Lời người dịch: Tháng Tư năm 2000, kỷ
niệm 25 năm ngày chiến tranh chấm dứt ở Việt Nam, Đài Phát thanh và
Truyền hình Trung Đức (MDR) đã phát sóng một bộ phim tài liệu truyền
hình về cuộc chiến tranh ba mươi năm ở Đông Dương gồm năm tập, dài tổng
cộng gần bốn tiếng dưới tựa đề “Apokalyse Vietnam”, trong đó cũng có
phỏng vấn rất nhiều nhân chứng của tất cả các bên. Quyển sách cùng tên
“Apokalyse Vietnam” đã ghi lại tất cả những cuộc trao đổi này. Các bài
dịch dưới đây đều được trích dịch từ quyển sách nói trên. Dịch giả tuân
thủ theo cách phân chia cũng như tựa đề của mục lục.
Phần 1
Cuộc Chiến tranh chống Pháp (1945-1954) và cuộc nội chiến tiếp theo sau đó (1955-1963)
Võ Nguyên Giáp: Truyền thống đấu tranh một ngàn năm
Tướng Võ Nguyên Giáp là tổng tư lệnh
của quân đội Việt Minh trong Chiến tranh chống Pháp. Từ 1946 cho tói
1980 ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
(VNDCCH). Ông được cho là nhà chiến lược của cuộc đấu tranh giải phóng
của người Bắc Việt, ngay cả khi ông chống lại việc nước VNDCCH tham
chiến ở Nam Việt Nam cả một thời gian dài.
Nếu như muốn nói về lịch sử chiến tranh ở
Việt Nam thì người ta không được phép giới hạn ở thời kỳ của người Mỹ,
mà phải liên kết với cuộc đấu tranh chống người Pháp, vâng, cuối cùng
thì phải xem xét đến cuộc đấu tranh giành độc lập tròn một ngàn năm của
Việt Nam.
Sau khi đất nước chúng tôi thoát được sự
thống trị một ngàn năm của Trung Quốc mà không bị đồng hóa, chúng tôi là
một nhà nước độc lập kể từ thế kỷ thứ 10. Từ thời đó, chúng tôi luôn
phải chống cự lại với những kẻ xâm lược từ phương Bắc, những kẻ hùng
mạnh hơn chúng tôi rất nhiều. Nhưng mặc dù vậy, chúng tôi đã đánh bại
tất cả bọn họ, những binh đoàn từ Mông Cổ cũng như những đạo quân Minh
và quân Mãn Thanh – chúng tôi đã đương đầu thắng lợi trước bất kỳ cuộc
tấn công nào.
Rồi những người xâm lược Phương Tây đến
trong thế kỷ 19, người Pháp. Đó là một xung đột giữa một nhà nước phong
kiến và một thế lực công nghiệp hiện đại đã lợi dụng ưu thế về vật chất
và kỹ thuật một cách bất chấp để mở rộng chế độ thực dân. Đối với cuộc
kháng chiến không bao giờ gián đoạn của dân tộc Việt Nam, năm 1930 đã
trở thành một bước ngoặc quyết định, khi Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng
sản ở nơi lưu vong. Mười năm sau đó, chúng tôi nhìn lần chiến bại của
nước Pháp trước quân đội Đức ở châu Âu như là một cơ hội thực sự cho nền
độc lập của chúng tôi. Năm 1941, Hồ Chí Minh trở về Việt Nam và lãnh
đạo hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng, quyết định đường lối giải
phóng đất nước thông qua khởi nghĩa vũ trang.
Vào thời gian đó, tôi cộng tác ngay bên
cạnh Hồ Chí Minh. Chúng tôi thành lập mặt trận quốc gia của Việt Minh,
được tất cả các tầng lớp nhân dân ủng hộ. Đã có lo ngại, vì chúng tôi
hoàn toàn không có vũ khí. Thế là Hồ Chí Minh đã đưa ra một câu nói trở
thành động lực cho hoạt động của chúng tôi: “Đừng lo – trước là người,
sau đến vũ khí; đầu tiên là phải tranh thủ người dân, rồi thì sẽ có vũ
khí!”
Thế rồi chúng tôi khởi hành, để chiêu mộ
người cho Việt Minh. Tôi tổ chức mọi việc trong khu vực phía Bắc Việt
Nam và tại các dân tộc thiểu số. Để làm việc đó, tôi phải học tiếng của
họ; ba, bốn thứ tiếng. Tôi thành lập các nhóm chiến đấu, tổ chức nhóm tự
vệ và các lực lượng địa phương. Sau đó, Hồ Chí Minh giao cho tôi nhiệm
vụ thành lập quân đội.
Tháng Tám năm 1946, chúng tôi chỉ cần một
tuần để động viên người dân trên toàn nước bước vào chiến đấu. Chúng
tôi tiếp nhận quyền lực và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau
đó là tổ chức bầu cử để hợp thức hóa chính phủ. Sau khi chúng tôi tuyên
bố độc lập, người Pháp đã quay trở lại. Chúng tôi có nhiệm vụ xây dựng
đất nước và đánh đuổi quân xâm lược. Lúc đó, Hồ Chí Minh đã chỉ ra ba kẻ
thù mà chúng tôi phải chống lại: nạn đói, nạn mù chữ và quân xâm lược
nước ngoài.
Trong giai đoạn đó, chúng tôi có quân đội
của Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc và người Anh ở miền Nam. Hồ Chí Minh
muốn ký kết hòa bình với cả hai, để tập trung mọi lực lượng vào cuộc
chiến chống người Pháp.
Tướng Philippe Leclerc chỉ huy đạo quân
viễn chinh Pháp. Ngay từ lúc ban đầu, ông đã biết rằng ông sẽ không còn
đối phó với một quân đội trẻ tuổi nữa, mà là với sự chống cự của cả một
dân tộc. Vì vậy mà thật ra thì ông muốn một cái gì đó khác. Nhưng de
Gaulle muốn có một tiếng trống thuộc địa vang dội, và vì vậy mà đã xảy
ra chiến tranh.
Sau Cách mạng tháng Tám, lãnh đạo của
chúng tôi đã chuẩn bị ở Hà Nội. Cả một nhóm người Mỹ, đã nhảy dù xuống
chỗ chúng tôi ở trong vùng giải phóng, cũng có mặt vào lúc đó, chứng
minh cho chính sách vẫn còn là tiến bộ của Hoa Kỳ vào thời điểm đó. Bây
giờ thì thủ đô bị người Pháp tấn công. Chúng tôi bảo vệ Hà Nội 60 ngày,
sau đó kẻ địch bắt đầu tiến hành một chiến dịch tấn công lớn trên khắp
nước. Cho tới năm 1950, năm năm trời, chúng tôi chiến đấu hoàn toàn chỉ
dựa vào sức mình và chứng tỏ cho những kẻ xâm lược biết rằng họ không
thể chiến thắng cuộc chiến này bằng những phương tiện quân sự. Họ chỉ có
hai khả năng: hoặc là đàm phán với chúng tôi hoặc là dựa vào sự giúp đỡ
của người Mỹ. Đó là lý do tại sao người Mỹ bị lôi kéo vào trong xung
đột này.
Trong thời gian tiếp theo sau đó, chiến
tranh nhân dân đã phát triển một lực mạnh không thể tưởng tượng được.
Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi một ngôi làng là một pháo đài, mỗi
một con đường là một mặt trận. Già và trẻ, phụ nữ cũng như nam giới – cả
một dân tộc đứng trong cuộc chiến đấu vì tự do và độc lập. Người Pháp
đến với một đạo quân viễn chinh chuyên nghiệp, với những sư đoàn được
trang bị tốt nhất, với những viên chỉ huy nổi tiếng đã thu thập được
nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong Đệ nhị Thế chiến. Và tuy vậy họ vẫn bị
đánh bại.
Viên tổng tư lệnh Pháp ở Đông Dương,
tướng Henri Navarre, phát triển một kế hoạch chiến lược để ép buộc chúng
tôi tiến tới một trận đánh quyết định ở đồng bằng sông Hồng. Ông tập
trung các lực lượng quân sự của ông ở đó. Đồng thời, ông lại muốn chiếm
đóng nhiều hơn ở toàn miền Nam Việt Nam và miền Trung. Ngày càng có
nhiều lính từ Pháp đến, quân đội bù nhìn Sài Gòn được tăng lên gấp đôi.
Hồ Chí Minh triệu tập Bộ Chính trị, và
rồi chúng tôi suy nghĩ: Nếu Navarre muốn tập trung lực lượng của ông lại
thì chúng tôi phải bắt buộc ông phân tán chúng ra. Trong chiến tranh
bao giờ cũng có những vị trí quan trọng chiến lược được kẻ địch đóng
quân tương đối yếu – và người ta phải đâm vào đó, như vào trái tim của
con người. Và thế là chúng tôi gửi quân đội của chúng tôi tới miền Tây
Bắc, lên cao nguyên và tới những hướng khác.
Khi Navarre nhận ra sự dịch chuyển sang
hướng Tây Bắc của chúng tôi, ông cũng phải cử những binh đoàn của ông
tới đó. Họ đóng quân ở Điện Biên Phủ. Điểm này, theo các kế hoạch của
người Pháp và người Mỹ, sẽ trở thành “cỗ máy xay thịt” cho Việt Minh.
Nhiều thành viên của chính phủ Pháp đã đích thân đến tận nơi, cả Nixon
và viên tổng chỉ huy của quân đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, và tất cả đều
tin chắc rằng pháo đài này là không thể bị đánh chiếm được, và tin vào
chiến thắng của người Pháp.
Cuối cùng thì chúng tôi đã chiến thắng,
đạt được điều mà thế giới cho rằng không thể. Chúng tôi chiến thắng vì
chúng tôi đã đứng ở phía của chân lý, vì người dân chúng tôi đã tâm niệm
câu nói của Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và cuối
cùng thì chúng tôi cũng chiến thắng là nhờ vào học thuyết quân sự độc
nhất vô nhị về chiến tranh nhân dân của chúng tôi. Ở Điện Biên Phủ,
chúng tôi đã đánh bại người Pháp, nhưng lần đầu tiên là cả người Mỹ nữa;
vì vào thời điểm đó, họ đã chi trả cho tới 80 phần trăm ngân sách chiến
tranh của Pháp.
Vào buổi chiều của ngày 7 tháng Năm năm
1954, người Pháp đầu hàng. Tôi đánh điện báo tin thành công của chúng
tôi về cho Hồ Chí Minh. Câu trả lời của ông chúc mừng tôi, nhưng cũng
nhắc nhở: “Chiến thắng thật to lớn, nhưng đó chỉ là bước đầu.”
Roger Hilsman: Hoa Kỳ là đồng minh đầu tiên của Việt Minh
Roger Hilsman giữ nhiều chức vụ cao
cấp trong phòng Đông Á của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ 1961 tới 1964. Ông có
ảnh hưởng quyết định tới chính sách chống nổi dậy (Counterinsurgency)
của đầu những năm 60. Cuối 1962, tổng thống Kennedy gửi ông sang Việt
Nam để lập một bản tường trình về tình hình mà sau khi đọc nó, chính phủ
Hoa Kỳ đã bỏ rơi tổng thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm. Hilsman từ chức
năm 1964.
Hoa Kỳ nguyên thủy là đồng minh của Việt
Minh. Liên minh này ra đời dựa trên sáng kiến của Dean Rusk. Vào cuối Đệ
nhị Thế chiến, ông gửi khoảng 100 sĩ quan liên lạc của mật vụ OSS
(Office Strategic Services) sang Việt Nam, như là một phần của cơ quan
trung ương Hồ Chí Minh, hỗ trợ cho cuộc đấu tranh chống người Nhật. Đó
là một sự thật, người Mỹ đầu tiên chết tại Việt Nam là ở bên phía của
Việt Minh. Cùng với OSS, họ cũng cứu thoát phi công Hoa Kỳ bị quân đội
Nhật bắn hạ. Rusk lo ngại rằng sau chiến tranh, cửa sẽ mở rộng cho người
Trung Quốc và người Nga. Hồ Chí Minh cực lực phản bác điều đó. Trả lời
câu hỏi của một người được gọi là diều hâu, tại sao ông không muốn lôi
kéo Trung Quốc vào trong cuộc chiến, ông trả lời. “Lần cuối cùng mà
người Trung Quốc vào Việt Nam, họ đã ở lại 1000 năm. Đó có phải là điều
ông muốn hay không?” Ông ấy sẽ không bao giờ để cho Trung Quốc đi vào
nước. Ông ấy chấp nhận giúp đỡ nhân đạo, nhưng không chấp nhập giúp đỡ
quân sự. Rusk không thể hiểu được điều đó.
Vào đầu những năm năm mươi, Hồ Chí Minh
viết ba lá thư gửi cho chính phủ Truman xin được giúp đỡ. Những lá thư
này không bao giờ được trả lời (vì người Pháp). Roosevelt đã tuyên bố
ủng hộ chấm dứt thời thuộc địa, nước Anh nên từ bỏ Ấn Độ và Miến Điện.
Đó là tình huống duy nhất mà Roosevelt và Churchill thống nhất với nhau.
Và nước Pháp còn tệ hơn nữa, nhất định muốn giữ chặt lấy Đông Dương.
Chính sách của Truman có ý định chỉ giúp đỡ tối thiểu cho người Pháp, để
cùng với họ tạo một mặt trận chống nước Nga trong NATO.
Qua đó mà cũng có liên quan tới thuyết
Domino. Đó là ý tưởng của Eisenhower. Tôi không biết ông ấy có thật sự
tin vào điều đó hay không, nhưng nó là một việc được báo chí thổi phồng
lên. Eisenhower giải thích tại sao chúng tôi tài trợ cho Nam Việt Nam,
mặc dù chúng tôi không có quân đội ở đó. Ông nói rằng các nước Đông Nam Á
giống như một dãy domino: khi một quân cờ domino ngã xuống thì tất cả
các quân cờ khác cũng sẽ ngã theo. Tôi không chắc chắn là Eisenhower có
thật sự tin vào điều đó hay không. Thế nào đi nữa thì Kennedy chưa từng
bao giờ coi trọng nó, vì ông luôn cười to về điều đó. Kennedy chỉ dùng
những từ ngữ đó đúng một lần trong liên quan với trợ giúp và ủng hộ,
không phải trong liên quan với chiến tranh.
Hội nghị Đông Dương diễn ra ở Genève năm
1954. Nhưng người Mỹ hầu như không tham gia vào các cuộc đàm phán. Đó là
vì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao John F. Dulles, một người chống cộng sản
công khai. Ông xuất thân từ một gia đình sùng đạo và rất mộ đạo. Đối với
ông, người cộng sản là một đám người vô thần, và điều đó là đủ để không
ngồi vào cùng bàn với người Nga. Lúc nào cũng có những kẻ xuẩn ngốc
trong chính trị.
Sau cuộc cải cách ruộng đất ở Bắc Việt
Nam, người Công giáo chạy trốn ra khòi nước. Đó là sau Hiệp định Genève
của năm 1954. Hiệp định này nói rằng vùng đất được chia ra thành Bắc và
Nam Việt Nam ở vĩ tuyến 17. Một phần của hiệp định là việc mỗi một người
Bắc Việt đều có thể đi vào miền Nam vào bất cứ lúc nào; Thủy quân Lục
chiến Hoa kỳ sẽ chở họ. Điều này được quyết định theo áp lực của Dulles.
Nhờ đó mà có khoảng một triệu người Công giáo đã có thể đi vào miền
Nam. Thế rồi những người này trở thành sĩ quan và cố vấn của Diệm.
Bầu cử cần được tiến hành ở Bắc và Nam
Việt Nam năm 1956. Eisenhower và Dulles lo ngại Hồ Chí Minh sẽ thắng cử,
và vì vậy mà sẽ mất Nam Việt Nam. Tôi cũng nghĩ là sẽ như thế. Tổng
thống Ngô Đình Diệm là một người Công giáo, gia đình ông từ hàng thế kỷ
đã là Công giáo – và điều đó ở trong một đất nước mà 98 phần trăm người
dân của nó theo đạo Phật.
Đó là một sai lầm to lớn, việc Hoa Kỳ
hành xử như thế nào trong tình huống này. Theo tôi, John F. Kennedy là
tổng thống duy nhất đã hiểu thấu được hoàn cảnh Việt Nam. Ông đã quen
biết Diệm khi còn là một nghị sĩ trẻ tuổi, rồi sang thăm Việt Nam và kết
bạn với một nhân viên đại sứ quán ở đó, người sau này còn là rể phụ cho
ông nữa, và cũng là người Công giáo. Người này thuyết phục Kennedy,
rằng Diệm như là một người Công giáo không thể nào mà thắng được trong
một đất nước Phật giáo.
Sau này, dưới thời Kennedy, khi tôi là ủy
viên cho Viễn Đông, kể cả Việt Nam, ông đã nói với tôi rằng tôi cần
phải giữ cho nước Mỹ đứng ngoài cuộc chiến này. “Chúng ta không thể
chiến thắng. Nhiệm vụ của anh là giúp người Nam Việt Nam, hỗ trợ họ,
nhưng không bằng quân đội hay vũ khí.” Kennedy dứt khoát từ chối gởi
quân đội sang Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng ngay Truman và Roosevelt là
cũng đã biết rằng ảnh hưởng của cộng sản ở Việt Nam mạnh cho tới đâu.
Chính phủ Eisenhower đã bãi bỏ đường lối thông hiểu này, hẳn là vì niềm
tin tôn giáo của Dulles mà việc chống cộng sản xuất phát từ đó. Chính
sách của Kennedy mang dấu ấn của sự dè dặt và chờ xem. Lyndon B.
Johnson, tổng thống kế tiếp, đối với tôi là một con người ngây thơ và
không có học thức. Ông chẳng hề biết gì về chính trị Đông Nam Á, nhưng
lại sợ cộng sản. Ông không muốn nghe các nhà cố vấn giàu kinh nghiệm của
ông ấy, cũng như không nghe McNamara. Lúc đó, tôi lãnh đạo tình báo của
Bộ Ngoại giao. Tất cả các bản báo cáo nghiên cứu mà chúng tôi thu thập
được trong suốt diễn tiến của cuộc chiến cho tới thời điểm đó đã có sẵn.
Dự đoán rất đen tối, tất cả đều cho thấy rằng chúng tôi không thể thắng
cuộc chiến này được. Nhưng cả Johnson lẫn McNamara đều không đọc bản
báo cáo của chúng tôi. Đối với hai người, một cuộc chinh chiến chống
cộng sản là quan trọng hơn mọi việc khác.
Tôi nghĩ, quyết định của Eisenhower, đào
tạo một quân đội Nam Việt Nam, là một sai lầm. Nhưng ai đó phải làm điều
này. Và vấn đề thật sự chỉ xuất hiện với Johnson. Ông gửi lực lượng
quân sự sang Việt Nam, ném bom đất nước này, gửi trên một triệu người Mỹ
tới đó. Đó là bước leo thang. Tất cả những người đã từng là du kích
quân từng trải và đã có thể thu thập kinh nghiệm ở Đông Nam Á, đều cùng
nhau tuyên bố chống lại một cuộc chiến tranh của Mỹ, nhưng Johnson chỉ
muốn thực hiện các mục tiêu riêng của ông.
Vịnh Bắc Bộ đối với ông là một lập luận
được hoan nghênh để lôi kéo Quốc hội vể phía ông. Ông tin là thật sự đã
có một cuộc tấn công tàu khu trục của Hoa Kỳ. Đối với ông, đó là phát
súng báo hiệu để thực hiện chính sách Việt Nam của ông, vì bây giờ thì
Quốc Hội đứng sau ông. Nghị quyết Vịnh Bắc bộ trao quyền cho chính sách
của Johnson ở Việt Nam mà không cần tuyên bố chiến tranh. Ngày nay,
chúng tôi chắc chắn rằng lúc đó không có cuộc tấn công nào xảy ra. Các
anh chàng ở cạnh máy radar hẳn là có hơi căng thẳng một chút, nghĩ là đã
nhìn thấy cái gì đó, và thế là khai hỏa. Nhưng ở đó không có gì cả.
Xin nói thêm một chút về tướng
Westmoreland, từ 1964 tới 1968 là tổng tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự
ở Việt Nam: ông là một người lính, không biết gì về những mối liên quan
chính trị. Sau khi đập tan một vài đơn vị quan trọng của Việt Cộng, ông
nghĩ rằng chiến tranh chẳng bao lâu sẽ chấm dứt. Lúc đó là trước trận
tấn công Tết Mậu Thân. Giới báo chí bài tỏ sự hoài nghi. Việt Cộng rất
mạnh, chúng tôi nên rút lui khỏi đất nước này. Nhưng Westmoreland chỉ
nói về các đơn vị mà ông ấy đã loại ra khỏi vòng chiến đấu. Nhưng các
đơn vị cộng sản ở miền Nam vẫn còn nguyên: chỉ trong vòng vài tuần, họ
đã lại bù đắp đủ số tổn thất của họ bằng lính mới.
Westmoreland không bao giờ hiểu được điều
đó. Năm 1967, ông phát biểu trước Quốc Hội và tỏ ra lạc quan vể kết
cuộc của cuộc Chiến tranh Việt Nam. Ông nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường
hầm – đó chắc hẳn là một cái đèn pin của Việt Cộng! Bi kịch ở đây không
phải là giới công chúng bị lừa dối, mà là Johnson đã thật sự tin vào
chiến thắng, và bỏ ngoài tai tất cả những lời chỉ dẫn của các cố vấn của
ông.
Việt Cộng – đó là những người nông dân –
đã đánh lừa chúng tôi qua vẻ ngoài của họ. Người dân Việt Nam không quan
tâm tới việc liệu cộng sản có nắm chính quyền hay không; người cộng sản
đã đảm nhận trách nhiệm đó cho người dân. Người Mỹ không thể làm thay
đổi điều đó, họ có làm điều gì cũng vậy. Sẽ không có gì thay đổi ngay cả
khi chúng tôi chiếm đóng đất nước đó nhiều thế kỷ hay giết chết hết
người Việt. Tôi nghĩ, Roosevelt, Truman và Kennedy đã hiểu điều đó, chỉ
Johnson là không, vì ông không biết gì về lịch sử của dân tộc này cả.
Quyết định của Johnson năm 1968, từ bỏ
chính sách cho tới lúc đó, là hoàn toàn bất ngờ. Tôi đã vui mừng về việc
này. Sau đó, tôi có cảm giác như Nixon, tổng thống mới của Hoa Kỳ, và
người cố vấn đặc biệt của ông và sau này là bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Kissinger, đã muốn kéo dài cuộc chiến thêm nhiều năm. Khi Nixon nắm
quyền, đã có 15.000 người chết. Nhưng cho tới khi chiến tranh chấm dứt
đã có tổng cộng 55.000 lính Mỹ hy sinh. 40.000 người Mỹ đã có thể vẫn
còn sống nếu như Nixon và Kissinger hành động hợp lý.
Heli de Saint Marc: “Chúng tôi sống một cuộc sống như trong truyện cổ tích”
Helie de Saint Marc sang Việt Nam với
đoàn lính lê dương và đã đóng quân ở miền cực Bắc của đất nước này,
cạnh biên giới với Trung Quốc, cho tới năm 1949.
Nước Pháp đã công nhận từ rất sớm nền độc
lập của Việt Nam. Khi tôi tới đó năm 1948, tôi có cảm giác như mình
đang tham dự vào trong lần tái chiếm đất nước này làm thuộc địa. Chúng
tôi chiến đấu chống lại những người Việt có tinh thần rất cao, mang nặng
ảnh hưởng của ý thức hệ cộng sản. Nhưng chúng tôi cũng chiến đấu cùng
với những người Việt Nam cũng rất can đảm. Cả họ tuy cũng hoan nghênh
nền độc lập của nước họ, nhưng muốn cùng với nước Pháp xây dựng nó. Ở
đây, tôi chỉ nói như là một người lính bình thường, nhưng tôi nghĩ chúng
tôi muốn hai việc: về một mặt chúng tôi muốn phá vỡ một cấu trúc thuộc
địa đã lỗi thời đối với chúng tôi, mặt khác, bảo vệ con người trước một
chế độ chúng tôi cho là độc tài.
Tôi đóng quân không xa biên giới Trung
Quốc, như là một thiếu úy trẻ tuổi. Vùng đất mà tôi phục vụ ở đó rất khó
sống vì khí hậu của nó, mang những bệnh chết người, nhưng đồng thời
cũng có vẻ đẹp tới nghẹt thở, giống như một thứ gây nghiện. Tiểu đoàn
trưởng của tôi giao cho tôi nhiệm vụ đi vào các làng mạc và tranh thủ
người dân cho sự việc của chúng tôi. Chúng tôi rất thành công, có thể
tuyển được khoảng 200 chiến binh.
Trong thời gian này, tôi sống một cuộc
sống giống như trong truyện cổ tích. Chúng tôi hành quân trên những con
đường mòn chưa được biết tới, đi qua những vùng hoang dại, một phần còn
nguyên thủy, ngủ trong làng mạc giữa người dân, và các cộng sự mới của
chúng tôi đã hành xử thật đáng để khâm phục. Họ đã nhiều lần cứu mạng
sống của tôi; không có một người duy nhất đào ngũ. Tôi phải nói thêm
rằng vùng này bị những người cộng sản Việt Nam chiếm đóng, những người
không phải lúc nào cũng đối xử thân thiện với dân cư ở đó. Sống ở vùng
rừng núi này là những người không để cho người ta tròng ách vào mình. Họ
không muốn bị bảo hộ, vì vậy mà họ liên kết với chúng tôi.
Theo tôi thì năm 1949 là một bước ngoặc:
Trung Quốc trở thành cộng sản, quân đội chiến thắng của Mao hành quân
tới biên giới và giúp đối thủ Việt Nam của chúng tôi với sức mạnh quân
sự mang tính áp đảo của họ. Đó là lần biến chuyển từ một chiến tranh du
kích sang một cuộc chiến tranh thật sự. Cho tới lúc đó, chúng tôi chỉ
phải đối phó với những nhóm du kích quân riêng lẻ, bây giờ thì chúng tôi
chạm trán với cả nhiều sư đoàn, được trang bị, đào tạo và có vũ khí cực
tốt – nhờ sự giúp đỡ của Trung Quốc và của toàn bộ khối cộng sản.
Vùng ở Bắc Việt Nam này có tầm quan trọng
chiến lược là do đường số 4, chạy dọc theo biên giới Trung Quốc và là
con đường mà chúng tôi gọi là “con đường Tử thần”. Con đường này là cái
rốn của chúng tôi, nó cung cấp cho các doanh trại của chúng tôi. Việt
Minh cố chặn đường, và họ cũng thành công. Họ ngăn chặn mọi giao thông
và qua đó cắt đứt đường tiếp tế cho các đơn vị Pháp. Đó là chiến bại lớn
đầu tiên của chúng tôi ở Việt Nam.
Sau đó, viên tổng chỉ huy của chúng tôi
quyết định bỏ vùng này. Đó là một sự kiện đầy bi kịch, vì điều này có
nghĩa là một lời thú nhận thế yếu của chúng tôi. Và đó là một chiến dịch
khó khăn, vì mọi việc đều phải được tiến hành thật nhanh, giống như bỏ
chạy. Chúng tôi chỉ có ít phương tiện cho lần rút lui. Chúng tôi chỉ có
vài chiếc xe tải cũ kỹ của Mỹ từ thời Đệ nhị Thế chiến, và điều đó có
nghĩa là chúng tôi không thể mang người dân theo cùng được. Trong khi đó
thì họ đã tin tưởng vào chúng tôi! Chúng tôi còn không có cả khả năng
di tản tất cả các chiến binh mới có được của chúng tôi nữa.
Tôi còn nhớ buổi sáng của ngày rút lui:
các chiếc xe tải đỗ thành một hàng, chiếc này sau chiếc khác, rồi khi
máy được khởi động thì đàn ông, đàn bà và trẻ con chạy tới chỗ chúng
tôi. Nhưng chúng tôi không thể mang họ theo được. Họ cố hết sức để vào
được ô tô, tay họ bám chặt vào những thanh gỗ của phần trên, và chúng
tôi bắt buộc phải dùng gậy đánh vào tay của họ, cho tới khi họ bỏ ra.
Chúng tôi lén bỏ đi như những tên trộm. Vài ngày sau đó, chúng tôi được
tường thuật lại, rằng những người dân liên minh với chúng tôi và bị
chúng tôi bỏ lại đã bị giết chết hết. Đó là một sự kiện thật kinh khủng
trong cuộc đời tôi, tôi sẽ không bao giờ quên được nó.
Quyền lực thuộc địa Pháp chấm dứt ở Việt
Nam một cách đầy bi kịch. Năm 1954 có hiệp định ngưng bắn ở Genève. Ở
đó, người ta không đau đầu suy nghĩ nhiều cho lắm, mà chia cắt đất nước
đó ra và mỗi một bên của cuộc chiến nhận được một nửa – như ở Triều Tiên
và Đức. Chúng tôi được yêu cầu hãy rút ra khỏi miền Bắc và đã rất buồn
rầu khi phải rời bỏ vùng đất đó, vì chúng tôi đã bỏ lại đó nhiều bạn bè,
nhiều chiến hữu mà chúng tôi đã từng cùng nhau chiến đấu. Chúng tôi đã
để lại một dân tộc mà một phần lớn trong số đó đã gắn kết với chúng tôi.
Tôi nghĩ là cùng với chúng tôi, một phần tự do của họ, hy vọng của họ
cũng đã đi mất. Ngay trong năm của Hiệp định Genève, chúng tôi đã nhìn
thấy những “boat people” đầu tiên, những người đã bỏ trốn sau khi chúng
tôi rút quân khỏi Bắc Việt Nam, những người không muốn khuất phục người
Cộng sản. Họ cố bơi hay dùng bè đến với chúng tôi. Chúng tôi có thể tiếp
nhận vài người trong số họ, nhưng chúng tôi đã nhìn thấy quá nhiều
người chìm xuống giữa các làm sóng.
Con tàu mà tôi rời Việt Nam ở trên đó có tên là “Esperance” – có nghĩa là “hy vọng”.
Lưu Đoàn Huynh: Người Trung Quốc hiện diện như là một lời đe dọa
Lưu Đoàn Huynh là một nhà ngoại giao, nhà phân tích tình báo và sau này là giám đốc của Viện Quan hệ Quốc tế
Chủ nghĩa Thực dân của người Mỹ khác xa
Chủ nghĩa Thực dân của người Pháp. Hoa Kỳ cho phép có đảng chính trị và
ngay từ những năm ba mươi đã trao trả độc lập lại cho nhiều thuộc địa.
Nước Pháp thậm chí còn không cho phép Quốc Dân Đảng hoạt động ở nơi
chúng tôi nữa, một đảng mà thật ra chỉ theo đuổi một đường lối dân tộc
chủ nghĩa. Nếu như người Mỹ là thực dân theo kiểu Pháp thì họ đã tới chỗ
chúng tôi ngay từ năm 1945 và đã giúp cho người Pháp rồi. Thế nhưng họ
đã không can thiệp cho tới 1950. Điều đó chỉ thay đổi với cuộc Chiến
tranh Triều Tiên. Chỉ khi họ nhìn thấy rằng người Bắc Triều Tiên trong
vòng có một tuần đã chiếm hầu như toàn bộ miền Nam, họ mới lo ngại rằng
nó cũng sẽ diễn ra nhanh như thế ở khắp nơi trong châu Á, rằng họ sẽ mất
ảnh hưởng ở khắp nơi. Rồi thì thuyết Domino cũng thành hình từ nỗi lo
sợ này chứ không phải là từ suy nghĩ điềm tĩnh và khách quan. Tôi tin
rằng người Mỹ sẽ không bao giờ tới Việt Nam nếu như không có cuộc Chiến
tranh Triều Tiên và không có xung đột với Trung Quốc. Lúc đó, họ nghĩ
rằng khối xã hội chủ nghĩa muốn bành trướng và người ta phải dùng mọi
sức lực để chống lại việc đó. Thời đó, Hoa kỳ đã hiều hoàn toàn sai
chúng tôi, vì chúng tôi không muốn bành trướng, Chúng tôi không muốn tấn
công nước khác. Sau khi Việt Nam được giải phóng, sau khi Lào và
Campuchia được giải phóng thì cuối cùng rồi người ta cũng nhìn thấy rằng
không có thêm đất nước Đông Nam Á nào sụp đổ cả. Tức là thuyết Domino
đã sai hoàn toàn.
Cho tới năm 1950, chúng tôi đánh người
Pháp với những vũ khí đoạt được từ họ hay là tự sản xuất ra. Mãi từ năm
1950 chúng tôi mới nhận được sự giúp đỡ từ Trung Quốc, cả về chính trị
lẫn về quân sự, và từ đó mới có thể khởi động những chiến dịch lớn hơn
chống người Pháp. Người Trung Quốc cũng có một phái đoàn cố vấn ở bên
cạnh chúng tôi mà người lãnh đạo cuối cùng đã trở thành đại sứ của Trung
Quốc ở Việt Nam. Tuy chúng tôi cũng có quan hệ ngoại giao với Liên bang
Xô viết từ đầu những năm 50, có một đại sứ quán ở Moscow, nhưng phái Xô
viết không có đại diện ở chúng tôi. Chúng tôi rất bất hạnh về những
căng thẳng sau này giữa Trung Quốc và Liên bang Xô viết, nhưng không
đứng về bên nào. Đó là một câu hỏi của lợi ích quốc gia: chúng tôi cố
lợi dụng tình trạng đó cho chúng tôi, để chúng tôi có thể nhận được sự
trợ giúp từ cả hai phía. Các bất đồng giữa hai nước đã dẫn tới việc
không ai trong số họ có thể ép buộc chính sách của họ lên chúng tôi, và
vì thế mà chúng tôi vẫn tự chủ phần lớn trong các quyết định của chúng
tôi.
Về nước Mỹ thì tất nhiên là chúng tôi
luôn dự tính với việc họ sẽ tăng cường sự hiện diện của họ ở Việt Nam.
Năm 1962, chúng tôi đã có thể nhận rõ các ý định của Hoa Kỳ. Trong năm
đó, cơ quan MACV (Military Assistance Command, Vietnam – Bộ chỉ huy Hỗ
trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam) dưới quyền chỉ huy của tướng Harkins được
thành lập ở miền Nam Việt Nam, và đã có thể tiên đoán rõ rệt được rằng
trong tương lai, bộ tham mưu này sẽ tiếp nhận và tự lãnh đạo các chiến
dịch quân sự. Trước đó, người Mỹ đã thiết lập MAAG (Military Assistance
and Advisory Group – Nhóm Cố vấn Hỗ trợ Quân sự Mỹ) ở miền Nam. MAAG
chịu trách nhiệm huấn luyện quân lính Nam Việt Nam và điều phối các hoạt
động trợ giúp của Mỹ ở Sài Gòn. Cùng với MACV, chúng tôi nhìn thấy mối
nguy hiểm của một chính sách mới ở Việt Nam. Đối với tôi, lần lật đổ
Ngô Đình Diệm cũng đứng trong mối liên quan này.
Trong khi đó, Hoa Kỳ với chính sách của
họ ở Nam Việt Nam có một vấn đề hết sức cơ bản: họ muốn ép buộc đất nước
này có một chế độ tổng thống như Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng theo
quan điểm của tôi thì đó là một điều hết sức phi lý khi dựa trên những
người như Diệm hay Thiệu. Những người này hoàn toàn không có được sự tin
tưởng của người dân. Vì vậy mà trong thực tế, Hoa Kỳ đã thực hiện một
chính sách chống lại người dân, vì toàn bộ quốc gia đều ủng hộ người
cộng sản. Nếu như có bầu cử đàng hoàng thì không có ai bầu cho những
người đó cả. Ví dụ như tổng thống Ngô Đình Diệm. Người này cai trị giống
như một ông quan từ thời xưa. Ông khinh thường người dân, lãnh đạo đất
nước như một ông quan phong kiến, đối xử với những người cộng sự như với
rác rưởi. Thế nên ông không thể tạo đoàn kết được.
Nhưng hãy trở lại với năm 1962. Từ khi
thiết lập bộ chỉ huy MACV dưới quyền tướng Harkins, chúng tôi đã dự tính
trước với việc bỏ bom miền Bắc. Chúng tôi nhìn điều đó như là một hệ
quả tất nhiên không thể tránh khỏi. Nhưng chúng tôi cố gắng trì hoãn nó
càng lâu càng tốt, vì chúng tôi cần thời gian. Rồi xảy ra cái được gọi
là sự kiện vịnh Bắc bộ năm 1964. Người Mỹ chỉ tìm một cơ hội để có thể
bỏ bom chúng tôi, điều mà họ cũng thực hiện ngay lập tức. Nhưng những
cuộc bỏ bom lớn thật sự chỉ diễn ra mãi bốn tháng sau đó. Vì chúng tôi
biết điều đó nên chúng tôi ít nhất là cũng đã di tản trẻ em ngay từ rất
sớm.
Thú vị đặc biệt là phản ứng của Trung
Quốc. Giữa Trung Quốc và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có một hiệp định mà
theo đó lực lượng công binh vũ trang Trung Quốc có nhiệm vụ xây dựng và
bảo trì đường xá và đường sắt ở bên chúng tôi. Đó là 40.000 tới 50.000
người, được liên tục thay đổi. Thật ra thì đó là cách thể hiện sự hiện
diện cho người Mỹ thấy. Người Trung Quốc luôn nhìn Việt Nam là vùng ảnh
hưởng và vùng lợi ích của họ. Có thể nói là họ đến với chúng tôi như một
biện pháp phòng ngừa, muốn chuẩn bị trước cho một cuộc xâm lược của Hoa
kỳ và đặt nền tảng phòng thủ. Người ta cũng có thể gọi đó là một lời đe
dọa. Chính chúng tôi thì không quan tâm tới người Trung Quốc, chúng tôi
muốn tự mình tiến hành cuộc chiến.
Mãi tới 1969, người Trung Quốc mới rút
lui, vì tổng thống Nixon tiếp nhận quyền lực và bây giờ Bắc Kinh muốn
bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Trung Quốc cũng biết rằng cho tới chừng
nào mà người ta nói chuyện với nhau thì Hoa Kỳ sẽ không nghĩ tới chuyện
tiến quân ra Bắc Việt Nam.
Cuối cùng thì có ba điều có ảnh hưởng
quyết định tới chiến thắng của chúng tôi: Thứ nhất, người Việt là những
người yêu nước, hy sinh đóng một vai trò lớn ở chúng tôi. Đó cũng là một
truyền thống của Việt Nam, là người ta luôn chiến đấu chống những kẻ
thù ngoại bang cho tới cùng, phụ nữ cũng như trẻ em. Thứ nhì là chúng
tôi có sự lãnh đạo rất, rất tốt. Các lãnh tụ của đất nước đã bắt đầu
cuộc đấu tranh giành độc lập ngay từ năm 1930. Cho tới 1975, họ vẫn là
những người đó, chỉ Hồ Chí Minh rất đáng tiếc là đã qua đời từ năm 1969.
Tức là tất cả các cán bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh có kinh nghiệm rất
lớn. Trong toàn bộ những năm chiến tranh, lãnh đạo của chúng tôi đã phát
triển một chiến lược mang lại cho người Mỹ hết thất bại này tới thất
bại khác. Chúng tôi cũng giành được những mục tiêu của chúng tôi trong
đàm phán rất tốt, ví dụ như 1973 ở Paris. Yếu tố quan trọng thứ ba cho
chiến thắng của chúng tôi là thế giới đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều
trong những năm sáu mươi. Phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ và ở châu Âu đã
giúp đỡ chúng tôi vượt bực. Tất nhiên là điều đó cũng xuất phát từ sự
thông hiểu dân chủ của Phương Tây. Chúng tôi thường không hiểu được tại
sao phong trào lại mạnh đến như thế. Và chúng tôi rất cảm ơn tất cả
những người đã tham gia vào trong đó.
Vinh: Trận Điện Biên Phủ (1954)
Một người lính bình thường của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Tôi nhập ngũ trong tháng Chín 1952. Thời
đó còn chưa có nghĩa vụ quân sự, những người tòng quân đều là tình
nguyện cả thôi. Tình đồng đội của chúng tôi rất tốt. Chúng tôi luyện tập
dưới những điều kiện sống rất khó khăn, đói ăn. Nhưng chúng tôi vẫn
hăng hái học bắn súng, ném lựu đạn, đào hào và chiến đấu theo đội hình.
Khi chuẩn bị cho Điện Biên Phủ, tôi là
một người lính bộ binh bình thường. Tuy chúng tôi không biết nhiều về
chiến lược, nhưng chúng tôi cảm nhận được là công việc chuẩn bị được
tiến hành rất tốt. Tinh thần của chúng tôi cũng rất tốt, chúng tôi tập
luyện tại một địa điểm bí mật để làm sao mà phá vỡ được một pháo đài.
Các điều kiện xung quanh cũng tốt, có đủ gạo, đủ thuốc men, đủ đạn dược
và quân lính. Ví dụ như đơn vị tôi được tăng cường tới năm lần. Ngoài
ra, phối hợp giữa các đội hình cũng rất tốt. Các đơn vị hậu cầu hành
quân giống như nước chảy vậy, người trong đủ loại quần áo, nói đủ các
thứ tiếng. Tinh thần thật là tuyệt vời.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất
trong lúc chuẩn bị cho trận đánh là kéo các khẩu đại bác lên núi. Là bộ
binh, tôi tham gia vào việc đó ngay từ đầu. Các khẩu đại bác đấy nặng
hàng tấn; mang chúng lên đỉnh núi đã là không đơn giản rồi, nhưng dùng
dây thả chúng xuống núi lại còn khó khăn hơn nữa. Và đâu phải chỉ là một
ngọn núi thôi, đó là nhiều dãy núi, tổng cộng dài đến mười kilômét!
Chúng tôi làm mọi việc với sức người, chúng tôi cần một đại đội cho một
khẩu đại bác. Ở trên đỉnh núi, chúng tôi cột chặt hai sợi dây thừng và
rồi đẩy các khẩu đại bác lên từng chút một. Rồi khi chúng tôi không cẩn
thận lúc thả xuống thì một khẩu đại bác như thế kéo cả đại đội xuống
theo. Tuy mọi việc diễn ra rất chậm, nhưng bằng cách này thì chúng tôi
đã thành công trong việc mang các khẩu đại bác ra chiến trường.
Người Pháp biết các hoạt động của chúng
tôi, tổ chức những cuộc hành quân phá rối. Chúng tôi xây chiến hào, họ
lấp lại, chúng tôi lại đào lên. Chúng tôi đến càng gần thì họ lại càng
sợ nhiều hơn. Rồi họ xông ra với xe tăng, máy bay trực thăng và bộ binh.
Trận đánh Điện Biên Phủ bắt đầu ngay từ lúc chuẩn bị.
Ngày đầu tiên của chiến dịch là ngày 13
tháng Ba 1954. Kéo dài 55 ngày cho tới khi bắt được viên chỉ huy người
Pháp de Castries vào ngày 7 tháng Năm. Chúng tôi đã huy động những đơn
vị tốt nhất của chúng tôi cho trận đánh này. Bây giờ thì chúng tôi hưởng
thành quả từ công việc chuẩn bị tốt của chúng tôi. Tất nhiên là người
Pháp cũng sử dụng hầu như tất cả mọi thứ ở Điện Biên Phủ. Chúng tôi biết
là họ được huấn luyện rất tốt và làm chủ được kỹ thuật của họ; chỉ
riêng việc xây pháo đài đấy thôi thì đã là một thành tích xuất sắc rồi.
Nhưng chúng tôi tin chắc vào chiến thắng của chúng tôi, điều đó mang lại
thêm nhiều sức mạnh cho chúng tôi.
Tất nhiên là tôi cũng phải trải qua việc
nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh. Nhưng tôi cũng trải nghiệm được lòng
dũng cảm của họ. Ví dụ như có một người đồng đội bị thương ở cả hai chân
và tay và mặc dù vậy vẫn bò vào chiến hào. Anh ấy không muốn để cho
băng bó vì nghĩ rằng trước sau gì thì cũng chết, nên dùng bông băng cho
những người khác. Hay một người khác, bắn liên tục 90 quả lựu đạn, hay
người chỉ huy đó, bị bắn thủng má, không còn có thể nói được và ra mệnh
lệnh của mình bằng cách viết tay. Trận chiến rất dữ dội, hai bên không
nhường nhau điều gì cả. Chúng tôi giành giật từng ngọn đồi một. Có lúc
chúng tôi chia với người Pháp một ngọn đồi, rồi liên tục giành giật qua
lại.
Trong đêm rạng sáng ngày 7 tháng Năm,
chúng tôi nhận mệnh lệnh tổng tấn công vào trung tâm pháo đài. Được giao
hẹn trước là sau khi khối bộc phá 1000 kílô phát nổ thì tất cả chúng
tôi sẽ xung phong. Nhưng khối bộc phá đó được chôn sâu ở dưới đất, người
ta hầu như không nghe được tiếng nổ. Thế là trận tấn công không được
tất cả các đơn vị cùng tiến hành và đã thất bại. Sau đó, người Pháp đã
dùng những lực lượng cuối cùng để khởi động một trận phản công. Tôi chưa
từng bao giờ trải qua một trận pháo kích có quy mô như vậy. Họ bắn từ
chiều tối cho tới sáng sớm. Chỉ riêng đơn vị tôi đã mất một phần ba quân
số trong đêm đó.
Vảo buổi sáng ngày 7 tháng Năm, chúng tôi
phát hiện có những động thái mất kiểm soát của quân địch trong pháo
đài. Tuy chúng tôi không biết chính xác có việc gì xảy ra, nhưng chẳng
bao lâu sao đó chúng tôi nhận được lệnh tấn công. Vào lúc 14 giờ, tất cả
các đơn vị đều tiến về trung tâm của pháo đài. Đầu tiên, chúng tôi phải
chiếm đồi 507, việc mà chúng tôi đã không thành công trong đêm trước
đó. Nhưng bây giờ thì chúng tôi nhìn thấy rằng đạn pháo của chúng tôi đã
quét sạch mọi dây thép gai và những thứ bảo vệ khác. Chúng tôi có thể
đơn giản là chạy vào. Qua lần tấn công chớp nhoáng này, người Pháp đầu
hàng. Tất cả họ còn đứng ở trong các chiến hào của họ, nhưng quân lính
chúng tôi tới từ hai phía.
Sau khi đáng thắng đồi 507 thì tới 508 và
509. Ở đó chống cự rất yếu ớt. Bên kia hầu như không có bắn trả. Nằm
trên các đồi này chủ yếu là những người bị thương. Nhiều người trong số
họ đầu hàng, những người khác chạy về hướng pháo đài. Chúng tôi đuổi
theo họ cho tới cây cầu bắc qua sông Mường Thanh. Người Pháp đặt khẩu
súng máy bốn nòng mới của họ ở đây; chúng tôi phải dừng lại và chỉnh đốn
đội ngũ. Tôi với đơn vị tôi ở hàng đầu, thế là tôi ra lệnh ném lựu đạn.
Nhờ khói và những cột nước trên sông bảo vệ, chúng tôi xung phong lên,
tiêu diệt khẩu súng máy mở đường.
Chúng tôi là đơn vị đầu tiên tiến vào
trung tâm pháo đài. Khắp nơi đều có chiến hào. Chúng tôi bắn, hét to và
chạy về phía trước. Rồi chúng tôi tới một điểm cao và nhìn thấy bốn
chiếc xe tăng ở đó. Chúng tôi không biết đó đã là bộ chỉ huy của tướng
de Castries. Đồng đội tôi và tôi không biết tiếng Pháp. Chúng tôi chờ
cho tới khi người ta bắt được một trong số những người Việt cộng tác với
Pháp. Từ người này chúng tôi mới biết rằng chúng tôi đang đứng trước
hầm của viên chỉ huy. Chúng tôi quyết định tấn công.
Lúc đầu, chúng tôi sợ những chiếc xe
tăng; trước đó tôi còn chưa từng bao giờ nhìn thấy một chiếc. Đặc biệt
là tiếng ồn của động cơ và dây xích khiến cho chúng tôi e sợ. Tuy là
chúng tôi đã học cách làm sao chống lại xe tăng, nhưng trong hai lần đầu
thì chúng tôi không thành công. Lúc tấn công lần thứ ba, một đồng đội
và tôi quẳng hai gói bộc phá ngay trước nó, rồi nó nghiên sang một bên.
Trong lúc đó, chiếc xe tăng thứ nhì bị trúng đạn pháo, hai chiếc còn lại
bỏ chạy. Cùng với chúng, toàn bộ đơn vị Pháp có nhiệm vụ bảo vệ bộ chỉ
huy cũng bỏ chạy mất.
Chúng tôi đứng trước cửa hầm và kêu gọi
những người lính hãy đi ra, tất nhiên là bằng tiếng Việt. Nhưng họ không
hiểu chúng tôi, và thế là chúng tôi bắn và ném lựu đạn. Khi không có
phản ứng, tôi ra lệnh ném một khối bộc phá vào. Vì chúng tôi chỉ muốn
cảnh cáo nên chúng tôi đặt khối bộc phá này không sâu lắm. Vụ nổ gây ra
rất nhiều khói và mảnh bay tứ tung, rồi sau hai phút có một sĩ quan Pháp
xuất hiện trong bộ quân phục đầy đủ, tay cầm cờ trắng. Ông ấy dùng
tiếng Việt nói cho chúng tôi hiểu, rằng viên chỉ huy của pháo đài Điện
Biên Phủ chờ một sĩ quan cao cấp của Việt Minh để đầu hàng. Tôi thật sự
là giật mình, vì khái niệm “sĩ quan” vẫn còn chưa tồn tại ở chúng tôi,
và tôi cũng không biết đầu hàng phải ra làm sao. May mắn là có một viên
chỉ huy của chúng tôi đi tới. Ông ấy ra lệnh cho hai người lính canh giữ
mặt sau của công sự, rồi chúng tôi bước vào. Tôi là người đầu tiên đi
vào, sau đó là viên chỉ huy và đồng đội của tôi là người cuối cùng.
Người Pháp trong công sự nhìn thấy chúng tôi đi vào và cứ tiếp tục lui
về phía sau, đứng giơ tay lên ở đó. Chỉ có tướng de Castries là ngồi bất
động và không có phản ứng. Viên chỉ huy ra lệnh cho tôi bắt ông ấy.
Trong khoảng khắc đó, tôi sực nhớ lại hai từ trong tiếng Pháp, và thế là
tôi nói: “Giơ tay lên!” Ông ấy giật mình, đứng dậy, lui lại hai bước,
giơ tay lên và tuyên bố rằng ông đầu hàng.
Nói thật, vào lúc đầu, chúng tôi chưa
hiểu được tầm quan trọng chiến thắng của chúng tôi ở Điện Biên Phủ.
Chúng tôi chỉ muốn nhận lệnh cho những trận tấn công mới, để có thể giải
phóng toàn bộ quê hương. Chúng tôi lúc nào cũng tin vào một chiến
thắng, nhưng việc nó mang một tính quyết định tới như vậy thì lúc đó
chúng tôi thật không biết.
Claude Cheysson: Hội nghị Đông Dương ở Genève (1954)
Claude Cheysson trong những năm 50
làm việc trong Bộ Ngoại giao Pháp, ban đầu là cố vấn cho chính phủ Nam
Việt Nam. Ngoài những việc khác, ông đã từng là một người lính tham gia
trận Điện Biên Phủ (1954). Cuối cùng, Cheysson là một trong những nhà cố
vấn cho thủ tướng Pháp Pierre Mendès-France, cùng chuẩn bị Hội nghị
Đông Dương ở Genève và tham dự hội nghị này. Sau đó, ông lại được gởi
sang Việt Nam, để giải thích tại chỗ về các thỏa thuận giữa Pháp và
VNDCCH.
Tinh thần ở Pháp trước Hội nghị Đông
Dương tại Genève bị chia rẽ. Một mặt, trong người dân và cả trong chính
phủ Pháp hẳn là muốn có một thỏa thuận với Hồ Chí Minh và Việt Minh. Tôi
tin rằng ngay từ năm 1945, Tướng de Gaulle đã thích một thỏa thuận với
người Việt hơn. Nhưng mặt khác, chính những người cánh hữu của Pháp lại
không muốn từ bỏ Đông Dương. Với việc cử Đô đốc d’Argenlieu làm cao ủy
Đông Dương (1945), lực lượng này đã thành công trong việc củng cố vị trí
của họ.
Chúng tôi thật sự là đã không chuẩn bị
sẵn sàng trước cho cuộc chiến tiếp theo sau đó, cũng ít như người Mỹ sau
này. Việc sử dụng bộ binh và xe tăng tuy đã mang lại lợi thế cho chúng
tôi vào lúc ban đầu, nhưng sự kháng cự của người Việt không bị bẻ gãy.
Chúng tôi chiến đấu chống lại một dân tộc muốn có nền độc lập của họ. Và
chúng tôi chiến đấu chống lại một dân tộc đã chuẩn bị trước rất tốt,
được tổ chức chặt chẽ bởi chủ nghĩa cộng sản. Hồ Chí Minh đã lãnh đạo
cuộc chiến rất khôn ngoan: khi một đơn vị của ông bị tiêu diệt thì một
đơn vị khác bước vào chỗ của nó. Tự tôi đã trải qua việc đó khi còn ở
Việt Nam. Trước Điện Biên Phủ, với một lực lượng quân đội lớn, chúng tôi
đã tiêu diệt một sư đoàn Việt Minh với 300 người, nhưng trong năm sau
đó thì đã lại có nó.
Vì vậy mà sau này người Mỹ đã cố gắng làm
điều đó từ ở trên không và trong một vận tốc khủng khiếp. Nhưng mặc dù
nhiều thành phố ở Bắc Việt Nam bị hủy diệt hoàn toàn, chúng vẫn không có
ảnh hưởng quyết định tới kết cuộc của cuộc chiến. Người ta không thể
thắng một cuộc chiến chống lại những con người tự hào, quyết tâm, chiến
đấu vì nền độc lập của họ.
Trước khi đề cập tới diễn tiến tại Hội
nghị Đông Dương, tôi muốn nhận xét một chút về vai trò của người Mỹ giữa
1945 và 1954. Đầu tiên, họ không hề quan tâm tới khu vực này. Trong
thời gian tôi ở đó, 1952/53, viên đại sứ Mỹ ở Sài Gòn không hề cố gắng
gây ành hưởng tới chính sách của chúng tôi và chiến lược quân sự của
chúng tôi cho tới một lần. Tất nhiên là có nỗi lo sợ trước chủ nghĩa
cộng sản, nhưng không ai có thể tưởng tượng được chủ nghĩa cộng sản này
hoạt động như thế nào trong những vùng nông thôn của Đông Dương. Điều
này chỉ thay đổi khi chúng tôi bắt đầu tiến hành thương lượng thật sự
với Hồ Chí Minh. Ngoài ra, John Foster Dulles nhậm chức bộ trưởng Bộ
Ngoại giao Mỹ năm 1953, và người đàn ông đầy nghị lực này là một tông đồ
chống cộng sản. Nhưng chúng tôi không để cho ông và Hoa Kỳ ngăn chận
chúng tôi tổ chức một hội nghị với Hồ Chí Minh, vì cuối cùng thì chúng
tôi chịu trách nhiệm cho đất nước này chứ không phải người Mỹ.
Tại Hội nghị Đông Dương ở Genève, bên
cạnh phái đoàn Bắc Việt Nam và phái đoàn của chúng tôi cũng có các nhà
quan sát và trung gian người Mỹ, người Anh và người Nga. Và điều đó làm
cho sự việc rất hấp dẫn: Người Mỹ tới Genève để ngăn chận một hiệp ước
về nền độc lập của Việt Nam, vì họ lo sợ chủ nghĩa cộng sản lan truyền
đi ở khu vực châu Á. Người Anh thì lại giúp cho hội nghị thành công, vì
họ không quan tâm tới một xung đột trực tiếp với chủ nghĩa cộng sản ở
Trung Quốc hay Việt Nam – họ luôn trích dẫn ví dụ của nền độc lập Ấn Độ.
Kỳ lạ là người Nga cuối cùng cũng hướng tới một hiệp ước, vì các quan
hệ với Trung Quốc đã rất xấu ở thời điểm này và họ muốn ngăn chận việc
Trung Quốc mở rộng lãnh thổ mà Việt Nam phải trả giá. Sau đó, người Mỹ
cáo buộc chúng tôi tiến hành một liên minh với Liên bang Xô viết và chủ
nghĩa cộng sản, việc đã dẫn tới những căng thẳng giữa Thủ tướng Pháp
Mendès-France và Ngoại trưởng Mỹ Dulles một thời gian dài sau hội nghị.
Thế nhưng vào cuối hội nghị thì không có
hiệp định nào được ký kết giữa người Bắc Việt và chúng tôi cả, mà chỉ là
những thỏa thuận quân sự song phương. Nhưng điều quan trọng đối với tôi
là muốn nhận xét ở đây, rằng thái độ của Hoa Kỳ ở Genève đã thể hiện
rằng cuộc xung đột ở Đông Dương ngay từ 1954 đã phát triển trở thành một
cuộc chiến đấu chống cộng sản của người Mỹ ra sao.
Bây giờ thì nói về những cuộc đàm phán
trực tiếp ở Genève: Rõ ràng sau Điện Biên Phủ, Hồ Chí minh muốn có một
thắng lợi về chính trị đi tiếp theo sau thắng lợi về quân sự của ông ấy.
Ông ấy đương đầu với chúng tôi về ý tưởng chia cắt Việt Nam từ rất sớm,
mà đó là một yêu cầu tối đa; vì lực lượng Việt Minh của ông không chỉ
chiếm miền Bắc, mà còn chiếm cả nhiều phần lớn của miền Nam, và Hồ Chí
Minh không muốn từ bỏ những vùng đất đó. Chúng tôi vướng vào trong câu
hỏi khó khăn, rằng đường phân chia giữa Bắc và Nam cần phải chạy qua
đâu. Hồ Chí Minh yêu cầu đường ranh giới phải chạy sao cho Bắc Việt Nam
có biên giới với Lào và Campuchia, để có thể thiết lập quan hệ trực tiếp
với họ. Nhưng điều đó đối với chúng tôi là không thể chấp nhận được, và
lẽ ra thì tại điểm này là đã không thể tiến triển tiếp được, nếu như
người Nga không thuyết phục được Hồ Chí Minh từ bỏ yêu cầu này. Chúng
tôi còn đàm phán rất lâu về câu hỏi Việt Minh rút quân khỏi miền Nam và
về việc di tản thiểu số người công giáo từ miền Bắc vào miền Nam. Cuối
cùng thì chúng tôi đã có thể đạt tới một loạt thỏa thuận quân sự song
phương với người Bắc Việt, nhưng cũng cả với Lào và Campuchia. Kết quả
của Hội nghị Genève đối với chúng tôi là một sự nhẹ nhỏm lớn. Người dân
chúng tôi không còn muốn biết gì về cuộc chiến này và về Đông Dương nữa.
“Ra khỏi đó càng nhanh càng tốt!”, tinh thần là như vậy. Và tôi có thể
nói rằng tôi hãnh diện vì đã là thành viên của chính phủ thời đó và qua
đó mà đã đưa ra quyết định này.
Nhưng ngày nay thì bản thân tôi cũng tin
rằng đó là một sai lầm, rút lui nhanh chóng như vậy và bằng một cách phi
danh dự như vậy ra khỏi Việt Nam. Lẽ ra chúng tôi đã có thể ngăn chận
được những hành động bạo lực khủng khiếp nào đó. Nhưng lúc đó thì chúng
tôi không thể tác động để cho người Mỹ có một thái độ cư xử khác được.
Nếu như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dulles thể hiện nhiều tính xây dựng hơn
nữa thì chắc chắn là đã có thể có được những kết quả đàm phán tốt hơn.
Tôi nghĩ ví dụ như về một cơ chế có khả năng hoạt động được để thống
nhất Nam và Bắc Việt Nam. Điều đó lẽ ra đã tránh được cho người dân
nhiều sự khốn cùng. Nhưng chúng tôi đã không thể đạt được nhiều hơn nữa ở
Genève.
Pierre Salinger: De Gaulle đã cảnh báo Kennedy (1961)
Pierre Salinger là thuyền trưởng hải quân trong Đệ nhị Thế chiến, sau đó đã trở về với nghề nghiệp nhà báo ban đầu của ông và rồi là thư ký báo chí của John F. Kennedy.
Chuyến thăm viếng chính thức của John F.
Kennedy như là tổng thống Hoa Kỳ mới thắng cử năm 1961 đã dẫn ông sang
Pháp. Tôi đã ở đó từ sáu tuần trước và chuẩn bị cuộc gặp gỡ của ông với
Charles de Gaulle. Thế rồi chúng tôi đi xe về Paris. Kennedy yêu cầu tôi
tham gia các cuộc trao đổi, vì khác với ông, tôi biết nói tiếng Pháp và
ông quan tâm tới thông tin chính xác ngoài những người phiên dịch chính
thức. Đó là một cuộc gặp gỡ rất thú vị, và gây ấn tượng cho tôi đặc
biệt là lời nói gần như là khẩn nài của de Gaulles: “Anh đừng bước vào
cuộc chiến tranh với Việt Nam! Anh thấy những gì đã xảy ra cho chúng tôi
rồi. Chúng tôi đã thua cuộc chiến đó. Cả anh cũng sẽ thua nó!”
Trong mối liên quan này tôi cũng nhớ một
cuộc trao đổi rất lâu mà Kennedy đã tiến hành với thượng nghị sĩ Eugene
McCarthy trong mùa hè 1963, người trong Đệ nhị Thế chiến là người quan
trọng nhất của Hoa Kỳ cho châu Á. Sau đó, McCarthy vào phòng làm việc
của tôi và giải thích. “Bây giờ tôi nói với anh chính xác điều mà tôi
cũng đã nói với Kennedy. Ông ấy không bao giờ, không bao giờ nên tiến
hành chiến tranh ở Việt Nam, vì ông sẽ thua nó. Đó là một sai lầm.”
Trong tháng Mười một 1963, Kennedy gửi
tôi sang Tokio, để chuẩn bị cho chuyến đi thăm của ông, dự định là sáu
tuần tới. Ông nói với tôi trước khi lên đường: “Tôi sẽ tiến hành đối
thoại với Bắc Việt Nam và làm rõ rằng sẽ không có chiến tranh.” Máy bay
của tôi khởi hành vào ngày 22 tháng Mười một vào lúc sáu giờ sáng – ba
giờ sau đó, tôi nhận được tin là Kennedy đã bị giết chết.
Walt Whitman Rostow: Vũ khí hạt nhân chưa từng bao giờ được đưa ra tranh luận
Năm 1961, Walt Whitman Rostow trở
thành thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia và là giám đốc kế hoạch
của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Năm 1966 ông chuyển sang bộ tham mưu của tổng
thống Johnson làm cố vấn an ninh quốc gia. Nhà giáo sư kinh tế học này
là một trong những nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất trong cuộc Chiến
tranh Việt Nam. Ông muốn ngăn chận chủ nghĩa cộng sản ở khắp nơi trên
thế giới bằng cách can thiệp quân sự và giúp đỡ về kinh tế, và gọi Đông
Nam Á là “cuộc đối đầu lớn cuối cùng”. Rostow là người đầu tiên ủng hộ
ném bom Bắc Việt Nam và được xem là người thân cận của Johnson cho tới
cuối cùng. Năm 1969, ông từ chức và kể từ đó là giáo sư ở University of
Texas.
Tôi đã là cố vấn trong chính phủ
Eisenhower và tiếp theo sau đó đã làm việc trong Nhà Trắng từ ngày đầu
tiên của chính phủ Kennedy cho tới ngày cuối cùng của chính phủ Johnson.
Vào đầu những năm sáu mươi, Kennedy gởi tôi sang Nam Việt Nam, vì ông
rất quan tâm tới tình hình trong đất nước này. Tôi có nhiệm vụ thăm dò
tình hình qua trao đổi tại chỗ. Trong đó, tôi liên hệ với những người
ủng hộ cũng như với những người chống lại nguyên tổng thống Ngô Đình
Diệm. Tôi còn nói chuyện với năm hay sáu người cộng sản nữa, để có được
một ấn tượng đầy đủ về tình hình, đặc biệt là về việc người dân ở miền
Nam có muốn sự độc lập của họ hay không. Tôi đi tới kết luận – và cũng
cho Kennedy biết – rằng dân tộc Việt Nam rất manh mún, nhưng nói chung
là không nên để cho Hà Nội nắm quyền: chỉ khoảng 17 phần trăm người Nam
Việt là ủng hộ người cộng sản.
Tình hình trong nước thời đó rất không ổn
định. Cả quan hệ của chúng tôi với Diệm và đặc biệt là với người em Ngô
Đình Nhu của ông đều ngày một căng thẳng hơn. Đó là một thời kỳ rất khó
khăn. Rồi năm 1963/64 có cuộc khủng hoảng Phật giáo, sau đó là các cuộc
khủng hoảng chính trị khác. Thêm vào đó, năm 1964 người Bắc Việt quyết
định gởi quân đội chính quy vào Nam. Nhưng chúng tôi đã có mặt ở đó với
những lực lượng quân đội lớn ngay từ 1965 và có thể ghi nhận nhiều thành
công về quân sự trong hai năm tiếp theo sau đó.
Chúng tôi đã biết trước đợt tấn công Tết
Mậu Thân 1968 ngay từ giữa tháng Mười một/đầu tháng Mười hai năm 1967.
Chiến dịch này đã trở thành một thất bại đáng sợ về quân sự và chính trị
cho người cộng sản và là một thành công lớn cho quân đội Mỹ và Nam
Việt.
Tôi cũng không tán thành cách thức tiến
hành chiến tranh ở Việt Nam. Theo tôi, trong lịch sử chưa từng bao giờ
có một cuộc chiến chống du kích thành công khi có biên giới mở. Ở đây
còn có tới hai, biên giới với Lào và biên giới với Campuchia. Trên con
đường mòn Hồ Chí Minh xuyên biên giới, người Bắc Việt đi vào Nam và cũng
đi ra từ đó. Thời đó, tôi đã kêu gọi ngăn chận con đường mòn này bằng
bộ binh Mỹ, thế nhưng tổng thống Johnson không muốn mở rộng chiến sự ra
khỏi Việt Nam. Tôi nghĩ – nhưng đây hoàn toàn chỉ là ý kiến cá nhân của
tôi thôi – rằng ông cũng như Ngoại trưởng Dean Rusk của ông vẫn còn chịu
ấn tượng quá mạnh về lần người Trung Quốc bước vào cuộc Chiến tranh
Triều Tiên.
Không vào thời điểm nào, cả dưới thời
Kennedy lẫn dưới thời Johnson, mà có cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân ở
Việt Nam cả. Cả hai tổng thống đều cương quyết bảo vệ vị trí của Phương
Tây, nhưng không phải với cái giá của một cuộc chiến tranh hạt nhân, cái
có những hậu quả thật đáng sợ cho toàn thể nhân loại.
Peter Arnett: Kết thúc của Ngô Đình Diệm (1963)
Peter Arnett làm việc cho hãng thông
tấn Associated Press (AP) từ 1962 cho tới 1975 ở Việt Nam và qua đó là
phóng viên lâu năm nhất ở tại chỗ. Các bài viết mang nhiều tính phê phán
của ông thường không làm cho giới quân đội Mỹ và chính phủ Nam Việt Nam
hài lòng. Đối với nhiều người, ông là thông tính viên tốt nhất của
Chiến tranh Việt Nam. Mới đây, ông cũng nổi tiếng qua những bài tường
thuật riêng cho CNN từ Chiến tranh vùng Vịnh chống Iraq.
Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ tương đối kiêu
ngạo khi tới Việt Nam. Lúc đầu, người Pháp đã thất bại ở đất nước này.
Chính sách của họ, chính sách mà với nó, họ muốn tái chiếm vương quốc
thuộc địa của họ sau Đệ nhị Thế chiến, đã thất bại. Họ đã thua một loạt
các trận đánh lớn. Nhưng Hoa Kỳ không vì vậy mà e sợ. Các sĩ quan Mỹ mà
tôi gặp vào đầu những năm sáu mươi gọi nổ lực của người Pháp là nửa vời.
Lời bình của họ: “Chúng tôi đã cứu thoát người Pháp hai lần trong thế
kỷ này rồi, trong Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến, và chúng tôi chắc chắn là
chúng tôi có thể cứu thoát họ thêm một lần nữa. Chúng tôi đi vào đó.
Chúng tôi có thể chiến thắng xung đột này.” Tức là người Mỹ không những
quên bài học từ chiến bại của người Pháp. Không, họ lao vào sự việc và
tin rằng: Nếu anh nhét đủ tiền vào trong đó thì anh đã thắng rồi! Vì Hoa
Kỳ cho rằng họ cần phải làm tròn một nhiệm vụ trên khắp thế giới và cứu
thoát nhân loại ra khỏi chủ nghĩa cộng sản. Họ thật sự tin như vậy. Và
họ bước vào cuộc xung đột với niềm tin này. Họ không nhìn thấy tài tổ
chức của phe cộng sản, không chú ý tới tình hình quân sự đang đi tới
khủng hoảng, không cảm nhận được nhiệt tình đấu tranh của người cộng
sản. Tính toán rất đơn giản: “Chủ nghĩa cộng sản là xấu xa, chúng ta
chiến đấu cho một sự việc tốt hơn, tức là chúng ta sẽ chiến thắng.”
Người Mỹ nhận ra quá muộn, rằng tự hào
quốc gia đóng vai trò quyết định ở bên phía Việt Cộng. Đó hoàn toàn
không phải là về chủ nghĩa cộng sản. Người Bắc Việt không hề nghĩ tới
việc đó khi họ chiến đấu chống tổng thống Diệm. Họ nhìn người Mỹ như là
những ông chủ thuộc địa mới. Những người này thì lại nói ngược lại:
“Chúng tôi không phải là thế lực thuộc địa! Chúng tôi muốn xây dựng một
nền dân chủ ở đây!” Các nhà chiến lược chính trị Mỹ hoàn toàn không hiểu
đối phương muốn gì. Chính họ cũng không biết gì về Việt Nam, không nhìn
người Việt như là một quốc gia độc lập, ở bên ngoài của chủ nghĩa cộng
sản và dân chủ. 2000 năm trời, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam hoàn toàn
không quan tâm tới những ý thức hệ khác ở bên ngoài. Họ là người Việt,
có là người cộng sản hay người dân chủ cũng thế, trước hết thảy, họ là
người Việt.
Thế nhưng tôi vẫn chưa có được những nhận
định đó khi tôi được hãng thông tấn Associated Press (AP) gửi sang Việt
Nam năm 1962. Đã xảy ra một vài vụ việc mà trong đó có người Mỹ bị giết
chết – bởi những người mà Hoa Kỳ gọi là những kẻ khủng bố và người cộng
sản gọi là những người chiến đấu cho hòa bình. Tình hình ngày một nóng
lên. Tổng thống John F. Kennedy tuyên bố rằng Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ
phải chiến đấu chống lại bất cứ sự hung hãn nào và bảo vệ bất cứ người
bạn nào, và Nam Việt Nam được xem là bạn, và điều đó tất nhiên đẩy mạnh
sự tham gia của Mỹ. Dường như đã đến lúc phải tường thuật nhiều hơn.
Thời đó, điều thú vị đối với tôi và các
phóng viên trẻ tuổi khác là việc Hoa Kỳ bước dần vào cuộc chiến như thế
nào. Giữa 1962, họ có khoảng 8000 tới 10.000 cố vấn quân sự tại chỗ, đưa
ra những lời khuyên bảo cho người Nam Việt, cũng cùng đi chiến đấu với
họ, nhưng không có quyền chỉ huy những lực lượng này. Rồi 1962/1963
người Mỹ ngày càng đi theo hướng chiến trường. Nhưng ở ngoài đó, bất
thình thình họ bị tổn thất. Ví dụ như 100 lính Mỹ bị giết chết năm 1964
trong một trận đánh.
Sự phát triển mà giới nhà báo chúng tôi
tập trung vào là việc Hoa Kỳ thật sự tiếp nhận lấy quyền chỉ huy trong
cuộc chiến này ra sao mà giới công chúng không biết tới. Chính phủ
Kennedy ở Washington và sứ quán Mỹ ở Sài Gòn rất tức giận về những câu
chuyện chúng tôi viết, nói về sự phản bội niềm tin. Ở một mặt, người ta
có những thông báo chính thức về tình hình, mặt khác là những tuyên bố
mà ví dụ như “New York Times”, “Washington Post” và AP đưa ra, và hoàn
toàn trái ngược với những tuyên bố của chính phủ. Vì thế mà ngay từ đầu
đã có cuộc tranh luận, điều gì đã xảy ra thật sự ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, đó là một cuộc chiến mà báo
chí không bị bịt miệng. Nhà báo chúng tôi có thể bay cùng trong trực
thăng, tháp tùng các đơn vị Mỹ hay Nam Việt, đi xe xuyên qua đất nước và
tường thuật về tất cả. Nhưng cũng khó nói thật ra đó là một loại chiến
tranh gì. Có rất ít những trận đánh lớn. Trong hầu hết thời gian của
cuộc chiến, quân đội lùng sục trong rừng rậm để tìm các đơn vị cộng sản.
Trong lúc đó đã xảy ra những trận chiến tự phát ở trên vùng rừng núi,
rất khó mà quan sát được. Tức là tướng Westmoreland chỉ huy và tổng
thống Johnson có thể quả quyết: Chúng ta chiến thắng!, mặt khác, phóng
viên chúng tôi đi ra chiến trường và nói: Chúng ta thua trận! Rất khó
đánh giá tình hình, vì không có vùng đất nào được chiếm lấy hay bị mất
đi. Trong Đệ nhị Thế chiến, ngay ở Triều Tiên, người ta có thể xác định
được diễn tiến của cuộc chiến qua những vùng đất chiếm được: Có được một
thành phố, một làng, một đất nước không? Nhưng ở Việt Nam thì tất cả
chỉ diễn ra ở trong rừng.
Đánh giá tình hình chiến sự là một việc
rất khó khăn. Chúng ta thua hay chúng ta thắng? Khó mà nói được. Thời
đó, một vài khái niệm không được ưa chuộng đã trở nên quen thuộc:
“bodycount” (con số xác chết) và “killration” (tỷ số giết chết).
“Bodycount” xuất hiện rất sớm trong cuộc chiến, như là một cố gắng để
chứng tỏ tiến bộ. Phía Mỹ không thể xác định thành công của họ qua đất
đai chiếm được. Thế là người ta đếm xác chết, để đo đạc ưu thế. Nhưng
tại một cuộc chiến tranh trong rừng rậm thì điều đó là không thực tế, vì
người cộng sản luôn luôn mang những người đã hy sinh của họ ra khỏi
chiến trường với kỷ luật thật cao; không thể đếm họ được. Thế là quân
đội Mỹ phát triển quy tắc để ước đoán một cách chung chung con số người
chết theo số lượng đạn được bắn đi. Theo công thức đếm xác chết này thì
sau hai năm, toàn bộ chiến binh của đối phương đã bị giết chết hết. Tức
là hoàn toàn không đúng. “Killratio” là một cố gắng khác để thể hiện
thành công trong chiến cuộc. Cứ nói là có 100 người lính Mỹ đã hy sinh
trên cao nguyên đi, người sĩ quan Mỹ sẽ thể hiện điều đó như thế này:
“Okay, chúng tôi đã mất 100 người, nhưng bù vào đó thì chúng tôi đã giết
chết 4000 người cộng sản. Tức lỷ lệ giết chết là…” Cả nó cũng là một
phương pháp không thực tế. Mặc dù vậy, cả hai vẫn được sử dụng cho tới
khi chiến tranh kết thúc.
Khi tôi sang Việt Nam năm 1962, tình hình
rất căng thẳng vì Việt Cộng đã tăng cường mạnh quân đội của họ; có
khủng bố ở Sài Gòn, nhà hàng bị cho nổ tung, rất nhiều vị trí quân sự có
bao cát bảo vệ được thiết lập, dây kẽm gai ở khắp nơi. Một tổ chức
chính trị Phật giáo tấn công chính phủ Công giáo La Mã của tổng thống
Ngô Đình Diệm, tố cáo họ ngược đãi bất cứ ai không phải là người Công
giáo. Nhiều vụ việc mà trong đó có những người biểu tình Phật giáo tử
vong đã khiến cho sự lộn xộn trở nên hoàn hảo. Thường có biểu tình ở Sài
Gòn và đàn áp công khai. Qua đó, một tình huống đã thành hình mà Hiệp
Chúng Quốc Hoa Kỳ phải hành động.
Trong mùa hè 1963, thái độ của Mỹ đã rõ:
hoặc là Diệm phải thích ứng hoặc là người ta phải bỏ ông, vì những sự
tàn bạo của ông đối với người Phật giáo đang có nguy cơ phát triển thành
những dòng tít báo ở khắp nơi trên thế giới. Đã có những vi phạm đối
với người dân thường, nhà sư tự thiêu công khai. Việt Nam gây sự chú ý
nhiều hơn là chính phủ Hoa Kỳ muốn. Họ không muốn cả thế giới nói về
Việt Nam, họ muốn tiến hành những chiến dịch của họ trong sự im lặng.
Thế là đại sứ Henry Cabot Lodge sang để quở trách tổng thống Diệm. Ông
nói với ông ấy: “Anh đã hành xử như một thằng ngốc. Anh phải thỏa thuận
như thế nào đó với người Phật giáo.” Thế nhưng người này thì lại cứng
đầu, từ chối và cho phép người của ông, tức là người em trai của ông,
tiếp tục tiến hành những điều tàn bạo nhất; không thể khép ông ấy vào kỷ
luật được.
Điều này là giọt nước làm tràn cái ly
đầy: “Chúng ta không thể cứ chiều theo gã này mãi được. Hắn khiến cho cả
thế giới chống lại chúng ta. Chúng ta phải bỏ hắn!” Qua đó thì đã rõ là
cần phải làm gì. Các cơ quan quân sự ở Sài Gòn thông báo cho các phóng
viên, rằng câu trả lời có thể là một cuộc đảo chánh – lúc nào đó. Rồi
trong đầu mùa thu, những tiếng nói chống Diệm trong giới truyền thông
bắt đầu lớn hơn, và một vài người hiểu điều đó như là một sự khuyến
khích cho giới quân đội hãy đứng dậy chống lại ông ấy. Chính cuộc nổi
dậy thì lại là một việc bí mật. Ngày nay, chúng ta biết rằng tổng thống
Kennedy đã chấp thuận cuộc đảo chánh, nhưng không đồng ý giết chết Diệm
và người em trai của ông; ông tương đối bị sốc khi biết được điều đó.
Nhưng các viên tướng Việt Nam thì nghĩ rằng họ không có sự lựa chọn.
Không giết chết Diệm có nghĩa là thêm một xung đột chính trị nữa. Tất
nhiên là họ không muốn cho phép điều đó, họ muốn có một sự kết thúc dứt
khoát.
Lúc đó, tôi ở trong một nhóm dự án nhỏ
của AP, văn phòng của chúng tôi nằm đối diện với dinh tổng thống Sài
Gòn. Vào trưa ngày 1 tháng Mười một 1963, chúng tôi nghe tiếng súng nổ ở
ngay trước cửa sổ của chúng tôi. Sau một giờ thì đã rõ rằng đó là cuộc
tấn công chính. Chúng tôi rời văn phòng của chúng tôi, vì nó nằm trong
tầm đạn, và ngụ tại một khách sạn cách đó ba con đường. Vào sáng ngày
hôm sau, khi hết tiếng súng bắn, chúng tôi đi vào dinh và phỏng vấn các
viên tướng đã tổ chức cuộc đảo chánh. Tất cả đều diễn ra trên một vùng
khoảng một dặm vuông, người ta có thể đi bộ tới tất cả các điểm nóng.
Cuộc đảo chánh Diệm nhận được sự đồng
tình lớn ở Sài Gòn và trong các thành phố lớn khác, vì chính quyền này
đã khiến cho đa số Phật giáo của người dân chống lại nó. Người dân nhảy
múa trên đường phố, rất hạnh phúc, vì họ cảm nhận được là vị tổng thống
đã muốn ép buộc Công giáo lên đất nước họ. Họ cũng không ưa cách làm
việc tham nhũng của Diệm; ông ta đã trao quyền lực cho người của ông ở
khắp nơi. Đó là một cuộc đảo chánh rất được lòng dân. Những viên tướng
thực hiện nó đã được chào mừng như những người anh hùng của dân tộc.
Thật không may là họ không thể thỏa thuận với nhau rằng ai cần phải nắm
lấy quyền lực. Thế là có cả một loạt đảo chánh tiếp theo trong năm sau
đó, những cái đã đẩy đất nước vào trong sự hỗn loạn.
Sau khi Diệm không còn nữa, phải cần tới
hai năm mới tạo được một tình hình chính trị ổn định ở Nam Việt Nam. Đó
là khi một giới lãnh đạo quân đội dưới sự chỉ huy của tổng thống Nguyễn
Văn Thiệu thành hình. Ông nắm quyền từ 1966 cho tới khi chiến tranh chấm
dứt, có được sự ủng hộ của quân đội do là một viên tướng lãnh. Nguyễn
Cao Kỳ, một người nổi tiếng của Không lực Nam Việt Nam, tham gia chính
phủ của ông. Nhưng cả chính quyền này cũng không có tham vọng nào về dân
chủ và bầu cử tự do.
Cuộc Chiến tranh Việt Nam của Mỹ (1964 – 1968)
Barry Zorthian: Năm năm khó khăn ở Việt Nam (1963 tới 1968)
Barry Zorthian lúc đầu làm việc cho
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Từ 1964 cho tới 1968 ông là người phát ngôn của
chính phủ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Bên cạnh chức vụ là người liên lạc với
giới truyền thông, ông còn chỉ huy các chiến dịch tâm lý ở Việt Nam. Sau
các hoạt động cho chính phủ, Zorthian làm việc cho Timing Corporation
(“Time Magazine”).
Tôi ở Việt Nam trong thời của Kennedy.
Sau vụ ám sát Diệm đã có thay đổi về nhân sự. Trong tháng Mười Một 1963,
chính phủ gởi một đội ngũ mới sang Việt Nam. Tôi là thành viên của nhóm
này.
Về vụ ám sát Ngô Đình Diệm thì tôi tin
rằng chính phủ của chúng tôi đã đưa ra sự đồng ý của họ – hay tốt hơn:
Khi họ biết được kế hoạch đó qua đại sứ Cabot Lodge của họ thì họ không
phản đối. Chúng tôi đã nói chuyện với Lodge về vụ ám sát Diệm. Cho tới
tháng Sáu 1964, tôi phục vụ dưới quyền chỉ huy của ông, rồi ông trở về
Hoa Kỳ để rồi một năm sau đó lại làm việc như là đại sứ ở Sài Gòn. Nhưng
ông không bao giờ thừa nhận rõ ràng là đã đồng ý với vụ mưu sát.
Năm 1964 là một năm rất bận rộn cho những
người làm việc cùng với người Nam Việt. Cứ mỗi lần chúng tôi quay người
lại thì có một chính phủ mới nhậm chức. Bên cạnh đó còn có rất nhiều
nhóm riêng lẻ và nhiều giáo phái khác nhau trong cuộc sống dân sự. Đó là
một thời kỳ hết sức khó khăn, không chỉ cho người dân thường và chính
trị gia mà còn cả cho quân đội.
Liên lạc giữa chúng tôi và chính phủ Nam
Việt Nam rất thất thường. Người Mỹ chúng tôi đến từ một nền văn hóa có
cấu trúc hoàn toàn khác. Tôi không chắc chắn là liệu chúng tôi đã có lần
nào thật sự thấu hiểu hay không. Điều đó dẫn tới đủ mọi khó khăn. Người
Việt giải quyết công việc theo cách của họ, người Mỹ theo cách khác.
Năm 1964 có khoảng 25.000 cố vấn quân sự
Mỹ ở trên mọi bình diện của quân đội Việt Nam. Nhiệm vụ của họ bao gồm
cho tới việc cùng tích cực tham gia vào các chiến dịch quân sự. Nhưng
chúng tôi cũng phát triển chương trình xây dựng cho các lĩnh vực nông
nghiệp, y tế và giáo dục mà đã có hàng triệu bạc được đổ vào trong đó.
Chúng cũng cho thấy có tác động, nhưng không dẫn tới thành công như đã
được hy vọng trước đó. Tự người Việt Nam thì lại hỗ trợ và thúc đẩy
chúng không được hiệu quả cho lắm. Điều làm cho chúng tôi đau đầu suốt
cả cuộc chiến là khả năng yếu kém của chính phủ Nam Việt Nam trong trao
đổi với người dân của họ. Việt Cộng thành công nhiều hơn là chính phủ ở
Sài Gòn rất nhiều trong việc đi đến các làng mạc và trở thành một phần
của người dân.
Cũng có những chương trình để củng cố
làng mạc. Từ giữa cho tới cuối những năm sáu mươi đã có nhiều vùng được
bảo vệ tương đối tốt, nhưng tất nhiên đó không phải là một thành công
khắp nước. Trong thời gian này tôi thường hay chán nản, muốn bỏ cuộc.
Tôi đi về tỉnh năm lần trong một năm, những nơi mà các cố vấn nói rằng
vùng của họ được củng cố rất tốt, và sau khi tôi nghe cùng một câu
chuyện tới năm lần và tỉnh đó vẫn còn chưa được an toàn thì tôi tự nói
rằng đã đến lúc nên ra đi.
Rồi vụ vịnh Bắc Bộ xảy ra. Có nhiều tranh
cãi lớn về việc đã thật sự xảy ra những gì, liệu người Bắc Việt có thật
sự bắn vào tàu khu trục Mỹ hay không. Nhưng cho dù từ lý do gì và với
lời biện bạch nào đi nữa – bây giờ thì chúng tôi tiến hành hai vụ không
kích đầu tiên. Tại thời điểm này, cuộc chiến dường như đã sắp sửa đến.
Vào thời điểm này cũng có những báo cáo đầu tiên của tình báo, rằng các
đơn vị có tổ chức của Bắc Việt bắt đầu thâm nhập vào miền Nam. Điều này
bị phủ nhận, nhưng các phân tích được tiến hành sau đó đã xác nhận nó.
Bắc Bộ là tháng Tám. Trong tháng Mười
Một, đại sứ Taylor về Washington để trao đổi với tổng thống Johnson vừa
đắc cử. Taylor tuyên bố với người cố vấn: “Tôi sẽ nói với tổng thống
rằng chúng ta cần nhiều quân lính hơn ở đây.” Cuối cùng rồi trong tháng
Hai 1965, chúng tôi cũng có được một căn cứ Mỹ ở Pleiku, ở trên cao
nguyên. Vào thời gian này, chủ tịch hội đồng bộ trưởng Nga đang ở Hà
Nội, và người Bắc Việt có thể nghĩ rằng vì sự hiện diện của ông ấy mà
chúng tôi sẽ không làm gì. Nhưng đó là thời điểm mà chúng tôi bắt đầu
không kích.
Cuộc chiến không bao giờ được tuyên bố.
Tổng thống Johnson diễn giải nghị quyết của Quốc Hội về Bắc Bộ là Quốc
Hội ủy quyền cho ông sử dụng mọi phương tiện mà ông cho rằng cần thiết
tại các chiến dịch quân sự của ông. Khi bắt đầu sử dụng tới quân đội Mỹ
thì điều đó được biện minh rằng họ thể hiện một hàng rào phòng thủ cho
các căn cứ không quân của chúng tôi; chúng tôi có một ở Đà Nẵng, một ở
Biên Hòa và một vài căn cứ nữa. Lúc đầu, các lực lượng này thật sự là
cũng tiếp nhận những vị trí phòng thủ. Nhưng rồi họ được quyền đi tuần ở
ngoài hàng rào phòng thủ, để bảo vệ chúng. Bước kế tiếp là cứu các đơn
vị Việt Nam gặp nguy về mặt quân sự; thế là lính Mỹ có thể hành quân và
giúp đỡ họ. Rồi được tự động thêm vào là việc quân đội Mỹ được phép hoạt
động độc lập.
Việt Cộng rất khéo léo, đặc biệt vì trang
bị của họ không có yêu cầu cao cho lắm. Đó luôn là một luận điểm của
tôi, rằng không có đơn độc một cuộc Chiến tranh Việt Nam, mà đó là một
loạt nhiều cuộc chiến. Một cuộc chiến diễn ra trong thời người Pháp, một
cuộc chiến khác trong thời kỳ của Diệm, một cuộc thứ ba trong thời du
kích, chấm dứt vào khoảng 1965. Trong diễn tiến của năm 1965, nó trở
thành một cuộc chiến mang tính thông thường hơn nhiều, có những đơn vị
lớn tham gia. Chúng tôi không được trang bị lẫn đào tạo cho chiến thuật
của một cuộc chiến tranh du kích. Quân đội của chúng tôi được tổ chức
theo cách chúng tôi có một cơ sở mang tính hậu cần quá nặng, quá nhiều
lực lượng ở phía sau và không đủ ở tiền tuyến.
Tôi rời Việt Nam trong tháng Bảy 1968,
nhưng còn trải qua đợt tấn công Tết Mậu Thân trước đó. Tết là ngày lễ
quan trọng nhất ở Việt Nam, giống như năm mới và Giáng Sinh và lễ Tạ ơn
và lễ Phục Sinh cùng với nhau. Chúng tôi đang ở trong trung tâm thành
phố. Tết có truyền thống ngưng bắn. Gia đình sum họp, quân lính được
nghỉ phép, đó chính là thời điểm để ăn mừng, chăm lo cho các quan hệ gia
đình và để giải quyết các vấn đề. Trong đêm đó có một vài trận chiến ở
các tỉnh phía bắc, và vào ngày sau đó thì trận tấn công Tết Mậu Thân bắt
đầu, vào ngày 31 tháng Giêng. Chúng tôi phải chịu lực đập mạnh nhất,
cuộc tấn công vào sứ quán. Tôi nắm liên lạc với tất cả các hoạt động
quân sự và có nhiệm vụ trả lời các câu hỏi của nhà báo.
Thật ra thì Tết Mậu Thân là một chiến
thắng cho cả hai bên. Việt Cộng chắc chắn là không thắng theo ý nghĩ
quân sự, nhưng mà về mặt tâm lý. Điều đó có tác động hết sức lớn ở Hoa
Kỳ và cả ở châu Âu. Đó là những hình ảnh từ sứ quán, hình ảnh của các
nạn nhân là người Mỹ, về những trận chiến kéo dài thu hút sự chú ý của
giới truyền thông.
Cái gây đau thương nhiều nhất cho nước Mỹ
là những người chết, những cái bao đựng xác chết trở về. Tôi nhớ ví dụ
như Life Magazine. Có một số phát hành công bố hình ảnh của từng người
hy sinh, đầy khoảng ba hay bốn trang, chỉ có đầu và vai. Một việc như
vậy có tác động của nó.
Nhiều người trong quân đội đã đổ lỗi thất
bại trong cuộc Chiến tranh Việt Nam về cho giới truyền thông. Lúc nào
cũng có một con số đáng kể những nhà báo đứng đối diện hết sức phê phán
với cuộc chiến. Chắc chắn là chúng tôi đã đưa ra mỗi một mẩu thông tin
mà chúng tôi có, nhưng tất nhiên là truyền thông có quyền tự do xem xét
lại các diễn giải của chính phủ; và họ cũng đã làm điều đó, và việc rất
hay xảy ra là các thông cáo chính thức đã không thể đứng vững được. Tôi
có một sự tôn trọng rất lớn cho nhiều nhà báo ở Việt Nam, nói chung thì
họ đã làm được những việc xuất sắc. Và họ phần lớn là chính xác – chính
xác hơn chính phủ, nếu người ta muốn nói như vậy.
Thất thủ Sài Gòn là một trong những
khoảng khắc đáng xấu hổ nhất cho tôi – và tôi nghĩ rằng – cũng cho cả
Hoa Kỳ nữa. Tấm ảnh đáng sợ của cuộc chạy trốn từ trên nóc nhà của sứ
quán, nơi chiếc trực thăng rước đi những người cuối cùng … Lần nào tôi
cũng cảm thấy xấu hổ, rằng chúng tôi đã đơn giản là bỏ mặc người Việt
cho số phận của họ. Nó tượng trưng cho việc chúng tôi không phải thua
một trận đánh mà là một cuộc chiến.
Nguyễn Cao Kỳ: Thống nhất là mục tiêu lịch sử của mọi người Việt
Nguyễn Cao Kỳ là thủ tướng từ 1967
tới 1967 và phó tổng thống Nam Việt Nam từ 1967 tới 1971. Sinh ra ở gần
Hà Nội, ông học tại một học viện quân đội Việt Nam vào cuối những năm 40
và sang Paris từ 1951 cho tới 1954 để được đào tạo thành phi công. Sau
cuộc đảo chính Diệm năm 1963, ông chỉ huy lực lượng Không quân Nam Việt
Nam. Trong thời gian nhậm chức thủ tướng, ông đã phá vỡ lực lượng đối
lập của Phật giáo trong đất nước với những biện pháp tàn bạo, chạy sang
Hoa Kỳ năm 1975 dưới sự bảo vệ của người Mỹ và ngày nay là doanh nhân ở
đó.
Vào cuối cuộc chiến tranh chống Pháp –
sau Hiệp định Genève năm 1954 – Việt Nam bị chia ra thành miền Bắc và
miền Nam. Nam Việt Nam trở thành một cái gì đó giống như tiền đồn của
cuộc Chiến tranh Lạnh. Đó không phải là quyết định của nhân dân Việt
Nam, đó là một thỏa thuận của các cường quốc.
Chúng tôi gọi miền Bắc là vệ tinh của Nga
và họ gọi chúng tôi là bù nhìn của Mỹ. Cả hai đều không đúng: chúng tôi
là những người dân tộc chủ nghĩa, là người Việt. Chúng tôi đã và đang
là một nước nhỏ và nghèo. Tôi thật đau lòng khi một vài người vẫn còn
nghĩ rằng chúng tôi chiến đấu cho Hoa Kỳ hay cho ai đó, nhưng không cho
Việt Nam. Ngày nay, đất nước lại thống nhất. Đó là mục tiêu lịch sử của
mọi người Việt. Tất nhiên là chúng tôi phải giải quyết nhiều vấn đề; có
kẻ thắng và người thua. Và có nhiều điều tàn ác trong vòng 25 năm vừa
qua trong người Việt, nhưng chúng tôi đã đạt tới mục tiêu của chúng tôi –
thống nhất đất nước.
Đầu những năm sáu mươi, chính phủ Nam
Việt Nam bắt đầu yếu đi. Có những căng thẳng trầm trọng với người theo
đạo Hồi và đạo Phật. Vào thời gian này, tôi là sĩ quan cấp dưới, không
tham gia hoạt động chính trị. Sau lần giết chết Diệm trong tháng Mười
một 1963, Nam Việt Nam bước vào một thời kỳ hết sức không ổn định. Có
đảo chính và phản đảo chính, hầu như mỗi ngày, mỗi tuần. Trong vòng hai
năm – từ 1963 tới 1965 – có cho tới bảy hay tám chính phủ quân đội và
dân sự khác nhau. Chính phủ cuối cùng trước nhiệm kỳ của tôi là một
chính phủ dân sự. Người đứng đầu nhà nước thuộc một đảng khác với thủ
tướng. Thế là họ chống nhau và vì vậy mà cuối cùng không thể cầm quyền.
Vào một đêm nào đó, chúng tôi nhận được
một lời yêu cầu từ người đứng đầu nhà nước và thủ tướng, hãy tới tìm họ
trong văn phòng nhà nước. Khi chúng tôi đến đó, họ tuyên bố: “Chúng tôi
từ chức và giao quyền lực cho các anh, giới quân đội.” Lúc đầu, chúng
tôi cố thuyết phục họ đừng từ chức, vì sau bao nhiêu đảo chính và phản
đảo chính chúng tôi thật sự là đã quá chán ngán chính trị vào thời gian
này. Chúng tôi không muốn bị lôi kéo vào việc đó. Chúng tôi cố thuyết
phục họ năm, sáu tiếng, nhưng vào khoảng một giờ sáng thì lời nói không
của họ là chắc chắn. Hết sức mệt mỏi, chúng tôi trở về nhà, để rồi lại
gặp nhau vào ngày hôm sau – lần này thì chỉ những người chủ huy quân
đội. Chúng tôi phải thành lập một chính phủ mới, để nghị một vài cái
tên, nhưng không ai muốn nhận lấy trách nhiệm nặng nề này. Thật là kỳ
lạ: trước đó thì tất cả đều tranh giành lấy chức vụ này, rồi thì không
ai muốn nó. Hai ngày sau đó, người ta đến gặp tôi và đề nghị tôi. Nếu đó
là ý muốn của quân đội và nhân dân thì tôi còn phải nói gì? Thế là vào
ngày hôm sau đó, tôi trở thành thủ tướng trẻ tuổi nhất của toàn cuộc
chiến. Tôi chưa từng bao giờ xin vị trí đó, chưa từng bao giờ tranh
giành nó, tôi là người lính, phi công lái máy bay chiến đấu. Nhưng là
người châu Á thì tôi tin vào số phận.
Sau cuộc họp đó, quân đội mời tôi nhận
trách nhiệm lập chính phủ, để bình thường hóa tình hình. Tôi rất hãnh
diện, rằng tôi đã làm tròn nhiệm vụ của mình – lo ổn định, phác thảo một
hiến pháp mới và tiến hành bầu cử. Sau đó, tôi từ chức, để trở về với
quân đội. Nếu như tôi ham muốn quyền lực thì tôi đã có thể ngồi lại trên
ngai vàng của tôi, vào lúc đó, tôi là người có nhiều quyền lực nhất ở
Việt Nam. Nhưng tôi ghét chính trị. Người ta không thể là một nhà chính
trị thành công khi người ta thật thà.
Vấn đề lớn nhất là toàn bộ sự lộn xộn mà
tôi phải tiếp nhận sau hai năm tranh cãi nội bộ. Thêm vào đó là xâm lược
của miền Bắc. Đó là một việc rất khó khăn, khi chúng tôi phải chống lại
quân du kích và thêm vào đó là quân đội chính quy Bắc Việt. Là sai lầm
khi nói rằng cuộc Chiến tranh Việt Nam mà một cuộc xung đột chỉ giữa Nam
Việt Nam và Việt Cộng hay chỉ giữa Mỹ và Việt Cộng. Đó là một cuộc
chiến giữa miền Bắc và miền Nam thì nhiều hơn.
Thời đó tôi còn rất trẻ, mới 35, và không
phải là chính trị gia. Tôi không biết gì ngoài lái máy bay. Nhưng là
thủ tướng thì tôi luôn cố làm điều tốt nhất cho đất nước tôi. Nhiều
người có thể hoàn toàn không biết: đó xuất phát từ sáng kiến của tôi,
việc Hoa Kỳ rút quân đội của họ về. Vâng, tôi đề cập tới vấn đề đó với
ngài Nixon khi tôi đến thăm ông ấy trong Nhà Trắng. Tôi nói với ông ấy,
rằng trước bầu không khí phản chiến trong người dân Mỹ thì trước sau
người ta cũng phải rút các đơn vị ra khỏi Việt Nam. Thế thì tại sao
không ngay từ bây giờ? Nixon dường như nhẹ nhỏm, đồng ý. Nhưng ông ấy
còn đưa ra vài câu hỏi: “Anh có tin rằng quân đội Nam Việt có thể tiến
hành cuộc chiến một mình hay không?” Tôi nói với ông, đã đến lúc phải
đối phó với thực tế. Một ngày nào đó thế nào đi nữa thì ông phải rút
lui. Tức là tốt hơn thì hãy sắp xếp ngay từ bây giờ, để sau này những
người lính Nam Việt có khả năng tự khẳng định mình.
Thế là Nixon gọi điện cho bộ trưởng Bộ
Quốc phòng, và vào ngày hôm sau đó họ sắp xếp một cuộc gặp gỡ với tất cả
những người có trách nhiệm trong Lầu Năm Góc. Lần đầu tiên chúng tôi
nói chính thức về việc rút quân đội Mỹ ra khỏi Việt Nam. Và tôi nhớ rằng
tất cả chúng tôi đều thống nhất với nhau rằng đó là con đường đúng đắn
duy nhất. Rồi còn bàn về cái tên chính thức cho kế hoạch. Họ muốn gọi nó
là “phi Mỹ hóa” cuộc chiến. Tôi không đồng ý, vì điều đó có nghĩa là
cho tới bây giờ đó thuần túy là một cuộc chiến của Mỹ. Cuối cùng, chúng
tôi thỏa thuận cái tên “Việt Nam hóa”.
Sự hợp tác giữa quân đội Mỹ và các lực
lượng Nam Việt Nam tương đối tốt, ví dụ như quan hệ giữa tướng
Westmoreland và tổng tư lệnh của người Việt hay cả quan hệ cá nhân của
tôi với ông ấy và với tất cả các viên chỉ huy Mỹ. Đó là một quan hệ thân
thiện, đầy sự thông hiểu. Tôi tôn trọng họ. Tôi nghĩ mặc dù tôi rất trẻ
nhưng cả họ cũng tôn trọng tôi. Đặc biệt là tổng thống Johnson. Tôi nhớ
lại một cuộc họp ở Honolulu. Vào buổi tối có tiệc chiêu đãi lớn.
Johnson bất chợt bước đến với tôi và nói: “Thiếu tướng, mời ông đi theo
tôi!” Hai chúng tôi vào phòng ngủ của ông. Ở đó, ông ấy giải thích cho
tôi. “Tất cả những lời nói đó trước báo chí hay trên hội nghị và hội họp
– anh hãy quên nó đi. Tất cả chỉ là một việc giữa anh và tôi. Chúng ta
đưa ra một quyết định. Tức là chỉ hai chúng ta thôi!” Đó là một ví dụ
cho việc họ thật sự tôn trọng tôi.
Với sự thông hiều ngày nay của tôi về
nhân dân Mỹ – tôi sống từ 24 năm nay ở Hoa Kỳ – về hệ thống và về đất
nước, tôi nhận ra rằng tôi đã không thật sự hiểu người Mỹ vào thời đó.
Khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng cả họ cũng không hiểu người Việt. Giá như
thời đó mà tôi có được kiến thức của ngày nay thì các quan hệ của chúng
tôi đã có thể được tạo dựng tốt hơn rất nhiều. Tôi đã có thể xin sự trợ
giúp, không phải xin chính phủ Hoa Kỳ mà là nhân dân Mỹ.
Năm 1968, tôi từ chức thủ tướng và tổ
chức bầu cử. Người ta mời tôi đảm nhận trách nhiệm thêm một lần nữa. Thế
là tôi trở thành phó tổng thống trong bốn năm. Sau nhiệm kỳ chính phủ
năm 1971, tôi lui ra khỏi chính trường hoàn toàn. Mặc dù tôi vẫn còn cấp
bậc của một thống chế, tôi sống hoàn toàn ẩn dật như một người nông dân
ở nông thôn.
Khi quân đội Mỹ rút năm 1973, Nam Việt
Nam phải chống chọi một mình với du kích quân và người Bắc Việt. Cùng
với lần rút quân, sự hỗ trợ của Hoa Kỳ về kinh tế và quân sự tiến về gần
tới con số không. Bắc Việt có sự giúp đỡ của Nga và Trung Quốc. Vì thế
mà kết cuộc là không thể tránh khỏi. Nhưng nó đến quá nhanh, quá đột
ngột, chỉ trong vòng 30 ngày – đó là một thảm bại.
Hai tuần trước khi kết thúc, mọi người
đều đến gặp tôi, quân đội, chính khách, người Phật giáo, người Công giáo
– tất cả. Và họ nói: “Anh là hy vọng cuối cùng của chúng tôi. Xin hãy
làm gì đó!” Nhưng tất nhiên là tôi đã nhận thấy rằng tất cả đã quá muộn.
Đến người Mỹ không cũng muốn chúng tôi ở lại và chiến đấu. Tôi còn nhớ
tôi đã gặp đại sứ Hoa Kỳ. Tôi hỏi ông, liệu chúng tôi có thể tổ chức
quân đội ở vùng châu thổ để tiếp tục chiến đấu với sự giúp đỡ của người
Mỹ hay không. Ông ấy nói: “Không. Anh đừng nghĩ về một điều như vậy.
Ngày mai chúng tôi sẽ biến đi. Và anh đi cùng với chúng tôi.” Vào buổi
sáng ngày 29 tháng Tư 1975 tôi một mình ở trong sở chỉ huy của tổng tư
lệnh. Khi tôi cố liên lạc với các chỉ huy dù và thủy quân lục chiến thì
tất cả đều đã bỏ đi rồi. Tôi còn ở lại một mình với một chiếc máy bay
trực thăng, mười người lính gác và người phục vụ. Vào lúc hai giờ trưa
họ nói với tôi: “Thiếu tướng, xin hãy đi đi. Thiếu tướng còn làm gì được
nữa?”
Ngày nay vẫn còn có người nghĩ rằng Việt
Nam gồm hai nước, miền Bắc và miền Nam. Nhưng chỉ tồn tại một Việt Nam
thôi. Người ta phải chấp nhận sự thật, rằng đất nước ngày nay đã thống
nhất và tự do. Nhưng hệ thống đó không tốt. Điều mà chúng tôi phải đấu
tranh cho nó là một trật tự dân chủ. Chúng tôi cần một sự biến đổi hệ
thống, cần những người lãnh đạo tốt, suy nghĩ và hành động cho nhân dân.
Những người ngày nay chiếm các vị trí lãnh đạo ở Việt nam biết vấn đề
đó. Họ biết nếu cứ tiếp tục như cho tới nay thì sẽ không còn có chỗ cho
họ trong thế kỷ 21. Bầu cử và mở cửa Việt Nam là không thể tránh khỏi.
Nhiều người Việt lưu vong, di cư sang Mỹ,
đã nhập tịch. Tôi là người duy nhất vẫn còn quốc tịch Việt. Lần nào tôi
rời đất nước này thì tôi đều phải xin phép được tái nhập cảnh. Hải quan
và cơ quan di dân hiện giờ đã biết mặt tôi. Và đại sứ của những nước mà
tôi xin thị thực đều nói: “Kỳ, hoàn toàn không phải là vấn đề!” Bây giờ
tôi đã 70 tuổi, và trong thời gian còn lại của tôi, tôi sẽ làm tất cả
để Việt Nam có thể sống trong hòa bình và thịnh vượng. Giấc mơ của tôi
là trở về, làm nông dân và chơi đánh golf.
Alexander Haig: “Kennedy đã lôi chúng tôi vào Việt Nam”
Tướng Alexander Haig phục vụ nhiều
tháng ở Việt nam năm 1966. Sau một lần bị thương, ông trở thành trợ tá
quân sự của Henry Kissinger trong National Security Council (NSC). Năm
1973, tổng thống Nixon giao cho ông nhiệm vụ thuyết phục tổng thống
Thiệu của Nam Việt Nam về Hiệp định Paris.
Tôi ở Việt Nam 1966/67 và chiến đấu ở đó
trong trận đánh lớn cuối cùng trước cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Chúng
tôi được cử vào vùng chiến thuật C. Đó là vùng có những con đường hầm Củ
Chi – “Tam giác Sắt” là tên cho vùng đất giống như cái tổ ong ở gần Sài
Gòn đó. Đó là một trung tâm tiếp tế quan trọng cho Việt Cộng, Chúng tôi
rất thành công ở đó, cho tới 1967 chúng tôi không thua cho tới một trận
đánh. Nhưng quân địch hoạt động với các lực lượng chính của họ ở
Campuchia và Lào, trong cái được gọi là lãnh thổ trung lập. Từ nơi trú
ẩn đó, họ tiến hành những cuộc tấn chông chống quân đội Mỹ, gây tổn thất
và rồi lại chạy trốn về phía bên kia biên giới.
Tổng thống Nixon đã phản ứng lại, và tôi
đã tham gia mang tính quyết định vào trong đó, việc mà tôi rất tự hào vì
nó. Chúng tôi đã mang máy bay ném bom B-52 vào tới những vùng đất trốn
tránh đó và cũng khởi động một cuộc tấn công trên mặt đất. Thời đó tôi
đã không thể, và ngày nay vẫn còn không thể thấy rằng tại sao các học
giả về luật ở Mỹ, do người dân chúng tôi bầu lên, có thể xem điều đó như
là một hành vi phạm tội. Không bao giờ trong lịch sử của Hoa Kỳ mà một
hành động như vậy được gọi là phạm tội cả. Thời đó là đúng, và ngày nay
nó vẫn còn đúng. Và tôi hy vọng những con người đó sẽ còn phải lấn cấn
vì thái độ của họ trong xung đột này như thế nào đó.
Đó là tổng thống Kennedy, người đã lôi
chúng tôi vào Việt Nam. Nhiều người – và tôi là một trong số đó – tin
rằng điều này là hậu quả của lần ông bị hạ nhục sau cuộc Khủng hoảng
Cuba. Ở đó, ông đã tiến hành bán rẻ chính trị Mỹ cho người Nga. Bây giờ
thì ông muốn phô trương sức mạnh. Điều đó đã dẫn tới hoạt động tham
chiến của chúng tôi ở Việt Nam, với khoảng 15000 người vào thời điểm cái
chết của ông.
Richard Nixon là một trong số các tổng
thống vĩ đại nhất của bảy người tổng thống mà tôi đã từng phục vụ dưới
họ. Tôi là một người hết sức thán phục chính sách đối ngoại của ông.
Nhưng ở Việt Nam thì cả ông cũng sai lầm. Khi ông bước vào cuộc chơi thì
lẽ ra ông phải giải quyết cuộc xung đột này ngay trong năm đầu tiên của
nhiệm kỳ tổng thống. Ông đã có thể làm việc đó. Thế nhưng chúng tôi
ngần ngừ không muốn đàm phán trực tiếp với Moscow và Hà Nội, và sử dụng
quyền lực mà chúng tôi có cho một giải pháp thành công Chúng tôi cần
phải nhập tâm bài học mà chúng tôi đã đau đớn học được ở Việt Nam. Chúng
tôi phung phí ba năm trời với cái được gọi là kế hoạch Việt Nam hóa, có
mục đích rút dần quân đội của chúng tôi và để cuộc chiến lại cho người
Nam Việt, nhưng với sự hỗ trợ lớn cho quân đội này. Lịch trình rút quân
luôn có định hướng ở việc chúng tôi đánh giá Sài Gòn sẵn sàng tự nhận
lấy trách nhiệm này như thế nào. Một trong những sai lầm quyết định đã
xảy ra với lần tiến quân vào nước Lào. Tại thời điểm này, khi cuộc “Việt
Nam hóa” thật ra đã tiến khiển khá tốt, chúng tôi yêu cầu người Nam
Việt phá hủy con đường mòn Hồ Chí Minh ở đó. Chúng tôi đưa ra mục tiêu
này cho họ, không có sự hỗ trợ mà họ cần để tiến hành việc đó. Chúng tôi
đã ném họ xuống nước lạnh và họ đã chìm xuống một cách thảm hại ở đó.
Đó là thảm họa, và đã phá hỏng toàn bộ chính sách Việt Nam hóa.
Việt Cộng chỉ là một huyền thoại, không
phải là một tổ chức giải phóng mà chỉ là một công cụ của Hà Nội và
Moscow. Ngay sau khi cuộc chiến chấm dứt, nó đã biến mất không dấu tích,
và Hà Nội cầm lấy dây cương. Hàng ngàn người Nam Việt Nam đã trả giá
với mạng sống của họ và tự do của họ. Hơn một triệu người ở trong các
trại tập trung, phải chịu đựng sự trả thù ghê gớm về thể chất. Nhiều
người chạy trốn bằng thuyền ra biển và chết chìm trong lúc cố tìm nơi ẩn
náu ở Hongkong, Thái Lan và các quốc gia láng giềng khác. Nhiều nước
lớn Phương Tây từ chối nhận họ và lại trục xuất họ.
Là cựu chiến binh của cuộc chiến này, tôi
rất thất vọng về cách đối xử với những người trở về, không chỉ từ chính
phủ mà cả từ người dân Mỹ và đặc biệt là từ giới truyền thông. Tất cả
những điều đó đã thay đổi với thời gian. Việc công nhận sự hy sinh và
tình yêu nước của những người này luôn tăng lên. Chúng tôi còn có cả
một cựu tù binh quan trọng mà bây giờ ra ứng cử tổng thống. Tôi nói về
John McCain mà tôi quen thân và đã làm việc chung với cha ông ấy.
Smith: “Đạo quân vô hình”
Sài Gòn là một thành phố lớn đông dân. Nó
có những tòa nhà đẹp, nhưng sống sau những mặt tiền này là vô số người
tỵ nạn và người Hoa. Trong mỗi một quán rượu có 20 cô gái điếm ngồi, cả
trên đường phố người ta cũng gặp họ ở khắp nơi. Đường phố đầy xe gắn máy
và xe Jeep quân đội. Người Mỹ đi lại trong quân phục ở khắp nơi, đủ mọi
người nước ngoài nữa, và ai cũng mang vũ khí. Tôi thì để vũ khí của tôi
ở lại căn cứ khi tôi đi ra ngoài. Nếu như có bắn nhau thì sẽ có đủ
người Nam Việt cứ đơn giản là vứt súng của họ đi; và rồi tôi có thể nhặt
lấy chúng.
Tất nhiên là tôi sợ Việt Cộng. Tôi sợ, vì
những cuộc tấn công luôn xuất phát từ những các ổ phục kích. Có rất
nhiều bẫy. Thỉnh thoảng có những nhóm trinh sát xuất hiện, hay Việt Cộng
bò ra từ những đường hầm nào đó, và rồi họ bắn hạ một người, rồi lại
lui vào đường hầm của họ, và người ta không bao giờ nhìn thấy họ nữa.
Chúng tôi gọi họ là “đạo quân vô hình”, chúng tôi hiếm khi nhìn thấy họ.
Khi xảy ra chiến sự thì người ta chỉ nhìn thấy những tia sáng, và nếu
như người ta thật sự gặp may thì sau đó người ta có thể đếm vài xác chết
hay tìm thấy dấu máu.
Việt Cộng hầu như không bắt tù binh. Phần
lớn những người của chúng tôi đều bị giết chết ngay lập tức khi rơi vào
tay họ. Tôi là lính Hải quân, tức là đi trên một chiếc thuyền. Lính Hải
quân bị giết chiết ngay tại chỗ và bị thiêu hủy khi Việt Cộng bắt được
họ. Họ cứ đơn giản là đốt chúng tôi, vì họ không thể bắt tù binh. Họ
không thể mang chúng tôi đi theo cùng, họ phải cơ động.
Việt Cộng và người Bắc Việt có nhiều lính
phụ nữ. Chúng tôi đã giết chết nhiều người đàn bà mặc quân phục Việt
Cộng. Việt Cộng cũng sử dụng cả trẻ con, đi vào quán rượu, đứng bên cạnh
một lính Mỹ rồi cho nổ một quả bom. Người ta biết người Mỹ chúng tôi
tin trẻ con. Tôi nghĩ đó là một phần của tâm lý họ: Họ biết là chúng tôi
không quen chiến đấu chống lại phụ nữ và trẻ em.
Cho tới ngày nay tôi vẫn còn nhớ rõ lần
đầu tiên tôi giết người. Sau 20 phút tôi vẫn còn run và hút hết điếu
thuốc này tới điếu thuốc khác. Tôi đơn giản là không thể tin được, rằng
tôi đã giết chết một con người. Sự thật đó giống như một cú đập vào đầu.
Có ai đó thật sự nhắm bắn anh và cố giết anh, và rồi anh cố giết người
đó. Tuy chúng tôi được huấn luyện trước, nhưng trong thực tế thì khác đi
rất nhiều. Đó không phải là một trò chơi, đó là hiện thực cứng rắn. Anh
sẽ giết người, và nếu như anh phạm lỗi thì anh sẽ chết. Và lần nào thì
cũng giống như lần bắn nhau đầu tiên. Anh lúc nào cũng nhìn thấy những
người anh đã giết chết, anh nhìn thấy mắt của họ. Chúng tôi đi trên hai
chiếc tàu tuần tra và phát hiện một nhóm 15 hay 20 Việt Cộng đang băng
qua sông. Chúng tôi tấn công từ tàu ngay lập tức và bắn vào những người
đang bơi. Có hai người cách có lẽ chỉ hai hay ba bộ khi tôi bắn chết họ.
Anh bắn chết người trong nước, và họ nhìn anh và không có vũ khí. Anh
có thể nhìn vào mắt họ, và anh đơn giàn là bắn vào đầu họ. Tôi rất đau
đớn vì điều đó, thế nhưng càng kéo dài thì càng dễ dàng hơn. Là như thế
đấy ở chỗ chúng tôi trên sông. Khi có bắn nhau thì kẻ địch ở rất gần.
Đó thật sự là cận chiến.
Tôi tin rằng đó là một cuộc chiến cho
người giàu. Có lần, chúng tôi tới một vùng có đồn điền cao su. Ở đó có
hai trung đoàn Việt Cộng và một tiểu đoàn người Bắc Việt. Nhưng chúng
tôi không được vào đó và tấn công, mặc dù họ bắn chúng tôi. Tôi tin rằng
toàn bộ cuộc chiến này chỉ là vì dầu, cao su và tài nguyên thiên nhiên.
Chứ nếu không thì nước Mỹ có thể lấy được gì từ đất nước nghèo nàn này?
Không có gì hết, hoàn toàn không có gì hết.
Ngô Thị Tuyển: “Với căm thù và quyết tâm thì người ta có thể làm được mọi việc”
Tôi thật ra là một phụ nữ nông dân hết
sức bình thường. Khi còn trẻ, tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao
động Hồ Chí Minh và có nhiệm vụ chuyên chở người bệnh và bị thương. Lúc
18 hay 20 tuổi, tôi gia nhập dân quân. Chỉ huy chúng tôi nói rằng người
Mỹ sẽ càng mở rộng cuộc chiến hủy diệt ra miền Bắc khi họ bị tổn thất
càng nhiều ở miền Nam. Vì vậy mà chúng tôi thành lập một đại đội dân
quân trong làng của chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều đồng lứa tuổi với
nhau, khỏe mạnh và nhiệt tình – nông dân từ cùng một làng. Lúc đầu,
chúng tôi đào công sự và chiến hào cho bộ đội.
Tôi còn nhớ rất rõ lần đầu tiên tham
chiến. Đó là vào buổi trưa lúc hai giờ, tôi đang làm đồng thì có hai
chiếc máy bay thám thính từ biển vào. Lúc đầu chúng tôi rất sợ tiếng ồn,
vì chúng tôi nhìn thấy máy bay lần đầu tiên. Vào buổi tối, chúng tôi tổ
chức một phiên họp toàn thể ngay lập tức. Chúng tôi chắc chắn là người
Mỹ sẽ quay lại. Kế hoạch được tức tốc thực hiện ngay trong đêm đó, và
cuối cùng thì tất cả đều sẵn sàng: dân quân trong làng, đội tự vệ trong
các nhà máy và đoàn viên. Vào sáng ngày hôm sau, còn chưa đến tám giờ
thì đã bắt đầu: các đội hình đầu tiên của máy bay Mỹ xuất hiện. Trong
những ngày tiếp theo sau đó, chúng tôi phải chống lại với trên 100 cuộc
tấn công. Thế nhưng do chuẩn bị tốt nên chúng tôi chỉ bị tổn thất ít, và
chúng tôi bắn hạ được trên 40 chiếc chỉ riêng trong hai ngày đầu tiên.
Là trung úy, tôi lúc đầu ở tại vị trí
chiến đấu. Sau đó, tôi đi vào làng để kịp thời đưa người dân xuống hầm
tránh bom. Trong lực lượng dân quân, tôi chịu trách nhiệm về an ninh,
chú ý để các căn nhà bị bỏ trống không bị trộm cắp và không xảy ra tội
phạm hình sự. Ngoài ra, chúng tôi mang tới cho những người lính cành cây
để ngụy trang, nước uống và đạn dược. Vì thế mà chúng tôi cũng hiện
diện ở các vị trí chiến đấu.
Một ngày vào đó có đánh nhau dữ dội dọc
theo con sông. Ở ngay trước chúng tôi là một vị trí súng máy, ở phía bên
kia là phòng không. Bộ đội bắn rơi một chiếc máy bay – đó gần là chiếc
thứ một trăm. Trung tá Mỹ Danton nhảy dù ra. Sau khi máy bay của ông vỡ
tan và bản thân ông rơi xuống sông thì bất thình lình có rất nhiều máy
bay Mỹ đến ở các độ cao khác nhau. Họ cố gắng cứu ông ấy, nhưng chúng
tôi nhanh hơn. Chúng tôi gửi một chiến tàu vũ trang ra để bắt ông ấy.
Khi chúng tôi mang Danton vào làng thì người dân muốn hành hình ông ta
ngay lập tức – sự căm thù lớn như thế đấy. Nhưng chúng tôi bảo vệ người
đàn ông đó và đẩy lùi người dân lại. Viên trung tá không thể tự đi được,
thế là chúng tôi lấy một cánh cửa cũ và đặt ông ta lên trên đó. Y phục
ông ấy rách nát, một người của chúng tôi đưa cho ông đồ đạc của mình để
ông mặc vào. Rồi chúng tôi chở ông đến gặp chỉ huy của chúng tôi.
Tôi đã có nói rằng chúng tôi cung cấp đạn
cho bộ đội, và tôi nhớ nhất là có một ngày đặc biệt rất cần tiếp tế.
Nhưng các thùng đạn lại nằm ở bên kia sông. Mặt trời chiếu rất nóng, vì
vậy mà những cái thùng có lớp sơn ngoài đó dính vào với nhau. Thế là tôi
nhấc hai thùng đạn cho súng phòng không 57 mm. Thời đó, tôi cân nặng 42
kí lô gam, nhưng hai cái thùng đó nặng 98 kí lô. Tôi vác chúng trên vai
qua một đồi nhỏ, chạy xuống đê và mang chúng về đến tàu hải quân an
toàn. Vào ngày hôm sau có một đội phim Liên xô đến, họ không tin câu
chuyện. Họ phỏng vấn tôi ba giờ liền. Rồi họ mời tôi đối phó với một
trọng tải như vậy ngay trước mắt họ, và chất 50 kí lô khoai tây và 55 kí
lô gạo lên một cái cáng. Tôi chạy một vòng quanh nhà với nó. Sau đó, họ
đã ôm choàng lấy tôi và nói rằng bây giờ họ sẽ tin vào cuộc chiến tranh
nhân dân của người Việt. Chính tôi cũng không biết làm sao mà tôi có
thể làm được điều đó, nhưng tôi tin rằng điều đó có liên quan tới đặc
tính của cuộc chiến. Khi có căm thù và quyết tâm thì người ta có thể làm
được mọi việc.
Dean Hubbard: Sinh viên đốt giấy triệu tập nhập ngũ của họ
Dean Hubbard là chủ nhiệm khoa của đại học Iowa vào cuối những năm sáu mươi.
Các cuộc biểu tình của sinh viên chống
chiến tranh ở Việt Nam bắt đầu vào giữa những năm sáu mươi. Những cuộc
biểu tình này lúc đầu còn dè dặt, nhưng rồi đã tăng lên cùng với hoạt
động tham chiến ngày một tăng của Mỹ ở Đông Dương. Khi những giấy triệu
tập nhập ngũ đầu tiên được gửi về, mọi việc bắt đầu leo thang. Các sinh
viên phản đổi đã dùng trí thông minh của họ để đảm bảo một tính công
chúng lớn như có thể được. Họ thông báo các hoạt động của họ cho các đài
truyền hình và phát thanh cũng như báo chí. Có lần họ đã chặn đường cao
tốc cả ở hai chiều và gây ra một hỗn loạn trong giao thông. Cũng có
những lời đe dọa đánh bom, thậm chí là cả cho một bệnh viện nữa.
Chúng tôi cố gắng trao đổi với các sinh
viên. Trường đại học được đặt vào tình trạng báo động. Chúng tôi thành
lập một đội trực riêng, cũng ở lại trong các tòa nhà về đêm. Các bạo
loạn ở Đại học Quốc gia Kent mà trong đó nhiều sinh viên bị bắn chết
cũng có nhiều tác động lớn đến thành phố của chúng tôi. Người thống đốc
đã sẵn sàng sử dụng vệ binh quốc gia trong trường hợp cần thiết để chống
lại các phá phách trong khuôn viên trường địa học. Chúng tôi cũng có
người của chúng tôi ở ngoài đó trong đám đông với máy bộ đàm, để luôn
luôn nhận được thông báo về tình hình.
Con trai tôi thời đó cũng có mặt trong số
những người biểu tình. Tôi đã nói chuyện với nhiều người trong số họ;
là chủ nhiệm khoa nên họ rất cởi mở đối với tôi. Bất cứ lúc nào các sinh
viên có kế hoạch hành động mới, họ không bao giờ làm điều đó trong bí
mật mà luôn luôn tìm tới công chúng đề động viên càng nhiều người tham
gia càng tốt. Thế là tôi thường xuyên đi tới các tụ điểm đã được thông
báo trước. Lúc đầu họ rất nghi ngờ, nhưng rồi khi họ nhận ra rằng tôi
không phải là một tên gián điệp, mà chỉ cố gắng giúp họ, thông báo các ý
kiến và phản đối của họ trong khuôn khổ các quy định của trường đại học
thì chúng tôi quen nhau tốt hơn.
Vào thời gian đó thì không thể đoán trước
được là tình hình sẽ tiếp tục phát triển như thế nào. Nhiều người lo sợ
một âm mưu trên khắp nước, một hành động tập trung của nhiều trường đại
học. Nhưng tôi tìm hiểu và biết được là các sinh viên tuy có liên lạc
qua điện thoại với các bạn học của họ ở Columbia hay Wisconsin, nhưng
chỉ để biết có việc gì xảy ra ở đó. Không có kế hoạch chung mà chỉ đơn
giản là thông tin. Là lãnh đạo trường, chúng tôi cũng nhận được bảo sao
của tất cả những gì được bàn thảo và quyết định – các sinh viên muốn như
vậy. Tức là lúc nào tôi cũng có thông tin.
Đúng như dự đoán, các bộ môn khoa học xã
hội là lực thúc đẩy chính cho các cuộc biểu tình phản đối của sinh viên.
Họ tích cực hoạt động và rất hăng hái, tức là không thực tế như bạn học
của các chuyên ngành khác, những người đến đó vì tò mò thì nhiều hơn.
Trước chiến dịch phản chiến, nhiều sinh viên đã hoạt động trong phong
trào dân quyền. Có một nhóm ở Iowa, tự gọi mình là “Chương trình Giúp đỡ
Mississippi”; họ thu thập quần áo, sách và những thứ khác cho người Mỹ
gốc Phi ở miền nam. Sau khi Hoa Kỳ bước vào cuộc chiến ở Việt Nam, một
nền tảng phản đối rộng lớn đã thành hình từ đó. Martin Luther đã nói
chuyện nhiều lần tại trường và lúc nào cũng có rất đông người nghe.
Cả trong giới giáo sư cũng có hai phái.
Một vài giảng sư là người chống chiến tranh cực đoan và hoàn toàn ủng hộ
các yêu cầu của giới sinh viên. Khi có lần 200 sinh viên bị bắt giam,
vì họ không tuân theo lời yêu cầu giải tán, thì trong số những người bị
bắt giam cũng có một giáo sư tôn giáo học nổi tiếng. Các giảng sư khác
tiếp tục làm việc bình thường và chỉ có bày tỏ thiện cảm, phản đối ôn
hòa, để phô bày sự hỗ trợ của họ.
Tất nhiên là cũng có những hành động gây
sự chú ý. Như sinh viên đốt lửa trong khuôn viên nhà trường mặc dù đã bị
cấm, đốt những tờ giấy triệu tập nhập ngũ của họ và rất nhiều thứ khác,
nhưng không đốt cờ. Họ biết rằng phản đối càng ồn ào thì nó càng được
truyền thông và toàn bộ công chúng nhận biết sâu đậm hơn. Và cuối cùng
thì đó chính là mục đích của họ.
Xin nói thêm là chúng tôi không bao giờ
được FBI hay CIA liên hệ vì những vụ biểu tình phản đối. Tôi cũng không
muốn cho phép có, vì đối với tôi, chức năng đào tạo của trường đại học
đứng trước hết thảy. Đó không phải là ý định của chúng tôi, ngăn cản
việc làm của các cơ quan an ninh, mặt khác, chúng tôi cũng không muốn
sinh viên có thể nhìn chúng tôi như là những người cộng tác. Tất nhiên
là chúng tôi làm việc chung với cảnh sát, vì chúng tôi có cùng chung ý
muốn giữ vững trật tự. Sự cộng tác này luôn dựa trên tinh thần và các
quy định của trường đại học chúng tôi; nếu có những điều gì đó có chiều
hướng chống lại thì chúng tôi không hợp tác.
Khi cuối cùng rồi các đàm phán hòa bình ở
Paris bắt đầu, tất cả chúng tôi đều theo dõi rất sát sao, hy vọng có
một kết cuộc dứt khoát cho cuộc chiến mà sinh viên của chúng tôi đã phản
đối nó mạnh tới như thế. Khi nhìn lại, tôi cho rằng suốt cà thời gian
đó, trường đại học đã chứng tỏ nó là một nơi chốn cởi mở, công bằng cho
những ý kiến và phát biểu khác nhau.
Sylvia Roba: Các cuộc biểu tình đã đặt dấu ấn lên cả một thế hệ
Tôi nghĩ rằng 1965 là lần đầu tiên mà tôi
là nữ sinh viên đã tham gia một cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt
Nam ở tại đại học Iowa. Tôi đang đi với một cô bạn gái thì có một nhóm
người đi ngược lại. Họ mang theo đèn pin và nhiều tấm bảng, và tôi có
thể nhận ra ngay rằng đó là một cuộc biểu tình chống chiến tranh. Cô bạn
học của tôi rất bực tức, vì người yêu của cô phục vụ trong Navy và cô
ấy nói rằng những người này không có quyền làm một điều như vậy. Phản
ứng của tôi thì khác. Tôi không biết những con người đang đi ở đó là ai,
cũng không biết mục đích của họ. Nhưng tôi cảm nhận rằng đó là một cái
gì đấy có dính líu tới tôi.
Những cuộc biểu tình này có ảnh hưởng lớn
đến thế hệ của chúng tôi cho tới mức ngày nay chúng tôi thường đưa ra
câu hỏi: Bạn đã làm gì trong những năm sáu mươi? Bạn có đi biểu tình
không? Bạn có ở trong quân đội không? Tôi là một phần của thế hệ này, và
điều đó có nghĩa là người ta hoạt động chính trị. Tất cả chúng tôi cùng
nhau hành động. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã hợp nhất chúng tôi và đồng
thời cũng chia rẽ. Điều đó đã có thể thấy rõ ở lần đi biểu tình đầu
tiên của tôi. Ở đó có những người đứng ở vỉa hè hoan hô chúng tôi, và
những người khác chửi mắng chúng tôi. Cả cảnh sát cũng hiện diện, nhưng
tôi không có cảm giác là họ muốn bảo vệ những người biểu tình. Trong
những năm đầu tiên, có đôi lúc cảnh sát mất kiểm soát – họ đã đánh đập
và thậm chí bắn người nữa. Sau này có nhiều bắt bớ. Tất cả chúng tôi đều
biết rằng điều đó có thể xảy ra cho mỗi một người trong số chúng tôi.
Thời đó, chúng tôi biết rất ít về cuộc
chiến này và những nguyên nhân của nó. Chúng tôi chỉ cảm nhận được là có
điều gì đó không đúng. Ai đó có lần đã nói rằng nếu như không có cuộc
Chiến tranh Việt Nam thì chúng tôi đã phát minh ra nó. Thế hệ của chúng
tôi cần một cái gì đó để động viên mình, để hoạt động. Nhìn theo một mặt
nhất định thì việc đó còn có một khía cạnh xã hội: người ta đơn giản là
có những thứ ma túy tốt nhất và tình dục tốt nhất khi ở trong phong
trào phản chiến.
Bản thân tôi thời đó ủng hộ những ý tưởng
hết sức giáo điều. Ví dụ như chúng tôi từ chối tất cả những gì có liên
quan như thế nào đó tới quân đội. Tôi phải thú nhận rằng tôi đã ở lại
quan điểm giáo điều này rất lâu. Điều đó chỉ thay đổi khi tôi xem phim
“Born on the Fourth of July” – về một người sinh cùng năm với tôi và đã ở
Việt Nam. Phim đó nói về việc đời lính đã làm thay đổi cuộc sống của
anh ấy như thế nào. Sau đó – tôi có lẽ đã khoảng bốn mươi – lần đầu tiên
tôi đã nhìn toàn bộ sự việc bằng con mắt khác. Trước đó, tôi chưa từng
xem xét toàn bộ bức tranh, tôi lúc nào cũng đã chia ra thành “chúng tôi”
và “họ”: “Chúng tôi” đã làm điều này và “họ” đã làm điều kia. Sau phim
đó, tôi đã khám phá ra một “chúng tôi” mới. Tất cả chúng tôi đã tham gia
vào một cái gì đó đã xảy ra trong đất nước của chúng tôi, hay đã xảy ra
cho người từ đất nước của chúng tôi trong một đất nước khác. Tôi bắt
đầu nhìn thấy nạn nhân ở khắp nơi, và không chỉ là những nạn nhân Nam
hay Bắc Việt. Tôi bắt đầu nhìn những người đàn ông thời đó còn rất trẻ
từ đất nước của chúng tôi, những chàng trai 17, 18 và 19 tuổi, những
người mà chúng tôi gửi ra ngoài để đi giết người. Tôi chưa từng bao giờ
suy nghĩ rằng điều đó phải có những tác động nào lên họ. Ở đại học của
chúng tôi cũng có những người trở về từ Việt Nam. Họ không được ai hoan
nghênh chào đón. Tôi nghĩ rằng những người cựu chiến binh đó hẳn phải
cảm thấy bị cô lập vô cùng và hết sức cô đơn.
Trong nửa sau của những năm sáu mươi,
phong trào chống chiến tranh ngày càng lớn hơn và mạnh hơn. Điều đó có
thể cảm nhận được trong SDS (Students for a Democratic Society), phong
trào mà đã bắt đầu trong trường đại học Iowa năm 1964 hay 1965. Thời đó
tôi đã cố liên kết, tham dự các buổi họp. Ở đó, tôi biết được những điều
làm cho tôi sợ hãi, nhưng đồng thời cũng mang lại sức mạnh cho tôi để
tham gia phong trào.
Tôi hầu như không còn nhớ rõ từng hoạt
động một. Phần lớn là vào thứ tư, khi có gì đó xảy ra. Ở đó có một cái
thùng nhỏ, có ai đó bước lên, rồi thảo luận. Tại một trong những ngày
đó, Steven Smith đứng lên cái thùng đó và đã đốt giấy triệu tập nhập ngũ
của anh ấy. Tôi cũng còn có thể nhớ rằng có lần máu đã chảy trên những
bậc cầu thang, tượng trưng cho máu đã chảy ở Việt Nam. Điều kỳ lạ là tuy
chúng tôi muốn nói tới các nạn nhân của người Việt lẫn người Mỹ, nhưng
sự thương xót cho những người lính của chúng tôi là hầu như không có.
Khi rồi chiến tranh chấm dứt thì nó không
giống như trường hợp của Bức tường Berlin sau này. Điều đó không giống
như: “Okay, chúng ta đã có chiến tranh, và bây giờ thì chúng ta không có
nó nữa.” Đó không phải là khoảng khắc nhất định đó, nó giống như đã có
một cái gì đấy hết đong đưa bằng một cách nhất định, trở về trạng thái
đứng yên. Cũng còn có bối rối một thời gian, là liệu cuộc chiến có thật
sự đã chấm dứt hay không. Tôi nhớ rằng thời đó tôi đã nghĩ rằng: “Thật
là hết sức lãng phí, lãng phí tính mạng con người. Lãng phí một đất nước
đẹp.” Tôi nhớ chính xác điều đó: Thật là hết sức lãng phí!
Đỗ Xuân Diễn: Đường mòn Hồ Chí Minh lớn lên với cuộc chiến
Năm 1964, Thiếu tướng Đỗ Xuân Diễn
được cử vào đường mòn Hồ Chí Minh làm kỹ sư. Ngày nay, ông là sếp của
tập đoàn xây dựng quân đội xuất thân từ Đoàn 559 huyền thoại của thời
đó, xây đường sá ở Việt Nam và phi trường ở nước ngoài.
Con đường được gọi là Hồ Chí Minh có một
lịch sử lâu dài. Ngay từ cuộc chiến tranh chống người Pháp, hệ thống
đường đi đó đã được sử dụng và được mở rộng trong cuộc chiến chống người
Mỹ. Từ đó mà thành hình một tổ hợp rộng lớn với năm đường dọc và 21
đường ngang. Những con đường này chạy xuyên qua vùng đất của các tỉnh
Quảng Bình và Vĩnh Linh qua quân khu 5 cho tới Lào, tới Nam Việt Nam và
vào vùng đông bắc của Campuchia.
Năm 1964, đường mòn Hồ Chí Minh được mở
rộng dần. Lúc thành lập Đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) trong năm 1959, tất
cả còn được làm bằng sức người. Nhưng bây giờ thì chúng tôi cải tạo con
đường mòn cho vận tải cơ giới. Nó lớn lên với cuộc chiến.
Các con đường có một chiều dài là 16.000
kilômét; nếu như cộng cả những con đường chở hàng đến thì gần 20.000
kilômét. Để bảo vệ tất cả chúng, chúng tôi có một sư đoàn phòng không và
một sư đoàn tên lửa. Các đơn vị này bắn rơi trong cuộc chiến tổng cộng
là 2400 máy bay Mỹ. Chúng tôi cũng có lính bộ binh để bảo vệ, đó là Sư
đoàn 968. Tổng cộng có 19.000 quân địch bị giết chết dọc theo mặt trận
này. Để có thể quản lý về mặt tiếp vận cho các vận chuyển dọc con đường
này, dẫn cho tới một nơi chỉ cách Sài Gòn 100 kilômét, chúng tôi có
những đơn vị thông tin riêng, đã hoạt động xuất sắc trong toàn bộ những
năm đó.
Người Mỹ luôn tìm những biện pháp mới để
phá hủy đường mòn Hồ Chí Minh. Khi họ nhận thấy không có biện pháp nào
thành công, họ bắt đầu tấn công trực tiếp các xe tải. Họ cải tạo máy bay
vận tải thành máy bay tấn công, nhét đầy chúng với thiết bị điện tử và
súng 20 tới 40 mm có bộ phận tự động nhắm bắn. Vào lúc đầu, chúng rất có
hiệu quả cho họ, nhưng rồi chúng tôi đã phát triển biện pháp chống trả
ngay lập tức. Chúng tôi dùng hệ thống của cái được gọi là đường ngụy
trang. Rừng tự nhiên dọc theo con đường mòn Hồ Chí Minh bảo vệ chúng
tôi, nên chúng tôi có thể sử dụng đoạn đường ngụy trang dài 3140 kilômét
ngay cả vào ban ngày.
Sáng kiến của chúng tôi luôn gây bất ngờ
cho quân địch. Ví dụ như họ ném bom từ, những cái không nổ ngay mà chỉ
phát nổ khi có một cái gì đó là kim loại đi ngang qua. Biện pháp chống
trả của chúng tôi lại rất đơn giản: Chúng tôi kéo ngang qua những quả
bom đó một sợi dây với những mảnh kim loại và qua đó làm chi chúng phát
nổ. Vì vậy mà tất cả các cố gắng của người Mỹ đều vô dụng.
Quân đội Mỹ cũng sử dụng chiến cụ điện
tử. Ví dụ như họ ném một loại cảm biến xuống từ trên máy bay; chúng tôi
gọi đó là “cây nhiệt đới”. Vào lúc đầu, vũ khí này rất có hiệu quả.
Nhưng rồi chúng tôi đơn giản là lật những bộ cảm biến sang một bên hay
cắt ăng ten của chúng đi. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng mang chúng về nhà,
tháo rời chúng ra và dùng ắc quy ở trong đó làm nguồn năng lượng cho
rađiô của chúng tôi. Lúc đầu, chúng tôi có vài vấn đề khi kẻ địch sử
dụng một loại vũ khí mới, nhưng rồi chúng tôi luôn nhanh chóng phát
triển được những biện pháp chống trả.
Cuộc sống trên con đường mòn Hồ Chí Minh
hết sức gian khổ. Bom rơi hàng ngày, thời tiết phá hủy các con đường và
tấn công sức khỏe của chúng tôi. Chúng tôi thường không có đủ cái ăn,
mặc dù chúng tôi luôn vận chuyển lương thực dự trữ. Chúng tôi phải chịu
đựng những bệnh tật do khí hậu trong rừng sâu gây ra, do cuộc sống trong
hầm và do độ ẩm nói chung và do muỗi. Nhiều người trong số chúng tôi đã
chết vì sốt rét. Mặc dầu vậy, cuộc sống ở đây cũng rất vui vẻ. Con
đường mòn này có một nét đẹp nhất định, người ta có thể gọi nó là lãng
mạn chiến tranh. Chúng tôi cùng nhau hát, và tiếng hát này đã át đi
tiếng bom. Nhiều đội văn hóa ra cho tới các vị trí chiến đấu để làm giảm
bớt căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày của những người lính. Lúc
những con đường cuối cùng cũng được xây gần hoàn tất, một chiếc xe tải
trong mùa khô cần mười hai ngày đêm từ Đồng Lộc cho tới Sài Gòn; khi
chúng tôi còn đi bộ, chúng tôi cần sáu tháng cho đoạn đường này.
Trên toàn bộ 16.000 kilômét, chúng tôi có
42 trọng điểm. Đó là những nơi kẻ địch tấn công dữ dội nhất. Nặng nhất
là tại một điểm mà chúng tôi đặt cho nó cái tên là ATP. Nó nằm tại giao
điểm của suối, đồi và đèo ở phía nam của tỉnh Quảng Bình. Là chỉ huy,
tôi với đại đội của tôi có nhiệm vụ làm việc ở nơi đó. Có lúc chúng tôi
đếm được chín lần B-52 tấn công trong một ngày. Thêm vào đó còn là những
cuộc tấn công của các loại máy bay khác hay những cái được gọi là tấn
công tọa độ mà máy bay cứ đơn giản là ném bom tại một vị trí định trước,
không cần phải lao xuống. Thỉnh thoảng có một đoạn đường bị phá hủy hay
bị chặn lại, nhưng chúng tôi không chỉ có một con đường đó; tức là khi
đoạn đường không thông tại một điểm nhất định thì chúng tôi đơn giản là
dùng một con đường khác để đi qua, Người Mỹ chưa từng bao giờ có thể phá
hủy được toàn bộ hệ thống.
Walter T. Kerwin: Hai năm tham mưu trưởng ở Sài Gòn
Walter Kerwin phục vụ tổng cộng 39
năm trong quân đội, thời gian cuối là tướng bốn sao và là Phó Tham mưu
trưởng. Ông phục vụ một thời gian dài ở Việt Nam và có thời gian chỉ huy
quân đội Mỹ ở Puerto Rico, Panama và Alaska.
Tôi đến Việt nam năm 1967, đáp xuống
trong cùng chiếc máy bay với tướng Abrams, người được dự định là người
thay thế tướng Westmoreland. Thật ra thì đã có dự định tôi sẽ là tham
mưu trưởng dưới quyền ông. Thế nhưng khi chúng tôi đến thì phải mãi tới
tháng Sáu 68 Abrams với tiếp nhận quyền tổng chỉ huy. Thế là tôi trở
thành tham mưu trưởng dưới Westmoreland. Cho tới thời điểm đó, mọi việc
dường như tiến triển tốt cho người Mỹ. Trông có vẻ như chúng tôi có
nhiều tiến bộ. Nhưng rồi tới tháng Giêng 1968, khi chúng tôi có một vấn
đề hết sức rõ ràng – đợt tấn công dịp Tết. Chúng tôi biết rằng sẽ có một
đợt tấn công nào đó. Nhưng điều làm cho chúng tôi bất ngờ là quy mô của
nó. Nó diễn ra trên khắp nước. Khắp nơi đều bị tấn công. Vấn đề chính
là xác định vị trí của những người tấn công, làm rõ là thành phố nào và
làng nào bị chiếm giữ. Mục đích của họ là lôi kéo người dân về phía họ. Ở
mục đích này thì họ đã thất bại hoàn toàn. Việt Cộng đã bị tổn thất
nhiều cho tới mức đợt tấn công này đã trở thành một thảm bại quân sự.
Chúng tôi nhanh chóng phản ứng lại cuộc
tấn công. Tôi còn ở nhà riêng của tôi ở ngoại thành Sài Gòn khi điện
thoại reo lên. Trước đó tôi đã nghe những tiếng pháo nổ, như thông
thường vào dịp năm mới của Việt Nam – thật sự thì đó là tiếng súng của
đợt tấn công. Khi tôi trở lại văn phòng, chủ tịch của JCS (Joint Chiefs
of Staff) gọi điện từ Lầu Năm Góc để biết có việc gì đang xảy ra. Tôi
tường thuật cho ông những gì mà tôi biết cho tới thời điểm đó. Tướng
Westmoreland đang ở trong sứ quán tại Sài Gòn với những người khác. Tôi
cố triệu tập đầy đủ người của bộ tham mưu, đang đổ về từ khắp nơi của
tổng hành dinh. Họ giúp tôi nhìn bao quát tình hình. Qua đó mà tôi có
thể báo cáo và cũng có thể cố vấn cho tướng Westmoreland trong sứ quán.
Chúng tôi nhanh chóng kiểm soát được tình
hình. Vấn đề chính đối với chúng tôi là mặt tâm lý, đặc biệt là ở quê
nhà Hoa Kỳ, nơi mà đợt tấn công dịp Tết đã để lại một ấn tượng lớn. Và
khi chúng tôi yêu cầu có thêm quân thì người ta nói với chúng tôi rằng
chúng tôi cần phải dựa trên chiến thắng mà chúng tôi đã đạt được, và
không được tăng quân.
Đối với Việt Cộng thì con đường mòn Hồ
Chí Minh là đoạn đường tiếp tế chính. Nó là tuyến tiếp vận quan trọng
nhất mà họ dùng để thâm nhập vào Campuchia và rồi đi vào phần trên, phần
giữa và phần dưới của Nam Việt Nam. Thật sự là đáng ngạc nhiên: khi họ
bắt đầu xây dựng thì nó không gì khác hơn là một con đường nhỏ xuyên qua
rừng rậm. Cuối cùng thì nó trở thành một pháo đài khổng lồ. Chúng tôi
không hề đánh giá thấp con đường mòn Hồ Chí Minh, nhưng vấn đề là sự che
chở mà rừng rậm đã mang lại cho Việt Cộng. Lần thì chúng tôi có thể bắt
được ở đây, lần thì ở kia. Nhưng với ném bom từ trên không thì chúng
tôi không thể làm gián đoạn lâu dài con đường mòn Hồ Chí Minh được. Thay
vì ném bom khắp con đường từ dưới lên và từ trên xuống, cuối cùng chúng
tôi đã tập trung lại ở một loạt điểm quân sự. Trong một tháng chúng tôi
có lần đã bay tới 8000 phi vụ – đó là một núi bom đạn khổng lồ. Đường
mòn Hồ Chí Minh cả một thời gian dài là điểm nóng của các sự kiện. Giá
như chúng tôi phá hủy nó được thì chúng tôi đã có thế đứng tốt hơn nhiều
ở đó rồi. Nhưng chỉ từ trên không thì không thể làm điều đó được.
Cũng đúng như thế với hệ thống đường hầm
Củ Chi ở gần Sài Gòn. Chúng tôi biết về những con đường hầm này. Nhưng ở
đó có rất nhiều đường hầm. Chúng ở khắp nơi. Vấn đề chính là tìm lối
vào. Khi người ta ở trong một ngôi làng thì một lối vào như vậy có thể ở
sau một trong những ngôi nhà nhỏ cũ kỹ đó. Nhưng làm sao tìm ra được
nó? Phải phá hủy gần như cả làng để phát hiện ra một đường hầm duy nhất.
Và rồi khi người ta đứng trước nó và nhìn thấy lối vào thì nó lại hết
sức nhỏ. Nếu như họ phủ kín nó ở trong rừng thì chúng hầu như không thể
phát hiện ra chúng được. Chúng tôi biết là chúng ở đâu đó ngoài kia,
nhưng mà ở đâu? Trả lời câu hỏi này là cực kỳ khó, ngay cả cho tình báo
của chúng tôi. Thật là không thể tin được: những người này biến mất, và
có những ai đó trong số họ sống hàng năm trời ở đó, và họ có đạn dược
với lương thực ở dưới đó, và bệnh viện với phòng mổ, đơn giản là mọi
thứ. Người ta tự hỏi nói chung là họ làm sao mà có thể tồn tại được.
Rồi những hình ảnh đó đi khắp thế giới
vào cuối tháng Tư 1975, những hình ảnh chụp chiếc máy bay trực thăng Mỹ
đang bay lên từ nóc nhà của đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Đối với một người
đã ở đó hai năm thì tất nhiên đó là một sự việc buồn. Chúng tôi đã đổ
công sức khổng lồ vào đó từ 1962 cho tới 1975, và rồi thì chúng tôi như
thế đó. Nhìn như vậy thì chúng tôi đã thua cuộc chiến.
Peter Arnett: “Tết Mậu Thân làm thay đổi tiến trình lịch sử”
Peter Arnett làm việc cho hãng thông
tấn Associated Press (AP) từ 1962 cho tới 1975 ở Việt Nam và qua đó là
phóng viên lâu năm nhất ở tại chỗ. Các bài viết mang nhiều tính phê phán
của ông thường không làm cho giới quân đội Mỹ và chính phủ Nam Việt Nam
hài lòng. Đối với nhiều người, ông là thông tính viên tốt nhất của
Chiến tranh Việt Nam. Mới đây, ông cũng nổi tiếng qua những bài tường
thuật riêng cho CNN từ Chiến tranh vùng Vịnh chống Iraq.
Đầu 1964, những kế hoạch hoạt động bí mật
đến từ Washington. Quyết định đã được đưa ra, tấn công cảng và tàu ở
Bắc Việt. Người ta thật sự lo ngại, rằng vũ khí và quân lính được chở
bằng tàu thủy dọc theo bờ biển xuống Nam Việt Nam. Ngoài ra, chính phủ
Mỹ muốn gây áp lực để làm bất ổn định Bắc Việt Nam. Họ gửi gián điện ra
miền Bắc để tuyên truyền chống Hồ Chí Minh, họ gửi những người phá hoại,
cho nổ tung vài cây cầu. Các hoạt động này được quyết định ở
Washington. Chúng rất bí mật, được CIA điều khiển, từ các chuyên gia
được che chắn rất tốt. Chúng được tiến hành từ Nam Việt Nam, nhưng không
ai biết điều đó, cả các phóng viên lẫn người Việt. Một trong những kết
quả của kế hoạch bí mật OPLAN 34A là các sự kiện ở Vịnh Bắc bộ, những
cái được chính phủ Mỹ trình bày như là một cuộc tấn công tàu hải quân
Mỹ. Tổng thống Johnson nói: “Chúng tôi tuần tra trong vùng biển quốc tế,
và người cộng sản tấn công. Chúng tôi không thể chấp nhận điều đó.”
Điều mà ông không nói là những chiếc tàu chiến này chở những người phá
hoại và thâm nhập được đưa lén vào Bắc Việt. Điều này được giữ bí mật
trước công chúng Mỹ. Johnson sử dụng những cuộc tấn công này để thu hút
tình cảm quốc gia Mỹ. Và ông đã khiến cho Quốc Hội đã trao cho ông tựa
như là toàn quyền cho cuộc chiến. Các nghị sĩ nói: “Chúng tôi ủng hộ tất
cả những gì mà anh làm ở đó!”, nếu như ông có thể ngăn chận được người
cộng sản. Đó là lần ủy quyền mà ông cần. Ông ấy là một chính trị gia rất
khôn khéo. Nếu như người ta biết nhiều hơn về sự việc thì đã có thể có
hạn chế rồi. Nhưng như thế thì ông ấy đã có thể dùng sự kiện đó để thúc
đẩy các ý tưởng riêng của ông nhằm mở rộng cuộc chiến. Thật là bi kịch.
Là phóng viên, chúng tôi luôn ở ngoài đó,
ở tại các cố vấn Mỹ cũng như tại những người lính Nam Việt Nam. Tôi tin
rằng chúng tôi hiểu rất tốt sự phát triển của cuộc chiến. Cuối 1964,
chúng tôi từ giới truyền thông hiểu được rằng phía cộng sản chiến đấu
với rất nhiều nhiệt tình, rất yêu nước. Người ta có thể nhìn thấy điều
đó, và chúng tôi viết về điều đó. Mặt khác, chúng tôi nhận ra rằng giới
chỉ huy quân đội Mỹ hết sức chán nản. Họ nhất quyết tiêu diệt Việt Cộng
và ngăn chận chủ nghĩa cộng sản, quyết định bảo vệ cái mà họ là “Nam
Việt Nam tự do”. Tướng Westmoreland yêu cầu có thêm quân, và thật sự là
ngày càng có nhiều quân lính đến. Đối với tôi, cuộc chiến này dường như
không bao giờ chiến thắng được – vì bản chất của cuộc xung đột, vì những
cánh đồng ruộng lúa, vì rừng rậm. Đó không còn là một cuộc chiến mà
người ta có thể quyết định trên chiến trường.
Những tiếng nói yêu cầu một giải pháp
ngoại giao bắt đầu vang to lên. Cả tôi và đồng nghiệp của tôi cũng cho
đó là giải pháp tốt nhất. Khi những lực lượng đánh bộ đầu tiên đổ bộ
xuống Đà Nẵng – và tôi tường thuật về lần đến nơi của họ – lúc đó tôi bị
sốc và buồn rầu, vì tôi có cảm giác theo bản năng, rằng nước Mỹ sẽ thất
bại ở Việt Nam. Lính Mỹ không được huấn luyện cho cuộc chiến này. Ví dụ
như khi lực lượng Marines đầu tiên xuất quân thì 60 phần trăm người
lính phải được mang trở về bằng trực thăng, vì bị nóng quá mức, họ không
thể chịu đựng được nhiệt độ vùng nhiệt đới. Năm 1965, tôi theo lính dù
vào rừng, và họ nắm tay nhau, họ cầm tay nhau đi qua rừng rậm, với vũ
khí ở trên vai, hết sức sợ lạc nhau. Người Mỹ đơn giản là đã không chuẩn
bị trước cho loại chiến tranh này.
Các lực lượng đánh bộ đầu tiên tới đây là
những người lính chuyên nghiệp, Marines, đã đăng ký tòng quân nhiều
năm, cũng có cả lính dù nữa. Tôi có cảm giác là những người chuyên
nghiệp đang hoạt động ở đó, mặc dù tổn thất đã tăng lên. Nhưng rồi đã
trở nên tồi tệ hơn rất nhiều khi những người lính nghĩa vụ tới đây,
người trẻ tuổi, người Mỹ da đen và nghèo, được tuyển chọn ở Detroit và
New York và được gửi vào một cuộc chiến mà họ hoàn toàn không muốn dính
líu tới. Họ bắt đầu mang những dấu hiệu hòa bình. Họ không muốn ở đây,
không có lý do để chiến đấu ở đất nước này. Lúc tường thuật về họ thì
người ta nhanh chóng nhận thấy rõ rằng họ không đủ khả năng cho nhiệm vụ
đó, đánh đuổi người cộng sản. Họ phải phục vụ một năm và đếm từng ngày
cho tới lúc trở về quê hương. Vì vậy mà Hoa Kỳ đã thất bại ở Việt Nam,
vì họ không thành công trong việc xây dựng một quân đội quyết tâm cho
tới cùng cực. Việt Cộng ngược lại thì chiến đấu vô điều kiện; không có
nơi mà họ có thể trở về. Họ chiến đấu cho quê hương của họ.
Có một tiến bộ năm 1965/66, khi nước Mỹ
gủi 300.000 người sang Việt Nam. Người ta nhét họ vào các căn cứ, họ
tăng cường cho lực lượng pháo binh, có rất nhiều trực thăng hơn. Người
ta có thể tựa người ra sau và nói: “Chúng ta có 300.000 lính ở đây. Mỗi
ngày họ đều đi ra ngoài để thực hiện những hoạt động quân sự, tất cả đều
tốt đẹp.” Nhưng khi vấn đề là chiến thắng người cộng sản thì tất cả
những điều đó đều vô ích. Vì phía cộng sản ở Hà Nội nói rằng: “Được
thôi, chúng tôi biết phải làm thế nào!” Họ có thể phát triển một chiến
lược để chiến thắng được người Mỹ. Và chiến lược này tất nhiên là phục
kích, chuyển cuộc chiến lên núi và bảo vệ con đường mòn Hồ Chí Minh với
rất nhiều lính cho những chiếc xe tải của họ. Họ đơn giản là chơi cờ với
chúng tôi.
Westmoreland đóng quân trên toàn Nam Việt
Nam, nhưng các hoạt động quân sự thì không đáng giá tới một xu. Ví dụ
như Củ Chi, nơi Sư đoàn 25 của chúng tôi đóng quân: Ở đó, người ta đã
tính toán một một diện tích nhất định, cần phải được “làm sạch”. Người
ta đẩy người cộng sản ra khỏi vùng này. Nhưng họ có đường hầm dưới mặt
đất, và đơn giản là trốn đi xa 50 dặm trở vào rừng rậm. Tức là không hề
có một thành công nào hết, ngoài việc người cộng sản bây giờ cách xa một
ngày đường hành quân. Nhưng Westmorelnad có thể trở về nhà và nói rằng.
“Có tiến bộ!”
Về lâu dài thì không có tiến bộ. Cuối
1967, khi tướng Westmoreland ra trước Quốc Hội và tuyên bố chiến thắng
nằm trong tầm nhìn và có ánh sáng ở cuối con đường hầm thì tôi viết rằng
điều đó là tầm bậy. Người Mỹ kẹt trong một ngõ cụt. Họ không thể xua
đuổi người cộng sản ra khỏi đất nước đó. Năm 1968 sẽ có những trận đánh
lớn. Tôi viết điều đó, những người khác cũng viết như vậy. Đánh giá đó
của năm 1967, thắng cuộc chiến này, là điều vô lý. Người cộng sản nghỉ
ngơi dưỡng sức cho tới mức họ có thể tiến hành những trận đánh lớn. Rồi
điều này cũng xảy ra vào cuối tháng Giêng 1968 với đợt tấn công Tết Mậu
Thân. Tôi nghĩ là ý kiến công chúng ở Hoa Kỳ sau đó đã quay ngược 180 độ
ngay lập tức. Người đọc tin tức của CBS Walter Cronkite lúc đó hỏi trực
tiếp trên truyền hình: “Đang xảy ra những gì ở đó? Tôi nghĩ là chúng ta
sắp thắng cuộc chiến này rồi cơ mà!”
Đợt tấn công Tết Mậu Thân cho tới nay là
một trong những hoạt động gây tranh cãi nhiều nhất của toàn bộ cuộc
chiến. Có hai quan điểm khác nhau. Một quan điểm cho rằng phía cộng sản
đã tiến hành một chiến dịch xuất sắc mà với nó họ đã làm cho người Mỹ và
người Nam Việt Nam mất tinh thần chiến đấu, và thắng cuộc chiến. Cách
nhìn kia là đợt tấn công dịp Tết Mậu Thân đã thất bại và người Mỹ đã bỏ
lỡ cơ hội để đâm nhát dao kết liễu Việt Cộng. Tôi ở bên phía của những
người nói rằng đó là một chiến lược quân sự và chính trị xuất sắc của
người cộng sản. Westmoreland về Hoa Kỳ năm 1967 để tuyên bố chiến thắng
sắp đến, và trong tháng Giêng 1968 ở Sài Gòn, người ta tin rằng chiến
tranh tuồng như đã chấm dứt rồi. Tất cả những điều đó đã bị ném vào đống
rác khi Việt Cộng tấn công 40 thành phố và giết chết nhiều lính Mỹ và
người Việt. Người Mỹ bị đánh trúng đến tận xương tủy: sự việc, rằng kẻ
địch xâm nhập vào cho tới khu đất của đại sứ quán và bao vây phi trường.
Nó làm lung lay niềm tin của giới công chúng. Tổng thống Johnson sụp
xuống; tất cả những điều này đã dẫn tới quyết định của ông, không tái
ứng cử. Tết Mậu Thân đã làm thay đổi tiến trình lịch sử.
Thời đó, tôi nhìn thấy người cộng sản đã
có những tổn thất nào trong đợt tấn công. Nhiều du kích quân của miền
Nam bị giết chết, vì họ đã hy sinh. Hàng ngàn và hàng ngàn người trong
số họ đã chết. Nhưng qua đó họ đã cho thấy rõ rằng Hoa Kỳ không dễ dàng
thắng được cuộc chiến này. Và điều đó là hoàn toàn không thể chấp nhận
được đối với công chúng Mỹ, vì sự sẵn sàng để tiếp tục bước sâu hơn vào
trong đó đã cạn kiệt. Trên khắp nước đã có những cuộc biểu tình phản
đối. Đó là một lần thức tỉnh dữ dội. Trận tấn công Tết Mậu Thân cần phải
đi vào lịch sử như là một trong những trận đánh lớn nhất và quan trọng
nhất của thế kỷ 20.
Nhìn toàn cuộc thì giới công chúng của
chúng tôi đã ủng hộ cuộc chiến trong những năm sáu mươi. Những sự lộn
xộn sau đó của Đệ nhị Thế chiến, cuộc Chiến tranh Lạnh – điều đó làm cho
phần lớn người Mỹ tin rằng Liên bang Xô viết là một mối đe dọa, và nhân
danh dân chủ để chịu trách nhiệm cho những vùng đất xa xôi là chính
danh. Ngay cả khi các tổn thất ở Việt Nam mỗi lúc một tăng lên, phần lớn
vẫn còn hậu thuẫn cho chính phủ. Ngày càng có nhiều phản đối trong giới
sinh viên, những người tránh xa cuộc chiến; nhiều người trí thức cho đó
là một cuộc chiến tranh thuộc địa. Năm 1968, cuộc đấu tranh vì quyền
dân sự đã làm tê liệt các trường đại học. Con số những người biểu tình
tăng lên. Đã thấy rõ là phần lớn người Mỹ không còn muốn có chiến tranh
nữa. Khi Nixon thâm nhập sang Campuchia năm 1970, sinh viên không muốn
chấp nhận điều đó. Phản đối bùng nổ trên khắp nước. Nixon thật sự là đã
bị bắt buộc phải rút lui. Ông đã trì hoãn điều đó, Kissinger đã trì hoãn
điều đó. Nhưng rồi năm 1973 họ cuối cùng cũng rút quân đội Mỹ về. Vào
thời điểm này, giới công chúng đã quá chán ngán cuộc Chiến tranh Việt
Nam – họ vẫn còn chán ngán cuộc chiến này.
Tôi ở lại Sài Gòn cho tới khi kết thúc,
để tường thuật về lần chiếm thành phố. Tôi đã ở đó ngay từ đầu của cuộc
chiến và cho rằng tôi cũng cần ở đó khi nó kết thúc, để thông báo sự
thật về các sự kiện. Người cộng sản có hành hình nhiều người không? Họ
làm thế nào để quản lý thành phố? Có một cuộc chiếm đóng không khoan
nhượng hay không? Tôi cảm thấy mình sẵn sàng ở lại, đánh liều tính mạng
và quan sát mọi việc.
Khi tôi nhìn thấy họ, những người chiến
thắng, tiến quân vào trên những chiếc xe tải và xe tăng của họ và trong
những bộ quân phục, lúc đó tôi nghĩ – và tôi cũng viết cho AP – rằng
toàn bộ cuộc chiến đúng là một sự phung phí đẫm máu thời gian. Toàn bộ
lần tham chiến của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, sự cống hiến của những con
người trẻ tuổi, hàng tỉ dollar, sự hy sinh của người Nam Việt – giống
như tất cả những việc đó chỉ chấm dứt trong khoảnh khắc này, khi những
người chiến thắng tiến quân vào. Họ chào mừng, họ tiếp nhận quyền chỉ
huy một cách nhanh chóng và tự chủ. Điều mà phía Mỹ chiến đấu cho nó thì
thật ra chỉ là một ý tưởng tuyên truyền, mang lại cho người Nam Việt
lối sống Mỹ, điều mà đã không bao giờ thành công, không bao giờ có thể
nhận ra được. Và trong khoảnh khắc đó tôi rất đau buồn, rằng nói chung
là cuộc chiến này đã được tiến hành. Người cộng sản cũng có thể tiến vào
Sài Gòn trước đó 20 năm, sau khi họ đánh bại người Pháp. Thế nhưng Hoa
Kỷ đã ngăn chận những cuộc bầu cử thống nhất được ấn định ở Genève cho
năm 1956 và qua đó là ngăn chận một lần tiếp nhận quyền lực một cách hòa
bình. Tôi rất bực tức và buồn rầu, rằng tất cả mọi cố gắng đã thành
thừa thải. 60 nhà báo cũng bị giết chết, bên cạnh hàng triệu người lính
và dân thường người Việt, đó mới là một bi kịch thật sự. Cuộc chiến kéo
dài này không hề mang lại điều gì tốt đẹp cho người Nam Việt hay Hoa Kỳ
hết. Nó tàn bạo, nó giết người. Và nó là một thất bại hoàn toàn.
Peter Rodman: Chính sách của Nixon và Hiệp định Paris
Peter Rodman từ 1969 là nhân viên của Hội đồng An ninh Quốc gia và là trợ tá của Henry Kissinger.
Tháng Giêng 1969, Richard Nixon tiếp nhận
cuộc Chiến tranh Việt Nam từ người tiền nhiệm. Vào ngày ông nhậm chức
có 500.000 người lính ở Việt Nam, và con số của họ tiếp tục tăng lên.
Không có kế hoạch mang họ trở về như thế nào, các cuộc đàm phán vừa mới
bắt đầu. Nixon đứng trước một đống đổ nát. Mục đích quan trọng nhất của
ông là giải phóng nước Mỹ ra khỏi cuộc chiến tranh này và đồng thời cố
gắng ấn định những đường lối cơ bản cho một chính sách đối ngoại mới của
Hoa Kỳ. Ông không có ý định đầu hàng. Dường như là có một sự đồng thuận
khắp nước cho một loại thỏa hiệp trong danh dự nào đó. Chúng tôi gọi nó
là “chiến tranh vì danh dự”, một cuộc rút quân từng bước. Điều quan
trọng đối với Nixon là chúng tôi đóng chương Việt Nam lại với một hành
động chính trị, không phải với một sự sụp đổ. Thế là ông cũng hành động
như vậy, và có được sự hậu thuẫn trong nước cho chính sách Việt Nam của
ông hầu như suốt cả nhiệm kỳ.
Thật sự thì chúng tôi đã bắt đầu rút quân
ngay từ những tháng đầu tiên. Nhưng lịch trình được ấn định rất dài.
Ngoài ra, chính sách của Nixon không loại bỏ những hành động quân sự
nhất định có nhiệm vụ bảo đảm cho các vị trí của Nam Việt Nam, càng vững
chắc càng tốt. Thuộc vào trong đó là cố gắng cực kỳ lớn để đánh bại đợt
tấn công Phục Sinh [1972] của Bắc Việt. Câu trả lời của Nixon vào đầu
tháng Năm là ném bom Bắc Việt Nam, thả mìn phong tỏa các cảng của Hà Nội
và Hải Phòng. Đó thật sự là một trong những bước leo thang lớn nhất của
cuộc chiến.
Bây giờ, trên kế hoạch là chuyến đi thăm
Moscow của Nixon vào hai tuần tới. Tinh thần trong Nhà Trắng rất căng
thẳng; do chúng tôi lo ngại Breshnew sẽ hủy bỏ cuộc gặp gỡ vì muốn tỏ
tình đoàn kết với Hà Nội. Nhưng trong vòng hai ngày thì người ta biết rõ
rằng người Xô Viết hoàn toàn không có ý định đó. Có nhiều điều mà họ
muốn bàn thảo với Nixon. Họ lo lắng về tình hình ở Đức, họ e ngại leo
thang cuộc Chiến tranh lạnh sẽ có ảnh hưởng không tốt tới chính sách
Đông Đức của [Thủ tướng Tây Đức] Willy Brandt. Dù trong bất cứ trường
hợp nào, người Nga cũng không muốn hy sinh lợi ích của họ tại một cuộc
gặp thượng đỉnh cho một đồng minh nhỏ bé cách xa nhiều ngàn dặm. Khi
người Xô Viết quyết định tiến hành cuộc gặp gỡ thì đó thật là một sự sỉ
nhục cho Hà Nội.
Quyết định của người Nga cũng hậu thuẫn
cho Nixon trong đối nội. Các nhà phê phán tự do và phe đứng sau George
McGovern đã sẵn sàng lao vào Nixon. Thế nhưng với cuộc gặp gỡ ở Moscow,
Nixon đã thắng hoàn toàn, và phe cánh tả quanh McGovern đứng thật ngớ
ngẩn ở đó. Nixon đã đi dây thành công trong việc đẩy mạnh cuộc chiến ở
Việt Nam và đồng thời vẫn trung thành với chính sách Daiton của mình với
lần gặp gỡ ở Moscow và Bắc Kinh. Đó là một nước cờ ngoại giao xuất sắc.
Nixon đã tăng cường cuộc chiến ở Việt Nam, và phe đối lập cánh tả đã
mất vai trò của họ vì người Nga đã phản bội. Điều này đã góp phần quyết
định cho thất bại của McGovern trong lần tranh cử tổng thống năm 1972,
vì nó khiến cho người ta không thể dùng Việt Nam như là một đề tài tranh
cử được nữa.
Đường lối Đông Dương của Nixon không bao
giờ là một đường lối đầu hàng, nó cần phải trao cho người Nam Việt cơ
hội càng lớn càng tốt để sống còn và cho người Bắc Việt sự hấp dẫn tối
đa cho thỏa hiệp. Thế nhưng yêu cầu của Bắc Việt Nam tại các đàm phán
hòa bình ở Paris chỉ nhắm tới một lần đầu hàng được che đậy mỏng manh
của Mỹ. Lời đề nghị của họ trông giống như họ ủng hộ một chính phủ liên
hiệp, nhưng trên thực tế thì nó có nghĩa là chúng tôi phải “chặt đầu”
giới lãnh đạo Nam Việt. Rồi giới lãnh đạo không có quyền lực đó cần phải
đàm phán với Việt Cộng. Và kết quả sẽ là một hình thức liên hiệp với cơ
cấu quyền lực cộng sản. Người Bắc Việt không rời khỏi mô hình này nhiều
năm trời. Họ không bao giờ tỏ ra muốn thỏa hiệp. Sự mỉa mai ở đây là
người Bắc Việt cũng không muốn cho phép người Mỹ trở về nhà trước khi
một hiệp ước được ký kết. Chúng tôi đề nghị rút quân, một cuộc rút quân
hoàn toàn công khai của Mỹ, để lại cho các phe phái Nam Việt Nam tìm
giải pháp cho các câu hỏi chính trị. Người Bắc Việt từ chối đề nghị này.
Họ nhất định muốn chính chúng tôi phải tước quyền lực chính phủ Nam
Việt Nam để rồi trao quyền lực vào tay họ. Chúng tôi cảm thấy điều đó
hết sức mất danh dự.
Thế nhưng người Bắc Việt không rời bỏ yêu
cầu của họ – cho tới tháng Mười năm 1972, khi rồi họ cũng chấp nhận
dự thảo của Nixon. Dự thảo này đồng nghĩa với một cuộc rút quân hoàn
toàn của Mỹ. Nó dự định có trao đổi tù binh và để cho người Việt giải
quyết các câu hỏi về chính trị. Nhưng tất nhiên là nó vẫn để cho chính
phủ Nam Việt Nam nguyên vẹn. Đó là thỏa hiệp chính trị mang tính quyết
định. Và chỉ vì vậy mà các cuộc đàm phán sau bốn năm bây giờ cuối cùng
cũng có kết quả.
Bên cạnh những cuộc đàm phán hoà bình
công khai tất nhiên là cũng có những cuộc trao đổi bí mật giữa Bắc Việt
Nam và chúng tôi. Nhưng mỗi một bước mà chúng tôi tiến hành trong những
lần bàn thảo này đều được thỏa thuận trước với chính phủ Nam Việt Nam.
Chúng tôi đưa cho họ xem mỗi một đề nghị trước khi chúng tôi đưa chúng
ra, và tường thuật về mỗi một phiên họp. Mỗi một đề nghị mà chúng tôi
đưa ra trong những lần trao đổi bí mật này là một lời đề nghị chung với
người Nam Việt.
Khi hiệp định hòa bình về cơ bản là đã
được thỏa thuận trong các cuộc hội đàm bí mật, chúng tôi ngưng ném bom
miền Bắc trong tháng Mười 1972. Thế nhưng những cuộc trao đổi lại bị hủy
bỏ vào đầu tháng Mười Hai, chủ yếu là vì người Bắc Việt bất thình lình
lại có một lý do nào đó. Đó là tuần thứ hai của tháng Mười Hai, khi tôi
với Kissinger ở Paris mười ngày. Trong thời gian đầu, tất cả mọi việc
đều tiến triển tốt đẹp, chúng tôi giải quyết phần lớn những câu hỏi còn
lại, nên chỉ tồn đọng một vài câu hỏi, mà lại không phải là những câu
hỏi quan trọng nữa. Nhưng bất thình lình người Bắc Việt nhận được chỉ
thị từ Hà Nội. Điều đó làm thay đổi tất cả. Bây giờ họ lại bắt đầu đưa
ra những câu hỏi mà chúng tôi vừa mới giải quyết xong, và điều này kéo
dài gần cả một tuần. Không thể không nhận ra rằng người Bắc Việt bất
chợt quyết định ngăn chận một hiệp định. Các cuộc đàm phán đạt tới một
điểm chết.
Chúng tôi trở về từ Paris và đưa ra một ý
kiến giải thích lý do cho việc ngưng đàm phán. Chúng tôi tố cáo người
Bắc Việt, rằng họ đã phá hoại việc ký kết một hiệp ước. Các quả bom vào
cuối tháng Mười Hai là một hậu quả của việc này. Và với những chuyến bay
ném bom, chúng tôi làm rõ rằng người Bắc Việt phải quay trở lại bàn đàm
phán. Nói cách khác: những quả bom đó không có nghĩa là chúng tôi muốn
tiếp tục cuộc chiến, chúng là một tín hiệu, rằng chúng tôi nhất định
muốn chấm dứt đàm phán. Đó là ý nghĩa của “đợt ném bom Giáng Sinh”.
Lần ký kết hiệp định trong tháng Giêng
1973 gây nhiều xúc cảm. Sau đó, chúng tôi đi ra ngoài trời, trên đường
phố Paris, và đứng để cho chụp ảnh. Đó thật là một cảm giác tuyệt vời,
chúng tôi đã làm được một việc gì đó cho đất nước của chúng tôi, chúng
tôi đã mang trọng lượng nặng hàng tấn đó trên vai của chúng tôi. Cuối
cùng thì bây giờ chúng tôi cũng có thể làm lành những vết thương ở Mỹ và
cả những vết thương mà cuộc chiến ở Đông Dương đã để lại. Hoa Kỳ là một
đất nước mà nhiều quốc gia khác tin tưởng. Chúng tôi không thể bỏ mặc
những đồng minh đã trở nên không dễ chịu. Tính đáng tin của Mỹ lâm nguy.
Chúng tôi phải nhanh chóng từ giã đống gạch vụn này, nhưng chúng tôi
phải làm việc đó bằng một cách danh dự. Và lúc đó, chúng tôi nghĩ rằng
chúng tôi bây giờ đã thành công, nhưng đáng tiếc là vài năm sau đó nó
hiện ra là một sai lầm, thế nhưng chúng tôi không thể thấy trước điều
đó.
Rồi cuối tháng Tư năm 1975, người Bắc
Việt tiến quân vào Sài Gòn. Vào ngày đó tôi ở trong Nhà Trắng và cảm
nhận không chỉ là một sự sỉ nhục to lớn, mà cũng là một thảm họa đạo đức
cho Hiệp Chúng Quốc Hoa kỳ, cho toàn bộ thế giới tự do và tất nhiên là
cũng cho người dân ở Đông Dương, những người phải trả giá cho điều đó.
Cái giá mà chúng tôi đã trả là đã mất đi tính đáng tin cậy. Tôi nghĩ
rằng chúng tôi có cơ hội để có được một kết quả tốt hơn, và chúng tôi đã
lãng phí nó với những cuộc cãi nhau trong đất nước của chúng tôi.
Frank Snap: Là điệp viên CIA ở Việt Nam
Frank Snap được đào tạo ở Đại học
Columbia về Ngoại giao, và ban đầu là nhà báo cho truyền hình. Từ 1969
cho tới 1975, ông là nhân viên CIA ở Việt Nam. Ngày nay, ông sống ở
California và viết kịch bản cho phim truyền hình và phim nhiều tập.
Tôi được giáo dục theo lối thủ cựu và
hoàn toàn tin tưởng rằng hoạt động tham chiến của chúng tôi ở Việt Nam
là cần thiết. Ngoài ra thì nói chung là tôi hoàn toàn không có hình dung
nào về chiến tranh, tôi chỉ biết tôi không muốn là một người lính
thường. Giáo sư đại học của tôi đề nghị tôi làm điệp viên, như thế thì
tôi không phải sang Việt Nam. Tôi nghĩ ý tưởng đó thật là hay. Tôi có
thể nói gì nữa, sáu tháng sau đó, tôi được đào tạo và được gởi tới chính
nơi đó, ở Sài Gòn năm năm trời. Tôi là nhân viên hỏi cung, là nhà phân
tích, là nhân viên tuyên truyền và cuối cùng là sếp chiến lược CIA.
Sự phát triển là như thế này: Năm 1969,
đại sứ quán ở Sài Gòn có chỗ cho khoảng 1000 nhân viên, và CIA làm mọi
cách để người Mỹ nhận được những việc làm đó. Ai họ cũng nhận, và vì vậy
mà họ cũng nhận tôi, Tôi hoàn toàn không biết gì về đất nước này, không
biết nói tiếng Việt, hầu như không biết Việt Nam nằm ở đâu. Nhiều người
cũng giống như tôi. Tuy vậy, tôi biết nói tiếng Pháp, và điều đó rất
quan trọng ở vùng này. Để chuẩn bị tôi cho Việt Nam, họ gởi tôi đi đào
tạo bán quân sự ở một cơ sở của CIA. Ngoài những điều khác, người ta dạy
chúng tôi tiến hành các hoạt động gián điệp. Thế nhưng tất cả những gì
mà chúng tôi học được ở đó đều có định hướng cho châu Âu, không hướng
sang Việt Nam.
Khi tôi sang Việt Nam năm 1969, phong
trào chống chiến tranh đang dâng cao. Chính phủ Nixon tìm lối thoát ra
khỏi sự phê phán ngày một tăng đó, và vì vậy mà chính sách Việt Nam hóa
thành hình. Đó là tình hình khi tôi tới Việt Nam: “Việt Nam hóa” chiến
tranh vừa mới bắt đầu, những cuộc phản đối chống chiến tranh ở Hoa Kỳ
lên tới đỉnh cao của chúng, nhưng không có liên quan tới chúng tôi, vì
chúng tôi không bao giờ nhận được tin tức từ quê nhà. Tôi còn không biết
rằng Jane Fonda đã đóng một vai trò quan trọng trong đó. Chúng tôi bị
cô lập ở Sài Gòn, trong thế giới nhỏ của chúng tôi – đại sứ quán –, tiến
trình chính trị ở Hoa Kỳ không chạm đến chúng tôi.
Năm 1969, Sài Gòn là một thiên đàng cho
điệp viên. Ở đó có nhân viên mật vụ của nhiều nước. Ví dụ như tôi có một
cô bạn gái làm việc cho mật vụ Pháp và cung cấp thông tin cho tôi. Đó
là một thời kỳ lý thú. Sài Gòn giống như một thành phố ờ Miền Tây Hoang
Dã; lựu đạn trên đường phó, bắn nhau ở ngoại thành. Nghe có vẻ kỳ lạ,
nhưng Sài Gòn rất đẹp. Tất cả nhân viên sứ quán gặp nhau trong câu lạc
bộ thể thao vào giờ nghỉ trưa. Ở đó, người ta gặp các điệp viên khác và
có thể trao đổi với các viên tướng Nam Việt, cũng có thể chơi quần vợt
với họ. Người ta gặp nhà báo Mỹ, trao đổi bí mật với họ và cố tạo ảnh
hưởng lên ý kiến của họ. Nếu là một điệp viên có nhiệt tình cho nghề
nghiệp thì Sài Gòn là nơi làm việc đúng nhất. Nó hấp dẫn, nó là thế giới
của Hemingways. Người ta có thể bay máy bay ra chiến trường và lại trở
về uống cocktail vào lúc 17 giờ.
Mặt khác, chẳng bao lâu sau đó tôi nhận
ra rằng xã hội Việt Nam đã bị phân tách ra như thế nào. Người Công giáo
thống trị chính trị. Thế nhưng phần lớn người dân lại là người theo Phật
giáo. Vì vậy mà luôn có sự thù địch giữa hai nhóm này. Ngay từ đầu, Hoa
Kỳ đã nghiên về phía người Công giáo và nghi ngại người Phật giáo. Qua
đó, chúng tôi vô tình thúc đẩy sự chia rẽ của xã hội.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng không hiểu
thấu sự việc để mang các nguyên tố cốt lõi của chính trị Nam Việt Nam
lại với nhau, làm cho chúng chuyển động theo cùng một chiều. Chúng tôi
cũng không hiểu rằng ví dụ như người Nam Việt ở vùng Huế hết sức khác
với người Nam Việt ở vùng châu thổ, rằng những người này thật sự nghĩ
rằng người dân ở Huế là kẻ thù của họ.
Giới lãnh đạo quân sự Mỹ chưa từng bao
giờ thấu hiều điều đó, cả và đặc biệt là các khác biệt giữa người Bắc
Việt Và Nam Việt. Người từ miền Bắc hoàn toàn khác hẳn. Họ có vẻ ngoài
khác, tiếp cận đến với công việc khác, có kỷ luật nhiều hơn, giống dân
Phổ rất nhiều trong cách hoạt động của họ. Chúng tôi đã có thể chuẩn bị
tốt hơn cho kết cuộc khi chúng tôi biết rằng người Nam Việt thật sự là
không có khả năng tiến hành chiến tranh một mình.
Nhưng thôi bây giờ nói về công việc làm
của riêng tôi: khi là nhân viên hỏi cung, tôi có hai trách nhiệm hết sức
khác nhau – thứ nhất là tôi phải ra chiến trường và hỏi cung những
người lính của phe địch vừa mới bị bắt; thứ nhì, tôi chịu trách nhiệm
cho các tù nhân đang ngồi trong sở cảnh sát thành phố ở Sài Gòn. Đó
thường là các sĩ quan cộng sản cao cấp. Người cao cấp nhất là phó sếp
mật vụ cộng sản. Ông ấy đã ngồi hai năm trong tù, trong một phòng giam
trắng như tuyết, được chỉnh nhiệt độ thật lạnh, vì chúng tôi biết rằng
người Việt Cộng trong lúc huấn luyện không được làm quen với máy điều
hòa nhiệt độ. Chúng tôi dùng cách tra tấn tâm lý để bẻ gãy ý chí của ông
ấy. Vì vậy mà tôi cũng được gọi tới, vì tôi còn rất trẻ, là một điều
xúc phạm ông ấy, để ông ấy mất tự chủ.
Người tù là một trong số những người có
sức thu hút nhất và có kỷ luật nhất mà tôi từng quen biết. Ông ấy ngồi
lạnh run trong phòng giam của ông, không bao giờ nhìn thấy ánh sáng ban
ngày, vì phòng không có cửa sổ. Mặc dù vậy, đồng hồ nội tâm của ông vẫn
đánh thức ông dậy vào đúng sáu giờ mỗi buổi sáng. Để làm cho ông ấy rối
loạn, tôi để cho người ta dọn cho ông ăn sáng vào lúc 20 giờ và ăn tối
vào lúc 7 giờ. Nhưng ông cũng đứng vững trước cả áp lực tâm lý này. Rồi
tôi nói chuyện phiếm với ông về nhà thơ người Pháp Mallarmé, người mà
ông thông hiểu hơn tôi rất nhiều. Cuối cùng, tôi tấn công trực tiếp ông
với lời khẳng định, ông đã lừa dối cha ông vì sự nghiệp chính trị của
chính mình – một sự xúc phạm rất nặng đối với người Việt có nhận thức
gia đình sâu sắc. Thế là cuối cùng ông ấy cũng mất tự chủ, tức điên lên
và bất thình lình hét lớn ra những sự kiện và sự thật.
Người đàn ông gây nhiều ấn tượng đó vẫn ở
tù cho tới khi chiến tranh chấm dứt, mặc dù có trao đổi tù binh được
thỏa thuận trong hiệp định ngưng bắn 1973. Năm 1975 – tôi không biết tại
sao – ông bị người Nam Việt lôi lên máy bay và ném xuống biển Đông từ
độ cao khoảng 1500 mét.
Tại lần hỏi cung này và những lần hỏi
cung khác, chúng tôi biết rằng người cộng sản mất và phải bổ sung mỗi
năm tròn 60.000 người lính. Thật không thể tưởng tượng được, bao nhiêu
người chết như vậy. Chúng tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu như chúng tôi
để cho không quân phá hủy tất cả những con đê bảo vệ ruộng lúa. Chúng
tôi dự tính với trên hai triệu người chết. Nhưng Lầu Năm Góc chống lại
việc này, vì vậy mà chiến dịch đó chưa từng bao giờ được khởi động.
Chúng tôi cũng có nguồn thông tin từ ở
phía bên kia của chiến tuyến, ví dụ như một điệp viên hoạt động trong
giới chỉ huy của cộng sản. Anh ta đã có thể mang ra nhiều tin tức có giá
trị rất cao. Có thể là không có cuộc chiến nào trong lịch sử mà lại
được điều tra tốt như cuộc chiến này, vì chúng tôi có thể nhìn thấy
trước mỗi một bước đi của người cộng sản. Vấn đề thật ra là chúng tôi
không muốn tin vào những điều nào đó. Ví dụ như chúng tôi phát hiện rằng
người cộng sản sẽ bắt đầu đợt tấn công lớn của họ trong năm 1972. Nhưng
làm sao mà có thể được, họ vẫn còn quá yếu. Vì vậy mà chúng tôi tin
rằng đó là một thông báo sai, và không tin vào thông tin này. Trước đó,
chúng tôi cũng biết rằng người cộng sản có kế hoạch cho một đợt tấn công
lớn năm 1968, nhưng lại có bất đồng giữa người Nam Việt và người Mỹ về
mục tiêu tấn công. Chúng tôi tranh cãi nhau, liệu họ có tấn công các
thành phố lớn ở miền Nam hay không. Chúng tôi nghĩ rằng họ đơn giản là
không có khả năng chiếm các thành phố, và vì vậy mà chúng tôi đã không
chuẩn bị đầy đủ. Ở điểm này thì chúng tôi đánh giá quá thấp người cộng
sản và vì vậy mà đã lâm vào một tình thế hết sức khó khăn.
Trong liên quan với đợt tấn công dịp Tết
Mậu Thân, tôi muốn nói tới một giai đoạn phát triển khác của năm 1968:
“Chiến dịch Phượng Hoàng”. Nó thành hình để phá vỡ cấu trúc cộng sản
trong miền Nam, tiêu diệt điệp viên và những người giật dây. Các đơn vị
dưới sự kiểm soát của Mỹ, dưới sự kiểm soát của CIA, đi về vùng nông
thôn và bắt các cán bộ chính trị, mang họ về để hỏi cung. Nhưng vấn đề
là ở Nam Việt Nam không có một hệ thống luật pháp quy định phải tiếp tục
hành xử như thế nào. Những tù nhân đó ngồi không trong phòng giam của
họ, và rồi cuối cùng thì người Nam Việt quyết định giết chết họ. CIA
biết điều đó và im lặng chấp nhận. Mãi với thời gian, tôi muốn nói là
1969/70, thì rồi dần dần tôi mới nhận ra rằng chúng tôi giết chết nhiều
người cộng sản hơn là có thể có, nói cách khác, chúng tôi giết những
người vô tội. Tôi báo cáo điều đó lên trên và đơn giản là bị phớt lờ.
Đối với chúng tôi ở Sài Gòn thì có thể nhận rõ rằng “Chiến dịch Phượng
Hoàng”, chương trình chống khủng bố, đã hoạt động độc lập và giết chết
nhiều người chỉ có liên quan xa tới người cộng sản.
Thêm một lời về vai trò truyền thông: khi
tôi tới Việt Nam năm 1969, trong giới chính thức có một sự thù địch
đáng sợ đối với báo chí, vì người ta cho rằng các tác động của đợt tấn
công Tết Mậu Thân đã được trình bày một cách cường điệu hóa. Vì vậy mà
đại sứ quán chúng tôi bắt đầu thao túng giới truyền thông. Tôi luôn là
một phần của biện pháp, được gởi ra để thông tin cho nhà báo; tôi nhận
lệnh hành quân của tôi từ đại sứ và từ sếp CIA tại chỗ.
Tôi phân phát cái mà chúng tôi gọi là
“quả hạnh nhân độc”: tôi đưa cho các đại diện báo chí một phần sự thật
và thêm vào đó là thật nhiều những lời nói dối. Ví dụ như tôi kể rằng
người cộng sản đã mất 60.000 người trong vòng sáu tháng vừa rồi; điều mà
tôi không kể ra là họ cũng đưa vào 60.000 người mới, tức là đã thay thế
được con số tổn thất. Rồi các nhà báo chạy đi, và nghĩ rằng người cộng
sản đang ở trong tình thế hết sức khó khăn. Và đó chính là thông điệp mà
chúng tôi muốn gửi đi.
Chúng tôi đã cố đánh lừa giới báo chí
trong quy mô lớn. Điều này kéo dài cho tới năm 1975. Một trong những
nhiệm vụ chính của tôi là cung cấp thông tin hậu trường và đưa cho họ
những thông tin bí mật, để cho họ tin rằng chúng tôi chiến thắng, rằng
Quốc Hội cần phải tiếp tục duy trì sự giúp đỡ cho Nam Việt Nam, và Nam
Việt Nam đáng để được tiếp tục giúp đỡ. Nhưng điều mà chúng tôi không
nói là tình hình an ninh ở Nam Việt Nam là một thảm họa. Người cộng sản
có mặt ở khắp nơi trong vùng nông thôn. Chúng tôi cũng không bao giờ
nhắc tới, rằng tham nhũng trong giới chính trị Nam Việt Nam và trong
quân đội tăng không kìm hãm. Chúng tôi không kể cho họ những điều đó.
Tất nhiên là họ phỏng đoán những điều đó, nhưng tình trạng của các nhà
báo ở Nam Việt Nam là họ phải dựa rất nhiều vào những nguồn chính thức,
vào những người như tôi; vì nhận được thông tin từ nơi nào khác là rất
khó khăn. Thế là họ đi vào đại sứ quán, và chúng tôi tiếp đãi họ, đi ăn
với họ, hút thuốc với họ, nói về bóng bầu dục và bóng chày. Và rồi dần
dần thì họ tin chúng tôi và rồi cũng chấp nhận cả những “quả hạnh nhân
độc”. Chiến tranh được buôn lại cho báo chí như thế đó.
Mike Lake: Những cơn ác mộng của một cựu chiến binh Việt Nam
Tôi được gởi sang Việt Nam tháng Năm năm
1968. Căn cứ của chúng tôi ở miền nam, cách Sài Gòn không xa. Tôi vừa
học xong college với điểm xuất sắc và tình nguyện tham gia một lực lượng
đặc biệt. Tôi hoàn toàn không biết những gì đang chờ đợi tôi ở đó. Nó
giống như một chuyến phiêu lưu, và tôi tin chắc rằng những việc tôi làm
là đúng.
Sau khi đến với đơn vị thì chúng tôi lúc
nào cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu. Các đơn vị xe tăng rất cơ
động, vì vậy mà chúng tôi có mặt ở khắp nơi. Không thể sử dụng trực
thăng vì hỏa lực trên trận địa. Chúng tôi lúc nào cũng phản ứng khi một
đơn vị của chúng tôi lâm nguy. Tôi nghĩ là đã trải nghiệm được rất
nhiều.
Chúng tôi biết các đường hầm ở Củ Chi. Có
lần, sau khi chúng tôi “dọn sạch” một vùng ở phía bắc căn cứ của chúng
tôi, chúng tôi tin rằng trong vòng sáu tháng tới sẽ không thể có sự sống
nào ở đó, thế nhưng trong vòng một tuần, chúng tôi lại phát hiện ra
nhiều hoạt động. Hệ thống đường hầm đó rất rộng lớn nên chứa được rất
nhiều người.
Suýt tí nữa thì tôi đã mất mạng ở Việt
Nam. Chuyện là như thế này: chúng tôi ở trong một ngôi làng cộng sản và
tổ chức phục kích. Chúng tôi bò vào trong bóng tối. Xe tăng của chúng
tôi cách đó khoảng một dặm. Tôi là người cuối và vác khẩu súng máy. Tất
cả mọi người đi vào vị trí của mình, và khi tôi định vào vị trí của tôi
thì bất thình lình có một đơn vị Việt Cộng đi qua làng. Chúng tôi muốn
để cho họ đi qua, thế nhưng họ lại bước thẳng tới chỗ của chúng tôi, vì
vậy mà chúng tôi buộc phải khai hỏa. Họ nhanh chóng ngắm vào tôi, vì tôi
là xạ thủ súng máy. Gã bắn trúng tôi bắn rất tốt và chính xác.
Xe tăng của chúng tôi được báo tin rằng
chúng tôi chạm địch. Trong vòng ba tới bốn phút, họ đã xác định được vị
trí của chúng tôi. Ngôi làng không lớn lắm, vì vậy mà tìm thấy chúng tôi
không khó. Tôi được cứu thoát có lẽ là sau bảy tới tám phút.
Tôi nằm trong một bệnh viện ở Sài Gòn
khoảng hai tuần. Tình hình sức khỏe rất tồi tệ. Sau đó, họ chở máy bay
tôi sang Nhật, nơi tôi ở đó thêm bốn tuần nữa, trước khi tôi trở về Hoa
Kỳ. Tôi vào một bệnh viện có 2500 bệnh nhân tại Colorado. Đại đa số chỉ
từ 20 tới 21 tuổi. Tôi nghĩ rằng ai cũng mừng là mình còn sống sót. Tôi
không cảm thấy căm thù người Việt và chính phủ Mỹ. Trong khoảnh khắc đó,
tôi chỉ đơn giản là vui mừng vì còn sống. Người Việt là những con người
xuất sắc. Đó là đất nước của họ, tôi không có việc gì mà phải tìm đến
đấy cả. Tôi lấy làm tiếc.
Khi già đi thì người ta nhìn tình hình
với con mắt khác. Nó có liên quan tới sự cay đắng. Thời đó, người ta đơn
giản là thả chúng tôi ra ở Việt nam. Không một ai trong số chúng tôi,
vẫn còn gần như là trẻ con, đã được cảnh báo trước rằng cái địa ngục nào
đang chờ chúng tôi ở đó. Rồi chúng tôi trở về nhà – những chàng trai
thời đó đã rời trường college và 70% là tình nguyện. Thời gian đó, giới
công chúng đã quay sang chống chiến tranh và nói rằng: “Đã đủ rồi!” Vì
vậy mà có một sự khước từ lạnh như băng ập vào chúng tôi; thật là đáng
sợ. Tôi ở trong bệnh viện đó một năm, qua mười một ca mổ lớn, không có
sự giúp đỡ của một nhà tâm lý, không có sự cảm thông. Mãi sau này chính
phủ mới tỏ ra quan tâm tới chúng tôi, và ngày nay, khi người ta nhận
mình là cựu chiến binh Việt Nam thì nói chung là: “Wow, các anh đã làm
được một việc tốt!”
Từ 1987, tôi bị rối loạn stress sau chấn
thương (PTSD). Đó là một sự mất định hướng hậu chấn thương. Mãi 19 năm
sau cuộc chiến tôi mới bị bệnh này. Tôi thấy tôi đã thay đổi rất nhiều,
cả vợ tôi cũng nhận thấy có điều gì đó không bình thường ở tôi, nhưng
chúng tôi không biết đó là gì. Tôi đi điều trị tại hai nhà tâm lý học.
Một phần não của tôi bị thương. PTSD là một chứng bệnh mà ví dụ như các
nạn nhân bị hãm hiếp cũng có thể mắc phải, nhưng đại đa số là cựu chiến
binh.
Lý do cho chứng PTSD ở tôi thật ra là vì
tôi đã giết chết quá nhiều người. Ngày nay, tôi cảm thấy ân hận vô cùng.
Họ nhìn tôi, và tôi nhìn họ. Tôi không bao giờ có thể quên được điều
đó. Tôi nghĩ rằng người ta càng già đi thì người ta lại càng quý trọng
sự sống nhiều hơn. Tôi không phải là một con người bạo lực, nhưng cuộc
chiến đã đặt dấu ấn lên tôi. Các giác quan nhạy cảm cho tới mức dường
như người ta có thể nhìn xa được tới mười dặm, nghe và ngửi được tốt
chưa từng có. Và tôi vẫn còn có thể ngửi được trong các cơn ác mộng của
tôi, có thể ngửi được cuộc chiến, và khi điều đó bắt đầu thì rồi tôi có
vấn đề.
Cho tương lai, tôi mong muốn rằng giới
trẻ nên tham gia tích cực hơn nữa vào chính trị, vì những người chiến
đấu trong các cuộc chiến tranh trong tương lai không phải là những nghị
sĩ già mà là những đứa trẻ con 19 tuổi.
Phan Ba trích dịch từ “Apokalypse Vietnam”
Đọc những bài phỏng vấn khác ở trang Chiến tranh Đông Dương
Đọc những bài khác về cuộc chiến tranh ở Việt Nam tại trang Chiến tranh Việt Nam