MỘT MẦM “GORBACHEV VIỆT NAM” BỊ DIỆT
source: http://www.createforum.com/exodusforvietna/viewtopic.php?p=2773&mforum=exodusforvietna#2773
Nguyễn Thanh Giang
Cách hành xử của đảng CSVN đối với ông Trần Xuân Bách làm cho hầu hết
những ai quan tâm đến chính trường không khỏi sững sờ. Giáo sư Carl
Thayer – một chuyên gia Úc uyên thâm về nền chính trị Việt Nam hiện đại –
trong buổi phỏng vấn của đài BBC, khi được hỏi: “Ông có ngạc nhiên
trước cách thức người ta đối xử với ông Bách hay không? Từ một
lãnh đạo cao cấp, sau đó bị đưa ra ngoài rìa mà chẳng có sự
giải thích gì cả?”, đã nói:
“Điều làm cho nhiều người giật mình khi đọc qua thông cáo của
Đảng thì ông này bị cách chức và sa thải ngay lập tức. Tuy
nhiên nếu nhìn lại có lẽ chúng ta không thấy ngạc nhiên vì
cũng có một số nhân vật lãnh đạo khác tại Việt Nam như Võ
Nguyên Giáp và Nguyễn Cơ Thạch cũng đã bị cho về vườn theo
kiểu như vậy” .
Trường hợp tướng Võ Nguyên Giáp ( 1 ), dư luận cho rằng ông bị Lê Duẩn
“triệt hạ” để loại bỏ một người mà uy tín và tài năng có thể lấn át
mình. Đây là một nỗi éo le đau đớn, làm ảnh hưởng xấu đến cách mạng Việt
Nam ( 2 ).
Trần Xuân Bách thì bị sát thủ Đào Duy Tùng cầm đầu bọn giáo điều, thần phục Trung Quốc phang đòn chí mạng ( 3 ).
Không thể không khinh bỉ, căm giận bọn gian thần. Hãy bình tâm thẩm xét
lại để thấy: Trần Xuân Bách không những không chống ĐCSVN mà không chống
chủ nghĩa Marx, không chống chủ nghĩa xã hội, cũng chưa hề đòi đa đảng.
Chẳng những thế, ông thành kính tạ tội: “Ta phải nhận lỗi trước Mác vì
đã làm méo mó chủ nghĩa Mác”. Ông viết: “Lịch sử đang thay đổi mạnh. Mác
trao cho chúng ta vũ khí biện chứng duy vật và biện chứng lịch sử, chớ
không phải trao ta Kinh Thánh! Việc vận dụng những nguyên lý của chủ
nghĩa cộng sản phải căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử đương thời như Mác nói.
Mác sống thời chủ nghĩa tư bản cổ điển, ngày nay là chủ nghĩa tư bản
hiện đại, có nhiều cái khác với thời Mác. Ngay thời Lê-nin, khi đề ra
chính sách kinh tế mới (NEP), cũng đã đổi khác. Phải có tư duy khoa học.
Tụng từng câu “Kinh Thánh“ trong sách Mác không bảo vệ được chủ nghĩa
Mác đâu” ( 4 ).
Ông tìm cách cứu chủ nghĩa xã hội và tìm đường xây dựng một thứ CNXH
hiện đại, nhân ái: “Cho đến nay ta thấy có nhiều kiểu chủ nghĩa xã hội,
chủ nghĩa xã hội kiểu Staline, chủ nghĩa xã hội kiểu Mao Trạch Đông,
kiểu Pôn Pốt. Bây giờ đang có nhiều ý kiến khác nhau về chủ nghĩa xã
hội. Những dòng ý kiến khác nhau là quá trình trưởng thành, không sợ gì
cả. Ở Liên Xô, người ta đang tranh luận Liên Xô ở vào thời kỳ nào của
chủ nghĩa xã hội, và khái niệm chủ nghĩa xã hội phát triển bị bác bỏ vì
nó được dùng để che đậy cho tình trạng trì trệ.
Vấn đề của mọi vấn đề hiện nay là tư duy khoa học. Đại hội 6 đã khởi
động theo hướng này và phải tiếp tục hoàn thiện thêm. Đại hội 6 đúc kết
bốn bài học có tính lý luận, tuy mới ở dạng sơ chế, lấy dân làm gốc, nắm
vững quy luật khách quan, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời
đại. Đảng phải ngang tầm nhiệm vụ lịch sử. Bản thân Đảng phải trở thành
trí tuệ tiên phong của cả dân tộc, muốn thế phải có lý luận tiên phong.
Những gì đang diễn ra ở thế giới chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa là tất yếu
khách quan, là sự phát triển tiến bộ, là thời kỳ thai nghén chủ nghĩa xã
hội đích thực (dân chủ, khoa học, nhân đạo, hiện đại)” ( 4 ).
Ông hướng theo con đường cải tổ của Gorbachev: “Ở Liên Xô, Gocbachốp coi
cải tổ là cuộc cách mạng với các thành phần và các nhân tố khác nhau,
đan xen nhau, thống nhất với nhau và độ dài của cải tổ có thể là hàng
chục năm. Đồng chí Gocbachốp nêu lên ba vấn đề chính của cải tổ dân chủ
hóa, hạch toán kinh tế và cải tổ Đảng, cải tổ để có chủ nghĩa xã hội
nhiều hơn. Đặt vấn đề như vậy là đúng chứ không sai. Kinh tế Liên Xô năm
1989 phát triển chậm. Nhưng theo Rưgiơcốp, mặc dù căng thẳng, song
không thể quay lại con đường cũ, vì đó là ngõ cụt. Năm 1989 là năm khó
khăn nhất của Liên Xô, nhưng rồi sẽ trở lại bình thường. Liên Xô rất
thận trọng trong vấn đề xử lý giá và tỉ giá, vì đây là một nước rất lớn”
( 4 ).
Và nghi ngờ tư duy bảo thủ, giáo điều của Trung Quốc: ”Ở Trung Quốc,
Giang Trạch Dân đọc diễn văn coi là đã giải quyết được cơ bản vấn đề ăn
no mặc ấm. Tôi rất nghi ngờ điều đó, Giang lại nêu lên độc lập tự chủ,
tự lực cánh sinh, kế hoạch hóa tập trung và tư tưởng Mao Trạch Đông.
Cuộc cải cách của Trung quốc như vậy là đi theo chu kỳ vòng tròn, không
phải theo đường xoáy trôn ốc. Sau vụ đàn áp Thiên An Môn, Trung Quốc
không tuyên truyền về cải tổ ở Liên Xô nữa” ( 4 ).
Tội lớn của Trần Xuân Bách đối với Đảng chỉ là do ông đã hô hào phải đổi mới chính trị:
“ …vấn đề quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là thế nào?
Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị bục vỡ. Có nước coi đổi mới
kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính trị thì chầm chậm cũng bục
chuyện. Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không đổi mới chính trị, đã bục to.
Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp nhàng, gặp khó khăn. Hai lãnh vực
này phải nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một
chân” ( 4 ).
“Vấn đề đặt ra lúc này là phải đổi mới đồng bộ, tổng thể, cả cơ chế kinh
tế lẫn cơ chế chính trị. Hai vấn đề chủ yếu của cơ chế kinh tế là vấn
đề sở hữu và vấn đề thị trường (luận đề: Kế hoạch nằm trong chứ không
nằm ngoài và đứng trên thị trường). Hai vấn đề chính của cơ chế chính
trị là: quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh, vai trò lãnh đạo của
Đảng và quyền lực của nhân dân (luận đề: Đảng nằm trong chứ không nằm
ngoài và đứng trên xã hội )” ( 4 ).
Tội càng nặng hơn khi ông cổ súy dân chủ rất mạnh mẽ:
“Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ (mở rộng).
Đó là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là
ban phát, do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia.
Thực chất của dân chủ hóa là khơi động trí tuệ của toàn dân tộc để tháo
gỡ khó khăn và đưa đất nước đi lên kịp thời đại” ( 4 ).
Ông đòi phải để nhân dân tham gia quyết đinh vận mệnh dân tộc, chứ không chỉ mình ĐCSVN:
“Chỉ còn 10 năm nữa là bước sang thế kỷ XXI, dân tộc nào bị tụt hậu vào
giữa thế kỷ XXI là nguy hiểm vô cùng, vì đây là thời đại của cách mạng
khoa học kỹ thuật, của bùng nổ thông tin và giao lưu quốc tế.
Xử lý vấn đề này không thể một nhóm, một người nào làm được. Cả dân tộc phải chuẩn bị và làm công việc này” ( 4 ).
Bài viết này thắp một nén hương thơm kính viếng hương hồn ông nhân tưởng niệm 87 năm sinh của ông vì lẽ đó.
Trần Xuân Bách tên thật là Vũ Thiện Tuấn, sinh ngày 23 tháng 5 năm 1924
tại xã Nam Ninh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định ( ông cùng tuổi Tý nhưng
hơn tôi một giáp), đã từng giữ các chức vụ: Phó Bí thư Tỉnh ủy Ninh
Bình, Giám đốc Công an Khu III, Chánh Văn phòng Liên khu ủy III, Bí thư
Tỉnh ủy các tỉnh: Nam Định, Sơn Tây, Nam Hà, Trưởng Ban Tôn giáo vận
Trung ương, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Trong chiến dịch tấn công Campuchia năm
1979 ông tham gia Bộ chỉ huy tối cao với tư cách là Phó Chính ủy, sau
đó ông ở lại làm trưởng Ban B68 của Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ đạo bộ
máy hành chính của Campuchia.
Ông là Bí thư Trung ương Đảng từ khóa V (1982). Tại Đại hội VI (1986),
ông được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và được
giao nhiệm vụ nghiên cứu về lý luận.
Do lâm bệnh nặng, ông đã mất hồi 15 giờ 34 phút, ngày 1 tháng 1 năm 2006. Thọ 82 tuổi.
Trong tang lễ, Hà Sỹ Phu đã viếng đôi câu đối:
° Đường XUÂN đã hướng đa nguyên, sao để ước mơ về Chín suối?°
Chiếc BÁCH giữa dòng đơn độc, âu đành duyên nợ với Ba sinh!
Có một thời, Trần Xuân Bách làm bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh (gồm ba tỉnh
ghép lại: Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình). Với hai giáo phận nổi tiếng:
Bùi Chu ở Nam Định và Phát Diệm ở Ninh Bình, cùng với những giáo xứ trải
dài ở các huyện duyên hải: Kim Sơn, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân
Trường, Giao Thủy, vùng đất này được mệnh danh là thủ đô của công giáo
miền Bắc. Lúc đó sự xung đột giữa công giáo và chính quyền xảy ra thường
xuyên ở khắp nơi. Nhưng riêng ở Hà Nam Ninh, dưới sự lãnh đạo mềm mỏng,
khôn khéo, và khoáng đạt của Trần Xuân Bách, đường làm ăn tương đối
thông thoáng, giá trị tinh thần của các tôn giáo tương đối được tôn
trọng hơn các nơi khác nên không có cuộc va chạm đáng tiếc nào xẩy ra.
Trình độ của ông nổi trội hơn hẳn đại đa số ủy viên Bộ Chính trị và Ban
Bí thư cùng nhiệm kỳ. Ngay thời đó, vợ tôi trong cương vị Chánh Văn
phòng Trung ương Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam, sau các buổi giao ban ở
Trung ương về đã đánh giá cao và rất ca ngợi Trần Xuân Bách.
Ông có tiếng là giản dị, trong sạch, thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và rất tôn trọng trí thức.
Năm 1987, trong không khí hồ hởi của Đổi mới, tôi gửi một bản kiến nghị
12 điểm lên một số nhà lãnh đạo (Nguyễn Văn Linh, Trần Xuân Bách, Võ văn
Kiệt, Võ Chí Công, Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Khánh). Thư hồi âm duy nhất
tôi nhận được là của Trần Xuân Bách. Cuối 1999, người dẫn tôi đến nhà
Trần Xuân Bách lần đầu là lão thành cách mạng Phạm Hiện, người đã từng
là cận thần của Trần Xuân Bách trong cương vị Chánh Văn phòng Ban B68
của Đảng tại Campuchia. Từ bấy có thể nói chúng tôi đã trở nên khá thân
thiết. Trần Xuân Bách cùng phu nhân đã từng nhận lời mời đến ăn cơm ở
nhà tôi. Khi nhạc phụ Trần Xuân Bách qua đời, tôi có được báo tin và đã
cùng Trần Dũng Tiến sang tận Gia Lâm dự tang lễ. Mỗi khi tôi đến nhà,
Trần Xuân Bách thường ngồi sát vào tôi (ông hơi nặng tai). Một đôi khi
tôi quá sôi nổi, ông nắm tay tôi rất nhẹ. Cho đến giờ tôi vẫn không
khẳng định được đấy là cử chỉ tán thưởng hay sự nhắc nhở cần chừng mực.
Có điều là hôm nào ông cũng tiễn tôi ra tận cổng. Có lần còn níu tôi
lại, đi một vòng quanh sân để nói chuyện thêm. Thỉnh thoảng ông gửi đến
tôi một bài thơ mời họa, qua bưu điện; phong bì do ông cắt dán cầu kỳ,
tẩn mẩn.
Cuối 1989, trong quá trình chuẩn bị Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt
Nam Trần Xuân Bách tập hợp một nhóm nghiên cứu gồm 5 người: Lê Hồng Tâm,
nhà kinh tế, tên thật là Phó Bá Doanh, em ruột của giáo sư Phó Bá Long
(Ông Phó Bá Long trước 1975 là Hiệu trưởng Trường Chình trị Kinh doanh,
Đại học Đà Lạt, sau là giáo sư Đại học Georges Town, Hoa Kỳ); Vũ Cao
Đàm, viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách thuộc Bộ Khoa học và Công
nghệ; Bùi Thế Vĩnh, viện trưởng Viện Hành Chính học, Học viện Hành chính
Quốc gia; Nguyễn Mạnh Tôn, chuyên viên Ngân hàng Ngoại thương và Nguyễn
Thanh Sơn, chuyên viên Ban Công nghiệp Trung ương ĐCSVN.
Từ những kết quả tư vấn của nhóm này, ông đã rút ra những kết luận cơ bản:
Một là, cần mạnh dạn thực hành chính sách kinh tế theo kiểu chính sách
kinh tế mới của Lênin, và gọi tên là “kinh tế thị trường”, với sự tham
gia của mọi thành phần xã hội;
Hai là, theo kinh tế quyết định luận của Marx, đã đa thành phần kinh tế,
tức là “đa nguyên kinh tế”, thì tất yếu sẽ dẫn đến “đa thành phần”
trong xu hướng chính trị, tức là “đa nguyên chính trị”.
Ba là, khẳng định rằng: “Thị trường và đa nguyên là những thành tựu nổi bật của nhân loại”.
Bốn là, cần quan tâm thực sự đến vấn đề hàn gắn vết thương dân tộc. Đấu
tranh cho công bằng xã hội là lý tưởng cao cả của người Cộng sản, nhưng
đáng tiếc, cải cách ruộng đất và cải tạo tư sản lại là hai cuộc vận động
đã mắc những sai lầm dẫn tới sự chia rẽ dân tộc lớn nhất trong lịch sử
nước nhà.
Năm nhà nghiên cứu này về sau đã ghi lại những ấn tượng rất tốt đẹp trong bài viết “ Ông Trần Xuân Bách – Một tấm lòng son”:
“Trong suốt những ngày làm việc với anh Bách, chúng tôi học được ở anh
tấm gương làm việc nghiêm túc. Anh đọc và trao đổi ý kiến rất tỉ mỉ về
tất cả những công trình của các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước
mà chúng tôi giúp anh sưu tầm. Anh rất thích những tài liệu nguyên gốc
bằng tiếng Pháp … Anh luôn luôn tự viết tất cả những bài anh cần phát
biểu trên các diễn đàn.
… Tuy là những người có nhiều cơ hội làm việc với các nhà lãnh đạo,
nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng vì cách làm việc của anh: khi
anh cần gặp riêng một người nào đó trong chúng tôi, anh hầu như không
cho thư ký gọi chúng tôi lên văn phòng, mà chính anh đến tận nơi chúng
tôi làm việc, với chiếc xe Peugeot 404 đã cũ, không có bảo vệ và cần vụ
đi cùng (cần vụ là cách gọi những người phục vụ sinh hoạt cho các nhà
lãnh đạo), mặc dầu khi đó anh đã là nhà lãnh đạo rất cao cấp của ĐCSVN.
Những lần làm việc như thế, thường khi anh ngồi riêng với chúng tôi cả
buổi, cũng không có thư ký, không có bảo vệ và cần vụ, chỉ một mình anh.
Có lần ngồi quá trưa, chúng tôi lo anh đói, hỏi anh có muốn ăn chút gì
không, và anh đã rất hào hứng ăn nắm xôi gói lá dong riềng mà các chị
trong cơ quan chúng tôi ra phố mua ở các quán bán xôi dành cho dân
nghèo.
… Trong số những kỷ niệm còn lưu đọng mãi trong chúng tôi, là hồi tết
nguyên đán năm 1990, anh chị mời chúng tôi đến biệt thự mà anh chị được
Văn phòng Trung ương Đảng bố trí trên phố Phan Đình Phùng (thời Pháp có
tên là phố Carnot, một trong những phố đẹp nhất của Hà Nội hiện nay).
Chúng tôi vô cùng sững sờ: Trong căn biệt thự sang trọng, chúng tôi nhận
ra toàn một loại đồ gỗ tồi tàn, mà thời đó được gọi là bàn ghế “tài
chính”, tủ “tài chính”, giường “tài chính”, nghĩa là những đồ gỗ do Bộ
Tài chính đóng hàng loạt bằng gỗ tạp để phân phát đồng loạt cho cán bộ
nhà nước các cấp từ khi vào tiếp quản các thành phố lớn, năm 1954. Chúng
tôi nhìn quanh bàn làm việc của anh, thấy dán chi chít những bài thơ
mộc mạc với nét chữ nắn nót mực tím của các cháu viết tặng bố mẹ. Chúng
tôi được anh chị tiếp đón với những món mứt đơn sơ truyền thống, nhưng
thật ấm áp như những người trong nhà. Tuy là vợ một nhà lãnh đạo cao
cấp, nhưng chị xử sự thật khiêm nhường, chị giản dị xưng “em” với chúng
tôi, không thể hiện chút gì là cao xa theo kiểu các mệnh phụ phu nhân”.
Hà Nội 23 tháng 5 năm 2011
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý
Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Mobi: 0984 724 165
Phụ lục:
( 1 ) Đã từng nổi lên cuộc tranh luận: Tướng Giáp có được quốc tế xem là
một trong các tướng tài của nhân loại không? Một vài bài đăng trên một
số báo Đảng khẳng định là không. Đại tá Phạm Quế Dương phản bác và điều
này trở thành một trong những lý do để ông bị trù dập. Sự thật là như
sau:
Tháng 2 năm 1994 hội Hoàng gia Anh tổ chức một Hội thảo Quốc tế lớn có
sự tham gia của 478 nhà khoa học về lịch sự quân sự nổi tiếng từ các
nước. Tại đây 10 vị tướng soái kiệt xuất trong lịch sử nhân loại đã được
bầu chọn.
Thời cổ đại 3 vị: Hannibal (Hy lạp), César (La mã), Alexandre (Nam tư). Cả 3 vị đều được 100% số phiếu.
Thời trung đại: Hưng Đạo Vương Trần quốc Tuấn, 100% số phiếu.
Thời cận đạị 4 vị: Cromwell (Anh) 70% số phiếu. Pierre đại đế (Nga) 70%
số phiếu, Napoléon (Pháp) 100% số phiếu, Cutujov (Nga) 72% số phiếu.
Thời hiện đại 2 vị: Jukov (Liên xô) 100% số phiếu, Võ nguyên Giáp 100% số phiếu.
( 2 ) Nếu bộ ba Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp ( tôi không
kể thêm Trường Chinh ) thực sự chi phối được ĐCSVN thì cuộc chiến Nam
Bắc đã kết thúc một cách khác; Việt Nam không phải đánh nhau với
Campuchia và Trung Quốc; cũng không bị cấm vận và quan hệ với Hoa Kỳ đã
được thiết lập sớm hơn.
Lê Duẩn sử dụng cánh tay phải Lê Đức Thọ chơi đòn hiểm: vu cáo Võ Nguyên
Giáp là con nuôi mật thám Pháp để trù diệt vị tướng này. Mặc dù quý
trọng người tài đã giúp mình lập nên sự nghiệp nhưng Cụ Hồ không dám bảo
vệ vì chính cụ cũng bị liên minh ma quỷ Duẩn – Thọ khống chế nghiệt
ngã. Chuyện tình dục giữa Cụ với bà Nông thị Xuân nhẽ ra có thể bình
thường hóa, song họ đã biến vụ này thành một cái tròng ngoắc vào cổ để
họ vô hiệu hóa và hoàn toàn điều khiển được Cụ. Ông Vũ Kỳ - cận thần của
cụ Hồ - còn kể rằng cụ Hồ suýt bị liên minh Duẩn – Thọ hạ sát.
( 3 ) Đào Duy Tùng nổi tiếng là “đao phủ” của “Đổi mới”.
Bản tin BBC ngày 4 tháng 1 năm 2006 viết: “Ông Trần Xuân Bách, một trong
những nhà chính trị nổi bật của Ðảng Cộng Sản Việt Nam vừa từ trần hôm
mùng 1 tháng Giêng ở Hà Nội sau gần 2 tuần lễ bị bệnh nặng, thọ 83 tuổi.
Trong những năm cuối thập kỷ 1980 và đầu 1990, ông Bách được các nhà
quan sát chính trị Châu Á coi là nhân vật có tư tưởng cởi mở nhất của
Ðảng Cộng Sản Việt Nam, và từng có tin nói ông có triển vọng được chọn
làm Tổng Bí Thư”.
Tác giả Alejandro Reyes, trong một bài viết đăng trên Asiaweek năm
1996, thì cho rằng ông Trần Xuân Bách bị loại khỏi ban lãnh đạo
đảng còn ông Đào Duy Tùng, một người “bảo thủ về ý thức hệ”
đã vận động mạnh sau hậu trường để lên cao hơn.
Người ta còn kể rằng, nghe Đào Duy Tùng mách Trần Độ đã phát biểu: “Đánh
giá một tác phẩm nghệ thuật thì ý kiến của TBT cũng giống như ý kiến
của một công chúng bình thường”, ông Linh đã nổi giận mắng Trần Độ rằng
“Anh nói thế là anh xúc phạm tôi nặng nề”. Cuối cùng TBT Linh viết thư
cho Trần Độ “Dạo này tôi bận lắm, vì vậy có chuyện gì về văn hóa văn
nghệ anh nói với anh Đào Duy Tùng, chứ đừng nói chuyện với tôi nữa”.
( 4 ) Trần Xuân Bách – Chủ nghĩa xã hội thật sự là gì?:
“Chủ nghĩa xã hội thế giới đang đứng trước những thử thách lớn
Một điểm rất thống nhất của toàn xã hội, toàn thể nhân dân hiện nay là
trăn trở với tình hình trên thế giới và trong nước. Muốn đưa dân tộc ta
tiến lên. Trong Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu ta bình chân như vại trước
tình hình hiện nay là thiếu trách nhiệm.
Chủ nghĩa xã hội trên thế giới đang đứng trước những thử thách lớn và
những triển vọng lớn. Do từ những thử thách của thời đại và những triển
vọng lớn cũng là do thời đại. Tất cả các dân tộc đều trong hoàn cảnh bức
xức, cả chủ nghĩa tư bản, cả chủ nghĩa xã hội, cả loài người đều như
vậy. Có hai lý do của sự bức xúc:
Chỉ còn 10 năm nữa là bước sang thế kỷ XXI, dân tộc nào bị tụt hậu vào
giữa thế kỷ XXI là nguy hiểm vô cùng, vì đây là thời đại của cách mạng
khoa học kỹ thuật, của bùng nổ thông tin và giao lưu quốc tế.
Xử lý vấn đề này không thể một nhóm, một người nào làm được. Cả dân tộc phải chuẩn bị và làm công việc này.
Diễn biến chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa đang căng thẳng, phức
tạp và dây chuyền. Vì sao có tính dây chuyền? Vì ta ở trong thời đại
thông tin, không thể bưng bít thông tin được. Ai bưng bít thông tin là
lạc hậu nhất. Phải cung cấp thông tin đầy đủ để người ta lựa chọn.
Không thể nghĩ rằng ở châu Âu thì sôi sục, còn châu Á thì ổn định. Không
thể chủ quan cho mình là ổn định. Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều
nằm trong sự vận động để tiến lên, đều có những mâu thuẫn lớn, đều phải
phá vỡ sức đè nén của những cái cũ, không anh nào có thể yên trí mình ổn
định được. Có khi tuần này còn huênh hoang, tuần sau đã bị đảo lộn.
Tình hình chung hiện nay là biểu hiện của tư duy khoa học đang lấn át tư
duy giáo điều, tư duy khoa học đang thay thế tư duy giáo điều. Lịch sử
đang thay đổi mạnh. Mác trao cho chúng ta vũ khí biện chứng duy vật và
biện chứng lịch sử, chớ không phải trao ta Kinh Thánh! Việc vận dụng
những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản phải căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử
đương thời như Mác nói.
Mác sống thời chủ nghĩa tư bản cổ điển, ngày nay là chủ nghĩa tư bản
hiện đại, có nhiều cái khác với thời Mác. Ngay thời Lê-nin, khi đề ra
chính sách kinh tế mới (NEP), cũng đã đổi khác Phải có tư duy khoa học.
Tụng từng câu „Kinh Thánh“ trong sách Mác không bảo vệ được chủ nghĩa
Mác đâu. Ngay cả về chủ nghĩa xã hội hiện nay đang có những cuộc tranh
luận để hiểu nó thế nào cho đúng. Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và chủ
nghĩa cộng sản là đi tới một xã hội, trong đó sự phát triển toàn diện
của mọi người là điều kiện cho sự phát triển toàn diện của xã hội [1]
như Mác và Ănghen nói trong „Tuyên ngôn Cộng sản“. Còn cụ thể như thế
nào thì ta phải tìm. Trong Hội nghị Trung ương lần thứ 7, có thảo luận
một vấn đề thú vị: Ban Văn hoá Tư tưởng đề nghị nêu những thuộc tính của
chủ nghĩa xã hội, nhưng bị bác bỏ.
Ta phải nhận lỗi trước Mác vì đã làm méo mó chủ nghĩa Mác
Cho đến nay ta thấy có nhiều kiểu chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội
kiểu Staline, chủ nghĩa xã hội kiểu Mao Trạch Đông, kiểu Pôn Pốt. Bây
giờ đang có nhiều ý kiến khác nhau về chủ nghĩa xã hội. Những dòng ý
kiến khác nhau là quá trình trưởng thành, không sợ gì cả. Ở Liên Xô,
người ta đang tranh luận Liên Xô ở vào thời kỳ nào của chủ nghĩa xã hội,
và khái niệm chủ nghĩa xã hội phát triển bị bác bỏ vì nó được dùng để
che đậy cho tình trạng trì trệ. Ta phải nhận lỗi trước Mác vì đã làm méo
mó chủ nghĩa Mác. Ta đã chọn một mô hình, mà mô hình đó là sự lai ghép
chủ nghĩa xã hội phương Tây với chủ nghĩa xã hội phương Đông. Bây giờ ta
phải gỡ ra khỏi hai thứ giáo điều ấy.
Phải tiếp tục hoàn thiện tư duy khoa học của Đại hội 6
Vấn đề của mọi vấn đề hiện nay là tư duy khoa học. Đại hội 6 đã khởi
động theo hướng này và phải tiếp tục hoàn thiện thêm. Đại hội 6 đúc kết
bốn bài học có tính lý luận, tuy mới ở dạng sơ chế, lấy dân làm gốc, nắm
vững quy luật khách quan, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời
đại. Đảng phải ngang tầm nhiệm vụ lịch sử. Bản thân Đảng phải trở thành
trí tuệ tiên phong của cả dân tộc, muốn thế phải có lý luận tiên phong.
Những gì đang diễn ra ở thế giới chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa là tất yếu
khách quan, là sự phát triển tiến bộ, là thời kỳ thai nghén chủ nghĩa xã
hội đích thực (dân chủ, khoa học,nhân đạo, hiện đại)
Hai xu thế chủ yếu chuyển sang kinh tế hàng hóa và dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa, đó cũng là hai cái mà Đại hội 6 khởi động.
Dân chủ không phải là ban ơn
Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ (mở rộng).
Đó là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là
ban phát, do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia.
Thực chất của dân chủ hóa là khơi động trí tuệ của toàn dân tộc để tháo
gỡ khó khăn và đưa đất nước đi lên kịp thời đại.
Từ hai vấn đề đó, xẩy ra một vấn đề quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi
mới chính trị là thế nào? Có nước tự cho mình không cần đổi mới, đã bị
bục vỡ. Có nước coi đổi mới kinh tế phải làm nhanh, còn đổi mới chính
trị thì chầm chậm cũng bục chuyện. Có nước chỉ đổi mới kinh tế, không
đổi mới chính trị, đã bục to. Có nước làm cả hai, nhưng không nhịp
nhàng, gặp khó khăn. Hai lãnh vực này phải nhịp nhàng, không chân trước
chân sau, không tấp tểnh đi một chân.
Từ nay đến hết thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội thế giới sẽ hoàn thiện và
trưởng thành một bước lớn. Trong quá trình biến động này, mất đi cái gì?
Mất chủ nghĩa xã hội kiểu quan liêu–hành chánh, bao cấp, mất tư duy
giáo điều. Và như thế là đúng lý luận của Mác, là phủ định của phủ định.
Đây là thời kỳ thai nghén chủ nghĩa xã hội đích thực. Phải có bà đỡ là
dân chủ xã hội chủ nghĩa. Có bà đỡ khéo tay, có bà đỡ vụng tay, nhưng
phải có bà đỡ.
Cần phải khách quan, bình tĩnh và đổi mới
Ở Trung Quốc, Giang Trạch Dân đọc diễn văn coi là đã giải quyết được cơ
bản vấn đề ăn no mặc ấm. Tôi rất nghi ngờ điều đó, Giang lại nêu lên độc
lập tự chủ, tự lực cánh sinh, kế hoạch hóa tập trung và tư tưởng Mao
Trạch Đông. Cuộc cải cách của Trung quốc như vậy là đi theo chu kỳ vòng
tròn, không phải theo đường xoáy trôn ốc. Sau vụ đàn áp Thiên An Môn,
Trung Quốc không tuyên truyền về cải tổ ở Liên Xô nữa.
Ở Liên Xô, Gocbachốp coi cải tổ là cuộc cách mạng với các thành phần và
các nhân tố khác nhau, đan xen nhau, thống nhất với nhau và độ dài của
cải tổ có thể là hàng chục năm. Đồng chí Gocbachốp nêu lên ba vấn đề
chính của cải tổ dân chủ hóa, hạch toán kinh tế và cải tổ Đảng, cải tổ
để có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn. Đặt vấn đề như vậy là đúng chứ không
sai. Kinh tế Liên Xô năm 1989 phát triển chậm. Nhưng theo Rưgiơcốp, mặc
dù căng thẳng, song không thể quay lại con đường cũ, vì đó là ngõ cụt.
Năm 1989 là năm khó khăn nhất của Liên Xô, nhưng rồi sẽ trở lại bình
thường. Liên Xô rất thận trọng trong vấn đề xử lý giá và tỉ giá, vì đây
là một nước rất lớn.
Trước cuộc khủng hoảng ở các nước xã hội chủ nghĩa, cần phải khách quan,
bình tĩnh và phải đánh giá theo quan niệm đổi mới. Sau hội nghị 7 của
trung ương, chúng tôi đã rút kinh nghiệm. Ngày 25-11-1989 Bộ Chính trị
chúng tôi đã họp và đánh giá tình hình các nước Đông Âu theo quan điểm
đổi mới. Cuộc khủng hoảng ở các nước đó diễn ra trong bối cảnh khoa học
kỹ thuật và giao lưu quốc tế phát triển mạnh, ý thức độc lập và dân chủ
tăng nhanh và thông tin bùng nổ. Tập thể Bộ Chính trị phân định có hai
loại mâu thuẫn cần chú trọng: mâu thuẫn nội tại tích tụ lâu ngày của chủ
nghĩa xã hội và mâu thuẫn giữa hai hệ thống. Nguyên nhân khủng hoảng là
lãnh đạo sai lầm, vi phạm dân chủ, duy ý chí, bảo thủ trì trệ, đổi mới
lệch lạc, đội ngũ đảng viên cán bộ thoái hóa, hư hỏng. Trong khi đó thì
chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động triệt để lợi dụng. Bọn đế quốc ngay
từ khi chủ nghĩa cộng sản ra đời, đã kịch liệt chống lại và luôn nói tới
cái chết của chủ nghĩa cộng sản, không có gì mới.
Thái độ của Đảng ta là rút kinh nghiệm hội nghị 7, cần tránh cả hai thái
độ hốt hoảng (cho chủ nghĩa xã hội đang có nguy cơ mất ở Đông Âu) và
chủ quan (cho mình chẳng có vấn đề gì lớn, vẫn giả định). Bộ Chính trị
quyết định: Phải tiếp tục đổi mới, phải thực hiện dân chủ mạnh mẽ trong
Đảng từ trên xuống dưới, từ Bộ Chính trị trở đi. Cần quán triệt và thực
hiện nghị quyết Đại hội 6, nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về công tác
đối ngoại và nghị quyết trung ương lần thứ 6 về cơ cấu kinh tế.
Không thể dùng quyền lực thay cho năng lực
Vấn đề năng lực của Đảng nổi lên hàng đầu trong lúc này. Không thể dùng
quyền lực thay cho năng lực. Thời đại nào có trí tuệ của thời đại ấy.
Đảng phải có năng lực trí tuệ.
Xã hội ta đã chớm vui vì sức ép lạm phát và thị trường có giảm đi nhưng
lòng dân vẫn còn chưa yên. Dân đang đòi hỏi dân chủ hóa, đòi hỏi công
bằng xã hội, đòi hỏi cán bộ, đảng viên và Đảng phải vươn lên vị trí tiên
phong. Đảng phải kết tinh truyền thống dân tộc và trí tuệ thời đại,
không như thế thì không giữ được vai trò lãnh đạo.
Đừng đổ lỗi cho cải tổ, đổi mới, cải cách. Đổi mới là cái gương để ta
soi. Nếu mặt bị nhơ chỉ rửa mặt chứ không phải là đập vỡ gương.
Vấn đề đặt ra lúc này là phải đổi mới đồng bộ, tổng thể, cả cơ chế kinh
tế lẫn cơ chế chính trị. Hai vấn đề chủ yếu của cơ chế kinh tế là vấn đề
sở hữu và vấn đề thị trường (luận đề: Kế hoạch nằm trong chứ không nằm
ngoài và đứng trên thị trường). Hai vấn đề chính của cơ chế chính trị
là: quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh, vai trò lãnh đạo của Đảng và
quyền lực của nhân dân (luận đề: Đảng nằm trong chứ không nằm ngoài và
đứng trên xã hội )”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét