Ðược đằng đầu lân đằng chân
Ngô Nhân Dụng (Người Việt) -
Vào giữa thế kỷ 19, quân Pháp bắt đầu việc đánh chiếm Việt Nam bằng
cách tạo áp lực buộc triều đình nhà Nguyễn phải nhượng bộ từng bước một:
Mở cửa Ðà Nẵng xong, đem quân chiếm ba tỉnh miền Ðông Nam Phần; rồi
chiếm nốt ba tỉnh miền Tây; mươi năm sau tấn công tới Bắc Hà; cuối cùng
nuốt gọn cả nước bằng cách quyết định người nào sẽ lên làm vua phần nước
Việt Nam còn lại! Chiến lược đó, tục ngữ Việt Nam gọi là “Ðược đằng
chân lân đằng đầu!”
Nắm được cái đầu là ông vua rồi,
họ tiếp tục lấn từng bước một, đặt các đại diện của Pháp ở miền Bắc,
miền Trung, từ từ xuống tới các tỉnh. Dần dần những người “đại diện
ngoại giao” của Pháp lấn lướt các quan lại triều đình để cuối cùng cả
guồng máy cai trị lọt vào tay người Pháp.
Quan sát hành vi của Trung Quốc
lấn chiếm biên giới và hải phận Việt Nam, ta thấy Trung Quốc theo một
chiến lược cao hơn người Pháp. Có thể gọi tên ngược lại, là “Ðược đằng
đầu lấn đằng chân!” Nắm cái đầu tức là nắm những người cầm quyền ở nước
Việt Nam. Nắm được cái đầu rồi thì sau đó mới lấn dưới chân, và lấn từng
bước một, nhẹ nhàng sao cho nó không giẫy giụa! Mỗi lần lấn một bước
dưới chân, đôi chân muốn cựa quậy nhưng cái đầu không cho cựa, đau đớn
cũng không cho kêu, thì cuối cùng cả thân thể cũng đành chịu! Những cái
chân không chạy được nữa, cái miệng của người dân không được nói nữa mà
chính quyền muốn nói thì há miệng mắc quai; nắm được cái đầu trong tay,
những vụ cướp đất, cướp biển chỉ là những chi tiết chiến thuật.
Nhiều nhà trí thức trong nước
cũng nhìn thấy như vậy: Chiến thuật của Trung Quốc khi chiếm các vùng
đất và vùng biển nước ta là lấn từng bước một, đặt mọi người trước những
“sự đã rồi,” lâu ngày thành quen đi, cái gì cũng “thành bùn” được hết!
Trên đất liền, là những vụ “cắm
cọc biên giới.” Nhà báo Huy Ðức mới lục đống báo cũ, nhắc lại rằng trong
các báo Nhân Dân và Sài Gòn Giải Phóng, ngày 19 tháng 3, 1979, Bị Vong
Lục của Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã nói: “Phía Trung Quốc đã ủi nát mốc
biên giới số 18 nằm cách cửa Nam Quan 100 mét để xóa vết tích đường biên
giới lịch sử rồi đặt cột Km Zero sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100m.”
Cũng Bị Vong Lục năm 1979 viết: “Năm 1955, khi giúp Việt Nam khôi phục
đoạn đường sắt từ biên giới tới Yên Viên, phía Trung Quốc đã đặt điểm
nối ray (đường sắt) vào vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam 300m so với
đường biên giới lịch sử.” Bị Vong Lục 1979 cũng tố cáo, “toàn bộ thác
Bản Giốc và cồn Pò Thoong là của Việt Nam, Trung Quốc chỉ mới đưa 2,000
người sang cưỡng chiếm từ ngày 29 tháng 2, 1976.”
Trên mặt biển, Trung Quốc đã
toan đánh quần đảo Hoàng Sa năm 1958; nhưng khi Hải Quân Việt Nam Cộng
Hòa đem tầu chiến ra chống cự thì họ rút lui. Cũng năm đó, chính phủ Bắc
Kinh đưa ra một tuyên bố về vấn đề hải phận, thì lại được ông thủ tướng
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc là Phạm Văn Ðồng gửi thư ủng hộ.
Năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, bao chiến sĩ hải quân nước ta
đã hy sinh trong lúc bảo vệ đất đai của tổ tiên. Chính quyền miền Bắc
cũng không hề nói một lời nào để phản đối hành động xâm lăng đó! Lý do
chỉ vì với lá thư của Phạm Văn Ðồng năm 1958 thì há miệng mắc quai. Năm
1988, Trung Quốc lại tấn công chiếm các đảo ở Trường Sa, nhưng người kế
vị Lê Duẩn đành nuốt hận vì không được Nga Xô cứu giúp; mặc dù chính ông
ta đã công nhận Nga là“tổ quốc thứ hai” của mình khi quay mặt chống
Trung Quốc.
Gần đây, chiến thuật lấn từng
bước lại diễn ra một cách hung tợn hơn. Ðánh đuổi các ngư dân Việt Nam
không cho đánh cá; dân Việt không sợ thì tấn công, cướp tầu, cướp máy,
đánh đập, bắt cóc, giam cầm, đòi tiền chuộc. Nhiều người Việt đã nhìn
thấy chiến thuật lấn chân mới trong vụ Bình Minh 2 và Viking 2, là biến
các vùng biển hoàn toàn thuộc Việt Nam thành một vùng xung đột. Sau khi
đã biến một vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp, gây nên tình
trạng căng thẳng ngày càng cao hơn khiến thế giới lo ngại, thì lúc đó
Trung Quốc sẽ yêu cầu thảo luận, và cuối cùng thì đề nghị “cắt đôi” phần
biển của Việt Nam, chia mỗi bên một nửa!
Và tình trạng căng thẳng đang
tăng lên thật. Trong tuần này, báo chí khắp thế giới loan tin Hải Quân
Việt Nam tập trận bằng súng đạn thật, hỏa tiễn thật, và thông báo cho
tầu thuyền các nước khác hãy tránh xa. Ðây là lần đầu tiên một cuộc tập
trận trên biển được công bố, như để quảng cáo cho mọi người đều biết! Hà
Nội lại nhắc nhở lại trên báo chí luật tổng động viên, làm cho không
khí ngột ngạt hơn! Nhưng ngay sau đó, Trung Quốc đã thản nhiên gửi tầu
Hải Tuần 31, một trong những chiến hạm tuần tiễu lớn nhất tiến vào vùng
biển Ðông, nói đó là một hoạt động bình thường! Thế là cả thế giới theo
dõi! Không phải chỉ có những nhật báo quốc tế như Le Monde, New York
Times, Independent, Japan Times, hay các báo ở vùng Ðông Nam Á cho tới
Ðại Hàn đăng tin này, mà cả những tờ báo ở Pakistan, ở Dubai cũng loan
tin, rồi thuật tiếp những phản ứng của chính phủ Mỹ! Và Mark Toner, phát
ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã chính thức than phiền rằng những biến
cố gần đây gây thêm lo ngại đối với an ninh đường biển, và đã làm cho
tình hình thêm căng thẳng!
Ðiều đáng ngạc nhiên là tại sao Ðảng Cộng Sản Việt Nam lại chọn cách bày tỏ thái độ như vậy?
Lâu nay, những người cầm quyền
trong nước vẫn nói họ sẽ chỉ dùng các biện pháp ngoại giao cho các xung
đột ở biển Ðông. Nhưng, sau khi các tầu Bình Minh và Viking liên tiếp bị
tấn công một cách ngang ngược, đảng cộng sản lại không hề đưa ra một
sáng kiến ngoại giao nào cả! Họ không hề xác định lại một cách chính
thức với Bắc Kinh bằng cách phủ nhận lá thư của Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng
năm 1958 một cách minh bạch và công khai! Họ cũng không mời đại diện các
nước Ðông Nam Á và Á Châu tới họp để tìm một chính sách chung đối với
sự bành trướng của Trung Quốc!
Tình hình hiện nay đã chín mùi
để tổ chức một hội nghị vùng bàn về vấn đề này. Tại hội nghị về an ninh
vùng gần đây, một nhân viên an ninh Ấn Ðộ đã nhận xét: “Chúng tôi rất
vui mừng trước các lời lẽ hòa hoãn của ông Lương Quang Liệt (Trung Quốc)
nhưng cảm tưởng chung hiện nay là các cường quốc Á Châu là họ tiến đền
gần nhau hơn chỉ vì thấy phải tìm cách đối phó với chính quyền Bắc Kinh.
Một viên chức ngoại giao Nhật Bản cũng đồng ý. Nhật, Nam Hàn và Úc Châu
đã đến gần nhau hơn, và đều liên kết với Mỹ. Một cố vấn của tổng thống
Nam Hàn, ông Lee Chung-Min, đã nhận xét: “Trung Quốc đang đẩy chúng tôi
tiến đến gần nhau hơn. Nước đó lớn quá khó ngăn họ được, nhưng hầu như
chúng tôi đã thấy đến lúc phải hành động để ngăn bớt (sự bành trướng
của) Trung Quốc.”
Việt Nam là nạn nhân trực tiếp
do sự bành trướng của Trung Quốc gây ra. Ðáng lẽ Việt Nam phải đứng ra
vận động việc liên minh giữa các quốc gia trong các miền Ðông và Nam Á
Châu, về kinh tế, tài chánh và an ninh, để có tiếng nói và hành động
chung trước sự bành trướng của Trung Quốc. Và đó là một hoạt cuộc tấn
công ngoại giao, không thể coi là khiêu khích về quân sự hay xâm phạm
chủ quyền của nước nào cả.
Nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam đã
không chọn những hành động ngoại giao kể trên, sau khi Trung Quốc leo
thang với những vụ cắt dây cáp tầu dò đấy biển. Ngược lại, họ đã “biểu
diễn” những màn quân sự, như công bố việc diễn tập hải quân bằng đạn
thật, và khoe khoang thêm về luật tổng động viên.
Ai cũng biết rằng hai hành động
trên không hề có ảnh hưởng nào trên tương quan lực lượng và không hề
thay đổi ngôi vị tương đối giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Không
một chiếc tầu nào của Trung Quốc bị sứt mẻ. Trong khi đó họ cũng không
hề thấy phải nhận lỗi về những vụ leo thang trong ba tuần qua. Hầu như
Bắc Kinh hoàn toàn làm ngơ trước những hành động mà người ngoài có thể
coi là gây cho tình hình thêm căng thẳng.
Những người lãnh đạo ở Bắc Kinh
có thể đã đọc được những ý nghĩ trong đầu giới lãnh đạo đảng Cộng Sản
Việt Nam. Họ đã nắm chắc cái đầu đó rồi. Họ đã biết, hoặc đã được báo
trước về những hành động sắp diễn ra trong tuần này. Họ hiểu rằng chính
quyền cộng sản cần một số màn biểu diễn; bề ngoài như thể đang làm dữ,
nhưng trên thực tế không gây ra một hiệu quả nào hết. Những hành động đó
hoàn toàn không thay đổi cục diện ở biển Ðông, nhưng có thể cho người
dân Việt nhìn thấy là bọn cầm quyền có làm, đang làm một cái gì đó! Mục
đích duy nhất là làm nguội bớt không khí đấu tranh của người dân Việt
Nam
Ðây là một sách lược đảng Cộng
Sản đã theo từ hơn nửa thế kỷ nay. Họ không muốn dân chúng lên tiếng,
không được tham dự, không được quyết định. Mọi vấn đề ngoại giao là độc
quyền của đảng. Dân Việt Nam chỉ việc ký ngân phiếu trắng, “ký khống”
cho các lãnh tụ đảng quyết định mọi chuyện! Từ mấy tuần qua, sách lược
này vẫn được sử dụng. Như một ông hiệu trưởng ngăn không cho sinh viên
biểu tình, với lý luận rằng việc ngoại giao khó khăn lắm, phải để yên
cho nhà nước từ từ giải quyết! Một ông giáo sư bài nêu lên toàn những
“quyết tâm” của người Việt Nam, mà không đưa ra một hành động cụ thể nào
cả; nhưng ông ta không quên nêu lên một quyết tâm, là “hoàn toàn đoàn
kết với đảng và nhà nước!”
Nhưng nếu đảng và Nhà nước lại
không đoàn kết với dân mà chỉ đoàn kết với người khác, với những đồng
chí, anh em của họ thì sao? Như nhà báo Huy Ðức kể, trước cuộc ký kết về
biên giới năm 1993, Hà Nội cử những phái đoàn tới quan sát vùng biên
giới. Họ đi coi các nơi, rồi họp bàn với các đồng chí Trung Quốc. Nhưng
đối với dân thì các phái đoàn này làm việc hoàn toàn trong vòng bí mật.
Huy Ðức thuật: “Theo các chiến sĩ biên phòng, thay vì huy động sự góp
sức của nhân dân, không hiểu vì lý do gì công việc này đã được tiến hành
bí mật.” Một vị đồn trưởng Biên phòng ở Hà Giang nói: “Chúng tôi thuộc
địa hình đến từng mili mét nhưng các đoàn khảo sát đã bí mật luôn cả với
chúng tôi!” Ðây là một kinh nghiệm cay đắng khi cái đầu của một nước tự
tách rời khỏi thân thể!
Khi một chính quyền hành động
minh bạch, công khai trước mọi người dân, khi người dân được tự do hội
họp, tự do phát biểu, tự do bỏ phiếu chọn những người nắm quyền, thì
không ngoại bang nào có thể nắm cái đầu dân nước đó được! Ngược lại, thì
bất cứ cường quốc nào cũng chỉ cần nắm lấy cái đầu một nước, rồi từ từ
sẽ lấn chân giành đất, giành biển, quốc gia sẽ rơi vào vòng nô lệ khi
nào không biết!
Ngô Nhân Dụng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét