Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

5 chữ T


5 chữ T có thể chúng ta lấy làm kim chỉ nam cho cuộc sống hằng ngày:
Thương Thương, Tha Thứ, Thôi, Tùy, và Thoáng.

Thương thương

image

Trong đầu mình dù không ai nói ra nhưng đều có vẻ một cái vòng tròn. Vòng này giữ những người mình ghét mình thù không cho vô trong, giống như vô đây thấy người mình ghét thì mình phải ngồi bàn khác, tránh họ. Thương là phải bỏ người ta vô trong vòng tròn của mình.

1. Tim mình đủ rộng

2. Cái vòng tròn đủ để người ta ngồi không? Thương 3 người vòng tròn phải lớn, thương 4 người, tim mình còn phải lớn hơn nữa, vòng tròn phải to hơn.
Hành động rất quan trọng, khi thương là bước ra khỏi cái vòng tròn của mình để tiếp nhận người ta. Mắt phải nhìn, tay phải nắm, chân bước đi ra khỏi vòng tròn. Thành ra nhiều khi phải hy sinh mình, phải ra khỏi cái hạn hẹp của tự ngã để ôm lấy người khác. Hành động này nhẹ nhàng nhưng là biểu tượng của tình thương vì tình thương thì nhẹ nhàng và mở rộng.

Nhưng tại sao phải hai chữ thương lận? Chữ Thương đầu là chuyện nên làm tức nên thương người khác.  Chữ Thương thứ hai là mình phải dễ thương. Mình thương người ta mà mình không dễ thương thì người ta cũng không thương mình được. Chữ Thương thứ hai này mới là Phật pháp. Mình đừng dữ dằn, phải làm sao càng tu thì càng dễ thương. Nếu bác tu mà nhìn vô gương thấy mặt mình không vui vẻ lắm thì nên tu lại làm sao cho dễ thương.

Tha thứ

image

Tha thứ là cánh cửa mở ra thiên đàng đem tới hạnh phúc cho mình và cho người. Tha thứ chứng minh rằng mình là Phật vì Phật là sự tha thứ .

-Ai cũng cần được quan hoài cả, rất quan trọng.

-Ai có làm lỗi chớ vội bắt tội. Vì nhiều khi người ta làm lỗi mà không biết, nếu mình cứ bắt tội thì là không hay. Nhiều khi mình thích tìm coi lỗi lầm người khác để bắt tội. Con cái mình có lỗi thì khoan mắng nó đã.

-Ai có làm sai tha thứ mở khai. Nếu người ta làm sai mà mình coi như là cơ hội để chửi họ thì là không đúng rồi.
Người làm lỗi là kẻ cần tình thương và sự quan hoài nhiều nhất. Con mình nhiều khi đi học có rất nhiều căng thẳng, thành thay vì mình ép nó học quá, mình nên ngồi lắng nghe nó là cũng giúp nó rồi. Mình tu, đi chùa  mà con cái mình không lắng nghe, nó làm lỗi mình la mắng nó hoài thì không hay lắm.

Thôi

image

Thôi có nghĩa là ngừng lại, bất động, ngừng bánh xe tạo nghiệp, là khoảng thời gian im lặng trống vắng để mình nhìn vào cái tâm.

-Khoan phê bình lăng nhăng tức là mình chờ một chút, khoan phê bình. Mình nên tìm hiểu cho kỹ đã.

-Khoan nói nặng nói gằn. Nói nặng tức là nội dung câu nói không tốt, nhiều khi mình sẽ tạo nghiệp vì tâm mình tốt nhưng mình nói nặng quá làm cho người ta tổn hại. Lời nói nặng là mất đức. Nói gằn tức là cái âm thanh tiếng nói của mình không được êm ái. Mình khoan nói nặng nói gằn.
Tại sao nói chữ khoan mà  không nói chữ không? Vì khoan là mình ngừng lại để suy nghĩ xem có nên nói hay không. Cái khoảng không gian mà mình ngừng lại đó là trí huệ. Nếu muốn tu trí huệ thì mình nên tu cái khoảng không gian đó.

-Khoan nghĩ xằng nghĩ hại. Nghĩ chuyện xằng, chuyện làm hại người khác còn ghê gớm hơn chuyện nói, nên ngừng lại.
Triết lý 3 khoan này là bước đầu tiên trước khi mình thôi. Thôi có thể mình không làm nổi thì bây giờ mình khoan, mình từ từ thôi.

Tùy

image

Triết lý chữ tùy có nhiều người hiểu lầm lắm vì họ nghĩ tùy là tùy hỷ, tùy thầy tùy trò, tùy họ. Thí dụ đang ngồi thiền có người rủ đi chơi thì tùy họ mà đi, nói chút nữa thiền cũng được.
Hãy tưởng tượng bên trên là bầu trời trong vắt không chút mây, phía dưới là mặt nước phẳng lặng như gương.
Tùy là làm sao hiển hiện cái bầu trời bao la rộng lớn, bầu trời đó tức là chân tâm của mình. Mỗi người đều có một bầu trời trong tâm cả, mình phải tùy bầu trời vô tận trong tâm mình.
Một cái lá nhỏ chụp gần sẽ thấy rất rõ từng chi tiết đường gân của lá.
Nhưng trong một rừng cây thì chiếc lá chỉ còn là một vật rất nhỏ không đáng kể.
Cái tâm của mình cũng như vậy. Khi tâm mình nhỏ thì chuyện gì cũng lớn cả nhưng khi tâm mình lớn thì cả khu rừng này mình thấy nhỏ. Đây là chuyện quan trọng nhất của Phật giáo: người tạo nghiệp là người chuyện nhỏ xé ra thiệt lớn, “chuyện bé xé ra to”, vì tâm nhỏ quá. Thí dụ có người trong hội đi nghe giảng kinh mà quên mời mình đi thì mình nghĩ họ đì mình, phá mình, hại mình..., đủ thứ chuyện cả trong khi thực ra người ta chỉ quên thôi.

Chuyện này xẩy ra hằng ngày hằng giờ. Chuyện nhỏ mà mình thấy lớn thì cái nghiệp chướng của mình cũng lớn theo. Tùy là tùy cái tâm lượng bao la. Càng tu thì chuyện lớn bao nhiêu mình càng thấy nhỏ, chuyện nhỏ thì thấy nó biến mất. Chuyện nhỏ mà làm lớn ra thì là tạo nghiệp. Chuyện lớn nên làm cho nhỏ đi mà chuyện nhỏ thì làm cho nó mất luôn.

Triết lý thứ hai của chữ tùy là mình đừng đem cảm xúc vào mọi chuyện, đừng “emotionalize”, đem tình cảm của mình bỏ vô sẽ làm cho chuyện không còn đơn thuần nữa. Nhiều khi chuyện chỉ là chuyện bình thường mà mình bỏ cảm xúc vô thành ra chuyện lớn. Thí dụ hằng ngày bà xã mình vẫn pha cà phê cho mình, bỗng hôm đó bà dậy trễ quên pha, thì có thể mình sẽ giận và đặt câu hỏi: bộ bà có bồ rồi hả, làm chuyện thành nặng nề, mình nói nặng làm cho người ta đau khổ...

Mình phải quan sát, vô tư, vô tâm. Tâm mình phải như cái mặt gương, chỉ phản chiếu thôi, đừng để chiếc lá làm động, tâm mình xáo trộn, rồi nói: Tại sao mày làm tao khổ, you make me angry, you make me unhappy... Đây là chuyện sai lầm quan trọng nhất, mình nghĩ người ta làm gì mình đó nhưng thực ra là chỉ là tự mình không thể tha thứ, không thể mở rộng được. Nên mình phải sống tùy theo cái bầu trời và mặt gương chứ đừng tùy theo chuyện này chuyện nọ của đời. Chuyện nhỏ mà bỏ xúc cảm của mình vô sẽ thành chuyện lớn mà chuyện lớn thì nghiệp chướng cũng lớn. Lúc nào mình cũng nên có tình thương, tha thứ.
Đây là tóm tắt triết lý chữ TÙY:
-Hiển hiện tâm bao la như bầu trời
-Hiển hiện tâm phẳng lặng như gương
-Tâm lớn thì thấy chuyện nhỏ, tâm nhỏ thì thấy chuyện lớn.
-Quan sát, vô tâm, vô tư

Thoáng

image

Nhiều khi mình ở trong cái hoàn cảnh quá nghẹt thở thì mình nên trồi đầu ra thở một chút. Có thể mình không dám trồi đầu ra vì mình sợ thì mình sẽ nghẹt thở và sẽ làm ngừơi khác nghẹt thở theo. Thoáng là giai đoạn sắp sửa được tự tại. Mình sống làm sao cho lúc nào cũng được dễ thở cả và lúc nào cũng đem cái dễ thở đó cho những người xung quanh.
Nhưng nhiều khi mình không sống thoáng được.
Càng sống mình càng muốn chui vào cái lồng. Lồng này là cái nhận biết, tri kiến của mình. Mình càng sống trong tri kiến của mình thì càng dễ giận dữ. Người ta khác tri kiến của mình thì mình ghét liền. Cái khổ nhất là mình lại thích cái lồng của mình, ai mà động tới là mình làm dữ lên liền. Thành ra bây giờ mình nên thoát ra cái lồng đi để cảm thấy sự sung sướng nhẹ nhàng ...

Làm sao biết người nào thoáng? Chữ thoáng là  niềm vui và cái đẹp.
Có người nọ hỏi đức Phật: tại sao ngài lại khuyên chúng con nên tu để được giải thoát lên cõi trên?
Đức Phật hỏi: con có thấy dưới này vui không?
Thì ông trả lời: dưới này không vui gì mấy, sinh lão bệnh tử đủ thứ, chắc lên kia vui hơn?
Đức Phật hỏi: con biết cái gì vui trên đó không?
Ông nói: con nghĩ trên đó cũng không có gì vui mấy, vậy thì tại sao phải lên đó? Phật nói: chỗ trên kia là chỗ người ta không hề nghĩ được tư tưởng xấu mà chỉ nghĩ được những tư tưởng tốt, đẹp thôi. Ông nghe vậy giác ngộ, à! nếu chỗ mà người ta chỉ nghĩ chuyện tốt đẹp thì đương nhiên chỗ đó phải đẹp, phải tốt, phải vui. Thế giới của mình thoáng hay không thoáng là do mình. Nếu mình thấy ra cái đẹp, nghĩ tư tưởng tốt thì thế giới mình sẽ đẹp. Mình thấy vui thì người khác mới vui được, nếu mình muốn người khác vui mà mình buồn thì không được. “Một ngày không cười thì mười ngày ra ma” nghe bác, nên mỗi ngày bác phải cười.
-Thoáng là nên cuời vui, đừng bắt lỗi. Thoáng là có tình thương trong đó.
-Thoáng là quên hận thù xóa dị biệt. Hận thù nhiều khi rất dai dẳng, giống như trong mấy truyện kiếm hiệp, rất nghẹt thở. Tình tiết ly kỳ nhưng nghẹt thở vô cùng, không thoáng. Lúc nào họ cũng trả thù cả, trả thù qua trả thù lại làm cho người ta không thể có một đời sống hạnh phúc được. Thành ra phải thoáng, quên hận thù.



thầy Hằng Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét