Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

ASEAN VÀ TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Bảy, ngày 19/11/2011

ASEAN VÀ TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG

(Đài Ôxtrâylia 16/11)
Các vụ tranh chấp chủ quyền xung quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng những động thái ngày càng mạnh mẽ hơn của Trung Quốc tại Biển Đông khiến tình trạng căng thẳng trong khu vực này gia tăng. Quan điểm của các bên liên quan về vấn đề này ra sao?
Trong những năm gần đây, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 80% khu vực Biển Đông và sự hiện diện thường trực của các tàu hải giám nước này cùng với cáo buộc bị quấy nhiễu của ngư dân các nước Việt Nam và Philippin khiến nhiều người quan ngại về tình trạng an ninh tại Biển Đông.
Khi Ngoại trưởng các nước ASEAN nhóm họp tại Bali, Inđônêxia, họ xem xét đề nghị của Philippin muốn biến biển Đông thành khu vực hoà bình, tự do, hữu nghị và hợp tác (ZoPFFC) với những tuyên bố chủ quyền rõ ràng của Trung Quốc, Đài Loan và 4 nước ASEAN là Brunây, Malaixia, Philippin và Việt Nam. Philippin cũng đề nghị tách riêng những khu vực tranh chấp với khu vực không tranh chấp tại quần đảo Trường Sa.
Theo hãng tin Kyodo, đề nghị này nhằm phản công lại tuyên bố do Trung Quốc đưa ra trước đây rằng Bắc Kinh có “chủ quyền không thể tranh cãi” tại Biển Đông. Ngoài ra đề nghị của Philippin cũng nhằm thúc ép Trung Quốc đồng ý sử dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải.
Lập trường của Trung Quốc
Trung Quốc luôn muốn giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc hội đàm song phương với các quốc gia láng giềng yếu hơn. Đồng thời, nước này cũng bác bỏ đề nghị để LHQ đứng làm trọng tài hoà giải. Trung Quốc cho rằng việc thảo luận tranh chấp lãnh hải ở những diễn đàn quốc tế đa phương là điều không thích hợp.
Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết: “Trung Quốc cho rằng các cuộc tranh chấp cần được giải quyết thông qua thương lượng hoà bình giữa các bên trực tiếp liên quan. Sự can thiệp của các thế lực bên ngoài không giúp giải quyết vấn đề mà ngược lại chỉ làm vấn đề thêm phức tạp và phá hoại hoà bình, tình trạng ổn định và sự phát triển trong khu vực”.
Ý kiến của các bên liên quan
Hãng tin AFP cho hay các nước ASEAN đã tỏ ra không “mặn mà” trước đề nghị của Philippin muốn thành lập mặt trận chung để đương đầu với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Tiến sĩ Surin Pitsuwan, Tổng Thứ ký ASEAN cho biết đề nghị do Philippin đưa ra “cần được thảo luận thêm”. Ngoại trưởng Inđônêxia Marty Natalegawa cho hay một số nước thành viên ASEAN tỏ ra quan ngại trước đề nghị của Philippin vì sợ nó có thể làm xáo trộn việc thực thi các dự án trong khuôn khổ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002.
Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong thì cho rằng các bên nên “tiến từng bước một” cho tới khi đạt được một bộ quy tắc ứng xử mới. Vẫn theo ông Hor Nam Hong, trong giai đoạn này điều quan trọng hơn là ASEAN và Trung Quốc cần phải xây dựng niềm tin lẫn nhau.
Còn Ngoại trưởng Malaixia Anifah Aman tuyên bố: “Trung Quốc đang thực hiện một bước đi rất tích cực qua việc tổ chức những buổi hội thảo, thuyết trình”. Ông Aman cũng cho rằng việc tổ chức các diễn đàn khác sẽ làm vấn đề phức tạp thêm. Như vậy, đề nghị của Philippin ít được sự ủng hộ từ các nước ASEAN.
Ngày 15/11, theo hãng Reuters, Philippin đã chỉ trích các nước ASEAN không đề ra được lập trường thống nhất để đương đầu với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.
Một số nhà ngoại giao Philippin và Việt Nam lo ngại rằng Bắc Kinh đang sử dụng ảnh hưởng kinh tế để ngăn không cho ASEAN chỉ đạo việc tranh chấp chủ quyền lãnh hải.
Còn cùng ngồi thảo luận là còn hy vọng
Bên lề Hội nghị cấp cao Bali, Tiến sĩ Pitsuwan cho Joanna McCathy, phóng viên Cơ quan Truyền thông Quốc gia Ôxtrâylia (ABC) biết mặc dù tình hình tại Biển Đông khá căng thẳng nhưng ông vẫn vững tin rằng Trung Quốc và các nước ASEAN có thể làm việc với nhau để giải quyết tranh chấp kéo dài đã lâu tại Biển Đông, khu vực cực kỳ quan trọng đối với thương mại toàn cầu.
Ông cho biết các ngoại trưởng sẽ thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc về mặt pháp lý liên quan tới việc điều hành các hoạt động tại vùng biển này.
Nhiều nước trong vùng hoan nghênh việc Mỹ cam kết gắn bó chặt chẽ hơn với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, địa bàn hoạt động quan trọng của Mỹ, thể hiện qua nhiều hành động, cụ thể là tuyên bố của Tổng thống Obama tại Hội nghị APEC ở Hawaii. Ông Pitsuwan đánh giá “đây là một dấu hiệu tích cực”. Vẫn theo lời ông Pitsuwan, trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông, điều quan trọng là các nước liên quan đã có thể ngồi nói chuyện với nhau.
Trong khi đó, một trong những chuyện liên quan tới Biển Đông là vấn đề pháp lý. Cho đến nay, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 vẫn chưa được thực thi vì thiếu những quy định cụ thể.
Ông Ronald Rothwell, Giáo sư Luật tại Đại học Quốc gia Ôxtrâylia (ANU) cho đài Ôxtrâylia biết, cần phải có một văn kiện có tính ràng buộc về mặt pháp lý để các bên liên quan bắt buộc phải thực thi nghĩa vụ của mình./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét