Ba phép thử cho xung đột Biển Đông
Nói như nhiều nhà quan sát, đằng sau vụ tàu Bình Minh và mới đây là tàu Viking bị cắt cáp là mũi tên của Bắc Kinh nhắm vào nhiều đích.
>> Sức hậu thuẫn của toàn dân tộc
Một, xác quyết chủ quyền với đường lưỡi bò. Hai, xem
thái độ của các nước cùng tranh chấp xung quanh. Và ba, răn đe các nước
khác có tranh chấp như Nhật qua đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu
Ngư). Nhưng không chỉ từ phía Trung Quốc, đối với các nước cùng chia sẻ
lợi ích tại Biển Đông, sự kiện này cũng đặt lên bàn cờ những phép thử
khác. Với Mỹ là định lại bức tranh chiến lược còn nhiều góc khuất. Với
ASEAN là đi tìm một đồng thuận chung. Còn với Việt Nam là cuộc sát hạch
về chiến lược, lựa chọn hiện tại để hình dung tương lai.
Siêu cường giữa những ngả rẽ
Là một cường quốc Thái Bình Dương, và tiếp tục muốn đảm
bảo vị trí này, trước những động thái leo thang gần đây của Trung Quốc
tại Biển Đông trực tiếp ảnh hưởng đến quyền tự do lưu thông hàng hải,
nước Mỹ đứng trước những lựa chọn: (1) ủng hộ thiết lập cơ chế an ninh
vùng để ngăn chặn hành động dùng vũ lực; (2) tiếp tục đảm bảo sự hiện
diện quân sự và tham gia gây ảnh hưởng đến các sự kiện xảy ra trong vùng
(inshore balancer) và (3) giữ vai trò người cân bằng lực lượng bên
ngoài (offshore balancer) bằng cách hỗ trợ những nước khác yếu hơn trong
khu vực làm đối trọng với sự gia tăng quyền lực của đối thủ tiềm năng.
Thực tế cho thấy chính sách Washington qua nhiều đời tổng thống là một
chiến lược hỗn hợp. Điểm khác biệt nằm ở liều lượng chính sách và mức độ
ưu tiên trong những cung thời điểm.
Kể từ khi George W. Bush nắm quyền, Mỹ ưu tiên cho các
giải pháp đơn phương nhiều hơn trong việc giải quyết các vấn đề chung
toàn cầu. Song song với đó là tăng cường khả năng quân sự với mục tiêu
chống khủng bố. Tuy nhấn mạnh ưu tiên chuyển đổi phong cách lãnh đạo đa
phương hơn là đơn phương, hợp tác, thương lượng hơn là gây sức ép, chính
phủ của tổng thống Obama cho đến nay vẫn cảm thấy khó khăn khi chấp
nhận tham gia vào một cơ chế giải quyết đa phương trong bài toán Biển
Đông. Một mặt, quá trình này sẽ ràng buộc khung hành động chính sách,
một mặt sẽ không có ý nghĩa nếu không thuyết phục được Trung Quốc từ bỏ
quan điểm song phương hiện nay cùng tham gia.
Tàu Viking II do PetroVietnam thuê bị tàu Trung Quốc tấn công |
Nếu một cơ chế đa phương mang tính pháp lý chưa được
hình thành, việc giảm bớt hiện diện quân sự như chủ thuyết "cân bằng lực
lượng bên ngoài" đề xướng sẽ dẫn đến tình trạng nguy hiểm. Khoảng trống
quyền lực không những nằm ở chỗ hiện nay ở Đông Á vẫn chưa có cường
quốc khu vực nào đủ sức về mặt quân sự đối trọng với Bắc Kinh - dẫu cho
đó là tiếng nói từ Tokyo, Seoul hay tất cả các nước ASEAN, mà còn nằm ở
việc phân tầng lợi ích từ mối quan hệ với Trung Quốc khiến cho một liên
minh thống nhất cùng thời điểm khó khả thi. Điểm mạnh của việc cân bằng
bên ngoài đảm bảo thu hẹp ngân sách về quốc phòng, thúc đẩy phát triển
thế hệ vũ khí hiện đại, tạo sức mạnh từ xa, nhưng cũng đồng nghĩa với
việc giảm bớt mức độ tham gia cũng như ảnh hưởng trực tiếp của nước Mỹ
vào các hồ sơ nóng, điều mà về lợi ích của Mỹ thỏa mãn trong ngắn hạn,
cân nhắc trong dài hạn.
Trong tư thế bá cường, sức mạnh sẽ trở thành bạo lực nếu
không tồn tại sự chính đáng. Bài toán làm giới lãnh đạo Mỹ đau đầu
nhiều năm nay là sự hiện diện "như vị khách không mời". Nay sự trỗi dậy
hung hăng của Trung Quốc đã giúp đáp số rõ ràng hơn. Lựa chọn giữ vai
trò "người cân bằng tại chỗ" dường như đang cùng chiều với lợi ích với
nhiều nước trong vùng. Kết quả Đối thoại Shangri- La năm ngoái và năm
nay đều cho thấy mức độ chấp nhận sự hiện diện của chính phủ Washington
như một người cầm nhịp.
ASEAN và chính sách ba "không"
Một sự đồng thuận của ASEAN trong thời điểm này cần phải
vượt qua những lực cản nào? Có ít nhất ba "không" làm tâm điểm. Thứ
nhất, đồng thuận ASEAN không phải là liên minh chống Trung Quốc. Do mức
độ phân tảng về gắn kết địa lý, văn hóa, chủng tộc và đặc biệt là thương
mại kinh tế, một con đường chung mang tên ASEAN liên quan đến Trung
Quốc không dễ thực hiện.
Chưa kể những quốc gia không liên quan lợi ích trực tiếp
đến khu vực Biển Đông (hiện nay Myanmar đã công khai theo lập trường
của Bắc Kinh), giữa những quốc gia cùng hội cùng thuyền, việc bẻ bánh
lái theo hướng nào vẫn là câu chuyện hạ hồi phân giải. Không lâu để có
thể quên câu chuyện chính phủ Philippines chọn cho mình lối đi riêng năm
2004, ký một thỏa thuận với Trung Quốc về khảo sát địa chấn chung ở khu
vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Góc nhìn đó, liên minh ASEAN về
hồ sơ Biển Đông cần hình thành trên cơ sở đảm bảo lợi ích tối thiểu cho
tất cả các thành viên thông qua tiêu chí loại trừ việc sử dụng vũ lực
để giải quyết vấn đề tranh chấp trên toàn bộ Biển Đông.
Tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, phá hoại cáp của tàu địa chấn Bình Minh 02 của Việt Nam |
Thứ hai, đồng thuận ASEAN không nên quy định những vấn
đề tranh chấp trực tiếp giữa các nước thành viên. Tiếp cận riêng rẽ về
góc nhìn, dẫn đến riêng lẻ về phương thức hành động, nhất là khi trên
con thuyền cùng ra khơi vẫn không phải chỉ là những thuyền viên đồng
nhất hoàn toàn về lợi ích. Đừng quên rằng, giữa các nước ASEAN với nhau
vẫn tồn tại mâu thuẫn trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền.
Trong khi những thí dụ gần đây cho thấy, một hợp tác
giữa các nước ASEAN thành lập một tiếng nói chung là hoàn toàn có thể
qua thỏa thuận trong hồ sơ đăng ký thềm lục địa vào tháng 5/2009 giữa
Việt Nam và Malaysia, thì quyết định của Philippines phản đối cả hồ sơ
của Việt Nam lẫn hồ sơ chung Việt Nam - Malaysia lên Ủy ban Ranh giới
thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS) lại chỉ ra màu xám còn lại của bức
tranh. Một vấn đề trở nên cốt lõi của ASEAN và cơ chế hoạt động của tổ
chức này là sự lệch pha giữa chủ quyền quốc gia và tính "ASEAN hóa"
trong quá trình hình thành các quyết định dẫn đến một lệch pha khác
trong việc thống nhất lập trường chung trên các hồ sơ quan trọng.
Thứ ba, nếu "không" có bước đi cụ thể hóa, "con đường
ASEAN" mãi chỉ là lời nói nằm trên giấy. Sau những động thái gần đây
đánh động dư luận về việc leo thang từ phía Trung Quốc, một cái nhìn
trung hạn cần tính tới. Ba đích ngắm nhắm tới hội nghị cấp cao Đông Á
(East Asian Community - EAC) sắp tới do Indonesia chủ trì vào tháng 9.
Một, là ủng hộ đề nghị đưa các vấn đề an ninh địa chính trị vào khung
làm việc. Dẫu gọi tên là cộng đồng kinh tế hay cộng đồng chung, thì một
môi trường không xung đột đóng vai trò tiên yếu.
Hai, cần đẩy nhanh tiến độ mở rộng thêm tổ chức, cụ thể
là bỏ phiếu đồng thuận Hoa Kỳ và Nga từ tư cách quan sát viên trở thành
thành viên chính thức. Sự gắn kết thành viên mới không chỉ mang ý nghĩa
của chính trị thực ở quan điểm cân bằng lực lượng, mà còn tạo cơ hội để
xác tính lại chuẩn tắc, mục đích và viễn kiến của tổ chức đang hướng
tới. Một cộng đồng hướng tới hòa bình và thịnh vượng chung cho toàn châu
lục tham vọng trình làng với thế giới vào 2015 phải thể hiện ý muốn và
có khả năng thiết lập được cơ chế dung hòa và giải quyết mâu thuẫn giữa
các nước thành viên. Và đó cũng là mục tiêu thứ ba khi chuyển hóa chuẩn
tắc thành khung pháp lý mang tính ràng buộc với việc khởi động vòng đàm
phán để tiến tới Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) trong
thời gian ngắn nhất.
Lựa chọn nào cho Việt Nam?
Giữa ba phép thử trên, Việt Nam trong một tư thế đặc
biệt, vừa ảnh hưởng lợi ích trực tiếp, vừa có thể đóng vai trò thúc đẩy
hay hạn chế ở mức độ tương đối những chuyển động trên bàn cờ. Trực tiếp
qua thái độ phản đối dứt khoát với mọi phép thử của Trung Quốc, gián
tiếp qua việc xây dựng các biện pháp cân bằng và đối trọng an ninh thông
qua Hoa Kỳ và cộng đồng chung ASEAN. Sự hiện diện của Mỹ về mặt quân sự
đối với các nước trong khu vực giữ cho sợi dây cân bằng, nhưng kinh
nghiệm "chơi" với Mỹ cũng cho thấy, một hợp tác dựa vào tiêu chí lợi ích
sẽ mang tính ngắn hạn và có khả năng bị thay đổi rất nhanh vì chuyển
biến lợi ích từ chính trị đối nội bên trong.
Kíp lái tàu HQ 641 thuộc Hải đội 413 (vùng D Hải quân) trong chuyến ra các hải đảo. Ảnh TTXVN |
Một hợp tác mà nền tảng bền vững vừa dựa trên lợi ích
nhưng cũng vừa phải vượt trên các yếu tố lợi ích. Cho đến nay, một "định
chế cứng" ở dạng liên minh quân sự, theo đó, các nước ràng buộc với
nhau bằng một cam kết bảo vệ an ninh lẫn nhau (và có thể chống lại một
đe dọa đến từ phe thứ ba) vẫn chưa phải là lựa chọn của Việt Nam.
Một "định chế mềm", tuy vậy, vẫn có thể khả thi qua hình
thức đối thoại chiến lược về an ninh - quốc phòng hay các mô thức hợp
tác hải quân giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thời gian gần đây. Câu hỏi đặt ra
sẽ nằm ở việc thúc đẩy mô hình liên minh này tới đâu thông qua xúc tiến
các định chế hóa. Song phương trong mối quan hệ đối tác chiến lược, đa
phương trong việc thiết lập khung cơ chế an ninh tập thể, sao cho lợi
ích của hai bên thuận chiều. Định chế hóa một lập trường chung về hồ sơ
Biển Đông giữa các nước ASEAN cũng là bước đi ngoại giao quan trọng mà
Việt Nam cần ủng hộ.
Hiện nay, đoàn kết nội khối đang cần một lực đẩy mà động
thái càng ngày càng leo thang gần đây từ Trung Quốc có thể là chất xúc
tác. Ra khơi trên cùng một chiếc thuyền, xây dựng lòng tin giữa những
thuyền viên với nhau phải nghĩ về đại cuộc trong một khung cảnh rộng lớn
hơn. Nhiều đề nghị đã nhấn mạnh một COC trước hết giữa các nước ASEAN
với nhau làm nền tảng mở đường. Một mặt thể hiện quyết tâm chính trị về
một cộng đồng ASEAN thống nhất, một mặt là bước đầu tiên đánh giá mô
hình giải quyết xung đột vùng với ASEAN như một lực đẩy trung tâm trong
cấu trúc an ninh khu vực. Vừa là người bị đặt trước phép thử, cũng là
người phải giải quyết nó, Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường. Một
chiến lược tổng thể cho Biển Đông hơn bao giờ hết cần lập tức đặt lên
bàn nghị sự...
-
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét