Mê muội hưởng lạc
(Nguyễn Trường Tộ, tám việc cần làm gấp, 1867)
Có
những người nộp một quan tiền thuế mà tựa hồ bị cắt mất một miếng thịt,
rên siết than vãn, thế mà đến sòng bạc thì cầm nhà bán cửa không tiếc.
Có những hạng giàu có phong lưu, ăn mày chầu chực trước nhà không xin
nổi một đồng điếu, người làng thiếu thuế không vay lợi được một quan,
thế mà đến chỗ ăn chơi thì ngàn vàng mua một trận cười, trong cơn sát
phạt, trăm vạn chỉ đặt một tiếng. Hạng người này nhiều lắm, không xe nào
chở hết...(Nguyễn Trường Tộ, tám việc cần làm gấp, 1867)
Cũng có nhiều người mới học kha khá đã truy hoan, ngày nào cũng mài miệt trong cuộc đỏ đen, thường lui tới các chủ nợ hứa với người ta rằng "Đợi tôi dạ một tiếng trước cổng trường(1) thì mọi việc sẽ đâu vào đấy". Rắp tâm hành động như thế, rõ ràng là quan trộm cướp của công chứ còn gì?
(1) tức là thi đỗ, rồi ra làm quan tha hồ kiếm chác.
Lười nhác, ốm yếu
(Phan Bội Châu, Bàí diễn thuyết tại trường Quốc học Huế, 1926)
Người nước ta quý trọng các ông thầy đồ lưng dài tốn áo ăn no lại nằm đã thành ra một cái bệnh gần chết không có thuốc chữa. Đến lúc sóng Âu Châu ập vào, người ta coi chừng đã tỉnh dậy, nhưng mà công phu về đường thể dục còn chưa nghiên cứu đến nơi. Cái căn tính lười nhác đã quen nết lâu ngày, lại nhiều điều thói đãng tính dâm dê(1) cho hại đến sinh mệnh, người ta lấy thế làm sự thường, không lo đường cải cách nào là công khóa2) về đường thể thao, nào là lợi ích về cách vận động. Trong một ngày có 12 giờ nửa ngồi chết trước cuộc tài bàn(3), nửa nằm chết bên đèn thuốc phiện. Vận động đã không có công phu thì huyết mạch lấy gì làm lưu thông, huyết mạch đình trệ thì thân thể phải hèn ốm cho rồi, dân mới hóa ra dân nô lệ, nước mới hóa ra nước bạc nhược.
(1) thói đãng là cách sống buông thả, riêng dàm dê là gì, chúng tôi chưa tra cứu được, không rõ có phải là dàm dê hay không?
(2) những công việc khi vào học phải làm là công, những học trò phải học là khóa, gọi chung là công khóa (Theo Đào Duy Anh , Hán Việt từ điển).
(3) một loại tổ tôm, nhưng chỉ có ba người, và đánh không có chừng mực nào cả (theo cách giải thích của Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục).
Đầy rẫy tệ nạn
(Đỗ Đức Dục, vấn đề tổ chức những thì giờ nhàn rỗi của người bình dân ở xứ ta, Thanh Nghị, 1945)
Thử
nhìn vào đám dân quê dư dật xem họ có việc gì, ta thấy ngoài công cuộc
làm ăn, họ chỉ còn quân bài lá bạc thuốc phiện hay cô đầu. Đám dân nghèo
cũng vậy, không phải là họ không biết cờ bạc, ngược lại càng nghèo họ
càng lăn vào cuộc đỏ đen, hòng kiếm thêm ít tiền mà mồ hôi nước mắt
không đủ mang lại cho họ. Thành ra, từ trên xuống dưới, giàu cũng như
nghèo, không to thì nhỏ, cờ bạc đã trở nên một tập quán ăn sâu vào đầu
óc dân chúng, đó thực là một mối tai ương cho dân tộc ta vậy.Ngoài ra nếu không cờ bạc thì người ta lại đua nhau đồng bóng, lễ bái nhảm nhí, từ đó sinh ra biết bao nhiêu mối tệ đoan khác.
Thể thao & Văn hóa (2006)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét