Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Trung Quốc luôn “đánh tráo tư liệu” về biển Đông

Luật sư Hoàng Ngọc Giao – nguyên Vụ phó Ban Biên giới Chính phủ:
Trung Quốc luôn “đánh tráo tư liệu” về biển Đông
Thứ Sáu, 3.6.2011 | 08:25 (GMT + 7)
“Việt Nam là dân tộc đã chịu nhiều đau khổ qua các cuộc chiến tranh, vì vậy đường lối đối ngoại của Việt Nam là đường lối hoà bình. Song, Việt Nam cũng không thể nhân nhượng khi bờ cõi bị xâm phạm, khi có một quốc gia khác chà đạp lên luật pháp quốc tế”.
Đó là chia sẻ với PV Lao Động của luật sư Hoàng Ngọc Giao - nguyên Vụ phó Ban Biên giới Chính phủ (nay là Ban Biên giới thuộc Bộ Ngoại giao). Ông từng là học giả Fulbright tại Boston (Mỹ).  
´ Vừa qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nhóm họp để đưa ra tiếng nói của giới luật sư đối với hành vi Trung Quốc ngang ngược xâm phạm lãnh thổ trên biển của Việt Nam. Với tư cách một luật sư, một thành viên trong cuộc họp, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trước hết, thái độ Trung Quốc trong câu chuyện này là thái độ của một nước lớn và bành trướng, thái độ bất chấp pháp luật quốc tế. Nếu hành xử theo pháp luật, đặc biệt là luật pháp quốc tế, không quốc gia nào ứng xử như  Trung Quốc, từ hành động ở hiện trường cho đến phát ngôn của chính phủ. Trong thực tế, không thấy ai ngang ngược đến vậy. Ngang ngược từ hành động: Đưa tàu hải giám đến vùng biển mà Trung Quốc không có bất cứ quyền nào ở đó đến việc Trung Quốc thể hiện hành vi đe dọa, cản trở hoạt động của một nước ven biển có quyền chủ quyền.
Chiếu theo Hiến chương LHQ, Trung Quốc đã vi phạm rất nghiêm trọng. Công pháp quốc tế là một nền tảng pháp lý, chính trị giữ cho ổn định quốc tế và hợp tác giữa các quốc gia. Hiến chương LHQ ra đời năm 1945 sau Thế chiến II, với nguyên tắc quan trọng nhất được tất cả các quốc gia công nhận là cấm dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ pháp lý.
Việt Nam chủ trương quan hệ với tất cả các nước một cách hòa bình. Chúng ta kiên định vì hòa bình, vì hợp tác, nhưng vẫn phải cứng rắn trong việc bảo vệ những lợi ích sống còn liên quan đến chủ quyền quốc gia trên bộ và trên biển.
Chúng ta cần phải có sức mạnh tổng hợp từ công luận, ngoại giao, chính trị, quốc phòng để giữ vững vùng biển thiêng liêng của tổ quốc.     Ảnh: TRÍ TÍN
Chúng ta cần phải có sức mạnh tổng hợp từ công luận, ngoại giao, chính trị, quốc phòng để giữ vững vùng biển thiêng liêng của tổ quốc. Ảnh: TRÍ TÍN
´ Rõ ràng, là một quốc gia thường trực của HĐBA LHQ, Trung Quốc phải hiểu hơn ai hết về Hiến chương LHQ, thưa ông?
- Chỉ riêng việc dùng vũ lực vi phạm chủ quyền trên biển đã làm cho Trung Quốc ngày càng mất uy tín, thể hiện chính sách đối ngoại của họ không phải dựa trên nền tảng hòa bình, mà dựa trên sự đe dọa và những hành vi của một nước lớn. Điều này càng làm mất uy tín của Trung Quốc không chỉ trong khu vực, mà còn với tư cách thành viên thường trực HĐBA LHQ. Không phải ngẫu nhiên thế giới dành quyền phủ quyết cho 5 quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Lẽ ra, Trung Quốc phải gương mẫu thực thi và áp dụng Hiến chương LHQ. Nhưng với hành động vi phạm ngang nhiên lãnh thổ của Việt Nam, Trung Quốc đang làm mất đi tính chính thống của mình.
´ Diễn đàn an ninh Châu Á hôm nay (3.6) sẽ khai mạc tại Singapore, trong đó dự kiến vấn đề biển Đông sẽ được đề cập. Việt Nam nên tận dụng diễn đàn này như thế nào để nói lên tiếng nói của mình?
- Tôi rất mong vấn đề biển Đông sẽ được thảo luận rõ ràng tại Diễn đàn an ninh Châu Á. Đây có thể nói là một diễn đàn, một sinh hoạt chính trị quốc tế, do đó, lợi ích đan xen của các quốc gia rất lớn. Nếu vấn đề biển Đông được đưa ra sẽ mang lại khía cạnh tốt về mặt pháp lý.
Thêm nữa, Mỹ, Ấn Độ, Nga hay các nước ngoài khu vực cũng rất quan tâm đến câu chuyện tự do hàng hải, an ninh trên biển. Vì không ai có quyền biến biển Đông thành “ao nhà”. Liệu Trung Quốc có dám dùng tàu hải giám ngăn chặn sự đi lại của tàu thuyền quốc tế, dám tuyên bố với thế giới rằng đó là chủ quyền của mình để gây khó khăn không?
Trên thực tế, Trung Quốc đã từng làm điều đó với Mỹ và Mỹ thể hiện thái độ cứng rắn. Và cả thế giới thấy hành xử của Trung Quốc là không chấp nhận được. Vậy, tại sao giờ Trung Quốc lại hành xử với một nước nhỏ hơn, một quốc gia mà Trung Quốc đã đưa ra phương châm “16 chữ” hữu hảo. Liệu phương châm đó của Trung Quốc giờ còn đáng tin cậy không?
´ Theo ông, Việt Nam nên theo đuổi chiến lược nào để thể hiện tốt nhất quyền tự vệ chủ quyền trên biển?
- Tôi cho rằng, trong câu chuyện biển Đông, Việt Nam cần theo đuổi hai mục tiêu chính: Đó là chủ quyền biển đảo với Trường Sa, Hoàng Sa và có thái độ kiên quyết với việc Trung Quốc coi biển Đông là “vùng nước lịch sử”. Quan điểm của tôi là chúng ta phải thể hiện rõ lập trường đến LHQ. Cần có những khuyến cáo, phản đối đến LHQ dù mang tính đơn phương nhưng phải để cho thế giới biết tiếng nói của Việt Nam.
Ngoài ra, chúng ta cần phải có những nghiên cứu học thuật, pháp lý mang tính chuyên nghiệp và có báo cáo về tư vấn pháp lý liên quan đến vấn đề biển Đông. Đó sẽ là một tài liệu pháp lý quan trọng để thể hiện rõ các yêu sách của chúng ta là lẽ phải, là đúng luật pháp.
Chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện để các học giả, các nhà nghiên cứu có nhiều cơ hội công bố nghiên cứu, giao lưu với cả các học giả trong khu vực. Ta cần phải có sức mạnh tổng hợp từ công luận, ngoại giao, chính trị, quốc phòng.
Cần phải thấy, Trung Quốc đã có cả một chiến thuật để chiếm biển Đông. Trung Quốc đã cử nhiều học giả sang làm việc hay nghiên cứu tại các cơ sở nước ngoài, các quốc gia lớn ở Châu Âu, Bắc Mỹ. Họ công bố những cái gọi là chủ quyền của họ với Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông mà nhiều học thuật đã bị học giả chúng ta vạch mặt là “đánh tráo tư liệu”, thậm chí diễn giải một cách không đúng tư liệu lịch sử. Nhưng họ vẫn làm. Họ tung hỏa mù khắp nơi.
- Xin cảm ơn ông!
    Phương Thuỷ thực hiện
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. Báo Lao động điện tử có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết. Những bài viết này sẽ không được trả nhuận bút)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét