Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

LƯỢM TIN TỨC

 Nguyễn Trung: Sự lựa chọn nào dành cho Việt Nam đây?

-Việt Nam đã độc lập thống nhất, song trong địa chính trị thế giới hôm nay nếu ta không là chính ta, nếu nước ta không phấn đấu tự vươn lên trở thành đối tác chiến lược của Mỹ và Trung Quốc, không phấn đấu vươn lên cùng đi với cả thế giới, ắt phải cam chịu thân phận là một quốc gia èo uột và bị nô dịch.Có đáng không?
-Nguyễn TrungSự lựa chọn nào dành cho Việt Nam đây? (viet-studies 1-4-12) ◄◄
(Ghi lại tâm sự với người bạn già chí cốt)
HỏiCái thế giới này xoay như chong chóng, cứ theo gió lúc ngược, lúc xuôi, chẳng biết đằng nào mà lần, theo anh làm sao bây giờ? 
Trả lời: Anh không bắt thế giới ngừng xoay được, lại càng không thể bắt nó xoay theo ý mình. Vậy chỉ còn một cách: Tạo ra được cái nhìn xác thực sự vận động không ngừng của địa kinh tế và địa chính trị toàn cầu luôn luôn như một đòi hỏi tất yếu.  Để không thụ động rơi vào nguy cơ, không bị lạc lõng trên trường quốc tế, và đặc biệt quan trọng là để tìm ra khả năng biến nguy cơ hoặc thách thức thành thời cơ, nhất thiết phải hiểu rõ từng giai đoạn vận động của thế giới. 

Hỏi:  Đi vào chuyện cụ thể thì những cái gì là duyên cớ chính yếu của những thay đổi trên thế giới hiện nay?
Đáp:  Có thể là 5 nguyên nhân chính sau đây: 
(i) Điểm nổi bật nhất của cục diện thế giới hiện nay là siêu cường Mỹ nói riêng và thế giới phương Tây nói chung xuất hiện những suy yếu mới, sự suy yếu tương đối so với thời kỳ trước trong mối tương quan toàn cầu. Có không ít sách báo còn nói về “ngày tàn” của Mỹ, vân vân… (Sẽ bàn lúc nào đó chuyện có “tàn” hay không tàn? và “tàn như thế nào?”…) Nguyên nhân hàng đầu của sự suy yếu tương đối nói trên là sau khi những quốc gia này hầu như đã tận dụng được mọi yếu tố của quá trình toàn cầu hóa ở giai đoạn này, bản thân cấu trúc nền kinh tế và thể chế vận hành nó của những quốc gia này tất yếu nẩy sinh nhiều vấn đề mới, có nhiều vấn đề ngày trở nên không thích hợp, và các nước đều đứng trước những đòi hỏi phát triển và thách thức mới.  
Bản thân sự phát triển của kinh tế thế giới và các mối quan hệ quốc tế trong thời kỳ này cũng thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới đi vào thời kỳ phát triển mới, với những hệ quả chính trị mới ở phạm vi từng khu vực cũng như toàn cầu, với nhiều vấn đề mới chưa có lời giải. Tựu trung đó cũng là quy luật của phát triển. 
(ii) Trong khi đó vai trò các cường quốc khu vực ngày càng nổi lên trong thị trường kinh tế thế giới cũng như trên bàn cờ chính trị quốc tế. Đặc biệt là Trung Quốc đang đi những bước quyết liệt trên con đường thực hiện ý đồ trở thành siêu cường thế giới – hiện nay đã là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và đang được dự báo sẽ là nền kinh tế có khối lượng GDP số 1 thế giới vào khoảng gần giữa thế kỷ này hoặc sớm hơn. Sự nổi lên của một Trung Quốc trên con đường trở thành siêu cường cùng với vai trò ngày càng có thêm nhiều trọng lượng và ảnh hưởng mới của những cường quốc khác như Nga, Ấn Độ và một số nước phát triển năng động khác… là những nhân tố quan trọng mới, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự hình thành cục diện quốc tế mới hiện nay, tạm gọi đó là cục diện thế giới một siêu đa cường. 
(iii) Như một hệ quả tất yếu, sự phát triển nêu trong điểm (i) và (ii) một mặt làm nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế và chính trị mới ngay trong lòng mỗi quốc gia cường quốc này, từ chuyện cấu trúc kinh tế ngày càng nhiều bất cập mới; ngày càng phân hóa giầu nghèo; nạn thất nghiệp tăng; những bất cập mới về kết cấu hạ tầng kinh tế và thể chế; các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị quyện vào nhau; ngày càng nảy sinh càng nhiều vấn đề mới – ví dụ như: di chuyển lao động, nhập cư, cấu trúc ngành nghề, môi trường và thiên tai, Rồi còn biết bao nhiêu các thách thức phi truyền thống khác... Những biến động như vậy tất yếu tạo ra những thay đổi lớn trong địa kinh tế cũng như trong địa chính trị ở các khu vực cũng như trong phạm vi toàn cầu. Trên thế giới xuất hiện những mâu thuẫn mới, những hình thức hợp tác hay tập hợp lực lượng mới trên cả hai phương diện kinh tế và chính trị. (Một ví dụ đáng lưu ý: Một thời cao điểm của toàn cầu hóa trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, “win – win” được coi như một chuẩn mực và xu thế chủ đạo chi phối các mối quan hệ quốc tế; song gần đây nhiều ý kiến cho rằng thế giới hiện nay có quá nhiều thay đổi khiến cho “zero sum game” lại trở nên lấn át). 
(iv) Hàng loạt vấn đề mới xuất hiện trong kinh tế thế giới – thể hiện qua những cuộc khủng hoảng kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ và thể chế ở phạm vi khu vực hoặc hoặc phạm vi toàn cầu kể từ thập kỷ 1990 đến nay, mà cao điểm là cuộc khoảng hoảng sâu sắc của kinh tế các nước phương Tây hiện nay - bắt đầu từ khủng hoảng kinh tế năm 2008 ở Mỹ rồi lan sang các nước khác. Tổng hợp lại, những cuộc khủng hoảng này ngày càng đậm nét trên cả 3 phương diện: cấu trúc kinh tế, thể chế vận hành, quan hệ kinh tế toàn cầu. Hệ quả rõ rệt nhất của các cuộc khủng hoảng này là hầu hết các quốc gia, trước hết là các nước phát triển phải (a) xem lại cơ cấu kinh tế của mình – chủ yếu theo hướng tăng cường sức sống của thị trường nội địa; (b) đồng thời phải xem xét lại và cải cách các thể chế hiện hành – đặc biệt là sự vận động của hệ thống tài chính tiền tệ và vấn đề nợ công, (c)xem lại chỗ đứng của mình trong thế giới hôm nay, vân vân…  
(v) Trong một thế giới đầy biến động năng động như vậy, các nước đang phát triển một mặt ít nhiều khai thác được những thuận lợi của quá trình toàn cầu hóa -  trong chừng mực những nước này thông qua thúc đảy quá trình dân chủ hóa trong nước tạo ra được cho mình khả năng thích nghi cần thiết, một số nước đạt được những tiến bộ đang thay đổi thân phận của mình – như Indonesia, Kazakhstan, Brasil, Nam Phi, Thổ-nhĩ-kỳ... Song mặt khác không ít các nước thuộc nhóm này lâm vào khủng hoảng kinh tế - chính trị mới, rõ nét nhất là các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị kéo dài của nhiều nước châu Phi, một số nước thuộc Liên Xô cũ tách khỏi Liên bang Nga, một số nước ở châu Mỹ Latinh... Riêng một số nước Bắc Phi còn xảy ra biến động thay đổi chế độ chính trị như Tuy-ni-di, Ai- Cập, Ly-bi; hiện nay đang diễn ra ở Sy-ri… Tuy nhiên, có thể nói trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh và trong tiến trình chuyển sang cục diện thế giới mới hiện nay, nhìn tổng thể, các nước đang phát triển có sức nặng kinh tế và ảnh hưởng chính trị ngày càng lớn trên trường quốc tế. Xu thế này vấn tiếp tục phát triển.   
HỏiCó gì đáng lưu ý trong những diễn biến thế giới nói trên?
Đáp:   Có lẽ có thể tóm vào 5 điểm dưới đây: 
(1) Khác với khi cục diện thế giới chuyển vào thời kỳ chiến tranh lạnh – kéo dài hơn 4 thập kỷ, rất căng thẳng, tiêu biểu là hình thành trận tuyến 2 phe (một thời còn được gọi là “2 phe 4 mâu thuẫn”); rồi đếnthời kỳ hậu chiến tranh lạnh, kéo dài hơn một thập kỷ – mở đầu với sự kiện hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa sụp đổ cuối những năm 1980, xảy ra không tiếng súng, nhưng trong sự ngỡ ngàng và xôn xao của cả thế giới; ngày nay thế giới đang trong tiến trình chuyển sang thời kỳ của cục diện một siêu đa cường – trong tình hình kinh tế thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng sâu sắc cả về cơ cấu và thể chế điều hành. Cuộc khủng hoảng hiện nay tuy không tàn phá như cuộc đại suy thoái 1929-1933 nhưng tác động sâu rộng hơn nhều, hầu như không loại trừ bất kỳ quốc gia nào, đặt ra đòi hỏi chưa từng có là mọi quốc gia phải thay đổi để tìm đường mở ra một thời kỳ phát triển mới cho chính mình. Vị thế các nước phương Tây – trước hết là Mỹ suy giảm tương đối so với trước, chiến tranh Iraq và chiến tranh Afghanistan đi vào thời kỳ kết thúc, vị thế các cường quốc khác có nhiều thay đổi lớn dẫn đến những mâu thuẫn mới và những hình thức liên kết, hợp tác hay tập hợp lực lượng mới trong các khu vực và trên thế giới.  
Rõ ràng thế giới hiện nay chuyển từ thời kỳ này sang thời kỳ khác với tốc độ nhanh hơn; hình thức vận động và các vấn đề đặt ra trong sự vận động này đều mới so với tất cả các thời kỳ trước đó; nhận thức của con người nhiều khi theo không kịp. 
Có thể nói ngắn gọn: Kinh tế và chính trị thế giới đi vào một thời kỳ mới – nhận biết điều này là  vô cùng quan trọng. Đồng thời sự vận động của mối quan hệ Mỹ - Trung giữ vai trò đặc biệt, chi phối sâu sắc cục diện quốc tế một siêu đa cường đang hình thành. Không nhận ra sự vận động này chẳng khác tự lừa dối và tự sát bao nhiêu! 
(2) Ở phạm vi toàn cầu, sau hơn nửa thế kỷ phát triển của quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới, đặc biệt là sau thời kỳ phát triển cao điểm của quá trình này trong khoảng 2 thập kỷ vừa qua, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay cả về cấu trúc và thể chế điều hành là hệ quả tất yếu của sự vận động của sự vật. Kinh tế thế giới trong quá trình này đã tạo ra nhiều thay đổi mới, đòi hỏi phải chuyển sang một thời kỳ phát triển mới và đặt ra nhiều thách thức mới.
Sẽ là một sai lầm nguy hiểm không cứu vãn được nếu nhìn nhận sự vận động khách quan này của sự vật với nhãn quan của ý thức hệ - ví dụ theo cách nghĩ: coi sự suy yếu tương đối hiện nay của phương Tây, trước hết là Mỹ, là chủ nghĩa tư bản đang giãy chết.., coi những kết quả trong quá trình “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc là thắng lợi của tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, vân vân… (Sự thật là từ khi tiến hành cải cách 1978 Trung Quốc đã chuyển sang phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa đặc săc Trung Quốc, với hệ thống chính trị toàn trị một đảng – vấn đề này lúc nào đó sẽ được đề cập kỹ hơn). Sự thật khách quan là trên thế giới trong suốt thời kỳ hậu chiến tranh lạnh và hiện nay không còn chuyện so sánh sự phát triển ưu việt hay không ưu việt giữa kinh tế tư bản chủ nghĩa và cái gọi là kinh tế xã hội chủ nghĩa nữa; mà chỉ còn lại sự so sánh ai vận dụng giỏi hơn ai các quy luật phát triển khách quan của kinh tế trong bối cảnh thế giới hiện tại, con người cùng với cộng đồng của nó ở phạm vi quốc gia, khu vực hay toàn cầu được hưởng gì hay phải trả giá như thế nào cho sự phát triển đạt được ấy.  
Nắm vững sự vận động khách quan này của sự vật, tạo ra cho mình khả năng thích nghi và vượt trội để phát triển trong sự vận động tổng thể chung của kinh tế thế giới và trong cục diện chính trị quốc tế một siêu đa cường đang hình thành là đòi hỏi sống còn. Điều này có ý nghĩa quyết định sự phát triển thành/bại của mỗi quốc gia. 
(3) Dưới góc nhìn toàn cầu, sự thay đổi cấu trúc kinh tế thế giới thể hiện rõ rệt nhất là hiện tượng Châu Á – Thái Bình Dương ngày nay trở thành khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới về mọi phương diện, đặc biệt là ở châu Á.
Gắn liền với hiện tượng nêu trên là sự việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới – một mặt có những tác động quan trọng cả tốt và xấu đối với phát triển kinh tế thế giới hiện nay, mặt khác đang gây ra nhiều thách thức mới ở châu Á và với mức độ nhất định ở phạm vi toàn cầu.
Diễn tiến của tình hình châu Á như vậy là một trong những nguyên nhân chính khiến Mỹ thay đổi chiến lược toàn cầu, đặt trọng tâm chiến lược vào châu Á với cả 2 mục tiêu: Kinh tế và chính trị. Về kinh tế, Mỹ coi đẩy mạnh tham gia vào khu vực phát triển kinh tế năng động nhất này của thế giới là cứu cánh của sự phát triển thịnh vượng của mỹ. Về chiến lược toàn cầu, Mỹ coi châu Á là khu vực hàm chứa lợi ích cốt lõi của Mỹ để tiếp tục duy trì vai trò siêu cường số 1 hiện nay.  Sự thay đổi chiến lược của Mỹ hướng vào châu Á còn nhằm đối phó với đối tượng thách thức lớn nhất của Mỹ bây giờ là Trung Quốc. 
Trong bối cảnh như vậy. cùng với sự phát triển ngày càng năng động hơn của Nga và Ấn Độ, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là châu Á, trở thành nơi hội tụ sức phát triển năng động nhất của kinh tế thế giới, đồng thời cũng là địa bàn tranh chấp hay “sân chơi” rất phức tạp của siêu cường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Liên minh Châu Âu và nhiều nước khác có tiềm lực. Rồi đây, nếu Biển Đông đúng là kho dầu khổng lồ mới của thế giới như đang đoán định, tình hình khu vực Đông Nam Á sẽ còn phức tạp hơn nhiều – nhất là đối với nước ta. 
(4) Trong cục diện mới đang hình thành của thế giới một siêu đa cường, các xu thế tiến bộ vốn đã hình thành trong quá trình phát triển của thế giới cũng như trong các mối quan hệ quốc tế ngày nay càng được củng cố và phát triển thêm. Nguyên nhân của tình hình này một phần do kết quả trực tiếp của sự phát triển kinh tế, phần quan trọng không kém là là những tác động tích cực của những tiến bộ khoa học kỹ thuật và sự giác ngộ chính trị ngày càng cao của nhân dân các nước trên thế giới.  
Đáng chú ý là giao lưu kinh tế ngày càng sâu rộng ở phạm vi toàn cầu và khả năng lan toả mạnh mẽ của thông tin do công nghệ tin học đã củng cố và phát triển nhiều giá trị chung của văn minh nhân loại ngày nay, đặc biệt là các giá trị nhưhòa bình, hợp tác cùng phát triển, tự do, dân chủ, quyền con người, thân thiện và bảo vệ môi trường. Cứ thường nói xu thế tất yếu hay trào lưu nọ kia của nhân loại.., mà trong hiện tại – ít nhất là trong thế kỷ này – nếu  không coi những giá trị cơ bản này như là những nhân tố quyết định đang thúc đẩy sự vận động của thế giới đi lên phía trước, hoặc nguy hơn nữa coi đấy là “các vũ khí diễn biến hòa bình”, thì cũng có nghĩa tự huyễn hoặc, và tự mình tìm một hướng đi khác với hướng đi chung của nhân loại; đấy là lạc lõng.  
(5) Hơn nữa, trên thế giới ngày càng nhiều vấn đề hay thách thức truyền thống hoặc phi truyền thống đòi hỏi phải có nỗ lực giải quyết chung của cộng đồng các quốc gia trong phạm vi khu vực hoặc toàn cầu, việc chia sẻ những giá trị chung của nhân loại ngày càng trở nên nhu cầu bức thiết. Lạc lõng đồng nghĩa với tự chết! 
Tất cả đang làm cho những giá trị chung của nhân loại ngày càng phát triển và tự khẳng định vững chắc, chi phối ngày càng mạnh mẽ xu thế phát triển của thế giới ngày nay. Trào lưu tiến bộ này tiếp tục chi phối ngày càng sâu rộng các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở phạm vi quốc gia cũng như toàn cầu.  
Vậy: Phát triển theo trào lưu tiến bộ này của thế giới, cũng như vận dụng trào lưu tiến bộ này cho sự phát triển của chính nước mình, sẽ tạo nên hoặc tăng thêm sức mạnh phát triển của một quốc gia. Trái lại, đi ngược với trào lưu này một mặt là tự cô lập với bên ngoài, mặt khác là tự kìm hãm sức phát triển năng động của bên trong, và ở mức độ nhất định vừa là tự  mời chào sự can thiệp từ bên ngoài, và đồng thời sẽ tự dẫn đến sụp đổ bên trong, như đã xảy ra ở nhiều quốc gia trong mấy thập kỷ vừa qua. 
HỏiVì sao vai trò quan hệ Mỹ - Trung lại có ý nghĩa quan trọng như thế đối với cục diện quốc tế mới đang hình thành? 
Đáp: Có nhiều nguyên nhân, có thể diễn giải như sau: 
So sánh các mối tương quan toàn cầu, trong cục diện thế giới hiện nay Mỹ tiếp tục suy yếu tương đối với tốc độ nhanh hơn so với các thập kỷ trước. Hiện nay, các dự báo lạc quan cũng cho rằng phải cần tới dăm năm hoặc lâu hơn nữa Mỹ mới có thể ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế đang lâm vào để đi vào một thời kỳ phát triển mới. Sau khi đưa cuộc chiến tranh Iraq và cuộc chiến tranh Afghanistan vào giai đoạn kết thúc mà không đạt được bao nhiêu mục tiêu chiến lược đề ra, Mỹ phải trả giá đắt. Bây giờ Mỹ phải thay đổi chiến lược toàn cầu theo chiều hướng: giảm bớt sư can dự vào một số khu vực, dồn sức tập trung vào châu Á, củng cố sự có mặt của mình tại khu vực phát triển năng động nhất của thế giới, và đồng thời để tập trung đối phó đối thủ chính của Mỹ ngày nay là Trung Quốc.  
Có lẽ trong vòng một thập kỷ nay chưa bao giờ ngay ở Mỹ có nhiều sách, nhiều bài viết phân tích về “tình hình sức khỏe và ảnh hưởng” của siêu cường Mỹ trên thế giới ngày nay ra sao, với khá nhiều ý kiến trái ngược nhau từ cực nọ đến cực kia. Song kết luận thỏa đáng nhất có thể là: Trong những thập kỷ tới, về nhiều mặt, Mỹ vẫn còn tiếp tục giữ được vai trò và ảnh hưởng của mình với tính cách là cường quốc số một, song ảnh hưởng giảm dần. Hàng ngũ đồng minh các nước phương Tây dẫn đầu là Mỹ nhìn chung không có thay đổi lớn.  
Tuy nhiên, điều khiến Mỹ và cả thế giới phương Tây lo lắng là sự suy yếu của cộng đồng EU và đồng Euro đang đặt ra nhiều vấn đề mới cho khối này với nhiều hệ lụy cho cả thế giới phương Tây; Nhật vừa mới ra khỏi được những thập kỷ suy thoái kéo dài thì lại bị thiên tai chưa từng có tàn phá (sự kiện Fukusima cách đây một năm). Toàn bộ tình hình  này khiến Mỹ càng phải thận trọng hơn trong đương đầu với những thách thức mới. Tình hình còn trở nên phức tạp hơn ở chỗ EU nói chung, đặc biệt là Đức, Pháp.., cũng phải tìm cách tăng cường những mối quan hệ mới với Trung Quốc và Nga. – chủ yếu là quan hệ kinh tế, để giải quyết những khó khăn và những đòi hỏi phát triển mới (thị trường, nguyên nhiên liệu.., thậm chí đã có lúc EU phải tính đến cả khả năng tham gia của Trung Quốc cứu đồng Euro thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công của một số quốc gia thành viên). Một hiện tượng nữa là Nhật trong khi vẫn tiếp tục duy trì và phát triển các mối quan hệ truyền thống với Mỹ, phải chuyển sang dành nhiều công sức và mối quan tâm hơn nữa cho việc củng cố vị thế của Nhật ở châu Á để tự bổ sung sức hỗ trợ không còn được như trước của Mỹ, trước hết là Nhật đẩy mạnh những nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga, tăng cường các mối quan hệ mọi mặt với các  nước châu Á khác, tất cả nhằm tăng cường vị thế của Nhật ở châu Á, đồng thời tăng khả năng đối phó tại chỗ của Nhật với những thách thức đến từ Trung Quốc – có cánh tay nối dài là Bắc Triều Tiên. 
Trong khi đó vấn đề tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân của Bắc Triều tiên, nguy cơ Iran sẽ có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân, vấn đề nạn khủng bố al-Qeada và vai trò Pakistan chứa đựng nhiều yếu tố bất thường – đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến mối quan hệ tay ba Mỹ - Ấn Độ - Trung Quốc, vấn đề Syria, vấn đề Palestin – Israel, vấn đề Iran – Israel… Đấy là những điểm nóng thường trực, chứa đựng nhiều nguy cơ bùng nổ khó kiểm soát. Trong không ít những vấn đề nhạy cảm này có hiện tượng Nga và Trung Quốc giữ một lập trường riêng khác hẳn với đa số trong Hội đồng Bảo An cũng như các nước thành viên trong Liên minh các Quốc gia Ả-rập, rõ nhất là trong vấn đề Syria.
Một số học giả trên thế giới tỏ ý rất nghi ngại vai trò của Trung Quốc trong những vấn đề nóng của thế giới. Thực tế này làm cho cục diện thế giới một siêu đa cường đang hình thành chứa đựng những quan hệ chồng chéo, giằng xé hay đan xen nhau rất phức tạp; mặc dù sân chơi chính của các cường quốc bây giờ là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trước hết là châu Á.
Hiện tượng Trung Quốc trở thành nền kinh tế có khối lượng GDP lớn thứ 2 trên thế giới và là chủ nợ lớn nhất thế giới với dự trữ ngoại tế hiện nay lên tới 2300 tỷ USD không phải là nguyên nhân chính khiến cho Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ và là thách thức số 1. Tôi nghĩ như vậy.
Cho dù đến một thời điểm nào đó, vào khoảng gần giữa thế kỷ này hoặc sớm hơn, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ có khối lượng GDP vượt Mỹ, song khoảng cách phát triển giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là rất lớn. Hiện nay, nếu tính theo mức GDP đầu người thì Mỹ vẫn cao hơn Trung Quốc khoảng 5 lần; Mỹ vẫn đi trước Trung Quốc một khoảng cách khá xa về khoa học kỹ thuật – kể cả trong lĩnh vực quân sự. Ảnh hưởng kinh tế, chính trị, văn hóa của Mỹ hiện nay trên thế giới, nhất là ảnh hưởng của Mỹ đối với xu thế phát triển của thế giới vẫn là một thế mạnh mà Trung Quốc trong một thời gian dài nữa (thậm chí có thể là rất dài, hoặc không bao giờ) khó lòng với tới hay vượt qua được. Dù là Mỹ hiện nay suy yếu tương đối so với trước, song hầu như chắc chắn trong nhiều thập kỷ tới, (trong tranh luận sôi nổi, có ý kiến cho rằng  có thể trong thế kỷ này) không có khả năng Trung Quốc có thể giành lấy vai trò siêu cường số 1 của Mỹ hiện nay trên bàn cờ thế giới. 
HỏiCứ cho là như thế, nhưng vẫn chưa rõ lắm những nguyên nhân gì khiến Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ chính và làm cho quan hệ Mỹ - Trung trở thành nét chính của bức tranh địa chính trị thế giới ngày nay, nhất là ở châu Á?
Đáp:  Trước khi tìm câu trả lời, cần nhắc lại rằng từ thời Bush (con), Clinton, song càng rõ nét hơn nữa là từ thời Obama, Mỹ nói riêng và cùng với Mỹ là cả thế giới phương Tây ý thức rõ ràng tính phức tạp của sự phát triển dưới cái vỏ bọc “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc trên con đường trở thành siêu cường. Từ rất sớm Mỹ và các nước phương Tây chủ trương hướng sự phát triển của Trung Quốc vào  nguyên tắc “phát triển gắn với gánh vác trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế”. Đi xa hơn nữa, khi lên làm tổng thống, Obama đã có những nỗ lực lớn cố tạo ra một thể chế “G2”, với hy vọng Mỹ và Trung Quốc cùng nhau chia sẻ trách nhiệm của mình và góp phần của mình đối với cộng đồng quốc tế.
Bây giờ Mỹ công khai thừa nhận những nỗ lực nêu trên đã thất bại.
Vấn đề càng trở nên rắc rối ở chỗ, dù muốn hay không, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc với tầm vóc là nền kinh tế sô 2 thế giới liên quan mật thiết, tốt hoặc xấu, đến sự phát triển kinh tế của châu Á nói riêng và của cả thế giới nói chung. Nghĩa là: Dù hay hay dở, khốn khó hay thuận lợi thế nào đi nữa, không có cách gì có thể cô lập sự phát triển của kinh tế Trung Quốc ra khỏi sự phát triển của kinh tế thế giới nói chung. Vậy cách tốt nhất vẫn là làm sao cho Trung Quốc giữ một quỹ đạo phát triển chung với cả thế giới. Nhưng đến nay điều này vẫn chưa xảy ra. Chưa nói đến nguy cơ một khi kinh tế Trung Quốc có những “nổ bong bóng” dẫn tới khủng hoảng lớn, thậm chí có những đổ vỡ, liệu sẽ xảy ra điều gì trên thế giới, nhất là nước ta đứng sát nách Trung Quốc!
 Có thể nói, kể từ khi tiến hành cải cách năm 1978, trong vòng gần 5 thập kỷ vừa qua Trung Quốc đã đi được chặng đường mà về nhiều mặt các nước tư bản trước kia phải đi mất khoảng 2 thế kỷ. Tận dụng lợi thế rất lớn về quy mô kinh tế của mình, Trung Quốc là nước thành công bậc nhất trong việc nắm bắt những đặc điểm của xu thế phát triển kinh tế của thế giới trong quá toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, đã tiến hành những biện pháp quyết liệt, nhiều khi rất tàn bạo đối với trong nước, và thực dụng một cách đáng sợ đối với bên ngoài, tất cả để giành lợi thế cho Trung Quốc.
Tất cả đã làm cho Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới” gần như với bất kỳ giá nào, với nhiều tác động đối với toàn thế giới. Có ý kiến đã coi Trung Quốc là quả bom nổ chậm về môi sinh chưa biết hệ quả sẽ ra sao không chỉ đối với riêng Trung Quốc. Đấy chính là những thành quả không ít máu và nước mắt của chủ nghĩa tư bản nhà nước trong thể chế chính trị toàn trị một đảng có tên gọi là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Hiện nay, trước hàng loạt vấn đề của Mãn – Mông – Hồi – Tạng, trước hàng loạt vấn đề nóng trong kinh tế như các hiện tượng sản xuất dư thừa quá lớn trong nhiều ngành so với khả năng tiêu thụ trong xuất khẩu, các hiện tượng trong đối nội loại “sự kiện Ô-khảm”, rồi đến tình hiếu chiến đang tăng lên của phái quân sự, bây giờ lai thêm “sự kiện Bạc Hy Lai”.., liệu Trung Quốc sẽ lại “chĩa” ra bên ngoài thế nào đây để “xì hơi” áp lực bên trong? Cuộc chiến tranh tháng 2-1979 đánh biên giới phía Bắc của Việt Nam là một trong nhiều ví dụ của hiện tượng của Trung Quốc “chĩa” ra bên ngoài như thế. Việt Nam sát nách Trung Quốc nên không thể thờ ơ.
Bằng mọi thủ đoạn của quyền lực rắn và quyền lực mềm, trên thực tế đến nay Trung Quốc đã tạo ra được một thứ quan hệ thiên triều - chư hầu kiểu mới dành cho một vài nước lệ thuộc.
Với quan điểm mục tiêu biện minh cho biện pháp, quyền lực mềm của Trung Quốc không quan tâm đến các giá trị, hành động theo nguyên lý cái gì không làm được thì để cho tiền làm, cái gì tiền không làm được thì nhiều tiền hơn nữa sẽ làm đượccái gì một năm chưa làm được thì hai năm, ba năm, một thập kỷ, vài thập kỷ sẽ làm được… Tại cả 5 châu lục trên thế giới, nhất là tại châu Phi, một số nước châu Mỹ La-tinh.., có thể nói Trung Quốc đã thực hiện được ở mức đáng kể việc “mua” các thứ như quyền lực, ảnh hưởng, quan hệ, cơ hội, nguyên liệu, hàng hóa… Các Chinatowns mới đang mọc lên tại khắp nơi. Đồng thời Trung Quốc cũng bán được rất nhiều  thứ, bao gồm từ hàng rẻ - hữu hình hoặc vô hình - không hiếm hàng độc hại với cả nghĩa đen và nghĩa bóng, trong đó có sản phẩm mang tên là “chống diễn biến hòa bình”, “chống can thiệp vào nội bộ”… Trung Quốc có quan hệ chính trị tốt với hầu hết các chế độ diệt chủng ở châu Phi, gây ra được sự lũng đoạn chính trị nghiêm trọng ở nhiều quốc gia, kể cả ở một vài nước phát triển (tới mức một vài chính khách của vài nước này phải ra đi vì mắc bãy tham nhũng của Trung Quốc). Nhiều học giả trên thế giới thừa nhận Trung Quốc ngày nay thành công vượt xa chủ nghĩa thực dân mới của thế giới phương Tây trước đây trong việc vơ vét tài nguyên, mở rông “quan hệ” bằng mọi cách, và bành trướng ảnh hưởng của mình[1].
Đặc biệt nghiêm trọng là Trung Quốc trở thành thách thức quân sự trực tiếp và có những tranh chấp biên giới đối với hầu hết các nước láng giềng (kể cả Nga và Ấn Độ) – gần đây nhất là các vụ đụng độ (2010 và 2011) với hải quân Nhật Bản liên quan đến tranh chấp đảo Senkaku, vai trò của Trung Quốc thế nào trong việc Bắc Triều Tiên bắn chìm tầu Cheonan của Hàn Quốc tháng 5-2010?; trong hiện tại đang nóng bỏng tham vọng “đường lưỡi bò 9 vạch” của Trung Quốc ở Biển Đông…
Trung Quốc đang vươn lên thành siêu cường không cần tuân thủ những giá trị cơ bản là các thành tố của trật tự quốc tế hiện hành, mà chỉ cần bằng mọi cách đạt được mục tiêu nó muốn.
 Làm như vậy, Trung Quốc hiển nhiên không theo đuổi mục đích, hay không quan tâm bao nhiêu đến mục đích thúc đẩy xu thế phát triển chung của thế giới là hòa bình, hợp tác cùng phát triển, tự do, dân chủ, quyền con người, gìn giữ và bảo vệ môi trường.
Phương thức phát triển “mục tiêu biện minh cho biện háp” của Trung Quốc trên thực tế đã lũng đoạn ở mức độ nhất định trật tự thế giới hiện tại. Một thực tế khách quan khác phải được xem xét, đó là trên thế giới hiện có không ít những lực trái chiều; trong những điều kiện nhất định và những vấn đề nhất định,những lực trái chiều này có thể bị lực Trung Quốc hấp dẫn, hoặc cùng phụ họa với lực Trung Quốc tạo ra các nguy cơ mới hay gia tăng các nguy cơ hiện có lũng đoạn trật tự thế giới hiện hành. Ví dụ thời sự nóng hổi nhất hiện nay là sự bất lực không vượt qua được bao lâu nay của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong vấn đề Syria (cuối cùng cả Nga và Trung Quốc cũng phải thuận theo ý kiến chung sau chuyến đi Syria của nguyên Tổng thư ký LHQ Kofi Annan). Thực tế này góp phần giải thích vì sao Trung Quốc đã khai thác được đáng kể tình hình Mỹ bị sa lầy tại Trung Đông và trong chiến tranh ở Afghanistan, thâm nhập tới mức nguy hiểm vào nhiều nền kinh tế, kể cả ở các nước phát triển… Trong tình huống nhất định nếu không kiểm soát được, thậm chí có thể xảy ra xung đột trực tiếp Mỹ - Trung Quốc.
Học giả Minxin Pei đã phải kết luận: Trung Quốc là cường quốc đơn độc nhất thế giới! Nhiều học giả Mỹ khác nói: Trung Quốc không vứt bỏ trật tự quốc tế hiện hành, Trung Quốc chơi một trò chơi khác hẳn!.. Tất cả những sự việc này cho thấy Trung Quốc trở thành vấn đề của cả thế giới.
Đã nhiều lần phía Trung Quốc phải tìm cách thanh minh. Gần đây nhất, tháng 6-2011, Trung Quốc ra bạch thư để trấn an dư luận, giữa lúc Trung Quốc đẩy nhanh việc đưa hàng không mẫu hạm của mình vào hoạt động cùng với việc chuẩn bị đưa dàn khoan  khủng đi vào Biển Đông!.. Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tháng 3-2012 thông qua ngân sách quốc phòng đạt 100 tỷ USD, Ôn Gia Bảo giải thích lý do: Trung Quốc cần đánh thắng các cuộc chiến  tranh cục bộ.
Mỹ và phương Tây đều lo ngại để cho xu thế phát triển nói trên của Trung Quốc tiếp tục thoát khỏi tầm kiểm soát có hiệu quả, sẽ có thể là hiểm họa khó lường. Giới nghiên cứu Mỹ công khai thừa nhận trong khi Mỹ sa lầy vào chiến tranh Iraq và Afghanistan, Trung Quốc đã lấn sân quá xa, thừa nhận Mỹ đã phản ứng đối phó chậm, và đặt ra nhiều nghi vấn về vai trò của Trung Quốc trong một loạt vấn đề nóng bỏng của thế giới…
Cả Mỹ và phương Tây đã vỡ mộng: Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như việc khuyến khích Trung Quốc hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế không làm cho dân chủ ở Trung Quốc phát triển, cũng không thúc đẩy được Trung Quốc gánh vác và chia sẻ trách nhiệm quốc tế của mình, mà chỉ mang lại cho Trung Quốc khả năng lợi dụng những thể chế hiện có và khai thác những cơ hội diễn ra trong quá trình hội nhập này.
Như vậy có thể kết luận:  Khối lượng GDP lớn thứ hai trên thế giới và 2300 tỷ USD dự trữ ngoại tệ không làm nên thách thức trực tiếp của Trung Quốc đối với Mỹ và thế giới phương Tây.
Thách thức của Trung Quốc đối với Mỹ và thế giới phương Tây đến từ phương thức phát triển của Trung Quốc dưới cái tên gọi “trỗi dậy hòa bình” – bằng mọi phương tiện kinh tế, chính trị, ngoại giao, quyền lực mềm, khi cần thiết và trong những điều kiện nhất định bao gồm cả bằng uy hiếp vũ trang, các bạo lực khác kết hợp cả quyền lực rắn và quyền lực mềm, với phương thức vận dụng là “mục tiêu biện minh cho biện pháp”.
Tóm lại: thách thức của Trung Quốc đối với Mỹ và phương Tây – có lẽ phải nói đối với cả thế giới nữa – đến từ việc Trung Quốc lựa chọn cho mình một hướng đi ngược hẳn với những giá trị cơ bản đang làm nên xu thế vận động chung hiện nay của thế giới.
Cần trỉnh táo và rất nên tránh miệt thị Trung Quốc, vì suy nghĩ cảm tính như vậy nếu không làm tình hình xấu thêm thì cũng chẳng giúp ích gì cho việc tìm các giải pháp. Song mọi sự việc Trung Quốc đã và đang làm cần được gọi đúng tên của nó để hiểu đúng và tìm đối sách. 
Hỏi: Đối sách của Mỹ với đối thủ chính của mình như thế nào?
Đáp: Câu trả lời đã được xác định của Mỹ đối với Trung Quốc là tránh đối đầu trong chừng mực có thể, nhưng không tránh đối đầu trong đối ngoại, thông qua tập hợp cả thế giới tìm cách giữ Trung Quốc trong quỹ đạo chung của xu thế phát triển trong khuôn khổ trật tự thế giới hiện nay, bao gồm cả những biện pháp ngăn chặn Trung Quốc bành trướng bằng vũ lực. Lợi ích phát triển của Mỹ và của thế giới phương Tây cũng như của rất nhiều nước khác trên thế giới cũng đòi hỏi như vậy. Phương Tây nhìn chung đi với Mỹ trong đối sách này.
Hơn nữa, trên thực tế khả năng này là hiện thực, bởi vì càng phát triển, Trung Quốc càng không thể thoát ly được sự phát triển chung của thế giới. Chưa nói đến kinh tế Trung Quốc hiện nay cũng đang đày rãy những vấn đề nan giải, nguy cơ rơi vào khủng hoảng lớn là thường trực; có nhiều vấn đề không đơn giản – thậm chí có những điểm nguy hiểm – kể cả trong ổn định nội bộ. Sắp tới cuộc tranh chấp thị trường và tranh chấp nguyên nhiên liệu trên thế giới sẽ còn quyết liệt hơn nữa, sẽ đặt Trung Quốc trước nhiều khó khăn mới…
Về nhiều mặt, dù một khi trở thành nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, Trung Quốc vẫn hoàn toàn không có khả năng trở thành một đế chế trong thế giới ngày nay. Thời đại một đế chế chi phối sự phát triển của cả thế giới đã vĩnh viễn lùi vào quá khứ. Trong khi đó sự chia sẻ các giá trị chung của văn minh nhân loại đã trở thành xu thế tất yếu và đang ngày càng phát triển. Xu thế này cũng đang ngày một mạnh lên cùng với sự phát triển kinh tế ngay trong lòng xã hội Trung Quốc, bất chấp chế độ toàn trị của quốc gia này. Là một nước lớn có nền văn minh cổ đại rực rỡ, Trung Quốc có nhiều đóng góp lớn vào văn minh nhân loại. Tuy nhiên, các giá trị của văn minh Đại Hán một thời từng giữ thế thượng phong một vùng của trái đất đã bị thế giới vượt qua từ nhiều thế kỷ nay rồi (song phải thừa nhận các giá trị này để lại một di sản văn hóa vẫn đang còn tác động đáng kể đến đời sống kinh tế và chính trị Trung Quốc hôm nay).
Bằng lời nói và hành động, Mỹ khẳng định rõ ràng việc quay trở lại châu Á, nguyên nhân hàng đầu là để đối phó với đối thủ chủ yếu là Trung Quốc, song đó còn là một trong những phương thức quan trọng Mỹ tìm cách tiếp tục duy trì và phát triển sức mạnh vai trò siêu cường số một của mình hiện nay.
Trên thực tế Mỹ đang làm tất cả - từ việc khắc phục những yếu kém, đổi mới cơ cấu kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng mới, đẩy mạnh cải cách giáo dục, nỗ lực tạo công ăn việc làm mới, điều chỉnh lại hệ thống tài chính tiền tệ, bố trí lại lực lượng quân sự và tiếp tục hiện đại hóa khả năng chiến đấu – đặc biệt ở khu vực châu Á – bất chấp việc phải cắt giảm ngân sách, đổi mới chiến lược đối ngoại, trong đó tập trung hơn nữa vào châu Á – Thái Bình Dương.., tất cả để làm chủ tình hình (tham khảo thêm bài nói ngày 05-01-2012 của Obama tại Lầu Năm Góc về chiến lược quân sự mới của Mỹ, và thông điệp đầu năm tại Nhà Trắng của Obama ngày 24-01-2012).
Trong những nỗ lực nêu trên, Mỹ đặc biệt quan tâm thúc đẩy xu thế của trào lưu phát triển chung trên thế giới trong trật tự quốc tế hiện nay (như đã trình bày trên) một cách có lợi nhất cho việc duy trì vị thế dẫn đầu, vị thế số một thế giới hiện Mỹ đang nắm giữ. Cần thấy rõ điều này để hiểu rằng một số vấn đề  như các giá trị về tự do, dân chủ, quyền con người, môi trường… Mỹ thường nêu lên trong chính sách đối ngoại của mình không đơn thuần chỉ là một thứ “vũ khí diễn biến hòa bình” như một số người muốn diễn giải theo cách này. Thật ra, quan trọng hơn thế nhiều, những giá trị này là các thành tố không thể thiếu trong quốc sách đối ngoại của Mỹ, làm nên thế mạnh của Mỹ. Thậm chí đấy là một thứ “vũ khí” – nếu thích dùng cách gọi này -  của Mỹ là chính sách tập hợp lực lượng theo cách ngược hẳn với cách làm của Trung Quốc, chính sách này là một trong những đối sách quan trọng của Mỹ đối với Trung Quốc. Đơn giản là: Muốn dẫn đầu thế giới, Mỹ phải tìm cách đi đầu trong trào lưu phát triển của thế giới, trước hết vì chính lợi ích sống còn của Mỹ.
Hơn thế nữa các vấn đề tự do, dân chủ, quyền con người, môi trường… còn là những giá trị cơ bản của nền chính trị Mỹ hiện tại, đang làm nên nước Mỹ hôm nay, là nguồn gốc sức mạnh Mỹ hiện tại mà cả nước Mỹ đang phải tiếp tục phấn đấu để giảm bớt đà suy yếu của mình, là động lực phát triển thường trực của chính nước Mỹ, là xu thế phát triển của Mỹ. Nói một cách khác, để những giá trị này mai một, bản thân nước Mỹ cũng sẽ suy yếu nhanh chóng hơn nữa, trong khi nước Mỹ không phải là hiếm những khó khăn đối nội.
Tuy nhiên, cũng xin đừng lúc nào quên: Mỹ làm gì đi nữa thì trước hết là vì Mỹ, rồi mới đến vì những người khác, vì nước khác, đó là lẽ tất yếu. Trong đối phó với Trung Quốc không hiếm khi trong tình huống nào đó Mỹ đã có những “thỏa hiệp” – bản thân Việt Nam đã từng được nếm mùi sự “thỏa hiệp” rất đáng nhớ năm 1972 mà đầu bếp là Henry Kisinger. Nước lớn nào không hành xử như vậy? Và đây không phải là bài học “thỏa hiệp” duy nhất trong quan hệ Mỹ - Trung.
Như vậy càng rõ, không phải mối nguy Trung Quốc có thể cướp mất vị thế quốc tế số một của Mỹ là nguyên nhân của hiện tượng Trung Quốc trở thành đối thủ chính của Mỹ. Có tiềm tàng mối nguy này, nhưng nó chưa phải là vấn đề thời sự nóng bỏng, hoặc còn rất lâu mới có thể trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng. 
Có thế kết luận, hai xu thế phát triển hoàn toàn ngược nhau như vậy với những hệ lụy toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc là nguyên nhân chủ yếu làm cho 2 quốc gia này trở thành đối thủ chính của nhau trong cục diện thế giới mới hiện nay, nhất là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thực tế này cũng là nét chính của bức tranh địa chính trị thế giới hiện tại, việc tập hợp lực lượng trên thế giới đang được xắp xếp lại.  Muốn hay không, ai đi với ai? trong cục diện thế giới mới này, sẽ ít hoặc nhiều, trực tiếp hay gián tiếp cũng có thể hé ra ai lựa chọn xu thế nào?  cho sự phát triển của quốc gia mình.
Thách thức từ một Trung Quốc đang trên đường trở thành siêu cường với phương thức phát triển “mục tiêu biện minh cho biện pháp” theo kiểu  tư duy “mèo trắng – mèo đen” là những thách thức nguy hiểm, thậm chí rất nguy hiểm đối với các nước nhỏ yếu và lệ thuộc. Tuy nhiên, thổi phồng hay đánh giá thấp những thách thức này cũng nguy hiểm không kém.  
Hỏi:  Vậy nên nhìn nhận Trung Quốc trên đường trở thành siêu cường như thế nào?
Đáp: Trước hết cần lưu ý không phải chỉ có tư tưởng bành trướng Đại Hán là động lực thúc đẩy Trung Quốc vươn lên trở thành siêu cường. Ít nhiều có thể có nguyên nhân này như là một di sản của văn hóa và lịch sử. Song quan trọng hơn thế nhiều, thậm chí phải nói động lực chính của sự vươn lên này là đòi hỏi phát triển tự thân của Trung Quốc. Sự thật là đòi hỏi này của nước đông dân nhất thế giới bức thiết đến mức “tồn tại hay không tồn tại?” (to be or not to be?). Trở thành siêu cường số một thế giới được Trung Quốc đưa lên thànhđộng lực thúc đẩy (triebkraft) và đồng thời cũng là biện pháp thực hiện để “giải quyết” đòi hỏi này.
Vấn đề cốt lõi ở đây chính là phương thức Trung Quốc giải quyết đòi hỏi bức thiết này của mình.
Đó là phương thức “mục tiêu biện minh cho biện pháp” như đang tiến hành. Hiển nhiên về nhiều mặt phương thức này đang gây nhiều mối nguy lớn cho thế giới. 
Đây chính là vấn đề.
Nếu như Trung Quốc giải quyết đòi hỏi bức thiết của mình theo phương thức cùng phát triển trong quỹ đạo phát triển chung của cả thế giới, đồng thời lấy sự phát triển của mình góp phần hay thúc đẩy sự phát triển chung của cả thế giới, thì còn gì bằng! Thực hiện phương thức phát triển gắn với trách nhiệm như vậy, câu chuyện Trung Quốc sẽ đi hẳn một hướng khác, chắc chắn sẽ được cả thế giới hoan nghênh, vai trò cường quốc của Trung Quốc càng được nâng cao. Song nếu làm theo phương thức này, Trung Quốc có lẽ phải thay đổi nghiêm trọng đường lối đối nội của mình, một điều hầu như không hiện thực hiện nay và gắn với nguy cơ tan rã Trung Quốc. Tính quyết liệt của vấn đề Trung Quốc là ở chỗ này.
Hiểu đúng sự thật khách quan “đòi hỏi bức thiết này” và “phương thức thực hiện nó” của Trung Quốc, mới có thể hiểu được thấu đáo tính quyết liệt của cái gọi là “vấn đề Trung Quốc” trong đời sống chính trị quốc tế hôm nay.
Thật ra trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế thế giới ở trình độ phát triển ngày nay, mở rộng thị trường, mở rộng không gian phát triển của mình ra phạm vi toàn thế giới vừa là một khả năng, vừa là một đòi hỏi bức thiết cho sự phát triển và lớn mạnh của mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ. 
Thực tế cho đến hôm nay cho thấy: Trung Quốc đang thực hiện phương thức hiện hành, và sẽ còn tiếp tục làm như thế chừng nào Trung Quốc còn giành được mọi điều kiện cần thiết cho phép tiếp tục duy trì phương thức hiện hành.
Không một sự thông minh, thiện chí, lòng hảo tâm, hay ý thức hệ xã hội chủ nghĩa nào có thể có được từ phía Trung Quốc khiến cho quốc gia này tự thay đổi phương thức phát triển hiện nay của nó, ngoại trừ một khi sự xuất hiện tình hình quốc tế cùng với sự xuất hiện những yêu cầu mới của dân chủ và phát triển ngay trong lòng Trung Quốc buộc Trung Quốc phải thay đổi phương thức phát triển hiện nay, thì sự thay đổi phương thức mới xảy ra. 
Xin lưu ý: Hiện nay một nửa số dân Trung Quốc (51%) sống tại đô thị, mức sống và trình độ dân trí ngày càng cao, ảnh hưởng của tầng lớp trung lưu ngày càng sâu rộng trong xã hội Trung Quốc, khiến cho đòi hỏi về phát triển hài hòa và về dân chủ trong lòng xã hội Trung Quốc ngày càng lớn. Song cũng còn một thực tế khác: Kinh tế càng phát triển, xã hội Trung Quốc càng nẩy sinh nhiều vấn đề mới – trước hết do khoảng cách giàu nghèo càng rộng ra; bất cập, bất công và phân hóa xã hội ngày càng nhiều. Gần đây chính thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phát biểu phái sớm đẩy nhanh cải cách chính trị, nếu không sẽ có nguy cơ xảy ra cuộc cách mạng văn hóa mới theo hướng chủ nghĩa Mao ngày xưa. Nội bộ lãnh đạo Trung Quốc có một số vấn đề lớn (hay nghiêm trọng? – ví dụ vấn đề Bạc Hy Lai hiện nay) là tất yếu trong hệ thống chính trị một đảng khép kín, đã và đang diễn ra trong suốt lịch sử nước CHNDTH. Đương nhiên những vấn đề nội bộ như thế cũng góp phần tăng thêm tính quyết liệt của vấn đề Trung Quốc.
Mặt khác các mâu thuẫn quốc tế với phương thức phát triển của Trung Quốc như hiện nay ngày càng tăng, nhiều quốc gia – bao gồm một số nước đang phát triển – buộc phải xem lại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Trung Quốc vươn lên siêu cường trong tình hình các hướng đi khác đều bị án ngữ khó lòng vượt qua hay đều đã có chủ, do đó bành trướng quyền lực qua Biển Đông xuống phía Nam để mở đường ra đại dương trở thành hướng đi khả dĩ nhất và duy nhất. Như vậy, địa lý tự nhiên trớ trêu ốp vào Việt Nam số phận là chướng ngại vật đầu tiên đối với Trung Quốc trên con đường độc đạo này. Đương nhiên Trung Quốc sẽ tìm mọi cách khắc phục chướng ngại vật này.
Sự thật là trong suốt chiều dài lịch sử quan hệ Việt – Trung sự trêu ngươi này của lịch sử đối với nước ta diễn đi diễn lại nhiều lần, không hề đặt ra cho nước ta khả năng tránh né nào, mà chỉ thách thức nước ta lựa chọn câu trả lời như thế nào mà thôi. Cũng phải nói thêm, trong suốt chiều dài lịch sử ấy, chưa một lần nào Việt Nam tự mình đứng ra diễn vai “châu chấu đá xe” thách thức Trung Quốc.
Một khía cạnh khác của vấn đề cần xem xét là: “Siêu cường tương lai Trung Quốc” sinh sau đẻ muộn trong một thế giới có sẵn một trật tự như hiện nay, tự nhiên Trung Quốc đứng trước yêu cầu phải tạo dựng ra cho mình các nước vệ tinh làm rào chắn trên độc đạo hướng phía Nam còn để ngỏ, lý tưởng là làm sao có được các nước vệ tinh theo mối quan hệ thiên triều – chư hầu kiểu mới cho mục đích nàylý tưởng nhất là tạo ra được một nước bàn đạp hay nhiều nước bàn đạp trên hướng đi này. Không phải vô cớ Trung Quốc đã công khai bày tỏ sự không bằng lòng với Myanmar về những diễn biến hiện nay của quốc gia này.
Chắc chắn Trung Quốc trong phạm vi có thể cũng sẽ không từ một biện pháp hay thủ đoạn nào ngăn cản sự xuất hiện một quốc gia nào đó sát nách mình ở hướng Nam này trở thành một “tiền đồn của dân chủ hay của thế giới phương Tây”. Bởi vì tự thân Trung Quốc đã có quá nhiều việc để làm với các vấn đề dân chủ và quyền con người ngay trong lòng đất nước họ (đây là gót chân Achilles của chế độ toàn trị của quốc gia này), Trung Quốc lại càng không muốn có thêm cửa ngõ lan truyền hay thâm nhập những giá trị này vào nội địa của họ.
Tổng kết quan hệ Việt – Trung kể từ khi thực hiện bình thường hóa trở lại quan hệ hai nước từ năm 1990 đến nay, có thể thấy Trung Quốc theo đuổi 2 kịch bản chính trong đối sách với Việt Nam:
-  Thượng sách là giương cao 16 chữ để tiếp tục thâm nhâp, lũng đoạn, nhằm thúc đảy quá trình tạo ra một Việt Nam èo uột và lệ thuộc; bằng mọi cách không để cho chế độ èo uột của Việt nam sụp đổ để Trung Quốc dễ bề tiện dụng phù hợp với cái vỏ bọc “trỗi dậy hòa bình” của mình. Trung Quốc chủ trương cô lập Việt Nam trên thế giới bằng những biện pháp khôn ngoan như một mặt phân hóa các đồng minh láng giềng sống còn của Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam phải gìn giữ đại cục quan hệ Trung – Việt để tăng sức ép, đồng thời mặt khác lại dượng dẹ và lôi kéo Việt Nam đi với Trung Quốc trong những vấn đề khác. Đặc biệt quan trọng là Trung Quốc vận dụng quyền lực mềm tác động nặng nề vào phát triển kinh tế của Việt Nam, khuyến khích giương cao ngọn cờ “chống diễn biến hòa bình” để ngăn cản những nỗ lực cải cách chính trị của Việt Nam. Trung Quốc tận dụng mọi cơ hội tiếp tục uy hiếp biển - đảo, vừa nhằm tạo điều kiện cho những bước lấn chiếm tiếp theo, vừa giữ Việt Nam trong quỹ đạo của mình… Có thể nhận định: Trung Quốc đã đi được một chặng đường dài trong thực hiện thượng sách này.   
-  Hạ sách là: đẩy mạnh các biện pháp đã và đang thực hiện của thượng sách, chấp nhận hiện trạng một Việt Nam “tranh tối tranh sáng”, nếu không ngăn cản được cải cách ở Việt Nam thì tìm mọi cách kìm hãm công cuộc cải cách này, gia tăng các sức ép của quyền lực rắn và quyền lực mềm để gia tăng thực trạng èo uột của Việt Nam, đảy mạnh phân hóa bên trong, tăng các biện pháp lũng đoạn hay trừng phạt kinh tế, khi cần thiết lại có thể “cho một bài học” kiểu chiến tranh biên giới tháng 2-1979 hay theo kịch bản đánh chiếm một số đảo Trường Sa tháng 3-1988. “Bài học” lần này nếu xảy ra, có nhiều  khả năng sẽ là trên Biển Đông; sắp tới có thể có những biện pháp ngang nhiên thăm dò và khai thác Biển Đông phần thuộc hải phận của nước ta, vân vân...
-  Lưu ý 1: Trong mọi trường hợp, Biển Đông chỉ là một mặt trận nóng, thậm chí có khi rất nóng trong đối xử của Trung Quốc đối với Việt Nam. Tuy nhiên, mặt trận chính yếu của Trung Quốc là nhằm vào đối nội của Việt nam, trên cả hai phương diện nội trị và kinh tế, với mục đích khoét sâu những khả năng Việt Nam dễ bị chấn thương. Thắng trên mặt trận chính yếu này, Trung Quốc hy vọng sẽ thắng trên các mặt trận khác.
- Lưu ý 2: Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, nhất là trong các năm 2010 và 2011, cho thấy không phải Trung Quốc muốn làm gì với Việt Nam cũng được. Trung Quốc rất ngại có những bước đi đụng chạm vào tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam và thức tỉnh dư luận thế giới.
Đối mặt thành công với một Trung Quốc như vậy là một thách thức, thậm chí là thách thức đối ngoại quan trọng nhất đối với nước ta hôm nay. 
Hỏi:   Thái độ của cộng đồng các quốc gia trên thế giới như thế nào trước tình hình quan hệ Việt – Trung như vậy?
Đáp:  Bàn cờ thế giới hôm nay đặt ra cho nước ta tình huống: Ngoại trừ Trung Quốc, ngày nay hầu như phần lớn các quốc gia còn lại không muốn thấy trên bản đồ thế giới có một Việt Nam èo uột, phải dưa vào hay phải sống trong vòng tay ôm ấp của Trung Quốc.
Ngoại trừ Trung Quốc, hầu như tất cả những quốc gia này đều mong muốn có một Việt Nam giầu mạnh, phát triển, đứng vững trên đôi chân của mình và đảm đương tốt vai trò là nhân tố quan trọng thúc đẩy hỏa bình, hữu nghi, hợp tác và phát triển tại khu vực này và trên thế giới. Có lẽ cũng không có một đầu óc tỉnh táo nào trong những quốc gia này nuôi ảo tưởng biến Việt Nam thành lính xung kích chống lại Trung Quốc tại địa bàn này.
Địa chính trị thế giới và khu vực hôm nay tự nó tất yếu tạo ra cho nước ta bối cảnh và tình hình quốc tế như vậy. Thực tế khách quan này có nghĩa chưa bao giờ nước ta lại có nhiều đồng minh tự nhiên hầu như khắp cả thế giới như bậy giờ - một thực tế gần như là một sự đền bù của tự nhiên cho cái thế sự trêu ngươi Việt Nam là chướng ngại vật tự nhiên trên đường đi lên siêu cường của Trung Quốc. Chẳng có ý thức hệ nào hay lòng tốt nào ở đây cả, mà chỉ có xu thế phát triển của thế giới hiện nay xắp xếp ra cho nước ta cái bối cảnh khách quan như vậy ở phạm vi khu vực và quốc tế. Chừng nào Trung Quốc không thay đổi phương thức hiện hành, các đồng minh tự nhiên của nước ta có lẽ vẫn đông như vậy, ngọai trừ những những tình huống ngoại lệ rất đặc biệt nếu xảy ra. Đúng là một cơ hội lớn chưa từng có dành cho nước ta! Mọi chuyện bây giờ chỉ phụ thuộc vào sự lựa chọn cách ứng xử của nước ta. 
Hỏi: Vậy ta nên làm gì?
Đáp: Trước khi bàn chuyện nước ta nên làm gì, cần nhớ lại vài kinh nghiệm cũ, để dựa vào đó cân nhắc chuyện hôm nay.
Trên phương diện đối ngoại, nhìn ra được và đi cùng được với trào lưu tiến bộ của thế giới là một trong những yếu tố quyết định đã từng làm nên thế mạnh của đất nước ta; hầu như chắc chắn hiện tại và tương lai cũng sẽ như vậy. Ví dụ, cả thế giới biết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo; song thực tế này không cản trở việc xuất hiện một phong trào rộng khắp thế giới, ngay cả trong lòng nước Mỹ, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của ta. Phong trào này là một nhân tố góp phần vô cùng quan trọng vào thắng lợi của kháng chiến. Không hề có chuyện phong trào này là sự ủng hộ của thế giới dành cho ý thức hệ xã hội chủ nghĩa hay là cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nguyên nhân đích thực của phong trào đoàn kết ủng hộ này là trong thời đại ngày nay độc lập và quyền tự quyết của các dân tộc là một trong những giá trị cơ bản của trào lưu tiến bộ trên thế giới, được cả thế giới thừa nhận và tôn trọng.  
Trước hết cần lưu ý, bằng sự nghiệp đấu tranh giải phóng, giành lại độc lập và thống nhất đất nước của mình Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ vào phong trào độc lập dân tộc trên thế giới trong những thập kỷ đầu sau thế chiến II. Bằng đường lối đối ngoại  hòa bình, hữu nghị và hợp tác, bằng việc phát triển những mối giao lưu kinh tế ngày càng gia tăng, lại có với vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một quốc gia hiện nay được thế giới tính đến. Tất cả đã làm nên một quốc gia có vị thế quốc tế về cơ bản là rất thuận lợi cho chính mình và có một tiếng nói đáng kể trên trường quốc tế.
Tuy nhiên nhìn chung, từ khi đất nước độc lập thống nhất cho đến nay, trên thực tế Việt Nam trong quan hệ quốc tế của mình chưa thành công nhiều trong việc tạo ra cho mình các đối tác chiến lược (cho đến nay hầu như nước ta mới chỉ đạt được tuyên bố thiện chí của một số quốc gia: coi nhau là đối tác chiến lược). Vị trí thực của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của những quốc gia quan trọng trên bàn cờ thế giới hôm nay nói chung thấp so với (a) vị thế của đất nước ta lẽ ra phải giành được, (b) so với đòi hỏi của an ninh và phát triển của nước ta, (c) cũng như so với khả năng và cơ hội lẽ ra có thể đạt được của nước ta. Nguyên nhân chính của thực trạng này là quan hệ của ta với những quốc gia trọng yếu còn nghèo nàn, do những hạn chế trong đối nội, và do những yếu kém trong chính sách đối ngoại của ta là chủ yếu, chứ không phải do nước ta nghèo.
Về những yếu kém và hạn chế, cần thẳng thắn thừa nhận không hiếm trường hợp và trong những hoàn cảnh nhất định, trong những vấn đề nhất định, Việt Nam đã có lúc không tránh được những đòn hiểm của Trung Quốc (nổi cộm trong quá khứ và đã bộc lộ công khai ra bên ngoài là vấn đề Campuchia, chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc nước ta tháng 02-1979, Hội nghị Thành Đô 1990, đánh chiếm  thêm các đảo ở Trường Sa tháng 03-1988… …). Đã có lúc nước ta rơi vào tình trạng bị bao vây cô lập…  
Không hiếm trường hợp nước ta bị động, do đó tự gây ra các khó khăn không đáng có cho chính mình trong các mối quan hệ quốc tế, ví dụ trong các vấn đề di tản, vấn đề nhân quyền, vấn đề khép lại quá khứ, vân vân…. Quá trình Việt Nam gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, quá trình gia nhập WTO dã diễn ra một cách chật vật và kéo dài không đáng có… Trong 37 năm đất nước độc lập thống nhất đã bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn và quan trọng đối với vận mệnh đất nước, kể cả những cơ hội thuận lợi cho những vấn đối nội sốn còn của đất nước như thống nhất và hòa hợp dân tộc, cải cách thể chế chính trị, lựa chọn con đường phát triển, vân vân…
Không thể đổ lỗi thực trạng này cho thực lực hạn chế của nước ta.
Cần thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là những yếu kém và bất cập của nước ta – cụ thể ở đây là của những người lãnh đạo – trong việc không nhận thức đúng cục diện thế giới, cũng như trong việc không đề ra được cho đất nước những quyết sách phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và những đòi hỏi của đất nước, chưa tạo ra được cho mình vị thế là một thành viên tích cực trong trào lưu tiến bộ của cộng đồng quốc tế... Trong khi đó tính ỷ lại trông chờ vào giúp nọ giúp kia rất nặng nề (ODA, viện trợ nhân đạo, viện trợ khoa học kỹ thuật…), vô cùng vụng về trong thu hút FDI vì có quá nhiều yếu kém về nội trị và tiêu cực, vân vân...
 Những kết quả đã giành được trong xây dựng và phát triển các mối quan hệ quốc tế 37 năm qua, bao gồm cả kinh tế đối ngoại, vì có những yếu kém này nên đã bị hạn chế rất nhiều so với khả năng của đất nước và so với tình hình cho phép. Thực tế này cản trở phát huy cái mạnh của đất nước, làm trì trệ hay khoét sâu thêm cái yếu kém... 
Sau 37 năm phát triển, Việt Nam hôm nay so với tầm vóc của mình, lẽ ra phải có một thực lực kinh tế, chính trị, văn hóa và tầm ảnh hưởng hoàn toàn khác, với một vai trò là một thành viên chủ động, xây dựng, tích cực trong trào lưu phát triển của cộng đồng thế giới.
Là nước đông dân thứ 13 trên thế giới, giữ vị trí chiến lược quan trọng tại Đông Nam Á, song nước ta chưa giành lấy được vai trò là một thành viên năng động và có khả năng đóng góp trách nhiệm quan trọng lẽ ra phải có đối với cộng đồng trong khu vực cũng như trên thế giới; qua thực tế này độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia chưa được củng cố vững chắc và hiện nay đang phải đối phó với không ít uy hiếp.
Nói ngắn gọn: 37 năm qua ta chưa chiếm lĩnh được vị thế tối ưu lẽ ra có được trong địa chính trị thế giới và khu vực, thậm chí không hiếm trường hơp là lạc lõng trong cái trận đồ bát quái của đia chính trị thế giới kể từ khi hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa sụp đổ - sự lạc lõng quan trọng nhất với nhiều hậu quả lâu dài xảy ra ở Hội nghị Thành Đô năm 1990 để bình thường hóa quan hệ Việt – Trung, khi cục diện thế giới tạo ra cho nước ta thuận lợi hiếm có để củng cố hơn bao giờ hết thế độc lập tự chủ của nước ta trên trường quốc tế: thế ta là ta, đi với cả thế giới, không cần thiên lệch hay dựa vào bất kỳ ai! Nguyên nhân của mọi nguyên nhân của thực trạng này có lẽ là tư duy ý thức hệ đã dẫn tới nhận thức sai về thế giới chúng ta đang sống; vì lý do này trên thực tế đã thiếu sự giác ngộ đầy đủ về lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc của nước ta trong những tình huống quốc tế phức tạp. Sự phát triển của đường lối đối nội của ta trên cơ sở ý thức hệ này đã hạn chế nghiêm trọng khả năng tận dụng những lợi thế trên lĩnh vực đối ngoại.
Đã đến lúc phải nuốt mọi cay đắng nhìn nhận lại tất cả.
Ngày nay, thế giới đang chuyển vào một thời kỳ phát triển mới làm thay đổi rất nhiều vấn đề căn bản, tạo ra một cục diện quốc tế với một địa chính trị mới ở tầm thế giới cũng như trong từng khu vực. Tất cả quốc gia, trong đó có nước ta, đứng trước đòi hỏi phải tìm ra vị thế tối ưu mới cho mình trong địa chính trị mới của thế giới hôm nay. Còn hơn thế, sau 37 năm phát triển, nước ta bây giờ bắt buộc phải chuyển sang một thời kỳ phát triển mới cao hơn, chất lượng hơn, phù hợp với sự vận động của thế giới trong thời kỳ mới này, cho phép tạo ra chỗ đứng nhất thiết phải chiếm lĩnh được trong địa chính trị của thế giới hôm nay.
Phải lựa chọn gì? Phải làm như thế nào?
Trước khi trả lời những câu hỏi trên, việc làm đầu tiên là cần tỉnh táo nhìn nhận lại đúng đắn thế giới chúng ta đang sống, trên cơ sở đó nhìn nhận lại mọi vấn đề đối đối nội và đối ngoại với quan điểm lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc của nước ta trên hết. Trên cơ sở đánh giá lại như vậy, thẳng thắn phân tích tất cả những sai lầm, yếu kém của nước ta trong ứng xử với thế giới suốt 37 năm qua. Cần học hỏi, vận dụng mọi trí tuệ mới nhất của văn minh nhân loại để nhìn nhận thấu xuốt những yếu kém nước ta đã mắc phải trong xuốt thời gian này, từ đó rút ra những kết luận cần thiết cho hôm nay.
Lịch sử không làm lại được, cũng không vẽ ra được, nhưng trung thực với lịch sử thì sẽ tìm được ở lịch sử người thầy không thể thiếu được cho vận mệnh của đất nước hôm nay và tương lai.
Đánh giá thấu đáo những vấn đề rút ra được từ thực tiễn 37 năm qua rồi hãy tính đến việc lựa chọn gì trong địa chính trị thế giới hôm nay, từ đó nghĩ tới làm như thế nào thực hiện sự lựa chọn ấy. Kinh nghiệm lớn nhất của mọi thắng lợi đã đạt được là giương cao ngọn cờ dân tộc – dân chủ trên cả 2 phương diện đối nội và đối ngoại. Kinh nghiệm tốn xương máu và mất cơ hội của mọi thất bại cũng là những trường hợp để mất ngọn cờ này!.
Nhất thiết phải dành đủ tâm sức, trí tuệ và thời gian cho công việc nghiêm túc này. Các phần đã trình bầy bên trên mới chỉ xới lên một số ý kiến và kết luận sơ bộ. 
Hỏi: Trước sau vẫn phải đi tới kết luận hay khuyến nghị Việt Nam nên lựa chọn chỗ đứng nào trong thế giới hôm nay chứ?
Đáp:   Vâng. Song câu hỏi này quá lớn, phải dày công sức suy nghĩ tiếp. Tạm thời xin xới xáo đôi điều như dưới đây.
Hiển nhiên, dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử của mình có những lúc thua thì chịu tạm thời mất nước rồi tính đường đánh keo khác, nhưng chưa bao giờ, và ngày nay càng không bao giờ chấp nhận thân phận một nước chư hầu - dù là chư hầu cho ai. Chưa bao giờ và bây giờ càng không bao giờ  nước ta muốn thách thức một trong hai hoặc cả hai đối tượng chủ chốt của địa chính trị thế giới hôm nay là Mỹ và Trung Quốc, dù rằng lúc này lúc khác đối sách của ta với 2 gã khổng lồ này nhiều lúc chưa đủ khôn ngoan.
Mặt khác, lịch sử cận đại Việt Nam đã từng nếm đủ mọi điều cay đắng khi đất nước chúng ta trở thành trận địa tranh hùng của các thế lực lớn trên thế giới. (Trong tiểu thuyết Dòng đời – 2006 – tôi đã nêu lên nhận xét của mình là: Cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nước ta trên thực tế chứa đựng trong nó 5 - 6 cuộc chiến tranh hay còn hơn nữa; thực tế này cắt nghĩa tính quyết liệt ở quy mô quốc tế của cuộc kháng chiến này. Sau khi kết thúc, xảy ra tình huống cuộc kháng chiến này đẻ ra nhiều vấn đề phức tạp khôn lường, thậm chí những hệ lụy của nó còn đẻ thêm 2 cuộc chiến tranh mới nữa. Tôi nghĩ đến ngày hôm nay ta vẫn chương lường hết được mọi hậu quả đâu; trong Dòng đời tôi cũng cố nói rõ ý này.. Vân vân…).
Đồng thời cũng phải thẳng thắn thừa nhận cho đến nay nước ta chưa thành công bao nhiêu trong việc làm cho cả 2 quốc gia đóng vai trò trọng yếu trong địa chính trị thế giới hôm nay là Mỹ và Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược của nước ta – mà chính đòi hỏi này lại là điều nước ta cần nhất. đáng mong muốn cho mình nhất trong địa chính trị thế giới hôm nay.
Quan trọng hơn nữa, phải chăng cục diện mới của thế giới hôm nay đang mang lại cho nước ta những điều kiện cho phép thực hiện một sự lựa chọn vị thế quốc tế như thế trong địa chính trị mới của thế giới – nghĩa là những điều kiện cho phép nước ta vươn lên vị thế trở thành đối tác chiến lược của cả hai quốc gia trọng yếu này?
Có thể lắm. Trước hết bởi vì, dù là đối thủ chủ yếu của nhau trong địa chính trị thế giới hôm nay, song hiển nhiên cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn lựa chọn vị thế đối đầu nhau trong chừng mực họ không bất khả kháng phải làm như vậy. Hơn nữa như đã nói trên: Chưa bao giờ nước ta có nhiều đồng minh tự nhiên như hiện nay, cho phép nước ta đi với cả thế giới để có điều kiện trở thành đối tác chiến lược của cả Mỹ và Trung Quốc – để bảo vệ tốt nhất lợi ích an ninh và lợi ích phát triển của nước ta, đồng thời để gánh vác tốt nhất nghĩa vụ quốc tế nhất thiết nước ta phải dấn thân thực hiện (xin hiểu cho trong thế giới chúng ta đang sống không có “free lunch”!).
Xin nhắc lại một lần nữa, lịch sử cận đại của chính nước ta cảnh báo Việt Nam phải tránh bằng được số phận trở thành trận địa giằng xé, tranh hùng của 2 thế lực lớn này trên thế giới. Lựa chọn vị thế quốc tế trở thành đối tác chiến lược của cả Mỹ và Trung Quốc như thế cho, hầu như chắc chắn nước ta sẽ cùng đi được với cả thế giới trong xu thế phát triển khách quan của nó – một đòi hỏi không thể thiếu đối với nước ta trong việc tạo dựng ra thế mạnh cho đất nước. Và rất biện chứng: Cũng chỉ với thế mạnh này, nước ta mới có điều kiện được cả Mỹ và Trung Quốc thừa nhận là đối tác chiến lược.
Suy nghĩ như trên, có thể loại bỏ ý kiến cho rằng sự lựa chọn vị thế quốc tế của nước ta như thế chỉ là một mong muốn chủ quan, viển vông.
Thậm chí đến đây có thể khẳng định dứt khoát: Đó là sự lựa chọn chiến lược có ý nghĩa sống còn, nhất thiết nước ta phải thực hiện bằng được – sống hay là chết!
Muốn trung thành với lập trường nguyên tắc ta phải là chính ta, của ta, vì ta và vì lẽ phải. Muốn không là công cụ hay đồn lũy cho bất kỳ ai, muốn không bị một quốc gia nào khuất phục, cũng như muốn thực hiện triệt để lập trường nguyên tắc của ta là không đi với một bên để chống một bên, muốn cho mọi quốc gia phải tôn trọng và đối xử bình đẳng với nước ta.., tất yếu phải chọn cho nước ta vị thế nước ta phải trở thành đối tác chiến lược của Mỹ và của Trung Quốc.
Tất cả chỉ còn lại câu hỏi: Làm thế nào để Việt Nam có thực lực, bản lĩnh và trí tuệ để có thể vươn lên trở thành đối tác chiến lược của Mỹ, đối tác chiến lược của Trung Quốc? Làm thế nào để được cả Mỹ và Trung Quốc chấp nhận thừa nhận nước ta là một đối tác chiến lược như thế của họ?
Xin đừng lúc nào quên trở thành đối tác chiến lược của Trung Quốc, một quốc gia có quá nhiều vấn đề đối với nước ta trong lịch sử và trong hiện tại, hoàn toàn không dễ. Song nếu không muốn là “thần dân”, “thần” quốc của Trung Quốc, nhất thiết nước ta phải phải vươn lên xây dựng cho mình vị thế đối tác như vậy trong quan hệ với Trung Quốc. Bởi vì một Việt Nam độc lập tự chủ và là bạn của mọi quốc gia trên thế giới không có sự lựa chọn nào khác, nhất là bởi vì tư duy đối ngoại của Đại Trung Hoa không có ý niệm “hòa hiếu”. Hơn bao giờ hết trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, bây giờ là lúc trước hết và đầu tiên ta phải là chính ta trong cái thế giới này thì mới có thể tính đến chuyện thế giới!
Một vị thế quốc tế như vừa trình bày trên không giành cho một Việt Nam trung lập, ngõ hầu có thể đứng ngoài tình hình phức tạp và quyết liệt của thế giới hôm nay. Tự Việt Nam không đủ năng lực giành được cho mình một vị thế trung lập như thế đã đành, các “lực” trên thế giới giằng xé nhau cũng chẳng để cho Việt Nam yên thân trung lập để có thể biệt lập dung thân khỏi cái thế giới này. Thế sự cho thấy nghĩ như vậy mới là viển vông, không tưởng!
Vậy chỉ còn lại câu hỏi: Có làm được không? Và Việt Nam làm như thế nào để có thể trở thành đối tác chiến lược của cả Mỹ và Trung Quốc, để cùng đi được với cả thế giới?
Hiển nhiên, trong cuộc sống không ai muốn chọn anh ăn mày hay kẻ khố rách áo ôm làm đối tác chiến lược của mình cả; những người có quyền thế trong xã hội của cái thế giới hôm nay lại càng không làm như vậy.
Cũng hiển nhiên như thế, một đối tác chiến lược vừa là của Mỹ, vừa là của cả Trung Quốc với tính cách họ là 2 đối thủ chính của nhau, nước ta không thể theo đuổi và thực hiện một thứ ngoại giao 2 mặt, ngoại giao nước đôi, ngoại giao đóng kịch, ngoại giao trung gian, vân vân… Tất cả những thứ mẹo vặt rẻ tiền này không thể qua mặt được Mỹ và Trung Quốc. Hơn nữa họ cũng không cần những thứ đó, và những thứ đó cũng không thể là sản phẩm của một đối tác chiến lược được cả Mỹ và Trung Quốc muốn nhìn nhận.
Vậy chỉ còn một con đường: Để trở thành một đối tác chiến lược như thế, nước ta phải đủ bản lĩnh và trí tuệ để trước hết ta phải là chính ta, để từ đó nước ta vừa là một nhân tố tích cực, vừa đóng góp có thực chất vào những vấn đề song phương, đa phương ở phạm vi khu vực cũng như ở tầm quốc tế mà cuộc sống đòi hỏi. Nước ta phải dấn thân để có vai trò mà cả Mỹ và Trung Quốc đều thấy là cần thiết, là có ích, và đều chấp nhận, nhất là ở khu vực Đông Nam Á này. Song một vai trò, một sự đóng góp thiết thực và được chấp nhận như thế chỉ có thể là sản phẩm của một quốc gia có những khả năng giành được vai trò và tạo ra được sự đóng góp ấy – sản phẩm của một nền ngoại giao có sức sống thực chất trên nền tảng của một quốc gia có những phẩm chất làm nên nền ngoại giao ấy. Điều này có nghĩa đòi hỏi nước ta phải phấn đấu vươn lên quyết liệt để trưởng thành về mọi mặt. Hiển nhiên một đòi hỏi như thế là không thể đối với một quốc gia èo uột, dựa dẫm.  
Hỏi:  Làm thế nào bây giờ để hễ là người Việt Nam tất yếu phải thấu hiểu đòi hỏi nói trên của đất nước?
Đáp:  Phải làm cho đòi hỏi này trở thành sự nghiệp của toàn thể dân tộc.
Muốn thế, phải có một thể chế chính trị nào và một triển vọng phát triển nào của đất nước, để có thể cổ vũ, khuyến khích từng người Việt Nam dấn thân cho đòi hỏi này của đất nước. Khỏi phải nói tới trách nhiệm ràng buộc còn hơn cả pháp lý của Đảng Cộng Sản Việt Nam với tính cách là đảng cầm quyền duy nhất trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay đối với đòi hỏi sống còn này của đất nước. Tôi đã cố trình bầy cặn kẽ điều này trong bài “Trách nhiệm lịch sử” (tháng 7-2010) khi góp ý trong quá trình chuẩn bị Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chắc anh không lạ gì dòng suy nghĩ của tôi, vì trước đó anh cũng đã đọc các bài “Việt Nam trong thế giới của thập kỷ thứ hai thế kỷ 21” (3-2010) và bài “Nỗi lo chệch hướng” (4-2010).
Nếu đặt đòi hỏi, đặt việc lựa chọn nói trên như thế là cái đích có ý nghĩa sống còn nhất thiết nước ta phải thực hiện, thực sự nước ta sẽ phải thay đổi tất cả: thể chế chính trị, đường lối phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, trước hết là đường lối giáo dục và phát triển con người, chính sách đối ngoại; tất cả phải thay đổi theo các chuẩn mực truyền thống văn hóa và lịch sử vẻ vang của đất nước, phải thay đổi theo các giá trị đã tích tụ được của văn minh nhân loại ngày nay; tất cả để trở thành một nước phát triển với 3 trụ cột là kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự.
Tất cả phải thay đổi với mục đích làm cho ở nước ta tự do, dân chủ, quyền con người trở thành nguồn lực vô tận và sáng tạo cho sự thịnh vượng của quốc gia và cho hạnh phúc của dân.
Tất cả phải thay đổi, để làm cho nước ta trở thành một quốc gia có ảnh hưởng lan tỏa ngày càng rộng rãi có lợi cho xu thế phát triển vả những tiến bộ của văn minh thế giới.
Không phải chờ đến lúc nước ta giầu có, mới hy vọng trở thành và được công nhận là một đối tác chiến lược và có vai trò như thế trên bàn cờ quốc tế. Mà ngay từ bây giờ, ý chí thay đổi, quyết tâm thực hiện, bản lĩnh quốc gia và bản lĩnh dân tộc, sự lựa chọn kiên định đi với trào lưu tiến bộ của cả thế giới với tinh thần dấn thân… – toàn bộ quá trình này tự nó ngay từ bây giờ sẽ làm nên và cổ vũ nước ta trở thành và được nhìn nhân là một đối tác chiến lược như thế. Indonesia hiện nay tuy vẫn là một nước nghèo, nhưng đang mang lại một ví dụ đáng học hỏi để chúng ta phấn đấu vì sự nghiệp này.
Nước ta, muốn hay không, sau 37 năm phát triển, nay bắt buộc phải chuyển sang một thời kỳ phát triển mới, nhất thiết phải lấy nội dung sự thay đổi vừa trình bầy trên làm nội dung phải thực hiện cho thời kỳ phát triển mới này của đất nước. Không phải ngẫu nhiên trong quá trình chuẩn bị Đại hội XI tôi đã nêu kiến nghị cải cách thể chế chính trị là tiền đề tất yếu và hàng đầu để thực hiện được những đòi hỏi của đất nước trong thời kỳ phát triển mới này.
Trong loạt bài viết dưới cái tựa đề chung là “Viễn tưởng” (4 bài) đã gửi anh đọc, tôi mạo muội trình bầy một số suy nghĩ có thể tham khảo cho việc tìm kiếm, xây dựng những ý tưởng thực hiện sự thay đổi này. Tôi hình dung đấy sẽ là một sự thay đổi mang tính đổi đời đất nước và thân phận mỗi người Việt Nam chúng ta. Toàn bộ sự nghiệp có ý nghĩa sống còn này đối với đất nước đang ở phía trước, đang chờ đợi ý chí và nghị lực của từng người dân, của toàn thể dân tộc ta – với nhận thức đúng đắn về cục diện thế giới, và với sự giác ngộ sâu sắc về lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.  
Hỏi: Trong lựa chọn như thế, nhỡ xảy chân nghiêng về một bên thì sao? Đã thế, trong nước bây giờ có nhiều ý kiến “pro” Mỹ?
Đáp:   Đúng, xảy chân một bước, hận nghìn thu.
Để xảy ra “nghiêng” về Trung Quốc, nguy cơ đầu tiên và lớn nhất là dân sẽ ngày càng mất lòng tin và càng xa lánh Đảng. Xảy ra như thế, sớm muộn sẽ thua ngay trên mặt trận chính yếu và quyết định tất cả là đối nội; phần thắng sau đó thuộc về Trung Quốc. Để xảy ra như thế hệ quả sẽ có thể là đến lúc nào đó phải làm lại từ đầu tất cả.
Để xảy ra “nghiêng” về Mỹ, hầu như chắc chắn Trung Quốc sẽ huy động mọi thứ của quyền lực rắn và quyền lực mềm nhằm đối phó với cái “nghiêng” này. Hệ quả nhãn tiền là có nguy cơ rơi vào vết xe cũ với nhiều bài học đau đớn: Nước ta có thể lại trở thành trận địa giằng xé nhau giữa các thế lực.
Khỏi phải nói, bây giờ cả lãnh đạo đất nước và toàn dân đều phải có trí tuệ, tỉnh táo và khôn ngoan. Thật sự đất nước bây giờ đang đòi hỏi phải có sự lãnh đạo trác việt.
Là một đối tác chiến lược như thế, hoàn toàn không thể là dỹ hòa vi quý, mà phải là dân chủ trong đối nội, thẳng thắn đối đầu trong đối ngoại khi lợi ích và chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, trong khi nỗ lực tối đa gìn giữ hòa bình. Tất cả những điều này chẳng liên quan gì đến việc Trung Quốc luôn luôn ép ta “gìn giữ đại cục”. Thậm chí muốn vô hiệu hóa áp lực “đại cục” như thế của Trung Quốc, nhất thiết nước ta phải thực hiện những điều này.
Việc phải làm trước tiên là người dân và tất cả đảng viên phải được thông tin trung thực và đầy đủ, phải được trang bị mọi hiểu biết cần thiết. Về lâu dài, phải xây dựng bằng được cho đất nước một nền giáo dục chân chính và hiện đại, để từng người dân giác ngộ vận mệnh đất nước và có phẩm chất lấy sự giác ngộ này làm ý chí làm người, để toàn xã hội chỉ thừa nhận sự giác ngộ và ý chí này như một giá trị gốc của đất nước hôm nay.
Phải làm tất cả mọi việc, để cả dân tộc chỉ có một ý chí.
Phải làm tất cả để có thể tập hợp dư luận tiến bộ trên toàn thế giới đứng về phía mình.
Phải tin, dựa vào dân để làm được tất cả mọi việc phải làm như vậy.
Sợ dân, đánh giá thấp giác ngộ chính trị của dân, thậm chí chỉ vì cái “sợ” đầy sai trái này thực hiện bưng bít thông tin và ngu dân.., những việc làm như thế chẳng khác gì tự tay mình tích tụ mọi khả năng để cuối cùng sẽ dẫn đến tình thế thất bại, đầu hàng.     
Trong cục diện mới hôm nay của thế giới, đã đến lúc từng người dân nước ta, trước hết là những đảng viên ĐCSVN, phải hiểu rõ bất kỳ sự chậm trễ nào đều vẫy gọi nguy cơ đen tối từ khắp nơi. Trong cục diện thế giới mới này kẻ thù nguy hiểm nhất của ta là những yếu kém của chính ta. Từng người phải khép lại quá khứ của chính mình, để cùng nhau chiến thắng những yếu kém của chính mình trước đã – bằng cách vượt lên nỗi sợ của chính mình để chiến thắng, để bắt đầu.
Việt Nam đã độc lập thống nhất, song trong địa chính trị thế giới hôm nay nếu ta không là chính ta, nếu nước ta không phấn đấu tự vươn lên trở thành đối tác chiến lược của Mỹ và Trung Quốc, không phấn đấu vươn lên cùng đi với cả thế giới, ắt phải cam chịu thân phận là một quốc gia èo uột và bị nô dịch.
Có đáng không?
-  ???…
-  
Hết

Khách đến chơi nhà ngày 16-03-2012 -  Võng Thị.


[1] Để minh họa, có thể nêu ra một vài ví dụ: (1) Trung Quốc có quan hệ mật thiết với chính phủ quân sự Myanmar, cung cấp cho chính phủ này nhiều tỷ USD viện trợ, nhưng đồng thời là người tiếp tế vũ khí – báo chí nói có các những thiết bị cho đại bác 130 ly, hỏa tiễn phòng không cầm tay… - cho các lực lượng vũ trang của hàng chục sắc tộc người thiểu số ở Myanmar có khuynh hướng ly khai và chống lại chính quyền trung ương, thực tế này khiến cho các cuộc chiến tranh sắc tộc trong lòng Myanmar kéo dài hàng chục năm nay mà vẫn chưa có khả năng kết thúc, ngoài ra còn có những hợp tác buôn lậu ma túy. Với hàng vạn lao động thâm nhập vào nội địa Myanmar, TQ đầu tư rất nhiều vào hầm mỏ,  thủy điện, ký trực tiếp với sắc tộc người thiểu số thuê dài hạn 30 năm hàng chục ngàn hecta rừng để lấy gỗ và trồng cao su.., tất cả chỉ với mục đích vơ vét tài nguyên và năng lượng; gần đây nhất tổng thống dân sự Thein Sein đã phải hủy hợp đồng ký với Trung Quốc xây đập thủy điện Myitsone 3,6 tỷ USD vì những hệ quả môi trường không thể cứu vãn được… Có thể nói, sự can thiệp của Trung Quốc vào Myanmar là nguyên nhân đối ngoại hàng đầu từ nhiều thập kỷ nay gây mất ổn định và kìm hãm sự phát triển của quốc gia này.  (2) Trong chuyến đi thăm Mỹ tháng 2-2012 của Tập Cận Bình, Obama đã nói thẳng Mỹ không thể chấp nhận những vi phạm trong thương mại song phương và đa phương của Trung Quốc và việc Trung Quốc cố ý duy trì tỷ giá đồng Nhân dân tệ như hiện nay để kiếm lợi không công bằng, yêu cầu phía Trung Quốc phải tuân thủ đầy đủ các quy chuẩn trong tham gia vào hệ thống kinh tế thế giới… (3) Ngay các nước Việt Nam, Lào, Campuchia cũng có quá nhiều ví dụ nghiêm trọng và cay đắng nói lên mối nguy hiểm này…  Vân vân…
 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 30-3-12

Triết gia Trần Đức Thảo “Những ngày ấy”

- -Hồ sơ Trần Đức Thảo: Triết gia Trần Đức Thảo “Những ngày ấy” (viet-studies 31-3-12)  -- Bài rất quý của GS Nguyễn Đình Chú, có nhiều thông tin ít người biết xung quang vụ Nhân văn - Giai phẩm ◄◄
Những ngày ấy, tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội rồi thêm trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, giữa những tên tuổi của các ông trùm văn hoá của đất nước như: Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy, Trương Tửu, Trần Văn Giàu… trong dư luận của giới thức giả, cũng như trong ấn tượng của thế hệ sinh viên Văn - Sử - Địa chúng tôi, giáo sư - triết gia Trần Đức Thảo vẫn là thần tượng số một. Trong các buổi giảng về lịch sử triết học phương Tây trước Mác của triết gia, có một hiện tượng lạ mà hơn nửa thế kỷ qua, làm nghề dạy học, tôi chưa thấy có trường hợp thứ hai. Thầy đến lớp, không một mẩu giáo án. Chỉ ngồi trên ghế hoặc ngồi ghé lên bàn, mắt hướng lên trần nhà và nói thì rất khó khăn.
Vậy mà không khí lớp học vẫn tĩnh lặng, trang nghiêm. Buổi giảng nào, ngoài số sinh viên thuộc 2 lớp Văn - Sử - Địa II, III học chung mà hầu như không ai vắng mặt còn rất nhiều giáo viên cấp III của Hà Nội, kể cả một vài sinh viên Y Dược, Đại học Sư phạm Khoa học tự nhiên cũng đến nghe nhờ. Nhà đạo học nổi tiếng của Việt Nam - Cao Xuân Huy - cũng nhiều lần có mặt. Đại giảng đường 35 Lê Thánh Tông, từ phòng học chính đến các chuồng gà ở tầng trên đều chật người. Đúng là một không khí sùng bái kỳ lạ. Chúng tôi thực sự không hiểu được gì đáng kể những điều thầy giảng nhưng cậu nào, cô nào cũng làm ra khoái chí, hiểu. Bởi nhận là không hiểu thì té ra mình dốt sao. Không ít bạn tập cách nói "Philôdôp" của thầy. Có hai bạn sau này một là giáo sư, một là nhà mỹ học đều nổi danh, viết bài tranh luận thế nào là "Hạt nhân duy lý trong triết học Hégel" đăng trên báo Sinh viên Việt Nam để khoe tài trong khi cùng đeo đuổi một bạn gái xinh đẹp nhất của lớp mà sau đó, có dịp tôi hỏi ý kiến nhận xét của thầy thì được thầy nói: "Cả hai đều nói rờ nói rận". Riêng tôi, về sau, trải qua nhiều năm dạy học lại nghiệm ra rằng: Theo cách nghĩ thông thường, trường hợp giảng bài của giáo sư Trần Đức Thảo là một hiện tượng phi sư phạm, phản sư phạm 100% (không giáo án, không quan sát đối tượng, nói năng thiếu trôi chảy, thuyết giảng một bề). Nhưng chính ở nhà giáo "phi sư phạm" này lại cho tôi một hiệu quả vô cùng lớn lao, chi phối, nâng đỡ tôi suốt hon 50 năm qua trong nghề dạy học và nghiên cứu văn học. Đó là cái ấn tượng vô cùng sâu đậm về cái gọi là năng lực tư duy trừu tượng, mà theo tôi nó là điều kiện cần có nhất, quyết định nhất cho bất cứ ai muốn dấn thân vào khoa học. Là điều mà theo tôi thì người Việt Nam ta vốn có hạn chế nhiều so với nhiều nước trên thế giới. Quả là về năng lực này, cho đến nay trên đất nước ta, tôi chưa thấy ai ngang tầm giáo sư Trần Đức Thảo. Và Trần Đức Thảo, sở dĩ làm nên một tên tuổi sáng giá, được dư luận thế giới, đây đó công nhận, tôn vinh cao độ, chính là nhờ có năng lực tư duy trừu tượng khoa học này.
Trở lại hiện tượng sùng bái giáo sư Trần Đức Thảo một cách kỳ lạ như trên đã nói là có nguyên nhân. ấy là sự đồn đại mà sau này kiểm chứng lại thì nói chung là có thật và nhiều sách báo cũng đều nói vậy. Trần Đức Thảo là một thanh niên Việt Nam đầu tiên (không biết tới nay đã có người thứ hai chưa) tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng sư phạm ở phố Ulm tại Paris nước Pháp, vốn là trường tuy chỉ mang danh Cao đẳng sư phạm nhưng thực tế là trường đứng đầu bảng  nền đại học Pháp, có lúc còn hơn cả Sorbonne. Muốn thi vào đây, thường sau khi đậu tú tài, phải chuẩn bị thêm một vài năm. Thi vào khoảng ngàn người, chỉ lấy đậu dăm chục. Tốt nghiệp trường này ra, viết sách chỉ ghi: Ancien élève de l'école normale supérieure de la rue Ulm (cựu học sinh trường Cao đẳng sư phạm phố Ulm) thì thanh danh đã có thể ngang với các danh hiệu cao sang khác. Không ít danh nhân văn hoá Pháp từng xuất thân từ trường này. Việt Nam ta, theo chỗ tôi biết không rõ có chính xác không thì người đầu tiên được học trường Cao đẳng sư phạm phố Ulm là ông Phạm Duy Khiêm (con cụ Phạm Duy Tốn) tốt nghiệp đứng gần chót (thứ 35?) nhưng báo chí trong nước bấy giờ đã tôn vinh là bậc anh tài, kỳ tài của đất nước. Còn Trần Đức Thảo thì đậu đầu nhưng vì là dân thuộc địa nên chỉ được đồng thủ khoa (premier ex aequo). Trần Đức Thảo từng tranh luận triết học với Jean Paul Sartre vốn là một triết gia nổi tiếng của Pháp mà dư luận cho rằng phần thắng thuộc về Trần Đức Thảo. Trần Đức Thảo làm thư ký cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp Người sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, Trần Đức Thảo làm chủ tịch Hội Việt kiều tại Pháp. Khi thực dân Pháp rục rịch trở lại xâm chiếm Việt Nam, báo chí phỏng vấn thì Trần Đức Thảo trả lời: "Chỉ có nổ súng". Trần Đức Thảo bị Chính phủ Pháp bỏ tù 3 tháng vì bị quy tội gây mất an ninh cho nước Pháp. Đặc biệt, năm 1951, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở thời kỳ gay go, không ít trí thức cao cấp từng đi kháng chiến, do không kham nổi gian khổ, đã bỏ về thành. Trong khi đó, triết gia Trần Đức Thảo, ngược lại, từ bỏ Paris hoa lệ, theo đường Tiệp Khắc, Liên Xô, qua Trung Hoa, về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Thuở ấy, những chuyện được nghe đồn đại về giáo sư Trần Đức Thảo như thế, với chúng tôi, một lớp thanh niên có học, vừa đi qua cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc và đang được hưởng không khí hoà bình tươi vui của miền Bắc, giữa thủ đô Hà Nội vừa được giải phóng, sao mà không mê li, không sùng bái được. Nhất là, một khi lại có thêm những lời nói, không phải là của người thường, mà của các bậc đại nhân về giáo sư Trần Đức Thảo. Tôi nhớ, ở năm thứ nhất, trong giờ giải lao sau giờ triết học Mác xít của giáo sư Trần Văn Giàu, thầy trò quây quần bên nhau tại sân trường, trò tán dương thầy dạy hay quá thì thầy nói: "Khoan, các cậu muốn biết thế nào là triết học thì hãy chờ sang năm thứ hai học với thầy Thảo. Thầy Thảo là người đọc gần hết sách của thư viện ở Paris".[1] Tôi lại còn biết chuyện: chính thầy Giàu sau ngày hoà bình lập lại (1954) đã đến mời kỳ được thầy Thảo bấy giờ đang công tác ở Ban Văn - Sử - Địa về đại học và tự nhường chỗ ở của mình tại 16Đ ngõ II Hàng Chuối cho thầy Thảo để sang ở nhà 16 Phan Huy Chú, không tốt bằng. Xin nói thêm, giáo sư Trần Văn Giàu cũng là một người từng được huyền thoại hoá ít nhiều như trong chuyện thầy Giàu là bạn học cùng Ti Tô (Tổng thống Nam Tư), Tô Rê (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp) và thủ khoa trường Đại học Phương Đông - mà còn nói về giáo sư Trần Đức Thảo như trên, chẳng gì mà không góp phần tạo thần tượng về Trần Đức Thảo trong lớp sinh viên trẻ bấy giờ là chúng tôi. Rồi nữa, thầy giáo dạy chính trị của chúng tôi bấy giờ là Hà Huy Giáp, một nhà cách mạng lão thành, vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ ngày đầu có Đảng, lúc này lại là uỷ viên trung ương, thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ giáo dục, trong giờ giảng, với cảm hứng tự hào dân tộc, đã nói:"Người Việt Nam ta rất thông minh - Có người như ông Trần Đức Thảo, học cho Tây thua liểng xiểng".
Đúng, những ngày ấy là những ngày vinh quang tột đỉnh của triết gia - giáo sư Trần Đức Thảo mặc dù có thể ông không hề nghĩ tới nó. Nhưng rồi! Trời đất ơi! Tổ quốc Việt Nam ta ơi! "Sự đâu sóng gió bất kỳ" đã ập đến cuộc đời Con người này, mà hôm nay trong cuộc hội thảo kỷ niệm 90 năm sinh của Người, tôi ngày ấy là học trò của thầy, rồi là trợ lý của thầy, được thầy thu xếp cho ở cùng nhà tập thể với thầy, hàng ngày được thầy vừa cho vừa bắt ngồi làm việc ở ngay bàn giấy tại phòng riêng của thầy, còn nay tôi là một giáo sư, một nhà giáo nhân dân đã rơi vào tâm trạng vừa muốn nói lại vừa không muốn nói lại cái sự thật đau lòng xót dạ này. Không muốn nói ra là vì thấy người đời vẫn có tâm lý cái gì không hay đã qua đi để nó qua đi, nói lại làm gì cho thêm nặng nề cuộc sống. Nhất là với những người đã có một vị trí xã hội thì lại thường phải né tránh chuyện đời rắc rối. Nhưng vẫn muốn nói vì nó là sự thật dù có đau lòng, cần nói ra để hậu thế rút kinh nghiệm mà tránh. Bởi ai dám cam đoan rằng, mai đây, trên đất nước ta, sẽ không còn những chuyện bi ai, đáng tiếc đó. Sau những giờ phút băn khoăn là nên nói hay không nên nói, cuối cùng thì tôi đã quyết định nói ra, trước hết xin coi như là một nén hương thơm để thêm một lần tạ ơn, để thêm một lần cảm thương, và cũng thêm một lần tạ tội với vị ân sư, nhân dịp kỷ niệm 90 năm sinh của Người. Dĩ nhiên là những gì tôi kể lại sau đây là theo chủ quan nhận thức của mình, có thể đúng với người này, không đúng với người khác trong một số chi tiết nhưng với tôi là có sao nói vậy, nhớ đến đâu nói đến đó, mong được chư vị thông cảm.
Đúng là những ngày ấy"sóng gió bất kỳ" đã ập đến cuộc đời triết gia Trần Đức Thảo. Triết gia bỗng chốc được "phong tặng" danh hiệu mới: Lãnh tụ tinh thần của phong trào Nhân văn Giai phẩm, phản cách mạng một cách nguy hiểm. Chuyện thật là dài dài. Xin tóm lược đôi điều như sau. Bấy giờ, sau khi sai lầm cải cách ruộng đất được thừa nhận và đã có lời nhận lỗi của Đảng và Nhà nước, nhưng tình hình tư tưởng của xã hội ở miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội và chủ yếu trong giới tri thức, văn nghệ sĩ, đã tỏ ra không yên. Nhiều bức xúc vốn dồn chứa từ nhiều năm trước đã có cơ trỗi dậy. Ngoài xã hội, Giai phẩm mùa Đông (I-1956), Giai phẩm mùa xuân, Giai phẩm mùa thu (10-1956), Nhân văn, Ngôn luận (tờ này đã in nhưng không được phát hành) lần lượt ra đời, chủ yếu là với vai trò của một bộ phận văn nghệ sĩ. Một số giáo sư, giảng viên đại học, tham gia viết bài là: Trương Tửu, Phan Ngọc và Trần Đức Thảo. Đào Duy Anh vừa là người trả lời phỏng vấn của báo Nhân văn vừa là người cho NXB Minh Đức vay tiền in báo Nhân văn. Nguyễn Mạnh Tường thì chuyện lại là ở bài phát biểu tại Mặt trận Tổ quốc Hà Nội. Với giáo sư Trần Đức Thảo, theo chỗ tôi biết, vốn là người rất ít giao du nên cũng chẳng có quan hệ gì với số văn nghệ sĩ làm Nhân văn. Nhưng trước đó, trên Giai phẩm mùa đông, giáo sư đã có bài: "Nội dung xã hội và hình thức tự do". Nhân văn sau khi ra được 2 số, bị báo Nhân dân và một số người lên án thì đã định bỏ cuộc. Nhưng có người nghĩ ra kế lợi dụng uy tín giáo sư Thảo mời viết bài để mà tiếp tục. Do đó, Nhân văn số 3 đã có bài: "Nỗ lực phát triển tự do dân chủ" của giáo sư và Nhân văn ra thêm đến số 5 mới ngừng bản. Riêng trong phạm vi trường Đại học thì có tờ Đất mới do các anh Bùi Quang Đoài (tức nhà văn Thái Vũ hiện nay) Hà Thúc Chỉ (bút danh Thúc Hà, có bài thơ "Chờ con má nhé" được giải nhất trong liên hoan thanh niên thế giới tại Berlin năm 1955), Văn Tâm… đều là sinh viên lớp Văn 3 vừa mới tốt nghiệp được giữ lại làm tập sự trợ lý chủ trì mà khởi đầu không hẳn như báo chí về sau từng nói. Bởi đây có liên quan đến chủ trương của Đảng uỷ nhà trường (lúc này còn chung cho Sư phạm và Tổng hợp). Cụ thể là vào dịp đầu hè 1956 ngay sau khi lớp Văn 3, Sử 3 vừa kết thúc khoá học để ra trường thì thầy Hà Huy Giáp trực tiếp xuống Khu tập thể sinh viên tại Nhà C của Việt Nam học xá (ngày nay thuộc khu trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) phát động cho tự do tư tưởng - dĩ nhiên là với ý muốn để xây dựng nhà trường. Nhưng một không khí gay gắt lên án lãnh đạo Đảng trong nhà trường một cách không bình thường đã diễn ra và tờ Đất mới đã ra đời ngay sau cuộc họp đó để rồi chịu chung số phận với các tờ Nhân văn, Giai phẩm. Sau này, trong một bài viết có nhan đề "Cho tôi nói lại đôi lời", nhà văn Thái Vũ đã thanh minh rằng, ngày đó, làm "Đất mới", các anh không hề có ý gì gọi là chống chế độ, chống Đảng. Chẳng qua chỉ có chuyện ấm ức mà phê phán một số đảng viên lãnh đạo trong trường kể từ ngày còn là Dự bị đại học ở Thanh Hoá.
Trong phạm vi trường đại học, ngoài việc một số thầy giáo viết bài trên Nhân văn , Giai phẩm, ngoài tờĐất mới, về dư luận cũng đã có chuyện này chuyện khác, mà lúc đầu cũng chưa có gì đặc biệt. Nhưng rồi không khí căng dần lên. ở ngoài trường thì cuộc đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm đã diễn ra khá quyết liệt. Bấy giờ (8/1957), sau khi tốt nghiệp được giữ lại làm trợ lý cho giáo sư Trần Đức Thảo về bộ môn lịch sử tư tưởng, tôi bắt đầu nghe phong thanh về giáo sư Thảo có chuyện này chuyện khác với lãnh đạo trường nên đã trực tiếp hỏi anh Võ Ất thường trực Đảng uỷ nhà trường sự đánh giá của Đảng uỷ về giáo sư Thảo thì được anh Võ Ất cho biết: "Giáo sư Trần Đức Thảo là một trí thức lớn rất tốt. Có chuyện gì đó, chẳng qua là do cá tính. Anh yên tâm". Và tôi đã yên tâm như thế không chỉ với giáo sư Trần Đức Thảo mà còn là với các giáo sư khác. Nhưng không ngờ, sự việc đã bùng nổ một cách bất ngờ đối với tôi. Chiều hôm đó, tôi nhớ là khoảng  đầu năm 1958, bỗng nhiên trong cuộc họp công đoàn của Khoa Sử không có mặt hai giáo sư Trần Đức Thảo và Đào Duy Anh, nổi lên một không khí lên án giáo sư Thảo một cách vô cùng gay gắt. Tôi nhớ nhất là ý kiến của anh V.H.T. tự giới thiệu là người năm 1951, công tác tại văn phòng Tổng bí thư Trường Chinh, là thành viên ban đón tiếp giáo sư Trần Đức Thảo từ biên giới Việt Trung về an toàn khu để ngay ngày đầu được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cơm, hôm sau được đưa lên gặp Hồ Chủ tịch và Bác nói: "Chú là một trí thức lớn. Nay chú về nước tham gia kháng chiến, Bác rất mừng. Mong chú đem hết nhiệt tình và tài năng phục vụ kháng chiến thắng lợi.[1] Sau đó thì được bố trí làm việc ở Văn phòng Tổng Bí thư. Câu chuyện của anh V.H.T là muốn nêu cho mọi người thấy Trần Đức Thảo là một người đã được Bác Hồ, Đảng, Nhà nước trọng vọng hết mức như thế nhưng nay thì quay ra chống phá cách mạng. Tối hôm đó, tôi đã kể lại những gì vừa xảy ra hồi chiều về giáo sư Trần Đức Thảo cho chị Nhất (lúc này là vợ của Thầy đã cưới được gần 3 năm) nghe, thì chị nói: "Các anh chị hiểu sai anh Thảo rồi. Anh Thảo không phải người như thế". Sau cuộc lên án giáo sư Trần Đức Thảo của cuộc họp công đoàn Khoa Sử, trên báo Nhân dân, giáo sư Phạm Huy Thông lúc này là Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội có bài vạch tội Trần Đức Thảo từ ngày còn ở Pháp cho đến bây giờ mà tôi nghe phụ giảng Hoàng Thiếu Sơn - người ở cùng phòng với tôi bấy giờ nói lại là: Cụ Chấn Hưng - thân phụ của giáo sư Thông đã trách con: "Tôi không ngờ anh đối xử với bạn anh như thế". Tiếp đó, cuộc đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm trong hai trường đại học Sư phạm và Tổng hợp đã diễn ra sôi nổi, dĩ nhiên là có lãnh đạo hẳn hoi. Người bị đấu tranh đầu tiên là giáo sư Trương Tửu trong 2 ngày liền. Kế đến, hai giáo sư Đào Duy Anh và Nguyễn Mạnh Tường, mỗi người bị đấu tranh non một ngày. Riêng giáo sư Trần Đức Thảo vì bị đau răng sưng cả má, phát sốt, nên hơn một tháng sau mới bị đấu tranh. Dự đấu tranh, có Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban khoa học Nhà nước Tạ Quang Bửu, Trưởng ban Văn - Sử - Địa Trung ương Trần Huy Liệu, hai Thứ trưởng Hà Huy Giáp, Nguyễn Khánh Toàn cùng nhiều quan chức khác, nhiều giáo sư thuộc các khoa Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Đại giảng đường 35 Lê Thánh Tông chật ních người tham dự (cuộc đấu tranh với mấy vị giáo sư khác trước đó thì chỉ ở Hội trường B). Trong những người đấu tranh, có giáo sư, có giảng viên, có trợ lý vốn là học trò giáo sư Thảo. Nội dung phê phán là đủ tội, nhưng nổi lên vẫn là vai trò lãnh tụ tinh thần của nhóm Nhân văn - Giai phẩm và các tội chính là:
- Dám phê phán Trung ương về triết học là duy tân chủ quan, sai tinh thần của Mác, vì đặt quan hệ sản xuất lên trước lực lượng sản xuất.
- Dám phê phán Đảng sau ngày dành được chính quyền đã tạo ra bộ máy quan liêu.
- Dám chê Mao Trạch Đông dốt - chê Mâu thuẫn luận và Thực tiễn luận là sai học thuyết Mác.
- Đòi tự do dân chủ một cách vô chính phủ.
Cuộc đấu tranh diễn ra cũng trọn hai ngày. Trước lúc kết thúc, Thứ trưởng Hà Huy Giáp lên diễn đàn nói: Vừa qua, ông Trương Tửu viết thư cho đồng chí Tố Hữu nhưng đồng chí không trả lời. Còn ông Trần Đức Thảo viết thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì Thủ tướng có bưu thiếp trả lời và yêu cầu Thứ trưởng đọc trước cử toạ. Trong nửa thế kỷ qua, tôi vẫn nhớ không sai là: "Thân ái gửi anh Thảo. Tôi  đã nhận được thư anh. Mong anh nghĩ lại những điều anh em nói. Chúc anh khoẻ mạnh - Phạm Văn Đồng". Tiếp đó, giáo sư Trần Đức Thảo phát biểu mà tôi cũng hy vọng nhớ không sai như sau: "Khi viết các bài báo đó là tôi có suy nghĩ. Nay các vị bảo tôi sai. Tôi sẽ nghĩ lại". Nói xong chỉ chừng ấy thì chắp hai bàn tay giơ lên rồi dang cả hai cánh tay ra và đi xuống chỗ. Tôi tin rằng cử toạ hôm đó không một ai hiểu trong cái cử chỉ cuối cùng đó của giáo sư Trần Đức Thảo có ý gì? Riêng tôi thì hiểu. Bởi trước hôm giáo sư bị kiểm thảo vài ngày, trong một tối, tôi đã lên phòng Thầy và hai thầy trò tâm sự với nhau nhiều chuyện, trong đó Thầy có nói: Mình có nhược điểm không khắc phục được là sống cô độc, ít có khả năng hoà nhập. Ngày còn học trong nước, thấy mấy thằng Tây thuộc địa kém quá. Nghĩ bụng sang Pháp học, may gì gặp được những anh Tây chính quốc giỏi dang. Không ngờ, rồi cũng chán. Do đó, quyết định về nước, tham gia kháng chiến cùng nhân dân mong tìm một sự hoà nhập. Nhưng rồi vẫn thế! Họ bố trí làm việc ở văn phòng ông Trường Chinh, được mấy tháng là chán. Mình xin đi theo văn nghệ quân đội, được ít lâu thì về Ban Văn - Sử - Địa Trung ương. Sống ở đâu, cũng thấy cô độc. Biết vậy là nhược điểm nhưng không bỏ được. Thầy lại nói chuyện ở Việt Nam đang đấu nhau thế này, là do ở Trung Hoa, sau phong trào"Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" (Bách hoa tề khai, bách gia tề minh) thì đang có phong trào chống phái hữu (Thầy muốn nói bấy giờ nếu Trung Quốc không có phong trào chống phái hữu thì Việt Nam cũng không có phong trào chống Nhân văn - Giai phẩm). Cuối cùng thì Thầy nói: Chuyện đời cứ ít mà xít ra nhiều. Vừa nói vừa làm cái cử chỉ mà hai hôm sau Thầy đã làm lại ở hội trường. Sau cuộc kiểm điểm toé lửa đối với giáo sư Trần Đức Thảo, anh L.K.T vốn là một sinh viên Sử vừa được giữ lại làm trợ lý đã viết bài "Quét sạch những nọc độc của Trần Đức Thảo trong việc giảng dạy triết" đăng Tạp chí Học tập [1958].  Trong cuộc đấu tố này, riêng tôi, theo yêu cầu của tổ chức do bạn H. và anh B, đảng ủy viên truyền đạt (trong lời truyền đạt, anh B còn nói với tôi: cậu phải thấy rằng chuyện ông Thảo không phải là “faute” mà là “crime”), vì đó phải viết bài phê phán Thầy. Bài viết xoay quanh một ý: Thầy từng là thần tượng lớn lao của tôi, vậy mà nay thầy lại nói với tôi là 40% người dân không tin vào Đảng nữa. Thầy muốn tôi cũng không tin vào Đảng. Lời kết bài là “mong thầy nghĩ lại để thầy trò ta mãi mãi vẫn là thầy trò ta”. Đọc xong bài phê phán Thầy, cả hội trường vỗ tay. Có người chúc mừng tôi đã được giải phóng tư tưởng. Sau đó, tôi còn được tổ chức giao việc chuẩn bị đến báo cáo tội trạng của Thầy ở lớp chỉnh huấn của giáo viên cấp Ba toàn miền Bắc tại trường Bổ túc công nông ở Giáp Bát. Thêm nữa, anh TQV cũng yêu cầu tôi góp ý cho bài viết của anh phê phán Thầy để đăng báo theo yêu cầu của lãnh đạo. Phúc may cho tôi là cả hai sự việc này sau không dùng đến. Đúng là bấy giờ, ở tư thế chim sợ làn cong sau ngày cải cách ruộng đất, thiếu bản lĩnh, nên tôi đã để hoàn cảnh đẩy vào tội phản Thầy, tuy chưa đến nỗi tệ mạt như mấy ai đó với Thầy, hoặc với Thầy Trương Tửu trong cuộc đấu tố này, nhưng ở tôi cũng đó là điều phải xấu hổ trong lương tâm hơn nửa thế kỷ nay không dứt.  
Tiếp theo đợt đấu tranh là việc xử lý kỷ luật. Giáo sư Trương Tửu bị khai trừ khỏi ngành. Giáo sư Đào Duy Anh bị đưa sang Ban Văn - Sử - Địa. Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường bị đưa về làm nhân viên Nhà xuất bản Giáo dục. Phụ giảng Phan Ngọc đang là Tổ trưởng ngôn ngữ bị chuyển sang làm phiên dịch. Trợ lý Cao Xuân Hạo cũng bị chuyển làm phiên dịch. Các trợ lý khác: Văn Tâm, Phan Kế Hoành, Hà Thúc Chỉ, Bùi Quang Đoài bị chuyển về phổ thông hoặc cơ quan khác. Một số khác như Phạm Hoàng Gia, Đặng Đức Siêu bị hạ một bậc lương trong dịp xếp lương sau đó vào năm 1960. Riêng giáo sư Trần Đức Thảo, tôi được nghe nói là mấy tháng đầu nhà trường vẫn cho người đưa lương tới nhà nhưng Thầy chối không nhận với lý do: Không làm việc thì không nhận lương. Tiếp sau đó có chuyện Thầy lên nông trường Ba Vì (Sơn Tây) khoảng 3 tháng mà sau này người nói thế này, người nói thế khác. Có người nói là Thầy bị đưa đi lao động cải tạo, nhưng hôm Thầy đi (kể cả ngày về), tôi co chứng kiến. Chỉ thấy có xe còm măng ca đến đón đi, ngoài va ly đựng vật dụng còn khối là sách. Theo chị Nhất nói với tôi thì việc đi này là do chính Thầy yêu cầu, cho đi để giãn thần kinh sau những ngày căng thẳng. Lên nông trường, cũng nghe nói Thầy có dạy tiếng Pháp cho một vài cán bộ và trong một lần vừa thổi cơm vừa đọc sách, vô ý để lửa bốc cháy hết quần áo sách vở của mình, và cháy lây thêm một vài nhà của  nông trường. Do đó mà tổ chức cho đưa Thầy về lại 16Đ ngõ II, Hàng Chuối ngay.
Điều không thể không nói là sau đợt đấu tranh này, quan hệ giữa các thầy bị đấu tranh với mọi người, với các học trò, trong đó có quan hệ giữa thầy Thảo với tôi, coi như phải chấm dứt dù còn ở chung nhà tập thể. Cách đây vài năm, anh Cù Huy Chử cho tôi biết ngày Thầy sống ở Sài Gòn trước khi đi Pháp, có lần Thầy nói với anh: Nguyễn Đình Chú là người ghi bài giảng của Thầy để làm tài liệu học tập cho sinh viên nhiều nhất và tốt nhất nhưng sau cuộc đấu tố, gặp mình mà không chào. Quả có sự thật khốn nạn đó. Hàng ngày vẫn gặp Thầy lên xuống ở cầu thang mà tôi cứ phải cúi mặt xuống không dám chào Thầy vì sợ liên lụy, vì xấu hổ về tội phản Thầy. Chỉ một Đoàn Mai Thi là người duy nhất không sợ gì cả vẫn thường xuyên lui tới săn sóc Thầy trong hoạn nạn, để lại một điểm son về đạo tôn sư trong lòng chúng bạn. Một nhân cách như thế mà đã sớm qua đời! Các bạn trẻ hôm nay, khó lòng mà hình dung nổi cái không khí nặng nề thuở ấy mà chúng tôi đã trải qua. Năm 1960, tôi rời nhà 16Đ ngõ II Hàng Chuối về sống ở Khu tập thể Đại học Sư phạm tại Cầu Giấy. Giáo sư Trần Đức Thảo cũng chuyển nhà tới B6 Khu tập thể Kim Liên để rồi mấy năm sau đó sống một mình vì thầy cô chia tay nhau. Cảnh sống của triết gia Trần Đức Thảo ở Kim Liên ra sao, sau ngày triết gia qua đời, nhà văn Phùng Quán đã kể lại trong một bài viết có nhan đề "Chuyện vui về triết gia Trần Đức Thảo".[2]
Chuyện về triết gia giáo sư Trần Đức Thảo sau ngày từ giã giảng đường đại học nước nhà còn dài, không thể kể hết. Chỉ biết là sau ngày giáo sư qua đời tại Pháp, Sứ quán đưa tro về nước, mặc dù trước đó đã được an táng tại nghĩa trang Père Lachaise ở Paris. Lễ tưởng niệm được tổ chức tại đại giảng đường 35 Lê Thánh Tông nơi ngày trước giáo sư từng gắn bó. Chính phủ tặng Huân chương độc lập hạng II. Mộ hiện chôn ở khu A nghĩa trang Văn Điển. Năm 2000, thì được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Báo chí đã giành cho giáo sư nhiều lời tốt đẹp, kể cả những lời cảm thương. Trong đó, đáng chú ý có ý kiến của giáo sư Trần Văn Giàu nói rằng: "Trên đất nước ta, nếu có một người đáng gọi là triết gia, thì đó chính là Trần Đức Thảo. Giàu này chỉ là giáo sư dạy triết học". Đặc biệt, trong tác phẩm "Thầy và bạn" của ông Nguyễn Hoà Bình, vốn là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Thường vụ Đảng uỷ, người trực tiếp làm các văn bản trong cuộc đấu tranh hồi 1957-1958 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong bài viết "Nhà thơ Tiếng địch sông Ô" có kể lại chuyện ông được giao trách nhiệm viết báo cáo tường thuật tội trạng của các vị giáo sư bị đấu tranh, viết xong, đưa đến cho Hiệu trưởng Phạm Huy Thông thông qua thì chính con người đã từng viết bài phê phán giáo sư Trần Đức Thảo mà trên kia tôi có nhắc lại đã nói với ông Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Nguyễn Hoà Bình bấy giờ có đoạn như sau: "Bản chất của con người trí thức chân chính là tôn trọng chân lý và rất tự trọng trên con đường chân lý. Chân lý được lĩnh hội bằng tự giác thông qua tinh thần dân chủ đối thoại đã trở thành lối sống của họ. Những người trí thức cụ thể này có cuộc đời của họ, phấn đấu vì chân lý, cũng có nghĩa vì sự nghiệp của dân tộc, của Đảng".[3]
Kính thưa quý vị, chuyện đời của triết gia - giáo sư Trần Đức Thảo những ngày ấy mà tôi kể lại sơ qua là thế. Quý vị nghĩ gì? Riêng tôi, tôi nghĩ: Chuyện đời quá ư khắc nghiệt. Hiểu cho đúng nhau cũng rất khó khăn. Sự khoan dung sẽ giúp làm vơi bớt sự khó khăn, khắc nghiệt đó. Cái bưu thiếp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi giáo sư Trần Đức Thảo trong những giờ phút éo le, nghiệt ngã kia, đã hé lên chân lý đó. Tiếc rằng, khắc nghiệt vẫn còn khắc nghiệt. Hôm nay, tôi xin nói lên những ý nghĩ này trong sự biết ơn, cảm thương và cũng là tạ lỗi với Thầy tôi - Thầy Trần Đức Thảo vô vàn kính yêu ơi!.
                                         (Bài viết nhân dịp kỷ niệm 90  năm sinh
                                       Giáo sư - Triết  gia Trần Đức Thảo -2007)

[1] Những dòng được để trong ngoặc kép còn có sau đây chủ yếu là ghi theo trí nhớ, mong được chấp nhận tính tương đối của nó.
[2] Xem: Phùng Quán - ba phút Sự thật - NXB Văn nghệ 2006.
[3] NXB Giáo dục - 2003, tr.25

 

 Tiếp tục đề nghị xem xét tư cách ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến

Nói thêm về kiến nghị xem xét tư cách ĐBQH Đặng Thị Hoàng YếnTừ đầu năm tới nay, Báo Người cao tuổi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các cán bộ lão thành, tướng lĩnh nghỉ hưu, cựu chiến binh, người cao tuổi và bạn đọc về việc xem xét tư cách của bà Đặng Thị Hoàng Yến, ĐBQH tỉnh Long An (Khóa XIII). Nhiều câu hỏi đặt ra rằng báo chí thông tin như vậy mà sao chưa có thông báo kết luận chính thức?




Báo Người cao tuổi qua xác minh xin được cung cấp tới bạn đọc một số thông tin sau đây:
1. Tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 27-3, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị: “Phải giải quyết cho rõ trường hợp ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận chương trình kì họp thứ 3 (dự kiến khai mạc vào hạ tuần tháng 5) của Quốc hội có thể phải “xem xét lại tư cách đại biểu Quốc hội” này.
2. Tại kì họp báo của Văn phòng Quốc hội ngày 26-11-2011, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông báo đã có kết quả xác minh ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến, song còn một số vấn đề cần tiếp tục xác minh như vụ li hôn giữa bà Yến và Việt kiều Mỹ Jim-my Trần (chồng)...
Về việc này, Viện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có Công văn 3954/ VKSTC-V5 ngày 9-12-2011 báo cáo về việc kiểm sát giải quyết án dân sự và kháng nghị, nhận định “Việc Tòa án Nhân dân tỉnh ban hành hai bản án trong cùng một vụ án và phát hành bản án trước khi phiên tòa xét xử công khai kết thúc (trước 5 phút) là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật dân sự”.
ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến.


Còn Toà án Nhân dân tối cao cũng có Báo cáo số 503/TANDTC-DS ngày 29-12-2011, nêu rõ: “Hội đồng giám đốc thẩm Tòa án Dân sự Tòa án Nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và quyết định: hủy bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 19/2010/HN-ST ngày 6-10-2010 của Tòa án Nhân dân tỉnh Long An về vụ hôn nhân gia đình giữa nguyên đơn bà Đặng Thị Hoàng Yến với bị đơn ông Trần Jim-my; Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án Nhân dân tỉnh Long An xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật”.
Qua hai văn bản trên, chứng tỏ bà Đặng Thị Hoàng Yến cho đến nay vẫn có người chồng là Jim-my Trần, sinh năm 1955, quê Quảng Bình, Việt kiều Mỹ về nước làm ăn cùng bà Yến từ những năm 2007-2008, chiếm đoạt 210 tỉ đồng và trở thành tên tội phạm, trốn về Mỹ ngày 5-7-2010, Bộ Công an ra Quyết định truy nã số 224/ANĐT ngày 24-9-2010.
Vụ án li hôn kì quặc này khiến thẩm phán Lê Văn Lắm bị kỉ luật và bị loại ra khỏi hàng ngũ thẩm phán. Trước khi bị sát hại, chết thê thảm, nhà báo Hoàng Hùng (Báo Người Lao động) đang điều tra về vụ li hôn sai trái và có nhiều điều không bình thường này như nhiều báo chí đã nêu.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến vẫn tồn tại người chồng như vậy, nhưng khi khai lí lịch ngày 12-3-2011 để ứng cử ĐBQH lại khai chồng tên là Nguyễn Tứ Hải, năm sinh 1959, mất năm 1989. Bản chất của việc này là bà Yến làm “trong sạch” bản sơ yếu lí lịch để Hội đồng bầu cử các cấp không cần xác minh mới được đưa vào danh sách ứng cử ĐBQH quá dễ dàng.
3. Nhưng bản chất về tư cách của đại biểu này còn nghiêm trọng ở chỗ: Bà Yến được kết nạp Đảng ngày 27-11-1986 tại quận 5, TP Hồ Chí Minh (QĐ kết nạp đảng viên mới số 11/QĐ-KN). Năm 1992, bà được UBND quận 5 điều động về phòng Tổ chức Chính quyền quận, sau đó bà chuyển về Trung tâm Phát triển ngoại thương thành phố, rồi đứng ra thành lập Công ty tư nhân (Công ty Hoàng Yến) và dấn sâu vào vụ án (chuyên án AB98), tuy không bị khởi tố bị can nhưng bị Bộ Công an ra lệnh cấm xuất cảnh. Từ năm 2002-2007 bà sinh sống, làm ăn ở Mỹ, lấy chồng Việt kiều Mỹ.
4. Như vậy, trong 20 năm qua, bà Yến không sinh hoạt đảng, khai lí lịch đã ém nhẹm từng là đảng viên 6 năm. Có người nhận xét, do Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, bà Yến không còn tin Đảng nên tự ý bỏ Đảng. Đây cũng chỉ là phỏng đoán nhưng điều chắc chắn là bà đã bỏ qua mà không khai lí lịch từng là đảng viên và lí do vì sao bỏ Đảng? Đây là vấn đề nghiêm trọng cần xem xét tư cách ĐBQH (ứng cử ngoài Đảng). Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết TW IV của Đảng bộ Khối các Cơ quan TW ngày 20-3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu có nêu ý: Có đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng rồi ra nước ngoài làm ăn, nay vẫn không khai trung thực trong lí lịch...
Còn nhiều nội dung khác liên quan đến ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến, Báo Người cao tuổi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin tới bạn đọc.
Báo NCT'


-Tiếp tục đề nghị xem xét tư cách ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến -(NLĐO)-
Lịch sử đẫm máu của ĐCSTQ
Từ DAJIYUAN.COM

Từ khi ĐCSTQ (Đảng cộng sản Trung Quốc) lên nắm quyền vào năm 1949 tới nay, thống kê được khoảng 65 tới 80 triệu người đã phải chịu cái chết bất tự nhiên trong bàn tay của ĐCSTQ. Dưới đây là những con số nói lên lịch sử đẫm máu của ĐCSTQ trong 56 năm cầm quyền của mình.


1950-1952, khoảng 2,4~5 triệu người bị giết trong các cuộc vận động Cải cách ruộng đất và Trấn áp phản cách mạng

Với chiêu bài “cải cách ruộng đất” và trấn áp những phần tử “phản động”, chỉ trong vẻn vẹn hai năm ngắn ngủi, giới chức của ĐCSTQ đã giết hại 2,4 triệu người. Đó là con số do bản thân ĐCSTQ công bố. Những ước đoán khác cho các con số lên tới 5 triệu người. Bằng bạo lực, ĐCSTQ đã đạt được ba mục tiêu nó đề ra: (1) tiêu diệt hoàn toàn giới sở hữu đất đai và giới chức tại nông thôn, và thay vào đó là người của ĐCSTQ; (2) cướp trắng từ những người bị giết hại một lượng lớn tài sản nhân dân; (3) gieo rắc nỗi sợ hãi ĐCSTQ, một ám ảnh vĩnh viễn không bao giờ xoá nhoà trong lòng người dân Trung Quốc.

1959-1961, khoảng 30~40 triệu người bị chết trong chiến dịch Đại nhảy vọt

Bằng âm mưu nham hiểm dưới chiêu bài nhân đôi sản lượng thép của Trung Quốc, ĐCSTQ trên thực tế đã biến toàn Trung Quốc thành một trại cưỡng bức lao động quy mô lớn: bắt tất cả người dân Trung Quốc phải tham gia ý đồ ngông cuồng sản xuất thép. Nông dân buộc phải bỏ hoang ruộng để làm thép, bỏ phí cả hoa màu, lúa mạch chín và hoang phế ngoài đồng. Đồng thời, quan chức chính phủ bịa đặt báo cáo rằng sản lượng lúa đang năng vọt, khiến người dân háo hức hơn nữa. Kết quả: 30~40 triệu người bị chết đói và Trung Quốc lâm vào cảnh kinh tế kiệt quệ. Sau tất cả những việc ấy, ĐCSTQ tuyên truyền khắp nơi rằng đó là do “thiên tai”. Nhưng trên thực tế, không một thiên tai nào được ghi nhận đã xảy ra vào thời đó cả.


1966-1976, khoảng 7~8 triệu người bị giết hoặc bị ép tự vẫn trong Đại Cách mạng Văn hoá

Cách mạng Văn hoá không gì khác hơn là một chiến dịch nhằm phá sạch tất cả văn hoá truyền thống và đức tin của người dân Trung Quốc. Chiến dịch này đã dẫn đến những thảm trạng vô luân như con cái đánh đập và thậm chí giết cha mẹ mình, học sinh lăng mạ và giết bỏ thầy cô giáo, thanh niên đàn áp người già. Nhiều người bị “nộp” cho giới chức Trung Cộng (Đảng cộng sản Trung Quốc) để trở thành món đồ bị chà đạp nhân phẩm ngay nơi công cộng. “Giết” thậm chí đã trở thành một tiêu chí để xem một cá nhân có trung thành với sự nghiệp cách mạng của ĐCSTQ hay không. Tình cảnh đại loạn xảy ra khắp nơi, và một số nơi diễn ra công khai hoạt động ăn thịt người. “Thế giới bên ngoài chỉ cảm nhận một góc nhìn hời hợt của bạo lực,” Kenneth Lieberthal, một học giả nghiên cứu Trung Quốc, viết, “khi những xác người đã bị xé nát, nhiều cái không có đầu, trôi nổi trên sông Trân Châu, Hương Cảng.”

Ngày 4/6/1989, khoảng 600~3.000 người bị thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn

Để kết thúc những cuộc biểu tình ngồi và tuyệt thực của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ĐCSTQ đã viện đến bạo lực và điều quân đội vũ trang. Những học sinh tay không bị bắn gục và bị xe tăng giày xéo. Đến tận ngày hôm nay, ĐCSTQ vẫn chối bỏ trách nhiệm và không chịu thừa nhật bất kỳ tội lỗi nào của mình trong cuộc tắm máu thê thảm này.

Từ 1999 đến nay, ước tính 5.000~7.000 người bị giết, khoảng 3 triệu người bị cầm tù trong cuộc bức hại Pháp Luân Công

Tháng 7/1999, dưới lệnh của độc tài Giang Trạch Dân, bấy giờ là chủ tịch Trung Quốc, tổng bí thư ĐCSTQ, và là chủ tịch quân uỷ trung ương, ĐCSTQ dã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Cuộc bức hại vô nhân đạo ấy được nhà nghiên cứu Trung Quốc, ông Willy Lam mô tả như: “ném Trung Quốc về thời Cách mạng văn hoá”. Đã có khoảng 30.000 trường hợp được ghi nhận bị ĐCSTQ tra tấn và ngược đãi, và ước tính khoảng 3 triệu người vô tội đang bị giam cầm trong nhà tù, trại cưỡng bức lao động hoặc nhà thương điên. Phụ nữ bị cưỡng dâm, bị bắt phá thai, bị xâm phạm tình dục bởi giới chức Trung Cộng. Cuộc bức hại Pháp Luân Công được xem là một chiến dịch khủng bổ nhắm vào một nhóm người đơn độc và nó có quy mô lớn nhất, lâu dài nhất, có tổ chức nhất, và tốn kém nhất trong toàn lịch sử dân tộc Trung Hoa.


Đảng Cộng Sản Trung Quốc: Quá khứ và Hiện tại.

Lịch sử 60 năm của nước Trung Quốc cộng sản không hề vẻ vang hay vĩ đại gì. Đây là một hành trình của sự thất vọng, chết chóc và đau đớn của mỗi gia đình tại Trung Quốc, của sự tẩy não có hệ thống mà dạy người dân ca ngợi kẻ ăn cướp.



Chúng ta phải rõ ràng về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là gì: đây vẫn là một chế độ đàn áp, toàn trị như nó đã từng như vậy. Vẫn không có bỏ phiếu; không có bất cứ một loại hình dân chủ mới nổi nào, và cũng sẽ không bao giờ có. ĐCSTQ là một tai họa cho loài người.

Thông tin ở đây thật khó mà tin được – sự coi thường nhân mạng là điều quá khó để hiểu được. Thực tế là sự coi rẻ này vẫn tiếp tục, dù được che đậy và xảo quyệt hơn, và làm người ta ngờ vực hơn. Nó thấm qua những kệ hàng trong siêu thị dưới hình thức chất melamine, đồ chơi nhiễm chì và thức ăn chứa chất độc. Nó rò rỉ qua hệ thống chính trị của chúng ta và làm hại nền móng của chúng ta bằng tiền và gián điệp.

ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hơn 80 triệu người dân Trung Quốc trong thời bình. Con số thống kê này có lẽ chưa đủ để người dân tại các quốc gia tự do hiểu được cách thức vận hành của chế độ.

Nền móng của Đảng

Về mặt ý thức hệ, ĐCSTQ tin vào “chuyên chính vô sản” và “liên tục cách mạng dưới chế độ chuyên chính vô sản.”

Ngay khi ĐCSTQ nắm quyền tại Trung Quốc, nó đã giết hại địa chủ để giải quyết vấn đề quan hệ sản xuất tại những vùng nông thôn. Nó đã giết hại nhà tư bản để đạt mục tiêu cải cách công thương. Sau khi hai giai cấp này bị tiêu diệt, vấn đề liên quan đến quyền kiểm soát kinh tế đã được giải quyết.



Trẻ em nằm trong số những người phải chịu đựng sự thất bại của chiến dịch Đại nhảy vọt và nạn đói kèm theo (Ảnh do Tân Đường Nhân cung cấp).

Giải quyết những vấn đề khác cũng bị kêu gọi phải giết chóc. Phong trào chống cánh hữu đã tiêu diệt những người trí thức. Việc giết chóc những người Cơ Đốc giáo, Đạo giáo, Phật giáo và các nhóm dân chúng phổ biến khác cũng đã giải quyết vấn đề tôn giáo. Tàn sát tập thể trong thời Cách mạng Văn hóa đã thiết lập quyền thống trị tuyệt đối của ĐCSTQ về mặt văn hóa và chính trị.

Cuộc thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn đã từng được sử dụng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng chính trị và đè bẹp sự đòi hỏi dân chủ. Cuộc bức hại Pháp Luân Công nhằm giải quyết vấn đề niềm tin và phương thức chữa bệnh truyền thống. Những hành động này là cần thiết để ĐCSTQ củng cố quyền lực và duy trì sự thống trị của nó trong những cuộc khủng hoảng tài chính liên tiếp.

Trung Quốc đứng ở đâu trên thế giới

Báo cáo về tự do báo chí của Phóng viên Không biên giới năm 2008 xếp hạng Trung Quốc đứng thứ 167 trong tổng số 173 nước. Trung Quốc là một trong sáu “kẻ thù của Internet” theo đánh giá của Phóng viên Không biên giới.

Trung Quốc là nhà tù lớn nhất thế giới dành cho những nhà bất đồng chính kiến trên mạng, và theo sau là Việt Nam và Iran.

Trong chỉ số xếp hạng của Freedom House, Trung Quốc được đánh giá là “không có tự do.”

Sau đây là nhóm các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc mà xếp cuối về tự do và các quyền trên phạm vi toàn cầu: Cu Ba, Ai Cập, Iran, Bắc Hàn, Ả Rập Xê Út, Sy-ri, Tuy-ni-di, Turkmenistan, Uzbekistan, Việt Nam và Miến Điện.

Sự sỉ nhục tập thể là rất phổ biến trong thời Cách mạng Văn hóa, và là một cách để reo rắc sự sợ hãi trong dân chúng. (Boxun.com)



Mỗi năm, Trung Quốc tử hình nhiều người hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã ghi nhận 470 vụ tử hình trong năm 2007, trong khi Quỹ Dui Hua có trụ sở tại Mỹ ước tính có 5.000 đến 6.000 vụ cùng năm, dựa trên số liệu có được từ các viên chức địa phương. Số người bị tử hình chính thức vẫn còn là một bí mật quốc gia.

Khoảng 3-5 triệu người Trung Quốc đang bị giam cầm tại các trại lao động cưỡng bức.

40-50 triệu người đã bị giam cầm trong các trại lao động kể từ năm 1949.

99% những người bị cáo buộc “đe dọa an ninh quốc gia” đều bị kết án phạm tội.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Vấn đề Tra tấn, ông Manfred Nowak, vẫn đang chờ đợi một câu trả lời của Trung Quốc về cáo buộc mổ cắp nội tạng các học viên Pháp Luân Công được nhà nước phê chuẩn.

Phong trào thoái Đảng đang thay đổi Trung Quốc

Trong hơn 60 năm qua, mọi thứ mà ĐCSTQ động chạm vào đều bị làm cho hư hại bởi dối trá, chiến tranh, đói kém, độc tài, tàn sát và khủng bố.

Cảnh sát và đặc vụ Trung Quốc đã giết chết hàng ngàn học viên Pháp Luân Công bằng cách đánh đập và tra tấn kể từ năm 1999. Đây là sự đáp trả những cuộc biểu tình yên hòa. (Minghui.org)



Cộng đồng người Hoa khắp thế giới đã âm thầm đóng góp và thúc đẩy tự do cho Trung Quốc kể từ khi Đảng Cộng sản nắm quyền 60 năm về trước. Một số người đã bị tra tấn và giết hại chỉ vì nỗ lực truyền rộng tin tức, nhưng lòng dũng cảm đã khiến họ tiếp tục vững bước. Dù các kênh thông tin khác không đưa tin về câu chuyện này, làn sóng thoái Đảng vẫn đang ngày càng dâng cao, cả ở Hoa Lục và hải ngoại.

Từ khi Thời báo Đại Kỷ Nguyên đăng Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản (Cửu Bình) vào tháng 11 năm 2004, 60 triệu người Trung Quốc đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới. Làn sóng thoái Đảng đã ăn sâu vào tận gốc rễ của Đảng khi các nhà ngoại giao, tổng bí thư, viên chức cảnh sát và các quan chức cao cấp khác đã công khai cắt đứt mối liên hệ của họ với lá cờ màu đỏ máu mà họ từng thề bảo vệ nó bằng cả mạng sống.

Những chế độ giết người khủng khiếp nhất trong lịch sử

Cộng sản Trung Quốc 80,000,000
Liên bang Xô Viết 60,000,000
Đức Quốc xã 20,000,000
Đế quốc Nhật 5,000,000
Cộng sản Bắc Hàn 2,500,000
Cộng sản Cam-pu-chia 2,000,000
Cộng sản Nam Tư 2,000,000

Đọc bản gốc tiếng Anh tại đây.

  Chia sẻ kinh nghiệm : Hành xử thế nào khi bị bức hại


Tôi xin trình bày 1 câu chuyện hoàn toàn có thực , với những lời vấn đáp của 1 học viên ở VN đối với công an khi anh này bị công an "hỏi thăm" chỉ vì anh ta tập PLC
Thiết nghĩ cái này có thể vạch trần ra sự tà ác và lừa lọc, và giúp mọi ngừoi hiểu thêm về cách "nắn gân" của chính quyền , mong mọi người tham khảo

*****************************************
A/
Các học viên PLC phải luôn luôn lấy từ bi đối đãi chúng sinh. Ngay cả đối với công an, cũng phải từ bi. Về thể hiện tối thiểu là nhã nhặn, lịch sự. Đồng thời giảng rõ chân tướng cuộc đàn áp, phát chính niệm phủ định cựu thế lực. Xét cho cùng, chỉ khi phần thiện tính của công an được khởi phát thì họ mới có thể được cứu. Vì chỉ như vậy nhân tính của họ mới xuất hiện và hành xử của họ mới đúng như con người đối xử với con người. Nếu không, họ vẫn sẽ núp bóng “thi hành công vụ” mà thực chất là làm những việc rất có thể là trái với lương tri của chính họ. Giảng chân tướng, dĩ Thiện đãi nhân là chìa khoá. Không gì thay thế được chìa khoá này. Dù sao đi nữa, đối mặt với công an, cũng là cơ hội giảng chân tướng, cứu độ chúng sinh.

Tuy nhiên, công an có thể dùng những biện pháp người thường, mà những người tu luyện chúng ta quá xa lạ. Chúng ta có thể không rành những xảo thuật đó, do vậy dễ bị gạt. Bài này chỉ là để chỉ ra một số tiểu xảo để chúng ta biết mà tránh bị mắc bẫy. Còn chìa khoá phải luôn là lấy Pháp làm Thầy, luôn luôn theo Sư phụ.

/B/ Một số vấn đề chung

Công an tìm cách phủ đầu các học viên PLC bằng các tiểu xảo:

- Mô tả việc làm của học viên là vi phạm pháp luật, từ đó ép học viên phải ở tư thế phải tuân thủ theo những đề nghị của công an. Những mô tả đó thường là không đúng, hoặc phóng đại (ví dụ: PLC bị cấm...). Và những đề nghị cũng là lái theo hướng không tốt cho học viên PLC (ví như ký biên bản bất luyện công,...). Thực chất, đây là việc làm vi phạm nhân quyền. Công an hay bất cứ ai không được phép mượn cớ thi hành công vụ để dẫn dụ người dân những thông tin sai lệch. Từng có một nhóm sinh viên tập công ở công viên, rồi công an bắt về, hù doạ các kiểu, và những sinh viên này thậm chí về nhà mang máy tính, mang điện thoại đến nộp công an. Quá phi lý. Không thể chỉ dựa vào tập công ở công viên với bộ áo vàng mà công an muốn làm gì thì làm. Các học viên cần tỉnh táo hơn.

- Tách riêng từng người thẩm vấn, dùng thông tin này để giăng bẫy cho người kia. Thực chất là biện pháp tâm lý chiến để gạt gẫm các học viên trở nên mất lòng tin, trở nên lúng túng mà để lộ nhiều thông tin hơn. Công an sẽ dùng tất cả các thông tin nắm được để tiếp tục khai thác và ép buộc học viên. Đây là nghiệp vụ cơ bản của công an. Học viên PLC không cần quan tâm họ đã moi được gì hay đe doạ gì. Mình là công dân, là có quyền bảo vệ bản thân mình theo luật pháp. Mình không bao giờ nói thông tin gì cho công an nếu không có luật sư của mình bên cạnh. Công an không được quyền bắt người khác nói trong tình trạng người đó không có sự bảo vệ thích đáng theo pháp luật, ví dụ ép cung trong tình trạng có nhiều công an bao quanh, hoặc dọa dẫm.

- Do tư tưởng chính trị lỗi thời, công an luôn tìm cách tìm cái mà họ cho là “kẻ chủ mưu”, “nguồn tài trợ”. Thực chất PLC là tự phát tự giác. Người mà họ cho là “kẻ chủ mưu” kỳ thực chẳng có gì khác những học viên khác, thảy đều theo Pháp mà hành xử. Nhưng chính vì tư tưởng chính trị ấu trĩ ấy, công an có những động thái điều tra, thẩm vấn theo cái hướng đó. Lầm tưởng những người đứng ra làm việc học nhóm hay tập công theo nhóm là những “đầu mối quan trọng”. Nếu thấy họ có cách nghĩ như vậy, mình có thể giải thích thẳng với họ rằng không có cái vấn đề như họ tưởng tượng. Đó cũng là hình thực giảng chân tướng.

/C/ Hỏi và Đáp

Vấn đáp là trên cơ sở công an vẫn còn “tử tế”. Về hình thức, tức là công an đứng trên cơ sở pháp luật để nói chuyện với dân. Còn khi công an đã vượt quá phận đó (ví như họ áp dụng cách làm mà họ làm đối với một số nhóm nhân quyền, hoặc bất đồng chính kiến) thì lúc đó vấn đề đã khác rồi.

H: Môn PLC bị cấm ở VN.
Đ: Tôi không thấy có lệnh, hay luật cấm nào như vậy. Lênh ngầm của CA là không được thừa nhận và không được dùng để làm căn cứ pháp luật. VN không có lệnh cấm công khai. Nếu có thì Liên Hiệp Quốc và PLC thế giới đã can thiệp từ lâu.

H: Anh chị chỉ được theo những tôn giáo mà nhà nước cho phép.
Đ: PLC không có hình thức tôn giáo, không có giáo đoàn, không có giáo hội, không có lệ phí, v.v. Hơn nữa, là người dân ở quốc gia độc lập tự do, tôi được quyền tin theo những gì mình cho là tốt, miễn là không vi phạm pháp luật là được. Nếu bắt phải tin theo những gì ai đó cho phép thì chính là vi phạm quyền tự do tư tưởng, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng. Chúng ta đã phải trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh mới đến ngày hôm nay. Ai lợi dụng chức vụ mà tước quyền tự do tín ngưỡng, tước quyền tự do tư tưởng của người dân là có tội lớn đối với những người đã hy sinh cho Việt Nam, có tội lớn với dân tộc Việt Nam.

H: Anh chị tập trung người đông quá mà không xin phép là phạm pháp. Những tài liệu anh chị có không được bộ văn hoá thông tin duyệt, vậy cũng phạm pháp. Vậy phải ký vào những văn bản này...
Đ: Đó là “luật đèn vàng” của công an, thực chất cũng là vi hiến. Người ta bán đầy băng đĩa lậu không ai hỏi, tụ tập đông hàng mấy lần cũng chẳng ai quan tâm. “Luật đèn vàng” là cứ để đèn vàng, ai qua cũng được, nhưng khi cần bắt ai thì lại vin vào đó mà bắt. Thực chất các ông làm khó tôi là vì tôi học PLC, chứ không phải vì tụ tập đông. Cái đó các ông quá rõ. Nhưng các ông sợ Liên Hiệp Quốc chất vấn, sợ PLC thế giới lên tiếng, nên mới giở cái luật đèn vàng này. Cách làm đó không đàng hoàng. Thực ra, ngay cả khi các ông vin vào luật đó, thì cũng không thể lấy đó làm cớ bắt tôi ký vào những văn bản mà các ông soạn ra. Luật nào có hình phạt ấy. Không thể vì người ta vượt đèn đỏ mà áp dụng án tù chung thân. Nếu không có luật sư bảo vệ thì tôi có quyền không trả lời thông tin, cũng không phải ký bất kể giấy tờ gì. Ở ngoại quốc, nếu ác ông làm như thế này, thì các ông sẽ bị người dân kiện ngay lập tức.

H: Anh chị không nói thì chúng tôi cũng biết, vì anh bạn ABC đã nói với chúng tôi rồi. Anh chị tưởng rằng ABC tốt với anh chị lắm sao?
Đ: Học viên PLC tu Chân-Thiện-Nhẫn, dẫu bị người khác xử tệ, vẫn đối xử tốt trở lại. Tôi không nói những gì làm hại người khác theo kiểu như thế. Không thể nói rằng: người kia xử lý tệ lắm, vậy hãy xử tệ trở lại. Tôi cũng khuyên các ông không nên khuyến khích người ta trở mặt với nhau như thế.

H: Ông &^%&*#^$*#^ (lăng mạ Sư phụ và PLC, mục đích là gây ra một tình thế căng thẳng có lợi cho việc moi thông tin của công an)
Đ: Sư phụ là người tôi tôn trọng. Tôi cũng tôn trọng PLC. Chúng ta nói chuyện là nghiêm túc. Tôi cũng không có lời bất kính với những người mà các ông tôn trọng. (phát chính niệm, đồng thời lấy lại không khí hoà ái)

H: Anh chị nói Chân-Thiện-Nhẫn, vậy anh chị cứ che dấu thông tin.
Đ: Chân ở đây là sống thật, là sống chân thành, tử tế, chứ không phải là phải nói hết những gì cho người khác bất kể việc làm đó có gây hại cho người tốt hay không. Có những người mà lời nói của họ nghe rất hợp lý, không ai bắt bẻ được, nhưng kỳ thực họ đang làm cái việc là đưa người khác vào bẫy. Những người đó dẫu lời nói không ai bắt bẻ được, nhưng vẫn không được gọi là “Chân”, vẫn là sống giả dối.

H: Không hợp tác với công an là sai. Anh chị không hợp tác tức là cố tình làm khó chúng tôi.
Đ: Mỗi người một cách sống. Là người tu luyện, tôi làm những gì thuận theo điều Thiện. Giới tu luyện cả nghìn năm nay, cũng không có hiện tượng nhà sư chân chính lại đi vái lạy quan lại, dù vị quan lại có chức to đến mấy cũng vậy thôi. Không phải nhà sư làm khó quan lại, mà là vì người tu luyện họ lấy chữ Thiện xác định hành vi của mình. Ông xem phim Bao Công, cũng thấy điều đó. Bao Công không ép ai phải hành xử ngược lại lương tri của mình. Không bảo con cái phải đấu tố cha mẹ, không bảo học sinh đấu tố thầy cô giáo, không bảo bạn bè phải trở mặt với nhau... Tôi thấy những điều ông hỏi, là rất có thể ông dùng thông tin đó làm khó người khác, vậy tôi không nói. Hành xử tôi mới là đúng với “nhân tính”.

H: Ý anh chị nói pháp luật nhà nước ta không tốt, không đúng nhân tính. Anh chị phải chăng nói xấu nhà nước, nói xấu pháp luật?
Đ: Pháp luật vô tình. Tự nó rất có thể có những điều không phân thiện ác. Cái đó không hoàn toàn là lỗi của luật pháp. Nhưng đã là người thực hành luật pháp, bao giờ cũng phải lấy việc xử lý “hợp tình hợp lý” làm tiêu chuẩn cho hành xử. Hãy noi gương Bao Công. Ông ấy chuyên dùng pháp luật bắt bao kẻ ác, vậy nên dân chúng muôn đời kính nể. Nếu các ông dùng pháp luật bắt mại dâm, ma tuý, tham nhũng, thì đương nhiên ai cũng kính trọng các ông. Còn nếu dùng đặc tính “vô tình” của pháp luật để làm cái cớ cho những việc trái với nhân tính, ai làm thế sẽ không được người đời tôn trọng.

H: Nếu anh chị không hợp tác, không làm thế này thế kia, thì chúng tôi sẽ có biện pháp. Các anh chị đừng tưởng chúng tôi không có biện pháp.[/COLOR]
Đ: Chúng tôi biết rõ điều đó từ lâu. Các ông cầm mọi thứ trong tay, còn tôi chỉ là người dân, không có gì cả. Tôi không thể quản được rằng các ông muốn làm gì. Đến lúc các ông muốn làm gì thì thử hỏi một người dân như tôi có cách gì để tránh không?

H: PLC bị cấm ở Trung Quốc, cái đó là &%^&^#% (dẫn một loạt chứng cứ, thực chất là tư liệu của Trung Quốc đưa sang)
Đ: Hiện nay thông tin về PLC có đầy trên Internet. Trung Quốc là quốc gia duy nhất cấm. Không có bằng chứng phạm pháp, trái lại nhà nước TQ dựng kịch tự thiêu, mổ cắp tạng, v.v. (đây là cơ hội rất tốt để giảng chân tướng).

H: Chúng ta là người Việt Nam, phải yêu nước. Theo những thứ ngoại lai là không tốt. Có những kẻ nói Tự do Bình đẳng Bác ái, vậy họ vẫn mang súng đạn tới đây. Anh chị học PLC như thế này là gây thêm căng thẳng quan hệ Việt Trung. Anh chị làm thế là không yêu nước.
Đ: Tôi là công dân, đương nhiên yêu nước. PLC dạy rằng, học viên khi tham gia bất kể nhóm nào thì cũng nên có ảnh hưởng tích cực đến nhóm đó. Học tập những cái tốt của người khác, cũng là yêu nước. Các ông biết rõ số lượng học viên PLC ở VN là rất ít, không phải là một thế lực nguy hiểm gì cho bộ máy chính quyền đương đại. Lý do đằng sau của những việc các ông đang làm này chính là một số người muốn lấy lòng Trung Quốc, muốn đẹp mặt với Trung Quốc. Việc làm đó, khi lịch sử này lật sang một trang mới, sẽ được người dân công khai gọi là “quốc sỷ”, chứ không ai gọi đó là yêu nước. Không phải tôi cố ý nói thế này thế khác. Mà đó là điều mà dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm nay vẫn có cách nhìn nhận như vậy. Còn việc chúng tôi tu học Chân-Thiện-Nhẫn, là đề cao đạo đức vào cái thời đạo đức toàn xã hội đang xuống dốc. Việc làm đó chắc chắn sẽ được dân tộc đánh giá cao.

H: Anh chị không tự thấy rằng đang tự làm khổ mình ư? Ăn cây nào, rào cây ấy. Anh chị nên thức thời hơn.
Đ: Việc này tôi đã nghĩ kỹ khi bắt đầu học PLC. Học viên PLC ở VN đều như vậy cả. Ai đã học, tức là đã hiểu rằng họ phải tu luyện trong khi chế độ đương quyền không ưu ái PLC. Nhưng thực ra, đó mới chính là tố chất của người tu luyện. Khi người tu hiểu rằng đó đúng là điều tốt thật, thì họ sẽ theo. Tôi lấy thí dụ mang tính người thường như thế này. PLC cứu một học viên ABC thoát căn bệnh nan y. Các ông bảo ABC đừng học, vậy ông có chữa bệnh cho ABC thoát chết không? Không! Vì vậy ông không thể cấm họ học theo cách đó được đâu.
Tôi biết rằng, có những học viên PLC bị gây khó khăn trong cuộc sống. Ai đi làm thì bị công an đến vận động lãnh đạo gợi ý đuổi việc. Ai đi học thì bị công an đến trường. Cũng có công an địa phương vâng lệnh cấp trên đến vận động gia đình... Đó chỉ là biện pháp chính trị quá ấu trĩ cách đây 50 năm, bây giờ thực chất là phản tác dụng. Lúc đầu thì các ông gây sức ép cho học viên PLC. Nhưng người dân ngày nay đã có dân trí cao hơn. Họ sẽ hiểu ra ngay: chính vì công an không có bằng chứng và không thể dùng pháp luật để làm khó học viên PLC, nên công an mới làm cách này. Như vậy họ càng hiểu rõ PLC là tốt. Ở ngoại quốc, không có bằng chứng mà làm khó người dân như thế, thì các ông sẽ bị dân kiện ra toà.

H: Ai chỉ đạo, ai cho tiền để anh chị làm những việc này?
Đ: Các ông nên tìm hiểu kỹ hơn về cách thức hoạt động của học viên PLC. Tất cả đều có trên Internet. Chúng tôi là tự phát tự giác. Ai học là tự nguyện. Không phải như một số nhóm bắt phải có lệ phí, hàng tháng phải họp, nếu không thì phạt, v.v. Thực ra một nhóm làm việc tốt, thì tự nhiên sẽ hoạt động theo hình thức ấy. Các ông muốn tìm người chủ chốt, đó là do cách tư duy đã đi vào lối mòn của các ông do nghề nghiệp làm công an mà thành. Thực ra không phải ai ở xã hội cũng là người xấu. Không phải ai cũng là tội phạm. Không phải ai cũng chỉ biết làm việc bo bo cho lợi ích cá nhân. Các ông nghĩ xem, in vài cái áo, làm mấy quyển sách cho bạn, v.v. mấy cái đó với mức sống hiện nay thì quá đơn giản. Các ông nghĩ rằng phải có ai cho tiền thì chúng tôi mới làm những việc đó sao? Chẳng lẽ một người sau khi nhận thấy những lợi ích rất tốt về tinh thần và thể chất sau khi học PLC, họ lại không đủ hào phóng giúp người khác? Xã hội vẫn có nhiều người tốt chứ.

H: PLC là làm chính trị, cái này ai chẳng biết. Anh chị làm chính trị là sai.
Đ: PLC không làm chính trị. Nhưng là một môn tu luyện mang tính phổ biến, thì khi gặp một chế độ cấm tự do tư tưởng, cấm tự do tín ngưỡng như Trung Quốc, thì liền phát sinh một hình thức đấu tranh. Đó là: những học viên PLC đòi hỏi quyền tu tập tự do của mình. Đó cũng là thực hiện quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, cũng là quyền cơ bản của con người mà thôi. PLC ra đời 1992. Cho đến năm 1999, tất cả 7 năm, không hề có hoạt động gì mà các ông có thể cảm thấy là “chính trị” cả. Tại sao? Vì họ đang tu tập tự do. Chỉ có sau khi ĐCSTQ cấm, thì hàng loạt những việc mà học viên PLC làm bị gán nhãn chính trị. Thực ra đó không phải là chính trị, mà là chúng tôi yêu cầu ĐCSTQ dỡ bỏ lệnh cấm để chúng tôi được tu tập tự do như ở các nước khác trên thế giới. ĐCSTQ để biện minh cho hành động của mình, nên đã đưa “chính trị” vào đây. Chúng tôi ở VN cũng không làm chính trị. Vả lại, làm chính trị cũng là quyền của công dân. Ví dụ, ông đi bầu cử, vậy ông có phải làm chính trị không? Làm chính trị tự nó không sai. Miễn không phạm pháp là được. Nhưng chúng tôi cũng không làm chính trị. Chúng tôi chỉ muốn được tu tập tự do như ở các nước trên thế giới.

H: Sư phụ của anh chị bỏ mặc học viên ở TQ, sang Mỹ để tránh đàn áp. Anh chị mê muội lắm.
Đ: Sư phụ được thành phố Houston nhận làm công dân danh dự năm 1994. Sư phụ sang Mỹ và định cư 1996. Đàn áp PLC bắt đầu 1999. Các ông nên xem lại nguồn tin của các ông. Sư phụ không bỏ mặc học viên ở Trung Quốc. Học viên tất cả các nước trên thế giới cũng không bỏ mặc học viên ở Trung Quốc. Tất cả đều đang vạch trần tội ác ĐCSTQ khi đàn áp PLC. Năm xưa, khi chiến tranh thế giới II kết thúc, số phận của những ai kinh doanh sinh lời trên cuộc đàn áp những người Do Thái là thế nào, cái đó các ông cũng biết. Lịch sử phải chăng đang lặp lại?
**************************
Mong mọi người , những ai có những cách hành xử hay lời đối đáp hữu ích, mong mọi người gửi lên để tất cả tham khảo


Xin lưu ý mọi người :
Theo ý của mình , chúng ta khi bị bức hại thì ko thể bị động chịu đựng được, ko nên chịu đựng nó với tâm bất động làm thế chẳng khác nào chúng ta thừa nhận sự bức hại của cựu thế lực, lại càng ko nên chỉ kiên tâm tập ở nhà - Sư Phụ đã chỉ rất rõ ràng :

“Trong quá trình Chính Pháp, một ý nghĩ về Đại Pháp của một vị thần cũng quyết định liệu để vị đó tồn tại hay bị loại trừ. Những ai đắc Pháp có thể xem mọi sự theo cách nhìn người đời được hay không? Nếu một người đã đắc Pháp nhưng không thể đứng lên chứng thực Pháp, người ấy có còn là đồ đệ Đại Pháp? Dẫu kẻ đó có ‘kiên tâm học Pháp luyện công’ tại nhà đến đâu đi nữa, kẻ ấy đã bị ma quỷ kiềm chế và ‘ngộ’ theo đường tà.”
Và để dẫn chứng cho quan điểm của mình : ko nên bị động chịu đựng sự bức hại ----Mình dẫn chứng lời dạy của Sư Phụ
Dứt trừ ma tính • Bình chú của Sư phụ

Bình chú của Sư phụ

Nhận thức hết sức tốt. Đối với phản ảnh của nghiệp lực tư tưởng, và phá hoại mà thế lực tà ác tạo ra cho chúng ta, cũng như [việc] chúng ta giảng thanh chân tướng đến con người, đều là hết sức chủ động mà thanh trừ ma chứ không phải dung túng và chịu đựng một cách tiêu cực; nhưng tư tưởng và hành vi phải dùng Thiện.

Lý Hồng Chí
5 tháng Mười, 2000

Last edited by rapido; 15-01-2008 at 10:48 AM.. 

Sức mạnh mềm của Mỹ: Y tế Mỹ: lá bài tranh cử!

  -Nguồn:- Y tế Mỹ: lá bài tranh cử!

Lữ Giang

Cứ bốn năm một lần, nước Mỹ phải bầu lại Tổng Thống. Mỗi lần bầu như vậy, hai đảng chính là Dân Chủ và Cộng Hoà lại đưa ra những “siêu chiêu” để hạ nhau, có khi bất chấp cả chính sách quốc nội và quốc tế mà nước Mỹ đang theo đuổi.

Trước đây, một số người Mỹ gốc Việt, mặc dầu đã sống ở Mỹ lâu năm, vẫn cứ tưởng một cách giản dị rằng bầu cử Tổng Thống Mỹ giống như bầu cử Tổng Thống VNCH trước 1975, nên rũ nhau đi bầu và chọn Đảng hay ứng cử viên nào mà theo họ là “chống cộng” để bầu, với niềm tin rằng nếu họ thắng cử, họ sẽ giúp ta “giải phóng” quê hương!
Nhưng nhờ hệ thống truyền thông ngày càng mở rộng và có nhiều người biết đọc tiếng Anh hơn, nên người Việt bắt đầu nhận ra rằng sự thật không giản dị như vậy!


Mùa bầu cử năm nay, Đảng Cộng Hoà đang dùng nhiều chiêu thức khác nhau để đánh Đảng Dân Chủ đang cầm quyền, không cần biết đến quyền lợi của dân chúng và quyền lợi của đất nước này sẽ đi về đâu. Một trong những chiêu thức được coi là “độc thủ” có thể dùng để hạ Tổng Thống Obama và Đảng Dân Chủ là tìm cách loại bỏ đạo luật cải tổ y tế mà Tổng Thống Obama đã ban hành ngày 23.3.2010, có tên là “Patient Protection and Affordable Care Act”. Họ tin rằng nếu loại được đạo luật này, Tổng Tống Obama và đảng Dân Chủ sẽ lãnh thẹo.


MỞ ĐẦU TRẬN ĐÁNH

Mở đầu cho trận đánh là yêu cầu TCPV Hoa Kỳ tuyên bố điều khoản bắt buộc mỗi công dân Mỹ đều phải mua bảo hiểm y tế kể ở trong đạo luật cải tổ y tế là vi hiến, xâm phạm quyền riêng tư của mỗi người.
Trận chiến này chắc chắn là rất phức tạp, những người không nắm vững các nguyên tắc căn bản về luật pháp rất khó theo dõi được, nhưng đạo luật này quy định những quyền lợi thiết thân của nhiều người, không thể không biết được. Vì thế chúng tôi sẽ cố gắng trình bày những nét tổng quát để đọc giả có khái niệm về những gì đang xẩy ra.
Nguyên đơn phần lớn do 26 tiểu bang đang do đảng Cộng Hòa lãnh đạo. Họ cho rằng đạo luật này vi hiến khi bắt buộc phần lớn công dân Mỹ phải mua bảo hiểm ý tế nếu không sẽ bị phạt, được gọi tắt là “health care mandate". Sự quy định này vi phạm vào quyền riêng tư của cá nhân.

Phe bênh đã nại “điều khoản thương mại (commerce clause) trong hiến pháp để bênh vực cho sự bắt buộc này. Điều 1 của Hiến Pháp Hoa Kỳ liệt kê một danh sách dài những quyền của Quốc Hội, trong đó đoạn 8, khoản 3 nói về các quyền thương mại của Quốc Hội. Điều khoản này quy định rằng Quốc Hội Hoa Kỳ có quyền “ấn định về thương mại với các quốc gia ngoại quốc, giữa các tiểu bang và với các bộ tộc Da Đỏ”.

Trong lịch sử, điều khoản này cũng đã gây ra nhiều tranh luận về quyền hạn giữa liên bang và tiểu bang về thương mại. Riêng về luật cải tổ y tế của Tổng Thống Obama đã có hai vụ kiện. Trong vụ “Virginia v. Sebelius”, Toà Phúc Thẩm Virgina đã bênh vực điều khoản bắt buộc phải mua bảo hiểm. Nhưng trong vụ “Liberty University v. Geithner,” Toà Phúc Thẩm Alanta lại cho rằng Quốc Hội đã đi quá xa khi đòi người Mỹ phải mua bảo hiểm.


Điều cần được lưu ý là trong cuộc tranh cử năm 2008, chính bà Halary Clinton là người đã đưa ra ý kiến buộc mọi công dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế. Lúc đó, ông Obama là người đã mạnh mẽ phản đối. Ông nói: “Nếu mọi chuyện dễ dàng như vậy thì tôi có thể làm luật bắt ai cũng phải mua nhà, như vậy sẽ giải quyết được nạn vô gia cư luôn. Nhưng không giải quyết được”. Ông cho rằng đó là một ý kiến không thể thực hiện được.

Nhưng năm 2010, khi Đảng Dân Chủ đang làm chủ cả hai viện Quốc Hội, điều khoản nói trên đã được đưa vào luật cải tổ y tế và đã được Tổng Thống Obama ban hành.


ĐIỄN TIẾN TRẬN ĐÁNH

Trong tuần này, TCPV Hoa Kỳ đã cho mở một cuộc tranh luận kéo dài trong 4 ngày để các bên trình bày lý luận của mình về những điều khoản bị tranh cãi trong luật. Cuộc tranh luận nhắm vào các điểm chính sau đây:
1.- Có nên đưa vụ này ra xét xử ngay hay nên hoãn lại?
2.- Cưỡng bách cá nhân phải mua bảo hiểm y tế có là vi hiến không?
3.- Nếu sự cưỡng bách này là vi hiến, thì toàn thể đạo luật cải tổ y tế sẽ không còn có giá trị  hay chỉ một phần của đạo luật bị hủy bỏ mà thôi?


4.- Với luật cải tổ ý tế, các tiểu bang có buộc phải chia trách nhiệm ngân sách về điều hành Medicaid (hay MediCal)hay không? Hay trợ cấp của liên bang sẽ bị cắt?

Nhật báo New York Times đã tóm lược hàng ngày những câu hỏi của toà và các lý luận của cả hai bên. Ghi lại những tranh luận này chỉ thêm rối trí. Dĩ nhiên, khi tranh luận, các bên chỉ nêu lên những lý luận căn bản để thuyết phục dư luận, còn các chi tiết dẫn lý sẽ được trình bày trong các luận trạng viết.
Trong 9 Thẩm Phán TCPV, có 5 vị do các tổng thống Cộng Hòa chỉ định và 4 vị do các tổng thống Dân Chủ. Chúng ta đợi xem họ sẽ quyết định như thế nào.
Có lẽ vào khoảng tháng 6 tới TCPV mới đưa ra phán quyết. Chuyện rắc rối là nếu chỉ điều khoản chính là bắt cuộc mọi người phải mua bảo hiểm bị hủy bỏ, phần còn lại sẽ được áp dụng như thế nào? Đây là vấn đề các Thẩm Phán TCPV phải cân nhắc. Các thẩm phán TCPV Mỹ được ví như là những người mặc áo hai túi, họ móc túi nào lấy ra cũng được.


NHÌN LẠI LUẬT CẢI TỔ Y TẾ

Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã xếp chương trình y tế của Mỹ vào hạng thứ 15 trên 19 quốc gia tiên tiến về khả năng chữa khỏi những bệnh hiểm nghèo. Canada được xếp hạng 7, còn Pháp đứng vào hạng đầu. Như vậy nền y tế của Mỹ còn có nhiều vấn đề phải cải tổ. Nhưng việc cải tổ rất căm go vì các thế lực tư bản đứng đàng sau muốn bảo vệ các quyền lợi của họ.


Hôm 23.3.2010, sau khi ký đạo luật cải tổ y tế, Tổng thống Obama đã tuyên bố: “Ngày hôm nay, sau gần một thế kỷ thử nghiệm, sau một năm tranh cãi, chương trình cải cách bảo hiểm sức khỏe đã trở thành luật tại nước Mỹ”.

Hoa Kỳ có một hệ thống bảo hiểm y tế tư rất khắc nghiệt, do những doanh nghiệp có mục đích vụ lợi (for-profit organization) nắm giữ và khai thác, không quan tâm gì đến sức khỏe của toàn dân, nhất là những người nghèo. Họ chỉ muốn kiếm được càng nhiều lời càng tốt.

Phải đến năm 1935, sau nhiều cuộc đấu tranh căm go, ngày 14.8.1935 chính phủ Hoa Kỳ mới đưa ra được Đạo Luật An Sinh Xã Hội (Social Security Act), thiết lập một hệ thống phúc lợi dành cho những người cao niên. Cũng phải qua nhiều cuộc tranh cải căm go, đến ngày 30.7.1965 chính phủ mới ban hành được Các Tu Chính Án Luật An Sinh Xã Hội (Social Security Act Amendments) thiết lập hai chương trình Medicare và Medicaid về bảo hiểm y tế cho những người trên 65 tuổi và những người nghèo.

Trong cuộc tranh cử năm 1992, ông Clinton đã đặt nặng chương trình cải tổ y tế như là một đề tài chính để tranh cử. Sau khi đắc cử, năm 1993, Tổng Thống Chinton đã đưa ra một kế hoạch cải tổ y tế, đòi hỏi mọi công dân Mỹ và thường trú nhân phải ghi danh vào một kế hoạch y tế. Chi phí khởi sự dành cho kế hoạch này từ năm 1993 là $13,5 tỷ sẽ tăng đến $38,3 tỷ vào năm 2003. Kế hoạch này đã bị nhóm tư bản tài chính Mỹ đánh bại qua chính đảng Dân Chủ vào tháng 9 năm 1994.
Mặc đầu đạo luật cải tổ y tế mà Tổng Thống Obama mới ban hành chưa có gì khả quan lắm nếu so với các chương trình y tế hiện nay tại các quốc gia tiên tiến khác như Pháp, Canada, Đức, Anh, Nhật hay Thụy Sĩ, nhưng nó cũng sẽ giải quyết được nhiều khó khăn về y tế mà nhiều người đang gặp phải.
Thời gian có hiệu lực đầy đủ của đạo luật kéo dài từ 2014 đến 2019, nhưng một số điều khoản của đạo luật sẽ có hiệu lực ngay, đại khái như sau:
1.- Các hãng bảo hiểm không được phép giới hạn số tiền trả cho việc chữa trị của khách hàng. Quy định này rất quan trọng đối với những người bị những bệnh hiểm nghèo như ung thư.
2.- Những người đã bị các hãng bảo hiểm y tế từ chối bán bảo hiểm do tình trạng bệnh hoạn sẵn có, được mua bảo hiểm tạm thời từ nay cho đến năm 2014 khi luật mới được thi hành đầy đủ. Một ngân khoản 5 tỷ USD sẽ được cung ứng cho dịch vụ này.
3.- Các hãng bảo hiểm y tề phải cung cấp bảo hiểm cho các thanh niên không còn lệ thuộc gia đình cho tới năm 26 tuổi. Quy định này sẽ giúp cho các sinh viên mới ra trường và những người còn tìm việc có bảo hiểm y tế.
4.- Mỗi người già được thêm $250 trả tiền mua thuốc bù vào khoảng trống mà Medicare Part D không chi trả. Trong tương lai, khi đã sử dụng số tiền được mua thuốc trong Medicare Part D ($2850), sẽ không còn phải trả 100% tiền túi như hiện nay mà sẽ được giảm dần cho đến năm 2020 chỉ còn phải trả 25%.
Kể từ năm 2014, những biện pháp sau đây sẽ được áp dụng:
1.- Hầu hết mọi người dân Mỹ phải mua bảo hiểm, nếu không sẽ bị phạt. Tiền phạt khởi đầu là 1% thu nhập cá nhân, tối thiểu là $95, sau đó đến năm 2016 sẽ tăng lên tới 2.5% thu nhập hoặc tối thiểu $695. Mức tiền phạt giới hạn cho cả gia đình là $2.085.
2.- Nếu không thể trả tiền mua bảo hiểm vì quá nghèo, thì có thể được hưởng Medicaid, một chương trình bảo hiểm sức khỏe của liên bang cho người nghèo. Chương trình này sẽ được mở rộng đáng kể từ năm 2014. Những gia đình nghèo được miễn giảm thuế, hoặc nếu gồm 4 người có thu nhập dưới $88.000 một năm, sẽ được tài trợ để mua bảo hiểm.
3.- Các tiểu thương, các công ty nhỏ được hưởng điều kiện dễ dãi và nhận trợ giúp trong việc mua bảo hiểm sức khỏe. Cơ sở dưới 50 người không bị phạt nếu không mua bảo hiểm cho nhân viên. Cơ sở dưới 25 người với mức lương dưới $50.000 được giảm thuế 35% chi phí đóng bảo hiểm năm nay và 50% năm 2014. Cơ sở trên 50 người không mua bảo hiểm cho nhân viên có thể bị phạt tới $2.000 cho mỗi nhân viên làm toàn thời gian.
Chương trình cải tổ y tế sẽ tốn khoảng $940 tỷ trong 10 năm. Tuy nhiên, chính phủ quyết định sẽ tăng tiền thuế của công ty lớn và những người có thu nhập cao, đồng thời giảm chi phí trong chương trình Medicare Advantage. Theo ước lượng của Văn phòng Ngân sách Quốc Hội, kế hoạch này sẽ giúp ngân quỹ liên bang tiết kiệm được $138 tỷ.


ĐẢNG CỘNG HOÀ SẼ ĐÁNH BẠI?

VNCH trước 1975 theo chế độ y tế của Pháp, ai muốn vào bệnh viện công xin chửa bệnh cũng được và không phải trả lệ phí nào, chỉ với những loại thuốc bệnh viện không có, bệnh nhân mới phải mua ở ngoài. Ai muốn có chỗ nằm tiện nghi hơn mới phải trả lệ phí.
Ở Pháp hiện nay, nói một cách tổng quát, những người từ 15 tuổi trở lên đều được cấp thẻ y tế. Những người đi làm đều phải đóng bảo hiểm y tế, nhưng với một tỉ lệ không quá cao như ở Mỹ. Tiền thuốc ở Mỹ đắt hơn ở Canada và Pháp nhiều, có món cao gấp 5 lần.
Các nhà tư bản Mỹ tố cáo đi theo chế độ y tế của Pháp hay Canada hiện nay là đi theo “xã hội chủ nghĩa”, nước Mỹ không thể chấp nhận được.
Năm 2008 số người không có bảo hiểm y tế ở Mỹ là khoảng 46 triệu, nay đã tăng lên 50 triệu. Liệu rồi nước Mỹ sẽ giải quyết như thế nào nếu luật cải tổ y tế mới sẽ bị hủy bỏ?



Ngày 27.3.2012

Lữ Giang


-Hậu trường bầu cử ở Mỹ
Lữ Giang
Người Việt đến định cư ồ ạt tại nước Mỹ trước sau cũng chỉ mới 37 năm và đang trong thời kỳ “hội nhập” nên cách nhận định chính trị và hoạt động chính trị vẫn còn nằm ngoài lề.
Một số người còn nhiễm quá sâu nặng “tâm thức chế độ xã hội chủ nghĩa”, nên khi đến Mỹ, họ muốn áp đặt chế độ đó trên đất nước này để “chống cộng”! Họ bắt mọi người phải suy nghĩ và hành động như họ. Ai suy nghĩ và hành động khác đều bị chụp nón cối lên đầu. Nhìn chung, còn rất nhiều người Việt tỵ nạn vẫn coi các vùng họ đang sống tập trung ở Mỹ là VNCH nối dài chứ không phải nước Mỹ. Chính tâm thức này đã ngăn cản không cho người Việt đi vào phương thức vận động chính trị của dòng chính để đấu tranh có hiệu quả hơn.


NHÌN VÀO NƯỚC MỸ
Đã đến lúc người Việt phải suy nghĩ lại: Người Do Thái, người Tàu, người Nhật, người Ấn Độ, người Đại Hàn… cũng chỉ là những sắc tộc thiểu số như người Việt, tại sao họ có thể gây được ảnh hưởng chính trị trên đất nước này? Họ có ra tuyên ngôn, tuyên cáo, kháng thư, thỉnh nguyện thư hay biểu tình rầm rộ và liên tục như người Việt chống cộng đâu?
Chắc chắn phải có con đường khác. Nhân mùa bầu cử đang đến, chúng tôi cố gắng trình bày khái niệm về sinh hoạt chính trị trên đất Mỹ qua cuộc bầu cử tổng thống với hy vọng có thể góp phần vào việc tìm ra một hướng đi mới.
Chúng tôi đã tóm lược về phương thức “Bầu cử quái đản ở Mỹ” mà các chính khách, các nhà báo và các chuyên gia Mỹ không ngừng nghỉ lên tiếng phê phán và đòi hỏi phải sửa đổi. Chúng tôi cũng đã trình bày lối “Bầu cử bằng tiền” ở Mỹ đã gây ra những cuộc tranh luận dữ dội, nhất là giữa Ủy Ban Bầu Cử Liên Bang (Federal Election Commission) và các tổ chức tài phiệt Mỹ. Họ lôi nhau ra tòa và cuối cùng, tháng 7 năm 2010 Tối Cao Pháp Viện Mỹ đã dựa vào Tu Chính Án Số 1 của Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định về quyền tự do ngôn luận, ra phán quyết rằng mọi người và mọi tổ chức đều có quyền thành lập Ủy Ban Hành Động Chính Tri (Political Action Committee - thường được gọi là PAC) để vận động chống đối hay ủng hộ bất cứ ứng cử viên nào, với sự đóng góp và chi tiêu vô giới hạn, miễn là họ không liên hiệp với ứng cử viên hay đảng chính trị nào. Sau phán quyết này, các PACs đều được gọi là Siêu PAC tiền (Super PAC money), có nghĩa là các ủy ban được chi tiêu độc lập không có giới hạn.
Điều đáng buồn cười là một số người Việt chống cộng đã phản đối việc trình bày những sự thật này, những sự thật mà cả nước Mỹ và trên thế giới đều biết, với lý do “không có lợi cho việc chống cộng”!
Chúng tôi đã nói sở dĩ nước Mỹ tiến lên không ngừng là nhờ những phân tích và phê bình thẳng thắn của các chính khách, các nhà báo và các chuyên gia. CSVN không tiến được là vì bưng bít. Khi người chống cộng và người cộng sản suy nghĩ và hành động gióng nhau, họ lấy lý do gì để chống cộng?
Hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục trình bày thêm một số nét trong phương thức bầu cử tổng thống Mỹ để chúng ta có thể thấy rõ hơn phương cách mà các nhà tài phiệt Mỹ và các nhà vận động chính trị, kể cả CSVN, đã dùng để gây ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ.
Trước khi trình bày, chúng tôi cũng xin nhắc lại một số điều căn bản quan trọng:
(1) Các cử tri Mỹ không được quyền bầu trực tiếp các ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống. Họ chỉ có quyền bầu các đai biểu (delegates) để các đại biểu này đến dự Đại Hội Đảng và chọn ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống.
(2) Các cử tri Mỹ cũng không được quyền bầu trực tiếp tổng thống hay phó tổng thống. Họ chỉ được quyền bầu Đại Cử Tri Đoàn để Đại Cử Tri Đoàn này bầu tổng thống hay phó tổng thống. Sự đắc cử hay thất cử chức vụ tổng thống và phó tổng thống không lệ thuộc vào tổng số phiếu của cử tri, mà lệ thuộc vào số phiều của Đại Cử Tri Đoàn.

ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRỞ THÀNH TỔNG THỐNG MỸ
Đoạn 5, Phần 1, Điều II của Hiến pháp Hoa Kỳ đã ấn định những điều kiện căn bản mà một người muốn ứng cử Tổng Thống Hoa Kỳ phải hội đủ, đó là những điều kiện sau đây:
(1) Phải là công dân Mỹ sinh ra tại Hoa Kỳ;
(2) Phải ít nhất là 35 tuổi;
(3) Là thường trú nhân tại Hoa Kỳ ít nhất là 14 năm.
Ngoài ra, Tu Chính Án 22 của Hiến Pháp qui định rằng không người nào được bầu làm tổng thống quá hai lần. Bất cứ người nào hội đủ điều kiện để làm tổng thống hay quyền tổng thống trên hai năm của một nhiệm kỳ mà một người khác được bầu thay thế(như khi tổng thống đương nhiệm bị trất phế) thì người này chỉ có thể được bầu làm tổng thống một lần mà thôi.
Ngoài các trở ngại không được giữ các chức vụ công mà luật lệ đã quy định, Hiến Pháp Hoa Kỳ còn cấm đoán những người sau đây không được ứng cử tổng thống:
(1) Những người đã bị Thượng Viện Hoa Kỳ buộc tội và cấm giữ các chức vụ liên bang.
Đoạn 7, Phần 3, Điều I của Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định rằng sau khi luận tội và truy tố một cá nhân, Thượng viện Hoa Kỳ có thể tước quyền của cá nhân đó và không cho phép họ giữ các chức vụ liên bang trong đó gồm có cả chức vụ tổng thống.
(2) Những người nổi loạn chống lại Hoa Kỳ.
Phần 3 của Tu chính án 14, Hiến Pháp Hoa Kỳ cấm không cho một người đã tuyện thệ trung thành và ủng hộ Hiến pháp Hoa Kỳ nhưng sau đó lại nổi loạn chống lại Hoa Kỳ được trở thành tổng thống. Tuy nhiên, Quốc hội có thể hủy bỏ lệnh cấm này bằng tỉ lệ 2/3 phiếu thuận của cả hai viện Quốc Hội.

VÀI NÉT VỀ ĐẠI HỘI DẢNG SẮP ĐẾN
Năm nay, Đại Hội Toàn Quốc Đảng Cộng Hoà (Republican National Convention) sẽ được tổ chức từ 27 đến 29.8.2012 tại Tampa, Florida, ở Tampa Bay Times Forum. Một ủy ban được gọi là Ủy Ban Chủ Nhà (Host committee) đã được thành lập để gây quỹ cho việc tổ chức. Phí tổn để tổ chức đại hội được ước tính khoảng 55 triệu, gồm cả chi phí về an ninh. Ban tổ chức cũng dự trù sẽ có khoảng 10.000 người đến biểu tình.
Ủy Ban Toàn Quốc Đảng Cộng Hoà (The Republican National Committee) có nhiệm vụ tổ chức đại hội bầu ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống, và soạn thảo Cương Lĩnh Đảng. Số đại biểu (delegates) tham dự đại hội được Đảng Cộng Hoà ấn định là 2.286. Ai được quá bán số phiếu của các đại biểu, tức ít nhất 1.144 phiếu sẽ thắng.
Đại Hội Đảng Dân Chủ (Democratic National Convention) sẽ được tổ chức từ 3 đến 6.9.2012 tại thành phố City Charlotte, North Carolina, với 2.778 đại biểu chính thức, nhưng người ta ước tính sẽ có khoảng 5.000 người đến tham dự, với chi phí khoảng 50 triệu.
Với Đảng Dân Chủ, ông Obama chắc chắn sẽ được bầu chọn làm ứng cử viên tổng thống của Đảng. Nhưng với Đảng Cộng Hoà, sự lựa chọn sẽ rất gay cấn. Theo bản tin của AP, cho đến này ông Mitt Romney mới chỉ được 495 phiếu đại biểu, ông Rich Santorum 243 phiếu, ông Newt Gringrich 131 phiếu và ông Rom Paul 48 phiếu. Như vậy khó ứng cử viên nào sẽ đại tới số phiếu quá bán là 1444. Năm 1976, tại Đại Hội Đảng Cộng Hoà cả hai ứng cử viên Gerald Ford và Ronald Reagan đều không có đủ số phiếu quá bán. Đại Hội Đảng phải dời đến một ngày khác để những người lãnh đạo Đảng vận động và sắp xếp.
Đảng Cộng Hòa cũng có thể cân nhắc “kịch bản tổ chức đại hội đảng mở” (open convention), theo đó một chính khách hoàn toàn mới có thể được mời hay cho phép tham gia tranh cử.
Trong lịch sử, các nhà lãnh đạo Đảng Dân Chủ đã từng bàn luận bí mật để đưa một người ít ai biết đến (dark horse) ra làm tổng thống, đó là trường hợp ông James Knox Polk được bầu làm Tổng Thống thừ 11 của Hoa Kỳ (1845–1849).
Thông thường, khi thấy không có ai sẽ đạt tới số phiếu quá bán, các nhà lãnh đạo đảng vận động thúc đẩy các đại biểu cam kết và không cam kết (super delegates) dồn phiếu cho một ứng cử viên nào đó để người này có thể đạt được số phiếu ấn định, hoặc yêu cầu các ứng cử viên ít hy vọng nhường phiếu lại cho ứng cử cử viên mà họ muốn. Trường hợp của bà Hallary Clinton và ông Obama trong cuộc bầu củ năm 2008 là một thí dụ điển hình. Tổng số phiều cần có lúc đó để được đề cử làm Tổng Thống là 2118 phiều đại biểu, nhưng chưa ai đạt tới số phiếu đó. Qua sự sắp xếp của các nhà lãnh đạo Đảng Dân Chủ, số phiếu của Bà Hallary được điều chỉnh là 1896, nhờ vậy ông Obama có 2.201 phiếu, vượt quá số phiếu phải có là 2118, để được đề cử.
Ngày 3.6.2008, ông Obama tuyên bố đã đạt được số phiếu để được đề cử làm ứng cử viên tổng thống. Ngày 7.6.2008, bà Hallary Clinton tuyên bố ủng hộ ông Obanma.

MỘT CÁI NHÌN SƠ KHỞI
Một cuộc thăm dò mới của báo Washington Post và hãng tin ABC cho thấy trong một cuộc bầu giả định, ông Mitt Romney đã dẫn trước Tổng thống Barack Obama với tỷ lệ 49/47. Cuộc thăm dò này cũng cho thấy ông Obama dẫn trước ông Santorum với tỷ lệ 49/46%.
Đây là một cuộc thăm dò theo kiểu thả bong bóng, có thể do chính ông Rumney hay các nhóm tư bản đứng đàng sau đạo diễn.
Về tài chánh, số tiền ông Rumney quyên được đã lên đến 63.650.764 USD, ông Santorum 6.689.440, ông Gringrich 18.320.430 và ông Paul 31.083.281.
Cũng đã có một số Siêu Pacs đứng ra gây qũy để ủng hộ ứng cử viên này, chống ứng cử viên kia, nhưng số tiền đóng góp chưa lớn lắm. Phải đợi sau cuộc bầu cử sơ bộ, các nhà đại tư bản mới ra tay. Còn các nhà vận động hậu trường của các nước như Đài Loan, Nam Hàn, Ấn Độ… thường áp dụng phương châm “phù thịnh bất phù suy”, cứ thấy ai chắc thắng là dồn tiền cho người đó. Khi hai người ngang ngữa, bỏ tiền cho cả hai.
Người Việt chống cộng chỉ vận động chính trị bằng thỉnh nguyện thư, nên đứng ngoài cuộc.

Ngày 13.3.2012
Lữ Giang


Mafiovi: America và Europe có thể yếu đi, nhưng còn lại đây lòng khát khao Tự do, ý chí không khoan với tham nhũng, chuyên quyền và Gia đình trị,
Vì thế: những kẻ đang chễm chệ trên ghế vàng nên thức tỉnh, trước khi các người trở thành nạn nhân của sự mù quáng của chính các người.
Il y a sans doute moins d’Amérique et d’Europe, mais il y a plus d’idée de liberté, plus d’impatience face à la corruption, au despotisme et au népotisme. De Moscou à Pékin, en passant aujourd’hui par Dakar, les gouvernants en place doivent prendre conscience de cette évolution en profondeur, sous peine d’être victimes de leur aveuglement.

Có hay không Putin, nước Nga sau Putin đã bắt đầu.- Et si l'après-Poutine avait commencé... -lesechos.fr
-Những Lời Đốp Chát 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét