Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Những câu chuyện này sẽ giành cho thế hệ mai sau

- Đại Vệ Chí Dị  (Người buôn gió). Những câu chuyện này sẽ giành cho thế hệ mai sau. Nhưng không như bức thư  bí ẩn được giấu dưới đập thủy điện Hòa Bình, hay “bức thư của công dân Hà Nội” gửi cho con cháu 100 năm sau, chôn đâu đó trong Bảo tàng Hà Nội. Nó là cuốn sử được mã hóa, con cháu mai sau chỉ việc thay tên người, các địa danh, v.v.. và biết về một thời rất … lạ của cha ông.


Đại Vệ Chí DịMay 18, '11 10:56 PM
for everyone
Thưở ấy nước Vệ xanh tươi lắm, cây cối màu mỡ, đất đai bằng phẳng, phì nhiêu ,cánh cò bay lả lướt rập rờn. Non sông gấm vóc, trữ tình.Con người Vệ hiền hòa, chan chứa tình cảm. Họ sống cuộc đời tình làng, nghĩa xóm, trong vua, kính thầy, yêu cha mẹ....

Sau khi khởi nghĩa dành được xã tắc, thấm thoắt nhà Sản lên ngôi đã vài chục năm. Đất nước tạm yên bình, binh khí xếp vào kho đến nỗi hoen rỉ, quân lính chây ỳ không lo tập luyện. Các quan lại bấy giờ sinh ra ham ăn chơi xa xỉ đến nỗi thành một thú nghiện của nhiều người.

Phàm muốn xa xỉ thì phải có tiền, mà phàm làm quan muốn có tiền nhiều thì tất phải làm điều không đúng đạo làm quan. Mà quan nước Vệ từ kẻ lương cửu phẩm đến nhất phẩm ai cũng có gia sản gấp hàng trăm nghìn lần lương bổng của triều đình. Từ đó cũng suy ra cái đạo làm quan nước Vệ đang ở hồi nào.

Bấy giờ của cải trong ngân khố đã trống rỗng, tài nguyên cạn kiệt. Nước Vệ kêu gọi bọn tư thương ngoại bang đổ tiền vào đầu tư đất đai, nhân đó hòng hớt được những khoản hối lộ khổng lồ để cho bọn tư thương nước ngoài được những miếng béo bở. Nhưng đầu tư ở đây được nước Vệ gọi là đầu tư có chọn lọc, hay nói cách khác là chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải ở nước có thân thiết với nước Vệ như nước Tề, phải biết cách hối lộ cho các quan Vệ. Những thứ này chỉ có tư thương nước Tề là hội tụ đầy đủ.

Ngày nọ tư thương nước Tề sang Vệ, quan Vệ dẫn đi chọn đất, đi từ vùng núi đến miền biển. Chả khác nào ngày xưa Cao Biền đi thám thính. Trên đường đi, tư thương nước Tề thấy dân Vệ nhìn mình thiếu thiện cảm, mới tỏ ý rụt rè, cân nhắc chuyện đầu tư, ý có vẻ muốn thoái thác rút lại ý đổ tiền đâu tư. Tể tướng nước Vệ biết chuyện, mới gọi họ vào phủ hỏi.

- Các ngài có e ngại gì nước Vệ chúng tôi không thật lòng chăng ?

Tư thương nước Tề nghĩ hồi lâu, ra vẻ đắn đo rồi nói.

- Xin kể câu chuyện này, ngày xưa có tên thương gia Mai Cồ hiệu là Phụ Lão ở xứ Cờ Hoa, ngày nọ theo lời kêu gọi của quan nước Cự Bá mang 2 nghìn lượng vàng sang đó đầu tư. Trên đường đi thăm thú làm ăn, Mai Cồ nhìn thấy toán cảnh binh bắt được người dân, người dân đó phanh bụng giật bộc phá tự sát, khiến cả đám cảnh binh chết theo. Mai Cồ suy ra triều đình  Bá Thịnh Xa của Cự Bá khó mà trụ được lâu. Mai Cồ tức tốc bỏ ý định đầu tư trở lại xứ Cờ Hoa. Y như rằng sau này không lâu Bá Thịnh Xa bị lật đổ.

Tư thương Tề ngừng lại lát mới tiếp lời.

- Chúng tôi không nghĩ các ngài không thật lòng, nhưng vừa rồi tôi có dạo vòng nước Vệ, thấy cái nhìn của dân Vệ mà bụng phân vân, xin ngài hiểu rõ lòng chúng tôi.

Bạo nghe xong , lặng thinh một hồi. Rồi đanh mặt, nghiến răng nói

- Các ngài cứ để ít bữa chúng tôi tính toán.

Tư thương Tề lui ra, Bạo đập bàn quát gọi bộ Hình lên hỏi

- Có nghe câu chuyện Tề thương gia vừa kể không ?

Đại thần bộ Hình tâu.

- Thần đã nghe.

Bạo.

- Nước Vệ thế nào mà để các nhà đầu tư phải ngại ngùng, phải làm sao để nước Vệ thành nơi hấp dẫn các nhà đầu tư. Nay không có tiền của họ đổ vào, thì lấy gì cho các ngươi ăn chơi xa xỉ đây. Không được để cho đứa nào cản trở những nhà đầu tư, kể cả cái nhìn nghe không.

Đại thần bộ Hinh vâng lời lui ra.

Tháng sau ở châu Ái, công sai nhà Vệ dùng cung nỏ bắn chết người dân, cả phụ nữ lẫn trẻ em vì dám ngăn cản việc đầu tư của tư thương ngoại bang.

Ở phương Nam nước Vệ, có mấy thanh niên trẻ tuổi vì bênh người lao động khiếu nại bọn đầu tư bạc đãi người lao đông, bị bộ Hình bỏ tù đến cả gần chục năm.

Mùa đông năm Canh Dần,nhân sĩ Hải Hoàng vốn ghét Tề, vừa hết hạn ngục vì tội liên quan đến thuế má, chưa ra khỏi nhà lao đã bị vào nhà lao khác vì tội nói năng không đúng phép với nước Tề.

Mùa xuân năm Tân Mão, Cù tiên sinh cũng ghét Tề mà bị kết án khổ sai.

Trước đó Phạm cô nương ở mạn duyên hải nước Vệ, bất bình với quân Tề nhũng nhiễu, giết hại ngư dân Vệ ngoài khơi, Phạm cô nương không quản mình hạc, vóc mai lặn lội  đi tìm hiểu sự thật, bố cáo cho thiên hạ biết rõ. Nhà Sản chẳng ngại ngần tống Phạm cô nương vào ngục tối, hết đời xuân xanh.

Bạo mới cho người mang hồ sơ những vụ đó đưa cho tư thương nước Tề xem.

Tư thương nước Tề xem xong, đàn đàn lũ lũ kéo sang Vệ mua đất đai, dựng cơ nghiệp, cho cả vợ con, trai tráng thất nghiệp sang sinh sống làm ăn, tạo thành những làng ấp Tề tại nước Vệ. Lúc có hội hè, vào kinh thành yến tiệc với triều nhà Sản. Bạo rượu lâng lâng mới nhắc lại chuyện xưa.

- Giờ các ngài đã yên tâm rồi chứ.  Phải không bộ Hình.?

Bạo đột ngột quát gọi.

Đại thần bộ Hình lật đật chay đến tâu.

- Năm nọ giữa kinh kỳ, hai Tề thương gia nắm chân một Vệ dân giộng đầu xuống đất đến chết. Dân Vệ đi lại nhìn thấy mà không ai dám nói nửa lời, cúi mặt mà đi. Giờ các Tề thương gia được tôn kính như Sài Thung thở  nào rồi. Cứ yên tâm mà làm ăn thôi.

Tư thương Tề nói.

- Dân Vệ đã thôi không ghét người Tề chúng tôi đã là điều tốt, nhưng nếu bộ Hình làm quá, e họ oán bộ Hình như người Cự Bá chăng ?

Bạo nhìn quan đại thần bộ Hình bảo

- Xin các ngài cho thư thả vài bữa chúng tôi có câu trả lời.

Năm ấy ở xứ Kinh Bắc công sai đánh chết người ở phủ, rồi ở kinh kỳ công sai cũng lôi người về phủ đánh chết, ở phương Nam có kẻ chết trong phủ công sai vì tự vẫn, rất nhiều kẻ đột tử, tự vẫn trong nhà lao, trong phủ công sai nước Vệ.Dân tình nhìn thấy áo nhà quan là khiếp đảm, vỡ mật, ai nấy cúi đầu mà đi, không dám nhìn thẳng mặt quan.

Tư thương Tề xem hồ sơ cười sằng sặc với nhau.

- Có câu chuyện Mai Cồ mà bao đứa cứng đầu nước Vệ phải đi tù, bao đứa dân lành phải chết để làm minh họa. Công sai nước Vệ quả tài gấp mấy bọn công sai nước Cự Bá.

Tư thương khác nói.

- Bá Thịnh Xa xứ Cự Bá nếu sống lại còn phải học Bạo tể tướng nhà Vệ nhiều về thuật cai trị, đúng là trùng dương sóng vỗ miên man, lớp sóng sau đè lên lớp sóng trước. Ấy cũng là lẽ đời, kẻ nào rút được kinh nghiệm thì kẻ ấy tồn tại được.

Kẻ khác nói.

- Thế này chả mấy nước Vệ không còn dân nữa, anh em ta nhỉ?

Cả đám ngửa cổ nâng cốc cười ha hả.

Nước Vệ giờ tan hoang, bụi mù mịt từ thôn quê đến kẻ chợ. Đâu đâu cũng thấy có mặt người Tề, họ xây dựng cái gì , dân cư chung quanh cũng không rõ.

Triều đình công bố những năm gần đây kinh tế đất nước phát triển tốt. Xe tứ mã nhập ngoại chạy đầy đường, nhà nhà cao ốc mọc lên như nấm.

Nước Vệ lại sắp hưng rồi !
Prev: 18% của cái gì ?

Bí ẩn về “Bức thư thế kỷ gửi thế hệ mai sau” tại Công trình Thủy điện Hòa Bình

Posted: 13/03/2011 by Dzung Nguyen in Xã hội
Thẻ:,
5
74535_172742496069206_100000003708813_584887_7912823_n
Tại sân Nhà truyền thống Thủy điện Hòa Bình có một khối bê tông hình thang, trên đó có tấm biển thép khắc chìm dòng chữ: “Nơi lưu giữ bức thư của những người xây dựng Thủy điện Hòa Bình gửi thế hệ mai sau”
“Bức thư gửi thế hệ mai sau” tại Công trình Thủy điện Hòa bình – Công trình thế kỷ của Việt nam trong thế kỷ XX. Bức thư này sẽ được mở vào năm 2.100 trong giờ phút đất nước bước vào thế kỷ XXII.
Thư được mở vào ngày 1-1-2100. Cho đến hôm nay, xung quanh chuyện lá thư này có rất nhiều huyền thoại.
Tại sao lại có lá thư này? Ai viết? Những ai tham gia chuyển lá thư vào khối bêtông? Tại sao đến năm 2100 mới được mở? Và lá thư đó viết điều gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc biết một phần bí mật đó.


Thứ hai, ngày 31-1-1983, trên trang nhất báo Nhân Dân trang trọng đưa tin “Hoạt động của đoàn đại biểu Thanh niên Cộng sản Liên Xô”, trong đó có đoạn: “Tại công trường thanh niên Cộng sản, đông đảo cán bộ, công nhân Việt Nam và chuyên gia Liên Xô đã tổ chức mít tinh nồng nhiệt chào đón các đại biểu đến thăm công trường. Trong thông khí dạt dào tình hữu nghị anh em, đồng chí Vũ Mão và đồng chí V.M.Misin long trọng chuyển bức thư “Gửi thế hệ trẻ Việt Nam mai sau vào kho lưu trữ…”.
Sự kiện này diễn ra sau lễ ngăn sông Đà đợt I và khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình 18 ngày.
Tất cả thông tin về “lá thư gửi mai sau” chỉ có vậy, và cái “kho lưu trữ” đó thực chất chỉ là một khối bê tông hình thang có cạnh đáy 2 mét, chiều cao 1,8 mét, cạnh trên 0,8 mét, nặng gần 10 tấn.
Hồi ấy, chúng tôi ở trên công trường thủy điện Hòa Bình và cũng được nghe lõm bõm về lá thư đó, và cũng chỉ được nghe giải thích là đến năm 2100, nhà máy hết hạn sử dụng phải phá đi thì lúc có mới được mở lá thư ra xem.
Vừa rồi nhân đi với ông Ngô Xuân Lộc, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ là năm 1982 là tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, tôi có hỏi ông về chuyện này… Rồi tiếp theo, tôi lại được gặp ông Đỗ Xuân Duy, nguyên thư ký của ông Phan Ngọc Tường là tổng giám đốc tiền nhiệm của ông Lộc. Ông Duy là người được chứng kiến việc chuẩn bị lá thư cũng như tham gia dịch lá thư đó từ tiếng Nga sang tiếng Việt, đồng thời là người có mặt tại buổi lễ chuyển lá thư có vào “kho lưu trữ”.
Câu chuyện về lá thư được tái hiện như sau :
Khi nhà máy chuẩn bị được khởi công thì ông Bôgôchencô – Tổng chuyên viên, Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô, có nói là theo thông lệ ở Liên Xô và một số nước trên thế giới, khi xây dựng những công trình lớn hoặc hạ thủy một con tàu, người ta thường hay có những nghi lễ. Với hạ thủy tàu thì đập chai rượu sâm banh, còn những người xây dựng đập thủy điện thường viết một lá thư và bỏ vào chai thủy tinh chôn vào lòng đập và gọi là “lá thư gửi hậu thế”. Thấy đây là ý tưởng cũng hay và mang màu… huyền thoại nên lãnh đạo tổng công ty đã báo cáo lên đồng chí Đỗ Mười, khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Sau khi được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng và đồng chí Đỗ Mười đồng ý, lãnh đạo tổng công ty mời một số nhà văn, nhà báo, nhà trí thức tham gia viết thư. Tuy nhiên, đồng chí Đỗ Mười cũng khuyên là vì Việt Nam chưa có tục lệ này, cho nên không được “chôn” vào lòng đập mà nên đặt ở chỗ vào trang trọng. Và thế là sau khi bàn bạc với chuyên gia Liên Xô, lãnh đạo tổng công ty quyết định đặt lá thư đó vào lòng khối bê tông.
Về tên gọi của lá thư, nếu theo tiếng Nga dịch sang tiếng Việt thì có nghĩa là “Thư gửi hậu thế”: hoặc “Thông điệp gửi đời sau”. Tuy nhiên, cái “tít” này xem ra có vẻ “cổ”, cho nên sau nhiều hồi bàn tính, lãnh đạo Tổng Công ty Xây dựng Thủy điện Hòa Bình quyết định đặt tên là “Thư gửi thế hệ trẻ Việt Nam mai sau”. Nhưng rất nhiều người không thích cái tít của lá thư bởi nghe nó khô khan, cứng nhắc. Vì thế, với người của Tổng Công ty Xây dựng Thủy điện Sông Đà, cái tên “thư gửi người đời sau” thường được nhắc đến nhiều hơn và quả thật nghe cũng thấy có điều gì đó buồn man mác của người… biết thế nào cũng phải… đi xa!
Số lượng người tham gia viết khá nhiều trong đó có cả Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia Liên Xô, đồng chí Zasepilin. Để chọn lựa những lá thư hay nhất, Đảng ủy tổng công ty cử hẳn ra một nhóm nhưng “rất bí mật”.
Ông Đỗ Xuân Duy kể lại rằng: Lá thư hiện nay để trong khối bê tông là một công trình tập thể bởi đã được chọn lựa từ ý hay, lời đẹp của nhiều lá thư. Nhưng chắc chắn là có đoạn văn của hai người, đó là nhà báo Thép Mới và Zasepilin. Nhà báo Thép Mới khi đó đang công tác ở trong Nam và ông chưa một lần lên công trường xây dựng. Nhưng cảm xúc trước sự kiện chúng ta quyết tâm trị thủy sông Đà, ông đã viết lá thư. Và theo ông Ngô Xuân Lộc thì khi lá thư đã được chuẩn bị xong, lãnh đạo tổng công ty giao cho nhà báo Thép Mới chỉnh lý lần cuối. Vì là người đã tham gia dịch lá thư đó từ tiếng Việt ra tiếng Nga, hơn nữa, lời văn trong lá thư lại rất nuột nà, mang “nét” như giọng văn của bài “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới, cho nên ông Duy đã thuộc lòng, thậm chí từng dấu phẩy, dấu chấm. Tuy nhiên, ông tôn trọng cái sự bí mật “gửi thế hệ mai sau” cho nên chỉ đọc cho tôi một vài đoạn ngắn.
Đoạn mở đầu là của nhà báo Thép Mới: “Hôm nay trước núi Tản, sông Đà, những Sơn Tinh của thời đại mới – những người xây dựng Thủy điện Hòa Bình Việt Nam và Liên Xô xin gửi đến các thế hệ trẻ Việt Nam mai sau những dòng tâm huyết….
Rồi tiếp theo, lá thư nói về những khó khăn: “Thế hệ chúng tôi cơn chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, nhưng chúng tôi vẫn chắt chịu của cải và sức lực quyết tâm xây dựng thành công thủy điện Hòa Bình – công trình lớn nhất Đông Nam Á, biểu tượng tốt đẹp – của tình hữu nghị Việt – Xô cho đời đời con cháu mai sau”. Ông Duy chỉ “”tiết lộ” cho tôi có như vậy.
Thật ra, tôi cũng có một bản dự thảo lá thư này. Bản dự thảo đó ghi rõ ngày 12-1-1983 tức ngày 29-11 năm Nhâm Tuất.
Bản dự thảo có những đoạn rất xúc động. “Hỡi thế hệ mai sau! Chúng tôi đã đem hết sức mình để chinh phục dòng sông Đà. Truyền thống cần cù, dũng cảm của cha ông đã được duy trì và phát huy. Tại nơi đây, nhiều gương lao động sáng tạo đã xuất hiện con người mới xã hội chủ nghĩa đang vươn lên làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên. Thời gian sẽ trôi đi, nhưng những thành tựu của chúng tôi chắc chắn sẽ đóng góp cho sự phồn vinh và hùng cường của Tổ quốc.
Trong bản dự thảo này, có một đoạn do đồng chí Zasepilin viết được lựa chọn: “Hòa Bình – tên gọi công trình chúng tôi là biểu tượng tốt đẹp nhất, là nguyện vọng tha thiết nhất trên Trái đất này. Hãy giữ cho bầu trời trên đất nước Việt Nam và Liên Xô, trên những lục địa và đại dương mãi mãi Hòa Bình”.
Còn đoạn kết lá thư được viết như sau: “Tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô đời đời bền vững. Chủ nghĩa Cộng sản nhất định thắng”.
Chắc chắn rằng từ bản dự thảo đến bản chính còn có nhiều thay đổi về văn phong, câu chữ. Tuy nhiên, theo một số người biết lá thư thì những ý chính cơ bản như vậy.
Sau khi lá thư được hoàn chỉnh về nội dung, một cán bộ viết chữ đẹp được giao nhiệm vụ chép hai bản đó với tiếng Việt và tiếng Nga bằng mực Tàu.
Nghi lễ đặt lá thư cũng được tiến hành rất cầu kỳ theo đề nghị của đoàn chuyên gia Liên Xô, trong đó khó khăn nhất là việc lựa chọn… bốn người để bắt 4 con vít gắn tấm biển với khối bê tông.
Bốn người được lựa chọn theo tiêu chuẩn như sau:
Phải có già, có trẻ.
Phải có nam, có nữ.
Phải có Việt Nam và Liên Xô.
Và phải có người… trên trời và người… dưới đất.
Phải có già có trẻ thì không khó. Hai người được chọn là đồng chí Vũ Mão, khi đó là Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn và đồng chí V.M.Misien, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Liên Xô.
Có nam, có nữ thì hơi khó hơn. Có nam thì dễ, nhưng nữ thì chọn ai? Chị Lê Thị Ngừng, công nhân lái máy xúc EKG, sau này là Anh hùng Lao động được đề cử. Một nữ kỳ thủ vô địch thế giới môn cờ vua người Gruzia ở trong đoàn đại biểu thanh niên Liên Xô cũng được giới thiệu.
Nhưng còn… người trên giời và người dưới đất thì ai đây?
Người dưới đất thì là tổng giám đốc Ngô Xuân Lộc, hoàn toàn xứng đáng.
Nhưng còn người trên giời? Nghĩ mãi, cuối cùng, mọi người chọn nữ phi công vũ trụ thứ hai của Liên Xô là chị Xavitxkaia.
8 giờ 30 phút ngày 30-1-1983, tại sân nhà Điều độ Trung tâm, một buổi lễ long trọng được tổ chức với sự tham gia của 250 đại biểu thanh niên Liên Xô, 350 đại biểu thanh niên Việt Nam và hàng ngàn cán bộ, công nhân cùng hàng trăm chuyên gia Liên Xô.
Đồng chí Ngô Xuân Lộc đọc lá thư bằng tiếng Việt, đồng chí Zasepilin đọc bằng tiếng Nga.
Sau đó, hai lá thư được cho vào một thỏi đồng khoan rỗng và có nắp đậy rồi bỏ vào lòng khối bê tông.
Tiếp theo, các đồng chí Vũ Mão, Misien; Ngô Xuân Lộc và Xavitxkaia, mỗi người một chiếc tuốcnơvít bắt vít tấm biển thép vào khối bê tông.
Buổi lễ đã diễn ra trong sự trang nghiêm, xúc động và thiêng liêng. Nhưng mấy ngày sau, chả hiểu kẻ nào đã lấy đi một vít. Thế là người ta cho hàn chặt lại.
Vậy tại sao lại phải đến năm 2100 mới được mở?
Về việc này, có hai ý kiến giải thích.
Thứ nhất, đã là thư gửi « thế hệ mai sau” thì có nghĩa là lúc đó, những người sinh ra vào lúc thủy điện Hòa Bình khởi công, có lẽ không còn mấy người, và những công nhân, kỹ sư… tham gia xây dựng nhà máy cũng đã thành người “thiên cổ”.
Thứ hai, vào năm 2100, lớp bùn dưới lòng hồ đã dày thêm khoảng 56 mét, như vậy là không thể phát điện được nữa. Cần phải cho nhà máy nghỉ ngơi để nạo vét lòng hồ, hoặc phá bỏ nhà máy… Mà để làm được công việc đó thì phải mất hàng năm trời. Và lúc đó mới mở lá thư cho “thế hệ mai sau” biết ngày xưa, lớp cha ông đã lao động như thế nào.

Be the first to like this post.
Phản hồi
  1. [...] buôn gió). Những câu chuyện này sẽ giành cho thế hệ mai sau. Nhưng không như bức thư  bí ẩn được giấu dưới đập thủy điện Hòa Bình, hay “bức thư của công dân Hà Nội” gửi cho con cháu 100 năm sau, chôn [...]
  2. [...] buôn gió). Những câu chuyện này sẽ giành cho thế hệ mai sau. Nhưng không như bức thư  bí ẩn được giấu dưới đập thủy điện Hòa Bình, hay “bức thư của công dân Hà Nội” gửi cho con cháu 100 năm sau, chôn đâu đó [...]
  3. [...] buôn gió). Những câu chuyện này sẽ giành cho thế hệ mai sau. Nhưng không như bức thư  bí ẩn được giấu dưới đập thủy điện Hòa Bình, hay “bức thư của công dân Hà Nội” gửi cho con cháu 100 năm sau, chôn đâu đó [...]
  4. [...] buôn gió). Những câu chuyện này sẽ giành cho thế hệ mai sau. Nhưng không như bức thư  bí ẩn được giấu dưới đập thủy điện Hòa Bình, hay “bức thư của công dân Hà Nội” gửi cho con cháu 100 năm sau, chôn đâu đó [...]
     
     
    Bảo tàng Hà Nội:
    Dấu ấn đổi mới và hội nhập
    Thứ Sáu, 8.10.2010 | 09:15 (GMT + 7)
    Sáng 6.10, hàng ngàn người dân cả nước đã tụ hội về Bảo tàng Hà Nội để dự lễ khánh thành bảo tàng hiện đại nhất Việt Nam, cho thấy lòng mong mỏi của người dân đón chào sự ra đời của công trình bảo tàng mang dấu ấn lịch sử, mang thông điệp của thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhiều cổ vật đã được trưng bày cùng triển lãm sinh vật cảnh tại đây đáp ứng nhu cầu tham quan của nhân dân.
    Từ kho cổ vật ít người biết...
    Bảo tàng Hà Nội được thành lập từ năm 1982 và trụ sở văn phòng thuở ban đầu nằm khiêm tốn trên phố Hàm Long. Trong quá trình nghiên cứu và chỉnh lý hiện vật, Bảo tàng Hà Nội đã hình thành các sưu tập rất phong phú và đa dạng như: Sưu tập đồ đá, sưu tập đồ đồng, sưu tập gốm sứ các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn và của Trung Quốc, Nhật Bản... Trong kho Bảo tàng Hà Nội lưu trữ rất nhiều hiện vật, trong đó riêng kho cổ vật quý hiếm đã chiếm gần 50% số hiện vật với đủ loại hình và chất liệu khác nhau, có giá trị về khoa học và lịch sử rất lớn, là minh chứng Hà Nội là một trung tâm quần cư của người Việt cổ.
    Tuy nhiên, cho đến trước năm 2008, nhiều người dân Hà Nội, đặc biệt là thế hệ 8X, 9X, thậm chí 7X còn không hề biết rằng Hà Nội có một kho cổ vật lớn có giá trị vô giá. Do Hà Nội chưa có một bảo tàng đúng nghĩa để trưng bày các hiện vật, nên hơn 7.000 cổ vật, hiện vật đã được sưu tầm, hiến tặng đều được gửi ở Bảo tàng Lịch sử và chùa Hưng Ký (phố Minh Khai).
    Theo các nhà nghiên cứu Hà Nội, từ năm 1984, TP đã có đề án xây dựng bảo tàng. Lãnh đạo HN, các bảo tàng trung ương và các địa phương rất quan tâm, muốn tham gia đóng góp để Bảo tàng HN sớm ra đời. có 15 địa điểm được đưa ra để xây bảo tàng, từ Vân Hồ cho đến phần đất của Bộ NNPTNT, 47 Hàng Dầu, rồi Cát Linh, Mỹ Đình..., nhưng khi triển khai thì không hề đơn giản.
    ...đến bảo tàng hiện đại nhất
    Ngày 19.5.2008, UBND TP.Hà Nội đã chính thức khởi công công trình Bảo tàng Hà Nội tại xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm), nằm kề Trung tâm Hội nghị quốc gia, là một trong những dự án thuộc quy hoạch tổng thể của khu vực này. Vậy là sau mấy chục năm chờ đợi, Hà Nội đã khánh thành bảo tàng xứng tầm với vị thế của thủ đô ngàn tuổi vào sáng 6.10.2010. Bảo tàng Hà Nội có tổng diện tích gần 53.963m2; cao 30,7m. Công trình gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm; diện tích xây dựng khoảng 12.000m2, diện tích sàn hơn 30.000m2 (kể cả tầng hầm và tầng mái), trong đó tầng 4 có diện tích lớn nhất, các tầng dưới nhỏ dần và đầy đủ các công trình liên hoàn. Công trình được thiết kế 3 cầu thang máy, 4 thang bộ. Hai tầng hầm của bảo tàng được bố trí hai phòng họp và các phòng kỹ thuật phục vụ. Ở tầng 1 (cao 6m) là khu trưng bày tạm thời và khu giải khát. Từ tầng 2 đến tầng 4 bố trí không gian trống linh hoạt cho việc thiết lập khu trưng bày hiện vật. Riêng tầng 4 còn bố trí thêm khu văn phòng hành chính cho đơn vị quản lý bảo tàng.
    Có chứng kiến cảnh dòng người ùn ùn đổ về bảo tàng sáng khánh thành bảo tàng mới thấy hết lòng mong mỏi của người dân thủ đô cũng như nhân dân cả nước với công trình mang dấu ấn lịch sử này. Đã lâu lắm rồi, đến bây giờ người Hà Nội mới thôi trăn trở về một câu hỏi: “Đến bao giờ thực có một bảo tàng của Hà Nội?". Người Hà Nội đã có thể đi, ngắm và “tìm” một Hà Nội hào hoa, thanh lịch, một Hà Nội kiên cường, trung dũng, một Hà Nội thâm trầm, sâu lắng – Hà Nội của ngàn năm văn hiến trong từng mảnh gốm, từng viên đá hay chỉ là cái thau đồng...
    Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị: "Bảo tàng Hà Nội được khánh thành đúng vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội thực sự là một công trình văn hoá tiêu biểu ghi dấu ấn của thời kỳ thủ đô đổi mới và hội nhập. Tại đây, chúng ta được ngắm nhìn hiện vật của thời tiền sử, đương sử, các hiện vật tinh xảo rực rỡ của thời kỳ Đông Sơn... Và một hiện vật tiêu biểu nhất kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, đó là bức thư của các công dân Hà Nội gửi mai sau. Chúng ta giao ước sẽ mở sau 100 năm nữa".
    Bích Hường
     
    (Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. Báo Lao động điện tử có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết. Những bài viết này sẽ không được trả nhuận bút)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét