng 6 năm 1989 đến nay, tôi, cũng là một đầu sỏ „giật dây“, bị kết án ba lần, song cũng chỉ bị ngồi tù tổng cộng không đầy 6 năm.

Nói như vậy không phải là để so bì nạn nhân. Là một trong những nhân vật cầm trịch và „giật dây“ tôi chỉ muốn đặt ra câu hỏi, rằng cuối cùng đâu là sự thực lịch sử của vụ Lục Tứ. Khi tình huống bắt đầu diễn biến kinh hoàng, vì sao những người bị trừng phạt nặng nề, những người đứng ra lo giúp các nạn nhân nguy kịch vì thương tích, những người bỏ mạng trong vụ thảm sát, vì sao họ đều là những người dân hoàn toàn bình thường, trong khi phong trào 89 lại do sinh viên và giới tinh hoa trí thức cầm đầu?

Vì sao những người đã phải trả cái giá cao nhất là sinh mạng của mình lại phần lớn thuộc về đám đông thầm lặng trong nước, không có nổi cái quyền thuật lại câu chuyện của mình, trong khi giới tinh hoa thuộc về phía sống sót lại cho mình cái quyền ba hoa chém gió không biết đâu là dừng?

Vì sao sau Lục Tứ, máu của những người dân chất phác ấy lại bị đem ra nuôi những kẻ cơ hội lớn nhỏ và cho phép một số kẻ ăn theo vô liêm sỉ trong chốn hội chợ phù hoa, tranh đua hóa „phong trào dân chủ“?


15 năm đã qua, dường như máu của ngày 4 tháng Sáu đã không hề khiến dân tộc lãnh cảm này bước thêm một bước nào đáng kể, nếu không tính đến cái mùi „anh hùng“ sặc sụa được đem ra phun vào những nhân vật trọng yếu, những kẻ quen xơi món màn thầu chấm máu người. Giới được coi là tinh hoa của đất nước này đã không hề tiến bộ hơn; đến hôm nay cảm giác về sự ô nhục, cảm giác về tội lỗi vẫn còn rất hiếm hoi, và chúng ta cũng chưa học được cách biến khổ đau thành một tài nguyên tinh thần để từ đó, bằng phẩm giá và tư cách bình đẳng, dấn thân cho sự khổ đau của những con người bình thường, cụ thể.

Những kẻ tự phong mình vào hạng tinh hoa văn hóa ở thập niên 80 như tôi, những nhân vật trọng yếu của sự kiện 1989 như tôi, đã làm được gì cho những hồn ma ấy? Suốt 15 năm qua, tôi thường xuyên bị ám ảnh vì một cảm giác tội lỗi. Tôi đã viết một bản nhận tội trong nhà tù Tần Thành, bán rẻ phẩm giá của cá nhân mình và cũng bán luôn cả máu của những hồn ma Thiên An Môn. Khi được thả, tôi vẫn tiếp tục ít nhiều nổi tiếng và được hưởng sự chia sẻ từ khắp nơi. Nhưng những nạn nhân bình thường kia thì sao? Những con người tàn phế đã mất tất cả từ lâu kia, họ thì sao? Và những người vô danh hiện vẫn bị giam cầm thì sao? Họ được gì? Trong một bài thơ, tác giả Liệu Diệc Vũ, bị tù bốn năm vì hai bài thơ, bài „Thảm sát“ và bài „Lễ cầu hồn“, tự hỏi: „Ai sống sót? Sống sót là rác rưởi!“

Trước số phận cay nghiệt của những con người bình thường ghi trong tập sách này, tôi thấy mình thậm chí không có cả cái quyền làm một kẻ „sống sót“! Dù tôi là một trong những người cuối cùng rời khỏi Thiên An Môn hôm ấy, nhưng sau vụ tắm máu tôi đã không đứng thẳng lên để bày tỏ một nhân cách, điều chỉ hiện ra qua hành động. Sau khi rời Quảng trường, tôi đã không quay lại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, ngôi trường cũ của tôi, để giúp những sinh viên từ Quảng trường chạy về; tôi lại càng không ra đường giúp cáng thương và gom xác chết, tôi đã chui vào tòa nhà tương đối an toàn của Bộ Ngoại giao để trốn. Không có gì đáng ngạc nhiên, nếu những con người bình thường đã đích thân trải qua ngày 4 tháng 6 đẫm máu ấy lên tiếng hỏi: Khi Bắc Kinh chìm trong vụ thảm sát, các vị „cầm trịch“ bỗng biến đi đằng nào?

15 năm đã trôi qua. Dù sự kiện Lục Tứ chưa thay đổi được sự tàn nhẫn của những kẻ đã gây nên vụ thảm sát, nhưng ít nhất ta có thể hỏi những nhân vật trọng yếu thời ấy hiện đang ưỡn ngực phô phù hiệu nạn nhân rằng: Các vị không thấy có trách nhiệm gì với những nạn nhân tuyệt không được hưởng một chút gì hoặc thậm chí còn ít hơn thế hay sao? Các vị không thấy lương tâm cắn rứt ư? Chẳng lẽ các vị không thấy ít ra cũng nên giữ những điều kiện tối thiểu cho nhân tính tồn tại, chẳng hạn việc xiển dương tự do và xiển dương cội nguồn của công lí mà vô số người đã hi sinh đời mình để bảo vệ – cái cội nguồn duy nhất mà chúng ta có để chống lại một chế độ toàn trị? Trước những người mẹ kiên tâm đòi công lí cho hồn ma của con cái họ, giới tinh hoa sống sót thời đó không lẽ nào lại không sẵn lòng chia sẻ một chút tình người, thực hành một chút tình đoàn kết bình đẳng và một tí xíu công bằng, để bù lại cho những con người đã chịu nhiều khổ đau hơn hẳn ấy mức công bằng mà họ xứng đáng được hưởng?

Tôi xin cảm ơn thân nhân của những nạn nhân ấy. Họ đã để lại cho Trung Quốc hình ảnh những con người bình thường trong vụ thảm sát ngày 4 tháng 6.
Tháng 6 3, 2014
Lưu Hiểu Ba
Phạm Thị Hoài dịch

Nguồn: Trích dịch từ bản tiếng Đức, tiểu luận “Die Stimme der Mütter von Tiananmen”, trong tuyển tập tác phẩm của Lưu Hiểu Ba Ich habe keine Feinde, ich kenne keinen Hass, tr. 23-33. Fischer Taschenbuch. Frankfurt am Main, 2013. Nhan đề của người dịch.
Bản tiếng Việt © 2014 pro&contra

Cuộc Hành trình của Hồ Cẩm Đào lên đỉnh cao quyền lực quân sự: Phần I

Tác giả: Michelle Yu - Epoch Times Staff   
Trong một bức thư gửi cho chính quyền Trung ương Trung Quốc vào đầu tháng 5, các chỉ huy hàng đầu Quân đội Trung Quốc đã cùng chung kiến nghị kêu gọi người đứng đầu Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào, giữ lại vai trò Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương của Ông sau khi Ông rời khỏi các chức vụ lãnh đạo Đảng và nhà nước, theo số báo tháng 6, tạp chí Cheng Ming, Hong Kong.
Nếu được chấp thuận, Hồ Cẩm Đào sẽ tiếp bước theo những người tiền nhiệm là Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân, cả hai đều giữ lại quyền lực quân đội trong hai năm sau khi hết nhiệm kỳ Chủ tịch 10 năm.
Khởi đầu chậm chạp
Tuy nhiên Hồ Cẩm Đào đã chiến đấu khó khăn nhiều hơn so với những vị tiền nhiệm của mình trong nổ lực dành sự hỗ trợ của quân đội, và ông đạt được thành công chỉ trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ 10 năm.
Năm 2002, tại Đại Hội Đảng lần thứ 16 Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc mà Hồ Cẩm Đào lý ra phải được chính thức bàn giao toàn bộ quyền lực để điều hành đất nước, vị đồng minh quân sự của Giang Trạch Dân, Trương Mặc Niên, cùng 22 tướng lĩnh khác đã gây ngạc nhiên trong Đại Hội với một động thái đặc biệt đó là cho Giang được giữ lại vai trò lãnh đạo quân sự.
Vào thời điểm đó, Hồ Cẩm Đào có ít ảnh hưởng để chống lại các lãnh đạo quân sự. Vì vậy, lúc Trương Mặc Niên lớn tiếng trước Ông trong Đại Hội khi yêu cầu phản hồi, họ Hồ nói bằng một giọng thấp dịu, "Khi tất cả mọi người đồng ý với bổ nhiệm đặc biệt này, tôi cũng không có phản đối.”
Trong hai năm tiếp theo, họ Hồ, vị lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, phải sống trong bóng tối của Giang Trạch Dân và phe nhóm của ông ta. Cư dân mạng thường gọi đùa Hồ Cẩm Đào là Thái tử. Tên của ông luôn luôn được nhắc đến sau Giang Trạch Dân trong các bản tin chính thức, và ông luôn luôn đi sau Giang Trạch Dân tại tất cả những cuộc gặp gỡ công chúng - trong thế giới tuyên truyền nghiêm ngặt của cộng sản Trung Quốc, cả hai điều này nhằm thể hiện cho công chúng về tình trạng thấp kém của họ Hồ
Tình trạng tệ hại của Hồ Cẩm Đào được phản ánh trong lần đối thoại chính thức đầu tiên của Ông với Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, Dick Cheney, vào năm 2002, trước khi Ông trở thành Tổng Bí Thư đảng.  Trong hồi ký gần nhất, Cheney kể rằng Ông đã mời họ Hồ trò chuyện riêng.  Đến khi gặp mặt, Cựu Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Lý Triệu Tinh, đã gõ cửa bước vào ngồi ngay giữa Cheney và họ Hồ.  Ông này đã từ chối rời phòng khi được mời ra.  Lý là một đồng minh thuộc phe cánh của Giang Trạch Dân được cử đến nhằm giám sát họ Hồ và báo cáo tình hình lại cho Giang.
Với chức vụ Phó chủ tịch Quân Ủy Trung ương, họ Hồ chỉ được phép chỉ huy sỹ quan cấp hàm thiếu tướng hoặc thấp hơn, Giang nắm quyền chỉ huy cao nhất với phần đông sỹ quan cấp cao hơn thậm chí nhiều năm sau khi rút khỏi chức Chủ tịch Quân Ủy.
Ảnh hưởng của họ Hồ trong giới quân sự được cho là thấp.  Thậm chí đến mức một số nhóm quân đã từ chối lệnh điều động của Ông và Ôn Gia Bảo trong chiến dịch cứu trợ nạn nhân trận động đất giết chết 70,000 người tại Tứ Xuyên năm 2008.
Không có hòa bình
Tư thế phục tùng của Hồ Cẩm Đào đã không không đem lại sự bình yên cho Ông. Giang Trạch Dân đã chuẩn bị một người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào ngay khi họ Hồ lên lãnh đạo nhà nước, cũng giống như Đặng Tiểu Bình đã sắp xếp cho Hồ Cẩm Đào là người kế nhiệm của Giang Trạch Dân. Cựu Thị trưởng Thượng Hải và thành viên Bộ Chính trị Trần Lương Vũ, một thành viên chủ chốt trong phe Thượng Hải của Giang Trạch Dân, là người thừa kế mà Giang đã lựa chọn.
Trần hầu như không che giấu tham vọng của mình, Ông thường công khai mâu thuẫn với Hồ Cẩm Đào. Nhiều lần, Trần bày tỏ sự thách thức Hồ Cẩm Đào và gọi họ Hồ là một học giả yếu đuối không thể gánh vác trách nhiệm của mình. Trần cũng đã phản đối chính sách kinh tế của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đồng thời công khai tuyên bố rằng họ không phù hợp với Thượng Hải.
Tin đồn, hoặc rò rỉ, thậm chí nói là Giang Trạch Dân đã lên kế hoạch ám sát họ Hồ một năm trước Đại Hội ĐCSTQ  lần thứ 17, có thể tham vọng của Giang là muốn có người của mình nắm trọn hết đất nước.
Theo Tạp chí Trend Magazine có trụ sở tại Hồng Kông, Hồ Cẩm Đào đã có một chuyến công tác bí mật, đến thăm một căn cứ hải quân tại Thanh Đảo trên bờ biển phía đông Trung Quốc. Trong khi đang thị sát các đội tàu từ một chiếc khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường trên biển Hoàng Hải, hai tàu nhỏ khác đã bất ngờ bắn vào chiếc khu trục hạm, giết chết năm binh sĩ. Họ Hồ thoát nạn không hề hấn gì và vội vàng bay tới vùng đông nam tỉnh Vân Nam, nơi Ông ở lại một tuần trước khi trở về Bắc Kinh, Trend Magazine cho biết.
Sau đó không lâu Hồ Cẩm Đào trả đũa. Chỉ sau bốn tháng sau đó, Trần đã bị bắt giữ về tội tham nhũng và sau đó bị kết án 18 năm tù.
Trong tháng Tám, hai tháng sau khi vụ ám sát không thành công, Chỉ huy trưởng lực lượng hải quân, lúc đó là Trương Định Phát, bị cách chức. Khi Trương qua đời trong tháng 12 năm cùng năm, ngoại trừ một thông báo rất ngắn gọn trên một tờ báo hải quân, không một truyền thông chính thức nào đưa tin về cái chết của Trương.
Lấy lại quyền kiểm soát
Các nhà phân tích chính trị Trung Quốc coi nỗ lực ám sát rõ ràng là một điểm ngoặc cho họ Hồ. Sau đó Ông đã quyết định tăng cường quyền kiểm soát quân đội của mình.
Ông bắt đầu từ chính lãnh địa của mình, Bắc Kinh. Trong tháng 12 năm 2006, Hồ Cẩm Đào thay thế Chỉ huy và các Ủy viên chính trị (đứng đầu Đảng Ủy) thuộc Lữ Đoàn Bảo Vệ Bắc Kinh bằng các sĩ quan thăng cấp trực tiếp từ các đơn vị quân đội địa phương. Năm sau, ông điều động một nhân vật thân cận của mình là Phòng Phong Huy làm người đứng đầu Bộ Chỉ huy quân sự Bắc Kinh nơi mà các đơn vị phòng vệ phải báo cáo về.
Sau đó vào năm 2007, Hồ Cẩm Đào đã dùng Đại Hội ĐCSTQ lần thứ 17 như là một cơ hội để loại đồng minh của Giang Trạch Dân, Do Hi Quý, người đứng đầu Cục An ninh Trung ương chịu trách nhiệm cho sự an toàn của lãnh đạo cấp cao. Người kế nhiệm Do là Tào Thanh, một người tương đối trung lập.
Trong cùng năm đó, cánh tay phải của Hồ Cẩm Đào, Lệnh Kế Hoa, trở thành Chánh Văn phòng Tổng Hợp của ĐCSTQ và từ đó có thẩm quyền điều động Cục An ninh Trung ương nơi chịu trách nhiệm bảo vệ các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng.
Từ đó, Hồ Cẩm Đào đã hoàn toàn nắm quyền kiểm soát lực lượng quân sự Bắc Kinh và đó là điểm khởi đầu của quá trình từng bước phục hận của Ông. Điều này không chỉ là dấu hiệu cho địa vị vững chắc của bản thân họ Hồ, mà nó còn hữu dụng trong cuộc đấu tranh quyền lực chống lại những đảng viên đối lập.
Tại phiên họp toàn thể thứ tư của Đại Hội ĐCSTQ lần thứ 17 trong năm 2009, Phòng Phong Huy công khai phản đối kế hoạch nhân sự do phe Giang Trạch Dân phát thảo.
Vì bị áp đảo trước quyền lực quân sự của họ Phòng, hội nghị đã phải thỏa hiệp và không thực hiện bất kỳ quyết định nhân sự nào.
Tiếp theo năm sau, họ Phòng được thăng cấp lên Tướng, và Hồ Cẩm Đào đã đích thân trao Quyết định phong hàm cho họ Phòng và 10 tướng lãnh khác mà ông đã phê chuẩn.

Hồ Cẩm Đào: Hành trình lên đỉnh cao quyền lực quân sự – Phần II


Closing Session Of The National People's Congress (NPC)
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong phiên bế mạc Đại hội Quốc Dân ngày 14 tháng Ba năm 2012. (Lintao Zhang/Getty Images)
Nếu được chính quyền trung ương Trung Quốc chấp thuận, Hồ Cẩm Đào sẽ tiếp bước tấm gương những người tiền nhiệm của mình Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân, hai người đã duy trì được quyền lực đối với quân đội trong hai năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ 10 năm với cương vị là Chủ tịch Đảng. Nhưng sống dưới bóng của Giang và bè phái của ông ta, Hồ Cẩm Đào đã phải chiến đấu khó khăn và trường kỳ hơn những người tiền nhiệm trong việc đạt được sự ủng hộ của quân đội , và ông chỉ đạt được thành công trong những năm cuối nhiệm kỳ 10 năm của mình.

Thách thức của Bạc Hy Lai

Khi Hồ Cẩm Đào đạt được quyền kiểm soát các lực lượng vũ trang ở Bắc Kinh năm 2007, ông ta đã cho “trục xuất” người thừa kế được Giang Trạch Dân lựa chọn cẩn thận là Bạc Hy Lai ra khỏi Bắc Kinh để về lãnh đạo Trùng Khánh, một thành phố phía tây nam. Mất hy vọng được vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính Trị, một nhóm gồm 9 thành viên đứng đầu Trung Quốc, Bạc Hy Lai đã tìm cách liên minh với các tư lệnh quân sự địa phương để hiện thực hóa tham vọng của mình.
Bạc khi đó đã khởi xướng chiến dịch “hồng ca và đả hắc”, một sự hồi sinh của nền văn hóa đỏ cực tả và trấn áp tội phạm làm gợi nhớ tới Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông. Nhưng chiến dịch đả hắc thường được sử dụng như một cái cớ để vu khống các chủ doanh nghiệp cùng các đối thủ chính trị, và để tịch thu tài sản của họ.
Bạc cũng dùng sự nổi tiếng không kém các minh tinh màn bạc của mình để thách thức chính quyền Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo vốn ít cực đoan hơn.
Theo lời của cựu phóng viên Tân Hoa Xã, Giang Uy Bình:  “Bạc dường như không quan tâm đến việc liệu Hồ Cẩm Đào có lo lắng hay không. Ông ta không chỉ tiếp tục tăng cường chiến dịch “hồng ca và đả hắc”, bắt giữ hơn 600 trùm băng đảng, mà còn thừa cơ khuếch trương lực lượng cảnh sát.”
“Ngoài ra, Bạc chủ động xây dựng mối quan hệ với tư lệnh quân sự tại Thành Đô, và bí mật liên kết với các tướng lĩnh quân đội như Trương Hải Dương để lên kế hoạch hành động trong tương lai,” Giang Uy Bình nói trong một bài viết đăng ngày 24 tháng 3 trên trang chinesepen.org. “Việc này đã hoàn toàn phơi bày tham vọng  nắm giữ vị trí lãnh đạo tối cao của Bạc”.
Theo bài báo, Giang Uy Bình đã biết Bạc Hy Lai nhiều thập kỉ và từng bị bỏ tù 6 năm vì tội xuất bản những câu chuyện tham nhũng của Bạc cùng các quan chức khác trên phương tiện truyền thông của Hồng Kông.
Khi còn tại vị, Bạc Hy Lai đã tuyển dụng nhiều cảnh sát từ khắp nơi trên cả nước, mua xe bọc thép và các xe mô tô đắt tiền của Ý, công khai thành lập các đội cảnh sát mới như “Đội Cảnh Hoa” gồm nhiều phụ nữ trẻ đẹp, và “Đội Hộ Tống Đoàn Khách Nhà Nước”. Bạc cũng biếu hơn 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 300 triệu đô la) cho tư lệnh quân sự Thành Đô.
Cựu tỷ phú bất động sản ở Thành Đô, Lý Quân, người đã đào thoát khỏi Trung Quốc năm 2010, nói với Thời báo Tài Chính rằng ông đã bị vu khống, bỏ tù, tra tấn và tống tiền như thế nào bởi Bạc cùng các cấp dưới của ông ta. Lý cho biết những kẻ bắt cóc đã lệnh cho ông phải chi 40 triệu nhân dân tệ cho một đơn vị quân sự ở Thành Đô trước khi được thả tự do. Bọn họ cũng đưa cho ông một danh sách gồm 20 sĩ quan quân đội và bắt ông tố cáo những người này tội vi phạm pháp luật. Lý nói ông cảm thấy mình bị lợi dụng để thanh trừ những đối thủ chính trị của Bạc Hy Lai.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang china.dwnews.com tháng 7 năm 2011, Lý đã nói “Bạc Hy Lai…đã dùng tôi làm vật hy sinh để làm hài lòng [tướng quân đội] Trương Hải Dương nhằm đạt được sự ủng hộ từ quân đội đối với sự thăng tiến của ông ta trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18”.
Vào năm 2009, Bạc đã đề bạt bạn của mình là Vương Lập Quân, nguyên giám đốc công an Trùng Khánh và Phó Thị trưởng, làm lãnh đạo lực lượng cảnh sát vũ trang, một đội quân gồm 10,000 người.
Sự ủng hộ đối với Bạc đã tăng thêm quyền lực cho ông ta để đối đầu với Hồ Cẩm Đào.
Năm 2010, Bạc đã đưa “Dàn hợp xướng Nhạc Đỏ” của mình tới Bắc Kinh, hành động này được xem như một thách thức trực tiếp đối với quyền lãnh đạo của Hồ. Một vài tướng lĩnh cấp cao trong quân đội đã tham dự buổi biểu diễn này, nhưng không có ủy viên Bộ Chính Trị nào xuất hiện.
Một hành động thách thức thậm chí táo bạo hơn diễn ra vào tháng 11 năm 2011 khi Bạc Hy Lai tham dự một cuộc tập trận quy mô lớn, được tổ chức bởi Tư lệnh quân đội Thành Đô, trong thời gian Hồ Cẩm Đào đang tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức ở Hoa Kỳ. Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng và thành viên Ủy ban Quân sự Trung ương, Lương Quang Liệt cùng các trưởng quân sự địa phương cũng tham dự cuộc tập trận này.
Giang Uy Bình nói trong một bài báo trên Chinesepen, trích lời của một người trong chính quyền Bắc Kinh rằng do mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo địa phương với lực lượng quân sự địa phương luôn là điều cấm kỵ trong cơ cấu quyền lực của ĐCSTQ, nên những hành động này không chỉ là hồi chuông cảnh báo Hồ, mà còn gây sốc cho cả giới chính trị Trung Quốc.
Người này cũng cho biết nhiều quan chức cảm thấy Hồ Cẩm Đào cần có những hành động dứt khoát chống lại Bạc Hy Lai, hoặc nếu không sẽ có thể xảy ra một cuộc đảo chính bất cứ lúc nào.
Theo Trang tin mingjingnews.com có trụ sở ở Hồng Kông đưa tin vào ngày 30 tháng 3 năm 2012, thông qua Vương Lập Quân, Bạc đã mua một lượng lớn vũ khí và đạn dược để thành lập lực lượng vũ trang của riêng ông ta.

Hồ Cẩm Đào Phản Công

Những đáp trả ban đầu của Hồ với Bạc đều mờ nhạt và chủ yếu thông qua những thay đổi nhân sự. Năm 2009, chính ủy thuộc tư lệnh quân đội Thành Đô, Trương Hải Dương, một đồng minh của Bạc, đã bị thay thế bởi một sĩ quan đến từ Tân Cương. Một vài sĩ quan cấp cao khác bị thay thế bởi những người được thuyên chuyển từ các đơn vị khác.
Đòn phản công toàn lực của Hồ bắt đầu vào tháng 7/2011 khi tin đồn về cái chết của Giang Trạch Dân rộ lên thông qua truyền thông Hồng Kông, theo một nguồn tin nói với Thời báo Đại kỷ nguyên: “Đó là bước đầu tiên trong phép thử lòng dân”.
Tin tức về cái chết của Giang Trạch Dân, được công bố đầu tiên bởi Đài truyền hình Châu Á vào ngày 6 tháng 7 năm 2011, ngay lập tức tạo nên sự phấn khích, thậm chí một số người Trung Quốc còn đốt pháo mừng sự kiện này.
Các nguồn tin nói với Thời báo Đại kỷ nguyên rằng bằng việc tung tin tức đó, Hồ đang thử phản ứng cùng quyền lực của phe Giang, và đồng thời đánh giá tình hình sức khỏe của Giang nhờ việc buộc ông ta phải xuất hiện trước công chúng. Đồng thời đây cũng là phép thử phản ứng của công chúng để xác định liệu các hành động chống lại Giang và bè phái của ông ta có nhận được sự ủng hộ của công chúng hay không.

Liên minh với Tập Cận Bình

Theo tạp chí Frontline của Hồng Kông, cột mốc quan trọng khác trong cuộc chiến của Hồ Cẩm Đào là thành lập một liên minh với người kế nhiệm ông ta là Tập Cận Bình. Việc này được thực hiện với sự trợ giúp của Tống Bình, cố vấn của Hồ Cẩm Đào, và Hồ Đức Bình, con trai của cựu lãnh đạo nhà nước Hồ Diệu Bang.
Hồ Cẩm Đào cần một đồng minh như Tập, người vừa là Phó chủ tịch Quân Ủy Trung ương và là ủy viên Bộ Chính Trị. Mặt khác, Tập rất sẳn lòng để Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo loại bỏ kẻ rắc rối Bạc Hy Lai trước cuộc chuyển giao quyền lực chính thức.
Với sự hỗ trợ của Tập, Hồ đã sẵn sàng khẳng định quyền lực.
Trong một hội nghị Quân Ủy vào cuối tháng Mười Hai 2011, Tướng Lưu Nguyên đưa ra tấm ảnh chụp một căn biệt thự rộng lớn, xa hoa ở một trong những địa điểm đẹp nhất Bắc Kinh thuộc về một sĩ quan cấp cao. Lưu đã chỉ trích mạnh mẽ các trưởng Quân Ủy Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, và Lương Quang Liệt, ông nói: “Ba người các ông là lãnh đạo Quân Ủy đã nhiều năm. Các ông phải chịu trách nhiệm về nạn tham nhũng tràn lan trong quân đội!”
Theo truyền thông Hồng Kông, những lời nói của Lưu khiến người tham dự xôn xao, nhưng riêng Hồ và Tập chỉ lắng nghe mà không có bất kỳ biểu hiện nào.
Kể từ lúc đó, Quân Ủy đã đưa ra hàng loạt các chiến dịch chống tham nhũng, đây được hiểu như là một mệnh lệnh để thể hiện sự trung thành với Hồ. Ví dụ như, Phó chủ tịch Quân Ủy Từ Tài Hậu đã kêu gọi quân đội “tuân theo sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân Ủy Trung ương, và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào một cách vô điều kiện”. Đây là lần đầu tiên quân đội đưa tên của Hồ Cẩm Đào vào trong một bối cảnh như vậy.
Những sĩ quan cấp cao khác cũng công khai cam kết trung thành với Hồ trong những dịp khác nhau.
Vào tháng 2/2012, Cốc Tuấn Sơn, chủ ngôi biệt thự mà Tướng Lưu Nguyên tẩy chay tại hội nghị đã bị kết tội tham nhũng. Cốc là cựu Phó chủ nhiệm Tổng Cục Hậu Cần, được cho là có họ hàng với vợ của Bạc Hy Lai là Cốc Khai Lai.

Sự cố Vương Lập Quân

Ngày 6 tháng 2 nâm 2012, Vương Lập Quân, tay sai của Bạc, đã chạy trốn đến lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, và trình ra một chồng tài liệu mật. Sau đó truyền thông Mỹ đã tiết lộ rằng trong những tài liệu đó có một âm mưu của Bạc và Chu Vĩnh Khang, người đứng đầu Ủy ban Chính trị và Luật pháp, nhằm lật đổ Hồ và Tập.
Sự cố Vương Lập Quân đã trở thành một bước ngoặt quan trọng. Trong những tuần sau đó, Bạc đã đi thăm một đơn vị quân sự mà cha ông ta từng dẫn dắt đóng tại tỉnh Vân Nam. Hành động này tiếp tục được xem như là một sự thách thức đối với lãnh đạo trung ương.
Vào ngày 17 tháng 2 năm 2012, Quân Ủy Trung ương đã triển khai một đơn vị gồm 1,500 cảnh sát vũ trang tới Trùng Khánh, được cho là nhằm ngăn chặn sự nổi loạn của cảnh sát vũ trang Trùng Khánh. Có tin đồn rằng các đơn vị quân đội bổ sung, tổng số hơn 10,000, cũng được điều đến Trùng Khánh
Trong tháng Ba, chỉ huy quân đồn trú ở Trùng Khánh, Chu Hòa Bình, người có quan hệ sâu sắc với Bạc, đã bị điều tra.
Tờ Thời báo Tài chính đưa tin: “Trong tháng 4, năm 2012, Quân Ủy Trung ương thành lập một nhóm chỉ đạo kiểm toán để kiểm tra việc mua sắm, các dự án xây dựng, và thu nhập bất động sản trong các lực lượng vũ trang, một động thái được xem như lời cảnh cáo tới các sĩ quan quân đội rằng bất kỳ sự phản bội này có thể bị trừng phạt bằng một cuộc điều tra tham nhũng”.

Kết luận

Theo các nhà phân tích, Hồ Cẩm Đào sẽ chắc chắn ở lại làm Chủ tịch Quân Ủy sau khi ông ta chuyển giao quyền lãnh đạo Đảng và Nhà Nước vào cuối năm nay.
Có nhiều dấu hiệu ủng hộ cho nhận định này. Nói chung, trước khi một vị lãnh đạo cao cấp nghỉ hưu, ông ta sẽ an bài cho những nhân viên trực tiếp và thuyên chuyển họ tới các vị trí khác. Nhưng đến thời điểm này, các nhân viên văn phòng của Hồ vẫn tại vị, và không thấy có dấu hiệu nào của việc tổng kết công việc hiện tại của họ hay chuyển sang các công việc khác.
Lá thư gửi tới Bộ Chính Trị, được đồng ký tên bởi nhiều tướng lĩnh quân đội, yêu cầu để Hồ Cẩm Đào được giữ nguyên vị trí lãnh đạo quân đội, tiếp tục khẳng định thành công trọn vẹn, mặc dù muộn của Hồ trong việc đạt được quyền kiểm soát các lực lượng quân sự của Trung Quốc.
Theo tin mới nhất, vào ngày 3 tháng 7 năm 2012, đồng minh của Hồ là Quách Kim Long, được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh.
Reuters cho biết việc bổ nhiệm là bước quan trọng đầu tiên trong kế hoạch cải tổ chính trị trước khi thay đổi lãnh đạo, việc này sẽ cho phép Hồ duy trì được ảnh hưởng chính trị sau khi rời nhiệm sở.
Theo Reuters, “Hiện Quách được xem như chắc chắn có chân trong Bộ Chính trị trong quá trình thay đổi lãnh đạo tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18 diễn ra vào cuối năm 2012”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét