Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Rút ruột rừng xanh

Rút ruột rừng xanh

Mỗi năm, nhìn bảng thống kê diện tích rừng bị mất có làm cho chúng ta loé lên ý nghĩ tiệm cận với việc trồng lại rừng gian nan là bảo vệ các sinh mệnh của rừng một cách tự giác?
Khi người đàn ông, người đàn bà mang cơm nắm muối vừng đi về phía núi rừng thì đó là một chuyến hành trình tìm kiếm. Trước hết là tìm kiếm cái ăn giữa một vùng hoang vu gió nắng rồi mưa quây. Họ đang nương tựa vào rừng hay đang rút ruột rừng trong trạng thái vô thức? Và ai đó tàn sát một sinh mệnh của rừng là một tội ác?
Những người đi vào rừng bẻ từng búp măng non, luộc chín trên bếp rồi quẩy ra chợ bán. Tre nứa trong rừng đã hào phóng cho họ một sinh kế tự nhiên. Những búp măng non mới nhú ra khỏi đất vài centimet đã đứt lìa sự sống bởi từng lát cứa từ bàn tay người đi rừng. Bao nhiêu mùa hồ hởi lên rừng bẻ măng thì bấy nhiêu bãi tre tiều tuỵ rồi biến mất. Rừng trống đi một  khoảng. Bé mọn đồng tiền bán măng tích hợp cho một hành vi tiếp theo: họ gói thêm cơm vào chiếc mo cau hoặc lá chuối để lặn lội vào sâu hơn trong rừng.
Bắt đầu những nhát dao sắc lẹm chặt cây để làm củi. Thứ chất đốt bình sinh nơi góc bếp của mỗi nhà lại bắt đầu từ mồi lửa ở rừng. Người nông dân cần cù đến mức là: khoanh một đám cây đang cắm rễ vào đất lá vươn lên trời lại, rồi đốt cháy rụi. Cây thôi quang hợp, đã thành củi khô. Chiều  chiều, những chuyến xe bò chở củi của rừng ra phía thôn làng. Có người bán củi để đong gạo mùa giáp hạt. Có kẻ nhấp nhổm gom tinh thần đóng học phí cho con qua mấy chục bó cây chết khô mất gốc. Con cái họ đi học vẫn tiếp xúc với cụm từ "tài nguyên rừng" như chưa hề có sự chứng kiến những nhát dao phang vào rừng từ nỗi cần lao của cha mẹ.
Ở rừng đã có lối mòn. Dấu chân người đi thường đạp lên cây lá thấp bé. Người đi rừng sau nối gót lối mòn từ kẻ tiền bối. Đến lượt, họ đi tìm những cây gỗ. Gỗ càng quý thì giá trị sinh lợi càng cao.
Mỗi lần trèo dốc lội suối băng qua các bìa rừng, vào sâu trong thâm sơn mà gặp được cây gỗ quý là như bắt được vàng thời vọt giá. Hì hục chặt chém, cưa kéo để đốn ngã. Bóng đêm thường che chở cho gỗ lậu chui lọt qua các ngả đường có lực lượng kiểm lâm tèng mèng cấp xã. Rừng vắng đi cổ thụ, đất trơ ra bao những phần tử không sự sống. Sự ngột ngạt tiếp diễn dưới tầng sinh quyển của rừng bị phá vỡ.
Những ai đang gói cơm vào rừng để bẫy muông thú? Lợn, nai, chim chóc, khỉ...trúng bẫu là lên bàn nhậu. Xẻ thịt thú rừng đã không phải là chuyện khó tìm ở các địa hạt cận biên rừng.
Chưa hết, đã có  những  dũng mãnh rừng xanh chết dưới những bàn tay thiện nghệ sát thương. Một sinh mệnh to khoẻ như voi mà cũng bị băm nát từng mảnh để phục vụ cho hàng loạt cách tiêu dùng hoang dã của chủ ý con người. Chiếc nhẫn lông voi có khi đã trở thành món quà hài hước của anh chồng đi lên miền rừng đem về phố tặng cho cô vợ. Chúng ta có thấy nguồn gốc của sự hài hước này?
Hàng loạt thú quý dần già giảm đi về số lượng, sắp rơi vào tuyệt diệt. Phục vụ một sở thích thời thượng, một thú chơi nhà giàu của ai đó đã thúc bách kẻ hám tiền ăn quỵt rừng xanh. Mà quỵt của rừng hôm nay một đồng thì ngày mai chúng ta phải trả gấp hàng trăm, hàng  nghìn lần thế. Lũ lụt, sự biến mất của các cấu trúc thiên nhiên tạo, biến đổi khí hậu lần lượt là giá cả của sự trả giá đó.
Mỗi  năm, nhìn bảng thống kê diện tích rừng bị mất có làm cho chúng ta loé lên cái ý nghĩ tiệm cận với việc trồng lại rừng gian nan là bảo vệ các sinh mệnh của rừng một cách tự giác?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét