Đầu xuân năm mới cũng là lúc
nhiều người bỏ công bỏ việc, chẳng quản đường sá xa xôi mà đi lễ đền lễ
chùa để cầu tài cầu lộc, cầu bình an, không cầu cho mình thì là cho
người thân, gia quyến.
Mỗi người một kiểu, có người vái tới rồi vái lại “cho chắc,” có người xá xá cho qua lệ… mà không hay rằng mình đã sai.
Vái Phật mà không tin Phật thì cũng là phỉ báng Phật
Theo Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy: “Tin tưởng Như Lai mà không hiểu Như Lai, tức là phỉ báng Như Lai vậy.”
Thật vậy, người bình thường, ai cũng
mong có cuộc sống bình an, “vạn sự như ý,” nhưng trong Phật gia đã từng
giảng: “làm người là khổ,” cuộc đời là bể khổ, không có khổ này cũng sẽ
là khổ khác. Nhiều lúc chính là đang chịu khổ, chịu mê mà cũng không
biết đó là khổ. Do vậy các vị Đại Giác giả mới xuất phát từ lòng từ bi,
từ sự thương xót con người mà truyền Đạo, giảng Pháp mở đường dẫn chúng
sinh về cõi giải thoát khỏi sự luân hồi bể khổ đó. Nếu ở thế gian này đã
là sung sướng rồi, cầu gì được nấy, vạn sự như ý thì cũng sẽ chẳng còn
ai phải giải thoát đi đâu nữa.
Kinh sách nhà Phật giảng rất nhiều về
nhân quả và duyên phận. Mọi chúng sinh và vạn vật trong vũ trụ này đều
không thoát khỏi luật nhân quả. Theo đó mọi chuyện xảy ra với mình đều
là nhân duyên của chính mình gây nên. Làm việc thiện sẽ kết thiện duyên,
làm điều ác sẽ kết ác duyên. Đối với ai cũng vậy, tất cả những bất hạnh
hay may mắn của bản thân đều là do những việc mình cố ý hay vô ý đã làm
trong quá khứ, có thể là đời này, có thể là đời khác… mà thành. Ý nghĩ
xấu, lời nói không tốt, hành động xấu… đến lúc sẽ tạo nên quả xấu, tự
mình phải gánh chịu. Do đó, giải hạn, cầu may… không phải là điều Đức Phật dạy.
Chỉ khi con người rung động trước Phật
Pháp, xuất tâm tu dưỡng tâm tính đạo đức của mình, thì khi đó các Giác
Giả mới có thể giúp. Vậy nên nếu chỉ cầu Phật, xin được cái này cái kia
mà không thành tâm thay đổi hướng về lương thiện, thì cũng tựa như tội
phỉ báng Phật. Đặc biệt khi cầu không được rồi xuất niệm trách móc, ăn
nói hàm hồ hay báng bổ Thần, Phật thì tội nghiệp còn lớn nữa.
Phỉ báng Phật Pháp, tội nặng như núi
Trong «Tây Du Ký» hồi thứ 100 “Kính hồi Đông Thổ, Ngũ thánh thành chân” có đoạn bốn thầy trò Đường Tăng được Phật Như Lai thụ phong. Khi đó Phật Như Lai nói: “Thánh
tăng, kiếp trước con nguyên là đồ đệ thứ hai của ta, tên gọi là Kim
Thiền Tử. Bởi vì con không nghe giảng Pháp, khinh mạn lời giảng Đạo của
ta, cho nên bị đọa chuyển sinh nơi Đông Thổ.”
Phật Như Lai không vì Kim Thiền Tử là đồ
đệ thứ hai của mình mà có thể thiên vị bỏ qua cho tội không nghe giảng
Pháp và khinh thường Phật Pháp được, nên phải đánh hạ Kim Thiền Tử
xuống.
Kim Thiền Tử bị đọa sang Đông Thổ Đại
Đường liền bắt đầu trải qua kiếp nạn. Vừa mới sinh ra đời thì cha đã bị
giết, mới vừa đầy tháng mẹ cậu bé đã phải thả cậu lên bè trôi sông, suýt
chút nữa thì bị chết đuối. Lớn lên đi tìm họ hàng báo oan chẳng hề dễ
dàng, về sau trên con đường phản bổn quy chân đi Tây Trúc thỉnh kinh
phải trải qua muôn vàn sóng gió, hết tai này đến nạn kia. Mỗi khi gặp
khó nạn chỉ cần trong tâm thoáng có niệm không chính, tâm cầu Pháp có
một chút thiếu kiên định thôi thì đều phí công nhọc sức, lại còn có thể
bị nguy hiểm đến tính mạng. Bốn thầy trò Đường Tăng kiên định tâm cầu
Phật Pháp, bất kể phía trước có điều gì khó khăn hiểm nạn đều không thể
nào ngăn cản nổi bốn người tiến bước về Linh Sơn cõi Phật. Trải qua 81
nạn mới trở về lại được thế giới Phật, có thể thấy muốn tiêu trừ nghiệp
xấu gây ra do tội coi thường Phật Pháp là rất gian nan.
Do đó trong văn hóa truyền thống đều răn
dạy con người phải biết kính Trời, kính Phật, không được coi thường
kinh thư hay hãm hại những người tu luyện chân chính. Trước Phật Pháp,
mỗi người đều bình đẳng, ai không kính trọng Phật Pháp thì kết quả đều
như nhau. Thực ra không phải Trời Phật trừng phạt họ, mà tự đã có quy
luật nhân quả bao trùm chúng sinh vạn vật. “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo!”
Hà Phương Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét