Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Thiên đường và địa ngục... suy nghĩ lan man.


1. Không rõ có xứ nào trong thế giới loài người không có khái niệm thiên đường hay địa ngục? Thiên đường và địa ngục là hai khái niệm phổ biến và là cặp phạm trù đối ngẫu. Dù cho việc hình dung ra cảnh giới thiên đường và cảnh giới địa ngục khác nhau từ dân tộc này qua dân tộc khác, từ tôn giáo này qua tôn giáo khác, từ thời này qua thời khác, nói chung thiên đường bao giờ cũng là một lời hứa hẹn cho những kẻ đã sống một đời trong sạch và làm điều thiện. Bản thân sự phân biệt trong khái niệm để nhận thức hành vi nào là trong sạch và cái gì là điều thiện là một khái niệm có tính xã hội, do mỗi xã hội và hoàn cảnh xã hội đặt ra. Do đó thiên đường (hoặc địa ngục) là một sản phẩm của tinh thần xã hội. Tùy theo dân tộc, tôn giáo (chỉ trừ Phật giáo) mà thiên đường có thể là chốn linh hồn có thể tìm thấy niềm an lạc (desire) hoặc lạc thú (pleasure) vĩnh viễn. Đối với Phật giáo thiên đường/địa ngục cũng chỉ là một "giai đoạn" trong quá trình phát triển của "linh hồn". Mặc dù thiên đường (hoặc địa ngục) là khái niệm có tính xã hội, trừu tượng hóa những chuẩn mực xã hội áp dụng vào việc đánh giá phần thưởng hay sự ra đòn trừng phạt đối với cá nhân, là một sự mở rộng của tòa án nhân gian sang "thế giới vô hình". Sự trừu tượng hóa từ thế giới thật sang thế giới vô hình đó làm cho mỗi xã hội có một thứ thiên đường khác nhau và có một địa ngục khác nhau. Có thể khá hài hước để nói rằng mỗi xã hội có riêng một địa ngục, một hoặc nhiều ông Diêm vương diện mạo khác nhau và các ông Diêm vương đó xử án bằng các bộ luật khác nhau. Trong tác phẩm Tây du ký của Ngô Thừa Ân ta có thể thấy chuyện tức cười đó. Ở hồi thứ mười (Lão Long vương phạm phép trời, Ngụy thừa tướng gởi thư nhờ âm sứ) và hồi thứ mười một (Chơi âm phủ Thái Tông về trần, dâng quả bí Lưu Toàn gặp vợ) Ngô Thừa Ân đã mượn tay Ngụy Thừa tướng trong cơn mê để xử trảm Long vương vì tội dám làm trái qui luật của trời đất (dám làm mưa chậm một giờ và thiếu ba tấc tám giọt nước) nhưng Ngô Thừa Ân cũng mượn tay Thôi phán quan để giả mạo sổ trời[1] cứu Đường Thái Tông ra khỏi địa ngục. Tiêu chuẩn kép (double standards) như vậy là có từ ngàn xưa (được Trung Quốc áp dụng lâu rồi) chứ có phải là thứ được các nước phát triển G7/G8 mới áp dụng đây đâu!

Nhưng những sự dễ chịu, đau đớn, an lành hoặc khốn nạn mà con người phải chịu đựng trong cuộc sống của nó thì lại có tính cá nhân, cụ thể, có tính chất vật lý, sinh học hoặc hóa học. Vì vậy trong tâm thức của mỗi con người thì thiên đường (hoặc địa ngục) là một cảnh trí khác nhau, và là một tâm cảnh có thật! Cái ảo trừu tượng đã biến thành cái thật hiển hiện với mỗi sinh linh! Ngay cả đối với những người theo chủ nghĩa duy vật thô, tức là chỉ tin theo vũ trụ được hình thành từ vật chất - là sự kết hợp có tính hóa học - các nguyên tố trong bản phân loại tuần hoàn của Mendeleev và sự vận động thường hằng của khối vật chất đó sinh ra các thứ vô cơ hoặc hữu cơ, sinh ra sự tương tác cơ học, hóa học hoặc sinh học, thậm chí tương tác điện từ để làm nên thứ gọi là "tinh thần", đúc kết trong câu nói nổi tiếng "Tinh thần là tổng hòa các mối quan hệ xã hội". Nhưng câu nói nổi tiếng ấy cũng khó mà lý giải trong thực tế khi nào thì nhân gian hết đau khổ. Cái địa ngục hiểu theo nghĩa thô sơ ấy - trong "tinh thần" ấy - đồng nghĩa với các đau khổ trần gian mà cấu trúc xã hội ấy gây ra và áp đặt lên những con người cụ thể, giai cấp cụ thể. Cái địa ngục đó rốt cuộc có thể được quan niệm: Địa ngục chính là người khác! Đấy, bây giờ địa ngục đã có một diện mạo cụ thể. Cụ thể đến nổi có thể xây dựng một chiến lược "tìm và diệt" cái địa ngục ấy trong thực tế!
Con người - hay nói chung mọi sinh linh sống trên quả đất này - có lẽ chẳng bao giờ có thể nhận thức được hết đại ngã. Lý thuyết về vụ nổ lớn (Big Bang) và các đo đạc liên quan cho thấy vũ trụ (universe) "của chúng ta" chỉ cần chưa tới mười lũy thừa trừ 20 giây để bung từ cái số không tuyệt đối (!) đạt tới kích thước hiện nay được biết[2]. Nhưng kích thước quan sát được của vũ trụ hiện nay, dù đã dùng đến kính thiên văn Hubble hay các kính thiên văn vô tuyến khổng lồ gì đi nữa cũng chỉ giới hạn trong bán kính 42 tỉ năm ánh sáng. Đó là bán kính nhận thức vũ trụ của chúng ta. Ở ngoài bán kính đó là cái gì? Là một đa vũ trụ[3] cấp 1 (level 1 multiverse) hoặc cấp 2 (level 2 multiverse)? Ở ngoài cái tầm chi phối bởi "sắc thanh hương vị xúc pháp" đó, ở nơi mà khả năng cảm nhận trực tiếp hoặc gián tiếp bởi "nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý" kết thúc, ở nơi mà bước đầu tiên của quá trình "thọ tưởng hành thức" không thể thực hiện được nữa thì có cái gì và cái đó là cái gì? Ở nơi hiển hiện khả năng "vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc" thì nội dung của tâm trí là cái gì??
Khoa học và kỹ thuật hiện tại đã tiến một bước rất dài kể từ khi được giải phóng khỏi bóng tối thần quyền của thời kỳ trung cổ. Kể từ sau thời kỳ đó, tức là kể từ khi bắt đầu thời kỳ "ánh sáng" (enlightenment era), mới có thuật ngữ "khoa học". Kể từ đó để phân biệt những nhận thức thô sơ với những nhận thức được gọi là khoa học người ta đặt ra những tiêu chuẩn nhận thức. Có thể kể những tiêu chuẩn đó như sau:

* Một là, thỏa mãn chủ nghĩa duy nghiệm. Chủ nghĩa duy nghiệm đó phát biểu như sau: Một kết luận được coi là kết luận khoa học nếu nó được rút ra từ những thí nghiệm có thể lặp lại được và từ cùng những điều kiện nhất định của thí nghiệm phải thu lại được cùng kết quả. Điều này dẫn đến mọi kết luận khoa học nhất thiết phải được lượng hóa bằng các phép đo. Ngay cả các nghiên cứu liên quan đến các quá trình ngẫu nhiên, các diễn biến hỗn độn cũng phải được lượng hóa bởi một độ tin cậy/độ ngờ nhất định. Đây là một biểu hiện khác của nguyên lý nhân quả được thu hẹp trong phạm vi thế giới khả tri mà thôi.

* Hai là, thỏa mãn chủ nghĩa duy lí. Chủ nghĩa duy lí đó phát biểu như sau: Mọi quá trình suy luận, mọi tính toán phải đảm bảo tính chặt chẽ lôgich. Tính chặt chẽ lôgich bao gồm không vi phạm nguyên lý triệt tam (không có phát biểu nào không đúng không sai), nguyên lí phi mâu thuẫn (không có phát biểu nào vừa đúng vừa sai) và đảm bảo các qui tắc suy luận đã được chấp nhận. Vì lẽ nếu chấp nhận chủ nghĩa duy lí nhị nguyên luận đó thì buộc phải lần ngược để xem xét tính đúng đắn của những phát biểu lấy làm nền tảng ban đầu. Nhưng những câu hỏi lần ngược kiểu đó không thể kéo dài vô tận được. Phải đến một câu hỏi chí tử mà ở đó ta phải chấp nhận câu trả lời hoặc là "Thượng đế đã nói như thế" hoặc xem câu trả lời nào "tàm tạm chấp nhận được" để sử dụng như một tiên đề. Nhưng hầu như tất cả các nhà khoa học không thích lôi thôi với thượng đế, thậm chí có nhà khoa học đã phát biểu "Sau khi đã quan sát kỹ lưỡng vũ trụ thì không thấy có chỗ nào cho thượng đế cả!" Nói cách khác các hệ tiên đề trong khoa học đã thay thế hoặc chính là các thượng đế của khoa học vậy.

Nguyên lý thứ hai này không thay thế được cho nguyên lý thứ nhất, mặc dù nó phải luôn luôn được áp dụng trong mọi suy luận khoa học. Nguyên lý thứ hai này được vận dụng trong trường hợp mà các thí nghiệm là bất khả thi trong điều kiện của trình độ khoa học kỹ thuật có bị hạn chế ở thời điểm giả thuyết khoa học được phát biểu. Lý thuyết tương đối hẹp của Einstein trong đó không-thời gian có thể co dãn được là một ví dụ. Còn nếu một giả thuyết khoa học được kiểm chứng là đúng đắn bởi nguyên lý thứ nhất mà lại phát sinh mâu thuẫn với những hiểu biết đã có - vi phạm tính ổn định lôgich -  thì nhất định là có gì sai... ở các tiền đề rồi. Đã nói các tiên đề là thượng đế trong khoa học nên khi đó buộc phải làm một việc là mời thượng đế cũ đi chỗ khác chơi và tấn phong một thượng đế mới vậy. Đôi khi vị thượng đế cũ xem ra vẫn còn có ích trong nhiều trường hợp thì đành phong vương cho ngài và nhắc ngài bái thượng đế mới làm hoàng đế nhé! Trường hợp vật lý cổ điển của Newton và vật lý tương đối tính của Einstein là một ví dụ quen thuộc.

Không thể nào xây dựng một hệ tiên đề cho một lý thuyết mà tránh được việc đến lúc nào đó nó phát sinh mâu thuẫn nội tại trong lý thuyết đó. Trong tin học lý thuyết có một định lý "rất tức cười", đó là định lý Cohen "Không một chương trình máy tính nào diệt được tất cả các chủng loại virus máy tính, nếu có một chương trình nào như thế thì chính nó là một virus máy tính". Nó sẽ là kẻ thù của chính nó và tiêu diệt chính nó. Bản thân khoa học cũng chứa những mâu thuẫn nội tại. Khi nó được xây dựng nên từ tinh thần của thế kỷ ánh sáng, nó đã từ chối thần quyền, từ chối chỗ ngồi cho thượng đế và mọi loại thần thánh trong lâu đài khoa học. Nhưng nó cũng từ chối luôn những vấn đề của thế giới tâm linh, với tính cách những vấn đề đó lâu nay vẫn bị gán ghép với thế giới thần quyền. Điều đó chẳng khác gì khi ta từ chối chỗ ngồi của thần sấm, thần sét đồng thời quay lưng luôn với sự hiện thực của hiện tượng sấm sét. Nếu chẳng may đã có sự quay lưng như thế thì ngày hôm nay ta không thể nào có truyền hình, máy tính, những thứ mà trước đây chỉ có trong các câu chuyện thần thoại hoặc chuyện cổ tích. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn ắt là buồn lắm nếu cái gương thần đã bị đánh mất vĩnh viễn chớ không được gắn thương hiệu mới của Iphone hay Ipad! Chúng ta có thể quay lưng với cả đống thiên đường, quay lưng với vườn địa đàng và nàng Eva eo thon, quay lưng với muôn vàn địa ngục ngự trị bởi Diêm vương râu dài và chó ngao lông xù, nhưng quay lưng với thế giới tâm linh thì ta gặp trở ngại trong việc giải thích hàng loạt vấn đề, trong đó có vấn đề về nguồn gốc trí tuệ của con người. Chúng ta có thể giải thích tại sao cá thể này có đặc tính di truyền - có tính cách sinh vật - của cá thể khác bằng hiểu biết về chuỗi ADN, nhưng chúng ta sẽ không thể giải thích vì sao đặc điểm trí tuệ của con người khác con khỉ hay con chó đến vậy. Ngay khi chúng ta có thể nghiên cứu kỹ lưỡng từng nơ-rôn thần kinh và sóng alpha phát ra bởi não bộ, chúng ta sẽ không có căn cứ nào để giải thích những hiện tượng vẫn được xếp vào hiện tượng cận tâm lý.

Chúng ta đã thiếu một nguyên lý nào vậy trong khoa học? Cái nguyên lý sẽ khiến chúng ta hiểu ra bản chất của chu trình sinh diệt? Cái nguyên lý sẽ thúc đẩy chúng ta đến chỗ hiểu ra đằng sau cái bước chuyển hóa giữa hai đầu sinh diệt, khiến cho cái chết không phải là một sự phủ định tuyệt đối đầy thê lương mà chỉ là một nốt cuối trường canh của bản hòa âm dìu dặt và rộng lớn của nhân quả vĩnh cữu.

Đó là một câu hỏi lớn, thậm chí rất lớn.



[1] (Diêm vương) Nói xong, sai ngay vị phán quan mang sổ sinh tử lại trình, xem tuổi thọ của nhà vua ở dương thế được bao nhiêu năm. Phán quan họ Thôi vội quay vào ty phòng, mang cuốn sổ hưởng lộc trời của vua chúa các nước trong thiên hạ ra xem xét lại một lượt, thấy ghi Thái Tông hoàng đế nhà Đại Đường , thuộc Nam Thiệm Bộ Châu hết số năm Thịnh Quán thứ mười ba. Thôi phán quan giật mình, vội vàng lấy bút chấm đẫm mực viết thêm hai nét chữ nhất rồi đưa sổ ra trình. Mười Diêm vương soát lại một lượt từ đầu, thấy ghi ở dưới tên của Thái Tông là ba mươi năm, bèn thất kinh hỏi:
- Bệ hạ lên ngôi được mấy năm rồi?
Thái Tông thưa:
- Trẫm lên ngôi đến nay là mười ba năm.
Diêm vương nói:
- Bệ hạ hãy yên tâm đừng lo nghĩ, bệ hạ còn hai mươi năm hưởng thọ ở trần gian nữa kìa. Lần này xuống đây đối chất minh bạch rồi, bây giờ xin mời bệ hạ trở lại trần thế.
Thái Tông nghe nói, cúi mình cảm tạ. Mười Diêm vương sai Thôi phán quan, Chu thái úy đưa Thái Tông về trần. .....
(Tây Du Ký - Ngô Thừa Ân - Bản dịch của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh - Nhà xuất bản Văn Học - năm 2009 - Hồi mười một, trang 192)
[2] The inflation debate (Is the theory at the heart of modern cosmology deeply flawed?) - Paul J. Steinhardt - Scientific America - April 2011 - pages 36-43.
[3] Does the multiverse really exist? Proof of parallel universes radically different from our own may still lie beyond the domain of science - George F. R. Ellis - Scientific America - August 2011 - pages 18-23.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét